Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:13:08 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngày dài nhất - Cornelius Ryan  (Đọc 80088 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 10:10:12 am »

Berchtesgaden nằm yên bình trong buổi sáng sớm. Thời tiết ấm áp và ngột ngạt, và mây treo lơ lửng trên những đỉnh núi xung quanh. Ở nơi ẩn dật trên núi giống như một pháo đài của Hitler tại Obersalzberg, mọi thứ vẫn yên tĩnh. Quốc trưởng đang ngủ. Cách đó vài km, tại sở chỉ huy của ông ta, Reichskanzlet, buổi sáng diễn ra như thường lệ. Chuẩn thống chế Alfred Jodl, Cục trưởng Tác chiến OKW đã dậy lúc 6 giờ. Ông dùng bữa sáng nhẹ như mọi khi (một tách cà phê, một quả trứng luộc và một lát mỏng bánh mì), và giờ đang bận rộn đọc các báo cáo ban đêm trong căn phòng nhỏ cách âm của mình.

Những tin tức từ Italy vẫn tiếp tục tồi tệ. Rome đã thất thủ 24 giờ trước đó và các đơn vị dưới quyền Thống chế Albert Kesselring đang chịu sức ép nặng nề trong khi rút lui. Jodl nghĩ rằng quân Đồng minh sẽ tiếp tục chọc thủng tuyến phòng ngự trước khi Kesselring kịp cho rút về phía bắc. Jodl lo ngại về nguy cơ sụp đổ ở Italy nên đã ra lệnh cho người phó, Đại tướng Walter Warlimont đến sở chỉ huy của Kesselring để nắm tình hình thực tế. Warlimont sẽ khởi hành vào cuối ngày hôm đó.

Không có gì mới từ Nga. Mặc dù phạm vi thẩm quyền chính thức của Jodl không bao gồm mặt trận phía Đông, từ lâu ông đã tự đưa mình vào vị trí “cố vấn” cho Quốc trưởng về cuộc chiến trên đất Nga. Hiện nay, cuộc tiến công mùa hè của Hồng quân có thể bắt đầu vào bất cứ lúc nào, và dọc theo chiến tuyến dài 3.200km, 200 sư đoàn Đức – hơn 1,5 triệu người – đang căng thẳng chờ đợi nó. Nhưng sáng nay mặt trận Nga vẫn yên tĩnh. Phụ tá của Jodl đã chuyển tới nhiều báo cáo từ tổng hành dinh của Rundstedt về cuộc tấn công của quân Đồng minh lên Normandy. Jodl không nghĩ tình hình ở đó nghiêm trọng, ít nhất là vẫn chưa. Vào lúc này mối quan tâm lớn của ông là Italy.

Ở doanh trại tại Strub cách đó vài km, phó của Jodl, Đại tướng Warlimont đã cẩn thận theo dõi cuộc tấn công Normandy từ 4:00 sáng. Ông đã nhận được điện của OB West yêu cầu chuyển giao các đơn vị xe tăng dự bị - Sư đoàn Panzer Lehr và SS 12 – và đã trao đổi qua điện thoại với tham mưu trưởng của Von Rundstedt, Thiếu tướng Geunther Blumentritt. Giờ Warlimont gọi cho Jodl.

“Blumentritt đã gọi về số xe tăng dự bị”, Warlimont báo cáo. “OB West muốn điều họ tới khu vực đổ bộ ngay lập tức”.

Như Warlimont nhớ lại, Jodl im lặng khá lâu trước khi trầm ngâm hỏi. “Ông có chắc đây là cuộc đổ bộ?”, Jodl hỏi. Trước khi Warlimont có thể trả lời, Jodl tiếp tục, “Theo những báo cáo mà tôi nhận được thì đây có thể là một cuộc tấn công nghi binh… một phần của kế hoạch lừa gạt. OB West đã có đủ quân dự bị… OB West nên cố gắng đẩy lui cuộc tấn công với lực lượng trong tay… Tôi không nghĩ đây là thời điểm thích hợp để chuyển giao các đơn vị dự bị OKW… Ta phải đợi cho tình hình rõ ràng hơn”.

Warlimont biết tranh cãi là vô ích, mặc dù ông tin rằng cuộc đổ bộ ở Normandy nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì mà Jodl nghĩ. Ông hỏi Jodl, “Thưa ngài, với tình hình Normandy như vậy, tôi có tiếp tục đi Italy như kế hoạch không?". Jodl trả lời, “Có, có, tôi không thấy có lí do gì để không làm thế”. Rồi ông gác máy.

Warlimont đặt điện thoại xuống. Quay sang Thiếu tướng Von Buttlar-Brandenfels, Trưởng ban Tác chiến Lục quân, ông cho biết về quyết định của Jodl. “Tôi thông cảm với Blumentritt”, Warlimont nói, “Quyết định này hoàn toàn trái ngược với những đánh giá của tôi về kế hoạch đổ bộ này”.



Đại tướng Walter Warlimont, Phó tổng tham mưu trưởng OKW.

Warlimont bị “sốc” vì giải thích theo nghĩa đen của Jodl về chỉ thị của Hitler đối với việc kiểm soát các đơn vị xe tăng. Sự thật, chúng là dự bị của OKW và do đó được đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Hitler. Nhưng, cũng giống như Von Rundstedt, Warlimont đã luôn hiểu rằng “trong trường hợp quân Đồng minh tấn công, bất kể là nghi binh hay không, các đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao ngay tập tức – chuyển giao tự động, trên thực tế”. Đối với Warlimont, làm như thế mới hợp lý; người chỉ huy ở chiến trường đối đầu với cuộc đổ bộ phải có trong tay mọi lực lượng để sử dụng khi cần thiết, đặc biệt khi người đó lại là một trong những “Hiệp sĩ Đen” cuối cùng của nước Đức - chiến lược gia đáng kính Von Rundstedt. Jodl có thể chuyển giao các đơn vị đó, nhưng ông đã bỏ qua. Như Warlimont nhớ lại sau này, “quyết định của Jodl là cái mà ông nghĩ Hitler cũng sẽ đưa ra”. Warlimont cảm thấy quan điểm của Jodl chỉ là một ví dụ khác về “sự rối loạn về chỉ huy trong Hội đồng lãnh đạo”. Nhưng không ai tranh cãi với Jodl. Warlimont cho Blumentritt biết qua điện thoại. Lúc này quyết định điều động đơn vị xe tăng dự bị dựa vào tính cách thất thường của người mà Jodl cho là một thiên tài quân sự – Hitler.

Viên sĩ quan đã lường trước chuyện đó và đang hy vọng sẽ thảo luận nó với Hitler đang ở cách Berchtesgaden không đầy 2 giờ chạy xe. Thống chế Erwin Rommel ở tư gia tại Herrlingen, Ulm, dường như bằng cách nào đó đã bị bỏ quên trong sự bối rối. Không có ghi chép nào trong cuốn nhật ký chi tiết của Cụm quân B cho thấy Rommel ít ra là được nghe về cuộc đổ bộ Normandy.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 10:10:59 am »

Tại OB West ngoại ô Paris, quyết định của Jodl gây ra sự choáng váng và hoài nghi. Thiếu tướng Bodo Zimmermann, Trưởng phòng Tác chiến nhớ lại rằng Von Rundstedt “tức điên lên, đỏ mặt và cơn thịnh nộ khiến ông hành động một cách khó hiểu”. Zimmermann cũng không thể hiểu nổi. Đêm đó, trong cuộc gọi tới OKW, Zimmermann đã báo cho sĩ quan trực của Jodl, Trung tá Friedel rằng OB West đã ra lệnh báo động 2 sư đoàn xe tăng. “Không có sự phản đối nào về việc đó”, Zimmermann cay đắng nhớ lại. Giờ ông gọi OKW một lần nữa và trao đổi với Trưởng ban Tác chiến Lục quân, Thiếu tướng Von Buttlar-Brandenfels. Ông được tiếp đón lạnh nhạt – Von Buttlar đã được Jodl gợi ý. Ông ta huênh hoang trong cơn giận dữ bột phát, “Những sư đoàn đó nằm dưới quyền điều động trực tiếp của OKW! Các anh không có quyền ra lệnh báo động họ mà không được chúng tôi cho phép trước. Các anh phải dừng lại ngay lập tức – không được làm gì trước khi Quốc trưởng đưa ra quyết định!”. Khi Zimmermann cố gắng tranh cãi, Von Buttlar chặn họng ông lại bằng giọng nói the thé, “Hãy làm như đã được yêu cầu!”.

Nước đi tiếp theo thuộc về Von Rundstedt. Là một thống chế, ông có thể gọi trực tiếp cho Hitler, và có thể những đơn vị xe tăng sẽ được chuyển giao ngay lập tức. Nhưng Von Rundstedt không gọi cho Quốc trưởng lúc đó hay bất cứ lúc nào trong D-Day. Ngay cả tính nghiêm trọng của cuộc đổ bộ cũng không buộc được nhà quý tộc Von Rundstedt phải cầu xin với người mà ông vẫn thường gọi là “gã cai Bohem”. *

* Theo Von Buttlar-Brandenfels, Hitler biết rõ sự khinh miệt của Rundstedt. Hitler từng nói ,“Chừng nào mà Thống chế còn cằn nhằn thì mọi sự vẫn ổn” – TG.
 
Nhưng các sĩ quan của ông vẫn tiếp tục gọi điện dồn dập tới OKW trong những nỗ lực vô vọng nhằm có được quyết định điều động. Họ gọi cho Warlimont, Von Butltar-Brandenfels và cả sĩ quan quản trị của Hitler, Thiếu tướng Rudolf Schmundt. Đó là một cuộc đấu tranh kì quặc, kéo dài hàng giờ. Zimmermann tóm tắt lại thế này: “Khi chúng tôi cảnh báo là nếu không có các đơn vị xe tăng, cuộc đổ bộ Normandy có thể thành công và dẫn tới những hậu quả khó lường, chúng tôi được bảo đơn giản là mình không ở vị trí đánh giá đúng mức, rằng cuộc đổ bộ thực sự sẽ diễn ra ở một nơi hoàn toàn khác”. * Và Hitler, được bao bọc bởi những kẻ nịnh bợ trong quân đội, đã ngủ suốt trong lúc đó ở thế giới không tưởng êm dịu ở Berchtesgaden.

* Hitler đã trở nên tin chắc rằng cuộc đổ bộ “thật” sẽ bắt đầu ở khu vực Pas-de-Calais đến mức ông ta giữ nguyên Tập đoàn quân 15 của Von Salmuth cho đến tận ngày 24 tháng 7. Đến lúc đó thì đã quá muộn. Trớ trêu thay, ban đầu Hitler dường như là người duy nhất tin cuộc đổ bộ sẽ xảy ra ở Normandy. Tướng Blumentritt kể,“Tôi nhớ rõ một cuộc gọi từ Jodl hồi tháng 4, khi đó ông ta nói rằng “Quốc trưởng có thông tin rõ ràng rằng không phải là không có khả năng sẽ diễn ra một cuộc đổ bộ ở Normandy” – TG.

Ở tổng hành dinh của Rommel tại La Roche-Guyon, Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Speidel vẫn chưa biết gì về quyết định của Jodl. Ông tưởng rằng 2 sư đoàn xe tăng dự bị đã được báo động và đang trên đường. Speidel cũng biết rằng Sư đoàn Panzer 21 đang cơ động vào vị trí tập kết phía nam Caen, và mặc dù phải mất một thời gian nữa những chiếc xe tăng mới vào trận, một số đơn vị trinh sát và bộ binh của nó đã đang chiến đấu với kẻ địch. Do vậy sở chỉ huy có một không khí lạc quan tin tưởng. Đại tá Leodegard Freyberg nhớ lại “cảm tưởng chung là đến cuối ngày quân Đồng minh sẽ bị đẩy xuống biển”. Phó đô đốc Friedrich Ruge, phụ tá hải quân của Rommel cũng chia sẻ sự phấn khởi đó. Nhưng Ruge để ý thấy một điều khác thường:

Người quản gia nhà de La Rochefoucauld đã lặng lẽ đi khắp lâu đài và hạ những tấm thảm thêu Goblin vô giá trên tường xuống.

Có vẻ ở sở chỉ huy Tập đoàn quân 7, đơn vị đang giao chiến thực sự với quân Đồng minh, người ta có lí do để lạc quan hơn. Đối với những sĩ quan tham mưu, tình hình hiện tại là Sư đoàn 352 đã đẩy quân địch xuống biển ở khu vực giữa Vierrville và Colleville – bãi Omaha. Nguyên do là một sĩ quan tại một căn hầm nhìn xuống bãi biển cuối cùng cũng về được sở chỉ huy với báo cáo lạc quan về diễn biến chiến sự. Báo cáo này được đánh giá quan trọng đến mức nó được ghi lại từng từ một. “Tại mép nước”, viên sĩ quan chứng kiến nói, “quân địch phải tìm chỗ nấp sau những chướng ngại vật. Rất nhiều xe cơ giới – trong đó có 10 xe tăng – cháy nằm trên bãi biển. Các đội phá hủy vật cản đã phải chấm dứt hoạt động. Quá trình đổ bộ từ tàu đã ngừng lại... các tàu phải đỗ ở xa. Hỏa lực từ các cứ điểm và của pháo binh khá chuẩn xác và đã gây thương vong đáng kể cho địch. Rất nhiều người chết và bị thương nằm trên bãi biển...” *

* Báo cáo này được truyền đạt trực tiếp đến trưởng ban Tác chiến Sư đoàn 352, Trung tá Ziegelmann khoảng giữa 8 đến 9 giờ bởi Đại tá Goth quả quyết, người chỉ huy các cứ điểm ở Pointe et Raz de la Perceee khống chế khu Vierville của bãi Omaha. Điều này đã tạo nên sự phấn chấn mà Ziegelmann, căn cứ vào chính những gì ông viết sau chiến tranh, đã đánh giá rằng mình đang chiến đấu với “lực lượng địch yếu”. Những báo cáo sau đó còn lạc quan hơn và đến 11:00 sáng, tướng Kraiss, Sư đoàn trưởng 352 tin chắc là bãi Omaha đã được quét sạch đến mức ông điều động các đơn vị dự bị sang tăng cường cho cánh phải của sư đoàn ở khu vực của quân Anh – TG.

Đây là tin tốt đầu tiên mà Tập đoàn quân 7 nhận được. Tinh thần lên rất cao, nên khi Tư lệnh Tập đoàn quân 15, Đại tướng von Salmuth đề nghị cử Sư đoàn Bộ binh 346 sang giúp Tập đoàn quân 7, ông đã bị từ chối một cách ngạo mạn. “Chúng tôi không cần đến họ”.



Quân Mỹ thương vong trên bãi Omaha.

Ngay cả khi tất cả đều tin tưởng, Tham mưu trưởng Tập đoàn quân 7, Thiếu tướng Pemsel vẫn đang cố nối những mảnh ghép lại để có được bức tranh chính xác về tình hình. Điều này là khó khăn, vì ông gần như không thể liên lạc được. Đường dây và cáp đã bị cắt hoặc phá hủy bởi quân kháng chiến Pháp, bởi lính dù hay do các cuộc bắn phá. Pemsel nói với sở chỉ huy của Rommel, “Tôi đang chiến đấu theo kiểu mà William the Conqueror phải đánh – chỉ bằng tai và mắt”. Thực tế Pemsel không biết liên lạc xấu tới mức nào. Ông nghĩ chỉ có lính dù ở bán đảo Cherbourg. Lúc này ông không có ý niệm gì là cuộc đổ bộ đường biển đã diễn ra ở bờ đông bán đảo, tại bãi Utah.

Pemsel rất khó khăn để xác định chính xác giới hạn không gian của cuộc tấn công, ông chỉ chắc chắn một điều – cuộc tấn công ở Normandy chính là cuộc đổ bộ. Ông tiếp tục chỉ ra điều đó với những cấp trên ở tổng hành dinh của Rommel và Von Rundstedt, nhưng ông chỉ là thiểu số. Cả Cụm quân B và OB West đều viết trong báo cáo buổi sáng của họ, “vào lúc này, vẫn còn quá sớm để nói rằng đây là hướng chính hay chỉ là một cuộc nghi binh quy mô lớn”. Các vị tướng vẫn tiếp tục chờ đợi Schwerpunkt (hướng chủ công). Dọc theo bờ biển Normandy, bất cứ binh nhì nào cũng có thể nói cho họ nó nằm ở đâu.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2010, 08:11:35 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 10:18:27 am »

Cách bãi Sword 800m, Binh nhất Josef Heager bàng hoàng và run rẩy bằng cách nào đó đã tìm được cò của khẩu súng máy và tiếp tục nổ súng. Mặt đất dường như đang nổ tung xung quanh anh. Tiếng nổ inh tai. Đầu ong lên và người xạ thủ súng máy 18 tuổi phát mệt vì tiếng ồn. Anh đã chiến đấu tốt, giúp yểm trợ cuộc rút lui của đại đội khi tuyến phòng thủ của Sư đoàn 716 ở bãi Sword bị chọc thủng. Heager không biết mình đã hạ được bao nhiêu tay Tommy. Bị thôi miên, anh đã chứng kiến họ xuất hiện trên bãi biển và bắn gục từng người một. Trước đây anh ta vẫn thường tự hỏi giết kẻ thù thì sẽ như thế nào. Anh đã nói chuyện đó nhiều lần với những người bạn Huf, Saxler và "Ferdi" Klug. Giờ Heager đã biết: Nó đơn giản đến khủng khiếp. Huf không kịp sống để thấy nó dễ ra sao – anh ta bị giết khi họ bỏ chạy. Heager để anh ta nằm lại trong một hàng rào cây, mồm há hốc với một cái lỗ mà trước đây là trán. Heager không biết Saxler đâu, nhưng Ferdi vẫn ở bên cạnh, mù một nửa, máu chảy xuống mặt từ những vết thương do mảnh đạn. Và bây giờ Heager biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi họ bị giết sạch. Anh và 19 người nữa – những gì còn lại của đại đội – đang ở trong chiến hào trước một căn hầm nhỏ. Họ bị bắn từ khắp nơi bởi súng máy, súng cối và súng trường. Họ đã bị bao vây. Hoặc là đầu hàng, hoặc là chết. Tất cả đều biết thế - tất cả trừ viên đại úy giữ súng máy trong căn hầm sau lưng họ. Anh ta không để họ vào trong. “Chúng ta phải tử thủ! Phải tử thủ!”, anh ta liên tục gào thét.

Đó là giây phút kinh khủng nhất trong đời Heager. Anh không còn biết mình bắn vào cái gì nữa. Mỗi khi pháo kích ngừng anh lại bóp cò như một cái máy và cảm thấy sức giật của khẩu súng máy. Nó tiếp thêm can đảm cho anh. Rồi đạn pháo lại rơi xuống và mọi người lại kêu la với viên đại úy. “Cho chúng tôi vào! Cho chúng tôi vào!”.

Có lẽ những chiếc xe tăng đã khiến viên đại úy thay đổi. Tất cả họ đều nghe thấy tiếng gầm gừ và lách cách. Có 2 chiếc. Một dừng lại cách đó một quãng. Chiếc còn lại chậm chạp tiến lên, húc đổ hàng rào và đi ngang qua 3 con cừu đang trệu trạo nhai cỏ một cách vô tư lự gần đó. Các binh sĩ trong chiến hào thấy nòng pháo từ từ hạ thấp, sẵn sàng để bắn trực xạ. Chính vào lúc đó, chiếc xe tăng bất ngờ nổ tung một cách lạ lùng. Một xạ thủ chống tăng nấp trong hào đã dùng viên đạn rocket cuối cùng với cái đuôi lửa nóng rực và bắn chính xác. Bị mê hoặc và vẫn không hiểu điều gì vừa xảy ra, Heager và người bạn Ferri thấy nắp xe bật mở và qua màn khói đen cuồn cuộn một người đang cố liều chui ra. Bộ quân phục bốc cháy, anh ta kêu gào chui được nửa người ra rồi gục xuống, xác vắt lên thành xe. Heager nói với Ferdi, “Tớ hy vọng Chúa sẽ cho chúng ta chết tử tế hơn”.

Chiếc xe tăng thứ hai khôn ngoan đứng lại ngoài tầm súng chống tăng, bắt đầu khai hỏa và cuối cùng viên đại úy ra lệnh cho tất cả vào hầm. Heager cùng những người sống sót ùa vào trong – thực sự là một cơn ác mộng. Căn hầm có kích thước vừa vặn bằng một gian phòng khách chất đầy xác chết và những người hấp hối. Hơn 30 người chen chúc trong hầm đến mức không thể ngồi xuống hay thậm chí cả xoay người. Tối tăm, nóng bức và ồn ào khủng khiếp. Những thương binh đang kêu gào. Người ta nói chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ - nhiều người trong số đó là người Nga hay Ba Lan. Và suốt thời gian đó, viên đại úy nã đại liên qua lỗ châu mai duy nhất, không để ý đến tiếng kêu của những người bị thương, “Đầu hàng! Đầu hàng!”.

Không gian trở nên yên tĩnh trong chốc lát và Heager cùng những người lính đang ngạt thở trong hầm nghe thấy ai đó ở ngoài hét lên, “Được rồi, quân Đức – tốt hơn là chui ra đi!”. Viên đại úy giận dữ khai hỏa khẩu súng máy. Vài phút sau họ lại nghe thấy giọng nói đó. “Các anh nên đầu hàng đi, Fritz!”.

Họ ho sù sụ vì làn khói cay sè từ khẩu đại liên. Mỗi lần viên đại úy dừng lại để nạp đạn, giọng nói kia lại vang lên kêu gọi họ đầu hàng. Cuối cùng ai đó phía ngoài gọi bằng tiếng Đức và Heager sẽ luôn ghi nhớ là một thương binh, gần như chỉ dùng có 2 từ tiếng Anh mà anh ta biết bắt đầu đáp lại, “Xin chào, các cậu! Xin chào, các cậu! Xin chào, các cậu!”.

Tiếng súng bên ngoài ngừng lại và đối với Heager dường như tất cả đều nhận ra cùng một lúc chuyện gì sắp đến. Có một cửa nhỏ chỗ mái vòm trên đầu họ. Heager với mấy binh sĩ nữa nâng một người lên để quan sát. Đột nhiên, anh ta hét lên, “Súng phun lửa! Họ đang mang súng phun lửa tới!”.

Heager biết lửa sẽ không lan tới được chỗ họ vì những ống thông khí bằng kim loại đi vào căn hầm từ phía sau được thiết kế hình chữ chi. Nhưng hơi nóng có thể giết chết họ. Bất ngờ họ nghe thấy tiếng “phụt” của súng phun lửa. Lúc này chỗ duy nhất mà không khí có thể vào là qua lỗ châu mai, nơi viên đại úy vẫn đang xả súng dữ dội và qua cái lỗ trên trần.

Nhiệt độ từ từ tăng lên. Vài người hoảng loạn, cào xé, xô đẩy và kêu lên, “Chúng ta phải ra khỏi đây”. Họ cố cúi xuống và bò qua chân những người khác về phía cửa. Nhưng bị lèn cứng bởi những người xung quanh, họ thậm chí còn không thể cúi xuống được. Lúc này tất cả đều cầu xin viên đại úy đầu hàng. Anh ta thậm chí không thèm quay lại, vẫn tiếp tục bắn. Không khí trở nên khủng khiếp không thể nào tả được.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 10:22:00 am »

“Tất cả hít thở theo hiệu lệnh của tôi”, một trung úy hô lên. “Hít!... Thở!... Hít… Thở!”. Heager dõi theo đường ống thông khí chuyển từ màu hồng sang đỏ và rồi trắng rực rỡ. “Hít!... Thở!... Hít!... Thở!”, viên sĩ quan hô. “Xin chào, các cậu! Xin chào, các cậu!”, người thương binh kêu khóc. Và bên chiếc điện đài đặt trong góc Heager có thể nghe thấy người điện đài viên nhắc đi nhắc lại, “Rau chân vịt! Rau chân vịt!”.

“Chỉ huy!”, viên trung úy hét lên, “thương binh đang chết ngạt – chúng ta phải đầu hàng!”.

“Không có chuyện đó!”, viên đại úy gầm lên, “Chúng ta sẽ mở đường máu! Kiểm điểm quân số và vũ khí!”.

“Không! Không!”, người ta kêu lên từ khắp nơi trong căn hầm.

Ferdi bảo Heager, “Cậu là người duy nhất có súng máy ngoài tay đại úy kia. Thằng điên đó sẽ đẩy cậu ra đầu tiên, tin tớ đi”.

Lúc này, nhiều binh sĩ đã bực dọc tháo quy lát súng trường và ném chúng xuống sàn. “Tớ không đi đâu”, Heager nói với Ferdi. Anh tháo khóa an toàn khẩu đại liên và quẳng đi.

Người ta bắt đầu suy sụp vì sức nóng. Chân khuỵu xuống, đầu choáng váng, họ vẫn ở trong tư thế đứng, họ không thể gục xuống sàn được. Người trung úy trẻ tiếp tục van xin viên đại úy, nhưng vô hiệu. Không ai có thể tới được cửa, vì nó ngay sát lỗ châu mai và viên đại úy ở đó với khẩu súng máy.

Bỗng nhiên anh ta ngừng bắn và quay lại hỏi người điện đài viên, “Đã liên lạc được chưa?”. Người điện đài viên trả lời, “Không được gì, thưa chỉ huy”. Dường như lần đầu tiên viên đại úy nhìn thấy căn hầm chật cứng. Anh ta có vẻ kinh ngạc và hoang mang. Rồi anh ta hạ súng xuống và nói một cách cam chịu, “Mở cửa ra”.

Heager thấy ai đó buộc mảnh vải trắng vào đầu súng và thò ra qua lỗ châu mai. Bên ngoài một giọng nói cất lên, “Được rồi, Fritz, ra ngoài đi – từng người một!”.

Thở hổn hển và lóa mắt vì ánh sáng, họ lảo đảo bước ra từ căn hầm tối tăm. Nếu không nhanh chóng bỏ vũ khí và mũ sắt xuống, những người lính Anh đứng hai bên thành hào sẽ bắn xuống đất sau lưng họ. Ở cuối hào, những người bắt giữ cắt thắt lưng, dây lưng và rạch đứt cúc quần. Rồi họ phải nằm úp mặt xuống đất.

Heager và Ferdi đi dọc hào, tay giơ lên trời. Khi cắt thắt lưng của Ferdi, một sĩ quan Anh nói, “Trong 2 tuần nữa bọn tao sẽ gặp bạn mày ở Berlin, Fritz ạ”. Ferdi với khuôn mặt chảy máu và sưng phồng vì mảnh đạn cố pha trò. Anh nói, “Đến lúc đó thì bọn tôi đã ở Anh”. Anh muốn nói là ở trong trại tù binh, nhưng người Anh kia không hiểu. “Dẫn mấy thằng này ra bờ biển!”, anh ta gầm lên. Tay giữ lấy quần, họ bị giải đi, ngang qua chiếc xe tăng vẫn đang cháy và mấy con cừu vẫn đang bình thản gặm cỏ.

Mười lăm phút sau, Heager và những người khác sẽ phải lao động quanh các chướng ngại vật trên bờ biển, tháo gỡ mìn. Ferdi nói với Heager, “Tớ cá là cậu chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cậu đặt mìn ở đây để rồi đến một ngày lại phải gỡ chúng đi”. *

* Tôi chưa thể xác định được viên đại úy cuồng tín đã cố thủ căn hầm đó là ai, nhưng Heager tin rằng tên anh ta là Gundlach, và người sĩ quan cấp dưới là Trung úy Luke. Ngày hôm đó Heager sẽ gặp người bạn đã biến mất – Saxler, cũng đang phải lao động giữa những chướng ngại vật. Đêm đó họ được đưa tới Anh và 6 ngày sau Heager cùng 150 lính Đức dừng lại ở New York trên đường tới một trại tù binh của Canada – TG.



Tù binh Đức ở Normandy.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 09 Tháng Tư, 2010, 10:23:23 am »

Binh nhì Aloysius Damski không có tí tinh thần chiến đấu nào. Damski, một người Ba Lan đã bị bắt lính vào Sư đoàn 716 từ lâu đã quyết định rằng nếu cuộc đổ bộ xảy ra, anh ta sẽ chạy thẳng tới chiếc tàu gần nhất và xin hàng. Nhưng Damski không có cơ hội. Quân Anh đổ bộ dưới sự bắn phá của hải quân và hỏa lực xe tăng dữ dội đến mức chỉ huy đại đội pháo của anh, ở một vị trí gần đầu phía đông bãi Gold đã nhanh chóng ra lệnh rút lui. Damski nhận ra nếu chạy lên đồng nghĩa với cái chết không tránh được – hoặc do quân Đức phía sau, hoặc do quân Anh phía trước. Nhưng nhân lúc rút quân hỗn loạn, anh đã tìm đường chuồn đến làng Tracy, nơi anh đã trú trong nhà của một bà già người Pháp. Nếu ở đây, Damski tính, anh có thể ra hàng khi ngôi làng bị chiếm.

Trong khi đang len lỏi trên cánh đồng Damski đụng phải một tay hạ sĩ Wehrmacht cứng cỏi cưỡi ngựa. Đi trước anh ta là một binh nhì khác, một người Nga. Viên hạ sĩ nhìn Damski và ngoác miệng ra cười, “Nào, cậu nghĩ là mình đang đi đâu đấy?”. Họ nhìn nhau một giây và Damski biết viên hạ sĩ cho rằng anh đang đào ngũ. Rồi vẫn mỉm cười, tay hạ sĩ nói, “Tôi nghĩ tốt hơn là cậu nên đi cùng với bọn này”. Damski không ngạc nhiên. Khi họ đi tiếp anh chua chát nghĩ rằng vận may của mình vốn chưa bao giờ tốt đẹp và hiển nhiên là nó chưa khá hơn tí gì.

Cách đó 16km, ở khu vực phụ cận Caen, Binh nhì Wilhelm Voigt của một đơn vị điện đài cơ động cũng đang tự hỏi làm sao để đầu hàng. Voigt đã sống 17 năm ở Chicago, nhưng anh chưa bao giờ được nhập quốc tịch. Năm 1939 vợ anh về thăm nhà ở Đức đã buộc phải ở lại chăm sóc bà mẹ ốm đau. Năm 1940, bất chấp lời khuyên của bạn bè, Voigt quyết định đưa cô về. Không thể đến Đức bằng con đường chính thức trong thời chiến, anh phải đi lòng vòng qua Thái Bình Dương để đến Nhật, rồi tới Vladivostok và lên tàu Trans-Siberian tới Moscow. Từ đây anh tới Ba Lan và vào Đức. Chuyến đi mất gần 4 tháng, và sau khi vượt biên giới Voigt không thể quay lại. Vợ chồng anh đã mắc kẹt. Bây giờ, lần đầu tiên sau 4 năm, anh có thể nghe thấy giọng Mỹ trong tai nghe. Đã hàng giờ anh nghĩ xem sẽ nói gì khi gặp người lính Mỹ đầu tiên. Anh sẽ chạy lại chỗ họ và hét lên, “Chào các cậu, tớ ở Chicago đây!”. Nhưng đơn vị của anh bị giữ quá xa phía sau. Anh gần như đã đi vòng quanh thế giới chỉ để trở lại Chicago – và giờ tất cả những gì anh có thể làm là ngồi trên chiếc xe tải, lắng nghe giọng nói, đối với anh là giọng nói của quê hương cách đó có vài cây số. *

* Voigt không trở lại. Hiện tại anh vẫn sống ở Đức, làm việc cho hãng Pan American Airways – TG.

Phía sau bãi Omaha, Thiếu tá Werner Pluskat nằm thở dốc trong một con hào. Gần như không thể nhận ra anh nữa. Mũ sắt đã mất. Bộ quân phục rách tả tơi. Khuôn mặt sây sát và đầy máu. Trong hơn một tiếng rưỡi kể từ lúc rời căn hầm ở Ste-Honorine để quay lại sở chỉ huy, Pluskat đã bò qua chiến tuyến cháy rực và ngổn ngang. Hàng đoàn máy bay tiêm kích quần đảo sau những mỏm đồi, xả súng vào bất cứ thứ gì di chuyển và suốt thời gian đó pháo hải quân cày xới khu vực. Chiếc Volkswagen ở đâu đó phía sau, chỉ còn là một cái xác bẹp dúm đang cháy. Khói bốc lên từ những hàng cây và vạt cỏ bị thiêu đốt. Ở đây đó anh đi qua những chiến hào đầy xác chết, do đạn pháo hay những cuộc bắn phá không thương tiếc của không quân. Đầu tiên anh cố chạy nhưng đã bị máy bay truy đuổi. Anh bị bắn hết lần này đến lần khác. Giờ Pluskat bò. Anh tính rằng mình mới đi được 1,5km và vẫn còn cách sở chỉ huy ở Etreham 4,5km nữa. Anh cử động một cách đau đớn. Phía trước anh nhìn thấy một trang trại. Pluskat quyết định chạy nước rút quãng đường 20m hay hơn thế từ con hào này tới đó và xin chủ nhà chút nước. Khi lại gần, anh sửng sốt khi thấy hai người phụ nữ Pháp bình thản ngồi bên cửa. Họ nhìn anh và một người cười hằn học, gọi to, "C'est terrible, n'est-ce pas?" (“Sợ quá, phải không?”). Pluskat lê bước đi, tiếng cười vẫn văng vẳng trong tai. Lúc đó anh cảm thấy căm ghét người Pháp, người Norman và cả cuộc chiến bẩn thỉu này.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 07:49:01 pm »

Binh nhất Anton Wuensch thuộc Trung đoàn Dù 6 Đức nhìn thấy một chiếc dù treo trên ngọn cây cao. Chiếc dù màu xanh da trời mang theo một bọc lớn bằng vải bạt đang đu đưa bên dưới. Ở phía xa có tiếng súng trường và súng máy nổ khá nhiều, nhưng Wuensch và đơn vị súng cối của anh ta vẫn chưa chạm địch. Họ đã hành quân suốt gần 3 giờ đồng hồ và lúc này đang ở trong một khu rừng nhỏ phía trên Carentan, cách bãi Utah gần 16km về phía tây nam.

Binh nhất Richter nhìn chiếc dù và nói, "Đó là của bọn Amis [quân Mỹ]. Có lẽ chứa đạn". Binh nhì Fritz “Friedolin” Wendt nghĩ có thể là đồ ăn. “Lạy Chúa, tớ đói quá”, anh nói. Wuensch bảo tất cả ở yên trong hố trong khi anh bò tới. Đó có thể là trò lừa gạt; họ có thể bị phục kích khi cố lấy dù, hoặc có thể là một cái bẫy đẫm máu.

Wuensh thận trọng quan sát. Hài lòng khi thấy tất cả đều yên tĩnh, anh buộc 2 quả lựu đạn vào gốc cây và giật chốt. Cái cây đổ xuống cùng với chiếc dù. Wuensh chờ đợi, nhưng hầu như tiếng nổ đó không bị phát hiện. Anh vẫy tay gọi đồng đội. “Xem đám Amis gửi cho ta cái gì nào”, anh gọi.

Friedolin dùng dao rạch cái bọc. Anh rất phấn khởi. “Ôi lạy Chúa”, anh kêu lên, “Đồ ăn đấy! Đồ ăn!”.

Trong nửa giờ tiếp đó 7 người lính dù dày dạn có khoảng thời gian đáng nhớ trong đời. Họ tìm thấy những lon nước dứa và nước cam, những hộp sô cô la và thuốc lá, và một lô thực phẩm khác mà họ chưa được thấy đã hàng năm. Friedolin ngấu nghiến chúng. Thậm chí anh còn đổ bột Nescafe vào mồm và cố nuốt trôi chúng bằng sữa đặc. “Tớ chả biết là cái gì”, anh ta nói, “nhưng mà ngon lắm”.



Lính dù Đức ở Normandy, 6/1944.

Cuối cùng, mặc do Friedolin phản đối, Wuensch quyết định họ nên “tiếp tục đi và tìm kiếm cuộc chiến”. Nhồi chặt ba lô tất cả số thuốc lá mang được, Wuensch cùng đồng đội rời khỏi khu rừng, đi về hướng có tiếng súng. Vài phút sau, cuộc chiến đã tìm đến họ. Một người lính của Wuensch trúng đạn vào thái dương, gục xuống.

“Bắn tỉa!”, Wuensch hét lên. Tất cả lao xuống nấp khi đạn bắt đầu réo xung quanh họ.

“Nhìn kia”, một người kêu lên, chỉ về phía bụi cây phía bên phải, “Tôi nghĩ đã thấy hắn ở đó”.

Wuensch lấy ống nhòm và hướng ống kính lên ngọn cây, quan sát kĩ lưỡng. Anh cho rằng mình đã thấy một chuyển động nhẹ của cành lá, nhưng không chắc lắm. Anh giữ ống nhòm một lúc lâu và rồi lại thấy tán cây lay động. Nhặt khẩu súng trường, Wuensch nói, “Rồi, giờ xem ai giỏi hơn”. Anh nổ súng.

Đầu tiên Wuensch nghĩ mình đã bắn trượt, vì anh thấy người xạ thủ bắn tỉa đang trèo xuống. Wuensch ngắm lại một lần nữa, lần này là vào một điểm trên thân cây không bị cành lá che khuất. “Nhóc”, anh nói to, “tao tóm được mày rồi”. Anh thấy chân người bắn tỉa hiện ra và tiếp theo là thân hình. Wuensch bắn liên tiếp. Người lính bắn tỉa từ trên cây rơi rất chậm xuống đất. Các đồng đội của Wuesch reo lên và họ chạy tới chỗ cái xác. Họ đứng nhìn người lính dù Mỹ đầu tiên mà họ gặp. “Anh ta có mái tóc màu sẫm, rất trẻ và đẹp trai. Một dòng máu trào ra từ khóe miệng”. Wuensch nhớ lại.

Binh nhất Richter bước lại chiếc ba lô của người chết và tìm thấy chiếc ví đựng hai tấm ảnh cùng một lá thư. Wuensch nhớ lại một trong số đó “chụp người lính ngồi bên một cô gái và chúng tôi đều kết luận có lẽ đó là vợ anh ta”. Tấm kia chụp “người lính trẻ và cô gái ngồi bên hè cùng với gia đình, chắc là gia đình của anh ta”. Richter nhét ảnh và thư vào ví của mình.

Wuensch hỏi, “Cậu nghĩ mình đang làm cái gì đấy?”.

Richter đáp, “Tớ nghĩ sẽ gửi những thứ này về địa chỉ trên bì thư sau khi chiến tranh kết thúc”.

Wuensch nghĩ anh ta đã mất trí. “Chúng ta có thể bị bọn Amis bắt”, anh nói, “và nếu chúng thấy cái này trên người cậu…”. Anh vạch ngón tay ngang cổ họng. “Hãy để nó cho đám quân y và ra khỏi đây thôi”.

Trong khi đồng đội rời đi, Wuensch nán lại một chút và nhìn lại người lính Mỹ đã chết, nằm đó “giống như một con chó bị xe chẹt”. Anh hối hả đuổi theo đơn vị.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2010, 08:04:13 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #76 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 07:55:40 pm »

Cách đó vài cây số một chiếc xe sĩ quan Đức với lá cờ hiệu màu đen, trắng và đỏ tung bay đang chạy dọc con đường dẫn tới làng Picauville. Thiếu tướng Wilhelm Falley của Sư đoàn Không vận 91 cùng với người phụ tá và lái xe đã di chuyển trên chiếc Horch này suốt gần 7 giờ, kể từ lúc ông lên đường tới tham dự cuộc diễn tập ở Rennes lúc gần 1:00 sáng. Khoảng giữa 3:00 và 4:00 sáng, tiếng máy bay không ngớt và tiếng bom nổ phía xa đã khiến Falley quay trở lại.

Họ chỉ còn cách sở chỉ huy ở phía bắc làng Picauville có mấy km khi đạn súng máy nã thẳng vào mũi xe. Tấm kính chắn gió vỡ vụn và người phụ tá của Falley ngồi bên cạnh lái xe gục xuống bên chiếc ghế. Chiếc Horch vẫn còn gầm rú, loạng quạng lao chệch đi và đâm sầm vào một bức tường thấp. Cửa bật tung, người lái xe và Falley lao ra. Khẩu súng của Falley văng ra phía trước. Ông bò qua đường về phía nó. Người lái xe, run rẩy và mụ mẫm, thấy những lính Mỹ xông tới. Falley kêu lên, “Đừng bắn! Đừng bắn!”, nhưng ông vẫn bò lại chỗ khẩu súng. Một tiếng nổ và Falley đổ xuống mặt đường, một tay vẫn vươn đến chỗ cây súng.



Trung tướng Wilhelm Falley, Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không vận 91 Đức.

Trung úy Malcolm Branne ở Sư đoàn Đổ bộ đường không 82 nhìn xuống người chết. Anh cúi xuống nhặt chiếc mũ của viên sĩ quan. Trên vành mũ ghi cái tên “Falley”. Viên sĩ quan Đức này mặc bộ quân phục xám xanh với những dải đỏ dọc theo viền quần. Cầu vai hẹp màu vàng và vạch quân hàm đỏ với lá sồi vàng trên ve áo. Tấm Huân chương Chữ thập Sắt với dải ruy băng đen đính trên cổ. Branne không chắc lắm, nhưng có vẻ anh đã hạ được một viên tướng.

*

*        *

Trên sân bay gần Lille, Phi đoàn trưởng Josef “Pips” Priller và Hạ sĩ Heinze Wordarczyk chạy tới chỗ 2 chiếc tiêm kích FW-190 lẻ loi.

Sở chỉ huy Luftwaffe và Quân đoàn Tiêm kích đã gọi điện. “Priller”, viên sĩ quan tác chiến nói, “cuộc đổ bộ đã bắt đầu. Tốt hơn là anh nên tới đó”.

Priller nổ tung: “Giờ các anh đã bỏ qua nó! Lũ ngốc khốn kiếp! Anh muốn tôi làm cái chó gì với 2 máy bay? Các tiểu đoàn của tôi đâu? Các anh có gọi họ về được không?”

Người sĩ quan tác chiến vẫn bình tĩnh đến tuyệt vời. “Priller”, anh ta nói, “chúng tôi vẫn chưa biết chính xác các tiểu đoàn của anh đã hạ cánh ở đâu, nhưng chúng tôi sẽ điều họ về sân bay Piox. Đưa các nhân viên kỹ thuật của anh tới đó ngay. Trong lúc đó anh nên tới ngay khu vực đổ bộ. Chúc may mắn, Priller”.

Bình tĩnh tựa như cơn giận đã qua, Priller hỏi, “Làm ơn cho tôi biết cuộc đổ bộ diễn ra ở đâu?”.

Viên sĩ quan điềm tĩnh đáp, “Normandy, Pips – đâu đó phía trên Caen”.

Priller mất một giờ để tiến hành những công việc cần thiết cho việc di chuyển các nhân viên kỹ thuật. Giờ anh và Wodarczyk đã sẵn sàng – sẵn sàng để thực hiện cuộc tấn công duy nhất của Luftwaffe chống lại cuộc đổ bộ ngày hôm đó. *

* Một vài nguồn viết rằng 8 máy bay ném bom Ju-88 đã tấn công bãi biển trong thời gian cuộc đổ bộ. Máy bay ném bom đã hoạt động ở khu vực bãi biển đêm 6-7 tháng 6 nhưng tôi không tìm thấy có cuộc tập kích nào trong buổi sáng D-Day trừ phi vụ của Priller – TG.

Ngay trước khi lên máy bay, Priller bước lại chỗ người trợ thủ. “Giờ nghe đây”, anh nói, “chỉ có hai chúng ta. Ta không thể tách nhau được. Vì Chúa, hãy làm chính xác những gì tôi làm. Bay sau tôi và làm theo”. Họ đã chiến đấu cùng nhau một thời gian dài và Priller cảm thấy nên rõ ràng. “Chúng ta đi một mình”, anh nói, “và tôi không nghĩ sẽ quay về được”.

Họ cất cánh lúc 9:00 sáng (với Priller là 8:00 sáng). Họ hướng về phía tây, bay sát mặt đất. Ngay phía trên Abbeville, ở trên đầu, họ bắt đầu thấy máy bay tiêm kích Đồng minh. Priller nhận thấy chúng không bay theo đội hình chặt chẽ cần thiết. Anh nhớ lại đã nghĩ là “nếu tôi chỉ cần có thêm vài máy bay, họ sẽ là những cái bia sống”. Tới gần Le Harve, Priller nâng độ cao để ẩn nấp trong mây. Họ bay trong mấy phút rồi lao xuống. Ở phía dưới là một hạm đội vĩ đại – hàng trăm tàu đủ cỡ, đủ loại dường như trải dài vô tận suốt Eo biển. Có những tàu đổ bộ đều đặn chở quân vào bãi biển, và Priller có thể thấy khói trắng từ những vụ nổ trên và phía sau bãi biển. Bờ cát đen đặc những lính, xe tăng và đủ thứ trang bị. Priller vòng trở lại để cân nhắc xem nên làm gì. Có quá nhiều máy bay, quá nhiều chiến hạm ngoài khơi, quá nhiều lính trên bãi biển, nên anh tính chỉ có thời gian để bay qua bãi biển một lần trước khi bị bắn rơi.



Bãi Sword sau khi quân Anh đổ bộ.

Giờ không cần giữ im lặng qua điện đài nữa. Gần như vui vẻ, Priller nói vào loa. “Thật là một màn trình diễn! Thật là một màn trình diễn!”. “Mọi thứ có ở đây – ở mọi nơi. Tin tôi đi, đây chính là cuộc đổ bộ!”. Rồi anh nói, “Wodarczyk, ta tấn công thôi! Chúc may mắn!”.

Họ lao xuống bãi biển của quân Anh với tốc độ 640km/h, tấn công ở độ cao dưới 45m. Priller không có thời gian để ngắm. Anh chỉ đơn giản là giữ nút bắn trên cần lái và cảm thấy họng súng rung lên. Lướt qua gần như ngay trên đầu, anh thấy những khuôn mặt giật mình nhìn lên.

Trên bãi Sword, Trung tá Philippe Kieffer ở đơn vị đặc công Pháp thấy Priller và Wodarczyk tới. Ông lao xuống nấp. Sáu tù binh Đức nhân cơ hội đó định chạy trốn. Người của Kieffer nhanh chóng hạ gục chúng. Trên bãi Juno, Binh nhì Robert Rogge ở Lữ đoàn Bộ binh 8 Canada nghe thấy tiếng máy bay và thấy chúng “lao tới ở độ cao thấp tới mức tôi có thể nhìn rõ mặt phi công”. Anh cũng như những người khác nhào xuống, nhưng anh kinh ngạc khi thấy một người “bình tĩnh đứng thẳng, xả đạn từ khẩu Sten”. Ở rìa phía đông bãi Omaha, Thiếu úy Hải quân Mỹ William J. Eisemann há hốc mồm khi chứng kiến 2 chiếc FW-190 với họng súng khạc lửa, phóng tới ở độ cao dưới 15m và luồn lách giữa những quả khí cầu. Và trên tàu HMS Dunbar, Thợ máy chính Robert Dowie dõi theo những khẩu pháo phòng không của hạm đội nổ súng bắn vào Priller và Wodarczyk. Hai chiếc tiêm kích vượt qua mà không hề hấn gì, rồi hướng vào đất liền và biến mất trong mây. “Dù có phải bọn Jerry hay không thì cũng chúc may mắn”, Dowie nói, vẫn không thể tin được, “Chúng mày khá lắm”.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tư, 2010, 09:11:15 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #77 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 07:57:07 pm »

Dọc theo dải bờ biển Normandy, cuộc đổ bộ diễn ra như vũ bão. Đối với những người Pháp kẹt trong cuộc chiến thì đó là những giờ phút rối ren, hân hoan và kinh hãi. Quanh Ste-Mere-eeglise lúc này đang bị pháo kích dữ dội, lính dù Sư đoàn 82 thấy nông dân vẫn điềm tĩnh làm việc trên cánh đồng như thể không có gì xảy ra. Thỉnh thoảng lại có người ngã xuống, bị thương hoặc chết. Ở trong thị trấn, họ cũng chứng kiến một thợ cắt tóc thay thế tấm biển hiệu đề “Friseur” bằng “Barber”.

Cách đó vài km, trong ngôi làng nhỏ vùng duyên hải La Madeleine, Paul Gazengel đang cảm thấy cay đắng và đau đớn. Không chỉ vì nhà kho và hiệu cà phê của ông đã bị bắn sập, mà ông còn bị thương trong cuộc pháo kích, và giờ binh sĩ Sư đoàn 4 đang dẫn Gazengel cùng 7 người đàn ông nữa xuống bãi Utah.

“Các anh đưa chồng tôi đi đâu?”, vợ ông gặng hỏi người trung úy chỉ huy.

Viên sĩ quan trả lời trôi chảy bằng tiếng Pháp, “Để xét hỏi, thưa bà”, anh nói. “Chúng tôi không thể hỏi ông ấy ở đây, vì thế chúng tôi sẽ đưa ông ấy cùng với tất cả đàn ông về Anh”.

Bà Gazengel không thể tin vào tai mình. “Tới Anh!”, bà kêu lên. “Vì sao? Ông ấy đã làm gì?”.

Người sĩ quan trẻ bối rối. Anh nhẫn nại giải thích rằng mình chỉ thực hiện mệnh lệnh.

“Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chồng tôi bị giết trong cuộc ném bom”, bà Gazengel hỏi trong nước mắt.

“Chín mươi phần trăm là sẽ không có chuyện đó đâu, thưa bà”, anh ta trả lời.

Gazengel hôn tạm biệt vợ và bị dẫn đi. Ông không biết gì về chuyện này – và sẽ không bao giờ biết. Hai tuần sau ông sẽ trở lại Normandy, với lời giải thích không đâu vào đâu từ những người Mỹ rằng “tất cả là do nhầm lẫn”.

Jean Marion, người chỉ huy lực lượng kháng chiến Pháp ở thị trấn ven biển Grancamp cảm thấy nản lòng. Anh có thể nhìn rõ hạm đội ngoài khơi bãi Utah phía bên trái và Omaha phía bên phải và anh biết họ đang đổ bộ. Nhưng dường như Grandcamp đã bị bỏ quên. Suốt buổi sáng anh đã chờ họ đến một cách đau đớn. Tuy nhiên Marion phấn khởi khi được vợ chỉ cho một khu trục hạm đang chậm rãi cơ động đối diện với thị trấn. “Khẩu pháo!”, Marion kêu lên, “Khẩu pháo mà anh đã bảo họ”. Mấy hôm trước anh đã báo cho London rằng một khẩu pháo nhẹ đã được bố trí trên bức tường biển, được chỉnh để chỉ bắn được về phía trái, hướng lúc này là bãi Utah. Giờ Marion tin chắc họ đã nhận được tin vì anh thấy chiếc chiến hạm thận trọng di chuyển vào góc chết của khẩu pháo và bắt đầu bắn. Nước mắt trào ra, Marion nhảy lên mỗi khi con tàu khai hỏa. Chiếc khu trục hạm – có lẽ là Herndon – nã hết phát này đến phát khác. Đột nhiên một tiếng nổ dữ dội bùng lên khi đạn pháo nổ tung. “Tuyệt vời!”, Marion phấn khởi reo lên. “Quá đẹp!”.



Khu trục hạm USS Herndon của Hải quân Mỹ.

Trong thị trấn thánh đường Bayeux cách đó khoảng 24km, Guillaume Mercader, phụ trách tình báo kháng chiến khu vực bãi Omaha đứng bên cửa sổ cùng người vợ, Madeleine. Mercader cố cầm nước mắt. Sau 4 năm khủng khiếp, lực lượng chính của quân Đức chiếm đóng thị trấn có vẻ đã rút đi. Anh có thể nghe thấy tiếng pháo từ phía xa và biết sẽ có giao tranh ác liệt. Lúc này Mercader nóng lòng muốn tập hợp các thành viên kháng chiến và đánh đuổi đám Quốc xã còn lại. Nhưng đài phát thanh đã khuyến cáo họ phải thận trọng, không nên tổ chức nổi dậy. Điều này là khó khăn, nhưng Mercader đã học được cách chờ đợi. “Ta sẽ sớm được giải phóng”, anh bảo vợ.

Dường như tất cả mọi người ở Bayeux đều cảm thấy thế. Mặc dù quân Đức đã dán những thông cáo buộc người dân phải ở trong nhà, họ đã tập hợp công khai ở sân nhà thờ để nghe một tu sĩ tường thuật lại cuộc đổ bộ. Từ vị trí thuận lợi của mình, ông có thể quan sát rõ các bãi biển, chắp tay làm loa và hét lên từ trên tháp chuông.

Trong số những người đang nghe có Anne Marie Broeckx, cô gái 19 tuổi dạy mẫu giáo, người sẽ tìm thấy người chồng tương lai trong số những lính Mỹ đổ bộ. Lúc 7 giờ cô bình tĩnh đạp xe về trang trại của người cha ở Colleville, phía sau bãi Omaha. Cô hối hả đạp qua những vị trí súng máy và lính Đức hành quân về phía bờ biển. Vài lính Đức đã vẫy tay và một người bảo cô cẩn thận, nhưng không ai ngăn cản. Cô đã thấy máy bay công kích và lính Đức nháo nhào ẩn nấp, nhưng Anne Marie vẫn tiếp tục đi, mái tóc tung bay và chiếc váy màu xanh da trời phồng lên trong gió. Cô cảm thấy an toàn tuyệt đối; cô không hề nghĩ rằng mình đang gặp nguy hiểm.

Giờ cô chỉ cách Colleville không đầy 1,5km. Những con đường vắng tanh. Những làn khói giạt vào trong đất liền. Đây đó những đám lửa đang cháy. Rồi cô thấy những trang trại đổ nát. Lần đầu tiên Anne Marie cảm thấy sợ. Cô phóng như điên. Tới ngã tư ở Colleville cô được cảnh báo một cách kĩ lưỡng. Tiếng súng rền vang xung quanh và cả khu vực dường như đã bị tàn phá và bỏ hoang một cách kì lạ. Trang trại của cha cô nằm giữa Colleville và bờ biển. Anne Marie quyết định đi bộ. Vác xe đạp trên vai, cô cuốc bộ qua cánh đồng. Rồi, trên một mỏm đồi, cô thấy trang trại – vẫn còn. Cô chạy trong suốt chặng đường còn lại.

Đầu tiên Anne Marie nghĩ trang trại không có ai, vì cô không thấy bất cứ hoạt động gì. Cô chạy vào sân, gọi bố mẹ. Cửa sổ của căn nhà đã vỡ hết, một phần mái biến mất và có một lỗ trên cửa. Đột nhiên cánh cửa vỡ nát bật tung và cha mẹ cô hiện ra. Cô quàng tay ôm lấy cả hai người.

“Con gái”, cha cô nói, “Hôm nay là một ngày trọng đại đối với nước Pháp”. Anne Marie òa khóc.

Cách đó 800m, Binh nhất Leo Heroux, người sau này sẽ kết hôn với Anne Marie đang chiến đấu vì sự sinh tồn giữa cảnh tượng rùng rợn của bãi Omaha. *

* Anne là một cô dâu thời chiến không sống ở Mỹ. Hiện nay cô và Leo Heroux đang sống ở nơi mà họ gặp nhau lần đầu tiên hôm 8 tháng 6 – trang trại Broeckx gần Colleville sau bãi Omaha. Họ có 3 người con và Heroux mở một trường dạy lái xe – TG.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #78 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:15:16 pm »

Trong khi cuộc đổ bộ của quân Đồng minh diễn ra quyết liệt ở Normandy, một trong những lãnh đạo kháng chiến cao cấp nhất của khu vực đang tức điên lên trên chiếc xe lửa ở ngoại ô Paris. Leeonard Gille, phó chỉ huy tình báo quân sự Normandy đã ở trên chuyến tàu về Paris này hơn 12 tiếng. Hành trình này tưởng như dài vô tận. Họ đã di chuyển trong đêm, dừng lại ở mỗi nhà ga. Giờ thật trớ trêu, người chỉ huy tình báo đã nghe được tin từ những người khuân vác. Gille không biết cuộc tấn công xảy ra ở chỗ nào của Normandy, nhưng anh không thể chờ để quay về Caen. Anh thấy chua cay là sau ngần đấy năm hoạt động, cấp trên lại chọn chính cái ngày này để triệu tập anh về thủ đô. Tệ hơn, anh không có cách nào thoát khỏi đoàn tàu. Điểm dừng tiếp theo là Paris.

Nhưng ở Caen, vợ chưa cưới của anh, Janine Boitard đang bận rộn kể từ lúc cô nghe được tin. Lúc 7 giờ cô đánh thức 2 phi công RAF đang được che giấu. “Ta phải nhanh lên”, cô nói với họ, “tôi sẽ đưa các anh tới một trang trại ở làng Gavrus, cách đây 12 km”.

Địa điểm đó gây sốc cho 2 người Anh. Tự do chỉ còn cách dưới 15km, vậy mà họ lại đi sâu hơn vào đất liền. Gavrus nằm ở phía tây nam Caen. Một trong hai người, Trung tá K.t Logts nghĩ rằng họ nên tận dụng cơ hội đi về phía bắc để gặp quân đổ bộ.

“Hãy kiên nhẫn”, Janine nói, “Giữa chỗ này và bờ biển đang đầy lính Đức. Chờ đợi thì sẽ an toàn hơn”.

Vài phút sau họ lên đường bằng xe đạp, hai người lính Anh mặc quần áo nông dân giản dị. Hành trình diễn ra yên ổn. Mặc dù bị lính tuần tra Đức chặn lại nhiều lần, nhưng những giấy tờ giả đã thành công và họ lại đi tiếp. Ở Gavrus, trách nhiệm của Janine đã kết thúc – thêm 2 phi công nữa chỉ còn cách nhà một bước. Janine muốn đi thêm cùng với họ, nhưng cô phải quay về Caen – để chờ những phi công bị bắn rơi khác sẽ đi qua đường dây, và chờ giây phút giải phóng mà cô biết đã rất gần. Vẫy tay chào tạm biệt, cô lên xe và đạp về.

Trong nhà tù tại Caen, bà Ameelie Lechevalier đang chờ bị xử tử vì đã tham gia giải cứu các phi công Đồng minh nghe thấy một tiếng huýt sáo khi ai đó luồn chiếc đĩa sắt đựng bữa sáng luồn qua cửa. “Hãy hy vọng, hy vọng”, một giọng nói cất lên, “người Anh đã đổ bộ”. Bà Lechevalier bắt đầu cầu nguyện. Bà tự hỏi người chồng, Louis trong một xà lim gần đó đã biết chưa. Suốt buổi tối có tiếng bom nổ, nhưng bà đã nghĩ chỉ là những cuộc không kích thông thường của Đồng minh. Giờ đã có hy vọng, họ có thể sẽ được cứu trước khi quá muộn.

Bỗng nhiên bà Lechevalier nghe thấy tiếng tiếng động ngoài hành lang. Bà quỳ xuống bên cửa và lắng nghe. Bà có thể nghe thấy tiếng quát tháo và những từ “Raus! Raus! [Ra ngoài! Ra ngoài!]” lặp đi lặp lại. Rồi có tiếng bước chân, tiếng sập cửa và tất cả lại trở nên yên ắng. Vài phút sau, ở chỗ nào đó bên ngoài nhà tù, bà nghe thấy tiếng súng máy kéo dài.

Bọn lính gác Gestapo đã hoảng loạn. Trong vòng vài phút sau khi có tin về cuộc đổ bộ, 2 khẩu súng máy đã được bố trí trong sân. Từng nhóm 10 tù nhân bị lôi ra đứng trước tường và xử bắn. Họ đã bị bắt vì nhiều tội danh khác nhau, có trường hợp đúng, có trường hợp sai. Đó là Guy de Saint Pol và Rene Loslier, nông dân; Pierre Audige, nha sĩ; Maurice Primault, chủ cửa hàng; Đại tá Antoine de Touchet, quân nhân về hưu; Antole Lelieevre, thư ký tòa thị chính; Georges Thomine, ngư dân; Pierre Menochet, cảnh sát; Maurice Dutacq, Achille Boutrois, Joseph Picquenot và con ông, công nhân đường sắt; Albert Anne; Deesire Lemieere; Roger Veillat; Robert Boulard – tổng cộng 92 người, trong đó chỉ có 40 người là thành viên kháng chiến. Hôm nay, đúng vào ngày bắt đầu cuộc giải phóng vĩ đại, những người này, không được giải thích, không được biết, không được xét xử, đã bị tàn sát. Trong số họ có cả người chồng của bà Lechevalier, Louis.

Tiếng súng kéo dài 1 tiếng. Trong xà lim bà Lechevalier tự hỏi chuyện gì đang xảy ra.



Quân Đức hành quyết thành viên kháng chiến Pháp.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Sáu, 2010, 08:04:07 pm gửi bởi chiangshan » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Trung tá
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #79 vào lúc: 11 Tháng Tư, 2010, 08:18:14 pm »

Ở Anh lúc này là 9:30 sáng. Suốt đêm hôm đó Đại tướng Eisenhower đã đi lại trong chiếc toa xe, chờ tin báo. Ông cố thư giãn bằng cách thông thường là đọc sách nhưng không mấy thành công. Rồi những báo cáo đầu tiên bắt đầu được gửi về. Chúng rời rạc, nhưng mang tin tốt. Các chỉ huy không quân và hải quân còn hơn cả thỏa mãn với sự phát triển của cuộc tấn công và binh sĩ đã lên bờ ở cả 5 bãi biển. Chiến dịch Overlord đang diễn biến tốt. Mặc dù đầu cầu vẫn còn chưa thật vững, nhưng giờ Eisenhower không cần phải đưa ra bản thông cáo đã được lặng lẽ soạn thảo một cách vội vàng chỉ 24 giờ trước. Dự phòng trường hợp các nỗ lực đổ bộ bất thành, ông viết, ”Cuộc đổ bộ của quân ta lên khu vực Cherbourg – Havre đã không thiết lập được một đầu cầu vững chắc và tôi đã cho rút lui. Thời điểm và địa điểm tấn công được quyết định dựa trên những thông tin tốt nhất có thể. Lục quân, Không quân và Hải quân đã thể hiện tinh thần dũng cảm và tận tụy với nhiệm vụ cao nhất. Nếu có bất cứ trách nhiệm hay sai lầm nào trong chuyện này, tất cả đều thuộc về riêng cá nhân tôi”.

Chắc chắc rằng quân đội đã đổ bộ được, Eisenhower cho phát đi một bản thông cáo hoàn toàn khác. Lúc 9:33 sáng, tùy viên thông tấn của ông, Đại tá Ernest Dupuy công bố trước toàn thế giới. ”Sáng nay, dưới sự chỉ huy của Đại tướng Eisenhower”, ông nói, ”Hải quân Đồng minh được sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân đã bắt đầu đổ bộ các đơn vị lục quân lên vùng duyên hải phía bắc nước Pháp”.

Đó là khoảnh khắc mà cả thế giới tự do đã chờ đợi và giờ đây họ đón nhận nó với cảm xúc lẫn lộn kì lạ, cả nhẹ người, phấn khởi và lo lắng. ”Cuối cùng, căng thẳng đã được gỡ bỏ”, ấn bản D-Day của tờ London Times viết.

Phần lớn người Anh nghe được tin này ở nơi làm việc. Trong vài cơ sở quốc phòng bản tin được đọc qua loa, và những người đàn ông và phụ nữ đang đứng máy hát vang bài “God Save the King”. Nhà thờ của những ngôi làng mở tung cửa. Những hành khách không quen biết nói với nhau trên tàu hỏa. Trên đường phố, người ta bắt tay các binh sĩ Mỹ. Những đám đông nhỏ tụ tập ở góc đường để ngắm nhìn những chuyến bay tấp nập nhất mà họ từng thấy.

Nữ Đại úy Hải quân Naomi Coles Honour, vợ của người thuyền trưởng tàu ngầm X23 nghe tin và ngay lập tức biết chồng mình đang ở đâu. Lát sau cô nhận được cuộc gọi từ một sĩ quan tác chiến ở sở chỉ huy hải quân: “George vẫn khỏe, nhưng cô không đoán được là anh ta đã trải qua những gì đâu”. Naomi có thể nghe điều đó sau; quan trọng nhất lúc này là anh vẫn an toàn.

Mẹ của Binh nhì thủy thủ 18 tuổi Ronald Northwood trên kỳ hạm Scylla phấn khích đến mức bà chạy qua đường để kể với bà Spurgeon sống gần đó là “Ron của tôi đang ở đó”. Bà Spurdgeon không chịu kém. Bà có một “người họ hàng trên chiếc Warspite” và chắc chắn anh ta cũng đang ở đó. (Với chút ít khác biệt, những cuộc đối thoại tương tự diễn ra khắp nước Anh).

Grace Gale, vợ của Binh nhì John Gale, người đã đổ bộ lên bãi Sword trong đợt đầu tiên đang tắm cho đứa nhỏ nhất trong số 3 đứa con của họ khi cô nghe được tin. Cô cố gắng cầm nước mắt, nhưng không thể - cô chắc rằng chồng mình đang ở trên đất Pháp. “Lạy Chúa”, cô cầu nguyện, “Hãy đưa anh ấy về”. Rồi Gale bảo con gái Evelyn tắt radio. “Chúng ta sẽ không để ảnh hưởng đến bố con vì lo lắng”, cô nói.

Trong không khí trang nghiêm ở Ngân hàng Westminster tại Bridgeport ở Dorset, Audrey Duckworth đang tập trung làm việc và mãi về sau mới được nghe về cuộc đổ bộ. Cũng chỉ ngay lúc đó, người chồng Mỹ của cô, Đại úy Edmund Duckwortd thuộc Sư đoàn 1 đã hy sinh ngay khi đặt chân lên bãi biển Omaha. Họ chỉ vừa kết hôn được 5 ngày.

Trên đường tới tổng hành dinh của Eisenhower ở Portsmouth, Trung tướng Sir Frederick Morgan nghe BBC đề nghị thính giả chuẩn bị theo dõi thông báo đặc biệt. Morgan bảo người lái xe dừng lại. Ông vặn to radio – và rồi cha đẻ của kế hoạch đổ bộ đã được nghe về cuộc tấn công.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM