Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:18:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155597 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
phonglan
Thành viên
*
Bài viết: 500


Nụ hoa và cây súng


« Trả lời #150 vào lúc: 05 Tháng Tám, 2010, 02:05:06 pm »


 Bạn cháu nói:
- Ngày thành lập QCHQ là 7/5/1955 ( Cục phòng thủ bờ bể ).
- Ngày HQND đánh thắng trận đầu là 5/8/1964. Còn vụ đánh đuổi tàu Ma-rốc là từ ngày 2/8 đến 5/8/1964 chứ nhỉ?.
Logged

Những loài hoa nở ban ngày thường có màu sắc rực rỡ, những loài hoa nở ban đêm lại có hương thơm ngào ngạt
minhnam1803
Thành viên
*
Bài viết: 111


« Trả lời #151 vào lúc: 11 Tháng Chín, 2010, 11:50:15 am »

Lần trước đã có tàu chạy 80 hải lý/h (nếu em nhớ không nhầm), cột nước cao 40m

Lần này thì tốc độ cao hơn:

http://www.tienphong.vn/Phong-Su/512244/Thuyen-truong-tau-khong-so-an-danh.html
Trích dẫn
Và những chuyến tàu cao tốc bất ngờ

Chuyến thứ 5 xuất phát vào tháng 4-1968, lần này đi bằng tàu nhỏ nhanh, lộ trình sát bờ, chở từ 7 tấn hàng do thuyền trưởng trực tiếp lái. Lần này, “hàng” chủ yếu là tên lửa bộ binh, thuốc nổ sức công phá rất lớn. Đội hình có 2 tàu do Hoàng Hữu làm phân đội trưởng kiêm thuyền trưởng, còn tàu số 2 do thuyền trưởng Võ Đán lái. Lái tàu này đòi hỏi có sức khỏe rất tốt. Tàu chạy với tốc độ trên 100 hải lý/giờ, cột nước cao tới 25 m, lân tinh trắng xóa. Nên chỉ một đêm, 15 giờ chiều ăn cơm, 18 giờ tàu ở Long Châu, 23 giờ tàu đã “bay” đến Đà Nẵng chỗ Cù lao Chàm vào, giao hàng xong ra ngay, sáng đã về tới căn cứ Đồ Sơn.

Sau một đêm bay trên biển, người khỏe như bác Hữu mà vẫn mệt rã rời, lên bờ tưởng như không bước đi được nữa. Những chuyến vận tải kiểu “đặc công” như thế, đã đáp ứng kịp thời vũ khí đặc biệt cho chiến trường góp phần tạo nên những cơn “bão lửa” dội xuống căn cứ Chu Lai, Đà Nẵng, sân bay Nước mặn khiến đối phương hoàn toàn bất ngờ.

Chuyến thứ 6 đi vào cuối năm 1968, vẫn bằng phương tiện tàu nhỏ nhanh, chuyến này vào Quy Nhơn, vẫn chở tên lửa bộ binh, chất nổ mạnh, tiểu liên, súng ngắn giảm thanh trang bị cho biệt động... Đây cũng là chuyến đi cuối cùng của thuyền trưởng Hoàng Hữu bởi sau đó tình hình thay đổi.
Logged
doremon1806
Thành viên
*
Bài viết: 9


« Trả lời #152 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2011, 02:30:34 pm »

Mấy bác cho em hỏi có ai biết ls Nguyễn Văn Thông c phó tàu 165 hy sinh 1968 k ạ. Đó là ông chú của em nhưng hoàn cảnh hy sinh thì em k biết nhiều cho lắm.
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Giêng, 2011, 02:31:20 pm gửi bởi dongadoan » Logged
shmel
Thành viên
*
Bài viết: 186


Man in Iron Mask


« Trả lời #153 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2011, 03:32:36 pm »

http://dantri.com.vn/c728/s728-477648/huyen-thoai-anh-la-van-cau-cua-tau-khong-so.htm

Huyền thoại anh "La Văn Cầu" của tàu không số

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, con đường mòn Hồ Chí Minh xuyên dọc dải Trường Sơn đã đi vào lịch sử vẻ vang của cả dân tộc.
Ngoài ra, còn có một con đường khác trên biển Đông không kém phần nổi tiếng gắn với những con tàu không số, những chiến sỹ dũng cảm và những chiến công thầm lặng. Trong số những con người đó, có một người được đồng đội trìu mến gọi bằng cái tên anh "La Văn Cầu trên biển."

Đó là anh Phan Hải Hồ, người đã khẩn thiết đề nghị đồng đội chặt đứt hẳn một phần chân bị thương dập nát của mình để tiếp tục chiến đấu suốt đêm phá vòng vây của tàu địch cho tới khi bị ngất xỉu vì mất nhiều máu. Đặc biệt, anh còn vinh dự được kết nạp Đảng chính thức ngay trong trận đánh ác liệt không cân sức vào thời khắc quả cảm đó.
 


Thương binh Phan Hải Hồ và các đồng đội trong ngày nhận quà tặng xe lăn từ các đồng đội. (Nguồn: qdnd.vn)

Chiến công thầm lặng

Cũng như lớp lớp thanh niên, trai tráng cùng thời, năm 1962, Phan Hải Hồ rời thôn Địch Lễ A, xã Nam Vân, huyện Nam Trực (nay thuộc thành phố Nam Định) lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Anh được nhận vào Đoàn 125 (Bộ tư lệnh Hải quân), đơn vị chịu trách nhiệm huấn luyện và cử những con tàu không số chở vũ khí đạn dược vào tiếp viện cho chiến trường miền Nam.

Năm 1964, sau một khoá huấn luyện, anh tình nguyện xin đi B và từ đó gắn chặt cuộc đời mình với con tàu huyền thoại mang mật danh 69. Ngày 21/3/1966, sau 3 chuyến đi an toàn, anh và 15 đồng đội được lệnh xuất phát chở 72 tấn vũ khí vào Vãm Lũng, xã Tân An, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Trên đường đi, tàu 69 bị tàu chiến và máy bay địch theo dõi nên phải quay trở về hai lần. Ngày 15/4/1966, tàu được lệnh tiếp tục lên đường. Tối 23/4/1966, vượt qua nhiều hiểm nguy, tàu cập bến ở Cà Mau. Sau khi bốc dỡ và chuyển hàng hoá đến nơi an toàn, các thủy thủ phát hiện chân vịt tàu bị hỏng. Mất hàng tháng trời loay hoay giữa rừng đước trong sự truy lùng gắt gao của địch, mọi người mới sửa xong chân vịt của con tàu nặng hàng trăm tấn với chỉ một cái đốc nổi làm bằng thân cây đước và vài chiếc đèn khò thô sơ.

Đoán tàu 69 của ta đang ở trong rừng đước, địch cho tàu ém ở các cửa biển, chặn lối ra. Mấy lần, ông Hồ cùng các đồng đội của mình tìm cách trở về miền Bắc nhưng không thành. Đêm 31/12/1966 rạng sáng mồng 1/1/1967, nhận định rằng bọn địch đang bận bịu đón Tết Dương lịch, có thể chểnh mảng việc canh phòng, hơn nữa tin báo cho biết tình hình ngoài cửa vàm yên tĩnh, ban chỉ huy Đoàn 962, đơn vị "bến" chuyên tiếp nhận các con tàu không số từ miền Bắc, quyết định tổ chức để tàu 69 bất ngờ rời nơi ẩn nấp.

Theo lời kể của bác Nguyễn Hữu Phước, Thuyền trưởng tàu 69, hiện sinh sống tại thành phố Cần Thơ; bác Đỗ Duy Huyễn, nguyên y tá tàu 69, hiện sinh sống tại xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu (Nam Định) và các đồng đội khác, 17h00 hôm đó, tàu 69 lặng lẽ khởi hành quay trở về miền Bắc. Mọi việc ban đầu có vẻ xuôi. Tuy nhiên, đến khi cách bờ khoảng 5km, vị trí phía sau báo cho Thuyền trưởng có 1 tàu cao tốc của địch đuổi theo. Chúng chủ quan chạy cách tàu ta 50 m và soi đèn vào tàu. Tàu 69 buộc phải dùng toàn bộ hoả lực gồm 3 khẩu B41, 2 khẩu 12 ly 7, 1 khẩu DKZ.

Tàu 69 tiêu diệt gọn mục tiêu. Tuy nhiên, một số anh em trên tàu 69 cũng bị thương vong. Cán bộ chỉ huy tàu họp chớp nhoáng và quyết định cho tàu 69 quay trở lại nơi xuất phát vì nếu đi tiếp sẽ bị địch bắt và tiêu diệt. Toàn bộ vũ khí đạn dược được chuyển lên boong tàu sẵn sàng chiến đấu.

Tàu đi đến 22 giờ 30, địch dùng 2 máy bay thả pháo sáng từ Rạch Dấp đến Vàm Lũng. Chúng điều 5 tàu cao tốc trang bị hoả lực mạnh để truy đuổi. Chúng dàn 3 chiếc bên trái cách tàu ta khoảng 1 km, 2 chiếc khác bám sát sau tàu ta cũng ở cự ly khoảng 1 km. Súng 12 ly 7 và B41 của ta bắn buộc địch giãn ra. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Nhằm ngăn không cho tàu 69 quay lại vàm, địch gọi thêm tàu chắn ở các cửa Rạch Gốc và Bồ Đề, đồng thời nã pháo lớn trước mũi tàu 69. Tàu địch bao vây xung quanh và đổ đạn không tiếc...

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, chân phải của báo vụ 2 Phan Hải Hồ bị dính đạn. Mảnh đạn găm vào chân khiến máu chảy lênh láng. Xương chân anh dập nát, chỉ còn lớp da dính ngoài. Tuy vậy anh vẫn tiếp tục ôm súng bắn trả địch. Thấy chiếc chân gãy làm mình vướng víu, anh đề nghị y tá Đỗ Duy Huyễn lấy dao cắt. Đồng chí y tá vì thương đồng đội nên không dám cắt. Sau đó, anh Hồ nói với Thuyền phó : "Anh giúp tôi chặt chiếc chân này. Vướng quá. Khó chiến đấu".

Sau 2 lần đề nghị, thuyền trưởng quyết định cho cắt. Anh Huyễn lao vào trong lấy con dao làm bếp. Ngay dưới bệ pháo, dưới làn đạn xối xả của địch, đồng chí chính trị viên tàu dùng dao cắt rời phần chân bị nát của người đồng đội. Máu me anh Hồ chảy đầy boong tàu. Sau đó, Phan Hải Hồ được y tá ga-rô để cầm máu. Trong khi được "phẫu thuật" bằng con dao làm bếp, Phan Hải Hồ tiếp tục dũng cảm dùng 12 ly 7 tấn công địch.

Tàu càng vào gần bờ, bọn địch càng bắn mạnh. Chỉ còn một chân, Phan Hải Hồ vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Nhìn anh Hồ đau đớn nhưng không nao núng, chính trị viên tàu 69 Tăng Văn Huyễn cảm động, nói to : "Nhân danh Bí thư Chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng".

Mặc máy bay địch quần thảo trên trời, thả bom, bắn rốc két, các thuỷ thủ cuối cùng cũng đưa được tàu 69 lọt vào cửa vàm, thoát khỏi vòng vây của địch. Phan Hải Hồ và các chiến sĩ bị thương trên tàu được đồng đội đưa vào quân y viện điều trị. Ở đây, anh phải trải qua 3 lần phẫu thuật cắt chân và nhiều lần bị hôn mê bất tỉnh vì quá đau đớn. Vì thành tích trong trận đánh đêm 31/12/1967, anh được cấp trên tuyên dương, tặng Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3.

Điều trị vết thương ổn định, anh xin về Đoàn 962 công tác. Tại đơn vị mới, anh được phân công làm trợ lý chính trị của Đoàn 962 và thư ký riêng cho Đoàn trưởng Bông Văn Dĩa, người sau này được tặng thưởng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam."

Tháng 10/1975, anh được cấp trên cho ra Bắc an dưỡng tại Đoàn 586 thuộc Quân khu 3 đóng tại Lý Nhân (Hà Nam). Sau một quá trình chiến đấu, rèn luyện trong quân đội, anh cũng được thưởng nhiều Huân, Huy chương các loại và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng (năm 2006).

Giản dị giữa đời thường

Khi đang ở trại an dưỡng, cảm phục tấm gương dũng cảm của anh thương binh trẻ, một cô gái trẻ người Nghệ An đã đem lòng yêu mến anh. Hai người quyết định xây dựng gia đình vào tháng 10/1976. Đây là người con gái thứ hai trong đời mà anh rất mực yêu thương.

Trước đó, anh đã có lời ước hẹn với một cô gái cùng thôn ngay trước ngày lên đường nhập ngũ. Tuy nhiên, thương cô con dâu tương lai phải chờ đợi đằng đẵng vô vọng nhiều năm và nghĩ anh khó có ngày trở lại, mẹ anh nhiều lần khuyên nhủ rồi quyết định gả chồng cho chị.


Tháng 4/1977, anh xin giải ngũ về với gia đình. Từ năm 1978, anh tham gia công tác tại Hợp tác xã nông nghiệp Nam Vân và là Bí thư Chi bộ thôn Địch Lễ từ năm 1987 đến năm 1992. Năm 1992, do vết thương tái phát, sức khoẻ không đảm bảo, anh xin nghỉ công tác hẳn. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, anh và vợ phải lăn lộn đủ nghề để nuôi đàn con 4 đứa đang tuổi ăn học.

Chỉ còn một chân, anh vẫn cố gắng đi cày, đi bừa trên 8 sào ruộng khoán của gia đình. Anh và chị còn chăn nuôi lợn tăng gia thêm. Nhà gần đường quốc lộ, anh quyết định mở một quán nhỏ vừa cắt tóc, vừa bơm vá và sửa chữa xe đạp cho khách đi đường. Tối đến, anh nhận trông coi nhà văn hoá thôn để kiếm thêm tiền. Thương bố mẹ vất vả, khi được nghỉ hè, hai đứa con đầu của anh chị nhận đi bán kem dạo. Tuy vậy, cuộc sống của anh cũng không mấy "xuôi chèo mát mái".

Nhiều lần, vết thương cũ tái phát, rò rỉ tủy, anh phải nằm viện hàng tháng trời, rất tốn kém cho gia đình. Thấy gia đình anh quá khó khăn, nhiều người khuyên anh đi khám lại thương tật để được hưởng mức trợ cấp cao hơn. Những lần như vậy, anh chỉ mỉm cười cảm ơn và tự bảo mình : "Mình không được đòi hỏi điều gì. Đất nước còn nhiều khó khăn và mình còn may mắn hơn nhiều người, nhất là so với những người đồng đội đã bỏ thân ngoài chiến trường."

Tháng 2/1999, sau nhiều năm băm rau, nấu cám, "bán mặt cho đất bán lưng cho trời", cộng với tiền truy lĩnh Huân chương, anh chị cóp nhặt được 3,1 triệu đồng. Nghe vợ bàn định dùng số tiền đó để sửa cái nhà đã quá dột nát, anh im lặng vì chưa dám nói cho vợ điều anh nhiều năm đau đáu. Nhưng rồi thấy anh nhiều đêm trằn trọc, vợ anh hiểu.

Chị đã nói một câu mà trong đời anh không bao giờ quyên được : "Em biết anh muốn dùng số tiền ấy làm việc gì rồi. Em đồng ý. Tiền cũng quý nhưng tình nghĩa còn quý hơn. Anh cứ dùng số tiền đó mà đi thăm mộ đồng đội. Em biết lâu nay anh vẫn bứt rứt vì chuyện đó... Có điều kiện thì nên thực hiện. Nếu cái tâm mình được thanh thản, ba triệu bạc đâu có đắt."

Được vợ ủng hộ hết lòng, ngay hôm sau anh lên đường đi Cà Mau. Anh đã tới thăm lại chiến trường xưa, tới nghĩa trang thắp hương cho 4 ngôi mộ vô danh của đồng đội tàu 69 và đặc biệt là con tàu 69 lúc đó sắp bị chìm hẳn trên rạch Xẻo Già. Sau chuyến đi đầy cảm xúc đó, anh còn may mắn được gặp lại một số đồng đội của mình nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập đường Hồ Chí Minh trên biển tại Hải Phòng năm 2001.

Sau một ca tai biến mạch máu não phải đi bệnh viện Bạch Mai cấp cứu và điều trị, anh bị liệt không đi lại được và hiện phải gắn chặt với chiếc xe lăn do báo Quân đội nhân dân trao tặng. Tuy nhiên, qua những câu nói ngắt quãng hết sức khó khăn, chúng tôi biết anh vẫn ấp ủ một mong ước cuối cùng của đời mình là được gặp lại các đồng đội tàu 69 xưa tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đường Hồ Chí Minh trên biển vào cuối tháng 10 này tại thành phố Hải Phòng./.

Theo Hữu Chiến
TTXVN/Vietnam+
Logged
taukhongsohaihau
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #154 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2011, 03:33:31 pm »

Chào các bác, các chú!
Cháu là con gái của một người lính trên con Tàu không số, tên là Đỗ Duy Huyễn, người y tá có được nhắc tên trong bài viết trên về chú Phan Hải Hồ. Cháu muốn hỏi trên này có ai biết bố cháu thì cháu xin làm cầu nối cho mọi người gặp nhau. Bố cháu hiện trong ban chấp hành của hội liên lạc truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Kính chúc các bác, các chú mạnh khỏe!
Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #155 vào lúc: 15 Tháng Chín, 2011, 10:18:12 pm »

 Grin Grin Grin
Xin chào các bác,các chú, các anh chị em trong diễn đàn
rất lâu rồi vì không biết diễn đàn mình đổi tên nên cháu không thể vào được,may mắn là thời gian gần đây cháu đã biết lại được địa chỉ mới này.
Nhân đây cháu có 1 đề nghị mong được các bác,các chú cho phép và tạo điều kiện:
Là hiện nay đang có 1 cuộc thi  tìm hiểu 'Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển' - mà đây là 1 trong những vấn đề cháu rất yêu thích,với tấm lòng kính trọng với những bác đã làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển cháu rất muốn tham gia,nhưng nếu vậy thì cần phải có tài liệu mà cháu đã tìm hiểu thì ít ở đâu có những tài liệu phong phú - đa dạng và chuẩn xác nhất như ở diễn đàn mình.
Vì vậy cháu xin phép được lấy những thông tin trên diễn đàn mình làm cơ sở cho bài thi của mình.có gì không rõ xin được các bác,các chú giúp đỡ ạ. Smiley Smiley Smiley
Logged
bob
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 924


« Trả lời #156 vào lúc: 20 Tháng Chín, 2011, 03:30:59 pm »

http://dantri.com.vn/c728/s728-477648/huyen-thoai-anh-la-van-cau-cua-tau-khong-so.htm

Huyền thoại anh "La Văn Cầu" của tàu không số


 "Tàu càng vào gần bờ, bọn địch càng bắn mạnh. Chỉ còn một chân, Phan Hải Hồ vẫn lê đi, điểm từng loạt đạn rất chuẩn. Nhìn anh Hồ đau đớn nhưng không nao núng, chính trị viên tàu 69 Tăng Văn Huyễn cảm động, nói to : "Nhân danh Bí thư Chi bộ, tôi tuyên bố từ giờ phút này, đồng chí đảng viên dự bị Phan Hải Hồ trở thành đảng viên chính thức của Đảng".

... Vì thành tích trong trận đánh đêm 31/12/1967, anh được cấp trên tuyên dương, tặng Huân chương chiến sỹ giải phóng hạng 3".

Theo Hữu Chiến
TTXVN/Vietnam+
Cảm ơn bạn  ..đã sưu tầm bài viết của tác giả Hữu Chiến... nêu tấm gương anh dũng của bác Phan Hải hồ. Tuy nhiên trong bài viết bob tui thấy có chỗ chưa hợp lý lắm , mong tác giả xem xét nên đính chính (chữ màu đỏ) cho chuẩn xác để bài thuyết phục hơn:
 Theo thiển nghĩ của tôi: -về nguyên tắc Đảng: Không được nhân danh cá nhân thay quyết định của tập thể cấp ủy. Hơn nữa trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt như vậy (trong bài đã tả) xem ra việc đó không hợp lý...!
 -Về huân chương: Nếu có thành tích xuất sắc trong chiến đấu thì phải là huân chương chiến công, còn HCCSGP là huân chương niên hạn. Chân thành góp ý cùng tác giả. thân ái,
 
Logged
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #157 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2011, 01:06:41 pm »

Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia (Kỳ 1)


Trước nhu cầu cấp bách trên, đồng thời với việc mở tiếp về phía Nam tuyến chi viện trên bộ, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức tuyến chi viện trên Biển Đông. Sau một thời gian nghiên cứu và trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyến vượt biển từ Nam Bộ ra, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển.

Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau những năm đầu hết sức khó khăn, đến năm 1959, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam có bước phát triển nhảy vọt. Phong trào nổi dậy của quần chúng kết hợp với đấu tranh vũ trang ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, yêu cầu về cán bộ và vũ khí ngày càng lớn. Đường vận tải chiến lược Trường Sơn lúc này chỉ mới vươn tới được các tỉnh phía Bắc Khu V, còn các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long không đủ sức đáp ứng yêu cầu đó, nhất là đối với các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ.


Một chiến hạm của đối phương tuần tra trên Biển Đông. Ảnh tư liệu

Trước nhu cầu cấp bách trên, đồng thời với việc mở tiếp về phía Nam tuyến chi viện trên bộ, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh tổ chức tuyến chi viện trên Biển Đông. Sau một thời gian nghiên cứu và trên cơ sở kinh nghiệm của các chuyến vượt biển từ Nam Bộ ra, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải đường biển. Đoàn 759 nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, tổ chức trinh sát nhằm nắm chắc quy luật tuần tra, hoạt động ngăn chặn trên biển của địch; hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ, xây dựng các bến bãi sẵn sàng tiếp nhận vũ khí.

Kể từ khi tuyến chi viện chiến lược biển ra đời, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã nghi ngờ miền Bắc sử dụng con đường tiếp tế vũ khí trên biển, ngoài con đường xuyên Trường Sơn. Trong các báo cáo của cơ quan tình báo Mỹ và các chuyên gia quân sự Mỹ về tình hình Việt Nam đã nhiều lần đề cập đến con đường trên biển này. Nhưng họ chỉ đoán biết chứ không có bằng chứng cụ thể nên chưa xác định được chính xác. Mặc dù vậy, Mỹ-ngụy vẫn tích cực tìm cách đối phó. Qua tài liệu thu được của địch, chúng ta thấy rõ hải quân và không quân Mỹ đã sớm lập một phòng tuyến ngăn chặn từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan. Bên ngoài là máy bay tuần tiễu của Hạm đội 7, bên trong là hải quân Quân đội Sài Gòn và thủy quân lục chiến tuần tra, canh gác, bảo vệ bờ biển, các bến cảng, cửa biển, cửa sông. Tuyến giữa do hải quân Mỹ trực tiếp đảm nhiệm. Theo tính toán của Mỹ-ngụy thì với phòng tuyến ngăn chặn đó không một con tàu nào từ miền Bắc có thể xâm nhập trót lọt vào miền Nam mà không bị phát hiện. Nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; với ý chí quyết chiến, quyết thắng quân và dân ta mà nòng cốt là bộ đội hải quân đã tìm ra giải pháp mở đường trên biển chi viện cho các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ khiến cả Mỹ và ngụy đều hết sức bất ngờ. Việc vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam trên đường Hồ Chí Minh trên biển từ năm 1961 đến năm 1972 có thể chia làm các giai đoạn như sau:

Từ 1962-1965


Ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mang mật danh: "Phương Đông I” rời Đồ Sơn lên đường vào Nam Bộ. Tiếp theo, trong những năm 1963, 1964, các con tàu bé nhỏ đầy ắp vũ khí liên tục rời Đồ Sơn và một số bến khác (Bính Động, Bãi Cháy), vượt qua hàng ngàn hải lý và hàng rào ngăn chặn phong tỏa gắt gao của máy bay, tàu chiến địch, đưa hàng vào chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hoạt động tác chiến mạnh mẽ của quân, dân ta tại các chiến trường nói trên đã khiến cho Mỹ-ngụy càng thêm nghi ngờ về con đường vận chuyển vũ khí của ta trên biển, song, chúng vẫn không thể tìm ra manh mối: "Mỹ và chính quyền Sài Gòn cảm thấy số lượng vũ khí rất lớn mà Việt Cộng đang sử dụng được vận chuyển bằng đường biển. Nhưng sự triệt hạ con đường đó là vô cùng khó khăn đối với Mỹ và chính quyền Sài Gòn”(1) và "…thời điểm lực lượng Việt Cộng tấn công quyết liệt, chúng ta (Mỹ-ngụy) chỉ có thể ngăn chặn và đánh trả ở một số nơi nhất định. Bên cạnh đó, việc vận chuyển vũ khí và các trang bị khác bằng đường biển hoạt động khá mạnh”(2).

(1) Theo: Tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ, Phông số 34- Hồ sơ 106, Lưu Cục Lưu trữ văn phòng Trung ương Đảng.

(2) Theo: Tài liệu dịch của địch, Phông số 34, Hồ sơ 81, Lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(Còn tiếp)
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Mười, 2011, 01:12:18 pm gửi bởi thanhh63 » Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #158 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2011, 01:11:36 pm »

Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia (Kỳ 2)


(Tiếp theo)
...
Tính từ chuyến đi đầu tiên của Tàu Phương Đông I đến tháng 2 năm 1965, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu chở hơn 4.919 tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ.

Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

Thời gian này, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên bộ đã được mở qua Trị Thiên, Khu V, Tây Nguyên. Còn các chiến trường xa như Nam Bộ, Trung Nam Bộ chỉ có thể dùng đường biển. Với các chiến trường này, một viên đạn, một khẩu súng đã rất quý báu. Vài chục tấn vũ khí từ miền Bắc đưa vào có thể trang bị cho một sư đoàn. Như vậy, với hàng ngàn tấn vũ khí được chuyển bằng đường biển trong giai đoạn này có tầm quan trọng đặc biệt, thực sự mang ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp kháng chiến của quân dân ta ở các chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đặc biệt là sự chi viện kịp thời những loại vũ khí mới tương đối hiện đại, có tính năng chiến đấu cao đã làm thay đổi cách đánh, thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội như: Ấp Bắc, Đầm Dơi, Cái Nước, Chà Là, Bình Giã... Sau trận Ấp Bắc, tờ báo The Washington Post, số ra ngày 7-1-1963 đã viết: "… Những người Cộng sản coi đây là chiến thắng lớn đầu tiên… Quan trọng hơn, họ đã mới phát triển thành công những kỹ thuật đương đầu được với những công nghệ của Mỹ cung cấp cho miền Nam Việt Nam….” (1). Từ khi quân đội ta ở Nam Bộ có tiểu liên AK, súng chống tăng B41, ĐKZ 57, ĐKZ 75, cối 81, cối 120… thì việc hạ máy bay, đánh các loại tàu chiến, các loại xe, nhổ đồn bốt diễn ra liên tục khiến đối phương từ chủ quan, hung hăng, đến khiếp sợ, né tránh rồi chùn bước. Báo cáo ngày 15-9-1963 của Nguyễn Thành Hoàng, Tỉnh trưởng An Xuyên (Cà Mau), ghi rõ: "Vũ khí của Việt cộng vượt ra ngoài tất cả các ước tính của chúng ta. Việt cộng đã dùng cối 81, Đại liên 12,7mm, ĐKZ75… là những thứ mà Quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa có. Đạn của họ rất dồi dào, điều mà trước đây chúng chưa bao giờ làm được”(2).


Loại tàu 100 tấn của Lữ đoàn 125 trên đường vào Nam. Ảnh tư liệu

Qua báo chí và hồ sơ lưu trữ của đối phương cho thấy, ngay từ khi con đường Hồ Chí Minh trên biển mới ra đời, hải quân, không quân Mỹ, đã đề phòng và tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Nhưng trong suốt 4 năm đầu hoạt động, các con tàu không số của ta đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu chở vũ khí, đưa được hàng ngàn tấn vũ khí vào Nam Bộ.

Đồng thời với việc vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ, Quân ủy Trung ương và Bộ tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào Nam Trung Bộ. Đây là chiến trường có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, có hành lang chiến lược nối liền hai miền Nam - Bắc. Vận chuyển bằng đường biển vào Nam Trung Bộ đường tuy ngắn hơn Nam Bộ nhưng hết sức khó khăn, nguy hiểm. Vũng Rô thuộc huyện Tuy Hòa (Phú Yên) được chọn là một trong những địa điểm đầu tiên được lựa chọn. Đây là nơi có phong trào cách mạng rất mạnh, lại là nơi có địa thế thuận lợi nên chỉ trong thời gian ngắn từ ngày 28 tháng 11 năm 1964 đến ngày 1 tháng 2 năm 1965, đã có 3 chuyến tàu, đưa gần 200 tấn vũ khí vào bến Vũng Rô an toàn.

Tính từ chuyến đi đầu tiên của Tàu Phương Đông I đến tháng 2 năm 1965, tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển đã tổ chức thành công 88 chuyến tàu chở hơn 4.919 tấn vũ khí, hàng trăm cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ và Nam Trung Bộ(3).Vậy mà phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn không phát hiện được vụ nào. Bí mật của tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển vẫn được giữ vững. Đó quả là một chiến công kỳ diệu, có ý nghĩa chiến lược to lớn, là một thắng lợi vượt ra khỏi dự tính của chúng ta.

Giai đoạn 1965-1968


Ngày 15 tháng 2 năm 1965, Tàu 143 có trọng tải 100 tấn do Thuyền trưởng Lê Văn Thêm, Chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy cập bến Vũng Rô. Lực lượng bảo vệ bến nhanh chóng tổ chức lực lượng dỡ hàng. Do không đủ thời gian rời bến trước khi trời sáng nên cán bộ, chiến sĩ trên tàu và lực lượng ở bến buộc phải ngụy trang tàu và sẵn sàng phương án đối phó. Trưa ngày hôm sau, địch phát hiện ra tàu, tổ chức đánh phá. Cán bộ, chiến sĩ Tàu 143 buộc phải phá hủy tàu, đồng thời cùng lực lượng trên bến phân tán và cất giấu vũ khí, chiến đấu chống quân địch đổ bộ. Sau bốn ngày chiến đấu ác liệt, chiều 19 tháng 2 năm 1965, địch đổ bộ được lên bờ. Những ngày sau, chúng tiếp tục đổ thêm quân và tổ chức sục sạo quanh khu vực. Địch phát hiện một số hầm cất giấu vũ khí mà ta chưa kịp di chuyển. Sau sự kiện ở Vũng Rô, Mỹ-ngụy tổ chức một cuộc triển lãm khá lớn ở Sài Gòn, có cả Phó thủ tướng ngụy đến dự và làm rùm beng về chiến tích thu hồi vũ khí Bắc Việt Nam tiếp tế cho Việt cộng bằng đường biển. Như vậy là, sau vụ Vũng Rô, tuyến chi viện chiến lược trên biển, với bao kỳ công đã không còn giữ được bí mật nữa. Kẻ địch đã nắm được chính xác ý đồ, phương thức, phương tiện vận chuyển của ta. Trên tờ Naval Institute Press, Đại tá Mỹ R.Schrosbay nhận định: "Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển”(4).

(Còn tiếp)

(1) htt://en.wikipedia.org/wiki/Battle-op Ap Bac

(2) Báo cáo số1803/NA3/M ngày 15-9-1963 của Thiếu tá Tỉnh trưởng tỉnh An Xuyên gửi Phủ Tổng thống, tư liệu lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Tài liệu địch, Hồ sơ số 38.

(3) Sự kiện Tàu không số Vũng Rô (Kỷ yếu Hội thảo khoa học), Nxb Phú Yên, 2006, tr.25.
(4) R.Sohnesdle: "Cuộc chiến tranh của hải quân Mỹ ở Việt Nam”, Tạp chí Học viện Hải quân Hoa Kỳ, số tháng 5 năm 1971.

Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
thanhh63
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2187


« Trả lời #159 vào lúc: 04 Tháng Mười, 2011, 01:16:49 pm »

Đường Hồ Chí Minh trên biển – nhìn từ phía bên kia (Kỳ 3)


(Tiếp theo)
...
Trên biển Đông, diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức. Một bên là gần một nửa Hạm đội 7 với không quân được huy động hỗ trợ tối đa và một bên là lực lượng tàu vận tải nhỏ của ta, trang bị vũ khí và phương tiện đi biển thô sơ.

Trung tá, TS, Trương Mai Hương
(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)

Khi phát hiện ra và thu được vũ khí của ta ở Vũng Rô, địch hết sức bất ngờ. Một loạt kế hoạch nhằm đánh phá miền Bắc, ngăn chặn mọi sự chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, kiểm soát chặt vùng biển lập tức được đối phương thực hiện. Trọng điểm là kế hoạch mang mật danh "Desoto” đưa Hạm đội 7 vào Biển Đông để đánh phá miền Bắc và ngăn chặn sự thâm nhập của "Bắc Việt” vào Nam bằng đường biển.

Ở miền Nam, một kế hoạch phong tỏa quy mô lớn mang tên "Market time”được thực hiện nhằm ngăn chặn con đường chi viện trên biển của ta. Theo kế hoạch, hải quân Mỹ thực hiện việc ngăn chặn từ ngoài khơi, hải quân ngụy có nhiệm vụ tuần tiễu ven bờ. Đồng thời, Mỹ tăng cường thêm 5 tàu tuần tiễu ngoài khơi, 30 tàu tuần tiễu trên sông và 9 tàu tuần tiễu ven bờ. Ngoài ra, địch cho hàng trăm/lần chiếc máy bay trinh sát bờ biển, sục sạo từng ki-lô-mét vuông biển, đảo liên tục 24/24 giờ; đồng thời hàng chục trạm ra-đa quan sát ven bờ, trên các đảo và một mạng lưới thông tin viễn thông hiện đại được xây dựng.


Máy bay và tàu chiến thuộc Hạm đội 7 liên tục tuần tra truy tìm dấu vết Đoàn tàu không số. Ảnh tư liệu

Tháng 9 năm 1965, P.Paul, Phó đô đốc Hạm đội 7 của Mỹ cùng tướng Westmoreland tổ chức một cuộc họp khẩn cấp, quyết định tăng cường các biện pháp ngăn chặn tuyến chi viện bằng đường biển của ta. Theo đó, những máy bay thuộc Hạm đội 7 phụ trách việc cảnh giới ngoài khơi bằng hệ thống phát hiện điện tử suốt ngày, đêm, từ vĩ tuyến 17 đến vịnh Thái Lan. Các căn cứ không quân ở vịnh Cam Ranh và Vũng Tàu chịu trách nhiệm giám sát tất cả các cửa sông thuộc Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Hệ thống giám sát, tuần tra, ngăn chặn dày đặc như thế, nhưng Nguyễn Hữu Chí - Phó đô đốc Hải quân Sài Gòn vẫn hoài nghi và cay đắng thừa nhận: "Chiến hạm của Mỹ nhập cuộc rất đông, xem như vây kín duyên hải Việt Nam Cộng hòa. Thế nhưng, cộng sản Bắc Việt có chịu chùn bước xâm nhập không?”. (1)

Chỉ sau một thời gian ngắn, lực lượng Mỹ và ngụy trên biển đã được tăng cường thêm gấp nhiều lần, máy bay, ra-đa và các lực lượng quan sát khác hoạt động ngày, đêm nhưng chúng vẫn không sao ngăn chặn được các chuyến hàng chở đầy vũ khí của ta cập bến, nhiều tờ báo ở Mỹ khẳng định: "Cộng sản Bắc Việt có những đội thuyền viên lão luyện, vượt xa hải quân Việt Nam Cộng hòa hai mươi năm. Họ có thể điều khiển tàu đi trong bất luận thời tiết nào, địa hình nào”.(2)

Sau bốn năm đọ sức với quân và dân ta, chiến lược "Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ có nguy cơ bị phá sản. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Mắc-na-ma-ra đã phải thú nhận: "Mỹ đã thất bại quân sự ở Việt Nam”. Tướng Oét-mô-len, Tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn thì cho rằng: "Nếu tình hình phát triển theo chiều hướng này, chính phủ Việt Nam cộng hòa (tức ngụy quyền) không thể tồn tại được trong vòng 6 tháng”. Mỹ cảm thấy đang "chơi con bài thua” ở Việt Nam, "…một tâm trạng chán nản vì chiến tranh và một sự tuyệt vọng ngày càng tăng đang bao trùm khắp Việt Nam, đặc biệt là các vùng thành thị”, vì "Việt cộng chiếm được nhiều quá, đến nỗi một lần nữa chúng ta (tức Mỹ) lại đứng trước nguy cơ nước này bị cắt làm đôi bởi một mũi dùi của Việt cộng thọc ra đến tận biển”.(3)

Sau một thời gian tạm ngừng hoạt động, Bộ tư lệnh Hải quân đã nghiên cứu và đề xuất phương thức vận chuyển mới là đi xa bờ bằng phương pháp hàng hải thiên văn. Với phương pháp này, có tàu phải đi qua đảo Hải Nam, Trung Quốc để đánh lạc hướng đối phương, hay đi vòng ra hải phận quốc tế, cũng có tàu phải vòng ra phía Ma Cao, sang Phi-líp-pin… rồi bất ngờ đột nhập vào các bến bãi ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ.


Phân chia khu vực tuần tra của hải quân Mỹ - ngụy trong biển vùng miền Nam

Cùng thời gian này, đế quốc Mỹ tổ chức thêm lực lượng đặc nhiệm 116 để ngăn chặn mọi hoạt động của ta. Lực lượng của Mỹ hoạt động ở cửa sông, cửa rạch vùng châu thổ sông Cửu Long và đồng bằng Nam Bộ. Lực lượng đặc nhiệm 117 của ngụy sục sạo gắt gao khu vực tàu của ta thường ra, vào như: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre…

Ở ngoài khơi, lực lượng Hạm đội 7 của Mỹ được tăng cường tối đa. Nếu như những năm trước, nhiệm vụ chiến lược của lực lượng này là đối phó với Hạm đội Viễn Đông của Hải quân Liên Xô (cũ) và các hạm đội của Hải quân Trung Quốc, thì thời gian này chúng buộc phải dồn lực lượng vào khu vực Đông Nam Á mà chủ yếu là vùng biển Nam Việt Nam. 40% lực lượng của Hạm đội 7 được huy động vào nhiệm vụ "Ngăn chặn xâm nhập bằng đường biển” từ miền Bắc và miền Nam, tức ngăn chặn tuyến chi viện trên biển của ta. So sánh lực lượng trên biển giữa ta và địch hết sức chênh lệch. Một bên là gần một nửa Hạm đội 7 với không quân được huy động hỗ trợ tối đa và một bên là lực lượng tàu vận tải nhỏ của ta, trang bị vũ khí và phương tiện đi biển thô sơ.

(Còn tiếp)

(1) Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 15, Lưu Trung tâm Thông Tin - TTXVN.

(2)Theo: Tài liệu của địch, Phông số 02, Hồ sơ 21, Lưu Trung tâm Thông Tin - TTXVN.
Logged

Nắng gió cuộc đời, phải chăng đã phũ phàng làm cho mái tóc phai đi, sáng lên màu bạc, nhưng ánh mắt vẫn đọng mãi những đốm lửa của nồng nhiệt và tha thiết...Hãy gom những đốm lửa lẻ loi ấy để bùng cháy thành ngọn lửa!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM