Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 01:36:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155443 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #80 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2009, 04:05:55 pm »


Cửa biển Vàm Lũng - nơi vào ra của nhiều con tàu thuộc đoàn tàu không số chở hàng từ Bắc vào Nam trong những năm đánh Mỹ
(Ảnh của báo "Cà Mau online")
Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #81 vào lúc: 10 Tháng Bảy, 2009, 04:16:58 pm »

Tôi có sự nhầm lẫn: Ảnh trên là Cửa biển Thạnh Phong (Bến Tre) chứ không phải cửa biển Vàm Lũng (Cà Mau) và nguồn là của "Việt báo.vn"
Thành thật xin lỗi bạn đọc
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #82 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2009, 03:58:08 pm »

                                                                   
    Điều không lý giải được

        Cho đến bây giờ tôi vẫn chưa lý giải được về sự sống của 17 cán bộ, thuỷ thủ trên con tàu không số (TKS) mang mật danh 56 trong đêm Tết Mậu Thân 1968, cách đây 41 năm?
        Đó là điều hết sức ngạc nhiên, bởi đêm đó có rất nhiềuc tàu chiến Mỹ, nguỵ đồng loạt bật đèn pha cực mạnh, đồng loạt nổ súng và đồng loạt triển khai đội hình vòng vây TKS 56!. Và, hình như đêm giao thừa ấy chúng đói khát lắm, nên tàu nào cũng muốn chạy hết tốc lực để được đến  nuốt “con mồi” sớm nhất...
      Nhưng để thoát  được những phút giây căng thẳng đó; để không chết trong đêm Tết ấy, trước hết chúng tôi rất biết ơn người chính trị viên (CTV) có cái tên cứng như hòn sỏi: Đỗ Như Sạn, anh là lính hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, hiện về hưu hưởng lương thiếu tá ở quê: Thiệu Sơn, Thiệu Hoá, ( Thanh Hoá).


   Đêm chết chóc

     
      Tàu không số “56” là một trong 4 con tàu nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào tiếp tế cho quân và dân miền Nam trong dịp tết Mậu Thân 1968. Bến vào của tàu 56 là cửa biển Lộ Giao (Bình Định). Đêm ấy gió mùa nỗi lên rất to, sóng bạc đầu phủ trắng xoá mặt biển. Con tàu 56 chẳng khác nào chiếc võ tre bấp bênh trong dòng nước xoáy. Nhưng đã quá quen với điều kiện tác chiến nên các thuỷ thủ ai nấy đều kiên định vững vàng, sẵn sàng chiến đấu nếu địch phát hiện ra vị trí thả hàng của ta (phương châm vào các bến Khu 5: hàng được thả xuống toạ độ, sau đó du kích đưa thuyền đánh cá ra vớt chở vào bờ)). Tàu 56 vẫn thẳng hướng bến Lộ Giao, và theo như lời thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba, còn có biệt danh Ba Râu (anh nhiều râu nên anh em thường gọi Ba Râu, nay đã mất vì bệnh hiểm nghèo) nếu không có gì cản trở thì tàu 56 sẽ vào bến trả hàng đúng giờ “G”. Nhưng thật bất ngờ, tàu đang ngon trớn và chỉ cách điểm thả hàng chừng 25 hải lý, thì trước hướng tiến của tàu xuất hiện những ánh đèn pha cực mạnh quét tới. Ban chỉ huy hội ý chớp nhoáng và quyết định cho tàu quay sang hướng khác; nhưng hướng khác cũng bị chúng nó chặn; lại một hướng khác nữa...cũng không tránh khỏi những con mắt cú võ...
-   Tàu ta đã lọt vào vòng vây của chúng- thuyền trưởng nói.
-   Ta phải hết sức bình tỉnh- CTV nhắc nhở.
-   Hành động đối phó? thuyền truởng hỏi ban chỉ huy:
-   Nếu chúng nó cố tình bắn tiêu diệt? ta đánh trả quyết liệt!
   Những con tàu chiến Mĩ, nguỵ ngày một đến gần, nhiều ánh đèn pha cực mạnh như muốn khoét sâu vào các khoang hàng xem “tàu đánh cá” chở  những gì?
     Trước tình huống bất ngờ ấy, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba nói như hét với các cán bộ, thuỷ thủ: “Chuẩn bị chiến đấu!”  Thực thi lệnh của chỉ huy, các vị trí khẩn trương tra kíp nổ vào các khối thuốc TNT, các quả bom chìm, khói mù và triển khai các khẩu súng: ĐKZ, B40, hoả tiển vác vai, lựu đạn chống tăng...sẵn sàng chờ lệnh! Tôi và  hàng hải số 2 Hồ Văn Kiêm (nay là Đại tá, Lữ Đoàn trưởng TKS-đã nghỉ hưu) dưới sự chỉ huy của thuỷ thủ trưởng Nguyễn Văn Hoa, nhanh chóng hoàn tất mọi công việc và chỉ chờ lệnh điểm hoả!
     Những khẩu pháo 14 ly 5, pháo 37 ly của địch không ngừng khạc ra những hòn đạn đỏ quạch tuôn tới tấp đến tàu 56. Nhưng phần nhiều chúng bắn vòng cầu chứ không bắn thẳng vào mục tiêu nên tàu 56 vẫn “sống” khoẻ. Ngoài tiếng súng, những ánh đèn pha cực mạnh mỏng, sắc như lưỡi gươm; cũng có thể ví như những tia chớp thè cái lưởi dài thật dẽ sợ. Tất cả, tất cả những thứ vũ khí đó, nó đều tập trung đến tàu 56.
     Mặc! Tàu 56 vẫn kiên định lập trường thi gan với chúng. Đạn từ những con tàu Tuần dương lại tuôn xối xã đến tàu ta, nhiều thuỷ đã bị thương, y tá Trần Văn Việt không quản nguy hiểm chạy đến các vị trí băng bó, cầm máu cho từng người. Thuyền trưởng Ba nhìn xuống mặt boong thấy một số thuỷ thủ áo quần đã thấm máu, anh bặm môi, tay dơ cao định chém xuống và hô...bắn!  Nhưng CTV Đỗ Như Sạn đã kịp giữ tay thuyền trưởng lại, nói như thét:
-      Khoan! Anh Ba!
-      Hãy chờ thêm ít phút!
-      Đợi đến bao giờ nữa?
-      Nó chưa chủ trương bắn tiêu diệt ta!
-      Sao đồng chí biết?
-      Nếu nó bắn tiêu diệt, thì chúng đã bắn ngay loạt đạn đầu!
-      Thế CTV để anh em bị thương bao nhiêu người nữa? CTV Sạn chùng giọng: “Tôi biết anh rất thương đồng đội. Nhưng nhiệm vụ của ta không lấy chiến đấu làm chính, mà là mưu mẹo đánh lừa địch, giữ bí mật đến cùng con đường vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam”! Lại những quả đạn pháo 57 ly bắn đến tàu 56. Do cự li quá gần nên tiếng nổ đã kích nổi tàu 56 lên khỏi mặt nước, khiến cho cả khối thép uốn mình run bần bật theo vòng xoáy của chân vịt. Nguy cơ các khối bộc phá có thể tự  kích nổ như một số tàu đã gặp! CTV Đỗ Như Sạn đề nghị với ban chỉ huy, là cho các vị trí rút kíp nổ ra khỏi các khối thuốc.Tàu địch lại bắn rát hơn.CTV Đỗ Như Sạn lại trấn an: “Các đồng chí cứ bình tỉnh, nó bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết!” Chúng tôi ai nấy như được tiếp thêm sức mạnh nên vững tin hơn. Đêm càng về khuya trời càng lạnh, sóng gió càng lớn khiến ai nấy run cầm cập, một số anh em yếu sóng nôn  thốc nôn tháo.Tôi nhìn qua CTV Sạn thấy anh ói ra nước vàng, tự dưng nước mắt tôi chảy ra... Lại một chiếc Tuần dương nữa đến gần. Đêm tối chúng tôi nhìn nó như hòn đảo trôi, chạy cắt ngang hướng tiến tàu 56. Thuyền trưởng Ba thấy “ngon ăn” bèn nói với chiến sỹ hàng hải Phạm Phong Đê (anh đã hy sinh 1972), là cho máy tăng hết tốc độ lao thẳng vào nó! Nhưng CTV Đỗ Như Sạn đã kịp ngăn lại...Chúng lại tiếp tục bắn uy hiếp và đánh tín hiệu hỏi tàu ta mang quốc tịch nước nào? Chạy từ đâu tới? Chở hàng gì? Bắt ta phải dừng máy để chúng sang kiểm tra?...CTV Đỗ Như Sạn nói dứt khoát với báo vụ số 1: Nghuyễn Văn Nghiệp, là không được trả lời! Nếu trả lời thì nó sẽ truy tận gốc, trốc tận rễ, rồi vô tình ta tự bạch với nó là “con ở bụi này”...       
       Nhưng các thủy thủ đều nghĩ, sớm muộn gì thì cũng đánh nhau! Cũng hy sinh thôi, bởi chúng đã bắt quả tang tàu “đánh cá” của ta đã vào sâu trong bến Lộ Giao- vùng quản lý của quân giải phóng. Thế nhưng CTV Sạn, với phương châm còn đánh lừa được địch thì còn thi gan, đấu trí với nó. Một số thuỷ thủ lại trúng đạn thù nhưng chưa nặng, còn chiến đấu tốt. Tâm lý lúc này ai cũng muốn được nổ súng, ai cũng muốn được làm nên một phút huy hoàng trước khi chết.  Nhưng đối với CTV Đỗ Như Sạn, thì anh cho cái chết lúc này chưa cần thiết; bởi nhiệm vụ chi viện vũ khí cho miền Nam đang cần đến những con người và những con tàu... Mặt khác nói đến cái chết sợ anh em hoang mang ảnh hưởng đến sức chiến
đấu, nên anh giữ bí mật cả những cái túi nilon (quan tài lính TKS) mang theo chuyến
này; đến cả những bức điện từ căn cứ gữi đến thông báo về chiến sự của các tàu: T235 vào bến Vũng Rô, T165 vào bến Vàm Lũng (Cà Mau) và T43 vào bến Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã bị định bắn chìm, có tàu đã hy sinh không còn một ai...
        Dẫu biết ngàn cân treo sợi tóc, sự sống của con tàu và 17 thuyền viên rất mong manh, nhưng CTV Sạn vẫn đặt nềm tin vào thắng lợi! Nếu thắng được trận này- anh nghĩ, ta sẽ  rút ra được bài học “ứng xử trên biển đông” cho các con tàu trong đơn vị, lấy đó làm phương châm hành động.cho những chuyến đi sau “Sự kiện Vũng Rô-1968”, mà anh em hay  nói đùa: “một đi không trở lại”...
        Trời càng sáng dần, tàu địch đã bớt hung hăng, thuyền trưởng Ba cho tàu ta quay ra biển đông, đi hướng 90 độ. Theo sự chỉ đạo của Căn cứ và đối sách của cấp uỷ tàu: Khẩn trương kéo những tấm lưới đánh cá phủ lên các khẩu pháo, phủ kín các hầm hàng; đồng thời cho thuỷ thủ lấy những con cá gỗ ra móc lên các mảng lưới để đánh lừa địch.Các thuỷ thủ còn kéo lá cờ “mặt trời” của Nhật lên trên cột cao nhất ..Làm xong mọi công việc nghi trang thì trời sáng bảnh.  Lúc này bầy tàu chiến đã tản bớt, chỉ con 3 tàu Tuần dương, sơn màu ghi xán, to như những hòn đảo nổi, và ba chiếc máy bay đen sì của Hạm đội 7 Mĩ vẫn bám theo “con mồi”; nếu bây giờ trí óc tôi không lẫn, thì các con tàu đó có số hiệu: 2882, 2884 và 2886: (qua bài viết này, những người lính Mĩ nếu có điều kiện và còn sống, thì xin liên hệ gặp lại nhau cho vui- N.V).
       Theo chỉ đảo của căn cứ, tàu 56 vẫn tiếp tục chạy ra biển đông mà hướng đến là đảo Ô-Ki-Na-Oa Nhật Bản. Tuy thế 3 tàu Tuần dương và mấy chiếc máy bay Mĩ vẫn đeo bám dai  như đỉa đói, làm cho những chiến binh trên những chiến hạm đó chừng như đã quá mệt mỏi, nên các pháo thủ đều nằm gục lên bệ pháo, chẳng thèm nhìn ngó đến tàu chúng tôi. Dẫu thế, các thuỷ thủ của ta vẫn đề cao cảnh giác: vừa thả câu, vừa vá lưới và luôn thường trực bên các khẩu pháo để khi cần là nổ súng...
      Hết một đêm căng thẳng, đến một ngày sóng gió phủ phàng, tàu 56 vẫn vững vàng hành tiến. Lại một ngày đêm nữa trôi qua. Rồi một ngày đêm nữa...Đến sáng ngày thứ tư, khi tàu 56 sắp vào vùng biển Nhật Bản, thì 3 con tàu Tuần dương và mấy chiếc phi cơ chiến đấu Mĩ  mới từ bỏ hẳn con mồi.
      Từ ngày thứ tư trở đi, chúng tôi ai nấy thở phào nhẹ nhỏm, bởi đã thoát được cái chết. Tàu 56 lại quay hướng về căn cứ  mang theo 17 thuỷ thủ, tuy có bị thương nhưng sức khoẻ vẫn còn có khả năng nhận nhiệm vụ đi tiếp...

   Khúc hồi tưởng

        Thấm thoát từ cái đêm không chết ấy đến hôm nay đã 41 năm, 17 cán bộ chiến sĩ trên con TKS 56 ngày đó, và các năm sau này... nhiều người đã hy sinh; nhiều người đã mất vì tuổi già, và nhiều người cũng đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo... Số sống đến giờ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhưng mà cuộc sống của “lính không số” thì quá ư gian nan và thiệt thòi. CTV Đỗ Như Sạn của tôi cũng không ngoài sự truân chuyên vất vã đó: Anh lên bờ  (1975) với quân hàm đại uý, trên điều động về làm chính uỷ trường kĩ thuật Cát Lái, trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đến đầu thập niên những năm 1980: khi “phong trào bằng cấp nước ngoài” thịnh hành, thì anh được trên cho về nghỉ chế độ hưu ở quê nhà, quân hàm  hưởng lương tương đương thiếu tá. Sau bao nhiêu năm biền biệt xa quê, xa gia đình vợ con nay mới được về đoàn tụ. Nhưng nỗi mừng vui vừa chớm khoé miệng thì đã vội tắt: Người vợ thân yêu của anh lâm bệnh nặng và đã qua đời ngay trong năm đó. Thế là cảnh “gà trống nuôi con” trong những năm kinh tế ngặt nghèo, khiến cho thể xác anh teo tóp, đôi mắt anh mờ đục, hai tai anh nghểnh ngãng...Tuy vậy nhưng với cái khí chất của người CTV có bản lĩnh vững vàng, anh đã giữ vững tay lái cho con “ thuyền gia đình” vượt lên tất cả...
          Với tôi: nỗi thương nhớ, sự kính phục và cả sự biết ơn người CTV Đỗ Như Sạn thì không bao giờ quên được! Nhờ có anh “giữ vựng ngọn cờ ” mà anh em chúng tôi thoát được cái chết trong đêm Tết ấy. Thế nhưng nhớ anh để mà nhớ, thương anh để mà thương chứ giúp anh về kinh tế thì chúng tôi cũng không hơn gì đại uý Đỗ Như Sạn:
“Chín năm kháng chiến gian lao,
Hai mốt năm đánh Mĩ bốn sao gạch dài,
Về quê cày cuốc miệt mài,
Vẫn nghe tiếng sóng bên tai thì thầm”...

                                                                         
                                                                           Sông Hồng: một chiều giông 7. 2009
                                                                                  (Trần Hậu Vệ CCB tàu KS)
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #83 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2009, 04:00:45 pm »

Chú thích: Bác Chính Trị Viên Đỗ Như Sạn còn có tên gọi là Đỗ Văn Sạn!  Smiley Quê quán của Bác Sạn tôi giới thiệu ở trên có thể chưa chính xác lắm, do lâu ngày quá tôi không còn nhớ rõ. Đồng đội nào biết xin cung cấp thông tin giúp tôi nhé. Cảm ơn các đồng đội!
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Bảy, 2009, 04:06:36 pm gửi bởi trantienve » Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #84 vào lúc: 11 Tháng Bảy, 2009, 04:47:27 pm »

Anh Đỗ Văn Sạn hiện đang sống tại phường Bắc Sơn, thị xã Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa, chỉ cách nhà nghỉ của Đoàn an dưỡng 296 khoảng chưa đầy một km. Trong dịp đi nghỉ hè hồi cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2009 vừa rồi tôi đến chỗ anh Nhu chơi và cùng anh Nhu đến nhà anh Sạn chơi. Sau đó tôi còn đến nhà anh Sạn, anh Nhu 3 - 4 lần nữa. Rất vui. Anh Nhu ở phường Trung Sơn, Sầm Sơn Thanh Hóa, cách Đoàn an dưỡng 296 khoảng hơn 1 km. Anh Sạn vẫn khỏe, rất chăm thể dục và đi bộ đều đặn, ngày 2 lần sáng và chiều. Mỗi tội tai anh hơi nặng. Chuyện của gia đình anh Sạn khi ở Triệu Sơn rất dài và rất thương tâm, tôi sẽ nói sau. Hiện tại anh Sạn sống cùng vợ thứ 2 cũng quê ở Sầm Sơn và 1 con trai đang học năm cuối trường Đại học Hồng Đức Thanh Hóa, chắc tháng 8 này ra trường
Xin nói thêm, nhà anh Sạn ở gàn ủy ban phường Bắc Sơn, đến ủy ban hỏi ai cũng biết anh Sạn cả
Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #85 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 03:57:57 pm »

Sau mười năm báo tử

 

(VOV) - Đã có một buổi lễ truy điệu dành cho anh và đồng đội, khi đơn vị được tin con tàu đã anh dũng đối đầu với Hạm đội 7 của Mỹ và hy sinh trên vùng biển Cà Mau cuối trời Tổ quốc.
Bằn bặt tin tức, giữa những mất mát khốc liệt của cuộc chiến tranh, đơn vị, gia đình, người thân đều chẳng còn chút hy vọng nào nữa. Nhưng một chiều mùa thu của hơn mười năm sau trận đánh ấy, anh đột ngột trở về...

Thầy giáo trẻ và lá đơn viết bằng máu
[/b]
Năm 1964, trong không khí sục sôi đánh Mỹ, xếp lại những trang giáo án chứa chan bầu nhiệt huyết, tạm biệt giảng đường, mái trường Đại học Hàng hải mến thương, cất sâu vào trong tim mối tình đầu vừa chớm nở..., thầy giáo trẻ Lê Xuân Khảm tình nguyện vào chiến trường. Với lá đơn ghi bằng máu của mình, anh được về với những con tàu không số huyền thoại, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, bằng đường Hồ Chí Minh bí mật trên biển Đông.
Trong chuyến đi thứ 3 của mình, cũng là chuyến đi “định mệnh” lần ấy, từ tàu 121, Lê Xuân Khảm được bổ sung về tàu số 69, làm nhiệm vụ đưa vũ khí vào Khu 9 (Cà Mau) trong vai trò thợ máy. Tàu 69 được cải dạng là tàu nghiên cứu khoa học biển của nước ngoài, trên tàu được “trang bị các loại máy móc, thiết bị rất hiện đại” nhưng thực tế trên tàu chỉ có một máy chính và một số dụng cụ hàng hải thô sơ như thước đo độ góc (xích-tăng), la bàn... Vượt qua mấy ngàn hải lý trong sóng gió của thời tiết xấu và tránh địch, tàu 69 đã vào bến an toàn. Khi giao hàng xong, tàu quay ra gần đến Côn Đảo thì bất ngờ bị địch phát hiện và tấn công.
Trận đánh không cân sức giữa một bên là Hạm đội 7 của Mỹ được trang bị lực lượng hùng hậu và vũ khí tối tân với một bên là tàu Không số quân số ít, vũ khí thô sơ. Dù vậy cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn bám trụ, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh cùng con tàu chứ nhất quyết không để tàu rơi vào tay địch, không thể để lộ bí mật con đường trên biển…
Sau mấy ngày đêm cầm cự quần nhau với địch, người bị thương thay thế vị trí người hy sinh, đến đêm ngày 1/1/1967, tàu 69 chạy vào được cửa sông Vàm Lũng (Cà Mau) thì thoát khỏi vòng vây của địch. Anh em trên tàu hy sinh và  mất tích gần hết, con tàu bị hư hỏng nặng, không đủ sức quay về Bắc được nữa.
Lê Xuân Khảm cùng số chiến sĩ còn lại của tàu 69 gia nhập vào đơn vị quân giải phóng, tham gia chiến đấu trên chiến trường U Minh. Chiến tranh, điều kiện thông tin liên lạc khó khăn, chiến trường lại nằm giữa rừng tràm mênh mông, cho nên anh Khảm “bặt vô âm tín” với đơn vị cũ và gia đình từ đó.
Ai cũng buộc phải tin rằng anh và đồng đội đã hy sinh cùng con tàu. Đơn vị cũ làm lễ truy điệu và gửi tư trang còn lại của anh về cho gia đình.
Người cha già run run lần giở chiếc ba lô của con trai, nước mắt ông lặng lẽ rơi xuống chiếc áo bộ đội bạc màu,  sờn rách. Ông cảm nhận được từ chiếc áo hơi ấm quen thuộc của đứa con trai thân yêu, nó đang thật gần mà cũng thật xa vời. Ông nghĩ, đơn vị đã gửi tư trang về cho gia đình, thế cũng có nghĩa là con trai của mình không bao giờ còn trở lại nữa. Ông lặng lẽ thắp nén hương lên bàn thờ và lầm rầm cầu khấn, mong tổ tiên phù hộ cho đứa con trai ông được thanh thản ở nơi chiến trường xa.
Người con gái anh yêu trước khi ra chiến trường đã trở thành cô giáo, sau nhiều năm khắc khoải chờ đợi mà vẫn bặt tin người yêu, cũng đành chôn chặt vào tim những kỉ niệm của mối tình đầu để đi tìm bến bờ hạnh phúc mới.
Nước mắt ngày trở về
[/b]
Ngày 30/4/1975 lịch sử, dõi nhìn theo bóng những người con của xóm làng may mắn trở về từ chiến trường mà không thấy đứa con trai yêu quý của mình, lòng cha mẹ Lê Xuân Khảm thêm héo hắt.
Thế rồi, có ai ngờ, một buổi chiều cuối thu năm ấy, anh đã trở về. Anh trở về sau mười năm mất tích, trong nỗi mừng vui, sung sướng khôn xiết của người thân. Người mẹ già cứ sờ nắn những vết thương chằng chịt trên khuôn mặt, trên cơ thể con trai mà khóc như chưa bao giờ được khóc, bởi lâu nay bà chỉ dám khóc và gọi tên anh trong những đêm mơ. Bà khóc rồi bà lại cười, bởi con trai bà đây, bằng xương bằng thịt, chững chạc trong bộ quân phục màu xanh. Người mẹ còn tự hào hơn nữa khi giờ đây con trai mình đã là thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Sông Hồng anh hùng.
Rồi, hạnh phúc đã mỉm cười với anh khi anh bén duyên với một cô giáo trường làng, là bạn thân của cô em gái. Một đám cưới đơn sơ mà ngập tràn hạnh phúc được tổ chức nơi quê nhà, năm ấy chú rể 39 tuổi. Sau ngày vui hạnh phúc, để lại người vợ trẻ nơi quê nhà, anh lên đường trở về đơn vị rồi tiếp tục sang chiến trường Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, với những trận đánh mới mà sự khốc liệt cũng không kém.
Từ Mekong đến Phnompenh
[/b]
Đó là trận đánh quyết định, tấn công vào thành phố Phnompenh đêm mùng 7 tháng Giêng năm 1979. Sau nhiều ngày tấn công tại hướng chủ yếu Tây Ninh, Quân đoàn 4 của ta với sự yểm trợ của không quân, hải quân, thiết giáp, trong đó đặc biệt có sự góp sức của Tiểu đoàn Sông Hồng, do Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Khảm chỉ huy đã đánh bật quân Khmer Đỏ khỏi các vị trí trọng yếu dọc theo tỉnh lộ 13. Sau khi đã làm chủ được sông Mekong, thừa thắng, quân ta đánh thẳng vào giải phóng thủ đô Phnompenh, giúp giải thoát nhân dân Campuchia  khỏi sự đàn áp của quân Khmer Đỏ. Trong hồi ký của mình, Thượng tướng Hoàng Cầm nhận định: “Nếu không có sự hỗ trợ của Hải quân thì Quân đoàn 4 không thể tiến nhanh vào giải phóng Phnompenh như thế...” Nhận định của Thượng tướng Hoàng Cầm đã khẳng định vai trò to lớn của lực lượng hải quân, trong đó có sự góp công của Tiểu đoàn Sông Hồng với người chỉ huy tài ba Lê Xuân Khảm. Hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, Tiểu đoàn Sông Hồng hành quân từ miền Tây Nam bộ ra miền Bắc để nhận nhiệm vụ mới tại Thủ đô Hà Nội.
Trải qua gần 20 năm lăn lộn khắp các chiến trường vào Nam ra Bắc, nhiều lần đối mặt với cái chết trong gang tấc, đã từng “được làm lễ truy điệu sống”, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Khảm lại trở về với mái trường ĐH Hàng hải thân yêu. Với nhiệm vụ là trợ lý hiệu trưởng, dù sức khoẻ không cho phép ông trực tiếp đứng trên bục giảng nữa nhưng tấm lòng, tình thương yêu của người thầy, người chiến sỹ trong ông vẫn luôn hướng về học sinh.
Tôi gặp thầy giáo - Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Khảm trong dịp ông cùng đồng đội trở lại thăm chiến trường xưa tại đất mũi Cà Mau. Ông xúc động chỉ cho chúng tôi biết nơi con tàu 69 của ông nằm lại ngày ấy, cửa sông Vàm Lũng như một chứng tích vẫn còn đây mà đồng đội của ông giờ đang ở nơi nào...! Chúng tôi cùng thầy Khảm thắp nén hương thơm, thả cánh hoa tươi xuống dòng sông cửa biển để tưởng nhớ những người đã hy sinh, những người đã hiến dâng  máu xương của mình cho ngày độc lập. Tình yêu biển của ông mãi còn được thắp sáng bởi hai người con trai của ông - hai người thuyền trưởng của những con tàu lớn, hiện đại hôm nay đang giữ gìn và nối tiếp truyền thống anh dũng của cha ông./.
Việt Anh (Theo TNVN)
(Báo "Đất Mũi online")
[/i]
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #86 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:50:16 pm »



Bác Nguyễn Tường, người đã chăm sóc phần mộ liệt sĩ TKS suốt 35 năm, và nhà văn Đình Kính. Ảnh do Trần Hậu Vệ chụp.
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #87 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 10:56:42 pm »



Tôi Trần Hậu Vệ, tuổi 19 với màu áo lính Hải quân!

"Xưa thời sóng gió đại dương,
Say mê với những chiến trường gần xa;
Nay về thì tuổi đã già,
Biết làm chi để giúp nhà hỡi em?!"
Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #88 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2009, 11:11:23 pm »



Ảnh chụp năm 1964, một số chiến sĩ tàu 56 sau chuyến Bà Rịa về, chụp kỷ niệm cùng các thủ trưởng đoàn TKS (đoàn 125): Hàng đứng, từ phải sang, thứ nhất là CTV Đỗ Như Sạn, thứ 3 là Chỉnh ủy Võ Huy Phúc, thứ 5 Lữ đoàn trưởng Huỳnh Công Đạo, đứng cuối là Trưởng phòng tuyên huấn Nguyễn Văn Phát; Hàng ngồi, từ phải qua, thứ 2 là thuỷ thủ Trần Hậu Vệ, thứ 3 là thuỷ thủ Hồ Văn Kiêm (nay là đại tá Lữ trưởng 125 đã về hưu). Các thuỷ thủ còn lại đều đi tàu 121....
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Bảy, 2009, 11:13:36 pm gửi bởi trantienve » Logged
magiang
Thành viên
*
Bài viết: 53


« Trả lời #89 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2009, 12:15:41 pm »


14 người lính của tau 43 đã được chị Đặng Thùy Trâm chăm sóc chữa trị tại bẹnh xá Đức Phổ. Người ngồi thứ hai từ trái qua phải là ông Lư Công Hào
Kí ức của một người lính Tàu không số
Những chuyến tàu bi tráng
Một người trong số đó là ông Lưu Công Hào - thủy thủ của tàu 43 lữ đoàn 125 hải quân. Gần 40 năm đã qua, những ký ức về chị Thùy vẫn vẹn nguyên trong ông, hơn thế ông đã nâng niu gìn giữ những kỷ vật của chị Thùy.
Gọi là "tàu không số" nhưng thật ra các tàu đều có số hiệu tại đơn vị, chỉ khi tiến hành thâm nhập vào miền Nam để tiếp tế vũ khí mới tùy theo từng vùng biển đi qua mà con tàu có thể mang nhiều số hiệu khác nhau.
Con tàu vận tải vũ khí vào Đức Phổ mang số hiệu 43 là một trong bốn con tàu tiếp tế vũ khí cho chiến trường miền Nam dịp tổng tấn công xuân Mậu Thân 1968 (ba chiếc kia là tàu 235 do thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh chỉ huy vào Hòn Hèo, Khánh Hòa; tàu 165 do thuyền trưởng Nguyễn Chánh Tâm chỉ huy đi vào bến Vàm Lũng, Cà Mau; và tàu 56 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Ba - Ba Râu - chỉ huy vào bến Lô Giao, Bình Định).
Bốn tàu ra đi nhưng chỉ có tàu 56 trở về, ba chiếc còn lại đều đụng độ với đối phương và hủy tàu. Trận đánh của tàu 43 sau này được thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng kể lại với nhà văn Nguyên Ngọc khi ông đi làm bộ phim Đường mòn trên biển Đông và trong câu chuyện ấy thuyền trưởng Thắng đã kể về nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm...
Và từ sợi dây mong manh ấy nối dài đến khi những trang nhật ký của chị Thùy "trở về" vào năm ngoái thì miền ký ức của người lính tàu không số chợt bừng thức. Ông Hào đã ngắm nhìn lại cuốn sổ nhỏ ngày xưa, tấm hình chị Thùy chụp khi còn là học sinh ở Hà Nội.
Sau trận chiến không cân sức với đối phương khi tàu vừa chuẩn bị quay mũi lao vào bến để xuống hàng ở Đức Phổ, ban chỉ huy quyết định hủy tàu, có ba anh em trên tàu hi sinh là Vũ Văn Ruệ, Võ Nho Tòng và Phạm Văn Rai, còn 14 chiến sĩ nhưng bị thương mất 11 người, chính bà con ở thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp đã cưu mang đùm bọc anh em trong những ngày nguy khốn đó.
Sau mười ngày đêm nằm dưới hầm bí mật, trên mặt đất đối phương ập vào làng càn quét truy tìm nhưng không sao tìm thấy dấu vết. Thật kỳ lạ, lòng dân nơi đây đã che chở an toàn cho tất cả. Sau đó các thương binh được anh em du kích cáng lên bệnh xá, nhưng hai đêm liền đều gặp phục kích phải quay lại, đêm thứ ba mới thoát được. Hơn một ngày rưỡi xuyên rừng, vào chiều tối hôm sau các anh em thủy thủ của tàu 43 mới đến được bệnh xá của chị Thùy.
Một tháng ở bệnh viện
Ký ức của ông Hào vẫn còn vẹn nguyên hình ảnh của bệnh xá giữa rừng ấy. Hai ngày sau khi các chiến sĩ “đoàn tàu không số” lên đến bệnh xá thì chị Thùy mới đi công tác về.
Nhìn vết thương của anh em, chị không cầm được nước mắt: “Các anh đã về đến đây cứ yên tâm điều trị, nhanh chóng phục hồi sức khỏe để còn tiếp tục chiến đấu”.
Chiến trường Khu 5 cũng như cả chiến trường miền Nam sau Tết Mậu Thân vô cùng khốn khó và khốc liệt. Những thương binh như ông Hào được tiêu chuẩn là ăn cơm với rau má chấm cá chượp, còn chị Thùy và các anh em trong bệnh xá phải ăn độn khoai lang.
Nạn đói lại hoành hành bà con đồng bào miền tây Quảng Ngãi, những ngày ấy toàn bệnh xá đều thực hiện khẩu lệnh: Vì đồng bào Ba Tơ, mỗi người dành nửa khẩu phần ăn của mình để cứu đói cho bà con dân tộc thiểu số.
Những chuyến đi về đồng bằng nhận lương thực, thuốc men lên để chăm sóc thương binh dạo ấy vô cùng nguy hiểm vì bị phục kích, rình rập, bơ gạo mang lên đến bệnh xá lại chia ra một nửa để cứu đói cho đồng bào.
Gian khó vậy nhưng ai cũng lạc quan, niềm lạc quan bắt đầu từ chị Thùy, từ tấm lòng của chị, những tâm sự của chị và cả những dự định tương lai của chị.
Ngay trong những ngày ấy, chị Thùy viết lưu bút cho người lính trẻ Lưu Công Hào mà chị coi như đứa em trai, chị đã mơ đến một ngày không xa “chị sẽ đến Đồ Sơn nghỉ mát, và một buổi chiều nào đó trên bãi biển Đồ Sơn chị lại được gặp em, được nắm tay em (cánh tay đau đã làm em mất ngủ mấy đêm ở trạm này lúc ấy đã lành từ lâu rồi em nhỉ...)”.
Gần 40 năm rồi, ông Hào vẫn nhớ những buổi trưa, tranh thủ ánh nắng hiếm hoi chị Thùy mang dụng cụ y tế, bông băng ra phơi. Sợ máy bay phát hiện, ông Hào trèo lên cây kéo kín tán lá ngụy trang, tiếng chị Thùy nhẹ nhàng nhắc: “Cẩn thận Hào nghe, cẩn thận kẻo ngã đấy em nhé”...
Những ngày sau đó, khi một số anh em thương binh hồi phục, các anh vào rừng chặt những cây gỗ thẳng, đều đặn làm thành những chiếc ghế nhỏ tặng bệnh xá, làm những lan can để anh em thương binh vịn tay tập đi lại, làm cả một khu nghỉ ngơi cho thương binh (những chiếc ghế này đã được chị nhắc đến trong những dòng nhật ký hôm chia tay). Đó là những ngày rất đẹp trong ký ức anh lính trẻ Lưu Công Hào dù mỗi ngày phải luôn đối mặt với muôn vàn hiểm nguy.
Một tháng điều trị ở bệnh xá qua mau, rồi một buổi chiều anh em thủy thủ của “đoàn tàu không số” nhận lệnh lên đường, không biết tự bao giờ chị Thùy đã chuẩn bị đầy đủ tăng, võng, balô, ruột tượng đựng gạo... để anh em vượt Trường Sơn ra Bắc, trở lại với những con tàu để tiếp tục chi viện vũ khí cho chiến trường Nam bộ.
Ngày chia tay, chị Thùy đã nắn nót ghi vào cuốn sổ nhỏ của Lưu Công Hào ngoài những dòng lưu bút là địa chỉ của người em gái Đặng Phương Trâm, địa chỉ gia đình để anh lính trẻ khi về đến Hà Nội sẽ ghé thăm...
Sau ba tháng vượt Trường Sơn, những người lính đã về đến hậu phương, nhưng công việc của những người lính tàu không số luôn là một bí mật đặc biệt, ông Hào không thể đến thăm gia đình chị Thùy và cô em gái Phương Trâm như chị Thùy dặn dò.
Rồi những chuyến đi vào Nam tiếp tục cho đến ngày hòa bình. Những dòng chữ và tấm hình chị Thùy tặng ông Hào vẫn gìn giữ như một kỷ vật thiêng liêng. Bây giờ, cuốn sổ tay bé tí với những dòng lưu bút, tấm hình chị Thùy tặng đã được ông Hào trao lại cho Bảo tàng Hải quân (tại thành phố Hải Phòng), đặt ở một vị trí trang trọng, thảng hoặc ông Hào lại vào nhìn để nhớ về một phần đời không thể nào quên.
LÊ ĐỨC DỤC
(Theo Việt báo.vn)

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM