Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 04:33:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155455 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #40 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:17:54 am »

Chào các bác!
Các bác có quen bác này không?

Thuyền trưởng của 9 chuyến tàu không số
QĐND - Thứ Ba, 30/06/2009, 1:29 (GMT+7)

QĐND Online - Từ thuở thiếu thời, chàng trai quê Bình Thới, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi Vũ Tấn Ích đã ao ước có ngày được đi trên những con tàu lớn khám khá bí mật của đại dương bao la. Năm 1948, vừa tròn 18 tuổi, ông nhập ngũ, đầu quân tại Trung đoàn 108 hoạt động trên chiến trường Khu 5. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được cử đi đào tạo thuyền trưởng ở Trung Quốc, tốt nghiệp được phong quân hàm trung uý - bổ nhiệm làm thuyền trưởng thuyền 5 Phân đội 1, Đoàn 130 Hải quân.

Cũng như bao con em miền Nam tập kết, “ngày Bắc, đêm Nam”, ông luôn mong ước đến cháy lòng ngày trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Đầu năm 1963 Vũ Tấn Ích được giao nhiệm vụ làm thuyền trưởng kiêm chính trị viên và bí thư chi bộ Đội 6, chỉ huy con tàu do Xưởng đóng tàu III Hải phòng (Bộ giao thông vận tải) sản xuất. Đây là chuyến tàu sắt thứ 2 của Đoàn 759 vận chuyển vũ khí vào miền Nam bằng đường biển. Tối 12-4-1964, tại Quảng Ninh, 12 cán bộ chiến sĩ Đội 6 đều là con em Khu 5 và Nam Bộ được Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng và Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 gặp mặt, liên hoan, tiễn đưa đến tận mép nước. Từ đây, cả đội bơi thuyền cao su ra tiếp nhận con tàu trọng tải 100 tấn (chở gần 60 tấn vũ khí) đang neo đậu tại Hòn Kẽm, vịnh Bãi Cháy. Trước khi chia tay, Trung tướng Trần Văn Trà căn dặn thuyền trưởng Vũ Tấn Ích: “Đồng chí là người chỉ huy độc lập, cao nhất, quyết định xử trí mọi tình huống. Phải nắm chắc phương châm chiến đấu: Bám bờ là thế trận, bám bờ là chiến thắng. Tôi chờ tin thắng lợi của các đồng chí”.
CCB Vũ Tấn Ích kể chuyện tàu không số

Để bảo đảm tuyệt mật, mọi tư trang có nhãn mác hoặc dấu hiệu liên quan đến miền Bắc đều phải để lại. Con tàu được nguỵ trang như tàu ngư dân đánh bắt xa bờ, có cá khô, ngư lưới cụ và rất nhiều biển số khác nhau để thay đổi liên tục trong suốt hành trình. Khẩu trung liên gắn ở đuôi tàu được che chắn dưới vỏ bọc ống khói tàu buôn. Mặc dù có trọng tải lớn nhưng phương tiện hàng hải được trang bị khá thô sơ, ngoài hải đồ, chỉ có 1 ống nhòm, 1 la bàn, thước song song bằng gỗ, máy vô tuyến điện sóng ngắn 108 liên lạc với trung tâm bằng tín hiệu moóc và 1 đèn pin để bắt tín hiệu với đất liền. Đây là lần đầu tiên ông Ích chỉ huy tàu hành tiến phương Nam. Đường đi còn lạ lẫm, sóng to gió cả song lo nhất là phải luôn căng thẳng đấu trí với quân thù. Gần chục ngày lênh đênh trên biển, con tàu vào bến Bến Tre như đã định. Song hai đêm liền không bắt được tín hiệu với bến, trên bờ pháo địch bắn liên tục, gần bờ 4 tàu địch thay nhau tuần tiễu. Thuyền trưởng quyết định cho tàu tạm lánh ra hải phận quốc tế, đêm đến xuôi về hướng Nam. Hôm sau tiếp cận 1 thuyền đánh cá của dân, biết đây là vùng có quân giải phóng, ông hạ lệnh cho tàu cập bờ. Nguỵ trang tàu và triển khai phương án SSCĐ xong, ông cùng 1 đồng chí nữa lội vào bờ, may mắn gặp ngay chỉ huy bến Bông Văn Dĩa. Lúc này ông mới biết đã vào bến Bạc Liêu. Lực lượng của bến chờ sẵn nhanh chóng dùng xuồng ba lá bốc hàng suốt 2 ngày 1 đêm. Trả hàng xong, con tàu khẩn trương trở lại miền Bắc. Anh em trên bến lưu luyến tiễn đưa và tặng cho đoàn mấy buồng dừa nước. Lúc vào hàng nặng lo mắc cạn, lúc ra tàu quá nhẹ cứ chòng chành, phải bơm thêm nước vào. Đến ngày 4-5-1963, con tàu cùng đoàn thuỷ thủ đã trở về đúng nơi xuất phát. Chuyến đi thành công hơn cả mong đợi. Thuyền trưởng Vũ Tấn Ích cùng tập thể tàu được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Tiếp đó ngày 1-6-1963, Đội 6 lại lên đường.

Trong vòng 4 năm từ 1963 đến 1967, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích đã chỉ huy 9 chuyến tàu không số. Ông kể: “Kham khổ, nhọc nhằn, những sự cố trên đường, những lần gặp địch, những lúc lạc bến, những ngày thả trôi đói, khát, say sóng… tôi đều nếm trải. Ra đi là xác định cảm tử nhưng chúng tôi luôn giữ nghiêm kỷ luật, nêu cao trách nhiệm, quyết tâm vượt mọi gian khổ hy sinh đưa vũ khí đến đích, vì miền Nam thân yêu. Trước khi lên đường, để giữ được bí mật hoàn toàn, không ai được tiếp xúc với bạn bè, người thân. Có đồng chí ra Bắc tập kết, xa nhà đã gần chục năm, nay về lại mảnh đất chôn rau cắt rốn mà không được bước lên bờ. Có đồng chí bất ngờ thấy vợ trong đoàn dân công ra chuyển vũ khí, đã lánh mặt xuống khoang tàu, ngậm ngùi nhìn qua cửa sổ trông lên… Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng xuôi chèo mát mái. Trong chuyến thứ ba, trên đường vào bến Cà Mau, ngang qua vùng biển Vũng Tàu, máy trưởng Tống Bửu Kiên báo cáo hết dầu, tàu chết máy. Kiểm tra phía sau, không phát hiện vết dầu loang. Liên lạc về Trung tâm không nhận được tín hiệu trả lời, tôi như ngồi trên đống lửa. Tình thế này buộc phải thả nổi con tàu, phương án 1 chờ trung tâm cử tàu tiếp dầu, phương án 2 chờ gặp tàu ngư dân mua dầu. 2 tuần mà chúng tôi cảm thấy dài hơn hai năm. Một trưa nọ, đồng chí Điển, thuỷ thủ tàu bỗng la lên có ngửi thấy mùi dầu, tôi đi kiểm tra, quyết định gỡ tấm bạt che hàng lên. Thì ra do đường ống dẫn bị bể, dầu chảy vào kho hàng. Sau khi kéo hàng lên mặt bong, bịt lỗ hổng, chúng tôi múc từng xô dầu đổ vào khoang chứa. Tàu lại tiếp tục chạy, về đến bến mới hay, Trung tâm đã triển khai cho một số tàu sau khi trả hàng mua dầu đi tiếp tế cho chúng tôi.

Đau đớn nhất là chuyến đi xuất phát ngày 6-7-1967, sau 11 ngày trên biển, gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây, chúng tôi vừa đánh trả vừa cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp nhận nhiệm vụ ở lại huỷ tàu, tôi và các anh em khác lên bờ đi bộ ra miền Bắc. Do bộc phá không nổ, 2 anh đã hy sinh, con tàu bị rơi vào tay địch. Đây là nỗi đau nhức nhối của Đoàn 125 Hải quân trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam và là vết thương luôn bỏng rát trong trái tim tôi, đến tận bây giờ”.

Sau chuyến đi đau thương đó, ông Vũ Tấn Ích chuyển lên bờ công tác. Năm 1982 nghỉ hưu với quân hàm trung tá, cán bộ Phòng tác chiến Quân khu 5 song ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương nơi cư trú (phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Và trong ký ức người CCB đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ấy vẫn nguyên vẹn những kỷ niệm về một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/58/58/82108/Default.aspx

Chúc các bác mạnh khỏe và có nhiều câu chuyện hay cho QSVN! Grin
Logged
DepTraiDeu
Thành viên
*
Bài viết: 658

Kẻ thù của Đế quốc và CHỊ EM!No prisoner pls!


WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 10:55:17 am »

CBB
 Vũ Tấn Ích

Logged

BAO CHIẾN SỸ ANH HÙNG! NÀO CÙNG VUNG GƯƠM RA SA TRƯỜNG!
pằng.. chéo! oái nó có súng còn mình có mỗi gươm! Cheesy
tranlam99
Thành viên
*
Bài viết: 182


« Trả lời #42 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 11:23:49 am »


Đau đớn nhất là chuyến đi xuất phát ngày 6-7-1967, sau 11 ngày trên biển, gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây, chúng tôi vừa đánh trả vừa cơ động vào bến Ba Làng An (Quảng Ngãi). Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp nhận nhiệm vụ ở lại huỷ tàu, tôi và các anh em khác lên bờ đi bộ ra miền Bắc. Do bộc phá không nổ, 2 anh đã hy sinh, con tàu bị rơi vào tay địch. Đây là nỗi đau nhức nhối của Đoàn 125 Hải quân trên con đường vận chuyển vũ khí vào Nam và là vết thương luôn bỏng rát trong trái tim tôi, đến tận bây giờ”.

Sau chuyến đi đau thương đó, ông Vũ Tấn Ích chuyển lên bờ công tác. Năm 1982 nghỉ hưu với quân hàm trung tá, cán bộ Phòng tác chiến Quân khu 5 song ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương nơi cư trú (phường Hoà Thuận Đông, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Và trong ký ức người CCB đã ở tuổi “xưa nay hiếm” ấy vẫn nguyên vẹn những kỷ niệm về một thời trai trẻ gắn bó cùng những con tàu không số trên con đường huyền thoại - đường Hồ Chí Minh trên biển”.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/56/58/58/82108/Default.aspx

Chúc các bác mạnh khỏe và có nhiều câu chuyện hay cho QSVN! Grin

Các bác tầu không số à, theo tôi hiểu thì bác Vũ Tấn Ích đã bị kỷ luật sau vụ này phải không?
Logged
tau khong so
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 146



« Trả lời #43 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:19:51 pm »

Chào bạn Tranlam99!
Tôi xin cung cấp thông tin này: Mục tiêu chiến lược của ta thời đó là chuyên chở được vũ khí vào chiến trường vùng sâu, xa nơi các con đường vận chuyển khác không đến được và yêu cầu tối cao là Tuyệt đối bí mật[. Khi bị lộ phải hủy tàu, huỷ hàng không để địch bắt vì nếu bị bắt tàu, bắt người sẽ lộ con đường chiến lược này ( Con đường này đi ngay trước mũi địch nên chúng không ngờ tới ) Chính vì vậy việc bị địch bắt sống con tàu đầy hàng về triễn lãm ở Sài Gòn là một tổn thất rất lớn của đoàn TKS - Bạn hiểu đúng đấy.  Nhưng đối với chúng ta họ là những con người cảm tử của một thời anh hùng đáng để con cháu chúng ta ngưỡng mộ. tạm biệt bạn
« Sửa lần cuối: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:27:03 pm gửi bởi tau khong so » Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 12:34:44 pm »

Một số hình ảnh về tàu 198 sau khi bị địch bắt ở Ba Làng An: http://www.quansuvn.net/index.php?topic=1179.msg97618#msg97618
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #45 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 03:18:43 pm »

   Sau thời gian anh Đê và chi Hồng kết hôn, đội tàu 56 chúng tôi liên tục nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào chiến trường. Có chuyến tàu lọt thỏm vào vòng vây địch, như chuyến tết Mậu Thân 1968: Tàu 56 bị 3 con tàu khu trục Mĩ sơn màu ghi xám, đến bây giờ nếu tôi nhớ không nhầm, thì các tàu đó có số hiệu: 2882, 2884 và 2886; chúng bắn uy hiếp tàu ta như vãi đạn. Chốc chốc chúng lại đánh tín hiệu bắt ta phải dừng máy, để chúng cho người sang kiểm tra. Tình thế hết sức căng thẳng, chúng tôi ai nấy xác định: Sẽ là những người lính cảm tử trước bầy tàu giặc! Tôi và anh Đê cùng với các chiến hữu đã thực thi mệnh lệnh của thuyền trưởng: Nhanh chóng đặt kíp nổ vào các khối thuốc TNT, vào các quả bom chìm, thuỷ lôi và khói mù... Nhưng cuối cùng chúng chỉ bắn đe doạ, chứ chúng không không chủ trương bắn tiêu diệt. Vì mấy tháng trước đó chúng đã bắn nhầm nhiều tàu đánh cá của các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan...Ấy thế nhưng cũng  phải mất đến 3 ngày chúng mới từ bỏ hẳn kế hoạch đeo bám TKS 56. Và thế là đêm tết ấy, chúng tôi thoát được cái chết trong gang tấc; nhưng 3 con tàu của đồng đội chúng tôi: T235, T165 và T43 thì đành phải chấp nhận phương án: chiến đấu đến viên đạn cuối cùng!

   Thấm thoát từ cái đêm Tết đó đến hôm nay là đã 41 năm. Thời gian lùi về dĩ vãng đã xa, nhưng trong tâm trí tôi thì vẫn nhớ lắm hình ảnh anh Phạm Phong Đê bất chấp sóng gió, bất chấp đạn thù, anh vẫn tranh thủ bò đến vị trí tôi nhắc nhở: “Hãy bình tỉnh mà tra kíp nổ cho chính xác! Hãy bình tỉnh mà bắn cho trúng mục tiêu, để chúng biết trình độ của những pháo thủ TKS, Vệ nhé”! Anh cũng không quên nhắc lại câu nói đùa mà thường ngày tôi và anh tếu táo: Nếu trong cuộc chiến đấu lỡ một trong hai đứa hy sinh, thì đứa sống sót có nhiệm vụ về báo lại cho gia đình của đứa mất biết! Nhưng tôi nghĩ: nếu cái đêm ấy mà chúng nổ súng bắn tiêu diệt thật sự, thì cả khối thuốc TNT sẽ nỗ tung con tàu 56 ra thành những mảnh nhỏ; xác chúng tôi sẽ tan ra hoà trong biển cả, chứ còn ai sống nữa mà về quê hương?...Nhưng rất may là cái đêm ấy tàu 56 đã kịp phủ lưới đánh cá lên những ụ súng, trước khi chúng ập đến. Hơn nữa “màn kịch” giả danh tàu đánh cá nước ngoài diễn quá ngoạn mục, nên đến bây giờ tôi mới là nhân chứng kể cho bạn đọc biết về những chuyến đi “không hẹn ngày trở lại” của TKS! 

   Và, điều tôi kể trên không may đã đến với anh Phạm Phong Đê (thiếu uý, thuyền phó): Anh đã ngã xuống trong một chuyến đi khi tàu đang trên đường vào chiến trường miền Nam, đêm 28.9.1972. Phần mộ anh ngày đó theo như đồng đội kể, thì anh đã được ban chỉ huy tàu đem vào mai táng trên một hòn đảo nhỏ thuộc vùng biển đông Bắc của Việt Nam (bởi chuyến đó tôi đã lên khỏi tàu và đang là học viên của một Học viện Quân sự).

   Sau năm 1975, tôi có ý định xin phép đơn vị trở ra miền Bắc và tìm đến gia đình anh ở Quảng Bình để báo tin và kể về cuộc đời anh hùng của anh Đê cho chị Hồng (vợ anh Đê) biết. Nhưng chiến tranh biên giới phía Nam, phía Bắc lại nổ ra dồn dập nên kế hoạch đó tôi chưa thực hiện được. Và, đến hôm nay thì sức khỏe đã không cho tôi có cơ hội được thực hiện nguyện ước đó...

   Nhân ngày Thương Binh Liệt sĩ (27.7.2009) năm nay, tôi viết bài báo này coi như một nén tâm nhang thắp cho anh Phạm Phong Đê- người bạn thân của tôi và nhiều đồng đội, một thời cùng vào chiến trường miền Nam trên TKS 56 Anh hùng.
                                                                 Trần Hậu Vệ (Trần Tiền Vệ)- nguyên thuỷ thủ TKS 56
« Sửa lần cuối: 03 Tháng Bảy, 2009, 10:30:31 am gửi bởi trantienve » Logged
trantienve
Thành viên
*
Bài viết: 18


Xưa thời sóng gió đại dương....


« Trả lời #46 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 04:09:33 pm »

Sau chuyến tàu đó như tôi biết, đ/c ích bị kỷ luật khiển trách nội bộ (do Tư lệnh Qchủng chỉ đạo) bởi lúc đó có thể nói là rất hiếm cán bộ thuyền được chọn lựa về đoànTKS. Nên đành chấp nhận sự lỗi lầm hết sức lớn: bởi từ vụ của đ/c Ích trở đi, đoàn TKS phải chịu nhiều tổn thất mất mát lớn, mà tiêu biểu là những chuyến đi của các tàu 235, 165, 43 và cả tàu 56 của tôi trong cái đêm Tết mậu thân 1968: 3 con  tàu ra đi trong dịp đó duy nhất chỉ có tàu 56 của chúng tôi thoát hiểm được. Nhưng các đ/c có biết không: tàu 56 đã mưu mẹo đánh lừa được 3 tàu khu trục mỹ đêm hôm đó và cả 3 ngày sau, khi tàu tôi treo cờ Nhật Bản chạy lên hướng đảo Ô-ki-na-oa, chúng mới buông tha con mồi. Thật lòng, không sợ mất ruột mà nói, thì Bác Ích rất có công, nhưng cũng có tội:Bởi không ai như bác một mình làm hỏng cả 3 con tàu (2con mắc cạn phải huỷ ngoài đảo Trường Sa;1 con không đánh bộc phá dứt điểm ở bến Ba Làng, nên địch đã lấy toàn bộ vũ khí tàu 198 về sài Gòn khoe mẻ với dân chúng: cái gọi là sức mạnh của Quân lực Việt Nam cộng hoà...
     Nhưng cái gì đã qua thì nó đã xa, nhắc lại chỉ thêm đau lòng đồng đội. Bởi thế, nay đ/c hỏi thì tôi xin có đôi lời mạo muội...rất mong đồng chí thông cảm, nếu có gì chưa thoả mạn thì xin hỏi thêm những người trong cuộc vậy. Kính chúc đ/c khoẻ- Trần Hậu Vệ (bút danh là Trần Tiền Vệ).
     
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 05:51:32 pm »

Chú cho cháu hỏi, TKS của ta lúc đó vũ trang như thế nào ạ?
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
tranlam99
Thành viên
*
Bài viết: 182


« Trả lời #48 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 06:12:48 pm »

Các bác tàu không số à, cảm ơn các bác đã cho biết rõ thông tin, tôi nghĩ sau những chiến thắng đều luẩn quất đâu đó những hy sinh mất mát và cả thất bại nữa. Là con người, là chiến sỹ và kể cả những người cảm tử cũng có thể có thất bại - phải không các bác. Chính những lời kể sự thật mới là nhửng dòng máu và hoa .
Logged
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #49 vào lúc: 01 Tháng Bảy, 2009, 08:40:24 pm »

Cái này em đã post tại Topic Kỷ vật các chiến sỹ trong KCCM

http://www.quansuvn.net/index.php?topic=5149.0

nay em đưa lại lên đây

----------------------------------

Tiếp về 1 chuyến tàu của Đoàn tàu không số (Lữ đoàn 125 Hải Quân) vận chuyển vũ khí cho miền Nam, không may bị địch phát hiện và đánh chìm.

DIễn biến như sau:

Vào ngày 16/2/1965, phi công trực thăng Mỹ bay dọc theo bờ biển Nam Việt Nam đã phát hiện ra 1 con tàu lạ, là tàu vận tải, tải trọng cỡ 100 tấn, đ][cj che phủ rất cẩn thận ngoài khơi tỉnh Phú Yên. Máy bay chiến đấu đã tiếp cận con tàu và đã bị súng máy bắn lên từ bong tàu và từ trên bờ. Lực lượng không quân VNCH đã tấn công con tàu, đồng thời binh lính VNCH cũng được điều đến khu vực. Họ đã tiêu diệt con tàu sau khi có sự chống trả nhỏ từ phía con tàu.

Con tàu đã bị chìm ở vùng nước nông. Tài liệu tìm thấy trên tàu và trên thân thể của 1 vài lính Bắc Việt trên tàu đã xác định con tàu đến từ Bắc Việt Nam. Tờ báo tìm thấy trên cabin nguồn gốc từ Hải Phòng và đề ngày 23/1/1965. Khoảng 100 tấn vũ khí đã được tìm thấy gần tàu, gồm:
- Khoảng 1 triệu viên đạn súng bộ binh
- Hơn 1000 lựu đạn
- Khoảng 250 kg thuốc nổ TNT
- 2000 viên đạn súng cối 82mm
- 500 lựu đạn chống tăng (đạn B40?)
- 500 viên đạn DKZ 57
- Hơn 1000 viên đạn DKZ 75
- 1 DKZ 57
- 2 trọng liên
- 2000 súng Mauser 7.95 mm
- Hơn 100 carbin 7.62 mm
- 1000 súng tiểu liên
- 15 súng trung liên
- 500 súng trường
- Khaỏng 250 kg dụng cụ y tế (Mang nhãn hiệu từ Bắc Việt, TRung Cộng, Tiệp Khắc, Đông Đức, Liên Xô và các nước khác).

Đây là ảnh tàu, vị trí bị đắm:

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM