Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 09:36:23 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường Hồ Chí Minh trên biển  (Đọc 155435 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #190 vào lúc: 17 Tháng Mười Một, 2011, 01:23:06 pm »

Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 3)


Một đêm nằm bên cạnh tôi, anh Quang tâm sự: "Từ hôm được tin cấp trên báo cho mình được đi theo tàu của cậu về lại quê hương chiến đấu, mình mừng quá không sao ngủ được". Tôi nói khích vào: "Chớ không phải nhớ người yêu không ngủ được à?". "Cái đó cũng có! "- Anh Quang nói. "Phải chăng lúc này mình cũng như cậu chưa đụng đến chuyện yêu đương thì sướng biết bao nhiêu. Tập "công văn tình cảm" của cô ấy cất kỹ dưới đáy ba lô theo mình đi khắp nơi, mãi đến chiều hôm qua sau một cuộc đấu tranh dằn vặt, mình đã đốt hết rồi. Bây giờ mình thật sự yên tâm. Khi nào gặp lại cô ấy, cậu hãy nói giúp mình vì sao mình ra đi mà không để lại cho cô ấy một tín hiệu gì. Tất cả vì sự an toàn và thắng lợi của chuyến đi!".

Mùa gió chướng về, mùa hoạt động của những con "tàu không số" đã tới. Buổi giao nhiệm vụ chính thức chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô (tỉnh Phú Yên ) cho tàu 41 được tiến hành ngắn gọn. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chuẩn bị chuyến đi và báo cáo bổ sung của Trưởng phòng Quân báo về tình hình địch ở khu vực bến, đồng chí Tư lệnh quyết định phương án và thời gian xuất phát của tàu. Đồng chí nhấn mạnh: "Đây là bến mới, có thể lực lượng địa phương tổ chức đón và bốc hàng có khó khăn. Để bảo đảm bí mật sử dụng lâu dài bến mới này, thời gian cho phép tàu vào bến từ 23 đến 24 giờ và nhất thiết phải rời bến trước 3 giờ sáng!".

Buổi giao nhiệm vụ kết thúc, mọi người ra về. Tôi và anh Quang được đồng chí Tư lệnh Quân chủng gặp riêng. Đi bách bộ dọc hành lang Sở chỉ huy, đồng chí Tư lệnh ân cần căn dặn chúng tôi phải hết sức cố gắng tập trung lãnh đạo, chỉ huy để chuyến đi thắng lợi. Siết chặt tay, đồng chí chúc chúng tôi lên đường thắng lợi. Gặp anh Sáu Suyền (Bí thư Tỉnh ủy) và các anh ở bến cho tôi gửi lời thăm!".

Buổi chiều cuối cùng tàu chuẩn bị xuất phát, cấp trên cho xe chở đến 3 người khách. Anh Võ quê ở tỉnh Bình Định, anh Long và anh Kiến quê ở tỉnh Quảng Nam. Các anh nhận nhiệm vụ vào tăng cường cho bến.

Đúng 24 giờ ngày 16-11-1964, tàu rời bến Bãi Cháy. Các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy Đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ và chiến sĩ của tàu. Các anh đều nói: "Chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió. Bộ tư lệnh chờ tin thắng lợi của các đồng chí báo về!". Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các cán bộ, chiến sĩ tàu 41 trên đường về tiền tuyến lớn.

Trăng trung tuần tháng 11 tỏa sáng một vùng biển bát ngát mênh mông. Sau trận gió mùa Đông Bắc, biển lặng sóng, con tàu lướt nhẹ êm ru. Giữa cảnh trời nước mênh mông, trăng thanh, gió mát, trừ các cán bộ và thủy thủ trực canh, còn lại tập trung lên boong tàu uống trà, trò chuyện và ca hát. Các đồng chí khách trải chiếu nằm trên hầm hàng nói cười sảng khoái. Anh Kiến nói với tôi: "Mình đi ra trận mà như đi du lịch thế này thì còn gì bằng! Các ông lính hải quân thật là sướng!". Đúng là như thế, giữa mùa đông, mùa của gió chướng cấp 7 cấp 8 mà có một đêm biển lặng, trời yên thế này là rất hiếm. Riêng chúng tôi, những người lính biển hiểu rất rõ biển lặng hôm nay là giao thời của những trận gió mùa Đông Bắc, nó chỉ có trong chốc lát. Và trong hoạt động của Đoàn "tàu không số" chúng tôi thì ngược lại: "Biển lặng là thời tiết xấu", khó tránh các trạm ra-đa và các tàu tuần tiễu của địch.

Gần sáng, biển bắt đầu lên tiếng. Con tàu được sóng biển nâng lên và đột nhiên hạ xuống giữa hai đợt sóng của gió mùa. Tốc độ tàu giảm, tàu lắc lư như người say chao đảo. Trong khoang ngủ thủy thủ, đồ đạc văng lên tung tóe. Đó đây một vài người nôn mửa. Không chỉ có khách mà có cả người của tàu cũng nôn mửa. Càng về trưa, sóng càng lớn không nấu cơm được, tất cả chúng tôi phải ăn bằng lương khô.

Tàu hành quân được hai ngày thì có điện của Sở chỉ huy: "Dừng lại ở vùng đảo của bạn chờ lệnh!". Tranh thủ thời gian chúng tôi tiếp tục huấn luyện các phương án chiến đấu. Thời gian chờ đợi nặng nề trôi...

Đúng 18 giờ ngày 26-11-1964, tàu vượt qua giới tuyến tạm thời trên biển. Tuy là giới tuyến tạm thời, nhưng với chúng tôi đây là tuyến chiến đấu. Tôi ra lệnh nâng cấp sẵn sàng chiến đấu và tăng cường quan sát. Thuyền phó Hồng Lỳ trực tiếp đến từng giường của các đồng chí khách để phổ biến tình hình. Tôi đang loay hoay đo đạc xác định vị trí tàu, thì nghe phía sau có người hô to: "Xin chào miền Nam tiền tuyến lớn, chúng tôi đang về theo tiếng gọi của quê hương!". Đó là anh Võ - người khách duy nhất trên tàu không say sóng. Anh đang giơ tay vẫy chào tạm biệt miền Bắc và giang tay ôm lấy miền Nam trong giây phút bồi hồi xúc động khi biết tàu đang qua giới tuyến tạm thời.

Tàu vẫn hành trình theo kế hoạch, thông tin liên lạc giữa tàu và Chỉ huy sở vẫn được giữ vững. Khoảng 12 giờ trưa, đồng chí cơ yếu đưa cho tôi bức điện, nội dung: "Bộ tư lệnh Vùng 1 Duyên hải ngụy phái hai tàu chiến hộ tống một phái đoàn Mỹ đi thị sát ra-đa Cù Lao Ré, tàu 41 qua vùng biển Đà Nẵng-Lý Sơn phải chú ý! Tình hình bến rất êm!".

Đêm trên vùng biển miền Trung, ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc có giảm chút ít, nhưng vẫn còn sóng cấp 5, cấp 6. Xa xa một vài chiếc ghe lưới chuồn chập chờn trên sóng biển.

Ngày 28-11-1964, ngày hành trình cuối cùng của tàu. Ba ngày và đêm qua, ngoài sự chịu đựng sóng gió, tàu đã hai lần cơ động tránh tàu tuần tiễu của địch. Khoảng 5 giờ sáng, một chiếc máy bay của ngụy từ một căn cứ trên đất liền (có lẽ từ Phù Cát hay Đông Tác) bay đến lượn trên tàu nhiều lần ở độ cao từ 50 đến 100 mét. Sau khi hội ý với cán bộ trên tàu, tôi cho một thủy thủ mang cờ ba que kéo lên đỉnh cột cờ, đồng thời cho anh em mang những con cá ướp đá và những bó mực khô đã chuẩn bị sẵn, cùng với những chai rượu giơ cao vẫy gọi như mời chào "người bạn đường trên biển" xuống nhậu.

Sau mấy lần quần lượn trên tàu, lúc cắt ngang, lúc bay dọc theo tàu-có lẽ để xác định hướng đi của tàu-rồi bay thẳng về hướng đất liền. Không khí trên tàu sôi động hẳn lên. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Số anh em mới đi chuyến đầu và khách rất lo lắng. Cảm giác: "Đi chiến trường như đi du lịch", không còn nữa. Tôi nói với anh Võ: "Ở trên bộ khi gặp địch còn có thể tìm chỗ ẩn nấp, hoặc khi không thể tránh được thì nổ súng và chẳng may phải hy sinh, không sớm thì muộn đồng đội sẽ tìm đến đưa thi hài về chôn cất. Còn ở đây, trên biển cả mênh mông, con tàu như chiếc lá trên mặt nước, tìm chỗ ẩn nấp chỉ bằng cách tự giấu tung tích của mình để đạt đến đích cuối cùng là đưa vũ khí vào chiến trường, và trong trường hợp buộc phải chiến đấu thì phải đánh đến cùng và khi có nguy cơ rơi vào tay địch thì sử dụng khối bộc phá ngàn cân làm nổ tung con tàu sao cho không còn một dấu vết!".

"Báo cáo thuyền trưởng, mạn phải 30" có hai tàu xuất hiện!"- Tiếng đồng chí trực canh trên đài quan sát cắt ngang câu chuyện của chúng tôi. Tôi cầm chiếc ống nhòm của đồng chí trực canh trao cho và quan sát. Hai chấm đen rõ nét ở cuối đường chân trời. Một ý nghĩ thoáng trong đầu. Sau khi phát hiện của máy bay, chúng có thể cho tàu chiến tiếp cận kiểm tra. Phải cảnh giác sẵn sàng đối phó. Tôi cho anh em thay số hiệu tàu, sửa lại dàng lưới đánh cá, ngụy trang và đồng thời bí mật chuẩn bị vũ khí khi cần chủ động đánh địch.

Hai tàu địch tiếp cận tàu ta cách một hải lý thì giảm tốc độ. Trên boong tàu lố nhố một đám sĩ quan, binh lính địch đang chỉ chỏ nói cười. Trên ca-bin tàu, một tên sĩ quan ngụy đang dùng ống nhòm quan sát tàu ta. Khoảng 10 phút sau, một chiếc tách đội hình, tăng tốc độ chạy vòng phía sau, sang mạn trái tàu, rồi cả hai chạy song song với tàu ta một khoảng cách nhất định. Thời gian trôi đi, căng thẳng và chờ đợi, sự chờ đợi của hai khả năng: Đánh nhau nếu chúng phát hiện tàu ta chở vũ khí tiếp tế cho Việt cộng ở miền Nam, hoặc bỏ đi nếu ta thành công trong chiếc vỏ ngụy trang giả dạng tàu đánh cá nước ngoài. Rốt cuộc, phần thắng thuộc về người chủ động. Sau 2 giờ hộ tống, kèm cặp, xác minh, 2 tàu địch đã kéo còi tăng tốc độ quay về hướng khác. Không khí trên tàu bị nén chặt, giờ đây được "mở van" giảm sức căng mặt ngoài của bình chứa. Mọi người thở phào, nhẹ nhõm.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/308/308/162782/Default.aspx
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #191 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2011, 03:31:03 pm »

Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 4)


Phải tranh thủ ăn uống chút gì để lấy sức đêm nay vào bến! - Đồng chí Lộc, thuyền phó phụ trách công tác hậu cần của tàu - người thường được anh em gọi là "Thần giữ của", lúc này cũng xuôi lòng bởi những lời tán tụng của anh em.

Có một điều thú vị phải qua nhiều lần khảo nghiệm mới nhận biết được: Đó là khi đang say sóng mà gặp tình hình căng thẳng như gặp địch, tàu gặp tai nạn hoặc tàu đi lâu ngày nhìn thấy đất liền... thì cơn say sóng biến đâu mất, nhường lại cho sự tỉnh táo bình thường. Các đồng chí say sóng nhất giờ đây cũng ăn được chút ít.

Tàu tiếp tục hành trình. Đúng 12 giờ ngày 28-11-1964, tàu chuyển hướng vào bến. Không khí chuẩn bị trên tàu rất khẩn trương và bận rộn.

Đúng 14 giờ thì phát hiện lờ mờ rặng núi phía đất liền. Tình hình vẫn yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một hai lần chiếc máy bay bay qua hướng đi của tàu. Trời đã tối dần. Lúc này tàu ta đã nằm trong bán kính chiếu sáng của đèn Mũi Nậy rồi mà vẫn chưa nhìn thấy ánh chớp. Bao nhiêu giả thuyết được đặt ra: "Có thể vị trí tàu ta sai lệch! Có thể đèn Mũi Nậy không có hoặc bị hỏng máy phát điện...".

Tàu ta vẫn tiếp tục đi theo hướng đã định. Đúng 22 giờ, tàu cách bờ núi 1 hải lý. Chúng tôi dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau, 5 phút rồi 10 phút trôi qua vẫn không thấy tín hiệu trả lời.

Bình tĩnh, cảnh giác và thận trọng. Tôi cho tàu giảm tốc độ và tránh xa các mõm núi đá. Lưới ngụy trang trên các ụ súng máy được tháo gỡ ra để sẵn sàng chiến đấu. Phía mạn trái tàu một hòn đảo hiện ra rõ dần. Hòn Nưa! Đúng là Hòn Nưa rồi! Cửa bến Vũng Rô đã ở trước mặt. Tôi cho tàu chạy từ từ vào giữa Vịnh và thả trôi. Bốn bề yên tĩnh. Phía Đèo Cả thỉnh thoảng có một vài ánh đèn le lói rồi vụt tắt. Chiếc xuồng ba lá được thả xuống, đồng chí thuyền phó cùng hai chiến sĩ mang theo vũ khí chèo vào phía bờ tìm bắt liên lạc với bến. Tàu thả trôi chờ đợi. Thời gian nhích dần chậm chạp.

Mười phút, hai mươi phút rồi ba mươi phút trôi qua. Bỗng từ trong bờ có ánh đèn pin chớp lên rồi vụt tắt. Anh Quang dùng đèn pin phát tín hiệu nhận nhau và được phía trong bờ đáp lại đúng như quy định. Toàn tàu thật sự yên lòng mình đã vào đúng bến Vũng Rô.

Một chiếc ghe máy kéo theo xuồng ba lá cặp mạn. Các anh lên tàu. Phút gặp gỡ đầu tiên vô cùng vui mừng, xúc động. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào không nói nên lời.

Đồng chí Chính trị viên Chiếu ngẫu hứng đọc mấy câu thơ:

... Ôi rất gần mà bấy lâu xa cách

Chỉ mấy ngày đường - vạch giới tuyến chia đôi

Mà hôm nay tôi đã đến đây rồi

Bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển...

Anh Sáu Suyền và các anh ở bến Vũng Rô xúc động bắt tay tất cả anh em trên tàu. Không ngờ anh Sáu (ngoài kia tôi được chỉ thị vào gặp anh Sáu Râu) Bí thư Tỉnh ủy lại chính là anh Trần Suyền - ông Tú đầu tiên và duy nhất ở quê tôi lúc tôi còn nhỏ và cách nhà tôi không quá 30 phút đi bằng xe đạp.

Sau những phút vui mừng, bồi hồi xúc động, tôi trình bày với các anh ở bến: "Theo lệnh cấp trên, tàu tôi chỉ được ở lại đến 3 giờ sáng là phải rời khỏi bến". Tàu chở 80 tấn vũ khí và một số trang bị khác, làm sao huy động người đến bốc dỡ để tàu ra. Cầm chặt tay tôi, anh Sáu nghẹn ngào nói: "Chúng tôi tổ chức đón tàu các đồng chí từ mấy đêm nay, đêm nào cũng mong được gặp, đêm nay gặp rồi sao cứ bàng hoàng, xúc động, vừa mừng vừa lo, mừng vì ước mong đã trở thành sự thật, còn lo vì con tàu lớn quá, khối lượng hàng lại nhiều làm sao bốc dỡ trong mấy tiếng đồng hồ cho xong!".

Thấu hiểu nỗi bâng khuâng, suy nghĩ của các anh ở bến, tình cảm quê hương trong lòng chúng tôi thôi thúc phải tìm mọi cách để giải quyết. Chi ủy họp cùng cán bộ thuyền, có đồng chí Quang tham dự. Vấn đề đặt ra là: "Nếu cho tàu ra khỏi lãnh hải chờ tối mai vào hoặc ở lại bến, ngụy trang thật kín, tối mai bốc hết hàng rồi tàu ra!". Ý kiến trao đổi khá sôi nổi. Ý kiến của tôi là ta cho tàu ở lại bến. Điều quan trọng là làm sao ngụy trang thật tốt để che mắt được kẻ địch. Chi ủy viên, máy trưởng nói: "Như vậy có trái lệnh của cấp trên là tàu phải rời khỏi bến trước 3 giờ sáng không?". Bây giờ chỉ có một điều duy nhất làm cơ sở cho việc quyết định cho tàu ở lại hay ra là căn cứ chỉ lệnh giao nhiệm vụ cuối cùng của cấp trên: "Cho phép chi ủy-chi bộ và cán bộ tàu tùy tình hình cụ thể mà quyết định và chịu trách nhiệm trước cấp trên".

Cuộc họp kết thúc. Tôi gặp anh Sáu báo cáo là tàu sẽ ở lại bến để tối mai bốc hết hàng rồi ra và đề nghị các anh tìm chỗ giấu và ngụy trang tàu. Tôi cho chuyển ngay bức điện cuối cùng: "Tàu ở lại bến bốc hàng xong, tối mai ra!". Kết thúc liên lạc với Sở chỉ huy.

Đúng 4 giờ sáng hoàn thành xong việc cất giấu và ngụy trang tàu kín đáo. Cùng với bến, chúng tôi cho lực lượng chốt chặn các vị trí cần thiết. Lệnh chiến đấu được ban hành phong tỏa chặt các hướng ra vào Vũng Rô và nghiêm cấm việc đốt lửa nấu ăn trong khu vực tàu đậu. Tất cả đều ăn lương khô và uống nước suối. Việc khó khăn nhất là làm sao giải thích để ghe của ngư dân không vào suối lấy nước, rất dễ bị lộ. Anh Sáu bảo tôi yên tâm, việc đó đã giao cho bảo vệ bến và xã đội trưởng xã Hòa Hiệp rồi.

Mặt trời đi qua chậm chạp trên đỉnh đầu. Không gian yên tĩnh. Thỉnh thoảng có một vài chiếc máy bay bay qua vùng trời Vũng Rô theo hướng Nam-Bắc; tiếng xình xịch của đoàn tàu hỏa; tiếng rú ga, sang số của những đoàn xe quân sự nặng nề leo dốc Đèo Cả nghe chói tai. Trên tàu lúc này còn lại tôi, thuyền phó và máy trưởng-tổ rời tàu cuối cùng nếu phải chiến đấu, điểm hỏa phá hủy tàu.

Khoảng 14 giờ, anh Sáu và đồng chí cần vụ xuống tàu. Anh cho biết tình hình vẫn êm, mọi công tác chuẩn bị cho đêm nay bốc dỡ hàng đã tạm ổn. Lực lượng dân quân du kích và nhân dân các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân đã được huy động, sẵn sàng làm nhiệm vụ. Chúng tôi uống nước và nói chuyện thân mật. Qua anh, tôi biết được tình hình tỉnh nhà sau bao năm xa cách. Tôi rất mừng trước khí thế cách mạng hừng hực của quê hương Phú Yên.

Tia nắng cuối cùng trong ngày đã tắt, hoàng hôn trùm xuống khá nhanh, thời điểm chuyển giao quyền làm chủ bến Vũng Rô cho chúng tôi - lực lượng cách mạng đã tới. Tôi cho anh em nhanh chóng tháo dỡ mạng ngụy trang và cơ động tàu về bãi chính để bốc hàng. Trên bờ, hàng trăm dân công đã chờ sẵn. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng được khẩn trương lắp ghép. Anh chị em dân công phấn khởi tràn xuống tàu. Không khí lao động khẩn trương, tấp nập. Ai lên tàu cũng muốn đi xem tất cả các nơi của "tàu mình", rồi mới chịu đi làm việc. Một nhóm chị em đứng gần hầm hàng chờ đến lượt mình vác, xầm xì bàn tán: "Làm sao nẫu biết nẫu dô!". Một chị to tiếng: "Tao giả chạt mặt mày, chớ tại sao nãy giờ mày đi đâu không làm!".

Chao ơi, mười mấy năm trời, hôm nay tôi mới được nghe lại tiếng "nẫu", "giả chạt" ở quê hương. Nó thân thương và vô cùng gần gũi, nó đã đưa tôi về với cội nguồn âm sắc quê hương, của một Phú Yên trù phú, có cánh đồng Tuy Hòa thẳng cánh cò bay, bên dòng sông Đà Rằng nước lững lờ trôi chảy.

Trên tàu, dưới bến người chạy đi, chạy lại tấp nập, rộn ràng, khẩn trương bốc dỡ, chuyển hàng. Tôi bưng ca nước mời anh chiến sĩ đang ngồi nghỉ sau khi bốc hàng dưới hầm tàu lên, quần áo ướt đẫm mồ hôi. Anh nói: "Đã mấy ngày nay đơn vị không còn gạo, anh em phải ăn trái sung!". Tôi nói: "Quê mình mà cũng thiếu gạo à?" Anh giải thích: "Gạo thì thiếu cha gì, nhưng gạo từ các xã Hòa Tân, Hòa Xuân... chuyển về đây phải qua đường số 1A thì khó khăn lắm. Bọn lính Nam Triều Tiên nó phục kích dai dẳng hai bên Đèo Cả, khó mà đi lọt qua được!". Hớp một ngụm nước, anh nói tiếp: "Nhưng không sao, kỳ này có súng đạn của các anh đưa vô, bọn tôi sẽ mở rộng địa bàn, giành dân, mà đã có dân là có gạo!". Tôi rơm rớm nước mắt, một mối cảm thông sâu sắc dâng trào. Những con người đã mấy ngày chỉ ăn trái sung mà khi tàu đến đã lao động bốc dỡ hàng với một nhiệt tình và tốc độ chưa từng thấy. Tôi đã đưa tàu vô miền Nam nhiều bến, với lượng hàng này ở những bến ấy phải bốc dỡ đến mấy ngày. Nhưng ở đây... sức mạnh nào đã khiến cho các anh chị em lập nên chiến công kỳ diệu ấy!

Hai giờ sáng, hàng đã bốc xong. Theo đề nghị của chúng tôi, các anh đã cho chuyển cát xuống để đằm tàu tạo nên sự ổn định khi tàu ra khơi gặp gió mùa Đông Bắc.

Tàu chuẩn bị rời bến. Phút chia tay không ai muốn nhưng rồi cũng đến. Anh Sáu cầm tay tôi lắc lắc nói: "Chúc các anh lên đường trở về miền Bắc an toàn, hẹn ngày gặp lại!". Những vòng tay ôm choàng lấy nhau, những dòng nước mắt thấm qua vai áo. Những chiếc khăn tay giơ lên vẫy chào con tàu đang từ từ rời bến Vũng Rô. Tôi dùng tay làm loa nói vọng vào bờ: "Tàu nẫu ra rồi, tàu nẫu lại dô!".

Con tàu từ từ rời bến Vũng Rô.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/308/308/162893/Default.aspx
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #192 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2011, 01:31:04 pm »

Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 5)


III. Chuyến hàng đặc biệt

Câu chuyện về người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô: "Mấy hôm nay đơn vị hết gạo phải ăn trái sung" cứ day dứt trong lòng và theo tôi suốt con đường tàu trở ra miền Bắc.

Sau mấy ngày được phép nghỉ ngơi và chuẩn bị, hôm nay chúng tôi báo cáo kết quả chuyến đi mở đường vào bến Vũng Rô của tàu 41. Thành phần tham dự cũng đông đủ như cuộc họp giao nhiệm vụ lúc ban đầu. Thay mặt cán bộ, chiến sĩ tàu 41, tôi báo cáo tình hình chuyến đi, hoạt động của địch trên từng đoạn đường, việc tổ chức đón nhận hàng tại bến Vũng Rô... Cả gian phòng im lặng khi nghe tôi báo cáo: "Các anh ở bến mấy tuần nay phải ăn trái sung làm nhiệm vụ chờ đón tàu ta vào!".

Sau khi đánh giá kết quả chuyến đi, đồng chí Tư lệnh Quân chủng nói: "Từ nay trong hoạt động vận chuyển chi viện chiến trường miền Nam, chúng ta có thêm một bến mới, đó là bến Vũng Rô, tỉnh Phú Yên. Qua chuyến đi của tàu 41, tuy điều kiện đón tiếp, tổ chức bốc dỡ hàng có nhiều khó khăn, nhưng bến vẫn bảo đảm được; theo dõi vẫn chưa thấy địch có phản ứng gì, vẫn còn là nơi sơ hở. Thường vụ Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng có trao đổi và quyết định chuyến đi thứ hai của tàu 41. Chuyến đi này ngoài số hàng là vũ khí trang bị, theo đề nghị của cán bộ, chiến sĩ tàu, ta nên chuyển một số gạo chi viện trực tiếp cho lực lượng tại bến".

Gạo! "Có gạo, có vũ khí sẽ mở rộng địa bàn giành dân và khi đã có dân rồi sẽ có gạo". Mối quan hệ nhân quả mà người chiến sĩ bảo vệ bến Vũng Rô nói với tôi trong đêm bốc hàng, tuy không lý luận cao siêu, nhưng đầy tính thuyết phục. Tuy thế nhưng việc chuyển một số gạo vào miền Nam-tuy rất ít nhưng trong tình hình nhu cầu vũ khí chi viện chiến trường cấp thiết cũng làm nảy sinh nhiều ý kiến. Nào là: "Trong lúc ta tận dụng từng khoảng trống nhỏ của tàu để xếp vũ khí, thì đem xếp 2-3 tấn gạo vào chiếm hết chỗ!". Nào là: "Chở gạo vào miền Nam là chở củi về rừng!"...

Gạo! Chỉ có chúng tôi mới hiểu hết sự cấp thiết của gạo lúc này đối với các đồng chí ở bến. Vì vậy, nên khi đã có quyết định của đồng chí Tư lệnh rồi, ngoài việc lo xuống hàng là vũ khí, trang bị, tàu cử một số đồng chí lo tiếp nhận, vận chuyển gạo xuống tàu. Đồng chí Lộc thuyền phó hậu cần được giao trọng trách đó.

Buổi chiều chuẩn bị cuối cùng. Sau khi đóng cố định các nắp hầm hàng, đồng chí Lộc đưa tôi xem phiếu xuất ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho bến. Gạo được để vào nơi khô ráo nhất trong khoang hàng đề phòng gió mùa Đông Bắc tạt nước lên ẩm ướt. Thế là chuyến đi thứ hai này ngoài vũ khí trang bị, tàu tôi còn có thêm ba tấn gạo tám thơm. Số lượng tuy ít, nhưng nó là món hàng đặc biệt của nhân dân miền Bắc đã vất vả một nắng hai sương làm ra dưới làn bom đạn ác liệt của máy bay giặc Mỹ, gửi đến những chiến sĩ đang ngày đêm đối mặt với quân thù ở miền Nam tiền tuyến-bến Vũng Rô quê hương tôi.

Chuyến đi thuận lợi. Sau bốn ngày đêm vật lộn với sóng to, gió lớn, lách tránh một vài lần tàu tuần tiễu của địch, tàu chúng tôi lại đúng bến Vũng Rô. Chỉ còn cách độ một cây số, tàu nhận được ngay tín hiệu của bến, dẫn dắt vào nơi trú đậu ngụy trang an toàn, chu đáo.

Vui mừng gặp lại nhau. Những cái bắt tay, những nụ cười rạng rỡ. Đứng bên cạnh anh Sáu, anh Trần Ngọc Quang (người theo tàu tôi chuyến trước) ghé lại nói nhỏ với tôi: "Chúc mừng tàu nẫu lại dô!". Và cả ba cùng cười rạng rỡ.

Mọi công việc lại tấp nập khẩn trương. Nào, cho tàu đi giấu và ngụy trang trước khi trời sáng. Nào tổ chức lực lượng chốt chặn các hướng trọng điểm. Bận rộn nhất vẫn là việc bốc dỡ hàng chuyến này phức tạp hơn vì đoạn đường xa và vận chuyển tới nơi cất giấu ngay trong đêm.

Tôi báo cáo với anh Sáu Suyền, chuyến đi này ngoài hàng là vũ khí trang bị, còn có ba tấn gạo tám thơm dành riêng cho lực lượng bảo vệ bến Vũng Rô. Nỗi xúc động dâng trào trên đôi mắt người Bí thư Tỉnh ủy, trực tiếp lãnh đạo và chỉ huy bến. Vốn biết anh là người rất nghiêm khắc-ngay cả bản thân-trong việc sử dụng lương thực những năm tháng gian khổ của cuộc chiến tranh. Qua người cần vụ kể: "Có lần trên đường đi công tác, "thầy trò" bắt được một con rùa, vì đã mấy ngày ăn muối, "trò" đề nghị giết rùa xào với măng rừng, nhưng "thầy" không cho và bảo "trò" đem thả vào một hốc đá cho rùa lớn lên, sinh sản ra nhiều con rùa khác, để dành khi gặp khó khăn hơn...". Tuy biết vậy, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề nghị anh: "Tranh thủ phát gạo cho anh em ăn lấy sức tối mai bốc dỡ hàng". Dừng một lát như đắn đo, suy nghĩ, sau cùng anh chấp nhận đề nghị của tôi. Thế là nắp hầm hàng được mở ra, từng bao gạo cấp cho các đơn vị được tiến hành ngay trong đêm.

Cầm bao gạo trong tay, anh chiến sĩ bảo vệ bến rưng rưng nước mắt. Hạt gạo trắng trong như tấm lòng miền Bắc. Hạt gạo nghĩa tình lắng sâu ngưng đọng. Ai đã trải qua những ngày ăn trái sung, rau rừng càng thấy quý hạt gạo, bát cơm. Có gạo rồi, nhưng vẫn phải ăn dè xẻn. Không cần phải ai ra lệnh mà tất cả mọi người đều chung một ý nghĩ: "Vì công việc dài lâu của bến!".

Núi rừng quanh bến Vũng Rô qua một ngày yên tĩnh. Mọi hoạt động của địch vẫn bình thường. Mong đợi của chúng tôi rồi cũng đến. Khi màn đêm vừa buông xuống, núi rừng ở bến Vũng Rô như sôi động hẳn lên. Cũng chiếc cầu tàu bằng cây rừng làm tạm, hàng trăm dân công, dân quân du kích tấp nập chuyển hàng.

Gần 4 giờ sáng, mọi công việc đã hoàn tất. Giờ phút chia tay biết bao lưu luyến. Những ánh mắt, những nụ cười và bao dòng lệ đang chảy.

Tàu từ từ rời bến.

Tạm biệt Vũng Rô. Tôi nhớ mãi câu chuyện người chiến sĩ bảo vệ bến: "Có gạo, có vũ khí, chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn giành dân. Mà đã có dân là có gạo!". Trong lòng tôi tràn đầy niềm vui sướng. Trước mắt tôi, hình ảnh của một miền quê Phú Yên đang vang dậy tiếng reo hò xông lên diệt lũ ác ôn, phá thế kìm kẹp, mở rộng vùng giải phóng, có phần của những hạt gạo, những khẩu súng trong chuyến hàng "đặc biệt" hôm nay.

IV. Tết ở bến Vũng Rô

Cuối năm 1964, sau khi đã đưa hai chuyến tàu chở vũ khí vào bến Vũng Rô thắng lợi, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ mới: "Đảng ủy và Tư lệnh Quân chủng quyết định tàu của các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng Giao thừa phải có mặt tại bến Vũng Rô (Phú Yên).

Rời Sở chỉ huy Quân chủng, lòng tôi dâng trào một niềm cảm xúc đặc biệt xen giữa niềm vui và nỗi lo. Vui vì được tiếp tục làm nhiệm vụ đưa tàu chở vũ khí về quê hương, được gặp lại đồng chí, đồng bào trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Còn lo hôm nay đã là 20 tháng Chạp âm lịch, làm sao khẩn trương chuẩn bị thật tốt mọi mặt để đưa tàu đến bến Vũng Rô đúng đêm Giao thừa như mệnh lệnh của đồng chí Tư lệnh Quân chủng.

Thành phố Hải Phòng sắp vào Tết. Đào Nhật Tân (Hà Nội) đã bày bán đỏ rực ở các dãy phố. Những bóng đèn, chùm đèn màu treo giăng hàng hai bên thành cầu sông Cấm, trên các ngọn cây trong công viên, nhấp nháy tỏa sáng lung linh như hòa cùng niềm vui của tôi trên đường về đơn vị.

Đêm giá lạnh, chung quanh rất yên tĩnh. Để tránh các chiến sĩ đang ngủ say khỏi thức giấc, tôi nhẹ nhàng bước tới giường định thay quần áo đi nằm. Không ngờ các chiến sĩ tung màn xúm lại quanh tôi. Thì ra, họ còn thức chờ tôi đi nhận nhiệm vụ trở về...

Sau khi họp cấp ủy và chi bộ để quán triệt nhiệm vụ mới, ra nghị quyết lãnh đạo chuyến đi, cuộc họp đơn vị được tiến hành khẩn trương, đầy khí thế quyết tâm. Vấn đề nổi lên là làm sao đưa tàu vào bến Vũng Rô đúng lúc Giao thừa. Phải chủ động tạo sự bất ngờ làm cho kẻ địch không kịp đối phó. Ý kiến thảo luận thật sôi nổi; những khó khăn, vướng mắc đã được anh em đóng góp nhiều biện pháp khắc phục. Tôi kết luận cuộc họp và thông qua quyết tâm gửi lên cấp trên.

Thông thường, cuộc họp đến đây là kết thúc, nhưng thật bất ngờ cho tôi, từ hàng ghế thứ hai, một cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến. Đó là đồng chí Trần Văn Nhợ, người lính mà anh em trong tàu thường gọi với cái tên thân mật "bố già". Đồng chí nói: "Tàu ta đã đi nhiều chuyến, đưa hàng vào nhiều bến, nhưng được đi vào dịp Tết thì thật là hiếm có. Vì vậy, tôi đề nghị tàu ta chuẩn bị cái gì để khi vào bến, ta cùng anh em ở bến ăn Tết!". Tiếng hoan hô đồng tình vang dậy. Thế là ngoài việc cho tàu nhận vũ khí, theo dõi đài để nghe thời tiết, nắm tình hình địch, chuẩn bị hậu cần... một bộ phận anh em đi mua gạo nếp về gói bánh chưng, bánh tét, lo quà Tết.

Mọi công tác chuẩn bị cho chuyến đi đã hoàn thành sớm hơn dự định một ngày. Sau khi nghe cáo báo, tôi trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị cụ thể của các ngành. Khi đến khoang hàng số hai, ngoài số lượng hàng vũ khí, trang bị kỹ thuật chở cho bến, tôi gặp một hòm gỗ đạy kín, bên ngoài có hàng chữ đậm nét: "Quà đón Xuân vui Tết", bên cạnh một cành đào sum sê hoa lá. Tôi hỏi đồng chí Hồng Lỳ: "Cái hòm này có danh mục ghi trong phiếu chuyển hàng cho bến không?". Đồng chí Nhạn, máy trưởng-người được toàn thuyền cử ra đảm nhiệm công việc chuẩn bị quà Tết vừa cười, vừa nói: "Báo cáo Thuyền trưởng! Cái thùng này do tàu ta xuất phiếu thôi ạ!". Tất cả cùng cười vang. Đồng chí mở nắp thùng và đọc to bản liệt kê bao gồm: "30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 20 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu như con tàu không số của ta...".

Chiếc thùng gỗ đựng quà Tết chiếm một diện tích rất nhỏ trong khoang hàng của tàu, nhưng nó chứa đựng bao nhiêu tình cảm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ tàu 41 đa phần là anh em quê ở Phú Yên. Bằng số tiền dành dụm, họ đã gửi gắm tình cảm của mình qua từng món quà Tết quê hương trong chuyến đi đầy ý nghĩa này.

Nguồn: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/308/308/163041/Default.aspx
Logged
y lố 302
Thành viên
*
Bài viết: 549


« Trả lời #193 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2011, 03:56:45 pm »

Những trang đời huyền thoại (Kỳ 3)


Kỳ ba: Vũng Rô - đêm Giao thừa năm ấy

Trung tá Hồ Đắc Thạnh – Thuyền trưởng tàu không số năm xưa đã trở về cuộc sống bình dị giữa đời thường, nhưng trong ông vẫn tươi nguyên những ký ức của một thời vượt biển trên con đường huyền thoại. Và câu chuyện về “nắm đất thiêng” của cô giao liên trao cho ông trong chuyến vào bến Vũng Rô năm ấy mãi mãi là một kỷ niệm đẹp, ông luôn trân trọng, nâng niu...


Xin góp vải bức hình mới nhất của CCB thuyền trưởng tàu không số năm xưa Hồ Đức Thạnh ,nhân dịp gặp mặt tuần qua . Bác vẫn khỏe và truyền lửa cho thế hệ trẻ .




<a href="http://www.youtube.com/watch?v=dClZL_-ql_I" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=dClZL_-ql_I</a>
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #194 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2011, 10:33:34 am »

Tàu không số trên bến Vũng Rô (Kỳ 6)


Vào một đêm tối cuối năm 1964, những trận gió mùa Đông Bắc tràn về, mang cái rét của phương Bắc về theo, cuộc tiễn đưa Tàu 41 lên đường làm nhiệm vụ được tiến hành tại một bên cảng của thành phố biển. Dưới trời mưa phùn, gió bấc, các đồng chí Tư lệnh Quân chủng, Đoàn trưởng và Chính ủy đoàn ôm hôn thắm thiết cán bộ, chiến sĩ tàu: "Chúc Tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió - Bộ tư lệnh chờ đón tin thắng lợi báo về!". Tình cảm hậu phương lớn làm ấm lòng các chiến sĩ trên đường về tiền tuyến lớn.

Tàu 41 hành trình vào mùa thời tiết không thuận lợi. Sau ba ngày vượt sóng to gió lớn, lách tránh các tuyến tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu chuyển hướng vào bờ. Đây là tuyến đi căng thẳng nhất suốt lộ trình.

Toàn tàu dồn hết sức lực, tinh thần, ý chí quyết tâm và lòng dũng cảm sẵn sàng đối phó với địch bất cứ lúc nào. Thành bại của chuyến đi quyết định ở hướng đi này. Bữa cơm "Tất niên" được đồng chí Thuyền phó sắp xếp cho toàn tàu ăn trước 12 giờ để kịp làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Cũng thịt mỡ, dưa hành, nhưng thiếu câu đối đỏ. Không nêu, không pháo, có bánh chưng xanh, nhưng để dành khi cập bến. Toàn tàu đang ăn cơm, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: "Mạn phải 300, cự ly 3 hải lý, phát hiện có 2 tàu địch đang di chuyển về phía Nam!". Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra. Toàn tàu về vị trí chiến đấu. Lớp ngụy trang trên những khẩu súng được kiểm tra, sửa lại, để vừa che mắt địch, vừa có thể nhanh chóng tung ra khi có tình huống chiến đấu. Qua ống nhòm có bội số cao, tôi nhìn rõ hai tàu tuần tiễu của địch. Phải tránh! Tôi cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh tàu địch, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Nhìn đồng hồ đã 16 giờ rồi, chỉ còn 8 tiếng đồng hồ nữa thôi tàu phải có ở Vũng Rô.

Một góc Vũng Rô hôm nay. Ảnh tư liệu.

Sau khi xác định vị trí trên bản đồ, đồng chí Thuyền phó báo cáo: "Tàu ta cách Đá Bia hơn 60 hải lý nữa, khả năng vào bến trễ giờ!". Nhớ câu chuyện cổ tích mà tôi được đọc cách đây rất lâu, chuyện cô bé thông minh, học hành rất giỏi, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn được cô Tiên hiện lên giúp đỡ. Cô cho em ba điều ước để em lựa chọn: Một là học hành giỏi; hai là cha mẹ sống lâu bất tận và điều thứ ba là em sẽ trở thành vợ của Hoàng tử con vua suốt đời sung sướng. Nhưng cô bé chỉ nhận điều ước thứ nhất và thứ hai. Như cô bé, lúc này tôi chỉ muốn có hai điều ước: Một là trời mau tối để con tàu không phải phơi mình trên biển nhiều giờ dễ bị địch phát hiện; hai là tốc độ tàu nhanh hơn chút nữa để vào bến không trễ giờ. Nhưng việc lặn mọc, tối sớm của mặt trời hoàn toàn do chu kỳ quay của Trái Đất và Mặt trời, còn tốc độ máy tàu thì do nhà sản xuất đã ấn định sẵn, làm sao thay đổi được. Tôi cho mời đồng chí máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Ước mãi rồi cũng đến lúc hoàng hôn bao trùm khắp mặt biển. Ông bà ta nói: "Tối như đêm 30", thật quả không sai.

Đúng 23 giờ 50 phút, tàu chúng tôi thả trôi giữa Vũng Rô. Tôi cho thả xuồng và sử dụng người vào bến tìm bộ phận đón. Đang loay hoay thả xuồng thì cũng vừa lúc thuyền của các đồng chí ở bến cặp mạn tàu. Cán bộ, chiến sĩ của tàu ôm hôn cán bộ, chiến sĩ của bến. Niềm vui ngập tràn vô tận. Tôi ôm chặt anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) mà hai hàng nước mắt chảy ròng ròng, nghẹn ngào không nói nên lời. Bỗng từ phía bờ, hàng loạt súng pháo đủ các cỡ nổ vang đan chéo bầu trời. Những chiếc đèn dù xanh đỏ từ đồn Pơ Tý phụt lên treo lơ lửng một khoảng trời Vũng Rô.

Lộ rồi sao? Địch đã phát hiện được tàu ta chăng?

Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết.

Giao thừa! Phút Giao thừa Xuân 1965 đã tới. Phú Yên ơi! Chúng con đã về đây! Về giữa mùa xuân tràn đầy sức sống!

Giá như ở một hoàn cảnh khác, thời điểm khác thì cuộc vui còn có thể kéo dài. Không ai muốn rời nhau, nhưng làm sao khác được khi mà công việc trước mắt còn quá bộn bề. Tàu phải đưa vào sát mép núi và ngụy trang kín đáo trước khi trời sáng.

Mọi công tác được tiến hành khẩn trương. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt các đồn địch và Mũi Điện để kịp thời đối phó, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ, mừng ngày tàu và bến gặp nhau được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng số hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo, bia và thuốc lá được bày ra. Cành đào Nhật Tân của Hà Nội bên nhành mai vàng của núi Đá Bia (Phú Yên) khoe sắc, càng tăng thêm hương vị của mùa xuân-mùa xuân ở chiến trường.

Trong niềm vui chứa chan tình cảm tôi thay mặt cán bộ, chiến sĩ Tàu 41 chúc Tết các đồng chí cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ và dân công ở bến Vũng Rô. Chúng tôi cùng nâng cốc chúc mừng thắng lợi, chúc sức khỏe anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) và các đồng chí đang có mặt tại bến; chúc quân và dân tỉnh nhà năm mới giành được những thắng lợi to lớn hơn như lời chúc Tết của Bác Hồ. Tiếng pháo tay thay pháo Tết nổ vang. Anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) giục, cô gái ngồi bên cạnh mặt ửng hồng đứng lên thay mặt đồng bào địa phương chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Tàu 41. Cô gái nói: "Đảng, Bác Hồ, đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn, bát cơm, viên thuốc. Các anh thủy thủ đã vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù để vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam. Quê hương Phú Yên quyết xứng đáng với tình nghĩa cao cả đó!".

Nghẹn ngào, xúc động, lắng đọng nghĩa tình!

Tối mồng Một Tết, tàu cùng bến bốc dỡ hàng. Chiếc cầu tàu làm tạm bằng cây rừng như mọi lần trước, nay không đủ sức cho số đông người đi lại, nên hầu hết anh chị em dân công và du kích các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân, Hòa Thịnh, Hòa Tân… phải dầm mình dưới nước mới kịp chuyển hàng. Công việc tấp nập, khẩn trương. Phía Đèo Cả, thỉnh thoảng có một vài ánh đèn pha le lói của những chiếc xe lao dốc cùng với những tiếng nổ lạc lõng từ các bốt đồn địch bắn cầm canh trấn an cho giấc ngủ đầu năm của những kẻ xâm lược. Mặc! Không khí lao động, sẵn sàng chiến đấu ở bến Vũng Rô vẫn tấp nập, khẩn trương. Hàng bốc dưới tàu lên là vũ khí, thuốc men. Hàng trên bờ đưa xuống tàu là cát của Vũng Rô để rằn tàu, giữ được sự ổn định khi tàu ra khơi gặp phải sóng to, gió lớn.

Ba giờ sáng ngày mồng Hai Tết Ất Tỵ, Tàu 41 rời bến Vũng Rô. Anh Sáu (Bí thư Tỉnh ủy) ôm chặt tôi, cái hôn tiễn đưa lưu luyến và xúc động. Tay siết chặt tay. Người ra đi và người ở lại đều bùi ngùi. Những hàng nước mắt tuôn trào, những lời chúc lên đường thuận buồm xuôi gió, ở lại mạnh khỏe, chiến đấu hăng say, hứa hẹn sẽ có ngày gặp lại…

Tôi ấn mạnh tay chuông, con tàu lướt sóng ra khơi. Phía sau con tàu là bến Vũng Rô kiên cường-dải đất Phú Yên quê hương chúng tôi, đó là mùa xuân Ất Tỵ! Thời gian dù đã lùi xa bao nhiêu năm đi nữa, nhưng những kỷ niệm về một cái Tết ở Vũng Rô không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của tôi.

Nguồn: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/307/308/308/163143/Default.aspx
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #195 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 12:45:04 am »

15 năm bảo vệ tuyệt đối an toàn bến tàu huyền thoại K15


Suốt 15 năm (từ năm 1961 – 1975), bằng tất cả tâm huyết, trí tuệ, các cán bộ, chiến sĩ an ninh ta đã làm thất bại hoàn toàn âm mưu thu thập tình báo của địch về nơi xuất phát của những con tàu không số…

Bí mật, bất ngờ là yếu tố quyết định thành công của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Trong rất nhiều trang tư liệu về bến tàu huyền thoại K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), có những chiến công thầm lặng chưa từng được nhắc tới của các lực lượng Công an thành phố Cảng.

Một trong những sĩ quan an ninh được giao trọng trách trên là Đại tá Hoàng Xuân Lâm, nguyên Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TP Hải Phòng. Ở tuổi 86, ông vẫn tráng kiện, sôi nổi như những ngày còn gánh vác nhiệm vụ nặng nề - trực tiếp chỉ đạo công tác bảo vệ các bí mật quân sự tại Hải Phòng và Kiến An - trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở số 10, phố Lê Đại Hành, Hải Phòng, Đại tá Hoàng Xuân Lâm bồi hồi kể lại. Ngày đó, khi Quân ủy Trung ương thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về mở 2 tuyến đồng vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam, Bộ Công an và UBHC TP Hải Phòng và tỉnh Kiến An (sau này hợp nhất là TP Hải Phòng) giao cho Công an 2 địa phương một nhiệm vụ cực kỳ bí mật và quan trọng. Đó là phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, lập kế hoạch bảo vệ tuyệt đối an toàn việc vận chuyển con người, vũ khí, hàng hóa từ Hà Nội, Hải Phòng ra khu vực Pagodon (Km0 - Bến tàu không số K15) thuộc bán đảo Đồ Sơn.

Kế hoạch rất ngắn gọn nhưng theo đó là hàng “núi” công việc, trong đó nặng nề nhất là phải bằng mọi cách bóc các nội gián, phát hiện, đánh lạc hướng tình báo địch và phải lập một hàng rào thật vững chắc không cho đối phương đánh hơi việc ta mở bến tàu, tập kết hàng, vũ khí vào Nam, từ vùng biển Đồ Sơn…

Vào một buổi sáng cuối đông năm 1960, Chủ tịch UBHC tỉnh Kiến An lúc bấy giờ là đồng chí Nguyễn Bá Thành giới thiệu với ông Lâm một cán bộ cũng tên Thành, hơn ông khoảng dăm tuổi - là cán bộ Bộ Tư lệnh Hải quân. Buổi gặp diễn ra trong nửa giờ. Ông Lâm với tư cách là Trưởng ty Công an địa phương được thông báo: Hiện có khoảng chục con tàu đặc biệt của Quân đội, kiểu cách “đặc sệt” phương tiện đánh bắt cá của người dân Nam Bộ, người trên tàu cũng toàn là người miền Tây đang neo đậu tại các ngóc ngách các tuyến sông Ruột Lợn, Lạch Tray và sông Cấm. Một số lần, các chiến sỹ tàu không số đã “đụng” các chiến sĩ Cảnh sát trên sông và Công an vũ trang ta và bị xử lý rất… căng do nghi là tàu của biệt kích ngụy.

Không thể giải thích mọi việc với anh em và để bảo đảm tuyệt đối bí mật, nhất là tránh sự phát hiện của tình báo, gián điệp địch, Đại tá Hoàng Xuân Lâm đã trực tiếp ký, đóng dấu những “giấy phép đặc biệt” cho từng con tàu, từng thủy thủ với ký hiệu cụ thể có giá trị đi qua tất cả các tỉnh duyên hải Bắc Bộ đến vĩ tuyến 17. Đây chính là những con tàu không số tập kết bí mật tại các điểm hẻo lánh ở Hải Phòng, đợi ngày tập kết bến K15, xuống hàng và xuất phát vào Nam.

Bắt đầu từ năm 1962, Hải Phòng - Kiến An hợp nhất. Giai đoạn này lượng hàng hóa, vũ khí và tàu tập kết về Hải Phòng ngày một nhiều. Được sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hải Phòng đã thành lập “Ban chỉ đạo bảo vệ bí mật quân sự”. Thành viên chủ chốt là: Sở Công an, Bộ Tư lệnh Hải quân, Quân khu III, Sư đoàn 350, Sư đoàn 363.

Đồng chí Trần Đông - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an - lúc đó là Giám đốc Sở Công an Hải Phòng, xúc động nhớ lại, vào thời điểm này, các lực lượng Công an Hải Phòng đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo; trong đó đã tham mưu cho Đảng, chính quyền địa phương tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho Công an xã, phát động nhiều phong trào quần chúng có hiệu quả - đặc biệt là phong trào “bảo mật, phòng gian”, đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng để nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân, luôn che chở, đùm bọc cho lực lượng Công an, Quân đội.

Rất nhiều lần, đồng chí Trần Đông lên Hà Nội, trực tiếp báo cáo với Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn về công tác bảo vệ bí mật quân sự tại Cảng Hải Phòng và khu bán đảo Đồ Sơn. Đích thân Bộ trưởng cũng thường xuyên về Hải Phòng kiểm tra và chỉ đạo công tác này, trong đó có bảo vệ bến tàu “không số” (K15) và những con tàu đang tập kết tại các khu rừng ngập mặn thuộc Hải Phòng, Kiến An và cửa sông Bạch Đằng (giáp thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Có thể nói, chưa bao giờ công tác bảo vệ ANTT suốt từ km21/QL5 cho đến tận Đồ Sơn được xiết chặt như thế này. Tại Sở Công an, luôn có mặt hai cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân và Quân khu III, thường xuyên làm nhiệm vụ thông báo mỗi khi có chuyển quân hay vận tải vũ khí, để các lực lượng phối hợp bảo vệ. Tuy nhiên, công tác giữ gìn tuyệt đối bí mật quân sự là hết sức khó khăn bởi những đoàn xe chuyên chở vũ khí, mỗi chiếc cách nhau chỉ 20 mét, nối dài hàng hai, ba cây số đi trên đường.

Còn tại bến K15, xe vận tải lớn chở hàng vào tận nơi, rất khó ngụy trang. Song để làm tốt nhiệm vụ, Công an Hải Phòng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, kết hợp khai thác những đặc điểm tình hình, đánh lạc hướng tìm kiếm, theo dõi của lực lượng tình báo, gián điệp địch. Toàn bộ khu 2 và 3 Đồ Sơn được kiểm soát rất chặt chẽ, các tập thể hay cá nhân ra vào đều phải được cơ quan an ninh cấp giấy phép.

Các đơn vị chức năng do đồng chí Hoàng Trừ - Trưởng phòng Bảo vệ chính trị; Trần Thế Dân - Trưởng phòng Cảnh sát; Trần Tiếp - Trưởng đồn Cảng hiệp đồng rất nhịp nhàng cùng một số cán bộ biệt phái đi các ngành như các đồng chí Đào An, Chủ nhiệm Công ty Cung ứng tàu biển (sau này là Bí thư Thành ủy Hải Phòng); Doãn Duyên, Chủ nhiệm Công ty Cung ứng tàu biển (thay đồng chí Đào An); Nguyễn Văn Thiệp, Giám đốc Công ty Du lịch khu 3 Đồ Sơn; Ngô Ngọc Du, Giám đốc Sở Ngoại thương; Lê Ngọc Bảng, Giám đốc Hải quan... Sự phối hợp ấy đã tạo thế trận vững chắc và địch đã không thể phát hiện được bến tàu không số nằm ngay tại Đồ Sơn, Hải Phòng.

Chính thời gian này, Công an Hải Phòng đã xác lập Chuyên án ED69, phát hiện và “cất vó” một tổ chức hoạt động gián điệp chuyên thu thập, chuyển các thông tin về tình hình vận tải chi viện chiến trường miền Nam của chúng ta cho Trung tâm chỉ huy địch ở Hồng Kông. Kết quả, ta đã thu giữ nhiều tài liệu tình báo, vô hiệu hoá và trục xuất đầu mối chính Lam Ping Nam (quốc tịch nước ngoài) ra khỏi Việt Nam, bắt đối tượng chủ chốt Âu Trạch Niên cùng vợ là Âu Nguyệt Mi và con gái y là Âu Cần Tiên - liên lạc viên của tổ chức gián điệp trên.

Cùng thời gian này, Công an Hải Phòng còn bảo vệ và tiễn đồng chí Nguyễn Tài - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ chính trị (sau này là Thứ trưởng Bộ Công an), đi công tác tại chiến trường miền Nam bằng tàu “không số” theo đường Hồ Chí Minh trên biển. Khi tàu nhổ neo rời bến bí mật, an toàn, anh em mới quay trở về.

Nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CAND Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển, đồng chí Nguyễn Tài cùng một số cán bộ cao cấp của Bộ Công an và Công an Hải Phòng đã trở về thăm Di tích lịch sử K15 và ôn lại những năm tháng hào hùng của dân tộc, của lực lượng CAND, trong đó đã góp phần bảo vệ bí mật, an toàn bến xuất phát của tuyến đường huyền thoại trên biển

Nguồn: http://www.cand.com.vn/vi-VN/phongsu/2011/10/158299.cand
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #196 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 07:58:25 am »

Chính thời gian này, Công an Hải Phòng đã xác lập Chuyên án ED69, phát hiện và “cất vó” một tổ chức hoạt động gián điệp chuyên thu thập, chuyển các thông tin về tình hình vận tải chi viện chiến trường miền Nam của chúng ta cho Trung tâm chỉ huy địch ở Hồng Kông. Kết quả, ta đã thu giữ nhiều tài liệu tình báo, vô hiệu hoá và trục xuất đầu mối chính Lam Ping Nam (quốc tịch nước ngoài) ra khỏi Việt Nam, bắt đối tượng chủ chốt Âu Trạch Niên cùng vợ là Âu Nguyệt Mi và con gái y là Âu Cần Tiên - liên lạc viên của tổ chức gián điệp trên.

Nước ngoài nào thế nhỉ? Hồi ấy ta có quan hệ gì với Hồng Kông đâu?  Roll Eyes
Logged
qtdc
Thượng tá
*
Bài viết: 3299


« Trả lời #197 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 08:55:00 am »

Theo em đoán nước ngoài đó có thể là Đài Loan hoặc Anh bác ạ.
Logged
altus
Moderator
*
Bài viết: 1782



« Trả lời #198 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2011, 09:27:24 pm »

Hồi ấy mà cũng có khách Đài Loan hay Anh mắt một mí đến miền Bắc mà lại kiêm cả hoạt động gián điệp thì cũng chịu thật!
Logged
Mig21Bis_1
Thành viên
*
Bài viết: 552



« Trả lời #199 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2011, 04:56:25 pm »

Những cán bộ, chiến sĩ đoàn 759 đi chuyến mở đường đầu tiên vào tháng 10/1962.

Sở chỉ huy đoàn 125 theo dõi, nắm tình hình, chỉ huy các tàu vận tải và chiến dịch vận chuyển. Ảnh: Tư liệu.

Nguồn: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/tulieu/2011/11/76577.cand
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM