Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 05:29:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thử "bào chữa" cho Hoàng đế Lê Long Đĩnh  (Đọc 15310 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
VPA
Thành viên
*
Bài viết: 65



WWW
« vào lúc: 07 Tháng Hai, 2008, 06:00:29 pm »

Chuyên mục "Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ" rất hay và làm cho chúng ta có thêm các cách nhìn khác nhau về các vấn đề lịch sử, các nghi án lịch sử, các vấn đề lịch sử chưa rõ ràng, vvv. Nay tôi xin góp thêm một bài cũng về vấn đề đại loại như vậy.


Tác giả: Hoàng Hải Vân
Nguồn: Thanhnien.com.vn

Trong tâm trí người Việt Nam, Lê Long Đĩnh là ông vua xấu xa đồi bại nhất trong lịch sử dân tộc. Có phải như vậy không?

Ông vua bị “đóng đinh” trong lịch sử

Học giả Trần Trọng Kim đã đúc kết toàn bộ sự nghiệp của ông vua cuối cùng nhà tiền Lê - Lê Long Đĩnh bằng một đoạn sau đây trong Việt Nam sử lược: "Long Đĩnh là người bạo - ngược, tính hay chém giết, ác bằng Kiệt, Trụ ngày xưa.

Khi đã giết anh rồi, lên làm vua thường cứ lấy sự giết người làm trò chơi: có khi những tù phạm phải hình, thì bắt lấy rơm tẩm dầu quấn vào người rồi đốt sống; có khi bắt tù trèo lên cây rồi ở dưới sai người chặt gốc cho cây đổ; có khi bỏ người vào sọt rồi đem thả xuống sông.

Làm những điều ác như thế thì lấy làm thích chí. Một hôm lấy mía để lên đầu nhà sư mà róc vỏ, rồi thỉnh - thoảng giả tảng nhỡ tay bổ dao vào đầu sư chảy máu ra, trông thấy thế làm vui cười. Còn khi ra buổi chầu, có ai tấu sớ điều gì thì cho những thằng hề nói khôi - hài hay là nhại tiếng làm trò.

Long Đĩnh làm vua được 2 năm đổi niên -hiệu là Cảnh - thụy (1008-1009). Sang năm sau là năm Kỷ - Dậu (1009) thì mất, làm vua được 4 năm, thọ 24 tuổi.

Vì lúc sống dâm-dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được, đến buổi chầu thì cứ nằm mà thị triều, cho nên tục gọi là Ngọa-triều".

Việt Nam sử lược là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, được biên soạn rất công phu, giá trị lớn nhất của nó là hệ thống lại toàn bộ lịch sử nước nhà (cho đến thời Pháp thuộc) một cách súc tích, dễ hiểu, bởi vậy đây là cuốn sách lịch sử được phổ cập rộng lớn nhất trong thế kỷ 20. Nhiều thế hệ người Việt Nam tiếp cận một cách hệ thống lịch sử nước nhà chủ yếu thông qua cuốn sách này. Với đoạn sử phổ cập đó, Lê Long Đĩnh được "đóng đinh" trong tâm trí người Việt Nam là ông vua gian ác đồi bại nhất trong lịch sử. Tất cả các sách giáo khoa lịch sử từ đó đến nay cũng đều mô tả Lê Long Đĩnh đúng như vậy.

Nhưng đoạn viết về Lê Long Đĩnh trong Việt Nam sử lược và trong các sách giáo khoa lịch sử sau này, là lược chép lại từ Đại Việt sử ký toàn thư và một số cuốn sử cũ khác viết bằng chữ Hán. Mà Đại Việt sử ký toàn thư chép về Lê Long Đĩnh không chỉ có như vậy.

(xem tiếp phần sau)


Logged

To see a World in a Grain of Sand           
And a Heaven in a Wild Flower,               
Hold Infinity in the palm of your hand     
And Eternity in an hour
VPA
Thành viên
*
Bài viết: 65



WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2008, 06:08:41 pm »

Người đầu tiên thỉnh kinh Phật về nước

Trong một lần trao đổi về lịch sử Phật giáo, một vị thiền sư nhắc chúng tôi, rằng Lê Long Đĩnh là ông vua đầu tiên cử người đi lấy kinh Đại Tạng cho Phật giáo, rằng sư Vạn Hạnh, thiền sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu cũng như các cao tăng khác thời đó đều được Lê Long Đĩnh rất trọng vọng... Nghe quá lạ so với những gì mà mình được học, tôi lần giở những trang sử có liên quan đến Lê Long Đĩnh.

Trong Việt Nam Phật giáo sử lược (in lần đầu năm 1943), thiền sư Thích Mật Thể viết: "Niên hiệu Ứng Thiên thứ 14 (1008), sau khi nước ta đã hòa với Tống rồi, vua Đại Hành sắc ông Minh Xưởng và ông Hoàng Thành Nhã sang sứ nước Trung Hoa, cống hiến đồ thô sản và xin vua Tống ban cho bộ "Cửu kinh" và "Đại Tạng kinh". Vua Tống trao cho những bộ ấy và cho sứ giả đưa về. Đó là lần đầu  tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa vậy".

Do nhầm lẫn hoặc cũng có thể do ghét Lê Long Đĩnh, thiền sư Thích Mật Thể đã viết đoạn này không đúng, vì Lê Đại Hành mất năm 1005. Lê Long Đĩnh làm vua từ năm 1006 và đến năm 1008 vẫn giữ niên hiệu Ứng Thiên của vua cha. Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Đinh Mùi/Ứng Thiên/năm thứ 14 [1007], (Vua vẫn dùng niên hiệu Ứng Thiên; Tống Cảnh Đức năm thứ 4). Mùa xuân, (vua Lê Long Đĩnh) sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã dâng tê ngưu trắng cho nhà Tống, xin kinh Đại Tạng". Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cũng chép: "Đinh Mùi, năm thứ 14 (1007)...  Nhà vua (Lê Long Đĩnh) sai Minh Xưởng và chưởng thư ký là Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh sách Đại Tạng. Nhà Tống ưng thuận cho cả". Như vậy "lần đầu tiên nước ta cho người sang cầu kinh bên Trung Hoa" chính là do vua Lê Long Đĩnh.

"Cửu kinh" gồm Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu Kinh, Luận Ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ là 9 bộ sách vĩ đại nền tảng của văn minh Trung Hoa lần đầu tiên "nhập" vào nước ta là do Lê Long Đĩnh lấy về. Còn kinh Đại Tạng là gì ? Đó là Đại Tạng Kinh chữ Hán - bảo vật vô giá của Phật giáo và của văn hóa thế giới. Bộ sách đó, theo lịch sử Phật giáo, là một bộ sách vĩ đại được rất nhiều thế hệ các cao tăng Trung Hoa vượt qua biết bao gian truân khổ ải dày công thu thập, sưu tầm và dịch thuật suốt 1.000 năm, từ thế kỷ thứ nhất đến cuối thế kỷ thứ 10 (đời Tống Thái Tổ) mới in thành sách lần đầu tiên gồm 5.000 quyển (riêng việc khắc bản phải mất 12 năm). Bộ sách đó không chỉ là tổng vựng các kinh sách Phật giáo mà còn hàm chứa rất nhiều lĩnh vực triết học, lịch sử, văn học, nghệ thuật, thiên văn, toán học, y dược... Một ông vua lần đầu tiên biết đem những di sản vĩ đại như vậy về nước để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, liệu có thể gọi là hôn quân?  Và một ông vua đã trực tiếp sai em mình đi xin kinh sách về cho Phật giáo, ông vua đó có thể nào "lấy mía để trên đầu nhà sư mà róc" ?

“Tư duy kinh tế”

Lê Long Đĩnh là ông vua biết chỉnh đốn triều chính. Một năm sau khi lên ngôi ông đã "Sửa đổi quan chế và triều phục của các quan văn võ và tăng đạo, theo đúng như nhà Tống" (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Nhưng không chỉ có vậy. Đại Việt sử ký toàn thư còn chép: "Kỷ Dậu, /Cảnh Thụy/ năm thứ 2 (1009) ...Vua (Lê Long Đĩnh) lại xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi". Thế kỷ thứ 11, không chỉ nước ta mà hầu khắp thế giới, kinh tế đều tự cấp tự túc. Phải có một "tư duy kinh tế" vượt xa thời đại mới biết "xin đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu", tức là sâu trong nội địa Trung Quốc, việc đó giống như việc đặt Văn phòng đại diện thương mại ở nước ngoài bây giờ. "Tư duy kinh tế" đó mãi mấy trăm năm sau mới được biết đến ở phương Tây. Một hôn quân có nghĩ ra được điều này không ?

Đại Việt sử ký toàn thư chép tiếp: "(1009)... Vua đi Ái Châu, đến sông Vũ Lung. Tục truyền người lội qua sông này phần nhiều bị hại, nhân thế vua sai người bơi lội qua lại đến ba lần, không hề gì. Xuống chiếu đóng thuyền để ở các bến sông Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung bốn chỗ để chở người qua lại".  Cũng trong năm 1009: "Bọn Ngô đô đốc, Kiểu hành hiến dâng biểu xin đào kênh, đắp đường và dựng cột bia ở Ái Châu. Vua xuống chiếu cho lấy quân và dân ở châu ấy đào đắp từ cửa quan Chi Long qua Đỉnh Sơn đến sông Vũ Lung" (sách đã dẫn). "... Đến Hoàn Giang, sai Phòng át sứ là Hồ Thủ Ích đem hơn 5 nghìn quân của châu Hoan Đường, sửa chữa đường từ sông Châu Giáp đến cửa biển Nam Giới để quân đi cho tiện" (sách đã dẫn).

Rõ ràng chỉ mấy tháng trước khi chết (Lê Long Đĩnh chết vào tháng 10 năm đó), Lê Long Đĩnh còn chăm lo việc đào kênh, mở mang đường sá và đến tận nơi xem xét rồi xuống chiếu đóng thuyền bè đi lại cho dân. Một ông vua suốt ngày ham mê tửu sắc không đi lại được đến mức phải "ngọa triều", ông vua đó có thể làm được những chuyện có ý nghĩa như vậy không ?

(xem tiếp phần sau)
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Hai, 2008, 06:45:52 pm gửi bởi Tunguska » Logged

To see a World in a Grain of Sand           
And a Heaven in a Wild Flower,               
Hold Infinity in the palm of your hand     
And Eternity in an hour
VPA
Thành viên
*
Bài viết: 65



WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2008, 06:09:42 pm »

Không ngồi được sao 6 lần cầm quân đánh giặc?

Ngoài những chuyện lớn nói trên, Lê Long Đĩnh còn nhiều lần cầm quân dẹp giặc. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, ngay trong năm đầu tiên làm vua: "Ngự Bắc Vương cùng Trung Quốc Vương chiếm trại Phù Lan làm phản. Vua thân đi đánh". Tiếp đó: "... đem quân đánh Ngự Man Vương ở Phong Châu. Ngự Man Vương phải chịu hàng... Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả" (sách đã dẫn).  Và giữa lúc đánh trại Phù Lan "chợt thấy trạm báo tin là giặc Cử Long vào cướp đã đến cửa biển Thần Đầu (nay là cửa biển Thần Phù). Vua về đến sông Tham đi sang Ái Châu để đánh giặc Cử Long" (sách đã dẫn).

Năm đó Lê Long Đĩnh 3 lần thân chinh dẹp loạn. Năm 1008 "Vua thân đi đánh hai châu Đô Lương, Vị Long" (sách đã dẫn). Tiếp đó "lại tự làm tướng đi đánh Hoan Châu và châu Thiên Liễu" (sách đã dẫn). Và tháng 7 cùng năm "vua thân đi đánh các châu Hoan Đường, Thạch Hà" (sách đã dẫn). Như vậy là chỉ trong 4 năm làm vua, Lê Long Đĩnh đã 6 lần trực tiếp làm tướng cầm quân ra trận, lần cuối cùng chỉ cách 2 tháng trước khi ông mất. Cầm quân đánh giặc liên miên như vậy phải là một người cường tráng, người "dâm dục quá độ, mắc bệnh không ngồi được" sao có thể làm nổi ?

Sự thật hay lời đồn?

Về chuyện Lê Long Đĩnh giết anh để lên làm vua cũng cần xem xét. "Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Sách Dã sử chép rằng: Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông." (sách đã dẫn). Chúng ta thấy gì trong đoạn này? Thứ nhất, chuyện này Đại Việt sử ký toàn thư chép lại từ "Dã sử". Dã sử có thể tin được nếu có căn cứ để đối chiếu hoặc nó hợp logic, nếu không nó chỉ có giá trị như một lời đồn. Thứ hai, đã là dã sử mà còn nói "Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông". Quy cho người khác tội chủ mưu giết người thì phải có chứng cứ. Ai làm chứng và tài liệu nào chứng minh việc Lê Long Đĩnh "sai bọn trộm cướp"? Chắc chắn là không có ai cả và không có bất cứ tài liệu nào. Một lời đồn đã là không có cơ sở, một lời đồn nói về một việc không thể có chứng cứ càng không có cơ sở.

Vả lại, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục: “Khi vua Long Việt bị giết, bầy tôi đều chạy trốn cả, chỉ có Điện tiền quân Lý Công Uẩn ôm thây vua mà khóc. Long Đĩnh cho là trung nghĩa cất lên làm chức Tứ sương quân phó chỉ huy sứ”. Giết vua, giết anh là bất trung bất nghĩa. Kẻ bất trung bất nghĩa khó mà trọng dụng được người trung nghĩa. Vì vậy việc Lê Long Đĩnh giết anh chỉ nên coi cùng lắm là một "nghi án" mà thôi, không nên đem ra làm một sự thật dạy cho học trò. Cũng như cái chết của Lê Long Đĩnh, Ngô Thì Sĩ chép trong Đại Việt sử ký tiền biên như sau: "Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương (tức Lê Long Đĩnh), nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi giấu kín việc đó, nên sử không được chép". Lời đó của Ngô Thì Sĩ chúng ta chưa bao giờ coi là sự thật cả, sao lại coi việc Lê Long Đĩnh giết anh là sự thật ?

« Sửa lần cuối: 07 Tháng Hai, 2008, 06:46:12 pm gửi bởi Tunguska » Logged

To see a World in a Grain of Sand           
And a Heaven in a Wild Flower,               
Hold Infinity in the palm of your hand     
And Eternity in an hour
caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #3 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2008, 01:18:43 pm »

 ;DMình cũng gửi bản "bào chữa" cho ông vua này trên Thế Giới Mới trong 2 số 752 - 753 (9/2007) với tiêu đề:
           
LÊ LONG ĐĨNH VÀ NỖI OAN LỊCH SỬ
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, Lê Long Đĩnh được coi là hoàng đế tàn bạo, dâm dục nhất; nhắc đến ông người ta nghĩ ngay đến hình ảnh một hôn quân, bạo chúa. Thế nhưng lịch sử dường như quá thiên lệch khi chỉ nói nhiều đến tội lỗi và những hành vi càn rỡ, hiếu sát mà ít nhắc đến công tích của ông. Ngoài ra cái chết của hoàng đế Lê Long Đĩnh dẫn đến sự kết thúc của vương triều Tiền Lê còn bao phủ bởi những nghi vấn chưa được giải đáp thoả đáng.
Lê Long Đĩnh (986 - 1009) là con trai thứ 5 của vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), mẹ là Chi hậu Diệu Nữ. Năm Nhâm Thìn (992) Lê Long Đĩnh được vua cha phong làm Khai Minh Vương cử đi trấn giữ châu Đằng (nay là huyện Kim Động, Hưng Yên). Năm Ất Tị (1005) vua Lê Đại Hành mất để lại di chiếu nhường ngôi cho con trai thứ 3 là Lê Long Việt nhưng Lê Long Việt chưa kịp đăng quang thì người anh thứ 2 là Đông Thành Vương Lê Long Tích và người em thứ 6 là Trung Quốc Vương Lê Long Kính đem quân tranh ngôi, các bên đánh nhau đến 8 tháng mới phân thắng bại. Trung Quốc Vương thua chạy, trốn về trại Phù Lan (nay thuộc Mỹ Hào, Hưng Yên) còn Đông Thành Vương chạy vào đất Cử Long (nay thuộc Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá), đến cửa biển Kỳ La (nay thuộc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì bị giết. Trong cuộc nổi loạn này Lê Long Đĩnh cũng tham gia nhưng Lê Long Việt “lấy tình cùng mẹ không nỡ giết, nên tha cho” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sau khi bình ổn được nội loạn, Lê Long Việt chính thức lên ngôi, làm vua mới được 3 ngày thì bị “Long Đĩnh sai hung thủ ban đêm trèo tường vào trong cung giết chết” (Đại Việt sử ký toàn thư). Lê Long Đĩnh giết anh cướp ngôi, bầy tôi đều chạy trốn, chỉ có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác vua mà khóc, Long Đĩnh khen là trung nghĩa nên phong cho làm Tứ sương quân phó chỉ huy sứ, ông còn đặt thụy hiệu cho người anh xấu số của mình là Trung Tông hoàng đế.
Theo như những ghi chép của sách sử, mùa đông năm Ất Tị (1005) Lê Long Đĩnh lên ngôi, bắt đầu những năm tháng làm vua với nhiều điều bạo ngược. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua tính thích giết người, phàm người bị hành hình hoặc sai lấy cỏ gianh quấn vào người mà đốt để cho lửa cháy chết, hoặc sai tên kép hát người Tống là Liêu Thủ Tâm lấy dao ngắn, dao cùn xẻo từng mảnh để cho không được chết chóng... Đi đánh dẹp bắt được thù thì giải đến bờ sông, khi nước triều rút, sai người làm lao dưới nước, dồn cả vào trong ấy, đến khi nước triều lên thì ngập nước mà chết; hoặc bắt trèo lên ngọn cây cao rồi chặt gốc cho cây đổ, người rơi xuống chết…Phàm bò lợn muốn làm thịt thì tự tay vua cầm dao chọc tiết trước rồi mới đưa vào nhà bếp sau. Từng róc mía ở trên đầu sư Quách Ngang, giả lỡ tay lưỡi dao trượt xuống đầu nhà sư cho chảy máu, rồi cả cười. Hoặc nhân yến tiệc giết mèo cho các vương ăn, ăn xong lấy đầu mèo giơ lên cho xem, các vương đều sợ, vua lấy làm thích. Mỗi khi ra chầu, tất sai bọn khôi hài hầu hai bên, vua có nói câu gì thì người nọ người kia nhao nhao pha trò để cười, để cho loạn lời tâu việc của quan chấp chính. Lại lấy con thạch sùng làm gỏi, bắt bọn khôi hài tranh nhau ăn”.
Theo như trên thì Lê Long Đĩnh chỉ ham sắc dục, giết chóc, những công việc triều chính đều bỏ bê, không quan tâm đến. Sự thực có đúng như vậy không?
•   CÔNG TRẠNG ĐÁNG GHI NHẬN:
Các sách sử nhất là những tác phẩm được viết trong thời gian gần đây đều chỉ tập chung chỉ trích, phê phán những tội lỗi của vua Lê Long Đĩnh mà cố tình bỏ qua, không nhắc đến những việc làm có ích lợi cho dân cho nước, những công trạng dù không nhiều nhưng ông đã làm được trong thời gian ở trên ngôi báu.
- Về đối ngoại, Lê Long Đĩnh vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với nhà Tống như thời trị vì của các đời vua trước. Mối quan hệ này được xây dựng sau khi quân Tống bị đại bại năm Tân Tị (981) do đó với nước ta nhà Tống tỏ thái độ mềm dẻo, không dám làm căng, sợ rằng sinh chuyện binh đao. Chính vì thế có thể nói việc đối ngoại thời Lê Long Đĩnh đã đạt được một số thuận lợi đáng kể, thậm chí nhà Tống còn e dè chỉ sợ làm mất lòng ông. Tháng 8 năm Đinh Mùi (1077) vua Tống phong cho Lê Long Đĩnh làm Giao chỉ quận vương, lĩnh Tĩnh Hải quân tiết độ sứ. Năm Kỷ Dậu (1009) vua sai sứ đem biếu nhà Tống con tê ngưu, “vua Tống cho là con tê ngưu ấy từ xa đến, không hợp thuỷ thổ, muốn trả lại nhưng sợ trái ý vua, sai đợi cho sứ nước ta về rồi đem thả ra bãi biển. Vua lại xin áo giáp, mũ trụ trang sức bằng vàng. Vua Tống bằng lòng cho. Vua lại xin cho thông thương với Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho thông thương với Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi" (Đại Việt sử ký toàn thư).
- Về đối nội, dưới triều Lê Long Đĩnh bộ máy nhà nước tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện mô phỏng theo quan chế của nhà Tống. Vua vừa là người giải quyết mọi công việc chính trị, vừa là quan toà tối cao, vừa là thủ lĩnh quân sự. Năm Bính Ngọ (1006) Lê Long Đĩnh “đổi lại quan chế và triều phục cho các quan văn võ và tăng đạo theo đúng như nhà Tống” (Đại Việt sử ký toàn thư). Như vậy việc học tập xây dựng thiết chế chính quyền phong kiến theo triều đại phương Bắc không  phải bắt đầu từ thời Lý mà đã được đặt nền móng vào cuối thời Tiền Lê và Lê Long Đĩnh chính là người đầu tiên áp dụng. Một vấn đề quan trọng nữa mà triều Tiền Lê tiến hành là tập trung quyền lực trên một lãnh thổ nhất định, dẹp yên các thế lực chống đối, các lực lượng cát cứ để quy tụ tính thống nhất quốc gia. Các cuộc đánh dẹp, chinh phạt phản loạn được các vua Tiền Lê thực hiện nhiều lần. Riêng thời Lê Long Đĩnh cầm quyền, ông đã 6 lần trực tiếp dẫn quân chinh chiến.
+ Lần thứ nhất, đó là vào cuối năm Ất Tị (1005) ngay sau khi lên ngôi, Lê Long Đĩnh đi dẹp bạo loạn giữa các anh em, giết chết Trung Quốc Vương (Lê Long Kính), bức hàng Ngự Bắc Vương (Lê Long Cân) và Ngự Man Vương (Lê Long Đinh). “Từ đấy về sau các vương và giặc cướp đều hàng phục cả” (Đại Việt sử ký toàn thư).
+ Lần thứ hai, khi vừa dẹp xong cuộc nổi loạn của các anh em thì vua nghe tin giặc Cử Long tiến công đánh chiếm đến cửa biển Thần Đầu (Ninh Bình) bèn dẫn quân đi đánh.
+ Lần thứ ba: Vào năm Mậu Thân (1008) Lê Long Đĩnh đi đánh châu Đô Lương (nay thuộc Hàm Yên, Tuyên Quang) và châu Vị Long (nay thuộc Chiêm Hoá, Tuyên Quang).
+ Lần thứ 4: Cũng trong năm Mậu Thân (1008) vua lại dẫn quân đi đánh Án Động (nay không rõ ở đâu).
+ Lần thứ 5: Vào cuối năm Mậu Thân (1008) đi đánh Hoan Châu (Nghệ An ngày nay) và châu Thiên Liễu (nay không rõ ở đâu).
+ Lần thứ 6: Khi ấy là mùa thu tháng 7 năm Kỷ Dậu (1009) Lê Long Đĩnh đem quân đánh các châu Hoan Đường và Thạch Hà (nay thuộc Hà Tĩnh).
Công việc bình định của triều Tiền Lê qua các hoạt động quân sự, về cơ bản đã xác lập được quyền lực chính trị của triều đình phong kiến trung ương, kiểm soát được một phần lãnh thổ rộng lớn. Đặt nền móng ban đầu cho các triều đại sau tiếp tục hoàn thành xây dựng một chế độ phong kiến trung ương tập quyền vững mạnh.
Để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển đi lại, vừa phục vụ mục đích quân sự, vừa giúp lưu thông buôn bán được thuận lợi, Lê Long Đĩnh tiếp tục cho mở đường, đào kênh như dưới thời vua cha. Đầu năm Kỷ Dậu (1009) vua theo lời tâu của đô đốc Kiển Hành Hiến đã xuống chiếu cho quân dân Ái Châu (Thanh Hoá) đào kênh, đắp đường và lập ụ bia để ghi số dặm đường từ cửa quan Chi Long (nay thuộc Nga Sơn, Thanh Hoá) đến sông Vũ Lung. Tại đây Lê Long Đĩnh còn cho đóng thuyền, đặt đò ở Vũ Lung, Bạt Cừ, Động Lung để chở người qua lại.
Tháng 7 cùng năm vua lại sai Phòng át sứ Hồ Thù Ích đem 5.000 quân của châu Hoàn Đường (Nghệ An) sửa chữa đường từ châu ấy đến cửa biển Nam Giới để đi lại cho tiện.
Lĩnh vực văn hoá tư tưởng cũng được Lê Long Đĩnh quan tâm đến, năm Đinh Mùi (1007) vua “sai em là Minh Xưởng và Chưởng thư ký Hoàng Thành Nhã đem con tê trắng sang biếu nhà Tống, dâng biểu xin cửu kinh và kinh Đại Tạng. (Khâm định Việt sử thông giám cương mục). Trong đó Đại Tạng là bộ kinh lớn của Phật giáo, còn cửu kinh là chín bộ sách kinh điển của Nho giáo Trung Quốc bao gồm: Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu, Hiếu kinh, Luận ngữ, Mạnh Tử và Chu Lễ.
Các hoạt động văn hoá dân gian thời kỳ này cũng rất phát triển, triều đình phong chức ưu bà cho một số nghệ nhân để dạy cung nữ, binh lính múa hát. Trong lễ hội, những cuộc thi đấu vật, đua thuyền… diễn ra sôi động, thậm chí có những cuộc thi được coi là nghi thức quốc gia. Những chính sách văn hoá tiến bộ thời Tiền Lê đã làm nảy nở những nét văn hoá đặc sắc mang tính dân tộc đậm nét, khơi thông mạch nguồn văn hoá để phát triển rực rỡ hơn trong những giai đoạn sau này.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Lê Long Đĩnh đã thực hiện được một số công trạng đáng ghi nhận trong thời gian làm vua, chứ không phải chỉ toàn bỏ bê chính sự, suốt ngày lao vào ăn chơi hưởng lạc và làm những việc tàn bạo.
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #4 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2008, 01:19:46 pm »

•   NHỮNG NGHI VẤN LỊCH SỬ:
Theo sách sử, mùa đông, ngày Tân Hợi tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009) Lê Long Đĩnh mất. Triều đình thấy con vua còn nhỏ không thể đảm đương được việc nước nên cùng nhau tôn quan Thân vệ điện tiền đô chỉ huy là Lý Công Uẩn lên ngôi, lập ra nhà Lý.
Tuy nhiên cái chết của vua Lê Long Đĩnh và sự kết thúc của triều Tiền Lê có khá nhiều nghi vấn, dường như ẩn dấu sau đó là một cuộc đảo chính cung đình được thực hiện rất hoàn hảo.
+ Trước tiên về căn bệnh của Lê Long Đĩnh, sách sử chép “vua say đắm tửu sắc, phát ra bệnh trĩ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Theo Đông y đó là do khí hư bị hãm không lưu thông được nên thành bệnh; còn y học hiện nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác dẫn đến bệnh trĩ nhưng dâm dục quá độ không thể là nguyên nhân phát sinh bệnh này được. Nếu cứ coi Lê Long Đĩnh thực sự bị bệnh trĩ thì ta thấy bệnh của ông rất nặng không thể đi đứng, di chuyển mà phải nằm một chỗ. Từ việc nằm để coi chầu nên thành biệt danh là Ngọa triều (nằm thiết triều). Thế nhưng chi tiết này lại mâu thuẫn với các cuộc chinh phạt của ông, trong 4 năm làm vua Lê Long Đĩnh đã 6 lần dẫn quân đi đánh dẹp và trận chiến cuối cùng của ông diễn ra tháng 7 năm Kỷ Dậu (1009) trước khi ông mất 3 tháng. Vì thế khó mà lý giải được một ông vua phải nằm thiết triều, khổ sở vì căn bệnh trĩ mà lại có thể cưỡi ngựa cầm gươm, đánh đông dẹp bắc được.
+ Về cái chết của Lê Long Đĩnh, phần lớn các sách sử chỉ ghi vua mất ở trong cung nhưng không cho biết nguyên nhân. Duy nhất cuốn Đại Việt sử ký tục biên có những dòng rất đáng chú ý như sau: “Lý Thái Tổ rất căm phẫn trước tội ác giết anh cướp ngôi của Khai Minh Vương, nhân lúc Khai Minh Vương bệnh tật, sai người vào đầu độc giết đi rồi dấu kín việc đó nên sử không được chép”.
Nếu thông tin này đúng sự thật thì Lê Long Đĩnh không phải ốm chết mà bị Lý Công Uẩn sai người đầu độc chết có thể để trả thù cho chủ cũ (thời Lê Trung Tông, Lý Công Uẩn giữ chức Điện tiền quân, lo việc bảo vệ vua và canh giữ hoàng cung). Nhưng cũng có thể coi đây là hành vi giết vua cướp ngôi; điều này ít nhiều có căn cứ. Như chúng ta đã biết, Lý Công Uẩn vốn chịu ảnh hưởng của Phật giáo, khi ấy tầng lớp tăng quan có thế lực rất lớn, được tham dự triều chính với các chức đại sư, tăng lục, sùng chân uy nghi… Thiền sư Vạn Hạnh chính là người dọn đường dư luận cho việc lên ngôi của Lý Công Uẩn qua việc lý giải các câu sấm nói về việc “vua thì non yểu, tôi thì cường thịnh; họ Lê mất thì họ Lý nổi lên”. Ông còn trực tiếp khuyên Lý Công Uẩn lợi dụng binh quyền nắm trong tay để trở thành “người đứng đầu muôn dân”. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thái độ của Lý Công Uẩn như sau: “Công Uẩn sợ câu nói ấy tiết lộ, bảo người anh em đem Vạn Hạnh giấu ở Tiêu Sơn. Song từ đấy cũng lấy thế tự phụ, mới nảy lòng ngấp nghé ngôi vua”. Sau khi Lê Long Đĩnh mất, quan chi hậu Đào Cam Mộc, một người đại diện cho lực lượng quân đội cũng khuyên Lý Công Uẩn giành lấy vương vị từ tay họ Lê. “Công Uẩn nghe thấy Cam Mộc nói thế trong bụng thích nhưng còn ngờ Cam Mộc có mưu kế gì khác, mới giả cách mắng rằng: Sao ông lại nói như thế, tôi phải bắt ông nộp quan. Cam Mộc ung dung bảo Công Uẩn: Tôi thấy thì việc trời việc người như thế, cho nên tôi nói ra câu ấy, nay ông lại muốn cáo giác tôi, thì tôi không phải là người sợ chết” (Đại Việt sử ký toàn thư). Tuy vờ dọa như vậy nhưng sau đó Lý Công Uẩn đã bộc lộ ý định của mình khi hỏi Đào Cam Mộc: “Tôi đã hiểu rõ ý ông, cùng với Vạn Hạnh không khác gì. Nếu thực như lời ấy thì nên tính kế thế nào?” (Đại Việt sử ký toàn thư).  Như thế rõ ràng là Lý Công Uẩn muốn đoạt ngôi vua của họ Lê và ông đã được hai thế lực có ảnh hưởng lớn khi ấy là đội ngũ tăng quan, cùng lực lượng quân đội ủng hộ.
+ Với một người lên ngôi bằng bạo lực như Lê Long Đĩnh thì ông sẵn sàng mạnh tay với bất kỳ âm mưu và hành động nào đe dọa đến địa vị của mình. Hiện nay ở vùng Từ Sơn (Bắc Ninh) vẫn lưu truyền một giai thoại có liên quan đến Lý Công Uẩn thoát khỏi sự truy sát của triều Tiền Lê. Chuyện kể rằng khi ấy trong dân gian đồn đại nhiều lời sấm cho rằng nhà Lê sắp mất, họ Lý sẽ thay, lại có câu đồng dao rằng: Ta trong hạt mận sinh ra. Vua Lê Long Đĩnh một đêm nằm mơ thấy thần cho biết: Ở Cổ Pháp có người họ Lý là bậc quý nhân, sau này sẽ cướp ngôi. Rất lo lắng Lê Long Đĩnh cho quân về Cổ Pháp (nay là Từ Sơn, Bắc Ninh) tìm bắt họ Lý. Biết chuyện Lý Công Uẩn bỏ trốn, được vợ chồng ông lão cày ruộng thương tình đưa về nhà, họ đào một cái hang dưới gốc cây mận rồi cho trốn dưới đó, trên miệng hầm để mấy vại nước. Khi quân lính lùng sục vào nhà hỏi, ông lão chỉ vào cây mận mà nói:
- Lý đây! Còn Lý nào nữa thì ra sông mà tìm. (Cây Lý = cây mận).
Tìm mãi không được, quan quân về kinh báo cho vua, Lê Long Đĩnh liền xem một quẻ bói, thày bói nói:
- Người này đang ở dưới nước.
Tin là người cần bắt đã chết đuối, Lê Long Đĩnh hạ lệnh thôi không truy lùng nữa. Lý Công Uẩn vì thế mà thoát nạn.
Trên đây là giai thoại dân gian, còn sử sách thì ghi chép khác với vài dòng ngắn như sau: “Ngọa Triều từng ăn quả khế thấy hột mận, mới tin lời sấm ngữ bèn ngầm tìm người họ Lý giết đi, mà Công Uẩn hầu ở bên cạnh, vẫn không biết” (Đại Việt sử ký toàn thư). Điều ngạc nhiên là, nếu coi Lê Long Đĩnh tàn bạo hiếu sát không từ tội ác nào, giết cả anh em ruột nhưng sao lại dễ dàng quên đi một người họ Lý ở ngay bên mình trong khi ông tin vào những lời sấm kia, mà Lý Công Uẩn khi đó đang nắm binh quyền với chức Điện tiền chỉ huy sứ, người có khả năng đe doạ trực tiếp đến ngôi báu. Thật khó hiểu khi người đáng nghi ngờ nhất lại không bị nghi ngờ!
+ Một điều đáng chú ý nữa là vì sao Lý Công Uẩn lên ngôi lại thuận lợi, dễ dàng đến vậy? Sử sách không hề nói đến bất kỳ một phản ứng hay hành động chống đối nào của các quan tướng trung thành với triều Tiền Lê và nhất là của hoàng tộc họ Lê. Vua Lê Đại Hành có tất cả 12 người con trai (trong đó có một người con nuôi) những người này đều đã trưởng thành và được vua phong tước vương cử đi trấn trị những vùng trọng yếu của đất nước. Người con cả là Kinh Thiên Vương Lê Long Thâu mất năm Canh Tý (1000), đến năm Ất Tị (1005) sau khi Lê Đại Hành mất thì các con ông tranh giành ngôi báu, chém giết lẫn nhau. Đông Thành Vương Lê Long Tích người con thứ 2 bị dân ở châu Thạch Hà (thuộc Hà Tĩnh ngày nay) giết, người con thứ 3 là Nam Phong Vương Lê Long Việt làm vua được 3 ngày thì bị Khai Minh Vương Lê Long Đĩnh cho người ám sát chết để cướp ngôi. Khi lên làm vua, Lê Long Đĩnh đánh bại các anh em khác, giết một người em của mình là Trung Quốc Vương Lê Long Kính. Như vậy các con của Lê Đại Hành còn lại 8 người, trong đó Lê Long Đĩnh là người giành được ngôi vua. Thế mà khi Lê Long Đĩnh mất, triều thần đưa Lý Công Uẩn lên ngôi thì không thấy những người này có phản ứng gì; không thể tin được rằng trước đó anh em họ tranh giành lẫn nhau mà nay lại im lặng khi người ngoại tộc đoạt mất vương vị. Phải chăng tất cả đã bị giết hết một cách bí mật và sử sách đã cố tình quên đi việc này?
- Và điều lạ lùng khó giải thích nữa là nếu Lê Long Đĩnh, một hôn quân bạo chúa, tàn ác nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, bị sử sách và người đời phê phán, nguyền rủa nhưng vì sao ông lại được thờ phụng? Tại chính điện thờ ở đền vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình), phía bên tay phải tượng vua Lê Đại Hành là một bức tượng nhỏ, đó chính là tượng Lê Long Đĩnh. Chúng ta đều biết nhân dân là vị quan toà công minh nhất, phán xét đúng đắn nhất, vì thế những anh hùng dân tộc, những người có công lao với dân với nước đều được lập đền thờ tưởng nhớ, hương khói đời đời. Do vậy nhân dân không thể nhầm lẫn đến mức hồ đồ khi lại thờ phụng một ông vua tàn ác như Lê Long Đĩnh, thế nên câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng những gì sử sách chép về ông không đúng với con người thực của Lê Long Đĩnh. Những tiếng xấu về ông là do có người ngụy tạo, đổ lỗi dẫn đến Lê Long Đĩnh mang tiếng oan, một nỗi oan lịch sử?
Lịch sử đòi hỏi sự chính xác, khách quan vì vậy nên chăng chúng ta cần nhìn nhận, đánh giá khác hơn về Lê Long Đĩnh. Những tội lỗi của ông không thể che dấu nhưng công trạng cũng phải được ghi nhận, không nên đánh giá một chiều mà cần thấy rõ cái tốt cái xấu, cái sai cái đúng. Công tội ngàn năm qua của vua Lê Long Đĩnh, cái chết đáng ngờ của ông và sự mất ngôi của họ Lê cần được lịch sử xem xét lại một cách công bằng nhất.
Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
seahawk1
Thành viên
*
Bài viết: 33



« Trả lời #5 vào lúc: 08 Tháng Hai, 2008, 03:56:14 pm »

Cũng cần phải hiểu một triều đại lên tiếp theo bao giờ cũng phải đưa ra vài lý do lọt tai cho việc thay đổi triều đại. Lý do "hôn quân vô đạo" khiến "Thái tổ hoàng đế của bản triều" phải "vì trăm họ mà trừ bạo" hay ... là một motip rất quen thuộc lặp đi lặp lại. Đi cùng dấm ghém với món này cho dễ tiêu bao giờ cũng có những đoạn kể tội vị vua cuối cùng của triều cũ. Trên thực tế trừ vài ba vị vua đặc biệt xuất sắc hay đặc biệt  tệ hại, hầu hết đều ở mức "tầm tầm". Việc Lê Long Đĩnh băng hà sớm cũng không phải là việc gì đáng lạ ở thời kỳ y học chưa phát triển, tuổi thọ trung bình của con người chưa tới 40 (tớ nhớ ko nhầm thì đến tận trước 1945 đây vẫn là tình hình của Việt Nam) thì Lê Long Đĩnh mất ở độ tuổi đó cũng ko có gì quá bất bình thường, càng không phải là chứng cớ để coi ông là kẻ chơi bời trác táng mà chết vì bệnh được. Việc anh em tranh giành nhau để giành quyền bính cũng không phải là lạ vào thời đó. Không thể lấy quan điểm của thế kỷ 20 để đánh giá Long Đĩnh là cực kỳ tồi tệ khi ra tay diệt Lê Trung Tông lên làm vua. Lịch sử không thiếu ví dụ như vậy, cho dù là ở nước nào, xin miễn dẫn ra đây. Có điều vào thời kỳ đó, ông vua phải là người đủ mạnh mẽ, quyết đoán để chế áp các thế lực có quyền thế nhằm thống nhất trong tay nhà nước (loạn 12 xứ quân vẫn còn chưa xa, các vương tử quý tộc nắm quyền cũng sẵn sàng cát cứ bất cứ lúc nào nếu chính quyền trung ương không đủ làm họ e sợ, còn chuyện "dùng đức trị chư hầu" theo kiểu "thánh hiền", xin lỗi bản thân tớ không tin). Long Đĩnh đã chứng tỏ mình là một người đủ mạnh mẽ, quyết đoán, cả tài năng nữa (nếu nhìn vào các công việc ông đã hoàn thành trong thời gian ngắn ngủi lên ngôi), ít nhất cũng là một ông vua có năng lực, có ý thức với trách nhiệm của mình. Không thể nói trong lịch sử Việt Nam có quá nhiều ông vua như vậy. Điều không may cho Lê Long Đĩnh là ông mất quá sớm (vì lý do tự nhiên, bệnh tật, hay có "bàn tay con người" thì chúng ta không bao giờ biết được), trong suốt 200 năm sau đó triều Lý để củng cố địa vị và sự "chính thống" của mình hiển nhiên sẽ chĩa mũi dùi công kích bôi nhọ đến mức tối đa hình ảnh Lê Long Đĩnh để thiên hạ quên nhà Lê đi và an tâm với nhà Lý. Kiểu tuyên truyền chính trị như vậy hiển nhiên sẽ bao gồm cả sử sách chính thống, như Goebbel vẫn nói: "Chân lý là sự dối trá được lặp đi lặp lại nhiều lần". Chân dung Lê Long Đĩnh truyền lại đến hôm nay hiển nhiên đã được bộ máy tuyên truyền của triều Lý bóp méo một cách hệ thống đến mức không thể hoàn toàn lần ra nguyên gốc được nữa. Vả lại người ta còn một nghi án về những người con trai còn lại của Lê Đại Hành (tớ không nhớ rõ, nhưng hình như ông có 5 con trai thì phải). Lê Long Đĩnh chỉ giết Long Việt, vậy còn 3 người con trai còn lại. Nếu cũng do Long Đĩnh giết thì có lẽ lịch sử đã chép lại rõ ràng, vì chuyện này phục vụ rất đắc lực cho việc chính nghĩa hóa triều Lý, không có lẽ gì sử gia triều Lý lại bỏ qua. Vậy thì giả dụ khi Long Đĩnh lên ngôi họ đều còn sống cả, như thế 3 năm sau khi Lê Long Đĩnh băng hà nhiều khả năng vẫn còn ít nhất một con trai của Lê Hoàn còn sống, và sẽ là người kế vị chính thức. Tại sao Lý Công Uẩn lại lên ngôi nhẹ nhàng như vậy? Số phận những người con trai còn lại của Lê Hoàn cũng mù mịt, không rõ ràng. Thật lạ nếu họ lại không lên tiếng đòi ngôi báu. Rất nhiều khả năng đã có điều gì khiến họ phải im tiếng vĩnh viễn lúc đó. Và cũng không phải ngẫu nhiên Lý Công Uẩn phải nhanh chóng rời đô khỏi Hoa Lư là nơi thế lực của nhà Lê còn mạnh để xây dựng cho mình một trung tâm chính trị mới gần quê Đình Bảng của mình hơn. Nếu có ai đưa ra câu trả lời được cho bí ẩn này thì quả là tuyệt. Huh
Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Mười, 2010, 10:46:39 pm »

Chuyên mục "Sửa lại cho đúng, bàn thêm cho rõ" rất hay và làm cho chúng ta có thêm các cách nhìn khác nhau về các vấn đề lịch sử, các nghi án lịch sử, các vấn đề lịch sử chưa rõ ràng, vvv. Nay tôi xin góp thêm một bài cũng về vấn đề đại loại như vậy.


Tác giả: Hoàng Hải Vân
Nguồn: Thanhnien.com.vn

Trong tâm trí người Việt Nam, Lê Long Đĩnh là ông vua xấu xa đồi bại nhất trong lịch sử dân tộc. Có phải như vậy không?


Chính những việc làm của ông vua này đã thúc đẩy việc mở ra triều đại mới, lập một kinh đô mới. 1000 năm đã qua sao chưa vén được bức màn bí mạt ư? và tại sao diễn đàn lại bỏ bẵng chủ đề hay đến vậy nhỉ?
Logged

lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #7 vào lúc: 15 Tháng Mười, 2010, 01:55:27 pm »

http://ttvnol.com/f_533/988610 :Mộ cổ mới tìm được Cheesy
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM