Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:28:18 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Kissinger-Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố  (Đọc 148185 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:27:30 pm »

Tên sách: Kissinger-Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố
Tác giả: William Bel
Người dịch: Nguyễn Văn Giang - Nguyễn Xuân Bích
Nhà xuất bản: Thanh niên
Năm xuất bản: 2002
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng

Theo cuốn "KÍT-SINH-GƠ BÍ LỤC".
Xuất bản bằng tiếng Hán
Do Nhà xuất bản Viễn Phương Trung Quốc xuất bản
Tháng 4 năm 1999

LỜI NÓI ĐẦU

Kít-sinh-gơ (Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố) do Nguyễn Văn Giang và Nguyễn Xuân Bích biên dịch, theo cuốn “Kít-sinh-gơ bí lục" bằng tiếng Hán do Nhà xuất bản Viễn Phương Trung Quốc xuất bản tháng 4 năm 1999, là cuốn sách công bố những ghi chép (Biên bản hội đàm) của Kít-sinh-gơ, lúc đó là một nhân vật ngoại giao nổi tiếng thế giới với chức năng là Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống, Quốc vụ khanh và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.

Qua tác phẩm, bạn đọc sẽ hiểu biết hơn không nhũng tư liệu về các vấn đề trong tiến trình hội đàm giữa những người lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, Liên Xô với Mỹ, mà còn thấy được động thái, tinh thần của từng thành viên trong các cuộc hội đàm, để thấy rằng các cuộc hội đàm về các vấn đề có liên quan đến sự ổn định thế giới, sự cân bằng lực lượng và cân bằng giữa các bên là cực kỳ khó khăn và gian truân để đi đến thoả thuận.
 
Trong bối cảnh thế giới biến động và thay đổi hiện nay, những tư liệu này là hết sức có ý nghĩa, vì vậy chúng tôi xin giới thiệu cuốn sách này trong hệ thống sách tham khảo của Nhà xuất bản Thanh Niên.

Vì lần đầu xuất bản và điều kiện có hạn nên chúng tôi đã lược bớt một số đoạn so với nguyên bản và chắc cũng khó tránh khỏi sai sót, nên chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc. Xin chân thành cảm ơn và giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Thanh Niên

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:28:36 pm »

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên, với nội dung là một phần biên bản hội đàm của Hăng-ri Kít-sinh-gơ với các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và Liên Xô. Một phần biên bản này đã công bố. Kít-sinh-gơ lúc đó là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ về An ninh quốc gia, và là Bộ trưởng Ngoại giao thời Ních-xơn và G.Pho, cho đến nay nhiều nội dung trong hội đàm còn được giữ bí mật, nhưng những biên bản chi tiết được công bố về các cuộc nói chuyện sẽ giúp độc giả nắm được một số tài liệu, hiểu thêm về một phần trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại-các cuộc đối thoại; và ảnh hưởng của chúng giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép, Ngoại trưởng Liên Xô Grô-mư-cô với Kít-sinh-gơ, người xây dựng chính sách ngoại giao được lịch sử Mỹ hiện đại đề cao tán dương cũng như chỉ trích.

Biên bản các cuộc đối thoại này cho đến nay vẫn được dư luận quan tâm, nó cho thấy sự ảnh hưởng của một số nhân vật lịch sử đối với chính sách và hoạt động ngoại giao trong thời kỳ lịch sử chiến tranh lạnh. Lúc đó, chính quyền Ních-xơn đang tìm cách làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Liên Xô, một đối thủ hùng mạnh và xây dựng quan hệ ngoại giao với kẻ thù trước đây, nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tổng thống Ních-xơn, rồi Tổng thống kế nhiệm G.Pho và nhà ngoại giao Kít-sinh-gơ đều theo đuổi một chính sách thân thiện đối với Trung Quốc và Liên Xô, nhằm một mặt giảm đến mức tối đa nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân do các cuộc xung đột trực tiếp trong tương lai gây nên, mặt khác xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và Liên Xô trong bối cảnh hai nước này đang đối địch nhau, nhằm gây ảnh hưởng bao trùm lên cả Bắc Kinh và Mát-xcơ-va, hòng duy trì được vai trò lãnh đạo của Mỹ trong quan hệ quốc tế. Do vậy, "Ngoại giao tam giác" nhằm phát triển quan hệ và lợi ích giữa Oa-sinh-tơn với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đã trở thành cốt lõi của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ thời Ních-xơn và G.Pho.

Nội dung các cuộc nói chuyện đề cập trong cuốn sách này cho thấy Kít-sinh-gơ đã cố gắng như thế nào trong việc thực thi chính sách này, ít có một nhà ngoại giao nào lại nổi danh thế giới nhưng cũng lắm điều bê bối như Kít-sinh-gơ. Khi là trợ lý đặc biệt về An ninh quốc gia của Ních-xơn, Kít-sinh-gơ là nhân vật thường xuất hiện trên tờ "Thời đại" và tờ "Tuần tin tức". Trong một số buổi dạ hội, Kít-sinh-gơ hay xuất hiện bên cạnh minh tinh màn bạc. Với biệt tài: Biết cách lấy lòng người, ông ta đã giành được sự quan tâm và ủng hộ của giới truyền thông, bằng cách tiết lộ cho giới báo chí một vài thông tin hoặc chỉ thị có chọn lọc với danh nghĩa "quan chức cao cấp của Chính phủ”.

Kít-sinh-gơ nhận thấy mình nổi tiếng khắp nơi, rất có lợi cho việc củng cố uy tín của mình. Thích thú với việc nình trở thành trung tâm của công luận, nhưng Kít-sinh-gơ không muốn trở thành đối tượng bị bình luận phê phán về công việc của người xây dựng chính sách và Cố vấn Tổng thống. Cho đến nay rất ít người biết được quan điểm cá nhân của Kít-sinh-gơ đối với những quyết sách và các cuộc đàm phán, trong đó Chính phủ Mỹ và Kít-sinh-gơ đóng vai trò quan trọng, cũng như mối liên hệ giữa ông ta với lãnh đạo các nước. Kít-sinh-gơ muốn như vậy?

Giữ bí mật nghiêm ngặt là một trong những thủ đoạn quan trọng của Kít-sinh-gơ để kiểm soát chính sách và sách lược ngoại giao. Giữ bí mật quốc gia là truyền thống của chính quyền Oa-sinh-tơn từ sau thế chiến thứ hai đến nay, đã được Kít-sinh-gơ phát huy đến mức tối đa. Các văn kiện cơ mật không kể đó là loại thông tin "kênh ngầm" hay biên bản của Tổng thống hội đàm với lãnh đạo nước ngoài, Kít-sinh-gơ đều kiểm soát chặt chẽ từ khâu lưu trữ đến bảo quản. Ông ta tin rằng, kiểm soát chặt chẽ những thông tin then chốt và nhạy cảm là rất cần thiết để góp phần làm cho sách lược ngoại giao giành thắng lợi bất ngờ, đồng thời còn làm cho đối thủ đàm phán không nhận ra được những bản tuyên bố mang tính bịp bợm, đảm bảo cho Nhà Trắng kiểm soát được chính sách và giành thắng lợi trong ngoại giao. Kít-sinh-gơ hay nổi cáu khi bất kỳ bí mật nào của Chính phủ bị lộ cho báo chí. Để tìm ra và trừng phạt kẻ để lộ bí mật, ông ta không ngần ngại lén nghe điện thoại của quan chức cấp dưới với phóng viên báo chí.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:29:25 pm »

Trong thực tế, để giảm tối đa sự rò rỉ bí mật và đảm bảo sự kiểm soát của Nhà Trắng về chính sách, các viên chức của Kít-sinh-gơ phải định kỳ chuẩn bị trước những biên bản hội đàm chính thức đã được xử lý để phát cho các cơ quan hữu quan. Trước khi trở thành Ngoại trưởng, Kít-sinh-gơ cấm không cho các chuyên gia Bộ Ngoại giao biết tiếng Trung và tiếng Nga tham dự các cuộc Hội nghị cấp cao giữa Mỹ với Trung Quốc và Liên Xô.

Vì vậy, đầu những năm 1970, trong các cuộc gặp giữa Ních-xơn và Kít-sinh-gơ với Mao Trạch Đông và Brê-giơ-nhép đều không thể không sử dụng phiên dịch Trung Quốc hoặc Liên Xô, và không thể kiểm tra được mức độ dịch chính xác trong các tuyên bố chính trị của Chính phủ Mỹ nên cả hai bên đều không hiểu mình đã rõ sự khác biệt các chi tiết hay chưa? Rõ ràng, Kít-sinh-gơ đành chấp nhận sự khó khăn và bất tiện đó để không cho đối thủ chính trị nắm được bí mật của cuộc hội đàm.

Trong 6 năm làm việc ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, Kít-sinh-gơ đã rất thành công trong việc giữ bí mật quốc gia. Nhưng văn kiện về cuộc khủng hoảng Nam Á bị tiết lộ và sự kiện bê bối về việc ông ta nghe trộm điện thoại của trợ lý Hội đồng An ninh quốc gia bị phanh phui lại là một ngoại lệ lớn

Sau khi G.Pho thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, Kít-sinh-gơ quyết định siết chặt kiểm soát các văn kiện, nhằm bảo vệ cho tiếng tăm khi phải rời khỏi Chính phủ này. Vì vậy, tháng 1/1977 rời khỏi Bộ Ngoại giao, ông ta đã chuyển phần văn kiện trong khối lượng lớn văn kiện lưu giữ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sang Thư viện Quốc hội. Với hành động trên, Kít-sinh-gơ có thể tiếp tục sử dụng văn kiện đó để viết hồi ký. Nhưng cho đến nay công chúng vẫn chưa được tiếp cận hết với loại văn kiện trên.

Tuy trong thời gian tại chức, Kít-sinh-gơ thường xuyên tranh cãi với Quốc hội, nhưng Luật Tự do thông tin (FOIA) đã bảo vệ ông về mặt hiến pháp sau khi ông ta từ chức, bởi ông ta biết cách lách qua kẽ hở của pháp luật. Luật FOIA nhằm bảo vệ các văn kiện cơ quan Nhà nước, còn Kít-sinh-gơ lại quyết định lưu giữ văn kiện của mình ở Thư viện Quốc hội. Do vậy một số lượng lớn văn kiện bí mật, bao gồm biên bản quan trọng trao đổi bằng điện thoại trong thời gian Kít-sinh-gơ làm Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Nhà Trắng đều nằm trong tay ông ta, đồng thời tách biệt với những nhà nghiên cứu lịch sử, phóng viên và đông đảo công chúng muốn tìm hiểu, khám phá.

Dù rằng, các biên bản của Chính phủ phản ánh chính sách ngoại giao toàn diện nhất của Ních-xơn và G.Pho nằm trong tay cá nhân Kít-sinh-gơ, đã dựng nên bức tường ngăn cách đối với những người nghiên cứu, nhưng quan chức của Chính phủ và Cục lưu trữ hồ sơ vẫn nắm được một số tư liệu gốc của Kít-sinh-gơ có liên quan tới chính sách ngoại giao của Ních-xơn và G.Pho.

Ví dụ: Cục lưu trữ hồ sơ có lưu giữ văn kiện về An ninh quốc gia của chính quyền Ních-xơn, trong đó có cả văn kiện làm việc của Kít-sinh-gơ. Rõ ràng, những văn kiện đó chính là bản sao một phần văn kiện của Kít-sinh-gơ lưu trữ trong thư viện Quốc hội. Hiện nay, Cục lưu trữ hồ sơ đang lần giở lại từng trang văn kiện của Ních-xơn về An ninh quốc gia.

Cuối cùng, cùng với việc hàng loạt bí mật được công khai, tất cả biên bản có liên quan sẽ được công bố, bao gồm tóm tắt báo cáo hàng ngày của Kít-sinh-gơ với Ních-xơn, biên bản hội đàm của Kít-sinh-gơ, Ních-xơn với lãnh đạo cấp cao các nước, cùng những tư liệu "kênh ngầm" của họ. Những trợ lý thân cận của Kít-sinh-gơ hồi đó cũng có trong tay biên bản Hội đàm của Kít-sinh-gơ với lãnh đạo cấp cao các nước, là những văn kiện tương tự mà Cục lưu trữ hồ sơ Quốc gia và Bộ Ngoại giao chuẩn bị đưa ra công khai, như vậy có khả năng một số văn kiện quan trọng sớm được công bố.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:30:07 pm »

Uyn-tơn Lốt là một trong những trợ lý của Kít-sinh-gơ làm Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc trong thời kỳ Tổng thống Bút-sơ cầm quyền, là trợ lý về công việc Đông Á và Thái Bình dương thời kỳ Kít-sinh-gơ làm Ngoại trưởng. Làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách ngoại giao từ năm 1960, đến năm 1969 Lốt ở tuổi 32, đã tham gia Hội đồng An ninh của Kít-sinh-gơ, đã trở thành trợ lý đặc biệt và cánh tay đắc lực của-Kít-sinh-gơ trong chính sách đối với Trung Quốc.

Trong các Hội nghị Trung-Mỹ, Lốt làm nhiệm vụ ghi biên bản, viết thông tin “kênh ngầm", tuyển chọn loại rượu ngon và ánh sáng phù hợp cho các cuộc họp ban đêm có bửa ăn. Lốt cũng biết Kít-sinh-gơ, và đồng tình với việc CIA nghe trộm điện thoại của mình để tìm ra thủ phạm tiết lộ bí mật về vụ đánh bom ở Cam-pu-chia hồi 1969, nên Lốt vẫn quyết định ở lại cơ quan ngoại giao cấp cao này.

Tháng 9 năm 1973, Kít-sinh-gơ nhậm chức Ngoại trưởng, và đã bổ nhiệm Lốt phụ trách nhóm kế hoạch ngoại giao (PPS), Lốt đã phát huy được vai trò trụ cột trong chính sách đối với Trung Quốc. Lốt đã thu thập được nhiều văn kiện có tính nhạy cảm cao và những văn kiện này, cho thấy hàng loạt đối sách của Kít-sinh-gơ trong quan hệ với Trung Quốc ở những năm 70.

Trong điều kiện pháp luật cho phép công khai những văn kiện quá khứ, Bộ Ngoại giao đã mở văn kiện PPS của Lốt lưu giữ tại Cục lưu trữ hồ sơ, có tất cả biên bản trao đổi của Kít-sinh-gơ đó là nguồn tư liệu quan trọng nhất cho cuốn sách này. Theo quy định của Luật tự do thông tin (FOIA) Bộ Ngoại giao còn cho những bí mật trong các biên bản Hội đàm khác của Kít-sinh-gơ, do các cộng sự khác của Kít-sinh-gơ và các ngành khác lưu giữ.

Biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép và Ngoại trưởng Grô-mư-cô. Từ năm 1972-1973 thời kỳ quan hệ Mỹ-Xô dịu đi và đến đỉnh cao, các hồ sơ được niêm phong kỹ. Nhưng từ năm 1974 đến 1976, quan hệ Mỹ-Xô trở nên căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho công bố các biên bản hội đàm trong thời gian đó. Biên bản đã ghi lại tỉ mỉ cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với phía Liên Xô, bao gồm cuộc đối thoại về hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II (SALT II) và Hội nghị An ninh và hợp tác khu vực châu Âu, về hợp tác kinh tế và tình hình Ăng-gô-la.

Nói tóm lại, biên bản văn kiện của Lốt lưu giữ trong Cục lưu trữ hồ sơ Quốc gia và biên bản có liên quan do Bộ Ngoại giao công bố đã cung cấp những chứng cớ xác đáng về nỗ lực cua Kít-sinh-gơ, nhằm đẩy mạnh nền ngoại giao "tam giác".

Điểm làm cho người ta chú ý nhất là biên bản đã cung cấp những chi tiết rất cụ thể mà trước Kít-sinh-gơ, đều không có quy định cụ thể về yêu cầu đối với biên bản Hội nghị cấp cao của Chính phủ.

Biên bản Hội nghị nói chung là tỉ mỉ, nhưng Hội nghị cấp Tổng thống không cần thiết phải ghi chép từng chữ. Kít-sinh-gơ rất không hài lòng về cách ghi biên bản như vậy, ông ta dứt khoát cho rằng, biên bản phải ghi thật tỉ mỉ, không bỏ sót chi tiết khác biệt nhỏ nhất (cho dù lúc đó không có phiên dịch Mỹ). Biên bản như vậy phục vụ cho sự quyết sách chính trị hiện đại và việc viết hồi ký sau này. Vì vậy Kít-sinh-gơ đã chỉ thị cho các trợ lý trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) là Uyn-tơn Lốt, Pi-tơ Rô-đơmen v v . phải làm bút ký Hội nghị và biên bản Hội nghị thật tường tận, ghi lại từng sự kiện trong Hội nghị không chỉ có nội dung cuộc nói chuyện, mà cả không khí và động thái trong Hội nghị lúc đó.

Ví dụ như thói quen của Brê-giơ-nhép hay đi đi lại lại trong phòng họp, hay động tác quen thuộc cầm ống nhổ của Đặng Tiểu Bình. Những biên bản tường tận, tỉ mỉ như vậy đã phản ánh cá tính đặc biệt của Kít-sinh-gơ là uyên bác, tự phụ, suy nghĩ chu đáo nhưng rất nhạy cảm, hay tâng bốc kèm theo bịp bợm, hóm hỉnh nhưng có thói giễu cợt người vắng mặt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:30:43 pm »

Điều quan trọng hơn, những biên bản đó đã tạo ra cho ta một căn cứ khách quan và độc lập hơn để đánh giá Kít-sinh-gơ, một nhà ngoại giao, một nhà xây dựng chính sách, do đó cho phép ta có thể không chỉ dựa vào hồi ký của ông ta về chính quyền Ních-xơn, trong cuốn sách "Những năm tháng ở Nhà Trắng" và "Nhữĩng năm rối ren" để đánh giá ông ta.

Về nhiều mặt, nội dung được "giải mã" chứng thực các biên bản được đề cập trong hồi ký của ông ta về cuộc hội đàm với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai vào năm 1972 và 1973, đồng thời cũng chứng tỏ cuốn hồi ký Kít-sinh-gơ chỉ đề cập một phần nội dung về nền "ngoại giao tam giác", điều đó khiến ta cần khám phá tìm hiểu phần nội dung mà ông ta đã ém đi.

Điều quan trọng hơn, biên bản đã ghi lại những cố gắng, thậm chí đôi khi có phần mạo hiểm của Kít-sinh-gơ mưu đồ thỏa thuận với Bắc Kinh về một "liên minh" chiến lược ngầm, trong đó có việc không thuyết phục được Trung Quốc đồng ý lập đường dây điện thoại nóng trực tiếp giữa cấp cao Trung-Mỹ.

Ngoài ra, những biên bản đó còn giúp ta hiểu thêm vai trò của Kít-sinh-gơ trong chính quyền G.Pho. Trong hồi ký, Kít-sinh-gơ không đề cập tới điều này. Biên bản hội đàm Kít-sinh-gơ với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông, Brê-giơ-nhép và Grô-mư-cô (từ năm 1974-1976), có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển mang tính mấu chốt của những năm đó.

Để hệ thống lại và biên soạn các biên bản, trong phần mở đầu giới thiệu nội dung, cuốn sách này đã khái quát quan điểm của Kít-sinh-gơ về tình hình thế giới trước khi thành lập chính quyền Ních-xơn, sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Kít-sinh-gơ và Ních-xơn và những cố gắng chung của họ trong việc phát triển mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vốn là kẻ thù, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tuy họ có chung lợi ích với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va trên vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và xung đột quan trọng.

Đối với Ních-xơn và Kít-sinh-gơ, quan hệ Mỹ-Xô hòa dịu và xây dựng "quan hệ liên minh" bao gồm việc hạn chế vũ khí và hợp tác kinh tế, đã tạo ra một phương thức có hiệu quả khiến Mỹ khống chế được Liên Xô, tránh được nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong tương lai, thậm chí xây dựng quan hệ mới với Trung Quốc, cũng nằm trong chiến lược khống chế đó.

Do hai nước Trung Quốc-Liên Xô mâu thuẫn nhau, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cho rằng, chấm dứt mối quan hệ đối địch với Trung Quốc có lợi cho việc Mỹ đứng trên Liên Xô và tăng cường được toàn bộ sức mạnh của Mỹ.

Sau phần giới thiệu, sách chia làm 9 chương, đăng lại biên bản Hội đàm cấp cao Trung-Xô từ năm 1975 đến 1976 và nội dung thảo luận của cấp dưới Kít-sinh-gơ về chính sách đối với Liên Xô. Mỗi chương bao gồm phần tư liệu văn bản, để biên bản văn kiện được biên soạn theo tuần tự lịch sử và có hệ thống. Mỗi biên bản đều ghi chú xuất xứ của các nguồn tư liệu.

Nói tóm lại, cuốn sách đã tái hiện hầu như toàn bộ biên bản, trong đó có biên bản quan trọng, như cuộc nói chuyện giữa Ních-xơn và Kít-sinh-gơ với Mao Trạch Đông, được ghi lại toàn văn. Nhưng có một số biên bản dài lê thê nên đã cắt bớt và tóm tắt lại đúng sự thật, để dành chỗ cho tài liệu tiêu biểu nhất và để tránh cho những biên bản về hạn chế vũ khí và các loại đàm phán khác trở nên rối rắm, phức tạp, nhằm cố gắng tái hiện toàn diện vai trò của Kít-sinh-gơ trong xây dựng mối quan hệ đông-tây.

Đối với văn kiện đặc biệt quan trọng có kèm theo trích dẫn. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả không chỉ cần tóm tắt hoặc trích dẫn, Cục lưu trữ hồ sơ An ninh quốc gia đã đăng toàn văn những biên bản lên mạng Internet, phần văn bản thể hiện trong sách hoặc văn bản chưa tiến hành ghi âm do nhiều nguyên nhân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:31:26 pm »

Chương một trong sách, khái quát quá trình đẩy nhanh việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc-Mỹ và hoà hoãn giữa hai nước Mỹ-Xô. Bản tóm tắt hội đàm giữa Ních-xơn với Tổng thống Pháp G.Pom-pi-đu cho thấy động cơ của Nhà Trắng tích cực xích lại gần Bắc Kinh và Mát-xcơ-va nhằm vào ý nghĩa chiến lược và lợi ích chính trị rộng lớn.

Biên bản "kênh ngầm" về cuộc hội đàm Kít-sinh-gơ và Đu-brô-min cho thấy mối lo ngại của Mát-xcơ-va về chính sách mới của Mỹ đối với Trung Quốc. Biên bản của cuộc hội đàm nổi tiếng giữa Ních-xơn với Mao Trạch Đông tháng 2/1972 và cuộc tiếp xúc bí mật giữa Kít-sinh-gơ với quan chức ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự "lo ngại sâu sắc" của Liên Xô đã ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đến mức nào.

Sau Hội nghị cấp cao tháng 5/1972, quan hệ Mỹ-Xô hòa dịu và xuất hiện xu thế kiên định tiến tới. Nhưng văn kiện được giải mã lại chứng tỏ, Kít-sinh-gơ đã cảnh cáo Trung Quốc về khả năng xâm lược của Liên Xô vào giữa những năm 70. Năm 1973, mối quan hệ giữa Kít-sinh-gơ với nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến mức "nóng ran". Tháng 2 và tháng 11, ông ta đã hai lần gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, tiến hành nhiều cuộc mật đàm với quan chức ngoại giao Trung Quốc.

Chương hai, ba, bốn của cuốn sách ghi chép lại việc Kít-sinh-gơ nhiều lần đến Bắc Kinh, liên tục cố gắng làm cho Bắc Kinh hiểu tình hình và sự tiến triển của đàm phán Mỹ-Xô, thậm chí cả tình hình chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh tháng 10 ở Trung Đông. Những biên bản có liên quan sau năm 1973 cho thấy những nhân tố gây căng thẳng và bất đồng trong quan hệ Trung-Mỹ. Kít-sinh-gơ hiểu rằng khó mà làm cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tin rằng Mỹ-Xô hoà hoãn không có nghĩa bất lợi cho Trung Quốc và cố gắng của ông ta muốn Trung Quốc tham dự vào chấm dứt cuộc chiến ở Căm-pu-chia đã thất bại do cả hai bên đều không tin tưởng nhau.

Cho dù trong thời kỳ khó khăn, nhưng sự ghi chép về thay đổi quan hệ Mỹ-Trung cho thấy mối quan hệ "liên lạc” đã được chính thức thiết lập giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Kít-sinh-gơ cũng đang nỗ lực đẩy tới mối quan hệ "ngầm" giữa Mỹ, Liên Xô.

Năm 1973, quan hệ Mỹ-Xô đạt tới đỉnh cao, nhưng biên bản về "khả năng Liên Xô đưa quân vào Trung Quốc và Trung Quốc sẵn sàng ứng chiến những chỉ trích chống Trung Quốc của Brê-giơ-nhép, khiến mối lo của Kít-sinh-gơ ngày càng tăng vào cuối năm 1973. Mặc dù Mát-xcơ-va phản đối kịch liệt và cảnh cáo về hợp tác quân sự Trung-Mỹ, Kít-sinh-gơ vẫn đưa ra đề nghị với Chu Ân Lai về lập đường dây điện thoại "nóng" giữa cấp tối cao Mỹ-Trung, nhằm thông báo kịp thời khả năng Liên Xô phát động cuộc tấn công chống Trung Quốc. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không trả lời. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực tình báo vào thời kỳ này đã thật sự tiến triển.

Kít-sinh-gơ trợ giúp Trung Quốc không có nghĩa là từ bỏ hòa hoãn với Liên Xô. Chương năm cuốn sách thuật lại cuộc đàm phán giữa Kít-sinh-gơ và Brê-giơ-nhép tháng 3/1974, nhằm đạt được thỏa thuận về Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II (SALT II) (Đó là sự chuẩn bị cuối cùng cho đỉnh cao quan hệ Mỹ-Xô thời kỳ chính quyền Ních-xơn) thảo luận về hợp tác kinh tế giữa hai bên, và bắt đầu trở lại tiến trình Hội nghị An ninh và hợp tác khu vực châu Âu (CSCE) chưa được giải quyết.

Nhưng các cuộc thảo luận cho thấy, Mỹ-Xô hoà hoãn lại nảy sinh vấn đề mới, ngoài nguyên nhân chính quyền Ních-xơn sắp ra đi, chỉ riêng vấn đề phương tiện bay mang nhiều đầu đạn, chia nhiều hướng (MIRV) đã khiến cho tiến trình CSCE vấp phải nhiều trở ngại (Liên Xô bác bỏ đề nghị của Kít-sinh-gơ về hạn chế đầu đạn ngư lôi), rồi Kít-sinh-gơ thành công trong việc gạt Liên Xô ra ngoài tiến trình hoà bình ở Trung Đông khiến Brê-giơ-nhép vô cùng bực tức.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:32:46 pm »

Ngoài ra, Hăng-ri Giắc-xơn lại phát động cuộc chiến du kích chống lại Mỹ-Xô hòa hoãn và đòi Liên Xô phải thay đổi chính sách dân cư trước khi đưa ra đòi hỏi đảm bảo quyền lợi kinh tế của họ tại Quốc hội. Tuy Kít-sinh-gơ và Brê-giê-nhép đều không đưa vấn đề nhân quyền vào tiến trình hoà hoãn, nhưng họ vẫn có thái độ tích cực trong giải quyết vấn đề này.

Trên một mức độ nào đó, sự căng thẳng xuất hiện trong quan hệ Mỹ-Xô đã cân bằng quan hệ Trung-Mỹ. Chương sáu ghi lại những cố gắng tăng cường ngoại giao Trung-Mỹ của Kit-sinh-gơ trong tình hình khó khăn hơn sau khi Ních-xơn từ chức. Tổng thống mới lên cầm quyền, ảnh hưởng của Chu Ân Lai giảm dần, vai trò của Đặng Tiểu Bình nổi lên và trở thành người đối thoại chủ yếu trong quan hệ Trung-Mỹ.

Mặc dù Đặng Tiểu Bình, một con người khắt khe, cho rằng, về cơ bản, quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp, nhưng biên bản cho thấy vấn đề Đài Loan và sự ác cảm của Trung Quốc trước việc Mỹ-Xô hoà hoãn, khiến quan hệ Trung-Mỹ đã "nguội lạnh" đi trong năm 1974. Không chỉ có những biện pháp của Kít-sinh-gơ và Bộ Ngoại giao trong vấn đề Đài Loan làm cho Bắc Kinh nổi giận, ngay cả việc Kít-sinh-gơ thăm dò việc thừa nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, cho thấy chính sách cứng rắn của Bắc Kinh quyết không chấp nhận Mỹ bảo hộ Đài Loan, còn việc bảo hộ Đài Loan lại chính là một chính sách cơ bản quan trọng đã định sẵn của Mỹ.

Nếu như trước đây Kít-sinh-gơ cảnh báo phía Trung Quốc về sự đe doạ của Liên Xô thì nay Đặng Tiểu Bình lại cảnh báo lại phía Mỹ rằng: Sự uy hiếp của Liên Xô đối với phương Tây lớn hơn. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/1974, Mao Trạch Đông đã từ chối gặp Kít-sinh-gơ, điều đó chứng tỏ quan hệ Trung-Mỹ ở vào thời kỳ dẫm chân tại chỗ.

Chương bảy cuốn sách miêu tả bức tranh phức tạp về quan hệ Mỹ-Xô. Cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với Brê-giơ-nhép tháng 10/1974 tại Mát-xcơ-va, đã tạo cơ sở để đi đến thỏa thuận về Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược chính, và được G.Pho và Brê-giê-nhép nhất trí tại Vla-đi-vô-stốc mấy tuần sau đó.

Nhưng bất đồng về vấn đề vai trò của "máy bay ném bom Bach-cơ-phai" của Liên Xô và tên lửa Cơ-lui-sơ của Mỹ, đã khiến hai bên không đạt được một Hiệp định. Một vấn đề đau đầu khác là vấn đề hòa hoãn về kinh tế; Biên bản cho thấy Brê-giơ-nhép có thái độ chế nhạo Hăng-ri Giắc-xơn, còn Kít-sinh-gơ thì đảm bảo rằng, ông ta có thể làm át đi sự chỉ trích của thượng viện đối vấn đề này.

Nhưng Kít-sinh-gơ vẫn không sao tác động nổi sự hạn chế của Quốc hội về hợp tác kinh tế, bởi ông ta thiếu sự quan tâm đối với những chi tiết hợp tác, cũng có thể bởi thái độ mập mờ của ông ta trong việc tin vào Liên Xô.

Hiệp ước An ninh và hợp tác khu vực châu Âu đạt được tại Hen-xin-ki tháng 7 năm 1975 chứng tỏ hoà hoãn Mỹ-Xô lại đi đến một điểm cao mới. Nhưng biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Grô-mư-cô diễn ra trước Hội nghị trong tháng đó cho thấy, Liên Xô lo ngại sâu sắc về chính sách hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, Học thuyết của Kít-sinh-gơ về mở ra "cạnh tranh" trong thế giới thứ ba cũng dự báo trước những điều phiền phức sẽ xảy ra trong tương lai.

Chương tám của cuốn sách ghi lại thất bại của Kít-sinh-gơ năm 1975 và 1976 trong việc thay đổi tình trạng ngày càng bế tắc của quan hệ Trung-Mỹ. Tuy năm 1976, Ních-xơn đưa ra những cam kết ngoại giao về vấn đề Đài Loan với Trung Quốc nhưng kế hoạch tranh cử của Tổng thống G.Pho khiến cam kết đó khó bề thực hiện, bởi dù sao G.Pho hay Ních-xơn đều không muốn bị phái hữu trong Đảng Cộng hòa công kích vì vấn đề Đài Loan.

Trong thực tế Kít-sinh-gơ tiếp tục được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, nhưng vì triển vọng tranh cử của mình. G.Pho đã không để Kít-sinh-gơ giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 09:32:55 pm »

Việc Mỹ kéo dài vấn đề Đài Loan rõ ràng đã chọc tức Bắc Kinh và khiến nỗ lực của Kít-sinh-gơ nhằm cải thiện quan hệ Trung-Mỹ trong điều kiện không có cam kết ngoại giao đã thất bại. Tuy nhiên Kít-sinh-gơ tin rằng, Bắc Kinh vẫn cần đến Oa-sinh-tơn để làm lực lượng đối trọng với Liên Xó, nhưng điều Bắc Kinh mong muốn là giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va nảy sinh mâu thuẫn.

Đặng Tiểu Bình công kích Mỹ-Xô hòa hoãn, cuộc hội đàm gian nan giữa Kít-sinh-gơ Mao Trạch Đông, còn những cử chỉ của Trung Quốc bị Kít-sinh-gơ coi là "thô lỗ”, tất cả đều làm cho vấn đề quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng. Chuyến thăm của Tổng thống G.Pho tới Trung Quốc đánh dấu sự cải thiện tạm thời của quan hệ hai nước. Trung Quốc cũng đã mua máy tính của Mỹ để dùng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan vẫn làm nhức nhối Trung Quốc.

Tháng 1/1976 và sau đó là tháng 9/1976 Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông lần lượt qua đời, cuộc đấu tranh chính trị diễn ra ở Trung Quốc đã khiến Kít-sinh-gơ và Cố vấn của ông ta nghi ngờ về quan hệ bang giao Trung-Mỹ trong tương lai. 

Quan hệ Trung-Mỹ dẫm chân tại chỗ, quan hệ Mỹ-Xô cùng bắt đầu xuống dốc từ năm 1976.

Chương chín của cuốn sách ghi lại biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Brê-giơ-nhép và Grô-mư-cô trong chuyến thăm Liên Xô cho thấy: Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược là vấn đề đàm phán quan trọng giữa hai nước. Cả hai bên đều có những nỗ lực sáng suốt và có khả năng thực hiện một sự “đột phá" nhằm giảm thiểu khoảng cách giữa hai nước. Nhưng do lo ngại bị tấn công chính trị trong cuộc tranh cử, nên G.Pho quyết định tạm thời rời bỏ tiến trình đó. Vì vậy, các cuộc đàm phán sau đó đều trong trạng thái không tiến triển.

Tuy nhiên, bóng ma nội chiến ở Ăng-gô-la đã phủ đám mây đen lên Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô. Kít-sinh-gơ đã dùng khái niệm chính trị địa lý quen thuộc để giải thích cuộc chiến nhưng lại bỏ qua tính chất nội tại của nó, cho rằng hành động của Liên Xô trong cuộc chiến này dẫn tới việc Mỹ mất lòng tin ở Liên Xô, đã vượt khỏi phạm vi cho phép của hòa hoãn Mỹ-Xô.

Kít-sinh-gơ tỏ ra không quan tâm đến sự phản đối của Brê-giơ-nhép và trên thực tế Brê-giơ-nhép đã từ chối trao đổi vấn đề Ăng-gô-la. Để cảnh cáo Liên Xô và cũng là để phản kích cuộc tấn công của Rô-nan Ri-gân, ứng cử viên Đảng Cộng hòa được xem như có triển vọng nhất, Kít-sinh-gơ đã lớn tiếng ủng hộ đường lối cứng rắn chống Liên Xô, khiến cho bức tranh Mỹ-Xô hòa hoãn mờ nhạt khó lường.
Vô số chi tiết của biên bản hội đàm đã tái hiện rõ rệt quan hệ ngoại giao của Mỹ trong một thời kỳ lịch sử quan trọng.

Tuy rằng biên bản hội đàm không nói rõ động cơ sâu xa và quá trình đi đến quyết sách của người tham dự, bởi còn cần có nhiều văn kiện hồ sơ của Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ để cùng làm sáng tỏ vấn đề nhưng các biên bản này chí ít cũng đã cung cấp căn cứ ban đầu để tìm hiểu chính sách ngoại giao thời kỳ Ních-xơn và G.Pho, nhất là sự chèo lái của Kít-sinh-gơ đối với nền ngoại giao của Mỹ.

Có thể một số độc giả sẽ thấy những biên bản này đã chứng minh những nhận xét của mình đối với Kít-sinh-gơ, một nhà ngoại giao khôn ngoan biết cách chế ngự sự cân bằng lực lượng trong đối trọng quốc tế. Một số độc giả khác có thể đi xa hơn trong suy nghĩ, cho rằng Kít-sinh-gơ chỉ là một nhân vật quá độ của thời kỳ đầu đế quốc, mà Mỹ đang tiến tới nhưng không còn là trung tâm của thế giới nữa. Cũng có độc giả sẽ cho rằng, Kít-sinh-gơ không phải là nhà ngoại giao, mà chỉ là kẻ tâng bốc nịnh hót, không làm nên trò trống, nhưng rất ham quyền lực, lạm dụng nhân quyền, gây tội ác trong cuộc chiến ở Đông Dương. Nhưng lại có người cho rằng, Kít-sinh-gơ là kẻ nhân nhượng vô nguyên tắc trong một chính quyền đầy quyền lực.

Dù sao chăng nữa, đọc xong cuốn sách này, những người phê phán cũng sẽ có chút khoan dung, những kẻ ham tâng bốc sẽ khắt khe hơn trong đánh giá. Cho dù, mọi người nhìn nhận Kít-sinh-gơ như thế nào chăng nữa, ngày càng có nhiều biên bản quan trọng được công khai sẽ giúp chúng ta đánh giá khách quan và công bằng hơn về vai trò Kít-sinh-gơ, một nhân vật quan trọng trong nền chính trị thế giới.
NHÓM BIÊN DỊCH

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 05:49:48 pm »

THẾ LỰC CỦA HĂNG-RI KÍT-SINH-GƠ VÀ MỸ TRONG THẾ GIỚI ĐA CỰC

Để hoàn chỉnh biên bản các cuộc hội đàm giữa Hăng-ri Kít-sinh-gơ với nhà lãnh đạo Trung Quốc , Liên Xô được giải mã, chúng ta cần tính toán đến các giả thiết mà ông ta đặt ra trong hội đàm, tính đến việc ông ta hành động theo suy nghĩ của mình trong quan hệ với Ních-xơn, tính đến chính sách mới đối với Trung Quốc và Liên Xô, mà Ních-xơn, Kít-sinh-gơ đứng ở vị trí trung tâm của nền chính trị thế giới.

Tuy rằng chỉ với biên bản lưu giữ đã được giải mã thì không đáng kể, nhưng nếu đem kết hợp những văn bản đó với một số ấn phẩm quan trọng, chúng ta có thể nhận ra ngay vai trò của Ních-xơn và Kít-sinh-gơ trong việc đẩy cuộc chiến tranh lạnh tiến đến một chỗ đứng mới, bằng cách điều tiết với hai cường quốc cộng sản. Tuy chính sách đó là mới, nhưng mục đích mà Ních-xơn và Kít-sinh-gơ muốn đạt được thông qua việc kiểm soát quan hệ quốc tế lại rất truyền thống, đó là giữ vững vị trí trung tâm của thế lực Mỹ trong nền chính trị thế giới, và ngăn cản tất cả những hình thái chính trị thù địch từ bên ngoài, tiềm ẩn và có thể, có cả sự "cô lập" nước Mỹ.

Ở vào thời kỳ đầu năm 1964, Kít-sinh-gơ bước vào Nhà Trắng của Mỹ và trở thành trợ lý Tổng thống, phụ trách về công việc An ninh quốc tế. Lúc đó cuộc chiến tranh ở Việt Nam gây ra nhiều vấn đề phiền toái và ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Kít-sinh-gơ lo rằng Mỹ sẽ mất đi vai trò điều khiển thế giới, nếu cứ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa bá quyền, và ông ta đã nhận ra một tình thế mới, như một châu Âu độc lập hơn, sự trỗi dậy của thế giới thứ ba, sức mạnh hạt nhân của Mỹ-Xô tương đương như nhau; sức mạnh quân sự với vũ khí hạt nhân chưa đủ để Mỹ làm lệch cán cân.

Và 5 năm sau đó, khi được đề bạt làm Ngoại trưởng, ông phát hiện thấy tình hình quốc tế khiến người ta vô cùng hài lòng, cho rằng, Mỹ, một nước không được hoan nghênh trong liên minh quân sự, có thể khiến Mỹ tồn tại đồng thời trong "một thế giới khác nhau mà ở đó chúng ta cần phải ở lại". Kít-sinh-gơ tin rằng: liên minh hiện nay đều có lợi. "Tôi cho rằng, nếu cục diện thế giới như hiện nay được tiếp tục duy trì điều đó tuyệt đối có lợi cho chúng ta".

So với tình hình có nhiều thay đổi của năm 1969, tại sao Kít-sinh-gơ lại cho rằng tình hình thế giới tháng 11/1973 là thời kỳ tốt nhất trong tất cả thời kỳ. Kít-sinh-gơ đã sử dụng chủ nghĩa thực dụng kinh điển, sức mạnh quân sự và tài nguyên công nghiệp, để định nghĩa về quốc gia và tính toán công việc quốc tế, ông ta coi Mỹ, Liên Xô, Tây Âu, Trung Quốc và Nhật là trung tâm của cơ cấu quan hệ quốc tế thời đại hiện nay.

Năm 1973, Kít-sinh-gơ nói, quan hệ Mỹ-Xô bắt đầu xuất hiện triển vọng tốt đẹp, được đưa vào chương trình nghị sự, nhưng lại bị ngăn cản bởi sức ép của cuộc chiến tranh tháng 10 ở Trung Đông. Trên thực tế, Mỹ coi diễn biến ở Trung Đông là sự đảm bảo cho Mỹ giữ được vai trò trung tâm của sứ giả hoà bình, từ đó gạt Mát-xcơ-va ra ngoài.

Ngoài ra, sau khi chấm dứt cuộc chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam, Kít-sinh-gơ đã đẩy mạnh luôn việc vun đắp quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mà Mỹ đã đối đầu trong hơn 20 năm, còn quốc gia này lại trở thành kẻ thù trước tiên của Liên Xô. Chỉ cần Mát-xcơ-va và Bắc Kình đối đầu, Kít-sinh-gơ sẽ có thể lợi dụng khả năng có hạn này để tác động vào hai quốc gia đó, Oa-sinh-tơn sẽ giữ vững được ảnh hưởng của mình và có được sự lựa chọn công bằng thông qua sự đối đầu của hai nước này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 05:50:26 pm »

Còn hai lực lượng trung tâm khác là Tây Âu và Nhật Bản. Kít-sinh-gơ cho rằng giữa Tây Âu và Nhật với Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ về chính trị kinh tế, quân sự, bị ràng buộc bởi liên minh chính thức hoặc Hiệp ước An ninh, hơn nửa Nhật và Tây Âu lại nhận được sự hỗ trợ của Mỹ về vũ khí hạt nhân.

Tuy mối quan hệ đó mang tính bắt buộc, nhưng không có nguy cơ đe dọa, chia cắt. Đến nay, cho dù Nhật Bản lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Tây Âu hòa hoãn với Liên Xô, nhưng họ vẫn phải tìm sự đảm bảo An ninh ở Mỹ. Thậm chí Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh quan điểm về mối quan hệ an ninh Mỹ-Nhật, coi đó là sản phẩm chống đối của khuynh hướng quân phiệt thời kỳ đầu trong xã hội Nhật Bản.

Hơn nữa, tình hình Trung Âu tương đối ổn định. Bằng một Hiệp định ký với Liên Xô, Tây Đức đã ổn định được cục diện Béc-lin từng bị đe doạ, và bắt đầu mối quan hệ ngoại giao. Kít-sinh-gơ lo ngại vai trò của Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức Uy liêm Bran trong việc hòa hoãn với Đông Âu và Liên Xô. Nhưng Hiệp ước Đức-Xô không mang tính nguy hại cho thế giới.

Tháng 9/1973, cuộc đảo chính chống Chính phủ San-va-đo A-zen-đê nổ ra ở Chi-lê. Điều đó làm cho Kít-sinh-gơ rất mừng, bởi lực lượng phái cánh tả trong tư thế thách thức đã bị đập tan. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu lửa phát huy vai trò to lớn trên thị trường thế giới, khiến Kít-sinh-gơ mất vui phần nào, dù sao chăng nữa, quan hệ Mỹ-Xô, Trung-Mỹ đang phát triển tốt đẹp, nên Kít-sinh-gơ cũng không lo ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực chính trị và kinh tế sẽ bị các lực lượng trung tâm như Trung-Nhật hoặc châu Âu-Liên Xô, Tây Đức-Liên Xô hoặc Trung-Xô đẩy ra ngoài. Đám mây đen đó từng là cơn ác mộng của người quyết sách Oa-sinh-tơn trong nhiều năm qua.
Cục diện lực lượng thế giới trở nên sáng sủa, bởi mức độ gần gũi của Mỹ với mọi cường quốc trung tâm đã vượt qua mức độ liên hệ vốn có giữa họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, sức mạnh của Mỹ có khả năng "làm lệch cán cân", dù tốt hay xấu, Kít-sinh-gơ đều trở thành một nhân vật trung tâm.

Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Ô-rê-na Fa-ra-xi về sự thành công, Kít-sinh-gơ nói, ông ta luôn luôn phải tác chiến một mình "như con trâu kéo một đoàn xe lửa chở hàng". Tất nhiên, sự thật phức tạp hơn nhiều. Rõ ràng, Kít-sinh-gơ đã đóng vai trò to lớn trong quyết sách, trở thành nguồn tư tưởng chủ yếu trong quyết sách và đã hợp lý hóa quyết sách của Tổng thống.

Tất cả làm việc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, còn Tổng thống đóng vai trò quyết định trong xây dựng sách lược. So với thái độ do dự của Kít-sinh-gơ, Ních-xơn tỏ ra dứt khoát kiên quyết hơn trong việc thi hành chính sách mới đối với Trung Quốc.

Do không đủ chứng cớ trong hồ sơ khiến chúng ta khó mà đánh giá ai đóng vai trò lớn hơn trong mọi quyết sách hàng ngày. Nhưng qua biên bản đã có được, cho thấy, Ních-xơn là người có suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề như cách thức cầm quyền, quan hệ quốc tế và tác động của sức mạnh Mỹ. Là một đầy tớ nhiều mưu mẹo, quyền thế của Kít-sinh-gơ bắt nguồn từ quan hệ với Tổng thống. Nhưng Kít-sinh-gơ cho rằng, quan điểm của Ních-xơn thường có những nhược điểm.

Trong tòa nhà làm việc của Ních-xơn, sau cuộc thảo luận mất nhiều thì giờ, Kít-sinh-gơ khó nhọc lắm mới có thể sàng lọc được một số quan điểm chín chắn từ kế hoạch soạn thảo vội của Ních-xơn. Sau các cuộc làm việc với Ních-xơn, Kít-sinh-gơ hay đưa Ních-xơn ra nói đùa trong Hội đồng An ninh, gọi ông ta là "bộ óc toàn thịt”, "một người bạn đen tối". Một lần, Kít-sinh-gơ đã nói một cách công khai rằng: "Ních-xơn là con người kỳ quặc và không được hoan nghênh".
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM