Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:39:41 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Chỉ có một Nguyễn Sơn - Vị lưỡng tướng quốc  (Đọc 48128 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #60 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:23:27 pm »


76

Hồng Thủy đã chiến đấu anh dũng trong hàng ngũ Hồng quân Trung Hoa được 23 năm. Trận đánh đáng nhớ nhất là trận tấn công Đại Phố Hổ, huyện Mai Lâm và Láng Cương huyện Vĩnh Phong tỉnh Giang Tây. Hồng quân gồm các quân đoàn 2, 4, 12 đã chiến thắng lữ đoàn 51, 52, và sư đoàn 18 của bọn Quốc dân Đảng. Suốt hơn 14 ngày chiến đấu ác liệt ta đã đẩy lui địch nhiều đợt. Chiến thương hai bên nằm xếp từng đống hai bên đường thị trấn. Dân chúng chạy toán loạn. Khi ta tiếp thu thị trấn thì chỉ gặp những nhà hoang tàn, xơ xác, lính địch chết đầy đường.

Trận Mai Lâm, Hồng Thủy đã bị thương ở cánh tay trái. Không có y tá ông phải xé khăn choàng để tự băng bó. Trong những đợt tấn công như vũ bão, tiếng ông la hét khắp nơi động viên các đồng chí. Hình ảnh oai hùng của ông đã làm cho Nguyên soái Nhiếp Vĩnh Trân thích thú và tự hào có một thuộc tướng dũng cảm. Cũng vì vết thương tay giữa mùa đông làm tê buốt ông đã lấy tên con cô Nội là Mai Lâm để kỷ niệm chiến công oanh liệt của ông tiêu diệt lữ đoàn 51 và sư đoàn 18 của địch vào ngày 30/10/1930.

Trận cuối cùng khi địch đem 50 vạn quân bao vây khu Xô Viết chúng chiếm Quảng Xương, Hưng Quốc, Ninh Đô, Thạch Thành. Khu Xô Viết bị thu hẹp, tình thế bắt buộc phải di chuyển từ tháng 7 năm 1934. Đây là cuộc rút lui chiến lược về phương Bắc.

Ông quay lại nói với Hàn: Chú cũng biết tôi, từ cán bộ đại đội lên đến cán bộ sư đoàn phải trải qua biết bao nhiêu chiến trận. Trận cuối cùng chúng đánh Trung đoàn tôi tan nát hết chỉ còn mình tôi lần dò về căn cứ. Tôi thu nhặt thi thể các chiến sĩ hy sinh đem về chôn cất. Tôi đã rơi nước mắt vì thương xót đồng đội đã hy sinh nhiều quá.

Khi qua Trung Quốc lần thứ 3, công việc chính của tôi là dạy các môn lịch sử, quân sự, chính trị... Nổi bật nhất là khi tôi làm trưởng đoàn kịch Công Nông trong gần hai năm. Tôi vừa biên soạn kịch vừa đóng kịch, vở kịch “Ngọn lửa Thượng Hải” đi đến địa phương nào cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Tôi đã đóng vai chính trong vở đó và vô hình tôi thành kịch sĩ chuyên nghiệp.


Lần đầu tiên Mao Trạch Đông và các tướng đã đến rạp xem một số vở kịch. Hồng Thủy rất vừa lòng vì các vở đều có một nội dung có hướng vươn lên. Khi diễn xong vở “Ngọn lửa Thượng Hải”, Mao Chủ tịch đã lên sân khấu bắt tay Hồng Thủy và nói với các khán giả. Các kịch sĩ trong đoàn còn nhớ mãi:

- “Đây là lần đầu trên đất nước Trung Hoa, đã có một đoàn kịch Công Nông ra đời. Tôi rất xúc động trước cảnh một chiến sĩ căm ghét bọn phản động Quốc dân đảng dã man tàn bạo. Hồng Thủy đã lột trần được những tinh hoa của chiến sĩ Hồng quân mà anh lại là người Việt Nam. Tôi thành thực chúc mừng sự thành công của anh và các diễn viên trong đoàn kịch”.

Khắp hội trường nổi lên những tiếng hoan hô ầm ĩ.

Từ đấy các cán bộ cao cấp đều biết Hồng Thủy. Nhờ vậy sau này ông được nâng đỡ, che chở nhiều. Ngoài đoàn kịch Công Nông, tờ “Kháng địch” do ông phụ trách đã đem đến cho toàn quân đội học hỏi thêm và tạo sự vui vẻ trong chiến đấu.

Ngưng một lúc ông nói:

- Tháng 01 năm 1934 tôi là đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ 3. Tôi được bầu là ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Trung Hoa.

Trải qua năm lần bị bọn Tàu Tưởng bao vây để tiêu diệt, tôi cùng Hồng quân vừa chiến đấu vừa rút về Ngũ Đài Sơn vào 28 tháng 8 năm 1937. Sau đó tôi lại được lệnh vượt Hồng Hà đến tỉnh Sơn Tây tổ chức quần chúng đánh du kích, xây dựng căn cứ địa, xây dựng chính quyền1. - Đấy! Hàn thấy rất nhiều khó khăn, gian khổ tôi đã trải qua.

Hồng Thủy im lặng.

Hàn Thủ Văn cũng lặng nghe và biết ông còn nhiều tâm tư muốn giãi bày.

Tất cả những hình ảnh hiện ra tuần tự nhưng lại mờ dần, mờ dần. Đất nước Trung Hoa phía xa kia chăng! Chung quanh ông chẳng còn gì! Hoạ chăng chỉ còn những cánh huân chương lấp lánh trên ngực. Ông từ từ cởi ra hết và đưa cho Hàn giao cho bà Huân. Ông sợ khi về nước, bạn bè sẽ xem ông như kẻ thích phô trương.

Hơi sương chiều lạnh làm ông lại nổi ho từng hồi. Hàn rót nước và đưa cho Nguyễn Sơn uống thuốc. Lúc ấy đám bà Huân đã trở lại xe.
_______________________________________
1. Sơn Tây một tỉnh của nước Trung Hoa rộng gần bằng cả nước Việt Nam. Một địa bàn rất rộng. Vừa xây dựng đoàn thể, quân đội để đánh giặc vừa lập chính quyền các cấp với địa phương độc mã, quả là chiến công phi thường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #61 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:24:31 pm »


77

Hồng Thủy giơ tay ngăn Minh Thi khoan lên xe. Ông nói:

- Bắt đầu từ đây đã tới nước Việt Nam yêu cầu các đồng chí đừng gọi tôi là Hồng Thủy mà gọi tôi là Nguyễn Sơn1.

Tại đất nước Việt Nam, không còn Hồng Thủy nữa mà chỉ còn Nguyễn Sơn một vị tướng của nhân dân.

Tất cả tiếp tục lên xe, sau một giờ đoàn đã về tới Lạng Sơn, Hoàng Minh Thi đưa ông vào phòng khách. Trên bàn đã để đầy hoa quả và nước giải khát. Nguyễn Sơn bảo Hàn Thủ Văn:

- Nói với bà Huân cho các cháu tắm rửa! Đồng chí cũng vậy, bụi đất bám đầy quần áo đấy!

- Thủ trưởng không tắm?

- Tôi sợ lạnh lắm! Mọi người đi hết còn Hoàng Minh Thi lại ngồi với ông, Phương hỏi:

- Thủ trưởng còn nhớ trận đánh nào gây ấn tượng nhiều.

Ông trả lời:

- Trận đánh tại tỉnh Giang Tây kéo dài cả 2 tháng, ta đã tiêu diệt 2 vạn quân địch...

Hoàng Minh Thi muốn nói gọi là có chuyện để ông được vui nhưng lúc ấy khí lạnh của núi rừng ùa vào bao vây ông. Ông ôm ngực ho liên tiếp. Bà Huân và Hàn Thủ Văn đến sau lưng ông. Bà đưa ông viên thuốc và cốc nước để ông uống thêm. Bà nắn 2 vai ông và vuốt lưng cho ông dịu cơn ho.

- Em à! Vừa rồi anh đã nhớ lại những bước chân đầu tiên anh qua Trung Quốc, anh đã hiến dâng trọn vẹn cho cách mạng Trung Quốc. Những huân chương anh đeo hôm nay là có phần góp mồ hôi tim óc của anh mà phần nhiều là của đồng bào, đồng chí đã cùng anh phấn đấu và một số lớn đã gục ngã tại chiến trường. Đối với Trung Quốc anh đã cống hiến quá nhiều so với chiến trường miền Nam anh đã phụ trách do đó tình cảm của anh cũng nghiêng nhiều về nước bạn. Giờ anh vẫn nghe tiếng nói êm ấm của Mao Chủ tịch văng vẳng bên tai, những cái bắt tay nóng hổi của tướng Chu Đức, của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Những hình ảnh thân thương vẫn hiện rõ. Có thể đây là lần cuối cùng hình ảnh hoạt động tại nước bạn không biết còn vương vấn trong anh nữa không!

Lúc ấy bà Huân và các con đã quây quần quanh bàn. Bà đã bóc cam cho các con ăn. Ông nói với bà Huân:

- Hôm nay anh thấy trái cam vàng ối anh lại nhớ trong cuộc Vạn lý Trường chinh khi đi qua thảo nguyên suốt bảy ngày trên đầm lầy hoặc chết khát, có người chết luôn khi hụt chân xuống lầy. Thật là đủ mọi gian lao, vất vả. Nếu được một quả cam như ngày hôm nay, lúc đó chỉ cắn từng tí và còn để giành khi thấy thật khát mới cắn thêm một tý nữa thì sung sướng biết bao. Khổ cực trong đói khát nó là thế đấy!

Ông quay sang Thi nói chậm rãi:

- Giờ đây về Tổ quốc lại quên hết những khó khăn nguy hiểm của những năm qua tại nước bạn. Nguyễn Sơn ngưng một vài phút và nói thêm:

- Cậu Thi thử định nghĩa Tổ quốc là gì nhỉ?

Thi lúng túng: Ông suy nghĩ tổ quốc không chỉ là vùng đồng bằng hay vùng gò đồi, bóng dáng nhà thờ, quê hương hoặc những bài ru trầm trầm. Tổ quốc đó là những gì đẹp làm chúng ta rung động trái tim, đó là sự thống nhất đất nước huy hoàng, đó là nền độc lập tuyệt đối đó là vinh quang không thể xóa mờ của ông cha, trong đó có sự tự do là quan trọng. Tổ quốc là màu xanh trên bầu trời hiền dịu, soi sáng chúng ta, những rừng xanh toả bóng, những thửa đất màu mỡ trải dài dưới chân ta... 2 Nghĩ như thế nhưng mà ông không dám nói vì ông biết trình độ của tướng Nguyễn Sơn cao quá.

Thi cười và nói nhỏ:

- Dạ em chịu... thủ trưởng có thể cho em biết cao kiến của thủ trưởng được không ạ.

Nguyễn Sơn cười xoà: Cao kiến gì! Đơn giản thôi!

Ông bèn nói một hơi dài:

- Nói ra thì có vẻ to tát nhưng theo tôi nó không có vẻ trừu tượng mà là cụ thể gắn liền với bao kỷ niệm thời thơ ấu và thanh xuân của một con người. Đối với tớ tổ quốc là phố Yên Ninh, là Hàng Bún, là hồ Gươm Hà Nội, là tô phở tái nạm ở gầm cầu Long Biên, là bát bún riêu có mùi mắm tôm, là đĩa bánh cuốn với bát nước chấm có hương vị cà cuống, là một số bạn thân mà bao năm xa nước xa nhà, tớ không thể nào có được. Càng sống lâu ở quê người lại càng nhớ nước... Nguyễn Sơn nói nửa chừng ông lại ho luôn một hồi liên tục. Ông nói thêm: Khi về Hà Nội Phương nhớ đãi tôi nhé3.
___________________________________
1. Nguyễn Sơn: Ông muốn bắt chước Nguyễn Huệ (vua Quang Trung) đã đánh đuổi Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu, Nguyễn Huệ chỉ huy quân Tây Sơn đã chiếm thành Thăng Long - nên chữ Sơn có nghĩa là Tây Sơn.
2. Trích nhà văn Pháp Cornénin. Do Vũ Đình Quý dịch. Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc, Hà Nội 1998.
3. Đoạn này trích cuốn “Nguyễn Sơn vị tướng huyền thoại”: tới Hà Nội Hoàng Minh Phương đã nhớ mua cho ông ăn bún riêu, bánh cuốn...

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #62 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:29:21 pm »


78

Cả đoàn lại lên ô tô. Lần này đi thẳng về Hà Nội đúng ngày 30 tháng 9 năm 1956. Bộ Tổng tham mưu đã dành cho ông một căn nhà hai tầng tại đầu đường Lý Nam Đế. Qua cuộc hành trình mệt nhọc ông nằm sải tay trên giường. Buổi trưa ông không ăn gì, cho đến buổi tối ông uống một ly sữa và miếng bánh mì vuông.

Sáng ngày 31/9, Nguyễn Sơn và Hàn Thủ Văn vào trình diện Bác Hồ. Bác Hồ thương cảm khi nhìn thấy ông gầy yếu. Bác ôm Nguyễn Sơn và nói thầm:

- Cậu bé liên lạc nhanh nhẩu, khỏe mạnh xưa kia, hồi này sao hình hài xơ xác thế này. Bác khuyên cố gắng giữ sức khoẻ. Bác đưa 2 gói kẹo lớn:

- Cậu về đưa cho vợ con.

Buổi chiều hai vợ chồng Nguyễn Sơn và các con được ăn cơm tại nhà tướng Võ Nguyên Giáp. Khi gặp tướng Giáp ông nói:

- Tôi ở Triều Tiên có nghe Đại tướng đã đập tan những đoàn quân tinh nhuệ Pháp tại Điện Biên Phủ. Lòng tôi nôn nao muốn chấp cánh bay về nước liền để chúc mừng anh! Đây quả là một chiến thắng vang dội toàn cầu. Một chiến thắng đưa nước Việt Nam lên đài vinh quang và đi vào lịch sử. Khi nâng cốc Nguyễn Sơn ráng hô “Xin chúc mừng người anh hùng vĩ đại của Quân đội việt Nam với những chiến công to lớn đã viết lên trang sử hào hùng, đã làm đế quốc thực dân khiếp hãi và làm nhân dân cả thế giới khâm phục”. Trước khi từ giã Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông ngập ngừng nói:

- Anh Giáp à! Tôi cảm thấy yếu quá. Ông nói tiếp:

- Không biết chừng nào tôi được đãi anh một bữa cơm như ngày hôm nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đáp:

- Đừng lo chi cho mệt.

Ông Giáp nói một câu tiếng Pháp:

- Tôi luôn ở bên anh!

Ngày 1/10 là ngày sinh của Nguyễn Sơn ngày này Kiếm Qua đã đồng tình lấy ngày sinh của ông là ngày sinh của cô. Ông nghe văng vẳng câu: Tôi đã khổ rồi, anh lại còn muốn làm cho anh khổ để làm gì. Nguyễn Sơn còn nhớ câu ông than thở với Diêu Thục Bình: “Tôi đã không phụ lòng 600 triệu nhân dân Trung Quốc nhưng giờ đây lại phụ một phụ nữ Trung Quốc. Còn gì đau đớn hơn cho tôi”. Ông ôm đầu ngồi phịch xuống ghế với vẻ mệt mỏi.

Đại biểu hội Phụ nữ Thành phố Hà Nội đã đem đến một mâm bánh crem hai tầng để mừng sinh nhật ông. Bà Huân đập vai ông và nói nhỏ:

- Có khách anh Sơn! Ông ngơ ngác nhìn lên toàn là người quen cả. Ông cười:

- Tôi đi theo cách mạng từ khi 17 tuổi, những thủ tục lễ nghi của đời thường tôi không biết hoặc không chú ý đến. Được ăn mừng sinh nhật lần 48 này đúng là lần đầu tiên trong đời tôi đã hưởng một lễ sinh nhật long trọng như thế này. Tôi xin nghiêng mình cảm ơn quý bạn đã cho tôi những phút giây sung sướng trong ngày hôm nay. Tất cả đều vỗ tay.

Ông cùng bà Huân thổi nến cắm trên bánh. Ngọn nến lung linh làm mặt ông rạng rỡ và khuôn mặt bà Huân tươi đẹp hẳn lên. Con bà Huân và mấy bạn trẻ cùng cất tiếng hát mừng sinh nhật bằng tiếng Anh: Happy Brithday to you.. Happy.... Happy1

Suốt 3 ngày sau ngày sinh nhật bạn bè văn nghệ sĩ đến thăm nườm nượp. Ngày thứ 4 ông cảm thấy mệt nhoài. Ông nằm suốt ngày và ho liên tiếp. Hàn Thủ Văn luôn thường trực chăm sóc ông. Thấy Nguyễn Sơn càng ngày càng suy nhược nên Hàn Thủ Văn đã báo cáo tình trạng sức khoẻ cho đồng chí Hoàng Minh Phương rõ.

Hoàng Minh Thi trình lên tướng Giáp, ông Sơn được cấp tốc đưa vào bệnh viện Hữu nghị Việt Xô.
_______________________________________
1. Chúc mừng sinh nhật
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #63 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:29:53 pm »


79

Ngày 8/10 Hàn Thủ Văn đến chào Nguyễn Sơn để trở về Trung Quốc. Hàn ghé vào tai ông nói nhỏ: Ông có nhắn gì không? Ông biết ý Hàn muốn nói gì, Nguyễn Sơn cố gắng nói rõ ràng: Nói hộ tôi xin lỗi cô ấy. Nếu cuộc sống có gì khó khăn cô cứ đến ban tổ chức trung ương nhờ giúp đỡ. Nói với Kiếm Qua, Hàn Phong, Tiểu Việt luôn củng cố tình hữu nghị giữa hai nước như cha chúng đã làm. Hy vọng chúng sẽ có dịp gặp gỡ các chị em cùng cha khác mẹ ở Việt Nam để cùng đoàn tụ.

Hàn Thủ Văn đã hiểu mối thâm tình của ông. Nguyễn Sơn đâu phải là người có mới nới cũ. Kiếm Qua cũng rất cảm thông tính khẳng khái cương trực của ông. Nhưng tình huống éo le đã làm ông khó xử. Những tin thất thiệt đã làm cho cả hai đều đau khổ. Ông biết rất rõ lòng cô: Ông đã chờ cô quyết định sống trở lại với ông và bà Huân sẽ ở lại Việt Nam. Nhưng quyết định thế nào! Khi đã biết chuyện “ván đã đóng thuyền” cô phải tập trung nhiều can đảm để tuyên bố đoạn tình. Cô biết cô sẽ đau khổ nhưng để hy sinh cho chồng được trọn nghĩa với cô Huân tất nhiên sự hy sinh đối với cô rất đúng với sự tự nguyện của cô. Thật là một hành động cao cả của bậc đàn chị.

Sau khi bắt tay Hàn Thủ Văn, Nguyễn Sơn chỉ nói vắn tắt:

- Văn à! Anh luôn nhớ em và biết ơn em. Hàn Thủ Văn quay đi. Văn đã khóc. Văn nghĩ rằng cả một cuộc đời chiến binh của mình chưa có một thủ trưởng nào ân cần, săn sóc, chỉ bảo công việc từng ly từng tý như tướng Nguyễn Sơn. Người thủ trưởng ấy đã chia sẻ ngọt bùi với Văn, đồng cam cộng khổ với Văn và xem Văn như người em kết nghĩa. Hàn Thủ Văn nhớ lại khi ông nằm viện Quân y bên Trung Quốc mỗi ngày Văn đều đến túc trực xem ông có giao cho việc gì hoặc thư từ gửi đi. Mỗi lần Văn đến ông lại sắp bàn cờ mời Văn cùng đánh. Văn biết đây là cớ để ông tỏ bầy tâm sự kể cả cuộc đời ra đi làm cách mạng như thế nào! Qua Trung Quốc đã làm được gì, trở về việt Nam làm được gì. Ông đều nói rõ cho Văn và cũng mong Văn chuyển cho Kiếm Qua hiểu lòng một người cộng sản Quốc tế với tình cảm tràn đầy vẫn luôn chung thuỷ đối với Kiếm Qua.

Văn cũng hiểu ông không muốn con ông ở trong nhà nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Nguyễn Sơn dậy thêm cho chúng tiếng Việt kể cả bài hát “Đêm nay Bác không ngủ”. Những kỷ niệm sâu xa giữa Văn và ông, muốn kể cũng không thể kể xiết được.


Sau khi Hàn Thủ Văn trở về Trung Quốc. Nguyễn Sơn càng ngày càng ốm yếu. Mấy ngày sau cùng ông không ăn được cơm. Ông được truyền dịch và uống sữa hay nước cam. Tiếng nói của ông thều thào, không được rõ.

Nguyễn Sơn nắm tay bà Huân và dặn dò:

- Anh biết anh yếu lắm. Trước kia dù đau đớn đến thế nào, vết thương hành làm đau đớn anh đều chịu được Nhưng bây giờ anh nghĩ chẳng còn lâu nữa phải xa em. Bà Huân ứa nước mắt! Cầm hai tay ông lắc lắc rồi bà nghẹn ngào.

- Cố lên nữa anh Sơn! Em biết anh là người dũng cảm, ý chí của anh còn hơn sắt thép. Anh cứ tin là em sẽ hết lòng săn sóc cho anh khỏi bệnh. Và anh cũng sẽ khỏi bệnh.

Nguyễn Sơn lắc đầu, nước mắt trào. Ông ôm lưng bà nói nhỏ:

- Anh biết rõ về anh, em ạ!

Ông lặng im trong một phút và nói tiếp.

- Anh đã không giúp gì được em nhiều, số tiền 30 vạn nhân dân tệ em trích ra một ít để trả tiền thuốc cho bệnh viện. Chúng ta chiến đấu không phải để nhận số tiền đó, dứt khoát là không. Chỉ có một điều quan trọng cố gắng chịu đựng nuôi con trong mọi hoàn cảnh gian khổ sắp tới…
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #64 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:30:32 pm »


80

Đêm hôm đó Bà Huân đã cho Nguyễn Sơn uống 2 viên thuốc ho và 2 viên thuốc ngủ. Tám giờ tối ông đã nhíp mắt và đi vào giấc ngủ. Bà bóp bàn tay ông nhưng ông vẫn ngủ mê mệt cho tới 11 giờ trưa hôm sau. Bà Huân vào đến cửa, bà định rót nước cho ông súc miệng nhưng ông ngăn lại và vẫy bà lại gần. Ông nói giọng nhỏ: Đêm qua thật kỳ lạ! Anh thấy anh đang ngồi hút thuốc trên nhà sàn người Thượng, bên cạnh anh là con Mai Lâm đang so dây đàn, Việt Hồng ngồi chăm chú nhìn cây đàn, Thanh Các ngồi dưới nhà sàn đang phân công: Thanh Hà gọt khoai tây, Nguyễn Việt Hằng thái hành, Nguyễn Cương băm thịt bò, Hàn Phong múc nước giếng đổ đầy 2 lu, Tiểu Việt bổ củi, Vân Khởi nấu nước. Anh hỏi Thanh Các:

- Con phân công tám đứa nấu nướng gì thế? Thanh Các trả lời:

- Hôm nay ngày sinh nhật của bố, con biết bố thích ăn món thịt “ra gu” nấu đậu, và thịt bò “lúc lắc” nên con nhờ các em phụ để con nấu món này. Anh quay vào trong nhà sàn nhìn bà Kiếm Qua, bà Nội, bà Diệm, kể cả em đang rót nước, anh nói:

- Các bà thấy không! Các con chiều tôi ghê không?

Các bà vỗ tay. Lúc ấy văng vẳng tiếng đàn vang lên bài “Râu bác Sơn” do chú Xuyên sáng tác.


Suốt một tuần qua, bà để chị Thanh Các (con đầu ông Nguyễn Sơn) trông nom ông ban ngày, bà chỉ đến vào giữa bữa cơm sáng và chiều, thì giờ còn lại bà lăn ra ngủ để đến đêm có sức săn sóc cho chồng.

Đến 12 giờ đêm bà mệt quá ngủ gục bên vai ông. Ông thở khò khè nghe rất chậm và yếu. Bác sĩ trực chăm sóc lúc nửa đêm đã vào bệnh viện để theo dõi bệnh tình của ông. Ngoài trời vẫn mưa dầm dề nhưng đến sáng lại tạnh ráo.





81

Những đêm trước Nguyễn Sơn luôn nằm mơ khi ông thấy mình đang nấp trong lùm cây nhìn vào sân Viện nuôi dạy trẻ, theo dõi Hàn Phong, Tiểu Việt đang nô đùa. Trong đầu óc ông như có sương, có khói bao phủ. Khi thì ông ôm bé Hà ngâm thơ hay hát nghêu ngao giữa buổi liên hoan và đưa bé Hà cho nhà thơ Hữu Loan bế, khi thì ông thấy ông đang đứng trên tàu hỏa chào các đồng chí đang hô khẩu hiệu và vẫy tay chúc mừng ông dưới sân ga, khi thì ông đứng bên bờ Trung Nam Hải với Kiếm Qua, khi thì ông từ giã Kiếm Qua tại gian hầm bên bờ sông Diệu Thủy cũng là nơi ông tá túc từ bao lâu nay.

Đầu óc ông như những đám mây vần vũ lúc cuốn trôi lúc tụ lại với những hình ảnh khi tỏ khi mờ.

Lại có lúc ông gặp Đặng Thác thay ông làm chủ nhiệm nhật báo Tấn - Sát - Ký. Đặng Thác không những là nhà báo còn là một học giả lịch sử nổi tiếng. Nguyễn Sơn nhớ lại bài thơ Đặng Thác đã kính phục tinh thần chiến đấu oanh liệt của ông, bài thơ viết:

Hồi thủ Hồng Hà sáng thống thâm
Nhân gian tòng thử, nhiệm phù trầm
Bắc lai tráng trí long tiền vận.
Nam quốc thi tình thiên hạn tâm
Thập tải phong ba tam vạn lý
Thiên thu huyết lệ nhất sinh ngâm
Đông phương vọng nhãn lăng triều cấp
Mạc đạo phiêu phùng trực đáo kín.


Tạm dịch:

Vết thương sông Hồng đau buốt thân
Cuộc đời từ đó, trải thăng trầm
Chí trai phương Bắc thời đương vận
Lai láng hồn thơ nhớ nước Nam
Ba vạn lý dài đầy sóng gió.
Ngàn năm huyết lệ một đời ngâm
Phương Đông đã nổi, triều dâng sóng
Lênh đênh đời vẫn nhuốm phong trần

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #65 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:32:34 pm »


82

Có đêm trong khi trời còn mờ hơi sương ông đạp xe cuốc1 của mình từ trường về quê nhà. Xe ông đi bon bon trên cầu Long Biên. Lúc ấy ông chỉ gặp toàn những người đi xe đạp thồ rau hoa quả từ Gia Lâm qua các chợ ở Hà Nội. Xe đạp qua những đường làng quen thuộc, qua những mảnh ruộng xanh rờn ắp nước. Làng ông có một cổng gạch cũ kỹ, hai bên có luỹ tre xanh dầy. Ông không hiểu ai đặt tên cho làng ông là Kiêu Kỵ. Một làng ở giữa vùng đất Gia Lâm xanh biếc. Khi về gần đến nhà ông buông 2 tay cho các cháu vỗ tay reo hò khen “chú Bác đạp xe giỏi quá”. Tuy tuổi gần tráng niên nhưng ông cùng tham gia đá cầu, đá bóng với các em. Một lần ông đánh cờ tướng với em bé Vũ Lưu con ông Năm. Em đã được ông một ván cờ, ông khoái chí cười lớn “Hậu sinh khả uý”. Thằng bé thế mà khá đấy!

Cũng có lần ông mơ thấy gặp anh Vũ Đình Bảo, con ông cả. Anh là Tiểu đoàn trưởng, đang đứng nhìn xác các chiến binh hy sinh tại Nghĩa Lộ. Anh Bảo quay lại nhìn ông rồi ôm mặt quay bước đi. Ông đi theo sau, ông bị thụt chân xuống hố, tỉnh giấc mới biết mình nằm mơ gặp người đã hy sinh. Ông cũng đã gặp anh Vũ Kỳ Lân, nhập ngũ từ đầu kháng chiến tại chiến tuyến Quảng Trị. Khi ông là Tư lệnh quân khu 4. Anh Lân là Chính ủy khu Vĩnh Linh, sống gần 10 năm dưới địa đạo. Sau đó đã đẻ ra tác phẩm ký sự “Miền đất lửa” nổi tiếng.

Những ngày cuối cuộc đời trong mơ ông đã nhìn thấy ông lúc ông còn là học sinh. Ông nhớ lại những lần cùng học sinh trường Bưởi đánh nhau với lũ con Tây và cả con theo dân Tây của trường Lyceé Albert Sarrant. Ông sung sướng khi thấy chúng bầm mặt và đổ máu mũi. Ông lại nhớ đến những người bạn thân thiết của ông phần nhiều là học sinh nghèo. Nguyễn Sơn nhớ cả lần đầu tiên khi đi Trung Quốc với Nguyễn Công Thụ ông đã nhìn thấy bố vợ đang bồng và ru con ông. Các hình ảnh khác lại hiện ra dần dần...

Khuôn mặt tươi đẹp của bà Diệm đang chăm chú nhìn ông, ông sung sướng ngả đầu bên vai bà Diệm nhìn những cánh buồm trắng xa xa nằm im trên Hồ Tây. Ông hãnh diện cưới được người đẹp của đường Quán Thánh. Rồi hình ảnh đoàn văn công Trung Quốc sang biểu diễn tại Hà Nội nhân ngày lễ Quốc khánh của Việt Nam. Sau những lần trình diễn họ được ta đưa đi tham quan một số nơi tại Bắc Ninh, Tam Đảo, Sa Pa... Trước khi về nước họ đã đi ra Hồ Tây thuê thuyền. Họ chèo ra giữa hồ.

Bất ngờ hôm ấy trời nổi dông gió lớn làm thuyền lật. Có hai diễn viên không biết bơi nên chết đuối. Khi nghe tin ấy về bên Trung Quốc ông đã viết một bức thư dài cho cháu Tuấn đang dạy trường trung học tại Việt Nam. Ông nói, sự rủi ro này chúng ta phải coi đây như là sự cống hiến thân xác cho sự nghiệp cộng sản quốc tế trong khi các chiến sĩ này công tác tại Việt Nam. Chúng ta phải trân trọng sự đau thương mất mát này và xem như là sự hy sinh vì Việt Nam, vì tình hữu nghị hai nước Trung Việt.

Những kỷ niệm đầu tiên êm đềm lại hiện trước mắt ông. Ông đang đứng bên bà Nội tại chùa Thiên Mụ... rồi ánh trăng đang lên sau núi Mê, ông ngồi dựa vai bà Huân thì thầm để chọn tên cho con bà đang trong bụng mẹ. Trong ánh sáng lung linh ông lại thấy dáng dấp xinh đẹp của bà Nội tại Phu Vân Lâu... Đầu óc ông luôn xao động, quay cuồng khi thế này khi thế khác.

Khi thì ông ôm đầu bà Huân, ông thủ thỉ: Em là người vợ tuyệt vời đã lo lắng cho anh từng li, từng tí, từng miếng cơm đến áo mặc. Tội nghiệp cho người vợ trẻ của tôi từ đây phải một mình nuôi bốn đứa con. Ông nhìn thấy ngọn lửa bà Huân đang đốt những biên nhận tiền bà đã giao cho Kho bạc Nhà nước. Ôi! em thật là quả cảm, trong sáng không kém Kiếm Qua. Khi thì ông thấy Kiếm Qua bên kia sông biên giới Lạng Sơn và bên này sông có Hoằng Huân. Hai bà đang tết một cái gì trăng trắng giống như cái cầu để bắc ngang sông biên giới. Ông chợt hiểu, các bà đang dựng một cầu hữu nghị thông thương giữa hai nước để tình Hữu nghị Trung - Việt càng bền vững muôn đời.




83

Đêm gần cuối cuộc đời, ông đã đi lạc vào một vườn với đủ loại hoa, nào hoa Kèn, hoa Huệ, hoa Hồng, Păn Xê. Các màu vàng đỏ, tím xanh bên bờ hồ sáng bừng lên. Những con Thiên Nga đang vui đùa giữa nước trời mây in trên mặt hồ. Hàn Phong, Tiểu Việt đang đá bóng, Thanh Hà ngồi ôm búp bê hát nghêu ngao, Mai Lâm đang đuổi bắt bướm. Ông thấy bên phải ông các bà đang ngồi trên ghế bàn màu trắng. Các bà cùng mặc toàn màu trắng. Bà Diệm đang đứng giơ cốc mời Kiếm Qua, bà Nội, bà Huân cùng nâng cốc. Ở nơi xa ông không biết là bia hay rượu vang. Chợt Thanh Các đem đĩa bánh đi ngang gọi ông:

- Hôm nay các mẹ đã đưa các con về đây hội họp đầy đủ, con mời bố lại chung vui với các mẹ con trong dịp lễ Thanh Minh này. Ông giật mình nhìn Các, khi quay lại chỗ các bà, ông chỉ còn thấy một màu trắng đục như sương khói đang bốc lên.

Ông bồi hồi nhớ đến mẹ ông là người rất tiến bộ và dịu dàng. Khi ông 9 tuổi mẹ ông đã kể cho ông nghe những chuyện cách mạng về “Đông Kinh Nghĩa Thục”, về “Hà Thành đầu độc”. Giờ đây phút cuối cùng của cuộc đời, ông còn nghe văng vẳng tiếng ngâm thơ của mẹ “Quốc thù vị phục dầu tiên bảo, kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma!” Mẹ ơi! Giờ mẹ ở đâu? Sao đời con lại khổ thế!

Khi tỉnh giấc ông lại ho liên miên nhưng không ra tiếng. Bà Huân giật mình đưa tay vuốt ngực ông.

Ánh sáng ban mai vừa hừng lên ngoài cửa sổ

- Huân ạ!

Nguyễn Sơn lại ho vài cái, ông ôm ngực kể lại giấc mơ ông đã gặp các bà vợ.

Ông uống thuốc xong, lại ngủ mê mệt đến trưa. Khi Nguyễn Sơn tỉnh ngủ đã thấy bà Hồ Ngọc Lãm ngồi gần bên giường ông, bà cười:

- Sao! Chú khoẻ chứ!

Ông gắng gượng thều thào:

- Ngủ được một giấc, cũng đỡ đỡ.

Từ khi bà Lãm trao bé Mai Lâm cho Nguyễn Sơn hôm nay bà mới có dịp vào thăm ông (vì trước kia cô Nội đi vào nam, bà đã nhận nuôi con cô)

- Nguyễn Sơn à! Chú có biết Mai Lâm cũng thông minh như chú! Hồi trước nguyên soái Diệp Kiếm Anh sang Việt Nam có ghé nhà tôi. Diệp Kiếm Anh nghe nói cháu là con gái Nguyễn Sơn, liền sai cận vệ đem đến cho Mai Lâm một cây đàn Organ. Không mấy chốc mà Mai Lâm đã đàn khá chỉ phải tội cháu ít nói, mặt thường có vẻ buồn. Nguyễn Sơn chép miệng nhưng ông hiểu rằng: Mai Lâm đã thiếu tình thương của ông và của mẹ nó từ hồi nhỏ.

Bà Lãm cố kiếm một vài chuyện vui của cháu Lâm để kể cho ông khuây khỏa, nhưng đang vui, ông bị cú sốc ông nghẹn không nói được. Mồ hôi đổ ra đầy mặt bác sĩ túc trực vội huy động các bác sĩ lại cứu chữa. Qua hai mươi phút sau ông đã ra đi và ra đi mãi mãi.
___________________________________
1. Xe cuốc (tiếng Pháp: course là xe đạp đua).
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #66 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:36:59 pm »


84

Đầu tháng 10 tôi được đi công tác ra miền Bắc. Tôi đã đi nhờ thuyền chở vũ khí của anh Tư Mao neo tại cửa Bồ Đề và sắp quay ra Bắc. Sau thời gian lênh đênh trên mặt bể, chúng tôi đã cập bến an toàn. Sau khi làm việc với Bộ Quốc phòng tôi nghỉ ngơi tại nhà chú tôi 4 ngày để chờ chuyến vào Nam. Đứng trên ban công nhìn chung quanh, cảnh vật có thể thay đổi chút ít. Tôi nhớ đến thầy Hoàng Đạo Thuý khi dạy chúng tôi tại trường Piere Pasqnier. Tôi nhớ đến Quang con ông xã trưởng, tôi nhớ đến Liên bạn học cùng chung một đội bóng. Mỗi buổi chiều ngày xưa khi đá bóng xong chúng tôi lại bơi ra gò có cây đa lớn trước hồ Giám (Văn Miếu) để cùng đu vào mấy cái rễ cây lòng thòng trên mặt hồ. Cảnh vật cũng không thay đổi bao nhiêu. Còn 4 ngày nữa tôi phải trở về Nam thì đột nhiên tôi đã nghe một tin như sét đánh ngang tai. Chiều hôm nay đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam loan tin: Đồng chí Nguyễn Sơn Thiếu tướng của Quân đội cộng hoà nhân dân Trung Hoa và cũng là Thiếu tướng của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà về Việt Nam thăm gia đình, bị bệnh nặng nay đã từ trần vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 21 tháng 10 năm 1956, linh cữu được quàn tại lễ đường Quân đội, đường Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội.

Khi nghe tin Nguyễn Sơn mất, cả buổi chiều tôi thảng thốt và không thiết ăn uống. Nhìn mâm cơm trước mặt có món thịt bò nấu đậu, mọi khi tôi rất thích nhưng chiều nay tôi chẳng còn ăn được miếng nào. Ngực tôi như tức, như nghẹn. Có thể nào Nguyễn Sơn người thầy, của các sinh viên Võ bị Quảng Ngãi chúng tôi đã bỏ chúng tôi đi về nơi xa lạ. Những hình ảnh xưa bỗng hiện lên, khi Thầy đứng giữa cửa sổ lầu 2 để nhìn những tán dừa xanh mướt tại Bồng Sơn. Khi Thầy ký giấy cho tôi.

Chữ ký đầy vẻ nghệ sĩ. Ở chữ Nguyễn dấu e và dấu ê biến thành hai vòng khói cuộn bay đến chữ Sơn. Thầy không ký tên vào thẻ sinh viên của trường nên đến bây giờ đa số các bạn đều không biết chữ ký của thầy như thế nào.

Âu cũng là một kỷ niệm đặc sắc của thầy để lại cho tôi.




85

Tin tướng Nguyễn Sơn qua đời đã làm tôi bàng hoàng ngơ ngẩn. Tôi đã không được gặp thầy nữa. Tôi phải làm gì đây! Ôi người thầy yêu quí! Một vị tướng oai hùng mà tôi cứ tưởng như là một người anh hiền hậu rất gần gũi, thân thiết. Tôi đậy mâm cơm và bước lại bàn viết, tôi ngồi thẫn thờ nhưng rồi tôi quyết chuẩn bị cho một điếu văn ngày mai. Tôi sẽ nói hết công lao của thầy khi ở Việt Nam, tại Liên khu 6, Liên khu 5, Liên khu 4, Liên khu 15... Thầy đã cống hiến cho cách mạng Trung Quốc trên 20 năm, tham gia Vạn Lý Trường Chinh vượt thảo nguyên, vượt núi tuyết hiểm trở gian nan đói khổ 3 lần. Thầy đã tổ chức quần chúng đánh Nhật đánh Quốc dân Đảng và lập chính quyền Xô Viết tại tỉnh Sơn Tây. Những trận đánh quyết liệt với Tàu Tưởng đã đưa thầy từ cấp đại đội lên cấp sư đoàn lúc ấy thầy mới 28 tuổi. Nhà nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã tặng thầy 3 Huân chương cao quý hạng nhất, và nâng cao địa vị thầy vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trong 2 nhiệm kỳ. Đối với Trung Quốc thầy là một chiến sĩ cộng sản Quốc tế xuất sắc. Nhà nước Trung Quốc cho 30 vạn nhân dân tệ thầy không lấy. Thuốc mê đắt tiền thầy cũng không dùng và nhường cho đồng đội bị thương. Vinh hạnh tột đỉnh của đời thầy là được ăn tiệc với Mao Chủ tịch, với Tổng tư lệnh Chu Đức và các vị Nguyên soái Nhà nước Trung Hoa tại Thiên An Môn cũng như thầy đã được ăn cơm với Hồ Chủ tịch và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đoàn kịch Công Nông đầu tiên của Hồng Quân do thầy cầm đầu đã có tiếng vang to lớn ở khắp nước Trung Hoa. Thầy là người Việt lại là Giáo sư dạy chính trị, lịch sử trong quân đội Trung Quốc. Thầy là thiên tài chỉ với 2 tháng đã học viết và học tiếng Trung để học trường Hoàng Phố và để chỉ huy người Trung Quốc.

Tại Việt Nam, trong thời gian ngắn thầy đã củng cố các mặt trận Khánh Hoà, Buôn Ma Thuột không cho giặc Pháp lấn chiếm. Thầy đã tổ chức nhiều trận đánh điển hình như Vạn Giã, đồn Tróc, đèo Hải Vân vv… Suốt 9 năm chống Pháp, các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên đã hoàn toàn độc lập, tự do... Chỉ trong vòng 2 năm thầy đã biến Bình Trị Thiên thành một chiến lũy vững chắc ngăn ngừa sự lấn chiếm của bọn thực dân Pháp. Quân đội từ yếu ớt, qua “Đại hội Tập” đã trưởng thành và Liên khu 4 đã hãnh diện có đại đoàn 325 anh hùng và các tỉnh đều có trung đoàn chủ lực. Năm 1947, 1948 có thể nói Liên khu 4 là một liên khu mạnh không những về mặt quân sự mà cả về Văn hoá nghệ thuật và đào luyện cán bộ cũng đã có những kết quả thiết thực có tiếng vang trong toàn quốc. Học viên của thầy sau này có người làm Bộ trưởng, Ủy viên Trung ương từ trường Thiếu sinh quân từ các trường Võ bị với quân hàm Trung tướng, Thiếu tướng và rất nhiều Đại tá.

Đội ngũ sinh viên chúng tôi đã học được của thầy nhiều điều bổ ích để làm người chỉ huy quân đội từ phép cầm quân, chiến thuật nào, rồi nuôi quân, dưỡng quân ra sao! Vận động quần chúng đánh du kích, tổ chức làng chiến đấu kiện toàn đội ngũ dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu, biến thành hậu phương vững mạnh yểm trợ quân đội mọi mặt. Thầy là gương sáng về tự học, tự rèn luyện bản thân, khắc phục mọi khó khăn để cầu tiến!

Về Việt Nam cuối năm 1945. Thầy đặt tên là Nguyễn Sơn với mong muốn thầy phải học bằng đượccách cầm quân của Nguyễn Huệ1 “tốc chiến, tốc thắng!” kể cả cách dùng người đã thu phục những người tài giỏi như Nguyễn Thiếp (La Sơn Phụ Tử, Ngô Thì Nhậm, Phạm Công Tự) 2 .

Chúng tôi đã học ở thầy cách dùng người, cảm hoá và giáo dục quần chúng làm cách mạng kể cả những người thuộc chính quyền cũ và những người Việt Nam mới.

Người ta bảo: Thầy đa tình, có nhiều vợ. Nhà thơ Pháp Malherme có câu: “Tôi thà phụ tình với một cô nhưng được tiếng chung tình với mọi cô”. Tôi không nghĩ thầy là mẫu người ấy. Thầy có phụ tình ai đâu. Nguyễn Sơn rất chung tình và trân trọng vợ vì bản chất của thầy là sĩ quan quân đội, luôn mang trong mình một quân phong, quân kỷ nghiêm chỉnh. Thầy đọc nhiều nhớ lâu! Điều đáng quý là lập trường vô sản kiên định, thầy tự coi mình là chiến sĩ cộng sản quốc tế nhưng thầy cũng không bao giờ quên quốc gia. Thời gian ở nước bạn thầy đã sưu tầm nhiều tư liệu và kinh nghiệm trong chiến đấu. Thầy đã viết thành sách bằng chữ Trung, chữ Pháp chữ Việt để đem về làm giàu cho sự nghiệp xây dựng nền Văn hoá Việt Nam kể các tài liệu quân sự, chính trị.

Quan niệm về văn học nghệ thuật của thầy rất rộng rãi. Thầy muốn các tác phẩm nghệ thuật phải thấm sâu vào lòng dân chúng. Thầy đã chăm lo đến đời sống của văn nghệ sĩ. Họ có điều kiện để thâm nhập vào quần chúng, vào chiến trường để có những tác phẩm sống động. Các lớp nghệ thuật, các triển lãm họa phẩm và sơn mài luôn được công chúng hoan nghênh. Chỉ trong vòng 4 năm những ngày đầu kháng chiến, văn hoá nghệ thuật Liên khu 4 thời Nguyễn Sơn đã sôi nổi, đa dạng với những tác phẩm có tầm cỡ dư âm đến ngày nay.
_______________________________________
1. Nguyễn Huệ lên ngôi là vua Quang Trung
2. Trích “Tài dùng người của Nguyễn Huệ” trong Tạp chí thế giới mói số 311, trang 27, 28, 29

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #67 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:42:44 pm »


86

Nguyễn Sơn quả là một tướng văn võ song toàn với nhiều chiến công hiển hách! Cả đêm hôm ấy tôi cứ xoá bỏ lại thêm lại bớt. Điếu văn đã đầy 5 trang giấy mà tôi vẫn thấy chưa đầy đủ so với công lao của thầy đối với Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kể cả nhà nước Trung Hoa. Đấy cũng là tấm gương điển hình của người cộng sản quốc tế hy sinh vô tư cho chủ nghĩa cộng sản. Riêng tôi nghĩ rằng công lớn nhất của thầy là vận động các lãnh tụ cao cấp Trung Quốc, Liên Xô yểm trợ tối đa về vũ khí khí tài cho chiến trường Việt Nam, kể cả các đoàn cố vấn cao cấp sang giúp chiến trường Việt Nam...

Mệt mỏi quá tôi gục đầu xuống bàn. Tôi đã gặp thầy trong mơ. Thầy bảo đừng viết nữa. Thầy bảo những ước nguyện của thầy còn nhiều nhưng thời gian lại quá ngắn ngủi. Tôi thấy mắt thầy ứa ra những giọt lệ. Tôi nghe thầy ngâm kiều se sẽ:

“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”
1

Sáu giờ sáng ngày 20/10 Hồ Chủ tịch cùng một phái đoàn gồm Tổng bí thư Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng Phan Kế Toại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đại biểu cao cấp của quân dân chính đảng. Có cả Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam La Quí Ba đã đến thăm viếng đầu tiên. Bà Lê Hoằng Huân và các con cháu đón Bác vào trước linh sàng. Thắp 3 nén hương cắm lên bát hương. Bác đứng im lặng một hồi. Bác vái và rơm rớm nước mắt.

Trước khi ra về Bác an ủi bà Huân không nên bi luỵ. Ráng giữ gìn sức khỏe để nuôi các con. Tiếp theo đó là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Tổng bí thư Trường Chinh, Bộ trưởng Nội Vụ Phan Kế Toại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các vị cao cấp trong chính phủ và các sĩ quan Liên khu 4, Liên khu 5, trường Thiếu sinh quân tới viếng, Đại sứ Trung Quốc tại việt Nam cũng có mặt.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ truy tặng Nguyễn Sơn Huân chương quân công hạng nhất đồng thời chủ trì lễ truy điệu. Đồng chí Hoàng Anh thay mặt quân ủy đọc điếu văn khen ngợi công trạng của tướng Nguyễn Sơn đã cống hiến vô tư tại 2 nước. Đến lượt thiếu tướng Lê Thiết Hùng bạn cùng học trường Hoàng Phố với ông, chia buồn cùng gia đình. Nhà thơ Hằng Phương, chị vợ của Nguyễn Sơn tỏ lời thương tiếc một nhân tài còn trẻ đã ra đi sớm. Rồi nhà thơ Hữu Loan đã đọc bài thơ này với tựa đề: Hữu Loan Khóc Nguyễn Sơn

Nguyễn Sơn như con tàu biển khổng lồ
Mang giông tố đại dương đi đến đâu
    Không
        cho
            sóng
                ngủ
Nguyễn Sơn như núi lửa mọc ở đâu
Là gây những đám cháy
vòng quanh
Từ Vạn Lý Trường Chinh
Nguyễn Sơn về Liên khu Tư
Những năm đầu kháng chiến
Liên khu Tư của Nghệ Tĩnh lầm lỳ


Và nước Liên khu Tư
Đã biết thế nào là giông bão
Và rừng Liên khu Tư
Đã biết thế nào là cháy rừng
Phải vì đất nhưng vì giường hẹp
Nằm thừa đầu
    thừa
        chân
Phải vì giường không đầu
Một bước đi vạn lý
Nguyễn Sơn ra đi
    không
        ai
            ngờ
Những thằng đại xu nịnh ngày xưa
trở mặt
Nhưng lịch sử và thời gian
    không
        bao
            giờ
                phản trắc
Còn vang dội mãi rừng núi Nưa
Tiếng Nguyễn Sơn
    một
        lần
            truyền
                hịch
Còn vang dội mãi những tâm hồn
Những o gái Liên khu Tư
Mắt xanh màu Trường Sơn
Mang trong mắt hình ảnh người
Râu hùm hàm én
Gần thì sợ ghê
Nhưng xa thì nói không bao giờ hết chuyện.
Những gánh trống chèo
những kèn đồng gươm gỗ


Lỉnh kỉnh
gánh gồng khiêng vác
Những nghệ nhân toàn gia
dìu dắt bế bồng
Không chỗ nào là không tụng ca
Người mê xem văn nghệ
Nguyễn Sơn
Nhưng ngày 21 tháng 10 đọc báo
nhân dân thấy đăng cáo phó
… Thiếu tướng Nguyễn Sơn đã từ trần!
Thiếu tướng Nguyễn Sơn nào?
Làm gì có mấy Nguyễn Sơn
Đành rằng sống chết con người tại số
Nhưng hình như có bàn tay
    định
        mệnh
            khốc
                liệt
                    nào
Đặt lên cung kiếp Nguyễn Sơn
Một cuộc đời ngắn ngủi
Bao nhiêu là bất thường
Bất thường đến
bất thường đi
về bất thường
Chết lại càng
không đúng lúc!
Văn nghệ sĩ bao người đã khóc
Khi đọc báo Nhân dân thấy “cáo phó Nguyễn Sơn”
Và ngày 22 tháng 10 trên khắp nẻo đường thủ đô
Một đám tang đã diễu hành
Một đám tang cờ đỏ liệm quan tài
Nấc lên màu huyết
Một đám tang đi
    không
        bao
            giờ
                tới
                    huyệt!

_________________________________________
1. Truyện Kiều của Nguyễn Du
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #68 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:45:40 pm »


87

Ban tổ chức gọi đến tên tôi. Tôi ra linh cữu giở điếu văn ra đọc:

Thưa thầy thân yêu!

Tôi là sinh viên số 229 trong tổng số 450 sinh viên của trường Lục quân trung học Quảng Ngãi năm 1946.

Lúc ấy có nhiều tiếng khóc nức nở. Tim tôi như thắt lại. Nỗi xúc động từng lớp cứ ùn ùn trào dâng.... Tôi nói lắp bắp: Tôi... tôi.... Kính... Kính... và tôi ho sặc sụa từng cơn, cổ họng tôi dường như tắc nghẹn. Tôi không thể nào đọc bài điếu văn... Tôi đưa ban tổ chức - Tôi cúi đầu chắp tay vái linh cữu rồi vội vã quay lại đứng cùng các anh em đang nức nở. Tôi lấy khăn lau nước mắt và cúi nhìn xuống đất thổn thức cho đến khi tiếng trống, tiếng kèn kêu vang dậy đưa linh cữu thầy lên xe tang.

Dòng người đã lần lần bước theo sau xe... Tôi lững thững theo sau. Đi được một đoạn đường, tôi không muốn thấy người ta chôn vùi thầy dưới 3 tấc đất. Tôi dừng lại bên lề đường. Khi bóng dáng đoàn người khuất trên ngã ba đường Hoàng Diệu, tôi mới thất thểu bước đi.

Tôi đi trên vỉa hè. Tôi vẫn đi thất thểu và không biết đã đi qua những đường nào trong thành phố! Lần lần tôi đi ra đến hồ Hoàn Kiếm mà tôi không biết. Tôi chọn một chiếc ghế đá không có ai ngồi, tôi ngồi xuống.

Nhìn trời xanh thăm thẳm, áng mây lồng bóng nước. Xa xa những hàng cây xanh rì im lặng trong nắng mai. Bóng những cây liễu ủ rũ nằm trên mặt hồ. Tôi lẩn thẩn nghĩ: Cuộc đời thầy bất hạnh đến thế chăng? Thầy còn dư tim óc, sức lực để dựng lên những thành tích gấp bội lần Liên khu 4 này. Số thầy quả là mệnh bạc. Thầy thích Kiều, tôi xin đọc Kiều để thầy nghe:

“Kiếp hồng nhan có mong manh
Nửa chừng xuân đã gẫy cành thiên hương” 1

Cuộc đời thầy sao giống người đẹp Đạm Tiên đã mất giữa khi còn hương sắc.

Đêm qua tôi phải viết 5 tờ điếu văn nên tôi mệt mỏi quá. Tôi lim dim và nhắm mắt.


Gió dưới hồ nhè nhẹ đưa tôi vào giấc ngủ. Hình ảnh thầy Sơn hiện ra tại sân trường giữa buổi trưa nắng chang chang. Khi thầy từ mặt trận về. Giọng thầy oang oang đang nói chuyện với các sinh viên...

Thầy như pho tượng đồng đen giữa nắng chiều đỏ ối khi nghe báo cáo giữa núi đồi An Khê.

Tiếng thầy thét vang tại núi Nưa mở màn đại hội tập… Cánh tay thày đã vỗ vai an ủi tư lệnh Trần Công Khanh... Trong mơ tôi chợt thấy bà Trần Kiếm Qua dắt hai con xăm xăm bước tới. Tôi vội bảo:

- Bà đi mau lại phía kia cho kịp đám tang của tướng Sơn, bà thảng thốt nói:

- Nguyễn Sơn mới 48 tuổi đã chết thật sao!

Bà vội quay ngoắt và dắt cả con đi về hướng xe tang vừa đi vừa khóc2





88

Trời đột nhiên bừng sáng hồng lên giống như mầu trời ở núi rừng An Khê năm xưa. Tiếng của tướng Nguyễn Sơn bỗng lại vang vang khắp núi rừng:

- Tập hợp!

Tôi vội vã gọi

- Quảng, Huệ ơi! Ra xếp hàng mau lên!

Lúc ấy bộ đội cảnh vệ với ba lô và súng đạn đã chạy lại sẵn sàng - Ông cầm còi rúc một hơi dài. Tất cả đã vào hàng ngay ngắn.

- Chạy đều! chạy!...

Mà sao trong hàng của chúng tôi hôm nay lại có đội chèo mang kèn trống, đội tuyên truyền xung phong. Có cả Hồ Đệ, Lê Văn Kiên, Trần Đình Mai cùng các em Thiếu sinh quân và Văn nghệ sĩ có cả Sĩ Ngọc, Nguyễn Phan Chánh, Đặng Thái Mai, Hữu Loan, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Duy, Thái Thanh, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Hải Triều và nhiều nhà văn nổi tiếng khác. Tôi bước qua một bên nhìn đoàn người sáng nay sao lại dài dằng dặc suốt từ lưng đèo lên đỉnh đồi. Tôi hô lớn: Tư lệnh Nguyễn Sơn đang cùng chúng ta hành quân.


Tôi giật mình vì tiếng còi ô tô làm tôi tỉnh cơn mê. Đoàn xe vẫn vun vút qua trước mặt tôi. Hồ Gươm vẫn còn đó. Cột cờ Thăng Long thành còn đó với màu cờ đỏ phất phới đang vẫy gọi. Xa xa phải chăng là núi rừng Trung Quốc mờ nhạt như khói sương.

Ngàn năm mây vẫn bay
Ngàn năm nhiều biến thiên lịch sử
Tướng Nguyễn Sơn
vị tướng hào hùng, văn võ song toàn,
công thần của cả 2 nước Trung Việt
Ngàn năm thương nhớ khôn nguôi!!...


Viết xong tại thủ đô Hà Nội tháng 10 năm 2006
(Nhân ngày giỗ tướng Nguyễn Sơn 21/10/1956)
Hà Anh
__________________________________________
1. Trích trong Kim vân Kiều của Nguyễn Du.
2. Câu thơ tôi đọc thấy trong truyện Kiều khúc các tài tử hâm mộ tiếng tăm ca nữ Đạm Tiên khi đến nơi thì Đạm Tiên đã mất.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #69 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2009, 08:50:12 pm »


PHỤ TRANG

Nhận xét của:
•   Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa: Mao Trạch Đông
•   Nhà văn Quân đội Lý Linh, Ban chấp hành Hội Nhà văn Trung Quốc
•   Đỗ Quang Hạnh - Báo Lao động Chủ nhật 01/1994
•   Lão tướng Tôn Nguyên Khởi, Đạo diễn cuốn phim nhiều tập “Bài ca tráng sĩ”.
•   Minh Quang viết cuốn “Nguyễn Sơn vị tướng hoàn thoại”
•   Trích báo Bắc Kinh - Trung Quốc.
•   Nhận xét của Nhà văn Chu Ngọc
•   “Sự rạn nứt trong hàng lãnh đạo Hồng Quân”.
•   Một số bài thơ của Hoàng Trung Thông
•   Bài thơ của Hữu Loan
•   Tài liệu tham khảo
•   Lời bình của nhà thơ Hữu Loan
•   Bài nhạc “Râu bác Sơn” của Trần Đình Xuyên
•   Bài nhạc “Sinh viên Lục quân ca” của Quốc Tài (Hà Anh)
•   Tiểu sử tác giả



TRÍCH ĐOẠN NHẬN XÉT
VỀ TƯỚNG NGUYỄN SƠN


* Mao Trạch Đông, Chủ tịch nước CH Nhân dân Trung Hoa

Khi nghe nhân dân Việt Nam đứng lên đánh bọn thực dân Pháp muốn xâm chiếm nước ta lần thứ II, Hồng Thủy xin Mao Chủ tịch để được trở về Việt Nam tham gia cứu nước.

Mao Chủ tịch cùng Thủ tướng Chu Ân Lai, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh mời Hồng Thủy uống trà trên bàn đá trước nhà hàng bên dòng sông Dịch Thủy, Mao Chủ Tịch ngắm nhìn người chiến sĩ quốc tế, vị chỉ huy ưu tú đã vào sinh ra tử. Ông nói với giọng thân thiết “Tiểu Hồng, chúng tôi đều đồng ý để anh về Việt Nam nơi đó là Tổ quốc của anh, chúng tôi rất hiểu anh. Anh là cán bộ tốt của Hồng quân. Khi về đến Việt Nam anh phải hoà hợp và đoàn kết với cán bộ Việt Nam. Mao Chủ tịch lại còn nói đùa: “Tính cách của Hồng Thủy rất cứng rắn, trong sáng. Biết dùng những cán bộ như thế thì rất tốt như con tuấn mã tung hoành ngàn dặm, nhưng không cẩn thận sẽ bị con tuấn mã đá bằng chân sau”. Nghe Mao chủ tịch nói, các vị tướng lĩnh, các nhà lãnh đạo đều phá lên cười.

* Nhà văn quân đội Lý Linh, Ủy viên Ban chấp hành Hội nhà văn Trung Quốc đánh giá Nguyễn Sơn:

Hồng Thủy là một khối thép không han rỉ trong đói rét cực nhọc không run sợ trước mưa bom lửa đạn, không giận hờn bởi sự hiểu lầm hoặc sự xúc phạm: đanh thép như ngời lên một chân lý sâu xa trong lò luyện của những nghịch cảnh và chà xát, không loại sắt nào có thể tồn tại, còn gang thép vẫn là gang thép, rèn càng nhiều chất thép càng tinh.

* Đỗ Quang Hạnh, Báo Lao động Chủ nhật, tháng giêng năm 1994

Nguyễn Sơn là một vị tướng của hai quốc gia, hiệp sĩ hào hoa thời trận mạc. Mặc dù sinh ra và mất đi tại Hà Nội, nhưng cuộc đời của Nguyễn Sơn lại trải dài trên các nẻo đường Trung Hoa cùng cuộc Vạn Lý Trường Chinh và mặt trận Liên khu 4 thời kháng Pháp. Ngoài những thành tích quân sự Nguyễn Sơn còn được coi là vị tướng Văn hoá, yêu mến và am hiểu văn nghệ. Có lẽ ít ai có một quá khứ hào hùng đến vậy. Đặc biệt vinh dự trong cuốn sách “Những người bạn nước ngoài” của nhà xuất bản Bắc Kinh năm 1993. Nguyễn Sơn được dành riêng những trang trân trọng như M.M. Boradin (chiến sĩ ngoại quốc chiến đấu trong hàng ngũ Hồng quân).

* Lão tướng Tôn Nguyên Khôi đạo diễn cuốn phim nhiều tập “Bài ca tráng sĩ” đã có một tập dành riêng các chiến sĩ quốc tế như BETHUNE, COOCLIVA, Buttion, Hồng Thủy. Ông là bạn của Hồng Thủy nhưng lại tiếc rằng tư liệu về Hồng Thủy trong ống kính ít quá.

* Minh Quang viết cuốn Nguyễn Sơn vị tướng huyền thoại

Tôi sùng ông, coi ông như vị tướng huyền thoại, nên mặc dù ông đã mất đi trên 40 năm, nhưng đi đến đâu dù cán bộ cấp nào hay người dân bình thường ở nơi ông đã đi qua, khi nhắc tới ông đều nói những lời lẽ trân trọng, một niềm thương tiếc. Ông đúng là quân nhân từ nhân dân mà ra “Đi dân nhớ, ở dân thương”.

* Báo chí Bắc Kinh, Trung Quốc

“Trong lịch sử nước Cộng hoà nhân dân Trung Quốc và quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đây là lần đầu tiên Đảng và chính quyền đã phong hàm và tặng huân chương cho người nước ngoài để tỏ lòng biết ơn và kính trọng sự cống hiến vô tư của những chiến sĩ quốc tế đã góp phần cho một nước Trung Hoa hùng mạnh. Nhân dân Trung Quốc đời đời ghi nhớ công ơn của một vị tướng Việt Nam cũng là tướng của Trung Quốc”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM