Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:42:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật những chiến dịch không kích của Mỹ vào Bắc Việt Nam  (Đọc 163896 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #150 vào lúc: 08 Tháng Bảy, 2008, 06:04:54 pm »

  Sử dụng những thành tựu mới nhất của khoa học kỹ thuật và huy động đến mức cao nhất sức mạnh của không lực Hoa Kỳ, đế quốc Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống người dân Việt Nam vô tội chứ không chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự như chúng vẫn biện minh. Bằng việc làm đó, đế quốc Mỹ đã đạt đến đỉnh cao của sự tàn bạo, như nghị quyết hội nghị 40 nước không liên kết họp tại Niu Yoóc ngày 3 tháng 1 năm 1973 đã lên án là "vượt qua bất cứ sự tàn bạo nào mà loài người từng biết đến".

  Đế quốc Mỹ toan tính rằng, bằng sự tàn sát dã man của B52, chúng có thể buộc nhân dân ta phải khuất phục, phải rút bớt mục tiêu trong đàm phán, sửa đổi lại văn bản hiệp định có lợi cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Bản chất và âm mưu của đế quốc Mỹ qua chiến dịch tập kích B52 được Giắc Ri-xơn, một nghị sĩ Thụy Điển khái quát khá đầy đủ: "Đến nay, tất cả mọi người đều thấy rõ Ních-xơn không tôn trọng lời hứa, từ chối không ký bản Hiệp định mà ông ta đã chấp nhận hồi tháng 10. Ních- xơn khi thấy không thể giành được trên bàn hội nghị những điều Mỹ đã mất trên chiến trường thì một lần nữa lại đi theo "giải pháp" quân sự. Thực tế Ních-xơn bằng cách leo thang trong cuộc chiến tranh không quân, lần đầu tiên dùng máy bay B52 đánh phá Hà Nội hòng buộc Hà Nội nhận điều kiện hòa bình của Mỹ, buộc nhân dân Việt Nam thừa kiện hòa bình của Mỹ, buộc nhân dân Việt Nam thừa nhận việc Mỹ kiểm soát miền Nam Việt Nam bằng cách giết hại vô vàn dân thường và phá hủy tất cả những gì chúng chưa phá hủy hết".
 
  Nếu đế quốc Mỹ thành công trong cuộc tập kích bằng B52 thì hậu quả thật khôn lường. Báo Pháp Nhân đạo viết: "Tấn thảm kịch Việt Nam đang trải qua cho ta hương vị của cái mà trái đất chúng ta sẽ nếm trải nếu nước đế quốc mạnh nhất đặt được nền thống trị độc tôn của nó!”.

  Thế nhưng, "thần tượng B52" - con át chủ bài trong bộ ba chiến lược của đế quốc Mỹ đã phải sụp đổ trước ý chí kiên cường và trí tuệ thông minh tuyệt vời của dân tộc Việt Nam. Chỉ trong 12 ngày đêm, lưới lửa phòng không dày đặc của ta đã xé tan xác 81 máy bay của giặc Mỹ, trong đó "siêu pháo đài bay" B52 là 34 chiếc, F111 - 5 chiếc và 42 máy bay chiến thuật khác. Theo các tài liệu quân sự Mỹ, trong chiến dịch này, tỉ lệ máy bay rơi đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay (25%), khiến các nhà quan sát quân sự Mỹ phải thú nhận: "Cứ cái đà mất máy bay, người lái này và nếu Mỹ còn tiếp tục ném bom thì chỉ đến ngày 28 tháng 4 năm 1973 toàn bộ lực lượng không quân chiến lược Mỹ ở vùng Đông Nam Á sẽ hết nhẵn".
 
  Cuộc tập kích đường không bằng B52 của Mỹ đã thất bại thảm hại. Tin máy bay B52 bị bắn rơi, giặc lái bị diệt từ Việt Nam dội về Oa-sinh-tơn như cú sét giáng xuống Nhà Trắng và Lầu Năm Góc khiến Ních-xơn choáng váng, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Bộ chỉ huy không quân chiến lược Mỹ rụng rời. Kết quả rõ nhất mà Mỹ thu được sau cuộc tập kích là uy tín của Mỹ trên trường quốc tế bị giảm sút, thanh danh nước Mỹ bị bôi nhọ. Liên đoàn thế giới các nhà khoa học cho rằng "các cuộc ném bom khủng bố kinh tởm xuống các vùng đông dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã bôi nhọ thanh danh nước Mỹ". Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mỹ G. Hôn nhận định: "Kết quả việc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam là uy tín của Mỹ trên thế giới tụt xuống mức thấp chưa từng có. Phản ứng trên khắp thế giới sẽ càng thêm gay gắt". Trước những hành động tội ác của đế quốc Mỹ, Đảng xã hội Áo yêu cầu "Chính phủ Mỹ hãy chấm dứt lập tức những cuộc ném bom giết người này đối với một nước nhỏ đã được thử thách bằng một cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm, hãy ký kết hiệp định ngừng bắn". Trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản cho rằng: "Trong lúc tình hình Việt Nam đang đứng trước một cục diện mới nghiêm trọng do chính quyền Ních-xơn mở rộng chiến tranh xâm lược, việc khẩn cấp và quan trọng đối với tất cả các lực lượng chống đế quốc, bảo vệ hòa bình và dân chủ trên thế giới là lên án những hành động dã man của Ních-xơn, đòi đình chỉ tất cả những hành động xâm lược, tăng cường vô điều kiện và đến mức tối đa sự giúp đỡ về chính trị, về vật chất mang tính nhân đạo đối với nhân dân Việt Nam. Đó là vấn đề chung quốc tế số một quan trọng nhất, cấp bách nhất, hơn bất cứ vấn đề nào khác".

  Đối với nhân dân Việt Nam, cuộc ném bom bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ chẳng những không gây ra được "một làn sóng chống cự, phản đối chính phủ” trong nhân dân Việt Nam như Ních-xơn và Thiệu mong muốn mà trái lại, còn "có khuynh hướng làm tăng thêm tinh thần của nhân dân Việt Nam hơn là làm giảm lòng tin của họ vào các nhà lãnh đạo", như hãng tin Pháp AFP nhận xét. Nếu như trước khi mở cuộc tập kích chiến lược "Lai-nơ-bếch-cơ II", Mỹ tin rằng nhân dân Việt Nam sẽ phải kinh hoàng mà khuất phục thì nay chính chúng lại bàng hoàng lo sợ trước ý chí quyết thắng của dân tộc ta.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #151 vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2008, 04:05:15 pm »

“PHÁO ĐÀI BAY” B52 TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM QUA CÁC NGUỒN SỬ LIỆU


Trung tá Chu Văn Tùng, Thiếu tá Trần Thị Tuyết
Viện lịch sử quân sự Việt Nam

  Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, cùng với nhiều loại vũ khí và phương tiện chiến tranh hiện đại khác "pháo đài bay" B52 đã được phía Mỹ sử dụng như một con át chủ bài để đánh đòn chiến lược. Đây là một trong "bộ ba" vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa hạt nhân, tàu ngầm nguyên tử và máy bay chiến lược B52) mà về nguyên tắc, sẽ chỉ được đem vào sử dụng trong những cuộc chiến tranh tổng lực, nhằm đánh đòn hạt nhân vào đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô - Trung Quốc. Thế nhưng, do thất bại liên tiếp trong "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam, công cụ ném bom chiến lược này đã được Mỹ đem ra sử dụng lần đầu tiên trong vài trò chiến thuật trên chiến trường Việt Nam. Với sự gia tăng của chiến tranh, loại máy bay ném bom chiến lược này sẽ ngày càng được Mỹ sử dụng ồ ạt hơn, đặc biệt là từ những năm Mỹ thực hiện chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh".

  Từ giữa năm 1964, Mỹ đã chọn đảo Gu-am (Mỹ) và U-ta-pao (Thái Lan) làm căn cứ xuất phát của máy bay chiến lược B52. Trong cuốn: Choronique de L’Aviation xuất bản tại Pa-ri năm 1991, từ căn cứ Gu-am, lần đầu tiên 27 máy bay B52 đã ném bom nhiều vị trí của Việt cộng ở Bến Cát, cách Sài Gòn 50 km... và việc sử dụng máy bay B52 đã chỉ rõ rằng Mỹ muốn sử dụng tất cả các phương tiện hiện đại có thể có vào cuộc chiến trên chiến trường Việt Nam". Trong trận đánh ở Ia Đrăng (PLây Me) tháng 11 năm 1965, Mỹ đã dùng B52 ném bom yểm trợ chiến thuật cho lữ đoàn 3 đang bị ta tiến công.

  Máy bay B52 cũng đã được Mỹ sử dụng không chỉ trên chiến trường miền Nam mà ngay cả ở miền Bắc như một công cụ đắc lực hòng uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta. Ở miền Bắc, ngày 12 tháng 4 năm 1966, máy bay B52 lần đầu tiên ném bom khu vực đèo Mụ Giạ, thuộc tỉnh Quảng Bình. Bằng sức mạnh của "không lực Hoa Kỳ", trong đó có cả máy bay ném bom chiến lược B52, Mỹ tin rằng sẽ nhanh chóng tàn phá miền Bắc, đưa Bắc Việt Nam trở lại "thời kỳ đồ đá" buộc miền Bắc phải ngừng chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và chấp nhận các điều kiện đàm phán do Mỹ đưa ra.
 
  Trong những năm 1965, 1966 không quân Mỹ đã giội xuống miền Bắc một khối lượng bom đạn khổng lồ. Bước vào năm 1967, không quân Mỹ tập trung đánh phá dữ dội 6 hệ thống mục tiêu trên miền Bắc là: điện lực công nghiệp, giao thông, kho dự trữ nhiên liệu, sân bay và các trận địa phòng không, các cơ sở dân sự khác. Tháng 2 năm 1967, Glôn-xơn chuẩn y đề nghị của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho phép mở rộng phạm vi đánh phá trong khu vực Hà Nội, Hải Phòng, tiến hành rải mìn trên các luồng sông, cửa biển; dùng không quân khống chế gắt gao khu vực ven biển từ vĩ tuyến 17 đến vĩ tuyến 20. Mày bay B52 và pháo bính từ bờ nam sông Bến Hải đã đánh phá dữ dội khu vực Hồ Xá, Vĩnh Linh. Theo tính toán của một số tác giả Mỹ, đến cuối năm 1967, Mỹ đã ném xuống miền Bắc Việt Nam 1.630.000 tấn bom, nhiều hơn khối lượng bom đạn Mỹ ném xuống châu Âu, gấp hai lân khối lượng  bom ném xuống Triều Tiên, gấp ba lần số bom ném xuống chiến trường Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Mật độ bom đạn Mỹ giội xuống hai miền Nam - Bắc Việt Nam thời kỳ này dày đặc đến mức trung bình mỗi đầu người dân Việt Nam - kể cả đàn bà, trẻ em, phải chịu đứng 50 kg thuốc nổ.

  Đầu năm 1967, sân bay U-ta-pao được khẩn trương nâng cấp. Theo tính toán của Mỹ thì căn cứ này gần Việt Nam, rất thuận tiện cho các tốp máy bay B52 hoạt động mà không cần tiếp nhiên liệu trên không. Đồng thời, do cự ly giữa căn cứ với khu vực hoạt động của máy bay B52 gần nên cường độ xuất kích sẽ cao hơn, khả năng tiếp vận sẽ nhanh và nhiều hơn.

 

B52 tại sân bay Utapao.

  Đến tháng 8 năm 1967, cùng với sự gia tăng của không quân chiến thuật trên vùng trời miền Bắc, đế quốc Mỹ đã huy động máy bay chiến lược B52 ở mức độ cao hơn. Có những thời điểm, hoạt động của B52 lên đến trên 100 lần/chiếc trong ngày và 1.200 lần chiếc/tháng. Bước sang năm 1968, vào lúc chiến dịch vây hãm Khe Sanh đang lên tới đỉnh cao thì cường độ xuất kích của B52 đạt tới 1.800 lần chiếc/tháng. Tính ra, "Mỹ đã huy động khoảng 31% toàn bộ lực lượng không quân chiến thuật, 30% máy bay B52, 43% tàu chở máy bay chiến đấu của quân đội Mỹ vào chiến tranh Việt Nam".

  Với một lực lượng lớn không quân chiến thuật và không quân chiến lược như vậy, những tháng cuối năm 1968, hoạt động của máy bay Mỹ gia tăng cả về quy mô lẫn cường độ ở miền Nam Việt Nam. Đối với miền Bắc, không quân Mỹ tập trung đánh phá dữ dội vùng "cán xoong". Theo thống kê của tỉnh Quảng Bình, "từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, địch đã huy động 79.000 lần chiếc máy bay chiến thuật và máy bay B52, 4.596 lần chiếc tàu tuần dương khu trục hạm (kể cả thiết giáp hạm Niu -giơ- di trang bị pháo 406mm) đánh vào Quảng Bình... Quý I năm 1969, địch sử dụng 36 lần chiếc máy bay B52".

  Mặc dù đã sử dụng đến mức cao sức mạnh của cả lục quân , không quân và hải quân nhưng sau gần 4 năm tiến hành "chiến tranh cục bộ" tất cả các mục tiêu chiến lược mà Mỹ dự tính ban đầu đã không thực hiện được Ngược lại, Mỹ đã phải hao người, tốn của trên cả hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Nhưng điều quan trọng hơn lại là ở chỗ: lần đầu tiên trong lịch sử 200 năm nước Mỹ, quân đội Mỹ có nguy cơ bị đánh bại trên chiến trường Việt Nam. Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 đã phơi bày sự thất bại về quân sự, chính trị của Mỹ trong cuộc chiến tranh này. Bởi vậy, ngày 31 tháng 10 năm 1968. Tổng thống sắp mãn nhiệm Giôn-xơn buộc phải công khai tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam . .
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Bảy, 2008, 03:38:20 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #152 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 03:36:07 pm »

  Trong những năm 1969-1972, cùng với quá trình rút dần quân Mỹ về nước, chính quyền Ních-xơn đã sử dụng không quân như một công cụ chiến lược để thực hiện "Việt Nam hóa chiến tranh" nhằm tiếp tục mục tiêu bám giữ miền Nam Viết Nam - một mục tiêu mà khi còn 50 vạn quân chiến đấu trên bộ ở miền Nam, Mỹ đã không sao thực hiện được. Một điều dễ hiểu là vì sao, ngay từ những ngày đầu bước chân vào Nhà Trắng, Ních-xơn đã không ngớt đưa ra những lời đe dọa: "Nếu Bắc Việt Nam không chịu đàm phán theo các điều kiện của Mỹ thì sẽ phải đứng trước khả năng bị xóa sạch bằng những cuộc tấn công ném bom tăng cường bằng B52 vô cùng ác liệt!".

  Tại miền Nam Việt Nam và Lào, hoạt động của không quân chiến thuật, không quân chiến lược Mỹ cũng ngày càng gia tăng. Theo cuốn The Vietnam War xuất bản tại Mỹ năm 1989 thì, đến "giữa tháng 6 năm 1969, các hoạt động của B52 trên đường mòn Hồ Chí Minh ở Nam Lào đã tăng lên 5.567 lần/chiếc, so với năm 1968 chỉ có 3.377 lần/chiếc. Theo các quan chức Lầu Năm Góc thì "máy bay chiến lược B52 không lâu nữa sẽ được phép ném bom miền Bắc Việt Nam kể từ khi có lệnh ngừng bắn (11-1968)". Cũng cuốn sách này cho biết: ngày 21 tháng 9 năm 1969, 35 chiếc B52 thả hơn 1.000 tấn bom vào một số khu vực dân cư của miền Bắc Việt Nam.
 
  Cuối năm 1969, địch tăng cường các cuộc tấn công bằng B52 vào các cửa khẩu hòng ngăn chặn sự tiếp tế của máy bay cho chiến trường miền Nam.

  Theo thống kê của ngành vận tải quân sự, "chỉ tính từ tháng 10 năm 1969 đến tháng 1 năm 1970, địch đã huy động 10.546 lần máy bay, trong đó có 672 lần/chiếc B52, ném 72.174 quả bom các loại xuống các vùng cửa khẩu đường 12, đường 20 và đường 18". Trong cuốn Lời phán quyết về Việt Nam G. A. Am-tơ viết: "Từ cuối năm 1970-1971, Mỹ đã giội gần 5 triệu tấn bom xuống Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào, nhiều gấp hai lần so với tổng số bom đã được ném xuống trong chiến tranh thế giới thứ hai. Tính riêng trong năm 1970, 600.000 tấn bom đã được thả xuống ở chiến trường Việt Nam, vượt xa số bom được ném xuống trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. . . Một mình các cuộc tiến công của B52 đã tốn trên một triệu đô-la mỗi ngày và mức tàn phá ở Đông Nam Á vượt quá 20 triệu hố bom và số người chết dân sự nhiều không kể xiết". Từ đầu năm 1971, "máy bay B52 đã được sử dụng một cách tối đa trong chiến dịch "Lam Sơn - 719", trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh" để yểm trợ cho quân ngụy trong các cuộc hành quân.

  Càng thua đau trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ càng tăng cường leo thang đánh phá miền Bắc, trong đó, máy bay B52 được sử dụng ngày càng thường xuyên hơn và hoạt động với quy mô, cường độ ngày càng lởn hơn. Ngày 10 tháng 2 năm 1972, một số phi vụ B52 đã được thực hiện trên bầu trời thành phố Vinh. Từ ngày 14 tháng 4 năm 1972, B52 mở các cuộc oanh tác vào các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế từ vĩ tuyến 17 đến sát phía nam Hà Nội. Theo cuốn "The Vietnam War", "ngày 16 tháng 4 năm 1972, lần đầu tiên Mỹ sử dụng B52 đánh vào cả Hà Nội và Hải Phòng... 18 máy bay B52 đã đánh phá các kho vũ khí gần cảng Hải Phòng. 60 máy bay ném bom vào các kho dự trữ xăng dầu gần Hà Nội vào các buổi chiều. Oa-sinh-tơn đã chỉ rõ Mỹ sẽ ném bom vào các mục tiêu quân sự ở hầu hết mọi nơi ở Việt Nam". . .

  Theo thống kê của Bộ chỉ huy quân sự thành phố Hải Phòng, "trong ba đợt đánh phá bắt đầu từ 1 giờ 30 đêm 15 rạng ngày 16 đến chiều ngày 16 tháng 4 năm 1972, địch đã huy động 20 lần/chiếc máy bay chiến lược B52, 170 lần/chiếc máy bay cường kích chiến thuật, 4 tàu tuần dương và khu trục, ném hàng trăm tấn bom, bắn hàng ngàn quả đại bác, tên lửa, tàn phá hơn một nửa diện tích nội thành, thị trấn Đồ Sơn và 6 xã ven biển huyện Kiến Thụy, An Hải (Hải Phòng)".

  Những ngày tiếp theo, địch liên tiếp sử dụng B52 đánh phá miền Bắc nước ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 700 phi vụ B52 đã được thực hiện. Trên chiến trường miền Nam, với mục tiêu đánh chiếm tỉnh Quảng Trị, ngày 18 tháng 6 năm 1972, Mỹ đã huy động hàng trăm chiếc B52 rải thảm, tăng cường 10.000 quân lính thủy đánh bộ và lính dù, mở cuộc tấn công hòng đánh bật ta khỏi các vị trí đang chiếm giữ ở Quảng Trị, đồng thời không quân địch liên tiếp giội bom ác liệt xuống khu vực Quảng Bình, Vĩnh Linh nhằm chặn đứng sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Thế nhưng những nỗ lực tối đa này của Mỹ, ngụy trên cả hai miền Nam, Bắc vẫn không đưa lại hiệu quả như chúng mong đợi.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #153 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 07:31:08 pm »

  Trước sự thất bại nặng nề trên các chiến trường và bị phản ứng kiên quyết của ta tại bàn đàm phán, đế quốc Mỹ quyết định đánh một đòn chiến lược vào miền Bắc bằng việc mở cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng hy vọng rằng sử dụng B52 sẽ gây sức ép rất mạnh, buộc ta phải nhượng bộ, chấp nhận một số đòi hỏi vô lý, thậm chí là ngang ngược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. "Tổng thống Ních-xơn đã ra lệnh tiến hành chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972, dưới tên gọi Lai-nơ-bếch-cơ II với mục đích là đưa cuộc đàm phán hòa bình ở Pa-ri đi đến kết thúc". Để đạt được mục đích đó, như tác giả cuốn Lời phán quyết về Việt Nam đã cho thấy: "Trong 12 ngày đêm (từ ngày 18 đến  ngày 30 tháng 12 năm 1972), Mỹ đã ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam". Tài liệu của Quân chủng Phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam viết: “trong chiến dịch 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động tới 193 máy bay B52 toàn nước Mỹ, xuất kích tới 663 lần chiếc, tập trung chủ yếu vào khu vực Hà Nội tới 444 lần chiếc. . . Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng cả một biên đội F-111 (khoảng 50 chiếc) xuất kích mỗi đêm từ 10 đến 25 lần chiếc, hoạt động xen kẽ giữa các lần đánh của B52. Đồng thời Mỹ cũng đã huy động tới 1.000 máy bay chiến thuật của không quân và hải quân ở các căn cứ Thái Lan và 6 tàu sân bay ngoài biển Đông, xuất kích tới 3.920 lần/chiếc để bảo vệ B52 đánh sân bay, các trận địa phòng không và các mục tiêu của ta". Có những đêm, Mỹ đã thực hiện tới 105 phi vụ B52. Riêng trên vùng trời Hà Nội, chúng ta đã sử dụng tới 66% các phi vụ, "Không quân Mỹ đã ném gần 100.000 tấn bom xuống 140 mục tiêu lớn nhỏ (riêng B52 đánh 64 mục tiêu) bằng sức công phá của 5 quả bom nguyên tử đã ném xuống Hi-rô-si-ma". Gần đây, cuốn Encyclopedia of the Vietnam War đưa ra một vài con số liên quan tới chiến dịch tàn bạo này của Mỹ. Theo đó, "từ ngày 18 đến ngày 29 tháng 12 năm 1972, B52 đã ném 17.000 tấn bom xuống Hải Phòng và Hà Nội, làm 1.300 người bị chết... Năm 1972, bom Mỹ đã ném xuống miền Bắc với số lượng lớn hơn nhiều so với thời gian từ năm 1965 đến năm 1968. Chỉ riêng các cuộc oanh tạc trong tháng 12 năm 1972 đã có tới 40.000 tấn bom được ném xuống Hà Nội, và 15.000 tấn bom được ném xuống Hải Phòng". Theo nhận định của tác giả cuốn sách này, "do có sự chuẩn bị trước và tài mưu lược của các vị lãnh đạo Bắc Việt Nam", nên cuối cùng, chiến dịch tập kích vào Hà Nội, Hải Phòng của đế quốc Mỹ bị đánh bại hoàn toàn. Thực tế lịch sử đã xác nhận, ngay từ những năm 1965, khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh phá miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội". Bởi vậy, ngay từ những ngày đó, chúng ta đã tập trung tìm hiểu, nghiên cứu cách đánh loại máy bay hiện đại này của không quân chiến lược Mỹ. Đến tháng 5 năm 1966, theo chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, "Quân chủng phòng không - Không quân đã tổ chức một trung đoàn tên lửa cơ động phục kích, trực tiếp nghiên cứu, đánh B52 tại chiến trường Vĩnh Linh" để rút kinh nghiệm. Như vậy, "Chúng ta đã chuẩn bị trận "Điện Biên Phủ trên không" từ rất sớm. . . Bản kế hoạch đánh B52 ngày 27 tháng 2 năm 1968 có được chính là dựa trên cơ sở bản báo cáo kinh nghiệm đánh B52 dày 38 trang của đoàn công tác B do đồng chí Hoàng Văn Khánh làm trưởng đoàn từ Vĩnh Linh mang về”. Bản kế hoạch này thực chất là một tài liệu nghiên cứu về cách đánh B52. Qua nhiều lần bổ sung, hoàn chỉnh và kiểm nghiệm trên thức tế, bản kế hoạch đó được xáy dựng thành tài liệu "Cách đánh B52" - một tài liệu chính thức hướng dẫn cách đánh máy bay B52 cho toàn quân chủng.
 
  Với quyết tâm "Kiên quyết không để bị bất ngờ, kiên quyết bắn rơi tại chỗ máy bay chiến lược B52" cùng với ý chí "Quyết tử cho Hà Nội quyết sinh" của toàn Đảng, toàn quân và dân ta, 34 "pháo đài bay" B52 của đế quốc Mỹ đã bị phơi xác trong cuộc tập kích chiến lược đường không tháng 12 năm 1972. Nhìn lại toàn bộ cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ, có thể khẳng định rằng: trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối năm 1972, ta đã hoàn toàn chủ động bước vào cuộc đọ sức quyết liệt với một lực lượng lớn không quân chiến lược của Mỹ. Trong cuộc đọ sức đó, như các nguồn sử liệu đã chứng tỏ, quân và dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt, làm thất bại các mục tiêu chiến dịch, chiến lược mà phía Mỹ đặt ra cho con "át chủ bài" B52.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #154 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2008, 07:38:53 pm »

VÀI NÉT VỀ PHI CÔNG MỸ BỊ BẮT Ở BẮC VIỆT NAM


Nguyễn Li

  Người tù binh Mỹ đầu tiên ở Bắc Việt Nam là trung úy hải quân Evơrét Anvarê. Máy bay chiến đấu của Anvarê là một trong hai chiếc bị bắn rơi ngày 5 tháng 8 năm 1965, sau khi ném bom cảng Hải Phòng, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Giônxơn, sau vụ Vịnh Bắc Bộ.
 
  Cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân của Mỹ trên miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Những vụ ném bom miền Bắc leo thang nhanh chóng, bình quân - khoảng 70 lần chiếc/ngày. Số máy bay bị bắn rơi ngày càng nhiều. Phi công Mỹ tiếp tục vào nhà tù ở Bắc Việt Nam. Cuối năm 1965, đã có 61 tù binh Mỹ "may mắn" được vào nhà tù Bắc Việt Nam.

  Trong năm 1966, đã tăng lên 223 lần chiếc bay đi ném bom miền Bắc Việt Nam trong một ngày. Máy bay Mỹ bị bắn rơi ngày càng nhiều hơn, trung bình cứ 10 ngày có 8 chiếc. Trong năm 1966, lại có thêm 86 phi công Mỹ được đưa về "khách sạn vỡ tim", một bộ phận của nhà tù Hỏa Lò Hà Nội.

  Vào cuối năm 1967, những cuộc oanh tạc trên miền Bắc đã tăng lên 300 lần chiếc/ngày và hầu như ngày nào cũng có máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và những nơi khác.
 
  Vào cuối năm 1968, lúc Tổng thống Mỹ Giônxơn ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam (31-10-1968), đã có tất cả 927 phi công Mỹ chết, 536 bị bắt làm tù binh và 917 người Mỹ mất tích trong lúc hành sự.

  Những phi công Mỹ nhảy dủ, phần lớn bị thương, bị gãy tay, gãy chân. . . Nếu không chết, họ đều được miền Bắc cứu chữa. Có người lẩn trốn được, không bị bắt ngay lúc nhảy dù xuống đất. Nhưng rồi lại bị bắt sau vài tuần chui lủi. Ví như đại tá Gioóc Êdê, 40 tuổi, là phi công lái chiếc F100, bị bắn rơi ngày 26 tháng 8 năm 1967, tay phải bị gãy ba chỗ, đầu gối bị trẹo xương, nhưng Gioóc đã cố gắng để vượt qua khu phi quân sự, lội qua những cánh đồng lúa, băng qua rừng rậm và sau 12 ngày thì bị bắt.

  317 người Mỹ bị cầm tù năm 1970 được đưa đến Hỏa Lò, là lúc họ đang ở tuổi thanh xuân của cuộc đời, trung bình là tuổi 32. Trong số này có 85% đã bay trên 15 phi vụ vào miền Bắc.

  Trung tá Risớc Pôkiếc bị bắn rơi ngày 24 tháng 7 năm 1965, là phi công của Bộ Chỉ huy không lực thứ 7, bị bắt ở Việt Nam. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Pôkiếc là phi công lái máy bay B17, bị bắn rơi trong nhiệm vụ đầu tiên ở nước Đức Hít le, bị cầm tù 9 tháng.
Khi sang Việt Nam, Pôkiếc lái máy bay F-105 và bị bắn  rơi ngày thứ ba khi đến Đông Nam Á.

  Trung tá Rôbinxơn Raixnơ của không lực Hoa Kỳ, bị bắt ngày 16 tháng 9 năm 1965, khi lái chiếc F-105 trên miền Bắc Việt Nam. Raixnơ là một ngôi sao trong chiến tranh Triều Tiên với 109 phi vụ chiến đấu, được Mỹ công nhận là đã hạ tám MIC. Nhưng đến Việt Nam trong vòng 6 tháng với 5 chuyến bay thì bị bắn rơi. Rai xơ đã cố bay ra biển và được máy bay SA-16 cứu thoát, được báo chí Mỹ in ảnh ca ngợi. Thế nhưng, báo chí Mỹ, sau đó lại không đưa tin Rai xơ tiếp tục bay ra miền Bắc và lại bị bắn rơi. Và lần này thì Rai xơ được nhà tù Bắc Việt Nam cứu sống. Rai xơ là tù binh nhiều tuổi nhất và sống 7 năm rưỡi trong nhà tù Bắc Việt Nam.
 
  Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc Việt Nam lần thứ hai và trong 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972, trong "khách sạn Hintơn - Hà Nội", đã có thêm nhiều tù binh Mỹ. Và thế là đã có đủ mặt những phi công máy bay chiến thuật và phi công B52, đeo huy hiệu SAC (Bộ Chỉ huy không quân chiến lược).

  Đầu năm 1973, sau hiệp định Pa ri về Việt Nam, tất cả tù binh Mỹ này ra khỏi "khách sạn Hintơn Hà Nội" để trở về Mỹ: Ngày 12 tháng 2 năm 1973, tại sân bay Gia Lâm - Hà Nội, 116 quân nhân Mỹ được Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa trao trả cho phía Mỹ trong đợt đầu tiên.


Tù binh phi công Mỹ được trao trả - Ảnh của bác tuaans post bên ttvnol.

  Ngày 14 tháng 3 năm 1973, lại 106 quân nhân Mỹ được trao trả. Mười ngày sau, 14 tháng 3 năm 1973, 107 quân nhân và 1 nhân viên dân sự Mỹ lên đường về nước.

  Đợt cuối cùng trao trả diễn ra ngày 19 tháng 3 năm 1974. Người cuối cùng từ giã sân bay Gia Lâm là thiếu tá Hải quân Anphơrết Ácniu, 33 tuổi quê ử bang Ilinoi, Ácniu lái chiếc máy bay RA-5C đi trinh sát tìm kiếm những tên lái B52 có thể còn sống sót ở vùng rừng núi phía Tây Bắc Hà Nội. Nhưng máy bay của Ácniu bị bắn cháy và hắn bị bắt ở Hà Tây sáng ngày 30 tháng 12 năm 1972.
 
  Chiếc máy bay sơn trắng C-14 của Mỹ cuối cùng mang số hiệu 50. 238 cất cánh khỏi sân bay Gia Lâm vào 15 giờ 20 phút ngày 19 tháng 3 năm 1973, trả về cho Níchxơn "những người khách không mời mà đến" của "khách sạn Hiltơn - Hà Nội".
 
  Tổng cộng có 511 người Mỹ, trong đó có 503 quân nhân và 19 dân sự được trở về nước. Đó là những bằng chứng biết nói về thất bại sâu cay của con chủ bài không quân Mỹ trên đất Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #155 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2008, 06:34:37 pm »

MỘT SỐ MÁY BAY MIG VÀ PHI CÔNG TIÊU BIỂU

  1. Mig -21 F-13 4420: Phi công là Nguyễn Ngọc Độ thuộc đoàn không quân Sao Đỏ (đoàn 921).
 
  2. Mig -21 F-13 4520: Phi công là Phạm Thanh Ngân, cũng thuộc đoàn không quân Sao Đỏ. Hai phi công này đã bắn rơi máy bay do thám RF-101C của Mĩ vào ngày 16/09/1967. Chiến công đầu tiên của Mig -21 cũng là bắn rơi máy bay do thám nhưng là loại không người lái Ryan Firebee của phi công Nguyễn Hồng Nhị vào ngày 04/03/1966. Không rõ số hiệu máy bay của Nguyễn Hồng Nhị nhưng đây cũng là loại Mig-21 F-13. Hiện nay chiếc 4520 đang được trưng bày tại bảo tàng Thái Nguyên.

  3. Mig -21 PFE(PF/PFV) 4128: Không có thông tin về phi công hay lái chiếc này. Chiếc này nằm trong phi đội Mig-21 PF đầu tiên tới Việt Nam vào tháng 04/1966.
 
  4. Mig -21 PF 4324 (14 sao): Phi công là Nguyễn Đăng Kỉnh thuộc đoàn không quân Sao Đỏ. Chiếc này được sử dụng bởi 9 phi công khác nhau, và đã bắn rơi 14 máy bay trong khoảng thời gian 11/1967 tới 05/1968.

  5. Mig-21 PF 4326 (13 sao): Phi công là Nguyễn Văn Cốc cũng thuộc đoàn Sao Đỏ. Đây là phi công có nhiều chiến công nhất với 9 kills(1). Phi công nổi tiếng Nguyễn Văn Bảy có 7 kills nhưng ông chỉ sử dụng Mig-17, loại lạc hậu hơn nhiều so với Mig-21. Hiện nay chiếc 4326 đang được trưng bày tại Bảo tàng Phòng không, sân bay Bạch Mai, Hà Nội.

  6. Mig -21 PFM 5015: Không có thông tin về phi công. Điều đặc biệt là chiếc này được ngụy trang bằng màu xanh lá cây nhạt và đậm; chiếc này hoạt động ở các sân bay phía nam. Lý do là để tránh sự phát hiện của máy bay do thám Mĩ. Chiếc này cũng thuộc đoàn không quân Sao Đỏ.
 
  7. Mig-21 PFM 5020 (12 sao): Phi công là Nguyễn Tiến Sâm. Máy bay này thuộc đoàn không quân Lam Sơn (đoàn 927). Ngoài phi công này, 3 "át" khác cũng từng sử dụng chiếc này là Lê Thanh Đạo, Nguyễn Đức Soát và Nguyễn Văn Nghĩa. Chiếc này đang được trưng bày tại Bảo tàng' Không quân Hà Nội, bên cạnh Mig-21 MF 5121 (8 sao) của Phạm Tuân.
 
  8. Mig-21 PFM 5033 (3 sao): Phi công Trần Việt thuộc đoàn Sao Đỏ. Phi công này đã ghi được hai chiến công cuối cùng (được Mĩ công nhận) của Không quân Việt Nam đối với máy bay Mĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Ngày 27/12/1972, phi công này đã bắn rơi 3 F-4 trong khi Mĩ chỉ công nhận hai chiếc bị Mig -21 bắn rơi.

  9. Mig-21 PFM 5040: Phi công Lê Thanh Đạo, đoàn không quân Lam Sơn. Điểm đặc biệt của chiếc này là được sơn nguy trang toàn bộ bằng màu xanh đậm.

  10. Mig-21 PFM 5066: Không có thông tin về phi công. Lúc đầu máy bay phục vụ trong đoàn Sao Đỏ với màu metal bình thường; sau đó được chuyển về đoàn Lam Sơn với màu sơn nguy trang bằng cách sơn đè màu xanh lá cây đậm lên trên lớp natural metal ở một số chỗ, không sơn phủ toàn bộ như 5040. Chiếc này từng đánh chặn (intercept) một chiếc B-52 vào ngày 13/04/1972 trên bầu trời Thanh Hoá. Đồng thời không có thông tin nào về hoạt động quân sự của Mig-21 PFM 5071 trong cuộc kháng chiến.

  11. Mig-21 PFM 6122: Chiếc này thuộc đoàn Lam Sơn, sau khi giải phóng miền Nam, toàn bộ Mig-21 PFM còn sử dụng được điều chuyển về cho đoàn 372 (Hải Vân ) tại Đà Nẵng. Chiếc này của quân đội Xô Viết được sơn nguy trang theo kiểu của khối Vác-sa-va trước khi đến Việt Nam. Màu sơn nguỵ trang này không thay đổi, chỉ có số hiệu máy bay và huy hiệu được thay đổi theo không quân Việt Nam. Chiếc này đang được trưng bày tại bảo tàng của sân bay Đà Nẵng.
-----------------------------
(1) Hạ gục đối thủ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #156 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2008, 06:35:10 pm »

* Chiến công đầu tiên của Không quân Việt Nam do Trung đoàn không quân vận tải 919 lập. Đêm 15 tháng 2 năm 1965, chiếc máy bay T28 (thu được do một phi công phản chiến hạ cánh xuống sân bay Bạch Mai) do Nguyễn Văn Ba làm lái chính, Lê Tiến Phước làm lái phụ bắn rơi tại chỗ một chiếc máy bay C123 của Mỹ gần biên giới Việt-Lào. Nguyễn Văn Ba đã được tuyên dương Anh hùng lực lượng vù trang nhân dân vào tháng 8 năm 1995.

  * Trận không chiến đầu tiên của Mig-17 là vào ngày 3 tháng 4 năm 1965, tại trận đánh bảo vệ cầu Đò Lèn, Thanh Hóa với phi đội 4 chiếc Mig-17 đã tấn công vào đội hình máy bay A-4D và F-8 mang bom của Hải quân Hoa Kỳ. Hai chiếc F-8 Crusaders đã bị bắn trúng nhưng không rơi tại chỗ mà cố chạy được ra biển. Ba chiếc Mig-17 về hạ cách an toàn, một chiếc của phi đội trưởng Phạm Ngọc Lan hết dầu phải hạ cánh xuống bãi sông Đuống.
 
  * Trận đánh tiếp theo diễn ra ngay hôm sau với 3 phi đội cất cách, trong đó có 2 phi đội nghi binh và bảo vệ, một phi đội công kích thẳng vào tốp F-105 mang bom tấn công cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa do Thiếu tá Frank Bennett dẫn đầu. Phía Mỹ có 2 chiếc F-105 bị Mig-17 bắn trúng. Chiếc do Đại úy James Magnusson lái rơi trên đường thoát ra biển, chiếc do Thiếu tá Frank Beunett rơi khi hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Đà Nẵng. Cả hai phi công đều chết. Phía Không quân Việt Nam mất 3 chiếc Mig. Một chiếc do Lê Minh Huân lái rơi gần bờ biển Sầm Sơn, gần xác chiếc F-105 do chính anh bắn hạ. Hai chiếc còn lại do Phạm Giấy và Trần Nguyên Năm lái, bị rơi ở gần khu vực cầu Hàm Rồng. Cả 3 chiếc đều không có ghi nhận nào bị bắn rơi từ phía Mỹ. Một chiếc duy nhất còn lại, do phi đội trưởng Trần Hanh lái và cũng là chiếc đã bắn hạ Thiếu tá Frank Bennett, hết dầu và hỏng la bàn nên phải hạ cánh xuống lòng một con suối cạn thuộc bản Ké Tằm, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

  * Chiến công đầu tiên của Mig-21 là bắn rơi máy bay do thám không người lái Ryan Firebee của phi công Nguyễn Hồng Nhị vào ngày 4 tháng 3 năm 1966. Không quân Việt Nam ghi nhận có 3 trường hợp Mig-21 tấn công pháo đài bay B-52 và họ tự hào là lực lượng không quân duy nhất trên thế giới tấn công trực tiếp được loại máy bay này thời bấy giờ. Trường hợp đầu tiên do phi công Vũ Đình Rạng bắn trúng B-52 ngày 20 tháng 11 năm 1971. Chiếc B-52 bị hư hỏng nặng, phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Nakhom-Phanom, Thái Lan. Trường hợp thứ hai được phía Việt Nam ghi nhận là do Phạm Tuân bắn rơi tại chỗ vào ngày 27 tháng 12 năm 1972. Trường hợp thứ ba diễn ra ngay vào ngày hôm sau, 28 tháng 12 năm 1972, được ghi nhận do phi công Vũ Xuân Thiều sau khi đã bắn tên lửa mà không hạ được B-52, đã lao máy bay vào cảm tử.
 
  Trận không chiến cuối cùng giữa Không quân Việt Nam và Không quân Mỹ diễn ra vào ngày 27 tháng 12 năm 1972. Phía Việt Nam công bố, chiếc máy bay Mig-21 do phi công Trần Việt điều khiển đã bắn hạ 3 chiếc F-4. Phía Mỹ chỉ công nhận rơi 2 chiếc. Tuy nhiên, đây cũng là hiệu suất rất cao, vì Mig-21 chỉ mang theo được 4 quả tên lửa.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #157 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2008, 06:36:41 pm »

TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

1. Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - Tập 1.

2. Chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ - Tập 2.
Bộ Quốc phòng - Viện lịch sử quân sự Việt Nam (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1983).

3. Tạp chí lịch sử quân sự số 12 - 1987.

4. Tạp chí Lịch sử quân sự số 4 - 1989.

5. Tạp chí Lịch sử quân sự số 4 - 2000.

6. Đánh thắng B52 - Hồi ký của Hoàng Văn Khánh - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1993.

7. Jeridgl L. Strecter - Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng. Từ Tòa Bạch ốc đến Dinh Độc Lập - 1996.

8. Báo Nhân dân năm 1972 - 1973.

9. Báo Quân đội nhân dân năm 1972 - 1973.
 
10. Văn Tiến Dũng - Bước ngoặt lớn của công cuộc kháng chiến chống Mỹ - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1989.

11. Lịch sử ngành vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1992.

12. The Vietnam War,  USA. Mallard - 1992.

13. Lời phán quyết về Việt Nam - Toesep A. Imter - 1985.

14. Hải Phòng Lịch sử kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1989.

15. Encyclopedia of the Vietnam War - New York v Schuster - 1996.

16. Lịch sừ Quân chủng Phòng không không quân tập 1, 2, 3.

17. Ký sự Phòng không không quân tập 2.

18. Phùng Thế Tài - Kính dâng Bác chiến thắng lịch sử này - Hồi ký - Tạp chí Lịch sử quân sự số 24 - 1987.

19. Lịch sử nghệ thuật chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1997.

20. Nguyễn Xuân Mậu - Bảo vệ bầu trời - Hồi ký - Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - 1 982.

21. Hội thảo về 12 ngày đêm chiến thắng B52.

22. Over the Beach - Zalin Grant - The Air War Vetnam.

23. Air combat over North Vietnam 1965 - 1972. Marsahall L. Michel III - 1997.

------------------------------ HẾT -------------------------
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM