Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:29:17 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật những chiến dịch không kích của Mỹ vào Bắc Việt Nam  (Đọc 163891 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #60 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2008, 11:49:36 am »

  Không lâu sau đó, người miền Bắc Việt cũng nhận ra giá trị của một loại vũ khí khác. Hình ảnh quốc gia giàu nhất trên thế giới đánh bom một trong những nước nghèo nhất, dù có vì xung đột đến đâu đi nữa, cũng làm nhiều người khó chịu kể cả bạn bè và các nước hậu thuẫn Mỹ. Sau chiến tranh, lãnh đạo miền Bắc Việt Nam rất kiêu hãnh về việc họ đã vận động phong trào phản đối chiến tranh đứng về phía họ. Tuyên truyền là một thứ vũ khí pháp lý trong chiến tranh và theo họ, vì đã đấu tranh giành thắng lợi trước một thế lực mạnh hơn nhiều lần nên không thể quy trách nhiệm cho họ vì họ đã bằng mọi cách tác động lên dư luận thế giới. Nếu một ngôi sao điện ảnh hay một giáo sư đại học do lương tâm hay tư tưởng hoặc cũng có thể do cả hai yếu tố đó thúc ép mà muốn giúp đỡ công bố về cái mà họ coi là hết sức bất công hoặc là tính ác ôn của chính sách Mỹ thì Hà Nội sẽ sẵn sàng cấp visa cho họ. Các nhà báo phương Tây đã cam kết viết báo cáo khách quan lại là vấn đề khác. Trong con mắt Bắc Việt, chỉ tồn tại một quan điểm khách quan: Phía Mỹ có lỗi. Hà Nội cho rằng sẽ chẳng ích gì nếu một phóng viên đưa ra ý kiến ngược lại kể cả khi anh ta đưa vào câu chuyện của mình những đặc tính trái ngược thường được dùng làm cơ sở cho đòi hỏi của anh ta về tính khách quan. Một phóng viên của hãng thông tấn Pháp (AFP) được phép vào Hà Nội nhưng các bài tường thuật của anh ta dù được kiểm duyệt chính thức hay tự kiểm duyệt đều không có một chút gì mang tính thăm dò đồng nghiệp AFP của mình ở Sài Gòn. Nhà báo Anh James Cameron được phép tới thăm Việt Nam năm 1965 và ông đã viết một loạt các bài báo bày tỏ sự thông cảm đối với Việt Nam. Tuy thế mãi tới Giáng sinh 1966 các phóng viên Mỹ mới được mời tới Việt Nam.

  Bản chất của người làm báo là không thắc mắc về động cơ của nguồn tin (người cung cấp thông tin) miễn là tin tức được cung cấp có tính chính xác và có giá trị, do đó không thể chỉ trích Harison E. Salisbury – phóng viên tờ New York Times vì không hề nghĩ đến ngụ ý của Miền Bắc Việt Nam khi họ đột nhiên mời anh ta tới Hà Nội và có thể thoả mãn yêu cầu của anh ta nhằm làm cho người ta ngỡ rằng khác với các phóng viên khác cùng xin được cấp visa, riêng có mình anh ta khám phá ra , sự thực đơn thuần bằng nghiệp vụ báo chí. Đó thực sự là một trong những tin tức sốt dẻo gây được nhiều sự chú ý nhất về cuộc chiến tranh. Tuy nhiên, xét nhìn vào bối cảnh lúc bấy giờ, không một ai thực sự biết miền Bắc Việt Nam dự tính cái gì, Salisbury đã vô tình để lộ về chuyến đi Hà Nội của mình. Ngay cả những đồng nghiệp của anh cũng khó có thể tin được anh - tác giả của rất nhiều cuốn sách và cũng là một phóng viên kỳ cựu đã từng tạo dựng thanh thế cho bản thân bằng cách không ngần ngại báo cáo tin tức từ Nga và các nước cộng sản khác, nơi mà tin tức cũng đồng nghĩa với sự tuyên truyền.

  Ngồi trên bậc thềm sân bay Phnôm Pênh, Campuchia, uống Coca - Cola đợi chờ chuyến bay bị trễ ICC tới Hà Nội, Salisbury bắt chuyện với một số nhà ngoại giao Đông âu. Những người này nói rằng họ mong chuyến đi của anh sẽ là một bước đi tích cực hướng tới hoà bình. Họ còn kể với anh ta về một nhà báo trẻ châu Phi xin được cấp visa tới Hà Nội nhưng đã bị từ chối. Salisbury rất có ấn tượng về câu chuyện và xem nó như một dấu hiệu tiến triển mong manh. Nhưng đó không phải là một dấu hiệu kém quan trọng. Khi một nước cộng sản thừa nhận các quốc gia thù địch và loại ra một số quốc gia bạn bè và có thiện cảm, điều đó có nghĩa sắp diễn ra một sự kiện quan trọng. Đó là những gì Salisbury đã viết. Anh ta còn nói: "Dường như mong muốn của các nhà ngoại giao Đông Âu cũng là mong muốn của tôi. Chuyến đi của tôi rõ ràng là nhằm vào những ý định quan trọng”.
 
  Ý định đó nhanh chóng được Việt Nam làm rõ: Họ mong muốn được thông báo cho toàn thế gíới biết thông qua New York Times, rằng máy bay Mỹ không chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự mà còn nhằm vào cả các khu vực dân sự. Sau khi xem qua những thiệt hại đối với Việt Nam, Salisbury không còn chắc miền Bắc Việt Nam đúng hay sai. Dường như không thể đó là những thiệt hại do tên lửa SAM bắn nhầm, đó là do lỗi của chính miền Bắc Việt theo cáo buộc của Lầu Năm Góc, nhưng cũng không thể là máy bay Mỹ đã cố tình thả bom xuống khu vực dân sự. Khả năng dễ xảy ra nhất đó là do tai nạn. Đó cũng là ý nghĩ của các nhà ngoại giao ở Hà Nội đã tận mắt chứng kiến cuộc tấn công. Hơn nữa, chỉ mới biết đến các vụ tấn công sử dụng bom qua chiến tranh thế giới thứ hai, Salisbury đã phải kinh ngạc trước sự yếu ớt của những ngôi nhà chỉ là những căn lều được lợp cỏ. Còn con số thương vong 4 người bị thiệt mạng, 10 người bị thương được xem là ít so với một mảng thiệt hại lớn.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #61 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2008, 05:47:35 pm »

  Ngoại vi Hà Nội, tại làng Phúc Xá bé nhỏ, Salisbury nói chuyện với dân làng và được kể lại rằng: vào ngày 13/8/ 1966 lúc 12 giờ trưa, một quả bom đã phát nổ ngay phía trên chúng tôi, phá hoại 24 ngôi nhà,làm chết 24 người, bị thương 23 người. Theo họ (kể), lúc đầu, máy bay thả bom xuống một con đập gần đó rồi sau mới đến làng của họ. Phúc Xá đã được xây dựng lại trong một tháng với sự giúp ñôõ của các xã khác. Các mảnh bom được đặt trong một ngôi nhà ở trung tâm của làng, sau đó trở thành một kiểu nhà bảo tàng. Trên các mảnh bom có ghi tháng 7/1966. Dân làng thấy kinh ngạc vì nước Mỹ đã chế tạo bom rồi ào ạt vận chuyển qua nửa vòng trái đất không chỉ 4 tuần sau đã mang thả chúng xuống mục tiêu.

  Họ cho rằng máy bay cố tình ném bom họ. Salisbury cho là không thể như vậy. Ông viết: "Nhưng có ai thực sự biết mục tiêu của máy bay là gì không? Có lẽ nó nhắm vào các con đập nhằm cắt đứt vận chuyển bằng đường thuỷ trên sông Hồng hoặc cũng có thể nhắm vào một mục tiêu phòng không dọc theo bờ sông. Cũng có thể máy bay ném bom nhằm tránh né và nhanh chóng thoát khỏi một điểm nóng”. Dù giải thích như thế nào đi nữa thì mối nghi ngờ của Salisbury về độ chính xác của bom Mỹ ngày càng lớn.
 
  Anh còn thấy ngạc nhiên trước đặc điểm tưởng chừng tầm thường của các mục tiêu. Một bến đỗ xe tải ở ngoại ô Hà Nội được coi là mục tiêu lớn trong cuộc tấn công ngày 13/12 thì đối với anh, nó chẳng có gì đáng gờm mà chỉ là các (nhà) xưởng để xe với khoảng 10 chiếc xe khi chúng bị đánh bom. Anh thắc mắc: "Loại mục tiêu này có đáng để huỷ hoại những chiếc máy bay trị giá hai triệu đô và mạng sống quý giá của các phi công Mỹ?". Không dừng lại ở đó, trường Hữu nghị Ba Lan ở cách đó hai dặm cũng bất ngờ bị tấn công vào thời điểm đó.


F-105 ném bom Hà Nội.

  Buổi sáng Giáng sinh, từ Hà Nội lái xe theo hướng Nam tới khu vực đài chỉ huy Cổ Chai, mối nghi ngờ của Salisbury về vụ đánh bom càng lúc càng tăng. Cổ Chai ở ngay sát Phủ Lý - một xã nằm dọc trục đường 1 gần với tuyến đường sắt chính đi miền Nam. Ở Phủ Lý có một đường tránh tàu và một số đường ray để chuyển hướng và sắp xếp lại các toa hàng. Salisbury nhận ra rằng máy bay đã đến đây dội bom xuống đường tránh tàu và để được mục đích, đồng thời họ quét sạch luôn thị xã vốn có 10.000 dân mà lúc này đây chỉ còn lại một nhúm dù rằng thương vong không nhiều. Khi anh đi quanh đống đổ nát, một chiếc tàu hoả đang xình xịch đi trên đoạn đường ray vừa mới được sửa chữa. Cuối ngày hôm đó khi tới Nam Định - cách Hà Nội 65 dặm về phía Nam, anh tìm ra chất liệu để viết nên một câu chuyện trong đó hàm chứa sự ngờ vực ngày càng lớn trong anh. Theo chỉ định của Chính phủ, cùng với một hướng dẫn viên và một dịch giả, anh đi chiếc xe Volga màu đen của Liên Xô tới Nam Định và thấy rằng hầu như mọi con đường ở đây đều bị bom phá hoại. Anh dừng chân ở thị xã và được hai cán bộ địa phương mời uống chè tiếp chuyện. Họ nói Nam Định đã từng là một trung tâm dệt may với gần 90.000 dân, trước đó hầu hết dân chúng đã được sơ tán trong 50 cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ.

  Xưởng dệt may thành phố có 13.000 nhân công và được xếp vào một trong 12 nhà máy chính yếu của đất nước. Thành phố còn có một xưởng dệt, một nhà máy đóng hộp rau quả, một nhà máy nông cụ, một nhà máy xay xát và một hợp tác xã sản xuất chỉ sợi. Salisbury nghĩ, tính tổng lại thì con số đó cũng không nhiều. Anh viết: "Nam Định có lẽ là thành phố lớn thứ 3 miền Bắc Việt Nam nhưng nếu nó sản xuất chỉ vỏn vẹn được từng ấy thì nghe có vẻ nó không có gì là một mục tiêu trọng yếu. Các cán bộ xã kể cả chủ tịch xã, một phụ nữ khá xinh đẹp tên là Trần Thị Doãn từng là công nhân nhà máy dệt - khẳng định rằng đã từ lâu họ biết thành phố không có bất kỳ vật dụng quân sự nào.

  Sau 50 cuộc oanh tạc, số dân thường bị thương vong trên thực tế thấp (89 người chết, 405 người bị thương). Vì lệnh sơ tán biến Nam Định thành một thành phố hoang vu. Nhưng Salisbury được biết 13% nhà cửa ở thành phố đã tan thành tro bụi. Xưởng dệt may bị suy yếu nghiêm trọng sau 19 lần bị tấn công, xưởng dệt tơ lụa bị xoá sổ tan tành. "Toàn bộ câu chuyện về Nam Định là không có thật. Đó chỉ là những giấc mộng kinh hoàng trong một bức tranh theo trường phái Da Dor, bất cứ ai cũng có thể hình dung được rằng máy bay ném bom của chúng ta cứ lũ lượt kéo đến, tấn công liên hồi vào những hồn ma tưởng tượng”.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #62 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2008, 06:29:23 pm »

  Liệu nhà máy dệt may Nam Định đã đủ lớn mạnh để được đánh giá là một thành phố công nghiệp lớn và đủ khả năng trang bị quân phục cho lính tráng? Với thực lực của thành phố, liệu có thể xem đó là một mục tiêu quân sự chính đáng? Lầu Năm Góc đồng tình với ý kiến đó và còn cho rằng thành phố chứa đựng cả các mục tiêu quan trọng. Tuy nhiên, nhà máy dệt may Nam Định không nằm trong danh sách mục tiêu chính, vì thế Lầu Năm Góc không bị buộc phải tuyên bố rằng nó đã bị tấn công. Nhưng những tổn thất của nó không hề "xứng” với một mục tiêu phụ chút nào. Ở đó dường như chẳng có một căn cứ quân sự nguỵ trang nào đang hoạt động. Đó là vấn đề tranh cãi giữa một bên là nhà báo và một bên là các chuyên gia quân sự. Khó ăn nói hơn nữa là tổng số thiệt hại được chính anh chứng kiến đối với các khu vực dân sự. Lầu Năm Góc đã mở một chiến dịch công khai nhằm hạ uy tín những báo cáo của Salisbury, trong đó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng - Arthur Sylvester - cáo buộc rằng các bài báo của anh được "phóng đại cực độ”. Các quan chức chính phủ khác tra khảo về lòng yêu nước của anh. Một thượng nghị sĩ Mỹ còn nói: New York Times từ trước tới nay luôn phản đối chiến tranh.

  Tuy nhiên, rõ ràng rằng các nhà lãnh đạo bên dân sự dưới áp lực của phong trào phản đối chiến tranh đã cổ vũ giới quân sự tạo ra một giai thoại mà bản thân họ phải trả giá quá đắt. Chính miền Bắc Việt Nam cung cấp cho Salisbury các con số 85/15.000 người ở Nam Định đã thiệt mạng trong 50 cuộc oanh tạc của Mỹ. Vì sự không minh bạch trong chi phí cho không quân trong chiến tranh nên không thể dựa vào con số đó để kết luận máy bay Mỹ ném bom bừa bãi. Nhưng Đảng Cộng hoà Mỹ buộc phải tin rằng máy bay Mỹ đã đánh mục tiêu với độ chính xác đảm bảo không gây thươngvong cho một thường dân nào, do đó sự phát giác của Salisbury là về tính hiệu quả của một loại bom khác. Chẳng bao lâu sau khi bài báo của anh xuất hiện đã làm bùng lên cuộc tranh luận dữ dội về vụ không kích,một cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành tại 14 trường đại học ở Washington D. C. cho thấy 66% sinh viên phản đối việc đánh bom miền Bắc Việt Nam trong số đó 80% không hề biết Việt Cộng là ai.

  Nếu như có người nào có biết dấu hiệu của việc ném bom bừa bãi thì đó là John Gerasri. Ông được cử tới Hà Nội với tư cách là một trong 5 thanh sát viên của Diễn đàn Tội phạm chiến tranh thế giới Bertranol Russel - một uỷ ban hoạt động trên cơ sở đạo đức chứ không phải pháp lý. Tác giả, nhà báo người Pháp Jean Paul Sartre là chủ tịch diễn đàn, cùng với Dave Dellinger -một người theo chủ nghĩa hoà bình và Storely Carnlichael - một nhà lãnh đạo vì quyền công dân, thành viên người Mỹ của diễn đàn. Theo diễn đàn, đó không phải là vấn đề người Mỹ có tội hay vô tội mà là vấn đề mức độ tội ác. Tuy nhiên, theo như Gerrassi đã thừa nhận, trái với mong chờ của ông, ông chẳng tìm đâu ra cái gọi là đánh bom Hà Nội theo hệ thống.Một thanh sát viên khác của diễn đàn - một giáo sư người Scottland nói với Harrison Salisbury rằng sau nhiều ngày kiểm tra những thiệt hại do bom gây ra ở nhiều vùng thuộc miền Bắc Việt Nam, ông ấy vô cùng hoang mang trước "yếu tố chủ ý”. Ông nói, những thiệt hại đối với vùng dân cư có lẽ nào chỉ mang tính tình cờ!

  Khi theo bước chân Harrison Salisbury tới khu vực đài chỉ huy Cổ Chai, rồi tới Nam Định, điều làm John Gerrasi bối rối là vấn đề mục tiêu. Hình như ông không được trông thấy đường ray tránh tàu ở Phủ Lý mà Salisbury đã chỉ ra là một mục tiêu quân sự dễ nhận biết. Gerrassi bảo lái xe của ông đi quanh thị xã và ông đã nhận ra đài chỉ huy Cổ Chai nhỏ bé, cách ngoại vi thành phố nửa dặm. Đài chỉ huy đã bị đánh đổ và sửa chữa lại. Đối với ông, điều đó không quan trọng. Tại Nam Định, đường ray tránh tàu mà Lầu Năm Góc cho là một mục tiêu lớn hoá ra lại chẳng lớn hơn một sân ga ở ngoại ô New York. Phần lớn những thiệt hại về dân sự ở Nam Định xảy ra quanh nhà máy dệt may nhưng Gerrassi viết: "Tôi luôn tự hỏi, làm sao mà một nhà máy dệt may lại có thể là một mục tiêu quân sự quan trọng như vậy được"
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #63 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2008, 05:45:07 pm »

  Tình cờ hay không tình cờ thì trên thực tế các khu vực dân sự cũng đã bị tấn công. Mà vì loại mục tiêu gì ? Harrison Salisbury nói: "Giống như phần lớn các mục tiêu quân sự mà tôi được nhìn thấy ở miền Bắc Việt Nam, Nam Định chỉ là một mục tiêu do sự áp đặt của phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thật khác xa so với khi quan sát trực tiếp". Nhưng có những mục tiêu rõ ràng đã được đặt ra mà lại không bị tấn công khiến Salisbury phải kinh ngạc. Cầu Paul Doumer mà ngày nay được gọi là cầu Long Biên, là một ví dụ. Salisbury chỉ ra: "Không những cầu Long Biên dễ nhìn thấy từ xa mà chắc chắn nó là mục tiêu quân sự quan trọng hàng đầu ở miền Bắc Việt Nam. Nếu không có cây cầu, hoạt động giao thông từ Bắc đến Nam sẽ hoàn toàn bị ngăn cản. Mất cây cầu không thể làm miền Bắc Việt Nam thất thế. Nhưng chắc chắn nó sẽ gây khó khăn cho Hà Nội... Cầu Long Biên không phải là mục tiêu quân sự quan trọng duy nhất ở Hà Nội. Còn có nhiều mục tiêu khác nữa - ví dụ như nhà máy cung cấp điện chủ yếu của thành phố. Đây có lẽ cũng là mục tiêu được bảo vệ ngặt nghèo nhất. Nhưng, cũng giống như cây cầu, nó không bị tấn công. Nó lại còn nằm ở vùng khá xa các khu vực đông dân cư.”

  Đánh mục tiêu, sau gần 2 năm phát động cuộc không kích, Mỹ vẫn chưa ném bom được những mục tiêu quân sự rõ ràng nhất ở miền Bắc Việt Nam. Đối với Harrison Salisbury, điều đó không có nghĩa lý gì. Về điểm đó và riêng chỉ có điểm đó, phóng viên New York Times và ngài đô đốc điều khiển, chỉ huy cuộc không kích hoàn toàn nhất trí với nhau.

  Lúc Harrison Salisbury đang trên đường tới Hà Nội thì đô đốc Grant Sharp đang chờ đợi lệnh được thả bom xuống các xưởng sửa chữa tàu và căn cứ hải quân ở Hải Phòng. Tuy nhiên lời buộc tội của Hà Nội về việc Mỹ đã tấn công các khu vực dân sự khiến Washington phải tạm đình chiến. Sharp được lệnh không được gây ra các hoạt động quân sự trên không đối với bất kỳ mục tiêu nào thuộc khu vực cấm ở Hà Nội và nếu có thể, không nên cho máy bay bay qua khu vực đó. Việc đó thật quá thể đối với Sharp. Ông ta bực tức viết một thông điệp gửi về Lầu Năm Góc và ông ta biết Robert McNamara sẽ đọc nó.

  Sharp viết: "Chúng ta vừa chỉ mới bắt đầu gây được vài áp lực thực sự đối với Hà Nội. Các cuộc tấn công của chúng ta vào nhà ga, bến xe đã thực sự làm địch bị tổn thương. Để rồi Hà Nội kêu ca về việc chúng ta đã làm thiệt mạng một vài thường dân với mong muốn nhận được sự ủng hộ từ công luận. Và trên thực tế họ đã đạt được điều đó thậm chí vượt lên trên sự mong đợi của họ. Không những chúng ta phải nói rằng chúng ta lấy làm tiếc về những thường dân đã thiệt mạng mà chúng ta còn phải cấm không cho phi công hoạt động trong phạm vi 10 dặm của Hà Nội. Lại một lần nữa Hà Nội thành công trong việc gỡ bỏ áp lực của chúng ta. Họ sẽ được cổ vũ để tiếp tục hung hăng với mong muốn sẽ đè bẹp chúng ta".

  Nhằm vào McNamara, Sharp viết: "Cuộc chiến tranh này cũng như bao cuộc chiến tranh khác, đều là việc làm bẩn thỉu. Chúng ta cần phải thiết thực hơn về vấn đề này”. Sharp tự hỏi, thay cho việc xin lỗi trước những đợt xung kích tuyên truyền của Hà Nội, liệu Washington có còn giải pháp nào khác hơn không. Khi Hà Nội than vãn về những thường dân bị thiệt mạng, liệu có thể nói là "Có thể một số người đã bị chết, chúng tôi đã cố tránh đi nhưng vì đây là một cuộc chiến tranh nên chắc một số người sẽ phải chịu như vậy”. Hà Nội có thể ngăn chặn việc đó bằng cách kêu gọi tinh thần chiến đấu của miền Nam Việt Nam.

  Ngoài ra, thông điệp của Sharp còn ngầm chứa một sự đe doạ. Ông ta nói, chính ông đã nghe ngóng công luận và đã nói chuyện với một số nghị sĩ Quốc hội. Ông ta cho rằng thời gian sắp hết. "Người dân Mỹ có thể sẽ ủng hộ hoặc phản đối cuộc chiến tranh này. Ở thời điểm này, vì không nhìn thấy lối ra nên họ vẫn thiên về xu hướng phản đối. Nhiệm vụ của chúng ta là phải thuyết phục được người dân trong nước và cả Hà Nội rằng chiến tranh sẽ kết thúc và chắc chắn Hà Nội sẽ thất trận". Tuy không nói trực tiếp nhưng Sharp ngụ ý sẽ phải có một động thái chính trị nhằm giải quyết vấn đề mục tiêu.

  Tám tháng sau, vào tháng 8/1967, đô đốc Sharp và một số người đứng đầu giới quân sự đã vận động thành công những người truyền tin thuộc thượng viện Mỹ mở một cuộc thăm dò công khai trên quy mô rộng lớn về kế sách đánh bom, đặt Robert McNamara vào thế phòng thủ. Thượng nghị sĩ John Stennis thuộc bang Missisippi và lực lượng vũ trang thuộc tiểu ban điều tra của ông đề nghị tăng cường không kích. Nhằm xoa dịu sự bất đồng về chính trị, Lyndon Johnson cho phép quân đội đánh vào một số mục tiêu mới trong đó có cầu Long Biên. Lần đầu tiên, sau 2 năm rưỡi đánh bom miền Bắc Việt Nam, cây cầu trở thành mục tiêu đánh phá. Mà trước đó, ngoại trừ Harrison Salisbury, không một thế lực ủng hộ không kích nào chịu thừa nhận cầu Long Biên là một mục tiêu quân sự quan trọng hàng đầu ở miền Bắc Việt Nam.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #64 vào lúc: 27 Tháng Ba, 2008, 05:44:17 pm »

DICK WYMAN

  Trở về sau mỗi trận đấu tôi lại bị sĩ quan tình báo không quân moi hỏi. Họ đã chuẩn bị sẵn một bản báo cáo về thiệt hại nhằm đưa ra một chuỗi các yêu cầu và cuối cùng là công bố nó để thể hiện kết quả chúng ta giành được ở miền Bắc Việt Nam. Chẳng hạn, một hôm tôi nói với họ tôi đã nhìn thấy 10 chiếc xe tải.

  "Anh nhìn thấy bao nhiêu cái” họ hỏi.

  "Tôi không biết, chỉ vì khói bom bên dưới nên tôi không thấy rõ lắm. Chắc là tôi chỉ trông thấy 3 chiếc trong số đó."

  "Có thể ông còn thả nhiều bom hơn thể”

  "Có lẽ tôi đã gây thiệt hại cho một vài chiếc. Tôi không rõ".

  "Hẳn anh đã trông thấy 5-6 cái".

  "Tôi không chắc".

  "Ơ kìa, Ban tham mưu của Đô đốc sẽ không chấp nhận sự mơ hồ này. Hãy nói là anh đã phá huỷ 5 chiếc và gây thiệt hại cho 3 chiếc".

  "Cứ nói những gì anh muốn nhưng đó không phải điều tôi nói với anh”.

  Ban tham mưu luôn giật dây để đưa ra những kết quả phản ánh tốt về phi đoàn, chiến hạm và hải quân. Điều đó không thể tránh khỏi. Một lúc sau, thái độ của anh sẽ . . . , à, không sao, tôi chỉ là một phi công, cứ mặc họ lo lắng về các con số. Mặt khác tôi không còn thấy mình đánh bom bừa bãi nữa hoặc nếu có cũng chỉ một ít thôi.

  Một căn cứ hoả lực phòng không nằm ở cửa ngõ cảng Hải Phòng trên một hoang đảo. Chúng tôi sẽ đánh vào những nơi có súng, họ sẽ quay lại ngay để lại dựng chúng lên. Ngay bên dưới căn cứ là một cụm 5 ngôi nhà. Tôi thấy rõ rằng những người kiểm soát căn cứ sống trong những ngôi nhà này, không còn có cái gì khác ở trên đảo. Một hôm, những quả bom của tôi tình cờ đáp xuống ngay giữa những ngôi nhà làm chúng biến mất. Chúng tôi trở về phòng chờ, Black Mac cười nói: "Wyman, anh đã đánh tín hiệu, anh có biết anh ném bom xuống đâu không?"

  Tôi nói: "À, đúng nơi mà tôi muốn, Mac ạ"

  Đó là lần duy nhất tôi làm như vậy trong suốt 2 năm với gần 200 nhiệm vụ. Tôi không thấy cũng chẳng biết người nào khác có ném bom xuống vùng dân cư. Mà cũng thật tương phản là chúng tôi không bao giờ được chỉ dẫn để đánh bom một ngôi làng hay những căn nhà. Nhưng như người ta biết nếu bay ở tốc độ 500 dặm sẽ bị một số tên lửa đuổi theo, hoả lực phòng không sẽ nổ khắp nơi và như thế chắc chắn không thể đánh trúng mục tiêu. Miền Bắc Việt Nam thường đặt các căn cứ phòng không không quân gần trường học và các thiết bị dân sự khác. Họ hờ hững làm việc đó nhằm ngăn cản chúng tôi đánh bom vào các căn cứ hoả lực phòng không.

  Một hôm tôi lượn qua lượn lại một căn cứ tên lửa đất đối không. Những chiếc tên lửa phóng lên. Một chiếc càng lúc càng lớn, tôi thề là tôi không thể thoát được và đã tiếp cận với nó. Vì quá kinh hoàng tôi đã kích nổ bom. 2/6 quả bom phát nổ và hạ xuống cách mục tiêu 400 yard. May là đó không phải vùng dân cư.

  Người ta thường có khái niệm lầm lẫn về việc đánh bom chính xác. Chính xác so với cái gì? với B52? Theo nghĩa đó chúng tôi đã làm đúng nghĩa vụ. Người ta có thể có một việc làm tốt đẹp và đáng trọng một khi họ có cảm giác và kỹ năng. Để được như vậy, cần phải có thời gian. Trên thực tế, nếu thả bom sớm hoặc ở trên cao thì chỉ có lạc mục tiêu.

  Tôi đã đọc sách của Harrison Salisbury. Tôi đã tới Nam Định nhiều lần. Có một bức ảnh cho thấy một con đường hầu như đã bị huỷ hoại. Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi không hề cố tình thả bom xuống thành phố và tôi cũng chẳng thấy ai làm việc đó cả. Còn có một bức ảnh khác chụp hình một em bé bị cụt một chân. Tôi yêu trẻ em. Tôi có ba đứa con và khi phải nhìn một đứa trẻ bị cắt cụt chân vì lý do gì đi nữa - Lạy chúa, nó không còn có tương lai và tự hỏi cuộc sống đã cho nó cái gì. Điều đó làm tôi vô cùng phiền lòng. Tôi không hề nghĩ rằng việc tôi đang làm là giết người. Khi đánh vào một căn cứ hoả lực phòng không thì tôi cứ nghĩ là chúng tôi đang ngăn cản hoạt động của một căn cứ hoả lực phòng không thậm chí còn không hề nghĩ rằng có người trong máy bay của kẻ thù. Đó chỉ là một cái máy. Còn tôi là tôi.

  Tôi biết điều đó nghe thật khủng khiếp. Nhưng nhìn từ phương diện này thì không kích khác xa với chiến tranh trên bộ. Chúng tôi bay lên và chiến đấu. Sau đó chúng tôi trở về và ngủ trên chăn nệm sạch sẽ. Nếu ai đó bị bắn rơi đơn giản là anh ta sẽ biến mất. Sẽ không có ai nằm bên cạnh chảy máu và bị đối xử một cách thô bạo. Cũng chẳng thấy người nào trong tầm mắt để bắn. Vì vậy chúng tôi không biết rằng đang giết người. Nhưng khi nhìn thấy những hình ảnh đó, tôi đã thốt lên "Chết tiệt, Wyman, đứa trẻ đó không còn cơ hội trong cuộc sống”.

  Tất nhiên, nhiều vị chưa đọc những quyển sách đó. Những người đã đọc bản báo cáo của Salisbury rất giận dữ vì họ không nhận ra một số việc anh nhắc tới. Họ cho rằng đơn giản anh đang hành động như một tuyên truyền viên cho miền Bắc Việt Nam. Không một ai có đủ thời giờ nghĩ về chiến tranh ngoại trừ bằng con đường đã được xếp đặt. Chúng tôi bị hút hồn vào công việc hàng ngày, làm nhiệm vụ được giao và bù đầu rối tóc đến mức không còn đủ thì giờ ngủ nghê. Phải mất hai tháng tôi mới đọc xong cuốn "Địa ngục bé nhỏ" của Bernald Fall - nói về tôn giáo - điều mà chúng tôi hết sức tránh né . Tôi xem lướt qua một vài cuốn rồi chúng tôi bàn tán về chúng. Nhưng tôi cho rằng, nếu đi sâu xem xét nó và thực sự nghiên cứu cuộc chiến tranh, sẽ có một cảm giác rằng đó là một chuyện nhảm nhí. Chính vì thế chẳng bao giờ chúng tôi đọc kỹ cuốn sách. Bởi vì theo tôi, chúng tôi lo ngại khi phải cắt chân một ai đó làm mất đi chỗ dựa cuối cùng của anh ta và anh ta có thể nói "tôi sẽ bỏ phù hiệu phi công của tôi” một người khác sẽ nói "nếu điều đó xảy ra, ai sẽ là người bay bên cạnh tôi?"

  Sau khi đọc sách viết về Việt Nam, tôi đã đặt ra những câu hỏi về cuộc chiến này, đặc biệt là về phương pháp tiến hành chiến tranh nhưng tôi phải điên đầu với mớ câu hỏi đó. Nguyên tắc quân sự mù mờ. Đó là một phần thiết yếu để đạt được mục đích. Tôi là một sĩ quan hải quân chuyên nghiệp được chính phủ Mỹ trả lương và tôi phải thực thi nhiệm vụ với toàn bộ khả năng vốn có. Do đó tôi không được phép thắc mắc. Nếu họ muốn tôi thả bom xuống chiếc cầu đó hôm nay, ngày mai hay ngày kia, có Chúa chứng giám, tôi sẽ làm điều đó. Để sống sót, phải luôn có nhiệt tâm.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #65 vào lúc: 28 Tháng Ba, 2008, 05:40:48 pm »

BẮC VIỆT SẴN SÀNG

  Với việc Mỹ thiết lập kho vũ khí hạt nhân sau chiến tranh thế giới II, luận điệu về phương pháp phát động chiến tranh trở thành cuộc chiến vì màu cờ sắc áo, chiến lược hạt nhân hầu như hoàn toàn dựa trên cơ sở các tính toán về tâm lý. Không ai muốn cuộc chiến tranh nguyên tử rồ dại xảy ra. Nhưng kẻ thù của nước Mỹ cần biết rằng nước Mỹ sở hữu các phương tiện huỷ diệt hoàn toàn, một mối đe doạ trả đũa có thực nhằm bảo vệ an ninh đất nước. Do đó không có gì ngạc nhiên khi luận điệu của McNamara về phát động cuộc chiến thông thường chống lại miền Bắc Việt là một mô hình chiến lược hạt nhân. Mỹ sẽ cho Việt Nam biết thế nào là uy lực nước Mỹ và Việt Nam sẽ phải run sợ trước tiềm lực vượt trội của nước Mỹ.

  Nhưng sự khác nhau giữa bom có vỏ bọc bằng sắt và vũ khí hạt nhân là sự khác nhau giữa phá hoại trên diện rộng và huỷ diệt hoàn toàn và chỉ có thể đe doạ được người khác khi người bị đe doạ cho là họ không thể chịu đựng được hậu quả và chấp nhận thất bại. Chiến lược của miền Bắc Việt không phải dựa trên cơ sở lý thuyết trừu tượng mà dựa vào kinh nghiệm từng trải. Họ không hề nghi ngờ gì về việc Mỹ là đất nước hùng mạnh nhất trên thế giới. Nhưng người Pháp cũng rất hùng cường và người Việt Nam đã giành thắng lợi bằng cách theo đuổi một chiến lược quân sự không dựa vào cái gì phức tạp mà chỉ bằng lòng khoan dung. Họ đã đánh đuổi được quân Pháp.

  2 ngày trước khi cuộc không kích nổ ra vào ngày 2/3/1965, ban lãnh đạo miền Bắc Việt đã cho cả nước chuẩn bị phương pháp đối phó với việc ném bom. Họ đã tính đến 3 yếu tố. Thứ nhất, phải ưu tiên hết mức cho sự an toàn của dân cư, đảm bảo an ninh các cơ sở sản xuất công nghiệp; thứ 2, mạng lưới giao thông vận tải phải luôn thông suốt để chiến trường miền Nam luôn được chi viện; thứ 3, hệ thống phòng không không quân phải được phát triển không chỉ để thực hiện chức năng bảo vệ mà còn để làm mồi câu nhử không lực Mỹ. Những người không có phận sự được sơ tán khỏi Hà Nội, Hải Phòng. Những quan sát viên nước ngoài nghe theo luận điệu cho rằng cuộc chiến của Mỹ chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, thì nghĩ lệnh sơ tán đó là hành động không cần thiết hoặc có lẽ đó chỉ là một bước chuẩn bị về tâm lý cho người dân, nhưng Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản đã hành động như thể việc phá hoại các thành phố có thể sẽ xảy ra và cảnh báo để người dân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. "Hầm trú ẩn là nhà" trở thành khẩu hiệu cho toàn quốc. Một mục tiêu được đặt ra là mỗi người phải có 3 chỗ trú ẩn. Sau này, nguời miền Bắc Việt Nam cho biết họ đã đào 21 triệu chỗ trú tránh bom. Con số đó dù có đúng hay không thì Hà Nội và Hải Phòng cũng đã thực sự nhanh chóng trở thành một tổ ong kiên cố. Hàng trăm, hàng ngàn căn hầm dành cho một người được dựng lên với khoảng cách từ 6-32 feet dọc theo hầu hết mọi con đường. Đường kính 2,5 feet, sâu 5 feet, các căn hầm được làm bằng bê tông cốt thép có nắp dày 2 inh để có thể vào nhanh chóng. Những căn hầm chung được đào một nửa dưới đất xây bằng xi măng, gạch có mái bằng thiếc và đất được dựng lên trên khắp cả nước. Trông coi hầm trú ẩn trở thành công việc vặt vào ngày chủ nhật của người dân. Những cái hố cá nhân ngập nước mưa vào mùa mưa phải được làm khô ráo. Những căn hầm lớn hơn phải được quét dọn sạch sẽ và sửa chữa lại sau khi bị đánh trượt ở khoảng cách gần.


Hố trú ẩn cá nhân bằng bê tông đúc sẵn.

  Người dân phải đối phó với tiếng rền vang của các vụ đột kích trên không vào nhiều thời điểm khác nhau với nhiều kiểu bom khác nhau. Trước tiên, loa phóng thanh ở góc đường phát ra lời báo chạy tránh máy bay tấn công, những người giám sát đột kích trên không đã ở đó để đảm bảo mỗi người đều vào nơi trú ẩn an toàn, nhưng rồi nhiều tháng trôi qua, người dân đã quen với việc đánh bom nên không ai chạy xuống hầm cho tới khi có tiếng súng nổ và bom bay vút xuống. Người giám sát kêu mọi người không nên đi loanh quanh hay ngồi trên mặt đất để xem pháo kích nhưng không ai nghe theo cho tới khi Mỹ bắt đầu đánh bom mạnh hơn xuống thành phố, lúc đó họ mới nghiêm túc với các lời cảnh báo.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #66 vào lúc: 29 Tháng Ba, 2008, 02:22:21 pm »

  Nếu chiến lược chiến tranh lâu dài của miền Bắc Việt Nam muốn thành công giữ giao thông lưu thông vào miền Nam, cần phải có hệ thống đại tu sửa chữa. Các đội thanh niên được lập ra để hàng ngày sửa chữa đường và tạo ra các đường vòng thay thế.

  Thanh niên nam nữ làm việc ban đêm, bê các rổ nan đất bụi lấp đầy các hố bom, vẽ các cột mốc trắng dọc theo ven đường để chỉ dẫn các tài xế xe tải chuyển động không có đèn; thận trọng tháo ngòi nổ các quả bom nổ chậm bị ném xuống hòng làm gián đoạn công việc của họ.


Sửa đường.

  Trẻ con có thể đi lấp hố bom còn những cây cầu bị ném bom lại là chuyện khác. 15 năm trước trong chiến tranh chống Mỹ, Bắc Triều Tiên đã gặp vấn đề tương tự các chuyên gia Bắc Triều Tiên liền nhanh chóng đến để truyền lại cho người Việt Nam 6 cách đưa xe tải qua sông sau khi bị đánh bom. Cây cầu đơn giản nhất được dựng nên bằng những bó tre được buộc chặt với nhau bằng thân cây mềm cho nổi trên mặt nước, các tấm gỗ được đặt ngang và cột chặt với thân cây đó. Những thứ đó chẳng tốn kém gì và có thể được thay thế mà không phải nhọc sức. Một điều khác phức tạp hơn được xây dựng bằng cách tập hợp các con thuyền phẳng đáy rộng 3 feet, dài 16 feet lại với nhau, đặt một lối đi bằng tre và các tấm ván ngang qua đó. Những cây cầu phao này được giấu kín dọc bờ sông vào ban ngày để tránh bị đánh bom và vào ban đêm lại được đưa ra đối với những con sông rộng nước chảy xiết phải có những cái phà với móc và dây cáp chắc chắn. Vật liệu dùng để sửa chữa cầu phà được cất giấu ở gần đó. Xe cộ sẽ không còn phải dừng lại lâu hơn 1-2 ngày sau một đợt tấn công.


  Điều này không có nghĩa khi bị tấn công bằng bom sẽ không có tổn thất nặng nề gì. Năm 1966 cần phải mất 5 tiếng để lái xe trên đoạn đường đầy các hố bom dài 65 dặm từ Hà Nội đến Hải Phòng. Một phóng viên phương Tây ước tính phải mất 4 ngày chỉ lái vào ban đêm với tốc độ 10 dặm/1 giờ để đi hết 450 dặm chiều dài miền Bắc Việt Nam. Nếu gặp hố bom mới hoặc cây cầu vừa bị phá thì lại còn lâu hơn.

  Sửa chữa đường sắt còn khó khăn hơn đường bộ. Người miền Bắc Việt Nam quyết định tập trung giữ gìn đoạn đường sắt chạy từ Hà Nội sang Trung Quốc sao cho luôn hoạt động tốt. Với sự giúp đỡ của các công nhân Trung Quốc, họ đã xây dựng một đường sắt thứ ba sang Trung Quốc sao cho các toa tàu được đóng theo kích cỡ chuẩn của Trung Quốc có thể trực tiếp đi trên những đoạn ray hẹp ở Việt Nam. Để bù lại những tổn thất xảy ra trên đường ray họ mở rộng thêm hệ thống kênh mương vốn chằng chịt ở trong nước. Nông dân được yêu cầu nạo vét các con sông tới độ sâu 5 feet để các xà lan nhẹ có thể đi qua, một số con sông có thể phải nạo vét tới 14 feet. Các xà lan trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên của các vụ đánh bom từ 1965 - 1966, các phi công Mỹ báo cáo họ đã huỷ hoại và phá hoại 23.978 phương tiện đường thuỷ, và đầu năm 1967 họ bắt đầu thả mìn xuống các con sông ở đất nước này.

  Vì có quá nhiều máy bay lượn trên đầu nhằm do thám có vũ trang theo cách gọi của người Mỹ - nên ngụy trang trở thành một hình thức nghệ thuật. Các lái xe gắn cành cây, cành cọ, lá chuối lên nóc xe. Xe jip được bao phủ bằng một tấm lưới nhồi nhét lá cây. Các cây non được kéo sang một bên, cột chặt vào để che giấu các cầu phao. Không có việc gì nguy hiểm bằng nhiệm vụ của người lái xe tải. Các xe tải đi đơn độc hoặc thành từng đoàn nhỏ để tránh sự chú ý của máy bay. Ngoài những lần hỏng hóc máy móc, họ còn hay bị lạc do đường vòng vèo và do thiếu dấu hiệu chỉ dẫn đường có bom. Nhưng vật chất vẫn tiếp tục tới được miền Nam. Nếu không thể vận chuyển được bằng xe tải, xà lan hoặc tàu hoả thì một chiếc xe đạp thồ chở 600 pouds vẫn vượt qua được đoạn đường dài 175 dặm trong vòng 18 ngày.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #67 vào lúc: 30 Tháng Ba, 2008, 02:05:20 pm »

  Cơ sở công nghiệp hạn chế miền Bắc Việt Nam được tạo nên bởi khoảng 1000 doanh nghiệp. Trong số này, gần 200 doanh nghiệp là các nhà máy lớn, tương đối hiện đại đặt dưới sự giám sát của chính quyền trung ương. Một nhà máy cơ khí được xây dựng năm 1958 bằng 15 triệu đô la viện trợ của Liên Xô là một trong những nhà máy quan trọng nhất của Hà Nội. Đó là nhà máy sản xuất các chi tiết máy, máy tiện, công cụ, động cơ điện, v. v. Sau vụ đánh bom, nhiều thiết bị của nhà máy này được phân chia rải rác khắp 50 cửa hàng ở Hà Nội. Theo một tác giả người Cu Ba, nhà máy cơ khí đã bị phá hủy trông thật trống trải và hoang tàn nhưng các công nhân vẫn tiếp tục hoạt động suốt ngày với số máy móc cồng kềnh còn sót lại.

  Việc sơ tán cũng được thực hiện tương tự đối với một số nhà máy khác. Phần lớn các nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động, song năng suất sản xuất giảm mạnh. Than xuất khẩu giảm còn một nửa, đất nước từng xuất khẩu xi măng bây giờ phải nhập khẩu. Những thành tựu đạt được trước chiến tranh trong công nghiệp may mặc tạm dừng, cả chất lượng lẫn số lượng vải đều giảm trong khi quân đội cần được cung cấp thêm nhiều bộ quân phục mới, người dân thường chỉ được sử dụng một phần nhỏ vật liệu kém chất lượng nhất cho nhu cầu cá nhân.

  Mặc dù một quả bom vỏ bọc sắt thường khó có thể gây thiệt hại cho một nông trang chưa được cơ khí hoá, hoạt động sản xuất thực phẩm vẫn suy giảm vì Đảng cộng sản chuyển nông dân sang các hoạt động khác có liên quan đến chiến tranh. Lợn là nguồn cung cấp thịt quan trọng nhất của đất nước, khẩu phần thịt lợn vẫn được duy trì như trước - 10 ao-xơ/1 người mỗi tháng, nhưng ngay cả khối lượng nhỏ đó vẫn ít khi được đáp ứng. Khẩu phần đường khoảng 1 poud một tháng chỉ dành cho bà mẹ mới sinh con. Cá, nước mắm và bột rất hiếm hoi. Cứ ba tháng mới được phân phát 2 bao diêm và một miếng xà bông. Để bù đắp cho sự thiếu thốn đó chính phủ ra lệnh cho các công ty dược tăng cường sản xuất các viên thuốc vitamin.

  Vụ đánh bom đã gây ra nhiều khó khăn trong đời sống của cá nhân, song điều đó không làm lung lay ý chí ngoan cường của người miền Bắc Việt Nam. Ngay cả kẻ thù của họ cũng phải miễn cưỡng nể trọng và thừa nhận đó là một nền văn hoá vốn có tinh thần vượt lên khó khăn. Để mô tả sự khác biệt giữa thái độ đối với cuộc sống thường nhật của người dân Hà Nội và Newvork, có thể đưa ra một ví dụ: ở New York, chỉ cần 1 lần mất điện kéo dài ít tiếng đồng hồ năm 1965 đã làm nên một câu chuyện dài trên tờ Times và đã thực sự gây ra khó khăn. Người miền Bắc Việt Nam phải "thắt lưng buộc bụng” tuy rằng bụng họ vốn đã teo tóp. Vậy mà người ta vẫn không thể hiểu họ lấy đâu ra sự kiên cường đó.

  Họ đã hết sức cố gắng bảo vệ các cơ sở sản xuất bằng cách đặt vũ khí bảo vệ gần đó. Tuy nhiên, tên lửa đất đối không tỏ ra không mấy hiệu quả trong điều kiệ nbình thường. Đầu năm 1967, tổng số tên lửa đất đối không đã được khai hoả nhiều nhưng số máy bay bị hạ chỉ được 31. Một phần nguyên nhân là do kỹ thuật phá sóng công phu và thủ đoạn tránh né trên không của phía Mỹ.

  Tuy vậy, trong một số trường hợp, số tên lửa này vẫn có tác dụng. Họ điều khiển phi công Mỹ xuống tầm bắn của vũ khí chống không hạm để bắn có hiệu quả như cái việc bắn súng máy quen thuộc của họ. Vụ nổ hoả lực phòng không kích thước 37 và 57 mm mà các phi công tưởng là bỏng ngô ở ngoài khoang lái Plexiglas và tiếp đó là vụ nổ hoả lực khác mạnh hơn với kích thước 85 và 100 mm có màu tối hơn và đáng ngại hơn. Người miền Bắc Việt Nam phát hiện ra rằng đặt súng vào vị trí dưới dạng hình tam giác, hình thoi, ngũ giác sẽ tập trung được hoả lực, do đó có thể bắt được máy bay ném bom kiểu bổ nhào trong hình chóp nón chết người của mảnh đạn đang cháy nổ.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #68 vào lúc: 31 Tháng Ba, 2008, 05:40:53 pm »

19/7/1967
KHÔNG KÍCH VÀO CỔ CHAI

  Vào lúc 4 giờ 33 phút ngày 19/7/1967, tàu Oriskany của Mỹ tiến hành cuộc không kích đầu tiên trong ngày. Chiếc hàng không mẫu hạm đã đến Yankee Station một tuần trước khi tiến hành chuyến công tác lần thứ ba. Herb Hunter, sĩ quan phụ trách mới của phi đội số 2, bị đánh thức bởi tiếng đập chói tai của những chiếc pittông của máy đẩy nặng một tấn đang bị đẩy từ tốc độ 150 dặm một giờ về số không trong khoảng cách 9 feet, khi chiếc máy đẩy máy bay đạt đến mức phóng một chiếc máy bay lên không trung. 15 phút sau, việc các máy bay cất cánh hoàn thành và Hunter cố gắng tìm lại giấc ngủ. Anh nằm trong giường nghĩ miên man về chiếc cầu Cổ Chai. Cuộc không kích vào cây cầu này dự kiến sẽ được tiến hành vào buổi trưa. Anh sẽ dẫn đầu cuộc không kích đầu tiên của mình vào Bắc Việt. Cách đây đúng một năm, Cal Swanson thực hiện chuyến không kích vào đúng cây cầu này. Jim Nunn là bạn bay cùng với Cal Swanson. Hôm nay, Leabert Fernander, bạn học của Nunn ở Annapolis, sẽ bay hỗ trợ cho Hunter.

  Herb Hunter không giống Cal Swansonl. Cal Swanson rất nhiệt tình và quan tâm đến từng chi tiết nhỏ. Hunter thì lại thoải mái và dễ dãi. Swanson tin vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và nghĩ rằng người Mỹ tiến hành cuộc chiến ở đây là hoàn toàn chính đáng. Với thái độ dửng dưng, Hunter đặt câu hỏi về việc Mỹ tham gia vào cuộc chiến vào Việt Nam nhưng anh tin vào nghĩa vụ của người lính phải tuân lệnh của cấp trên. Swanson mang một phong cách nặng nề vào các đợt xuất kích. Hunter, từng là thành viên của đội bay biểu diễn hàng đầu của hải quân Blue Angels đã thể hiện một phong cách nhẹ nhàng khi điều khiển máy bay. Trong thời gian ngắn, Herb Hunter trở thành sĩ quan cao cấp nổi tiếng của phi đội 162.

  Jim Nunn và Leabert Fernandez học cùng lớp với nhau ở Học viện Hải quân trong 4 năm. Và hai người thăn nhau như hai anh em ruột.

  Cả hai cùng được nhận những lời đề nghị tham gia vào đội đua thuyền của trường. Hai người này học rất xuất sắc và được bạn bè nể phục tính chăm chỉ, tận tâm và nghiêm túc. Tuy vậy, Lee Fernandez, vẫn không giống Jim Nunn, anh đã bắt đầu quay lưng lại với cuộc chiến tranh và cuộc không kích vào cầu Cổ Chai sẽ thay đổi cuộc đời của anh. Sau này khi các thành viên của phi đội 162 được yêu cầu nhận xét về Fernandez thì tất cả mọi người đều dùng một tính từ "trầm lặng” để nói về anh. Những phi công chiến đấu rất ít khi trầm lặng và thực tế là Lee dành nhiều thời gian đọc sách trong phòng. Những cuốn sách về Gandhi, Camus, Fromm và lịch sử về Đông Nam Á đã tách rời anh ta khỏi các thành viên của phi đội. Nhưng Lee, vẫn luôn nhã nhặn và nhỏ nhẹ, là một phi công giỏi cho dù anh thường gặp những vấn đề trong các lần hạ cánh xuống boong tàu. Lòng dũng cảm và nghị lực của anh là điều không ai phải bàn cãi, điều này đã được khẳng định bởi sự công luận của các thành viên trong phi đội.

  Anh đã đến Yankee Station một tháng trước khi hoả hoạn xảy ra. Nỗi lo lắng về việc được giao nhiệm vụ trực tiếp hoạt động ở Yankee Station mà không qua một đợt tập luyện thông thường nào với phi đội ở Miramar hoá ra lại không có cơ sở. Cal Swanson chắc chắn là Lee sẽ được hướng dẫn một cách từ từ và cẩn thận bằng cách cho phép Lee Fernandez bay vào những vùng trời ít nguy hiểm của Bắc Việt. Lee Fernandez đã hiểu được đất nước này, qua việc so sánh với những điều anh nhìn thấy với những gì mà tấm bản đồ nhỏ mà anh mang theo trong buồng lái.

  Fernandez nói: "Khi đêm tối bao trùm xuống thì cả dải đất dường như lẫn vào chân trời phía tây trong những màu sắc của kính vạn hoa. Hàng nghìn dòng suối và con sông bừng sáng trong những dải lụa trắng của màu xanh bạc khi chúng phản chiếu những tia sáng còn rớt lại của một bầu trời đêm. Tôi thấy thật là khó tưởng tượng nổi việc người ta lại tiến hành một cuộc chiến giữa những cảnh đẹp tĩnh lặng này."

  Câu hỏi này đi vào tâm trí của Lee ngay lập tức. Nhiệm vụ tấn công vào một trận địa pháo cao xạ của quân đội Bắc Việt đã không gây ra một sự khó chịu nào đến Lee cả vì đó là cuộc đối đầu của hai lực lượng quân sự. Anh nói: "Nhưng thông thường thì dân thường ở dưới mặt đất là những người chịu thiệt nhất, bởi vì trong môi trường chiến trận thì chúng ta không thể nào thả bom chính xác vào những mục tiêu đã định. Điều này đã làm tôi suy nghĩ rất nhiều đặc biệt là trong các cuộc không kích với quy mô nhỏ khi bạn có thể lượn qua lượn lại để quan sát chính xác nơi bạn sẽ thả bom. Một loại nhiệm vụ mà tôi không thích là trinh sát vũ trang. Khi đó hai máy bay sẽ bay qua khu vực đất liền mà hầu hết là không có các lực lượng quân đội - bảo vệ để tìm kiếm những khu vực có dấu hiệu nghi ngờ. Ném bom vào các cây cầu hay các đường sắt thì không có vấn đề gì cả. Nhưng những chiếc thuyền, xe khách và các khu nhà làm tôi lo nghĩ rất nhiều vì chỉ cần một quả bom thả xuống thì chắc chắn sẽ cướp đi sinh mạng của rất nhiều thường dân vô tội và không có vũ khí”.

Dân thường chịu thiệt hại nhiều nhất
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Tư, 2008, 05:43:22 pm »

  Hai ngày sau khi Cal Swanson được giữ vị trí chỉ huy của phi đội, Lee Feruandez làm lễ cưới với Dorothy, một y tá ở San Diego. Swanson không cảm nhận được mức độ chán nản của Lee Fernandez đối với cuộc chiến này. Swanson nói: "Lee trầm lặng đến nỗi tôi không nghĩ là tôi đã có thể nhận ra liệu những câu hỏi của anh ta đặt ra nhằm mở rộng kiến thức của anh ta hoặc liệu anh ta đang tìm câu trả lời cho tính hợp lý của cuộc chiến này hay không”. Tuy vậy Swanson tin rằng Dorothy không phải là một người vợ lý tưởng của một phi công chiến đấu. Dorothy dường như khá dè dặt và không nhiệt tình hồ hởi. Cô thuộc tuýp người thích đọc sách hơn tham gia các hoạt động xã hội với các cô vợ của các phi công khác trong phi đội. Dorothy muốn đến Philippin để gần gũi với Lee khi tàu Oriskany đang ở Yankee Station chuẩn bị chiến dịch không kích năm 1967. Swanson thuyết phục cô rằng việc cô đến Philippin sẽ ảnh hưởng không tốt đến kỷ luật của các phi công khác khi vợ của họ đang ở nước Mỹ.

  Swanson tin rằng Herb Hunter có ảnh hưởng tốt đến Lee Fernandez nên Swanson chỉ định Fernandez bay cùng cặp với Hunter. Và hai người này còn ăn ý với nhau hơn anh hi vọng. Lee Fernandez nghĩ rằng Herb Hunter là một trong những sĩ quan hải quân tốt nhất mà anh đã từng gặp. Việc Hunter và Fernandez sẽ tham gia chiến dịch không kích vào Cổ Chai như Swanson và Nunn đã từng làm cách đây một năm là một sự ngẫu nhiên của sự sắp xếp. Nếu Swanson biết được cuộc không kích lần này sẽ diễn ra như thế nào, sau này anh nói lại, thì anh đã thay đổi lịch trình và tự anh tham gia chiến dịch này.

  Cal Swanson đã không có được thời gian dễ chịu khi anh làm sĩ quan chỉ huy mới của phi đội 162. Phi đội không quân của lực lượng hải quân khá độc đáo trong các lực lượng vũ trang. Phi đội này bao gồm một nhóm nhỏ những sĩ quan có tính cạnh tranh cao được lựa chọn về chỉ số thông minh, sự tự khẳng định bản thân và khả năng chuyên môn và khả năng đối mặt với môi trường đầy sức ép mà nó được coi là thử thách cuối cùng của sự điềm tĩnh. Việc cất cánh từ một chiếc hàng không mẫu hạm đòi hỏi các phi công phải tự động viên mình là phi công giỏi nhất trong phi đội - tất nhiên trong hải quân việc đánh mất sự tự tin vào bản thân sẽ dẫn đến tai nạn hoặc cái chết. Và không cần phải bàn luận, những viên phi công này rất cứng đầu và khó chỉ huy họ.

  Thật khó để liệt kê chính xác những điều gì cần thiết để trở thành một người chỉ huy giỏi. Trên tàu Oriskany, Bryan Compton, chỉ huy của phi đội A-4, được mọi người ngưỡng mộ về những tiêu chuẩn của một người chỉ huy. Compton có biệt danh là "hoa mộc lan" không chỉ bởi vì anh được sinh ra ở Georgia mà còn theo nhận định của các đồng đội - quần áo bay của anh bao giờ cũng có mùi thơm. Bạn luôn tìm được một chiếc ghế trống bên cạnh Compton tại các cuộc họp trước khi xuất kích. Dick Wyman nhận xét “tôi có thể lần theo dấu của "hoa mộc lan" ở bất kỳ nơi nào. Tôi nghĩ mọi người đều cảm thấy như vậy. Và "hoa mộc lan" là một gã như vậy đó. Mọi thứ ngày càng tồi tệ bao nhiêu thì đối với anh ta càng tốt bấy nhiêu. Anh ta là một gã xấu xí nhưng lại là người điển hình của chúng ta?".

  Black Mac cũng đồng tình "lần đầu tiên khi bạn nói chuyện với "hoa mộc lan" thì bạn sẽ phải thốt lên "đây là thằng nông dân trời đánh thánh vật”. Nhưng anh ta rất nhanh nhẹn và dũng cảm".

  Tờ báo đặc chủng của hải quân đã liệt kê những đặc điểm cần có để trở thành một người chỉ huy giỏi. Những điều đó là: lòng can đảm, sự hoà đồng với đồng đội, sự tế nhị trong giao tiếp, sự cần mẫn, sự chân thật, hết lòng vì nhiệm vụ và tính hi sinh. Tờ báo này không quên đề cập đến tầm quan trọng của tính hài hước. Tờ báo này cho biết: "Một trong những đặc tính của con người dễ nhận thấy trong các phi công hải quân là tính hài hước. Tính hài hước và tinh thần lạc quan có thể làm dịu bớt những tình huống căng thẳng mà các phi công thường gặp, làm tiêu biến những sự khó chịu trong khi chuẩn bị tham gia các cuộc không kích".

  Mặc dù rất nghiêm khắc trong khi thực hiện nhiệm vụ Compton được mọi người chú ý đến sự điềm tĩnh và vui vẻ vì không coi mọi việc quá nghiêm trọng trong khi vẫn thể hiện tốt được năng lực và nghị lực của mình. Dick Wyman nhận xét tiếp: "Khi bạn bay qua bầu trời của Hà Nội thì bạn sẽ nghe "hoa mộc lan” nói vài câu hài hước. Một số người cố tỏ ra vui tính khi họ đang sợ hãi và họ nói luôn mồm. Nhưng Compton có thể làm bạn vơi đi sự lo lắng bằng sự vui vẻ của mình và làm bạn cùng góp vui bằng những câu chuyện của mình một cách tự nhiên". Khi bạn quan tâm đến điều đó thì đó có thể là bản chất của một người chỉ huy giỏi. Phải là một viên phi công giỏi. Phải điềm tĩnh vui vẻ. Cả Herb Hunter và Cal Swanson đều là những phi công xuất sắc. Herb Hunter khá điềm tĩnh còn Cal Swanson thì không như vậy.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM