Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 01:49:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76995 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #130 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:32:10 pm »

Tờ Thời báo chạy hàng tít 8 cột: "Việt Nam Cộng hòa bị dùng làm vật thí nghiệm cho đế quốc tư bản. Đã đến lúc cần xét lại sự hợp tác Việt Mỹ”. Các tờ báo Việt ngữ khác tại Sài Gòn cũng có cùng một luận điệu và dường như có một lúc mà giây phút sự thật đã đến với hai phía...

Diệm không còn có thể thi hành những cuộc cải cách do Hoa Thịnh Đốn khuyến cáo vì ông đã mất quyền kiểm soát tình thế, quyền hành dần dần đã bị Nhu thu tóm. Nhu viện lẽ muốn làm nhẹ gánh nặng cho tổng thống.

Nhu trên danh nghĩa chỉ là cố vấn, nhưng quyền hạn vượt xa Phó tồng thống Nguyễn Ngọc Thơ và còn lấn quyền cả ông anh tổng thống. Vợ Nhu còn có lần la mắng Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ trước mặt nhiều người khiến ông này quá tủi nhục nên có ý định từ chức. Nhưng một sự từ chức của nhân vật trên lý thuyết là người đương nhiên thay thế tổng thống nếu ông này tạm mất khả năng lãnh đạo đất nước hoặc bất ngờ tạ thế, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị do một sự bất đồng nội bộ.

Nhu quyết không để bị hất chân ra khỏi chính quyền cũng như không có ý định khẩn cầu thượng nghị sĩ dân chủ đầy thế lực Mike Mansfield ủng hộ chế độ Sài Gòn thêm một thời gian nữa như ông ta đã từng làm năm 1955. Nhu cũng tin vào Hoa Kỳ đã dấn sâu vào Việt Nam và đã đổ quá nhiều công sức vào đây nên không có thể rút khỏi Việt Nam dễ dàng được.

Tháng 9.1961, đại tướng M.Taylor, sau chuyến du hành quan sát tại Việt Nam, đã mạnh dạn phát biểu qua các cơ quan thông tin đại chúng, đòi phải có những cải cách chính trị tại Nam Việt. Nhưng Hoa Thịnh Đốn tỏ ra kín đáo hơn về sứ mạng của ông Irving Brown, đại sứ lưu động của Liên hiệp Công đoàn AFL-CLO, người đã vượt qua 800.000 cây số trong một sứ mạng chống Cộng qua các quốc gia cựu thuộc địa nhưng phần lớn đã thu hồi độc lập và đã ngả theo chủ nghĩa xã hội.

Sau cuộc “trường chinh" này, I.Brown được AFL.CIO phái sang Nam Việt để phân tích tình hình tại chỗ. Phúc trình mật của Brown đề ngày 27.11.1961 dày 10 trang giấy đánh máy, có thể tóm tắt nội dung như sau: con người từ nay cần được hoa Kỳ ủng hộ là Chủ tịch Tổng liên đoàn lao công tại Sài Gòn Trần Quốc Bửu, cựu nhân viên phòng nhì Pháp rồi nhảy sang lãnh vực công đoàn. Phúc trình Brown nhấn mạnh:

"Trần Quốc Bửu là lãnh tụ công đoàn xuất sắc nhất mà tôi gặp tại Sài Gòn được sự tín nhiệm của Diệm và giới thân cận của ông này. Như vậy là Bửu có thể nương vào sự tín nhiệm này để có thể tấn công chế độ Diệm từ bên trong nếu chúng ta ủng hộ ông".

Sự thăng tiến của Trần Quốc Bửu được ghi nhận bắt đầu từ thời điểm này. Sự sụp đổ của Diệm đã gần kề, nhưng những kẻ đã từng chọn ông lúc đầu cũng không muốn để cho ai khác chỉ định người thay thế ông ta. Chủ đề thường được tờ New Leader đặt ra là: "Làm thế nào để thắng trong cuộc chiến Đông Dương?”

Ngày 27.2.1962, lúc 6 giờ 50 sáng, hai sĩ quan không quân quốc gia dội bom xuống Dinh Độc Lập, gây thương tích cho bà Ngô Đình Nhu. Bộ máy tuyên truyền của Diệm ám chỉ sự nhúng tay của người Mỹ trong hành động này mà không dám chỉ đích danh ai. Danh tính của nhân vật đứng sau vụ này được nhà báo Mỹ James Reston tiết lộ sau đó trên tờ báo New York Times: đó là bào đệ của Tổng thống Kennedy: thương nghị sĩ Bob Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp trong nội các Kennedy.

Ký giả Rreston cho là ngoài Cuba, Việt Nam thu hút sự chú ý của Bob-Kennedy nhiều nhất, và ông này quyết giúp ông anh tổng thống thoát ra khỏi vũng lầy Việt Nam. Trong chính phủ Kennedy, Bộ trưởng Tư pháp Kennedy đầy thế lực, được xem là người chủ trương việc theo đuổi một chính sách phản cách mạng tại Nam Việt. Bob tham gia tất cả những sáng kiến dẫn tới một sự chống đối ra mặt của chính phủ Mỹ với chế độ của Diệm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #131 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:32:19 pm »

Việt Nam là trắc nghiệm thứ ba quan trọng của cuộc chiến tranh chống lại phe xã hội chủ nghĩa. Hoa Kỳ đã chứng minh là tại Triều Tiên, họ có thể đương đầu với một cuộc chiến lớn nhưng có mục tiêu hạn chế và trong cuộc khủng hoảng về các dàn hỏa tiễn Liên Xô lắp đặt tại Cuba năm 1962, họ có thể đối đầu với mối đe dọa của một chiến tranh hạt nhân, nhưng họ chưa từng dính líu vào một cuộc chiến tranh giải phóng, và chính vì vậy mà Việt Nam là một trắc nghiệm mới.

Hơn tất cả mọi người, Bob Kennedy bị thu hút bởi những kỹ thuật và hiệu năng của cuộc chiến phản cách mạng, ông đảm trách những vấn đề của Việt Nam ngay từ ngày bào huynh tổng thống nhận chức và có đủ uy tín và thẩm quyền cần thiết để kết hợp cái ê kíp đang bị chia rẽ, hỗn độn gồm những nhân vật của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và các sở mật vụ Mỹ. 

Ngay từ khi chỉ là thượng nghị sĩ, John Kennedy đã chú tâm đọc kỹ những văn bản mà Arthur Goldberg hay Angier B.Dukel cả hai là những người tuyên truyền cho Diệm, trao cho ông. Bước chân vào "Nhà Trắng", bào đệ của ông, Bob Kennedy thay thế ông anh tổng thống để hoạch định một chính sách cho Việt Nam.

Bob lo ngại vấp phải một sự chống đối lại chương trình Rostow Weisner Schlesinger của John Kennedy. Trong đầu Bob ấp ủ một cuộc chiến phản cách mạng - hoặc là làm thế nào đè bẹp một cuộc khởi nghĩa nếu ông ta được nắm quyền hành hoặc được chỉ đạo nó, tất cả công việc này là nỗi đam mê của Bob Kennedy, và Nam Việt là mảnh đất cho ông vận đụng tài năng của mình.

Cái đề nghị của lãnh tụ công đoàn Mỹ Irving Brown năm 1961 nhằm biến Trần Quốc Bửu, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công tại Sài Gòn thành "con bài của Hoa Kỳ”, chắc chắn đã được chuyển đến Bob, ông này với đầu óc thực dụng như những người thường áp dụng luật rừng, liền ký vào để tán thành một hành động loại bỏ Diệm và đưa Bửu lên thay thế, mà không cần bận tâm đến những phản ứng của dư luận quần chúng, Bob nói với ông anh tổng thống là đã đến lúc phải cởi bỏ cái gánh nặng tại Nam Việt do chế độ Diệm gây ra cho Hoa Kỳ.

Đối với Bob Kennedy, cuộc dội bom của hai trung úy Quốc và Cừ không phải là một hành động riêng rẽ. Nhưng tên "phản động" mà Diệm - Nhu tố cáo là đứng đằng sau hai sĩ quan không quân Quốc và Cừ là những người đang ngự trong Tòa Nhà Trắng.

Để cải thiện tình hình quân sự càng ngày càng trầm trọng tại Nam Việt, Tổng thống Kennedy phái giáo sư Staley và đại tướng M.Taylor sang Sài Gòn nghiên cứu tình hình và đệ trình lên tổng thống một kế hoạch đối phó với sự bành trướng của quân giải phóng. Và một trong những đề nghị đầu tiên của kế hoạch Staley - Tay-lor là việc thành lập tại Sài Gòn vào tháng 2.1962, tiếp theo sau cuộc dội bom xuống dinh Độc Lập, một Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ dưới quyền chỉ huy của đại tướng Paul Harkins.

Bộ Tư lệnh này thực chất sẽ hoạt động như là một bộ tham mưu đảm trách việc hoạch định chương trình hành quân cho Bộ Tư lệnh quân đội quốc gia Việt Nam. Quân số của Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ cuối tháng 2.1962 lên đến 5.000 sĩ quan và chỉ ba tháng sau đã lên đến con số 7.500 người và năm 1963 đã vọt lên con số trên 20.000 người mà vẫn không đủ để lật ngược tình thế. Hoa Thịnh Đốn sau cùng phải gửi quân Mỹ sang Nam Việt trực tiếp tham dự vào cuộc chiến để mong tránh cho Nam Việt, thành trì chống Cộng của Mỹ tại Đông Nam Á, khỏi rơi vào vòng kiểm soát của Cộng sản, nhưng rồi vẫn rước lấy thất bại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #132 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:56:05 am »

SỰ THẬT VỀ DÍNH LÍU CỦA MỸ VÀO CUỘC ĐẢO CHÍNH NGÀY 1.11.1963

Đại tướng Harkins Tổng tư lệnh Mỹ tại Sài Gòn vì thân Diệm nên bị Đại sứ Lodge qua mặt và đặt trước sự đã rồi

Cuối tháng 11.1963, một không khí ngột ngạt bao trùm thành phố Sài Gòn trong khi cuộc đối đầu giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và khối Phật giáo vẫn còn âm ỉ. Tân Đại sứ Mỹ Lodge tại Sài Gòn thất bại trong cố gắng thuyết phục Tổng thống Diệm tách Nhu ra khỏi bộ máy cầm quyền nên đành phải bật đèn xanh cho các tướng lãnh tại Sài Gòn thực hiện một cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ Diệm. Và các cuộc chuẩn bị cho cuộc Chính biến ngày N giờ G đã được ấn định vào lúc 13 giờ ngày 1.11.1963. 

Ngày 31.10.1963, bốn đại đội lực lượng đặc biệt thiện chiến do Mỹ trả lương và được xem tuyệt đối trung thành với chính phủ Diệm bị Mỹ buộc phải rời Sài Gòn đi tấn công quân kháng chiến thay vì được giữ lại để bảo vệ phủ Tồng thống (dinh Gia Long). Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ do đại tướng Harkins cầm đầu, được lệnh từ Hoa Thịnh Đốn, thông báo cho chính phủ Sài Gòn rõ là nếu Nhu cứ tiếp tục giữ các đơn vị lực lượng đặc biệt tại Sài Gòn vì quyền lợi cá nhân thì Mỹ ngưng đài thọ số tiền là 300.000 USD để trả chi phí hàng tháng cho binh chủng này.

Để đáp lại khoản trống do sự vắng mặt của bốn đại đội này, Nhu gọi về Sài Gòn và vùng phụ cận các đơn vị trung thành với chế độ và Nhu cho là một sự triển khai những lực lượng hùng hậu như vậy đủ đảm bảo an ninh cho gia đình Ngô Đình...

11 giờ sáng ngày 1.11.1963, Đô đốc Felt, Tổng tư lệnh lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cùng đi với Đại sứ C. Lodge đến dinh Gia Long để từ giã Tồng thống Diệm trước khi quay về Honolulu. Lodge lẽ ra cũng rời Sài Gòn cùng ngày, nhưng vào giờ chót phải hoãn chuyến đi đến ngày thứ bảy tới.

Lúc bấy giờ, Diệm nói với hai vị khách: “Các cơ quan tình báo của tôi trình với tôi những tin đồn được truyền đi về một âm mưu chống lại tôi. Chắc chắn đây là những quả bóng thăm dò do những nhân viên mật vụ Mỹ thiếu hiểu biết tung ra”. Lodge và Felt không đưa ra lời bình luận nào cả, mặc dù hai người thừa rõ những gì sắp xảy đến chỉ trong vài giờ tới.

Trong khi Lodge và Felt sắp chia tay Diệm tại dinh Gia Long, tất cả các tướng tá thân tín của Diệm đang chỉ huy các đơn vị tác chiến được triệu về Bộ tổng tham mưu gần Tân Sơn Nhất.

Đại tướng Lê Văn Tỵ, con cáo già đã từng phản bội người anh cả là trung tướng Nguyễn Văn Hinh vào tháng 9.1954, khi Tỵ mới chỉ là đại tá đã ngả theo Diệm, đã thấy trước có biến động nên khôn khéo không chịu tham dự vào cuộc phiêu lưu quân sự chống Diệm, Tỵ viện lý do sức khỏe, rời Sài Gòn đi nghỉ mát dưỡng bệnh.

Chức quyền Tổng tham mưu trưởng được tạm giao cho trung tướng Trần Văn Đôn, một vị tướng có thâm niên nhất sau tướng Tỵ và có uy tín trong quân đội Sài Gòn nhờ được đào tạo tại các trường võ bị Pháp và Mỹ. Tướng Đôn bị Diệm-Nhu nghi kỵ nên phải rời khỏi chức vụ chỉ huy trực tiếp quân đội năm 1962. Đôn bị nghi nằm trong số những tướng lãnh chủ trương những cải cách trong chính phủ Sài Gòn.

Tướng Đôn với tư cách quyền Tổng tham mưu trưởng, chức vụ cao nhất trong hàng ngũ các tướng lãnh Sài Gòn cho triệu tập tất cả tướng tá trung thành với Diệm - Nhu về Bộ tổng tham mưu rồi giữ họ dùng cơm trưa để tiếp tục các cuộc thảo luận. Sau bữa cơm, lúc 13 giờ trưa, khi cuộc họp sắp sửa tiếp diễn trở lại thì tướng Đôn hướng về các tướng tá thân tín của Nhu, dõng dạc tuyên bố: “Kể từ giờ phút này, quân đội nắm lấy quyền hành. Quí vị nên tự xem mình đang trong tình thế bị bắt giữ!".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #133 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:56:37 am »

Đại tá Lê Quang Tung, chỉ huy trưởng toàn bộ binh chủng lực lượng đặc biệt, người tuyệt đối trung thành với Nhu, liền có phản ứng quyết liệt, nên các binh sĩ do tướng Đôn bố trí sẵn, tiến đến lôi đại tá đi và hạ sát ngay sau đó để dằn mặt những sĩ quan cùng phe với Tung.

Đúng vào giờ phút này, Diệm - Nhu đang nghỉ trưa trong dinh Gia Long. Sáng hôm đó, cơ quan mật vụ của Nhu gọi điện vào dinh báo tin là đã phát hiện những cuộc vận chuyển quân đội bất thường hướng vào trung tâm Sài Gòn. Nhu trấn an họ: "Các anh không phải lo ngại vì những cánh quân này chỉ thi hành những lệnh của tôi".

Nhưng khi ba tiểu đoàn thủy quân lục chiến ngăn chặn con đường dẫn tới phi trường Tân Sơn Nhất rồi ngay sau đó tiến chiếm đài phát thanh và các vị trí trọng yếu trong thành phố, trùm mật vụ của Nhu cấp báo cho dinh Gia Long. Lần này, Nhu thấy nguy, nên gọi điện cho tướng Tôn Thất Đính, Tổng trấn Sài Gòn kiêm Tư lệnh quân khu 3 nhưng Đính né tránh để cho các sĩ quan trực đáp là ông ta không có mặt tại Chỉ huy sở.

Liền sau đó, lực lượng đảo chính tiến chiếm sở Ba Son và điểm chiến lược trong nội thành. Lúc 13 giờ 45 phút, nhiều loạt súng đại liên làm khuấy động không khí ẩm ướt trong thành phố. Được các chiến xa yểm trợ, lực lượng làm chính biến triển khai tiến chiếm các cơ quan chính yếu.

Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi chỉ huy lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ chuẩn bị đẩy lui quân đảo chính đang bắt đầu bao vây dinh Gia Long. Diệm tìm cách liên lạc với Đính nhưng bất thành và ông nghĩ có thể Đính đã bị các tướng đảo chính bắt giữ. Diệm không tin là Đính có thể phản bội ông khi mà Đính đã dính líu quá nhiều với chính phủ qua hành động tấn công mạnh vào các chùa chiền chỉ mới hai tháng trước.

Sự thật là tướng Đính đã trở mặt với Nhu và ngả theo phe đang thắng thế và là người trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân lật đổ chế độ. Chính Đính đã đánh lừa Nhu khi ngày hôm trước, ông ta đề nghị với Nhu cho phép ông đem quân về Sài Gòn bảo vệ dinh Gia Long để làm nản lòng những tướng tá có ý định làm một cuộc đảo chính quân sự, và Nhu đã nhận lời nên trở tay không kịp.

Theo nhà báo Chaffard, Nhu đã chuẩn bị sẵn một nơi trú ẩn ở gần bờ biển để lánh về đây trong khi bị lâm nguy, và từ nơi này, liên lạc với các đơn vị trung thành lập lại thế cờ lấy lại quyền kiểm soát tại Sài Gòn. Hơn nữa, Như thường tỏ ra khinh miệt các tướng lãnh được đào tạo tại các trường võ bị Pháp và Mỹ mà ông cho là ngoan ngoãn và nhu nhược, không dám chống lại chính quyền hợp pháp, như đã từng xảy ra tháng 9.1954, khi đồng loạt các tướng Tỵ, Đôn, Kim, Minh lớn và Minh nhỏ đã quay lưng lại với chủ tướng Nguyễn Văn Hinh để theo về với chế độ đang cầm quyền Ngô Đình Diệm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #134 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:57:24 am »

Eisenhower khiển trách Lodge để ông Diệm bị giết

Tuy lập được công đầu trong việc lật đổ chế độ, tướng Đính, một sĩ quan lắm mồm và thích ăn chơi, chỉ ba tháng sau đó bị tướng Nguyễn Khánh và đàn em loại hẳn ra bộ máy cầm quyền. Cay đắng, Đính lên tiếng tố cáo các tướng lãnh đảo chính đã lãnh của Lodge 1 triệu USD để thực hiện cuộc chính biến 31.1.1964. Nhà báo Úc W.Burchett còn phanh phui là ngày 24.10.1963, đại sứ Lodge đã thỏa thuận với tướng Trần Văn Đôn số tiền 1 triệu USD cho việc tiến hành cuộc đảo chính lật đổ Diệm.

Trong khi vài đơn vị trung thành với chế độ cố gắng giành lại quyền kiểm soát đài phát thanh đã lọt vào tay thủy quân lục chiến, đài này lúc 14 giờ 30 cho phát đi lời hiệu triệu của Hội đồng tướng lãnh cách mạng gồm 14 vị tướng và 10 đại tá, mỗi người tự đọc tên mình để toàn quân nhận ra giọng nói của từng vị tướng và tá, chớ không như trong cuộc đảo chính ba năm trước (11.11.1960), chỉ có giọng nói của đại tá Nguyễn Chánh Thi. Tuyên ngôn này buộc hai anh em Diệm - Nhu phải đầu hàng.

Trong số ra ngày 7.12.1963, tờ New York Times có viết: Khi C.Lodge năm 1964 ra ứng cử tổng thống Mỹ, cựu Tổng thống Mỹ Eisenhower, người năm 1954 đã đưa Diệm về Sài Gòn cầm quyền và đã ủng hộ ông này trong suốt hai nhiệm kỳ tổng thống của ông đã hỏi đại sứ Lodge, người cùng đảng Cộng hòa với ông vậy Lodge có thật sự làm tất cả mọi việc để cứu mạng sống cho hai anh em Diệm - Nhu? Thì được Lodge xác nhận là giữa lúc quân đảo chính đang bao vây dinh Gia Long, Lodge đã hai lần gọi điện cho ông Diệm rõ là ông ta sẵn sàng để cho cả hai anh em Diệm - Nhu được quyền tị nạn trong Tòa đại sứ Mỹ.

Lodge còn ra lệnh cho vị lãnh sự Mỹ tại Huế cho Ngô Đình Cẩn, em út của Diệm được hưởng quyền tị nạn chính trị trong Tòa lãnh sự Mỹ tại Huế và Cẩn đã nhanh chóng không bỏ lỡ dịp này, giữa lúc tướng Đỗ Cao Trí đưa quân đến dinh thự của Cẩn để vừa canh giữ vừa bảo vệ an ninh cho Cẩn đề phòng sự phẫn nộ của dân chúng đối với hung thần miền Trung.

Theo nhà báo Chaffard, thì trước lời đề nghị bảo đảm an ninh cho Diệm, ông này từ khước đề nghị của Lodge và đáp: "Tôi đánh giá cao sự quan tâm của ngài Đại sứ đối với chúng tôi. Nhưng tôi tin là có thể tự mình lập lại trật tự được".

Nhiều tờ báo Âu Châu tiết lộ là có nhiều cố vấn quân sự Mỹ chớ không phải là những ký giả, đã tiến vào dinh Gia Long cùng với đợt binh sĩ đầu tiên tấn công vào dinh này. Những cố vấn Mỹ ăn mặc dân sự, trong khi các “nhà nhiếp ảnh" Mỹ mà không được một đồng nghiệp nào nhận diện được trước đó đã theo chân mỗi đợt tấn công của quân đảo chính.

Nhưng Diệm - Nhu đã kín đáo rời khỏi dinh Gia Long lúc hoàng hôn ngay hôm đó bằng một chiếc xe Citroen 2 mã lực chuyên dùng đi mua thức ăn mỗi buổi sáng, bằng cửa hậu đường Lê Thánh Tôn để giúp Diệm - Nhu thoát vòng vây chạy thẳng vào nhà của tên Mã Tuyên trong Chợ Lớn.

Lúc 3 giờ sáng, thủy quân lục chiến tập hợp lại cách dinh độ 100 mét và chuẩn bị cho cuộc tấn công quyết định vào dinh. Một giờ sau, hai chiếc khu trục cơ P.38 do Nguyễn Cao Kỳ, lúc ấy mới chỉ mang lon trung tá nhưng ngay ngày hôm sau được thăng đại tá, bay sà xuống nã đại liên xuống dinh Gia Long dọn đường cho cuộc xung kích của thủy quân lục chiến.

Ít lúc sau, một lá cờ trắng được treo lên cửa sổ tầng trên cho pháo binh và bộ binh ngừng các cuộc tấn công, và lúc bấy giờ quân tấn công mới nhận ra là hai anh em Diện - Nhu đã biến mất từ chạng vạng hôm qua. Các binh sĩ đảo chính lục soát phòng của Nhu, thu được quyển sách tựa đề "Shoot to kill" (Nổ súng để giết), quyển sách đầu giường của Nhu và có lẽ ông này vừa nghiền ngẫm trước khi trải qua giấc ngủ trưa sau cùng của đời mình.

10 giờ sáng ngày 2.11.1963, Đài phát thanh Sài Gòn loan tin Diệm Nhu tự sát. Nhưng sự thật là cả hai đã bị hạ sát bên trong chiếc thiết vận xa M.113 đưa hai người từ Nhà thờ Cha Tam đường Học Lạc Chợ Lớn về Bộ tổng tham mưu gần Tân Sơn Nhất. Một trung sĩ Việt Nam đưa hai thi hài Diệm Nhu ra khỏi chiếc thiết vận xa nhận thấy y phục hai người đẫm máu và nhận ra là Diệm chết vì bị đạn bắn vào ót, còn Nhu thì bị đâm từ sau lưng.

Còn số phận của Ngô Đình Cẩn đã được định đoạt ít lâu sau đó qua một cuộc thương nghị giữa Tòa đại sứ Mỹ và các tướng lãnh đảo chính: "Tòa lãnh sự Mỹ được lệnh giao Cẩn cho nhà cầm quyền mới để đưa ra tòa xét xử công khai, rồi bị đem ra xử bắn, nhưng đổi lại chính quyền quân sự mới khi đem Cẩn ra kết tội phải tránh gây tai tiếng cho người Mỹ về việc giao nộp Cẩn cho phe đảo chính, nhất là sau khi Mỹ bất lực không bảo vệ được tính mạng Diệm, người mà Tổng thống Eisenhower đã đưa về Sài Gòn cầm quyền năm 1954 và tích cực ủng hộ trong suốt 6 năm ông còn ngồi ở chức tổng thống Mỹ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #135 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:58:03 am »

Sự dính líu của Mỹ vào cuộc đảo chính.

Ngay sau ngày chế độ Diệm bị lật đổ, Hoa Kỳ lập tức tái lập đầy đủ các khoản viện trợ cho chính quyền mới của các tướng lãnh. Về phần trách nhiệm của người Mỹ trong sự lật đổ chính quyền thì khó có thể chối cãi được.

Chính ông John Meeklin, tùy viên báo chí Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn khôi hài xác nhận: "Biện minh cho sự không dính líu của Hoa Kỳ vào cuộc đảo chính quân sự này, giống như việc cho là vô tội thái độ của người bảo vệ một kho hàng nói trước với một tên trộm chuyên nghiệp mà anh ta biết rõ là đêm ấy anh ta bỏ việc canh giữ để đi ăn nhậu suốt đêm với bạn bè". (trích quyển "Mission in Torment”, trang 278).

Theo Halberstam, một nhà ngoại giao Mỹ chuyên về vấn đề Việt Nam, các tướng Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn và Lê Văn Kim có thông báo trực tiếp cho Tòa đại sứ Mỹ biết trước ngày giờ phát động cuộc đảo chính. Và Tòa đại sứ Mỹ trong thời gian diễn ra hành động quân sự lật đổ Diệm, luôn liên lạc bằng điện thoại với các tướng lãnh để theo dõi sát sự diễn biến hành động quân sự của nhóm đảo chính.

Nhà báo Théodore Draper xác nhận: "Người ta không có đủ bằng chứng về một sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc đảo chính này, nhưng sự thật là Tòa đại sứ Mỹ đã dọn đường cho cuộc chính biến, họ biết trước tất cả các chi tiết trong công cuộc chuẩn bị và họ không làm gì cả để ngăn cản. Ngược lại, dường như Bộ Tham mưu của đại tướng Harkins, một người bị C.Lodge cho là rất thân với Diệm - Nhu, bị đặt trước sự đã rồi. Lodge sợ Harkins thông báo cho Diệm - Nhu hay trước cuộc đảo chính để hai người kịp thời chuẩn bị sự chống trả và dẫn tới sự thất bại của việc lật đổ chính quyền cứng đầu Ngô Đình Diệm”.

Tổng thống Kennedy nghĩ rằng việc giúp cho dân chúng Nam Việt thoát khỏi sự cai trị của một chính phủ thất nhân tâm sẽ giúp cho người dân tại Nam Việt chiến đấu hữu hiệu hơn chống lại quân giải phóng. Nhưng đây là một sai lầm lớn. Vì sau ngày chính quyền Diệm sụp đổ, cùng với toàn bộ hệ thống các ấp chiến lược và cả bộ máy mật vụ dầy đặc của Nhu, cuộc chiến chống lại quân giải phóng chỉ suy yếu thêm.

Mặc dù sau đó Hoa Kỳ bắt buộc phải gửi sang Nam Việt đến nửa triệu quân để trực tiếp tham chiến mà vẫn không lật ngược được thế cờ, để rồi Hoa Kỳ phải rước lấy một sự thất trận thảm hại chưa từng thấy trong lịch sử của siêu cường kinh tế và quân sự hùng mạnh nhất thế giới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #136 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:59:10 am »

Bà Nhu thoát bị trừng phạt tại Việt Nam nhờ nán lại Los Angeles. Đại sứ Lodge đã hai lần điện thoại đề nghị Diệm - Nhu trú ẩn tại Tòa đại sứ Mỹ 


Mùa thu 1963, tình tình chính trị tại Nam Việt rất rối ren, với các vụ va chạm giữa chính quyền Sài Gòn với lực lượng Phật giáo, với những vụ tự thiêu kế tiếp và những cuộc xuống đường của phật tử và sinh viên cùng với những vụ bãi khóa. Dư luận quần chúng lúc bấy giờ thường tự hỏi tại sao chính phủ Diệm lại cứ tiếp tục các cuộc đàn áp mà không chịu tỏ ra hòa dịu để làm cho tình hình trong nước bớt căng thăng, khi mà mức độ ủng hộ của người dân đối với chế độ xuống thấp chưa từng thấy.

Một số người cho là Diệm tin chắc là ông sẽ thắng trong sự đối đầu này, và một phần cũng vì Diệm - Nhu không chịu mất thể diện. Một số người khác tin là Nhu đặt hết tin tưởng vào sự ủng hộ không lay chuyển của người bạn của ông ta là John Richard, Giám đốc các cơ quan mật vụ Mỹ tại Sài Gòn, vào Đại sứ Mỹ F.Nolting:

Tổng thống Kennedy, trước tình hình càng ngày càng tồi tệ tại Sài Gòn, một phần do việc Nhu quyết bám lấy quyền hành chớ không chịu ra đi theo lời thuyết cáo của Hoa Thịnh Đốn gửi tới Diệm. Tổng thống Kennedy phải tìm người thay thế đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông F.Nolting, một chỗ dựa của chế độ Sài Gòn, để chấm dứt chính sách hoàn toàn ủng hộ chính quyền Ngô Đình Diệm.

Muốn chia sẻ trách nhiệm với đảng Cộng hòa đối lập trong việc giải quyết vấn đề nôi cộm tại Nam Việt, Tổng thống Kennedy thấy cần phải dùng tới một chính khách nổi tiếng của đảng Cộng hòa để chỉ định vào chức vụ tân đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, và ông Henry Cabot Lodge là người có đầy đủ điều kiện nhất.

Ông Lodge, trong Đệ nhị thế chiến, là sĩ quan liên lạc Mỹ dưới trướng đại tướng Eisenhower để nhận nhiệm vụ có những quan hệ giữa Đoàn quân viễn chinh Mỹ tại châu Âu với tướng De Gaulle và Bộ Tư lệnh quân lực của nước Pháp tự do để hợp đồng tác chiến chống quân Đức Quốc xã của Hitler. Ông Lodge nói tiếng Pháp rất giỏi và rất am hiểu người Pháp, nên rất tiện lợi khi đến phục vụ tại một nước thuộc địa cũ của Pháp như Việt Nam.

Trước ngày sang nhậm chức tại Sài Gòn, ông Lodge đang chỉ huy một cơ quan ít được ai biết đến: Viện Nghiên cứu Đại Tây Dương tại Paris. Tại đây, ông đang thảo ra dự án cho ra đời một đồng tiền quốc tế để đem lại tiến bộ cho sự thống nhất xã hội nhờ vào sự tan rã của các thuộc địa cũ và để giúp Hoa Kỳ trở thành một loại siêu quốc gia địa phương.

Tháng 8.1945, ngay sau ngày Nhật đầu hàng, ông Lodge tình nguyện được nhảy dù xuống Việt Nam để bắt liên lạc với lực lượng du kích quân Việt Nam đang chiến đấu chống Nhật, để giành lấy ảnh hưởng cho Mỹ trước khi Pháp đưa quân trở lại Đông Dương. Ông Lodge đã từng được một bộ phận trong đảng Cộng hòa đề cử làm ứng cử viên của đảng ra tranh cử tổng thống Mỹ, nhưng thất bại.

Tin từ Hoa Thịnh Đốn loan đi về việc bổ nhiệm một Chính khách tầm cỡ như ông Lodge sang làm tân đại sứ Mỹ tại Sài Gòn gây xôn xao trong dư luận quần chúng tại Việt Nam và hứa hẹn một sự chuyển biến chính sách của Mỹ đối với chế độ Sài Gòn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #137 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 11:59:19 am »

Khi gần tới ngày Lodge đến nhậm chức tại Sài Gòn, cả thành phố Sài Gòn bắt tay vào một cuộc chạy đua căng thẳng với định mệnh. Bên trong dinh Độc Lập, một cuộc đảo chính nội bộ đã diễn ra: Diệm không còn có thể dù có muốn đi nữa, loại Nhu ra khỏi bộ máy cầm quyền theo khuyến cáo của Hoa Thịnh Đốn vì từ thời điểm này chính Nhu mới là người quyết định những bước đi quan trọng và thâu tóm mọi quyền hành trong tay ông anh.

Nhu quyết đè bẹp mọi sự chống đối trước khi đại sứ Lodge đến Sài Gòn thay thế Nolting, bằng các vụ bắt bớ ồ ạt vào các chùa chiền. Sau những vụ tự thiêu kế tiếp của các nhà sư, bà Nhu còn độc ác đưa ra lời khiêu khích và nhạo báng: "Tôi sẽ hoan hô rõ to nếu năm mươi nhà sư tự thiêu cùng một lúc". Bà ta còn dùng động từ "nướng" để chỉ hành động tự thiêu, nên bị dư luận toàn thế giới tố cáo là đã thêm dầu vào lửa.

Tờ báo kinh tế The Economist London tại Anh số ra ngày 14.9.1963 nhận định:

"Chính sách đàn áp liên tục của chế độ Sài Gòn có nguy cơ xô đẩy vào tay những người cộng sản một dân tộc đã quá mệt mỏi. Bà Nhu, người đã từng đạt được những gì mà bà ta muốn, bằng cách này hay cách khác, nay đã trở thành điên loạn và bị toàn thế giới khinh miệt. Chính ông thân của bà, luật sư Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ đã phải lên án bà và từ nhiệm chức đại sứ của chế độ Diệm, khi ông tuyên bố là con gái của ông đã ngụp lặn trong sự say mê quyền hành.

Luận điệu quá khích của bà Nhu, theo đó phương cách tốt nhất để giải quyết vấn đề các nhà sư là đánh đập những người này mạnh hơn mười lần, đã được loan đi khắp thế giới, khi vị “đệ nhất phu nhân" tại Sài Gòn đáp phi cơ đi dự Hội nghị quốc tế các nghị sĩ họp tại thủ đô Nam Tư (Belgrade), nơi bà ta đặt chân tới ngày 11.9.1963. Sau đó, bà sang Pháp để mở một cuộc họp báo tại Tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Paris, trong dịp này, bà Nhu đưa những lời tuyên bố chống Mỹ và chống Pháp, trong khi bên ngoài Tòa đại sứ Việt Nam, cảnh sát Pháp phải ngăn chặn cuộc biểu tình phản đối và lên án bà ta”.

Đến đường cùng, Nhu tung ra ván bài tối hậu bằng cách phái bà vợ đầy tai tiếng nhưng đã từng mê hoặc được các nhà ngoại giao trong Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, nhằm thi hành một sứ mạng "giải độc" đối với dư luận thế giới. Tại Sài Gòn, người ta thường mỉa mai gọi Randolph Kidder, quyền đại sứ với cái biệt danh là "Người của bà Nhu” vì ông này ủng hộ chế độ Diệm một cách mù quáng vì quá say mê bà Nhu.

Khi đến Hoa Kỳ trong một chuyến du thuyết đưa bà ta từ bờ biển Đông sang bờ biển Tây Hoa Kỳ xuyên qua 17 thành phố với 17 lần đưa ra những lời tuyên bố trên vô tuyến truyền hình, 17 cuộc họp báo và 15 bữa ăn tối chính thức, thì Ranđolph Kidder lấy làm tiếc là không thể có mặt để tiếp đón và hướng dẫn người bạn gái thân, vì bị Bộ Ngoại giao Mỹ chấm dứt chức vụ tại Sài Gòn và gửi đi thanh tra các Tòa đại sứ Mỹ trên thế giới.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #138 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:00:12 pm »

Ngô Đình Trác, trưởng nam Ngô Đình Nhu, thề sẽ tra thù cho cha

Vừa đến Sài Gòn nhậm chức, tân đại sứ Cabot Lodge không vội trình ủy nhiệm thư lên tổng thống, mà chỉ lo tập hợp các tướng tá Nam Việt trong ngôi vườn của Tòa đại sứ Mỹ trong những buổi dạ tiệc công tác, để bàn bạc các vấn đề. Khi Diệm muốn gặp Lodge thì ông này né tránh và viện cớ là ông đang rất bận.

Tự cảm thấy cơn giông bão sắp ập đến và sắp mất đi sự ủng hộ tối cần thiết của Hoa Thịnh Đốn, theo nhà báo Mỹ Berrier, Diệm đè nén lòng kiêu hãnh của mình đến độ đề nghị là ông sẽ đích thân đến Tòa đại sứ Mỹ để hội kiến với C.Lodge. Nhưng ông này đáp lại qua điện thoại: “Không thể được, thưa Tổng thống, ngài dư biết như vậy là trái với nghi lễ chính thức".

Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, bà Nhu tuyên bố: “Cuộc chiến tại Việt Nam sắp đi đến thắng lợi. Và người ta không phải sợ một kẻ thù nào cả nếu có được Hoa Kỳ là bạn. Vậy người Mỹ nên trợ giúp chúng tôi thêm một thời gian nữa".

Ngày 23.10.1963 sau ba tuần lễ du thuyết bất thành tại các thành phố lớn tại Hoa Kỳ, bà Nhu định quay trở về Việt Nam nên điện thoại từ Chicago cho Nhu, và cho biết là bà sẽ trở về qua ngã Tokyo (Nhật Bản), và ngày rời đất Mỹ được định là 29.10.1963. Nhu nói với vợ là ông ta sẽ bay sang Tokyo để đón vợ và trưởng nữ là Ngô Đình Lệ Thủy, một cô gái rất đẹp chưa tròn hai mươi tuổi tháp tùng mẹ trong chuyến công tác đầy khó khăn này ở nước ngoài.

Bà Nhu định dùng nhan sắc của Lệ Thủy để gây cảm tình với dân chúng những nơi bà ta đến biện minh cho chính sách của Diệm - Nhu. Bà Nhu nói với chồng là không nên sang Nhật đón bà ta vì rời Sài Gòn vào thời điểm ấy sẽ bị dư luận cho là Nhu bỏ chạy khỏi Việt Nam giữa lúc lâm nguy. Vì đầu tháng 9.1963, tờ Paris Presse loan tin là gia đình nhà Ngô đang chuẩn bị hành lý để đi sống lưu vong trong trường hợp tính mạng bị đe dọa bởi một cuộc đảo chính quân sự.

Bốn ngày sau (27.10.1963), bà Nhu điện thoại từ San Francisco về Sài Gòn cho Nhu hay là bà định giải phẫu một ung nang (kyste) nhỏ trong con mắt. Nhu khuyên vợ nên ở lại Hoa Kỳ vài ngày để được bác sĩ phẫu thuật, và Nhu khuyên nên thực hiện việc này tại Los Angeles.

Có lẽ định mệnh giúp cho bà Nhu thoát khỏi sự trừng phạt của dân chúng Việt Nam nên khiến bà ta hoãn lại ngày về Việt Nam, nhờ vậy mà ngày 1.11.1963, bà còn lưu lại trên đất Mỹ khi quân đảo chính tấn công vào dinh Gia Long.

Ngày 2.11.1963, khi hay tin Diệm - Nhu bị giết, bà Nhu trút trách nhiệm lên các nhà lãnh đạo Mỹ qua lời tuyên bố: "Chính phủ Mỹ muốn đè bẹp những nhà lãnh đạo chân chính Việt Nam do chính nhân dân trong nước bầu lên".

Bỏ lại những hóa đơn lên đến trên 13.000 USD tiền khách sạn và nhà hàng mà Tòa đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ sau đó phải thanh toán, mẹ con bà Nhu rời lãnh thổ Mỹ với lời thề hằn học là bà sẽ không bao giờ đặt chân lại trên đất nước Hoa Kỳ. Bà Nhu lòng đầy căm hờn rời khỏi đất Mỹ, đầu tiên bay sang Rome (La Mã) gặp Đức Tổng giám mục Ngô Đình Thục để thảo luận về những việc cần phải làm để cứu vãn danh dự cho dòng họ Ngô Đình...

Trong khi đó tại Sài Gòn, trung tướng Trần Văn Đôn, người giữ chức quyền tổng tham mưu trưởng thay thế đại tướng Lê Văn Tỵ, đã dùng ảnh hưởng của mình trong hàng ngũ tướng lãnh đảo chính để can thiệp người lên Đà Lạt rước hai con trai và cô con gái út của Ngô Đình Nhu đang đi trốn sự trả thù của những nạn nhân của chế độ Diệm. Chính tướng Đôn, mà nhiều người cho là người tình cũ của bà Nhu, đã đứng ra bảo lãnh và giữ an ninh cho ba đứa con của Nhu còn kẹt tại Sài Gòn; để sau đó đưa cả ba lên phi cơ an toàn trả chúng về với mẹ chúng tại Âu châu.

Trong những ngày đầu sống lựu vong, bà Nhu và các con sống trong một căn hộ sang trọng tại đại lộ Charles Floquet tại Paris. Với bà Nhu, cuộc phiêu lưu chính trị đến đây là kết thúc.

Ngô Đình Trác, con trai trưởng của Nhu, năm 1963 mới 13 tuổi, khi hay tin cha bị giết, nổi máu anh hùng thừa hưởng từ cha, đã dõng dạc bày tỏ mối hận thù trước khi bước lên phi cơ về với mẹ: “Lớn lên, tôi sẽ trả thù những kẻ đã giết cha và bác của tôi”.

Nay đã hơn 50 tuổi, Ngô Đình Trác vẫn chưa thực hiện được lời nói căm thù trên, vì thiếu phương tiện và bản lĩnh. Cũng như cựu hoàng tử Bảo Long, con trai trưởng của Bảo Đại, cuối đời chỉ là một công chức Pháp hồi hưu sống trong một căn hộ tầm thường tại một chung cư tại Paris (Pháp).
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #139 vào lúc: 09 Tháng Mười Hai, 2009, 12:01:14 pm »

Pháp, Trung Quốc, Bắc Việt, Campuchia và ông Uthant kết hợp để trung lập hóa Nam Việt nhưng thất bại

Tháng 1.1961, Tổng thống J.F.Kennedy lên nắm chính quyền và bắt tay ngay vào việc giải quyết vấn đề Việt Nam. Ông có lập trường luôn chống lại những cuộc tổng tuyển cử cho cả hai miền Nam Bắc được trù định bởi Hiệp định Geneve 1954 và có khuynh hướng nắm lấy thế mạnh trên bàn cờ quốc tế. Chính vì vậy mà ngay mùa xuân 1961, Tổng thống Kennedy đã phái sang Nam Việt toán "Lực lượng đặc biệt" đầu tiên gồm 400 người nhằm tiến hành những cuộc hành quân bí mật tại Lào và Bắc Việt.

Cuối năm 1961 Kennedy đưa con số “cố vấn quân sự Mỹ" từ chưa tới 1.000 lên 15.000 để giúp huấn luyện quân đội quốc gia Việt Nam, để tăng quân số quân đội của ông Diệm từ 170.000 lên 270.000 và phái hai phi đoàn chiến đấu oanh tạc cơ B26 và hai phi đội trực thăng sang Nam Việt.

Mặc dù có cuộc leo thang quân sự này, và sự gia tăng các hoạt động quân sự (27.000 cuộc hành quân càn quét và 60 ngàn phi vụ oanh kích trong năm 1962) nhưng các hoạt động của quân du kích vẫn không giảm cường độ.

Lúc bấy giờ, Hoa Thịnh Đốn nghĩ rằng quân đội của Diệm không đủ sức đương đầu với lực lượng kháng chiến, và quân đội Hoa Kỳ phải trực tiếp tham dự vào cuộc chiến mới có thể lật ngược tình thế. Hoa Kỳ quyết định thành lập tại Sài Gòn một Bộ Tư lệnh Mỹ được đặt dưới sự chỉ huy của tướng Harkins và đòi chính phủ Sài Gòn giao cho các sĩ quan Mỹ nắm quyền chỉ huy các cuộc hành quân. Nhưng không phải chỉ có thế. Hoa Kỳ còn đòi Diệm cho họ thuê căn cứ hải quân Cam Ranh, đặt các cố vấn Mỹ bên cạnh tất cả những vị tỉnh trưởng, sử dụng chất độc màu da cam để rải xuống vùng rừng rậm do quân kháng chiến kiểm soát. 

Diệm là một con người chống Cộng nhưng cũng là một người có đầu óc quốc gia cực đoan không chấp nhận những sự xâm phạm đến chủ quyền quốc gia nên bác bỏ những yêu sách của Hoa Kỳ. Liền sau đó, áp lực của Hoa Kỳ đè nặng lên chế độ Diệm và sau cùng dẫn đến cuộc đảo chính quân sự ngày 1.11.1963 lật đổ chính quyền Diệm - Nhu. Năm 1963, con số các cuộc hành quân tăng lên 37.000 lần, nhiều hơn năm 1962 đến 10.000 lần.

Tổng thống Kennedy bị ám sát chỉ ba tuần lễ sau cái chết của hai anh em Diệm Nhu. Phó tổng thống Lyndon Johnson lên thay, thừa hưởng một tình thế rất xấu về chính trị cũng như quân sự và bị đặt trước một sự lựa chọn có tính chất quyết định: hoặc tiếp tục như trước và như vậy là chắc chắn rước lấy thất bại, hoặc can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến với tất cả những hiểm nguy của hành động này.

Tại Lầu Năm Góc các tướng lãnh cho rằng có thể chiến thắng tại Việt Nam trong một thời hạn hợp lý nếu chịu có những cố gắng có giới hạn. Tổng thống Johnson ngả theo một giải pháp can thiệp trực tiếp nhưng có giới hạn, chính sách này giúp ông đắc cử tháng 11.1964 trước đối thủ diều hâu B.Golwater của đảng Cộng hòa.

Sau cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, các tướng lãnh Minh - Đôn - Kim nghĩ đến việc tổ chức những cuộc bầu cử. Nhưng đại sứ Cabot Lodge làm mọi việc để khuyên các tướng lãnh Sài Gòn không nên thực hiện các cuộc bầu cử mà nên nghĩ đến việc thu phục lòng dân cho một cuộc chiến đấu chống lại Mặt trận giải phóng miền Nam. Các tướng lãnh Sài Gòn nên tiếp xúc với dân và loan báo những cuộc cải cách rộng rãi, hơn là cho tổ chức những cuộc bầu cử.

Bộ tứ Minh - Đôn - Kim - Xuân có tư tưởng thân Pháp nên chủ trương một đường lối trung lập. Sau sự sụp đổ của chính quyền Diệm, hệ thống an ninh do Diệm thiết lập tan rã cùng với các ấp chiến lược. Tình hình quân sự tại Nam Việt rất đáng lo ngại trong khi tại Sài Gòn chủ trương trung lập lan rộng. Quyết định của chính phủ De Gaulle sắp thừa nhận chính phủ của Mao Trạch Đông và những đề xuất của De Gaulle về một sự trung lập hóa miền Nam gây tác động tới chính giới tại Sài Gòn và một số tướng lãnh thân Pháp tại đây.

Ngày 22.1.1964, tướng Nguyễn Văn Vỹ và đại tá Trần Đình Lan, những người có tiếng là thân Pháp và có xu hướng trung lập rời Paris về Sài Gòn, họ được các chiến hữu Minh - Đôn - Kim tiếp đón nồng hậu tại Tân Sơn Nhất. Thái độ của ba vị tướng có chức vụ cao nhất trong chính quyên quân nhân vào thời điểm ấy, bị Hoa Kỳ xem như là một sự thiếu cảnh giác đối với vi khuẩn "trung lập".

Vài ngày sau, một cuộc bàn cãi đầy sóng gió diễn ra giữa các tướng lãnh Sài Gòn về bài học thảm bại của quân đội quốc gia tại Tân Phú trong tỉnh Bến Tre, cuộc đụng độ này có đến 200 binh sĩ quốc gia tử trận và bị thương. Trong cuộc thảo luận nói trên, một số tướng lãnh thân Pháp có bàn đến khả năng một sự xích lại gần chủ trương trung lập, mà những người chủ xướng là bộ ba Minh - Đôn - Kim.

Ta thử tìm hiểu chân dung ba vị tướng này. Tướng Dương Văn Minh đã từng phục vụ lâu năm trong quân đội Pháp, xuất thân từ trường sĩ quan Tong gần Hà Nội dưới thời Toàn quyền Decoux, đã tu nghiệp bên Pháp. Tướng Trần Văn Đôn chào đời tại Pháp, con của một bác sĩ quân y Pháp, ông này từng là đại sứ Việt Nam tại Anh dưới thời Bảo Đại. Tướng Lê Văn Kim, con người sâu sắc nhất trong bộ ba này đã trải qua thời sinh viên trong khu Latin dành cho giới sinh viên tại Paris, đã có thời đóng một vai trong cuốn phim do hai nhà đạo diễn Pháp Ren Clair và Pagnol dàn dựng. Cả ba vị tướng này cùng với tướng Tỵ đều đã từng mang quốc tịch Pháp.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM