Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:01:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76791 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #120 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:17:57 pm »

CHÍNH SÁCH CỦA NGÔ ĐÌNH DIỆM CHỐNG LẠI HOA KIỀU NĂM 1956

Đài Loan yêu cầu Mỹ can thiệp để ông Diệm rút lại quyết định đánh vào Hoa Kiều tại Nam Việt

Sau ngày thanh toán xong Ba Cụt, Bình Xuyên và dập tắt âm mưu chống đối võ trang của hai giáo phái Hòa Hảo và Cao Đài, dân chúng người Hoa tại Việt Nam là cái đích nhắm duy nhất còn lại của chính quyền Diệm. Hành động cương quyết buộc độ một triệu người Hoa sinh sống tại Việt Nam phải nhập quốc tịch Việt Nam, nghĩa là trực tiếp bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ Việt Nam Cộng hòa có thể đẩy số người Hoa đông đảo này vào tay chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh, đồng minh của chính phủ cụ Hồ. Nhưng cái nguyên lý phương Tây không thể đem áp dụng cho người phương Đông.

Tháng 8.1956, quyết định đánh vào cộng đồng người Hoa tại Việt Nam có mục đích là thu được một mối lợi cấp tốc. Ông Liebman, người đặc trách các vấn đề đối ngoại của chính phủ Đài Bắc của Tưởng Giới Thạch có nói là Diệm có tâm địa thù ghét người Hoa. Đối với Ngô Đình Nhu, việc cấm người Hoa hoạt động trong 11 ngành nghề là một phương cách tối ưu để thực hiện việc tước bỏ quyền tư hữu rất có lợi cho chính quyền Diệm.

Mặt khác, một thỏa hiệp với Bắc Việt chỉ là một dự án dài hạn. Ký giả Mỹ Robert Alden của tờ New York Times số ra ngày 9.10.1956, bênh vực chính sách của Diệm đối với người Hoa, cho rằng việc Diệm cho phép người Hoa tại Việt Nam được đương nhiên mang quốc tịch Việt Nam là một đặc ân, vì số người này được hưởng một quy chế giống hệt như người Việt trong nước. Người Hoa chỉ có việc đăng ký nhập tịch công dân Việt Nam là họ sẽ được tự do theo đuổi các hoạt động nghề nghiệp như trước đó.

Ký giả Alden đưa ra một tin tức sai khi cho rằng những biện pháp đầu tiên của Diệm là nhắm vào những người cộng sản, và những người này thật sự bị ảnh hưởng. Giai đoạn kế tiếp, theo Alden, nhắm vào những giáo phái phong kiến và nhóm Bình Xuyên sống ngoài vòng pháp luật. Khi mà các nhóm này hoàn toàn bị loại, ông Diệm cho là đã đến lúc chấm dứt sự hiện hữu của một cộng đồng người Hoa sống lẫn lộn với người Việt.

Chính quyền khi ban hành quyết định đánh vào Hoa kiều chỉ tạo thêm những kẻ thù mới. Những sắc lệnh mới cấm người Hoa không mang quốc tịch Việt Nam không được hoạt động trong 11 ngành nghề quan trọng như: vận tải, buôn bán lẻ cho tới bấy giờ thường do Hoa kiều đảm nhận.

Những luật mới ban hành là một đòn mạnh nhắm vào cộng đồng người Hoa. Một số người này hoảng hốt lật đật rút tiền gửi ngân hàng ra, khiến người Hoa đổ xô đến các quầy phát tiền tại các ngân hàng. Một số Hoa kiều quá cẩn thận đã rời Việt Nam sang Campuchia làm ăn.
Những nhà công nghiệp và thương gia người Hoa đã thao túng nền kinh tế tại các quốc gia Đông Nam Á. Năm 1956, có độ 16 triệu người Hoa làm ăn sinh sống tại Phi Luật Tân, Miến Diện, Indonesia và Bruney. Tại Phi Luật Tân, việc buôn bán cơm dừa khô thuộc độc quyền của Hoa kiều, số Hoa kiều chiếm phân nửa dân số tại Mã Lai, làm chủ phần lớn các vườn cao su và mỏ thiếc tại quốc gia này.

Hai trăm năm chục ngàn Hoa kiều sinh sống tại Campuchia trước khi số người Hoa tị nạn từ Việt Nam đến gia tăng gấp đôi con số này, và gần phân nửa dân số Thái Lan là người gốc Hoa. Những liên hệ chặt chẽ kết liền tất cả các cộng đồng này và gần như thao túng nền kinh tế tại các quốc gia mà họ sinh sống với sự thản nhiên của các chính quyền sở tại hoặc các chính quyền thực dân cũ trước năm 1945. 

Chính quyền Diệm xem các cộng đồng người Hoa tại Đông Nam Á như là các đạo quân thứ năm của Bắc Kinh. Những Hoa kiều sinh sống tại Đông Dương từ nhiều đời nay bị ganh ghét do sự làm ăn phát đạt của họ. Diệm và Nhu bắt chước Hitler, xem những Hoa kiều như là những người Do Thái tại Nam Việt.

Một sắc lệnh của chính phủ Diệm ký ngày 21.8.1956 quy định tất cả những trẻ em người Hoa sinh ra tại Nam Việt từ nay mang quốc tịch Việt Nam và mang tên Việt Nam. Người phương Tây khó hiểu ý nghĩa của sắc lệnh này. Nhiều người Mỹ rất thiết tha giữ gìn tên họ của mình do sự hãnh diện về dòng giống của họ, còn với người Hoa, tên họ dính liền với gốc rễ của họ và với việc thờ phụng tổ tiên.

Một điểm đặc biệt của sắc lệnh này, ngoài việc chỉ nhắm vào người Hoa, mà còn có tính cách hồi tố, nghĩa là không chỉ những người Hoa sinh ra tại Nam Việt sẽ là người Việt mà luôn cả tất cả những người Hoa đã sinh ra tại Việt Nam từ bao đời trước, ngay cả những cụ già trên 80 tuổi cũng phải mang một quốc tịch mà họ không thể từ khước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #121 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:19:28 pm »

Phản ứng trái ngược của Đài Bắc và Bắc Kinh

Ký giả David Hotham, thông tín viên của tờ London Times tại Sài Gòn nhận định:

"Những người Hoa quê ở miền Nam Trung Quốc bị thu hút di cư sang Nam Việt bởi những ruộng đất màu mỡ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhờ cần cù và giỏi kinh doanh, nên họ nắm giữ gần như độc quyền ngành xuất khẩu gạo và nhiều ngành thương mại khác... Họ thành lập những trường học dạy tiếng Hoa riêng cho con em họ, những bệnh viện riêng, những bang hội để bảo vệ quyền lợi của người đồng hương, nắm giữ những quyền lợi kinh tế quan trọng và một sự tự trị thương mại, nhờ đó họ trở thành một cộng đồng gần như độc lập.

Tình trạng này dĩ nhiên không làm người Việt hài lòng, và từ ngày người Pháp không còn nắm quyền, tình thế trở nên căng thẳng hơn. Ông Diệm làm tan rã trong chốc lát các cơ cấu thương mại của người Hoa thêm vào đó những thay đổi sâu rộng trong hệ thống thương mại Pháp, càng làm cho nền kinh tế tại Nam Việt vốn đã chao đảo, càng thêm suy sụp.

Sắc lệnh này còn đánh vào số nửa triệu người Miên sống tại các tỉnh miền Tây, và như vậy có thể dẫn tới việc chính phủ Nam Vang có hành động trả đũa nhắm vào số hàng trăm ngàn Việt kiều sinh sống tại xứ Chùa Tháp. Quyết định trên gây ra một không khí bất mãn tại Sài Gòn, không phải chỉ đối với giới Hoa kiều trực tiếp bị ảnh hướng. Số 300.000 người Hoa không sinh đẻ tại Việt Nam có thể sẽ phải từ bỏ nghề nghiệp của họ, hoặc tìm một phương cách né tránh luật pháp như nhờ một người Việt đứng tên môn bài thế.

Người Hoa từ ngàn xưa tự xem mình thuộc một dân tộc thông minh nhất thế giới, nên cảm thấy bị xúc phạm khi bị bắt ép phải nhập tịch một quốc gia bị họ xem là chậm tiến và là một nước chư hầu cũ của họ trong những thế kỷ trước. Họ không thể nào cảm thấy an lòng trước luận điệu của Nhu cho là đã dành một đặc ân cho họ qua việc họ được gia nhập cơ cấu chính trị trong nước.”

Chính phủ Đài Loan tỏ ra "lo ngại" đối với quyết định này và cho triệu hồi vị đại diện ngoại giao tại Sài Gòn về nước để tham khảo ý kiến. Còn chính phủ Bắc Kinh, trong khi vẫn xem mọi người Hoa sống ở nước ngoài là công dân Trung Quốc, thì lại im tiếng.

Những lo ngại của D.Hotham là có cơ sở. Tại Sài Gòn, vào thời điểm ấy, giá gạo bỗng tăng vọt, và điều này được xem như là hàn thử biểu chính trị của châu Á. Hệ thống phân phối hoàn toàn bị tê liệt. Đảng Cần lao Nhân vị của Ngô Đình Nhu, với 70.000 thành viên chụp lấy hệ thống buôn bán của người Hoa, sẵn sàng tịch thu tất cả những gì có lợi cho họ.

Sắc lệnh nói rõ là người Hoa được lệnh phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam mà không mang theo vốn liếng ra đi, những của cải và những cửa hiệu mà những người Hoa không mang theo được, trở thành miếng mồi ngon cho những người em của Tổng thống.

Chính phủ Bắc Kinh không phản đối để bênh vực đồng bào họ tại Nam Việt, vì các biến cố diễn ra và vì những Hoa kiều tại Việt Nam một số là những nhà tư sản, những con buôn chỉ cốt làm giàu nghĩa là không thích hợp với chủ nghĩa xã hội.

Phản ứng đầu tiên của những Hoa kiều bị tước mất tài sản là lý luận như sau: Diệm là người của Hoa Kỳ, và Đài Loan là đàn em của Hoa Kỳ, vậy thì nên yêu cầu Đài Loan can thiệp với Hoa Thịnh Đốn để Diệm ngưng hành hạ người Hoa tại Nam Việt. Những Hoa kiều tại Chợ Lớn sau đó buồn rầu nhận ra rằng những dân tộc đặt dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ, không đoàn kết trong một đại gia đình.

Tháng 6.1956, Đài Bắc yêu cầu Hoa Thịnh Đốn can thiệp để Diệm ngưng các biện pháp gắt gao nhắm vào Hoa kiều tại Việt Nam. Đài Loan với diện tích chật hẹp của một hòn đảo, không có khả năng cho nhập cư hàng trăm ngàn Hoa kiều tại Nam Việt, đáp lại thỉnh cầu của Đài Bắc, Hoa Thịnh Đốn chỉ ra lệnh cho Tưởng Giới Thạch là đừng làm cho tình hình thêm rối ren, và đừng có xen vào việc này. Đây là. một đòn mạnh đánh vào uy tín của Đài Bắc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #122 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:19:35 pm »

Nương vào thế yếu của Đài Bắc, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh liền bắt tay vào cuộc qua sự trung gian của các điệp viên Việt Minh, những người này nói với các Hoa kiều tại Chợ Lớn: Bây giờ các bạn mới thấy rõ ai là những bạn tốt của các người? Các bạn nên giao vốn liếng lại cho những người của Bắc Kinh để được kín đáo chuyển sang Campuchia, Singapore, Hồng Kông hay bất cứ nơi nào khác tùy ý các bạn.

Một tổ chức bí mật mệnh danh là “Hiệp hội yêu nước và dân chủ những người Hoa tại Nam Việt" nhanh chóng phát triển. Một Hoa kiều tại Chợ Lớn được giúp di cư sang Campuchia sau đó trở thành cố vấn kinh tài cho Hoàng hậu Campuchia. Tất cả sự việc này dẫn tới việc thiết lập một quan hệ chính trị giữa những Hoa kiều tại Chợ Lớn và nhà cầm quyền Bắc Kinh và đây là một sự thụt lùi của Đài Bắc.

Tưởng Giới Thạch không chịu bó tay và ra lệnh tìm cách "hộ tống" những Hoa kiều từ Nam Việt về Đài Loan, nhưng số Hoa kiều chọn con đường về Trung Hoa lục địa nhiều gấp mấy lần số người di cư sang Đài Loan.

Ngày 5.8.1957, mười hai sinh viên người Hoa tại Chợ Lớn được di tản cùng với 245 Hoa kiều tị nạn khác khi tới Đài Bắc, đã thuật lại trong một cuộc họp báo do chính phủ Đài Bắc tổ chức:

“Có một số người Hoạ bị giết tại Sài Gòn và một số khác bị giam trong các trại vì đã chống lại sắc lệnh quốc hữu hóa tài sản những Hoa kiều không chịu nhập quốc tịch Việt Nam. Nhiều người mặc dù chịu nhập quốc tịch Việt Nam, vẫn mất tích. Cộng đồng người Hoa cho rằng số người bị giết là để họ không thể thoát khỏi lệnh tịch thu tài sản do sắc lệnh quốc hữu hóa. Những Hoa kiều triệu phú bị cấm rời khỏi Nam Việt, không thể tiếp tục kinh doanh và luôn bị đe dọa là không được trốn ra nước ngoài, những kẻ khốn khổ này luôn sống trong không khí bị khủng bố về tinh thần".

Cô Lee Shiu Fong, một thiếu nữ người Hoa, 17 tuổi thuật lại với các nhà báo tại Đài Bắc:

"Tôi là con gái của một nhà buôn gỗ, và vị hôn phu của tôi đã phải bóp bụng nhập quốc tịch Việt Nam để cho gia đình gìn giữ được tài sản. Nhưng một thời gian sau đó, thi hài của anh bị sóng đánh tấp vào bờ biển. Cha của anh sau đó bị tước đoạt tất cả tài sản vì gia đình không có ai mang quốc tịch Việt Nam. Người duy nhất là công dân Việt Nam thì đã tử nạn ngoài biển".

Một phúc trình của bác sĩ Marcel Junod của Hội hồng thập tự Quốc tế đã khẳnng định là những vụ ám sát loại này đã trở thành phổ biến. Những người Hoa xác nhận là những nạn nhân đã bị bắt dẫn đi với những trát tống giam giả mạo hoặc không có lệnh bắt gì cả, điều này giúp cho cảnh sát chối bỏ mọi việc có liên quan. Sau đó, người ta chích vào người nạn nhân thuốc gây ngủ rồi ném người này xuống biển. Lúc bấy giờ chỉ còn có việc cho những người chết đuối này là những người tự đi tìm cái chết do sắc lệnh quốc hữu hóa tài sản của họ.

Cuộc họp báo tại Đài Bắc gây công phẫn trong dư luận tại Đài Loan. Người ta rất phẫn nộ khi thông tấn xã Mỹ United Press ngày 5.8.1957 dành cho vụ việc này một tin điện ngắn đăng lại lời tường thuật của một phụ nữ Mỹ:

“Các sinh viên người Hoa được hồi hương về Đài Loan tỏ bất mãn vì họ không được phép đem theo khi rời Sài Gòn hơn 400 đồng Việt Nam, tương đương với 5 USD thời giá 1957, và dĩ nhiên đồng bạc Việt Nam Cộng hòa không thể chuyển đổi tại Đài Bắc, hơn nữa vào thời điểm ấy, có nhiều bất hòa giữa người Hoa và người Việt”.

Để cố gắng tái lập uy tín đã mất vào tay Bắc Kinh do chính sách về người Hoa của chính quyền Diệm gây ra tại các nước Đông Nam Á, vị đại diện ngoại giao của Đài Loan tại Hoa Thịnh Đốn tìm cách xoa dịu dư luận chống đối, và gửi thư cho người phụ nữ Mỹ đã tiết lộ những lời tố cáo của các sinh viên người Hoa về chính sách tàn bạo của chính quyền Diệm đối với Hoa kiều, khuyến cáo bà này không nên tấn công vào chế độ Sài Gòn, một trong những nước đồng minh của Đài Loan tại châu Á, và cũng là đồng minh của Hoa Kỳ. 

Tháng 9.1958, tùy viên báo chí Mỹ tại Đài Loan, ông Marvin Liebman cho là Ngô Đình Diệm có đầu óc kỳ thị đối với người Hoa từ trong thâm tâm, thù ghét người Hoa do những thành công của họ trên thương trường và sự độc quyền của họ trong ngành buôn bán lúa gạo, với sự ủng hộ của thực dân Pháp trong gần một thế kỷ.

Các đại thương gia người Hoa, nếu để cho họ tự do kinh doanh, sẽ là những đối thủ đáng gờm có thể cạnh tranh quyết liệt với Đức Giám mục Ngô Đình Thục, bà Nhu và gia đình bà Cả Lễ trong các hoạt động kinh tài.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #123 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:25:04 pm »

NHỮNG GÌ CHƯA ĐƯỢC BIẾT VỀ CUỘC ĐẢO CHÍNH HỤT NGÀY 11.11.1960

Cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông .

1 giờ sáng ngày 11.11.1960, nhiều tiểu đoàn dù xuất phát từ vùng ngoại ô Sài Gòn, bất thình lình kéo xuống tấn công trại lữ đoàn phòng vệ Tổng thống Phủ, giải giới quân đồn trú bên trong và cùng lúc bao vây dinh Độc Lập giữa lúc hai anh em ông Diệm còn ngái ngủ. 36 tiếng đồng hồ sau đó, số phận của ông Diệm rất bấp bênh. Nhờ vào sự tráo trở lừa dối, và những sự trì hoãn đầy tính toán, ông Diệm đã tái lập được tình hình. Hơn một trăm năm mươi người chết và bị thương trong cuộc đảo chính quân sự bất thành này.

Chế độ ông Diệm còn tồn tại gần đúng 3 năm, nhưng Hoa Thịnh Đốn đã nhận ở đây một lời cảnh cáo nghiêm trọng. Người thực sự cầm đầu cuộc đảo chính này là trung tá Vương Văn Đông, Phó Tư lệnh Lữ đoàn dù, cháu của luật sư Hoàng Cơ Thụy, ông này cấu kết với Phan Quang Đán và Phan Khắc Sửu, hai chính trị gia đối lập với chế độ Diệm.

Theo lời tuyên bố sau đó của Vương Văn Đông, dinh Tổng thống có thể bị xâm nhập và đánh chiếm dễ dàng nếu một sĩ quan binh chủng thiết giáp không phản bội vào giờ chót để mật báo cho lực lượng đang canh gác dinh Tổng thống để kịp chuẩn bị một sự đề kháng tương đối có tổ chức khiến cho một cuộc tấn công trực diện vào dinh sẽ gây ra những tổn thất sinh mạng cao, điều mà trung tá Đông e ngại và chần chờ.

Quân đảo chính đột nhập vào tư dinh của đại tướng Lê Văn Tỵ giữa đêm tối để ngăn không cho ông này ngả về phe ông Diệm, rồi dùng tướng Tỵ làm trung gian tiếp xúc với Diệm để đặt điều kiện là vợ chồng Ngô Đình Nhu phải rời khỏi chính quyền đi ra nước ngoài, và cải tổ chính phủ.

Trong một cuộn băng thu lời nói của ông Diệm được phát đi trên dài vô tuyến truyền thanh, Diệm chấp nhận các yêu sách của phe đảo chính về việc thành lập chính phủ mới, nhưng trong những ngày sau, ông Diệm chối phăng lời hứa này trên các làn sóng truyền thanh mà toàn thể dân chúng đều nghe được giọng nói của ông.

Sáng ngày 11.11.1960, trong cơn nguy nan, hai anh em Diệm sực nhớ lại lời khuyên của các cố vấn Mỹ năm 1955, khi Diệm bị toàn bộ các nhóm Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài, Đại Việt gửi tối hậu thư buộc ông cải tổ nội các:

"Ông cứ đề nghị các lực lượng chống đối chịu thương thuyết và tìm cách kéo dài thời gian dàn xếp để gây hoang mang trong nội bộ lực lượng đối nghịch, rồi sau đó thừa dịp ra tay đè bẹp chúng” (trích báo Time ngày 4.4.1955).

Tướng Mỹ Mc Garr, người đang chỉ huy nhóm cố vấn quân sự Mỹ ngày 11.11.1960 đang có mặt tại Sài Gòn, là vị tướng Mỹ cao cấp nhất, bị đặt vào một tình thế khó xử vì không biết chính phủ Mỹ có đứng đằng sau phe đảo chính không, nên ông ta quyết đứng trung lập.

Cuộc bầu cử tân tồng thống đang diễn ra, và vì không nhận những chỉ thị rõ rệt từ các giới chức có thẩm quyền tại chính quốc, tướng Mc Garr cảm thấy nên hành động theo châm ngôn: "Nếu anh không muốn phạm phải những sai lầm, thì không làm gì cả và chờ cho tình thế sẽ ngã ngũ ra sao đã". Nghĩ như vậy, nên Mc Garr chỉ biết khuyên Vương Văn Đông nên tìm cách đi đến một thỏa hiệp với Diệm.

Trong khi tìm cách kéo dài cuộc thương thuyết với Phe đảo chính, dinh Độc Lập không ngớt ra lệnh cho đại tá Trần Thiện Khiêm, tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh tại miền Tây đưa quân về Sài Gòn dẹp trừ nhóm đảo chính. Theo một nhà báo Mỹ, có 15 binh sĩ dù tử trận chung quanh dinh Tổng thống.

Buổi sáng 11.11, vài nhóm thanh niên quá khích xông vào các công sở gỡ những tấm chân dung Diệm xuống, và đốt các hình nộm của bà Nhu. Vào buổi chiều, vài nhóm thanh niên Cộng hòa của Ngô Đình Nhu xuất hiện trên một số đường phố không có mặt lính dù để phân phát những truyền đơn được in vội vàng để tố cáo là các sĩ quan dù bị thực dân Pháp và cộng sản mua chuộc.

Ngô Đình Nhu sau đó còn trút trách nhiệm về cuộc chính biến này lên đầu những người Mỹ, với sự tham gia của những thực dân Pháp. Vị đại diện của Phòng Thông tin Mỹ tại Sài Gòn là cái đích tấn công của Nhu và vị Bộ trưởng tại phủ Tổng thống.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #124 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:25:12 pm »

Vào lúc xế chiều, khi hay tin đại tá Khiêm đang kéo quân về Sài Gòn, trung tá Đông muốn ra lệnh tấn công trực diện vào dinh Độc lập, nhưng các sĩ quan phụ tá khuyên Đông nên chờ đưa vũ khí nặng đến để pháo kích vào dinh. Đông bị thuyết phục dời cuộc tấn công vào dinh đến sáng hôm sau.

Thấy quân dù cứ chần chừ không dám ra tay đánh thẳng vào dinh Độc Lập, một đơn vị hải quân chịu dùng tàu chiến chở quân trung thành với Diệm về Sài Gòn, làm vô hiệu lực những nút chặn trên bộ do quân Dù thiết lập.

Sáng hôm sau, quân giải cứu Diệm từ miền Đông kéo về tới Biên Hòa, và từ miền Tây, đại tá Khiêm dẫn đầu đoàn xe thiết giáp 11 chiếc tiến vào Sài Gòn, có nhiều đơn vị bộ binh đi theo sau. Vì lực lượng Dù ngăn chặn tại Phú Lâm quá mỏng nên đại quân của Khiêm vượt qua được sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi. Khi đoàn chiến xa tiến vào bố trí chung quanh dinh Độc Lập, thì quân phòng vệ phủ Tổng thống cố thủ bên trong dinh được lệnh nổ súng vào đám đông bên ngoài đang hô to những khẩu hiệu chống chính phủ Diệm. Cuộc đảo chính của Thi, Đông như vậy là đi tới thất bại.

Liền sau đó, Nhu cho tổ chức những cuộc biểu tình tập hợp những đoàn viên thanh niên Cộng hòa trên các đường phố Sài Gòn để thuyết phục người Mỹ và dư luận thế giới là dân chúng Việt Nam vẫn đứng sau lưng Diệm - Nhu.

Biến cố này đem đến cho Diệm một bài học: sự trung thành của quân đội với chế độ không còn chắc chắn nữa. Vì trong những giờ phút đầu của cuộc chính biến chỉ có Khiêm là đáp lại lời kêu cứu. Các tướng tá khác chỉ có thái độ chờ xem sự thể ngả ngũ ra sao để sau cùng quyết định đứng về phe đang thắng thế.

Một ủy ban thanh lọc lập tức được thành lập để đưa ra ánh sáng những chính trị gia, công chức và sĩ quan đã có ý định ngả theo phe đảo chính hoặc không chịu tích cực đến giải cứu ông Diệm. Khi ủy ban này hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh bị ngờ vực, như đại úy Phan Lạc Tuyên đã bỏ ra chiến khu, theo về với Mặt trận Giải phóng Miền Nam.

Một người bạn của Nhu, giáo sư Trương Công Cừu được chỉ định chỉ huy sự thanh lọc hàng ngũ nội bộ. Một đàn em khác của Nhu là Nguyễn Đình Thuần trở thành một loại như siêu bộ trưởng kiêm nhiệm các chức vụ Bộ trưởng Phủ Tổng thống, Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Chiến tranh tâm lý. Ngoài ra, Ngô Trọng Hiếu, Bộ trưởng Công dân vụ, đảm trách các hoạt động mật vụ. Từ đấy bộ ba này nhận lệnh trực tiếp từ Nhu, điều khiển cả bộ máy mật vụ, thanh lọc nhằm buộc tân Tổng thống Mỹ Kennedy phải nhận thức được thực trạng tại Nam Việt.

Trong số những chính trị gia dính líu vào cuộc chính biến, chỉ có luật sư Hoàng Cơ Thụy là chạy thoát được sang Pháp, hai ông Phan Khắc Sửu, Phan Quang Đán bị bắt giữ và bị truy tố ra tòa cùng với nhiều cộng sự viên khác. Đại tá Khiêm lập tức được thăng cấp tướng cùng với đại tá Nguyễn Khánh nhờ đã lập công “cứu giá".

Nhưng thực ra, Mặt trận Giải phóng mới là kẻ chiến thắng trong cuộc chính biến này, vì chiến dịch thanh lọc hàng ngũ của bộ ba Hiếu - Thuần - Cửu đã đầy một số trí thức tại Sài Gòn ra chiến khu gia nhập Mặt trận Giải phóng miền Nam, trong khi chính quyền Diệm càng suy yếu và thêm mất lòng dân.

Trước tình hình chính trị bất ổn tại Sài Gòn, ký giả Pháp Jean Lartéguy viết trong số báo Paris Presse ra ngày 26.11.1960:

- Nhanh lên, ông Kennedy, Cộng sản sắp thắng trận Điện Biên Phủ trong cuộc chiến nhơ bẩn trên mặt trận Á châu của Thế giới tự do.
Nhà báo Mỹ Don Fifield viết trên tờ New York Herald Tribune số ra ngày 12.11.1960: "Cuộc đảo chính ngày 11.11.1960 dường như không thể tránh được".

Muốn chụp lấy thời cơ do sự suy yếu của chế độ Diệm, một số chính khách lưu vong Việt Nam tại Paris xuất đầu lộ diện và tìm cách tiếp xúc vị mục sư Mỹ Clay ton William tại Nhà thờ tin lành Mỹ tại Paris, người được xem như là một nhân vật quan trọng của cơ quan mật vụ Mỹ để nhờ đề đạt lên chính phủ Mỹ những kế hoạch nhằm ổn định tình hình chính trị tại Nam Việt.

Ông Trần Văn Hữu thường lui tới Nhà thờ Tin lành Mỹ tại Paris nhờ mục sư William truyền đạt lên Tổng thống Mỹ Kennedy việc ông tình nguyện đứng ra thành lập một chính phủ chuyển tiếp tại Sài Gòn. Cuộc vận động của ông Hữu dùng làm bình phong cho các hoạt động của ông Nguyễn Mạnh Hà, một nhà trí thức Việt Nam thiên tả, có vợ đầm. Nhưng các mưu toan của ông Hữu đã hoàn toàn thất bại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #125 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:26:34 pm »

Tuyên ngôn của tướng Dương Văn Đức

Cùng trong năm 1960, sự bất mãn của một số tướng lãnh tại Sài Gòn đối với chế độ Diệm được thể hiện qua tuyên ngôn của tướng Dương Văn Đức, người hai lần đảm nhận chức vụ Tư lệnh miền đồng bằng sông Cửu Long trong hai thập niên 50 và 60.

Nhân một chuyến du hành sang Pháp, tướng Đức, với tư cách là Tổng thư ký Bộ Quốc phòng, nghĩa là một vị tướng không có quân trong tay, vì không còn được sự tin dùng của chính phủ, đã tìm mọi cách để lọt vào bên trong Tòa đại sứ của chính phủ Sài Gòn tại Paris bất chấp sự ngăn cản của lính canh gác, và đòi được ông đại sứ Việt Nam Cộng hòa tiếp để ông trao một bản tuyên ngôn có nội dung; mà sau đây là những nét chính:

“- Xét vì chính phủ của ông Diệm trong năm đầu cầm quyền đã tái lập được an ninh và trật tự nên tôi và các chiến hữu của tôi đã hết lòng phục vụ chế độ.

- Xét vì chính phủ của ông Diệm, thay vì sau khi lập lại trật tự phải thành lập một chế độ dân chủ dựa vào công lý và tự do, đã hủy bỏ những lời cam kết với dân, và thiết lập một chế độ độc tài gia đình trị, nhưng núp dưới danh nghĩa của một nền Cộng hòa.

- Không có một chính phủ dân chủ nào gồm 5 anh em trong cùng một gia đình và một tổng thống tự cho mình có quyền thảo ra một Hiến pháp rồi sau đó thông báo cho một quốc hội gồm toàn những thành viên cùng phe cánh của ông ta.

- Ông Diệm tự do tăng cường các lực lượng cảnh bị để củng cố nền độc tài gia đình trị, thay vì sử dụng sự viện trợ của các cường quốc đồng minh để thiết lập một nền kinh tế vững chắc và bảo đảm một mức sống tối thiểu cho người dân, đó là chưa nói đến một phần quan trọng trong ngân sách quốc gia đã bị đánh cắp để cho vào trương mục của những anh em ông Diệm và cho những đàn em gần gũi nhất của ông ta.

- Chế độ hiện nay đưa chúng ta quay trở về với những ngày đen tối nhất của năm 1954. Sự áp bức, sự bất công lại đè nặng lên người dân. Sự bất mãn cao độ đã đến với tất cả các tầng lớp dân chúng.

- Nam Việt sẽ không thể nào tránh khỏi bị tràn ngập bởi Cộng sản quốc tế nếu tình trạng này kéo dài.

Tôi vẫn còn tin vào một tương lai, trong đó là một Nam Việt thực sự dân chủ sẽ dành cho mỗi người dân quyền được hưởng tự do, tôi yêu cầu ông Ngô Đình Diệm chứng tỏ lòng yêu nước của ông bằng cách đáp lại những nguyện vọng của dân chúng:

1. Ông phải ra lệnh giải tán quốc hội bù nhìn.

2. Ông phải từ bỏ chức vụ Tổng thống Cộng hòa để cho người dân có thể tự do quyết định tương lai của họ.

Nếu ông không chấp thuận những yêu cầu trên, tôi quyết tâm trở về nước để bắt tay vào cuộc chiến đấu nhằm đạt được mục đích. Quyết tâm của tôi dựa vào ý chí của một dân tộc bị áp bức đang đòi hỏi tự do.

Vì chế độ hiện nay chỉ tồn tại là nhờ một số người nước ngoài bị lừa gạt, tôi lưu ý những người này về sự việc dân chúng Việt Nam xem họ như những người đồng lõa của sự áp bức, bất công và độc tài.

Trong 9 năm chiến tranh vừa qua, nhân dân Việt Nam đã giữ được thế đứng của mình với cái giá của bao sự hy sinh và những tổn thất nặng về sinh mạng. Điều này là một bằng chứng không thể chối cãi ý muốn của người dân Việt Nam được đóng một vai trò trong thế giới tự do.

Trước dư luận thế giới, tôi tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm là phản bội và độc tài. Và cùng lúc tôi kêu gọi tất cả các quốc gia bạn của Việt Nam đến giúp chúng tôi trong cuộc tranh đấu cho công lý và tự do, một cuộc tranh đấu sẽ góp phần duy trì hòa bình tại Đông Nam Á.

Tôi đích thân trao bản tuyên ngôn này cho vị Đại sứ Nam Việt tại Paris ngày 10.3.1960 lúc 15 giờ để yêu cầu ông chuyển đến Ngô Đình Diệm.

Paris, ngày 8.3.1960.

Ký tên . Tướng Dương Văn Đức".

Vì được mật vụ trà trộn trong cộng đồng Việt kiều tại Paris, ông đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp không chịu tiếp tướng Đức, nhưng ông này tìm mọi cách lọt được vào bên trong Tòa đại sứ chính phủ Diệm tại Paris. Ông đại sứ được lệnh từ Sài Gòn không được tiếp tướng Đức, mà còn gọi cảnh sát Pháp đến tiếp tay trục xuất tướng Đức ra khỏi khuôn viên Tòa Đại sứ, kết quả của vụ rắc rối này, là sau đó, nhà cầm quyền Pháp: vì không muốn phật lòng chính phủ Sài Gòn mà Pháp đang công nhận, đã ra lệnh cho tướng Đức đừng gây rối thêm, nếu không, có thể chính phủ Pháp sẽ cho dẫn độ tướng Đức về Sài Gòn trao cho chính quyền Ngô Đình Diệm nếu có yêu cầu xin cho dẫn độ một người mà Diệm xét thấy nguy hiểm cho an ninh trong nước.

Vì tướng Đức đã từng được các trường võ bị Pháp đào tạo và phục vụ lâu năm trong quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương, nên sau cùng nhà cầm quyền Pháp dành cho tướng Đức quyền tị nạn chính trị tại Pháp như luật sư Hoàng Cơ Thụy, Nguyễn Tôn Hoàn của đảng Đại Việt, các trung tá Vương Văn Đông và Trần Đình Lan v.v...
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #126 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:28:35 pm »

Chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ L.Johnson sang Việt Nam năm 1961 dọn đường cho một sự thay đổi chính sách về Việt Nam của Tổng thống Kennedy

Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, hàng trăm ngàn chiến binh Pháp và Mỹ đã sang tham chiến, nhưng trong suốt ba mươi năm chiến tranh, không có một vị thủ tướng Pháp hay tổng thống Mỹ nào chịu khó du hành sang Việt Nam để thăm viếng và khích lệ binh sĩ của họ đang chiến đấu gian nguy tại hải ngoại, vì đây là hai cuộc chiến phi nghĩa, không được dư luận quần chúng Pháp và Mỹ ủng hộ.

Trong cuộc tham chiến của Mỹ, chỉ có ba vị phó Tổng thống Mỹ R.Nixon, L.Johnson và H.Humplaey đến công cán tại Việt Nam. Hai ông Nixon và Johnson đến Việt Nam khi hai ông chỉ ở cương vị Phó tổng thống và được hai thượng cấp Eisenhower và J.Kennedy phái sang Việt Nam để thẩm định tình hình tại chỗ trước khi Mỹ hoạch định một sự chính sách cần phải áp dụng tại Việt Nam trong tương lai.

Tháng 3.1961, trước tình hình chính trị và quân sự tại Nam Việt càng lúc càng trầm trọng, Tổng thống Kennedy quyết định phái Phó tổng thống Lyndon Johnson sang Sài Gòn thực hiện một cuộc thăm viếng chính thức để thu thập tại chỗ những thông tin chính xác về tình hình tại Nam Việt. Chuyến công tác này mở đường cho sự hoạch định một chính sách mới đối với Nam Việt của Tổng thống Kennedy và dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Trong đoàn tùy tùng đông đảo gồm nhiều viên chức và ký giả đi cùng phi cơ với Phó tổng thống Johnson, ít người quan tâm đến một con người vóc dáng nhỏ bé ngồi hàng ghế phía sau, mặc y phục màu xám và ít được ai chú ý tới. Trên danh sách, anh chàng này mang tên là Suffrage, một lãnh tụ nghiệp đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn Lao công đầy thế lực tại Hoa Kỳ tên tắt là AFL-CIO.

Nhiều người tự hỏi vậy động cơ nào khiến Tổng thống Kennedy cho tháp tùng theo Phó tổng thống L.Johnson một lãnh tụ nghiệp đoàn trong một cuộc thăm viếng chính thức Nam Việt. Câu hỏi trên không bao giờ có được lời đáp.

Ở mỗi chặng dừng chân, Phó tổng thống Johnson là nhân vật nổi bật nhất. Mọi người đổ xô ra đón tiếp máy quay phim chỉ hướng vào ông ta, các đội quân danh dự dàn chào. Trong khi đó, ít ai chú ý đến việc một số ít người đến tiếp cận rồi hướng dẫn vị lãnh tụ nghiệp đoàn Mỹ mới đến để đưa ông ta đến một cuộc họp ở một địa điểm không được tiết lộ. Người ta cũng không rõ mục đích của cuộc hội kiến này.

Vậy Suffrage có phải đang nhận nhiệm vụ kích động giới công nhân thợ thuyền thuộc Tổng liên đoàn lao công tại Sài Gòn? Có phải Phó tổng thống Johnson, trong chuyến công du này sang Sài Gòn là để thu hút sự chú ý của các quan sát viên, trong khi lãnh tụ nghiệp đoàn Mỹ, ông Suffrage thảo luận về tình hình chính trị tại Sài Gòn với những nhân vật lãnh đạo các nghiệp đoàn công nhân tại Sài Gòn và Tổ chức nghiệp đoàn lớn nhất tại Hoa Kỳ AFL-CIO sẽ dùng ảnh hưởng lớn của mình để chỉ định một người sẽ thay thế Diệm lãnh đạo miền Nam.

Trong chiếc phi cơ đưa Phó tổng thống Johnson trở về Hoa Kỳ, cái con người nhỏ bé mặc màu xám của AFL-CIO vẫn có chỗ ngồi trong góc sau máy bay, vẫn kín đáo và thản nhiên. Nhưng tại Sài Gòn, có tin đồn là sắp có gì mới sẽ xảy đến.

Tờ Observer Foreign Office, cơ quan thông tin của Anh có khuynh hướng tự do, nơi đăng tải nhiều bài báo rất được các độc giả Mỹ thích đọc cho đăng một phúc trình viết từ Sài Gòn đề ngày 7.6.1961 mang chữ ký của nhà báo Denis Bloodworth. Bài báo này tìm cách thuyết phục dư luận quần chúng tán thành chiến dịch của nhà báo J.Alsop nhằm đề cao đại tá Phạm Ngọc Thảo mà một bộ phận những người Mỹ tại Việt Nam xem như một người hùng và là người có khả năng hơn tất cả những tướng lãnh của chế độ Sài Gòn.

Tờ báo Mỹ Herald Tribune số ra ngày 8.6.1961, đề cập đến ngôi sao đang lên Phạm Ngọc Thảo trong nhận định của một số nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn, cho chạy hàng tít: "Thử nghiệm táo bạo với một đại tá Nam Việt". Trong một bài báo dài, tờ báo này viết: "Để được lòng dân, đại tá Thảo khi ngồi vào ghế Tỉnh trưởng Bến Tre, một địa danh do cộng quân kiểm soát gần hết, đã cho phóng thích hàng ngàn cộng quân đang bị giam giữ trong các khám đường, gây ngạc nhiên cho thượng cấp".

Trong khi Phó tồng thống Johnson dùng làm bình phong cho chính sách dùng đến những lãnh tụ nghiệp đoàn tại Sài Gòn để điều hành đất nước, và Phạm Ngọc Thảo phóng thích Cộng quân để chứng tỏ cho các nước phương Tây thấy là chính quyền Kennedy không sợ Cộng quân, nhưng những ý đồ của Tổng thống không rõ rệt, ông gửi nhiều phái đoàn sang Sài Gòn nghiên cứu tình hình, và trong thời gian này ráo riết tìm một giải pháp.

Điều đáng ngạc nhiên là một trong những phúc trình có giá trị nhất vào thời điểm ấy về tình hình tại Nam Việt là của một người Mỹ tại Sài Gòn ký tên "Z". Nội dung tờ tường trình này được đăng tải trên tờ New Republic (Tân Cộng hòa) trong số ra ngày 19.3.1962. Không may là phúc trình này bị phe bảo thủ Mỹ bác bỏ vì không tin tưởng vào tờ tạp chí New Republic.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #127 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:29:25 pm »

Ai đứng đằng sau cuộc dội bom dinh Độc Lập ngày 27.2.1962
?

Tiếp theo sau cuộc đảo chính hụt ngày 11.11.1960, sáng ngày thứ năm 27.2.1962, một hành động chống đối võ trang xảy ra: hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cừ, trong một phi vụ tấn công vào những vị trí của quân kháng chiến ở phía bắc Sài Gòn, đã quay trở về Sài Gòn để đội bom và nã đại liên xuống dinh Độc Lập. Hai anh em Diêm - Nhu được mật báo kịp thời đã kịp xuống hầm trú ẩn bên trong Phủ Tổng thống nên thoát chết. Trần nhà sụp xuống gần phòng bà Nhu gây thương tích nhẹ cho bà ta.

Trung úy Quốc bị cao xạ của hải quân bắn hạ và bị bắt giữ, còn Nguyễn Văn Cừ, một sĩ quan không quân đã được đào tạo có bài bản trong 23 tháng tại Hoa Kỳ đã bay thoát được và đáp xuống phi trường Pochentong gần Nam Vang và được chính phủ của hoàng thân Sihanouk cho hưởng quyền tị nạn chính trị trước khi sang Pháp gia nhập lực lượng đối lập với chính quyền Diệm. Vậy là thêm một lời cảnh cáo nghiêm trọng nhắn gửi gia đình Diệm.

Để bảo đảm an ninh cho gia đình, Diệm tạm cho đình chỉ tất cả những phi vụ chiến đấu và thi hành một chiến dịch thanh lọc mới, mà nạn nhân đầu tiên là đại tá phi công Nguyễn Xuân Vinh, tư lệnh không quân, bị quy trách nhiệm không kiểm soát được các sĩ quan dưới quyền.

Ngay sau biến cố này, bộ máy tuyên truyền của Diệm gián tiếp tố cáo những kẻ phản động đã đứng đằng sau biến cố sáng ngày 27.2.1962, và còn ám chỉ một số người Mỹ. Nhưng những người Mỹ nào đây? Những nhân viên mật vụ Mỹ của Sở Thông tin Mỹ hay của Tòa đại sứ Mỹ? Hay của một nhân vật Mỹ nào mới đến?

Cháu gái của Diệm, con gái bà Cả Lễ, và là vợ của Trần Trung Dung, người đã từng là bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ Diệm, trong một chuyến du hành sang Pháp mùa hè 1961 có thừa nhận với những người thân:

"Gia đình nhà Ngô thừa biết là ngày cáo chung của chế độ sắp đến gần. Làm sao tôi có thể lạc quan được. Dân chúng thù ghét gia đình tôi và rồi sẽ hành tội tất cả gia đình chúng tôi. Tôi phải lo tính trước để có thể đi lánh nạn tại Paris kẻo không còn kịp nữa. Nhưng tôi tự hỏi tại sao gia đình không chịu rời khỏi đất nước trước khi bị những người chống đối tàn sát". (Trích trong quyển "Mười năm độc lập" của G.Chaffard).

Để đánh lừa dư luận Mỹ, chính quyền Sài Gòn mua chuộc các nhà báo Mỹ đến Nam Việt tìm hiểu tình hình. Nhà báo Mỹ nổi tiếng Joe Aslop và nữ ký giả Mỹ Maguerite Higging, người nữ phóng viên chiến tranh từng nhảy dù xuống chiến trường Triều Tiên săn tin, đã được Diệm Nhu dành cho vinh dự được tiếp đón trong dinh Tổng thống để hy vọng hai nhà báo này viết những bài có lợi cho chế độ.

Qua những tiết lộ của lãnh tụ Liên hiệp nghiệp đoàn Âu châu, Hà Nội có được thông tin về những mưu toan của chính quyền Kennedy nhằm khéo léo tìm cách gỡ rối, nghĩa là tìm cách thay thế Diệm. Dưới mắt chính quyền Kennedy, người có thể thay thế Diệm rất có thể là bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn vì trong số những người "quốc gia" chống đối Diệm, chỉ có Hoàn là người duy nhất cầm đầu một chính đảng: Đại Việt. Do đó, tờ báo Humanité của đảng Cộng sản Pháp trong số ra ngày 23.9.1962 đả kích dữ dội Hoàn và tố cáo ông này là một tên gây chiến, một tên múa rối trong tay người Mỹ.

Trong khi tình hình tại Sài Gòn tỏ ra bất ổn, thì tối ngày 8.5.1963, xảy ra cuộc xô xát đẫm máu trước trụ sở đài phát thanh Huế nhân ngày lễ Phật Đản lần thứ 2.002, khi quân đội dùng xe thiết giáp giải tán cuộc biểu tình chống lại lệnh cấm treo cờ Phật giáo....

Tiếp theo sau là những vụ tự thiêu và những vụ va chạm dữ dội giữa các nhóm phật tử và lực lượng an ninh của chính quyến Diệm. Linh mục Vincent S.Kearney viết trong tờ báo America trong số ra ngày 7.9.1963, về biến cố tại Huế:

"Trách nhiệm thật sự về cuộc đàn áp ngày 8.5 tại Huế phải được gán cho Ngô Đình Cẩn, một người không đảm nhiệm một chức vụ chính thức nào cả nhưng đầy uy quyền và đã ra lệnh cho vị tỉnh trưởng dùng võ lực đàn áp nhóm người biểu tình. Theo tôi, chính quyền của ông Diệm còn thất nhân tâm hơn là chế độ thực dân của Cựu hoàng Bảo Đại, vì họ đem đến quá ít mà đòi hỏi ở người dân quá nhiều”.

Còn linh mục F.J.Buckley thì cho rằng biến cố tại Huế xảy ra vì chính quyền Diệm không chấp nhận một lời chỉ trích nào bất cứ từ đâu đến. Ký giả G.Menant của tờ Paris Match cho là Đức cha Thục không chỉ hướng về chiếc ghế Hồng Y mà là chức "Giáo hoàng", một tham vọng không tưởng, một ước mơ khó vươn tới được với một người da vàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #128 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:30:14 pm »

Báo New York Tribune đăng thư tướng Thái Sơn lên án chế độ Diệm - Nhu nhằm cảnh tỉnh Tổng thống Eisenhower và người sắp thay thế ông này.

Năm 1960, khi nhiệm kỳ chót của Tổng thống Hoa Kỳ, tướng Eisenhower sắp chấm dứt, những phần tử chống đối chế độ Ngô Đình Diệm tại Nam Việt tin là vị tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục chính sách ủng hộ mù quáng chính quyền gia đình trị Ngô Đình Diệm, nên lần lượt mạnh mẽ lên tiếng tố cáo chính sách độc tài của chính quyền tại Sài Gòn. 

Ngày 20.9.1960, không đầy hai tháng trước cuộc đảo chính quân sự của lực lượng nhảy dù của Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông ngày 11.11.1960, tờ báo New York Herald Tribune cho đăng bức thư của một người Việt Nam ký tên tướng Thái Sơn có nội dung như sau:

“Báo chí toàn thế giới, đặc biệt là tại Hoa Kỳ đều rõ một vụ tai tiếng đặc biệt, gần như chưa từng thấy trong lịch sử: sự kiểm soát một nước mệnh danh là dân chủ bởi một dòng họ duy nhất.

Sau đây là các thành phần cốt cán của chính phủ này, thuộc cái dòng họ phản dân chủ và chuyên quyền nhất tại các nước thuộc châu Á.

1. Trên chóp bu, Thủ tướng rồi Tổng thống Ngô Đình Diệm. 

2. Em trai của ông ta, Ngô Đình Nhu, cố vấn của tổng thống, người thực sự kiểm soát chính phủ, quân đội, Công thương nghiệp, cảnh sát, quốc hội và đảng Cần Lao gồm 70.000 thành viên được bố trí rải rác khắp nước để săn tin cho cảnh sát về những hoạt động của những người láng giềng của họ.

3. Ngô Đình Luyện, đại sứ tại Anh, Tunisie, Bỉ và Cộng hòa Liên bang Đức và kiểm soát tất cả ngân quỹ của các Tòa đại sứ này.

4. Giám mục Ngô Đình Thục cai quản giáo phận Vĩnh Long, có ảnh hưởng lớn với các giáo dân.

5. Bà Ngô Đình Nhu, vợ của ông cố vấn Nhu, “Đệ nhất phu nhân" của triều đại Ngô Đình. Bà Nhu kiểm soát tất cả những thương vụ quan trọng và quỹ đen.

6. Thân phụ của bà Nhu, ông Trần Văn Chương, đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Thịnh Đốn (Hoa Kỳ), tại Canada, Argentine, Brasil và kiểm soát ngân quỹ của các Toà đại sứ này. 

7. Thân mẫu của bà Nhu, bà Trần Văn Chương, đại diện của Việt Nam Cộng hòa tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và nắm quyền khai thác các cơ sở thương mại.

8. Luật sư Nguyễn Hữu Châu, anh rể bà Nhu, Bộ trưởng phủ Thủ tướng rồi bất mãn sang sống lưu vong tại Pháp.

9. Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm, đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Pháp mà dư luận báo chí cho là người tình của bà Trần Văn Chương, mẹ bà Nhu.

Chế độ Ngô Đình Diệm được sự tài trợ của người Mỹ “một triệu USD mỗi ngày", ông Ngô Đình Diệm không cai trị do dân và vì dân mà cho gia đình của ông. 

Chính tình thế này đã được những người Cộng sản khai thác và đặt nhiều hy vọng.

Sài Gòn
Ký tên, tướng Thái Sơn". 

Mục đích của tác giả bức thư này là nhằm cảnh tỉnh vị tổng thống sắp lên thay thế Tổng thống Eisenhower trong vài tháng sau đó để ông này sẽ không theo đuổi chính sách sai lầm của người tiền nhiệm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #129 vào lúc: 08 Tháng Mười Hai, 2009, 02:31:55 pm »

Thượng nghị sĩ Bob Kennedy chủ động cuộc dội bom ngày 27.2.1962 xuống dinh Độc Lập định tiêu diệt Diệm - Nhu, đưa Trần Quốc Bửu lên thay

Các lực lượng công đoàn trong những thập niên 50 có tiếng nói rất có thế lực và gần như làm chủ vận mệnh của Hoa Kỳ và chủ động chính sách đối ngoại của cường quốc này. Các quyết định của các tổ chức công đoàn tại Hoa Kỳ được phổ biến một cách kiên quyết trên tờ báo New Leader, cơ quan chính trị của Trung tâm Thợ thuyền hùng mạnh AFL-CIO.

Các lãnh tụ công đoàn đích thân trình bày quan điểm của họ trên tờ báo này, và cũng thường giao việc này cho cái bình phong trí thức cua nó là Trường Đại học Michigan đầy thế lực. Đường lối chính trị của Hoa Kỳ biến chuyển theo thời gian, nhưng trong khi Hoa Kỳ đi từ chính sách tai hại này đến chính sách sai lầm khác, không một lời chỉ trích nào được phép đăng tải trên tờ New Leader, cơ quan ngôn luận chuyên ru ngủ khối thợ thuyền ngoan ngoãn Mỹ.

Ngày 22.2.1954, tờ New Leader đăng một bài báo của David J.Dallin:

"Làm thế nào thắng trong cuộc chiến Đông Dương?". Bài báo này nhấn mạnh:

"Việc phải làm trước tiên là hất chân người Pháp ra khỏi Đông Dương. Lẽ ra chúng ta cần ủng hộ ông Hồ Chí Minh, nhưng chính sách thực dân của Pháp đã đẩy ông Hồ về phía những người Cộng sản, nên chúng ta đành phải đứng về phía Diệm".

Khi các biến cố làm thay đổi tình thế thì các giải pháp cũng đổi theo, nhưng sự hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức công đoàn AFL-CIO và Trường đại học Michigan thì luôn được duy trì qua tờ New Leader. Không may là tình hình càng ngày càng tồi tệ. Cái chính sách sai lầm nhằm ủng hộ một gia đình thất nhân tâm chỉ dẫn tới sự phá sản.

Sau cuộc đảo chính hụt của quân nhảy dù ngày 11.11.1960, Tổ chức công đoàn AFL-CIO bắt đầu quay lưng lại với Diệm. Tổng biên tập Soi Tass của tờ New Leader bắt đầu đánh giá chính quyền Diệm là chuyên chế, thối nát và bất lực.

Tổng thống Kennedy ngay sau ngày lên nắm chính quyền, liên tiếp gửi sang Việt Nam các phái đoàn do Phó tống thống L.Johnson, rồi giáo sư Staley, tiếp theo là đại tướng N.Taylor để quan sát tại chỗ tình hình tại Việt Nam tìm ra những giải pháp thích hợp, nhờ đó mà Hoa Thịnh Đốn chỉ trong vài tháng đã nhận rõ được những gì mà họ lẽ ra phải nhận thức được trong.6 năm cầm quyền của Diệm.

Kết quả của ba sứ mạng tìm hiểu này là khuyến cáo những thay đổi chính trị sâu rộng trong chính sách của Kennedy trong vấn đề Việt Nam. Và thay đổi quan trọng nhất là sự tách rời vợ chồng Ngô Đình Nhu ra khỏi bộ máy cầm quyền tại sài Gòn, vì nếu không có sự lộng quyền của vợ chồng Nhu, dân chúng Nam Việt có thể không oán ghét chế độ Diệm, theo nhận định của một số người Mỹ.

Nhu liền có phản ứng quyết liệt với thái độ thiếu thân thiện của cấp lãnh đạo mới tại Hoa Thịnh Đốn: báo chí Sài Gòn do Nhu kiểm soát trút lên giới lãnh đạo Hoa Kỳ những lời đả kích dữ dội không kém những gì đã từng dành các chế độ của Mao Trạch Đông và Fidel Castro.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM