Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:33:43 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76793 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:53:57 am »

NHỮNG THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ CỦA ANH EM NGÔ ĐÌNH DIỆM

Thử nhìn rõ chân dung Ngô Đình Nhu

Ngày Ngô Đình Diệm lên cầm quyền, Ngô Đình Nhu vừa 43 tuổi. Cùng với Diệm, hai vợ chồng Nhu trở thành bộ ba có nhiều quyền lực nhất tại Sài Gòn. Những bạn học cũ của Nhu tại Pháp đánh giá Nhu là một sinh viên nhút nhát và kín đáo. Nhu chuyên nghiên cứu các hiệp ước, hiến pháp, hiến chương, nhưng những bạn học cũ này nhận thấy ở Nhu một sự mặc cảm tự ti nên không thể ngờ là chàng thanh niên gần như sống ẩn dật này lại sẽ một ngày kia trở thành một nhà chính trị không khoan nhượng, không biết xót thương, gieo kinh hoàng cho những phần tử đối lập trong cả nước.

Nhu đã nghiên cứu kỹ về nhân vật Machiavel, về cá tính xảo quyệt và thủ đoạn của ông này để bắt chước những nguyên tắc hành động của ông này trong lối xử thế, và Nhu muốn tự xem mình như một người Thiên Chúa giáo thiên tả. Nhu xem những khám đường và những trại tập trung như những công cụ đắc lực đè bẹp những kẻ chống đối.

Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt nhân dân tháng 9.1945, Nhu reo mừng nói với nhiều người: "Chính phủ của cụ Hồ cần đến những nhà trí thức như chúng tôi!". Nhưng Nhu thất vọng vì cụ Hồ không cần đến hạng trí thức chờ thời như ông ta, nên từ đó Nhu ngã theo thuyết cơ hội, cố khai thác cuộc đối đầu giữa thực dân Pháp và chính quyền của cụ Hồ, và cố làm cho hai phe tin là ông ta có đem lại những lợi ích cho bên này cũng như bên kia.

Nhu tập hợp một số phần tử vào một nhóm chính trị mệnh danh là "Phong trào độc lập và hòa bình" với chủ thuyết "Cần lao nhân vị" Những người đi theo Nhu là những phần tử lừng chừng. Chủ trương giành lại độc lập tuy là bằng mồm của Nhu gây ấn tượng đối với người Mỹ đang muốn tống cổ thực dân Pháp để trục lợi.

Có hai phương cách đem lại hòa bình giữa lúc cuộc chiến diễn ra ác liệt giữa Pháp và chính phủ cụ Hồ. Con đường thứ nhất là giúp Pháp chiến thắng, con đường kia là đẩy Pháp đến thất bại. Tờ báo Time cho là Nhu đã làm tất cả những gì có thể được để hòa bình không thể là kết quả của một chiến thắng trước cộng sản.

Luận điệu mà Nhu đưa ra giải thích chính sách gây trở ngại cho Pháp là Pháp chưa thực sự muốn trao trả độc lập cho Việt Nam. Lối giải thích trên cũng được Ngô Đình Diệm sử dụng tại Hoa Thịnh Đốn và được sự tán thành của người Mỹ. Thượng nghị sĩ John Kennedy kêu gọi anh em Diệm: "Các ông nên buộc người Pháp trao trả độc lập cho dân chúng Việt Nam rồi người ta sẽ thấy người Việt lao mình vào cuộc tranh đấu cho tự do dân tộc".

Nhờ sự viện trợ tài chính của Hoa Kỳ, Nhu kiểm soát được phong trào nghiệp đoàn tại Việt Nam và nhận được sự ủng hộ của các tổ chức nghiệp đoàn quốc tế tại Geneve, Bruxelles, Washington, New York và tại các thành phố khác trên thế giới, tại những nơi có sự hiện diện của các thành viên nghiệp đoàn. Các hoạt động nghiệp đoàn là nền tảng các cuộc vận động chính trị của Nhu và Nhu đặt cho chúng cái danh xưng "Đảng cần lao nhân vị và cách mạng".

Khi Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ và đất nước bị chia cắt, Nhu tố cáo người Pháp phản bội nhân dân Việt Nam và xem Hiệp định đình chiến như là một hành động bỏ cuộc và dùng luận điệu này để đòi Bảo Đại bổ nhiệm bào huynh của ông ta vào ghế thủ tướng với toàn quyền dân sự và quân sự.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:54:41 am »

Dư luận Mỹ bị xỏ mũi, tán thành đường lối của Nhu. Một số lý thuyết gia Mỹ cho là Nhu đại diện lực lượng thứ ba, chống Pháp lẫn chống Cộng. Nhận định này giúp Nhu nhận được sự ủng hộ của báo chí và chính phủ Hoa Kỳ, mặc dù Nhu chưa làm gì để chống Cộng. Tuy nhiên, cái thuyết trên nếu gán cho Nhu thì hoàn toàn sai.

Nhiều người Việt, đau lòng trước cuộc chiến tại quê hương mình, đã thành thật đứng về phía lực lượng thứ ba này, nhưng Nhu hoàn toàn không nằm trong số những người này. Nhu và một số ít "trí thức thiên tả" đi với Nhu, không chịu minh đĩnh lập trường cửa họ là do bản chất chờ thời của họ. Do tính cẩn thận và để bảo vệ những quyền lợi riêng tư, họ chờ xem coi bên nào sẽ thắng trong khi vẫn không che đậy cảm tình của họ dành cho cụ Hồ.

Điểm tương đồng giữa Nhu và phần lớn những người Mỹ vào thời điểm ấy, muốn thấy chính phủ cụ Hồ và thực dân Pháp đều sẽ kiệt sức để sau đó mở đường cho một giải pháp có lợi cho họ. Trong cái mưu đồ chính trị này, Diệm chỉ là cái bình phong mà Nhu sử dụng theo ý muốn để nắm giữ quyền lực. Chiến thuật này đã trở thành cổ điển từ lâu

Chính sách nghiệp đoàn của Mỹ là thành lập những liên hiệp nghiệp đoàn địa phương tại các nước cựu thuộc địa của các đồng minh của Mỹ để biến chúng thành những lực lượng cách mạng. Khi các cường quốc Âu châu lần lượt trả độc lập cho các thuộc địa, dưới áp lực của Mỹ, lúc bấy giờ, người Mỹ mới hành động qua trung gian của những liên hiệp nghiệp đoàn, ủng hộ vị lãnh tụ nghiệp đoàn mà họ đã chọn sẵn để đưa lên nắm chính quyền, viện lẽ là nhân vật này đã tranh đấu thắng lợi để đem lại độc lập cho đất nước.

Tại những nước cựu thuộc địa có vua, chương trình hành động của Mỹ là xóa bỏ nền quân chủ bù nhìn để thiết lập chế độ dân chủ. Như vậy là các lãnh tụ nghiệp đoàn thay thế ông vua. Trong thập niên 60, Trần Quốc Hữu, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao công, đã từng được Tổng thống Mỹ tiếp kiến và được xem như một con bài để sẵn dùng tới khi cần đến.

Tunisie là một điển hình của chính sách này của Hoa Kỳ. Chính trong một kỳ Đại hội Nghiệp đoàn tại San Francisco tháng 9.1951, mà ông Bourguiba được chọn và nhận được sự ủng hộ của báo chí và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để giải phóng rồi lãnh đạo đất nước Tunisie. Vương quốc Maroc trong nhiều thập niên không bị lật đổ là do Quốc vương Mohammed II sáng suốt và được lòng dân.

Chiến dịch hận thù và bôi nhọ nhằm vào Cựu hoàng Bảo Đại mà các tờ báo và tạp chí cũ phơi bày ra, đáng cho ta nghiên cứu khi mà ngọn lửa của hành động này đã bị dập tắt. Mục đích của chiến dịch này rất đơn giản: để tạo ra một thế giới xã hội, trước hết phải tạo ra những quốc gia xã hội. Việt Nam vào thời điểm ấy ở trong giai đoạn của cuộc tấn công vào nền quân chủ.

Sau đó là việc thiết lập chủ thuyết của "Đảng cần lao nhân vị" mà Nhu lãnh đạo khi các chính đảng hữu danh vô thực họp Đại hội ngày 6.9.1953. Trong dịp này, Nhu đọc một bài diễn văn quan trọng được sự tán thưởng của tất cả những phần tử mị dân cánh tả tại nhiều nước. Bài diễn văn này được báo chí Mỹ đăng tải một cách trịnh trọng.

Nhu đòi hỏi: "Tự do, độc lập, một chính phủ thật sự đại diện các tầng lớp dân chúng và một quốc hội được bầu lên một cách tự do và ngay thẳng và có đủ thẩm quyền chất vấn các thành viên chính phủ".

Có điều mâu thuẫn là chỉ không đầy một năm sau, chính Nhu đã ra lệnh bắt giam những người Việt đòi hỏi chính những quyền tự do này. Không có một ký giả Mỹ nào cũng như không có một thành viên nào trong chính phủ Mỹ phản đối chương trình hành động của Nhu nhằm lật đổ Bảo Đại để thu gom quyền hành về cho gia đình mình. Ngược lại, người Mỹ còn khuyến khích ông ta làm việc này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:56:26 am »

Chân dung bà Ngô Đình Nhu

Người đầu tiên đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố quyền lực của Nhu là nhạc mẫu của Nhu, bà Trần Văn Chương. Và người thứ nhì là bà vợ đáng gờm đã kết hôn với Nhu khi mới 15 tuổi để rời bỏ mái gia đình chỉ vì bị mẹ bạt tai, Trần Lệ Xuân, người phụ nữ đầy bản lĩnh và đanh đá này sau còn vượt lên trên thân mẫu của bà ta.

Nhà báo Pháp Lucien Bodard chuyên về các vấn đề Đông Nam Á có viết về bà Nhu như sau: "Tôi được thấy cơn thịnh nộ ghê gớm của bà Nhu khi một người nào đó có hành động chống lại bà ta, như khi Bảo Đại, bất chấp sự can ngăn của Diệm rời Hồng Kông sang Pháp ký thỏa ước với Tổng thống Vincent Auriol để về Việt Nam đảm nhiệm vai trò quốc trưởng không do dân bầu. Lúc bấy giờ, bà Nhu đang sống tại Đà Lạt trong một ngôi nhà có lối kiến trúc cầu kỳ với đầy hoa.

Một hôm bà gọi điện đến Bảo Đại yêu cầu cho xe đến rước bà. Một chiếc ô tô đời mới sang trọng từ dinh quốc trưởng rước bà đến chỗ Bảo Đại, bỏ lại ông chồng mọt sách đang chăm sóc các đóa hoa trong vườn. Ít lâu sau đó, các quan hệ giữa Bảo Đại và bà Nhu xấu đi, và vợ chồng Nhu xuống sống tại Sài Gòn gần như ẩn dật, trong những căn phòng kế cận một dưỡng đường Công giáo.

Lần đầu tiên tôi đến viếng vợ chồng Nhu, tôi phải đi qua một sân đầy bụi bặm và các dãy quần áo phơi dưới ánh sáng mặt trời, rồi từ một hành lang lợp tôn xuất hiện một người đàn bà vận áo trắng quần xanh. Vì luôn thất bại trong các mưu đồ chính trị, nên bà Nhu xuống sắc đến nỗi tôi không nhận ra bà trong những giây phút đầu. Vào thời điểm ấy, bà không biết làm gì hơn là lo việc bếp núc, giặt rửa và lo cho các con đang quấn quít bên bà".

Những gì ký giả Lucien Hodard viết về vợ chồng Nhu khiến ngay sau ngày Diệm thay Bảo Đại lên nắm quyền hành tại Sài Gòn, việc đầu tiên vợ chồng Nhu chỉ thị cho Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin làm thủ tục trục xuất Lucien Bodard ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Khi Diệm bất ngờ lên nắm chính quyền tại Sài Gòn cuối tháng 6.1954, bà Nhu, người luôn muốn đạt được tất cả những gì mà mình muốn, mặc nhiên trở thành thành viên của gia đình đang nắm quyền lãnh đạo đất nước. Mặc dù thân phụ của bà là luật sư Trần Văn Chương lập tức được giao chức vụ Quốc vụ khanh trong tân chính phủ, một chức vụ mập mờ nhưng có nhiều quyền hành, bà Nhu, với cương vị là vợ của ông cố vấn thân cận nhất, bào đệ của Thủ tướng toàn quyền, trở nên có uy thế hơn thân mẫu của bà ta là bà Trần Văn Chương.
Nên ngay sau đó có một sự tranh quyền lực giữa hai mẹ con vì bà mẹ có nhiều kinh nghiệm trong chính giới hơn nên không thể chịu thua ngay mà không qua một cuộc tranh đấu. Đây thực sự không chỉ là một cuộc tranh giành quyền hành mà còn là chuyện thanh toán lẫn nhau.

Nhà báo Jean Lartéguy, tác giả của nhiều cuốn sách về Việt Nam mô tả bà Nhu như là cô em dâu can đảm và cả quyết của Diệm, khi ông này đang sống ẩn dật tại chủng viện tại New Jersey, là nữ hoàng tại Biệt điện của Bảo Đại tại Đà Lạt và là người thân cận của Bảo Đại (Paris Match số ra ngày 14.9.1963)

Lartéguy viết tiếp: "Tính phù phiếm và lẳng lơ của bà Nhu nhằm giúp bà đạt được những gì bà tha thiết đạt được, bà biết rõ những gì bà muốn. Người phụ nữ đẹp và nhiều tham vọng này không bao giờ quên những hành động phóng đãng của mình chỉ nhằm phục vụ những quyền lợi của phe nhóm rình. Người ta gán cho bà một số hành động phiêu lưu tình cảm, nhưng những việc làm này đều có một mục đích rõ rệt: phục vụ cho lợi ích của gia tộc Ngô Đình.

Bà Nhu đã đóng một vai trò quan trọng trong việc "chiêu hồi" một số tướng lãnh trẻ tuổi Việt Nam như với tướng Trần Văn Đôn vào thời điểm mà Diệm khó có thể ở lại chính quyền mà không được sự yểm trợ của quân đội. Đây là một trong những lý do khiến bà Nhu quyết tâm trả thù đàn ông, vì những người này đã bắt bà phải trả giá cho sự giúp đỡ của họ.

Diệm cảm thấy khó chịu khi loáng thoáng hay biết những hành động phóng đãng của cô em dâu, nhưng ông biết là có thể trông cậy vào tài thao lược của cô em dâu. Nếu bà Nhu chấp nhận những tai tiếng cho riêng mình, thì cũng để phục vụ cho những quyến lợi của gia đình nhà chồng".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:57:13 am »

Bà Trần Văn Chương là tình nhân của thạc sĩ Phạm Duy Khiêm
.

Tuần báo Pháp “Aux Ecoutes" số ra ngày 11.11.1960 cố tránh không nêu tên những nhân vật trong Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn mà bà Nhu đã chinh phục được nhằm bênh vực ông Diệm và giúp Diệm ở lại chính quyền thêm vài năm nữa. Cô em dâu xinh đẹp của Tổng thống tin tưởng vào sức quyến rũ của mình để mua chuộc những tướng lãnh Mỹ và luôn cả những cố vấn và các nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn".

Cần có một thời gian để sắc đẹp và bản lĩnh của bà Nhu đánh bật được ảnh hưởng của mẹ trong đại gia đình nhà chồng: Trong năm đầu của chính quyền Diệm, bà Chương là trung tâm điểm của một hệ thống nhằm đề ra những kế hoạch nhằm củng cố chính quyền Diệm.

Bà Trần Văn Chương để được tự do giao tiếp với nam giới, đã vận động gửi ông chồng của bà ta đi làm đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Thịnh Đốn và giúp giáo sư Phạm Duy Khiêm, theo nhiều tin đồn là nhân tình của bà, đi đảm nhiệm chức vụ đại sứ tại Pháp... Người em của ông Trần Văn Chương, bác sĩ Trần Văn Đỗ nhận lãnh ghế bộ trưởng Ngoại giao và lãnh đạo phái đoàn chính phủ của Bảo Đại trong giai đoạn sau cùng của Hội nghị Geneve.

Trần Văn Khiêm, em trai của bà Nhu, một kẻ bất tài thất đức được giao giữ chức giám đốc báo chí và những năm sau đó trở thành trùm mật vụ. Gia đình đã phân công ông Trần Văn Chương ở lại Hoa Thịnh Đốn để vận động với chính phủ Mỹ tiếp tục ủng hộ chính quyền Diệm, trong khi ông Trần Văn Đỗ làm việc tại Dinh Norodom. Riêng bà Trần Văn Chương đứng trên chóp bu của cái tháp ngà này, giật dây điều động mọi việc lớn.

Bà Trần Văn Chương cho bổ nhiệm đứa con trai út Trần Văn Phước vào chức vụ thị trưởng Đà Lạt kiêm giám đốc an ninh vùng Tây Nguyên cho tới ngày anh ta dính líu vào một vụ tham nhũng số tiền 40 triệu đồng trong vụ khai thác và xây cất một lò mổ bò hiện đại tại Sài Gòn.

Người Mỹ ít được nghe nói đến bà chị của Diệm, với tước danh bà Cả Lễ. Mặc dù không nắm giữ một chức vụ chính thức nào, bà này lợi dụng uy quyền của người em Tổng thống để làm giàu qua việc khai thác độc quyền mua bán gạo và ngành tàu biển, và bà ta can thiệp để chàng rể của bà ta là Trần Trung Dung vào ghế bộ trưởng Quốc phòng lãnh đạo tất cả tướng tá trong quân đội, còn người em rể của bà là Nguyễn Văn Thoại được giao giữ chức bộ trưởng Xây dựng và tái thiết.

Sự thay đổi duy nhất có ý nghĩa trong bộ máy cầm quyền này, là việc bà Nhu dần dần đánh bật ảnh hưởng của mẹ bà trong thời gian từ 1954 đến 1956. Sự thay đổi này không vượt qua khỏi khuôn khổ gia đình, và mục đích của nó là siết chặt các quan hệ giữa những thành viên trong hai gia dình đang nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Kết quả là một chính quyền cảnh sát trị, đặt dưới quyền uy của hai gia đình quan lại, mà một là dòng họ Trần Văn có truyền thống phong kiến nhưng còn tương đối trung thành với nền quân chủ, và gia đình kia là Ngô Đình với những tham vọng vô biên. Diệm và vợ chồng Nhu khao khát quyền lực, quyết tâm đạp lên tất cả để thiết lập một vương triều mới cho chính họ. 

Trong giai đoạn đầu, chính phủ Diệm từ khước mọi lời khuyên, không chấp nhận một sự chỉ trích nào cả. Dần dần, con người khác thường này cùng với các thân nhân siết chặt sự kiểm soát nhắm vào người dân, thì sự đàn áp những phần tử đối lập càng ác liệt hơn: bắt giữ, cho lưu vong hoặc thủ tiêu những nhân vật đối lập nguy hiếm cho chế độ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:58:00 am »

Ông Nhu chỉ e ngại có Phan Quang Đán, nhân viên O.S.S rồi C.I.A

Chỉ có một tiếng nói duy nhất dám cất lên phản đối mà Diệm - Nhu không dám bịt mồm. Tiếng nói đơn độc này được để yên trong gần 6 năm mà không đem đến một kết quả nào, vì Diệm - Nhu không thèm đếm xỉa đến. Đến nỗi khi có người hỏi Diệm tại sao không gia tăng số thành viên trong chính phủ, thì câu trả lời được báo chí Mỹ tán thành là: “những người miền Nam không muốn hợp tác với tôi". . 

Tiếng nói duy nhất được để cho tự do, nhưng không có khả năng ra ứng cử và được chấp nhận vào Quốc hội, chỉ khiến cho dân chúng bất mãn đối với chính sách của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tiếng nói này là của Phan Quang Đán, con người được người Mỹ chấp nhận làm lãnh tụ đối lập duy nhất được tự do để có thể thay thế Diệm nếu có một việc gì đó không tốt xảy đến cho ông này.

Bác sĩ Đán là con người không có lập trường rõ rệt, chỉ hành động theo hướng có lợi cho ông ta, lúc thì ủng hộ nền quân chủ, lúc ngả theo chế độ dân chủ. Năm 1946, Đán gia nhập một nhóm tên gọi “Đại Chúng". Thất bại trong những hành động gây rối năm 1946 cùng với đảng Đại Việt, Đán cùng với đồng bọn trốn sang Trung Quốc. Những đồng chí của Đán tố cáo ông ta đã mang theo ngân quỹ của đảng.
Năm 1947 những người cầm đầu các chính đảng quốc gia tập hợp lại và đến Hồng Kông để đòi có được tiếng nói trong thỏa hiệp mà Bảo Đại đang dự định ký với chính phủ Pháp. Các nhóm này hứa sẽ đoàn kết với nhau, nhưng Đán phản bội lại họ để được Bảo Đại dùng làm cố vấn riêng.

Năm 1952, người Mỹ khi tìm cách áp đặt những lý thuyết riêng của họ tại Đông Nam Á, muốn phát động một chính sách về "một lực lượng thứ ba", một phong trào nhằm tống cổ Bảo Đại và người Pháp ra khỏi Việt Nam để sau đó quay sang tấn công cộng sản. Một người Mỹ bị nghi đã cung cấp chất nổ để phá hoại một nhà hát năm 1952, bị người Pháp trục xuất nhưng đã trở lại Sài Gòn sau ngày Diệm lên nắm chính quyền.

Chính giai đoạn này giúp nhà văn Mỹ Graham Greene làm đề tài viết cuốn “Một người Mỹ trầm lặng" được nhiều người đọc. Một số người Mỹ phóng khoáng có đầu óc chống thực dân quyết liệt còn hơn là chống Cộng, đã đài thọ cho một chính đảng Việt Nam mà Đán được giao thành lập. Nhờ đó mà Đán nhận được những số tiền lớn để xúc tiến việc kết nạp những đảng viên, nhưng Đán có nhiều va chạm cũ với các đoàn thể chính trị nên phong trào của ông ta tan rã nhanh chóng.

Sau thất bại này, Đán sang Hồng Kông và tìm cách thành lập một chính đảng mới mang tên “Khối dân chủ" để được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Tại sao tên phiêu lưu chính trị này là người duy nhất ra mặt đối lập với Diệm mà những cơn thịnh nộ dữ dội đã làm khiếp sợ bao nhiêu người? Sở dĩ Diệm không dám bắt giam, tịch thu tài sản của Đán như đối những kẻ chống đối khác là vì Diệm biết Đán được sự bao che của người Mỹ.

Trong Đệ nhị thế chiến, Đán bí mật cộng tác với cơ quan tình báo Mỹ OSS, tiền thân của CIA, sau đó được người Mỹ tin dùng nhờ dường như đã cung cấp cho OSS những tin tức tình báo đáng giá. Những năm sau đó, Đán vẫn giữ liên lạc với cơ quan tình báo mới CIA. Nơi nào Đán xuất hiện, ông ta được một sự che chở vô hình, người ta nói nhỏ với nhau về Đán: "ông ta là một điệp viên của Hoa Kỳ, vậy không nên gây sự với ông ta!".

Trong thời kỳ Diệm đàn áp thẳng tay những phần tử đối lập những trùm mật vụ Mỹ liên lạc trực tiếp với Hoa Thịnh Đốn đều là những người bạn thân của Đán. Chính vì vậy mà Nhu và bác sĩ Tuyến không dám động tới Đán, và tờ báo "Thời Luận" của Đán tự do chỉ trích chính sách của Diệm.

Nhưng sau cuộc đảo chính bất thành ngày 11.11.1960, Diệm - Nhu không thể nương tay Đán thêm nữa vì Đán trực tiếp dính líu vào biến động chính trị này. Đán còn lên đài phát thanh thóa mạ chính quyền Diệm nên Nhu không thể làm gì khác hơn là ra lệnh bắt giam Đán và truy cứu trách nhiệm của Đán trong biến cố ngày 11.11.1960.

Sự tập trung quyền lực vào tay hai gia đình họ Ngô và Trần khiến dân chúng Việt Nam không những oán ghét toàn bộ chính quyền gia đình trị mà còn hận thù chính phủ Hoa Kỳ. Các chính đảng chống đối bắt đầu cựa quậy, nhưng vì phe nào cũng muốn mình nắm vai trò lãnh đạo nên thiếu đoàn kết, dễ bị bộ máy mật vụ của Nhu chia rẽ và trấn áp thẳng tay.

Và phải đợi đến cuối năm 1963, khi Diệm - Nhu phạm phải sai lầm lớn trong việc đàn áp những phật tử, giúp cho người Mỹ có cớ giải thích trước dư luận thế giới và bật đèn xanh cho nhóm tướng lãnh tại Sài Gòn thực hiện cuộc đảo chính quân sự ngày 1.11.1963, chấm dứt trong máu lửa một chế độ độc tài do chính người Mỹ dựng lên và nuôi dưỡng trong gần 9 năm bất chấp sự phản đối gần như thụ động của các tầng lớp dân chúng trong nước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:59:24 am »

Những hoạt động thiếu tích cực của Bảo Đại sau 1954. Bảo Đại nhát đến nỗi sợ Diệm yêu cầu Pháp dẫn độ ông về Sài Gòn giao nộp cho Diệm

Sau cuộc trưng cầu dân ý giả tạo với sự đạo diễn của người Mỹ, được Ngô Đình Diệm. tổ chức cuối tháng 10.1956 nhằm tước bỏ chức vụ quốc trưởng của Bảo Đại, Cựu hoàng dưới mắt dư luận quốc tế, bị xem như một con người hết thời, bỏ đi, và được xem ngang hàng với các phế đế như cựu Quốc vương Ai Cập Farouk. Bảo Đại từ đấy tạm từ bỏ tham vọng được trở lại ngai vàng hay nắm lại quyền hành tại Việt Nam dưới một danh xưng khác.

Từ ngày 26.10.1955, ngày Diệm tuyên cáo thành lập nền Cộng hòa tại Sài Gòn, Bảo Đại định cư luôn tại Pháp để sống lưu vong, và tránh tham gia mọi hoạt động chính trị. Lui về cư trú trong tỉnh Alsace gần biên giới Pháp - Đức, Bảo Đại sống cuộc đời của một quí tộc ẩn dật, thú vui duy nhất của ông là đi săn, như trong thời gian ông sống tại nước nhà. Thỉnh thoảng, ông đến thủ đô Paris của Pháp khi cần thiết, nhưng chỉ lưu lại đây trong một thời gian ngắn, để gặp lại một số ít người còn trung thành với ông.

Trong một vài lần xuất hiện ngắn ngủi tại Paris, có một số chính trị gia lưu vong đến gặp Cựu hoàng để đưa ra những sáng kiến nhằm phục hồi uy quyền của ông nhưng ông không tin vào những lời xúi bậy của những người nuôi ảo vọng này.

Người con trưởng của ông, cựu hoàng tử Bửu Long đã từng là một cựu sinh viên sĩ quan xuất sắc tại trường võ bị Saint Cyr, lúc bấy giờ đang phục vụ với tư cách là đại úy mang quốc tịch Pháp (mẹ Bảo Long, bà cựu hoàng hậu Nam Phương có quốc tịch Pháp khi mới ra đời, nên Bảo Long con bà, đương nhiên có quốc tịch Pháp, Bảo Long phải thi hành nghĩa vụ quân sự đối với nước Pháp).

Giữa lúc Ngô Đình Diệm, với sự ủng hộ đắc lực của Hoa Kỳ, đã đánh bật Bảo Đại và cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu và quyết biến vĩ tuyến 17 thành bức tường chia cắt vĩnh viễn hai miền Nam Bắc Việt Nam, thì tại thủ đô Pháp, con bài Bảo Đại, dù đã mất giá rất nhiều, nhưng vẫn còn được xem như một biểu tượng của một chính quyền hợp pháp trước kia để thay thế chính phủ Diệm chấp nhận bình thường hóa các quan hệ Nam Bắc nhằm tiến tới Tổng tuyền cử thống nhất nước nhà, mục tiêu tối hậu của cụ Hồ từ năm 1945.

Mặt khác, cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu, mặc dù có một dĩ vãng thân Pháp nhưng năm 1954 có chủ trương giao hảo với chính quyền Hà Nội, nên được xem như một thủ tướng có thể chấp nhận được cho miền Nam Việt Nam. Và ở một cấp bậc cao hơn Trần Văn Hữu, là Cựu hoàng Bảo Đại, vị vua sau cùng của Nhà Nguyễn, tượng trưng cho một triều đại đã thống nhất Việt Nam đầu thế kỷ 19, có thể giúp bắc một nhịp cầu cho hai miền Nam Bắc.

Chính trong mục đích thống nhất đất nước, mà cụ Hồ đã mời Bảo Đại đảm nhận chức vụ "cố vấn tối cao" trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 sau ngày ông thoái vị.

Nhưng năm 1946, Bảo Đại quen thói ăn chơi và e ngại phải trở thành con tin của một chế độ xã hội, nên thừa dịp được chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 3.1946 giao cho sứ mạng bắt tay vào các cuộc thương thuyết với chính phủ Tưởng Giới Thạch nên đã đáp máy bay sang Trùng Khánh, tại đây Bảo Đại đã cố thi hành nhiệm vụ. Sau đó, Bảo Đại bày tỏ ý muốn sang Hồng Kông để lưu lại đây vài tuần lễ, Chính quyền cụ Hồ đã chấp thuận lời thỉnh cầu của Bảo Đại. Nhưng sau khi đặt chân tới Hồng Kông, theo lời khuyên của các cận thần, Bảo Đại mới quyết định không trở về Hà Nội nữa.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 10:59:32 am »

Ngày Tết Quí Mão (1963) qua đi mà Bảo Đại không chịu ra tuyên cáo kêu gọi hai chính quyền Nam - Bắc Việt Nam xích lại gần nhau, mở cuộc thương thuyết giải quyết những bất đồng giữa hai bên và nhất là để tránh một sự can thiệp cửa nước ngoài, điều này có nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến giữa hai miền. Bảo Đại đã để lỡ một dịp để xuất hiện trở lại trên chính trường.

Bảo Đại không chịu hành động theo đề nghị của Nguyễn Văn Chi, đại diện bán chính thức của Hà Nội, một phần là do Cựu hoàng còn đang trông ngóng những cuộc tiếp xúc kín đáo có thể sẽ đến với các nhà ngoại giao Mỹ, đằng sau ông A.Harriman.

Nhiều cuộc rỉ tai trong giới thân cận của Bảo Đại còn đưa một giải thích khác cho sự thụ động của Bảo Đại. Trong số những đàn em của Bảo Đại, có nhiều tên vụ lợi ra mặt, nên không bao giờ tán thành một công thức đoàn kết quốc gia bao gồm luôn những người Cộng sản trong sạch hoàn toàn không nghĩ tới lợi lộc cá nhân.

Một nhân vật rất gần gũi với Cựu hoàng là dược sĩ Phan Văn Giáo, một tay đầu cơ chính trị tiêu biểu, hai lần làm thủ hiến Trung Việt, người thường có những phi vụ thương mãi với bà Trần Văn Chương, vợ của Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ và là mẹ của bà Ngô Đình Nhu. Qua bà Chương, Giáo được mật tin là Tổng thống Kennedy có ý định không tiếp tục ủng hộ chế độ Diệm và đang tìm một ê kíp khác để thay thế Diệm - Nhu.

Bảo Đại vào thời điểm ấy, nuôi hy vọng là qua mối liên lạc với Phan Văn Giáo và bà Trần Văn Chương, ông có thể lọt vào mắt xanh của người Mỹ như là con người của thời thế thích hợp. Vậy Bảo Đại thấy việc gì phải chạy theo những phần tử thân Cộng, trong khi một cuộc đảo chính quân sự tại Sài Gòn sẽ giúp cho Cựu hoàng trở về Việt Nam.

Hy vọng của Bảo Đại còn được một cố vấn Mỹ, ông Hilaire du Berrier nhân lên qua những tin tức đầy khích lệ do ông này mang đến. Bảo Đại còn tiến tới một sự phân chia những chiếc ghế bộ trưởng trong một nội các tương lai, như thời Cựu hoàng còn đang lưu vong tại Hồng Kông năm 1948.

Những chính trị gia sa lon đang sống lưu vong tại Paris lại lui tới với Bảo Đại để hòng chia phần. Những ảo tưởng của Bảo Đại bắt nguồn từ sức khỏe suy sụp, theo giới thân cận của ông sau những thất bại liên tiếp và sự phá san của chính sách thời ông còn là quốc trưởng. Những năm đầu thập niên 60, Bảo Đại tinh thần suy sụp đã phải nhiều lần đến bệnh viện tâm thần để được điều trị. Riêng tên múa rối chính trị Phan Văn Giáo, người thân cận nhất của Bảo Đại, sau thời gian sống lưu vong tại Pháp, đã từ trần tại Paris năm Mậu Thân (1968), Bảo Đại như vậy là mất đi một tên tay sai đắc lực và trung thành.

Thực ra, chính phủ Hà Nội từ lâu không còn nhìn thấy ở Bảo Đại một người đối thoại đáng để tiếp xúc. Tháng 7.1967, trong một buổi tiệc với một nhóm bạn Nam Việt, nhà báo Chaffard có nghe một số cựu bộ trưởng trong các chính phủ tại Sài Gòn thuật lại sau cái chết vừa qua của Đức giám mục Lê Hữu Từ di cư vào Nam năm 1954 - người đã từng cai quản giáo khu Phát Diệm, chính phủ Hà Nội đã cho tổ chức một buổi lễ tang và cử đại diện của chính quyền tham dự. Đài phát thanh Hà Nội nhân dịp này có nhắc lại rằng Đức cha Lê Hữu Từ năm 1945-1946 là cố vấn của chính phủ cụ Hồ. Một cựu bộ trưởng lưu ý những người tham dự: "Bảo Đại cũng vậy".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 11:00:35 am »

Bảo Đại định thành lập một "ủy ban Quốc gia" để trở lại cầm quyền
.

Tháng 10.1963, cuộc khủng hoảng giữa chính quyền Diệm - Nhu và khối Phật giáo tại Nam Việt lên đến cao điểm sau các cuộc đàn áp nhắm vào các chùa chiền. Một không khí tiền đảo chính quân sự nhằm lật đổ chế độ Diệm bao trùm thành phố Sài Gòn.

Từ bên Pháp, Bảo Đại chăm chú theo dõi sự diễn tiến tình hình tại Nam Việt, ông thấy được khích lệ trở lại và nuôi hy vọng trở về Sài Gòn để tham gia vào chính trường miền Nam. Trong ngôi nhà của ông thuộc vùng quê tỉnh Alsace ở Đông Bắc nước Pháp, Bảo Đại tiếp những cộng sự viên cũ, những cựu chính trị gia Việt Nam đang sống lưu vong tại Pháp mà ông cho là còn trung thành với ông. Cùng với những người này, ông thiết lập trên giấy một ủy ban Quốc gia và phân chia những chức vụ trong một chính phủ quốc gia sẽ được thành lập dưới sự lãnh đạo của ông, ngay sau ngày chế độ Diệm sụp đổ.

Bảo Đại nghĩ rằng có thể trông cậy vào một số người trung thành, trong số này có cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm, và người con trai của ông này là tướng Nguyễn Văn Hinh, cựu tổng tham mưu trưởng của Bảo Dại ngày trước, ngày Cựu hoàng vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam ngày 10.4.1954 để sống lưu vong bên Pháp.

Bảo Đại cũng không quên cho mời hai cựu cận thần của ông đến bàn việc nước: Nguyễn Đệ đổng lý văn phòng quốc trưởng và cựu thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo. Riêng ông Nguyễn Đệ, một con người có óc thực tế và không có tham vọng chính trị, nên đã từ khước đề nghị tham chính của Bảo Đại và cố gắng giải thích cho ông này rõ là những toan tính của Cựu hoàng là thiếu cơ sở.

Còn phần tướng Nguyễn Văn Hinh lúc bấy giờ đã quay trở lại quân đội Pháp thì thừa sáng suốt để nhận ra rằng những dự tính của Bảo Đại chỉ là những ảo tưởng, vì uy tín của Bảo Đại không còn gì đối với dư luận trong nước cũng như ở ngoại quốc. Chấp nhận cùng tham dự với Bảo Đại trong một cuộc đi săn và chịu khó nghe những đề nghị của Bảo Đại để quay trở về Việt Nam, không có nghĩa là tướng Hinh tán thành hay đồng tình với Bảo Đại. Hơn nữa, Hinh vừa được quân đội Pháp bổ nhiệm vào chức vụ Phó Tham mưu trưởng quân lực, một sự vinh thăng mà ít có người Việt Nam nào mơ ước tới, nên Hinh không dại gì bỏ mồi bắt bóng.

Cùng nuôi những ảo vọng như Bảo Đại cũng vào thời điểm chế độ nhà Ngô lung lay tận gốc rễ để có những cuộc vận động với những nhân vật đang lên tại Sài Gòn, còn có ông Trần Văn Hữu, cựu thủ tướng dưới thời Bảo Đại. Ông Hữu là vị cựu thủ tướng duy nhất tại Sài Gòn dưới thời Bảo Đại đã công khai tán thành Hiệp định Geneve 1954, và chủ trương một chính sách trung lập tại miền Nam và một sự chung sống hòa bình với miền Bắc.

Ngày 22.7.1962, ông Hữu đã có một cuộc hội kiến tại Thụy Sĩ với một nhóm những nhân vật cao cấp tại Hà Nội để có một cuộc thảo luận về tình hình tại Việt Nam. Cũng trong tháng 7.1962, ông Hữu có nhận được của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận giải Phóng miền Nam một bức thư đầy thiện chí. Đầu tháng 11.1963, khi hay tin tướng Dương Văn Minh thành công trong việc cầm đầu cuộc đảo chính lật đổ chế độ nhà Ngô, ông Trần Văn Hữu có gửi cho tướng Dương Văn Minh một điện văn khen ngợi ông này đã giải thoát cho Nam Việt khỏi một chế độ độc tài thời Trung Cổ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 11:00:43 am »

Bảo Đại còn lo sợ và tưởng tượng là Diệm - Nhu đang dựng ra một hồ sơ tại Sài Gòn để kết tội ông có những hành động phương hại đến những quyền lợi của đất nước để dùng bộ máy tuyên truyền dưới tay họ rồi truy tố ông ra tòa để xử khiếm diện ông.

Theo ông Nguyễn Văn Chi, một sự e ngại như vậy là không có cơ sở, vì dù cho người Việt Nam có thể phiền trách chính phủ Pháp trên một vài lĩnh vực, nhưng như lời De Gaulle từng nói, nước Pháp không có thói quen bỏ rơi những người bạn cũ cũng như không bao giờ giao nộp những lãnh tụ chính trị cựu đồng minh của Pháp cho những đối thủ chính trị của họ, như trường hợp Bảy Viễn, lãnh tụ Bình Xuyên, hay Trần Văn Hữu, Nguyễn Tôn Hoàn v.v... những người này đều được hưởng qui chế tị nạn chính trị tại Pháp.

Năm 1955, cựu Thu tướng Trần Văn Hữu từ Pháp trở về Sài Gòn giữa lúc Diệm đang khốn đốn với Mặt trận toàn lực quốc gia bao gồm tất cả các giáo phái và đoàn thể chính trị. Sự hiện diện của ông Hữu tại Sài Gòn vào thời điểm đó là một cái gai trong mắt Diệm - Nhu, nên mỗi lần Trần Văn Hữu di chuyển, các toán mật vụ của Diệm theo dõi sát, và báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ có loan tin là công an mật vụ đã ngăn chặn xe ông Hữu đang đưa ông từ sài Gòn lên Tây Ninh để gặp giáo chủ Cao Đài Phạm Công Tắc, và buộc ông Hữu phải quay xe trở về Sài Gòn. Những ngày sau, công an mật vụ của Diệm có những cử chỉ có tính cách hù dọa để sau cùng ông Hữu phải lên Phi cơ trở về Pháp.

Nhưng Diệm không bao giờ dám đi tới hành động xâm phạm đến tánh mạng của một nhân vật chính trị có tầm cỡ như Trần Văn Hữu, chớ chưa nói tới Bảo Đại, người có đẳng cấp quốc trưởng, cao hơn chức thủ tướng của Hữu một bậc.

Các quan sát viên chính trị cho là Bảo Đại và Sihanouk thiếu can đảm nên khi ở ngoại quốc hay tin Diệm và Lon Nol phản lại họ và lật đổ họ một cách bất hợp pháp mà không mạnh dạn đáp máy bay trở về nước với sự tháp tùng của các ký giả quốc tế và thông báo trước rộng rãi giờ phi cơ đáp xuống Sài Gòn hay Nam Vang. Trong trường hợp này chắc chắn Diệm hay Lon Nol không bao giờ dám ra lệnh bắn vào phi cơ hay chặn bắt Bảo Đại hay Sihanouk khi họ vừa đáp xuống sân bay, vì các quan thầy Mỹ của họ không bao giờ cho phép Diệm hay Lon Nol làm việc này vì còn phải e ngại dư luận quốc tế, nhất lúc bấy giờ Diệm hay Lon Nol chưa được một nước nào thừa nhận tính cách hợp Pháp.

Cuộc hội kiến giữa Bảo Đại và Nguyễn Văn Chi không đạt được kết quả gì cả. Theo nhà báo Pháp Chaffard, cựu ủy viên Cộng hòa Pháp Sainteny khuyên Bảo Đại đích thân trở về Sài Gòn để cầm đầu các lực lượng chống lại Diệm và Sainteny đang trở lại chức vụ cũ tại Hà Nội ngay sau ngày ký Hiệp định Geneve 1954, đã tìm cách thăm dò các lãnh tụ Bắc Việt để biết xem những người này có ủng hộ một hành động như vậy của Cựu hoàng Bảo Đại hay không.

Nhưng Bảo Đại không đủ can đảm để dấn thân vào một hành động ngoạn mục nhưng có ít nhiều mạo hiểm như vậy. Bảo Đại bản chất là có tính lợi dụng thời cơ để hưởng thụ cá nhân chớ không dám có những quyết định có tính cách phiêu lưu và đe dọa phần nào đến tính mạng của ông ta, và Bảo Đại luôn ngả theo phía đang giữ thế mạnh, như ông đã từng ngoan ngoãn tuyên cáo chống lại thực dân Pháp dưới áp lực của quân phiệt Nhật sau cuộc đảo chính ngày 9.3.1945, cũng như lần ông phải buồn rầu ký quyết định, dưới áp lực Mỹ và Pháp giao Toàn quyền dân sự và quân sự cho Ngô Đình Diệm mùa hè 1954, mặc dù ông rất ghét bỏ và nghi ngờ lòng trung thành của Diệm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 07 Tháng Mười Hai, 2009, 11:01:54 am »

Ông Diệm bực dọc vì Vatican trì hoãn việc thừa nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống 1955

Nhà báo Pháp Raymond Cartier của tuần báo Paris Match số ra ngày 5.9.1964 nhận định: "Cuộc nội chiến, những sự đàn áp tôn giáo của chế độ Diệm, cuộc tranh giành quyền lực, nạn tham nhũng và sự bất lực đã làm chao đảo Nam Việt. Những hậu quả tai hại này không được người Mỹ đoán trước được khi họ quyết tâm hất cẳng các đế quốc thực dân Âu châu để nhảy vào thay thế và sau cùng chỉ làm cho những người dân địa phương thêm bất hạnh mà thôi".

Sau khi loại được Bảo Đại ra khỏi chính trường miền Nam, ngoại trưởng Mỹ Foster Dulles rảnh tay hướng dẫn chính sách của Mỹ tại Việt Nam. Không ai còn có gan lên tiếng đòi ông Diệm phải từ chức nữa. Bình luận gia của báo Life, số ra ngày 7.11.1955, ca ngợi các kết quả của cuộc trưng cầu dân ý mà ông ta gọi là “sự sụp đổ của một ông vua bù nhìn". Một tháng sau, cũng chính tạp chí này hướng Hoa Kỳ đến những thắng lợi mới khi đưa ra lời cổ vũ: "Chúng ta không nên dừng lại, trong khi chúng ta đang trên đường chiến thắng".

Trong Dinh Độc Lập, ông Diệm cùng với các thành viên trong gia đình hân hoan tổng kết những thành quả đã đạt được trong năm 1955 và tất cả tỏ ra thỏa mãn. Chỉ có một thất vọng làm vơi bớt niềm vui sau một loạt những thắng lợi, nhưng không may là vấn đề tồn đọng này lại không thể giải quyết dễ dàng chỉ bằng vài triệu Mỹ kim của viện trợ Mỹ, đó là bước đầu các rắc rối của ông Diệm với Tòa thánh Vatican.

Tân Tống thống cảm thấy khó chịu khi phải chờ đến gần một tháng trước khi được Tòa thánh Vatican thừa nhận chiến thắng của Diệm trước Bảo Đại. Một sự bực dọc mới đến với Diệm trong thời gian diễn ra chiến dịch bài Pháp của bộ máy tuyên truyền của Diệm, ông này buộc những vị truyền giáo mà Tòa thánh gửi sang Sài Gòn phải tuyên thệ ủng hộ ông, nhưng những người này bác bỏ yêu sách trên.

Ông Diệm liền tố cáo những phần tử này là thân Cộng sản và cho bắt quản thúc Đức Giám mục Sieltz của Hội truyền giáo, ông này bị đe dọa tống giam vì tội xâm phạm đến nền an ninh quốc gia, nhưng Vatican đã cương quyết can thiệp và cứu được Đức Giám mục Sieltz ra khỏi tù. Sau đó, Diệm yêu cầu Tòa thánh nâng Đức Giám mục Ngô Đình Thục, anh trai của Diệm, lên hàng Đức Hồng y, một chức phẩm mà cho tới thời điểm ấy chưa có một vị giám mục Việt Nam nào đạt tới được.

Phản ứng của Vatican đối với lời thỉnh cầu trên của Diệm được tờ báo Pháp France Soi đề cập đến trong số ra ngày 26.10.19 55, ngày Diệm tuyên cáo thành lập nền Đệ nhất Cộng hòa và là ngày Quốc khánh của "triều đại Ngô Đình Diệm".

Đối với Diệm hiện giờ, bóng tối duy nhất còn lại trong bối cảnh đầy lạc quan của chế độ ông ta là thái độ khó hiểu của Tòa thánh qua quyết định bỏ nhiệm vào chức vụ Giám mục giáo phận Sài Gòn, không phải là ứng cử viên của Diệm tức Đức cha Ngô Đình Thục, mà là Giám mục Nguyễn Văn Bình, một nhân vật ít được biết đến trong hàng giáo phẩm Nam Việt. Đây còn là một đòn khá đau cho Diệm vì Đức cha Bình được xem như là một người không tán thành chính sách của Ngô Đình Diệm.

Diệm phản đối quyết định trên của Vatican. Giám mục Ngô Đình Thục ngay sau đó đáp phi cơ đi La Mã.

Ngày 29.12.1955, tờ báo France Soi thuật lại:

"Trong khi chờ đợi những kết quả của các cuộc vận động của Đức cha Thục tới Vatican để hủy bỏ quyết định bổ nhiệm Đức Giám mục Bình, phong bì đựng quyết định của Tòa thánh bổ nhiệm Đức cha Bình cai quản giáo phận Sài Gòn bị sở bưu điện tại Sài Gòn tịch thu, con dấu bị đập vỡ và nội dung quyết định bị sao chụp.

Nhưng Vatican vẫn duy trì quyết định bổ nhiệm Đức cha Hiền và chính quyền Diệm ra lệnh ngăn chặn việc loan báo quyết định trên của Tòa thánh Vatican trong nhiều tuần lễ cho tới khi chính các Cha đích thân loan báo cho các giáo dân được biết trên bục giảng và cho tới lúc Đức Giám mục Bình đích thân đe dọa khai trừ Diệm ra khỏi cộng đồng giáo dân".

Trong một thông điệp được loan đi trên đài phát thanh ngày 29.11.1955 và trong một thông cáo được trao cho báo chí ngày 5.12.1955, linh mục O'Connor, đã lên án sự can thiệp của Diệm vào các vấn đề của Giáo hội và những áp lực mà ông đã dùng đến để Đức cha Thục được Tòa thánh giao cho nhiệm vụ cai quản giáo khu Sài Gòn. Có những nguồn tin tiết lộ là chính phủ Diệm còn cho kiểm duyệt gián tiếp những bài thuyết giảng của các vị linh mục.

Một nhà truyền giáo đã từng sống 37 năm tại Việt Nam cho là trước ngày ông Diệm lên cầm quyền, không có một sự bất hòa nào giữa các tín đồ Công giáo và Phật giáo tại Việt Nam. Năm 1963, giữa lúc cuộc khủng hoảng chính trị đang đe dọa chế độ Diệm, Đức Tổng Giám mục Ngô Đình Thục muốn tổ chức một cuộc mít tinh chống Cộng tại Sài Gòn. Đức Tổng Giám mục giáo phận Sài Gòn Nguyễn Văn Bình ngăn cản và nói với Đức cha Thục:

“Ngài cai quản giáo phận Huế, còn tôi thì nhận lãnh trách nhiệm giáo phận Sài Gòn, và tôi không cho phép để cho Vương cung Thánh đường Sài Gòn trở thành nơi diễn ra những cuộc mít tinh chính trị cũng như tôi không muốn những hoạt động chính trị xen vào lãnh vực tôn giáo".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM