Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:14:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76958 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #80 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:33:26 pm »

Nhận thấy mối đe dọa từ Bảo Đại, Thủ tướng Hữu đến tìm cách thuyết phục De Lattre cùng một luận điệu của trung tướng Nguyễn Văn Xuân, vị thủ tướng chính phủ trung ương đầu tiên của Bảo Đại, là thành lập một nền cộng hòa, nghĩa là xóa bỏ vai trò quốc trưởng của Cựu hoàng Bảo Đại:

“Thưa Đại tướng, chúng ta sẽ không làm được gì cả tại Việt Nam khi nào người ta biết được ai là người thực sự cầm quyền, Quốc trưởng hay là Thủ tướng chính phủ. Hiện tại quyền hành của Quốc trưởng, tuy là kín đáo nhưng thực ra chiếm đoạt tất cả quyền hành, trong khi vị thủ tướng chỉ có bề ngoài, hoàn toàn lệ thuộc. Giữa Bảo Đại và tôi Đại tướng phải chọn một.

Bảo Đại bác bỏ mọi trách nhiệm, phủi tay nhìn diễn biến của tình thế theo sự sắp đặt của ông ta, và muốn tạo ra một khoảng trống trong đó chỉ còn có ông ta là trồi lên, theo một chính sách ngoắc ngoéo. Bảo Đại không ưa gì Đại tướng nhưng e ngại uy quyền của Đại tướng. Tôi muốn phục vụ đồng bào của tôi, hàng triệu nông dân Việt Nam. Nhưng tôi bị ngăn cản nên không làm gì được.

Cần phải cắt bỏ khối u ung thư Đà Lạt. Tôi hiểu rõ các cố gắng của ngài nhằm hòa giải giữa Bảo Đại và tôi. Cần phải hành động, thiết lập chế độ cộng hòa và có làm vậy mới có thể khích động tinh thần dân chúng để đem đến thắng lợi trong cuộc chiến và tái lập hòa bình".

De Lattre liền trấn an Thủ tướng Hữu:

"Ông đừng quá lo lắng. Tôi giúp ông thành lập một chính phủ theo ý ông, dù cho Bảo Đại không đồng ý. Tôi sẽ dành cho Bảo Đại một sự ngạc nhiên là kéo về phía tôi một người mà ông ta cho là trung thành với ông ấy: Nguyễn Hữu Trí, Thủ hiến Bắc Việt, ông nên nhận Trí vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các cải tổ sắp tới của ông. Tôi biết là ông rất nghi kỵ Trí và cho Trí là một con người nguy hiểm. Nhưng ông Thủ tướng cứ tin tôi, vì tôi nắm Trí trong tay và sẽ buộc Trí phải tuân lời ông, vì ông ta chỉ là một thành viên trong nội các mà ông là người cầm đầu”.

Trần Văn Hữu đáp lại:

“Thưa Đại tướng, Trí và các thuộc hạ của ông ta sẽ tìm cách thoát ra ngoài sự kiểm soát của ông, vậy ông nên giới hạn các quyền hành của ông ta như buộc ông ta trả lại chức thủ hiến Bắc Việt và bổ nhiệm một vị tướng người miền Nam vào ghế thứ trưởng bên cạnh ông ta để kìm hãm hắn. Vì tên Trí này có thể là một chính trị gia và một tên "mật vụ" phụ trách an ninh chớ chưa bao giờ là một "người lính" và chưa bao giờ cầm súng để thực sự chiến đấu”.

Sự hợp tác giữa De Lattre và Nguyễn Hữu Trí giúp cho Trí giữ được chiếc ghế thủ hiến Bắc Việt trong gần hai năm, với sự chấp thuận miễn cưỡng của Bảo Đại và Trần Văn Hữu. De Lattre bị bao vây bởi những "ẩn ý" của Hữu tại Sài Gòn, những mưu mô bành trướng ảnh hưởng của Trí và nhóm Đại Việt tại Hà Nội, sự phá hoại lặng lẽ của Bảo Đại tại Đà Lạt.

Một hôm, De Lattre nảy sinh ra ý nghĩ tìm sự hòa hợp với Bảo Đại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #81 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:34:45 pm »

Cuộc va chạm giữa Bảo Đại và đảng Đại Việt

Nghĩ là làm ngay, ông cho mời linh mục Bửu Lương, người chú họ của Bảo Đại đến và nói:

- Tôi nhờ Cha nói với Bảo Đại là tôi rất buồn vì những hiểu lầm giữa tôi và Quốc trưởng. Nhưng hai chúng tôi cần phải hòa hợp. Quốc trưởng có thể trông cậy vào tôi, Cha vui lòng giải thích rõ mọi điều về thiện chí hợp tác của tôi. Dĩ nhiên là Cha không nên nhân danh tôi để truyền đạt, nhưng chỉ cho Bảo Đại hiểu đó là những ý nghĩ thầm kín của tôi. Cha hãy thăm dò ý của Quốc trưởng. Và Cha trở về cho tôi biết kết quả.

Linh mục Bửu Lương không mấy phấn khởi khi lãnh nhiệm vụ này. Vì vị linh mục bà con với Bảo Đại này, thực chất không có chút uy thế, chỉ là một vị tu hành đẳng cấp nhỏ trong cộng đồng Công giáo, không có chút quyền hành nào cả, và nếu làm việc này, Cha có thể làm liên lụy đến Giáo hội, và Cha phải được cấp trên trong Giáo hội cho phép.

De Lattre lập tức đạt được sự thỏa thuận của cấp trên của Cha Bửu Lương. Một phi cơ Da-ko-ta DC.3 liền kín đáo đưa Cha Bửu Lương lên gặp Bảo Đại tại Đà Lạt. Chỉ vài ngày sau, Cha trở về Sài Gòn tường trình kết quả và có những cuộc thảo luận rất lâu với De Lattre về sứ mạng của Cha.

Không rõ Cha Bửu Lương làm được điều gì tại Đà Lạt mà chỉ ít lâu sau De Lattre nói với các thuộc hạ: "Tôi sẽ đích thân làm việc này".
Khi được văn phòng của De Lattre chuyển đề nghị về một cuộc hội kiến De Latre - Bảo Đại tại Đà Lạt, Bảo Đại thích thú xoa tay nói với Nguyễn Đệ:

Lần này, De Lattre đã dính vào lưỡi câu, ông ta không còn dám xem thường ta nữa. Một hoàng đế, ta muốn là một đại đế, nhưng trước hết phải là một triều thần biết làm dáng. Cái nghề của mình là biết tự treo giá cao như một cô gái bao biết tự trọng và đủ khôn để biết nói với anh chàng tán tỉnh mình: "Anh đừng vội, tốt hơn nên tìm hiểu nhau thêm". Vì biết treo giá cao thì đòi hỏi được nhiều hơn.

Ta là người quá hiểu tâm lý phụ nữ nhờ đã có dịp tiếp xúc với quá nhiều người trong bọn họ, nên ta bắt chước họ. Chính nhờ áp dụng chiến thuật của họ mà ta có thể đòi được nhiều với người Pháp, ngay với cả De Lattre là một con người không "hảo ngọt" một tí nào cả. Ta sẽ chấp thuận một số yêu cầu của De Lattre, nhưng dĩ nhiên là trong tinh thần "có đi có lại".

Cuộc đối đầu giữa De Lattre và Bảo Đại đã làm cho De Lattre rất bực mình nhưng đành chịu vì không thể nào tìm ra ai khác để thay thế. De Lattre đến yêu cầu Bảo Đại giúp ông thành lập một chính phủ mạnh tại Sài Còn, với Nguyễn Hữu Trí ở ghế Bộ trưởng Quốc phòng để cấu tạo một quân đội quốc gia hùng mạnh chiến đấu bên cạnh đoàn quân Viễn chinh Pháp.

Và đây là mơ ước của Bảo Đại, nhưng ông này muốn thấy lực lượng quân sự sắp cho ra đời này phải hoàn toàn nằm trong tay của ông và hoàn toàn trung thành với ông, và ông muốn giao cho thủ hiến Trung Việt Phan Văn Giáo chức vụ Tham mưu trưởng, nhưng De Lattre không đồng ý vì cho Giáo chỉ là một tên nịnh bợ, ăn chơi, buôn lậu, tham nhũng và háo danh có tiếng tại Huế.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #82 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:34:52 pm »

Giấc mơ của De Lattre thành lập một chính phủ mạnh, với Nguyễn Hữu Trí làm Bộ trưởng chiến tranh trong chính phủ Trần Văn Hữu vừa cải tổ, đã sớm tan vỡ, do sự ghét bỏ của Trí nhắm vào Thủ tướng Hữu.

Trong một cuộc hội kiến tại Phủ Thủ tướng, sau khi miễn cưỡng nhận chức bộ trưởng, Trí đã có những lời lẽ hỗn xược nhắm vào Thủ tướng Hữu, một hành động vô kỷ luật mà Bảo Đại không thể chấp nhận. Bảo Đại đã được những điệp viên tại Sài Gòn tường trình rõ mọi việc, nên khi Trí bay lên Đà Lạt để trình bày với Quốc trưởng sự xung đột vừa qua với Trần Văn Hữu. Dĩ nhiên, Trí tường trình một cách có lợi cho ông ta và che đậy sự hỗn láo của mình đối với thượng cấp.

Và trong cơn nóng giận, Trí gần như đưa ra một tối hậu thư cho Bảo Đại đòi cách chức Hữu ở ghế Thủ tướng và đưa ông ta lên thay thế, sự hỗn xược này khiến Bảo Đại không thể tha thứ được. Trí đánh giá sai con người Bảo Đại, cho rằng với thế lực của đảng Đại Việt tại miền Bắc, khó ai có thể dám lên thay thế ông ta. Bảo Đại là một người có bản lĩnh chính trị, nên nhân dịp này, đã tìm ra cái cớ để cách chức Trí, dù dư hiểu là Trí được sự ủng hộ của De Lattre.

Đợi cho Trí dứt lời, Bảo Đại lạnh lùng nói với Trí, giọng kẻ bề trên:

- Ông Trí, từ giờ phút này, ông phải tự xem như là đã rời khỏi chức vụ. Lần này thì không còn gì nữa. Tôi không cần đến ông nữa, ngay cả ở cương vị thủ hiến Bắc Việt, ông hãy cút đi!.

Trí lúc ấy mới giật mình. Rồi như một người máy, không một lời, không một cái cúi đầu chào tạm biệt, Trí đứng dậy lặng lẽ ra về, thu mình trong khách sạn Lang Bian để suy gẫm về phản ứng quyết liệt của Bảo Đại. Rồi sau cùng, Trí đi đến quyết định quay trở lại biệt điện của Bảo Đại để yêu cầu một cuộc tiếp kiến, điều mà Bảo Đại đã thấy trước.

Trí tỏ ra không hối hận về việc đã xảy ra hai ngày trước, mà còn nghiêm mặt nói với Bảo Đại: "Tôi yêu cầu Hoàng thượng xét lại quyết định của ngài. Vì nếu Ngài giữ vững lập trường, tôi sẽ không chịu trách nhiệm về những gì sẽ xảy ra sau này".

Bảo Đại nổi sung trước lời đe dọa trên, đứng bật dậy, hét lên:

- Ông muốn nói là nếu ông không còn là thủ hiến Bắc Việt, ông sẽ nổi dậy chống lại tôi chứ gì? ông hãy ra khỏi đây lập tức! Sẽ không có một xáo trộn nào cả, ông sẽ không làm được gì, dù cho với các thủ hạ Đại Việt của ông. Và rồi ông sẽ thấy.

Những sự việc trên, Bảo Đại đã tâm tình kể lại với một ký giả ngoại quốc nổi tiếng. Liền sau đó, Bảo Đại mời đốc phủ Nguyễn Văn Tâm, biệt danh “Cọp Cai Lậy" đang giữ chức giám đốc Công an tại Sài Gòn đến và bổ nhiệm ông này vào chức vụ thủ hiến Bắc Việt thay thế Nguyễn Hữu Trí. Và với bàn tay sắt và sự yểm trợ của Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm đã nắm vững được tình thế, mà không gặp một sự phản ứng nào đáng kể của nhóm Đại Việt cả.

Chỉ có một con người can đảm và tự tin như Nguyễn Văn Tâm mới dám đứng ra đảm nhận chức thủ hiến tại Bắc Việt, giữa lúc thế lực của nhóm Đại Việt đang mạnh tại Hà Nội, ông này đại diện cho quyền lực hợp pháp tại vùng tạm bị chiếm đóng, đã trấn áp được mọi hành động chống đối của nhóm Đại Việt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #83 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:23:39 am »

CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA DE LATTRE VÀ BẢO ĐẠI

Bảo Đại ăn miếng trả miếng với De Lattre ngay cuộc hội kiến đầu tiên

Sau thảm hại quân sự của quân Pháp trên quốc lộ 4 dọc biên giới Việt - Trung tháng 10.1950, chính phủ Pháp gấp rút gởi đại tướng De Lattre de Tassigny, một tướng lãnh cao cấp và danh tiếng nhất trong quân đội Pháp sang Đông Dương để cứu vãn tình thế, trong khi Quốc trưởng Bảo Đại đang hưởng lạc tại Đà Lạt.

Với chức vụ Cao ủy kiêm Tổng Tư lệnh Đoàn quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương, De Lattre tự xem là người nắm giữ tất cả quyền hành tại Đông Dương và xem thường Bảo Đại mà cựu Cao ủy L.Pignon đã đưa trở về Việt Nam để thi hành giải pháp Bảo Đại nhằm thành lập một chính phủ quốc gia độc lập và thống nhất theo mô hình của Pháp để đối đầu với chính phủ cụ Hồ đang theo đuổi cuộc kháng chiến để giành lại độc lập thật sự cho nước nhà.

Khi vừa đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất trung tuần tháng 12.1950, De Lattre bực mình vì không thấy Bảo Đại ra phi trường tiếp đón ông ta, mà chỉ ra lệnh cho Thủ tướng Trần Văn Hữu đi thay.

Theo nghi lễ một quốc trưởng của một quốc gia được xem là độc lập dù chỉ là trên hình thức, không việc gì phải ra sân bay tiếp đón một vị tướng tổng tư lệnh của một cường quốc đồng minh. Bảo Đại, với các cố vấn chính trị có năng lực như Hoàng thân Bửu Lộc, luật sư Nguyễn Đắc Khê, không thể phạm phải sai lầm để tự hạ mình ra phi trường tiếp đón ở cầu thang phi cơ một nhân vật không phải là quốc trưởng của một nước bạn hay của một cường quốc.

Nhiệm vụ khẩn cấp của De Lattre lúc bấy giờ là phải bay ra Hà Nội, chiến trường chính của cuộc chiến đang lâm vào tình trạng nguy kịch. Cùng đi với De Lattre sang Đông Dương lần này còn có Jean Letourneau, Bộ trưởng các quốc gia liên kết Việt - Miên - Lào, thượng cấp trực tiếp của De Lattre.

Theo thủ tục ngoại giao, trước khi bắt tay vào việc, De Lattre phải đi trình diện với Bảo Đại, quốc trưởng một quốc gia trên lý thuyết có chủ quyền dù là hư ảo. Trước khi bay lên Đà Lạt chào Bảo Đại, De Lattre với bản tính kiêu căng và hống hách của con người võ biền có nhiều chiến tích trong sự nghiệp quân sự đã đắn đo tự hỏi: “Ta có phải tự hạ mình, phạm phải một sai lầm khi phải lên Đà Lạt chào cái anh chàng "play boy" khi mà anh ta không màng xuống Sài Gòn đón tiếp ta, một người đến để bảo vệ chiếc ghế quốc trưởng của anh ta. Mọi người đã lưu ý đến sự vắng mặt của Bảo Đại như một lời tuyên chiến với ta!".

Rồi sau cùng, De Lattre, tự kiềm chế để đi đến kết luận: "Ta không thể xem thường mọi việc, vì vị vua không ngai vàng này có thể có ích cho ta cũng như những binh sĩ của ta". Vậy là trên đường từ Sài Gòn ra Hà Nội bắt tay vào cuộc chiến đấu mất còn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, De Lattre ghé lại Đà Lạt "ra mắt" Bảo Đại, để tìm cách chinh phục ông này một cách có lợi bề mặt chính trị cho sứ mạng ổn định tình thế tại Đông Dương.

Trước ngày De Lattre đến diện kiến mình, Bảo Đại đã có những thông tin khá đầy đủ về vị tướng đầy kiêu căng và tự tôn này. Đang sống yên ổn để hưởng thụ tại Đà Lạt, vị tướng xấc xược này chỉ đến đây quấy rầy mình, nên Bảo Đại chuẩn bị phương cách đối phó. 

Bảo Đại đã khôn khéo thắng trước một nước cờ ngay từ khi chính phủ Pháp chuẩn bị gởi De Lattre sang Việt Nam. Bảo Đại đã xử sự một cách giả dối có tính toán để không quá làm phật lòng L.Pignon hay Letourneau, những người đã đưa ông lên ghế quốc trưởng và bảo vệ ông chống lại chính phủ cụ Hồ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #84 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:26:21 am »

Bảo Đại không chịu tháp tùng De Lattre ra Hà Nội

Bảo Đại đã từ lâu không ưa gì De Lattre. Năm trước, khi sang Pháp phục hồi sức khỏe, ông đã nghe loáng thoáng là chính phủ Pháp đang định thay thế đại tướng Carpentier, Tư lệnh Pháp, bởi một võ tướng lừng danh để lật ngược tình thế. Sau cùng chính phủ Pháp chọn De Lattre và có hỏi qua ý kiến của Bảo Đại về sự lựa chọn này lúc bấy giờ, Bảo Đại gần như không hiểu gì về con người De Lattre, nên cho người đi thâu thập những thông tin về bản chất của De Lattre.

Rồi những mật vụ của Bảo Đại cho ông rõ, De Lattre là một con người rất "khó thỏa hiệp". Nhưng Bảo Đại cũng đành phải tiếp De Lattre theo kiểu cách mà ông cho là thích hợp nhất, trong khi ông được cho biết De Lattre có cảm tình với Thủ tướng Trần Văn Hữu, một người được thực dân Pháp tin cậy và đề nghị Bảo Đại bổ nhiệm làm thủ tướng. Bảo Dại miễn cưỡng làm theo ý muốn của người Pháp để sau đó làm cho Trần Văn Hữu mất tiếng dần, rồi tìm cách cách chức ông này.

Sau đây là lời tâm tình của Bảo Đại với một bạn thân là một ký giả ngoại quốc:

"Với một người điên như De Lattre, tên Hữu trở nên nguy hiềm và có thể sẽ xúi bẩy De Lattre lật đổ Bảo Đại để thành lập nền Cộng hòa, cũng như trung tướng Nguyễn Văn Xuân năm trước đã từng dựa vào hai tướng Réver và Mast để hất Bảo Đại đưa ông lên ghế tổng thống để thiết lập chế độ cộng hòa tại Sài Gòn. Tệ hơn nữa là De Lattre nghe theo lời cựu Toàn quyền Decoux đã thu dùng hai tên thực dân sừng sỏ là Gauthier, cựu Đổng lý văn phòng của Decoux từ 1940 đến 1945, và hiện đang mang cấp bậc Toàn quyền trong Liên hiệp Pháp (Bộ thuộc địa cũ) và cựu thống đốc Aurillac".

Khi được thông báo là De Lattre muốn diện kiến với ông tại Đà Lạt. Bảo Đại chỉ miễn cưỡng và lạnh nhạt gửi cho De Lattre một công điện thật ngắn, rất vô tư, kẻ cả: “Tôi sẽ tiếp ngài tại Đà Lạt theo đúng nghi lễ. Vậy hai phòng nghi lễ của chúng ta thỏa thuận về ngày giờ cuộc hội kiến".

De Lattre rất căm giận. Dĩ nhiên ông ta phải nén giận để tránh những rắc rối về ngoại giao ngay trong những ngày đầu của sứ mạng đầy khó khăn của ông ta. De Lattre thừa rõ là Bảo Đại với bản tính bướng bỉnh có tính toán, không ưa gì ông ta, và ngược lại ông ta hoàn toàn không có thiện cảm với Bảo Đại, người mà ông cho chỉ là một sản phẩm của cựu Cao ủy L.Pignon, người tiền nhiệm mà ông khinh miệt.

De Lattre còn cho Bảo Đại là hiện thân của một quá khứ và hiện tại ô nhục mà ông cần phải xóa đi, thanh toán vị Cựu hoàng hỗn láo này. De Lattre sinh năm 1889 lớn hơn Bảo Đại hai mươi bốn tuổi và xem thường "đối thủ" Bảo Đại như một thằng con nít không biết tự lượng sức mình.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #85 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:26:28 am »

Trong cuộc hội kiến đầu tiên giữa Bảo Đại và De Lattre trong một buổi tiệc theo nghi thức tại Đà Lạt, hai đối thủ tỏ ra rất lịch sự một cách miễn cưỡng với nhau.

De Lattre nói với Bảo Đại về con người của ông ta: “Tôi không có đầu óc thực dân, cũng không có tính vụ lợi. Tôi đến đây để xác nhận nền độc lập của quí quốc chớ không phải để giới hạn nó. Một đại Pháp muốn kết thân với một nước Việt Nam lớn". Rồi De Lattre đề nghị:

“Tôi đi Hà Nội, đến với thành phố của chiến tranh để dự khán một cuộc duyệt binh của những binh sĩ của tôi đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Tôi mời Ngài vui lòng cùng đi với tôi. Chỗ đứng của Ngài là bên cạnh tôi. Ngài thử tưởng tượng xem sự thán phục của bè bạn, sự lo sợ của kẻ thù: Ngài, vị Quốc vương và tôi, vị tướng Tổng tư lệnh cùng đến thành phố Hà Nội đang bị đe dọa để bảo vệ nó”.

Với sự bắt cóc này, De Lattre đặt hy vọng sẽ thực hiện được nhằm lôi cuốn tất cả những người Việt trong quyền kiểm soát của quân Pháp, tích cực tham gia vào cuộc chiến, sau lưng Bảo Đại. Nhưng ông ta đã thiếu hiểu biết về con người Bảo Đại, một người thích hưởng thụ nhưng luôn né tránh những cuộc “vật lộn" có tính cách phiêu lưu và nhất là hiểm nguy.

Dường như đã có chuẩn bị trước thái độ để ứng phó, chỉ trong một tích tắc, Bảo Đại làm như đi vào giấc ngủ, mắt nhắm rồi đưa ra lời khước từ dìu dàng, lịch sự và đầy tính toán:
“Thưa Đại tướng, tôi rất lấy làm tiếc là không thể cùng đi với Ngài. Vì nếu làm theo ý Ngài, tôi chỉ tổ chứng minh cho thần dân của tôi, ý nghĩ tôi như là tù nhân, là con tin của Ngài mà thôi và như vậy là cả hai chúng ta tỏ ra vụng về, phạm phải một sai lầm chính trị. Hơn nữa, tôi không giúp ích được gì cho Ngài trong việc này. Nhân cách của Ngài cũng thừa đủ. Uy danh của một danh tướng như Ngài đủ để tái lập tình thế. Còn nếu như Ngài cần có những nhân vật quan trọng cùng tháp tùng, thì Ngài có Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, ông Heath, vị Cao ủy Anh tại Mã Lai, ông Malcolm Macdonald, những vị này chắc rất hoan hỉ chấp nhận lời mời của Ngàì".

De Lattre cảm thấy như bị Bảo Đại ngạo mạn nên có phản ứng:

“Tôi có cảm tưởng như đổ công sức cho người khác hưởng lợi. Nhưng Ngài thừa rõ tôi là cả một huyền thoại”.

“Không may cho Ngài, Bảo Đại trả đũa, huyền thoại của Ngài là ở cách xa Việt Nam 12.000 cây số. Còn cái của tôi là ở ngay đây. Tại đất nước này, ít ai biết đến Ngài, còn tôi thì không".

Một sự bất hòa sâu sắc ngay cuộc hội kiến đầu tiên. Nhưng nhớ lời thượng cấp Letourneau căn dặn là cố thỏa hiệp với Bảo Đại vì Pháp đã lỡ đánh ván bài Bảo Đại mất nhiều công sức, De Lattre cố dằn cơn tức giận, nên cố tránh một cuộc to tiếng trực tiếp, miễn cưỡng bắt tay Bảo Đại bước lên chiếc phi cơ Dakota mà không có Bảo Đại đi cùng. Vị tướng kiêu căng náy thất vọng về Bảo Đại. De Lattre từ đấy không còn quá xem thường Bảo Đại, một đồng minh vừa là một đối thủ mà ông ta phải kể đến trong các mối quan hệ ngoại giao cấp cao.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #86 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:27:32 am »

De Lattre xúc phạm Bảo Đại

Ngay sau trận đánh ác liệt chung quanh thành phố Vĩnh Yên, De Lattre một lần nữa mời Bảo Đại ra Hà Nội dự khán một cuộc diễu binh lớn, một lần nữa Bảo Đại nói không với De Lattre. Bảo Đại làm như không dính líu với những lần vào sinh ra tử của De Lattre trong nhiều lần đi máy bay thị sát mặt trận dưới làn đạn pháo cao xạ của đối phương đang vây hãm Vĩnh Yên, để cố bảo vệ Hà Nội.

Trong đêm giao thừa năm Tân Mão (đêm 6 rạng ngày 7.2.1951), De Lattre cho tổ chức một dạ tiệc và mời Thủ hiến Nguyễn Hữu Trí tới dự, trong khi đang diễn ra một cuộc diễu hành của những đoàn xe thiết giáp trên các đường phố Hà Nội ăn mừng năm mới âm lịch. Giữa buổi dạ tiệc, De Lattre không kìm chế sự hằn học đối với Bảo Đại, thốt ra những lời xúc phạm Bảo Đại trước mặt Nguyễn Hữu Trí: "Vị Quốc vương của Ngài là sự mục nát, một kẻ không ra gì, ông ta cứ lo vui đùa với gái".

Bảo Đại làm như không biết thái độ hỗn láo này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #87 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:29:21 am »

CUỘC LIÊN MINH MIỄN CƯỠNG MỸ - PHÁP 1950 - 1954 TẠI ĐÔNG DƯƠNG

Chiến dịch tuyên truyền và cho quà tặng của Mỹ nhằm mua lòng người Việt và đánh bật ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam

Tháng 6.1950, cuộc chiến giữa Nam, Bắc Triều Tiên bùng nổ, giữa lúc cuộc chiến Đông Dương đã bước vào năm thứ 5. Để trợ giúp đồng minh Pháp trong cuộc chiến ngăn chặn làn sóng cộng sản đang lan tràn tại Châu Á, đế quốc Mỹ tới tấp đổ vũ khí vào Đông Dương để trợ giúp cho Đoàn quân viễn chinh Pháp đang sa lầy tại chiến trường này.

Việc này khởi đầu bằng việc cung cấp vài chiếc phi cơ vận tải cũ kỹ Dakota DC.3. Các phi công Mỹ lái vận tải cơ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất chuyển giao cho không quân Pháp để dùng vào việc thả quân nhảy dù xuống các khu vực đang xảy ra những cuộc giao tranh hoặc để tiếp tế quân nhu cho các cứ điểm bị cô lập giữa vùng kiểm soát của quân kháng chiến.

Những cuộc chuyển giao này diễn ra âm thầm, không có một buổi lễ hay một bài diễn văn nào cả. Các phi công Mỹ và Pháp chào nhau, bắt tay nhau, ký phiếu giao và nhận. Liền sau đó, các thợ sơn của không quân Pháp bôi hàng chữ US Air-force và quốc kỳ Mỹ trên thân phi cơ rồi vẽ thay vào chỗ vừa bôi xóa, hình cờ tam sắc của Pháp để từ giờ phút đó số phi cơ này gia nhập hàng ngũ không quân Pháp.

Một thời gian trước đó, một số phi công Pháp đã được phái sang Hoa Kỳ tập lái loạt phi cơ này để trở về Sài Gòn sử dụng chúng ngay tức khắc. Chỉ vài tuần lễ sau, trước mắt mọi người dân Sài Gòn, chiếc vận tải hạm đầu tiên mang tên Steelrover cặp bến Sài Gòn chở theo những súng ống và đạn dược Mỹ cung cấp cho quân đội Pháp tại Đông Dương. Ngày này đánh dấu sự tham gia của Hoa Kỳ vào chiến cuộc Việt Nam, và Hoa Kỳ chính thức đứng bên cạnh Pháp trong cuộc chiến chống lại khối quốc gia xã hội chủ nghĩa, dưới danh nghĩa ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản tại châu Á sau ngày Trung Hoa Lục địa được đặt dưới chế độ cộng sản qua chiến thắng hoàn toàn của Mao Chủ tịch trước Tưởng Giới Thạch cuối năm 1949.

Các lãnh tụ Việt Minh cũng thừa hiểu tất cả ý nghĩa của biến cố này và Đài phát thanh Tiếng nói Nam Bộ của Việt Minh lên tiếng đe dọa sẽ cho phá hoại hoặc dùng thủy lôi đánh chìm chiếc Steelrover. Vì vậy mà thủy thủ đoàn tàu này tỏ ra rất cẩn trọng trong chuyến quay trở ra Vũng Tàu để trở về Hoa Kỳ sau khi cho cất hết khí giới lên bờ.

Trên suốt 80 cây số đường sông từ Sài Gòn ra cửa biển Vũng Tàu, chiếc Steelrover được sự hộ tống chặt chẽ của một lực lượng hùng hậu được bố trí hai bên bờ sông: một tàu dò gỡ thủy lôi dẫn đầu, những tàu hộ tống tháp tùng, phi cơ chiến đấu quần phía trên tàu để sẵn sàng can thiệp tấn công vào các ổ phục kích hai bên bờ sông.

Khi còn tại bến Sài Gòn, mỗi chiếc xe Jeep hay một container đựng vũ khi được đưa lên bờ đều được một tên lính Maroc của Pháp đi kèm. Một ký giả Pháp được phép lên thăm tàu này và đặt câu hỏi với vị đại úy hạm trưởng Mỹ và được đáp: "Là quân nhân, tôi chỉ biết tuân lệnh đưa tàu đến đây, tôi không biết, và cũng bất cần biết là làm như vậy với mục đích gì?". Anh ta còn vui vẻ đãi ký giả Pháp một ly rượu Whisky. Còn nhà báo Pháp này thì hoàn toàn ý thức là từ nay, Hoa Thịnh Đốn đã quyết tâm đứng bên cạnh Pháp trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

Sự thay đồi chính sách này rất dễ nhận ra mặc dù hơi khó tin. Vì mấy năm trước đó, nhất là dưới thời Tổng thống Mỹ F.Roosevelt, năm 1945, Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn không cho Pháp quay trở lại Đông Dương để thống trị và tái lập ảnh hưởng kinh tế, tài chính, văn hóa tại phần đất này. Năm 1945, các tướng lãnh và sĩ quan Mỹ còn trợ giúp vũ khí cho những nhóm vũ trang chống Pháp, đặc biệt là Việt Minh. Kể từ năm 1950, Hoa Kỳ không còn chống thực dân Pháp, mà ngược lại còn ra sức tiếp tay cho Đoàn quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương hòng đè bẹp sự chiến đấu vì độc lập của ba dân tộc Việt - Miên - Lào.

Các tướng lãnh Mỹ, các thượng nghị sĩ Mỹ, các nhà báo Mỹ lần lượt đến Sài Gòn hòng đánh giá hiệu năng của đoàn quân viễn chinh Pháp để có sự trợ giúp cẫn thiết. Khí tài Mỹ được đổ vào Đông Dương cho sự viện trợ quân sự cũng như kinh tế. Đây là bước đầu của làn sóng đô la Mỹ được tuôn vào chiến trường Đông Dương cho đến lúc cuộc chiến Đông Dương không còn gây tổn hao về tiền bạc cho nước Pháp mà ngược lại còn đem về cho Pháp ngoại tệ mạnh.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #88 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:29:30 am »

Cho tới 1950, ngân sách Pháp phải chi hàng năm một tỷ Francs Pháp để theo đuổi cuộc chiến tại Đông Dương, và kể từ thời điểm này, chiến phí còn cao hơn do cường độ chiến tranh gia tăng, nhưng lại do những người dân Mỹ đóng thuế gánh chịu thay cho người Pháp.

Những người Mỹ từ 1950 hết lòng trợ giúp Pháp cũng chính là những người Mỹ năm 1945 đã từng lên án sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương. Roosevelt khi sức cùng lực tận đã vạch ra chính sách loại bỏ ảnh hưởng của Pháp tại Đông Dương, và Tổng thống Truman, người kế nhiệm Roosevelt đã không chịu cung cấp tàu chở quân và vũ khí cho đoàn quân của tướng Leclerc được trù định gởi sang Đông Dương sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh.

Do đó, trong 5 năm đầu của cuộc chiến Đông Dương, quân Pháp được trang bị toàn súng ống và quân cụ của nước Anh. Lúc bấy giờ, Anh không muốn thấy các thuộc địa của mình noi gương Việt Nam đứng lên cầm vũ khí chiến đấu giành lại độc lập cho nước nhà.

Năm 1945, một số nhân viên mật vụ của cơ quan OSS đã tìm cách kết thân với cụ Hồ, mà người đứng đầu là thiếu tá Mỹ Patty, ông này và các phụ tá Mỹ đã từng ngồi cạnh cụ Hồ trên khán đài để dự khán những cuộc biểu tình lớn tại Hà Nội mùa thu 1945, trong khi hàng ngàn người Pháp bị Nhật giam lỏng tại Hà Nội đang rước lấy những tủi nhục và mạng sống bị đe dọa hàng ngày. 

Đầu năm 1950, người Pháp và người Mỹ không chơi thân với nhau tại Sài Gòn, mặc dù có một tòa Đại sứ Mỹ tại đây. Nhưng những người Mỹ sinh sống và làm việc tại Sài Gòn lúc bấy giờ rất có ác cảm với vị Đại sứ Mỹ đương nhiệm, ông Heath. Ông này bị họ tố cáo là bất lực, trong khi người tích cực bảo vệ cho những quyền lợi của người Mỹ là ông Gullion, phó đại sứ, trẻ hơn Heath và dĩ nhiên là tháo vát hơn và tích cực tranh đấu cho quyền lợi của người Mỹ hơn.

Khi Pignon bắt đầu sản sinh ra giải pháp Bảo Đại để dựng lên một Việt Nam độc lập giả tạo, thì người Mỹ bắt đầu quan tâm nhiều đến tình hình tại Việt Nam. Giữa lúc các mật sứ Pháp lần lượt đến Hồng Kông ve vãn Bảo Đại để đưa ông này về nước thành lập một chính phủ Việt Nam độc lập theo định hướng của người Pháp, và khi Bảo Đại sắp sửa chấp nhận những đề nghị của Pháp, các nhà ngoại giao Mỹ tại Hồng Kông đến thuyết phục Bảo Đại: Đừng nhượng bộ Pháp. Đừng tỏ ra mềm yếu. Phải đòi hỏi thêm quyền hành, một nền độc lập thật sự".

Nhưng sau cùng khi Bảo Đại chịu trở về nước, theo các điều kiện của Pháp, tự cô lập mình tại Đà Lạt để vui chơi, thì những người Mỹ có những hành động chống Pháp ra mặt. Bằng mọi phương tiện, người Mỹ dùng tiền để tự tạo cho họ một uy thế tại Sài Gòn, dùng tiền tậu những ngôi biệt thự sang trọng tại Sài Gòn để đặt những cơ sở của họ, sống biệt lập, chỉ dùng những thực phẩm được gởi từ Mỹ quốc, vì vệ sinh quá đáng và cũng vì sợ bị đầu độc.

Các cơ quan mật vụ Mỹ tại Sài Gòn dùng đô la mua chuộc và kín đáo cung cấp vũ khí cho Ba Cụt (Hòa Hảo ly khai) và Trình Minh Thế (Cao Đài ly khai) và cho tất cả những nhóm nhỏ bên trong những giáo phái nào tỏ ra thù ghét và tìm cách sát hại người Pháp, dưới danh nghĩa những phần tử "quốc gia". Chiến dịch bài Pháp này của Mỹ được tiến hành gần như công khai, nhất là dưới thời Nguyễn Phan Long được Bảo Đại chỉ định làm thủ tướng.

Vào thời điểm này, người ta thường nghe nói đến một dự án của Mỹ nhằm thay thế đoàn quân viễn chinh Pháp bởi một đạo quân quốc gia Việt Nam; với quân số 200.000 binh sĩ được các sĩ quan Mỹ hoặc Nhật huấn luyện.

Trong khi chờ đợi thực hiện dự án này, và giữa lúc không khí mất an ninh bao trùm lên Sài Gòn với vô số những vụ ném lựu đạn và ám sát các công chức cao cấp trong chính quyền Bảo Đại, Nguyễn Phan Long lên tiếng đòi cho Việt Nam được trở thành một quốc gia tự trị như Canada, Úc và Tân Tây Lan, chớ không chịu là một quốc gia liên kết với Campuchia và Lào trong Liên Bang Đông Dương.

Nhưng ước vọng thầm kín của Nguyễn Phan Long, theo nhà báo Pháp L.D, là muốn Việt Nam được hưởng chế độ giống của Phi Luật Tân trong vòng ảnh hưởng của Mỹ thay vì nằm trong Liên hiệp Pháp, nghĩa là Mỹ thay thế Pháp tại Việt Nam.

Đây cũng chưa phải là đường lối ngoại giao chính thức của Mỹ. Nhưng người ta cảm thấy số phận của những người Pháp tại Đông Dương cũng sẽ giống như người Hà Lan tại Indonesia, nghĩa là ảnh hưởng của Pháp dần dần bị thay thế bởi ảnh hưởng của người Mỹ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #89 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2009, 08:30:22 am »

Pháp đánh thuê cho Mỹ

Trong khi quân đội Pháp cố gắng bình định lãnh thổ, thì các cơ quan mật vụ Mỹ tìm cách thọc gậy bánh xe. Một tướng lãnh Pháp đã từng lên tiếng tố cáo trung tướng Mỹ O'Daniel, trưởng phái bộ quân sự Mỹ tại Việt Nam thường gây khó khăn cho ông. Người Mỹ chờ đợi đến lúc quân Pháp tỏ ra bất lực để nói lên: "Không còn cần đến một lực lượng quân sự Pháp tại Đông Dương. Chúng tôi sẽ đến thay thế họ để đào tạo một đạo quân quốc gia chiến đấu cho đất nước của họ".

Đầu năm 1950, người Pháp đang ở vào một tình thế khó xử. Trong khi Pháp đang trong tình trạng bế tắc, thì chỉ vài tháng sau, một biến cố lớn đã thay đổi tất cả, chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Người Mỹ phải tỏ ra thực tế trước hiểm họa bởi sự bành trướng của Cộng sản tại vùng Đông Á.

Từ thời điểm này, đối với Hoa Thịnh Đốn, mối quan tâm lớn nhất là cần có sự hiện diện của một đạo quân Pháp khá hùng hậu trấn ở phía Nam một Trung Quốc thù địch với Mỹ. Như vậy là Hoa Kỳ “để yên" cho Pháp tại Đông Dương. Nhưng Pháp gởi sang Đông Dương một đạo quân đánh thuê và từ nay chính nó trở thành những lính "đánh thuê "cho Hoa Kỳ trong chiến tranh Đông Dương được tiến hành trong khuôn khổ của chiến lược toàn cầu của Mỹ tại châu Á.

Hoa Kỳ cung cấp khí tài cho đoàn quân viễn chinh Pháp, thật sự không phải để đánh bại hay cắm chân Việt Minh, mà trước hết là nhằm chống lại Trung Quốc của Mao Trạch Đông. Đây là một thỏa hiệp ngầm giữa Mỹ và Pháp. Các binh sĩ Pháp dựng lên một bức tường thành để không cho làn sóng cộng sản tràn ngập vùng Đông Nam Á giàu tài nguyên và nhân lực. Người Mỹ thuê người Pháp đảm nhận vai trò ngăn chặn này và cung cấp cho họ những phương tiện để chiến đấu lâu dài.

Trong những năm sau đó, những qui định trên được hai bên tôn trọng nghiêm chỉnh. Đây là một thực trạng khác thường. Trên lãnh vực quân sự, phía Mỹ tỏ ra đứng đắn. Sau một sự phát khởi hơi chậm, người Mỹ sau đó cung cấp một khối vũ khí to lớn đến nỗi quân viễn chinh Pháp không sử dụng hết được.

Lúc đầu, các sĩ quan Mỹ tìm cách nắm quyền kiểm soát phương thức mà người Pháp sử dụng số khí tài viện trợ này về mặt chiến lược, nhưng thấy không đạt được kết quả như mong muốn, họ để cho Bộ tư lệnh Pháp tự do định đoạt phương cách khai thác theo đường lối của họ. Sau cùng, tất cả những “chuyên viên" trong nhóm cố vấn quân sự Mỹ ngưng xen vào và chấp nhận để cho cuộc chiến tranh Đông Dương mang tính cách của cuộc chiến theo kiểu Pháp.

Đối với người Mỹ, đoàn quân viễn chinh Pháp chỉ là một giải pháp nhất thời, dù cho họ không tin tưởng, nhưng vẫn tỏ ra tín nhiệm vào lực lượng này và cố sử dụng nó theo đúng khả năng của nó. Nhưng cùng lúc, Hoa Thịnh Đốn kín đáo chuẩn bị một giải pháp thay thế. Vì Mỹ biết, rất có thể người Pháp bỏ cuộc, từ bỏ vai trò "ngăn chặn", hoặc điều đình với Cộng sản, hoặc bị đối phương đánh bại. Trong trường hợp này, không có vấn đề quân Mỹ đến thay thế ngay quân Pháp trong cuộc chiến chống du kích - cuộc chiến tranh Triều Tiên đã quá đủ với họ rồi.

Nhưng nếu đoàn quân viễn chinh Pháp không làm tròn nhiệm vụ "ngăn chặn", Hoa Thịnh Đốn có thể dựng lên một hệ thống chính trị chống Pháp dựa vào cái công thức, một nước Mỹ bảo trợ cho những nền độc lập và những chế độ quốc gia chống Cộng như chế độ Ngô Đình Diệm sau này. Kế hoạch này tỏ ra rất hữu hiệu và thức thời.

Trong khi chờ đợi một giải pháp thay thế, những vận tải hạm Mỹ không ngớt chở tới Sài Gòn tất cả những gì để giúp cho quân Pháp theo đuổi một cuộc chiến hiệu quả theo kiểu Pháp. Nhưng những người "Mỹ trầm lặng" mới cũng không ngớt được gởi tới Sài Còn và đến toàn cõi Đông Dương. Đây là cả một sự “lạm phát" lớn về nhân sự cũng như về vật chất. Tất cả đều gia tăng số lượng lên gấp mười lần.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM