Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:26:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76786 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:02:41 pm »

Thời gian trôi nhanh, tình thế càng xấu đi. Rồi người ta thấy cả một khối binh sĩ quốc quân đổ xô không còn hàng ngũ về phía đồn Chima, phía sau họ, một trận ác chiến đang diễn ra. Để ngăn chặn làn sóng người chạy loạn và số hồng quân đang đuổi đánh, đồn Chima chỉ có vài trăm binh sĩ Pháp đang cố thủ, nhưng rất may là Chủ tịch Mao đã ra chỉ thị cho hồng quân là không được tràn qua biên giới tấn công và bắt cầm tù quốc quân để tránh gây rắc rối ngoại giao với Pháp, trong khi Bắc Kinh chưa giải quyết xong cuộc nội chiến rồi còn phải tái kiến thiết đất nước.

Màn đêm buông xuống. Vị trưởng đồn Pháp nói với tướng Ho Chen Pen: Các tiểu đoàn Lê dương đang đóng trên các ngọn đồi nhìn xuống vùng biên giới!". Lúc bấy giờ, vị tướng bại trận này đành chịu ký một tài liệu đầu hàng và trao vũ khí. Quân Pháp chuẩn bị những hành lang để quốc quân đi vào từng đợt 500 người.

Đến 9 giờ sáng, toán quốc quân đầu tiên xuất hiện, các tướng lãnh đi cùng với các sĩ quan tham mưu. Theo sau là những binh lính ôm trong tay những gói lớn bao bọc bên trong số súng mà họ đem nộp và chất thành đống cao trong sân doanh trại Pháp.

Trên phần đất Trung Quốc, nhiều loạt súng tiếp tục vang lên, những hồi kèn trận ra lệnh xung kích. Thời khắc trôi qua, nhiều toán bại quân tiếp tục kéo đến, gương mặt các sĩ quan buồn bã và chịu đựng, theo sau còn có những thường dân, bô lão, phụ nữ trẻ con chạy giặc. Một số lính Lê dương và Bắc Phi hướng dẫn số người tị nạn đến một cánh đồng cách đó một cây số để tập hợp lại và được phân phát thức ăn vì rất nhiều người đói lả.

Kể từ 10 giờ sáng, tình trạng hỗn độn đến mức quân Pháp không còn kiểm soát nổi. Số người trốn chạy đến từ khắp nơi quá đông, từ mọi ngõ ngách, vừa chạy vừa la hét: "Cộng quân tới! Phải nhanh lên!". Cuộc chiến xích lại gần đồn Pháp, và quân trong đồn chụp lấy súng chuẩn bị nghênh chiến.

Đến giữa trưa, xuất hiện giữa khối người trốn chạy, là một toán quân ăn mặc chỉnh tề, được vũ trang hùng hậu. Quân Pháp tưởng đây là hồng quân, nhưng không đúng, mà đây là trung đoàn riêng của một vị lãnh chúa của tỉnh Quảng Tây. Quân Pháp tiến lên định tước khí giới số quân được trang bị với những vũ khí tối tân này, nhưng một sĩ quan trong bọn chúng gạt ngang: "Chúng tôi không ký một thỏa hiệp nào với người Pháp, nên không bị một ràng buộc nào cả. Các ông nên lo đối phó với Cộng quân đang ở sau chúng tôi.". Nhưng trước thái độ cương quyết của người Pháp, tên lãnh chúa trong tỉnh Quang Tây sau cùng đành nhượng bộ và lại thêm một số vũ khí mới được chất đống để được giao nộp cho Pháp.

Hồng quân trên đường đuổi theo địch quân tiếp tục nã đại liên về phía đồn Chima của Pháp, áp sát biên giới. Những người dân chạy giặc chà đạp lên nhau hòng thoát khỏi tầm đạn của hồng quân để chạy sang lãnh thổ Bắc - Việt. Quân Pháp trong đồn chưa trông thấy hồng quân, nhưng đạn đại liên của những người này cày xới tung tóe đất chung quanh đồn Pháp. Hỏa lực của hồng quân càng mạnh thêm, một hạ sĩ quan Lê dương bị trúng đạn gục ngã giữa sân đồn, ba người khác bị thương. Đến lúc ấy, quân Pháp mới được lệnh bắn trả.

Các trọng pháo, thiết giáp xa và các loại súng tự động đua nhau nã đạn về phía địch quân chưa trông thấy. Nhưng hồng quân Trung Quốc đã được lệnh tránh va chạm với quân Pháp, nên vội vã rút lui. Trong khi ấy, vì sợ bị tràn ngập bởi quân số quá lớn của hồng quân, đồn Chima đánh điện gọi không quân Pháp đến tiếp viện, nhưng rất may là phi cơ Pháp không cất cánh được lúc bấy giờ vì sương mù dày đặc nếu không sẽ thêm rắc rối giữa Pháp và hồng quân. Trung Quốc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #71 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:03:53 pm »

Quân của Lâm Bưu chạm trán với quản Lê dương Pháp

Ngày hôm sau không khí trở lại yên tĩnh. Một điệp viên cho quân Pháp hay là hồng quân đã rút ra khỏi làng Ai Điềm. Nhưng quốc quân, nhất là những thương binh, độ 400 người vẫn cố lê lết trình diện trước đồn biên giới Pháp. Nhưng ngày 15.12.1949, lại có báo động.

Lúc 2 giờ trưa, nhiều tiếng động khác thường xuất phát từ làng Ai Điềm trong lãnh thổ Trung Quốc. Độ ba mươi binh sĩ quân phục hồng quân từ làng này xuất hiện tiến nhanh về phía đồn Pháp, rồi bỗng nhiên quay trở về. Nhưng một số binh sĩ khác bố trí những họng súng đại liên hướng về phía đồn Pháp. Quân Lê dương cũng đối phó lại bằng cách dàn lực lượng vào vị trí chiến đấu. Việc gì sắp xảy ra?

Chỉ huy trưởng quân Lê dương, đại tá Charton - người mười tháng sau bị Việt Minh bắt làm tù binh trong chiến dịch Biên Giới - quyết định tiến về phía hồng quân, cùng với một thông ngôn và vài lính Lê dương cận vệ. Khi đến sát làn ranh biên giới, đại tá Charton bỗng nhiên bị một toán độ năm mươi binh lính hồng quân nhô ra từ trong bụi rậm, thái độ hung hăng và la hét, tay bám chặt vào cò tiểu liên. Những binh sĩ này ăn mặc như quốc quân, nhưng không đội mũ có hình mặt trời của quân đội Quốc Dân Đảng.

Múa tay múa chân tỏ vẻ thù nghịch, nhóm người này liền bao vây nhóm ít sĩ quan Pháp, rỏi nhảy bổ đến viên thông ngôn người Việt để tìm cách tước đoạt chiếc mũ và áo đi mưa. Anh chàng này hoảng sợ, vùng thoát ra chạy vắt giò về phía đồn Chima vừa la hoảng: “Cộng quân..." Và quả thật nhóm người đó là những binh sĩ của Mao Chủ tịch.

Người cầm đầu trung đội hồng quân là một sĩ quan to con người gốc Mãn Châu ở miền Bắc, với bộ quân phục xứ lạnh, đôi mắt hung hăng, hai tay nắm lại như quả đấm, tiến lên nắm lấy cánh tay của đại tá Charton và cố ý lôi ông này về phía bên kia biên giới. Charton tuy nhỏ con nhưng rắn chắc, vùng vẫy thoát khỏi tay kẻ địch. Những sĩ quan Lê dương cận vệ liền nhào tới can thiệp cố lôi chủ tướng về phía phần đất Bắc Việt. Không khí gần như nghẹt thở. Cả hai phía đều để ngón tay vào cò súng chực nã đạn vào kẻ địch. Nếu một người nào đó nổ súng thì lập tức dẫn đến một cuộc giao tranh tràn lan vì quân hai phía đã ở vào vị trí sẵn sàng chiến đấu.

Trong những giây phút cực kỳ căng thẳng này, vấn đề chiến tranh hay hòa bình giữa Pháp và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao được đặt ra. Hai bên đều nắm chặt tay súng, nhưng không ai dám nhận lãnh trách nhiệm nổ phát súng đầu tiên.

Viên sĩ quan hồng quân to con bắt đầu phát biểu dài dòng bằng một thứ tiếng phương Bắc mà phía Pháp không hiểu gì cả, hơn nữa viên sĩ quan thông ngôn người Việt của Charton đã bỏ chạy về đồn. Mối lo của Charton là quân lính trong đồn Chima không trông thấy ông vì bị khuất sau khúc quanh. Nhưng trong khi vị sĩ quan Mãn Châu tiếp tục diễn thuyết", Charton cố lôi kéo anh từng bước về phía khúc quanh để rồi hiện ra dưới tầm mắt của quân Lê đương đang hướng các họng súng đủ loại về phía hồng quân và chỉ chờ một dấu hiệu của Charton để nổ súng.

Trước sự triển khai lực lượng hùng hậu của Pháp, phía hồng quân Trung Quốc liền tỏ ra hòa dịu, rồi chịu bắt tay vào cuộc thương thảo. Hai bên cho gọi những thông dịch viên đến. Phía hồng quân đòi phía Pháp phải giao nộp cho họ tất cả số bại quân của Tưởng mà họ đã cực nhọc săn đuổi từ lâu. Đại tá Charton cương quyết trả lời: "Đây là phần đất đặt dưới thẩm quyền của Pháp, không một người nước ngoài có quyền ra lệnh cho tôi cả!”

Phía hồng quân Trung Quốc biết gặp phải một đối thủ đáng gờm nên chịu từ bỏ những yêu sách và còn vui vẻ bắt tay từ giã Charton, một đối thủ mà anh ta kính nể. Những ngày sau đó, tình hình yên tĩnh trở lại. Dân làng Ai Điềm qua lại biên giới trao đổi hàng hóa, cho biết là hồng quân đã rút khỏi làng.

Nhưng chỉ vài ngày sau đó, quân Pháp tại biên giới phải đối phó với gần 6.000 quốc quân của Vũ Hồng Khanh xâm nhập vào bên trong lãnh thổ Bắc Việt, tại Na Chan, giữa Lạng Sơn và Cao Bằng trong vùng tứ giác. Khi quân Pháp tiến tới định tước khí giới số bại quân này, họ không chịu nộp khí giới mà rút vào rừng sâu. Đại tá Charton được lệnh tổ chức một cuộc phục kích trên quốc lộ 4 để chặn đánh số quân của Vũ Hồng Khanh, không để cho số quân này tiến sâu vào vùng đồng bằng Bắc Việt.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #72 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:04:02 pm »

Charton cho dàn quân trên suốt 3 cây số và chỉ bắt đầu hàng được độ một ngàn tên. Số hơn 5.000 tên còn lại biến vào rừng sâu, với mục đích tiến về vùng đồng bằng Bắc Việt để có được lương thực nuôi quân. Charton dẫn quân Lê dương và quân Bắc Phi vào sâu trong rừng để tiêu diệt số mấy ngàn quân còn lại của Vũ Hồng Khanh.

Trong suốt nhiều ngày gian khổ tìm kiếm không kết quả, thì một buổi chiều, bỗng từ trong rừng hàng loạt đạn súng đủ loại rơi tới tấp vào quân Pháp. Rất may là Charton có cẩn thận đem theo nhiều trọng pháo, và các loạt đại bác 105 ly của Pháp được nã vào vùng rừng rậm, nơi được nghi là có địch quân, và từ xa vang lên những tiếng kêu la rên rỉ của số binh sĩ bị trúng đạn.

Khi đêm xuống, quân Pháp còn gọi không quân đến tấn công vào các mục tiêu. Đó là đêm 31.12.1949. Sáng hôm sau, một toán thám báo Pháp tiến vào vùng bị không kích đêm trước và phát hiện nhiều bông băng đẫm máu và những hố chôn tập thể với những bó nhang thắp vội vã trên những nấm mộ này. Nhiều cuộc chạm súng trong những ngày kế tiếp và còn có thêm một số quân của Vũ Hồng Khanh bị không quân và pháo binh Pháp tiêu diệt.

Ngày 6.1.1950, một đại đội lính Maroc kêu cứu vì phải đối diện với độ 5.000 quân của Vũ Hồng Khanh. Nhưng may là lần này số quân này xin đầu hàng, nhưng quân số của đơn vị Bắc Phi quá ít nên không đủ khả năng giải giới số bại binh quả nhiều này. Lễ ký kết đầu hàng diễn ra tại Lục Nam, ở bìa rừng nhìn xuống vùng đồng bằng. Sau đó một sĩ quan của Vũ Hồng Khanh kể lại:

- “Chúng tôi không thê nào tiếp tục kháng cự. Chúng tôi không có gì để ăn từ nhiều ngày qua, và đã kiệt sức. Từ khi chúng tôi xâm nhập lãnh thổ Bắc Việt, chúng tôi có hơn hai ngàn binh sĩ tử trận và bị thương. Và nếu chỉ có quân Pháp dù là được vũ trang đại bác và chiến đấu cơ, người Pháp cũng không tiêu diệt được chúng tôi, và sau cùng chúng tôi cũng tìm được một mảnh đất dung thân trong vùng rừng núi Thượng du Bắc Việt và Thượng Lào. Nhưng quân Việt Minh có mặt khắp nơi, trên tất cả các đường mòn để đánh phá chúng tôi, săn đuổi, khuấy nhiễu, bắn tỉa, làm chúng tôi điên đầu. Chúng tôi hy vọng quân Việt Minh còn phải đương đầu với quân Pháp, nhưng họ né tránh đụng độ với quân Pháp, không để cho lính Lê dương phát hiện, mà cố ý điều động dồn chúng tôi về phía quân Pháp để hứng đạn, chính vì vậy mà chúng tôi bị tổn thất nặng giữa hai làn đạn".

Nỗi thống khổ của Vũ Hồng Khanh và số hơn 6.000 tàn quân Trung Quốc theo chân ông ta là một trong những bí mật được Bộ Tư lệnh Pháp giữ kín trong nhiều năm dài. Biến cố này chứng minh sự mong manh của hệ thống phòng thủ của Pháp tại vùng biên giới Việt - Hoa, và quân đội của cụ Hồ chủ tâm dùng quân Pháp tiêu diệt số bại quân Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh trước, rồi sẽ tấn công đoàn quân viễn chinh Pháp.

Sau khi thanh toán xong số mấy ngàn quốc quân Trung Hoa của Vũ Hồng Khanh, mối lo của Cao ủy phủ Pháp tại Đông Dương là tìm nơi tạm trú thân cho số gần 40.000 bại quân của Tưởng Giới Thạch vừa bị giải giới, đưa số người đi càng xa càng tốt vùng chiến trận. Chỉ có các tướng Quốc Dân Đảng là được hưởng đặc ân và được hưởng những tiện nghi của một cuộc sống tại Sài Gòn, tại đây họ hợp tác với các thương gia người Hoa tại Chợ Lớn nhúng tay vào những vụ đầu cơ làm giàu. Với số đông còn lại, giới hữu trách Pháp tại Sài Gòn tống xuất họ ra những trại tập trung trên đảo Phú Quốc.

Cần đến một ngân khoản hàng tỷ đồng Việt Nam để nuôi dưỡng cả cái khối người khách không mời mà đến và ăn hại này, quân đội Pháp phải nhận lãnh trách nhiệm một cách tiện tặn vì ngân sách eo hẹp. Pháp phải dùng cả một tiểu đoàn để canh giữ số bại binh này. Vì quen với kỷ luật trong quân đội, số bại quân người Hoa này tập hợp lại từng đơn vị về mặt quân sự và chính trị, tập trận với những khẩu súng bằng gỗ, nhưng che giấu số vũ khí thật. Rốt cuộc, tiểu đoàn Pháp chỉ giữ trật tự bên ngoài và không xen vào nội bộ của số mấy vạn tù binh này.

Tình trạng bất tiện này kéo dài trong nhiều năm với bao nhiêu rắc rối. Pháp phải chờ đến lúc cuộc chiến tranh Đông Dương gần kết thúc mới hội đủ điều kiện để gửi trả mấy vạn tù binh Quốc Dân Đảng sang Đài Loan cho Tưởng Giới Thạch để giúp tăng cường lực lượng phòng thủ tại đảo quốc Đài Loan càng ngày càng giàu lên nhờ có vốn đầu tư của Hoa Kỳ và Nhật Bản vào những ngành công nghiệp trên đảo.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #73 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:28:47 pm »

NĂM ĐẦU TIÊN CỦA CHÍNH QUYỀN BẢO ĐẠI

Những ảo tưởng hòa giải với Việt Minh của Thủ tướng Nguyễn Phan Long.
Đặc công Việt Minh thao túng giữa thủ đô Sài Gòn

Sau một năm dài những cuộc thương lượng giữa các đại diện Pháp và Bảo Đại tại Hồng Kông, nơi Bảo Đại sống lưu vong từ cuối năm 1946, Léon Pignon, Cao ủy Pháp tại Đông Dương cuối thập niên 40, đề ra "Giải pháp Bảo Đại" là đưa vị vua cuối cùng nhà Nguyễn quay trở về Việt Nam không phải để trở lại ngai vàng mà với cương vị một quốc trưởng, để thành lập một chính phủ quốc gia thống nhất dưới sự bảo vệ của đoàn quân viễn chinh Pháp.

Bảo Đại tuy ở vai trò quốc trưởng tại Đà Lạt, với một thủ tướng đặt trụ sở tại Sài Gòn, thích người ta gọi là “cựu hoàng" hơn là Quốc trưởng, vì ông thích làm vua hơn là làm quốc trưởng. Những người biết ý Bảo Đại thường gọi ông Thưa “Hoàng thượng" để làm vừa lòng ông. Ngay cả những người Pháp đến tiếp xúc với ông cũng gọi ông là Sa Majesté để mua lòng ông.

Ngày 28.4.1949, Bảo Đại từ Pháp bay về Đà Lạt, sau khi ký với Tổng thống Pháp Vincent Auriol một thỏa ước xác nhận nền độc lập mệnh danh là "Độc lập Pignon" vì mang dấu ấn của Cao ủy lúc bấy giờ, ông L.Pignon, một quan chức cao cấp thuộc ngành hành chính thuộc địa. Khi làm tổng tư lệnh quân Pháp tại Đông Dương, rồi sau đó đảm nhận chức cố vấn chính trị của Cao ủy D'argenlieu, Pignon rất am hiểu tình hình tại Việt Nam.

Sau nửa tháng an vị tại Đà Lạt, Bảo Đại mặc dù rất ngại xuất hiện, ngày 13.6.1949, bắt buộc phải bay xuống Sài Gòn ra mắt dân chúng tại đây để hợp thức hóa ngôi vị quốc trưởng vì Sài Còn là thủ đô chính trị, còn Đà Lạt gần được xem như là thủ đô hoàng gia. Gần giống như Luang Prabang so với Vientiane thời kỳ còn sự hiện diện của thế lực người Pháp.

Đoàn xe chính thức đưa Bảo Đại từ Tân Sơn Nhất đến Tòa Đô chính (nay là trụ sở ủy ban Nhân dân Thành phố) di chuyển với tốc độ rất cao để đề phòng mọi biến cố giữa hai hàng cánh sát vũ trang tận răng, đưa lưng ra đường mắt nhìn vào những dãy nhà để cố phát hiện mọi mưu toan khủng bố.

Buổi lễ chính thức diễn ra tẻ nhạt tại Tòa Đô chính với sự hiện diện của những quan khách Pháp - Việt quá quen thuộc. Trên gác đường phố, mặc dù có lệnh kêu gọi dân chúng treo cờ, nhưng người ta không thấy một lá quốc kỳ nào trước nhà dân. Cũng không có một người dân nào đứng hai bên đường để chào mừng vị Quốc trưởng của họ, chỉ có một sự trống vắng và một sự im lặng đồng nghĩa với sự khinh miệt.

Tuy nhiên, sáng hôm ấy, có nhiều xe tải chở một đám người được thuê với giá năm đồng mỗi người. Các giáo phái muốn chứng tỏ thiện chí của họ. Một toán binh sĩ của giáo phái được đưa từ miền Tây lên điển hình với một chiếc mũ xanh lớn trên trán. Một số tín đồ từ miền Đông, gồm cả đàn ông và đàn bà bước chân nhịp nhàng tay giơ cao những ổ bánh mì vừa nhận được. Ngay sau buổi lễ chính thức, Bảo Đại, thái độ khó chịu, gấp rút bay trở về Đà Lạt để yên ổn hưởng thụ bên cạnh đám thuộc hạ trung thành.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #74 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:29:02 pm »

Nhưng Bảo Đại phải cần chọn ra một thủ tướng. ông đã mỏi mệt với tướng Nguyễn Văn Xuân, người đang lãnh đạo chính phủ thống nhất lâm thời. Tướng Xuân, cựu đại tá trong quân đội Pháp, xuất thân từ Trường bách khoa Pháp, tính tình bặt thiệp, trầm lặng thích câu cá. Thủ tướng giúp Bảo Đại che đậy một số mối tình vụn vặt, bằng việc tổ chức những buổi đi câu cá xa nhà.

Nhưng tướng Xuân “đi đêm" với một số chính khách, và bộ trưởng Pháp, đặc biệt là với các lãnh tụ đảng Xã Hội Pháp S.F.I.O, để hạ bệ Bảo Đại và thành lập nền cộng hòa tại Việt Nam mà ông sẽ là vị tổng thống đầu tiên. Vì vậy trong việc cho ra đời chính phủ thống nhất đầu tiên nghĩa là không còn chính phủ lâm thời như nội các của tướng Xuân, Bảo Đại muốn có một hành động ngoạn mục là đưa một ký giả chuyên nghiệp, ông Nguyễn Phan Long lên ghế thủ tướng.

Ông này là một ký giả kỳ cựu chuyên viết tiếng Pháp trên các nhật báo tại Sài Gòn, ông có cảm tình với các tín đồ Cao Đài và có thể dự những buổi "cầu cơ" để liên lạc với những linh hồn của những nhân vật đã khuất, tham khảo ý kiến của họ để tìm biết những gì sẽ xảy tới trong tương lai xa gần để kịp ứng phó, nhất là trong lĩnh vực chính trị, tôn giáo...

Theo sự nhận định của một ký giả hành nghề lâu năm tại Sài Gòn, ký giả Nguyễn Phan Long đã có ba mươi năm viết báo Pháp, bằng một lối hành văn bắt chước người Pháp khá điêu luyện. Và trong suốt cuộc đời làm báo, ông khoác đủ khuôn mặt khác nhau, tham gia vào mọi phong trào, với một số thói hư tật xấu như nghiện thuốc phiện, nghiện rượu, bài bạc nhưng thường tỏ ra dễ mến với mọi người, là một kẻ hảo ngọt với quá nhiều vợ và con rơi.

Ông là bạn thân của nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu lão thành Đào Trinh Nhất, nên vừa lên cầm quyền ông đánh điện mời ông này vào Sài Gòn hợp tác với ông trong Bộ Ngoại giao rồi tại Phủ Thủ tướng. Nguyễn Phan Long cũng có những quan hệ thân tình với Ngô Đình Diệm, nên trong thời gian cầm quyền sau này, Diệm có trợ giúp vợ cả của Nguyễn Phan Long về tiền bạc.

Năm 1945, khi quân đội Pháp quay trở lại Sài Gòn Nguyễn Phan Long có đề nghị với người Pháp là ông sẵn sàng hợp tác với người Pháp để đóng một vai trò chính trị nhưng ông đòi hỏi quá nhiều nên người Pháp khước từ. Căm tức người Pháp, Nguyễn Phan Long dùng ngòi bút của mình để bày tỏ một tinh thần quốc gia trưởng giả và vụ lợi, đả kích những phần tử thực dân để gây uy tín với dân chúng hòng chiếm được một chức vụ quan trọng trong chính quyền. Không phải ông thật sự thù ghét người Pháp nhưng hận người Pháp không biết tin dùng ông một cách xứng đáng, và ông tìm dịp để phục hận người Pháp.

Và dịp đã đến khi Bảo Đại mời ông ra thành lập nội các. Con người bị người Pháp coi thường, nhờ vào sai lầm của Bảo Đại, lại lên nắm quyền hành. Trong suốt cuộc đời không bao giờ nắm được nhiều tiền vì bài bạc, thuốc phiện, rượu, Nguyễn Phan Long khi bắt tay vào việc thành lập nội các, đã khôn ngoan giành lấy về phần mình bốn bộ quan trọng có nhiều quỹ đen.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #75 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:29:10 pm »

Một ký giả ngoại quốc thân quen lọt được vào văn phòng thủ tướng trong khi ông này tưởng là chỉ có mình ông ta, và phát hiện ông Thủ tướng đứng trước một két sắt to tướng, cửa đang mở, hai tay đang săm soi những cuộn giấy bạc dày cộm. Lúc bấy giờ từ người xin xỏ ông trở thành người "phân phối"!

Nhưng người ta phải thi hành hiệp ước công nhận nền độc lập hạn chế của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp. Và người Pháp bắt buộc phải trao lại cho Nguyễn Phan Long, người mà từ lâu họ khinh miệt, những thẩm quyền quan trọng nhất, như các bộ Nội vụ, Tài Chính, Ngoại giao, Quốc phòng, ngay cả Công an và Cảnh sát, chỉ giữ lại công an liên bang do trùm mật vụ Perner cai quản để giữ gìn an ninh cho đoàn quân viễn chinh Pháp, ngay cả bót Catinat đường Đồng Khởi, nơi tượng trưng cho sự “áp bức của Pháp", vì đã từng giam giữ những nhà cách mạng Việt Nam chống thực dân Pháp trước 1945 cũng được trao trả.

Ngay sau ngày ngồi vào thế Thủ tướng, Nguyễn Phan Long tuyên cáo khởi đầu "thời kỳ huynh đệ giữa những người Việt Nam", và lên tiếng: "Chính thực dân đã chia rẽ nhân dân Việt Nam, tất cả những người Việt phải nhớ là mình cùng một dòng máu. Tôi thi hành chính sách “bàn tay đưa ra", theo nguyên tắc là những người "Việt Minh" trước hết là những "người quốc gia" và chắc chắn sẽ đạt được sự hòa hợp với họ, thái độ niềm nở thay chỗ cho sự thù hận".

Nguyễn Phan Long liền bổ nhiệm một vị luật sư theo chủ thuyết nhân văn vào chức giám đốc công an, ông này áp dụng đường lối hòa dịu, và cử chỉ đầu tiên của ông là ra lệnh trả tự do cho tất cả những tù chính trị, những người bị tình nghi có hoạt động chính trị, bỏ trống các khám đường. Tân giám đốc công an này, một nhà trí thức chứ không phải một người xuất thân từ ngành an ninh, cấm những "cuộc hỏi cung" bằng hình thức tra tấn để buộc người bị bắt phải tự khai, tìm cách thuyết phục để thay thế súng đạn.

Nguyễn Phan Long, con người quỷ quyệt, ít để bị lừa, bấy giờ sao lại quá ngây thơ, ông muốn tỏ ra thành thật như những nhà trưởng giả và tư sản miền Nam, cứ nghĩ là chỉ cần tỏ thiện chí hòa hợp dân tộc và đưa tay ra mời mọc là những người kháng chiến sẵn sàng bắt tay ngay.

Dường như Nguyễn Phan Long có nhờ người chuyển đến tướng Nguyễn Bình những đề nghị hòa bình. Nhưng ngay từ những ngày đầu năm 1950, ông ta sớm vỡ mộng, chỉ vài ngày sau, Đài phát thanh Nam Bộ Kháng chiến lên án nền độc lập của Bảo Đại chỉ là bánh vẽ, Bảo Đại và Nguyễn Phan Long chỉ là những tên phản quốc. Và đã đến giờ đền tội cho tất cả những người tham gia nội các của chính phủ Bảo Đại bù nhìn.

Đây là thời điểm thuận lợi cho tướng Nguyễn Bình và Nguyễn Phan Long đã lỡ ra lệnh hạn chế các hoạt động của công an cảnh sát chống lại Việt Minh. Tướng Nguyễn Bình đã khai thác những ảo tưởng của Nguyễn Phan Long để cho những toán đặc công xâm nhập ồ ạt vào thành phố Sài Gòn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #76 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:29:56 pm »

Vụ ám sát cò Bazin và hai ông vua thuốc lá thực dân Pháp

Sáng ngày 28.4.1950, cò Bazin, Giám đốc Công an liên bang từ trên lầu chung cư đường Lê Thánh Tôn đi xuống chiếc xe riêng đã chực sẵn để đi đến nơi làm việc, thì một người lạ mặt ăn mặc rất chỉnh tề như sắp đi dự một buổi tiếp tân từ xa tiến lại có cử chỉ như chào Bazin rồi bất thình rút khẩu súng lục giấu trong người nã liên tiếp nhiều phát đạn vào Bazin ở cự ly chỉ hai thước, Bazin ngã gục trên vũng máu.

Theo kế hoạch đã định sẵn, lập tức một chiếc xe Traction avant trờ tới rước người vừa bắn gục Bazin vọt nhanh về phía Chợ Lớn. Trong khi người ngồi sẵn trên xe nhả một loạt đạn về phía viên cảnh sát gác trước Tòa Thị sảnh khiến người này hụp xuống tránh đạn, không thể bắn về phía chiếc xe đang chở những đặc công vừa hoàn thành nhiệm vụ một cách ngoạn mục.

Tên cò Bazin này là một tên ác ôn điều khiển toàn bộ máy công an mật vụ của Pháp chống lại cả hệ thống đặc công của Việt Minh. Một tuần lễ trước ngày đền tội, Bazin có tâm tình với một nhà báo Pháp ngay tại căn phòng của ông ta:

"Tôi đang chiến đấu để bảo vệ cuộc sống của chính mình". Đài phát thanh Nam Bộ Kháng chiến hàng ngày đe dọa: "Bazin, mày sẽ chết!". Tôi đứng đầu danh sách những kẻ thù mà Việt Minh cần thanh toán. Những tên đặc công đã xâm nhập vào thành phố để thi hành bản án tử hình này. Tôi chỉ còn có vài ngày để phát hiện và tóm bắt chúng, nếu không, thì chính tôi sẽ gục ngã trước họng súng của chúng...".

Bazin là một trùm mật vụ lão luyện, không biết xót thương những kẻ thù lỡ rơi vào tay ông ta. Bazin có một trí nhớ tuyệt vời, ông cho lập danh sách những người tình nghi là đặc công Việt Minh đang hoạt động trong vùng Sài Gòn Chợ Lớn, qua hệ thống những tên điểm chỉ làm việc cho Pháp.

Các đặc công cảm tử Việt Minh có mặt gần như khắp nơi trong thành phố Sài Gòn, ám sát những tên đầu sỏ phục vụ đắc lực của người Pháp, ngay tại sân quần vợt chẳng hạn, thu thuế mọi cơ sở kinh doanh tư nhân. Một bộ máy bí mật của Việt Minh hoạt động song song với các cơ quan hành chính hợp pháp được quân đội Pháp bảo vệ...

Lực lượng đặc công Việt Minh cũng nhắm vào những nhà tài phiệt thực dân Pháp, như vụ ám sát hai ông vua thuốc lá Ewans và Lebas, chủ nhân của hai nhà máy sản xuất thuốc lá lớn nhất tại Đông Dương. Một tiếng còi tu hít của đặc công Việt Minh giả làm cảnh sát của chính quyền Sài Gòn vang lên, chặn chiếc xe con đang chở theo hai đại gia thuốc lá này, chiếc xe vừa giảm tốc độ thì hai đặc công nhào ra nổ súng vào Ewans và Lebas, bắn gục cả hai người.

Theo một nhà báo Pháp, Việt Mình quyết định hạ sát hai nhà tư bản Pháp này thể theo lời oán trách của các công nhân nhà máy thuốc lá về hành động bóc lột sức lao động và lối đối xử khắt khe của hai ông chủ này đối với công nhân Việt Nam.

Trước tình trạng an ninh tại Sài Gòn bị đe dọa trầm trọng, những kẻ trưởng giả, giàu có trong chính phủ Nguyễn Phan Long cảm thấy chính tính mạng của họ không còn được bảo đảm, và họ vỡ mộng với chính sách hòa dịu với Việt Minh. Và khi nhận ra sự bất lực của Nguyễn Phan Long trong việc giữ gìn an ninh trật tự, Bảo Đại bổ nhiệm Trần Văn Hữu, đang giữ chức thủ hiến rồi bộ trưởng Nội vụ, lên chức thủ tướng để thay thế Nguyễn Phan Long.

Ngay sau ngày nhậm chức, tân Thủ tướng Trần Văn Hữu, một kỹ sư canh nông kiêm đại điền chủ, trong một cuộc họp báo, công bố việc bổ nhiệm đốc phủ Nguyễn Văn Tâm, biệt danh "Cọp Cai Lậy" vào ghế giám đốc công an cảnh sát Sài Gòn - Chợ Lớn thay thế vị luật sư tiền nhiệm có quá nhiều ảo tưởng về một sự hòa dịu với lực lượng kháng chiến Nam bộ.

Và lập tức, đốc phủ Tâm thi hành một đường lối tàn bạo, lãnh đạo bộ máy an ninh với một bàn tay sắt để hy vọng lập lại an ninh và trật tự trong thành phố Sài Gòn đang bị Việt Minh khống chế. Một thời gian sau, Nguyễn Văn Tâm, một con người rất thân Pháp, được thăng cấp thủ hiến Bắc Việt, rồi bộ trưởng Nội vụ và sau cùng là thủ tướng của một nội các chiến tranh thay thế Trần Văn Hữu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #77 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:30:46 pm »

Những mâu thuẫn giữa De Lattre, Bảo Đại, Trần Văn Hữu, và đại sứ Mỹ

Năm 1950, ngay sau ngày cuộc chiến Triều Tiên bùng nổ, Hoa Kỳ thay đổi chính sách thù ghét đối với thực dân Pháp tại Việt Nam để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản tại Á châu. Làn sóng ồ ạt những cố vấn quân sự và kinh tế Mỹ đổ xô đến Sài Còn để thiết lập ảnh hưởng của Mỹ tại phần lãnh thổ này, và loại dần thế lực của Pháp.

Một ngày tháng 3.1951, khi đang kiêm nhiệm hai chức vụ Cao ủy và Tổng Tư lệnh tại Đông Dương, tướng De Lattre nhận được mật tin là viên trưởng phái bộ Viện trợ kinh tế Mỹ tại Đông Dương, ông Blum sắp sửa lên phi cơ về Hoa Thịnh Đốn, mang theo bản thảo một hiệp ước kinh tế và thương mại giữa Hoa Kỳ và chính phủ Bảo Đại nhằm thiết lập những cuộc trao đổi kinh tế và thương mại trực tiếp giữa hai bên, ngay cả vấn đề viện trợ kinh tế, mà không phải qua sự trung gian của Pháp.

De Lattre lồng lộn hét vào tai thuộc hạ: "Phải ngăn chặn không cho tên Blum này lên phi cơ bằng mọi giá". Rồi De Lattre lập tức gọi điện cho ông Heath, Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn, với lời trách cứ bộc trực của một con người võ biền: "Anh là một đồng minh không trung thực. Anh hứa là anh sẽ làm mọi việc để trợ giúp tôi, trong khi đó, anh chỉ nghĩ đến việc "cuỗm" mất Đông Dương của tôi. Vậy anh không được cho tái diễn trò này nữa nhé!".

Heath cố biện minh cho lòng thành thật hợp tác của ông ta. Nhưng De Lattre chưa nguôi: "Có thể ông đại sứ bị thuộc hạ đánh lừa bằng cách cố ý thi hành sai lệch đường lối của ông. Nhưng ông nên cảnh giác Hoa Thịnh Đốn là khi nào tôi còn nắm giữ quyền hành tại Sài Gòn, tôi sẽ không bao giờ chịu cho bất cứ ai làm phương hại đến quyền lợi của Pháp tại Việt Nam, hoặc tìm cách thay chỗ của Pháp tại phần lãnh thổ này...”

Với Heath, De Lattre là một người Pháp yêu nước nhưng cực đoan khi cảm thấy thái độ thiếu thành thật của người Mỹ trong việc góp sức ngăn chặn làn sóng bành trướng của cộng sản, và đau lòng khi thấy máu của hàng vạn binh sĩ Pháp đã bị phản bội bởi người đồng minh giàu có. 

Còn đối với những nhân vật Việt Nam được xem là bạn, như Bảo Đại, Thủ tướng Trần Văn Hữu, De Lattre cũng tỏ ra thất vọng với sự hợp tác giả tạo của Bảo Đại, và sự thiếu trung thực của Trần Văn Hữu, người thường "đi đêm" với các đại diện Mỹ tại Sài Gòn, như việc qua mặt De Lattre để ký một hiệp ước thương mại trực tiếp với Mỹ.

Khi hay tin Trần Văn Hữu lẳng lặng ký hiệp ước với Mỹ, De Lattre nổi giận cho gọi ông Hữu đến Dinh Norodom nặng lời khiển trách ông này thậm tệ, nhưng trước mặt mọi người, De Lattre vẫn muốn giữ thể diện cho vị Thủ tướng nước Việt Nam được tiếng là độc lập và thống nhất. De Lattre ra lệnh cho viên trưởng phòng nghi lễ của ông ta tiễn chân ông Hữu ra về và nhớ cho đội lính dàn chào ông này trước khi bước lên xe ra về.

Bộ trưởng các quốc gia liên kết J.Letourneau, thượng cấp trực tiếp của De Lattre căn dặn ông này nên cứ đặt lòng tin vào Bảo Đại, vì dù cho Quốc trưởng có thiếu tinh thần hợp tác và luôn tỏ ra thụ động và không tích cực tham gia vào cuộc chiến nhưng vẫn tỏ ra còn có chút liêm sỉ chứ không đến nỗi tráo trở như ông Hữu, người luôn bắt cá hai tay giữa Pháp và Mỹ.

Ông Hữu còn bị nhiều người chỉ trích vì có tiếng là quá nuông chiều bà vợ. Trong tất cả những buổi tiếp tân hay khánh thành những kiến trúc mới, người ta luôn nhận thấy sự hiện diện của bà Thủ tướng Hữu, với những ngón tay đeo những chiếc nhẫn hột xoàn to tướng. Một ông chồng quá nể vợ như vậy thì khó có thể làm được những việc lớn.

Không tin vào thiện chí của Bảo Đại và Trần Văn Hữu trong việc hoạch định một chính sách đối với người Việt trong vùng kiểm soát của quân đội Pháp, De Lattre quay sang Nguyễn Hữu Trí, một lãnh tụ đảng Đại Việt có tiếng là chống cộng.

Ông Trí vào đầu thập niên 50, đang là Thủ hiến Bắc Việt, nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt, vì các đại đoàn Việt Minh đều tập trung tại miền Bắc, nên De Lattre rất cần đến sự hợp tác của vị Thủ hiến Bắc Việt, đặc biệt trong vấn đề tuyển quân và huy động tất cả những nguồn lực cho việc theo đuổi chiến tranh. De Lattre tìm mọi cách thu phục Nguyễn Hữu Trí.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #78 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:32:02 pm »

De Lattre đánh ván bài với lãnh tụ Đại Việt Nguyễn Hữu Trí

Ngày Tết năm Tân Mão (1951), trong một buổi tiếp tân đầu năm âm lịch, De Lattre đã nói những lời xúc phạm Bảo Đại trước mặt Trí, vì Bảo Đại từ khước lời mời của De Lattre đến Vĩnh Yên ủy lạo binh sĩ sau trận đánh trung tuần tháng giêng 1951. Lần đó, chỉ có Trần Văn Hữu ngoan ngoãn bay từ Sài Còn ra Vĩnh Yên và Trí đã có một phản ứng tinh tế ngay sau đó bằng cách cho gửi tới cho bà De Lattre một món quà có ý nghĩa là một cây quít đang trổ hoa.

Vài ngày sau, Trí cho tổ chức một buổi dạ tiệc lớn để khoản đãi bà này, với sự tham dự của hàng trăm quan khách được sự phục vụ của hàng trăm nhân viên mặc đồng phục áo dài trắng. Bà Monette, vợ De Lattre được Thủ hiến Bắc Việt ca tụng với những lời nói chọn lọc, nên tỏ ra rất vừa lòng. Bà Nguyễn Hữu Trí, một phụ nữ quí tộc, tạng người nhỏ bé, không mấy đẹp và luống tuổi, luôn chỉ gật đầu chào hỏi những vị thượng khách Pháp vì bà không biết nói một câu tiếng Pháp.

Được nghe những lời khen ngợi của vợ dành cho Nguyễn Hữu Trí, De Lattre dù lúc đầu còn tỏ ra ngờ vực tâm địa của Trí, bấy giờ mới bắt đầu tìm hiểu Trí. De Lattre cho thu thập những thông tin về Trí: vị Thủ hiến Trí không phải là một tay sai ngoan ngoãn của Bảo Đại. Trí rất có thế lực tại Bắc Việt nhờ vào sự hậu thuẫn của đảng Đại Việt, tổ chức chính trị này được người Pháp xem như một hội kín hơn là một đảng phái chính trị.

Và những tham vọng của Đại Việt rất lớn. Đây là một tổ chức gồm một số cựu quan lại muốn tái lập trật tự tinh thần của nền Khổng giáo tại Việt Nam: Trong thâm tâm, nhóm Đại Việt có tinh thần bài ngoại, thù ghét cả người Pháp và nghi ngờ con người Bảo Đại, mà họ cho là quá "nhiễm Tây học". Trí thuộc về một thế hệ cổ xưa, thuộc về một nền văn minh từ ngàn xưa. Trí chỉ tân thời qua lối ăn mặc và đàm thoại bằng tiếng Pháp nhưng tâm hồn ông ta thuộc về một quá khứ xa xôi.

Được sự gửi gắm của tướng Alessandri, Tư lệnh Pháp tại Bắc Việt, De Lattre thử tạm dùng Trí để xúc tiến việc thành lập một quân đội quốc gia Việt Nam chiến đấu chống Việt Minh bên cạnh đoàn quân viễn chinh Pháp. De Lattre có ý định đưa Nguyễn Hữu Trí vào chức vụ Bộ trưởng Chiến tranh trong chính phủ Sài Gòn, với điều kiện là được sự đồng ý của Bảo Đại và Trần Văn Hữu. De Lattre hỏi ý kiến của Cha bề trên Seitz, một vị tu hành rất được lòng của bà vợ ông ta. Linh mục Seitz tỏ ra không tín nhiệm Trí nên đã cảnh giác De Lattre:

- Đại tướng đừng quên đảng Đại Việt theo Khổng giáo nên chống Cộng giáo, nghĩa là không có thiện cảm với người da trắng. Hơn nữa, nhóm Đại Việt chỉ có mặt tại Bắc Việt chớ chưa bành trướng xuống phía Nam. Nếu đại tướng dung dưỡng họ thì rất nguy hiểm vì họ sẽ được tự do nới rộng ảnh hưởng xuống phía Nam giàu tài nguyên, nhất là lúa gạo và cao su, rồi họ sẽ gây dựng một phong trào rộng khắp. Hơn nữa, Thủ tướng Hữu chắc chắn là chống lại sự thăng tiến của Trí, và có thể Bảo Đại cũng không ưa gì Trí.

Tại Hà Nội, ngoài linh mục Seilt, còn có một ông Cha khác, linh mục Crasse, một vị tu hành tương đối còn trẻ nhưng có ít nhiều ảnh hưởng với De Lattre. Cha Crasse nói với De Lattre: "Đại tướng không thể chiến thắng cả một dân tộc bằng sức mạnh quân sự, nên Đại tướng tìm cách thu phục nhân tâm".

Rồi Cha Crasse nhận lãnh nhiệm vụ tìm cách bắt liên lạc với những phần tử đối lập thân Việt Minh, đặc biệt với ông Nguyễn Mạnh Hà, một trí thức Công giáo xuất thân từ trường đại học tại Pháp và có bà vợ người Pháp, con gái của ông Warrane, đảng viên cộng sản Pháp, Chủ tịch Hội đồng thành phố hạt Seine. Bà vợ đầm của ông Hà sinh cho ông rất nhiều con, không giống như phần lớn phụ nữ Pháp.

Bà Hà thích vận y phục Việt Nam khi sánh vai cùng chồng. Hai vợ chồng sống rất giản dị trong một căn phố, không giàu có. Bà vợ đầm này chịu khó làm nội trợ, tự nấu ăn lấy. Ông Hà ra vào chiến khu Việt Bắc để tiếp những chỉ thị của các lãnh tụ kháng chiến, mà không bao giờ bị các cơ quan mật vụ Pháp quấy rầy. Nhiều người Pháp trí thức thường tự hỏi vậy Nguyễn Mạnh Hà là người thuộc phe phái nào đây? Không ai biết rõ cả. Nhưng linh mục Crasse đặt hết lòng tin vào ông Hà.

De Lattre còn thích tiếp xúc với một nhân vật khó hiểu khác là ông Bửu Lương, chú họ của Bảo Đại, cũng là một ông thầy tu trí thức, có lập trường chính trị không mấy rõ rệt, nhưng rất được cảm tình của De Lattre và thường có những cuộc thảo luận tay đôi kéo dài cả tiếng đồng hồ.

De Lattre bắt tay với mọi người, ăn tối với Bảo Đại tại Đà Lạt, với Trần Văn Hữu tại Sài Gòn, với Nguyễn Hữu Trí tại Hà Nội, với những trí thức Pháp Việt thân Việt Minh để cố tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc chiến Việt Nam.

Cái chính sách "ăn tối" với mọi thành phần này của De Lattre gần như không đi tới đâu cả. Thật là tội nghiệp cho De Lattre với những ảo tưởng của ông ta! De Lattre bị mọi người đánh lừa, vì ông ta không hiểu nổi tâm địa phức tạp của người da vàng, nên bị họ qua mặt là lẽ tất nhiên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #79 vào lúc: 02 Tháng Mười Hai, 2009, 12:33:18 pm »

Cuộc đối đầu thầm lặng Bảo Đại - Trần Văn Hữu

De Lattre rất bực mình vì thái độ thiếu hợp tác của Bảo Đại, không tích cực tham gia vào cuộc chiến chống Cộng mà chỉ thu mình trong biệt điện tại Đà Lạt để tận hưởng những thú vui vật chất. Thực ra, vị quốc trưởng này cũng có một vài sáng kiến để thủ lợi cá nhân, như cho thành lập một hãng Hàng không Hoàng gia để đưa những vũ nữ đẹp từ Hồng Kông, rượu Champagne và các thức ăn ngon từ Pháp, những nhân vật đến để bàn bạc về những vụ làm ăn bí mật đem lại nhiều lợi nhuận.

Các phi cơ của hãng này có tầm hoạt động xa để có thể “cuốn gói" nhanh nếu quân kháng chiến đe dọa đánh chiếm Đà Lạt. Đội bay gồm những phi công thiện nghệ để tránh bị trục trặc khi phải chở những "món hàng cấm". Những nữ tiếp viên phần lớn là những cô gái lai Âu Á láu lỉnh.

Dĩ nhiên những nhân viên hải quan không được để mắt vào những gì mà các phi cơ của hãng này chở theo như á phiện, ngoại tệ mạnh hay quý kim chẳng hạn. Các nhân viên phi hành tất nhiên được hưởng lợi, và mọi người đều vui sướng. Bảo Đại muốn mọi thủ hạ của ông đều được vui sướng và trung thành với ông.

Một hôm, Bảo Đại ra lệnh cho Nguyễn Đệ:

"Ông đánh ngay một bức điện cho Trần Văn Hữu nói là tôi chấm dứt chức vụ thủ tướng của ông ta, và vì nể mặt De Lattre, tôi ra lệnh cho ông ta thành lập một nội các chiến tranh đúng theo mong muốn của De Lattre. Tôi làm việc này, trong thâm tâm là muốn cho De Lattre một bài học, vì De Lattre ủng hộ Hữu chống lại tôi. Cái mà tôi muốn là giao cho tên Hữu láu cá này một nhiệm vụ đầy khó khăn, không thể thực hiện nổi, vì không tìm đâu ra những con người có đủ khả năng làm được những gì mà De Lattre muốn. Để rồi sau cùng, De Lattre chán nản, và nhận thấy chỉ có ta là có thể làm được việc phải đến nhờ ta giúp và như thế hắn bắt buộc phải chấp nhận những điều kiện của ta, vị Quốc trưởng được nhiều cường quốc Tây phương công nhận".

Nhiều tháng sau, Bảo Đại bảo Nguyễn Đệ đánh những bức điện cho Thủ tướng Hữu bày tỏ sự bất mãn trước sự bất lực của Thủ tướng trong cố gắng thành lập một chính phủ cải cách đúng theo ý của Quốc trưởng và De Lattre, để dọn đường cho quyết định thay thế Hữu bởi ông Nguyễn Văn Tâm, một người có tiếng là rất thân Pháp và triệt để chống Cộng.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM