Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:18:04 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76976 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #60 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:12:16 pm »

Đưa quân ra Bắc Việt là sáng kiến của Leclerc

Năm 1957, khi tiếp kiến cựu Thủ tướng Trần Văn Hữu, tướng De Gaulle có tiết lộ: "Đầu năm 1946, tôi có cấm không cho phép Leclerc đưa quân ra Hà Nội. Nhưng ngay sau khi tôi từ bỏ chính quyền, anh ta vội vàng làm nghịch ý tôi".

Trong quyển hồi ký về chiến tranh, quyển 3, De Gaulle có viết:

“Trước ngày lên đường sang Sài Gòn cuối tháng 9.1945, tướng Leclerc đã được De Gaulle ra chỉ thị: "Tôi ra lệnh cho anh trước tiên tìm cách nắm quyền kiểm soát tại Nam Việt và Campuchia. Anh sẽ đưa quân đến Trung Việt sau đó. Còn đối với Bắc Việt, anh sẽ chỉ đưa lực lượng đến đó khi nào nhận được lệnh của tôi mà thôi".

Nhà báo Pháp Jean Ferrandi có viết về vấn đề này như sau:

“Khi tôi còn phục vụ trong văn phòng của tướng Salan, tôi thường nghe nói đến quyết định đưa quân Pháp đổ bộ lên Hải Phòng... Tướng Salan thường nói với tôi là cuộc đổ bộ quân Pháp lên bờ biển Bắc Việt là một sáng kiến của tướng Leclerc, một việc mà chính phủ Pháp hoàn toàn không tán thành. Nhưng rất may cho d’Argenlieu và Leclerc, là chính phủ Pháp lâm thời đầu tiên của tướng De Gaulle đã rút lui vài ngày đó, và chính phủ mới đã bị đặt trước sự đã rồi". Và chính phủ Gouin đã chấp thuận sáng kiến này của Leclerc”.

Sự bất đồng giữa d’Argenlieu và Leclerc đã lộ ra dưới mắt mọi người đầu tiên là về nội dung bản sơ ước 6.3.1946 Leclerc đã ký với chính phủ cụ Hổ, mà d’Argenlieu cho là Leclerc đã nhượng bộ cụ Hồ quá nhiều và đã đặt ông ta trước sự đã rồi khiến ông phải bắt buộc chấp thuận một cách miễn cưỡng. Sau ngày Leclerc đưa quấn vào Hà Nội ngày 18.3.1946, Cao ủy d’Argenlieu, khi tiếp hai đặc phái viên của tướng Leclerc đến tường trình có nói với hai người này:

"Hai anh hãy nói lại với chủ tướng của các anh là ông ta đang thực hiện một vụ Munich (sự đầu hàng của Thủ tướng Anh Chamberlatin trước Hitler năm 1938) tại Đông Dương". (Đoạn trích trong quyển Dossier secret de l'Indochine của Claude Paillat).

Những lời lẽ trên của d’Argenlieu được xem như có tính cách xúc phạm đối với Leclerc và ông này không quen việc này. Một bất đồng sâu sắc khác giữa hai người là quyết định của d’Argenlieu cho khai sinh chính phủ Nam Kỳ tự trị của bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, một hành động vi phạm trắng trợn Sơ ước 6.3.1946 mà Leclerc đã đặt chữ ký. Nhưng d’Argenlieu là thượng cấp của Leclerc và có quyền đưa ra những quyết định chính trị, nên Leclerc không có quyền ngăn cản, nhưng ông công khai tỏ thái độ chống đối trong vấn đề này.

Ông Cédile, ủy viên cộng hòa Pháp tại Nam Việt, người thực hiện kế hoạch sáng lập Chính phủ Nguyễn Văn Thinh, thường bị sự khinh rẽ của Leclerc. Một buổi trưa, khi vừa thức dậy, Leclerc được báo là Cédile đến xin được ông tiếp kiến, tướng Leclerc bắt Cédile chờ đợi khá lâu rồi mới chịu tiếp với lời nói đầu có sự miệt thị: "Anh lại đến nói với tôi về vấn đề Nam Kỳ tự trị nữa phải không? Vậy chính phủ Nam Kỳ tự trị của anh đã đi đến đâu rồ i hay vẫn là trò hề?" 

Leclerc từ lúc bấy giờ cảm thấy khó chịu khi phải thu hẹp các hoạt động trong lãnh vực thuần túy quân sự, và lấy làm tiếc là thực dân Pháp và D'Argenlieu đã đánh mất mối quan hệ tin tưởng mà ông đã gầy dựng được với các lãnh tụ tại Hà Nội để tiến tới một giải pháp ôn hòa cho Việt Nam.

Leclerc là một danh tướng nên đã sáng suốt để thấy trước sự thất bại của một giải pháp thuần túy quân sự, ông khuyên chính phủ Pháp nên tìm cách thỏa hiệp với chính phủ cụ Hồ để tránh khỏi bị sa lầy tại Việt Nam. Chán nản vì không được nhà cầm quyền Pháp lúc bấy giờ nghe theo, ít lâu sau ông đệ đơn xin được thuyên chuyền đến một chức vụ khác, và được Valluy thay thế.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #61 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:43:41 pm »

BẢO ĐẠI MỘT CON NGƯỜI THIẾU CƯƠNG QUYẾT VÀ LUÔN NGẢ THEO PHE MẠNH

Nội dung thông điệp của Bảo Đại gửi De Gaulle ngày 20.8.1945

Bảo Đại trên danh nghĩa là con của vua Khải Định, mặc dù có dư luận cho rằng ông này vô sinh mà không có người con chính thức nào khác ngoài Bảo Đại. Bảo Đại sinh năm 1913 (Quí Sửu), thuở còn thơ ấu, được thực dân Pháp đưa sang Pháp du học đào tạo thành một ông vua trẻ hấp thụ nền văn minh Tây phương và chịu ảnh hưởng của những phần tử thực dân Pháp để sau đó trở thành một ông vua ngoan ngoãn dưới sự giám sát của một vị khâm sứ Pháp tại Huế, và trên ông này còn có vị Toàn quyền pháp thống trị cả ba miền Bắc - Trung - Nam Việt Nam và luôn cả Campuchia và Lào.

Năm 1925, Bảo Đại sau mấy năm du học tại Pháp, được người Pháp đưa lên nối ngôi vua cha Khải Định khi mới 12 tuổi gần giống như các vị vua vị thành niên nhà Mãn Thanh mà Thái hậu Từ Hi lần lượt đặt lên ngai vàng để trị vì cho có hình thức. Bảo Đại thực sự bắt tay vào việc nước năm 1932 sau khi được Pháp đưa về nước ngồi vào chiếc ngai vàng trị vì cho có lệ trong khi thực quyền nằm trong tay vị khâm sứ Pháp tại Huế. Trong suốt thời gian làm vua rồi làm quốc trưởng, Bảo Đại tỏ ra là một nhân vật thiếu quyết tâm.

Các cường quốc Tây Phương thường dựa vào những nền quân chủ lập hiến tại các quốc gia kém phát triển để làm một bức bình phong chống lại những tư tưởng xã hội tiến bộ nhằm giải phóng các nước thuộc địa trước ách cai trị của các cường quốc thực dân. Trước làn sóng lan rộng của chủ nghĩa xã hội, đại tướng Mac Arthur đã có lý khi quyết định duy trì chế độ quân chủ tại Nhật để tránh cho cường quốc bại trận và đổ nát sau chiến tranh khỏi rơi vào vòng kiểm soát của Cộng sản quốc tế.

Sau Đệ nhị thế chiến, Bảo Đại bị tố cáo là đã hợp tác với người Nhật bại trận, nên De Gaulle trù định đưa vua Duy Tân về nước thay thế Bảo Đại, nhưng bất thành vì vua Duy Tân đã tử nạn ngày 25.12.1945 khi chiếc phi cơ chở ông đâm nhào xuống núi rừng trên đường bay về Sài Gòn. Tờ báo Pháp Combat đặt nghi vấn cho đây là một âm mưu ám sát thay vì là một tai nạn phi cơ thông thường, vì phe thực dân Pháp cho là Cựu hoàng Duy Tân cứng đầu chớ không ngoan ngoãn như Bảo Đại và như vậy là bất lợi cho bọn thực dân.

Người ta còn nhớ là vua Duy Tân năm 1916, khi mới 16 tuổi đã mưu toan nổi dậy lật đổ chế độ thực dân Pháp nên bị Pháp truất phế rồi lưu đày sang Algérie, để đưa Khải Định lên thay. Năm 1942, khi quân Anh - Mỹ và quân của tướng De Gaulle đổ bộ lên Algérie, vua Duy Tân đổi tên là Hoàng thân Vĩnh San, đã tình nguyện gia nhập lực lượng không quân của nước Pháp tự do do De Gaulle lãnh đạo. Ông này được Pháp đánh giá cao và định đưa về Việt Nam để thu phục lòng dân cho việc thành lập một nước Việt Nam tự trị nằm trong Liên hiệp Pháp.

Cũng năm 1945, nhóm quân phiệt Nhật lại muốn đưa Hoàng thân Cường Để sống lưu vong tại Nhật về nước thay thế Bảo Đại. Như vậy là hai đối thủ vương giả của Bảo Đại: Duy Tân và Cường Để đều tự biến mất, giúp cho Bảo Đại năm 1949 tái xuất hiện trên chính trường Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời của mình, Bảo Đại luôn đứng về phía kẻ mạnh để bảo toàn mạng sống của ông. Trước 1945, để được yên thân, ông không có một hành động quyết liệt nào chống lại sự áp bức của thực dân Pháp. Tiêm nhiễm những tư tưởng tự do trong những năm lưu học tại Pháp, ông hy vọng khi về nước sẽ thi hành một chính sách tự do, nhưng khi nhận thức là thực quyền nằm trọn trong tay thực dân Pháp, Bảo Đại chán nản, bất lực và không có đầu óc phiêu lưu, can đảm như các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân. Ông trải qua những năm tháng bất lực qua những thú vui, như đi săn, lái phi cơ.

Suốt cuộc đời chính trị của mình, Báo Đại chỉ có việc ký những văn kiện mà những kẻ có thực quyền người Pháp, Nhật, Mỹ buộc ông phải ký mà lòng se thắt. Lần cuối cùng và lần đau nhất xảy ra tháng 6 năm 1954, khi dưới áp lực của người Mỹ, ông phải ký lệnh bổ nhiệm Ngô Đình Diệm vào chức vụ thủ tướng với những quyền hạn rộng rãi hơn so với những thủ tướng trước, mặc dù ông rất nghi ngờ lòng trung thành của ông Diệm đối với ông. Ông không thể làm gì khác khi mà người Pháp đã nhượng bộ người Mỹ
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #62 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:45:30 pm »

Cuộc hội đàm Bảo Đại - Marshall, ngoại trưởng Mỹ năm 1946

Ngày 11.3.1945, cũng như Quốc Trưởng Sihanouk tại Nam Vang, Bảo Đại dưới họng súng của các tướng tá Nhật, đã tuyên cáo nền độc lập quốc gia theo kiểu Nhật sau cuộc đảo chính quân sự ngày 9.3.1945 của Nhật xóa bỏ chủ quyền của Pháp tại 3 quốc gia Đông Dương. Chỉ vài ngày sau sự đầu hàng của Nhật trước các cường quốc đồng minh, Bảo Đại tuyên bố thoái vị ngày 22.8.1945, và ngày 25.8.1945, đã trao ấn kiếm cho các đại diện của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của cụ Hồ để sau đó trở thành Cố vấn Tối cao trong chính phủ cụ Hồ.

Bảo Đại là hậu duệ của một dòng họ có 9 vị vua, trong số này có 4 vị vua đã từ trần khi đang sống lưu vong. Khi bị người Nhật bắt buộc ra tuyên cáo cởi bỏ ách thống trị của người Pháp để chấp nhận việc thành lập một chính phủ thân Nhật do ông Trần Trọng Kim được Nhật đưa từ Tân Gia Ba về lãnh đạo, Bảo Đại thừa sáng suốt để thấy trước đây chỉ một chính phủ chuyển tiếp để chờ ngày kết thúc Đệ nhị thế chiến, ngày thất trận của người Nhật đã gần kề.

Năm 1946, trong những điều kiện chưa được nêu rõ, Bảo Đại đáp một chuyến máy bay Mỹ sang Trùng Khánh, thủ đô của Tưởng Giới Thạch, để thi hành một công tác, nhưng thất bại. Khi còn ở Trùng Khánh, Bảo Đại có một cuộc hội kiến với đại tướng Marshall, ngoại trưởng Mỹ, ông này đến đây thuyết phục Tưởng hòa giải với Mao Trạch Đông để tránh một cuộc nội chiến, nhưng không đạt được kết quả.

Cuộc hội đàm Marshall - Bảo Đại tại Trùng Khánh không đi đến đâu cả vì lúc bấy giờ Bảo Đại chỉ là một phế đế không có thực quyền. Sau đó, Bảo Đại vận động để được xuống Hồng Kông sống lưu vong trong những điều kiện vật chất thiếu thốn mọi bề, nên phải nhờ đến sự trợ giúp về tài chính của những người bạn cũ, những kẻ cơ hội còn nhìn thấy ở Bảo Đại một nhân vật có thể sáng chói trở lại khi thời cơ đến.

Trong số những người này, đặc biệt nhân vật nổi cộm nhất là dược sĩ Phan Văn Giáo, người chỉ một thời gian ngắn sau đó được Bảo Đại đền đáp bằng chiếc ghế thủ hiến Trung Kỳ trong nhiều năm. Bảo Đại còn phong cấp tướng cho Giáo mặc dù ông này không xuất thân từ một trường võ bị nào cả. Bảo Đại sau đó còn định giao cho Giáo giữ chức Bộ trưởng Quốc phong nhưng bị De Lattre chống lại ý định này...

Năm 1948, Cao ủy Pháp tại Đông Dương đưa ra sáng kiến mời Bảo Đại trở về nước thành lập một chính phủ quốc gia độc lập và thống nhất để đối đầu với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của cụ Hồ. Lập tức, Bảo Đại sáng giá trở lại dưới mắt những chính trị gia xôi thịt đang nuôi hy vọng chiếm được một chỗ đứng trong một chính phủ Bảo Đại mà người Pháp đang dự định cho ra mắt trong vùng chiếm đóng của quân pháp.

Cuối 1947, Pignon thận trọng phái một vị tham biện hành chính đầu tiên ông Cousseau, một tên thực dân từng trải, sang Hồng Kông tiếp xúc với Bảo Đại để mời ông này trở về nước chấp chính. Tuy đang không còn gì ở trong tay, Bảo Đại thoạt tiên từ chối đề nghị của Pignon trở về nước để lại tiếp tục ký những văn kiện mà người Pháp soạn sẵn. Ông thấy cần phải làm thế nào để thuyết phục cho dân chúng Việt Nam là lần này ông không là một tên bù nhìn của thực dân Pháp.

Bảo Đại cũng đủ khôn để nhận thức được sức mạnh đang lên của Mao Trạch Đông, lực lượng này trong một tương lai không xa sẽ áp sát biên giới Việt Trung và sẽ đè nặng áp lực lên cuộc chiến mà Pháp đang theo đuổi tại Việt Nam. Bảo Đại dựa vào tình thế khó khăn của Pháp để cố đòi hỏi càng nhiều càng tốt với thực dân Pháp.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #63 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:45:45 pm »

Ngay sau chuyến du hành thăm dò của Cousseau, diễn ra những âm mưu quốc tế. Và lập tức, những chính trị gia sa lon Việt Nam xuất hiện từ mọi phía tới tấp bay đến Hồng Kông thề thốt trung thành với Bảo Đại, người mà chỉ mấy ngày trước còn bị họ bỏ rơi thiếu thốn đủ mọi bề vì không giúp ích gì cho họ.

Trong số những người chạy đến với Bảo Đại, có cả một kẻ thù lâu năm của Bảo Đại: Ngô Đình Diệm, người trong đầu thập niên 30 đã từng là Lại bộ Thượng thư của Nam Triều nhưng vì xung khắc với Bảo Đại nên đã rũ áo ra đi trong oán hận. Nhưng vì Diệm là con của Ngô Đình Khả, một cựu đại thần của Khải Định, nên Bảo Đại đành phải tiếp Diệm, nhất là Diệm lúc bấy giờ đã là một con bài trong tay người Mỹ. Nhưng Diệm không thuyết phục được Bảo Đại nghe theo những lời khuyên của ông ta là đưa thêm nhiều yêu sách với người Pháp để chịu trở về nước thành lập một chính quyền thân Pháp.

Các cuộc thảo luận Bảo Đại với Diệm sau cùng tan rã năm 1949 và kết thúc bằng một màn đầy sóng gió trước khi hai người chia cách nhau trong hơn 5 năm. Giữa Pháp và Diệm, người của Mỹ. Bảo Đại ngã theo Pháp, vì người Pháp đang nắm quyền kiểm soát các đô thị tại Việt Nam.

Ngày 8.3.1949. Bảo Đại ký với Pháp một thỏa hiệp, và ngày 27.4.1949. Bảo Đại từ phi cơ đáp xuống phi trường Đà Lạt để đảm nhận chức vụ quốc trưởng. Ông giải thích sự từ khước việc đặt văn phòng quốc trưởng tại Sài Gòn vì Pháp không trao trả dinh Norodom (dinh Thống Nhất) cho ông, dinh này tượng trưng cho uy quyền của chủ nhân của nó. Hoàng hậu Nam Phương cùng với hai con trai và ba con gái lưu lại Pháp chớ không chịu quay về nước để đảm nhận chức danh đệ nhất phu nhân.

Một số đoàn thể chính trị và giáo phái đổ xô đến tán tụng Bảo Đại để tìm kiếm những chức vụ béo bở trong chính phủ lâm thời trung ương đầu tiên với Bảo Đại là quốc trưởng. Bảo Đại bấy giờ không còn là vua nhưng thỉnh thoảng được gọi là Cựu Hoàng.

Trong suốt hơn 5 năm làm quốc trương, Bảo Đại cố thu mình tại Dà Lạt, nhưng thường hơn là tại Ban Mê Thuột để tránh sự dòm ngó của mọi người, quan sát sự đối chọi của những lực lượng thù nghịch tại Việt Nam. Đề chuẩn bị nơi ở trước cho tương lai, ông bỏ tiền mua một biệt thự 12 phòng, được đặt tên là điện Thorenc. Trước ngày mở ra hội nghị Geneve 1954, Bảo Đại vĩnh viễn rời khỏi Việt Nam để không bao giờ trở lại.

Ngày 14.8.1945, phát xít Nhật đầu hàng các cường quốc Đồng Minh. Nhật Hoàng ra lệnh cho quân đội Nhật buông vũ khí và chấp nhận sự chiếm đóng lãnh thổ Nhật với những lực lượng quân sự của đại tướng Mỹ Mac- Arthur. Ngày 19.8.1945, các lực lượng vũ trang và chính trị Việt Minh đã hoàn toàn kiểm soát Hà Nội, dưới sự bất lực của quân đội Nhật và Khâm sai Phan Kế Toại, đại diện của chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #64 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:45:53 pm »

Tại Huế, các lực lượng thanh niên tiền phong của vị cựu thủ lãnh phong trào hướng đạo Tạ Quang Bửu kiểm soát thành phố và thành lập ủy ban Việt Minh ngày 22.8.1945. Ngày 23.8.1945, Bảo Đại ra tuyên cáo thoái vị và ngày 25.8 trao ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu, đặc phái viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở thành công dân Nguyễn Vĩnh Thụy rồi nhận lãnh chức vụ "Cố vấn tối cao" của chính phủ cụ Hồ.
Ngày 20.8.1945, trước tình thế mới, Bảo Đại gửi tới tướng De Gaulle, Thủ tướng chính phủ lâm thời Pháp một thông điệp với nội dung như sau:

“Thưa Thủ tướng,

Nhân dân Pháp các ông đã đau khổ quá nhiều trong bốn năm thảm khốc do sự chiếm đóng của quân phát xít Đức để không thể không hiểu là dân tộc Việt Nam, với hai mươi thế kỷ lịch sử đấu tranh và một quá khứ vẻ vang, không còn muốn, không còn có thể chịu đựng một sự đô hộ nào và một sự cai trị nào nữa của nước ngoài.

Ngài hiểu rõ hơn nếu Ngài có thể thấy được những gì đang diễn ra tại đây, nếu Ngài có thể cảm nhận cái ý chí độc lập đang ấp ủ trong trái tim tất cả những người Việt, và không có một lực lượng con người nào có thể còn đè nén nó nổi nữa. Dù cho Ngài có thể thiết lập tại đây một nền cai trị của người Pháp, thì nó sẽ không được tuân theo, mỗi làng mạc sẽ là một ổ kháng chiến, mỗi cựu cộng sự viên trở thành một kẻ thù và các viên chức của Ngài và ngay cả những phần tử thực dân của Ngài cũng rồi sẽ yêu cầu được thoát ra khỏi cái không khí khó thở này.

Tôi muốn Ngài hiểu rằng phương cách duy nhất để duy trì những quyền lợi của Pháp và ảnh hưởng văn hóa và tinh thần của Pháp tại Đông Dương là thẳng thắn thừa nhận nền độc lập của Việt Nam và từ bỏ mọi ý nghĩ tái lập tại đây chủ quyền hay một sự cai trị của Pháp dù là dưới hình thức nào. Chúng ta có thể thỏa hiệp với nhau dễ dàng và trở thành bạn của nhau nếu Ngài không còn muốn trở lại làm những người chủ của chúng tôi.

Kêu gọi đến lý tưởng đạo đức cố hữu của nhân dân Pháp và sự sáng suốt của vị lãnh tụ tối cao của họ, chúng tôi hy vọng là hòa bình, niềm hoan hỉ đã đến với tất cả các dân tộc trên thế giới cũng sẽ được bảo đảm cho tất cả những người dân địa phương cũng như những người nước ngoài tại Đông Dương". 

Bảo Đại"

Bức thông điệp này trình bày một cách rõ rệt không thể bác bỏ được, nỗi bức xúc cũng như tâm trạng của tất cả những người Việt đồng hương với Bảo Đại.

Trong khi đó tại Pháp, De Gaulle không còn tin vào Bảo Đại, một nhân vật không có đủ uy tín với dư luận trong nước cũng như đối với nước ngoài vì thiếu hẳn thành tích tranh đấu cho quyền lợi quốc gia, nên De Gaulle định đưa Cựu hoàng Duy Tân về nước thay thế Bảo Đại.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #65 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:57:18 pm »

300.000 bại quân của Bạch Sùng Hy dọa tràn vào lãnh thổ Bắc Việt nếu vài ngàn quân Pháp tại biên giới không đủ uy lực để giải giới. Lâm Bưu cảnh cáo sẽ đưa quân vào Bắc Việt giải giới quốc quân Trung Hoa nếu quân đội Pháp bất lực không làm được việc này


Cuối năm 1949, các lộ quân của Mao Trạch Đông áp sát biên giới Việt Trung, và lúc ấy, không ai đoán chắc trước những gì sẽ đến cho tương lai của các đồn quân Pháp đang đóng trên quốc lộ 4 chạy dài theo đường biên giới Việt - Trung. Như vậy là nước Trung Hoa của Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã sụp đổ nhanh chóng như một tòa lâu đài làm bằng giấy. Các sư đoàn của Thống chế Lâm Bưu sắp bắt tay với các đại đoàn của Đại tướng Giáp. Từ đây, 600 triệu dân Trung Quốc trở thành những đồng minh của chính phủ cụ Hồ, đối thủ của đoàn quân viễn chinh Pháp. 

Mùa thu 1949, 4 lộ quân của Lâm Bưu đang trên đường tiến nhanh về hướng biên giới Việt Trung, và trên đà tiến quân, sẽ xâm chiếm Đông Dương hay dừng lại tại biên giới Việt Trung, kết thúc cuộc trường chinh ra đi và quay trở về trong chiến thắng trong khoảng thời gian hai thập kỷ. Cuộc nội chiến tại Trung Quốc bắt đầu khi cuộc cách mạng Trung Quốc vực dậy khối nông dân và dân thị thành đứng lên khởi nghĩa để đòi lại quyền sống. Nhưng cuộc khởi nghĩa này bị Tưởng Giới Thạch nhận chìm trong biển máu.

Nhà văn Pháp đã viết về những cảnh tàn sát của quân Tưởng nhắm vào những người vô sản Trung Hoa. Nhưng trong thời điểm ấy, Mao Trạch Đông - một lãnh tụ cách mạng chưa được nổi tiếng đứng lên thành lập Cộng hòa Nhân dân của giới nông dân và binh lính trong vùng rừng núi miền Nam Trung Quốc. Sau 4 năm kháng chiến ác liệt, lực lượng hồng quân Trung Quốc bị một triệu quân của Tưởng đánh tan. Nhưng sự việc này không dừng lại tại đây vì được tiếp nối bằng cuộc trường chinh đi và về kéo dài trong hai mươi năm trên hàng vạn cây số.

Chuyến ra đi là một cuộc rút chạy. Ngày 16.8.1934, một trăm ngàn người gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em chọc thủng được phòng tuyến của quân Tưởng đang bao vây căn cứ địa Juling của Mao. Số quân này phải vượt qua suốt bề dài của Trung Quốc, vừa chiến đấu vừa rút về hướng Bắc, vượt qua những nút chặn của nhiều đạo quốc quân của Tưởng Giới Thạch và của những tên lãnh chúa địa phương để sau cùng đến trú thân tại vùng Diên An ở tận phương Bắc xa xôi và lạnh giá trên vùng đất trần trụi không cây cối, với cái rét kinh khủng của vùng Tây Bá Lợi Á.

Cuộc trường chinh đầy gian khổ này kéo dài trong 18 tháng, với tốc độ lội bộ trung bình 50 cây số mỗi ngày, vừa đi vừa chiến đấu. Hàng ngày, bao nhiêu người gục ngã bỏ mình vì trúng đạn, bệnh tật, kiệt sức. Hồng quân đã thoát được cuộc săn đuổi của 10 lộ quân của Tưởng Giới Thạch, vượt qua 18 dãy núi và 24 con sông lớn, tạm đánh chiếm 62 thành phố trên đường di chuyển.

Nhưng khi đến được Diên An, số 100.000 người lúc ra đi chỉ còn lại "non” 30.000 người sống sót. Chính số người ít ỏi này, chỉ hơn mười năm sau đã quy tụ thêm một số lớn đồng chí và chiếm được quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc.

Chính tại Diên An, Mao Chủ tịch đã khai sinh cuộc “chiến tranh nhân dân". Nhân danh lòng yêu nước, Mao đã kêu gọi được toàn dân đứng lên cầm vũ khí chống lại một kẻ thù mới còn hùng mạnh hơn quốc quân của Tưởng: đó là lực lượng quân phiệt Nhật đến xâm chiếm Trung Quốc.

Trong cuộc chiến chống Nhật, Tưởng Giới Thạch theo đuổi hình thức chiến đấu cổ điển, theo lối trận địa chiến nên bị quân đội cơ giới Nhật đè bẹp. Ngược lại, Mao thi hành lối du kích chiến, dựa vào khối dân chúng yêu nước, làm tiêu hao dần các đạo quân Nhật thiện chiến và trang bị võ khí tối tân.

Trong thời kỳ chống Nhật, Mao hòa giải và hợp tác với Tưởng để toàn dân chống Nhật, và cùng được Hoa Kỳ và Liên Xô viện trợ khí tài. Nhưng sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh, dưới mắt người phương Tây, danh dự của chiến thắng về với Tưởng, và Hoa Thịnh Đốn muốn biến Trung Quốc dưới quyền lãnh đạo của Tưởng thành một trong năm đại cường quốc.

Trong khi bộ máy cai trị của Tưởng mục nát, thất nhân tâm trong những vụ tham nhũng, tranh chấp nội bộ, giữa lúc giới trẻ trí thức, tầng lớp vô sản nhìn thấy ở Chủ tịch Mao là một anh hùng tượng trưng cho cuộc kháng chiến giữ nước, người luôn đứng về phía tuyệt đại đa số nhân dân Trung Quốc. Hơn nữa ngoài số dân quân vào ngày Nhật buông súng, Mao đã có dưới tay hơn một triệu quân chính quy với hai lộ quân số 8 và số 4 thiện chiến và có trang thiết bị hiện đại nhờ sự trợ giúp của Đồng Minh.

Việc này được ít người biết đến, ngay cả Stalin cũng khuyên Mao: "Đồng chí nên kiên nhẫn chờ thời cơ. Đồng chí chưa đủ lực lượng để có thể tóm thâu cả nước Trung Hoa". Liền sau đó, Stalin thương thuyết với Tưởng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #66 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 05:58:45 pm »

Linh mục Maillot làm trung gian giữa Bạch Sùng Hy và Cao ủy Pignon

Tuy nhiên, tất cả đã được thanh toán nhanh chóng một cách ít ai ngờ đến. Mao bất chấp tất cả, ngay cả Stalin, Hoa Kỳ, cả thế giới và cả bộ máy chiến tranh khổng lồ của Tưởng. Với Mao, chính quyền của Tưởng bề ngoài đồ sộ nhưng rỗng nát từ bên trong do ăn chơi, hưởng thụ, tham nhũng, lạm phát, nên Mao quyết đốt giai đoạn và sớm ra tay. Và Mao ý thức được là cán cân lực lượng giữa hai bên đã đảo lộn.

Thời điểm này đánh dấu một khúc quanh của lịch sử Trung Quốc và của cả châu Á, dẫn đến những biến đổi sâu rộng trên bàn cờ quốc tế, Mao đã có cái nhìn đúng, và phát tiếng súng lệnh cho cuộc tổng tấn công vào những đạo quân được trang bị vũ khí Mỹ hiện đại và gặt hái dễ dàng những chiến công lừng lẫy, đánh tan những đạo quân bề ngoài hùng hậu của Tưởng vừa tiến vào giải giới quân Nhật hơn ba năm trước. Sau đó, Mao đưa quân tiến về phía Nam để thu hồi Trung Quốc như đứng lên hái một trái cây đã chín muồi.

Và đây là cuộc "trường chinh mới", không tang thương như trong hai năm 1934-1935, không từ Nam lên Bắc, mà từ Bắc xuống Nam, trên đoạn đường dài hơn ba ngàn cây số, với hơn 600 triệu dân vào thời điểm 1949. Tất cả buông súng đầu hàng, toàn bộ những đạo quân với quân số hàng mấy trăm ngàn người còn đầy đủ vũ khí.

Giai đoạn đầu là cuộc tiến quân vào cố đô Bắc Kinh, tại đây Mao Trạch Đông tuyên cáo thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Sau đó là cuộc tiến chiếm thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải, biểu tượng của độc quyền tư bản và đế quốc, nơi mà Mao sẽ cải tạo để biến thành một thành phố của nhân dân. Sau hết, vào mùa hè 1949, hồng quân Trung Quốc tiến vào giải phóng thành phố Quảng Châu của nước Trung Quốc cổ xưa với đủ loại ăn chơi sa đọa, nghèo đói, và cũng là nơi phát sinh cuộc cách mạng lật đổ vương triều và đã từng bị phản bội và nghiền nát.

Trên đường tiến quân của Mao, hàng triệu người dân, nam cũng như nữ theo chân hồng quân, mang theo những lá cờ có 5 ngôi sao. Các tướng lãnh Pháp tại Đông Dương lo ngại quân của Mao trên đà săn đuổi quân của Tưởng có thể tiến vào miền Bắc Đông Dương để truy bắt tàn quân rút chạy sang đây. Và nếu điều này đến thì sẽ xảy ra một vụ va chạm giữa quân của Mao đuổi theo tàn quân của Tưởng, với quân Pháp đang lẫn lộn với quân Việt Minh trong một cuộc chiến không có mặt trận rõ ràng.

Lúc bấy giờ, linh mục Maillot mang đến cho các tướng lãnh Pháp một thông điệp đáng ngại của Thống chế quốc quân Trung Quốc Bạch Sùng Hy, một lãnh chúa tại tỉnh Quảng Tây Trung Quốc giáp với Bắc Việt. Ông này có một đạo quân hùng hậu lên đến 300.000 binh sĩ mà ông sử dụng lúc để trợ giúp Tưởng, lúc để chống lại Tưởng, trong vùng Thập Vạn Đại Sơn đầy thú dữ, rắn và thổ phỉ. Trước đó, quân du kích cộng sản Trung Quốc hoặc Việt Minh đều có mặt đông đảo trong tỉnh này.

Vấn đề trở nên rắc rối. Linh mục Maillot là một nhà truyền giáo tại Trung Quốc, đã hoạt động trong tỉnh Quảng Tây từ hai mươi năm qua, dưới thời Tưởng cầm quyền. To người, lì lợm, tháo vát, linh mục có dưới tay cả một lực lượng vũ trang để chiến đấu chống lại những người cộng sản dưới mọi hình thức. Người ta kể lại rất nhiều giai thoại về nhà truyền giáo khác thường này.

Dường như để trang bị súng ống cho lực lượng giáo dân, ông Maillot cho mở những cuộc đột kích sang lãnh thổ Bắc Việt để cướp súng trong các kho của Pháp, khiến quân Pháp ngỡ là do Việt Nam. Nhưng Cha Maillot luôn tỏ ra là một người "biết điều”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #67 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:00:23 pm »

Một lần nọ, trên một con đường mòn trong rừng, linh mục bị địch quân bao vây và sắp bị bắt sống. Hai bà phước lúc ấy đang có mặt bên cạnh Cha, hai phụ nữ này sợ bị địch quân cưỡng hiếp nên đọc kinh cầu nguyện Chúa. Đang bực dọc, Cha nạt hai "bà phước" này: "Đừng có đọc kinh trong lúc này. Hơn nữa đối với hai người, bị cưỡng hiếp chỉ có thể được xem như một sự tự nguyện hành xác". Liền sau đó, Cha ra lệnh mở đường máu và thoát đi được.

Cha Maillot là người bạn lớn của Bạch Sùng Hy, vị lãnh chúa dữ như cọp, đã tham chiến hàng trăm trận đánh, ngự trị tỉnh Quảng Tây và chủ nhân của một đạo quân gồm mấy trăm ngàn binh sĩ được trang bị vũ khí hiện đại nhất và có kỷ luật nhất trong đại gia đình quốc quân Trung Hoa chống Cộng. Bạch Sùng Hy trong thâm tâm thù ghét Tưởng Giới Thạch nhưng thỉnh thoảng điều quân đến giúp Tưởng để được nhận tiền công. Hy còn mong muốn một ngày nào đó đoạt vị trí tối cao của Tưởng.

Một năm trước, Bạch Sùng Hy cho quân án binh bất động trong khi cách đó không xa đang diễn ra một trận đánh quyết định giữa quân của Tưởng và hồng quân của Thống chế Lâm Bưu. Hy cố tình để cho những sư đoàn sau cùng của Tưởng bị hồng quân đánh tan tành, mà không màng đến tiếp cứu. Do đó, chỉ vài tháng sau, Bạch Sùng Hy là vị tướng quốc quân sau cùng còn nắm trong tay một lực lượng quân đội hùng hậu trên toàn lãnh thổ Trung Hoa.

Sau ngày Tưởng tháo chạy ra Đài Loan, lãnh chúa Quảng Tây không còn có ai có thể tranh giành với ông ta ngôi vị cao nhất trong hàng ngũ quốc quân Trung Hoa, ông ta tỏ ra rất bằng lòng với tình thế mới này và Hy tuyên bố là ông có thể dẹp tan các đoàn quân ô hợp của Mao. Thực ra, quân của Hy dàn quân phòng thủ núp theo ven sông Dương Tử và lập phòng tuyến ngăn chặn hồng quân trên đường tiến chiếm thành phố Quảng Châu.

Nhưng rối đến một ngày, quân của Hy không còn đủ sức kháng cự nữa, và tiếp theo sau là một sự tháo chạy thục mạng của hơn 300.000 quân về phía nam, về hướng tỉnh Quảng Tây quê quán của họ. Trước khi quốc quân của Hy đến biên giới Việt - Trung, Hy nhờ cha Maillot đứng ra làm trung gian với quân đội Pháp để bại quân được phép thoát chạy sang Bắc Việt.

Sau một đoạn đường dài đầy hiểm nguy trên lưng một con la, Cha Maillot lần đầu tiên đến Bắc Việt rồi được tiến dẫn đến Bộ Tư lệnh Pháp tại Hà Nội và trở thành một nhân vật quan trọng. Cha rất tin tưởng là mình hành động rất có lợi cho người Pháp. Vì trong bức thông điệp có đóng dấu và ký tên Bạch Sùng Hy, vị Thống chế bại trận này đề nghị liên minh với quân Pháp để chống lại tất cả các nhóm cộng quân không phân biệt Trung Quốc hay Việt Minh. Đề nghị này được phía bại quân Trung Quốc xem như là một đặc ân nên không thể bị khước từ.

Thật đáng thương cho Cha Maillot. Cha không được tiếp kiến trọng vọng như Cha nghĩ. Sau cùng, người Pháp gửi Cha trở về Quảng Tây để chuyển lời khước từ của Pháp đến Bạch Sùng Hy. Sau đó lúc thì đi bộ, lúc cỡi ngựa hoặc đáp máy bay, Cha kiên nhẫn chuyển những lời trao đổi càng lúc càng gay gắt giữa Bạch Sùng Hy và Bộ Tư lệnh Pháp.

Những lời lẽ thân hữu của Hy trở thành những tối hậu thư: nếu phía Pháp cứ từ khước sự liên minh, quốc quân của Hy sẽ cầm súng tiến vào Bắc Việt. Đây thực chất là một tình thế khó xử. Cộng quân cũng đe dọa. Rồi đến lượt, Lâm Bưu cũng cảnh cáo người Pháp: “nếu quân Pháp không tước vũ khí của quân Bạch Sùng Hy trên lãnh thổ Đông Dương, thì quân đội của chúng tôi sẽ tiến vào đây để làm việc này thay người Pháp".

Như vậy là quân Pháp bị kẹt giữa hai gọng kìm. Các lực lượng của châu Á quá lớn, và số quân Pháp ít ỏi không làm chủ được tình thế, vì đang ở trong thế yếu. Tất cả tùy thuộc vào số người Trung Quốc quá đông, và những ý định thực sự đằng sau những lời đe dọa của họ. Giải pháp của cao ủy phủ Pháp là bám vào "luật quốc tế" vào sự tuân thủ triệt để luật này. Nhưng trong vùng núi rừng Á châu xa cách nền văn minh của nhân loại này, "luật quốc tế” có giá trị gì để các bên đối nghịch chịu tuân thủ.

Người Pháp hy vọng là quân của Lâm Bưu đuổi bắt kịp toàn bộ tàn quân của Bạch Sùng Hy và thanh toán chúng trước khi chúng kịp tới biên giới Việt - Trung để tránh rắc rối cho phía Pháp. Người ta cũng không rõ số quân Trung Quốc sẽ đến biên giới. Và nếu số này lên đến hàng mấy trăm ngàn quân đầy đủ vũ khí, thì với vài ngàn quân Pháp đóng thưa thớt trên quốc lộ 4 tại biên giới không đủ uy lực để tước khí giới một số quân đông gấp trăm lần.

Trước tình thế nan giai này, bộ máy hành chính Pháp bắt đầu bắt tay vào việc, thành lập một ủy ban hỗn hợp quân sự và dân sự để chuẩn bị những phương tiện để dọn sẵn chỗ ở và lương thực để nuôi số quốc quân bại trận của Bạch Sùng Hy này. Quân đội Pháp không chịu trích bớt trong số dự trữ lương thực của họ và trút gánh nặng này cho Cao ủy phủ Pháp. Cuộc tranh cãi kéo dài.

Trong khi đó, các tiểu đoàn Pháp tại biên giới được bố trí chặt chẽ lại để có thể đáp ứng lại mọi tình huống bất trắc. Tướng Alessandri, tư lệnh tại Bắc Việt thành lập 3 nhóm quân đặc nhiệm trong đó gồm có quân Lê dương, nhảy dù, Bắc Phi để đóng ở những điềm chiến lược, những giao lộ từ Trung Quốc dẫn sang. Quân lê dương được tiếng là những lính đánh thuê thiện chiến và gan lỳ nhất mong muốn được giải giới một số binh sĩ chính quy quốc quân được trang bị vũ khí tối tân của Bạch Sùng Hy.

Nhưng ngày 8.12.1949, khi được tin báo có đến 5 sư đoàn với quân số trên 50.000 người đang còn cách Lạng Sơn một ngày đường, việc này làm cho những sĩ quan Lê dương thực sự lo ngại vì với quân số chỉ hơn một tiểu đoàn thì không đủ uy lực buộc cả mấy sư đoàn quốc quân Trung Hoa dễ dàng giao nộp vũ khí để đi vào các trại tập trung.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #68 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:01:17 pm »

CUỘC CHẠM TRÁN ĐẦU TIÊN NĂM 1950 GIỮA HỒNG QUÂN TRUNG QUỐC VÀ QUÂN PHÁP TẠI BIÊN GIỚI VIỆT HOA

Quân Việt Minh đẩy 6.000 bại quân của Vũ Hồng Khanh đến nạp mình cho quân Pháp

Mùa thu 1949, các đạo quân của Chủ tịch Mao Trạch Đông sau khi lần lượt tiến chiếm dễ dàng tất cả các thành phố lớn tại Trung Quốc, đã áp sát biên giới Việt - Trung. Trung tướng Pháp Alessandri lúc bấy giờ là Tư lệnh quân Pháp tại Bắc Việt nhận định sai lầm sự kiện này: "Tôi bằng lòng được thấy quân Trung Cộng đóng dọc biên giới Bắc Việt, việc này lập lại trật tự tại vùng này".

Tướng Alessandri đã sống lâu năm tại Việt Nam trước 1945, ông đã từng chỉ huy nhiều trung đoàn Pháp tại Bắc Việt, đã chiến đấu dũng cảm chống lại quân Nhật sau ngày đảo chính 9.3.1945, rồi rút sang Trung Quốc tị nạn, và đã đem quân trở lại Việt Nam sau ngày Nhật đầu hàng.

Các sư đoàn của Thống chế Lâm Bưu đến biên giới Trung - Việt bắt tay với các trung đoàn Việt Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cao ủy Pignon, người đã từng làm việc tại Vân Nam trong thời Đệ nhị thế chiến rất hiểu tâm địa người Hoa, nên tỏ ra lo ngại. Nhưng một số tướng lãnh và viên chức Pháp mù quáng nhận định:

“Trung Quốc vẫn là Trung Quốc. Chúng ta sẽ mua các “đồng chí" của Mao cũng như chúng ta đã từng mua được vài năm trước, những người Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch".

Những người Mỹ, mới năm nào còn gay gắt chống thực dân Pháp tại Đông Dương, đã thay đổi đường lối và để tiếp tay cho Pháp trong cuộc chiến chống lại sự bành trướng của cộng sản, bắt đầu viện trợ tiền bạc và vũ khí cho đoàn quân viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Rồi cuộc chiến tại Triều Tiên bùng nổ, biến người Hoa Lục thành những kẻ thù của các nước tư bản do Hoa Kỳ lãnh đạo.

Ba cánh quân của Lâm Bưu tiến nhanh về miền Nam Trung Quốc, hướng về vùng Thập Vạn Đại Sơn gần biên giới Việt - Hoa làm tan rã nhanh chóng các đạo quân của Bạch Sùng Hy và Trương Phát Khuê, trong khi hồng quân du kích vùng núi mở những cuộc phục kích vào các cánh quân của Tưởng nên đường triệt thoái hỗn loạn. Nhiều làng mạc bốc cháy, dân chúng chạy trốn vào rừng.

Quân của Tưởng đôi khi còn đánh lẫn nhau. Trong nhiều trung đoàn, những binh lính giết những sĩ quan muốn ra đầu hàng hoặc không chịu hàng. Các nhân viên tuyên truyền của Mao xuất hiện khắp nơi khuyến dụ các binh sĩ của Tưởng sớm buông súng đầu hàng hồng quân. Các đường lớn trong rừng đầy xác chết của bại quân hoặc của những nông dân chết đói.

Bạch Sùng Hy định "bán mình" cho Mao, nhưng thất bại. Liền sau đó, vị lãnh chúa này đánh điện sang Hoa Thịnh Đốn để đòi mấy triệu Mỹ kim mà Quốc hội Mỹ đã dành cho Tưởng Giới Thạch, ông ta nói với người Mỹ: "Số tiền viện trợ Mỹ phải được dành cho tôi, Tưởng Giới Thạch chỉ là một tên đào ngũ chạy trốn sang Đài Loan. Còn tôi, tôi vẫn tiếp tục chiến đấu cho tới chết".

Nhưng chung quanh Bạch Sùng Hy đang tìm cách cố thủ tại Nam Ninh, thủ phủ Quảng Tây, các tướng tá Quốc Dân Đảng lần lượt ra đầu hàng hồng quân để duy trì mạng sống. Họ ra hàng cùng với cả sư đoàn hay trung đoàn mà họ đang chỉ huy. Nhưng một số tướng tá không thể ra hàng được vì danh tánh họ đã bị ghi vào sổ đen của hồng quân vì những tội ác chiến tranh của họ, nên số người này tìm cách trốn chạy về phía bờ biển hoặc về hướng Nam, phía biên giới Việt - Hoa, và trên đường rút chạy, số binh sĩ này cướp bóc lương thực để sống.

Còn hồng quân trên đường săn đuổi bại quân đã nhận được lệnh của Chủ tịch Mao là phải tỏ ra hòa hoãn với quân Pháp, khi đến áp sát biên giới, dọc theo quốc lộ 4. Sau một năm thi hành chính sách hòa dịu này với quân Pháp, thảm họa bất ngờ chụp lên quân Pháp qua chiến dịch Lê Hồng Phong mùa thu 1950.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #69 vào lúc: 01 Tháng Mười Hai, 2009, 06:02:33 pm »

Khi hồng quân Trung Quốc áp sát biên giới Việt – Trung
.

Khi được tin các toán quốc quân bại trận của Tưởng đang đến gần biên giới, Bộ chỉ huy Pháp trên quốc lộ 4 được lệnh chặn bắt và tước khí giới khi số quân thua trận này định chạy thoát sang Bắc Việt. 

Vùng Móng Cái, năm 1949 là giang sơn của đại tá người Nùng Vòng A Sáng, thủ lãnh của 200.000 người Nùng sống tại vùng bờ biển Đông Bắc Việt Nam gần biên giới Việt - Hoa. Đây là một sắc tộc đặc biệt, những tên thảo khấu từ Trung Quốc di cư sang càng ngày càng đông và làm ăn phát đạt. Ngay cả Vòng A Sáng cũng từng là một tên cướp.

Nhưng mùa xuân 1945, A Sáng đã cứu thoát được vài người Pháp đang bị quân Nhật săn đuổi và nhờ đó mà ông ta phất lên nhanh chóng với sự yểm trợ của quân đội Pháp, ngoại trừ lần ông ta để cho một toán quân của người chú giết hại một số binh sĩ Pháp đồn trú tại Móng Cái.

A Sáng đặt hết tin tưởng vào người Pháp và ông ta đã từ khước khi được giao giữ chức tướng chỉ huy một sư đoàn của Bạch Sùng Hy bên Trung Quốc. Cờ hiệu của các đơn vị vũ trang của ông ta là cờ tam sắc, với một chiếc thuyền buồm bên trên. A Sáng rất trung thành với người Pháp và các binh sĩ của ông chiến đấu trong hàng ngũ của quân đội Pháp. A Sáng ra lệnh cho tất cả những người Nùng trai trẻ đều phải gia nhập quân đội và ông đã quy tụ dưới trướng hơn 30.000 quân Nùng thiện chiến.

Tương đối có vóc dáng cao lớn và có tinh thần chiến đấu cao, số hậu duệ của các tướng cướp Trung Quốc này hợp thành sắc tộc trung thành nhất với người Pháp, nên sau Hiệp định Genẻve 1954, họ từ bỏ biển cả, bến bờ, làng quê của họ để theo chân quân Pháp vào Nam. Một số tiểu đoàn dù người Nùng đã được chính quyền Diệm sử dụng để tấn công trực diện qua cầu Chữ Y đánh đuổi quân Bình Xuyên ra xa khỏi thành phố ngày 28.4.1955.

Đầu tháng 12.1949, giữa Lâm Bưu và Bạch Sùng Hy dường như có một mật ước để cho vị tướng bại trận này được an toàn rời khỏi đất liền sang đảo Hải Nam. Lâm Bưu tử tế đến nỗi, sau khi cho quân dừng lại ở cửa khẩu Ba Khoi, còn cấp cho nhiều thuyền buồm đề di tản quốc quân ra đảo.

Nhưng cá nhân Bạch Sùng Hy thì lại thích ra đi bằng đường hàng không, và nhờ tướng Mỹ Chennault, cựu chỉ huy trưởng không đoàn "Cọp Bay" trong Đệ nhị thế chiến tại Côn Minh, lập một cầu hàng không với các phi cơ của hãng C.A.T mà ông này làm giám đốc. Trong một thời gian chuyển vận liên tục nhiều ngày đêm, các vận tải cơ của hãng hàng không chuyên thực hiện những sứ mạng đặc biệt này, đã bốc đi Bạch Sùng Hy, các bà vợ của ông ta, bộ tham mưu và đoàn Vệ binh sắt, tất cả lên đến con số năm ngàn người.

Giữa tháng. 12.1949, dân chúng còn ở lại Móng Cái chờ đợi các cánh quân của Mao đến tiếp cận biên giới Việt Hoa. Ngày 9.12.1949, các đồn lính Pháp được lệnh báo động là nhiều cánh bại quân của Bạch Sùng Hy trên đường rút chạy, đã đến gần biên giới.

Đồn Chima tuy nhỏ nhưng được xây bằng bê-tông cốt sắt dưới thời Decoux, đánh điện báo cáo là có cả một khối người đang di động cách đồn vài trăm thước trên lãnh thổ Trung Quốc. Đám người này bất động, không nhìn thấy, núp bên các dòng suối hay những ngôi nhà lá của một ngôi làng nghèo trong rừng có tên là Ai Điềm. Người ta nghe những tiếng súng, những loạt súng đại liên của một cuộc chạm súng rất gần. Sau đó, người ta được rõ là đang xảy ra một trận đánh giữa một toán quốc quân đang rút chạy và hồng quân đang săn đuổi.

Sáng ngày 11.12.1949, quân Pháp trong đồn Chima trông thấy một đám đông người xuất hiện từ xa, với những lá cờ trắng cột vào những cây sào và hàng người dài cả cây số. Một nhóm người tiến về cửa đồn Chima, những tướng lãnh và sĩ quan của quốc quân Tưởng Giới Thạch, với quân phục tả tơi, nhưng còn giữ thái độ kệnh kiệu.

Quân Pháp tiếp họ. Suốt ngày ấy, các cuộc điều đình gay go diễn ra trong phòng khách Bộ Chỉ huy biên phòng. Nhiều lần cuộc thương thảo tưởng đã đi đến đổ vỡ. Thỉnh thoảng, những tướng tá quốc quân bật khóc, nài nỉ, đôi lúc còn lên tiếng đe dọa, nổi nóng, múa tay múa chân như những thằng điên. Họ đòi cho binh sĩ của họ được mang theo vũ khí vào Việt Nam, như những quân đồng minh. Người Pháp trả lời là trong trường hợp này, sẽ có đánh nhau thôi. Người cầm đầu toán đại diện quốc quân là tướng Ho Chan Penf nói được tiếng Pháp.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM