Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 11:25:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 77001 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #50 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 12:59:44 pm »

Quân Nhật tại Hà Nội xin giữ lại 1.000 súng đề phòng sự trả thù của quân Tàu

Tại Bắc Việt, thời kỳ dao động của người Nhật kéo dài lâu hơn tại Nam Việt. Người Nhật vừa cảm thấy nhục và sợ hãi, vì lực lượng quân sự Đồng Minh được chỉ định đến giải giới quân Nhật ở phía Bắc vĩ tuyến 16 là quân Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch, những người mà mấy ngày hôm trước còn là kẻ thù bị họ săn đuổi và đàn áp, nên họ rất sợ bị trả thù.

Nhiều lần, các sĩ quan Nhật hỏi các sĩ quan Pháp, mới mấy ngày trước còn bị họ quản thúc và từ nay đứng trong hàng ngũ những nước Đồng Minh thắng họ, vậy họ phải tập trung lại nơi những doanh trại nào để chờ cho quân Tàu đến giải giới họ.

Một số sĩ quan Nhật đề nghị cho quân của họ được tập trung tại trại Xuân Mai trên đường Hà Nội đi Hòa Bình, mà họ đã thiết lập cho quân của họ khi Nhật mới sang đóng quân tại Bắc Việt từ đầu thập niên 40. Một vài sĩ quan Nhật còn khẩn khoản yêu cầu cho họ được giữ lại độ một ngàn khẩu súng cùng với đạn dược để họ có thể tự vệ và đề phòng sự trả thù của quân Trung Quốc mà họ đã đánh bại và chiếm đóng tất cả những thành phố lớn của Trung Quốc từ 1937 đến ngày họ bị quân đội Đồng Minh đánh bại.

Người Pháp trong trạng thái chao đảo của người Nhật có được một cơ hội ngàn năm để có thể tái lập tạm thời chủ quyền tại các thành phố lớn tại Bắc Việt.

Người Nhật chờ đợi khá lâu mà không nhận được những lệnh rõ rệt từ phía các cường quốc Đồng Minh thắng trận là có phải trả tự do cho số binh sĩ Pháp bị họ quản thúc từ ngày 9.3.1945, hoặc trao trả vũ khí lại cho số quân này.

Mặt khác, người Nhật không tin vào tầm quan trọng của chiến thắng của các cường quốc Tây phương, và nhận ra được sự bất hòa giữa các nước Đồng Minh cùng sự tranh giành quyền lợi và ảnh hưởng giữa họ.

Một ý muốn trả thù người da trắng, nảy sinh trong đầu óc người Nhật, khiến họ quyết tâm gây xáo trộn tất cả tại Đông Dương, miễn sao có lợi cho các dân tộc Dông Dương, những người cùng da vàng như họ. Và thay vì  giao nộp tất cả vũ khí cho quân Tàu - Tưởng ở phía Bắc vĩ tuyến 16, và cho quân Anh - Ấn ở phía Nam, một số binh sĩ Nhật thích biếu không hoặc bán lại cho Việt Minh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #51 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:06:16 pm »

MÂU THUẪN GAY GẮT GIỮA MỸ VÀ ANH VỀ CHỦ QUYỀN TẠI VIỆT NAM VÀ HỒNG KÔNG NĂM 1945

Roosevelt thù ghét người Pháp đến mức không cho không hạm Mỹ tiếp cứu 6.000 quân Pháp đang bị quân Nhật truy kích

Cuối năm 1944, trong khi phần thắng đã nghiêng về phía các cường quốc Đồng Minh phương Tây, ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ, ông Cordell Hull có ghi trong quyển Hồi ký của ông ngày 13.10.1944 là Tổng thống Mỹ F.Roosevelt ra lệnh cho ông không được làm bất cứ việc gì để giúp cho thực dân Pháp tái lập chủ quyền tại Đông Dương, dù là sau này có đuổi được người Nhật ra khỏi thuộc địa này của Pháp.

Các tài liệu mật về các hội nghị tại Le Caire và tại Téheran năm 1943 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố năm 1961, cho thấy quyết tâm của Tổng thống Mỹ F.Roosevelt không để cho Pháp trở lại cai trị Đông Dương sau ngày chấm dứt Đệ nhị thế chiến.

Tại hội nghị Téheran, Roosevelt nói ông hoàn toàn đồng ý với Stalin là sau gần 100 năm Pháp cai trị Đông Dương, dân chúng tại phần đất này vẫn nghèo khổ và chậm tiến như trước đó. Roosevelt đã thảo luận với Tưởng Giới Thạch về khả năng thiết lập một chế độ giám hộ cho Đông Dương để giúp vùng đất này phát triển và sẽ được độc lập trong một thời hạn từ hai tới mười năm. Thống chế Nga Stalin cho biết ông tán đồng đề nghị này.

Thủ tướng Anh Churchil lên tiếng chống lại ý kiến định chia nhau lãnh thổ của một đồng minh của bộ ba Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc. Roosevelt trắng trợn nói với Churchil: "ông bạn thân mến, nếu đưa vấn đề Đông Dương ra biểu quyết ông bạn sẽ bị đánh bại với 3 phiếu chống 1 mà thôi (Mỹ - Xô - Hoa).

Mặc dù bị đẩy vào phe thiểu số, Churchill cương quyết bênh vực Pháp, một nước có nhiều thuộc địa, chỉ đứng sau Anh.

Roosevelt đề nghị loại ra khỏi đời sống chính trị Pháp thời hậu chiến tất cả những chính trị gia Pháp trên 40 tuổi. Stalin cũng cùng một tiếng chuông khi ông phát biểu: “nước Pháp (ngoại trừ những người cộng sản) và nhất là giai cấp lãnh đạo đã thối rữa và đáng bị trừng trị".

Churchill dõng dạc bác bỏ lập trường của Roosevelt và stalin:

“Tôi không thể quan niệm một thế giới văn minh mà không có một nước Pháp phồn thịnh và sinh động".

Nhưng ván đã đóng thuyền. Các vị trí đóng quân của Pháp tại Đông Dương, khi bị quân Nhật tấn công ngày 9.3.1945 chỉ có đầu hàng hoặc bị tàn sát vì thiếu đạn.

Roosevelt ra chỉ thị cho quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương không được can thiệp để trợ giúp quân Pháp đang chiến đấu một cách tuyệt vọng lại quân Nhật, ngoại trừ vài chuyến bay thả dù thực phẩm và thuốc men xuống các toán quân Pháp đang vừa chống trả vừa rút sang lãnh thổ Trung Quốc sau ngày 9.3, bất chấp những lời kêu cứu tuyệt vọng của hai cánh quân Sabattier và Alessandri, trong khi một lực lượng không quân Mỹ hùng hậu đóng tại Vân Nam và Quảng Tây và thừa sức can thiệp.

Tướng không quân Mỹ Chennault, chỉ huy Không đoàn 14 (Cọp Bay) tại miền Nam Trung Quốc đã nhận được lệnh hủy bỏ các chuyến bay oanh kích và thả dù tiếp tế vũ khí và đạn dược để tiếp cứu quân Pháp tại Bắc Việt trước cuộc tấn công của quân Nhật. Chennault tiết lộ:

“Các lệnh xuất phát từ Hoa Thịnh Đốn nêu rõ trong bất cứ trường hợp nào, các đơn vị Pháp cũng không được tiếp tế vũ khí và đạn dược... Tôi phải thi hành trọn vẹn lệnh trên mà phải luôn nghĩ là làm như vậy lương tâm tôi cắn rứt khi bỏ rơi hàng ngàn binh sĩ Pháp bị tàn sát trong rừng rậm, vì cấp trên buộc tôi không cần biết đến số phận của họ, nhất là tôi có trong tay đầy đủ phương tiện để tiếp cứu số người khốn khổ và là đồng minh trên danh nghĩa với người Mỹ”.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #52 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:06:25 pm »

Tại hội nghị Le Cairo, người Anh, dưới áp lực của Mỹ, đã phải chấp thuận để cho Đông Dương trực thuộc khu vực hành quân Hoa Kỳ, Trung Quốc được đặt dưới quyền của đại tướng Mỹ Wedemeyer. Tuy nhiên, người Anh, bất chấp những thỏa hiệp với Hoa Kỳ, vì tình thân hữu với người Pháp, đã cho những phi cơ vận tải có tầm hoạt động xa của họ bay đi thả dù thực phẩm và đạn dược xuống cho quân Pháp tại Đông Dương.

Đô đốc Mountbatten, Tổng Tư lệnh quân lực Đồng Minh tại Đông Nam Á bị tướng Mỹ Wedemeyer đả kích dữ dội vì đã cho không quân Anh xâm phạm không phận khu vực hành quân của ông ta (theo tài liệu của Phông Sử học của quân đội Mỹ được công bố năm 1960 tại Hoa Thịnh Đốn). Như vậy là giữa thời chiến và giữa các cường quốc Đồng Minh, vẫn có những bất đồng trầm trọng về quan điểm.

Nhờ vào cuộc sưu tầm trong các văn khố được lưu trữ tại Bộ Tư lệnh Không lực Hoa Kỳ, và tại căn cứ không quân Mỹ Maxwell tại tiểu bang Alabama, mà người ta được biết là một số đơn vị không quân Mỹ, bất chấp những lệnh của cấp trên, đã cứu vãn thanh danh quân đội Mỹ bằng những phi vụ yểm trợ quân Pháp đang chống trả cuộc tấn công của quân Nhật...

Như việc các chiến đấu cơ Mỹ Curtiss P.40 và P.51 của phi đội khu trục 51 đã cất cánh bay đi tấn công các vị trí quân sự của Nhật gần Lạng Sơn ngày 13.3.1945, trong khi các vận tải cơ Dakota DC.3 của phi đội vận tải 27 thuộc phi đoàn vận tải hỗn hợp 69 đã thực hiện những phi vụ tiếp tế ở Bắc Việt và Thượng Lào, ở những nơi mà họ phát hiện sự hiện diện của những nhóm quân Pháp đang di chuyển để thoát khỏi sự săn đuổi của quân Nhật.

Chính phủ lâm thời Pháp do tướng De Gaulle lãnh đạo tháng 8.1945, khi được các cường quốc Đồng Minh Anh - Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc buộc phải lựa chọn giữa quân đội Mỹ hoặc Trung Quốc đến Bắc Việt đóng quân và giải giới quân Nhật bại trận, đành phải chọn Trung Quốc thay vì Hoa Kỳ, vì De Gaulle thừa rõ chủ tâm của Hoa Kỳ muốn hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương. Cũng may cho Pháp là Tổng thống Mỹ Roosevelt là người cương quyết nhất trong chủ trương quyết không để cho Pháp quay trở lại cai trị Đông Dương đã chết đột ngột tháng 2.1945, và người thay thế ông giữa nhiệm kỳ là Harry Truman đã tỏ ra uyển chuyển hơn phần nào đối với Pháp.

Số 6.000 binh sĩ Pháp - Việt do tướng Alessanđri chỉ huy thoát được sang lãnh thổ Trung Quốc tháng 5.1945, không nhận được sự trợ giúp lẽ ra phai có của quân đội Mỹ đồng minh đang đóng trên đất Trung Quốc. Họ bị xem như những vị khách không mời mà đến của quân Mỹ đóng tại đây chớ không phải là đồng minh trong cuộc chiến chống kẻ thù chung là quân Nhật.

Các sĩ quan Mỹ được lệnh giải thích thái độ hờ hững của họ đối với các sĩ quan Pháp mới tới:

"Nếu các ông là những người tị nạn, những thương bệnh binh, chúng tôi sẽ làm mọi việc để giúp đỡ các ông. Nhưng nếu các ông tự xem như những chiến binh và nhất là các ông chỉ chịu nhận lệnh của chính những vị Chỉ huy của các ông, thì chúng tôi không thể giúp được gì cho các ông cả".

Sự thật là nếu các thương bệnh binh Pháp được quân Mỹ săn sóc và nếu nặng thì được di tản sang Ấn Độ rồi được hồi hương về Pháp, thì trái lại số hàng ngàn binh sĩ Pháp trong tình trạng có thể tác chiến được lại bị bỏ quên ngay trong việc cung ứng những nhu cầu thiết yếu: thực phẩm, thuốc men, quần áo, và ngay cả súng đạn.

Quân Pháp mới đến phải mua tất cả với giá chợ đen, nghĩa là với giá cắt cổ trong thời chiến. Rất may là trung tướng Sabattier, người đã từng phục vụ nhiều năm tại Trung Quốc với tư cách là tùy viên quân sự Tòa Đại sứ Pháp tại Nam Kinh, nên rất hiểu rõ là người Trung Quốc rất dễ bị mua chuộc bằng tiền hoặc bằng tặng vật, nên trước khi tiến vào lãnh thổ Trung Quốc, ông đã ra lệnh trưng dụng tất cả số tiền Đông Dương tại các kho bạc nhà nước tại Điện Biên Phủ, Lai Châu, Phong Saly và tất cả số thuốc phiện dự trữ tại các sở quan thuế địa phương để có dịp đem ra đổi chác khi sang tới Trung Quốc.

Không kể đến việc phải chi ra những số tiền lớn lao để mua những gì tối cần thiết ngoài thị trường tự do, việc mua bán không hợp pháp này có những rắc rối của nó, như việc mua một chiếc xe Jeep với giá rất cao của một người Trung Quốc "lương thiện" dẫn tới việc M.P (quân cảnh) Mỹ tịch thu viện lẽ chiếc quân xa này là của quân đội Mỹ bị đánh cắp. Nhưng rất may là quân Pháp không bị truy tố về tội đồng lõa hay chứa chấp của gian.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #53 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:07:03 pm »

Mỹ ngăn 6.000 quân Pháp tại Vân Nam trở về Hà Nội

Để mua lòng Tưởng Giới Thạch, Hoa Kỳ giao cho quân đội Trung Quốc được danh dự đem quân vào khu vực Đông Nam Á phía trên vĩ tuyến 16 để giải giới quân Nhật. Cũng chiếu theo quyết định trên, thì theo nguyên tắc, quân đội Trung Quốc cũng được quyền tiến vào Hồng Kông để giải giới quân Nhật tại hòn đảo giàu có và thịnh vượng này. Và thực tế là quân của Tưởng Giới Thạch đã mưu toan làm việc này, nhưng người Anh thừa rõ là họ khó lấy lại chủ quyền tại Hồng Kông nếu quân của họ Tưởng tiến vào trước.

Đô đốc Anh Mountbatten, với lực lượng hải quân hùng hậu sẵn dưới tay, đã nhanh chân hơn cho đổ bộ lên Hồng Kông trước khi quân Trung Quốc kịp tiến vào, và chính quân Anh bắt tay vào nhiệm vụ giải giới quân Nhật đóng tại đây.

Trong những tháng cuối của Đệ nhị thế chiến, người ta ghi nhận một sự bất hòa giữa hai tướng lãnh cao cấp Đồng Minh Anh - Mỹ: đô đốc Anh Mountbatten và đại tướng Mỹ gốc Đức Wedemeyer, ông này tố cáo ông kia xâm phạm tới khu vực thuộc thẩm quyền của mình.
Tưởng Giới Thạch dược sự ủng hộ của tướng Mỹ Wedemeyer, vị tham mưu trưởng của ông ta, đã cực lực phản đối việc Anh vội vã đưa quân chiếm đóng Hồng Kông và tước khí giới quân Nhật, nhưng không đi đến đâu, vì người Anh quyết tái lập chủ quyền của họ tại Hồng Kông, thuộc địa cũ mà họ buộc triều đình nhà Thanh phải nhượng cho họ sau cuộc chiến tranh Nha phiến năm 1841.

Ngay sau ngày Nhật đầu hàng, hai tướng Pháp Sabattier và Alessandri chỉ huy 6.000 quân Pháp - Việt tạm hiện diện trong tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có ý định đưa số quân Pháp này vượt biên giới trở về Bắc Việt để giải phóng số binh sĩ và thường dân Pháp còn bị quản thúc tại Bắc Việt và Thượng Lào. Tuy nhiên, Tưởng Giới Thạch, với sự ủng hộ của đại tướng Mỹ Wedemeyer cực lực chống lại mưu toan này của Pháp.

Chính sách của Mỹ ngăn chặn Pháp tái lập chủ quyền tại Đông Dương còn được thể hiện qua việc không chịu cung cấp tàu bè để chở quân Pháp từ chính quốc và số quân tiền phương của Pháp tại Calcutta (Ấn Độ) sang Sài Gòn, theo chân quân Anh - Ấn đổ bộ lên Nam Việt để giải giới quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16.

Ngày 12.9.1945, 150 binh sĩ Pháp đầu tiên thuộc trung đoàn 5 Bộ binh thuộc địa, theo chân 750 binh sĩ Anh đến được Sài Còn mở đường cho việc tái vũ trang hơn một ngàn binh sĩ Pháp của trung đoàn 11 Bộ binh thuộc địa bị Nhật quản thúc từ ngày 9.3.1945. Các phần tử của hai trung đoàn bộ binh thuộc địa cũ và mới tới, cùng phối hợp bất ngờ đánh chiếm tất cả các công sở và công ốc tại Sài Gòn trong đêm 23.9.1945, mở màn cho cuộc chiến Pháp - Việt 1945 - 1954.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #54 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:07:55 pm »

Những cuộc nhảy dù đầy gian nguy của hai ủy viên Cộng hòa Pháp xuống vùng rừng núi Bắc và Nam Việt nhằm tái lập chủ quyền của Pháp

Trước ngày quân đội Nhật sắp buông súng đầu hàng, các cường quốc đồng minh Anh - Mỹ - Liên Xô quyết định tại hội nghị Potsdam giữa Churchill - Truman - Stalin phân chia Đông Dương thành hai khu vực chiếm đóng cho quân Đồng Minh tiến vào giải giới quân Nhật: Phía Bắc vĩ tuyến 16 được giao cho quân Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch, và phía Nam cho quân đội Anh. Nhưng tướng De Gaulle từ 1944 đã chuẩn bị một lực lượng quân sự trước hết để góp sức với quân Anh - Mỹ tiến đánh quân Nhật sau nữa là để tiếp quản những vùng lãnh thổ thuộc Pháp sau ngày thắng trận trong hiệp ước đình chiến với Nhật.

Lực lượng Pháp này có quân số lúc đầu là 2 sư đoàn được đặt dưới sự chỉ huy của đại tướng Blaizot, rồi sau đó là Leclerc, nhưng vì quân Nhật đầu hàng sớm hơn dự liệu nên lực lượng này không có dịp kịch chiến với quân Nhật để rửa mối hận bị quân Nhật làm cuộc đảo chính quân sự ngày 9.3.1945 đánh tan quân Pháp tại Đông Dương và lật đồ chủ quyền của Pháp tại phần đất thuộc địa này.
Ngay sau khi được tin Nhật đầu hàng, De Gaulle lập tức ra chỉ thị cho những toán sĩ quan Pháp gấp rút nhảy dù xuống lãnh thổ Việt Nam để tái xác nhận chủ quyền của Pháp.

Tin Nhật đầu hàng được loan đi ngày 13.8.1945, thì lập tức Bộ chỉ huy tiền phương Pháp tại Calcutta (Ấn Độ) ngay ngày hôm ấy ra lệnh cho thả dù xuống Việt Nam những nhân viên tình báo của cơ quan D.G.E.R gồm những sĩ quan và những viên tham biện Pháp để bắt liên lạc với những nhóm du kích Việt Minh kháng Nhật tại Bắc Việt và Trung Việt. Trong số này có P.Messmer, được chỉ định vào chức vụ uỷ viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt người tiền nhiệm của J.Sainteny, và đại tá J.Cédile, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt.

Tất cả những nhóm nhảy dù đầu tiên của Pháp xuống Việt Nam tháng 8.1945 đều bị giết, bị những dân quân Việt Nam bắt giữ, hoặc phải lẩn tránh trong vùng rừng rậm. Riêng Messmer và hai người bạn đồng hành bị bắt giam nhưng may mắn trốn được sau một cuộc đào thoát đầy gian lao. Messmer kiệt sức sau cuộc phiên lưu này nên Sainteny được gửi đến Bắc Việt để thay thế.

Một toán biệt kích hải quân Pháp do Blanchar chỉ huy xuất phát ngày 14.8.1945 từ miền Nam Trung Quốc đã đến được Hải Phòng ngày 15.8, đã khôn khéo khuất phục được quân lính Nhật bại trận và sắp sửa ngược dòng Sông Hồng lên Hà Nội, nhưng khúc sông này không lưu thông được, nên đành phải dùng đường bộ. Lần này, Blanchar và 4 người bạn đồng hành bị quân Nhật bắt giữ rồi di chuyển về Hà Nội ngày 22.8.1945.

Ngày 21.8.1945, Sainteny cùng với 4 sĩ quan Pháp sau một chuyến nhảy dù đầy nguy hiểm đã khéo vận động để quá giang được một chuyến phi cơ Dakota của không lực Mỹ để đến được phi trường Gia Lâm cùng với thiếu tá Mỹ gốc Ý Patti, trưởng cơ quan tình báo Mỹ OSS (tiền thân của CIA).

Nhờ khéo ăn nói nên thuyết phục được người Nhật và những nhân vật có thẩm quyền tại Hà Nội, Sainteny và đồng đội được vào cư ngụ bên trong Phủ Toàn quyền Pháp tại Hà Nội, tiếp xúc với các cựu viên chức Pháp, rồi thuyết phục Bộ Tư lệnh Nhật trả tự do cho các tù binh Pháp.

Ngày 27.8.1945, một phái đoàn của ủy ban Giải phóng do đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu đã đến tiếp xúc với Sainteny, và không khí của cuộc hội kiến Pháp - Việt đầu tiên này ngay sau ngày Nhật đầu hàng này tỏ ra khá thân thiện. Nhưng thiếu tá Mỹ Patti và nhóm tình báo OSS lập tức xen vào và cố thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Minh quay lưng lại với người Pháp và hứa ủng hộ tân chính quyền Việt Nam tại Hà Nội. Vì vậy mà Sainteny và bốn cộng sự viên của ông ta bị cô lập trong Dinh Toàn quyền Pháp, dưới sự "bảo vệ " của những lính gác Nhật, mà không còn có thể liên lạc với các lãnh tụ Việt Minh nữa.

Và chỉ vài ngày sau đó, khi tướng Lư Hán, Tư lệnh lực lượng Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) đến Hà Nội để giải giới quân Nhật, việc làm đầu tiên của Lư Hán là trục xuất Sainteny và 4 vị phụ tá ra khỏi Dinh Toàn quyền để chứng tỏ quyền uy tối thượng của ông ta tại Phần lãnh thổ phía Bắc vĩ tuyến 16. Như vậy là nhiệm vụ của Sainteny nhằm tái lập sự hiện diện của người Pháp tại Bắc Việt vấp phải rất nhiều trở lực.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #55 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:09:11 pm »

Sài Gòn tháng 9 năm 1945

Tại Nam Việt, sự tái xuất hiện của người Pháp sau ngày Nhật đầu hàng cũng gặp ít nhiều khó khăn mặc dù được sự trợ giúp của tướng Gracey, tư lệnh quân Anh được chỉ định đến giải giới quân Nhật ở phía Nam vĩ tuyến 16.

Chỉ một tuần lễ sau ngày Nhật buông súng, ngày 22.8.1945, nhà cầm quyền Pháp (De Gaulle) gấp rút can thiệp với người Anh để nhờ một phi cơ vận tải Dakota DC.3 của không quân Anh cho thả dù xuống địa phận tỉnh Tây Ninh một nhóm sĩ quan Pháp dưới sự chỉ huy của đại tá Jean Cédile, một cựu tham biện ngành thuộc địa, đại diện của vị Cao ủy Pháp tại miền Nam Đông Dương.

Bị quân Nhật bắt giữ, Cédile cùng với các chiến hữu bị giải về Sài Gòn và bị cầm giữ trong một ngôi nhà nhỏ trong Dinh Norodom của Phủ Toàn quyền Pháp tại miền Nam Đông Dương. Tuy nhiên, hai ngày sau, người Nhật cho phép Cédile tiếp xúc với những người Pháp tại Sài Gòn. Lập tức, Cédile cùng với những người Pháp kháng chiến lập một ủy ban Thông tin mà mục đích chính là cung cấp cho Cédile những tin tức xác thực về tình hình tại miền Nam vào thời điểm ấy.

Việt Minh vừa thành công trong việc giành lấy chính quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, và một ủy ban Hành chính Nam Bộ đã ra đời tại Sài Gòn, mà người cầm đầu là ông Trần Văn Giàu.

Ngày 27.8.1945, Cédile có một cuộc tiếp xúc đầu tiên với những người cầm đầu ủy ban này là các ông Trần Văn Giàu, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tạo. Cuộc hội kiến này làm thất vọng cả hai phía. Cédile trình cho phía Việt Nam tuyên cáo ngày 24.3.1945 của De Gaulle chỉ dành cho Việt Nam một chế độ tự trị trong Liên bang Đông Dương và trong Liên hiệp Pháp.

Các lãnh tụ Việt Minh chỉ mỉm cười và cho Cédile biết là tuyên ngôn này đã lỗi thời nên không thể dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận giữa hai bên, vì nhân dân Việt Nam đã tiến xa và đã giành được độc lập, nhưng điều này không đòi hỏi một sự đoạn giao với chính phủ Pháp, và Việt Nam vẫn sẵn sàng dành cho Pháp những ưu đãi kinh tế và văn hóa, giúp đỡ những kiều dân Pháp nào muốn rời Việt Nam về nước và đền bù những tài sản của họ sẽ bị quốc hữu hóa sau này. Nhưng điều kiện tiên quyết cho mọi thỏa hiệp là Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Nếu Pháp chấp nhận điều kiện này, Việt Nam sẵn sàng thương thuyết. 

Nhưng Cédile đang bị cô lập, không nhận được những chỉ thị từ Paris, và vẫn sống với sự bảo vệ của người Nhật nên không có thẩm quyền thương thuyết với những đại diện của ủy ban Hành chính Nam Bộ về các vấn đề chính trị, nhất là việc thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.

Ngày 2.9.1945, một cuộc biểu tình vĩ đại được tổ chức cùng lúc tại Hà Nội và Sài Gòn nhân ngày tuyên cáo sự thành lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày này, tại Sài Gòn xảy ra một cuộc xô xát giữa một số người biểu tình với vài phần tử thực dân Pháp.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #56 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:09:19 pm »

Ngày 4.9.1945, nhóm sĩ quan Anh đầu tiên thuộc lực lượng Đồng Minh đến giải giới quân Nhật phía dưới vĩ tuyến 16, đến Sài Gòn do tướng Cracey cầm đầu.

Việc làm đầu tiên của các sĩ quan Anh là cho di tản về nước các tù binh Đồng Minh bị quân Nhật bắt cầm tù trong những tháng đầu của cuộc chiến trên Thái Bình Dương, vì số tù binh này đang trong tình hình trạng sức khỏe suy kiệt sau gần 4 năm bị cầm tù.

Tướng Anh Gracey hống hách cho gọi Thống chế Terauchi, Tổng Tư lệnh quân đội Nhật tại Đông Nam Á, đến khiển trách ông này đã khiếm khuyết trong việc giữ gìn trật tự tại Sài Gòn qua biến cố ngày 2.9.1945. Ông ta ra lệnh cho Thống chế Terauchi tăng cường lực lượng cảnh sát Nhật lên con số 7 tiểu đoàn ngay tại Sài Gòn, để tránh tái diễn những vụ xô xát vừa nêu làm 5 người Pháp thiệt mạng, trong số này có linh mục Tricoire, tuyên úy tại các khám đường.

Ngày 10.9.1945, luật sư Phạm Văn Bạch, một trí thức không đảng phái lên thay thế giáo sư Trần Văn Giàu trong chức vụ Chủ tịch ủy ban Hành chính Nam Bộ.

Từ ngày 12.9.1945, quân Đồng Minh Anh - Ấn lần lượt được gửi đến Sài Gòn qua phi trường Tân Sơn Nhất với nhiệm vụ giải giới quân Nhật. Tháp tùng các toán quân này, có một đại đội Pháp thuộc trung đoàn 5 Bộ binh thuộc địa xuất phát từ Calcutta (Ấn Độ).

Hành động đầu tiên của tướng Gracey là ra lệnh cho Thống chế Nhật Terauchi trao trả số tù binh Đồng Minh Anh, Úc, Hà Lan bị quân Nhật giam giữ từ đầu năm 1942 khi quân Nhật đánh chiếm các thuộc địa của người da trắng tại Đông Nam Á.

Đại tá Cédile, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Việt, núp bóng quân Anh, tìm cách quản lý Dinh Norodom (phủ Toàn quyền) và kéo lá quốc kỳ Pháp lên tại đây, nhưng trước phản ứng quyết liệt của dân chúng Sài Gòn, tướng Anh Gracey bắt buộc Cédile phải cho hạ quốc kỳ Pháp xuống ngay trong ngày hôm ấy.

Nhiệm vụ đầu tiên của Cédile là bảo vệ an ninh cho những kiều dân Pháp và những tri thức Việt Nam thân Pháp để có thể sử dụng họ sau đó, nên gấp rút đưa số người này như bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, bác sĩ Tung vào cư ngụ bên trong thành lính của Trung đoàn II Bộ binh Pháp trên đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn hiện nay). Cédile khẩn khoản yêu cầu tướng Gracey ban hành gấp những biện pháp nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của mấy ngàn kiều dân Pháp đã từng sinh sống tại Sài Gòn ít nhất là trên 5 năm. Nhưng Gracey ngần ngại vì không muốn bị rắc rối về nội tình tại Nam Việt.

Hơn nữa, ngày 19.9.1945, đại tướng Slim, thượng cấp trực tiếp của Gracey, đến Sài Gòn giám sát và chuyển những chỉ thị chính thức của đô đốc Mounbatten, Tổng Tư lệnh quân Đồng Minh tại Đông Nam Á: "Sứ mạng duy nhất: giải giới quân Nhật. Không được để dính líu vào việc gìn giữ trật tự và nội tình chính trị tại Sài Còn". Gracey liền giao cho Bộ Tư lệnh Nhật chịu trách nhiệm duy trì trật tự tại Sài Gòn.

Ngày 22.9.1945, Cédile thuyết phục được Gracey cho tái vũ trang số 1.400 binh sĩ Pháp, cựu tù binh thuộc Trung đoàn II Bộ binh Pháp đang còn bị quân Nhật canh giữ trong thành lính trên đại lộ Norodom. Và số quân lính Pháp này đã rời trại để tỏa đi chiếm đóng các công sở tại Sài Gòn ngày 23.9.1945.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #57 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:10:03 pm »

Tình hình tại Việt Nam ngay sau ngày Nhật đầu hàng quân Đồng Minh. De Gaulle còn cầm quyền tại Pháp trong những tháng đầu của chính phủ cụ Hồ

Cuối năm 1944, khi sự thất trận của trục phát xít Đức – Ý - Nhật hiện rõ ra, tại vùng chiến khu Việt Bắc, lực lượng vũ trang được tổ chức và huấn luyện lúc đầu là Đội Tuyên truyền Giải phóng quân do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Đội quân quy tụ được 700 binh sĩ vào tháng 11.1944, con số này chỉ trong vòng 9 tháng đã tăng lên gấp bảy lần để đạt được con số 5.000 binh sĩ chính quy vào tháng 8.1945 dùng làm nòng cốt cho cuộc tổng khởi nghĩa và giành lấy chính quyền trong tay chính phủ Trần Trọng Kim do người Nhật dựng lên.

Mặt trận Việt Minh do cụ Hồ Chí Minh cầm đầu, lãnh đạo cuộc tổng khởi nghĩa mà không gặp một sự chống đối nào của lực lượng Nhật đang chiếm đóng toàn cõi Đông Dương. Mặt trận Việt Minh trong thời gian đầu đã nhận được sự trợ giúp về vũ khí cũng như về mặt chính trị của những kẻ thù của Nhật lúc bấy giờ là người Mỹ.

Việt Minh có thiết lập quan hệ với cơ quan mật vụ Mỹ O.S.S, tiền thân của C.I.A sau này. Việt Minh cũng có những quan hệ với cơ quan mật vụ Pháp D.G.E.R đặt trụ sở tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam và được đặt dưới sự chỉ huy cua ông Jean Sainteny, ông này sau này là ủy viên cộng hòa Pháp tại Bắc Việt và là người rất có thiện cảm với người Việt Nam. Cơ quan O.S.S phái một đặc phái viên đến Hà Nội cuối tháng 8.1945: thiếu tá Mỹ Patti, một người có đầu óc bài Pháp nên chống lại mưu toan của người Pháp nắm lại quyền hành tại Đông Dương.

Ngày 20.8.1945, trước khi thoái vị từ bỏ ngai vàng, Bảo Đại đã gửi cho tướng De Gaulle, Thủ tướng chính phủ lâm thời Pháp một thông điệp bày tỏ nguyện vọng của nhân dân Việt Nam giành lại độc lập tự do cho đất nước.

Ngày 24.8.1945, tướng De Gaulle gián tiếp đáp lại bức thông điệp của Bảo Đại bằng một cuộc họp báo trong đó ông nói, ông đã trù định dành cho các dân tộc Đông Dương một nền tự trị rộng rãi hơn những gì mà ông đã nêu ra trong tuyên cáo ngày 24.3.1945, chỉ đúng nửa tháng sau ngày Nhật đảo chính lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương. Nhưng De Gaulle đặt điều kiện là Việt Nam phải gia nhập Liên hiệp Pháp.

Lúc bấy giờ dù có trong tay bức thông điệp của Bảo Đại vừa được gửi tới, De Gaulle không tin tưởng Bảo Đại mà tin vào Cựu hoàng Duy Tân, tức Hoàng thân Vĩnh San, người bị Pháp truất phế năm 1916, vì đã lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền thực dân Pháp.
Khi bị lưu đày sang Algérie, vua Duy Tân mới có 16 tuổi. Năm 1942, Hoàng thân Vĩnh San đăng ký gia nhập lực lượng không quân của nước Pháp tự do do De Gaulle lãnh đạo. Tờ báo Pháp "Combat" có tiết lộ trong số phát hành ngày 16.7.1947:

"Hoàng thân Vĩnh San (Duy Tân) đã trình bày những ý nghĩ canh tân của ông với chính phủ De Gaulle, và đã được tướng De Gaulle bật đèn xanh, để vị cựu hoàng này lên phi cơ bay sang Sài Gòn công bố một tuyên cáo chính sách mới của Pháp về Đông Dương. Nhưng chiếc phi cơ chở Vĩnh San đã đâm nhào xuống đất ngày 25.12.1945 kéo theo cái chết của ông và của tất cả những người đi trên phi cơ. Người ta tự hỏi xem đây là tai nạn hay là một âm mưu thủ tiêu một nhân vật đi ngược lại những quyền lợi của phần tử có đầu óc thực dân Pháp".

Chỉ một thời gian ngắn sau cái chết đầy bí ẩn của Cựu hoàng Duy Tân, De Gaulle rời khỏi chính quyền, và các chính quyền kế tiếp tại Pháp quay trở về với đường lối được nêu ra trong tuyên cáo ngày 24.3.1945, nghĩa là đã thụt lùi một bước so với tuyên cáo ngày 24.8.1945 của De Gaulle.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #58 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:11:27 pm »

De Gaulle chờ cho Bắc Việt đau khổ với Lư Hán rồi mới ra tay

Tại hội nghị Potsdam, ngay sau ngày Đức đầu hàng, Truman, Churchill và Stalin đồng ý để cho quân Pháp trở lại Đông Dương thay thế quân Anh và Trung Quốc sau khi quân đội hai cường quốc này hoàn thành sứ mạng tước khí giới quân Nhật bại trận.

Ngày Nhật đầu hàng (15.8.1945), Việt Minh là phong trào chính trị duy nhất có khả năng lấp cái khoảng trống chính trị và quân sự tại Việt Nam. Các lãnh tụ Việt Minh được đào tạo sâu rộng về mặt ý thức hệ để có thể nắm lấy quyền kiểm soát chính trị và quân sự trong nước trước mũi một vài chính đảng quốc gia chỉ lo tranh giành với nhau quyền lãnh đạo mà không đi đến đâu cả. Các chính đảng này hợp tác chặt chẽ với tướng Tiêu Văn, người của Trương Phát Khuê được giao nhiệm vụ làm cố vấn chính trị cho đại tướng Lư Hán.

Một số thành viên của các chính đảng quốc gia tại Trung Quốc gia nhập quân đội Trung Quốc, một số khác thành lập những đơn vị vũ trang được huấn luyện, trang bị và vận quân phục.Trung Quốc. Nhưng không như Việt Minh, các chính đảng này không có những đơn vị vũ trang trên lãnh thổ Bắc Việt, mà chỉ có vài hệ thống săn tìm những tin tức tình báo phối hợp với những mạng lưới săn tin Trung Quốc.

Các lãnh tụ Việt Minh sáng suốt hơn những người cầm đầu các chính đảng quốc gia khi thấy trước là số phận sẽ được định đoạt ngay sau ngày Nhật đầu hàng, tại Việt Nam chớ không phải là trên lãnh thổ Trung Quốc, trong khi các đơn vị vũ trang của các chính đảng khác phạm phải sai lầm là cứ ở lại trên đất Trung Quốc.

Khi Nhật đầu hàng, các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng mới bắt tay vào việc tuyển mộ tân binh, hoặc tìm cách khuyến dụ những lính khố đỏ Việt Nam phục vụ trong lực lượng Pháp - Việt rút sang Trung Quốc sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9.3.1945, số cựu quân nhân này của Pháp đã được huấn luyện và vũ trang nên có thể sử dụng được ngay, nhưng số người này bị bắt buộc theo chân quân Pháp rút sang đất Trung Hoa không có ý thức hệ chính trị và chỉ mong muốn được trở về quê nhà đoàn tụ vơi gia đình, hơn là tiếp tục chiến đấu.

Trong tình thế rối rắm tại Việt Nam sau ngày Nhật đầu hàng, chính phủ Pháp của tướng De Gaulle lúc bấy giờ, nóng lòng muốn tái lập sự hiện diện của Pháp tại Đông Dương và nhất là giải thoát số 30.000 người Pháp dân sự và quân sự, còn đang bị Nhật quản thúc, đã lập tức cho thả dù xuống Nam Việt (gần Tây Ninh) đại tá Cédile, và xuống Bắc Việt ông P.Messmer, để xác định sự hiện diện của Pháp tại Sài Gòn và Hà Nội.

Riêng ông Messmer đã phải bị giữ lại trong vùng kiểm soát của Việt Minh trong nhiều tuần lễ, nên khi được hồi hương vì tình trạng sức khỏe, đã tường trình với chính phủ về sự vững chắc của chính quyền của cụ Hồ và khuyên chính quyền Pháp nên thương thuyết với cụ Hồ, vì một giải pháp hoàn toàn quân sự sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại mà thôi.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #59 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 01:11:35 pm »

Tại Sài Còn, ông Messmer ghi nhận một sự bất đồng căn bản giữa Cao ủy d’Argenlieu và đại tướng Leclerc, trong chính sách cần phải áp dụng đối với Việt Nam, hai nhân vật này đều là những người theo về với De Gaulle ngay từ những ngày đầu. Tướng De Gaulle khi gửi đoàn quân viễn chinh Pháp sang Viễn Đông chỉ trù liệu một thời hạn 12 tháng cho thời gian hoạt động của lực lượng này.

Lúc đầu, những ý định của tướng De Gaulle về Đông Dương là giữ chặt Nam Việt, dựa vào quy chế thuộc địa của Pháp, không như Bắc và Trung Việt nằm dưới chế độ bảo hộ. Sau khi Cựu hoàng Duy Tân tử nạn trên chiếc phi cơ chở ông đâm nhào xuống vùng rừng rậm châu Phi, tướng De Gaulle có căn dặn tướng Leclerc trước giờ ông lên đường sang Sài Gòn nắm quyền chỉ huy đoàn quân viễn chinh Pháp, là trước tiên chỉ tái lập sự hiện diện quân sự và chính trị của Pháp tại Phía Nam vĩ tuyến 16, với sự trợ giúp của quân đội Anh, và De Gaulle chỉ cho phép Leclerc đưa quân ra Hà Nội sau đó, khi ông hội đủ ba điều kiện sau đây:

1. Tình thế đã sáng sủa: quyền hành của chính phủ Cụ Hồ lan rộng khắp Bắc và Trung Việt, và nền độc lập của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng, như ông P.Messmer và ông J.Sainteny đã xác nhận.

2. Dân chúng Bắc và Trung Việt quá chán ngấy và mệt mỏi về sự hiện diện của 250.000 quân Tàu của tướng Lư Hán, qua những hành động vơ vét của cải và những hành động lộng quyền của đoàn quân ô hợp Tàu Tưởng từ tỉnh Vân Nam kéo sang.

3. Một cuộc tiếp xúc thân mật đã được thiết lập giữa cụ Hồ và ông Jean Sainteny, ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Việt. Chính nhờ vào các phúc trình của ông Sainteny mà tướng Leclerc biết được thái độ thiện cảm của cụ Hồ đối với việc quân đội Pháp sẽ hiện diện trở lại tại Bắc Việt trong một thời gian, vì xem đây là một phương tiện để trục xuất số hơn hai mươi vạn quân của tướng Lư Hán ra khỏi lãnh thổ Bắc Việt.

Chính lúc bấy giờ, tướng Leclerc cho rằng đã đến lúc quân đội Pháp có thể đặt chân trở lại miền Bắc Việt Nam mà không phải nổ súng. Người ta không nghĩ là quyết định của Leclerc đưa quân ra Bắc Việt đi ngược lại các lệnh của chính phủ Gouin lúc bấy giờ. (De Gaulle đã rời khỏi chính quyền). Chính phủ Gouin đã chấp thuận những đề nghị của Leclerc, qua sự tường trình của tướng Valluy được Leclerc gửi về Pháp tháng 2.1946 để trình bày kế hoạch của Leclerc đem quân ra Hà Nội thay thế quân của tướng Lư Hán.

Cựu Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moutet có xác nhận với nhà báo G.Chaffard (Moutet từ trần năm 1958) là quyết định đổ bộ quân Pháp lên Hải Phòng tháng 3.1946 đã được chính phủ Pháp chấp thuận theo đề nghị của tướng Leclerc, một người rất bén nhạy biết kịp thời khai thác thời cơ thuận tiện để hành động.

Leclerc xem việc đổ bộ quân Pháp lên Hải Phòng không phải là một cuộc tái chinh phục đất đai, mà là một sự có mặt của quân đội ngoại quốc: quân Nhật và quân Tàu - Tưởng của Lư Hán. Và sau khi hai lực lượng nay rút đi hết, thì người Pháp và người Việt Nam có thể thương thuyết tay đôi với nhau mà không có sự xen lấn của các nước ngoài.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM