Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:46:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76801 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:54:07 pm »

Những sự thật của 5 tháng cầm quyền của Nhật tại Việt Nam năm 1945


Tối ngày 9.3.1945, quân đội Nhật đang chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Việt - Miên - Lào bất ngờ thực hiện cuộc đảo chính quân sự lật đổ bộ máy cai trị của Pháp. Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, phần lớn lực lượng quân sự Pháp bị đánh tan, bị tước khí giới và bị tập trung trong các doanh trại do quân Nhật chỉ định, ngoại trừ độ 6.000 quân Pháp - Việt, sau nhiều tháng chiến đấu gian khổ trong vùng thượng du Bắc Việt đã rút được sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dưới sự chỉ huy của hai tướng Sabattier và Alessandri. Cuộc đảo chính này diễn ra bất ngờ đối với đa số người Việt.

Vào thời điểm này, người Nhật thấy rõ sự thất trận của họ trước các nước Đồng Minh là gần kề nên vì thù ghét người da trắng sắp đánh bại họ, nên muốn gây xáo trộn tình hình tại Đông Dương trước ngày họ buông súng đầu hàng, và họ làm điều này để gây khó khăn cho người Pháp khi Pháp muốn trở lại đặt nền thống trị tại Đông Dương.

Sự thất thế về quân sự khiến người Nhật ngay sau khi xóa bỏ chủ quyền của Pháp không thiết tha thay thế người Pháp để thiết lập bộ máy hành chính tại Việt Nam.

Lập trường củạ phe quân phiệt Nhật là không nên gây xáo trộn tình hình tại Việt Nam để không làm trầm trọng thêm những khó khăn quân sự mà họ đang gặp phải trước sức ép của quân lực Anh - Mỹ.

Hơn nữa, số quan chức dân sự Nhật tại Việt Nam quá ít nên không đủ để thiết lập một bộ máy cai trị trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Qua một tuyên cáo, Bộ Tư lệnh Nhật quyết định lưu lại tại chức tất cả những công chức thừa hành hoặc có tính cách kỹ thuật người Pháp muốn tiếp tục đảm nhiệm những chức vụ công cộng (điện, nước, đê điều, đường sắt địa chính v.v..)

Nhưng chỉ ít lâu sau đó, chính phủ Trần Trọng Kim, dưới áp lực của các công chức Việt Nam, thuyết phục được nhà cầm quyền Nhật từ bỏ việc sử dụng những công chức Pháp. Các trưởng ty Pháp được thay thế bởi những phó ty Việt Nam. Trong các trường học, tiếng Pháp được thay thế bằng quốc ngữ.

Những cán bộ tuyên truyền Nhật và Việt Nam cố gắng hạ uy tín của người Pháp. Những thường dân và cựu viên chức dân sự Pháp bị tập trung trong chu vi các thành phố như Hà Nội, Sài Gòn, Vinh, Huế, Nha Trang, Đà Lạt.

Tất cả những thường dân Pháp tại các tỉnh lân cận phải tập trung về các đô thị trên, nên những người này phải sống chật chội, nhiều gia đình phải sống chung dưới một mái nhà. Những tù binh Pháp bị quân Nhật tập trung trong các thành lính Pháp tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn và tại trại tập trung Hòa Bình, nơi đây đời sống tù binh Pháp rất khắc nghiệt.

Trên lãnh vực chính trị, Thống đốc Minoda thay thế thống đốc Pháp tại Việt Nam. Tại Trung Việt, Đại sứ Yokoyama thay thế tất cả những chức vị của vị khâm sứ Pháp tại Huế. Tại Hà Nội, cũng như tại Sài Gòn, người Nhật tiếp nhận những cơ quan hành chính và các văn phòng của Tòa Khâm sứ và của Phủ Toàn quyền Pháp. Một nhà ngoại giao Nhật, ông Tsukamọto nhận lãnh trọng trách này.

Sở dĩ nhà ngoại giao cao cấp nhất của Nhật, đại sứ Yokoyama đặt trụ sở tại Huế, vì chính phủ Trần Trọng Kim đặt tại đây cùng với sự hiện diện của vua Bảo Đại mà người Nhật muốn giữ lại ở ngôi vua, vì trọng tâm của người Nhật là muốn duy trì "nguyên trạng" để bảo đảm an ninh cho quân đội chiếm đóng Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim sẽ phải tranh đấu ráo riết để người Nhật trao lại quyền hành và đi đến thống nhất đất nước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:55:16 pm »

Bảo Đại dưới họng súng của quân Nhật

Tối ngày 9.3.1945, trong khi quân Nhật bất ngờ tấn công vào thành lính Pháp Mang Cá tại Huế thì một tiểu đoàn khác của Nhật đi lùng kiếm Bảo Đại. Không tìm thấy Bảo Đại trong Thành nội, các đơn vị quân đội Nhật tủa đi lùng sục cho được Bảo Đại, trong khi ông này đang đi săn thú rừng ban đêm cách Huế hàng chục cây số.

Sau đó Bảo Đại kể lại với nhà báo Mỹ Berrier: "Nửa đêm tôi đang đi săn thú hoang dã trong rừng, tôi hoàn toàn bất ngờ khi tiếng súng đảo chính nổ, thì đột nhiên, tôi bị cả một trung đoàn Nhật bao vây giữa rừng. Một viên tướng Nhật tiến đến cho tôi rõ là quân đội Thiên Hoàng đang ra tay xoá bỏ chủ quyền của Pháp và mời tôi cộng tác với người Nhật, nhưng vì trận đánh trong thành phố Huế còn đang tiếp diễn, nên quân Nhật giữ tôi lại suốt đêm trong rừng và phải đợi đến sáng hôm sau mới về đến Thành nội khi tiếng súng đã im".

Sau đó, các quan chức Nhật cho Bảo Đại và các vị cận thần rõ là Nhật quyết định trao trả độc lập cho các dân tộc Đông Dương, giải phóng các quốc gia Đông Nam Á khỏi ách thống trị của người da trắng.

Tối ngày 10.3.1945, đại sứ Nhật Yokoyama đến Điện Kiến Trung để yêu cầu Bảo Đại và các bộ trưởng trong Viện Cơ mật (Hội đồng các bộ trưởng mà Phạm Quỳnh là người cầm đầu), chịu hợp tác ngay với người Nhật trong việc gia nhập Khối Thịnh Vượng chung Đại Đông Á.
Bảo Đại và Phạm Quỳnh không làm cách nào khác hơn là tỏ ra hiểu biết lập trường của người Nhật trước tình thế mới, mặc dù họ thừa rõ là ngày bại trận của Nhật trước các cường quốc Đồng Minh đang đến gần.

Bảo Đại sau khi gửi lời khen ngợi về sự thành công của cuộc đảo chính của quân Nhật vừa qua, tuyên bố là do sự xóa bỏ chủ quyền của Pháp đêm 9.3.1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi được sự đô hộ của Pháp. Trong tình thế này, Bảo Đại sẵn sàng hợp tác với Nhật để củng cố nền độc lập.

Ngay tối hôm ấy, Hội đồng Cơ mật họp nhìn nhận là không thể nào chống trả lại áp lực của Nhật mà không đưa đất nước vào cuộc phiêu lưu và dẫn tới việc người Nhật hoàn toàn nắm quyền lãnh đạo quốc gia Việt Nam.

Ngày 11.3.1945, một tuyên cáo của Hoàng đế Bảo Đại có cả chữ ký của tất cả thành viên của Viện Cơ mật công nhận cuộc đảo chính thành công của Nhật.

Nội dung tuyên cáo trên như sau:

Xét qua tình hình thế giới và đặc biệt là của Á Châu, chính phủ Việt Nam công khai tuyên cáo là kề từ hôm nay, các hiệp ước bảo hộ ký với Pháp bị xé bỏ và quốc gia Việt Nam lấy lại quyền độc lập.

Nước Việt Nam sẽ cố gắng, bằng những phương tiện của chính mình, tự phát triển để xứng đáng trở thành một quốc gia độc lập, sẽ tuân theo những chỉ thị trong bản Tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, và tự xem mình như một phần tử của ĐẠi Đông Á, để đóng góp những tài nguyên của mình cho nền thịnh vượng chung. Chính Phủ Việt Nam đặt lòng tin vào sự trung thực của Nhật và quyết tâm hợp tác với Nhật hầu đạt được mục đích nêu trên. 

Khâm thử.

Bảo Đại

Huế, ngày 27 tháng giêng năm Bảo Đại thứ 20 (11.3.1945) 

Toàn bộ các thành viên trong Viện Cơ mật đồng ký tên:
Nội vụ (Lại bộ Thương thư): Phạm Quỳnh
Tài chính Thượng thư: Hồ Đắc Khải
Nghi lễ Thượng thư: Ưng Hy
Tư pháp: Bùi Bằng Đoàn 
Giáo dục: Trần Thành Đạt
Kinh tế: Trương Như Định
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:56:11 pm »

Chính phủ Trần Trọng Kim mất 40 ngày mới được trình diện

Nhà cầm quyền Nhật không phải chỉ hạn chế các hoạt động tại Huế, nơi đặt trụ sở của chính phủ Trần Trọng Kim và của vua Bảo Đại, mà ngay từ ngày 12.3.1945, các báo Việt ngữ phát hành trở lại tại Hà Nội, những người của Kempetai (hiến binh Nhật) được gài vào ban biên tập các báo để chỉ đạo các nhà báo Việt viết những bài đả kích thực dân Pháp. Báo chí tại Sài Gòn và Huế chỉ vài ngày sau cũng theo con đường này. 

Việc thành lập một chính phủ quốc gia thân Nhật được đặt ra ngay cho Bảo Đại, vì Phạm Quỳnh là một nhân vật không được lòng dân nên không thể lãnh đạo một tân chính phủ thích ứng với tình thế mới, nên Bảo Đại phải cần đến một nhân vật mới.

Ngày 19.3.1945; theo lời phát biểu của Bảo Đại, Phạm Quỳnh và toàn bộ nội các từ chức tập thể. Việc thành lập tân nội các bước đầu tỏ ra khó khăn. Bảo Đại mất nhiều thì giờ để tham khảo ý kiến về việc chỉ định một nhân vật mới đứng ra thành lập chính phủ mới.

Tên Ngô Đình Diệm có được nhắc đến vì là nhân vật có đầu óc cái cách năm 1933 khi ông đề nghị với Bảo Đại thi hành những cải cách trong bộ máy nhà nước, nhưng Bảo Đại không chấp nhận.

Hơn một tháng trôi qua mà tân nội các cũng chưa được trình diện khiến dân chúng sốt ruột. Sau cùng, ngày 17.4.1945, Bảo Đại giao cho giáo sư Trần Trọng Kim, một người được Nhật ủng hộ và lúc bấy giờ đang sống lưu vong tại Singapour, nhiệm vụ trở về nước đề thành lập chính phủ mới. Ông này được biết đến do những lập trường quốc gia và công lao của ông trong việc truyền bá Quốc ngữ, và những quyển sách giáo dục của ông. Bị mật vụ của Toàn quyền Decoux theo dõi, ông nhờ người Nhật bảo vệ và đưa sang Thái Lan rồi Singapour tị nạn.

Chính phủ Trần Trọng Kim gồm toàn những nhân vật đại khoa bảng, những nhà khoa học nổi tiếng và gần như tất cả đều được đào tạo trong các trường đại học Pháp. Những người này không có tư tưởng bài Pháp, nhưng là những người yêu nước. Bảo Đại ngay khi họ sắp nhận chức, đã cảnh giác là họ gia nhập một nội các chuyển tiếp và tạm thời, vì Nhật chắc chắn sẽ phải đầu hàng trong một thời gian gần.

Nội các này sở dĩ được thành lập là để tránh cho người Nhật trực tiếp cai trị đất nước mình. Họ cũng thấy trước là sau ngày Đồng Minh thắng trận, quân đội Pháp rất có thể sẽ quay trở lại, nên họ muốn đặt người Pháp trước một sự đã rồi. Việt Nam đã độc lập và người Pháp phải có cách đối xử khác với người Việt.

Ngày 23.5.1945, một cải cách về thuế má được ban hành. Những người vô sản từ đây được miễn đóng thuế thân cũng như những công nhân viên chức có số thu nhập dưới một trăm đồng một tháng. Tuy nhiên, chính phủ Trần Trọng Kim vấp phải hai trở lực: sự non nớt, sự ấu trĩ chính trị của dân chúng và sự giám sát theo dõi của người Nhật qua sự hiện diện của quân chiếm đóng Nhật trên lãnh thổ Việt Nam.

Sự tồn tại của chính phủ Trần Trọng Kim chỉ kéo dài có bốn tháng trước khi trao quyền lại cho chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hạ tuần tháng 8.1945, sau ngày Nhật đầu hàng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:56:59 pm »

SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA 20.000 QUÂN PHÁP CHỐNG CUỘC ĐẢO CHÍNH CỦA NHẬT

Số phận của 6.000 quân Pháp thoát được sang Vân Nam Trung Quốc

Trong cuộc chiến ngắn ngủi chỉ kéo dài hơn hai tháng giữa quân Pháp và quân Nhật từ ngày 9.3.1945 đến cuối tháng 4.1945 tại Đông Dương ngay sau ngày người Nhật bất ngờ dùng vũ lực lật đổ chính quyền Pháp ngày 9.3.1945, quân Pháp vì kém quân số và súng đạn, cũng đã chống cự quyết liệt nên đã có 250 sĩ quan tử trận, cùng với 900 hạ sĩ quan và binh sĩ da trắng bỏ mình, không kể số bị thương cùng với hàng trăm binh sĩ người bản xứ phục vụ trong quân đội Pháp tại Đông Dương.

Tại Nam Việt, các binh sĩ của trung đoàn 11 bộ binh thuộc địa Pháp (11.E R.I.C) đã chống trả dữ dội, thiếu tá Mollard, chỉ huy một tiểu đoàn của Trung đoàn 11 bộ binh Pháp đã tử trận cùng với thiếu tá Langelier Bellevue, Chỉ huy một tiểu đoàn lính bản xứ. 

Tại Cần Thơ, một tiểu đoàn lính bản xứ đã chiến đấu ác liệt với quân Nhật, thiếu tá tiểu đoàn trưởng đã tử trận. Tại Kompongcham, đại úy quân y Grinda đã gục chết khi đang nã đạn đại liên vào quân Nhật.

Tại Hà Nội, binh lính Pháp vẫn can đảm chống trả cho đến khi cạn hết đạn dược, khiến quân Nhật kính nể và dành cho tướng Pháp giữ thành Massimi và các binh sĩ của ông những đặc ân của những quân nhân bại trận và đầu hàng trong danh dự. Chỉ riêng tại Hà Nội, người Nhật nhìn nhận họ có độ 400 binh sĩ tử trận.

Những cuộc chạm súng ác liệt cũng đã diễn ra tại Hải Phòng, và tại Vinh (Nghệ An). Tại đây, thiếu tá Disseul tử trận. Tại Huế, trung tá Martin bỏ mình. Nhiều toán quân Pháp rút sâu vào dãy núi Trường Sơn và trong vùng rừng rậm Thượng Lào, Hạ Lào để ẩn náu cho tới ngày quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh mấy tháng sau.

Riêng hai tướng Pháp Sabattier và Alessandri, bị đại quân Nhật săn đuổi ráo riết đến phải kiệt sức không thể bám vào lãnh thổ Đông Dương. càng lâu càng tốt theo lệnh của tướng De Gaulle, nên từ Phong Sa Lỳ vượt biên giới Thượng Lào sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, kéo theo một đoàn quân dài 40 cây số, gồm hơn 6.000 binh sĩ, trong số có 320 sĩ quan Pháp, 2.150 binh sĩ da trắng và 3.200 lính gốc Việt và Lào do sĩ quan Pháp chỉ huy.

Nhờ đã phục vụ nhiều năm tại Trung Quốc trong thập niên 30 nên tướng Sabattier rất hiểu rõ tâm trạng người Hoa. Khi dừng quân tại các tỉnh miền thượng du Bắc Việt và Thượng Lào, ông cho lệnh tịch thu số á phiện và tiền giấy do Ngân hàng Đông Dương phát hành, để dùng làm lợi khí hòng mua chuộc và đổi chác với những người có thế lực trong tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi 6.000 quân do ông chỉ huy đầu tiên tiến vào lãnh thổ Trung Quốc. Sabattier thừa rõ tính thực dụng và hám lợi của một bộ phận khá lớn người Trung Quốc, đặc biệt là thói quen nhận hối lộ của các quan chức người Hoa.

Tỉnh Vân Nam là một đơn vị hành chính tự trị, không chịu thần phục chính quyền trung ương của Tưởng Giới Thạch. Người nắm quyền tại Vân Nam là tướng Long Vân trên danh nghĩa, nhưng người có thực quyền là tướng Lư Hán, một lãnh chúa người gốc thiểu số Lolo, lúc bấy giờ đang nắm trong tay lực lượng quân sự. Vài tháng sau Lư Hán được Tưởng Giới Thạch dùng kế điệu hổ ly sơn, đưa quân sang Bắc Việt và Thượng Lào tước khí giới quân Nhật bại trận, để họ Tưởng nhân cơ hội đó đưa quân chính quy vào Vân Nam lấy lại quyền kiểm soát cho chính phủ trung ương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:58:08 pm »

Tướng Pháp Sabattier mang theo hàng tấn á phiện sang Trung Quốc để hối lộ
.

Trong gần ba tháng cố giữ lại một phần đất trên lãnh thổ Đông Dương theo chỉ thị của tướng De Gaulle, trung tướng Sabattier chỉ còn sử dụng một số ít phi cơ của không quân Pháp tại Đông Dương cho việc liên lạc, tiếp tế, di tản thương binh giữa các phi trường nhỏ trên vùng thượng du Bắc Việt.

Ngay sau lễ Toussaint tháng 11.1944, một số phi công Pháp tự động, qua mặt thượng cấp, lén lái phi cơ bay sang Vân Nam gia nhập lực lượng kháng chiến của De Gaulle để trở lại chiến trường công khai chiến đấu chống Đức và Nhật, trong hàng ngũ của không lực Đồng Minh. Một số phi cơ này bị hư hỏng khi đáp xuống các phi trường tạm bợ trong tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Trong thời gian cố trụ lại trong vùng rừng núi, Bắc Việt và Thượng Lào, Sabattier được các phi công Anh - Mỹ từ Trung Quốc và Miến Điện bay sang tiếp tế và liên lạc tại các phi trường Điện Biên Phủ, Phong Saly, Tuyên Quang, phi trường Lạng Sơn rơi vào tay quân Nhật ngay trong ngày đầu 9.3.1945.

Ngoài những chuyến bay liên lạc, tiếp tế và thả dù, không quân Mỹ đặt căn cứ trong tỉnh Vân Nam hoàn toàn không có cố gắng nào để yểm trợ quân Pháp trong các cuộc chạm súng với quân Nhật trên đường triệt thoái sang lãnh thổ Trung Quốc. Trong thâm tâm chính quyền Mỹ, đặc biệt là Tồng thống Roosevelt không muốn Pháp trở lại cai trị Đông Dương, sau ngày Đồng Minh đánh bại Nhật.

Trong số 30.000 quân Pháp và quân bản xứ tại Bắc Việt ngày Nhật đảo chính, trong số này có 6.300 binh sĩ, thoát được vòng vây của quân Nhật đề tập hợp lại trong tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Thị trấn Trung Quốc đầu tiên mà đại quân Pháp thất trận tiến vào là Sze-mao. Trên đường di chuyển, quân Pháp gặp những toán lính địa phương võ trang cưỡi lừa. Khi gần tới Sze Mao, quân Pháp bị một tốp sĩ quan người Vân Nam chặn lại và buộc quân Pháp nếu muốn vào thị trấn thì phải giao vũ khí lại cho họ giữ giùm, vì nếu mang súng vào thành phố thì sẽ bị tiếp đón bằng súng.

Tướng Sabattier đã từng sống lâu năm tại Trung Quốc nên hiểu rõ người Trung Quốc, ông biết lợi dụng sự ngần ngại của họ. Tướng Sabattier liền thay đổi thái độ, nghiêm mặt nói với vị sĩ quan chỉ huy, trong khi tay ông vớ lấy khẩu súng trường trong tay một lính Pháp: "Như vậy là có đánh nhau thôi. Tôi có 10.000 quân sau lưng tôi".

Trước thái độ cương quyết của tướng Sabattier, vị sĩ quan Trung Quốc nhượng bộ và để quân Pháp tiến vào thị trấn. Người địa phương không muốn thấy quân Pháp hiện diện quá đông trong thị trấn vì lo sợ phi cơ Nhật trông thấy sẽ bay đến ném bom.

Tướng Sabattier trấn an họ là tại Bắc Việt, tất cả phi cơ Nhật đều bị không quân Mỹ tiêu hủy hết rồi, điều này cũng đúng thôi, vì lúc bấy giờ các hạm đội Mỹ đã cắt đứt các đường tiếp viện bằng đường biên từ chính quốc Nhật, và ngay cả số phi cơ Nhật còn lại tại Nhật cũng còn rất ít nhiên liệu đề thực hiện những phi vụ.

Trong các cuộc giao tiếp với các giới chức Trung Quốc, tướng Sabattier thỉnh thoảng tặng người có cấp bậc cao nhất một món quà nhỏ để gây cảm tình.

Tướng Sabattier thừa rõ nếp sống, văn hóa và thói quen dùng thuốc phiện của người Trung Quốc nhưng trên nguyên tắc bị trừng trị gắt gao trong tất ca các tỉnh đặt dưới sự kiểm soát của Tưởng Giới Thạch, nhưng ông cũng rõ là người dân Trung Quốc hút thuốc phiện khắp nơi, ngay cả tướng Long Vân, thống đốc tỉnh Vân Nam.

Trong thập niên 30, khi có dịp đi qua các tỉnh miền Nam Trung Quốc, Sabattier đã từng ngắm nhìn thấy những vườn cây thầu để nấu thành thuốc phiện, trải dài hàng chục cây số dọc hai bên đường, và ông cũng từng chứng kiến việc hành quyết 5 tội phạm ghiền á phiện bị bắt tại trận đang dùng thuốc phiện, nên ông ý thức được nền tư pháp lỏng lẻo của chế độ Tưởng Giới Thạch.

Trong tình thế khó khăn khi phải sống nương tựa trên đất Trung Quốc, tướng Sabattier phải dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích với số hàng tấn á phiện mà ông trưng dụng tại thị trấn Phong Saly tại Lào để mang theo sang Trung Quốc. Dĩ nhiên quân Pháp không để cho nhà chức trách Trung Quốc khám xét, tịch thu số thuốc phiện này.

Vấn đề trước tiên được đặt ra cho hai tướng Sabattier và Alessandri là tìm đủ lương thực cho độ sáu ngàn miệng ăn đang bị thiếu dinh dưỡng sau hai tháng vừa chiến đấu vừa vượt suối băng ngàn từ 1.200 đến 1.400 cây số đi bộ. Những binh sĩ Pháp sụt cân từ 7 đến 12 kí lô. Trong khi chờ đợi được căn cứ Mỹ tại Trung Quốc trang bị lại, tướng Sabattier tạm thời dùng số á phiện và tiến giấy Đông Dương Ngân hàng để mua trên chợ đen áo quần giày vớ lấy cắp từ các kho quân nhu của quân đội Mỹ.

Một ủy ban y tế Mỹ được gửi tới để quan sát tình trạng sức khỏe của số binh sĩ Pháp đã vào được lãnh thổ Trung Quốc. Sau đợt khám nghiệm đầu tiên, 300 binh sĩ Pháp bị xét thấy không còn đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ, được tập trung lại và cho di tản bằng phi cơ Mỹ sang trại Chabua ở Ấn Độ để được chữa trị rồi hồi hương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:59:01 pm »

Mỹ dùng số sĩ quan Pháp để huấn luyện binh sĩ Trung Quốc

Vừa sang lãnh thổ Trung Quốc, tướng Sabattier yêu cầu được đại tướng Wedemeyer, Tổng Tư lệnh Mỹ tại Trung Quốc, tiếp kiến để xin được giúp đỡ. Vị tướng Mỹ gốc Đức này chỉ được phục vụ trong cuộc chiến chống Nhật, cũng như những sĩ quan hay lính Mỹ gốc Nhật thì được Bộ Quốc phòng Mỹ gửi sang chiến trường Âu Châu chống Đức. 

Đại tướng Wedemeyer cũng là tham mưu trưởng của Tưởng Giới Thạch có trách nhiệm thành lập và huấn luyện một số sư đoàn Trung Quốc theo tiêu chuẩn mới để chống lại quân Nhật. ông bày tỏ nỗi thất vọng của ông đối với người Trung Quốc, và ông nghĩ là người Anh không làm được gì hơn ông khi đào tạo những sư đoàn lính Trung Quốc để chống lại quân Nhật tại Miến Điện.

Đề cập đến tương lai của số 6.000 quân Pháp - Việt rút sang Trung Quốc, tướng Wedemeyer tỏ ra hào hiệp trên lãnh vực trợ giúp nhân đạo (săn sóc những thương bệnh binh thuốc men), nhưng tỏ ra lúng túng về những gì còn lại như cung cấp vũ khí, đạn dược, quân trang quân xa.

Nhận thấy tỷ lệ khá lớn sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp trong đoàn quân từ Đông Dương kéo sang, tướng Mỹ đưa ra ý kiến dùng số quân nhân chuyên nghiệp vào việc huấn luyện những tân binh Trung Quốc. Tướng Sabattier đáp là ông không thấy có gì trở ngại trong việc thực hiện kế hoạch này, với điều kiện là số sĩ quan Pháp được sử dụng vào việc này không quá lớn đến nỗi làm suy yếu các đơn vị Pháp, và số quân nhân đi lãnh nhiệm vụ mới phải được làm việc không quá cách xa các đơn vị gốc của họ để có thể tập hợp trở lại khi phải thi hành những nhiệm vụ chiến đấu.

Sabattier cũng thấy có điểm lợi trong vấn đề này, là một ngày nào đó, Pháp cũng phải chấp nhận cho một số đơn vị Trung Quốc tiến vào Bắc Việt để giải giới quân Nhật, thì tốt hơn là được thấy trong số này có những đơn vị Trung Quốc do sĩ quan Pháp huấn luyện hay do những sĩ quan Pháp chỉ huy.

Nhưng điểm mà Wedemeyer quan tâm nhất là được thấy sự hợp tác chặt chẽ của Pháp trong lãnh vực tình báo, thu thập những tin tức về các hoạt động quân sự của Nhật trên lãnh thổ Đông Dương.

Sau đó một thỏa hiệp đã đạt được giữa hai chính phủ Đồng Minh Pháp - Mỹ, theo đó toàn bộ số 6.000 quân Pháp Việt đang hiện diện trên lãnh thổ Trung Quốc được đặt dưới quyền sử dụng của đại tướng Mỹ Wedemeyer, tham mưu trưởng của Tưởng Giới Thạch.

Riêng tại chi khu Cao Bằng, thiếu tá Reul chỉ huy 600 binh sĩ trong số có 100 người Pháp đã phải gặp rất nhiều khó khăn để cố trụ lại trên một phần nhỏ lãnh thổ Bắc Việt vì phải canh chừng những hoạt động thiếu thân thiện của người Hoa và người Mỹ, và sự tập kích quấy nhiễu của các toán vũ trang Việt Minh hoạt động trong vùng Cao Bằng, Bắc Cạn.

Trước hai mối đe dọa cùng lúc - người Nhật và Việt Minh, đầu năm 1945, Giám đốc Sở Mật thám Pháp tại  Bắc Việt, ông Faugères tìm cách tiếp xúc với các cán bộ Việt Minh để thuyết phục những người này đừng mắc mưu người Nhật, vì quân phiệt Nhật có đầu óc đế quốc còn hơn những người da trắng. Người Pháp sau đó nhận thức là Việt Nam chống cả Nhật lẫn Pháp để đem lại độc lập tự do cho tổ quốc.

Tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp và hiến binh Nhật bắt được chính mật thám Faugères và ông Obrecht, trưởng phòng thí nghiệm Sở Mật thám Pháp và tra tấn tàn nhẫn hai người này. Riêng Obrecth đã trút hơi thở cuối cùng sau những đòn tra tấn kinh khủng của hiến binh Nhật, để tìm bắt thêm những gián điệp Pháp liên lạc với cơ quan tình báo Mỹ O.S.S. tiền thân của C.I.A. Luật sư Lê Văn Kim dường như cũng làm gián điệp cho Mỹ, và khi bị Nhật phát hiện, đã tự sát trước khi hiến binh xông vào bắt ông. Đám tang của luật sư có sự đưa tiễn của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, người đã từng tập sự trong văn phòng của luật sư Kim.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 04:00:54 pm »

Cuộc đào thoát của đoàn quân Alessandri sang Trung Quốc

Trung tướng Pháp Maurice Alessandri, cựu tư lệnh Pháp tại Bắc Việt 1948-1950 và có thời gian từng đảm nhiệm chức Quyền tổng tư lệnh Lục quân Pháp tại Đông Dương, là người đã để lại nhiều ấn tượng cho người dân miền Bắc từ 1941 đến 1950. Vóc người bé nhỏ và là người gốc đảo Corse, Alessandri là vị tướng có nhiều kinh nghiệm nhất trên chiến trường Việt Nam vì đã từng chỉ huy nhiều đơn vị tác chiến trong suốt một thập kỷ trên chiến trường Việt Bắc và Thượng Lào.

Nhưng ông đã trải qua bao vinh quang và tủi nhục. Thành tích sáng chói nhất của ông là "đoàn quân Alessandri". Sự việc này xảy ra vào những tháng cuối cùng của Đệ nhị thế chiến, ngay sau cuộc đảo chính quân sự ngày 9.3.1945 của quân Nhật lật đổ chủ quyền của Pháp tại Đông Dương.

Tháng 3.1945, tướng Alessandri đang chỉ huy lữ đoàn Sông Hồng Hà đặt chỉ huy sở tại căn cứ Tong (ở Sơn Tây), nơi trồng nhiều thông, người Pháp đọc thành “tong", một căn cứ quan trọng của Pháp gần Hà Nội. Nơi đây có Trường đào tạo sĩ quan bản xứ mà một số tướng lĩnh như Lê Văn Tỵ, Dương Văn Minh theo học. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trường này được tiếp quản và đổi thành Trường sĩ quan Trần Quốc Tuấn.

Đầu năm 1945, Alessandri biết trước là quân Nhật sắp đánh úp quân Pháp, trong khi cấp trên của ông ta không mấy tin vào việc này. Hơn nữa, theo lệnh của Bộ Tổng tư lệnh, các vị trí quân sự Pháp chỉ phải chiến đấu tại chỗ cho đến khi kiệt sức. Nhưng Alessandri quyết không tuân theo lệnh trên và đã thảo ra kế hoạch đưa cả cánh quân của ống chiến đấu lưu động để tìm cách rút sang Trung Quốc bằng những con đường được vạch ra trong rừng núi Bắc Việt và Thượng Lào.

Ngày 9.3.1945, trong khi các cánh quân Pháp bị quân Nhật bất ngờ tấn công bao vây rồi tiêu diệt lần lượt hoặc bắt cầm tù, thì Alessandri theo kế hoạch đã thảo sẵn, đã ra lệnh cho hàng ngàn quân Pháp dưới quyền ông ta gấp rút lên đường qua các đường mòn đã được nghiên cứu tỉ mỉ.

Alessanđri ra lệnh phá hủy tất cả các quân dụng, súng hạng nặng, vì ông chỉ cần đến những khinh quân có thể đi bộ hàng ngàn cây số trong rừng rậm, vừa đi vừa chiến đấu liên tục trong một thời gian dài.

Mờ sáng 10 3.1945, sau những tiếng nổ dữ dội, do công binh Pháp cho phá hủy tất cả để tránh bị rơi vào tay quân Nhật, căn cứ Tong chỉ còn lại những đổ nát, hàng ngàn quân Pháp bắt đầu gấp rút lên đường trong trật tự và bình tĩnh.

Ngay trong lúc đầu, đoàn quân này suýt bị hủy diệt, vì quân Nhật đã có kế hoạch tấn công căn cứ Tong, trại quân Pháp này bốn bề bị bao vây bởi các sông ngòi nhất là hai con sông Đà và sông Hồng. Mối hy vọng sau cùng là bến phà Trung Hạ trên bờ sông Đà rộng 300 mét với dòng nước mạnh như thác lũ. Rất may là quân Nhật chưa kịp đến địa điểm này để dựng lên nút chặn đường triệt thoái của quân Pháp.

Không thể lội qua sông, và bến này thường chỉ có hai chiếc phà. Vì bị tận dụng quá mức, một chiếc đã bị chìm. Trên chiếc còn lại, quân Lê dương dùng dầm bơi qua sông, và cần phải nhanh lên vì quân Nhật đang tiến đến gần. Khi đoàn quân Alessandri sang được bờ sông bên kia, thì trước mắt là núi rừng trùng điệp. Quân của Alessandri phải lội bộ băng rừng từ ngày 17.3.1945 đến 2.5.1945 mới sang được lãnh thổ Trung Quốc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 04:01:08 pm »

Quân Pháp đi trước quân Nhật 50 cây số, nhưng khoảng cách này được rút ngắn dần và cánh tiền phương đuổi kịp quân Pháp nên những cuộc chạm súng ác liệt diễn ra. Cánh quân Pháp đi sau cố chặn đứng quân Nhật để đại quân Pháp kịp thoát ra khỏi tầm trọng pháo của Nhật.

Alessandri chia đoàn quân của ông thành hai cánh thay phiên nhau, một ngăn chặn trong khi cánh kia thoát đi, trong một cuộc điều động nhịp nhàng để không có một lỗ trống nào cho quân Nhật thâm nhập vào nhằm cắt đứt quân Pháp thành nhiều đoạn.

Nhưng lối hành quân này đòi hỏi các binh sĩ phải tuân theo một kỷ luật thật chặt chẽ và nặng nhọc khi mà đa số họ đã "kiệt quệ". Tất cả những bệnh nhiệt đới làm họ kiệt sức, như bệnh sốt rét rừng, kiết lỵ khi mà đoàn quân Pháp không có được những bộ phận y tế được trang bị đầy đủ, chỉ có vài bác sĩ thiếu thuốc men. Họ phải ăn tất cả những gì kiếm được: gạo nếp, thịt trâu cả thịt thú vật đã chết. Một số binh sĩ thể chất yếu kiệt sức vì bệnh, ngã gục và không còn sức để tiến bước, người ta phải dìu họ lê bước, khiêng đi và sau cùng đành bỏ họ lại bên đường để làm mồi cho thú dữ khi đêm xuống, tình đồng đội phải dẹp qua một bên để cứu sống những người còn lại.

Đoạn kết thật là bi thảm. Đại quân Pháp còn phải  yểm trợ cho hai tiểu đoàn bạn đang chịu áp lực nặng của địch tại Phong Saly và Long Tu tại Thượng Lào. Quân Pháp phải tiết kiệm tối đa số đạn dược còn lại, các máy vô tuyến điện đa số đã bị hỏng. Sau cùng, sau 53 ngày đêm, đoàn quân Alessandri cũng vượt được biên giới sang lãnh thổ Trung Quốc, và cuộc săn đuổi của quân Nhật chấm dứt.

Alessandri thiệt mất một nửa quân số. Những kẻ sống sót chỉ còn là những bộ xương người, áo quần tả tơi. Tướng Alessandri không còn nhận ra chính mình khi nhìn vào gương, ông sụt mất gần hai chục ký lô và chỉ còn cân nặng không đầy 50 ký lô, râu ria lởm chởm như người rừng.

Khi đặt chân lên đất Trung Quốc, đoàn quân Pháp của Alessandri bị xem như những kẻ không mời mà đến, những người thừa, gây khó chịu, đó là thời điểm mà Tổng thống Mỹ Roosevelt ghét bỏ người Pháp và dự tính trao Đông Dương cho Tưởng Giới Thạch quản lý. Nhưng Alessandri đã nhiều kinh nghiệm sống với người Trung Quốc và thừa hiểu là với những người Tàu, người ta khéo mua chuộc là có được tất cả.

Đầu tiên, quân Pháp tiến vào thị trấn ở vùng đèo heo hút gió trên đất Trung Quốc gần Biên giới Việt Trung. Viên phó quận trưởng tiến tới nói với tướng Alessandri: "Chúng tôi đến giải giới các anh”. Alessandri lạnh lùng đáp: "Các anh thử làm việc này thì biết liền".

Nhưng trước đó khi đi ngang qua các vùng Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Alessandri đã khôn ngoan tịch thu hàng trăm kí lô á phiện của ty công quản và nhiều bó tiền Đông Dương tại các kho bạc nhà nước. Đây là vũ khí đắc lực để mua chuộc nhà chức trách Trung Quốc cho phép đoàn quân Pháp tự do được mang vũ khí theo người trên đường tiến thẳng đến Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, nơi đặt Bộ Tổng Tư lệnh quân Mỹ của đại tướng Mỹ Wedemeyer, cố vấn quân sự tối cao của Tưởng Giới Thạch.

Để đến được Côn Minh, quân của Alessandri phải đi bộ thêm hàng trăm cây số, họ tiến vào đây với vẻ mặt hốc hác, ốm đói, quân phục rách nát, giữa đám quân nhân Mỹ đang có một nếp sống sung túc.

Sự tiếp đón của các đồng minh Mỹ - Trung thật là ghẻ lạnh. Tướng Wedemeyer giao cho cơ quan quân nhu Trung Quốc chăm sóc đoàn quân Pháp bại trận này, nhưng bộ phận này tỏ ra hoàn toàn vô trách nhiệm. Rất may, Trung Quốc vẫn là Trung Quốc với thói tham nhũng thường tình của họ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 04:01:17 pm »

Với số tiền của Ngân hàng Đông Dương và số thuốc phiện mang theo, Alessandri dễ dàng mua chuộc được tất cả những viên chức Trung Quốc, mua được đủ loại thực phẩm đóng hộp dành cho quân nhân Mỹ, những dược phẩm tốt đánh cắp trong các kho quân nhu Mỹ cùng với các trung liên Mỹ và quân phục Mỹ còn mới tinh rồi cho sửa lại theo kiểu quân phục của quân đội Pháp.

Chỉ sau vài tuần lễ, Alessandri đã trang bị được cho số hàng mấy ngàn quân của ông một cách chỉnh tề. Vài tháng sau, khi quân Nhật buông súng đầu hàng Đồng Minh, Alessandri với số mấy ngàn quân được trang bị đầy đủ đang có mặt trong tỉnh Vân Nam, được De Gaulle xem như là một lợi khí, trong khi đại quân Pháp chưa tới kịp Đông Dương, nên được Cao ủy D'Argenlieu, người thay thế Toàn quyền Decoux, trọng dụng.

Trong khi các tướng lãnh Pháp khác từng phục vụ dưới quyền Decoux bị thanh lọc gắt gao, bị tống về Pháp và một số lớn bị truy tố ra Tòa án binh vì tội đã hợp tác với Pétain, và với người Nhật, thì Alessandri được cấp lãnh đạo Pháp mới tại Đông Dương thừa nhận như là một "chuyên gia" về châu Á, và được giao phó thi hành những sứ mạng quan trọng trong những tháng đầu quân Pháp trở lại Đông Dương.

Từ cấp thiếu tướng trước ngày Nhật đầu hàng, Alessandri được De Gaulle thăng cấp trung tướng nhờ cứu thoát được gần 6.000 quân Pháp và lính khố đỏ thoát khỏi móng vuốt của quân Nhật. Sau đó ông ta được bổ nhiệm vào chức tổng tư lệnh quân Pháp đồn trú tại Trung Quốc, đại diện của Pháp tại Bắc Việt rồi tạm giữ chức Toàn quyền Đông Dương, trưởng phái đoàn Pháp trong Hội nghị Pháp Việt họp tại Đà Lạt lần thứ nhì. Alessandri được đặt ngang hàng với tất cả những nhân vật lãnh đạo tại châu Á. Alessandri lúc bấy giờ nghĩ là định mệnh đã dành sẵn cho ông ta một vai trò lãnh đạo vượt bậc.

Nhưng đáng thương cho Alessandri. Chỉ vài tháng sau, ông ta rơi xuống vực sâu. Một ngày nọ, cấp lãnh đạo Pháp mới nhận thấy không cần đến ông ta nữa tại Đông Dương, ông ta trở thành một trái chanh bị vắt hết nước. Họ gửi trả ông về Pháp, tại đây, ông không có được sự ủng hộ của những chính khách có thế lực.

Trong suốt một năm dài, Alessandri tới lui các bộ trong chính phủ Pháp để vận động cho ông ta được gửi trở lại để ông có thể khai thác những kinh nghiệm sống mà ông đã thu thập được tại phần đất thuộc địa cũ của Pháp này.

Năm 1950, Cao ủy Pignon đưa trở lại Đông Dương những cựu tham biện trong bộ máy cai trị cũ của Pháp tại Đông Dương, nên cần đến sự hợp tác của một tướng lãnh cũ đã từng hợp tác với Pignon tại Trung Quốc năm 1945, khi Pignon là cố vấn chính trị của trung tướng Sabattier, thượng cấp trực tiếp của Alessandri tại Bắc Việt và tại Vân Nam.

Được sự ủng hộ của Pignon, Alessandri được giao nhiệm vụ bình định tại Bắc Việt, vùng lãnh thổ ông ta từng quản trị trước ngày Nhật đảo chính Pháp. Sau vài thành công ban đầu, Alessandri rước lấy thảm bại trong chiến dịch trên Quốc lộ 4 ở biên giới Việt Trung, tháng 10.1950, khi Alessandri cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu hai cánh quân của hai đại tá Le Page và Charton khỏi bị hoàn toàn tiêu diệt trong chiến thắng lớn vang dội của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhằm giải phóng toàn bộ khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam giáp ranh với lãnh thổ Trung Quốc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2009, 12:58:48 pm »

THỜI KỲ TRANH TỐI - TRANH SÁNG TẠI VIỆT NAM SAU NGÀY NHẬT ĐẦU HÀNG

Thái độ bè phái của De Gaulle có lợi cho cuộc tranh đấu giành độc lập của cách mạng Việt Nam

Năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng ra đời và dần dần thu hút được một số thành phần yêu nước, để đến tháng 2.1930 có đủ lực lượng phát động một cuộc nổi dậy tại Yên Bái và gây ra những biến động tại một số tỉnh Bắc Việt. Thực dân Pháp đàn áp dữ dội phong trào này.

Cũng trong năm 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập ra mắt tại Hồng Kông, và ngay trong năm 1930, khai thác một tình hình kinh tế khó khăn tại Nghệ An và Hà Tĩnh đã dấy động được những cuộc biểu tình rộng lớn trong hai năm 1930- 1931.

Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời tại Tân Trào (Tuyên Quang) dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ Chí Minh, tên mới của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ thời điểm này.

Tháng 9.1940, lợi dụng sự thất trận của Pháp tại chính quốc, Nhật đưa quân vào Đông Dương. Trung Hoa đã lâm chiến từ ngày 7.7.1937 với Nhật nên tỏ ra bực dọc khi thấy quân Nhật hiện diện ở biên giới Hoa - Việt.

Thống chế Trương Phát Khuê, chuyên viên binh chủng thiết giáp trong quân đội Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch lúc bấy giờ là Tư lệnh Quân khu 4, giáp ranh với vùng Đông Bắc Bắc Việt, khuyến khích sự ra đời một tổ chức chính trị Việt Nam mang tên "Đồng minh hội" mà ông ta giật dây. Sau đó, vị thống chế Trung Quốc này yểm trợ cho sự thành lập tại Liên Châu trên lãnh thổ Trung Quốc một chính phủ lâm thời Cộng hòa Việt Nam.

Nhân danh Mặt trận Việt Minh, cụ Hồ Chí Minh nhận lãnh trách vụ lãnh đạo trực tiếp cuộc chiến chống thực dân Pháp và quân phiệt Nhật tại Bắc Việt.

Mùa thu 1944, cụ Hồ và tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy 700 chiến binh tiến vào chiến khu Bắc Việt, cách Hà Nội độ 200 cây số về phía Bắc. Quân đội Pháp tại Bắc Việt dưới sự chỉ huy của trung tướng Sabattier đang chuẩn bị tấn công vào lực lượng của Việt Minh vừa được thành lập này, thì xảy ra cuộc đảo chính của Nhật nên cuộc hành quân tiễu trừ đành bị bỏ dở.

Sau biến cố ngày 9.3.1945, 30.000 người Pháp, gồm dân và quân tại Đông Dương bị người Nhật giam lỏng trong các khu vực bị kiểm soát, ngoại trừ số 6.000 quân Việt - Pháp thoát khỏi vòng vây của Nhật lánh được sang Trung Quốc và tập hợp tại đây với sự trợ giúp hời hợt của quân Mỹ tại Trung Quốc.

Để lấp vào cái khoản trống chính trị do sự sụp đổ của chính quyền Pháp tại Đông Dương, người Nhật mặc dù đã thấy trước sự thất trận gần kề của họ, có ý định gây khó khăn cho bọn người da trắng sắp đánh bại họ, bằng cách làm rối tung tình hình tại Đông Dương với việc gấp rút ra tuyên cáo ngày 11.3.1945 trao trả độc lập cho 3 quốc gia Đông Dương. Nhật vẫn cho duy trì 3 vị vua truyền thống, với ba vị thủ tướng thân Nhật: Trần Trọng Kim (Việt Nam), Sơn Ngọc Thành (Campuchia), Tiao Phetsarath (Lào).

Chế độ độc lập theo kiểu Nhật này chỉ kéo dài vỏn vẹn 5 tháng, vì Nhật đầu hàng Đồng Minh ngày 15.8.1945, và quyết tâm xóa bàn cờ tại Đông Dương trước sự mâu thuẫn trong quyền lợi của những cường quốc Đồng Minh thắng trận.  

Tại Sài Gòn, trong vòng 15 ngày sau lời kêu gọi quân Nhật buông súng đầu hàng vô điều kiện của Nhật Hoàng, người Nhật cho ta cái cảm tưởng họ vừa bị trúng một đòn chí tử khiến họ dường như bị lâm vào trạng thái ngây dại. Nhật Hoàng bảo với họ là chiến tranh đã kết thúc, và các cường quốc Đồng Minh đã chiến thắng. Họ cũng hiểu là phải buông súng và đã đến lượt họ phải trở thành tù binh.

Trong cơn bại trận, người Nhật đã chứng tỏ một tinh thần tôn trọng kỷ luật cao độ. Không có nổi loạn. Một sự kiên nhẫn không lay chuyển, như là Trời vừa sụp đè lên đầu họ. Rồi họ sực nhớ là người Pháp tượng trưng của một nền văn minh lâu đời và dễ thương.

Nhiều người Nhật nghĩ là Pháp do đứng trong hàng ngũ những nước thắng trận, sẽ lập lại tình hình tại Đông Dương, và trong khi chờ đợi những lệnh theo chiều hướng này từ phía các nước Đồng Minh, nhiều người Nhật có đầu óc tương đối ôn hòa bày tỏ ý muốn làm thân với những người Pháp mà mới ngày hôm qua còn bị họ quản thúc.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM