Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 11:04:42 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76994 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #30 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:15:17 pm »

Decoux nhắc lại với Matsumoto tính chất của những quyền hạn đặc biệt mà chính phủ Pétain đã dành cho ông trước ngày bị giải tán vào lúc đoàn quân của tướng Leclerc sắp tiến vào giải phóng Paris. Decoux còn nhấn mạnh:

- “Dựa vào những quyền hành mà tôi thừa hưởng từ chính quyền hợp pháp của Thống chế Pétain, tôi đảm nhận chức vụ Toàn quyền, với sự cố vấn và góp ý của Hội đồng Đông Dương".

Matsumoto nói với Decoux:

- “Chính phủ chúng tôi cũng lo ngại về một số lời tuyên bố của tướng De Gaulle liên quan tới Đông Dương như: Tướng De Gaulle gần đây có bày tỏ hy vọng được sớm thấy Đông Dương trở về với các quốc gia trong Cộng đồng Pháp".

Decoux đáp:

- "Một lời tuyên bố như vậy không có gì là lạ tai cả .

Matsumoto lại nói tiếp:

- "Tướng De Gaulle còn loan báo gần đây, qua một tuyên cáo, là nước Pháp có ý định dành cho các dân tộc Việt - Miên - Lào một quy chế tự do hơn!”

Decoux liền chứng tỏ cho Matsumoto là lời hứa này của De Gaulle phù hợp với chính sách của ông ta theo đuổi tại Đông Dương để thích hợp với sự diễn tiến của tình thế.

Vị đại sứ Nhật tỏ ra hơi lúng túng và tìm cách kéo dài thời gian. Ông ta nhìn đồng hồ luôn để chờ đến đúng giờ phút đã được định trước để lật ngửa con bài khi sắp đến 19 giờ tối. Matsumoto nghiêm mặt nói:

- “Cuộc chiến tại Đại Đông Á vừa đi vào một giai đoạn quyết định và cực kỳ nghiêm trọng khiến chính phủ Tokyo rất lo ngại. Một cuộc đổ bộ của quân Mỹ lên bờ biển Việt Nam có thể đến bất cứ ngày nào. Như vậy là cần phải siết chặt sự hợp tác giữa nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương và Nhật.”

Đồng hồ gõ 19 giờ: Matsumoto không còn úp mở nữa và dõng dạc nói:

- “Tôi đã nhận được những chỉ thị dứt khoát và rõ rệt của chính phủ chúng tôi: Khẩn cấp củng cố các thỏa hiệp phòng thủ chung giữa Pháp và Nhật...!.”

Decoux liền trả lời vị Đại sứ Nhật là không nên trông vào ông để đi theo con đường này, vì những thỏa hiệp đã có từ 4 năm trước nhưng chưa bao giờ được thi hành, và hai Bộ Tư lệnh Pháp và Nhật chưa bao giờ cùng nhau nghiên cứu những thể thức để thi hành các thỏa hiệp này. Decoux nói thêm:

- “Trong tình hình hiện nay của cuộc chiến trên Thái Bình Dương, theo ý tôi, những bản văn các thỏa hiệp này cứ để yên như cũ, và tôi không chấp nhận một sự thay đổi nào trong các thỏa hiệp này".

Đến lúc ấy, Matsumôtô không còn phải dè dặt lời nói nữa, mà nói thẳng là Bộ Tư lệnh Thiên Hoàng không chấp nhận quan điểm của Decoux. Kế đó, ông móc trong túi ra một bản ghi nhớ mà ông đọc ngay rồi trao lại cho Decoux.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #31 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:16:52 pm »

Nội dung tối hậu thư 


Nhìn qua sự diễn tiến của tình hình chung, và đặc biệt qua các cuộc tấn công dồn dập của không quân Mỹ xuống lãnh thổ Đông Dương, và với khả năng của một cuộc xâm chiếm sắp tới của địch quân, chính phủ Nhật quyết tâm bảo v Đông Dương đến cùng, và chiếu theo tinh thần của thỏa hiệp phòng thủ chung Pháp - Nhật, khẩn thiết yêu cầu ông Toàn quyền Đông Dương chứng tỏ ý chí bảo vệ Đông Dương, bằng sự hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Nhật, chống lại cuộc xâm chiếm có khả năng sắp diễn ra của lực lượng Anh - Mỹ và chấp thuận những điều khoản sau đây:

a. Trong tình thế hiện nay, hải - lục - không quân và cảnh sát vũ trang Đông Dương được đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của quân đội Nhật, các lực lượng Pháp phải hoàn toàn tuân thủ sự điều khiển của quân đội Nhật, về mặt tổ chức, bố trí và điều động binh sĩ. Ngoài ra, tất cả vũ khí, quân trang, đường sắt, các phương tiện thủy vận, các đường giao thông trong nước và với nước ngoài, và toàn bộ những gì cần thiết cho các cuộc hành quân, phải thật sự được đặt dưới sự điều hành của quân đội Nhật.

b. Tất cả những cán bộ viên chức trong bộ máy hành chính Đông Dương phải lập tức và hoàn toàn tuân theo những yêu cầu được nêu trên của Nhật".

Một văn thư phụ nêu rõ là sự chấp thuận tất cả những yêu sách trên phải được chuyền cho phía Nhật trước 21 giờ cùng ngày nghĩa là Decoux chỉ có một thời hạn vỏn vẹn chưa đầy 2 tiếng đồng hồ để chấp nhận hay không những điều kiện nhục nhã, tương đương với một sự đầu hàng vô điều kiện trước họng súng của người Nhật, điều mà một vị tướng cao cấp như Decoux không thể nào làm được.

Trong giây phút cực kỳ nghiêm trọng này, Decoux không biết làm gì khác hơn là kéo dài thời gian để kịp báo động cho hai tướng Mordant và Aymé tại Hà Nội, tướng Delsuc tại Sài Gòn để đề phòng một cuộc tấn công bất ngờ của quân Nhật, Đô đốc Tư lệnh hải quân Pháp cũng được triệu tập. Tất cả những người Pháp từ lâu đã được thông báo về những cuộc điều động quân bất thường của quân Nhật và tất cả ở vào vị trí chiến đấu. Ông cố vấn ngoại giao De Boisanger cũng được gửi đến để tham dự những giây phút chót của cuộc đối thoại lịch sử này.

Decoux đưa ra những lời phản đối cương quyết với Matsumoto về nội dung của tối hậu thư này, cũng như về thời hạn chỉ có hai giờ để phúc đáp về những yêu sách không thể chấp thuận được. Decoux cố giải thích:

- “Tôi không thể phúc đáp về việc quân Pháp đặt dưới sự chỉ huy thống nhất của người Nhật mà trước đó không bàn bạc với các tướng lãnh Pháp".

- “Nhưng ông được toàn quyền từ Quốc trưởng Pétain, Matsumoto nói, ông có thể lập tức chấp thuận".

- “Những quyền hạn đặc biệt mà tôi nhận được do tình thế bắt buộc, cũng không cho phép tôi khỏi phải tham khảo các tướng lãnh Pháp, khi mà trách nhiệm của họ được đặt ra. Nhưng dù có hay không những đặc quyền này, tôi cũng không bao giờ ký vào một tài liệu chà đạp lên danh dự của tôi cũng như của quân lực Pháp”.

- “Những điều kiện chúng tôi đưa ra không phải là một tối hậu thư, Matsumoto tìm cách cãi bướng. Trong tình thế nghiêm trọng, việc thiết lập Bộ Chỉ huy thống nhất giữa các nước đồng minh là bình thường."

- “Bộ chỉ huy thống nhất luôn được thực hiện một cách tự do giữa các bên trong tình đồng chí, chớ không phải với sự đe dọa dùng vũ lực, và đây không phải là trường hợp cho Đông Dương và Nhật...".

Đến lúc bấy giờ, Matsumoto mới thực sự đưa ra lời đe dọa:

- “Tôi nhắc cho ông rõ là đến 21 giờ mà Bộ Tư lệnh Nhật không nhận được lời phúc đáp, thì quân đội Nhật bắt buộc phải bất ngờ ra tay... Vậy ông có nghĩ đến số phận của 40.000 người Pháp đang sinh sống tại Đông Dương không?”

- “Có phải ngài đại sứ muốn nói là những hành động bạo lực sẽ nhắm vào những người Pháp tại Đông Dương? Decoux hỏi lại. Và nếu như vậy thì chính phủ Nhật và Bộ Tư lệnh Nhật sẽ hoàn toàn nhận lãnh trách nhiệm không phải chỉ trước Đông Dương và Pháp, mà còn trước toàn thế giới...".

Matsumoto không nói lời nào.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #32 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:17:00 pm »

Khi vị đại sứ Nhật đến trao cho Toàn quyền Pháp một bức thư đã soạn sẵn ghi rõ sự chấp thuận hoàn toàn bản tóm tắt, và yêu cầu Decoux ký vào và gửi trả về cho ông trước 21 giờ, Decoux liền trả lại cho Matsumoto, và nói với ông này là ông ta không giữ bản dự thảo chấp thuận lại làm gì, vì ông không bao giờ nghĩ đến việc đưa ra một chữ ký gây tổn thương nặng cho danh dự của ông.

Ông cố vấn ngoại giao lúc bấy giờ mới xen vào và tìm cách kéo dài thêm thời gian, vì 2 giờ là quá ngắn để tìm ra một giải pháp cho một vấn đề quan yếu như vậy. Matsumoto quay sang nói với De Boisanger là không thể kéo dài thời hạn 2 giờ.

Nhận thấy tình thế đã đi vào bế tắc, Decoux nghiêm mặt nói với Matsumoto:

- “Người Nhật đến Đông Dương cách đây gần 5 năm, với lời cam kết là sẽ tôn trọng chủ quyền của Pháp. Nhật Hoàng đích thân đưa ra lời bảo đảm long trọng cho sự cam kết này. Khi mà cuộc chiến trên Thái Bình Lương đã ở vào tình trạng hiện nay, thật là một sự điên rồ và một tội ác nếu chính phủ Nhật qua một hành động nghiêm trọng, phá vỡ một cán cân thăng bằng đã được duy trì khó khăn trong nhiều năm qua. Chúng tôi đã cố gắng tối đa để giữ cho các quan hệ Pháp - Nhật một sắc thái có thể chấp nhận được. Nếu quân đội Thiên Hoàng dùng vũ lực để làm một cuộc đảo chính, họ sẽ tự làm mất danh dự của họ. Bộ Tư lệnh Nhật cũng sẽ chia sẻ sự đánh mất danh dự mình. Dù sao, thì một hành động như vậy sẽ đánh dấu sự cáo chung của tình thân hữu Pháp - Nhật" .

Đại sứ Matsumoto không có phản ứng, nhưng ông quyết nài ép Decoux nên phúc đáp chấp thuận các đòi hỏi của Nhật, và còn đề nghị ở lại dinh Norodom cho tới 21 giờ tối đêm ấy, lúc hết hạn trả lời.

Decoux không chấp nhận đề nghị này và đã phải rất khó khăn mới mời được Matsumoto ra về sau khi bảo đảm với ông này là phúc thư sẽ được một sĩ quan Pháp mang đến trao cho đại sứ Nhật đúng lúc 21 giờ. 

Trước khi Matsumoto ra về, Decoux yêu cầu ông này ra lệnh lập tức cho rút cánh quân Nhật mà ông vừa loan báo cho Decoux biết là đã được bố trí bên ngoài cổng dinh Norodom, lấy cớ là để bảo đảm an ninh cho Decoux và cho vị sĩ quan liên lạc Pháp sẽ mang phúc thư đến Tòa Đại sứ Nhật.

Để kết thúc câu chuyện nóng bỏng này, Decoux tóm tắt với Matsumoto những điểm chính trong quyết định của ông như sau:

- Toàn quyền Pháp tại Đông Dương sẽ chỉ có thể trả lời những yêu sách của Nhật sau khi thảo luận với Bộ Tổng chỉ huy quân sự Pháp.

- Toàn quyền Pháp sẵn sàng tiếp tục cuộc nói chuyện với Trưởng Phái bộ Ngoại giao Nhật, và vị đại tướng Tổng chỉ huy Pháp cũng sẽ thảo luận với vị Tổng Tư lệnh Nhật, ngay sau khi nắm được những dữ kiện của vấn đề.

- Trong trường hợp Nhật dùng đến vũ lực, người Pháp đã được lệnh chống trả.

Lúc 20 giờ 15, khi vị Đại sứ Nhật rời Dinh Norodom, Decoux tìm cách kéo dài thời gian, và ông chưa hết hy vọng có thể, một lần nữa thuyết phục người Nhật chấp thuận một sự dàn xếp không quá tai hại cho Pháp.

Tuy nhiên thời gian cứ trôi đi dường như nhanh hơn. Một sự im lặng rùng rợn bao phủ dinh Norodom. Lá cờ tam sắc sáng mai có còn được kéo từ cột cờ ngoài sân Dinh Norodom nữa không? .

Với sự góp ý của các cố vấn chính trị và quân sự, Decoux lập tức thảo phúc thư bác bỏ các đòi hỏi quá đáng của Nhật, nhưng vẫn mở rộng cửa để một cuộc thương thuyết ngay sau đó.

Phúc thư này kết luận bằng cách bảo đảm với Đại sứ Matsumoto là trừ phi quân đội Nhật dùng vũ lực trước, quân Pháp sẽ không có một hành động thù nghịch nào chống lại quân Nhật.

Cùng lúc (20 giờ 45), Decoux được tin là dinh Norodom đã bị quân Nhật bao vây chặt từ bốn phía, và tất cả những con lộ dẫn vào Sài Gòn đã bị những toán quân Nhật hùng hậu khóa chặt, nhiều người Pháp đã bị bắt giữ và hành hung tại nhiều địa điểm trong thành phố và ở ngoại ô.

Khi đại tá Robin mang phúc thư đến trao cho Matsumoto lúc 21 giờ, ông ta xem xong và cho đây là một sự bác bỏ tối hậu thư của Nhật. 15 phút sau, quân Nhật tràn vào dinh bắt giữ Decoux và các cộng sự viên. Tiếng súng nổ khắp nơi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #33 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:17:46 pm »

Cuộc đảo chính quân sự đêm 9.3.1945 lật đổ chủ quyền Pháp tại Việt Nam
.

Khi quân Nhật bao vây rồi xông vào dinh Toàn quyền Pháp tại Sài Gòn lúc 21 giờ 15, ngày 9.3.1945 để bắt giữ Toàn quyền Decoux và các tướng lãnh đô đốc Pháp đang tụ họp chung quanh ông, thì khắp nơi trong thành phố Sài Gòn, tiếng súng các loại nổ rộ lên, gây nhiều thương vong cho cả đôi bên.

Đặc biệt là tại thành lính của Trung đoàn Bộ binh Thuộc địa II ở ngã tư đường Lê Quản và Đinh Tiên Hoàng hiện nay, vì quân Pháp tại đây đã biết trước nên cố gắng chống cự trước khi bị quân Nhật tràn ngập nhờ số đông.

Dân chúng Sài Còn, một số can đảm đi ra đường để theo dõi cuộc chiến diễn ra ngay trong thành phố. Một số người Việt thân Nhật lúc bấy giờ mới xuất hiện công khai để hợp tác với quân Nhật.

Sức đề kháng của quân Pháp tại Nam Việt không mạnh vì những đại đơn vị chủ lực của Pháp đóng tại Bắc Việt để bảo vệ biên giới Việt - Trung, điểm nóng và có tính chiến lược. Như đơn vị hùng mạnh nhất của Pháp là Trung đoàn 5 bộ binh Lê dương được bố trí chung quanh tỉnh Thái Nguyên.

Riêng lực lượng hải quân Pháp tỏ ra tương đối mạnh hơn ở miền Bắc, với soái hạm Lamotte Picquet, tuần dương hạm 7.000 tấn, với những dàn đại bác 155 ly và 120 ly, cùng với các pháo hạm Charner, La Marne, Tahure, những chiến hạm này đã từng bất ngờ tấn công diệt hạm đội Thái Lan, mờ sáng ngày 17.1.1941 trong cuộc chiến ngắn ngủi Pháp - Thái Lan 1940-1941.

Ngay sau khi hay tin quân Nhật nổ súng đêm 9.3.1945, các chiến hạm Pháp này tìm cách chạy thoát ra biển gia nhập hạm đội Mỹ đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam, nhưng bị phi cơ Nhật đuổi theo tấn công và gây tổn thất nặng khiến vị hạm trưởng của soái hạm Lamotte Picquet cho lệnh tự đánh đắm tàu gần Cồn Phụng (Tiền Giang) để chiến hạm khỏi rơi vào tay quân Nhật. Thủy thủ đoàn tàu này lội vào phía bờ phà Rạch Miễu, rồi leo lên bờ dùng mọi phương tiện thoát về tỉnh lỵ Bến Tre trốn tránh một thời gian trước khi bị quân Nhật đuổi bắt về làm tù binh.

Tại Bắc Việt, sức chống trả của quân Pháp tương đối mạnh vì được chuẩn bị khá chu đáo, dưới sự chỉ huy của trung tướng Sabattier, Tư lệnh Pháp tại Bắc Việt, ông này cho bố trí các toán quân Pháp trong tư thế sẵn sàng để đương đầu với một cuộc tấn công bất ngờ của quân Nhật, và các cơ quan tình báo Pháp theo dõi chặt chẽ các cuộc điều động của địch...

Cuối tháng 2.1945, tướng Sabattier gửi một công văn đến tất cả những đại tá chỉ huy các trung đoàn là phải cẩn mật đề phòng sao cho các lá cờ hiệu của trung đoàn không được rơi với bất cứ giá nào vào tay quân Nhật.

Đầu tháng 3.1945, Pháp được tin mật là hiến binh Nhật đã nói riêng với những người Việt cộng tác với họ là người Nhật sẽ ra tay lật đổ chính quyền Pháp trước khi kết thúc những ngày nghỉ Tết Ất Dậu 1945, trước ngày 10.2.

Các phần tử của sư đoàn 37 bộ binh Nhật đóng chung quanh Hà Nội để mắt đến các nhà ở của các sĩ quan Pháp, mở những cuộc tập dượt với những chiếc thang và những sợi dây thừng, lập khắp nơi những kho nhỏ chứa vũ khí, phân phát súng ống cho những người Việt thân Nhật, và những cuộc thực tập tác chiến thường về đêm trên các đường phố cho những phần tử thân Nhật

Một bức điện của vị chỉ huy quân sự Pháp khu vực Cao Bằng cho biết là hai Hoa kiều tại đây tiết lộ là trong vài ngày tới, quân Nhật sẽ giải giới toàn bộ lực lượng quân sự Pháp tại Đông Dương và xóa bỏ chủ quyền Pháp tại phần đất này.

Trước những cuộc điều động quân đội Nhật bất thường và có tính bao vây các vị trí đóng quân của Pháp, Decoux phải phản đối nhưng Bộ Tư lệnh Nhật luôn biện minh là tình hình chiến sự tại Thái Bình Dương càng ngày càng trầm trọng cho Nhật, nên cần phải có những biện pháp quân sự thích nghi để đối phó với mọi tình huống.

Trước mối đe dọa này, Bộ Tư lệnh Pháp phải thực hiện việc bố trí lại các đơn vị quân đội để thoát khỏi các gọng kìm đang tìm cách siết chặt chung quanh các nơi đóng quân của Pháp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #34 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:18:49 pm »

Các cuộc chuẩn bị của hai bên trước giờ đảo chính 9.3.1945


Lúc 17 giờ ngày 8.3.1945, ông Bonfils, Chính văn phòng Tòa Khâm sứ tại Hà Nội chuyển đến Bộ Tư lệnh Pháp tại Bắc Việt những tin tức tình báo có tính cách báo động: ông giám đốc Sở Mật thám Hà Nội cho là phải quan tâm đặc biệt đến những thông tin về một hành động vũ lực của Nhật chống lại nhà cầm quyền Pháp trên khắp Đông Dương có thể diễn trong đêm tối ngày hôm nay 8.3 hoặc tối mai 9 rạng 10.3, với việc bất ngờ bao vây và bắt giữ Toàn quyền Decoux và các tướng lãnh Pháp, tiếp liền sau đó là ra tuyên cáo về một nền độc lập cho Việt - Miên - Lào song song với việc thành lập các chính phủ bản xứ mà những người cầm đầu đã được người Nhật chọn sẵn mà không gây mấy xáo trộn lớn.

Nhật vẫn duy trì ba vị vua tại Huế, Phnom-penh và Luang-prabang, phân phát thực phẩm và đạn dược cho quân Nhật đóng tại hội chợ, cho mua gom tất cả những đèn pin tại các tiệm buôn Hà Nội, tập trung những thường dân Nhật rồi đưa họ tránh xa các đồn lính Pháp v.v...

Nguồn tin này cho biết là gần đây, các điệp viên theo dõi sát các di chuyển của tướng Mordant, người thật sự có nhiều quyền hành còn hơn Toàn quyền Decoux, vì là người được De Gaulle tín nhiệm và có thực quyền.

Buổi sáng cùng ngày, những gia đình người Nhật cư ngụ gần thành lính Pháp lớn nhất tại Hà Nội đã di chuyển xuống Hà Đông, lấy cớ là để tránh các cuộc dội bom của phi cơ Mỹ.

Ngay sau khi nhận được các nguồn tin này, trung tướng Sabattier ra lệnh tập dượt báo động toàn bộ, tuyên bố "tình trạng khẩn trương".

Cũng tối ngày 8.3.1945, ông khâm sứ tại Hà Nội đánh điện báo động đến các vị Công sứ Pháp tại các tỉnh. Đến 20 giờ, thành lính Pháp tại Hà Nội đã ở vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, tướng Sabattier rời Hà Nội lúc 20 giờ cùng với Bộ Tham mưu dã chiến để hướng về Tong, nơi có trường võ bị đào tạo các chuẩn úy Việt Nam (tướng Dương Văn Minh và một số tướng lãnh đồng khóa khác, đã từng theo học tại trường này).

Tại đây, các toán quân Pháp đang có cuộc tập trận về đêm dưới sự chỉ huy của tướng Alessandri. Hai tướng Sabattier và Alessandri thức suốt đêm ấy, đi lại hồi hộp trông chờ một biến cố nhưng rồi chưa có gì xảy ra trong đêm ấy. Alessandri lo ngại không giữ được lâu phi trường quân sự Tong, vì lực lượng tại đây quá mỏng so tới số quân Nhật đóng chung quanh, nên Sabattier cho phép tướng Alessandri được phép rút đi để bảo toàn lực lượng.

Sáng sớm ngày 9.3.1945, Sabattier gửi đến tướng Massimi chỉ huy biệt khu Hà Nội lệnh duy trì tình trạng báo động tại thành lính Hà Nội trong đêm 9.3. Liền sau dó, Sabattier di chuyển đến Phủ Doãn, rồi vượt qua một đồn quân sự để đến Việt Trì, tại đây ông thảo luận với vị đại tá chỉ huy Trung đoàn 5 Lê dương, đơn vị thiện chiến nhất Đông Dương. Vị đại tá này, mặc dù đã được biết trước tình hình nóng bỏng, rất tiếc đã để cho quân Nhật bất ngờ bắt sống ngay đêm ấy và còn tịch thu được lá cờ hiệu của trung đoàn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #35 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:18:56 pm »

Lúc 21 giờ 30, bức điện "địch tấn công bất ngờ" từ thành lính Hà Nội đánh đi khắp nơi. Trung tướng Sabattier, Tư lệnh miền Bắc, theo kế hoạch đã soạn sẵn, ra lệnh chuyển đạn dược, quân cụ lên xe vận tải để lên đường từ Phủ Doãn lên Yên Bái, tại đây có một đồn binh Pháp rồi từ đây vượt qua hữu ngạn sông Hồng. Sabattier lần lượt mất liên lạc với một số đơn vị bạn.

Sáng ngày 10.3, có xướng ngôn viên người Pháp, dưới sự bắt ép của người Nhật, nghẹn ngào đọc trong nước mắt bản văn thông cáo của nhà cầm quyền quân sự Nhật loan báo cuộc đảo chính quân sự xóa bỏ chủ quyền của Pháp, đưa ra những lời giải thích và quyết định trao trả độc lập cho Việt - Miên - Lào.

Hành động quân sự Nhật diễn ra trên khắp lãnh thổ Đông Dương, và đây không phải chỉ là một vụ va chạm địa phương hay một sự hiểu lầm, như Decoux và đại tướng Mordant nghĩ.

Người Nhật thừa rõ tướng Mordant được De Gaulle giao cho nhiệm vụ lãnh đạo Lực lượng Kháng chiến chống Nhật, vậy mà ngày 10.3, khi biết mình không thể thoát được vòng vây của quân Nhật, nên từ tư dinh thông báo cho các sĩ quan Nhật đến bắt ông đem đi, các sĩ quan Nhật không có ý định chặt đầu đại tướng Mordant như họ đã làm khi dùng kiếm chặt đầu tướng Lemonnier, chỉ huy phân khu Lạng Sơn vì ông này không chịu ra lệnh cho binh sĩ của ông buông súng đầu hàng mà cứ tiếp tục chống trả gây nhiều thương vong cho quân Nhật. Đại tướng Aymé, chỉ huy toàn bộ quân đội Pháp tại Đông Dương, cũng ngồi trong văn phòng của ông để chờ cho quân Nhật đến bắt ông làm tù binh.

Hành động vũ lực của Nhật nhắm vào người Pháp không phải chỉ diễn ra tại Đông Dương, mà còn cả những nơi có quân đội Pháp nhưng ở trong tầm tay của quân Nhật.

Cùng ngày và cùng giờ, tối hậu thư Nhật buộc người Pháp phải giải giới diễn ra ngày 9.3.1945 tại Đông Dương và tại hai tô giới tức nhượng địa Trung Quốc dành cho Pháp tại Thượng Hải và Thiên Tân.

Sự ra tay hành động cùng lúc ở khắp nơi cho thấy là quyết định này được đưa ra từ chính phủ Nhật tại Tokyo chớ không phải riêng từ giới quân sự Nhật tại Đông Dương. Và Đại sứ Nhật Matsumoto không cần phải đợt hết hạn 2 tiếng đồng hồ để chờ sự phúc đáp của Toàn quyền Decoux để ra tay, mà quân Nhật được lệnh nổ súng bất ngờ không báo trước khi chưa đến 19 giờ và theo những tài liệu Đồng Minh tịch thu được sau này, thì chính phủ Nhật ngay từ ngày 1.3.1945 đã dứt khoát ấn định ngày 9.3 lúc 19 giờ là ra tay.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #36 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:19:41 pm »

Vì thiếu đoàn kết, quân Pháp chống trả không hiệu quả


Tại Nam Việt, quân Pháp gần như bị bất ngờ tối ngày 9.3.1945, mặc dù sáng hôm ấy, nhiều nguồn tin từ thành lính Pháp tại Thủ Dầu Một đã báo động cho vị Thống đốc Nam Việt, ông Hoeffel biết. Và ông này đã chuyển tin này đến trung tướng Delsuc, tư lệnh miền Nam Đông Dương vào lúc 18 giờ, đến đô đốc Béranger, ông Mialin Thị trưởng Sài Gòn Chợ Lớn và Chỉ huy trưởng Cảnh sát, ông Moresco.

Điều tai hại là tướng Delsuc không chịu ra lệnh báo động cho quân đội và không có một quyết định nào cả. Ngay cả giới thân cận của Toàn quyền Decoux làm như giả ngơ giả điếc.

Tối ngày 9.3.1945, tại Hà Nội, đại tướng Aymé, Tổng chỉ huy quân Pháp tại Đông Dương còn vô ý ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm trại đã được ban hành ngày hôm qua khi phát hiện những hành động khả nghi của người Nhật,

Do sai lầm tai hại của đại tướng Aymé ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm trại chỉ 2 giờ trước khi quân Nhật nổ súng nên đa số các đồn lính Pháp, ngoại trừ những đơn vị trực thuộc trung tướng Sabattier và thiếu tướng Alessandri, tư lệnh phó miền Bắc, đều bị bất ngờ khi quân Nhật nổ súng. Như tại Lạng Sơn, ông Công sứ Auphelle và đại tá Robert bị quân Nhật tràn vào tóm bắt quá dễ và đã sát hại cả hai một cách tàn nhẫn vì những binh sĩ Pháp dưới quyền họ mặc dù bị bất ngờ nhưng vẫn chống trả quyết liệt một cách tuyệt vọng.

Sự thua trận quá nhanh chóng của Pháp cũng một phần do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa hai nhà lãnh đạo cao cấp nhất tại Đông Dương: Toàn quyền Decoux và đại tướng Mordant, hai người này thù ghét nhau thậm tệ.

Decoux lợi dụng mình là thượng cấp, đã bức hiếp Mordant khi ông này đang đảm nhiệm chức Tổng Chỉ huy hải - lục - không quân Pháp, bằng cách rút lại quyền chỉ huy không quân. Ít lâu sau, Decoux còn làm nhục thêm Mordant khi ký quyết định tước đoạt khỏi tay Mordant chức Tổng Thanh tra lực lượng Garde Civile Locale (Vệ binh địa phương, hay mã tà hoặc lính khố xanh) được đặt dưới sự sử dụng của các quan chức hành chính địa phương.

Sự xích mích này càng gia tăng cường độ năm 1943, khi Mordant không cho Decoux hay biết, mà bí mật liên lạc với tướng De Gaulle. Nỗi căm hờn của Mordant đối với Decoux lên đến mức Mordant nói với trung tướng Sabattier là ông đã nói ông De Langlade, đặc phái viên của De Gaulle đến Hà Nội: "Kẻ thù số một là Decoux, kẻ thù số hai mới là bọn Nhật".

Trung tướng Sabattier khi cho di chuyển đại quân thoát khỏi được sự bao vây của quân Nhật trong những ngày đầu tấn công vào quân Pháp, chủ tâm rút về miền Trung và Thượng du Bắc Việt để cố bám lại càng lâu càng tốt trên lãnh thổ Bắc Việt theo chỉ thị của De Gaulle. Ông cố giữ quyền kiểm soát các phi trường dùng cho loại phi cơ Dakota như tại Tuyên Quang, Trai-hut, Phú Thọ, Sơn La, Điện Biên Phủ, để có thể nhận được tiếp tế bằng đường hàng không, và bằng những con đường mòn qua núi từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Những cuộc chạm súng lẻ tẻ đã diễn ra giữa quân Nhật đuổi theo tấn công các toán quân Pháp đi sau.

Tại Lạng Sơn, thành lính Pháp không phải chỉ bị quân Nhật tấn công từ các vị trí đóng quân gần đó mà còn bị nhiều phần tử của sư đoàn 22 bộ binh Nhật bất ngờ tấn công từ tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Vì biết rõ thành lính Pháp tại Lạng Sơn được phòng thủ chắc chắn, nên quân Nhật phải dùng đến mưu kế để tấn công bất ngờ nhằm hạn chế tổn thất về sinh mạng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #37 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:22:59 pm »

Những mưu chước của các tướng tá Nhật
.

Buổi chiều ngày 9.3.1945, các sĩ quan Nhật gửi thiệp mời tất cả sĩ quan Pháp trong pháo đài Lạng Sơn đến căn cứ của Nhật dự một dạ tiệc để rồi bất ngờ trở mặt bắt sống tất cả các vị khách Pháp, buộc họ phải ra lệnh cho binh sĩ của họ đầu hàng.

Tướng Lemonnier, tư lệnh tại Lạng Sơn biết trước mưu đồ của người Nhật nên không chịu đích thân đi dự, nhưng cũng không thể đưa ra một lời từ chối tập thể, nên phải giới hạn con số sĩ quan Pháp đi dự và số này được thay thế bởi những hạ sĩ quan lớn tuổi để đánh lừa người Nhật và hạn chế số tổn thất về sĩ quan bị lọt vào tay địch. Tướng Lemonnier ở lại Bộ Chỉ huy, sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.

Tại Lạng Sơn quân Nhật thi hành từng điểm một kế hoạch đánh úp quân Pháp. Sau khi bắt giữ số sĩ quan và hạ sĩ quan trá hình và buộc những người này chuyển lệnh buông súng của người Nhật, các phần tử của hai sư đoàn 37 và 22 bộ binh ồ ạt tấn công vào các cứ điểm Pháp, đặc biệt vào thành lính trung tâm, vào lúc 9 giờ tối với quân số đông gấp mười số quân Pháp.

Mặc dù yếu thế, nhưng quân Pháp vẫn chống trả quyết liệt trước những đợt xung kích của địch quân. Cuộc chiến kéo dài suốt đêm. Sáng ngày 10.3, tướng Lamonnier đánh điện đến trung tướng Sabattier đang ở Yên Bái, thông báo là ông đang bị vây trong thành, lính bắt đầu thiếu đạn dược, nước uống và yêu cầu được thả dù tiếp tế.

Sau một cuộc chiến tuyệt vọng vì hết đạn, quân Pháp bị tràn ngập. Quân Nhật xông vào và bắt giữ tướng Lemonnier cùng với những binh sĩ Pháp còn sống sót và bị thương nặng. Nhưng các pháo đài khác gần Lạng Sơn vẫn tiếp tục chống trả gây tổn thất sinh mạng thêm cho quân Nhật.

Điên cuồng vì phải trả quá nhiều máu, người Nhật buộc tướng Lemonnier phải ra lệnh cho toàn bộ các vị trí quân sự Pháp trong phân khu Lạng Sơn phải buông súng đầu hàng. Tướng Lemonnier cương quyết từ chối ra lệnh đầu hàng tập thề.

Người Nhật liền bắt tướng Lemonnier và ông Auphelle, Công sứ chủ tỉnh Lạng Sớn dẫn ra khỏi thành phố đến gần động Kỳ Lừa, bắt cả hai tự đào một cái lỗ sâu rộng, rồi bắt hai người quỳ xuống gần bên hố đào, kế đó hét to ra lệnh phải ký vào tờ giấy đầu hàng vô điều kiện và ra lệnh cho tất cả binh sĩ thuộc quyền phải ra đầu hàng.

Viên sĩ quan Nhật hét to: "Hai ông có chịu ký không?" Lemonnier và Auphelle dõng dạc đáp: “Không". Viên sĩ quan chỉ huy Nhật nổi máu cuồng sát giữa chiến trận ra lệnh cho một sĩ quan và một hạ sĩ quan rút kiếm chặt mạnh vào cổ hai vị chỉ huy quân sự và dân sự Pháp cao nhất tỉnh Lạng Sơn.

Viên sĩ quan Nhật ra lệnh chặt đầu, năm năm sau bị Tòa án quân sự Pháp tuyên án tử hình vì phạm phải tội ác chiến tranh và bị đem ra xử bắn.

Sau chiến tranh, người Pháp đã đưa hài cốt của tướng Lemonnier về chôn tại quê nhà. Đại tướng Valluy, cựu Tổng Tư lệnh Pháp tại Đông Dương, ngày 13.3.1950 đích thân đến đọc điếu văn ca ngợi sự hy sinh dũng cảm của tướng Lemonnier trước quân thù
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #38 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:26:35 pm »

Nhật ra tay đầu tiên tại Quảng Yên

Cuộc binh biến ngày 9.3.945 khai điểm trước nhất tại Quảng Yên lúc 18 giờ chiều trong khi Toàn quyền Decoux còn đang hội đàm thân mật với đại sứ Nhật Matsumoto, và phải đến một giờ sau, lúc 19 giờ, Matsumoto mới trao tối hậu thư cho Decoux.

Ngay lúc bấy giờ, Decoux đã được thông báo vụ nổ súng tại Quảng Yên nhưng ông cũng như đại tướng Aymé chỉ cho đây chỉ là một vụ rắc rối địa phương.

Trận đánh đầu tiên mở màn lúc 18 giờ chiều, khi một tiểu đoàn Pháp trên đường di chuyển đến Tong để tham dự vào các cuộc tập trận, và khi đến gần một bến phà ở Quảng Yên thì bị tấn công bằng đủ loại súng từ phía bên kia bến phà bởi một tiểu đoàn Nhật. Tiểu đoàn Nhật này đang trên đường đi đến địa điểm để bất ngờ đột kích vào quân Pháp ở Đông Bắc Hải Phòng vào giờ G được ấn định là 19 giờ tối.
Trong trận này, hai bên đều bị tổn thất nặng. Các lính khố đỏ được các sĩ quan Pháp chỉ huy, tỏ ra có tinh thần chiến đấu trong cuộc đụng độ đầu tiên này dưới hỏa lực của quân Nhật vốn được tiếng là thiện chiến và dũng cảm.

Ngày 8.3.1945, thiếu tá Nhật Sawano, chỉ huy quân sự tại Hà Giang, với ý định dụ thiếu tá Moullet, chỉ huy chi khu Hà Giang lọt vào bẫy, viết thiệp mời ông này tối hôm ấy đến khách sạn và quán ăn Lainé mà Nhật trưng dụng, để dự một dạ tiệc.

Moullet thừa biết ý đồ của Sawano nên lễ độ từ khước và để đáp lễ, ông mời lại Sawano cùng các sĩ quan phụ tá đến dùng rượu khai  vị với ông tối cùng ngày tại phủ Công sứ Pháp, lúc 19 giờ tối.

Ngày 9.3.1945, một bức điện của Phủ Công sứ báo cho Moullet rõ những chuẩn bị quân sự của Nhật, nên ông đã có những biện pháp đề phòng, ra lệnh cấm trại toàn bộ binh sĩ của mình.

Lúc 18 giờ 55, thiếu tá Sawano cùng với 7 sĩ quan Nhật đến Tòa Công sứ đúng theo lời mời của Moullet. Phía Pháp cũng chỉ định 7 sĩ quan để dự tiệc rượu (mọi người đều lận vũ khí kín đáo trong người).

19 giờ, Sawano lấy cớ khó chịu trong người yêu cầu được ra về trước, để 7 sĩ quan thuộc quyền ở lại dự tiệc. Mouuet lễ độ tiễn Sawano ra cổng rồi quay lại nói nhỏ với trung đội trưởng lính Lê dương vừa được gửi đến bảo vệ Tòa Công sứ: "Anh cứ ở lại vị trí, và nhớ mở mắt quan sát kỹ mọi việc". 

Tại phòng khách, 7 sĩ quan Nhật giả bộ say và bắt đầu ca hát, ánh sáng điện chập chờn rồi tắt, các sĩ quan Nhật cho tay vào trong áo móc súng lục ra, trong khi thiếu tá Moullet bước vội lên tầng lầu trên để báo động cho đơn vị lính Lê dương đóng gần đó.

Lúc 19 giờ 10, từ trại lính Nhật ở cột cây số 3, hai tiểu đoàn Nhật với quân số gần 1.000 người ùa ra tấn công vào pháo đài Billotte của Pháp, vào cứ điểm Bonnet Phrygien, vào trại lính khố xanh và vào các điểm tựa chung quanh pháo đài. Đại bác Nhật làm im tiếng khẩu đại bác duy nhất của pháo đài Hà Giang, và bắn trúng vào kho súng của Pháp.

Cùng lúc, 7 viên sĩ quan trong số có 5 là hạ sĩ quan trá hình thành sĩ quan Nhật; khách mời của thiếu tá Moullet, trở mặt tấn công từ bên trong, dưới sự yểm trợ của một trung đội Nhật đột kích từ bên ngoài. Trung đội Lê dương Pháp lãnh trách nhiệm giữ an ninh Tòa Công sứ dưới áp lực mạnh từ hai phía, phân tán rút về cứ điểm Bonnet Phrygien.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #39 vào lúc: 29 Tháng Mười Một, 2009, 03:52:43 pm »

Tại phòng khách Tòa Công sứ, trong một cuộc cận chiến với bảy vị khách Nhật biến thành kẻ thù, đại úy công binh Jolly thiệt mạng, đại úy truyền tin Van Den Akker bị thương nặng, đại úy Vaillant, phụ tá cho chỉ huy trưởng Moullet, bác sĩ quân y Courbieres và chuẩn úy Viret bị bắt làm tù binh.

Thiếu tá Moullet rút lên lầu cố thủ, sau khi tìm cách thoát ra bằng cửa sổ, nhưng tứ phía đều có quân Nhật canh giữ. Về phía Nhật, có 4 người bị bắn chết, trong số có trung úy liên lạc Kawa Kami. Trung úy Pháp Kereneur thoát được lên tầng trên để trợ lực cho thiếu tá Moullet.  

Quân Nhật bắt vợ của thiếu tá Moullet, lấy dây thừng cột vào cổ vào ngực bà này, đặt vào tay bà cháu bé 4 tháng tuổi con của bà rồi dọa giết cả hai nếu chồng bà không chịu đầu hàng. Bị từ khước, quân Nhật đẩy mẹ lẫn con, dùng hai mẹ con làm cái khiên che đạn, xô họ lên lầu.

Đến 22 giờ đêm, quân Nhật lọt lên được tầng trên, nhưng bị thiếu tá Moullet và trung úy Kereneur dùng súng chặn đứng ở hành lang trên lầu, hai sĩ quan Pháp núp vào gốc tường tiếp tục nã đạn chống trả. Lần lượt sử dụng 3 thông dịch viên khác nhau, quân Nhật cứ mỗi nửa giờ, lập lại lời đe dọa giết vợ và con gái của Moullet. Để những lời đe dọa này có thêm trọng lượng, thiếu tá Nhật Sawano đích thân đến lúc 1 giờ sáng để lập lại lời dọa.

Bị áp lực từ phía cầu thang chính và cả từ cầu thang phụ, hai sĩ quan Pháp rút xuống kho quân trang để cố thủ lúc 3 giờ sáng, và đẩy lùi được một đợt tấn công mới lúc 4 giờ sáng. Khi gần sáng, thừa lúc tiếng súng thưa bớt, thiếu tá Moullet gọi điện đến đơn vị Lê dương đóng gần đó đến tiếp cứu, nhưng vô ích, vì các vị trí đóng quân của lính Lê dương cũng như của lính khố xanh người bản xứ đều bị quân Nhật tràn ngập bởi số đông.

Đến 6 giờ sáng, quân Nhật kêu gọi tất cả quân Pháp tại Hà Giang phải đầu hàng, bằng không tất cả những người da trắng, đàn ông cũng như phụ nữ trong thành phố sẽ bị sát hại, và khi quân Nhật chiếm được thành phố, tất cả những binh sĩ Pháp giữ thành sẽ bị hạ sát thay vì bị bắt làm tù binh.

Không còn có lối thoát, đại úy Jeancenelle ra hàng lúc 10 giờ sáng ngày 10.3.1945. Ngay sau đó, đại úy công binh Bertard bị bắt cầm tù tại tư thất bị dẫn đến thành lính Lê dương rồi bị trung úy Morioka, một điệp viên Nhật đội lốt thương gia sống từ lâu tại Hà Giang - dùng kiếm sát hại trước mắt đại úy Teancenelle và bác sĩ quân y Courbiere.

Điên tiết vì những tổn thất về sinh mạng khá cao tại Hà Giang, quân Nhật sau đó còn tàn sát 44 hạ sĩ quan và binh sĩ Pháp, bằng gậy, xẻng cuốc với những phát ân huệ bằng súng lục hoặc bằng lưỡi lê.

Những binh sĩ Lê dương còn sống sót bị dẫn tới hàng rào sắt Tòa Công sứ và bác sĩ Courbiere bị quân Nhật ra lệnh nói với thiếu tá Moullet không chịu đầu hàng, quân Nhật sẽ bắn bỏ tất cả nhóm binh sĩ Pháp còn lại, và sẽ bắt đầu ngay bằng bà vợ và con gái của Moullet. Moullet thấy tiếng súng đã ngưng nghĩ quân Nhật đã làm chủ được tình thế, sau cùng ông chịu ra hàng.

Người Nhật ra lệnh cho Moullet vứt khẩu súng lục chỉ còn có 5 viên đạn xuống sân. Trung úy Kereneur cũng ra hàng với khẩu súng chỉ còn 2 viên đạn.

Đến 11 giờ sáng 10.3, quân Nhật hoàn toàn làm chủ Hà Giang. Một số binh sĩ Pháp nương đêm tối thoát chạy được qua bên kia biên giới Việt - Trung.

Trưa ngày 10.3, trung úy Morioka dẫn 22 tù binh Pháp đến bờ sông gần cầu Tholance rồi giao cho một đảng viên quốc gia người Việt hạ sát tất cả bằng những loạt đạn đại liên, dưới sự chứng kiến của các binh sĩ Nhật, những người chưa chết hẳn được lính Nhật kết thúc cuộc đời bằng lưỡi lê. Tổng số người Pháp bị tàn sát là 81 người. Thiếu tá Nhật Sawano tịch thu 486.000 đồng trong Kho bạc Hà Giang:

Sau ngày Đệ nhị thế chiến chấm dứt, thiếu tá Sawano bị áp giải cho cơ quan có thẩm quyền của các cường quốc Đồng Minh thắng trận xét xử về những tội ác chiến tranh phạm phải trong thời chiến. Sawano được dẫn giải vào Sài Gòn để được Tòa án Quân sự Pháp xét xứ về những tội ác như ra lệnh tàn sát những tù binh Pháp tại Hà Giang tháng 3.1945 và bị tuyên án tử hình.

Bản án này được thi hành tại Sài Gòn ngày 11.5.1950, trong khuôn khổ những bản án mà phe chiến thắng dành cho những tù binh các nước bại trận đã phạm phải những hành động tội ác vi phạm công pháp quốc tế về cách đối xử với tù binh địch trong thời chiến.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM