Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:11:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76792 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #20 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:14:46 pm »

Đầu tháng 7.1941, tướng Nhật Sumita người thay thế tướng Nishihara sau cuộc đọ súng ngắn ngủi tháng 9.1940, có gợi ý với đại tá hải quân Jouan, chánh văn phòng của Toàn quyền Decoux, là chính phủ Nhật có thể sẽ yêu cầu chính phủ Pétain để cho quân đội Nhật sử dụng một số căn cứ ở phía Nam Đông Dương.

Decoux liền đánh điện cho chính phủ Pháp tại Vichy, nơi đặt thủ đô của ông Pétain trong vùng không bị quân Đức chiếm, lúc này Paris nằm trong vùng bị Đức chiếm đóng. Chính phủ Pháp liền chỉ thị cho ông đại sứ Pháp tại Tokyo ngày 7.7.1940 là phải tỏ ra thận trọng trước những yêu sách mới của Nhật tại Việt Nam.

Nhưng chính phủ Nhật không liên lạc với Tòa Đại sứ Pháp tại Nhật mà đưa trực tiếp đến chính phủ Pháp, dưới hình thức một tối hậu thư, những đòi hỏi mới, và cuộc thương nghị về vấn đề này diễn ra ngay sau đó tại Vichy, ngày 14.7.

Như vậy là trong tình thế khó khăn này, Decoux chỉ còn biết chờ lệnh từ chính quốc và sẽ bị đặt trước sự đã rồi, vì không trực tiếp tham gia vào sự định đoạt số phận của Đông Dương.

Ngày 22.7.1940, Decoux được Trưởng Phái bộ Nhật thông báo là chính phủ Pháp đã chấp thuận nguyên tắc dành những dễ dãi mới cho quân đội Nhật ở Nam Việt.

Một đoàn tàu hộ tống chở 50.000 quân đã rời Nhật trên đường đến Sài Gòn và sẽ đến Vũng Tàu ngày 30.7. Cùng lúc, Decoux nhận được lệnh từ Vichy chỉ thị phải chuẩn bị tiếp đón đoàn quân này.

Thời điểm này rơi vào giữa thời gian nghỉ hè, nên người Pháp tạm đặt dưới sự sử dụng của Nhật, để đóng quân, một số trường học đang tạm bỏ trốn, như trường Pétrus Trương Vĩnh Ký, và nhà cầm quyền Pháp phải sắp xếp lại để chuyển toàn bộ các lớp học của trường này về trường Sư phạm lúc bấy giờ, sau này là trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, và ngày tựu trường được dời lại 18 ngày sau, vào ngày 2.10.1941, người viết bài này lúc bấy giờ đang là học sinh của trường này nên còn nhớ rõ sự việc này.

Những nhượng bộ mới, dưới áp lực của sức mạnh quân sự của Nhật, mà Vichy đành chấp nhận thật là nặng cho chính quyền Pháp tại Đông Dương:

- Quân đội Nhật từ đây được quyền đi lại khắp lãnh thổ Đông Dương. Nhiều căn cứ mới sẽ được đặt dưới quyền sử dụng của quân Nhật ở miền Nam Đông Dương, và quân số Nhật đóng tại vùng này sẽ không bị giới hạn.

- Nguyên tắc của "sự phòng thủ chung (Nhật - Pháp) chống lại một cuộc xâm lăng từ bên ngoài đã được hai bên chấp thuận.

Nhưng thực chất nguyên tắc này chưa bao giờ được hai bên áp dụng cho tới ngày xảy ra cuộc đảo chính ngày 9.3.1945, mặc dù Sài Gòn thường bị phi cơ Mỹ dội bom, nhưng chỉ có lực lượng phòng không Nhật chống trả, chứ các dàn súng cao xạ Pháp không bao giờ lên tiếng, vì Nhật chỉ là một đồng minh bất đắc dĩ của Pháp.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #21 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:14:55 pm »

Ông đại sứ Mỹ tại Vichy, Đô đốc Leahy đã được chính phủ Pétain báo động về những yêu sách mới của Nhật ngay từ ngày 16.7.1941, nhưng chỉ có một thái độ thụ động, mặc dù ông thừa đoán trước là việc này rồi sẽ đến.

Ngược lại, Tổng thống Mỹ F.Roosevelt chờ cho Nhật đưa quân vào Nam Việt rồi mới chịu ra tay siết chặt vòng vây kinh tế nhắm vào Nhật và còn kèm theo 3 điều kiện khắc nghiệt buộc Nhật không có cách nào khác là tấn công bất ngờ vào Trân Châu Cảng ngày 7.12.1941. Từ đó chiến tranh lan rộng khắp toàn cầu để rồi dẫn tới sự sụp đổ hoàn toàn của bộ máy chiến tranh Nhật và đánh mất tất cả những vùng đất mà Nhật đã chiếm được từ hơn 50 năm trước.

Ở đây chúng ta phải thán phục khả năng phục hồi sinh lực của người Nhật sau cơn thảm bại năm 1945. Khi ký hiệp ước đầu hàng Đồng Minh, Nhật phải cho hồi hương 6 triệu quân nhân, viên chức, kiều dân định cư tại các lãnh thổ hải ngoại trong khi tất cả các thành phố lớn nhỏ điêu tàn dưới các trận mưa bom của Mỹ, các nhà máy trên toàn quốc cũng bị hủy diệt nên không có khả năng tạo công ăn việc làm cho 6 triệu con người thất nghiệp này.

Vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn, kinh tế Nhật được phục hồi, nhất là sau cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam. Nhật đã giàu lên nhanh chóng nhờ cung cấp một phần lớn những hàng tiêu dùng cho hai đoàn quân viễn chinh Mỹ, cung cấp những tiện nghi cho dân chúng các nước có quân Mỹ trú đóng nên rủng rỉnh đô la. Nhật cũng là nơi tiếp đón số quân nhân Mỹ và nhân viên dân sự Mỹ tại Nam Việt và Nam Triều Tiên sang vui chơi nghỉ phép. 

Ngày 16.7.1941, đại sứ Mỹ tại Vichy, trong cuộc hội kiến với Quốc trưởng Pétain, có cho ông này biết là chính phủ Mỹ không có điều kiện trợ giúp đắc lực cho Pháp để chống lại áp lực càng ngày càng nặng của Nhật và khuyên Pétain đợi chờ Mỹ có thời gian chuẩn bị chiến tranh để sẵn sàng ngăn chặn sự bành trướng của Nhật.

Trước thái độ thụ động của Mỹ, chính phủ Pháp đành đau buồn chấp nhận những yêu sách quá đáng của Nhật, tránh cho Đông Dương khỏi hoàn toàn rơi vào tay người Nhật bằng một cuộc xâm lăng quân sự trực tiếp. 

Chính phủ Pétain lúc bấy giờ phải nhượng bộ dễ dàng trước áp lực của Nhật và Thái Lan là do sự cắt đứt liên lạc bằng đường biển giữa chính quốc và Đông Dương. Hải quân hoàng gia Anh ra lệnh phong toả đường biển khiến vũ khí và 4 tiểu đoàn lính Senegal do sĩ quan Pháp chỉ huy đóng tại Djibouti chờ được đưa sang tăng viện cho Đông Dương bị chiến hạm Anh ngăn chặn trên đường đi.

Mặt khác, chính phủ Pháp yêu cầu Hoa Kỳ chuyển giao cho Decoux một số vũ khí đáng kể gồm cả nhiều phi cơ chiến đấu mà Pháp đã đặt mua và đã trả tiền để tăng cường cho lực lượng của Pháp tại Đông Dương. Nhưng chính phủ Hoa Thịnh Đốn bác bỏ đề nghị này vì cho rằng nếu thỏa mãn yêu cầu này của Pháp thì sớm muộn gì cũng sẽ rơi vào tay những kẻ thù của Hoa Kỳ.

Tình thế này khiến Pháp bó tay trong ý định chống trả cương quyết lại áp lực của chính quyền quân phiệt Nhật lúc bấy giờ, và điều này giải thích được thái độ nhu nhược của Tổng thống Pétain và Toàn quyền Decoux năm 1941.

Còn Tổng thống Mỹ Roosevelt thì muốn Nhật dấn sâu vào những hành động xâm lược để kéo quần chúng Mỹ ra khỏi ảo vọng được sống an lành trong chính sách tự cô lập và đứng giữa hưởng lợi bằng việc bán vũ khí cho cả hai bên.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #22 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:16:36 pm »

Nền kinh tế khép kín tại Việt Nam từ 1940 đến 1945 thời Đệ nhị thế chiến, cuộc sống khắc khổ của người Việt dưới hai gọng kìm Pháp và Nhật 


Trong Đệ nhị thế chiến, Đông Dương mà Việt Nam là thành phần chính yếu, cùng với Campuchia và Lào, từ 1939 đến 1945, vì sự phong tỏa kinh tế của hải quân Anh Mỹ, và sự cắt đứt liên lạc bằng đường hàng không với nước Pháp, đã phải trải qua 6 năm dài trong tình trạng kinh tế thiếu thốn mọi mặt.

Miền Nam, vựa lúa của cả Liên bang Đông Dương, tuy thừa thãi lúa thóc không xuất khẩu được cũng như cao su, vẫn không cứu được gần một triệu người chết đói mùa hè 1945 tại miền Bắc, vì đường giao thông Bắc-nam bị cắt đứt bởi các cuộc tấn công của không lực Mỹ.

Ngược lại, Đông Dương trong suốt cuộc chiến này, không còn nhập khẩu được xăng dầu, phụ tùng máy móc, các dụng cụ sản xuất, các sản phẩm công nghệ, các hóa chất, luyện kim, phần lớn là từ Pháp, đặc biệt là vải sợi, hàng may mặc.

Nền công nghiệp của Việt Nam lúc bấy giờ không được phát triển, vì các hàng tiêu dùng được nhập thừa thãi từ Pháp. Chính quốc được đặc quyền bán sản phẩm sang Đông Dương nhờ được ưu đãi về thuế quan.

Ba nước Đông Dương, mặc dù có nhiều thác nước, sông ngòi có lưu lượng mạnh, lại không có những nhà máy thủy điện, nên sự cung cấp điện năng rất hạn chế. Đường dây điện chỉ cần ra khỏi thành phố chừng vài cây số là dừng lại vì công suất các nhà máy điện rất khiêm tốn và chạy bằng than đá được cung cấp từ các mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả cho cả liên bang, nên gần 80 phần trăm dân chúng không có điện để thắp sáng trong các vùng nông thôn.

Mùa xuân 1941, một chiếc tàu dầu chở 4.000 tấn dầu Mazout được cập bến Nhà Bè lần chót đến từ Indonesia, và từ đấy cho tới hết chiến tranh mùa thu 1945, Đông Dương không còn nhập được một lít nhiên liệu nào. Một số ít nhiên liệu được quân đội Nhật đưa vào Việt Nam chỉ đủ đáp ứng yêu cầu cho số quân xa của quân đội Nhật mà thôi.

Các chuyên gia kinh tế năm 1940 e ngại sự cô lập kinh tế của Đông Dương sẽ làm giảm giá trị đồng bạc Đông Dương. Đời sống dân chúng thiếu thốn đủ để kéo theo sự hỗn loạn xã hội khiến bộ máy cầm quyền Pháp khó giữ an ninh để cai trị người dân thuộc địa trong khi lãnh thổ ba nước Đông Dương bị sự chiếm đóng quân sự của Nhật.

Chiếc tàu vận tải Dupleix của Pháp là chiếc tàu sau cùng rời Sài Gòn sang Pháp tháng 7.1941 bị hải quân Hà Lan chặn xét khi đi qua eo biển La Soide và bị áp giải về Batavia (Indonesia).

Cũng trong thời gian này, các chiến hạm tuần duyên Anh đã ngăn chặn một đoàn tàu biển gồm 5 tàu khách lớn và tàu hàng từ Sài Gòn và Hải Phòng sang Madagascar, ở ngoài khơi mũi Hảo Vọng và dẫn giải về Natal (Nam Phi) để rồi bị giữ luôn tại đây. Những người đi trên đoàn tàu này, đa số là người Pháp còn trong tuổi chiến đấu được đều bị đưa lên bờ rồi dưa đến các trại tập trung. Các liên lạc bằng đường biển của ba nước Đông Dương với các nước ngoài từ đấy bị gián đoạn.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #23 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:16:49 pm »

Còn Hoa Kỳ thì áp dụng đối với Đông Dương một chính sách bất thân thiện trên lãnh vực hàng hải. Ngay sau ngày Pháp bại trận trước Hitler tháng 6.1940, các tàu buôn Mỹ bớt lui tới các hải cảng Sài Gòn và Hải Phòng để rồi nhanh chóng chấm dứt hắn những tháng cuối năm 1940. Toàn quyền Catroux đầu năm 1940 đã gửi sang Hoa Kỳ một phái bộ thương mại để mua những gì cần thiết cho nhu cầu quân sự và kinh tế của Đông Dương, nhưng rước lấy thất bại hoàn toàn, nên người kế vị Catroux là Đô đốc Decoux đành phải triệu hồi phái bộ này về.

Ngoài ra, chính quyền Decoux còn chịu áp lực của Nhật về mặt kinh tế. Ngày 2.8.1940, Nhật gửi một công hàm có tính cách như một tối hậu thư buộc Pháp phải chấp nhận cho những nhà kinh doanh Nhật tại Đông Dương được hưởng những ưu đãi, những đặc quyền kinh tế trong lãnh vực xuất nhập khẩu, thuế quan như những nhà doanh nghiệp Pháp.

Trong các cuộc thương nghị gay gắt, phái đoàn Pháp do cựu Toàn quyền Ren Robin cầm đầu sang Tokyo họp, đã phải rất cố gắng để hạn chế những yêu sách của Nhật trên lãnh vực kinh tế đẻ tránh cho nền kinh tế Đông Dương bị tổn thương và dẫn đến sự phá giá của đồng bạc do Ngân hàng Đông Dương phát hành.

Từ ngày bùng nổ cuộc chiến Thái Bình Dương ngày 7.12.1941, các tàu bè tại Đông Dương chỉ còn tới lui các hải cảng Nhật và các cảng được đặt dưới sự kiểm soát của hải quân Nhật, nên chỉ nhập khẩu thưa thớt những sản phẩm của Nhật và của các nước chư hầu của Nhật. Nền kinh tế Đông Dương từ đấy như bị khép kín và sống tự cung tự cấp.

Các nhà doanh nghiệp Pháp lúc đầu e ngại là sự cắt đứt các liên lạc thương mại với chính quốc, sự khan hiếm những nguyên liệu cần thiết nhập từ nước ngoài sẽ dẫn đến sự đình trệ các hoạt động công nghiệp và thương mại khiến nạn thất nghiệp tràn lan và gây ra những rối loạn xã hội. Nhưng rất may là nhờ biết phát triển ngành thủ công và công nghiệp nhẹ trên toàn lãnh thổ, đặc biệt là tại Bắc Việt, nên từ 1940 đến tháng 3.1945, không có một cơ sở thương mại và công nghiệp Pháp nào phải ngưng hoạt động và sa thải công nhân.

Vì chính quyền Pháp chấp nhận sự hiện diện của quân đội Nhật tại Đông Dương nên Ngân hàng Đông Dương hàng năm phải nộp cho lực lượng quân sự Nhật một khoản tiền được hai bên ấn định từng năm, tùy theo quân số Nhật có mặt tại Đông Dương. Số chi phí quân sự mà Pháp phải chi trả cho quân đội Nhật được biết như sau (theo số triệu đồng bạc Đông Dương).

Năm 1940: 6 triệu, 1941: 58T, 1942: 86T, 1943: 117T, 1944: 363T, 1945 từ 1.1.1945 đến 9.3.1945 90t, nhưng từ 9.3.1945, ngày Nhật lật đổ chính quyền Pháp cho tới ngày Nhật đầu hàng tháng 8.1945, Nhật hoàn toàn làm chủ Đông Dương nên buộc ngân hàng này chi cho họ đến 720 triệu đồng bạc Đông Dương chỉ trong vòng có 6 tháng, chính những chi phí quân sự của quân đội Nhật đã góp phần vào sự sụt giá đồng bạc Đông Dương trong Đệ nhị thế chiến.

Tuy vậy, giá cả các nhu yếu phẩm, ngoại trừ vải sợi và dược phẩm do không còn nhập khẩu được nữa, được kiểm soát chặt chẽ và được hạn chế tối đa, nên đời sống dân chúng không quá khổ, nhưng dĩ nhiên là có phần rách rưới cho người nghèo, vì phải bán hàng chục giạ lúa mới mua được một thước vải tốt.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #24 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:16:57 pm »

Nhờ khéo điều hành, nên từ 1940 đến 9.3.1945, không có một cơ sở kinh doanh thương mại hay công nghiệp nào phải bị khánh tận, đóng cửa và sa thải công nhân. Một số phải hoạt động cầm chừng vì thiếu nguyên liệu nhập từ nước ngoài và chỉ được thay thế bằng những nguyên liệu đồng loại tìm được tại chỗ.

Như hai hãng chế biến vỏ ruột xe của Pháp là Michelin và Labbé cũng tiếp tục sản xuất vỏ ruột có phẩm chất tương đối vì thiếu hóa chất. Trong khi mủ cao su thì thừa thải và chất đống trong những kho chứa lên đến tận nóc không xuất khẩu dược do bị cắt đứt giao thương bằng đường biển với các nước ngoài, cùng với một khối lúa gạo lên đến hàng trăm ngàn tấn bị ứ đọng, không tiêu thụ được

Trong suốt thời gian bị quân Nhật chiếm đóng, nền kinh tế tài chính của ba nước Đông Dương Việt-Miên-Lào bị ảnh hưởng trầm trọng. Giá cả một số sản phẩm cần thiết tăng lên kinh khủng! phát sinh nạn chợ đen, khiến những người có thu nhập thấp không thể nào với tới, làm cho đời sống một bộ phận lớn trong dân chúng vô cùng khó khăn: thiếu thuốc uống để chữa trị, vải vóc cho nhu cầu ăn mặc...

Thiếu xăng dầu, các xe vận tải phải chuyển sang chạy bằng than đá, các ô tô con phải chạy bằng rượu chế bằng gạo nếp đang thừa thãi. Dân quê nghèo khổ đành phải ăn mặc rách rưới thê thảm, hoặc tốt lắm thì chỉ có được một bộ quần áo may bằng vải nội địa xù xì thô thiển. Năm 1941, người dân miền Tây lên Sài Còn chỉ được đi xe đò lên đến Mỹ Tho rồi phải chuyển sang xe lửa lên Sài Gòn để tiết kiệm chất đốt và vỏ ruột xe hơi đang rất khan hiếm.

Trước 1939, năm bùng nổ Đệ nhị thế chiến, Đông Dương xuất khẩu 4.700.000 tấn sản phẩm, trong đó có 2.100.000 tấn gạo và bắp, 1.700.000 tấn than đá, 215.000 tấn khoáng chất khác, 158.000 tấn xi măng từ nhà máy Hải Phòng. Đông Dương phải nhập cảng mỗi năm 587.000 tấn, trong đó có độ 100.000 tấn xăng dầu, 60.000 tấn hóa chất, 80.000 tấn dụng cụ máy móc.

Tất cả những vải vóc may mặc đều phải nhập từ Pháp, hàng vải Nhật không thể nhập vào Đông Dương vì bị vấp phải mức thuế hải quan quá cao. Tình hình kinh tế của Việt Nam hoàn toàn tùy thuộc vào sự duy trì các liên lạc bằng đường biển với nước ngoài.

Giữa tháng 6.1940, tin tức về sự thất trận của Pháp trước Đức Quốc xã đến với giới doanh nghiệp Pháp tại Sài Gòn như một tin sét đánh, báo trước một sự hạn chế rồi một sự gián đoạn của các nguồn tiếp tế từ Pháp.

Vì Nhật chỉ tuyên chiến với Anh Mỹ ngày 7.12.1941, nên vùng Thái Bình Dương còn tạm yên, từ giữa năm 1940 đến tháng 12.1941, Đông Dương còn duy trì những liên lạc hàng hải với các nước ngoài, tuy rằng có bị hạn chế phần nào do cuộc chiến giữa Liên hiệp Anh và Đức Ý vẫn tiếp diễn, kéo theo những cuộc chạm súng giữa những chiến hạm Đức trá hình thành những tàu buôn rồi bất thần nã súng vào các tàu vận tải Liên hiệp Anh.

Thỏa hiệp kinh tế và thương mại ký tại thủ đô Nhật giữa Pháp và Nhật, buộc Pháp phải xuất khẩu sang Nhật một lượng gạo được ấn định như sau: 700.000 tấn năm 1941, 1.050.000 tấn năm 1942, 950.000 tấn năm 1943, 900.000 tấn năm 1944.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #25 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:17:43 pm »

Nhật cướp đoạt các tàu buôn Pháp gây ra nạn đói năm 1945


Vào ngày cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ, đội thương thuyền đường dài của Pháp tại Đông Dương đang sử dụng một số tàu đò và tàu hàng có trọng tải tổng cộng lên đến 86.000 tấn, tất cả đều bị kẹt lại tại các hải cảng lớn như Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng. Hải quân Nhật rất cần đến số tàu bè để vận chuyển quân và vũ khí đến các mặt trận trong vùng Đông Nam Á, để lắp vào chỗ trống do một số tàu vận tải Nhật bị các chiến hạm Đồng Minh đánh chìm.

Ngay những ngày đầu năm 1942, vị trưởng Phái bộ Ngoại giao Nhật, nhận lệnh từ chính quốc, đến tiếp xúc với Toàn quyền Decoux, với sứ mạng thương thuyết việc thuê mướn hoặc mua lại những thương thuyền trọng tải nặng của Pháp đang kẹt lại tại các hải cảng Pháp tại Đông Dương do tình trạng chiến tranh.

Ông Kuriyama, Đại sứ Nhật tại Hà Nội lãnh trách nhiệm mở những cuộc thương thảo này, khi đưa ra đề nghị thuê mua các tàu buôn lớn của Pháp. Đề nghị này đã cho Toàn quyền Decoux biết, là dù sao thì các tàu buôn Pháp tại Đông Dương trong thời gian chiến tranh trên Thái Bình Dương từ thời điểm này, không được phép di chuyển ra ngoài hải phận mà không được hải quân Nhật cho phép.

Decoux đang yếu thế nên không thể nào thẳng thừng bác bỏ đề nghị này của Nhật. Nhưng vấn đề này có một tầm quan trọng đặc biệt về nguyên tắc và vượt thầm quyền giải quyết của vị Toàn quyền Đông Dương. Do đó, cuộc thương thuyết chỉ ít ngày sau đó được đặt ra trên cấp bậc chính phủ, và sau các cuộc thương thảo gay go, trong đó Bộ Tư lệnh quân sự Nhật một lần nữa dùng đến sức mạnh quân sự để gây áp lực đã ép buộc được chính phủ Pháp phải ký những thỏa ước “thuê và bán" tại Sài Còn, giữa hải quân hai nước, đúng theo những chỉ thị nhận được từ chính phủ Pétain bên chính quốc.

Nhật cưỡng đoạt tất cả tàu buôn của Pháp tại Việt Nam

Sự nhượng bộ mới này của chính phủ Pétain trước phe quân phiệt dĩ nhiên rất đau đớn cho lực lượng thương thuyền của Pháp, đoàn tàu buôn Pháp kể từ ngày ấy phải mang quốc kỳ Nhật, trong số này có những tàu đò rất đẹp và đắt tiền như chiếc Arams, mà người dân Sài Gòn trong những năm đầu thập niên 40 thấy bỏ neo tại cảng Nhà Rồng, cách Bến Chương Dương có vài trăm thước. Tất cả những tàu bè Pháp tại Đông Dương sau đó lần lượt bị hải quân Anh - Mỹ đánh chìm trong các chuyến hải hành phục vụ cho hải quân Nhật trên Thái Bình Dương.

Sở dĩ, chính phủ Pháp phải nhượng bộ trước áp lực của Nhật trong vấn đề này là vì muốn tránh một vụ cưỡng đoạt các tàu buôn Pháp bằng vũ lực tại các hải cảng Sài Gòn, Hải Phòng, Cam Ranh, vì nếu việc này xảy ra sẽ làm tổn thương nặng đến uy tín của Pháp trước mắt người dân bản xứ.

Sau ngày Pháp đau lòng chuyển nhượng cho Nhật toàn bộ các tàu buôn đường dài, Đông Dương chỉ còn sử dụng số tàu buôn trọng tải nhẹ chạy ven bờ biển Đông Dương để thực hiện những cuộc vận chuyển người và hàng hóa trao đổi giữa ba quốc gia Việt-Miên-Lào.
Nhưng số thương thuyền hoạt động gần bờ còn lại của Pháp trong khi can đảm tiếp tục các cuộc vận chuyển ven bờ biển Đông Dương cũng lần lượt bị đánh chìm ngoài biển hoặc ngay tại bến bởi bom của các phi cơ Anh-Mỹ, hoặc bị thủy lôi. Nhiều thủy thủ đoàn đã phải hy sinh trong nhiệm vụ vận chuyển đồ tiếp tế, nhất là lương thực từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam.

Chính sự biến mất đội tàu hàng nhỏ hoạt động ven bờ đã góp phần gây ra nạn đói kinh khủng mùa hè 1945. Hàng trăm ngàn tấn gạo dư thừa tại Nam Việt thiếu phương tiện vận chuyển để đến được Bắc Việt, đường tàu hỏa xuyên Đông Dương cũng bị tê liệt vì bị không quân Mỹ truy đuôi tấn công và gây thiệt hại nặng, đến nỗi người ta phải bắt buộc dùng những phương tiện vận tải thô sơ như ghe buồm hoặc xe đò hay xe tay để cố đưa gạo ra cứu đói miền Bắc. Nhưng kết quả rất hạn chế và không cứu được gần một triệu người phải chết đói một cách thảm thương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #26 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:12:23 pm »

CUỘC CHUNG SỐNG MIỄN CƯỠNG PHÁP - NHẬT TẠI ĐÔNG DƯƠNG

Pháp ngăn chặn không cho Nhật mua 2 nhật báo tại Sài Gòn để tuyên truyền cho chủ trương khối thịnh vượng chung Đại Đông Á

Đầu năm 1945, quân Nhật, sau những chiến thắng nhất thời trong 6 tháng đầu của cuộc chiến, đã lần lượt bị quân Mỹ đấy lùi trên khắp các mặt trận ở Thái Bình Dương. Hạm đội 3 Mỹ gồm nhiều tàu sân bay, và được đặt dưới sự chỉ huy của Đô đốc Halsey hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam hàng ngày cho oanh tạc cơ bay vào Sài Gòn để tấn công các mục tiêu quân sự Nhật nên không tránh gây tổn thất về sinh mạng cho thường dân.

Những người Sài Gòn lớn tuổi còn nhớ là trong 6 tháng đầu năm 1945, một số dân Sài Gòn mỗi sáng đạp xe lên Thủ Đức để tránh bom, và chỉ trở về thành phố sau 5 giờ chiều vì họ tin chắc là các phi cơ Mỹ, nhờ nắm quyền khống chế trên không, chỉ mở những cuộc oanh kích vào ban ngày để được chính xác hơn.

Cuộc dội bom của Mỹ lần đầu tiên xuống Sài Còn diễn ra về đêm và bất ngờ đối với người dân Sài Gòn, vì vào thời điểm ấy, lực lượng Phòng không Nhật còn khá mạnh và có thể gây tổn thất cho các phi cơ Mỹ.

Người ta còn nhớ là trong những tháng cuối năm 1940, không quân Pháp tại Việt Nam vì kém sút không lực Thái Lan về số lượng, nhưng lại trội hơn về phẩm chất của các phi công, đã chỉ thực hiện những chuyến dội bom về đêm xuống các thị trấn Thái Lan để trả đũa những cuộc oanh kích của không quân Thái Lan xuống một số thành phố Campuchia.

Ngày 9.1.1945, quân Mỹ đổ bộ lên hòn đảo Lucon của Phi Luật Tân, và ngày 5.2 tiến vào tái chiếm Manila, thủ đô Phi Luật Tân. Đảo Iwohima, bị quân Mỹ đánh chiếm ngày 16.3.1945, căn cứ này ở kế cận chính quốc Nhật, giúp cho không lực Mỹ tấn công dễ dàng các căn cứ hậu cần trên lãnh thổ Nhật, trong khi tại mặt trận Âu Châu, Đức sắp buông súng đầu hàng.

Đế quốc Nhật vào thời điểm này, đã trông thấy hiện rõ ra sự thất bại hoàn toàn trong mưu toan xâm chiếm các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng trước khi từ bỏ cuộc chiến, các lãnh tụ Nhật muốn đánh một ván bài chót để xóa bỏ bàn cờ, bằng cách dùng vũ lực tạm chiếm lấy hoàn toàn chủ quyền tại Đông Dương, và giải giới quân đội Pháp tại vùng lãnh thổ này. Họ có mưu đồ này từ lâu, nhưng vì vướng chân tại các mặt trận khác, Nhật chưa đủ quân số để thực hiện ý đồ này.

Ngày 7.12.1941, ngày chiến cuộc bùng nổ tại Thái Bình Dương, quân số Nhật tại Việt Nam độ 75.000 người. Nhưng liền sau đó, một số lớn lực lượng này được gửi đi chiếm đóng Thái Lan, tấn công Mã Lai và Singapore. Trong ba năm đầu của cuộc chiến, quân số Nhật tại Việt Nam thường được giữ ở con số 25.000 người, nghĩa là kém hơn quân số Pháp - Việt - Miên - Lào, nhưng có một hỏa lực mạnh hơn, nhất là về không quân và hải quân. Muốn đánh úp thắng lợi quân Pháp, Nhật phải đưa thêm viện binh vào Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #27 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:13:37 pm »

Gián điệp Pháp lén hướng dẫn phi cơ Mỹ dội bom xuống các căn cứ Nhật tại Việt Nam


Trong ba tháng 8, 9 và 10.1944, Nhật chỉ cho bố trí tại Bắc Việt sư đoàn 21 bộ binh, không đủ để ra tay đánh úp quân Pháp tại khu vực chính yếu này, nơi đặt Phủ Toàn quyền và Bộ Tổng chỉ huy Pháp. Liền sau đó một phần sư đoàn 21 này vượt biên giới tại I.ạng Sơn để bắt tay với số quân đang hành quân trong tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Lúc bấy giờ, các tướng lĩnh Pháp cảm thấy nhẹ nhõm vì mối đe dọa của một cuộc đảo chính quân sự của Nhật giảm bớt. Nhưng từ tháng 12.1944 quân số Nhật, nhất là tại Bắc Việt dần dần lên trở lại để sau cùng đến con số 24.000 riêng tại miền bắc, với việc sư đoàn 21quay trở lại cùng với sư đoàn 37 từ Quảng Tây tiến xuống Bắc Việt, dưới sự chỉ huy của tướng Nagano.

Người Pháp lo ngại trở lại, không phải chỉ vì sự tăng cường quân số của Nhật mà còn vì lối bố trí của các đơn vị Nhật tại những điểm then chốt tại các điểm. đóng quân mới tại Hà Giang, Lai Châu, Xiêng Khoảng, v.v... nhằm mục đích bao vây các vị trí của quân Pháp. Người Nhật che đậy mưu đồ của họ bằng những cử chỉ thân thiện với những sĩ quan Pháp mỗi khi họ đến một nơi đóng quân mới. Các tướng tá Pháp không bị đánh lừa vì sự việc này mà lại càng thêm cảnh giác đề phòng.

Lúc đầu, Toàn quyền Decoux không đồng ý để cho Nhật đưa từ tỉnh Quảng Tây vào Bắc Việt sư đoàn 37 để tăng viện, nhưng người Nhật viện lẽ là tình hình quân sự đã trở nên nghiêm trọng qua việc quân Mỹ đang đổ bộ để tái chiếm Phi Luật Tân, nên Decoux đành nhượng bộ.

Ngoài số viện binh Nhật vào Việt Nam bằng đường bộ từ Trung Quốc, nhiều toán viện binh quan trọng khác được Nhật gửi tới Việt Nam bằng đường biển. Tất cả những đơn vị Nhật mới đến được bố trí vào những điềm chiến lược với dụng ý bao vây và bất ngờ đánh úp các đồn lính Pháp khi có thượng lệnh.

Để đối phó với mối đe dọa của những cuộc điều động quân của Nhật, các đơn vị quân Pháp cũng thực hiện những thay đổi trong cách bố trí lực lượng lại để tránh khỏi bị quân Nhật tấn công bất ngờ. Như vậy là hai kẻ thù bị bắt buộc chung sống trong hơn 4 năm qua, đang ở trong thế sắp nhảy xổ vào nhau.

Ngoài việc các điệp viên Pháp thuộc cánh De Gaulle lén hướng dẫn các phi cơ Mỹ tấn công chính xác các mục tiêu Nhật, còn có những lý do nghiêm trọng khác gây căng thẳng thêm trong mối quan hệ giữa Phủ Toàn quyền Pháp và Phái bộ quân sự Nhật!

Ngay trong những lần tiếp xúc đầu tiên với tân Đại sứ đặc mệnh Nhật Matsumoto, một nhà ngoại giao thô lỗ và rất khó tính, Decoux cương quyết bác bỏ yêu sách của Nhật đòi gia tăng số kinh phí mà Pháp phải cung cấp cho sự đóng quân của Nhật tại Đông Dương cho tài khoản 1945, lên đến 110 triệu đồng tiền Đông Dương.

Những yêu sách quá đáng này vượt quá khả năng tài chính của nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương, và nếu buộc phải tuân theo, thì sẽ dẫn đến sự phá giá của đồng bạc Đông Dương đưa tới sự leo thang vật giá và những khó khăn chồng chất trong cuộc sống của người dân. Sau cùng Nhật chấp thuận con số 90 triệu đồng cho mỗi tháng trong ba tháng đầu năm 1945.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #28 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:13:44 pm »

Decoux trước đó còn phải tranh đấu quyết liệt để ngăn chặn Nhật định bỏ tiền ra mua hai tờ báo Việt Nam tại Sài Còn để tuyên truyền cho thuyết xây dựng một khối thịnh vượng chung Đông Á do Nhật lãnh đạo. 

Một mối bất đồng nghiêm trọng khác giữa Decoux và Đại Sứ Matsumoto là Pháp không chịu giao cho phía Nhật những phi công Mỹ bị bắn rơi trên lãnh thổ Đông Dương khi thực hiện những cuộc không tập xuống các mục tiêu quân sự Nhật.

Những phi công này khi nhảy dù xuống mặt đất, được nhà cầm quyền hoặc dân địa phương đến tiếp cứu rồi kín đáo được chuyển đến những địa điểm bí mật đã được nhà cầm quyền Pháp thiết lập sẵn để được săn sóc, chữa trị, rồi được bí mật đưa ra biên giới Việt - Trung để giao lại cho cơ quan mật vụ Mỹ OSS có mặt trên lãnh thổ Trung Quốc. Sự việc này cũng đã gây thêm căng thắng trong mối quan hệ Pháp - Nhật vốn đã xấu đi do những quyền lợi xung khắc từ hai phía.

Mặt khác, người Nhật cũng được hay biết về những vụ thả dù người và vũ khí của các phi cơ Anh - Mỹ xuống vùng rừng núi Bắc Việt và Thượng Lào nhằm tăng cường những nhóm Kháng chiến Pháp bí mật hoạt động tại Việt Nam. Hai mật sứ của tướng De Gaulle là giáo sư P.Mus - người năm 1947 đã được gửi vào chiến khu Việt Bắc để đưa ra những đề nghị hòa bình cho Cụ Hồ, nhưng thất bại, và đại tá De Langlade.

Hai phần tử kháng chiến này đã được bí mật đưa vào Phủ Toàn quyền để có những cuộc thỏa luận kín với Toàn quyền Decoux. Giáo sư Mus lúc bấy giờ để râu dài nhằm làm cho các gián điệp Nhật không nhận ra ông, vì ông đã từng sống trước đó nhiều năm tại Việt Nam nên ông có thể bị người Nhật nhận diện. Giáo sư Mus mấy năm sau có viết nhiều quyên sách tư liệu về Việt Nam. Ông Mus yêu cầu Decoux giới thiệu ông với các nhà cầm quyền địa phương để ông được dễ dàng tiếp xúc và làm việc với họ. Decoux nhận lời vì ông phải nể đặc phái viên của De Gaulle này.

Toàn quyền Decoux liền sau đó gửi một công điện đến ông Pleven, Bộ trưởng Thuộc địa, nhắc ông này nên khuyến cáo các phần tử kháng chiến Pháp không nên hành động quá lộ liễu tại Việt Nam để tránh cho người Nhật không tìm ra thêm một cái cớ để dùng vũ lực dẹp bỏ Chính quyền Pháp tại Đông Dương.

Tháng giêng 1945, Decoux bí mật ra lệnh cho các vị Công sứ Pháp nên sử dụng tất cả mọi phương tiện dưới tay để trợ giúp cho các lực lượng Mỹ có thể sẽ đổ bộ lên - bờ biển Việt Nam để tấn công quân Nhật. Nhưng Decoux cũng như hai đại tướng Mordant và Aymé rất ngạc nhiên khi nhận được lệnh của De Gaulle đầu tháng 2.1945 là phải ra ngay tuyên cáo ngay sau khi được tin có cuộc đổ bộ của quân Mỹ, là Đông Dương sẽ giữ trung lập trong các trận đụng độ giữa quân Mỹ và quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương. Quân Pháp nên rút lui về phía sau tránh các cuộc giao tranh để bảo tồn lực lượng nhằm vào việc giữ gìn trật tự khi cuộc chiến chấm dứt.

Ngày 20.1.1945, Decoux phải rời Hà Nội vào Sài Gòn vì được tin các phần tử Kháng chiến Pháp tại đây hoạt động ráo riết và bất cẩn, rất dễ bị người Nhật phát hiện. Cuối tháng 2.1945, các cơ quan tình báo Pháp chưa ghi nhận được một dấu hiệu nào của một sự thay đổi chính sách của Nhật đối với Đông Dương.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #29 vào lúc: 27 Tháng Mười Một, 2009, 01:15:09 pm »

Cuộc hội kiến nghẹt thở Decoux - Matsumoto trước giờ đảo chính 9.3.1945 


Đầu tháng 3.1945, Phái bộ Ngoại giao Nhật khẩn thiết yêu cầu ký với Pháp một thỏa hiệp mới về việc cung cấp gạo cho quân Nhật trong năm 1945. Thực chất việc này chỉ là một trong những sắp xếp định kỳ, nằm trong khuôn khổ của hiệp ước thương mại ký tại Tokyo năm 1941 đề cập đến một trách vụ của Phủ Toàn quyền. Một lời yêu cầu như vậy không có gì là bất thường cả.

Nhưng Phái  bộ Nhật nhấn mạnh là buổi lễ ký kết hiệp định mới này được diễn ra ngày 9.3.1945, ngày người Nhật đã ấn định cho thời điểm họ sẽ ra tay xóa bỏ chủ quyền Pháp tại Đông Dương và giải giới quân Pháp.

Từ Đà Lạt, Decoux trả lời chấp thuận yêu cầu này. Chiều ngày 6.3.1945, Decoux xuống Sài Còn và được tin là đại sứ Nhật Matsumoto rất hân hạnh có được một cuộc thảo luận riêng với ông sau lễ ký kết.

Trước đó, ngày 24.2.1945 Decoux đã có cuộc thảo luận khá gay gắt về vấn đề số tiền gần cả trăm triệu đồng tiền Đông Dương mà Phủ Toàn quyền phải cung cấp hàng tháng cho chi phí của cuộc đóng quân của Nhật tại Đông Dương, nhưng Đại sứ Nhật tỏ ra có tinh thần hòa hoãn để che đậy ý đồ của một hành động vũ lực để lật đổ chính quyền Pháp trong vòng hai tuần lễ tới.

Matsumoto cũng không nêu ra một vấn đề nào khác hơn là những nhu cầu về tài chính của quân đội Nhật và cũng không có lời than phiền nào về những hành động thù nghịch của một số người Pháp thuộc cánh De Gaulle tại Đông Dương.

Ngày 2 và 7.3, Decoux cũng có những cuộc tiếp xúc ngoài mặt thân thiện với các tưởng lãnh và đô đốc Nhật. Sau những cuộc trao đổi các quan điểm của hai bên, các cơ quan hữu quan quyết định là bản văn các thỏa hiệp đã đạt được sẽ đệ trình lên Đại sứ Matsumoto và Decoux để lấy chữ ký, ngày 9.3.1945.

Chiều ngày 9.3.1945, Matsumoto và các cộng sự viên của ông đến Phủ Toàn quyền tại Sài Gòn (Dinh Norodom, hiện nay mang tên Thống Nhất). Có hai dinh Toàn quyền tại Việt Nam, cái thứ nhì là dinh Puginier (Phủ Chủ tịch hiện nay tại Hà Nội). Các vị Toàn quyền Pháp thường chia thời gian làm việc ở Hà Nội và Sài Gòn, mỗi nơi lưu lại 6 tháng. Nhưng trên nguyên tắc thủ phủ của toàn Đông Dương là Hà Nội.

Phái đoàn Nhật cố ý đến trễ. Việc chuẩn bị những tài liệu và thủ tục cho việc ký kết thỏa hiệp về việc cung cấp gạo cũng đòi hỏi một ít thời gian. Đến 18 giờ 30, Decoux bắt đầu tiếp Matsumoto và hai bên bắt đầu có cuộc thảo luận tay đôi, mà không có sự hiện diện của một vị phụ tá nào cả, không một nhân chứng nào cả vì Matsumoto nói tiếng Pháp khá thành thạo cũng như vị tiền nhiệm của ông là Yoshizawa.

Matsumoto trước tiên trịnh trọng đề cập đến tình hình tại Âu Châu mà ông cho là rất nghiêm trọng. Decoux nhìn nhận với vị đại sứ Nhật là các cuộc hành quân tại chiến trường Thái Bình Dương đang đi vào giai đoạn quyết định. Decoux nói thêm là theo ý ông ta, Đức Quốc xã có thể bị bắt buộc phải chấm dứt cuộc chiến một ngày không xa.

Matsumoto tỏ ra lo lắng và hơi bực dọc, điều ít xảy ra đến cho các nhà ngoại giao Nhật thường có thái độ trầm tĩnh. Matsumoto đưa ra những nhận định thoáng qua không liên kết chặt chẽ với nhau. Đột ngột Matsumoto hỏi Decoux:

- Ông có thể cho tôi biết vậy ông có bắt liên lạc với Chính phủ De Gaulle tại Paris không?

Decoux đáp là không! ông ta chối vì đã chuẩn bị trước câu trả lời.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM