Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:33:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hậu trường chính trị phía sau cuộc chiến Đông Dương  (Đọc 76782 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 12:58:22 pm »

Nhóm Mafia Corse tại Sài Gòn đầu thập niên 50

Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, từ lâu cũng là một mảnh đất màu mỡ của các nhóm Mafia quốc tế. Năm 1950, quân đội Pháp quay trở lại Đông Dương, chính phủ Pháp phải đổ ra hàng chục tỷ Francs để đài thọ chi phí cho đoàn quân viễn chinh Pháp. Ngoại tệ đổ vào Sài Gòn kéo theo sự hiện diện của đủ thành phần trong xã hội kể cả những nhóm xã hội đen chuyên khai thác những dịch vụ “ngầm".

Đảo Corse, một hòn đảo ở ngoài khơi Đông Nam bờ biển nước Pháp, lãnh thổ được tranh chấp chủ quyền giữa Pháp và Ý từ ngàn xưa và cũng là nơi sản sinh ra các nhóm Mafia và cướp biển nên có danh từ chung Corsaire để chỉ những tên cướp biển.

Đầu thập niên 50 giới những người Pháp quê đảo Corse hoạt động tích cực tại Sài Gòn. Giới cựu trào đã từng chiếm lĩnh thị trường thời thực dân trước 1945, thấy thời cơ đã đến với sự hiện diện của hàng trăm ngàn quân Liên Hiệp Pháp, đã cho tăng viện từ Chính quốc những tên mafia trẻ để nới rộng hoạt động, nhóm người này xuất thân từ những tầng lớp cặn bã sống ngoài vòng pháp luật tại Paris, Marseille, Corse, những người này thường có vẻ mặt "cô hồn", những tay dao búa đã từng bắn giết nhau để tranh giành lãnh địa.

Thuở ấy, tại Sài Gòn, có một nhóm Mafia hay nhiều nhóm? ít ai hiểu rõ điều này. Và có người có ít nhiều hiểu biết tự đặt ra câu hỏi vậy có phải Franchini là đại bố già của nhóm Mafia Sài Gòn hay không? Trong tất cả những người Pháp quê đảo Corse tại Sài Gòn, Franchini là nhân vật nổi bật nhất trong giới thượng lưu tại Sài Gòn, là chủ nhân của hai khách sạn Continental và Majestic.

Franchini đến Sài Gòn từ sau Đệ nhất thế chiến 1914-1918, với hai bàn tay trắng, nhưng nhờ tài kinh doanh trong các hoạt động ngầm mà dần dần trở thành tỷ phú. Franchini là bạn thân của tên chủ báo thực dân De Lachovretiere, tên này bị Ban công tác thành Việt Minh giết chết. Franchini là người hợp tác đắc lực của Bảo Đại và Bảy Viễn trong nhiều dịch vụ kinh doanh béo bở và được sự hỗ trợ ngầm của các cơ quan công quyền dưới thời Bảo Đại. Franchini là người lãnh đạo ngầm của giới người gốc Corse tại Sài Gòn.

Nhưng đầu thập niên 50, một nhân vật trẻ hơn, một người cũng gốc Corse là Andreani dường như được xem là nhân vật điều khiển những vụ làm ăn trong bóng tối tại Sài Gòn.

Andreani là chủ nhân của cửa hiệu cà phê nhạc nổi tiếng nhất tại Sài Gòn vào thời ấy "Croix du Sud" nằm trên đường Đồng Khởi hiện nay, địa điểm này sau ngày quân Pháp rút về nước, Ban hợp ca Thăng tong đến khai thác mở một phòng trà ca nhạc mỗi đêm đầu tiên tại Sài Gòn với giá 20 đồng một chai nước ngọt năm 1955.

Quán Croix du Sud của nhóm người Corse của Andreani là cái vỏ bọc bên ngoài của các hoạt động ngầm của nhóm Mafia Corse tại Sài Gòn trong cuộc chiến tại Việt Nam. Nhưng về đêm, quán Croix du Sud với đèn neon rực rỡ cũng thu hút được một số khách người Pháp trung lưu, những hạ sĩ quan và công chức Pháp, trung cấp da trắng đến mua vui với một ban nhạc sống gồm toàn phụ nữ - nhạc công lẫn ca sĩ - chủ nhân Andreani luôn có mặt sau quầy thu tiền. Những phụ nữ giúp việc tới lui phục vụ và thu tiền.

Nhưng sau cái vỏ bọc hợp pháp này, nhà hàng ca nhạc Croix du Sud là điểm hẹn của những tay trùm Mafia Corse đến bàn bạc và thực hiện những phi vụ ngầm quốc tế. Dưới tay của Andreani, có nhiều phụ nữ Pháp được tuyển chọn từ Pháp đưa sang Sài Gòn và có tay nghề trong việc phục vụ các khách hàng thuộc phái mạnh. Cả một ban nhạc gồm toàn phụ nữ có thân hình bốc lửa, ăn mặc hở hang, các khách hàng đến đây để ngắm những bộ ngực căng tròn và những cặp đùi trắng nõn, nhất là các vũ công chuyên nghiệp.

Andreani thường đứng sau quầy tiền, chung quanh có những tên trợ thủ trẻ người gốc Corse, đảo mắt quan sát số khách, và thường rỉ tai vào nhau nói khẽ điều gì. Nhưng Croix du Sud không phải là một địa điểm vui chơi xấu, ở đây, không có ma túy, gái điếm, nhưng lại được đặt dưới một kỷ luật chặt chẽ. Khách chỉ có quyền uống và ngắm từ xa những cặp đùi non của các cô đầm trẻ. Những vụ đánh nhau trong tiệc rượu đều bị xử lý nghiêm khắc bởi những đàn em có võ của bố già Andreani.

Tuy nhiên, cái phòng trà ca nhạc bề ngoài đứng đắn này, lại bao trùm một không khí nặng nề, vì người ta nhận ra sự hiện diện sau quầy tiền, của những người gốc Corse với vẻ mặt lạnh lùng và chứa đựng những điều bí mật rất đáng sợ. Thỉnh thoảng Andreani biến mất, rút vào bên trong một căn phòng kín đáo để chủ tọa một phiên họp của Ban Quản trị của một phe nhóm thuộc thế giới ngầm tội phạm.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 12:58:33 pm »

Các nhân viên cảnh sát đều nhận ra gương mặt của tay trùm Mafia này, nhưng không nắm được những chứng cứ về những hoạt động đầu cơ phi pháp của họ. Andreani được kính nể tại Sài Gòn. Đây là một "nhân vật" địa phương đã từng sống lâu năm tại đây.

Người ta biết là Andreani có tài kinh doanh hợp pháp cũng như bất hợp pháp. Tuy nhiên, ông ta xuất thân từ một thủy thủ tầm thường, ít học. Ông ta đặt chân tới Sài Gòn từ thập niên 30, và khi bắt đầu phất lên, ông ta dành tất cả số tiền tiết kiệm được để lập một nhà thổ chứa những nàng Kiều da trắng tóc vàng được đưa từ Pháp sang, và từ đó ông càng ngày càng giàu thêm và kết thân với những người Pháp thuộc giới thượng lưu và có thế lực.

Phòng trà ca nhạc Croix du Sud là bản doanh của ông ta, từ nơi này ông điều khiển tất cả những vụ làm ăn hợp pháp cũng như phi pháp. Nhiều người thuộc đủ tầng lớp trong xã hội đến gặp ông để đưa ra những đề nghị, những sáng kiến làm tiền. Câu trả lời của ông chỉ vỏn vẹn là "được" hay không".

Cả Sài Gòn đều biết ngành hoạt động chính của ông ta là "đầu cơ đồng tiền Đông Dương, và đổi tiền Đông Dương sang đồng Franc Pháp để chuyển về Pháp hưởng chênh lệch giữa hối suất chính thức 17 francs ăn 1 đồng bạc Đông Dương sang hối suất chợ đen (tự do) cao hơn gấp đôi. Ngoài loại phi vụ này, Andreani còn nhúng tay vào những vụ làm ăn ngầm khác, tất cả đều được tổ chức ăn khớp theo những "quy luật giang hồ" của nhóm. Ông ta giao du và làm ăn với các tỷ phú Hoa kiều trong Chợ Lớn, với nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền tại Sài Gòn, Pháp cũng như Việt.

Andreani có những tài sản lớn, những vườn cao su, những cơ sở kinh doanh hợp pháp tại Sài Gòn cũng như tại Pháp, nơi ông ta "rửa" những đồng tiền nhơ bẩn, bố trí những thân nhân của ông ta để quản trị từng bất động sản mà ông tậu được ở khắp nơi, nhờ vào những hoạt động đầu cơ và chứa gái mà có được.

Nhiều nhân vật Corse khác tương đối ít được biết đến bằng Andreani nhưng tỏ ra độc ác và nham hiểm hơn, như cặp bài trùng N. và S. Nỗi kinh hoàng mà đôi bố già này gieo rắc trong thế giới "ngầm" được một ký giả Pháp tình cờ chứng kiến.

Viên quản lý một quán ăn nhỏ trên đường Đồng Khởi đang nói chuyện với ông nhà báo thì bỗng nhiên tái xanh mặt và run sợ chạy tới bên cạnh một người đàn ông lạ, mặt lạnh như tiền, cúi sát đầu chào một cách thật kính cẩn. Người lạ mặt vừa đến tuy gầy nhưng có đôi mắt đanh ác, tay nắm lấy cổ áo đối tượng, nhìn thẳng vào mắt nạn nhân như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện, thốt ra một câu nói dằn mặt rồi khinh bỉ bỏ đi, như một ông tướng. Viên quản lý lấm lét nhìn theo, sợ hãi. Khi nhà báo hỏi anh ta vậy anh chàng hung ác vừa bỏ đi là ai thì được trả lời: "ông không biết ông ấy à? Đó là ông N... một bố già đó!".

Tên trùm chứa gái điếm Pháp N... xuất thân là một tên "ma-cô" ở hải cảng Marseille bên Pháp. Thời gian biểu của tên trùm chứa gái điếm da trắng này không bình thường. Ban ngày, hắn ngủ trong một phòng của khách sạn gần Nhà hát Tây, một sào huyệt của nhóm Mafia Corse, đối diện khách sạn Continental của bố già Franchini. Buổi chiều, sau một giấc ngủ trưa dài hắn thả bộ xuống một cơ sở kinh doanh của hắn ở số 90 đường Pasteur (Chợ Cũ), một nhà thổ chứa toàn gái điếm da trắng được mộ từ Pháp đưa sang Sài Gòn để phục vụ cho khách phần đông là người Hoa có tiền.

Đầu năm 1951, khi tướng De Lattre sang Sài Gòn thống lãnh đoàn quân viễn chinh Pháp, ông ta ra lệnh trục xuất về Pháp tất cả số gái điếm da trắng. Muốn trụ lại Sài Gòn, một số nàng Kiều phương Tây này phải thu xếp kết hôn hợp pháp với một người đàn ông để có thể tiếp tục lén lút hành nghề, những ông chồng hờ có hôn thú này dĩ nhiên được những cô gái điếm Tây trợ cấp hàng tháng một số tiền để sống với cái nghề mới là làm chồng hợp pháp của một cô đầm Pháp. Những khi những cô nàng này gặp rắc rối với luật pháp, thì những ông chồng bản xứ trên giấy tờ phải đứng ra lãnh và chịu khó ê mặt một chút để chịu đấm ăn xôi với cái nghề mới bẩn thỉu này.

Sau ngày De Lattre vĩnh biệt chiến trường Đông Dương cuối năm 1951, lệnh cấm gái điếm da trắng hành nghề tại Việt Nam bị hủy bỏ, các trùm Mafia chứa gái được tự do hành nghề trở lại, và những ông chồng hờ của gái điếm Pháp thất nghiệp.

Tại Sài Gòn, tên trùm N. có một chiến hữu trong các hoạt động "ngầm" là S. một người cũng độ ngũ tuần. Tên này không chứa gái điếm mà chuyên về các hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp, và buôn lậu vàng, đá quí. Đối với một số người Pháp sành đời, hai tên N. và S là những tên giết người chuyên nghiệp. Người ta được biết là cặp bài trùng này đã nhiều lần "thanh toán" những kẻ đụng chạm tới những quyền lợi của chúng bằng những màn sát thủ ác độc. Cảnh sát cung hay biết về những hành động tội ác này, nhưng vì không nắm được những chứng cớ để kết tội nên không thể bắt giam và truy tố chúng được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 12:59:04 pm »

Những vụ buôn lậu ngoại tệ, và đâm thuê giết mướn

Việc chuyển ngoại tệ lậu thường được thực hiện trên những chuyến tàu khách lộ trình Marseille-Sài Gòn. Ngoại tệ và vàng được cất giấu tại những nơi thật kín trên tàu đến nỗi các nhân viên hải quan không thể nào ngờ đến được như trong một ổ bánh Tây lớn rỗng ruột để giấu đô la, hay trong buồng máy tàu, được giao cho một thủy thủ quèn nhưng đáng tin cậy và đầy bản lĩnh.

Luật giang hồ được áp dụng đối những tên buôn lậu có mặt trên tàu nên không có việc tố cáo hay phản bội nhau. Các vụ khám xét chính thức không đi đến đâu cả. Khi tàu cặp bến Sài Gòn, các tên buôn lậu phải dùng mưu chước để qua mặt những nhân viên hải quan luôn cảnh giác, một số người này có thể bị mua chuộc giúp món hàng lậu lọt lưới, giờ giấc làm việc của những nhân viên hải quan “bạn" được tính kỹ để đưa hàng lên bờ. Tất cả đều được điều nghiên thật ăn khớp.

Hàng lậu được đưa thẳng vào Chợ Lớn để được giao tận tay cho một người nhận ở một địa chỉ thật kín đáo, người này kiểm qua loa món hàng rồi trao một số tiền lớn cho người giao hàng mà không có một lời mặc cả vì đã được thỏa thuận trước. Việc giao nhận hàng thường diễn ra lúc hoàng hôn, vì vào giờ này, nhân viên hải quan đã nghỉ việc. Kẻ nhận tiền liền đi thẳng đến một địa điềm để trao số tiền cho một tên trùm người Corse.

Thỉnh thoảng cũng xảy ra một "trục trặc" mà lần được nghe nói đến nhiều nhất là vụ chiếc phong cầm chứa đựng vàng ròng. Người được nhờ mang nhạc cụ này vô tình cao hứng chơi thử một bản nhạc Java mà không phát ra những điệu nhạc theo ý muốn nên nội vụ bị đổ bể và bị lập biên bản tịch thu và nộp phạt. Lập tức có những người của "nhóm" có quen biết với hải quan đứng ra giải quyết êm thấm vụ việc và nộp phạt đúng lúc và đầy đủ

Những tên Corse "đâm thuê giết mướn" tại Sài Gòn thường chọn giờ ra tay hành động chỉ vài giờ trước khi một chiếc tàu nhổ neo về Pháp để kịp trốn trên tàu, nên khi cảnh sát bắt đầu mở cuộc điều tra về vụ án mạng vừa xảy ra, thì tên thủ phạm người Corse đã ung dung đi lại trên boong tàu với tư cách là một thủy thủ vừa được thu dụng. Nhiều trùm Mafia Corse đã làm giàu sau nhiều năm thực hiện những phi vụ béo bở tại Đông Dương trong thời chiến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #103 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:03:02 am »

BẢO ĐẠI THẤT BẠI TRONG VIỆC THÀNH LẬP CHÍNH PHỦ LƯU VONG CHỐNG DIỆM

Thủ tướng Pháp Edgard Faure đã trả cho Tổng thống Eisenhower nỗi nhục nhã mà người tiền nhiệm Mendes France đã gây cho Hoa Kỳ năm trước

Trong những tháng đầu năm 1955, tình hình chính trị tại Sài Gòn thật là rối ren. Hiệp định Geneve về Đông Dương đã bắt đầu có hiệu lực từ nửa năm qua. Người Mỹ đang thắng thế trước người Pháp do đã áp đặt được Ngô Đình Diệm vào ghế thủ tướng chính phủ, nhờ vào sức nặng của viện trợ quân sự và kinh tế cho chính phủ Diệm.

Nhưng ông Diệm đang vấp phải sự chống đối quyết liệt của các giáo phái và Bình Xuyên và nguy cơ một cuộc nội chiến hiện rõ ra dần. Mặt khác, nội bộ chính phủ Diệm đang có nguy cơ tan rã, vì 13 bộ trưởng trong nội các đã đệ đơn từ chức, trước áp lực của phe chống đối.

Tháng 4.1955, tân Thủ tướng Pháp Edgard Faure, người vừa thay thế ông Mendes-France, người đã ký kết Hiệp định Geneve 20.7.1954, trong một lời tuyên bố, có đề cập đến cái "khoảng trống chính trị" tại Sài Gòn trong đó chế độ Diệm đang vùng vẫy để thoát ra. Trong một thông điệp gửi đến Bộ Ngoại giao Mỹ, chính phủ Pháp nhấn mạnh đến sự bất lực của ông Diệm trong việc thành lập một chính phủ hữu hiệu và yêu cầu nên gấp rút có những biện pháp để thay thế ông Diệm hoặc buộc ông ta nới rộng thành phần nội các của ông, bằng cách mời vào chính phủ những phần tử "thân Pháp" để xoa dịu tình thế vì những lực lượng này còn rất mạnh tại Nam Việt.

Việc chính phủ Pháp phải thông qua chính phủ Mỹ để có thể thay thế một thủ tướng "thất nhân tâm" và thân Mỹ trong khi vị quốc trưởng Việt Nam là "người của Pháp" bất lực và cho thấy là vào thời điểm ấy, tiếng nói của Mỹ có trọng lượng hơn là tiếng nói của Pháp, mặc dù quân đội viễn chinh Pháp còn hiện diện tại phía Nam vĩ tuyến 17.

Nhưng cái thế của Diệm lúc bấy giờ đã đủ mạnh để không còn phải e ngại bất cứ một lực lượng chống đối nào, dù là trong hay ngoài nước, vì ông đặt hết lòng tin vào sự yểm trợ cương quyết của Tổng thống Eisenhower. Cuộc vận động của chính phủ Pháp nhằm thuyết phục Mỹ thay thế Diệm thất bại.

Tại Paris, người ta nghĩ là còn có thể sử dụng con bài Bảo Đại để giải quyết cuộc “khủng hoảng chính trị" tại Sài Gòn.

Ngày 28.4.1955, Quốc trưởng Bảo Đại đang ở Pháp đánh điện ra lệnh cho vị thủ tướng do ông chỉ định, sang Pháp để tham khảo ý kiến và tham dự một hội nghị những "nhân sĩ", nhưng thực chất là một lệnh triệu hồi để cách chức như ông ta đã từng làm năm trước khi gọi về tướng Nguyễn Văn Hinh dưới áp lực của Mỹ.

Nhưng Diệm thừa rõ dụng ý của Bảo Đại nhằm hất ông ta ra khỏi ghế thủ tướng nên sau khi tham khảo ý kiến của quyền đại sứ Mỹ tại Sài Gòn lúc bấy giờ, ông Ronald Kidder, Diệm mới dám công khai chống lại lệnh gọi sang Pháp của Bảo Đại, nhưng bề ngoài biện lý do là tình hình chính trị tại Sài Gòn không cho phép thủ tướng rời khỏi nhiệm sở. Người Mỹ vẫn ở trong bóng tối để giật dây Diệm hành động theo sự đạo diễn của những nhà ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn để tiến tới việc củng cố một chế độ độc tài thân Mỹ tại Nam Việt.

Ngày 30.4.1955, chỉ hai ngày sau lệnh triệu hồi Diệm qua Pháp của Bảo Đại, Diệm trả đũa bằng cách cho dựng lên một ủy ban cách mạng gồm toàn những tên xôi thịt vô danh tiểu tốt gấp rút họp rồi ra nghị quyết truất phế Quốc trưởng Bảo Đại, và giao cho "chí sĩ" Ngô Đình Diệm thành lập một chính phủ với đầy đủ quyền hành mà không cần phải có quốc trưởng.

Bảo Đại từ Pháp, lên tiếng tố cáo tính cách bất hợp pháp của cái gọi là ủy ban Cách mạng giả tạo này. Liền sau đó, Hoa Thịnh Đốn gây áp lực mạnh với Pháp để thuyết phục chính phủ E.Faure thay đổi thái độ đối với Diệm, nghĩa là bỏ rơi những người bạn của Pháp tại Sài Gòn. Ngoại trưởng Mỹ F.Oulles đe dọa sẽ cắt đứt tất cả viện trợ cho Nam Việt và quân đội viễn chinh Pháp nếu Diệm bị lật đổ.

Ngày 11.5.1955, Dulles đến Paris để ký với chính phủ Pháp một thỏa hiệp, trong đó hai chính Phủ Mỹ và Pháp đồng cam kết dành cho chính phủ Diệm một sự ủng hộ hoàn toàn, thỏa hiệp thực chất là sự đầu hàng của Pháp trước Hoa Kỳ và chấp nhận sự cáo chung cua ảnh hưởng của Pháp tại Nam Việt, sau khi đã đánh mất Bắc Việt qua thảm bại tại Điện Biên Phủ.

Nương vào sự nhượng bộ của Pháp trước Hoa Kỳ qua thỏa hiệp Pháp - Mỹ ngày 11.5.1955, chính phu Diệm tìm cách lôi kéo Pháp và Anh tham dự một hội nghị tay tư (Mỹ, Pháp, Anh, Nam Việt) mà mục tiêu là xét lại thỏa hiệp Geneve, đặc biệt là về điều khoản liên quan đến cuộc tổng tuyên cử giữa hai miền Nam - Bắc Việt Nam. Cuộc vận động này thất bại do sự chống đối với Anh: đặc phái viên của Diệm được gửi tới Luân Đôn đã rước lấy thất bại. Chính phủ Anh quyết tôn trọng các thỏa hiệp Geneve.

Sau thất bại này, Diệm được sự yểm trợ của Mỹ ra mặt chống lại Hiệp định Geneve bằng cách từ khước nhũng cuộc tham khảo với Bắc Việt trong giai đoạn tiền tổng tuyển cử như Hiệp định có trù định. Tổng thống Eisenhower, trong quyển hồi ký của ông, thành thật nhìn nhận là nếu cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 1956, tám mươi phần trăm cử tri toàn quốc sẽ bỏ phiếu cho chính quyền của cụ Hồ, và như vậy là cả hai miền Việt Nam sẽ rơi vào vòng kiểm soát của cộng sản, điều mà Mỹ không thể chấp nhận.

Khi gần đến ngày 20.7.1955, Anh và Pháp cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ cùng với họ gây áp lực với Diệm để mở những cuộc tham khảo tiền tổng tuyển cử với Hà Nội đúng theo tinh thần của Hiệp định Geneve. Sự thỏa hiệp tay ba này sau cùng được thực hiện, vì Hoa Thịnh Đốn không dám trắng trợn nói "không" với một cuộc vận động hợp lý như vậy. Nhưng sự chấp thuận miễn cưỡng của Hoa Kỳ chỉ có tính chất lý thuyết, và Mỹ chỉ giả bộ nghe theo Anh và Pháp, nhưng cố ý giả ngơ giả điếc trước những hành động công khai của Diệm chống lại cuộc tổng tuyển cử.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #104 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:06:06 am »

Pháp đầu hàng Mỹ, hấp tấp thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Diệm


Gần đến ngày 20.7.1955, Diệm cho phát động một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ chống lại cuộc bầu cử 1956, và cho tổ chức những cuộc biểu tình của dân chứng nhằm cùng một mục đích: Ngày 17.7.1955, trong một bài diễn văn đọc trên đài phát thanh, Diệm một lần nữa nhắc lại là chính phủ của ông ta không có ký tên vào Hiệp định Geneve nên không bị trói buộc vào các điều khoản của văn kiện này.

Ngay những ngày đầu tháng 9.1955, có tin về một cuộc trưng cầu dân ý sẽ được chính phủ Diệm tổ chức nhằm truất phế Bảo Đại và thành lập nền Cộng hòa với một tổng thống mà người được bầu lên không ai khác là Ngô Đình Diệm vì cả bộ máy bầu cử là trong tay Diệm trong khi Bảo Đại không có mặt để tranh cử với Diệm. Đây cả là một màn hài kịch quá vụng về và không thuyết phục được ai cả, trong cũng như ngoài nước.

Bảo Đại năm 1955 chỉ còn là một biểu tượng của những gì còn lại của ảnh hưởng Pháp tại Nam Việt. Ngày 6.10.1955, Bộ trưởng Nội vụ của Diệm loan báo cho dân chúng việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý ngày 23.10.1955. Nhận thấy trước nguy cơ bị truất phế, Bảo Đại ngày 18.10 cho công bố một nghị định bãi nhiệm Diệm, vị thủ tướng mà ông bổ nhiệm tháng 6.1954, và ngày hôm sau 19.10.1955, Bảo Đại trong một thông điệp gửi đến dân chúng Nam Việt quyết định của Quốc trưởng chấm dứt chức vụ Thủ tướng của Ngô Đình Diệm.

Cuộc chiến Bảo Đại - Diệm thực chất là cuộc tranh chấp Pháp - Hoa Kỳ qua hai con bài trong tay của hai cường quốc được xem là đồng minh của nhau, và thế yếu của Pháp là sử dụng một cái bóng ma, không có thực quyền và đang sống lưu vong ở nước ngoài.

Cuộc trưng cầu dân ý dĩ nhiên là đem lại thắng lợi quá rõ rệt cho Diệm, Bảo Đại bị mất chức quốc trưởng, và Diệm tự xưng là tổng thống của Đệ nhất Cộng hòa Việt Nam.

Điều gây ngạc nhiên nhất trong màn hài kịch chính trị này là việc hai chính phủ Anh và Pháp hấp tấp ngả theo chính phủ Mỹ để thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý và công nhận tính cách hợp pháp của tân chế độ Diệm. Đây quả thật là một sự đầu hàng của chính phủ E.Faure (Pháp) trước chính phủ Eisenhower (Mỹ).

Eisenhower như vậy là đã đòi được món nợ năm 1954 khi Thủ tướng Pháp Mendes France đã gần như gửi cho Eisenhower một tối hậu thư ngày 10.7.1954, khi cho Mỹ biết là dù cho Mỹ không gửi đại diện đến Geneve trở lại tham dự Hội nghị thì Pháp vẫn ký kết Hiệp định hòa bình dù với sự lạnh nhạt của đại diện của Mỹ trong buổi lễ ký kết. Eisenhower đành chấp nhận thất bại là không ngăn cản được Mendes France ký kết với đối phương một hiệp ước mà các điều khoản nằm ngoài ý muốn của ông.

Vài ngày trước cuộc trưng cầu dân ý, để phản đối và không công nhận kết quả “tiền chế" của nó, một “ủy ban hành động" gồm những nhân sĩ người Việt cư ngụ tại Pháp và trung thành với Bảo Đại, loan báo sắp được thành lập và dọn đường cho sự ra đời của một chính phủ lưu vong tại Pháp do Bảo Đại lãnh đạo. Những người này tin tưởng là sẽ nhận được sự ủng hộ của Pháp để tiếp tục cuộc tranh đấu chống lại hành động phản bội của Diệm đối với Bảo Đại, vì họ cho rằng chính phủ Pháp không thể chấp nhận màn kịch bầu cử thô kệch tại Sài Gòn được.

Nhưng hành động vội vàng thừa nhận chính phủ Diệm ngay sau ngày công bố kết quả ngụy tạo của cuộc trưng cầu dân ý đã làm tan vỡ những ảo tưởng sau cùng của những phần tử trung thành với Bảo Đại, về sự kháng cự của Pháp trước sự đạo diễn chính trị của người Mỹ tại phần đất thuộc địa cũ của Pháp còn sót lại tại châu Á.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #105 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:06:14 am »

Chiến thắng của Diệm đồng nghĩa với việc người Mỹ hất chân người Pháp ra khỏi Nam Việt, theo nhận định của thông tín viên Associated Press tại Sài Gòn, những di tích cuối cùng của ảnh hưởng của Pháp tại Việt Nam đã biến mất tại Nam Việt, sau khi đã đánh mất một năm trước, phần đất phía Bắc vĩ tuyến 17 qua những điều khoản của Hiệp định Geneve ngày 20.7.1954.

Thắng lợi của Diệm cũng có nghĩa là các cuộc tổng tuyển cử chung cho hai miền Nam Bắc được trù liệu vào tháng 7.1956 sẽ không diễn ra, và đây là sự vi phạm điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định Geneve 1954.

Hội định Geneve về Đông Dương ký ngày 20.7.1954 tạm chia đôi đất nước Việt Nam thành hai vùng, lấy vĩ tuyến 17 tạm làm ranh giới, có tính cách quân sự tạm thời dùng làm nơi tập trung quân của hai phe đối lập, trong khi chờ đợi thời hạn hai năm để tiến tới một sự tái thống nhất hai miền qua kết quả một cuộc tổng tuyển cử chung cho cả hai miền.

Sau ngày hoàn tất sự tập trung quân đội hai bên theo ranh giới vĩ tuyến 17, miền Bắc do chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của cụ Hồ lãnh đạo, chiếm một diện tích rộng 95.000 cây số vuông và dân số độ 16.500.000 người. Miền Nam, nằm ở phía dưới vĩ tuyến 17 có một diện tích tương đối rộng hơn, với 105.000 cây số vuông, nhưng ngược lại có dân số ít hơn, chỉ có từ 11.500.000 đến 12.000.000 dân.

Trong cuộc chiến chống lại sự tái thống nhất Việt Nam, các chính phủ kế tiếp tại Hoa Thịnh Đốn chỉ có một mục tiêu biến Nam Việt thành một thành trì chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa xã hội, và cố thành lập tại Nam Việt một chính phủ chịu ảnh hưởng của Hoa Kỳ, nghĩa là nhân vật lãnh đạo phải được Hoa Kỳ chọn lựa và tín nhiệm.

Vào giai đoạn cuối của Hội nghị Geneve 1954, Hoa Kỳ đã có sẵn trong tay lá bài Ngô Đình Diệm, một tín đồ Thiên Chúa giáo thuộc phái khổ hạnh, có đầu óc phong kiến vì xuất thân từ một gia đình cựu đại thần triều Nguyễn.

Năm 1949, ông Diệm còn đang tị nạn tại Hồng Kông, trong khi các nhà chính trị xa-lông đổ xô tới hòn đảo này để tìm kiếm một chức vụ béo bở trong chính quyền tương lai tại Sài Gòn do Bảo Đại lãnh đạo. Vị Cựu hoàng này không có thiện cảm với ông Diệm nhưng e ngại ông này. Nhận thấy chưa đến thời cơ để xuất đầu lộ diện, ông Diệm khôn khéo chạy chọt để xin được giấy chiếu khán sang Hoa Kỳ để có những cuộc vận động với chính giới Mỹ.

Năm 1951, ông Diệm sống trong một chủng viện ở tiểu bang New Jersey tại Hoa Kỳ. Theo nhà báo Pháp Raynlond Cartier của tờ Paris Match, ông Diệm trở thành con người chống thực dân của Hoa Kỳ và nhất là của vị Hồng Y Spellman thuộc giáo phận “Nữu ước", trong khi bào đệ của ông là Ngô Đình Nhu hoạt động trong một Liên hiệp nghiệp đoàn tại Sài Gòn có phân bộ tại nhiều nước trên thế giới.

Mặc dù sống trong chủng viện Iakewood bang New Jersey từ 1951 đến 1953, theo báo Time, thì ông Diệm thường đến Hoa Thịnh Đốn để có những cuộc thảo luận về chính trị với các viên chức Bộ Ngoại giao và các thành viên trong lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ để trước hết là yêu cầu Hoa Kỳ ngưng ủng hộ chính sách của Pháp tại Việt Nam qua giải pháp Bảo Đại.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #106 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:06:37 am »

Năm 1947, chính ông Diệm, theo nhà báo Mỹ Hilaire du Berrier, cũng nằm trong số những chính khách xôi thịt đổ xô tới Hồng Kông ăn theo Bảo Đại, ông này rất ghét ông Diệm, nhưng vì Diệm là con trai của ông Ngô Đình Khả, một cựu đại thần đã từng phục vụ vua Khải Định, thân phụ của Bảo Đại, nên ông này phải bằng lòng tiếp Diệm.

Trong suốt các cuộc thương thuyết năm 1947-1948 tại Hồng Kông xung quanh Bảo Đại, Diệm là người của Hoa Kỳ. Hai Tổng thống Mỹ Roosevelt và Truman đã từ lâu “dòm ngó" đến phần lãnh thổ đông dân và giàu tài nguyên tại bán đảo Đông Dương.

Bảo Đại rất ghét Diệm nhưng lại ngán ông này, từ hàng chục năm qua, Bảo Đại thừa rõ là Diệm không che giấu lòng thù ghét chế độ quân chủ của Bảo Đại. Nhưng Cựu hoàng phải nể nang Diệm vì ông này được sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Mỗi sáng, Diệm đi đến Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Hồng Kông, được tiếp kiến và được lắng nghe, ghi chú, đưa ra sáng kiến, những lời tuyên bố trình bày các quan điểm chính trị.

Việc ông Diệm càng lúc càng tỏ ra thân Mỹ và tỏ rõ thái độ chống thực dân Pháp hơn, nên Cousseau, mật sứ của Leon Pignon, cao ủy Pháp tại Đông Dương bắt buộc phải có thêm những nhượng bộ trước những yêu sách chính trị của Bảo Đại. Các cuộc thương thuyết giữa người Pháp và Bảo Đại tại Hồng Kông kéo dài gần hai năm do những lời xúi bẩy của Diệm với Bảo Đại, theo Hilaire du Berrier: "Hoàng thượng đừng có chấp thuận những điều kiện của người Pháp. Ngài sẽ tự làm nhục mình đối với lịch sử. Hoàng thượng đừng có chịu trở về nước trước khi nước Pháp hoàn toàn trả độc lập cho Việt Nam".

Trong thời gian giằng co này, cụ Hồ tiếp túc gặt hái thêm những thành quả tốt đẹp trên lãnh vực quân sự lẫn chính trị.

Sau cùng Bảo Đại phải lựa chọn giữa Pháp và Ngô Đình Diệm và vị Cựu hoàng có một cuộc gặp sau cùng đầy sóng gió với Diệm, trước khi bay sang Paris để hoàn tất thỏa hiệp ký ngày 8.3.1949, với Tổng thống Vincent Auriol. Hiệp ước này dành cho chính quyền Bảo Đại một nền độc lập hạn chế với lời cam kết là Pháp sẽ dần dần trao trả thêm những thẩm quyền mới cho chính phủ Bảo Đại.

Những quan hệ giữa Vương quốc Anh với các nước thuộc địa cũ là một hình ảnh tốt của sự thỏa hiệp này. Thực chất, những gì Pháp còn giữ lại cũng không hơn những gì mà Hoa Kỳ còn hưởng được tại Nam Triều Tiên. Bảo Đại đã phải trả giá đắt cho sự lựa chọn đi theo người Pháp một lần nữa.

Do quyết định này của Bảo Đại, uy tín của Hoa Kỳ còn được duy trì tại Viễn Đông thêm vài năm nữa, nhưng Ngô Đình Diệm và những người ủng hộ ông, tạm thất bại trước sự lựa chọn của Bảo Đại năm 1949, họ sẽ có dịp phục thù năm 1955, mà người Mỹ phải trả giá bằng hàng trăm tỉ Mỹ kim và hơn năm vạn sinh mạng của binh sĩ Mỹ.

Chính tại Đà Lạt, nơi mà khi còn trẻ, Bảo Đại đã tham dự những buổi săn cọp, Bảo Đại đã chọn làm nơi đặt Văn phòng Quốc trưởng ngày 27.4.1949 khi ông đáp xuống sân bay Đà Lạt để bắt đầu đảm nhận chức vụ Quốc trưởng Việt Nam. Trong khi đó Cựu hoàng hậu Nam Phương lưu lại Pháp cùng với hai con trai và ba con gái, không chịu theo về nước để nhận lãnh vai trò đệ nhất phu nhân mà bao nhiêu phụ nữ mơ ước có được, như vợ Ngô Đình Nhu tự chiếm dụng cho mình, trong khi bà ta chỉ là vợ một cố vấn của tổng thống mà thôi, điều này cho thấy bà Nam Phương không thiết tha với chức danh đệ nhất phu nhân của một quốc trưởng không có thực quyền, một hư danh mà một con người biết tự trọng không bao giờ chấp nhận.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #107 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:06:45 am »

Giải pháp Bảo Đại chỉ làm chiến tranh kéo dài và làm thiệt mất đến 177.000 sinh mạng của binh sĩ Liên hiệp Pháp. Lịch sử đã chứng minh Bảo Đại chỉ là một lá bài trong tay những cường quốc tạm dùng làm một bức thành chống lại sự tràn ngập của làn sóng xã hội chủ nghĩa. Bảo Đại, một con người luôn sống theo thời thế và luôn đứng về phía kẻ đang có thế mạnh, như theo Pháp thời thực dân đang trong giại đoạn hoàng kim, theo Nhật khi phe quân phiệt Nhật đang nắm quyền kiểm soát tại Đông Nam Á mặc dù sắp bại trận, trở lại với Pháp khi phe thực dân đưa quân trở lại, rồi bấm bụng đầu hàng trước áp lực của khối tư bản Hoa Kỳ.

Mặc dù nắm trong tay uy quyền hợp pháp dưới mắt khối cường quốc tư bản phương Tây, Bảo Đại không đủ cương quyết chống lại áp lực của Hoa Kỳ buộc ông ký giấy trao toàn quyền lại cho Ngô Đình Diệm, một con người ông không tin dùng và ghét bỏ.

Để bảo vệ mạng sống, sáng ngày 10.5.1945, khi ông đang đi săn thú trên vùng Cao Nguyên, thì bất ngờ bị cả một tiểu đoàn bộ binh Nhật bao vây. Một viên tướng Nhật trao cho Bảo Đại một tài liệu đã được Bộ Tư lệnh Nhật soạn sẵn và ra lệnh cho ông ký vào nếu ông muốn sinh mạng được bảo tồn. Bảo Đại suốt đời chỉ biết ngã về phía kẻ mạnh và chờ đợi những ngày tháng sáng sủa hơn, để trục lợi. Ngày 10.3.1945, Bảo Đại dưới họng súng của người Nhật, đã ngoan ngoãn ký vào một tài liệu xóa bỏ chủ quyền của Pháp và tuyên cáo nền độc lập quốc gia theo kiểu Nhật.

Năm 1946, Bảo Đại được tướng Lư Hán đưa lên một Phi cơ Mỹ bay tới Nam Kinh để thi hành một sứ mạng đặc biệt. Ngày ông đến Nam Kinh, tướng Marshall, ngoại trưởng Hoa Kỳ đang có mặt tại đây để thuyết phục Tưởng Giới Thạch hòa giải với Mao Trạch Đông tránh một cuộc nội chiến nhưng thất bại. Theo một ký giả Mỹ, Bảo Đại lúc bấy giờ có một cuộc thảo luận với tướng Marshall. Cuộc hội kiến này không đi đến đâu.

Rồi Bảo Đại sau đó di cư sang Hồng Kông, trong sự quên lãng của gần hết mọi người ngoại trừ vài người nhìn xa thấy rộng là con bài Bảo Đại có thể sáng giá trở lại một ngày không xa, như dược sĩ Phan Văn Giáo, ông này mang số tiền dành dụm trợ giúp cho Bảo Đại sống qua ngày tại Hồng Kông và nhờ vậy mà Bảo Đại nhớ ơn nên nhiều lần bổ nhiệm Giáo vào chức vị Thủ hiến Trung Việt.

Năm 1947, khi nhận thấy khó thuyết phục được cụ Hồ chấp nhận những điều kiện hòa bình của Pháp, Cao ủy Pháp tại Đông Dương Pignon có sáng kiến khai sinh giải pháp Bảo Đại, nên gửi mật sứ Cousseau sang Hồng Kông thương thuyết mời Bảo Đại trở về nước hợp tác với người Pháp. Nương vào thế mạnh của cuộc kháng chiến của chính phủ cụ Hồ, Bảo Đại ngả giá với Pháp để tránh khỏi phải trở lại đóng vai bù nhìn trong tay thực dân Pháp như trước 1945.

Sau ngày giải pháp Bảo Đại bị phá sản năm 1954, L.Pignon được phái sang làm việc trong Phái đoàn đại diện thường trực của Pháp tại Liên hiệp quốc (Nữu ước) vì ông bất lực theo dõi sự diễn tiến của tình hình bất lợi cho Pháp. Pignon ghi nhận là năm 1953, ông Diệm rời Hoa Thịnh Đốn để sang Bỉ vận động với Liên hiệp quốc. Rồi sang Paris để sau đó đến điện Thorene vào giữa tháng 6.1954, để quì gối thề trung thành với Bảo Đại mà ông vẫn gọi là Hoàng thượng, mặc dù Bảo Đại lúc bấy giờ chỉ là Quốc trưởng.

Bảo Đại thừa rõ tính khí bất thường, kiêu ngạo và khinh người, những cơn nổi giận hung hăng của nhà tu hành khổ hạnh nhưng bướng bỉnh này. Nếu Bảo Đại được quyền lựa chọn một vị thủ tướng mới, thì Diệm là người sau cùng mà ông nghĩ đến. Nhưng không may cho ông là người Mỹ không cần biết đến ý kiến của ông mà chỉ dùng sức mạnh của đồng đô la để buộc ông phải ký quyết định bổ nhiệm ông Diệm.

Khi trao ủy nhiệm thư cho Diệm, Bảo Đại chỉ có một lời dặn dò sau cùng: "ông hãy duy trì các giáo phái trong cộng đồng quốc gia, đoàn kết các lực lượng trong phần còn lại của đất nước". Bảo Đại ký một ngân phiếu một triệu đồng trao cho ông Diệm để làm chi phí tổ chức những cuộc biểu tình gây ấn tượng cho người Mỹ và gây phấn khởi giả tạo cho dân chúng miền Nam.

Diệm cám ơn Đức vua, bỏ túi ngân phiếu và sau đó thảo một thông điệp chính thức đến Bảo Đại trong đó có câu: Kính thưa Hoàng thượng, nếu một ngày nào đó, Hoàng thượng có điều gì trách cứ tôi, ngài chỉ cần nói một tiếng là tôi sẽ đệ đơn từ chức”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #108 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:08:14 am »

Vai trò nổi bật của bà Trần Văn Chương trong gia tộc Ngô Đình hai năm đầu của chế độ Ngô Đình Diệm


Ngày 26.6.1954, ở vào tuổi 54, Diệm chính thức nhận lãnh chức vụ thủ tướng với đầy đủ quyền lực trong tay, không như các vị thủ tướng tiền nhiệm: Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Phan Long, Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm và Bửu Lộc. Bảo Đại mặc dù rất nghi kỵ Diệm, vẫn phải ký giấy ủy nhiệm Diệm vào chức vụ thủ tướng toàn quyền dưới áp lực của đồng đô la Mỹ.

Bên cạnh Diệm, có mấy trợ thủ đắc lực là các anh em của Diệm:

1. Ngô Đình Nhu, 43 tuổi (sinh năm 1911) xuất thân trường Chartres bên Pháp, trước 1945 đã từng là quản thủ thư viện, được xem là con mọt sách suốt ngày vùi đầu trong đống sách để nghiên cứu, một lý thuyết gia của chế độ Diệm đã từng hoạt động tích cực trong liên hiệp các nghiệp đoàn, cánh tay mặt của Diệm và là người đề ra chính sách cho chế độ, có quyền hạn vượt lên trên cả Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ, nên vợ ông ta là bà Trần Lệ Xuân (Ngô Đình Nhu phu nhân) thản nhiên chiếm dụng danh hiệu đệ nhất phu nhân. Có dư luận cho rằng, nếu không được sự trợ giúp của ông Nhu và đồng đô la Mỹ, Diệm khó thanh toán lần lượt Nguyễn Văn Hinh và các giáo phái, và đặc biệt là Trình Minh Thế. 

2. Tổng giám mục Ngô Đình Thục, 57 tuổi (sinh 1897) là Chức sắc cao cấp và có học thức cao nhất lúc bấy giờ trong Giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam, đã từng là một vị giám mục trẻ tuổi nhất được Tòa thánh phong chức giám mục tại Việt Nam, một người có năng khiếu kinh doanh, một người thiết tha trở thành vị Hồng y đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, nhưng thất bại.

3. Ngô Đình Cẩn, 41 tuổi (sinh năm 1913) biệt hiệu Cậu út Trầu, vì ghiền ăn trầu, dốt nhất trong các anh em, giữ ngôi nhà từ đường cho gia tộc Ngô Đình, biệt danh là hung thần miền Trung qua những hành động mật vụ và kinh doanh của ông đến nỗi bị tòa án của Nguyễn Khánh kết tội tử hình và xử bắn sau ngày chế độ nhà Ngô bị lật đổ.

4. Ngô Đình Luyện, người em trai út, 39 tuổi (sinh năm 1915) là một trong hai anh em trai trong số 6 anh em trai, không chết vì súng đạn do cùng với Đức cha Ngô Đình Thục không kẹt lại trong nước khi nổ ra cuộc đảo chính ngày 1.11.1963, lúc đó Luyện làm đại sứ tại Anh.

5. Riêng người anh cả Ngô Đình Khôi, cựu Tuần phủ (tổng đốc) tại một tỉnh miền Trung trước 1945 bị Tòa án nhân dân xử tử sau cuộc Cách mạng tháng 8.1945.

Khi vừa lên cầm quyền, ông Diệm vấp phải hai trở lực gay go đầu tiên cần phải được thanh toán gấp là hai nhân vật đang nắm những quyền lực then chốt tại Sài Gòn:

- Trung tướng Nguyễn Văn Hinh: con trai của cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm. Hinh được đào tạo tại trường võ bị bên Pháp, ngành không quân, và từng chỉ huy một phi đội B.26 tại chiến trường Ý thời Đệ nhị thế chiến, và khi Diệm về nước, Hinh đang tuyệt đối nắm quyền chỉ huy toàn bộ quân lực của chế độ Bảo Đại, và chỉ ít lúc sau đã ra mặt chống lại Diệm vì nhận thấy Diệm muốn thay thế Hinh bằng một vị tướng tin cẩn hơn. Cuộc đối đầu này kéo dài nhiều tháng, và sau cùng Diệm phải nhờ đến đại tướng Mỹ L.Collins và thế lực của đồng đô la mới loại được Hinh ra khỏi chức vụ tổng tham mưu trưởng.

- Đại tá Lại Văn Sang, Tổng giám đốc Công an Cảnh sát Sài Gòn - Chợ Lớn, cánh tay mặt của tướng Bảy Viễn (Lê Văn Viễn), lãnh tụ nhóm Bình Xuyên lúc bấy giờ đang thao túng khu vực Sài Gòn Chợ Lớn. Báo Time đăng tin tướng Bảy Viễn đã dâng cho Bảo Đại số tiền một triệu đô la Mỹ để mua về cho nhóm Bình Xuyên chức Tổng giám đốc Cảnh sát Sài Gòn - Chợ Lớn để nhóm này dễ bề buôn lậu, công khai tổ chức xóm Bình Khang chứa gái điếm tại khu vực quận 10 hiện nay.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #109 vào lúc: 06 Tháng Mười Hai, 2009, 10:08:22 am »

Tiết lộ trên của báo Time cũng tỏ ra xác thực với dư luận quần chúng Mỹ cũng như những tiết lộ khác về số tiền mà Bảy Viễn chia cho Bảo Đại trong số thu nhập của các sòng bạc Đại Thế Giới và Kim Chung trong suốt nhiều năm liền.

Trước ngày đánh đuổi được quân Bình Xuyên ra khỏi Sài Gòn Chợ Lớn, Diệm đã sử dụng quyền lực thủ tướng để cách chức Lại Văn Sang và bổ nhiệm đại tá Nguyễn Ngọc Lễ, một sĩ quan cao cấp trong quân đội quốc gia được Diệm tin cẩn, lên thay thế. Sự thay thế này là giọt nước làm tràn ly và thúc đẩy Bình Xuyên có những hành động khiêu khích tại Sài Gòn.

Trong khi Diệm thu mình trong dinh Độc Lập giữa các cố vấn Mỹ, Ngô Đình Nhu cùng với ông cha vợ, luật sư Trần Văn Chương, người từng giữ chức bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Trần Trọng Kim tháng 3.1945, đề ra những chính sách để cai trị miền Nam. Nhưng người thực sự đưa ra những sáng kiến để củng cố chính quyền lại là bà Trần Văn Chương, mẹ vợ của Ngô Đình Nhu.

Tại Nam Việt, người nắm quyền trong gia đình là bà vợ, mặc dù ngoài mặt vẫn để cho đức ông ra mặt giao tiếp với bên ngoài, nhưng bên trong, nhất là loại đàn là như bà Trần Văn Chương một phụ nữ Tây học, nói ngoại ngữ trôi chảy, từng là đại diện chính thức của chính quyền Bảo Đại tại Đại hội đồng Liên hiệp Pháp, một người đàn bà có cá tính cương quyết và tham quyền, cùng với tính lăng loàn gây nhiều tai tiếng cho ông chồng nhu nhược, nhất là trong thời gian ông Chương làm luật sư tại Hà Nội. Bà Chương gần như công khai có những quan hệ tình dục với các quan chức cao cấp Pháp mà không cần đếm xỉa đến đức phu quân quá mềm yếu trước những hành động quá quắt của bà vợ lẳng lơ.

Cô con gái lớn của bà Chương là Trần Lệ Chi cũng giống mẹ trong cách giao tiếp với phái mạnh và đã công khai ngoại tình với một người Pháp lực lưỡng. Chồng cô ta là luật sư Nguyễn Hữu Châu, một trí thức giàu có và đẹp trai nổi tiếng tại Sài Gòn, lại là Bộ trưởng Văn phòng thủ tướng của Diệm đã bất mãn từ chức và đưa vợ ra tòa ly dị, nhung bị ngăn cản bởi Luật về hôn nhân do bà Nhu soạn thảo và được quốc hội bù nhìn của Diệm thông qua, khiến Nguyễn Hữu Châu đành từ bỏ tất cả sản nghiệp đồ sộ mà cha ông để lại trong vùng Chợ Cũ Sài Gòn để sang Pháp sống lưu vong.

Trong những tháng đầu của chế độ Diệm, bà Trần Văn Chương, theo một ký giả Mỹ rất am hiểu tình hình Việt Nam - vào giữa thế kỷ thứ 20, đã đóng một vai trò quan trọng nhưng kín đáo trong những mưu đồ chính trị nhằm củng cố chính quyền Ngô Đình Diệm.

Sau ngày Trần Văn Chương sang Hoa Thịnh Đốn nhận lãnh chức vụ đại sứ thì bà Chương giao lại cho con gái là vợ Ngô Đình Nhu, vai trò hoạch định cùng với chồng những mưu chước nhằm đập tan các phe chống đối, nhất là đảng Đại Việt thân Mỹ để nắm lấy độc quyền cai trị miền Nam.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM