SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #10 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:53:25 pm » |
|
VIỆT NAM DƯỚI THỜI QUÂN NHẬT CHIẾM ĐÓNG ĐÔNG DƯƠNG 1940-1945
Người Nhật gieo những tư tưởng chống Pháp cho người dân Việt Nam bất chấp sự phản kháng của Toàn quyền Decoux Ngay sau ngày cuộc chiến Thái Bình Dương giữa Anh-Mỹ-Hà Lan với Nhật, lôi cuốn luôn Đức - Ý vào vòng chiến bên cạnh Nhật. Việt Nam cũng như hai nước Miên, Lào chịu ảnh hương của cuộc chiến đang lan rộng ra khắp địa cầu. Buổi chiều ngày 8.12.1941, cảnh sát Nhật đến từng xóm nhà tại tất cả thành phố nước ta khuyến cáo dân chúng tắt bớt đèn ban đêm để cho máy bay địch không nhìn rõ mục tiêu để dội bom, một sự thận trọng hơi quá đáng, vì Nhật ra tay trước, và Anh - Mỹ chỉ ở vào thế phòng thủ, lực lượng chính yếu của họ ở quá xa bên chính quốc nên không kịp điều động đến mặt trận Đông Nam Á. Hoa Kỳ trực tiếp lâm chiến, và một trong những hành động đầu tiên của họ là viện trợ khẩn cấp cho Tưởng Giới Thạch, thiết lập những sân bay quân sự tại những vùng trên lãnh thổ Trung Quốc chưa bị quân Nhật chiếm đóng, đặc biệt là trong tỉnh Tứ Xuyên với thủ phủ Trùng Khánh, và trong tỉnh Vân Nam sát biên giới Tây Bắc Việt Nam. Vũ khí Mỹ tới tấp được đưa đến Trung Quốc qua ngã Miến Điện. Đại tướng Mỹ Stitwell rồi sau đó là đại tướng Wedemeyer được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng cho Tưởng Giới Thạch, với ban cố vấn quân sự Mỹ bên cạnh bộ máy chiến tranh của họ Tưởng. Các căn cứ quân sự Nhật tại Việt Nam trở thành những mục tiêu cho không lực Mỹ tấn công trong giai đoạn đầu từ các phi trường Mỹ được thiết lập ở miền Nam Trung Quốc, và việc này đã xảy ra từ năm 1943. Mặc dù bị ép buộc phải để cho Nhật đóng quân trên lãnh thổ Việt Nam, qua một thỏa hiệp, chính phủ Pháp trong tình thế này phải lên tiếng với thế giới để minh định Pháp không phải là đồng minh của Nhật trong các hành động quân sự chống lại Anh - Mỹ, và quân Pháp tại Đông Dương sẽ không chống lại quân Trung Quốc được Mỹ trang bị vượt biên giới tấn công quân Nhật trú đóng tại Bắc Việt. Mặc dù đóng tại biên giới Việt - Trung, quân Pháp được lệnh rút lui không kháng cự quân Trung Quốc khi lực lượng này tràn sang biên giới để tấn công vào các vị trí quân sự Nhật tại Việt Nam. Trong trường hợp này, Việt Nam trở thành bãi chiến trường cho hai phía Nhật - Hoa choảng nhau. Giới quân sự Nhật đồng ý để cho quân Pháp đóng tượng trưng tại biên giới Việt - Trung để tránh mở thêm một mặt trận tại khu vực này, tình trạng này giúp cho người Pháp duy trì những cuộc tiếp xúc bán chính thức với nhà cầm quyền Trung Quốc, với các đại diện ngoại giao của De Gaulle và với các mật sứ Anh - Mỹ tại Trung Quốc. Decoux cố gắng duy trì không khí yên tĩnh tại biên giới Việt - Trung và nhờ trung gian thuyết phục Hoa Kỳ và Trung Quốc từ bo mọi ý định tấn công quân Nhật trú đóng tại Bắc Việt. Ông ta đã thành công trong cuộc vận động này, cho tới ngày 9.3.1945 khi quân Nhật thực hiện cuộc đảo chính quân sự chấm dứt nền cai trị của Pháp tại Đông Dương. 6.000 quân Pháp - Việt dưới sự chỉ huy của hai tướng Sabattier và Alexandri cầm cự trong hơn một tháng trên vùng rừng núi Bắc - Việt rồi thoát sang Trung Quốc để phải gánh chịu sự hắt hủi của các tướng lãnh và sĩ quan Mỹ tại đây thay vì được trang bị và được tiếp tế đầy đủ để được trở lại chiến đấu chống kẻ thù chung là quân Nhật.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #11 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:54:18 pm » |
|
Tướng Matsui, lãnh tụ đảng Hắc Long (Nhật) đến Sài Gòn tuyên truyền chống Pháp Thực ra, một số không ít người Nhật kín đáo khuyến khích người dân địa phương có những tư tưởng và hành động bài Pháp, đặc biệt là trong số những tín đồ Cao Đài và trong số những phần tử ủng hộ Hoàng thân Cường Để đang sống lưu vong trên đất Nhật. Năm 1938, Bộ trưởng Thuộc địa Pháp Mandel đã nhìn nhận là hợp pháp sự hiện hữu của đạo Cao Đài, để tỏ ra họ tôn trọng tự do tín ngưỡng của người Việt. Nhận thức được mối nguy từ các tín đồ Cao Đài được sự ủng hộ ngầm của người Nhật, Toàn quyền Decoux lợi dụng một trong những chuyến tàu sau cùng còn được hải quân Anh cho phép lưu thông trên biển hướng về đảo Madagascar thuộc Pháp để bắt ông Hộ pháp Cao Đài Phạm Công Tắc và một số chính trị phạm khác đưa lên tàu lưu đày sang hòn đảo này để ngừa mọi hậu họa. Người Nhật mặc dù hỗ trợ và kín đáo bênh vực những tín đồ Cao Đài nhưng không can thiệp công khai để buộc Pháp trả tự do cho ông Phạm Công Tắc. Ngược lại, người Nhật cấp những thẻ căn cước cho những thành viên của các phong trào bài Pháp và thân Nhật tại Nam Việt. Cùng lúc, người Nhật có những cuộc tiếp xúc kín đáo với giới sư sãi tại Campuchia, và lần đầu tiên người ta chứng kiến kể từ tháng 7.1943, sự ra đời của một phong trào có tính cách chính trị và tôn giáo Miên chống lại nhà cầm quyền Pháp. Trên lãnh vực Phật giáo thế giới, người Nhật cũng có những hoạt động tích cực. Lấy danh nghĩa giúp thống nhất các giáo phái đạo Phật, từ tháng 6.1943 Nhật gửi đến các nước Nam Á bị quân Nhật chiếm đóng một nhóm nhà sư Nhật. Nhóm này lưu lạc nhiều tháng tại Bắc Việt, tại đây họ bắt tay vào một chiến dịch tuyên truyền tích cực có khuynh hướng kỳ thị chủng tộc và thù ghét người nước ngoài. Ngoài ra, cũng trong thời điểm này, người Nhật còn tổ chức tại Đông Dương dưới danh xưng là “Liên minh cho sự phục hưng quốc gia Việt Nam", một phong trào rộng lớn có khuynh hướng quốc gia công khai chủ trương đưa Hoàng thân Cường Để lên ngôi báu thay thế Bảo Đại. Decoux phải kín đáo ngăn chặn các phong trào để tránh va chạm với người Nhật, ra mật lệnh bắt giữ những người cầm đầu phong trào rồi cho lưu đày biệt xứ. Những hoạt động chống Pháp này còn có liên hệ mật thiết với sự xuất hiện của vị tướng hồi hưu Matsui tháng 7.1943. Khi các cơ quan mật thám Pháp thông báo cho ông hay việc tướng Matsui sắp đến Việt Nam, người được Pháp xem như một trong những nhân vật hoạt động tích cực nhất cổ xúy cho một Đại Đông Á, vừa là một thành viên có nhiều ảnh hưởng của đảng "Hắc Long". Decoux liền đem việc này than phiền với Đại sứ Nhật Yoshizawa, thì được ông này trấn an: “Vị tướng già hưu trí Matsui này không còn đảm nhận một chức vụ quân sự nào, chỉ đến Việt Nam thực hiện một chuyến du hành với tư cách cá nhân để thu thập tin tức, và chỉ lưu lại một thời gian ngắn tại Việt Nam, với một lần ghé qua Đà Lạt". Vì Matsui rất có uy tín trong quân đội Nhật, các cố vấn của Toàn quyền Decoux khuyên ông nên dành cho vị tướng Nhật hồi hưu này một cuộc tiếp kiến tại Phủ Toàn quyền. Hơn nữa Matsui không phải xa lạ gì với Decoux, vì hai người đã từng đại diện nước mình đi dự Hội nghị Quốc tế tài giảm binh bị tại Geneve năm 1932.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:54:56 pm » |
|
Vì quyền lợi quốc gia, Decoux liền mời tướng Matsui đến dự một bữa tiệc thân mật tại nhà nghỉ mát của Phủ Toàn quyền trên Đà Lạt. Hành động lịch sự này của Decoux đã bị Matsui đáp lễ một cách phũ phàng, vì chỉ vài ngày sau khi xuống Sài Gòn, vị tướng Nhật này đã không ngần ngại đưa ra những lời tuyên bố bài Pháp và người da trắng.
Nếu có đủ quyền lực trong tay, chắc chắn Decoux đã lập tức ra lệnh bắt giữ vị khách xấu không mời mà đến, nhưng vì bị đè nặng dưới áp lực quân sự của Nhật, nên Decoux đành nén cơn giận lại mà chỉ đưa ra những lời phản đối mạnh mẽ với chính phủ Nhật qua trung gian của vị Đại sứ Pháp tại Tokyo và chính phủ Nhật đã trả lời là những lời tuyên bố của Matsui chỉ có tính cách cá nhân mà thôi.
Tuy nhiên, những lời tuyên bố của tướng Matsui trước các đại diện báo chí Việt Nam có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức trẻ Việt Nam và khích động tinh thần yêu nước của các phần tử tiến bộ Việt Nam đang mong muốn được thấy nước nhà giành lại độc lập trong tay người Pháp.
Tướng Matsui, một phần tử nồng cốt trong tổ chức gián điệp "Hắc Long", bốn năm sau đó bị Tòa án Đồng minh họp tại Tokyo sau ngày Nhật đầu hàng, kết án tử hình vì bị xem là đã gây ra những tội ác chiến tranh tại những nước bị quân Nhật chiếm đóng, và Matsui đã bị treo cổ.
Tại thủ đô Tokyo, những lời tuyên bố khích động tinh thần yêu nước của tướng Matsui nhắm vào giới trí thức trẻ Việt Nam được sự đồng tình của báo chí Nhật. Tờ báo Nhật có độc giả nhiều nhất tại Nhật và được xem như là đại diện cho dư luận của đa số người Nhật, ngày 8.7.1943, có đưa ra bài bình luận như để trả đũa lại sự phản đối của nhà cầm quyền Pháp nhắm vào các hoạt động của tướng Matsui như sau:
"Thái độ thiếu nhiệt tình của nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam phải nhường chỗ cho một tinh thần hiểu biết và hợp tác tích cực đối với những nguyện vọng của người Nhật. Nếu cứ duy trì thái độ cũ, nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam có nguy cơ tự cô lập mình hoàn toàn mà thôi. Tất cả các nước láng giềng đều ủng hộ Nhật trong các cố gắng kiến thiết một vùng Đại Đông Á thịnh vượng.
Chỉ có Đông Dương tuy đã ký với chính phủ Nhật trong những năm vừa qua những thỏa hiệp phòng thủ, quân sự và kinh tế, không thay đổi chính sách, mà chỉ tùy thuộc vào đường lối của chính phủ Vichy. Ông Yoshizawa trong nhiều cuộc thảo luận với Toàn quyền Decoux đã tìm cách siết chặt những quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là tạo ra một không khí hợp tác thành thật để xây dựng một Đông Á phồn thịnh. Đông Dương phải nhận thức là phải cùng củng cố khu vực Đông Á thịnh vượng chung".
Nội dung bài bình luận này mang tính cách đe dọa nhắm vào chính sách thiếu tinh thần hợp tác của Toàn quyền Decoux.
Ngày 25.7.4, Đại sứ Yoshizawa đến gặp Decoux với những lời lẽ đe dọa để trách Decoux tỏ ra thiếu thiện chí trong vấn đề giải quyết tốt đẹp việc Pháp phải cung cấp nhân công, tiền bạc và những nhu cầu vật chất cho quân đội Nhật trú đóng tại Đông Dương, và buộc Decoux phải có những biện pháp để chấm dứt tình trạng này.
Đại sứ Yoshizawa còn đòi Decoux bãi nhiệm một số công chức cao cấp Pháp bị Nhật tố cáo là đã không tuân thủ những điều khoản đã được ghi trong những thỏa hiệp Pháp - Nhật liên quan đến việc cung cấp những dịch vụ, nhân công, tài khoản cho những nhu cầu của quân Nhật tại Việt Nam.
Nhật còn tố cáo Pháp đã áp dụng chính sách nước đôi, bằng cách lén lút bắt tay với Tưởng Giới Thạch để cung cấp tin tức về những sự điều động về quân số Nhật tại Việt Nam cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ và Trung Quốc đặt tại vùng biên giới Hoa Việt.
Decoux luôn bị đặt dưới nguy cơ một sự đánh úp bất thình lình của quân Nhật do không khí luôn căng thẳng trong mối quan hệ lỏng lẻo Pháp - Nhật, nên lực lượng quân sự Pháp tại Đông Dương luôn được đặt trong tình trạng báo động, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:55:29 pm » |
|
Trên lãnh vực chiến tranh tâm lý, Toàn quyền Decoux do lời thề trung thành với Quốc trưởng Pétain, đã chỉ thị cho các cơ quan tuyên truyền và Mật vụ mở những chiến dịch ca ngợi sự hy sinh của Pétain nhẫn nhục đứng ra gồng gánh đất nước dưới áp lực của kẻ thù thắng trận. Trong khi bộ máy tuyên truyền của De Gaulle, trong đó có sự giúp sức của Đài BBC, lên án Quốc trưởng Pétain hèn nhát đầu hàng kẻ thù Đức. Tòa án quân sự Pháp của chính quyền Petain kết tội De Gaulle đào ngũ và phản lại chính quyền hợp pháp tại chính quốc, và tuyên án tử hình khiếm diện tướng De Gaulle.
Tại Sài Gòn lúc bấy giờ có hai nhật báo Pháp là tờ Inpartial do Maurice Bernad, một bồi bút thân Nhật, và tờ La Dépêche do tên thực dân hạng nặng De La Chevrotièr làm tổng biên tập, tên này vài năm sau bị Việt Minh bắn chết.
Tuyệt đại đa số người Pháp tại Đông Dương vào thời điểm này đều có đầu óc chống người Nhật, vì Nhật đang dùng lực lượng quân sự đè nặng áp lực lên chính quyền thực dân Decoux. Nhà báo Pháp Maurice Bernard phải nhìn nhận là một ký giả uyên thâm và là một ký giả có tài, nhưng vì tư lợi nên dùng ngòi bút đi ngược lại quyền lợi của nước nhà bằng những bài báo gâ y ả ảnh hưởng ta i hạ i trong cá c giới Phá p qua lậ p trường thân Đức và Nhật của anh ta. Dĩ nhiên là các bài báo trên tờ Impartial phải qua sự kiếm duyệt gắt gao của cơ quan thông tin và tuyên truyền của Toàn quyền Decoux.
Trong những năm quân đội Nhật có mặt tại Việt Nam, chính quyền Decoux cấm dân chúng, công chức và quân nhân nghe lén đài phát thanh của De Gaulle thiết lập tại Calcutta (Ấn Độ) vì đài này luôn đả kích chính quyền Decoux đầu hàng người Nhật.
Một thiếu tá Pháp chỉ huy tiểu khu Ban Mê Thuộc mỗi tuần chỉ định cho những sĩ quan Pháp luân phiên bắt sóng nghe lén đài phát thanh của De Gaulle để thông báo cho các quân nhân Pháp về diễn biến của tình hình quân sự và chính trị trên toàn thế giới, nên bị cơ quan mật vụ của Decoux theo dõi và báo cáo về Hà Nội: Đại tướng Mordant, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương đành phải phạt vị thiếu tá này 15 ngày trọng cấm để làm vừa lòng Decoux.
Sau lời kêu gọi người Pháp khắp mọi nơi theo về với ông từ ngày 18.6.1940 để tiếp tục chiến đấu chống Hitler, tướng De Gaulle đã đạt được nhiều thành công đối với một số người Pháp tại Đông Dương, đặc biệt là việc đại tướng Toàn quyền Catroux, ngay sau khi rời khỏi nhiệm sở tại Hà Nội, thay vì bay sang Pháp trình diện với chính phủ Pétain, đã từ Singapour đổi phi cơ bay sang thủ đô Anh để gia nhập phe kháng chiến De Gaulle.
Riêng bác sĩ Béchamp, đang là Trưởng Phái bộ Y tế Pháp tại thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) đã bỏ nhiệm sở để lên đường sang nước Anh, nhưng khi đứng chân tại Quảng Châu Loan thuộc Pháp đã bị mật thám Pháp phát hiện và bị dẫn giải về Hải Phòng rồi bị Tòa án của Decoux kết án 15 năm tù khổ sai vì tội xâm phạm an ninh quốc gia. Sau đó, Béchamp bị đưa vào Sài Gòn và bị biệt giam tại khu dành cho tội phạm ở bệnh viện Grall và từ trần tại đây tháng 7.1944.
Cũng tại nhà giam trong bệnh viện Grall - nay là bệnh viện Nhi đồng 2, nhiều sĩ quan Pháp bị phát hiện là định bỏ trốn theo De Gaulle, đã bị bắt giữ và bị biệt giam tại đây, trong số có đại úy Richard, phi công Labussièr, hai trung úy Robert và Boulle. Ngoài ra, chịu áp lực của người Đức, Toàn quyền Decoux đã cách chức những viên chức pháp gốc Do Thái phục vụ trong bộ máy cai trị của Phủ Toàn quyền, như giáo sư Roger Pinto, bạn thân của Nguyễn Hữu Thọ, khiến ông phải rời trường Luật Hà Nội xuống Vĩnh Long làm luật sư.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:56:14 pm » |
|
Tối hậu thư của Nhật ngày 8.12.1941 buộc Pháp nhượng bộ, không kịp nhận lệnh từ chính quốc, Decoux nhận lãnh trách nhiệm nhượng bộ Nhật để có thể duy trì chủ quyền của Pháp thêm hơn ba năm nữa để ký Hiệp ước phòng thủ chung Pháp - Nhật
Ngay sáng ngày 8.12.1941, vài giờ sau cuộc đột kích của phi cơ xuống Trân Châu Cảng, căn cứ của hạm đội Thái Bình Dương của Hoa kỳ, Toàn quyền Decoux buộc phải ký gấp những thỏa hiệp mới với nhà cầm quyền quân sự Nhật tại Hà Nội, mà không kịp hỏi ý kiến của chính phủ Pháp tại Vichy.
Decoux nhìn nhận là các thỏa hiệp bổ túc này có một tầm quan trọng đặc biệt, và ông tuyên bố nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử về việc phải ký các thỏa hiệp này, dưới áp lực quân sự của người Nhật, vì ông tin chắc là nếu ông không chịu nhượng bộ thì quân đội Nhật, nhờ đã có mặt tại Đông Dương từ Nam tới Bắc, cũng đã tràn ngập các vị trí đóng quân của Pháp chỉ trong vài giờ và chấm dứt chủ quyền của Pháp tại Đông Dương.
Sáng ngày 8.12.1941, Decoux đang có mặt tại Hà Nội, ông thường luân phiên lưu trú ở hai Dinh Toàn quyền tại Hà Nội và tại Sài Gòn, thì được các đại diện của Bộ Tham mưu Nhật thông báo cuộc không kích xuống Trân Châu Cảng rồi trao cho ông một tối hậu thư buộc ông phải ký ngay những tài liệu về một thỏa hiệp mới bổ túc các thỏa hiệp trước đây về nguyên tắc một sự "phòng thủ chung Pháp - Nhật" chống lại mọi cuộc xâm lược từ bên ngoài.
Muốn kéo dài thời gian để kịp nhận chỉ thị từ chính quốc, Decoux phải khó khăn lắm mới thuyết phục vị tướng Nhật Tyo để cho ông được hoãn tới buổi chiều cùng ngày, để đưa ra lời phúc đáp là có ký hay không vào thỏa hiệp đã được phía Nhật soạn sẵn.
Tướng Tyo, được tiếng là một trong những "lãnh tụ"' của nhóm tướng lãnh trẻ được tín nhiệm trong Bộ Tồng tham mưu tại Tokyo, đã nhận được quyền hành rộng rãi cho phép ông có quyền thương thuyết hoặc cắt đứt quan hệ với Decoux và sử dụng vũ lực với người Pháp tùy theo hoàn cảnh.
Chiều ngày 8.12, sau khi suy nghĩ thật kỹ trong nhiều giờ, và thu thập ý kiến của đại tướng Mordant, Tổng chỉ huy quân đội Pháp tại Đông Dương và các cố vấn thân cận, Decoux chấp thuận trên nguyên tắc những yêu sách mới của Nhật và chịu bắt tay ngay vào các cuộc thương thuyết về mọi hình thức để thi hành các thỏa hiệp mới.
Ngay buổi tối hôm ấy đã diễn ra tại dinh Toàn quyền Hà Nội những cuộc thảo luận vô cùng gay go giữa đại diện hai bên kéo dài suốt đêm mùng 8 rạng sáng 9.12.1941, trong một không khí đặc mùi thuốc súng.
Nhiều lúc, Decoux đã nghĩ là cuộc đàm phán sẽ đi tới tan vỡ và như vậy người Nhật sẽ dùng lực lượng đã có sẵn để thực hiện một cuộc đảo chính quân sự xóa bỏ chủ quyền của Pháp tại Đông Dương. Đến mờ sáng, thì hai bên mới đạt được thỏa thuận trong gang tấc. Thỏa hiệp mới này có những điểm chính sau đây:
1. Nguyên tắc của một sự "phòng thủ chung" cho Đông Dương được lập lại. Nhưng thực ra nguyên tắc này không bao giờ được đem ra áp dụng, và không có một cuộc hành quân phối hợp được hai Bộ Tư lệnh Pháp - Nhật thực hiện, ngoại trừ sự tham gia tượng trưng của vài khẩu đội cao xạ Pháp bắn chỉ thiên khi phi cơ Mỹ oanh kích.
2. Trong mọi trường hợp, Decoux nhấn mạnh với phía Nhật cái thế trung lập của Pháp và Đông Dương trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương, và cương quyết từ khước tham dự trực tiếp hay gián tiếp vào mọi cuộc hành quân có tính cách tấn công vào những kẻ thù của Nhật. Còn các cuộc hành quân tự vệ "phòng thủ", thì phía Pháp né tránh để không phải tham gia với quân Nhật trong suốt cuộc chiến.
3. Quân đội Pháp vẫn giữ độc lập, không chấp nhận mọi sự xen lẫn của người Nhật vào tổ chức nội bộ của Pháp, và hoàn toàn trực thuộc Bộ Tư lệnh Pháp.
4. Bộ Tư lệnh Pháp không bao giờ thực sự "hợp tác" với quân đội Nhật, nên thường bị phía Nhật than phiền về sự thiếu tinh thần hợp tác của người Pháp, nhất là qua sự chống đối cương quyết của Decoux, việc chính phủ Pháp phải thừa nhận chính phủ bù nhìn tay sai người Nhật do Uông Tinh Vệ cầm đầu tại Nam Kinh, Trung Quốc.
Song song với các cuộc chuẩn bị các cuộc đột kích vào các căn cứ Anh - Mỹ tại Thái Bình Dương, Bộ Tư lệnh Nhật tại Đông Dương cũng ban hành những biện pháp nhằm đánh úp bất ngờ các vị trí đóng quân của Pháp tại Sài Gòn và Hà Nội trong trường hợp Decoux không đáp ứng những yêu sách mới của Nhật, như họ đã làm sau đó ngày 9.3.1945 khi chỉ một đêm là dẹp tan những ổ kháng cự chính yếu của Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương để xóa bỏ bộ máy cai trị của người Pháp...
Sau này, Decoux đưa ra nhận xét là nếu ngay từ năm 1940, nếu Hoa Kỳ cương quyết ngăn chặn sự bành trướng của Nhật xuống vùng Đông Nam Á như họ đã làm quá trễ sau khi quân Nhật lấn chiếm xuống miền Nam Đông Dương, thì rất có thể đã ngăn chặn được chính sách bành tướng của Nhật và tránh cho chiến tranh không lan rộng sang khu vực Thái Bình Dương, và cuộc chiến chống lại Hitler tại Âu châu có thể rút ngắn được ít nhất hai năm.
Trong suốt Đệ nhị thế chiến, quân số Nhật tại Đông Dương có hai lần lên đến con số cao nhất (75.000 người trước ngày bùng nổ cuộc chiến tại Thái Bình Dương tháng 12.1941 và 60.000 quân ngày Nhật đảo chính Pháp đầu tháng 3.1945). Quân số Nhật từ 1940 đến 1945 thường ở mức trung bình từ 23.000 đến 25.000 người trên toàn lãnh thổ Dông Dương, vì Nhật còn phải gửi những số quân lớn khác đến những lãnh thổ đang xảy ra chiến sự hoặc phải giữ lại để khai thác tài nguyên dùng vào việc theo đuổi chiến tranh.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #15 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:57:47 pm » |
|
Phi trường Sóc Trăng có tầm quan trọng quyết định cho không lực Nhật Ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến tại Thái Bình Dương, quân đội Nhật gặt hái được những chiến thắng vang dội bằng những trận đánh phủ đầu tại Trân Châu Cảng, Hồng Kông, Phi Luật Tân, Singapour và Mã Lai. Những đoàn tàu hộ tống chở quân đi đánh chiếm Mã Lai phần lớn xuất phát từ Hải Phòng, Sài Gòn hoặc từ chính quốc Nhật. Đặc biệt trong chiến công lẫy lừng của không quân Nhật đánh chìm hai thiết giáp hạm Anh Prince of Wales và Repulse ngày 10.12.1941 ở ngoài khơi bờ biển Mã Lai. Các oanh tạc cơ và phi cơ phóng ngư lôi Nhật lên đến hàng trăm chiếc đều xuất phát tử phi trường Tân Sơn Nhất và nhất là từ sân bay Sóc Trăng để rút ngắn đường bay một trăm cây số, giúp các phi cơ Nhật có đủ nhiên liệu để bay trở về căn cứ, điều này cho thấy những tai hại lớn cho Anh - Mỹ do sự chiếm đóng Nam Việt của quân Nhật. Trong 5 tháng đầu của cuộc chiến, quân Nhật đã đánh chiếm được cảng Hồng Kông ngày 24.12, Guam ngày 13.12, Wake ngày 24.1, Manila, Singapour ngày 15.2, Batavia ngày 6.3, Java ngày 9.3. Cuối tháng 4.1942 Nhật đã tiến sâu về hướng Australia, và giữa tháng 5, không quân Nhật tấn công cảng Darwin của Úc. Cuối tháng 5.1942, các tiềm thủy đình Nhật hoạt động ngoài khơi Sydney và Diego Suarez. Lúc bấy giờ, quân đội Nhật đã lên đến cao điểm của cả một loạt chiến thắng quân sự trước khi bị sức mạnh quân sự Mỹ lần lượt đánh bật ra khỏi những vị trí chiến lược mà họ đánh chiếm trong cuộc tổng tấn công trọng năm tháng đầu của cuộc chiến Thái Bình Dương... Trong suốt cuộc chiến giữa Nhật và Anh - Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương kéo dài trong 44 tháng, toàn lãnh thổ Đông Dương trở thành một khu vực bất động, nằm ngoài cuộc chiến, nằm giữa vùng khói lửa bao trùm các nước láng giềng. Những nhu cầu chiến lược đã thu hút quân lực hai bên đến những chiến trường khác, điều này giúp cho ba quốc gia Việt - Miên - Lào thoát khỏi thảm họa chiến tranh, ngoại trừ các cuộc oanh kích của không quân Mỹ xuống các mục tiêu tại Bắc Việt từ năm 1943, và xuống Nam Việt từ tháng 6.1944. Các cuộc không kích này gây ra những tổn thất lớn về vật chất và sinh mạng cho thường dân mà không gây khó khăn mấy cho quân Nhật trú đóng tại Đông Dương. Tổng thống Mỹ Roosevelt ngay từ tháng 4.1941 trước khi lao vào cuộc chiến đã có ý định trung lập hóa Đông Dương, nhưng bất thành vì Nhật quyết dùng Đông Dương làm bàn đạp để tiến chiếm Mã Lai và Singapour. Còn Toàn quyền Decoux thì tìm cách khuyên Hoa Kỳ và Trung Quốc đừng tấn công quân Nhật qua ngã biên giới Bắc Việt. Chính sách của Decoux được xác định như sau trong Đệ nhị thế chiến: - Không làm phật lòng hai cường quốc Anh - Mỹ. - Hoàn toàn giữ trung lập trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương. - Cố duy trì sự hòa hoãn với chính phủ Tưởng Giới Thạch để tránh chiến tranh bùng nổ tại biên giới Việt Trung. - Bảo vệ bằng mọi phương tiện chủ quyền của Pháp tại Đông Dương chống lại sự lấn át của người Nhật để duy trì bộ máy cai trị của Pháp, cho tới ngày kết thúc Đệ nhị thế chiến với sự đầu hàng trông thấy của Nhật. Decoux suýt đã thành công trong các cố gắng này nếu không xảy ra cuộc đảo chính ngày 9.3.1945 lật đổ chủ quyền của Pháp tại Đông Dương, chỉ năm tháng trước ngày Nhật buông khí giới đầu hàng. Nước Pháp với dân số chỉ độ 40 triệu người năm 1940, hoàn toàn không có đủ khả năng chống lại cùng lúc nước Đức với 60 triệu dân ở mặt trận Âu châu, và nước Nhật với 68 triệu dân ở Đông Nam Á nếu không được sự trợ giúp đắc lực của các cường quốc Đồng Minh. Điều này có thể hiểu vì chính Hoa Kỳ cũng không giữ nổi Phi Luật Tân lúc bấy giờ đang đặt dưới sự bảo hộ của họ với một lực lượng quân sự hùng hậu đặt dưới quyền chỉ huy tài ba của hai nhà lãnh đạo quân sự sáng chói nhất nước Mỹ là Mac Arthur ở chức vụ tổng tư lệnh, và Eisenhower ở chức tham mưu trưởng. Eisenhower sau này đảm nhiệm chức tổng tư lệnh lực lượng Anh - Mỹ - Pháp với hơn 5 triệu quân tại mặt trận Tây Âu. Trong khi Mac Arthur bị quân Nhật đánh đuổi và thoát chạy sang Úc mùa xuân 1942, nhưng ông này vẫn được Tổng thống Roosevelt tín nhiệm và giao cho giữ chức vụ tổng tư lệnh Mỹ ở mặt trận Thái Bình Dương để ba năm sau đó đánh bật quân Nhật ra khỏi tất cả những lãnh thổ mà Nhật đã đánh chiếm được trong 5 tháng đầu cửa cuộc chiến. Trước khi rút chạy khỏi Phi Luật Tân bằng tàu ngầm để tránh bị quân Nhật bắt làm tù binh, Mac Arthur đưa nắm tay hướng về nước Nhật long trọng thề trước một nhóm binh sĩ của ông: "Tôi sẽ trở lại". Và sau này đúng là ông đã quay trở lại!..
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #16 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:59:37 pm » |
|
Chính sách nước đôi của Decoux giữa hai kẻ thù Mỹ và Nhật. Tưởng Giới Thạch gửi tối hậu thư cho Pháp dọa cho quân tràn sang tấn công quân Nhật đang chiếm đóng Bắc Việt Ngay sau khi cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ ngày 7.12.1941 giữa Nhật và Anh - Mỹ, Toàn quyền Đông Dương Decoux lúc bấy giờ đặt ra các nguyên tắc căn bản cho chính sách đối ngoại của Phủ Toàn quyền Pháp tại Đông Dương như sau: 1. Thi hành một đường lối trung lập càng chặt chẽ càng tốt giữa hai phe đối kháng. 2. Không vượt ra ngoài những cam kết bị ép buộc giữa Pháp và Nhật. 3. Giới hạn, bằng mọi phương tiện, những hậu quả không thể tránh được của những cam kết mà Pháp phải chấp nhận dưới áp lực của Nhật. 4. Duy trì sự yên tĩnh và kéo dài nguyên trạng tại biên giới Việt - Hoa. 5. Tránh để cho các thỏa ước phòng thủ chung Pháp Nhật phải thi hành nhằm chống lại các cuộc tấn công của quân Anh - Mỹ có thể xảy ra. 6. Tỏ ra nể nang trong mọi trường hợp đối với hai cường quốc Anh - Mỹ. Chỉ 4 ngày sau khi cuộc chiến Thái Bình Dương bùng nổ, Thống chế Tưởng Giới Thạch gửi cho chính phủ Pháp một tối hậu thư cho biết là khi nào quân Nhật đang đồn trú tại Đông Dương sử dụng lãnh thổ này để tấn công vào miền Nam Trung Quốc bằng đường bộ hoặc bằng không quân, thì quân đội của Tưởng sẽ tràn sang Bắc Việt và Thượng Lào để tấn công quân Nhật và như vậy là miền Bắc Đông Dương sẽ trở thành bãi chiến trường giữa quân Nhật và quân Trung Quốc, điều mà Decoux rất lo sợ, vì trong hoàn cảnh này, chủ quyền của Pháp tại Đông Dương bị tổn thương nặng. Decoux bằng con đường ngoại giao, cố vận động để Tưởng Giới Thạch không nên có hành động gây hấn nào đối với quân Nhật tại miền Bắc Đông Dương để tình hình bớt rối ren và nguy hiểm. Ông H.Haye, đại sứ của chính phủ Pétain tại Hoa Kỳ đã tìm cách tiếp xúc với Đại sứ Trung Quốc vào đầu tháng 11.942 khi ông này đến công cán tại Hoa Thịnh Đốn, để thuyết phục Trung Quốc đừng có những hành động chiến tranh nhắm vào quân Nhật tại Bắc Việt. Và ông Haye cũng nhờ ông Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Cordel Hull khuyến cáo Trung Quốc tránh mở thêm một mặt trận mới tại biên giới Việt - Trung. Chính phủ Pétain đánh điện chỉ thị cho Toàn quyền Decoux không được dùng quân đội chống lại quân của Tưởng khi quân này tràn sang biên giới để tấn công quân Nhật trên lãnh thổ Đông Dương mà chỉ rút sâu vào nội địa, để cho hai kẻ thù Nhật Trung tự do thanh toán lẫn nhau trên vùng rừng núi ở biên giới, còn quân Pháp thì rút từ từ về miền đồng bằng Bắc Việt. Rất may cho các dân tộc Đông Dương là cho tới ngày chấm dứt cuộc chiến Thái Bình Dương, quân của Tưởng không xâm nhập miền Bắc Đông Dương nên không có một cuộc đụng độ nào xảy ra giữa quân Nhật và quân của Tưởng trên vùng lãnh thổ này.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #17 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 07:59:45 pm » |
|
Trong thời chiến, Decoux có thái độ rất khôn khéo không làm phật lòng cả hai phe đối địch. Ngay sau cuộc tuyên chiến của hai bên, tất cả những kiều dân Anh - Mỹ, Hà Lan tại Sài Gòn và Hà Nội đều bị quân Nhật quản thúc vì lý do an ninh. Phủ Toàn quyền Pháp, thi hành các công pháp quốc tế, thúc đẩy việc gửi tới Sài Gòn và Hải Phòng những tàu các nước trung lập để trao đổi và đưa về nước số người này.
Ngược lại, một số kiều dân Nhật tại Hoa Kỳ bị xét có thể nguy hiểm cho an ninh của Hoa Kỳ cũng bị quản thúc trong thời chiến. Còn những người Mỹ gốc Nhật định cư tại Hoa Kỳ từ bao đời trước, và nằm trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự, thì được gọi nhập ngũ với tư cách là công dân Mỹ, được huấn luyện quân sự rồi được gửi sang chiến trường Âu Châu đề chiến đấu chống lại kẻ thù da trắng của Mỹ là Đức và Ý
Trong khi những người Mỹ gốc Đức và Ý phục vụ trong quân đội Mỹ thì được gửi sang chiến trường Thái Bình Dương chiến đấu chống lại kẻ thù da vàng của Mỹ là quân Nhật, như trường hợp đại tướng Wedemeyer, người Mỹ gốc Đức, được giao đảm nhận chức Tổng Tư lệnh Đồng Minh tại mặt trận Đông Á và là tổng tham mưu trưởng của Tưởng Giới Thạch trong những năm sau cùng của Đệ nhị thế chiến.
Còn đối với những kiều dân các nước khác thù nghịch với Nhật, thì phủ Toàn quyền Pháp thương thuyết gay go với Phái bộ Ngoại giao và quân sự Nhật để những người này được tập hợp dưới sự canh giữ của nhà cầm quyền Pháp trong những trại tập trung, mà địa điểm quan trọng nhất đặt tại tỉnh Mỹ Tho. Trong số người này có rất nhiều phụ nữ và trẻ em da trắng được người Pháp giữ trại đối xử rất nhân đạo và tỏ ra rất thỏa mãn về số phận của họ.
Nhà cầm quyền Pháp còn phải mở những cuộc thương thuyết với Nhật để được giao trách nhiệm tạm quản lý các tài sản và tiền gửi trong các ngân hàng của những kiều dân Anh - Mỹ và Hà Lan tạm bị giữ trong các trại tập trung cho đến ngày chấm dứt chiến tranh để rồi sẽ được giao hoàn cho những người chủ hợp pháp, trong khi Phái bộ ngoại giao Nhật đòi tịch thu những tài sản của công dân các quốc gia thù địch của họ.
Toàn quyền Decoux còn yêu cầu chính phủ Pétain thông báo của Đô đốc Leahy, đại sứ Mỹ tại Vichy tất cả những gì mà ông ta đã làm để bảo vệ những quyền lợi của người Mỹ tại Đông Dương để không quân Mỹ nhẹ tay trong các cuộc không kích xuống các thành phố tại Đông Dương, nơi có một số vị trí quân sự Nhật ở ngoại thành.
Nhưng không lực Mỹ dường như không quan tâm đến những lời thỉnh cầu này của Decoux, nên vẫn tiến hành những cuộc dội bom vô tội vạ xuống các thành phố lớn, mà nạn nhân đa số là thường dân vô tội, trong số này có cả những người da trắng thường dân.
Nhiều khu cư trú của thường dân cũng bị ném bom, ngay cả chợ Bến Thành. Nhiều tàu buôn Pháp lãnh nhiệm vụ chuyển gạo tiếp tế từ Nam ra Bắc và chở than đá từ Bắc vào Nam đều lần lượt bị phi cơ Mỹ săn đuổi dọc theo bờ biển Việt Nam đánh chìm bằng bom và ngư lôi. Nhiều tàu chiến Pháp lãnh nhiệm vụ yểm trợ các đoàn tàu buôn trên lộ trình này cũng bị phi cơ Mỹ đánh chìm kéo theo cái chết của gần toàn bộ các thủy thủ đoàn hai chiếc Tahure và Béril, mà trước đó từng bỏ neo tại bến Bạch Đằng.
Từ 1943, không lực Mỹ thường tấn công các đoàn tàu hỏa xuyên Đông Dương, gây gián đoạn hệ thống đường sắt Bắc-Nam, nhưng gây không mấy khó khăn cho con đường vận chuyển của quân đội Nhật.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #18 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:12:37 pm » |
|
Pháp cất giấu phi công Mỹ bị bắn rơi tại Việt Nam rồi lén đưa họ sang Trung Quốc Tuy các oanh tạc cơ Mỹ gây thiệt hại về sinh mạng cho thường dân và nền kinh tế Đông Dương, Decoux vẫn thi hành chính sách trung lập nhưng thiên về Hoa Kỳ hơn. Khi các phi công Mỹ bị cao xạ Nhật bắn rơi và nhảy dù xuống đất, Bộ Tư lệnh Nhật dựa vào tình trạng chiến tranh, tự cho mình có quyền bắt giữ số phi công này, dù cho họ chỉ rơi vào tay nhà cầm quyền Pháp. Decoux viện lẽ là Đông Dương không có tham chiến và đứng trung lập nên có quyền cho số phi công Mỹ quyền tị nạn và quản thúc họ cho tới ngày chấm dứt chiến tranh. Thực ra, Decoux ngầm chỉ thị cho các viên chức địa phương Pháp cứu giúp, cất giấu các phi công Mỹ thoát chết sau khi nhảy dù xuống đất rồi kín đáo chuyển họ đến vùng biên giới Việt - Trung để giao cho chính quyền Tưởng Giới Thạch bên kia biên giới để họ có thể được chiến đấu trở lại chống quân Nhật, kẻ thù chung của Anh - Pháp - Mỹ. Vấn đề các phi công Mỹ bị bắn rơi xuống lãnh thổ Đông Dương năm 1944 trở thành mối bận tâm lớn cho Phủ Toàn quyền Pháp, vì trở thành một vấn đề nhạy cảm và tế nhị trong các cuộc thương nghị gay gắt giữa Nhật và Pháp. Người Nhật cứ nằng nặc đòi người Pháp phải giao các tù binh phi công Mỹ cho họ vì chính họ đã bắn rơi những người này, kẻ thù của họ. Có lúc, người Pháp e ngại là người Nhật không còn kìm chế được sẽ dùng vũ lực xông vào các nơi tạm che giấu phi công Mỹ để tóm bắt những người này. Một số viên chức Pháp háo hức muốn lập công với người Mỹ, những kẻ sắp chiến thắng, và với ý định nhận được những số tiền thưởng lớn nếu giải cứu và bí mật đưa họ sang được các tỉnh miền Nam Trung Quốc trao trả an toàn cho Tổng hành dinh Mỹ đóng tại Côn Minh (Vân Nam) hoặc tại Nam Ninh (Quảng Tây). Những người Pháp năng nổ và vụ lợi này đã qua mặt Decoux để lén lút đưa những tù binh phi công Mỹ ra khỏi các nơi tạm cất giấu và bằng những đường dây bí mật mà người Nhật không thể nào phát hiện được, qua những đường mòn trong rừng để đưa họ sang bên kia biên giới Việt - Trung. Vấn đề phi công Mỹ bị bắn rơi gây căng thẳng trầm trọng trong các quan hệ vốn đã mong manh giữa Nhật và Pháp vào đầu năm 1945 và cũng là một trong những nguyên nhân khiến quân đội Nhật phải tiến hành cuộc đảo chính quân sự ngày 9.3.1945 lật đổ chủ quyền của Pháp tại Đông Dương. Mặc dù bị bắt ép ký thỏa ước phòng thủ chung với Nhật chống lại một cuộc xâm chiếm từ bên ngoài chỉ có thể đến từ phía Anh - Mỹ, người Pháp tại Đông Dương luôn chờ đợi giờ phút liên quân Anh - Mỹ đổ bộ lên lãnh thổ Đông Dương để tấn công quân Nhật từ phía sau lưng. Người Pháp luôn ôm mối hận người Nhật lợi dụng sự thất trận của Pháp tại chính quốc để đổ quân và buộc Pháp phải chấp nhận sự chiếm đóng của Nhật trên toàn cõi Đông Dương, kèm theo những ràng buộc về kinh tế và tài chính để nuôi dưỡng số quân Nhật trú đóng tại đây trong suốt gần 5 năm của cuộc chiến Thái Bình Dương. Từ năm 1943, một bộ phận gián điệp của phe kháng chiến De Gaulle đã hợp tác với Phòng Nhì Pháp để chuyển những tin tức tình báo xác thực đến Bộ Tư lệnh Đồng Minh, hướng dẫn các phi cơ chiến đấu Mỹ từ bên Trung Quốc và từ các hàng không mẫu hạm Mỹ hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam bay đến tấn công và đánh trúng các vị trí của quân Nhật. Ngoài ra, hai cơ quan gián điệp OSS của Mỹ và Intelligence-service của Anh hoạt động trên lãnh thổ Trung Quốc sát biên giới Việt Trung cũng thu thập những tin tức tình báo về các nơi đóng quân và về các cuộc chuyển quân của Nhật tại Việt Nam. Một số các hoạt động tình báo của phe kháng chiến còn vượt ra ngoài sự hay biết của Decoux mà chỉ được thông báo cho đại tướng Mordant, người được De Gaulle tin dùng và bổ nhiệm vào chức vụ Tổng đại diện cho nước Pháp tự do, sau này là Chính phủ lâm thời Pháp do De Gaulle lãnh đạo.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
SaoVang
Đại tá

Bài viết: 8205
|
 |
« Trả lời #19 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 05:14:30 pm » |
|
Số phận của Nam Việt được định đoạt tại Vichy. Mỹ chờ cho Nhật đưa 50.000 vào Sài Gòn mới ra tay xô đẩy Nhật vào Đệ nhị thế chiến mà khỏng mang tiếng là gây chiến Mùa xuân 1941, Hitler nhận thấy không đủ khả năng đánh chiếm Anh quốc, đã phạm phải một sai lầm chiến lược lớn khi quyết định quay sang xâm lăng Liên Xô, một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới và những tài nguyên bất tận. Mờ sáng ngày 22.6.1941, gần 200 sư đoàn Đức và các nước đàn em như Ý, Hungary, Bulgary, Roumani v.v... với quân số tổng cộng hơn 3.000.000 người tràn qua biên giới tấn công Liên Xô trên một mặt trận dài hơn 3.000 cây số với ý định đập tan quân đội Xô Viết với quân số lên đến 4.700.000 người, trong một chiến dịch thần tốc như đã diễn ra tháng 5.1940 ở mặt trận Tây Âu. Ngày 9.10.1941, chỉ không đầy ba tháng sau những mũi tấn công quyết liệt, theo nhà viết sử Dahms trong quyển "Đệ nhị thế chiến", hơn 4 triệu binh sĩ Liên Xô đã bị đánh tan và bắt làm tù binh, quân Đức chiếm được những phần lãnh thổ rất giàu tài nguyên của Liên Xô gồm Ukraina, nước Nga Trắng, vùng Crimée, các nước vùng Ban Tích gồm Lettonia, Estonia. Cùng lúc, Hitler còn thúc hối Nhật nhân cơ hội Liên Xô đang bị vây hãm ở phía tây, tấn công sau lưng Liên Xô ở mặt trận phía đông Siberia để dẫn nhanh đến sự sụp đổ hoàn toàn của đại cường quốc cộng sản này. Cũng nên nhớ là Nhật - Đức - Ý nằm trong trục phát xít, cả ba đều có mục tiêu chống Cộng sản Quốc tế. Nhóm quân phiệt Nhật đang nắm quyền trong chính phủ của Thiên Hoàng đã ngần ngại rất lâu giữa hai cám dỗ là nhảy vào vòng chiến ở Bắc Á, tấn công sau lưng Liên Xô để chia phần lãnh thổ Liên Xô với Đức, hoặc xua quân xuống phía Nam đánh chiếm các thuộc địa của Anh - Pháp, Hà Lan và Hoa Kỳ rất giàu tài nguyên. Sau cùng, Nhật chọn con đường thứ nhì xem ra có lợi và dễ ăn hơn. Lúc bấy giờ, quân đội Nhật đã đồn trú tại Bắc Việt từ cuối tháng 9.1940 nên bước đi đầu tiên là đưa quân xuống Nam Việt để đặt căn cứ không quân tại Tân Sơn Nhất và Sóc Trăng, cùng với những đơn vị lục và hải quân. Các tướng lãnh Nhật lúc bấy giờ phạm phải sai lầm lớn là cho rằng Hoa Kỳ sẽ không ra tay can thiệp do xu hướng trung lập của một phần đáng kể trong dư luận Mỹ, và họ đã chiếm đóng dễ dàng Bắc Việt mà không gặp phải phản ứng mạnh của Tổng thống Mỹ Roosevelt lúc bấy giờ. Ngay những tháng đầu năm 1941, cơ quan mật vụ Pháp phát hiện các dấu hiệu cho thấy Phái bộ Nhật chỉ thị cho vị lãnh sự Nhật tại Sài Còn thu nhập tất cả những gì xảy ra tại Nam Việt. Sau đó, Phái bộ Nhật than phiền với Toàn quyền Decoux về thái độ thân Anh và thân De Gaulle của một bộ phận người Pháp tại Sài Gòn. Những lời than phiền này dần dần có tính cách đe dọa, nên Decoux ra chỉ thị cho người Pháp tại Sài Gòn phải tỏ ra dè dặt để không giúp cho người Nhật có cái cớ đòi Pháp phải để cho họ đưa quân vào miền Nam, điều này rất tai hại cho chủ quyền của Pháp tại miền Nam giàu lúa gạo và cao su này.
|
|
|
Logged
|
|
|
|
|