Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 06:20:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64744 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #90 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 11:57:46 am »

CUỘC GẶP GỠ BẤT NGỜ THÚ VỊ

     NĂM 1981, tôi được nghỉ an dưỡng ở Bãi Cháy, Quảng Ninh. Không còn gì khoái hơn là ra ngắm Vịnh Hạ Long  vào những buổi sáng khi vừng dương đang từ từ dâng lên khỏi mặt biển, ánh nắng loang dần trên sóng, lấp loá trên dãy núi đảo giăng thành, những con thuyền của các bạn chài đang kẻo buồm về bến, đẹp mà hùng vĩ vô cùng.

     Một buổi sáng, tôi đang say sưa với cảnh vật kỳ quan đầy quyến rũ như thế thì bỗng có giọng con gái ở sau lưng.

     - Thưa bác!

     Tôi vội quay lại. Thì ra cô tiếp viên của nhà an dưỡng.

     - Cô hỏi tôi?

     - Dạ, mời bác về có khách ạ!

     Tôi nghĩ bụng: Khách nào nhỉ? Đang mải ngắm phong cảnh đẹp thế này mà lại khách với khứa. Lát nữa nắng chang chang lên thì còn gì mà ngắm. Tôi bảo với cô gái:

     - Cô nói giùm với khách chờ tôi một lúc nữa được không?

     Cô gái tươi cười nói rất nhẹ nhàng lễ độ:

     - Thưa bác, khách của bác là các đồng chí bạn Lào đến thăm bác đấy ạ.

     - Các đồng chí Lào? - Tôi nói như vừa hỏi lại, lại như vừa tự nhủ với mình: Thế thì phải về ngay. - Cảm ơn cháu.

     Về tới phòng tiếp khách, tôi chưa kịp chào thì đồng chí bạn Lào đã đứng lên chào trước bằng tiếng Việt:

     - Chào anh Chuông đồng chí - Vừa bước tới đưa hai tay nắm chặt lấy bàn tay tôi, đồng chí bạn vừa nói – Anh Chuông đồng chí vẫn còn khoẻ lắm.

     Thú thật là lúc đó tôi rất ngỡ ngàng vì chưa rõ đồng chí bạn này là ai, mình đã gặp ở đâu và hồi nào; lại cũng ngượng tự trách mình sao lại có thể quên được như thế nhỉ? May sao sau khi cùng ngồi mời nhau uống nước, đồng chí bạn tự giới thiệu:

      - Tôi là Bua Hẳn đang nghỉ bên khu A. - Đồng chí bạn nói tiếng Việt khá sõi - Hỏi thăm các đồng chí phụ trách nhà nghỉ mát mới biết đồng chí đang nghỉ ở bên này nên phải sang thăm anh đồng chí ngay.

     Tôi thầm đoán đồng chí bạn này, chắc rằng đã gặp tôi nhiều lần trong chiến đấu hoặc trong quan hệ công tác nên biết tên tôi và đến thăm. Tôi chú ý quan sát và cố nhớ lại Trong những năm ở bên Lào, tôi chưa nghe cái tên Bua Hẳn bao giờ. Hay là có biết mà bây giờ tôi quên. Nhìn kỹ dáng người dong dỏng cao, đẹp trai, giọng nói nhẹ nhàng rất gần cách phát âm tiếng Việt thì thấy quen quen nhưng không sao đoán ra được. Tôi đành phải gỡ bí bằng cách hỏi quanh co:

       - Trước đây đồng chí Bua Hẳn có hoạt động nhiều ở vùng Sầm Nua, Sầm Tớ không nhỉ? Có lên Long Chẹng bao giờ không?

     - Đồng chí Chuông thân mến - Bua Hẳn nhìn tôi chân thật thổ lộ - Tuy tôi chưa gặp đồng chí lần nào, tôi chỉ hoạt động nhiều ở Hạ Lào thôi, nhưng xem trên báo, rồi nghe anh em kể lại nên biết rõ chiến công của đơn vị đồng chí, lại được biết đồng chí còn có tên gọi là Trung đoàn trưởng Khăm Thúc giống như tên của người Lào chúng tôi có đúng không? Đồng chí còn nói được tiếng Thái, nghe như tiếng Lào. Xin nói để đồng chí biết, đơn vị của đồng chí được nhân dân các bộ tộc Lào quý mến thương yêu lắm đấy?

     Tôi thở phào nhẹ nhõm. Thì ra không phải là mình quên. Đồng chí Bua Hẳn ngỏ ý muốn mời tôi, buổi chiều sang bên chỗ đồng chí nghỉ để anh em trò chuyện thêm. Tôi nhận lời. Đồng chí Bua Hẳn rất vui, tiếp tục trò chuyện như bạn cũ gặp nhau vậy.

     - Đồng chí Chuông sang bên nước Lào chúng tôi nhiều lần rồi phải không?

     - Cũng không nhiều đâu. - Tôi thật thà kể hết chẳng giấu giếm gì - Lần thứ nhất tôi theo sư đoàn sang là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cùng nhân dân các bộ tộc Lào giải phóng Sầm Nua. Hồi đó tôi mới là Đại đội trưởng. Lần thứ hai vào năm 1967, tôi phụ trách trung đoàn đưa cán bộ sang nghiên cứu tình hình rồi cùng bộ đội Pa thét Lào đánh bọn phỉ Vàng Phao lấn chiếm vùng giải phóng. Lần thứ ba là năm 1969, cả sư đoàn sang chiến đấu suốt cho đến năm 1972 giải phóng Cánh Đồng Chum xong, chúng tôi mới rút về nước. Cũng phải nói là những năm tháng Sư đoàn 312 chúng tôi chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ mà hai Nhà nước, hai Quân đội giao cho, đạt được như thế chính là nhờ có sự phối hợp tích cực của bộ đội Pa thét Lào và sự giúp đỡ tin yêu của nhân dân các bộ tộc Lào.

       - Đồng chí Chuông thân mến? Tôi được nghe kể về sư đoàn của đồng chí nhiều lắm đấy. Các đồng chí đã để lại những hình ảnh đẹp, rất anh hùng trong lòng nhân dân Lào, mãi mãi không quên, mãi mãi còn nhắc đến công lao Quân tình nguyện Việt Nam sang cùng Quân đội Lào giải phóng quê hương bản làng, trong đó có cả quê hương tôi.

      Nên riêng tôi, tôi rất yêu cả tiếng nói Việt Nam, chữ viết Việt Nam, đến nay tôi đã nói và viết được tiếng Việt, đồng chí nghe có rõ không?

      Cuộc gặp gỡ bất ngờ mà mỗi lúc thêm cởi mở thân thiết, chúng tôi đã chuyển từ chuyện chung đến chuyện riêng gia đình, vợ con, nhà cửa. Khi ra về, đồng chí Bua Hẳn hẹn đến chiều sẽ cho xe sang đón tôi.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #91 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 12:01:41 pm »

      Suốt buổi trưa hôm đó, tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ miên man về đồng chí bạn Lào mới gặp mà thắm thiết vô cùng. Thế rồi trong đầu lại như hiện lên hình ảnh anh em cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn trải qua năm tháng chiến đấu trên đất bạn, biết bao đồng chí hy sinh còn nằm lại trên chiến trường Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng.

     Chúng tôi đã có một buổi chiều vô cùng thú vị, vừa ngắm Vịnh Hạ Long vừa kể chuyện chiến trường. Song cho đến lúc này, tôi vẫn chưa biết đồng chí Bua Hẳn làm công tác gì ở bên Chính phủ Lào, đồng chí ấy chỉ giới thiệu tên mà tôi thì không tiện hỏi. Nhưng cứ xem tình cảm bộc lộ khi đón tôi, ôm hôn thắm thiết như anh em một nhà xa nhau lâu nay gặp lại thì chẳng còn phân biệt gì cấp trên, chức vụ mà chỉ có tấm lòng tin yêu quý mến nhau thôi.

     - Đồng chí Chuông ơi! - Bua Hẳn vừa nhìn ra biển vừa nói. - Quê hương đất nước đồng chí có biển, lại có Vịnh Hạ Long đẹp quá! Nước biển trong xanh có những đoàn thuyền ra khơi, các con tàu vào ra nhộn nhịp, các hòn đảo núi hình thù rất lạ, cao thấp khác nhau giăng ra như bày thế trận, thật là hùng vĩ mà lại đẹp như một bức tranh thiên nhiên mà ông trời đã vẽ nên từ hàng triệu năm về trước cho đất nước đồng chí . . .

     Trời tối dần. Thấp thoáng đã có các ngọn đèn toả sáng. Tôi đang say mê, vừa nghe Bua Hẳn nói vừa cảm xúc nghĩ về một tứ thơ đêm Hạ Long trong cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị này thì đồng chí liên lạc của nhà nghỉ mát tới mời chúng tôi về ăn cơm. Quả thật Hạ Long khi trời đêm buông xuống càng lộng lẫy, càng thiêng liêng.

Hỡi người đứng gác đêm khuya
Ngọn đèn không ngủ nhắn gì cùng anh
Hạ Long bờ biển trong lành
Hạ Long núi dựng xây thành ngàn năm
Đêm đêm triệu ngọn đèn đăng
Có sao sáng, có vầng trăng tụ về. . .

     Gọi là ăn cơm, song thật ra là một bữa tiệc đồng chí Bua Hẳn chiêu đãi tôi đậm đà tình nghĩa. Bua Hẳn nâng cốc chúc tôi:

      - Xin chúc anh Chuông đồng chí mạnh khoẻ sống lâu.

      Tôi xúc động nhìn Bua Hẳn rồi nói trong niềm vui say ngỡ như rượu đã ngấm vào người:

     - Bua Hẳn ơi, tôi cũng chúc đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc. Nào,

Ta cùng nâng chén chào mời
Uống đi cho mấy xa xôi cũng gần.


     - Đúng rồi Uống đi cho mấy xa xôi cũng gần! Chúc nhau nồng nhiệt vậy đấy nhưng chúng tôi vẫn giữ chừng mực không để sa đà quá chén. Cho đến khi kết thúc vẫn tỉnh táo, mỗi lời nói vẫn là nghĩa là tình.

      Trong khi uống nước, bỗng đồng chí Bua Hẳn hỏi tôi:

      - Nhà nước Lào đã có quyết định tặng Huân chương và Huy chương cho các chuyên gia và cán bộ chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam, đồng chí đã nhận được chưa?

      Thực ra là tôi chưa biết và chưa nhận được nhưng tôi vẫn nói: "Đã nhận được" để giữ cho cuộc gặp gỡ không bị hụt hẫng, vẫn giữ được không khí vui vẻ thân tình.

     Đồng chí Bua Hẳn tiếp lời luôn:

     Trung đoàn trưởng Khăm Thúc thân mến! Đồng chí cho tôi được gọi như bộ đội Pa thét và nhân dân Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng gọi đồng chí những năm 1970. Thôi thì dù đồng chí đã nhận hay chưa tôi cũng xin được tặng đồng chí cái Huy chương của cá nhân tôi để làm kỷ niệm về buổi gặp gỡ đáng ghi nhớ này. Mong đồng chí nhận cho và chúc đồng chí vui, trẻ, khoẻ mãi. Thật là bất ngờ. Tôi không nén được xúc động và lại rất lúng túng vì chẳng có gì để kỷ niệm cho Bua Hẳn đành ghi mấy dòng thơ về đêm "Hạ Long triệu ngọn đèn đăng, có sao sáng, có vầng trăng tụ về” và đề tặng đồng chí ấy mà thôi.

      Sau này, khi đã trở lại biên giới Tây Bắc tiếp tục công tác, nhận được thư Bua Hẳn, tôi mới biết rõ đồng chí ấy là Viện trưởng Viện Huân chương Phủ Thủ tướng Chính phủ Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào với tên đầy đủ là Bua Hẳn Huống Mạ Ly. Bức thư đồng chí Bua Hẳn đã viết bằng chữ Việt Nam, kiểu chữ rất chân phương khiến tôi càng thêm xúc động:

      "Đồng chí Chuông! Giữa tôi đối với bạn Việt Nam thì tôi coi như anh em một nhà, nên chưa đầy một tuần chúng ta gặp nhau tại Vịnh Hạ Long lần đầu tiên mà như đã quen nhau, sông bên nhau hàng chục năm ròi. Tôi đã tranh thủ đọc”Đường tới chân trời" của đồng chí, càng đọc càng thấy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý thức quốc tế vô sản cao cả của người Việt Nam nói chung, của đồng chí Nguyễn Chuông và Quân tình nguyện Việt Nam nó riêng. Càng đọc càng thấy tình đoàn kết vĩ đại, tình hữu nghị đặc biệt giữa hai quân đội và nhân dân Lào - Việt Nam. Tôi cho rằng đó cũng là một trong những nguyên nhân quyết định cho thắng là của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của nhân dân Lào. Tôi không biết nói gì khác ngoài việc mà tôi sẽ cùng với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào làm tất cả mọi việc để giữ gìn tình đoàn kết vĩ đại, tình hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng cho hai Đảng, hai dân tộc Lào - Việt Nam, sao cho mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

      Đồng chí Chuông thân mến! Lâu nay đồng chí không có dịp quay lại thăm Cánh Đồng Chum, nơi chiến trường mà đồng chí đã cống hiến sức lực và tài năng trí tuệ của mình cho Cách mạng Lào. Vậy tôi xin gửi tặng đồng chí tấm ảnh Cánh Đồng Chum trong hoà bình, độc lập, tự do và thống nhất, có đàn voi đang trên đường vận tải là hình ảnh của đất nước Triệu Voi mà thơ ca thường nhắc đến".


      Bức thư làm tôi như được sống lại những năm tháng chiến đấu trên mặt trận Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng. Dòng suy nghĩ cứ cuốn tôi đi với những kỷ niệm về trận đánh mà kể từ đó trở đi Cánh Đồng Chum sạch bóng quân thù.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #92 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 03:13:46 pm »

VỀ NHÀ
CHƯA HẾT VIỆC QUÂN

      Trên cho cán bộ về hưu thường là tuổi sáu mươi. Anh nào ốm yếu có thể được nghỉ sớm hơn. Tôi về hưu đã ở tuổi sáu lăm, thế là quá lứa, lại bị đau dạ dày, bị thương tật nữa nên có thể nói là già yếu rồi mới trở về quê hương sống với gia đình, gần vợ, gần con, gần bè bạn họ hàng. Dẫu sao cũng là niềm hạnh phúc không gì sánh nổi sau bao năm chiến tranh, đi hàng vạn cây số, đánh hàng trăm trận, vào sống ra chết, bom đạn không lường, vậy mà cái đầu vẫn vững, đôi mắt vẫn sáng để khi trở về được tận hưởng cái không khí yên bình của đất nước, quê hương. Phải nói là mãn nguyện chứ. Từ đây có thể cứ ung dung đọc sách ngâm thơ vui thú điền viên được rồi. Nguyễn Đức Mậu đã có thơ tặng rằng:

Thôi, đã đứt đường binh nghiệp
Tuổi hưu rồi, bác ở quê
Chạnh nhớ bạn bè thuở ấy
Cùng đi có đứa không về

      Nhà thơ khéo nhắc mình phải chăm sóc người vợ già: ..

Thời son trẻ xa nhau mãi
Giờ thương biết mấy cho vừa


      Đúng quá. Chữ tình rồi chữ hiếu là việc đã tới lúc phải lo cho trọn vẹn như Nguyễn Đức Mậu thì thầm tâm sự không sai:

Ngày đi khuất bóng mẹ cha
Ngày về sửa sang mộ cũ
Âm thầm một tấc đất sâu
Hương khói tỏ mờ mầu cỏ


      Cái anh nhà thơ trẻ này đã sống với mình khá lâu hồi ở sư đoàn, chẳng khác nào nói tự gan ruột mình:

Về hưu, giờ thôi quyền chức
Ai người, nhớ bác lại cho
Ai kẻ xa lòng tránh mặt
Miền riêng một mảnh trăng trời


     Nhưng cái "miền riêng" này cũng thật là bỡ ngỡ, bâng khuâng và lúng túng nữa, làm cái gì cũng thấy khó khăn, thua kém mọi người. Ở trong quân đội từ tuổi mười lăm, thường quen với súng đạn và mệnh lệnh đánh giặc, lại thường làm cán bộ nhiều thời gian hơn làm chiến sĩ, bây giờ tránh sao khỏi bỡ ngỡ khi phải bắt tay vào những công việc cụ thể, từ việc đi chợ, nấu ăn, nuôi lợn, nuôi gà, trồng cây làm vườn. Mặt khác còn phải lo các sinh hoạt dân phố, đoàn thể cựu chiến binh, thương binh, người cao tuổi. Thế rồi được bầu vào cấp uỷ thì phải nghĩ xem chi bộ đường phố bây giờ họp bàn cái gì, có cái gì không đúng với sinh hoạt chi bộ trong quân đội? Lại còn các hội đồng đội Sư 312, Sư 345, Quân đoàn 1, Quân đoàn 29, Quân khu 2, Trung đoàn 165, 86 pháo binh. Và các hội đồng hương tỉnh, đồng hương huyện, đồng hương xã. Nguồn tình cảm này là vô cùng quan trọng đối với người về hưu phải gìn giữ nếu không cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt. Mỗi lần gặp gỡ là một lần khơi dậy biết bao kỷ niệm buồn vui, rồi động viên nhau giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong cuộc sống đời thường sao cho vẫn là người mẫu mực của gia đình và xã hội.

      Cuộc sống bình yên nơi quê hương trải qua ngày này tháng khác, như thế chẳng giàu có thì cũng gọi là cuộc sống thanh đạm nhàn nhã như các cụ xưa nói "lão giã an chi" được rồi. 'Việc quân đội bây giờ chẳng đến lượt mình nghĩ tới nữa. Có về nhà ít ngày mới biết trút được cái gánh nặng công việc quân đội trên đôi vai, nó nhẹ hẳn người, đặc biệt là nhẹ hẳn cái đầu, ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc.

      Nhưng không ngờ, chỉ ít lâu sau, tình hình lại diễn biến khiến tôi thấy rằng việc quân đội đối với tôi chưa xong. Bắt đầu từ anh thương binh là cán bộ chính trị tiếu đoàn 6 trước kia đến báo cho biết là về nhà gần hai mươi năm rồi mà vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi. Thứ đến một bà mẹ tới báo tin con trai bà ở sư đoàn tôi hy sinh tại Quảng Trị đến nay chưa tìm thấy mộ thì bây giờ tính sao? Thế rồi lần lượt tuần nào cũng có, khi thì cha mẹ liệt sĩ khi là vợ con hệt sĩ đến hỏi: "Con tôi, chồng tôi, cha tôi, anh em tôi ở đơn vị với ông thời đó, chiến đấu hy sinh như thế nào, chôn ở đâu, ông thủ trưởng cho tôi biết với". Tôi phải tiếp, phải trả lời và phải nghĩ. Đúng là khi làm trung đoàn trưởng rồi sư đoàn trưởng, tôi đã cùng các anh trong cơ quan chỉ huy ký hàng nghìn giấy khen đồng thời cũng ký hàng nghìn giấy báo tủ gửi về địa phương cho các gia đình liệt sĩ. Chỉ riêng một chiến dịch Cánh Đồng Chum, Sư đoàn 312 chúng tôi có 1.600 đồng chí hy sinh. Khi sư đoàn hành quân về nước vẫn còn để tất cả bên đất bạn. Chiến dịch Quảng Trị, cả quân đoàn có 4.600 đồng chí hy sinh. Chắc rằng riêng tôi đã ký hàng trăm tờ giấy báo tử cho nên bây giờ bà con đến hỏi thăm tôi là phải. Còn đối với các đồng chí bị thương thì làm sao anh cán bộ sư trưởng như tôi có thể biết hết mọi trường hợp bị thương của cán bộ chiến sĩ trong sư đoàn mà chứng nhận. Trừ khi đã nắm được rõ ràng còn thì lại phải liên hệ với sư đoàn hoặc cơ quan chính sách rồi mới dám chứng nhận. Tóm lại là về hưu rồi, tôi vẫn còn phải có trách nhiệm với các chiến sĩ của mình, người hy sinh, người bị thương, vẫn phải làm hết trách nhiệm, có nghĩa là về hưu mà chưa hết việc quân đội. Tôi chỉ xin kể sau đây một vài sự việc mà giả sử nếu như không tiếp tục bỏ công sức lo toan cho trọn vẹn thì sẽ ân hận vô cùng.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #93 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 03:15:09 pm »

CHUYỆN ANH KHẮC

      Một hôm, tôi nhận được thư anh Phúc ấm, phóng viên báo Quân đội Nhân dân và nhà thơ Nguyễn Đức Mậu cho biết là hai anh xuống công tác huyện Đông Anh tình cờ gặp anh Khắc, Trung đoàn 165 trước đây. Trong khi trò chuyện về những kỷ niệm trên chiến trường năm xưa, anh Khắc có hỏi là "Thủ trưởng Chuông bây giờ ở đâu mà bao nhiêu năm dò tìm không gặp". Thư Phúc ấm và Nguyễn Đức Mậu nhắn rằng đã hẹn sẽ đưa anh Khắc đến thăm tôi và hỏi tôi "Cụ có nhớ anh Khắc không?". Hỏi mới lạ. Làm sao tôi lại có thể quên được con người dong dỏng cao, cân đối khoẻ mạnh và đẹp trai nữa?

     Cậu ấy là cán bộ chính trị Tiểu đoàn 6, chỉ huy chiến đấu phòng ngư trên dãy núi 1.800 - 2.000 Mặt trận Cánh Đồng Chum năm 1970 rất dũng cảm, sáng tạo, suốt một tuần lễ địch tấn công lên mất lần, bọn Mỹ chi viện đủ loại bom pháo kể cả B.52 rải thảm vẫn không suy suyển. Đặc biệt, Khắc bị thương trong trận này nhưng không rời trận địa vẫn bám sát đơn vị chiến đấu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Trận này đơn vị tôi bị tiêu hao khá lởn phải xin bổ sung quân số. Có loạt bom B.52 rơi trúng khẩu đội cối sáu người cùng với cả đại đội trưởng đại đội hoả lực đang trực tiếp quan sát và chỉ huy chiến đấu. Khói bom tan, anh em đi tìm thì không còn thấy một ai, súng cũng bay đi đâu mất. Tất cả đã thành tro bụi. Tìm mãi, tìm mãi chỉ nhặt nhạnh được từng mảnh thịt, từng mảng tóc, khúc tay, bàn chân, gom lại khâm liệm vào một gói ni lông rồi chôn chung trong một hố. Hôm đó lên kiểm tra trận địa, tôi giục anh Khắc về phía sau cho quân y xem lại vết thương nhưng Khắc bảo chỉ bị thương xoàng, sức ép vớ vẩn, vài ngày là khỏi. "Tình hình chiến đấu đang diễn ra quyết liệt thế này, bị thương như tôi, về phía sau làm sao được,, Nghe Khắc nói vậy, tôi đồng ý...

     … Người như thế hỏi, sao tôi không nhớ? Nhận thư ấm và Mậu. Tôi rất phấn khởi được gặp lại con người đã hơn hai mươi năm nay bặt tin mà những kỷ niệm với nhau thì vẫn chưa quên. Thế là tôi thắc thỏm chờ đợi cả tuần lễ không thấy ai đến. Anh Khắc ở quê, giờ giấc có thể trục trặc, không nói làm gì, nhưng Phúc âm và Đức Mậu từ xưa tới nay vẫn rất là chuẩn mực, sao lần này lại sai hẹn như thế.

      Tuần sau, khi tôi đang làm vườn thì bỗng có một chị đầu chít khăn tang vào hỏi thăm:

      - Thưa Bác, bác cho cháu hỏi nhà bác Chuông có phải đây không?
   
      - Vâng, nhà tôi đây? Chị hỏi có việc gì?

     - Cháu là vợ anh Khắc đây ạ!

     - Ôi? Vui quá tôi chờ anh suốt cả tuần lễ qua. Chị lại đến thăm trước.

     Tôi mời chị vào nhà, hỏi thăm gia đình và không quên hỏi thăm chị đang để tang ai. Chị Khắc khóc oà lên. Tôi chẳng hiểu ra sao cả song cũng đoán chừng hay là anh Khắc mới chết, chiếc khăn chít mối trên đầu chị ấy còn mới lắm. Nhưng chẳng lẽ Phúc Ấm và Đức Mậu vừa viết thư nhắn tuần trước là sẽ đưa anh Khắc sang đây. Không thể có chuyện ấy. Tiếng khóc của chị Khắc thì lại khiến tôi hiểu có lẽ đó là sự thật chăng? Quả nhiên, chị mếu máo nói trong nước mắt:

      - Anh Khắc nhà cháu chết rồi, bác ơi!

     Đã đoán chừng ra mà nghe chị nói, tôi vẫn thấy bất ngờ, sự việc thật quá là đột ngột khiến tôi lặng đi như nửa tin nửa ngờ, không muốn đó là sự thật. Chị vẫn tiếp tục kể:

     - Tuần trước, anh ấm, anh Mậu và anh Khắc gặp nhau ở nhà con, còn bàn bạc hẹn ngày đến thăm bác. Tuần rồi, hai anh có đến nhà lại đúng vào hôm anh Khắc phải vào viện cấp cứu vì vết thương cũ tái phát. Thế là hai anh vào Viện 108 thăm. Cũng tưởng như mọi lần rồi đâu lại vào đấy Nào ngờ được hai ngày thì anh ấy bỏ mẹ con con. Hai anh Ấm và Mậu liền cùng gia đình và bệnh viện tổ chức tang lễ rất chu đáo. Hôm qua, hai anh bảo con sang thăm bác rồi báo tin cho bác biết luôn. Khổ thân anh ấy Tìm kiếm bác mãi, đến khi biết chỗ bác ở rồi thì lại không còn sống để được thưa chuyện với bác.

     - Có chuyện gì thế hả?
   

      - Thưa bác, nỗi khổ tâm nhất của anh ấy là bị thương mà bao nhiêu năm nay vẫn chưa được là thương binh. Anh ấy làm đơn gửi đến nhiều nơi, ở đâu người ta cũng bảo phải có đơn vị cũ, có thủ trưởng cũ lúc bị thương, chứng nhận mới được. Anh đi tìm hỏi các bác đơn vị cũ mà chẳng biết tìm ở đâu. Đến khi biết được chỗ bác ở, chuẩn bị đi thăm bác để bác chứng nhận cho thì. . . - Chị nấc lên nói nghẹn trong cổ họng - Số kiếp anh ấy thật là long đong; bây giờ thì tất cả dồn lên đầu con, con biết nuôi nấng dạy bảo các cháu ra sao?

     Tôi nghe mà chưa biết động viên an ủi chị Khắc ra sao. Lát sau, Đức Mậu và Phúc ấm cùng tới. Phúc ấm nói:

     - Chúng em thất hẹn với Thủ trưởng vì tình huống diễn ra đột ngột quá. Chắc chị Khắc đã kể cụ nghe rồi. Chúng em thay mặt đơn vị cùng gia đình làm tròn nghĩa vụ với anh Khắc, thăm nom khi anh nằm viện và tổ chức tang lễ khi anh qua đời. Hôm nay cùng xuống thăm, báo tin không vui để cụ biết và cho ý kiến.

     - Bây giờ các anh chị mới báo thì tôi còn ý kiến gì được - Tôi thở dài, nghĩ mà thương cho anh Khắc – Bây giờ Khắc chết rồi, chứng nhận cho anh ấy bị thương và chết vì vết thương chiến tranh tái phát ư? Việc đó dễ thôi. Nhưng có được trên công nhận thì cũng muộn rồi. Ta thử bàn xem nên làm thế nào cho có hiệu quả.

     Đức Mậu nói:

     - Bác cứ chứng nhận anh Khắc bị thương. Anh Khắc không được hưởng thì các cháu nó được hưởng. Trường hợp bị thương của anh Khắc thì bác biết quá rồi. Vết thương tái phát mà chết là anh Khắc sẽ được công nhận là Liệt sĩ.

     - Đúng rồi. Thôi được, để tôi viết ngay.

     Tôi liền viết giấy chứng nhận anh Khắc bị thương ra sao, lại viết thư cho anh Lã Thái Hoà hồi đó là sư đoàn trưởng để cùng chứng nhận đồng thời viết thư về sư đoàn cũ. Anh Ấm nói:

     - Cụ cứ chứng nhận thư thế nhất định là được. Chữ ký của cụ văn có hiệu lực như xưa. Chúng em sẽ dẫn chị Khắc đến gặp thủ trưởng Lã Thái Hoà và về sư đoàn để làm việc.

     Tôi nói với chị Khắc:

     - Ấm và Mậu là hai người bạn tất, có thuỷ có chung. Hai cậu ấy đã lo liệu việc gì là đến nơi đến chốn - Và tôi chỉ còn biết an ủi chị Khắc - Chị cứ yên tâm nuôi dưỡng các cháu. Chỉ tiếc là đã lâu tôi không gặp được anh Khắc; đến bây giờ thì anh em chẳng còn làm sao mà nói với nhau điều gì được nữa.

     Nhờ có Phúc ấm và Đức Mậu giúp đỡ, công việc tiến triển khá thuận lợi, các cấp từ sư đoàn đến tỉnh, huyện đều rất tận tình, chưa đầy một năm, chuẩn bị giỗ đầu anh Khắc thì tôi nhận thư chị ấy báo tin anh Khắc đã được công nhận là Liệt sĩ. Thế là tôi cũng được an ủi một phần chứ không cứ gì chị Khắc và các cháu.

« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 03:50:35 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #94 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 04:10:35 pm »

ĐẾN CHUYỆN ANH HỮU

      Một buổi sáng, tôi vừa cho lợn gà ăn xong định vào nhà pha trà uống thì một chị khoảng gần năm mươi tuổi và một anh đi sau, quân phục bạc màu, đầu không mũ, tóc bơ phờ, vào cổng gọi. Tôi vội quay ra, chưa nhận ra ai thì người đàn bà đã đon đả chào rồi hỏi:

     - Thưa bác, bác có phải là bác Chuông?

     - Vâng, chị hỏi tôi có việc gì?
      
      - Trời ơi, may quá - Chị ta xởi lởi mừng rỡ nói tiếp - Nếu không có huyện đội Gia Lâm chỉ dẫn thì khó mà tìm thấy bác được.

     Tôi mời anh chị vào nhà, rồi vừa pha trà vừa nói:

     - Anh chị ngồi uống nước đã rồi có việc gì ta sẽ cùng bàn.

     Đây là vợ chồng anh thương binh. Nghe chị vợ giới thiệu tôi nhớ ra, anh tên là Hữu, bị thương khi làm nhiệm vụ vận tải từ mặt trận Cánh Đồng Chum năm 1970, máy bay B.52 rải bom, anh bị đập đầu vào đá chỗ dãy núi gần hang bản Thắm. Nhưng sau năm 1971, anh được cử về nước học Trường Sĩ quan Lục quân kia mà, sao bây giờ lại ngơ ngơ ngác ngác thế này, cứ nhìn tôi chằm chằm như hai người lạ gặp nhau, chẳng nói chẳng rằng. Chị vợ phải giục:

     - Đây là bác Chuông, anh chào bác Chuông đi!

     Anh Hữu gập đầu chào. Tôi liền hỏi xem anh có nhớ tôi không, anh lắc đầu. Lại hỏi, hồi năm 1970, anh ở đại đội nào, tiểu đoàn nào, anh cũng lắc nốt. Chị vợ liền đỡ lời:

     - Thưa bác, lúc mới về, nhà em còn tỉnh táo khoẻ mạnh lắm, không như thế này đâu. Từ khi vết thương ở đầu tái phát, cơ chừng sáu năm nay cứ như điên như dại, mới phải đi bệnh viện. Các bác sĩ chẩn đoán là anh ấy bị chấn thương sọ não. Ấy hồi được cử đi học trường sĩ quan ở Sơn Tây, được anh em bày cho là nếu có kiểm tra sức khoẻ thì phải giấu biệt cái chuyện bị bom B.52 giập đầu vào vách đá, anh ấy mới được vào học. Nhưng rồi tập luyện vất vả quá, tới mùa hè nóng nực, cái chứng nhức đầu nó hành hạ không sao chịu đựng nổi, học buổi đực buổi cái, nhà em phải nói thực với cấp trên về cái lần bị thương năm 1970 ở bên Lào. Cuối cùng thì cũng được tốt nghiệp, được phong trung uý, nhưng ra trường chưa về đơn vị nào lại phải đi viện. Thế rồi cấp trên cho ra quân trở về công tác ở nhà máy xe lửa Gia Lâm được bốn năm, cũng cứ đi viện luôn. Sau khi phát điên, cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn như vậy thì nhà máy cho nghỉ việc chẳng có chế độ nào cả. Khổ vậy. Một mình em lương công nhân nuôi chồng và ba đứa con chẳng biết trông cậy vào đâu. Đã thế, cứ đến mùa hè là anh ấy lại phát điên phá phách lung tung, em phải nhờ hàng xóm đến giữ, tìm cách nhốt lại trong buồng. Ai cũng sợ, tuy là rất thương. Mẹ con em khổ quá Đã lâu rồi, anh ấy chỉ nhớ mỗi tên Thủ trưởng Chuông. Em đi tìm dễ đến gần hai mươi năm nay bây giờ mới thấy. Vậy mà anh ấy cũng không còn nhận ra được. . .

     Quả thật, tôi không ngờ anh em trong đơn vị tôi lại còn có những đồng chí gặp phải cảnh ngộ như thế. Buồn quá!

     - Thế anh ấy còn giữ được giấy tờ gì không?

     - Chỉ có giấy của nhà máy, của huyện và của Trường Sĩ quan Lục quân.

     Thế thì chưa đủ. Để tôi sẽ hỏi lại Sư đoàn trưởng Lã Thái Hoà và nhất là sẽ hỏi anh Hải về tiểu đội vận tải của sư đoàn hồi bấy giờ. Nói thật với chị, tôi chưa gặp anh Hậu lần nào, vì thế anh ấy không nhận ra tôi, nhưng tôi có nghe kể về trường hợp bị thương của anh ấy. Bây giờ qua những điều chị giãi bày, tôi rất tin. Chị yên tâm, tôi sẽ viết thư và xác nhận để anh Hữu được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước. Thôi, bây giờ đến bữa rồi, mời anh chị ra ăn cơm dưa muối với vợ chồng tôi, rồi còn gì, chiều ta bàn tiếp.

     Buổi chiều, viết thư xong, tôi trao cho chị Hữu và căn dặn:

     - Chị mang thư này lên gặp anh Lã Thái Hoà và anh Hải ở 34 Lý Nam Đế. Có giấy tờ của hai anh ấy rồi, chị quay lại nhà tôi, tôi bàn thêm rồi chỉ đường cho chị lên sư đoàn.
      
     Công việc không ngờ lại rất suôn sẻ. Sư đoàn báo cáo lên trên để anh Hữu đi khám sức khoẻ, kiểm tra giám định thương tật. Một thời gian sau, chị Hữu đến nhà tôi báo tin, lại gọi vợ chồng tôi là bố mẹ:

     - Chúng con chẳng biết lấy gì để đền ơn hai bác,  chúng con xin được coi hai bác như bố mẹ. Anh Hữu nhà con đã được xếp thương tật loại bốn. Thế là từ nay gia đình con cũng bớt được phần nào vất vả. Nhà con rất nghèo, chẳng có gì, chỉ có cân bún khô của nhà làm được, con biếu bố mẹ. Hai cân này con sẽ biếu bác Hoà, bác Hải.

      Chị Hữu năn nỉ mãi khiến tôi đành phải nhận cho chị vui lòng. Tôi liền giục bà nhà tôi làm ít thức ăn nấu bún luôn để chị Hữu cùng ăn cho vui.

     Lúc chia tay, chị Hữu rưng rưng nước mắt:

     - Nhà vợ chồng con ở tổ dân phố số 6 Công ty may 10, thị trấn Sài Đồng. Khi nào rỗi rãi nắng ấm, con mời bố mẹ sang chơi với vợ chồng con và các cháu.

     Tiễn chị Hữu ra về rồi, tôi thấy vui mà lại chưa hết buồn, hết nghĩ... Chẳng biết sư đoàn tôi còn bao nhiêu đồng chí gặp phải hoàn cảnh như đồng chí Hữu, đồng chí Khắc. Chính sách còn nhiều lỗ hổng quá, còn nhiều sơ suất quá. Tự dưng, tôi không cầm được nước mắt?
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #95 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 04:47:36 pm »

TIẾP ĐẾN CHUYỆN ANH HOÀNG QUYẾN

     Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Mai Dịch họp ở nhà tôi. Cuộc họp đã đến phần kết thúc thì bỗng có một ông già đầu đội nón, quần áo xộc xệch đi cùng anh con trai đến gọi cổng, gọi rõ tên tôi. Bà nhà tôi ra, ông ta hỏi ngay:

     - Nhà ta có phải là nhà ông Chuông không?

     Tôi nghe giọng nói oang oang rất quen, liền bảo bà cháu mở cổng mời ông ấy vào. Đúng là ông Quyến rồi. Tôi phải xin phép các cụ kết luận hội nghị nhanh để con tiếp khách.

     - Ông ấy ở tận Phú Thọ về thăm tôi đấy.

     Tiễn các cụ trong ủy ban Mặt trận ra về rồi, tôi quay vào cũng xởi lởi hỏi ngay:

     - Thế nào, mạnh khoẻ chứ ông Quyến? Cuộc sống gia đình có gì đổi mới không? Vẫn ở cái nhà chỗ ngã ba Cổ Tuyết huyện Tam Thanh hay đi đâu rồi mà bao nhiêu năm bây giờ mới gặp?

     - Vẫn cái nhà hồi ông đến chứ đi đâu, gần gốc cây đa đường lên Cát Trù ấy.

     - Bà ấy nhà ta thế nào, khoẻ chứ? Các cháu làm ăn khá không?

     Anh Quyến tỏ vẻ lúng túng, trả lời một cách ngượng ngùng, rời rạc:

      - Cũng được thôi.

      - Sao tôi trông ông có vẻ khổ sở thế này? Đã bỏ được rượu chưa? Cái máu Trương Phi có bớt được chút nào không?

      - Tôi khổ quá - Anh Quyến không trả lời vào các câu hỏi dồn dập của tôi cứ vừa lắc đầu vừa than vãn - Tôi khổ quá! Và cũng sai nhiều.

      Một lát, như đã bình tĩnh trở lại, anh mới bắt đầu nói có đầu có cuối hơn:

      - Hôm nay về thăm ông và một số ông nữa là tôi muốn nhờ ông giúp tôi xem nên sống thế nào đây, chứ tôi khổ quá!

      Anh gục đầu xuống, xúc động không nói tiếp được nữa. Tôi bèn hỏi sang anh con trai đi cùng xem cháu là con thứ mấy, cháu đáp:
      
      - Cháu là con rể đầu bố cháu. Hôm nay đưa bố cháu về gặp ông xong là cháu phải lên ngay Việt Trì công tác.

     Anh con rể được dịp bộc lộ tất cả mọi chuyện với người bạn chiến đấu già của ông bố vợ mình:

     - Bố cháu về từ năm 1971. Từ ngày đó chỉ uống rượu và đi lang thang chữa bệnh bằng các cây thuốc theo phương pháp y học cổ truyền, nay ở làng này mai sang làng khác.

      - Như thế thì tốt chứ sao?

     - Nhưng bố cháu không về nhà, cứ bê tha rượu chè. Mỗi lần về nghe mẹ cháu, anh cháu nhắc nhở là chửi toáng lên rồi đánh đuổi "Chúng mày cút hết đi, tao không cần đứa nào quan tâm đến tao, tao không cần vợ con". Bạn bè rồi cán bộ chính quyền xã, huyện, thậm chí cả tỉnh, đến thăm, bố cháu cũng chửi tất: "Chúng mày dạy tao ư? Tao còn đẻ ra chúng mày, lạ gì tao không biết". Nhưng không ai giận cả vì biết bố cháu có điều gì còn ẩn ức đây. Bây giờ bố cháu ở một mình. Cái nhà ông đến hồi nào bây giờ chỉ là cái lều dột nát. Nhiều lần mẹ con cháu đem gạo và quần áo đến, bố cháu đánh đuổi rồi vứt trả: "Tao không cần ai, tao sống một mình". Đến lúc chẳng còn ai nhờ ông chữa thuốc nữa, thế là không có ăn, sống co ro, đành nhịn đói, chẳng lẽ đi ăn xin, mấy tháng nay có thể nói là khổ cùng cực. Cháu là rể có mua thứ gì mang đến, bố cháu nể lắm mới nhận. Gần đây, bố cháu tự nhận là "bố sai lắm rồi; bây giờ bố có công chuyện chỉ muốn gặp ông Chuông rồi ông Phương, ông Hoà và một số ông nữa". Đấy, thưa bác, sự thể là như thế cho nên hôm nay cháu mới đưa bố về gặp bác theo nguyện vọng của bố cháu.

     Tôi chăm chú nghe và nghĩ cũng thấy lạ. Thằng con rể nói bố vợ như vậy trước mặt người bạn của bố mà ông ta vẫn ngồi im. Chắc hẳn anh chàng Quyến "Trương Phi" này đã quá thấm thía về những sai lầm của mình rồi đây.

     Tôi liền hỏi:

     - Thế bố cháu có lương hưu kia mà?

     - Không có gì cả. - Anh Quyến bật nói.

    - Nhưng anh là chiến sĩ giải phóng từ trước Cách mạng Tháng Tám lại đã là cán bộ tiểu đoàn được phong hàm đại uý rồi kia mà.

    Anh con rể đỡ lời:

    - Khi bố cháu về, chẳng hiểu vì sao lại đem đốt tất cả sổ sách giấy tờ, vứt cả Huân huy chương, cho nên đến nay có chính sách ưu đãi người kháng chiến mà bố cháu thì chẳng khác nào phó thường dân đứng ngoài cuộc kháng chiến.

    Thế là rõ rồi. Suy cho cùng thì vẫn là do cái máu Trương Phi, bực mình là làm ào ào đi chẳng có suy trước tính sau gì cả. Chứ tôi biết Quyến từ hồi cướp chính quyền ở Phú Thọ, Hưng Hoá, cho đến khi thành lập Sư đoàn 312 cùng nhau chiến đấu đi khắp các chiến dịch. Anh ta khoẻ mà táo tợn, làm việc nhanh nhưng hay ẩu, chiến đấu dũng cảm nhưng hễ vào được đồn là tìm rượu trước. Do lập được thành tích xuất sắc mà được thưởng áo lụa của Bác Hồ kia mà! Nhưng tôi biết có một chuyện, chắc chỉ có chuyện đó thôi khiến anh ấy bất mãn xé bỏ giấy tờ và đến nay thì mới hối tiếc.

     Anh con rể rụt rè hỏi:

     - Cháu nghe người ta nói trước đây bố cháu có dính vào một vụ buôn thuốc phiện nên bị kỷ luật?

     - Láo toét. - Anh Quyến gắt gỏng nói - Mày hãy nghe ông Chuông kể lại thì mới rõ sự thật nó là như thế nào.
   
     - Cháu ạ, không đúng như thế đâu. Số là bố cháu có bài thuốc gia truyền. Hồi còn trong bộ đội, đóng quân ở làng nào thấy có người ốm là ông ấy chữa cho. Khỏi bệnh, người ta lại mời ăn uống, có khi còn biếu tiền. Chữa khỏi cho nhiều bà con lắm nên đến đâu bố cháu cũng được người ta gọi là ông lang Quyến, rất trọng vọng, quý mến. Đến cái lần chữa bệnh cho một gia đình ở xã Tân Hưng, Phổ Yên, nhà giàu, thang thuốc lại cần có thuốc phiện. Nhà chủ bảo khó tìm ra cái thứ đó. Bố cháu bốc lên nói khoác: "Thiếu gì. Tôi mua hàng yến cũng được". Không ngờ câu chuyện lại lọt vào tai công an. Công an liền bố trí cho một cô gái đến nhờ mua. Cô gái săn đón, thúc bách ghê lắm, hỏi tiền đâu thì vài ngày sau cô ta mang cả một bị tiền ra nhử, bảo khi nào trao hàng thì trao tiền. Đã trót thì trét chứ bố cháu có biết ngóc ngách thuốc phiện ở đâu mà buôn. Tính nghịch ngợm táo tạo nổi lên, bố cháu liền đi kiếm một ít nhựa đường gói lại, đợi cô gái đến rồi đèo cô ta tới địa điểm đã định. Vừa loáng thoáng thấy từ hai phía cùng có người đi xe đạp đèo nhau sáp lại, cô gái ngồi sau hô: "Anh bị bắt. Dừng lại. Nếu chống cự tôi sẽ bắn. Đương nhiên là tôi chỉ bắn què thôi". Thế là hai xe công an kia ập tới bắt. Bố anh mới hỏi: "Vì sao bắt tôi? Tội gì?". "Tội buôn thuốc phiện chứ còn tội gì?". Bố anh cười khì: "Tang chứng đâu?". "Lại còn chối à. Thế cái gì để trong túi dết?". "Chả có gì hết chỉ có tài liệu và ít nhựa đường". "Nhựa đường. Anh còn ngoan cố phải không? Tịch thu”. Bố anh mới lấy ra đưa cho cô gái: "Xem đi, không nhựa đường thì là cái gì. Đáng lẽ tôi định đem về hàn cái trôn vại nước của bà cụ chủ nhà nó rò nhưng bây giờ thì tôi cho chị đấy. Chị có giỏi đem về cho ông cụ nhà chị hút đi".

      Đáng lẽ không có tang chứng thì không có quyền bắt người nhưng mấy anh công an này cay cú, lại vẫn cứ bắt và giải về giao cho sư đoàn. Thế rồi đơn vị hành quân chiến đấu, bố cháu phải ở lại phía sau, mọi việc do bộ phận hậu phương giải quyết như thế nào, bác cũng không rõ. Từ đó đến nay mới gặp lại. Không ngờ, ông Quyến "Trương Phi" ơi, sao mà ông lại thân tàn ma dại đến thế này. Nói ông bỏ qua, trông ông chẳng khác nào anh Chí Phèo trong chuyện của Nam Cao ấy.

      Anh Quyến gãi đầu:

     - Biết sai lầm rồi! Tôi tự gây ra, tự tôi làm khổ tôi thôi? Nhưng bất công quá, nó lại khai trừ tôi ra khỏi Đảng rồi ký quyết định cho tôi chuyển ngành chứ không cho về hưu. Chuyển ngành thì tôi biết làm gì với cái văn hoá chống nạn mù chữ? Tôi cho đời mình đến đây là hết, tôi chẳng chuyển về đâu cả, tôi về nhà và đốt tuốt mọi thứ, không cần đời, không cần ai, mặc cho nó muốn đến đâu thì đến, lang thang làm thuốc có tiền uống rượu rồi chửi, chửi tuốt, lúc say chửi, lúc không say cũng chửi, chửi cho đã giận, đã sầu. Cuối cùng mới thấy tai hại, mới bảo cháu đưa đi tìm ông...

     - Thế là tôi rõ tình hình của ông rồi, ông Quyến "Trương Phi" ạ? Sẽ có cách giải quyết thôi. Bây giờ đến bữa rồi, bà nhà tôi chuẩn bị xong rồi, hai cha con ra ăn cơm với vợ chồng tôi; đêm nay nghỉ lại đây, ngày mai ta bàn thêm. Tôi sẽ viết thư và chỉ đường cho tới những nơi mà ông cần phải gặp.

     Anh Quyến quay ra bảo con rể:

     - Này, anh đem hai cái măng ra làm đi - Xong anh quay lại tôi nói tiếp - Đây là hai cái măng bương to nhất ở cái bụi trước nhà hồi ông đến vẫn còn nay nó sinh sôi che kín cả nửa cái sân. Cái giống măng này luộc ăn cũng ngọt lắm.

     - Thôi để bữa tối các cháu về làm ta cùng ăn, bây giờ có thức ăn rồi, hai ông con ra ăn cơm với vợ chồng tôi kẻo nguội.

     Hôm sau, hai cha con anh Quyến cầm thư tôi đến gặp anh Lã Thái Hoà và anh Hoàng Phương, Trung tướng, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự. Chính anh Hoàng Phương hồi đó đã ký quyết định cho anh Quyến chuyển ngành. Tôi cũng viết thư lên cả sư đoàn đề nghị xem xét giải quyết cho thoả đáng vì sự thực về bản chất, hồi đó, anh Quyến không có lỗi, chỉ là do tính khí con người mà thôi. Tiễn cha con anh đi, tôi biếu một ít tiền tàu xe, nói mãi anh mới chịu nhận.

     Anh Hoàng Phương giải quyết rất tốt, vừa viết thư vừa gọi điện thoại lên Sư đoàn 312 bàn bạc hướng giải quyết và biếu anh Quyến hai trăm ngàn đồng lại cho xe con đưa anh lên thẳng sư đoàn.

     Hồ sơ lưu trữ của Sư đoàn 312 còn khá đầy đủ, anh em đã làm lại toàn bộ giấy tờ cho anh Quyến được hưởng chính sách về hưu và trợ cấp kháng chiến. Gần đây tôi được tin dường như anh đã bớt hẳn cái tính "Trương Phi", ít uống rượu, sống vui vẻ với con cháu. Cuộc sống gia đình đã được đầm ấm, ổn định.

     Té ra đồng đội của tôi còn những đồng chí gian truân như thế. Qua sự việc này, tôi không dám nghĩ theo kinh Phật rằng "giúp một người phúc đẳng hà sa", mà chỉ nghĩ là trách nhiệm của mình, đây là việc quân đội mà đối với mình, dù đã về hưu cũng chưa thể gọi là xong.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 07:14:43 pm gửi bởi baogt » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #96 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 05:02:03 pm »

BÀ MẸ HẢI PHÒNG

     Một hôm, tôi đến Nghĩa Tân thăm anh Lịch, bạn chiến đấu cũ cùng đơn vị Quân đoàn 1 về, vừa tới nhà được một lúc đã nghe tiếng người gọi cổng. Lần này là một chị dắt xe máy, quần áo lịch sự. Tôi chạy ra chưa tới cổng thì chị đã lễ phép hỏi:

     - Thưa bác, đây có phải là nhà bác Chuông?

     - Vâng, chị hỏi tôi có việc gì? Mời chị vào nhà...

     - May quá - Vừa dắt xe vào sân chị vừa nói hồn nhiên như người thân - Cháu đến chỗ bác Lịch mới biết chỗ ở của bác. Bác Lịch bảo bác vừa ở đấy ra ít phút thôi. Vậy là cháu về lấy xe phóng đến nhà bác luôn. Chỉ sợ bác đi chơi đâu. May quá, bác lại về nhà.

     Tôi cứ ngỡ đây là người làng hoặc cháu họ, em họ gì  đó đến chơi thăm thôi nên mới thân mật vậy. Té ra đây là cô giáo dạy ở trường cấp 2 Nghĩa Tân, gần nhà anh Lịch, có người em ở Đại đội 7, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 165, Sư đoàn 312, hy sinh Ở Quảng Trị. Giấy báo tử gửi về địa phương do tôi ký. Bây giờ không biết phần mộ ở chỗ nào, cho nên gia đình, nhất là bà mẹ đẻ, rất muốn đi thăm mộ con trai, thắp cho con nén hương. Chị nghẹn ngào nói:

     - Nhà mẹ cháu ở dưới Hải Phòng. Mẹ cháu bảo cái giấy báo tử không ghi rõ sơ đồ mộ chí thì bây giờ cứ đi hỏi ông ký giấy may ra ông biết. Thưa bác, đây là giấy báo tử của em cháu. Còn đây là ảnh của em cháu. Tôi cầm tờ giấy xem. Đúng là chữ ký của tôi đây rồi.
Tôi lại cầm lấy tấm ảnh. Chà, một chàng trai Hải Phòng thật là khôi ngô. Tôi chợt nhớ đến chuyện người chiến sĩ quê Hải Phòng chiến đấu trong thành Cổ Quảng Trị rất hiên ngang, vừa ung dung hút thuốc lá vừa bắn trả quân địch. Đồng chí ấy cũng đã hy sinh trong Thành Cổ mà phần mộ bây giờ chắc đã trở thành thảm "cỏ xanh non tơ” như lời hát của nhạc sĩ nào đó mà thôi.

      - Thưa bác! - Tôi hơi bối rối trở lại thực tại trước câu hỏi của chị - Bác có biết tên các anh trung đội trưởng, đại đội trưởng của em cháu không, và bây giờ các anh ấy ở đâu ạ?

     …

    - Cháu muốn hỏi thăm các anh đó xem em cháu trướclúc hy sinh có dặn lại gì không và việc chôn cất thế nào?

     May sao tôi lại vẫn còn nhớ cậu Măng là Tiểu đoàn trưởng hồi đó, bây giờ đang ở huyện Đông Anh. Anh Lạc, Chính uỷ 165 thì ở Thái Nguyên. Tôi nói với chị:

     - Muốn biết các anh đại đội trưởng và trung đội trưởng hồi đó, chị phải đến tìm gặp anh Măng ở Đông Anh, anh là người trực tiếp chỉ huy các đơn vị chiến đấu. Cũng xin tiết lộ để chị biết, riêng tại chiến trường Quảng Trị - Đường 9, Quân đoàn 1, có hơn bốn nghìn liệt sĩ mà quy tập về chắc rằng chỉ được khoảng hai phần ba.

     - Vâng! Bác nói vậy là cháu hiểu. Cuối năm 1971, em cháu học hết cấp 3 xong là đi bộ đội liền, chưa biết hò hẹn với một người con gái nào nên mẹ cháu thương lắm, cứ giục cháu đi tìm bác bằng được. Bây giờ biết tin là mẹ cháu lên ngay đấy. Trước là thăm bác, sau là sang Đông Anh gặp anh Măng. Biết được thêm chút tin tức nào về em cháu là mẹ cháu mừng lắm, bác ạ.

     Bốn ngày sau, cô giáo đưa bà mẹ đến nhà tôi. Cô kéo tôi ra nói nhỏ:
      
     - Mẹ cháu định đi Quảng Trị ngay ngày mai. Cháu sợ mẹ cháu mệt. Nhờ bác khuyên mẹ cháu thư thả nghỉ ngơi vài ngày, cháu xin được nghỉ phép, cháu sẽ đưa mẹ cháu đi.

     Tôi định lựa lời nói theo ý cô con gái nhưng bà cụ đã nói trước:

     - Tôi tận Hải Phòng, được tin con cháu nói là đã tìm được ông thủ trưởng của thằng nhỏ, tôi vội lên để trực tiếp nghe ông kể về cháu chiến đấu hy sinh như thế nào, chôn cất ở đâu, có còn nguyên vẹn không mà giấy ông ký báo tử chỉ nói ngày tháng hy sinh ở Quảng Trị, không nói đến nơi chôn cất. Vậy thì nó làm sao?

     Nói đến đây, bà oà khóc lên và người con gái cũng khóc theo. Rồi bà vừa lau nước mắt vừa nói tiếp:

     - Tôi biết là con tôi không còn mồ mả gì nữa đâu, không còn cả thân xác nữa đâu. Mấy đêm nằm ngủ, tôi đều thấy con tôi về, nó bảo thể xác con không còn, đã biến hết vào đất đai, cây cỏ Quảng Trị rồi, mẹ đừng có phải đi tìm, không thấy được con đâu. Mẹ gọi về lúc nào con về cũng được. Con thương mẹ lắm. Con vẫn thường về thăm mẹ như hôm nay. Mẹ không biết đâu... Tôi nói chuyện với nó rất lâu và thấy nó còn nguyên vẹn ông ạ.

      Tôi vừa nghe bà mẹ liệt sĩ nói vừa nghĩ lung tung về các trận chiến năm nào, chiến sĩ của tôi ngã xuống, mỗi người mỗi vẻ. Đã có Dáng đứng Việt Nam lẫm liệt, bất khuất, Dáng ngủ trong đội hình đánh giặc và Dáng chết của người chiến sĩ hiên ngang thanh thản. Những hình ảnh cứ như ẩn như hiện trong trí nhớ của tôi, kể từ trận Tú Lệ, Tiểu đội trưởng Khoát quê ở Thái Bình, bộc phá hết mà vẫn còn hàng rào dây thép gai cuối cùng, anh nằm lên lấy thân mình làm giá thiết cho anh em vượt qua xung phong chiếm đồn giặc. Thắng trận rồi quay ra thì anh đã hy sinh, vẫn nằm trên đó, súng một bên, một tay vẫn níu chặt cọc hàng rào, hai vết đạn ở ngực, Ở đùi, máu đẫm áo quần đang chảy thành giọt xuống hàng rào, xuống đất Tú Lệ. Đến trận Gò Hồi, anh Vũ Miền, phụ trách tổ xung kích số 1 chết mà thân hình nằm nghiêng ngay trước lỗ châu mai. Khi làm chủ trận địa rồi, chúng tôi quay lại mới thấy anh, ngực đầy máu, đạn địch găm khắp người. Không biết có những viên đạn nào cắm vào thịt xương anh đã che cho tôi ở tổ xung kích thứ hai và Đại đội phó Tiệm ở tổ xung kích thứ ba xung phong hoàn thành nhiệm vụ. Tiếp đến là ở trận đánh cao điểm 105 bắc sân bay Mường Thanh, tôi bị thương rồi bị địch bắt mà anh em thì hy sinh nhiều quá, có đồng chí tôi chỉ nhìn thấy hai bàn chân trên mặt chiến hào, có đồng chí đầu văng đi đâu mất . . . Còn ở Quảng Trị, cái trận bom giặc Mỹ ném trúng vào đội hình Trung đoàn 41 khi đơn vị vừa qua động Ông Gio về Khe Chai, năm mươi anh em nằm la liệt, không còn biết nói sao cho hết nỗi xót đau. . .

     - Ông ạ? - Bà mẹ liệt sĩ như đánh thức tôi khỏi cơn mê sảng - Vì thế, tôi vào Quảng Trị không phải để đi tìm mồ mả con tôi nữa. Tôi vào thắp hương cúng ông thần linh thổ địa trong đó, thắp hương nơi cháu nó yên nghỉ để rồi xin các ngài một nắm đất nơi cháu đã ngã xuống vì Độc lập, vì Tự do của nước nhà, tôi đem về, tôi thờ, tôi để cạnh chỗ tôi sống hàng ngày thì như vậy cũng như lúc nào tôi cũng được gần con tôi. Tôi tính như vậy có được không ông? Cho nên công việc có thế thôi, làm gì phải chuẩn bị nhiều, cần gì phải chờ con cháu này đưa đi, tôi còn khoẻ, nhất định là ngày mai tôi đi.

     Tôi xúc động nhìn bà và thấy quý trọng bà mẹ liệt sĩ này vô cùng. Thật là một tâm hồn của người mẹ Việt Nam anh hùng. Tuy vậy, tôi vẫn tìm cách khuyên nhủ bà phải chuẩn bị thật kỹ càng cho chuyến đi của mình mặc dầu tàu xe hiện nay khá thuận lợi, nhưng còn những điều kiện thuận lợi khác phải biết tranh thủ để công việc được thông dòng bén giọt hơn:

     - Thưa bà, ý bà đã quyết như thế, tôi không dám ngăn. Nhưng nếu bà chậm một vài ngày để cô giáo đây nghỉ phép cùng đi thì tốt hơn. Bà có bạn đường, nhất là con gái, ở nhà bớt phải lo lắng cho bà. Các cụ xưa nói: "Người trên cây không lo bằng người ở dưới đất" là sự thế. Thêm nữa, bà chờ tôi viết thư cho các đồng chí trong Quảng Trị thì vừa có giấy giới thiệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng vừa có thư của tôi nhất định bà sẽ được tiếp đón chu đáo.

     Tôi kể cho bà mẹ nghe chuyến đi Quảng Trị của tôi mới đây, vào thăm thành Quảng Trị, thắp hương trên đài tưởng niệm, tôi được các đồng chí trong đó tiếp đón rất nồng nhiệt. Bà mẹ khẽ cười:

     - Vâng, vậy thì ông cho tôi một lá thư.

     Hai tháng sau, chị con gái bà đến thăm tôi báo tin là bà đòi đi ngay ngày hôm sau, chẳng làm sao mà cản được. Thế là chị đành phải xin phép nghỉ đột xuất để đưa mẹ đi.

     - Tất cả đi về có năm ngày thôi bác ạ. Cơ quan tỉnh đón tiếp chu đáo lắm. Mẹ con cháu vào Thành Cổ thắp hương rồi lấy một nắm đất mang về. Mẹ cháu chọn một cái lọ sứ rất đẹp bỏ vào rồi lập bàn thờ ngay trong phòng ngủ của mẹ cháu ấy. Mỗi lần khấn em cháu xong lại lầm rầm nói lời cảm ơn tỉnh Quảng Trị, cảm ơn ông tướng Chuông. Mẹ cháu bảo hôm nào rỗi rãi lên thăm cháu, mẹ cháu sẽ đến thăm bác. Khi nào có việc về Hải Phòng, cháu mời bác đến chơi với bố mẹ cháu.

     Biết nói gì đây về các chiến sĩ của chúng ta đã hy sinh như người con trai của bà mẹ Hải Phòng này? Xin hãy mang nặng tình cảm như lời hát trong bài ca Cỏ non trong Thành Cổ. "Cỏ non xanh non tơ, xin cớ vô tình". Vâng, chớ bao giờ vô tình, chớ bao giờ quên đối với những người đã hy sinh vì cuộc sống của chúng ta hôm nay.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #97 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 05:07:23 pm »

NGUYÊN NHƯ KIM Ở ĐÂU?

     Sau những năm về hưu, tôi vẫn canh cánh bên lòng về người đại đội trưởng tuyệt vời này. Không rõ anh còn ở trong quân đội hay chuyển ngành và đang ở đâu? Hàng năm, cứ đến ngày 27 tháng 12 họp mặt truyền thống bạn chiến đấu Sư đoàn 312, tôi lại hỏi xem có ai biết Nguyễn Như Kim ra sao, nhưng rất tiếc, chẳng một ai rõ cả. Chỉ có một đồng chí nghe phong thanh là Nguyễn Như Kim còn ở trong quân đội.

     Đây là một cán bộ đại đội mà sư đoàn đã đề nghị tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Chẳng hiểu trục trặc thế nào mà trên không duyệt. Song thực tế thì có thể nói báo chí, công luận đã phong cho anh những danh hiệu cũng khá hấp dẫn. Từ báo của đơn vị, báo Miền Tây, báo Quân đội Nhân dân và cả báo của Đảng đều đã đăng các bài với nhiều thể loại gương đặc tả, tường thuật trận đánh do anh chỉ huy rồi cả bình luận và thơ. Nguyễn Như Kim được các báo gọi là "Đại đội trưởng gió lốc". Bình luận báo Quân đội Nhân dân viết: "Sự có mặt kịp thời ở vị trí then chốt, cách xử trí linh hoạt trong những tình huống phức tạp, tinh thần chủ động hiệp đồng đối với đơn vị bạn của Đại đội trưởng Nguyễn Như Kim trong chiến đấu thể hiện một tác phong chỉ huy vừa có ý chí kiên cường vừa phát huy trí sáng tạo chủ động trong cách đánh. Đó là người Đại đội trưởng có vị trí chỉ huy chiến đấu đúng, tức là luôn có mặt ở nơi quyết định nhất, thường là nơi gần địch nhất, tạo cho mình điều kiện chỉ huy thuận lợi nhất". Trong bài đặc tả "Nguyễn Như Kim, Đại đội trưởng gió lốc” báo Quân đội Nhân dân đã viết: "Kim bị thương lần thứ hai vào đùi. Anh khuỵu xuống mắt vẫn không rời căn hầm chỉ huy của địch hiện lên mờ mờ trong làn khói bụi. Kim ném quả thủ pháo vào một căn hầm trước mặt. Bọn giặc ở xung quanh thét lên chĩa súng bắn vào phía Kim. Nhưng Kim đã thu cờ ôm vào người lăn đi mấy vòng (lá cờ Đoàn Kết, Anh Dũng, Đánh Thắng, khi Kim nhận từ tay thủ trưởng đã hứa: "Người trước ngã, người sau cầm cờ lao lên. Chân không dừng tiến, cờ không ngừng bay" và lúc này tới tay Kim đã là người thứ ba sau khi Ngất rồi Quy bị ngã xuống) nằm ép sát vào hầm chỉ huy của địch. "Bục", quả thủ pháo của Kim ném ra nổ giữa căn hầm lớn của bọn chỉ huy. Kim khoác tiểu liên qua vai, hai tay nắm chặt cán cờ rồi nhún người nhảy lên nóc hầm. Kim quay cờ mấy vòng trên đầu, nói lớn: "Cờ đã cắm trên nóc hầm chỉ huy! Cờ đã cắm trên nóc hầm chỉ huy! Tiến lên"...

      Hồi ấy tôi là Trung đoàn trưởng, anh Lã Thái Hoà là Sư đoàn trưởng đều rất tự hào có một cán bộ chỉ huy dưới quyền như Đại đội trưởng Nguyễn Như Kim.

     Trong các cuộc họp truyền thống, tôi đều đề nghị anh em dò hỏi xem đồng chí Nguyễn Như Kim hiện ở đâu. Ai biết thì nhắc đồng chí ấy hàng năm cố gắng về họp mặt.

     Thật ra, riêng tôi vẫn có điều băn khoăn muốn làm cho rõ. Cái tính tôi nó thế.

     Đến kỳ họp truyền thống sư đoàn năm 1995, một  đồng chí báo cho tôi biết Nguyễn Như Kim hiện là trung tá bộ đội xăng dầu thuộc Tổng cục Hậu cần, nhưng ở phía Nam. Dẫu sao cũng yên tâm về cậu ấy và thế nào cũng có dịp gặp được. Tuy vậy, tôi vẫn nóng lòng muốn biết rõ, càng sớm càng hay, những gì đã diễn ra đối với cậu ấy kể từ năm 1972, cậu ấy đi khỏi sư đoàn. Tự nhiên đầu năm 1997 này, Nguyễn Như Kim mò đến nhà tôi. Thật là không hẹn mà nên.

      - Thế nào, mất tăm mất tích bấy nhiêu năm ở đâu mà anh em dò mãi không thấy?

     Nguyễn Như Kim cười khì khì:

     - Em có biết Thủ trưởng hỏi thăm em, từ đó đến giờ Thủ trưởng vẫn nhớ tới em. Thực ra em không biết Thủ trưởng ở đâu cả. Hơn nữa sau ngày bị thương phải đi điều trị, đến khi khỏi rồi, em lại được cấp trên cho đi học về bộ đội xăng dầu rồi vào giữ kho xăng dầu ở miền Nam. Hôm ra Hà Nội họp gặp anh Cứu thì biết Thủ trưởng nhiều lần hỏi thăm em. Mấy hôm trước em lại cứ đi tìm Thủ trưởng ở khu tập thể quân đội làng Cót. Đến nay mới biết Thủ trưởng ở đây.

     - Thôi được rồi, anh em ta luôn nghĩ đến nhau, đến thăm nhau, thế là quý lắm. Bây giờ mình muốn hỏi về cái uẩn khúc vì sao hồi ấy việc tuyên dương danh hiệu Anh hùng của cậu lại bị gác lại?

     Nguyễn Như Kim khẽ thở dài:

     - Có gì đâu Thủ trưởng. Chuyện mâu thuẫn ở địa phương ấy mà.

     - Chứ không phải do gia đình cậu thuộc thành phần lớp trên?

     - Đâu có. Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi nhắc lại để làm gì?

     - Không! Tôi và anh Lã Thái Hoà rất quan tâm đến việc này. Đây không chỉ là chuyện của một người mà là truyền thống của sư đoàn ta. Mặc dầu chúng tôi về hưu cả rồi nhưng chúng tôi vẫn còn có trách nhiệm với truyền thống của sư đoàn. Anh Hoà làm Sư trưởng 5 năm, kế đến tôi 6 năm, làm sao chúng tôi có thể quên được các cán bộ đánh giặc giỏi có chiến công xuất sắc ở Sư đoàn 312 chúng ta? Đã đến lúc phải làm sáng tỏ chuyện này và tiếp tục đề nghị lên trên.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #98 vào lúc: 15 Tháng Mười Hai, 2009, 05:11:44 pm »

     Tôi phải nói đến thế, Nguyễn Như Kim mới thuật lại sự việc răng gia đình anh trước sau cải cách ruộng đất và cho đến nay vẫn thuộc thành phần trung nông. Chú, bác và bố đều hoạt động trong Mặt trận Việt Minh từ trước Cách mạng Tháng Tám. Nhưng cán bộ trên cơ quan thi đua khen thưởng về điều tra lý lịch lại hỏi đúng vào cái ông có mâu thuẫn, hay kèn cựa với ông cụ thân sinh ra Kim, thế là lão ta phết ngay cho cái "thành phần đỉa chủ” và lại còn thêm "hay phản ứng chính sách" nữa chứ. Chắc mà mấy ông thi đua khen thưởng nghe thấy vậy bèn xếp lại, thế rồi cũng do hoàn cảnh chiến tranh quá bận rộn không xét nữa. Đời không thiếu gì chuyện bốc lửa bỏ tay người như vậy đấy.

     Nguyễn Như Kim nói:

     - Chuyện đã qua rồi. Bây giờ các Thủ trưởng lại định kiến nghị và tuyên dương em là Anh hùng thì không được đâu. Các Thủ trưởng đã già, đã được Nhà nước cho nghỉ hưu thì khỏi phải lo việc sư đoàn, nó vất vả ra, mà không được đâu. Chuyện nó cũng lâu rồi. Vả lại em cũng được quân đội quan tâm nhiều lắm, đến nay đã được phong cấp đại tá, về làng cũng được bà con quý trọng, thế là được.

     - Chưa đúng - Tôi nói một cách nghiêm trang – Không tính chuyện già chuyện trẻ ở đây. Việc cần làm mà đến tay người già thì người già cũng không được thờ ơ. Tôi nói lại, việc này đối với anh có một phần nhỏ thôi còn đối với thành tích lịch sử của sư đoàn mới là lớn. Tôi đề nghị anh cứ viết lại thành tích của mình và xác định mình làm vì truyền thống sư đoàn, truyền thống quân đội.

      Nguyễn Như Kim nghe ra hứa sẽ làm lại hồ sơ thành tích của mình. Tôi cho Kim số điện thoại của các anh Lã Thái Hoà, rồi anh Lạc là Chủ nhiệm chính trị hồi đó và cả Tiểu đoàn trưởng Tích nữa, giục Kim gọi điện thoại luôn đi, hỏi thăm các anh ấy và nói cho các anh biết ý định của tôi xem sao. Tất cả ba anh đều đồng ý với cách đặt vấn đề của tôi.

      Bốn chúng tôi đã ký xác nhận vào dưới bản thành tích của Nguyễn Như Kim đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang, sau đó tôi và anh Hoà trực tiếp lên sư đoàn bàn bạc các bước tiến hành. Tôi lại điện thoại cho Phúc Ấm ở báo Quân đội Nhân dân, nhờ sưu tầm và phôtôcopy lại tất cả các bài viết về Nguyễn Như Kim.

     Hồ sơ toàn bộ gửi lên Quân đoàn. Quân đoàn đồng ý, gửi lên Cục Chính sách. Cục Chính sách chấp nhận. Cán bộ về địa phương kiểm tra mới thấy rõ sự thật. Chính quyền địa phương hoàn toàn nhất trí với hồ sơ lý lịch mà Nguyễn Như Kim đã kê khai. Âu cũng là một trong những niềm vui của một người sĩ quan về hưu nhưng vẫn còn có ích cho đồng đội, cho bạn bè, cho quân đội. . .


HẾT
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM