Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:59:20 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Vương triều Lý và Kinh đô Thăng Long  (Đọc 78150 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #30 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2009, 05:40:47 pm »

1. Mở đầu cho công cuộc giáo dục và thi cử là vào năm Canh Tuất, tức Thần Vũ năm thứ 2 (1070 ứng với Tống Hy Ninh, năm thứ 3) vào mùa Thu, tháng 8, Lý Thánh Tông (1054--1072) cho xây Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Đây còn là nơi để Hoàng thái tử đến học. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông (1138-1175) cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.

2. Đến năm Ất Mão, tức Thái Ninh năm thứ 4 (1075, ứng với Tống Hy Ninh năm thứ Cool vào mùa xuân, tháng 2, Lý Nhân Tông (1072 - 1127) xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học. Đây là mở khoa thi đầu tiên ở nước ta. Khoa thi này lấy đỗ 10 người, sử sách chỉ ghi được Lê Văn Thịnh người đỗ đầu khoa. Về khoa này, sử sách ghi là: "Tuyển Minh kinh bác học dữ nho học tam trường". Câu này nay còn những cách hiểu khác nhau, có thể đây là 2 khoa riêng biệt trong đó gồm Khoa Minh kinh bác học và khoa thi Nho học tam trường (Tam trường gồm 3 nhóm bài thi, ba đợt thi, vì các kỳ thi Nho giáo thời kỳ này chưa tổ chức quy mô của khoa thi tứ trường). Theo thông lệ bên Trung Hoa thì Minh kinh là hông hiểu kinh điển Nho giáo, còn Minh kinh bác học là chức quan trong nhà Quốc Tử Giám. Do vậy rất có thể đây là kỳ thi nhằm mục đích chọn thầy cho Quốc Tử Giám được mở vào năm sau (1076).

Thủ khoa khoa này là Lê Văn Thịnh (黎文盛, 1038?-?) quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Gia Bình, ngày nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Là người có tài năng, lại có công lao lớn nên làm quan tới chức Thái sư, nhưng năm 1096, ông bị ghép vào tội mưu phản giết vua, nên đã bị đi đầy. Hiện vẫn chưa xác định được ngày, tháng, năm sinh và mất của ông.

3. Vào năm Đinh Tỵ, tức Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 2 (1077,  ứng Tống Hy Ninh năm thứ 10). Mùa xuân, Lý Nhân Tông (1072 - 1127) mở hội Nhân Vương ở điện Thiên An sau đó thi lại viện bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật. Nhưng không thấy tài liệu nào chép là một kỳ thi và lấy ai đổ.

4. Mãi 11 năm sau kỳ thi đầu tiên, năm 1086, tức Bính Dần, Quảng Hựu năm thứ 2, ứng với Tống Triết Hú, Nguyên Hựu năm thứ 1 vào mùa thu, tháng 8, Lý Nhân Tông cho thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ.

Mạc Hiển Tích (莫顯績, ?-?), là người đỗ đầu tại khoa thi Hàn lâm học sĩ năm đó. Ông người làng Long Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, tức là đỗ đầu hàng Tiến sĩ tương đương như Trạng nguyên sau này. Ông được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đi sứ Chiêm Thành năm 1094. Em ruột Mạc Hiển Tích là Mạc Kiến Quan đỗ Tiến sĩ cùng khóa với anh làm đến Thượng thư dưới triều Lý Nhân tông. Nhưng sau này có dị nghị rằng Mạc Hiển Tích tư thông với Thái hậu. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 12-a) cho biết, vào năm Kỷ Dậu (1189), vua Lý Cao Tông giao cho đình thần xét xử vụ án Mạc Hiển Tích, nhưng đình thần sợ Mạc Hiển Tích, không dám xử đến nơi đến chốn. Bởi vậy, tháng 3 năm Canh Tuất (1190), vua Lý Cao Tông phải tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đến trại Quy Hóa.

 Đến đời Trần, năm 1304 hậu duệ của Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi lại đỗ Trạng nguyên. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, đi sứ Trung Quốc do đối đáp tài giỏi được Vua Nguyên phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ông để lại một số tác phẩm thơ văn, trong đó có bài Ngọc tỉnh liên phú bất hủvà được dân gian truyền lại nhiều giai thoại về một vị quan thanh liêm, cương trực.

5. Sau đó 66 năm nữa vào Nhâm Thân, tức Đại Định năm thứ 13 (1152, ứng với Tống Thiệu Hưng năm thứ 22) Lý Anh Tông (1138-1175) cho thi Ðình  (theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú) hay còn gọi là thi điện (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Các sách ghi Thi điện hay thi đình là ghi địa điểm thi tại Điện, Đình Hoàng đế chứ không phải là kỳ thi Đình thi Điện trong thi tiến sĩ.

6. Rồi 13 năm sau, năm Ất Dậu, tức Chính Long Bảo Ứng năm thứ 3 (1165 ứng Tống Càn Đạo năm thứ 1) vào mùa thu, tháng 8, Lý Anh Tông (1138-1175) thi học sinh có sách gọi là Thái học sinh hỏi cách trị dân, người đỗ bổ làm quan các trấn. Chưa tìm thấy danh sách người đỗ và ai đỗ đầu.

7. Lại 20 năm sau, năm Ất Tỵ, Trinh Phù năm thứ 10 (1185, Tống Thuần Hy năm thứ 12) vào mùa xuân, tháng giêng, Lý Cao Tông (1175-1210) thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu học ở ngự điện nên gọi là khoa "thiên hạ sĩ nhân". Lấy đỗ Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người, còn thì đều ở lại học.
 
8. Vào năm Quý Sửu, Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 8 (1193, Tống Thiệu Hy năm thứ 4). Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng, thi các sĩ nhân trong nước để chọn người vào hầu vua học (thị học). Không rõ có phải là một khoa thi không?

9. Ất Mão, tức Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 10 (1195, Tống Ninh Tông Khuếch, Khánh Nguyên năm thứ 1) Lý Cao Tông cho thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân. Khoa thi "Tam Giáo" nguyên văn trong sử sách ghi là "Thí tam giáo tử": thi người trong ba giáo Nho, Phật, Đạo.  Khoa thi "Tam giáo" sang đến đời Trần vẫn tổ chức.

10. Theo Việt Sử Lược thì năm Mậu Dần, tức Hội Phong năm thứ 7 (1098, Tống Nguyên Phù năm thứ 1) đã phân biệt ra hai hạng Cập đệ và Xuất thân.

11. Ngoài ra còn có các kỳ thi Hình Luật, Thư Toán để kén lại điển.

Như vậy nền Khoa cử mới bắt đầu khởi phát, them vào đó là Thủ khoa Minh kinh bác học (Lê Văn Thịnh) và Thủ khoa Hàn lâm viện (Mạc Hiển Tích) đều có kết hậu không tốt nên Vương triều ít mặn mà với khoa cử. Do vậy khoảng cách giữa các kỳ thi, yêu cầu đặt ra của kỳ thi chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi  khi nào cần người mới mở khoa thi và nội dung thi theo nhu cầu tuyển bổ, danh vị người đỗ đạt cũng chưa rõ.

Dù sao, tất cả những việc làm đó trong 216 năm tồn tại của nhà Lý đã tạo điều kiện tốt cho nhà Trần (陳朝,1225 - 1400) tiến hành việc tổ chức học hành và thi cử có quy củ. Ở Kinh sư có Quốc học viện ; các lộ, châu, phủ, có nhà Học, nhà Hiệu, do các Ðốc học và Giáo thụ coi. Lại định rõ phép thi 4 trường và phép bổ dụng, phân biệt thi Hội, thi Ðình.
Logged

caytrevietnam
Trung tá
*
Bài viết: 471


Trồng sen trong biển lửa


« Trả lời #31 vào lúc: 11 Tháng Mười Hai, 2009, 07:49:24 pm »


3. Hoàng đế đầu tiên lấy vợ ngoại quốc: Lý Anh Tông Thiên Tộ (1138-1175) lấy  Con gái vua Chiêm Chế Bilabut (chưa tìm thấy tư liệu chi tiết).


Cái này là không đúng đâu bác ạ! Có thể Lê Hoàn mới là người đầu tiên, 1 bà vợ của ông "nghi" là người Chiêm, bà là mẹ của Lê Trung Tông và Lê Ngọa Triều. Có điều sử ghi chung chung là "chi hậu Diệu nữ"

Còn ghi rõ hơn thì có Lê Ngọa Triều, ĐVSKTT có đoạn viết về thời trị vì của ông vua này như sau:

"Kỷ Dậu, /Cảnh Thụy/ năm thứ 2 /1009/ , (Tống Đại Trung Tường Phù năm thứ 2). Mùa xuân, Minh Xưởng ở Tống về, xin đưởc kinh Đại Tạng và dụ được người con gái nước Tống là Tiêu thị đem dâng. Vua thu nạp làm cung nhân".

Logged

SỐNG VỮNG CHÃI 4000 NĂM SỪNG SỮNG
LƯNG ĐEO GƯƠM TAY MỀM MẠI BÚT HOA
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2009, 10:14:29 am »

Các bác tham gia đúng quá!. Vì vậy cần thêm cho chính xác là:

3. Hoàng đế nhà Lý đầu tiên lấy vợ ngoại quốc: Lý Anh Tông Thiên Tộ (1138-1175) lấy  Con gái vua Chiêm Chế Bilabut, Việc này xảy ra tháng 10 năm Đại Định thứ 15 (Giáp Tuất, năm 1154). Vua Lý trước đó do lời xin của một người Chiêm Thành là Ung Minh Tạ Điệp (Vancarâja), sai Thượng chế Lý Mông đem quân đưa Ung Minh Ta Điệp về định lập làm vua Chiêm. Vua nước ấy là Chế Bì La Bút (Jaya Haivarman I, vốn là em vợ Ung Minh Ta Điệp) chống cự và giết cả Lý Mông lẫn Ung Minh Ta Điệp. Sợ bị vua Lý "hỏi tội" giết Lý Mông, Chế Bì La Bút dâng con gái cho vua Lý Anh Tông, vua nhận. Nguồn: Đại Việt sử ký toàn thư.

Về bà vợ người Chiêm của Lê Hoàn ngoài chi tiết ghi chung là "chi hậu Diêu nữ" như lời dẫn của bác caytrevietnam @ thì tìm trong Đại Việt Sử Lược và Đại Việt Sử Ký Tòan Thư có chú giải như sau : Mẹ của Lê Long Việt và Lê Long Đĩnh là Hầu Di Nữ (Con người hầu gái người Chiêm Thành).



Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #33 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2009, 01:39:34 pm »

1. Kế sách “Tiên phát chế nhân”

“Tiên phát chế nhân” 先发制人 là một trong 36 kế của các chiến lược gia cổ. Kế này còn được diễn tả cách khác là “tiên hạ thủ vi cường”, với ý nghĩa ra tay trước sẽ lấn át được kẻ khác và tất thành công.

Khởi thuỷ kế này được đề cập trong cuốn “Sử ký Hạng Võ bản kỷ”. Chuyện rằng vào thời Tần Nhị Thế (秦二世; 230 - 207 tCn) , nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra mà tiêu biểu là khởi nghĩa của Trần Thắng-Ngô Quảng (209 tCn) làm lung lay nhà Tần (秦朝; Qín Cháo; Ch'in Ch'ao; 221 tCn - 206 tCn). Tháng 7 năm 2009 tCn, chú cháu Hạng Lương (?-208 tCn), Hạng Võ (項籍, 232 tCn-202 tCn), dùng sách tấn công bất ngờ, hành động trước, giết chết Thái thú quận Cối Kê là Ân Thông rồi giương cao cờ diệt Tần, trở thành đội quân chủ lực lật đổ Vương triều đế quốc đầu tiên của Trung Quốc. Nhưng rồi, Hán Cao Tổ Lưu Bang 漢高祖劉邦, lợi dụng thành quả của các cuộc khởi nghĩa nông dân, diệt nhà Tần vào thời Tử Anh (子嬰, 207 tCn-206 tCn) lên làm vua lập ra nhà Hán (漢朝,Han cháo, 206 tCn. - 220 sCn) sử gọi là Tiền Hán 前漢 hay Tây Hán (西漢, 206 tCn–9 CN, đóng đô ở Trường An) . Từ đó kế sách “tiên phát chế nhân” được sử dụng nhiều trong quá trình “tranh bá đồ vương” và nói nhiều trong các tài liệu bàn về chiến cuộc.

2. Một vài ví dụ:

Lịch sử quá trình hợp cửu tất phân, phân cửu tất hợp 合久必分,分久必合 của Trung Hoa đã có nhiều ví dụ điển hình cho sự thành công của  mưu chước này. Trong đó phải kể đến việc Ban Siêu nhanh tay hạ thủ đoàn sứ giả Hung Nô 匈奴 trong dịp cùng đoàn sứ giả nhà Hán sang Tây Vực 西域 trên đất Thiên Thiện (vùng Tân Cương nay) vừa thoát hiểm trong gang tấc vừa lập công lớn cho nhà Hán; trong sự biến cửa Huyền Vũ (玄武門之變, Huyền Vũ môn chi biến) Tần Vương Lý Thế Dân 李世民 ra tay trước giết anh và em mình là Thái tử Kiến Thành, Tề Vương Nguyên Cát trừ được mối tranh giành quyền bính, được lập là Thái tử, nắm mọi quyền lực và năm 626 lên ngôi Hoàng đế, tức Đường Thái Tông (唐太宗; 626-649) đổi hiệu là Trinh Quan…Thời Chiến quốc (戰國時代/战国时代, TK 5 tCn-221 tCn) có Chung Vô Diệm (鐘無艷, ?-?) cũng áp dụng mưu chước này nên mặc dù rất xấu nhưng sớm được Tề Tuyên Vương (齐宣王;319 tCn-301 tCn) chú ý, sủng ái sau được lập làm Vương Hậu.

Trong lịch sử thế giới cận đại, hồi cuối tháng 8/1939 trong khí các nước Đức, Ý, Anh, Pháp đang vòng vo tranh cãi nhau tại hội nghị 4 nước về việc thực hiện Hiệp ước Đức-Ba Lan năm 1934  thì ngày 01/9/1939 quân Hít Le đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới Ba Lan và thu được toàn thắng. Tương tự như vậy, Liên Xô và Đức ký “Hiệp ước hoà bình hữu nghị” và đến tháng 4/1941 một lãnh đạo nhà nước Xô viết còn khẳng định với Đại sứ đức là “Chúng tôi sẽ luôn là người bạn tốt của các bạn”  nhưng vào ngày 22/6/1941 ba Tập đoàn quân Đức đã tấn công toàn diện Liên Xô đẩy Liên Xô vào thế bị động gặp muôn vàn khó khăn.

Thời hiện đại chính quyền Bush đã áp dụng chiến lược đánh phủ đầu, thực chất là kế sách “Tiên phát chế nhân” trong chống khủng bố. Nhưng quá trình vận dụng sau đó đã bộc lộ 3 dấu hiệu của sự thất bại: Chia rẽ nội bộ, tác động xấu đến các mặt của đời sống xã hội và hao người tốn của. Do đó, ngay sau khi trúng cử Tổng thống Mỹ, Obama đã thay bằng chiến lược “Chiến tranh mềm” . Tinh thần chủ yếu của chiến lược này là bảo vệ những lợi ích hiện có của người Mỹ tại Iraq, trên cơ sở đó cần phải thay đổi logic cứng nhắc trong việc áp dụng các phương thức tấn công, chiếm đóng và trấn áp truyền thống nhằm tránh lặp lại bi kịch lịch sử phải rút lui trong mà Mỹ đã từng nếm trải. Nhưng cũng phải nhấn mạnh một điều, chiến lược này không có nghĩa người Mỹ đã cất vũ khí vào kho, thế giới thái bình, mà là sự tiếp tục thực hiện chiến tranh theo những nguyên tắc mới do đảng Dân Chủ chỉ ra mà thôi. 

Nguồn: "Tinh hoa xử thế"- Lưu Đình Hoa, NXB LĐXH; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia...
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #34 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2009, 01:40:53 pm »

3. Việc thực hiện kế sách thời Lý:

Lúc bấy giờ ở Trung Hoa, nhà Tống (宋朝, 960-1279) gặp nhiều rối ren, Tể tướng Vương An Thạch (王安石, 1021 – 1086),  đưa ra nhiều cải cách nhưng không có kết quả. Vua tôi nhà Tống mong tìm lối thoát bằng cách xâm lược Đại Việt.

Năm 1070, Vương An Thạch cầm quyền chính nhà Tống, tâu với vua Tống là Đại Việt bị Chiêm Thành đánh phá, quân còn sót lại không đầy vạn người, có thể dùng kế chiếm lấy được. Vua Tống sai Thẩm Khởi, và Lưu Di làm tri Quế Châu ngầm dấy binh người Man động, chuẩn bị Nam chinh. Vua Tống phái Thẩm Khởi làm Quảng Tây kinh lược sứ năm 1073 lo việc xuất quân. Thẩm Khởi đặt các doanh trại, sửa đường tiếp tế, phủ dụ 52 động thuộc Ung Châu sung công các thuyền chở muối để tập thủy chiến. Thẩm Khởi sau đó làm trái ý vua Tống, bị điều đi nơi khác và Lưu Di thay chức. Lưu Di được lệnh tăng cường binh lực, tiếp tục điểm dân, tích lương, đóng chiến thuyền, luyện tập thủy binh và cấm người Đại Việt sang đất Tống buôn bán vì sợ bị do thám.  Đặc biệt, nhà Tống đã biến Ung Châu thành một căn cứ xuất phát để đánh Đại Việt và giao cho Tô Giám, một viên tướng dày dặn kinh nghiệm trong cuộc chiến chống Nùng Trí Cao trước đây chỉ huy căn cứ này.

Tuy Tống cố gắng giữ bí mật, nhưng tình báo của Đại Việt vẫn nắm được ý đồ của quân Tống. Đặc biệt, năm 1073, một tiến sỹ nhà Tống là Từ Bá Tường vì không được trọng dụng nên đã thông báo với nhà Lý. Biết tin, vua Lý cho hội quần thần, Lý Thường Kiệt (李常傑 tên thật là Ngô Tuấn , 1019–1105) đã tâu: "Ngồi yên đợi giặc sao bằng đem quân đánh trước để chặn các mũi nhọn của giặc". Đó là cơ sở của chiến lược "Tiên phát chế nhân". Để thực thi kế sách với tầm nhìn xa trông rộng, muốn lập lại khối đoàn kết trong triều, ông đã bỏ qua hiềm khích đề nghị Linh Nhân Thái hậu Ỷ Lan cho gọi Tể tướng Lý Đạo Thành (?-1081) về trao chức Thái phó, cùng bàn việc giữ nước. Bên trong giữ yên nội trị chuẩn bị kháng chiến chống ngoại bang.

 Để có quyết sách trên, một mặt Lý Thường Kiệt học được mưu kế của sách Tầu nhưng cũng biết phát huy và học những bài học từ tổ tiên người Việt. Đó là các trận “Tiên phát chế nhân” đã từng diễn ra trong lịch sử nước Việt:

- Mùa xuân năm Nhâm Tuất (542), vua Lương sai quân sang đánh nước ta nhưng bọn tướng cầm đầu là Tôn Quýnh, Lư Tử Hùng sợ nên dùng dằng không dám tiến, do đó quân giặc đi rất chậm. Khi chúng mới kéo đến Hợp Phố thì Lý Nam Đế đã cho quân chủ động đánh vào đất giặc, sử cũ chép “quân Lương 10 phần chết đến 6,7 phần, quân tan rã chạy về”.

- Mùa xuân năm Kỷ Mùi (995) hơn 100 chiến thuyền của nước ta đánh vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu sau đó rút quân. Đến mùa hạ cùng năm, hơn 5000 hương binh châu Tô Mậu (nay thuộc Lạng Sơn) tấn công vào Ung Châu rồi lui binh.

- Năm Nhâm Tuất (1022) vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương (Nhị Hoàng tử) đem quân đi đánh Đại Lịch do người Nùng ở đây làm phản, sau đó “quân ta đi sâu vào trấn Như Hồng đất Tống, đốt kho tàng rồi rút về” .

- Tháng 3 năm Kỷ Hợi (1059) vua Lý Thánh Tông cho quân “đánh Khâm Châu nước Tống, khoe binh uy rồi về, vì ghét nhà Tống phản phúc”.

- Năm Canh Tý (1060) châu mục Lạng Châu của nước ta là Phò mã Thân Thiệu Thái đánh vào đất Tống, bắt được tướng Tống là Dương Bảo Tài và quân lính, trâu ngựa đem về.

Ngày 15/9 Ất Mão (27/10/1075) bằng chiến sách khôn khéo, bất ngờ và táo bạo, 40.000 quân thủy cùng voi chiến do Lý Thường Kiệt 李常傑 thống lĩnh theo đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Nam tiến chiếm thành Khâm Châu 钦州, bắt toàn bộ quan quân mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, 2 tháng 1 năm 1076, Liêm Châu 廉洲 cũng thất thủ. Đây là 2 châu giáp biển thuộc Quảng Tây 廣西 giáp với Quảng Ninh và Lạng Sơn nay.

Ngoài ra, còn một đạo quân 60.000 người do Nùng Tôn Đản (1046-?) cùng Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy, gồm quân Lý và dân binh tập trung ở Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu theo đường bộ tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu. Một cánh quân khác đóng gần biên giới Khâm Châu cũng kéo tới đánh các trại Như Hồng, Như Tích và Đề Trạo, "quân ta tới đâu như vào nhà trống không người".

Sau đó, Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm và Liêm Châu tiến lên phía Bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Đường thẳng dài chừng 120 cây số, nhưng phải qua dãy núi Thập Vạn. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, dường như để chặn quân tiếp viện của Tống từ phía đông tới. Hẹn ngày 18 tháng 1 năm 1076, hai đạo quân sẽ cùng hội lại vây chặt lấy Ung Châu. Đồng thời Lý Thường Kiệt sai làm Phạt Tống lộ bố văn 罚宋路佈文,yết dọc đường,  nói rõ lý do cuộc hành quân của mình là đập tan sự chuẩn bị xâm lược của nhà Tống và giúp nhân dân Hoa Nam thoát khỏi cảnh lầm than do Vương An Thạch cùng triều đình nhà Tống gây ra.
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #35 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2009, 01:41:25 pm »

Nguyên văn “Phạt Tống bố lộ văn”

伐宋露布文
天生蒸民,君德則睦。君民之道,務在養民。今聞宋主昏庸,不循聖範,聼安石貪邪之計,作青苗助役之科。使百姓膏脂凃地,而資其肥己之謀。
蓋萬民資賦於天,忽落那要離之毒。在上固宜可憫,從前切莫須言。
本職奉國王命,指道北行,欲清妖孽之波濤,有分土無分民之意。要掃腥穢之污濁,歌堯天享舜日 之佳期。
我今出兵,固將拯濟。檄文到日,用廣聞知。切自思量,莫懷震怖。

Phiên âm:  PHẠT TỐNG LỘ BỐ VĂN

Thiên sinh chưng dân, quân đức tắc mục. Quân dân chi đạo, vụ tại dưỡng dân. Kim văn, Tống chủ hôn dung, bất tuần thánh phạm. Thính An Thạch tham tà chi kế, tác "thanh miêu", "trợ dịch" chi khoa. Sử bách tính cao chi đồ địa, nhi tư kỳ phì kỷ chi mưu.
Cái vạn dân tư phú ư thiên, hốt lạc na yếu li chi độc. Tại thượng cố nghi khả mẫn, tòng tiền thiết mạc tu ngôn.
Bản chức: Phụng quốc vương mệnh; Chỉ đạo Bắc hành. Dục thanh yêu nghiệt chi ba đào, hữu phân thổ vô phân dân chi ý; Yếu tảo tinh uế chi ô trọc, ca Nghiêu thiên hưởng Thuấn nhật chi giai kỳ.
Ngã kim xuất binh, cố tương chửng tế. Hịch văn đáo nhật, dụng quảng văn tri. Thiết tự tư lường, mạc hoài chấn bố.

Dịch nghĩa: BÀI VĂN TUYÊN BỐ VỀ VIỆC ĐÁNH TỐNG

Trời sinh ra dân chúng, Vua hiền ắt hoà mục. Đạo làm chủ dân, cốt ở nuôi dân. Nay nghe vua Tống ngu hèn, chẳng tuân theo khuôn phép thánh nhân, lại tin kế tham tà của Vương An Thạch, bày những phép "thanh miêu","trợ dịch", khiến trăm họ mệt nhọc lầm than mà riêng thỏa cái mưu nuôi mình béo mập.
Bởi tính mệnh muôn dân đều phú bẩm tự trời, thế mà bỗng sa vào cảnh éo le độc hại. Lượng kẻ ở trên cố nhiên phải xót. Những việc từ trước, thôi nói làm gì!
Nay bản chức vâng mệnh quốc vương chỉ đường tiến quân lên Bắc, muốn dẹp yên làn sóng yêu nghiệt, chỉ có ý phân biệt quốc thổ, không phân biệt chúng dân. Phải quét sạch nhơ bẩn hôi tanh để đến thuở ca ngày Nghiêu, hưởng tháng Thuấn thăng bình!
Ta nay ra quân, cốt để cứu vớt muôn dân khỏi nơi chìm đắm. Hịch văn truyền tới để mọi người cùng nghe. Ai nấy hãy tự đắn đo, chớ có mang lòng sợ hãi!

(TRẦN VĂN GIÁP dịch)
Nguồn: Ngẫu hứng đại quan viên
Logged

menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #36 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2009, 01:42:15 pm »

Ông cũng ra lệnh cho quân không được động tới "cái kim sợi chỉ" của dân. Nhờ đó, quân ông đi đến đâu, quân Tống bị đánh tan đến đấy. Nhân dân Hoa Nam gọi ông là "cha họ Lý". Quan quân Việt tiến tới tận Ung Châu (Quảng Tây) phá được thành này sau 42 ngày vây hãm (18/01/1076-01/3/1076). Lý Thường Kiệt làm cỏ xong thành Ung, lại lấy đá lấp sông ngăn cứu viện rồi đem quân lên phía Bắc lấy Tân Châu. Viên quan coi Tân Châu, nghe thấy quân Nam kéo gần đến thành, liền bỏ thành chạy trốn.

Mục tiêu hoàn thành, tháng 3/1076, Lý Thường Kiệt cho rút quân về. Người ba châu ấy đem về nước, cho vào khai phá vùng Hoan - Ái (Thanh - Nghệ).

Trận “Tiên hạ thủ vi cường” này làm cả triều Tống lo sợ và bối rối, đối phó rất lúng túng. Vua Tống cách chức Lưu Di và sai Thạch Giám thay coi Quế Châu và làm kinh lược sứ Quảng Tây. Tống Thần Tông (神宗, 1067-1085) dặn Ty kinh lược Quảng Tây : “Nếu xem chừng có quân Giao Chỉ tới đâu mà không đủ quân giữ, thì chỉ giữ mấy chỗ hiểm yếu mà thôi…” sau đó lại dụ : “Nếu quân bỏ thành mà đi chỗ khác, thì lo rằng lòng dân rối sợ. Hãy bảo các quan ti đều phải trở lại thành mình”. Rõ là hai đạo chiếu trái ngược nhau, kết cụ là thành trì và quân Tống bị thiệt hại nặng.

Như vậy, trong hơn 3 tháng trời, quân nhà Lý cùng binh khê động tâm phúc các nơi, dưới sự thống lĩnh của Lý Thường Kiệt tiến quân vào đất Tống, phá thành Ung, Khâm, Liêm; đốt các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Cổ Vạn, Thiên Long (những cứ điểm của Tống mà có thể dùng để đánh ta), giết người vô số (khoảng 7-10 vạn người) rồi rút quân về đem theo hàng ngàn quân dân Tống bị bắt đem về Đại Việt cùng nhiều của cải. Thấy cuộc hành quân đã đạt kết quả, ông hạ lệnh rút quân về, chuẩn bị đợi quân Tống kéo sang .

Do tUng Châu là căn cứ tập trung quân để Nam tiến bị phá tan, thế mạnh bị giảm sút, nhà Tống phải điều động thêm nhân lực và lương thảo để thực hiện chiến tranh với Đại Việt và quan quân nước ta có điều kiện chuẩn bị, khí thế hăng say làm nên trận Như Nguyệt nổi tiếng (Xuân Hè 1076).

Năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy tràn sang Việt Nam ta. Ông cho lập phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn giặc rồi cho thủy quân đánh bại giặc ở vùng biển Quảng Ninh. Quân bộ của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt bị chặn đứng. Nhiều trận chiến đấu quyết liệt xảy ra. Giặc Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát ở phía nam bờ sông Như Nguyệt, giả làm thần đọc vang bài thơ, sau này được coi như "Bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên" của Việt Nam:

南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛

Phiên âm:
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm?
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch thơ:
Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Phận ấy sách trời định rõ ràng.
Cớ sao giặc kia xâm phạm tới?
Rồi bay sẽ chuốc họa vỡ tan.

Nhờ thế tinh thần binh sĩ thêm hăng hái. Thời cơ đến, ông tổ chức một trận quyết chiến, vượt sông đánh vào trại của giặc. Hơn một nửa số quân giặc bị tiêu diệt. Tiếp đó, ông cho người sang nghị hòa, mở đường thoát cho giặc: Quách Quỳ đồng ý và vội vã rút quân về. Quân Việt bám sát giặc và chiếm lại những vùng đất đã mất.

Như vậy, để giữ vững chủ quyền và răn đe nhà Tống, Lý triều đã nhiều lần cất binh sang tận đất Tống thảo phạt (1022, 1059, 1060) đặc biệt là trận tấn công của Lý Thường Kiệt làm cỏ châu Khâm, Liêm, Ung vào 12/1075, 01/1076. Chiến thắng oanh liệt sau lại dùng Biện sĩ bàn hòa để kết thúc chiến tranh. Phương châm vừa đánh vừa đàm, phòng ngự tích cực được thực hiện rõ và thành công nhất dưới triều Lý.

Nhận định về sách lược này, nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Hãn cho rằng: Tống tiếc rẻ không đánh Đại Việt trước, nhưng không biết rằng sở dĩ Tống bị đánh trước vì dự định đánh Đại Việt. Trong cuộc chiến này, phía Đại Việt nhờ có Lý Thường Kiệt chủ động đi bước trước nên đã giành thắng lợi hoàn toàn và tránh khỏi được thất bại về sau (trong toàn cuộc chiến với Tống)

Chúng ta ai cũng rõ lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của chúng ta là lịch sử người Việt ngăn chặn chống lại sự bành trướng nam chinh của các thế lực đại Hán. Tất nhiên, trong lịch sử từng có hơn chục lần cha ông ta Bắc tiến, nhưng hầu như chỉ nhằm mục đích “tiên phát chế nhân”, phòng ngự tích cực từ xa chứ không nhằm chiếm đất, chiếm dân. Trong đó chiến dịch tiến quân vào đất Tống Đông Xuân 1075-1076 do Lý Thường Kiệt chủ trương và thống suất là chiến dịch quy mô nhất, thành công nhất trên mọi phương diện.

Ngoài phần tư liệu trong Đại Việt sử lý toàn thư, trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, bài viết có sử dụng một số ý kiến của Phó tiến sĩ:  Văn Khuê
Logged

lonesome
Moderator
*
Bài viết: 1244


« Trả lời #37 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 09:58:55 am »

http://36pho.vn/index.php/cafe-sang/suy-ngam/1402-thoi-diem-thang-long-nghin-nam-can-noi-lai Các bác cho ý kiến xem nào
Logged
spirou
Thành viên
*
Bài viết: 44


Genpei


« Trả lời #38 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:47:59 am »

Một cách giải thích khá lý thú (và trần tục) về tên tuổi của Lý Thường Kiệt  Wink

"Một tên khác của Lí Thường Kiệt cho ta thêm một gợi ý về địa vị đó của hoạn quan. Ông Hoàng Xuân Hãn trong Lí Thường Kiệt, khi đối chiếu với sách Trung Quốc, thấy ông danh tướng của Lí cũng được gọi tên khác là Lí Thượng Cát. Do cách phiên âm qua một thứ chữ không thể sát với âm vận bản xứ nên khó có thể biết tên nào là đúng nhưng ta hãy đoán ra theo cung cách bình thường. Chữ "thượng"/"thường" gần cận, thường được thấy phiên âm cho chữ "thằng". Và nó không phải lúc nào cũng có ý nghĩa khinh miệt. Nguyễn Ánh gọi tướng Tây Sơn là "thằng Sâm", "thằng Hưng" nhưng bia ruộng đời Trần chỉ chủ đất hẳn là theo tiếng gọi thông tục đương thời, cũng như "thằng" ngày nay còn có ý nghĩa thân mật là khác. Với chữ "cát" thì ta có câu chuyện tranh chấp binh quyền cũng đời Lí về Vũ Cứt, Vũ Đái (chuyện năm 1150)... Ngay chữ "Kiệt" cũng có thể từ "C*t" mà ra như trong chuyện năm 1189 (Đại Việt Sử Lược, tr. 229): Vua sai quan lớn trong triều xử vụ kiện Mạc Hiển Tích (chắc vì bị tố cáo tư thông với Thái hậu), quan sợ, bị người đời chê: "Ngô Phụ quốc (giúp nước). là "lan (l*n), Lê Đô quan là "kích" (kít/c*t). Vậy thì Thường Kiệt / Thượng Cát có thể là "thằng C*t". Ông Hoàng Xuân Hãn cho biết Thường Kiệt là tên "tự", dẫn bia Nhữ Bá Sĩ đoán tên tự có từ lúc xuất thân, hiểu một cách khác, là lúc vào cung, làm hoạn quan. Tự "thằng C*t" là một thứ nickname trong cung gọi ông danh tướng tương lai nọ như ngày nay trong dân gian còn gọi "thằng Bò", "thằng Cu"..., có vẻ còn dễ nghe hơn tên của đám nô Trần Quốc Tuấn là "Voi rừng", "Chó săn / Cồng cộc". "

Tác giả: Tạ Chí Đại Trường , cuốn: Sex Và Triều Đại
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 10:51:05 am gửi bởi Tunguska » Logged
menthuong
Thành viên
*
Bài viết: 411


Nhất tướng công thành vạn cốt khô


« Trả lời #39 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 05:18:27 pm »

Tôi thấy ý kiến nêu ở http://36pho.vn/index.php/cafe-sang/suy-ngam/1402-thoi-diem-thang-long-nghin-nam-can-noi-lai rất có lý và đầy trách nhiệm. Nhưng tiếc là hơi muộn bởi mọi việc hình như đã an bài.
 Mà xứ ta cũng lạ, nhiều việc trọng đại cứ quyết rồi mới thấy báo chí đăng rào rào các ý kiến phản biện của các nhà khoa học...Không biết mai này có lập lại những việc khác không?
Logged

Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM