1. Mở đầu cho công cuộc giáo dục và thi cử là vào năm Canh Tuất, tức Thần Vũ năm thứ 2 (1070 ứng với Tống Hy Ninh, năm thứ 3) vào mùa Thu, tháng 8, Lý Thánh Tông (1054--1072) cho xây Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối, vẽ tượng Thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Đây còn là nơi để Hoàng thái tử đến học. Có thể coi đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con vua và con các bậc đại quyền quý (nên gọi tên là Quốc Tử). Năm 1156, Lý Anh Tông (1138-1175) cho sửa lại Văn Miếu và chỉ thờ Khổng Tử.
2. Đến năm Ất Mão, tức Thái Ninh năm thứ 4 (1075, ứng với Tống Hy Ninh năm thứ

vào mùa xuân, tháng 2, Lý Nhân Tông (1072 - 1127) xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học. Đây là mở khoa thi đầu tiên ở nước ta. Khoa thi này lấy đỗ 10 người, sử sách chỉ ghi được Lê Văn Thịnh người đỗ đầu khoa. Về khoa này, sử sách ghi là: "Tuyển Minh kinh bác học dữ nho học tam trường". Câu này nay còn những cách hiểu khác nhau, có thể đây là 2 khoa riêng biệt trong đó gồm Khoa Minh kinh bác học và khoa thi Nho học tam trường (Tam trường gồm 3 nhóm bài thi, ba đợt thi, vì các kỳ thi Nho giáo thời kỳ này chưa tổ chức quy mô của khoa thi tứ trường). Theo thông lệ bên Trung Hoa thì Minh kinh là hông hiểu kinh điển Nho giáo, còn Minh kinh bác học là chức quan trong nhà Quốc Tử Giám. Do vậy rất có thể đây là kỳ thi nhằm mục đích chọn thầy cho Quốc Tử Giám được mở vào năm sau (1076).
Thủ khoa khoa này là Lê Văn Thịnh (黎文盛, 1038?-?) quê xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Gia Bình, ngày nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Là người có tài năng, lại có công lao lớn nên làm quan tới chức Thái sư, nhưng năm 1096, ông bị ghép vào tội mưu phản giết vua, nên đã bị đi đầy. Hiện vẫn chưa xác định được ngày, tháng, năm sinh và mất của ông.
3. Vào năm Đinh Tỵ, tức Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ 2 (1077, ứng Tống Hy Ninh năm thứ 10). Mùa xuân, Lý Nhân Tông (1072 - 1127) mở hội Nhân Vương ở điện Thiên An sau đó thi lại viện bằng phép viết chữ, phép tính và hình luật. Nhưng không thấy tài liệu nào chép là một kỳ thi và lấy ai đổ.
4. Mãi 11 năm sau kỳ thi đầu tiên, năm 1086, tức Bính Dần, Quảng Hựu năm thứ 2, ứng với Tống Triết Hú, Nguyên Hựu năm thứ 1 vào mùa thu, tháng 8, Lý Nhân Tông cho thi người có văn học trong nước, sung làm quan ở Hàn lâm viện, Mạc Hiển Tích trúng tuyển, bổ làm Hàn lâm học sĩ.
Mạc Hiển Tích (莫顯績, ?-?), là người đỗ đầu tại khoa thi Hàn lâm học sĩ năm đó. Ông người làng Long Động, huyện Chí Linh (nay thuộc xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương). Đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, tức là đỗ đầu hàng Tiến sĩ tương đương như Trạng nguyên sau này. Ông được bổ làm Hàn lâm viện học sĩ, Thượng thư Bộ Lại, đi sứ Chiêm Thành năm 1094. Em ruột Mạc Hiển Tích là Mạc Kiến Quan đỗ Tiến sĩ cùng khóa với anh làm đến Thượng thư dưới triều Lý Nhân tông. Nhưng sau này có dị nghị rằng Mạc Hiển Tích tư thông với Thái hậu. Sách Đại Việt sử lược (quyển 3, tờ 12-a) cho biết, vào năm Kỷ Dậu (1189), vua Lý Cao Tông giao cho đình thần xét xử vụ án Mạc Hiển Tích, nhưng đình thần sợ Mạc Hiển Tích, không dám xử đến nơi đến chốn. Bởi vậy, tháng 3 năm Canh Tuất (1190), vua Lý Cao Tông phải tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đến trại Quy Hóa.
Đến đời Trần, năm 1304 hậu duệ của Mạc Hiển Tích là Mạc Đĩnh Chi lại đỗ Trạng nguyên. Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ, đi sứ Trung Quốc do đối đáp tài giỏi được Vua Nguyên phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Ông để lại một số tác phẩm thơ văn, trong đó có bài Ngọc tỉnh liên phú bất hủvà được dân gian truyền lại nhiều giai thoại về một vị quan thanh liêm, cương trực.
5. Sau đó 66 năm nữa vào Nhâm Thân, tức Đại Định năm thứ 13 (1152, ứng với Tống Thiệu Hưng năm thứ 22) Lý Anh Tông (1138-1175) cho thi Ðình (theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú) hay còn gọi là thi điện (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Các sách ghi Thi điện hay thi đình là ghi địa điểm thi tại Điện, Đình Hoàng đế chứ không phải là kỳ thi Đình thi Điện trong thi tiến sĩ.
6. Rồi 13 năm sau, năm Ất Dậu, tức Chính Long Bảo Ứng năm thứ 3 (1165 ứng Tống Càn Đạo năm thứ 1) vào mùa thu, tháng 8, Lý Anh Tông (1138-1175) thi học sinh có sách gọi là Thái học sinh hỏi cách trị dân, người đỗ bổ làm quan các trấn. Chưa tìm thấy danh sách người đỗ và ai đỗ đầu.
7. Lại 20 năm sau, năm Ất Tỵ, Trinh Phù năm thứ 10 (1185, Tống Thuần Hy năm thứ 12) vào mùa xuân, tháng giêng, Lý Cao Tông (1175-1210) thi sĩ nhân trong nước, người nào từ 15 tuổi mà thông thi thư thì được vào hầu học ở ngự điện nên gọi là khoa "thiên hạ sĩ nhân". Lấy đỗ Bùi Quốc Khái, Đặng Nghiêm 30 người, còn thì đều ở lại học.
8. Vào năm Quý Sửu, Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 8 (1193, Tống Thiệu Hy năm thứ 4). Khảo khóa các quan văn võ trong ngoài, để rõ nên giáng hay thăng, thi các sĩ nhân trong nước để chọn người vào hầu vua học (thị học). Không rõ có phải là một khoa thi không?
9. Ất Mão, tức Thiên Tư Gia Thuỵ năm thứ 10 (1195, Tống Ninh Tông Khuếch, Khánh Nguyên năm thứ 1) Lý Cao Tông cho thi Tam giáo, cho đỗ xuất thân. Khoa thi "Tam Giáo" nguyên văn trong sử sách ghi là "Thí tam giáo tử": thi người trong ba giáo Nho, Phật, Đạo. Khoa thi "Tam giáo" sang đến đời Trần vẫn tổ chức.
10. Theo Việt Sử Lược thì năm Mậu Dần, tức Hội Phong năm thứ 7 (1098, Tống Nguyên Phù năm thứ 1) đã phân biệt ra hai hạng Cập đệ và Xuất thân.
11. Ngoài ra còn có các kỳ thi Hình Luật, Thư Toán để kén lại điển.
Như vậy nền Khoa cử mới bắt đầu khởi phát, them vào đó là Thủ khoa Minh kinh bác học (Lê Văn Thịnh) và Thủ khoa Hàn lâm viện (Mạc Hiển Tích) đều có kết hậu không tốt nên Vương triều ít mặn mà với khoa cử. Do vậy khoảng cách giữa các kỳ thi, yêu cầu đặt ra của kỳ thi chưa rõ ràng, thiếu thống nhất. Các khoa thi đều do triều đình đứng ra tổ chức, chỉ đạo thi khi nào cần người mới mở khoa thi và nội dung thi theo nhu cầu tuyển bổ, danh vị người đỗ đạt cũng chưa rõ.
Dù sao, tất cả những việc làm đó trong 216 năm tồn tại của nhà Lý đã tạo điều kiện tốt cho nhà Trần (陳朝,1225 - 1400) tiến hành việc tổ chức học hành và thi cử có quy củ. Ở Kinh sư có Quốc học viện ; các lộ, châu, phủ, có nhà Học, nhà Hiệu, do các Ðốc học và Giáo thụ coi. Lại định rõ phép thi 4 trường và phép bổ dụng, phân biệt thi Hội, thi Ðình.