Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:40:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Thái Bình Dương 1941-1945  (Đọc 169204 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #280 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:10:18 am »

* Đổ bộ ở Bắc Triều Tiên

Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cũng bắt đầu những hoạt động quân sự đồng thời với lục quân.
Đêm 8 rạng ngày 9-8, máy bay của hải quân và tàu phóng lôi đã đánh tàu chiến Nhật, tấn công tuyến phòng thủ ven bờ và các công trình quan trọng khác tại các cảng Triều Tiên.
Kế hoạch của Bộ Chỉ huy Liên Xô trước hết nhằm chiếm 3 cảng quan trọng nhất, đó là Yukin, La Tân (Razin) và Thanh Tân (Thionsin) ở Đông Bắc Triều Tiên bằng lực lượng thủy quân lục chiến xuất phát từ quân cảng Vladivostok.
Cuộc đổ quân lên Yukin bắt đầu ngày 11  tháng 8 . Máy bay đánh phá ác hệt rồi lính thủy đánh bộ lên bờ. Quân Nhật mất tinh thần, vội vã rút lui khỏi thành phố.
Sau đó thuỷ quân lục chiến Liên Xô tiến xuống La Tân không gặp trở ngại. Việc đổ bộ lên La Tân phá tan kế hoạch của Nhật định rút quân theo đường biển. Việc đánh chiếm cảng Thanh Tân thì khó khăn hơn. Đây là cảng lớn nhất của Bắc Triều Tiên nằm gần biên giới Liên Xô Ngoài bến cảng, cũng như trong thành phố, người Nhật đã biến khu núi đồi xung quanh thành 120 công trình kiên cố với một mạng lưới giao thông hào chằng chịt. Lục lượng đóng tại Thanh Tân còn được tăng cường bởi những học viên trường bộ binh, các tiểu đoàn hỗn hợp bộ binh - cảnh sát. Lại được tăng cường thêm một trung đoàn kị binh.
Trước khi đổ bộ, quân Liên Xô cho máy bay oanh tạc, phi pháo dữ dội. Sau đó đổ bộ bằng các tàu phóng ngư lôi. Quân Nhật dùng đại bác bắn tới tấp nhưng lính thủy đánh bộ của Liên Xô cũng lên bờ được. Lên bờ xong, họ chia thành hai gọng kìm, một tấn công càng, một tấn công thành phố.
Người Nhật ra sức đẩy lùi họ về bờ biển bằng các cuộc phản kích hết đợt này đến đợt khác, nhưng quân Liên Xô cố bám trận địa, nhiều lần phải đánh giáp lá cà để phá vòng vây của Nhật.
Lúc đó, các tàu lớn đã vào được cảng. Nguyên một lữ đoàn lính thủy đánh bộ đã đổ bộ lên bờ.
Đến 8 giờ sáng 15-8-1945, các đơn vị Liên Xô đã chiếm được cảng, đại bộ phận thành phố Thanh Tân và tiến đến tiếp cận các ngọn đồi quanh thành phố.
Ngày 16-8, các đơn vị tiền tiêu của tập đoàn quân số 25 bộ binh tới Thanh Tân, quân Nhật rút lui.
Việc chiếm cảng Yukin, La Tân và Thanh Tân đã cắt đứt đường giao thông của đạo quân Quan Đông với nước Nhật. Quân Nhật không còn khả năng tăng viện. Bây giờ, đạo quân này chỉ còn trông chờ vào các cảng ở phía nam Mãn Châu trên bán đảo Liêu Đông.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #281 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:11:06 am »

CHƯƠNG XI
NHẬT BẢN ĐẦU HÀNG

ĐOẠN CUỐI CỦA VẤN ĐỀ “HÒA” HAY “CHIẾN”

* Washington cứng rắn

Lúc 7 giờ 30 sáng (giờ Washington) ngày 10-8 trung tâm nghe - bắt sóng điện của Hoa kỳ đã nhận được bức điện của Togo. Tổng thống Mĩ Truman cho mời Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân là đô đốc Leahy, các vị Bộ trưởng Byrnes, Stimson, và Forrestal đến Nhà Trắng xem xét. Câu đầu tiên mà ông hỏi họ là: "Có nên duy trì Nhật hoàng và đế chế hay không?”, vì cố vấn Harry Hopkins, ông Mac Leish và Dean Acheson nhiều lần khuyến cáo ông nên phế bỏ Nhật hoàng.
Nhưng hôm nay 3 trong 4 vị có mặt tại phòng họp cho ý kiến là nên duy trì vua Nhật.
Theo Stimson: việc duy trì ông này là một vấn đề thực dụng. Ông ta sẽ giúp Đồng minh bằng cách ra lệnh cho quân Nhật đóng khắp nơi ở Á Châu và Thái Bình Dương ra đầu hàng, tránh cho Đồng minh những thảm cảnh như đã xảy ra ở Iwo Jima và Okinawa.
Đô đốc Leahy nói ông không có tí gì cảm tình với ông vua này nhưng cũng đồng ý với Stimson. Vua Nhật cần cho Hoa Kỳ. Bộ trưởng Forrestal cho rằng Mĩ nên trả lời như thế nào đó để làm yên lòng người Nhật, tránh để họ làm bậy bạ khi cùng đường. Đồng thời cũng đề nghị bãi bỏ những cuộc oanh tạc (1).
Tổng thống ra lệnh cho Bộ trưởng ngoại giao Byrnes thảo một công điện trả lời, đợi khi nào nhận được thư chính thức của chính phủ Nhật, sẽ cho công bố.
12 giờ trưa hôm ấy, sứ quán Thụy Sĩ làm trung gian trao cho Mỹ bức công hàm chính thức của Nhật.
Truman ra lệnh gửi bản trả lời cho Nhật đến các nước Đồng minh: Anh, Trung Hoa và Liên Xô.
Bản trả lời được đài phát thanh San Francisco truyền đi và phía Nhật bắt được ngay sau đó. Bản văn của người Mĩ có đoạn viết:
“... Kể từ lúc quân Nhật hạ vũ khí đầu hàng , quyền hành của Nhật hoàng và chính phủ Nhật được đặt dưới quyền giám sát của Bộ tư lệnh tối cao quân đội Đồng minh.
Nhật hoàng được yêu cầu chuẩn y cho chính phủ và Bộ tổng tham mưu quân đội Nhật Bản thi hành mọi biện pháp để cho các điều khoản của Tuyên cáo Potsdam trở thành hiện thực, đồng thời Nhật hoàng cũng kêu gọi các lực lượng vũ trang Nhật ở khắp mọi chiến trường chấm dứt các hành động chiến sự và nộp vũ khí.
........
Chế độ chính trị sau này của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật tự do lựa chọn.
Quân đội Đồng minh chiếm đóng nước Nhật cho đến khi nào những mục tiêu nêu trong Tuyên cáo Potsdam được hoàn tất".

(1) Tổng thống Truman kiên quyết khước từ điểm này và máy bay Hoa Kì vẫn tiếp tục thả bom.
Còn về bom “A” thì hai trái đã đến Tinian, dự định đánh vào Nhật ngày l3 và 16.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #282 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:11:33 am »

* Tokyo chia rẽ

Tại Tokyo, người ta bàn luận rất nhiều về chữ "chế độ chính trị". Nó có bao gồm đế chế hay không? Hay chỉ nói về chính phủ?
Còn về vế thứ hai: do nhân dân Nhật tự do chọn lựa, thì ở Tokyo người ta xem như đương nhiên mọi người Nhật đều chọn đế chế và duy trì Thiên hoàng. Nhưng phe cực hữu không hài lòng vì họ cho rằng "Thiên hoàng là thần, ông ta cai trị do Thiên Mệnh, không ai được quyền chọn Thiên hoàng cả".
Riêng tướng Anami đã đến Hoàng cung nhờ Hoàng thân Kido sắp xếp cho ông được bệ kiến Thiên hoàng, xin Người hãy xét lại lập trường.
Hoàng thân Kido nói:
- Tôi không thể làm vừa lòng Tướng quân được. Ví như tướng quân thuyết phục được Thiên hoàng thay đổi ý kiến, thì các nước khác nhìn Thiên hoàng chúng ta ra sao? Họ sẽ cho rằng đúng là một người khùng hoặc không ý chí. Vậy Tướng quân có muốn ngươi nước ngoài khinh khi Thiên hoàng của chúng ta hay không?
Anami hiểu và rút lui, nhưng vẫn còn quyết tâm kéo dài chiến tranh. Anami đến gặp Thủ tướng và van nài:
- Thưa Thủ tướng, Ngài có thể hoãn tuyên cáo vài ngày không, chỉ có hai ngày thôi!
- Thưa Tướng quân, tôi không biết với hai ngày ấy ông có thể phù phép gì được không. Nhưng tình hình bây giờ tuyệt vọng. Nếu trì hoãn thêm nữa, thì người Nga sẽ đổ bộ lên Hokkaido. Vậy ông muốn nước Nhật bị Nga chiếm hay Mĩ chiếm?
Tướng Anami im lặng rút lui.
Lúc 10 giờ sáng ngày 12-8, một nhóm sĩ quan thuộc Cục quân vụ Bộ quốc phòng, dưới sự hướng dẫn của em rể Bộ trưởng, trung tá Takeshita, ùa vào văn phòng tướng Anami. Vẻ căng thẳng hiện ra trên mặt của họ:
- Thưa Bộ trưởng, Ngài đã xem qua bản trả lời của chính phủ Hoa Kỳ chưa? Takeshita hỏi.
- Tôi đã xem.
- Vậy Ngài tính sao?
- Nội các sẽ họp chiều nay để bàn về việc ấy.
- Bàn, bàn, bàn! Còn gì mà bàn! Chúng ta không thể để Hoàng đế dưới quyền kiểm soát của Mĩ được.
Tướng Anami đứng dậy, có ý đuổi khéo họ ra và nói:
- Chúng tôi sẽ bàn chiều nay.
Nhóm sĩ quan lui ra nhưng có người nói vọng lại:
- Nếu ngài Bộ trưởng có ý định chấp nhận việc đầu hàng, thì Ngài hãy "Hara Kiri" đi!
Tướng Anami muốn nói gì đó nhưng tự kiềm chế, quay qua nói với sĩ quan tùy tùng:
- Anh hãy cho xe ra, chúng ta đi thôi.
Trên xe, tướng Anami trầm ngâm một hồi, rồi nói với sĩ quan tùy tùng:
- Họ đã thốt lên một lời hỗn láo! Họ bảo tôi hãy tự sát, thế là quá lắm. Tôi gần 60 tuổi rồi, cái chết đối với tôi quá dễ, họ khỏi cần phải nói.
Sĩ quan tùy tùng góp ý:
- Ngài còn nhiều chuyện phải làm nữa chứ. Dù muốn dù không chiến tranh cũng sắp chấm dứt. Ngài có bổn phận lo toan đem hàng triệu anh em chúng ta rải rác khắp Thái Bình Dương về xứ. Xong công việc ấy, Ngài "Hara Kiri" cũng chưa muộn mà.
Lúc 12 giờ trưa, Bộ trưởng hải quân, đô đốc Mitsumasa Yonai ngồi suy nghĩ trong văn phòng của ông tại Bộ Hải quân. Bản trả lời của Đồng minh cũng làm rối rắm hơn cho chính phủ Nhật Bản, nhất là cho hải quân của ông. Ngay tại Bộ hải quân, bầu không khí rất sôi bỏng, không biết sẽ dẫn đến đâu.
Ông ra lệnh cho đô đốc Hoshima, Cục trưởng hải vụ:
- Đô đốc hãy đi mời Tham mưu trưởng hải quân Toyoda và phó đô đốc Onishi (phó tham mưu trưởng) đến ngay. Và Đô đốc cũng nên đến với họ để nghe tôi nói.
Một phút sau cả ba đều đến đứng nghiêm trình diện. Đô đốc Yonai nói:
- Tinh thần của Bộ tham mưu hải quân mấy hôm nay không xứng đáng với hải quân của một cường quốc như nước Nhật. Phó đô đốc Onishi, nếu ông có gì muốn nói với tôi, hãy đến ngay văn phòng này trao đổi. Nếu ông nghĩ rằng tôi là một thằng hèn, cứ đến nói thẳng vào mặt tôi. Còn điều này nữa. Ai cho phép ông mang gươm vào phòng họp của Hội đồng Quốc phòng tối cao? Việc này không thể tha thứ được.
Còn ông, tham mưu trưởng Toyoda, kỉ luật nào cho phép ông xin bệ kiến Thiên hoàng mà không thông qua Bộ trưởng? Hai ông đã hành động không xứng đáng với địa vị cao cấp của mình trong hải quân Hoàng gia.
Hai vị sĩ quan này đập gót, đứng nghiêm và nói:
- Chúng tôi có sai phạm, thành thật xin lỗi Đô đốc.
- Hai ông có thể đi ra và nên nhớ, trong mọi tình hình, kỉ luật là kỉ luật. Các ông nên ra sức giữ gìn kỉ luật của sĩ quan dưới quyền các ông.
Lúc 14 giờ 30, tướng Korechika Anami chuẩn bị rời Bộ quốc phòng đến dinh Thủ tướng để tham dự buổi họp Nội các lúc 15 giờ Nhưng một tốp sĩ quan trẻ thuộc thành phần quá khích trong Bộ quốc phòng là trung tá Takeshita, đại tá Masao Inaba, đại tá Arao và thiếu tá Kenji Hatanaka đã xuất hiện trước mặt ông.
Đứng nghiêm trước Bộ trưởng, Takeshita nói:
- Nhân danh 4 sĩ quan đang có mặt tại đây, nhân danh các sĩ quan khác, chúng tôi xin Ngài chuyển tới cuộc họp Nội các lập trường của một số lớn sĩ quan Nhật: không chấp nhận bản trả lời của Đồng minh.
Riêng đối với Ngài, chúng tôi luôn luôn tin tưởng ở Ngài và nguyện đi theo Ngài đến cùng.
Tiện đây, xin trình lên ngài kế hoạch đảo chính do chúng tôi soạn thảo, để làm chủ thủ đô, tiêu diệt bọn Badoglio (1).
Anami không cầm lấy bản văn kế hoạch hành quân chiếm Tokyo, bỏ ra xe.


(1) Badoglio, Thống chế nước Ý, người ra lệnh cho quân đội Ý đầu hàng Đồng minh khi sắp thua trận. Bọn quân phiệt dùng danh từ này để gọi những người chủ hòa.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #283 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:11:59 am »

Cuộc họp Nội các để bàn về bức công hàm của Byrnes đã khai mạc đúng 15 giờ tại dinh Thủ tướng.
Bộ trưởng Ngoại giao Togo đọc từng đoạn bản văn trả lời của phe Đồng minh và bàn từng đoạn. ông ta nói:
- Điều khoản nói rằng chính phủ Nhật và Nhật hoàng phải chịu sự giám sát của Tư lệnh tối cao Đồng minh trong suốt thời kỳ thi hành Tuyên cáo Potsdam là việc khó mà tránh được. Nhưng nó cũng cho thấy rằng người Mĩ không có ý định phế bỏ đế chế và Hoàng gia.
Còn về điều nói rằng: Nhân dân Nhật sẽ chọn lựa hình thức cai trị nước Nhật, thì chúng ta khỏi lo. Tôi xin hỏi quý vị, có người Nhật nào chọn một hình thức cai trị khác hơn là Thiên hoàng hay không? Bao giờ nước Nhật còn là còn Thiên hoàng.
Sau đó, tướng Anami đứng lên nói:
- Trái với Bộ trưởng Ngoại giao, tôi rất lo ngại về các điểm sau đây:
Thiên hoàng là một định thể do Thần sáng lập, Thiên hoàng là con của Thái dương thần nữ, không một con người nào có quyền, "dù bỏ phiếu thuận", để chấp nhận. Thiên hoàng là Thần, vấn đề có Thiên hoàng trị vì nước Nhật hay không là vấn đề của Thần thánh, con người không được quyền có ý kiến.
Còn vấn đề thứ hai, quyền lực của Thiên hoàng và chính phủ Nhật đặt dưới sự kiểm soát của một thằng cha nào đó mang danh nghĩa Tư lệnh quân chiếm đóng, điều này, theo tôi là không ổn. Vì nước Nhật rồi đây hoàn toàn tùy thuộc vào ý kiến của thằng cha đó. Theo tôi, chúng ta nên bác bỏ bản văn của họ và chiến đấu đến cùng.
Trong lúc một số Bộ trưởng khác phát biểu ý kiến dài dòng, thì Ngoại trưởng Togo qua phòng bên gọi điện thoại cho Thứ trưởng ngoại giao:
- Này, Matsumoto! Không khí chung của Nội các là không chấp nhận. Tôi đang ở thế bí. Anh có thể nghĩ giúp tôi một vài luận cứ để thuyết phục họ không?
Thứ trưởng Matsumoto nêu lên vài luận cứ, nhưng Togo nói rằng ông ta đã nêu ra rồi, mà chưa đủ sức thuyết phục.
Thứ trưởng đáp:
- Chà, khó ghê. Nhưng ông nên xin ngưng họp, rồi mình nghĩ cách sau. Nhớ là đừng cho biểu quyết nhé.
Tướng Anami rất vui mừng khi thấy Bộ trưởng ngoại giao và phe chủ hòa yếu thế xin đình cuộc họp lại.
Sáng ngày 13-8, ông quyết định nhờ Hoàng đệ Mikasa, thiếu tướng lục quân, can thiệp với Thiên hoàng để bác bỏ bản tuyên bố của Đồng minh.
Nhưng sau khi gặp Hoàng thân Misaka, ông càng thấy lập trường cứng rắn của ông đã sa lầy. Hoàng thân Misaka nói:
- Thiên hoàng thấy cần phải nhượng bộ vì quyền lợi tối cao của nước Nhật. Thiên hoàng cho rằng, từ sự cố Mãn Châu 1931, quân đội nhiều lần làm sai ý muốn của Thiên hoàng. Giờ đây, đã đến lúc quân đội cần tập trung sau lưng Thiên hoàng một cách chặt chẽ hơn. Cao kiến của Người là "Hòa".
Buổi trưa, Đồng lý văn phòng phủ thủ tướng Sakomizu ra lệnh cho Thông tấn xã Domei phát đi thông điệp sau đây, hướng về Hoa Kỳ:
"Chính phủ Nhật Bản đã quyết định chấp thuận hòa bình. Sở dĩ có sự chậm trễ trong việc thông báo qua con đường ngoại giao chính thức là vì Hội đồng nội các còn đang duyệt xét một số thủ tục pháp lý và phương tiện kĩ thuật để thi hành các điều khoản mà phía Đồng minh đưa ra". Vì sợ Mĩ ném thêm bom nguyên tử do sự im lặng của phía Nhật, nên ông ta đánh bức điện này (1).

(1) Lúc đó có tin đồn rằng Mỹ sẽ ném bom nguyên tử xuống Tokyo vào ngày 13-8.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #284 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:12:26 am »

Bên kia bờ Thái Bình Dương, sau khi nhận được tin điện này đài phát thanh San Francisco loan báo khắp nơi. Các đài nghe và bắt tin của quân đội Nhật ghi nhận vào lúc 14 giờ (giờ Tokyo) về báo cáo cho thượng cấp của họ. Một số sĩ quan đến Phủ thủ tướng la ó, đe dọa Đổng lí văn phòng.
Buổi tối, tướng Anami về nhà thay quân phục, mặc bộ kimono và nghỉ trong lúc chờ đợi nhóm sĩ quan trẻ đến. Hơn ai hết, ông biết rõ tâm lý chung của bọn quân phiệt trẻ, sẵn sàng "làm ẩu”, hành động cực đoan cho hả dạ, sau đó sẽ mổ bụng tự sát để tự trừng trị tội vô kỷ luật của mình. Nhiều Thủ tướng, Bộ trưởng và chính khách đã bị họ giết hại trong 20 năm gần đây. Riêng Anami, ông không bao giờ sử dụng họ hoặc cổ vũ họ, vì ông biết đó là trò chơi "phù thuỷ luyện âm binh".
Vào lúc 20 giờ, Takeshita vào nhà. Theo anh ta có trung tá Inaba, trung tá Shiizaki, thiếu tá Hatanaka và đại tá Arao. Đại tá Arao nói:
- Chúng tôi đến đây để trình lên Ngài quan điểm của số đông sĩ quan. Sau khi nghiên cứu tình hình, chúng tôi thấy phải tiếp tục cuộc chiến đấu đến cùng. Nhưng vì có bọn “Badoglio" phản bội, nên chúng tôi sẽ đảo chính để tiêu diệt bọn họ. Sau đó thuyết phục Thiên hoàng tiếp tục chiến tranh.
Chúng tôi dự định vô hiệu hóa bọn Suzuki, Yonai, Togo và Kido. Xin ngài đứng ra hậu thuẫn cho chúng tôi, và chúng tôi cũng sẽ tranh thủ sự đồng tình của tướng Umezu (Tổng tham mưu trưởng), tướng Tanaka và tướng Mori, tư lệnh sư đoàn 1 Ngự lâm quân.
Tướng Anami hỏi:
- Chừng nào các anh dự tính thi hành kế hoạch này?
- Thưa Đại tướng, ngày mai, 10 giờ sáng.
- Vậy kế hoạch và truyền tin của các anh ra sao?
Đại tá Arao thuyết trình về mọi sự kiện. Nghe xong, Anami nói, như một thầy giáo phê bình học trò:
- Kế hoạch của các anh còn thiếu sót nhiều lắm.
- Xin Đại tướng cứ ra lệnh, chúng tôi sửa chữa ngay.
- Thôi, để tôi suy nghĩ thêm nữa.
- Thưa Đại tướng, không còn bao nhiêu thì giờ nữa.
- Vậy các anh trở lại đây lúc 12 giờ khuya nhé. Thôi về đi
Khi họ vừa ra khỏi cửa, Anami kêu lại và nói:
- Các anh non trẻ quá, làm đảo chính 5 người mà 5 người đi chung, lỡ có chuyện gì thì sao? Các anh ấu trĩ quá, thôi đi về đi
Câu nói cuối cùng làm cho bọn họ suy nghĩ mãi. Đó là câu nói gói ghém tình cảm thương yêu hay là chê bai và từ chối?
Đoạn Anami gọi đại tá Hayashi, chánh văn phòng và hỏi:
- Anh nghĩ sao?
- Thưa Đại tướng, tôi không biết ngài sẽ theo họ hay không nhưng theo ý tôi, nhân dân sẽ không ủng hộ một cuộc đảo chính của quân đội đâu. Họ chán lắm rồi. Đất nước gần như ngã quỵ. Theo tôi, tiếp tục chiến tranh là tội ác đối với Nhật.
Anami im lặng.
Không đợi bọn sĩ quan trẻ ở nhà, tướng Anami cùng với viên chánh văn phòng đến Bộ quốc phòng. Sự kiện ông ta đến Bộ quốc phòng làm cho các sĩ quan trẻ tin chắc là ông đến để chỉ huy họ làm đảo chính quân sự.
Đúng 12 giờ đêm, ông cho gọi đại tá Arao vào và nói.
- Tôi đã suy nghĩ về kế hoạch đảo chính của các anh. Á, à chúng ta đang trải qua những ngày thật khó khăn.
Ông ta thở dài và tiếp :
- Làm gì thì làm, chúng ta nên nghĩ đến thực trạng của đất nước và khả năng thực sự của nó. Sản lượng công nghiệp chiến tranh của ta chỉ còn 50% khả năng. Đạn và bom thì không đủ dùng. Thành phố cháy gần hết, nhân dân lao động không còn việc làm, thức ăn thiếu. Các anh phải bỏ lên bàn cân các yếu tố này.
Ngoài ra phải đặt sự vinh quang của Thiên hoàng lên trên hết nữa.
Đại tá A rao nói:
- Trình Đại tướng, anh em chúng tôi cũng đã suy nghĩ cẩn thận về các yếu tố trên rồi.
Tướng Anami nói:
- Tôi thấy kế hoạch của các anh có nhiều chỗ sơ hở lắm.
Nhưng ông không trả lời dứt khoát. Đoạn ông nói:
- Tôi về nghỉ một tí, ngày mai là một ngày nhiều sự kiện lớn đấy không phải dễ dàng đâu.
Ông bước ra xe và về nhà.
Sáng sớm 14-8 có hàng triệu truyền đơn do máy bay Mĩ rải xuống Tokyo, trong đó viết:
"Chúng tôi, các nước Đồng minh, hiểu rằng Nhật Bản đã sẵn sàng chấp nhận các điều khoản của bản Tuyên cáo Potsdam. Nhưng chính phủ Nhật còn đặt một điều kiện là duy trì quyền của Hoàng đế như là người cai trị quốc gia. Chúng tôi, các nước Đồng minh, không chấp nhận những quyền như vậy của Hoàng đế. Chúng tôi muốn các ngài hiểu thực tế này và muốn có một sự trả lời sớm.
Chế độ chính tả tương lai của nước Nhật sẽ do nhân dân Nhật tự định liệu. Và quân đội Đồng minh sẽ đóng ở Nhật cho đến khi nào các điều nói đến ở bản tuyên cáo Potsdam được thi hành xong".
Trong Hoàng cung cũng đầy rẫy nhũng truyền đơn buồm buồm này, hoàng thân Kido lượm một tờ đem lên cho Nhật hoàng xem. Hoàng thân Kido nói:
- Tâu Hoàng thượng, thần e rằng khi đọc các tờ giấy này, thì phe quân nhân "nổi điên" sẽ làm cho tình hình khó khăn hơn.
- Trẫm muốn khanh cho mời Thủ tướng đến ngay.
Khi Thủ tướng đến, Nhật hoàng ra lệnh cho ông ta triệu tập ngay Hội đồng quốc phòng tối cao.
7 giờ sáng, tướng Anami vào Bộ quốc phòng. Số sĩ quan trẻ tập họp đông đảo và chờ đón. ông cho gọi đại tá Arao đến và nói :
- Nào, chúng ta hãy đến thăm đại tướng Umezu và anh sẽ trình lên ông kế hoạch đảo chính xem sao.
Khi vào văn phòng Umezu, tướng Anami nói:
- Thưa Đại tướng, chắc tướng quân đã nghe phong thanh về kế hoạch đảo chính rồi chứ. Vậy tôi dẫn Arao đến trình bày cặn kẽ mọi việc.
Arao thuyết trình mọi chi tiết của cuộc hành quân bên trong thành phố Tokyo, bên trong Hoàng cung, để bắt phe chủ hòa và nắm quyền.
Nghe xong, Umezu nói:
- Tới không tán đồng kế hoạch của các anh. Nó có nhiều chỗ hở, không thành công được. Và nhất là các anh sử dụng quân lục ở nội bộ Hoàng cung, là một việc khi quân, sai phạm lớn đấy
Đại tướng Anami nói:
- Arao ơi, anh đã nghe tướng Tổng tham mưu trưởng góp ý kiến rồi dấy. Vậy về văn phòng tôi, anh báo cáo lại cho bạn bè nghe nhé.
Nhưng bọn sĩ quan trẻ vẫn quyết tâm làm đảo chính.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #285 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:13:05 am »

* “Ý kiến cuối cùng của Trẫm”

Thủ tướng Suzuki đã triệu tập toàn thể Hội đồng Quốc phòng tối cao, toàn thể Nội các, chủ tịch Hội đồng cơ mật cùng một số tướng lĩnh và quan chức cao cấp khác tới dự Hội nghị Đế chế tại Hoàng cung.
Hai mươi lăm vị giữ những chức vụ tối cao ở nước Nhật họp trong căn hầm của Hoàng cung, dưới sự chứng giám của vua nước Nhật. Thủ tướng đứng dậy, gập minh bái ba bái về hướng Thiên hoàng, đoạn khai mạc hội nghị:
- Hoàng thượng đã cho triệu tập cuộc hội nghị này để bàn về bức công hàm của ngoại trưởng Mĩ Byrnes và việc trả lời chính thức cho phe đồng minh. Chúng ta cứ trình bày quan điểm của mình. Ai không thuận về việc "cầu hòa" hãy nói lên. Tôi muốn đề nghị tướng Umezu, đô đốc Toyoda và tướng Anami giải thích lập trường của mình. Có lẽ tướng Umezu nói trước
Tướng Umezu xin lỗi Hoàng đế vì bước ngoặt bất lợi của chiến tranh, tiếp đó trình bày lập trường của mình và kết luận:
- Nếu họ không đảm bảo sự duy trì đế chế ở Nhật, chúng ta sẽ đánh đến cùng. Cả nước sẽ cùng hy sinh trong một trận đánh cuối cùng.
Kế đó là đô đốc Toyoda:
- Mặc dù thần không thể quyết đoán sự chiến thắng, nhưng quân đội lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu. Thà chết chứ không chịu sự nô dịch. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh cho Thiên hoàng. Tại sao chúng ta không gửi công hàm nói rõ cho Đồng minh biết, họ phải cam kết rõ ràng, sẽ tôn trọng Đế chế và Hoàng gia.
Đến phiên tướng Anami. Ông ta nói:
- Điều tối thiểu nhất cần đòi hỏi là phe Đồng minh phải xác định rõ ràng sự duy trì Đế chế và Thiên hoàng không bao giờ bị xâm phạm. Cho họ biết, nếu không chấp nhận, toàn nướcc Nhật sẵn sàng chiến đấu.
Đến đây, ông nhìn về hướng Nhật hoàng. Ông thấy rằng, người mà mình kính nể và yêu thương nhất trên đời này lại không mảy may đồng tình với mình. Ông vội ngồi xuống và im lặng.
Đến phiên thủ tướng Suzuki:
- Tâu Hoàng thượng, hạ thần thật có lỗi khi trình lên Hoàng thượng một Chính phủ đầy chia rẽ và bất đồng ý kiến. Thần cúi xin Hoàng thượng hãy ban cho Chính phủ thánh ý của Người.
Nhật hoàng im lặng một hồi rồi nói:
- Trẫm đã nghe các ý kiến chống lại việc Nhật chấp nhận đầu hàng Đồng minh. Nhưng ý của Trẫm không hề thay đổi. Trẫm thấy rằng nếu tiếp tục cuộc chiến thì chỉ đem lại sự sụp đổ và khổ đau mà thôi.
Mặt khác, theo ý trẫm, bản văn trả lời của Đồng minh cũng mặc nhiên công nhận những điều mà các khanh vừa đòi hỏi. Ý Trẫm là: Đó là một bản văn mà chúng ta chấp nhận được.
Trẫm cũng ý thức rằng, rất khó khăn và đau khổ cho các chiến binh anh dũng của nước Nhật phải bỏ khí giới đầu hàng và thấy đất nước thương yêu của họ bị ngoại nhân đến chiếm đóng. Trẫm cũng đau lòng khi thấy rồi đây nhiều bầy tôi trung thành của Trẫm sẽ bị ngoại nhân làm tội làm tình.
Nhưng Trẫm không còn nghĩ đến Trẫm nữa, mà nghĩ đến đại đa số dân chúng sẽ phải chịu khổ đau nếu chiến tranh tiếp diễn. Và như thế, sẽ còn một nước Nhật, một dân tộc Nhật nữa hay không? Trẫm chỉ muốn bảo tồn sinh mạng của thần dân mà thôi.
Nếu chiến tranh chấm dứt ngay bây giờ, đất nước còn có cơ hội để hồi sinh. Đó là ý kiến cuối cùng của Trẫm. Không phải dễ dàng để chấm dứt một cuộc chiến và xây dựng lại đất nước đâu. Nhưng nếu mọi người chung lưng đấu cật, quyết tâm đoàn kết nhất trí thì chúng ta dễ dàng hồi sinh lại nước Nhật. Bản thân Trẫm sẽ đóng góp phần mình với nhân dân.
Những dòng lệ tuôn trên má, Nhật hoàng vội đứng dậy rời phòng họp.
Nhiều tiếng nấc vang lên trong phòng họp.
Sau bữa ăn trưa của toàn thể Nội các để chuẩn bị cho cuộc họp buổi chiều, tướng Anami kẻo viên chánh văn phòng của ông, đại tá Hayashi, ra một chỗ vắng và nói: Thiên hoàng đã quyết định ra lệnh đầu hàng, chúng ta không thể làm khác thánh ý được
Nhưng, tôi nghe tin tình báo nói Mĩ tập họp một lực lượng hải quân to lớn ở vịnh Tokyo. Tôi muốn gom hết toàn lực của mình đánh một trận cuối cùng. Ngay sau đó chúng ta tuyên bố chấp nhận các điều khoản của tuyên cáo Potsdam, anh nghĩ sao?
Đại tá chánh văn phòng:
- Theo tôi nghĩ, đó là một tính toán sai lầm về mọi phương điện. Đầu tiên là nó ngược lại thánh ý của Thiên hoàng muốn cầu hòa ngay. Sau nữa, tin ấy vẫn chưa được lực lượng do thám của không quân xác nhận.
Đại tướng Anami im lặng. Chợt trông thấy trung tá Takeshita đi về phía mình, ông vội chia tay với chánh văn phòng để gặp người em rể. Mời Takeshita vào một phòng vắng người, tướng Anami nói:
- Thiên hoàng đã ra lệnh soạn thảo chỉ dụ ngừng bắn, cầu hòa. Cuộc đảo chính không còn lý do của nó nữa.
Takeshita:
- Không trễ đâu. Có một việc mà Đại tướng có thể làm được để ngăn chặn chỉ dụ ấy. Đó là Ngài đệ đơn từ chức.
Anami:
- Nếu tôi có từ chức đi nữa, thì tập thể Nội các cũng kí tên vào và chỉ dụ cũng được ban hành thôi. Và điều tệ hại nhất là tôi làm đau lòng thêm nữa cho Thiên hoàng.
Takeshita im lặng, rồi cáo từ trở về nhiệm sở.
Để đề phòng cuộc đảo chính có thể xảy ra, tướng Anami vội vã trở về Bộ Quốc phòng. Trước đám sĩ quan trẻ đang phẫn khích vì những tin tức vừa được nghe Takeshita truyền lại, Anami kêu gọi họ trật tự và nói:
- Sáng hôm nay Thiên hoàng ra lệnh soạn thánh chỉ cho quân đội buông khí giới đầu hàng. Nếu quí vị muốn biết tôi quyết định như thế nào, tôi xin nói ngay là tôi sẽ cúi mình tuân lệnh Thiên hoàng. Và ngay bây giờ, đúng trước mặt quý vị tôi ra lệnh cho mọi người trong chúng ta phải tuân hành thánh chỉ.
Phòng họp im lặng, lâu lâu vài tiếng nấc vang lên. Tướng Anami tiếp :
- Các lực lượng vũ trang Nhật phải triệt để thi hành thánh ý của Thiên hoàng, dù cho mỗi cá nhân chúng ta có đau khổ như thế nào đi nữa. Vì Thiên hoàng là thần thánh, sáng suốt hơn chúng ta nhiều, biết chọn con đường tốt nhất cho sự quang vinh của nước Nhật.
Tôi nghe một số các vị dọa sẽ "hara kiri", tôi xin nói: một con người không "hara kiri” trước khi làm xong nhiệm vụ. Như vậy trong giai đoạn khó khăn mới này, quý vị phải làm tốt nhiệm vụ Thiên hoàng giao phó, dù đó là nhiệm vụ gì.
Dù cuộc sống về sau này có khó khăn cách mấy, dù phải nằm gai nếm mật, quí vị phải sống và làm hết sức mình cho sự hồi sinh của nước Nhật.
Có người trong số quí vị hỏi tôi, tại sao tướng Anami không chống lại việc cầu hòa. Tôi xin trả lời ngay: Khi được nhìn thấy Thiên hoàng ứa lệ mà phán rằng "Chúng ta phải chịu đựng cái khó chịu nhất" thì tôi không thể chống lại thánh ý của Người. Còn bây giờ, ai muốn cưỡng lại, thì trước hết phải chẻ tôi ra làm đôi.
Nói xong, ông ta quay lại dinh thủ tướng để kịp dự cuộc họp Nội các khai mạc lúc 13 giờ.
Thiếu tá Kenji Hatanaka sau khi nghe tướng Anami nói chuyện, lấy xe đạp chạy thẳng về Bộ tư lệnh quân khu phía Đông tìm tướng tư lệnh Shizuichi Tanaka.
Anh ta biết rằng mình bất tuân thượng lệnh, nhưng cũng ý thức rằng, có những trường hợp mà sự bất tuân này được lương tâm chính mình cho phép. Và đó là trường hợp cuộc đảo chính hôm nay. Anh ta cho rằng, sở dĩ mà Nhật hoàng quyết định đầu hàng, là do chịu ảnh hưởng của phe chủ hòa. Giờ đây, bắt giữ được bọn "Badoglio" ấy thì Nhật hoàng có thể nghĩ lại.
14 giờ 30, đến cao ốc Daiichi, anh ta vội chạy lên văn phòng trung tướng Tanaka, đụng ngay sĩ quan trực. Người này làm như không biết thiếu tá Hatanaka là ai, và vặn hỏi tên tuổi, đơn vị , mục đích thăm viếng. . .
- Tôi xin gặp tướng Tanaka có việc riêng.
- Tôi không thể cho Ngài vào gặp Trung tướng được nếu tôi không rõ mục đích của cuộc viếng thăm.
- Tôi đến đây không phải để tranh cãi với anh. Hãy tránh ra cho tôi vào. Vừa nói, thiếu tá vừa nắm lấy cán gươm
Viên sĩ quan đứng giữa thiếu tá Hatanaka và cánh cửa, tay phải cũng cầm cán gươm. Trong lúc đó, tướng Tanaka nghe tiếng ồn ào, mở cửa ra xem sự thể. Thấy thiếu tá Hatanaka, ông ta nói:
- Anh đến đây có việc gì? Thôi được, anh khỏi phải nói. Nhìn sắc mặt anh là tôi biết anh muốn gì rồi. Tôi không muốn nghe. Thôi, đi về đi.
Và theo phản xạ tự nhiên của những sĩ quan võ sĩ đạo, thiếu ta Hatanaka đứng nghiêm, rồi quay gót ra về. Giờ đây chỉ còn nhờ vả vào các bạn bè ở sư đoàn 1 Ngư lâm quân mà thôi.
Tại cuộc họp Nội các, tướng Anami và đô đốc Yonai nhận được thư của Thiên hoàng gửi cho hai ông, yêu cầu đặt quân dội và hải quân dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Cả hai ông đã hứa bảo đảm yêu cầu của Thiên hoàng, nhưng Anami vẫn chưa yên tâm. Bởi thế, lúc 14 giờ 30 Anami xin cáo lỗi với hội nghị và quay về Bộ quốc phòng.
Ông cho mời 5 tướng lãnh cao cấp nhất của quân đội Nhật đến họp tại văn phòng của mình. Đó là đại tướng Umezu, Tổng tham mưu trưởng; nguyên soái Gen Sugiyama, tư lệnh Cụm Tập đoàn quân thứ nhất; nguyên soái Shunroku Hata, tư lệnh Cụm Tập đoàn quân thứ hai; đại tướng Masakazu Kawabe, tư lệnh không quân của lục quân và đại tướng Kenji Doihara, tổng thanh tra quân huấn.
Sau khi bàn bạc về nhũng vấn đề kĩ thuật của việc giải thể quân đội, tướng Anami thông báo cho họ yêu cầu của Nhật hoàng đối với quân đội và đề nghị từng người một kí vào một bản cam kết chỉ vẻn vẹn có một dòng:
“Quân dội sẽ hành động tuân theo thánh ý của Thiên hoàng cho đến cùng".
Công việc hoàn tất nhanh chóng. Chia tay với các tướng lãnh trên, Anami bước sang gian phòng lớn ở kế bên họp với các cấp lãnh đạo và sĩ quan tham mưu của Bộ quốc phòng đã tập họp ở đây theo lệnh ông. Trong số khoảng 30 người dự họp, có trung tướng Tadaichi Wakamatsu, thứ trưởng Bộ Quốc phòng; trung tướng Masao Yoshizumi, giám đốc Cục Quân vụ; trung tướng Hiroshi Nukada, giám đốc Cục Quân lực và thiếu tướng Yoshio Nasu, giám đốc Cục Quân chế. Trong phòng cũng có mặt cả 4 sĩ quan đang mưu toan đảo chính: trung tá Takeshita, đại tá Arao, trung tá Inaba và thiếu tá Hatanaka.
Tướng Anami bước lên diễn đàn lúc 15 giờ 30 phút. Thoạt tiên, phân tích lại tình hình ngày 10-8, khi Nhật Bản đề nghị đầu hàng với điều kiện bảo toàn đế chế, ông giải thích rằng để phòng khả năng đề nghị này bị bác bỏ và Nhật Bản phải tiếp tục chiến tranh, ông đã ra lệnh cho quân đội "chiến dấu đến cùng". Tiếp đó, nhấn mạnh tình hình ngày hôm nay (14-8) đã thay đổi vì "Hoàng thượng đã quyết định rằng Nhật Bản chấp nhận các điều kiện của địch", ông yêu cầu quân đội tuyệt đối trung thành và phục tùng mệnh lệnh của Thiên hoàng, đúng như bản cam kết mà ông cùng với 5 vị tướng soái cao cấp nhất vừa kí. Để giáng thêm một đòn vào mưu toan đảo chính của đám sĩ quan trẻ, ông khẳng định: "Tôi không muốn có một sĩ quan nào trong quân đội lại cho rằng mình hiểu biết hơn Hoàng đế và Chính phủ về việc phải làm gì cho đất nước là tốt nhất". Sau cùng ông nhắn nhủ: "Không nên nghi ngờ tương lai lâu dài của Nhật Bản, dù rằng đó không phải là một tương lai dễ dàng. Quý vị sĩ quan vẫn còn có một bổn phận phải thực hiện, và quí vị không thể rời bỏ nó bằng cái chết. Bổn phận của quí vị là vẫn phải sống để giúp cho đất nước của quí vị đi tới con đường hồi sinh".
Nói xong, ông rời phòng họp để trở lại dinh Thủ tướng, tiếp tục tham dự cuộc họp Nội các.
Tan họp, thiếu tá Hatanaka đi tìm trung tá Ida tại phòng làm việc trong Cục Quân vụ. Lúc ấy, trung tá Ida đang trầm tư quan sát một đám lính hối hả đốt các hồ sơ giấy tờ của Bộ Quốc phòng. Khi bọn lính hoàn tất công việc, Ida đột nhiên nói to:
- Thế đấy, cháy hết cả rồi! Thiêu hủy sạch mọi giấy tờ rồi! Giờ đây thì đến lượt chúng ta tự hủy diệt mình! Mỗi sĩ quan quân đội Hoàng gia phải tự mổ phanh bụng mình! Làm thế nào để tạ lỗi với Thiên hoàng về thất bại của chúng ta? Làm thế nào để tên tuổi chúng ta trở thành bất tử?
Câu ấy lọt vào tai Hatanaka trước khi anh ta bước vào phòng. Kéo Ida ra một chỗ vắng, Hatanaka trình bày cho anh này kế hoạch đảo chính của mình, rồi nói:
- Anh có thấy kế hoạch này đẹp hơn việc tự mổ bụng mình không?
Nhưng trung tá Ida dứt khoát cự tuyệt:
- Hatanaka thân mến, tôi rất hiểu anh muốn gì, tôi rất phục các anh, hơn nữa tôi cũng thèm muốn như các anh. Nhưng Thiên hoàng đã phán và đại tướng Anami đã chỉ thị. Chúng ta không thể làm gì hơn. Các anh hãy đi con đường của các anh, còn tôi sẽ chọn cái chết sáng mai. Thôi, chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đền thờ Yasukuni.
Hai người từ giã nhau.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #286 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:13:42 am »

NGÀY TÀN CỦA QUÂN PHIỆT NHẬT

* Hoàn tất các văn bản cuối cùng

Tại dinh thủ tướng, từ 13 giờ đến 23 giờ đêm 14-8, dưới sự chủ tọa của thủ tướng Suzuki, cuộc họp Nội các để giải quyết các vấn đề cuối cùng của việc đầu hàng diễn ra buồn tẻ, chậm chạp và kéo dài. Mãi đến khi bước vào thảo luận văn kiện quan trọng nhất của hội nghị là bản thảo chỉ dụ của Hoàng đế, không khí cuộc họp mới có phần thay đổi. Văn bản này được Đổng lí văn phòng Sakomizu và một nhóm thuyên gia xuất sắc soạn thảo trong 3 ngày liền, nhưng không phải vì thế mà nó thoả mãn được tất cả các Bộ trưởng trong Nội các. Lắng nghe Đổng lí văn phòng trình bày tùng phần một, các Bộ trưởng nêu yêu cầu sửa đổi hoặc thêm bớt một vài từ ở một số chỗ. Đột nhiên tướng Anami phát biểu:
- Tôi đồng ý về đại thể bản dự thảo, nhưng ở giữa phần 2 có một câu mà tôi không chấp nhận được. Đó là: "Mặc dù có sự hi sinh lớn lao của mọi người, sự dũng cảm của hải quân và lục quân, sự mẫn cán của cán bộ, công chức, sự quyết tâm của 100 triệu thần dân, cuộc chiến ngày càng bất lợi cho ta".
Câu này không chấp nhận được, vì trong các bản thông cáo chiến sự, chúng ta chỉ có thắng, không có thua. Viết như vậy tức là khẳng định các thông cáo trước đây của Tổng hành dinh quân lục Hoàng gia toàn là nói láo.
Đô đốc Yonai đứng dậy bác bỏ lập luận của tướng Anami và khẳng định:
- Việc Nhật Bản đến bên bờ của sự hủy diệt, thì tất cả chúng ta ai cũng biết. Chúng ta đã thất bại. Chúng ta rõ ràng đã thất bại! Câu ấy cứ giữ nguyên, vì nó phản ánh đúng tình hình.
Tướng Anami cãi:
- Các ngài phải viết sao cho người ta thấy Nhật không chiến bại, chỉ vì tình hình chiến tranh đã phát triển không cần thiết nữa, nên ta phải chấm dứt, vậy thôi. Chúng ta đã thua những trận đánh, nhung không thất bại cả cuộc chiến tranh.
Rõ ràng tướng Anami vẫn cố vớt vát sĩ diện cho quân đội. Âu cũng là tâm lý chung của giới quân phiệt Nhật.
Hai người tranh cãi mỗi lúc một thêm gay gắt mà không có khả năng dung hòa, khiến thủ tướng Suzuki phải tạm ngưng phiên họp.
Trong thời gian tạm nghỉ, đô đốc Yonai trở về Bộ Hải quân để kiểm soát tình hình. Có lẽ xu hướng tư tưởng của sĩ quan cao cấp trong Bộ Hải quân lúc bấy giờ đã tác động đến suy nghĩ của ông. Bởi thế, lúc 19 giờ, khi Hội nghị nhóm họp lại, đô đốc Yonai đứng dậy nói:
- Về ngôn từ của câu mà Bộ trưởng Quốc phòng muốn sửa, tôi xin rút lui ý kiến để chấp nhận ý kiến của ông ta.
Không ai nói gì thêm, thủ tướng Suzuki tuyên bố.
- Chúng ta sẽ sửa như vậy
Nhìn đô đốc Yonai với cặp mắt đã dịu, tướng Anami lại đề xuất:
- Vẫn còn một chỗ nữa cũng cần sửa. Đó là đoạn cuối: "Trẫm sẽ luôn ở bên các ngươi, những thần dân ngoan ngoãn và trung thành của Trẫm...". Khi Nhật Bản đã bị địch chiếm, chúng ta không thể biết được điều gì sẽ xảy đến với đất nước và Hoàng thượng. Bởi thế, tôi muốn thêm một đoạn ở đầu câu ấy: "Trong khả năng có thể cứu vãn và duy trì cơ cấu Đế chế, Trẫm sẽ luôn ở bên các ngươi...”.
Không có ai tranh luận về điều này, thủ tướng Suzuki tuyên bố.
- Đồng ý, chúng ta sẽ thêm như vậy.
Thế là văn bản chỉ dụ đã được Nội các thông qua. Đổng lí văn phòng Sakomizu nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi, rồi lập tức rời phòng họp mang văn bản đó vào Hoàng cung đệ trình Thiên hoàng phê chuẩn lần cuối cùng.
Hội nghị bàn tiếp về thời gian phát thanh bản chỉ dụ. Hoàng đế có thể sẽ duyệt xong trong đêm nay, nhưng nếu cho phát thanh ngay thì quá cập rập. Bộ trưởng Ngoại giao đề nghị phát lúc 7 giờ sáng mai. Tướng Anami phản đối:
- Không thể được. Cần phải có những biện pháp để bảo đảm việc tuân hành trước khi công bố chỉ dụ. Phải cho chúng tôi đủ thời gian để thông báo trước cho quân đội ta hiện còn đang ở những nơi hải ngoại xa xôi. Tôi cho rằng chỉ dụ có thể phát thánh sau buổi trưa mai.
ĐÔ đốc Yonai nói:
- Chúng ta không thể chờ đợi quá lâu - và ông ta giải thích lí do.
Sau cùng, Chủ tịch ủy ban Thông tin Shimomura xin phép đề xuất một giải pháp:
- Phát thanh vào 7 giờ sáng sẽ ít người nghe được, vì đó là dầu giờ làm việc của dân chúng. Nhưng nếu để chậm quá, thì e sẽ gặp cản trở, vì hiện đang có những tin đồn đáng ngại về một âm mưu sử dụng vũ lực. Tôi đề nghị sẽ phát thanh vào bữa ăn trưa ngày mai. . .
Tán thành ý kiến này, Nội các quyết định sẽ phát thanh chỉ dụ của Thiên hoàng đúng 12 giờ trưa ngày 15-8.
Hội nghị tạm nghỉ để chờ Thiên hoàng phê chuẩn xong chỉ dụ rồi sẽ tiếp tục họp phiên cuối cùng.
Tướng Anami cùng với viên chánh văn phòng của ông lại quay về Bộ Quốc phòng và làm việc ở đây từ 20 giờ đến 21 giờ. Ông cho gọi trung tá Takeshita, nhưng trung tá không có mặt ở sở. Ông lại cho gọi đại tá Arao, đại tá cũng đi vắng. Cả nhóm mưu toan đảo chính không ai có mặt ở Bộ Quốc phòng vào lúc đó
Tương Anami giải quyết nốt một số việc sự vụ còn lại, xong, ông lấy giấy ra và viết một thông điệp gửi toàn quân - văn kiện cuối cùng đứng tên Bộ trưởng Quốc phòng Anami và Tổng tham mưu trưởng Umezu:
"Thiên hoàng đã quyết định. Quân lực kì vọng quí vị tướng lãnh sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ sẽ tuân hành theo truyền thống vinh quang của quân đội Hoàng gia...
Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng hạ lệnh này cho quí vị với tất cả niềm đau xót trong tim, và mong quí vị hiểu rõ sự cảm kích của Hoàng thượng, khi Người sẽ đích thân tuyên đọc chỉ dụ của Người về việc kết thúc chiến tranh vào 12 giờ trưa mai".
Hoàn thành bức thông điệp, Anami viết đơn xin từ chức. Lát sau, đại tá Arao đến trình diện. Tướng Anami đứng dậy ra gặp ông ta:
- Tôi nhờ anh giúp một việc, Đại tá! Tôi không muốn có ai trong số các sĩ quan trẻ của chúng ta lại có những hành động điên rồ. Không được tự sát, hiểu chưa? Đất nước cần họ, và tôi muốn họ phải sống. Anh có thể giúp tôi chứ?
- Vâng, thưa ngài, nhưng bằng cách nào ạ?
- Nói với họ. Nói với họ những gì tôi đã nói. Nhật Bản rồi đây sẽ hồi sinh. Nhân dân ta rất cần cù, siêng năng. Dù cho kẻ thù có tạm thời cản trở, cánh quân nhân chúng ta sẽ cùng với nhân dân làm hồi sinh đất nước.
Trò chuyện với Arao xong, tướng Anami quay trở lại dinh Thủ tướng. Ông trao lá đơn từ chúc cho viên chánh văn phòng đem đi nộp. Nhưng việc đó đã trở nên không cần thiết, vì được biết rằng toàn thể Nội các Suzuki sẽ từ chức tập thể vào ngày mai.
Đổng lí văn phòng Sakomizu đã kịp mang về phòng họp bản chỉ dụ trước lúc dự định họp lại Nội các là 21 giờ 30. Sửa chữa thêm 5 chi tiết nhỏ của bản dự thảo, Nhật hoàng đã chính thức phê chuẩn bản chỉ dụ đầu hàng.
Đặt bản chỉ dụ trên bàn trước mặt mình, thủ tướng Suzuki khai mạc phiên họp cuối cùng trong ngày:
- Tất cả quí vị đều biết tại sao giờ này chúng ta lại họp mặt ở đây. Tôi sẽ kí đầu tiên.
Sau khi Thủ tướng Suzuki kí vào bản chỉ dụ, ông ta chuyển nó sang Bộ trưởng Hải quân Yonai. Kể từ ông này, lần lượt 15 vị Bộ trưởng, thành viên của Nội các đã kí tên vào bản chỉ dụ.
Đúng 23 giờ đêm 14-8 (giờ Tokyo), Đồng lý văn phòng Sakomizu đứng dậy nói:
- Thưa các ngài, từ giờ phút này bản chỉ dụ của Hoàng đế bắt đầu có hiệu lực.
Tất cả nhũng người dự họp không một ai vui mừng trước giờ phút lịch sử ấy, vì nó là thời điểm chính thúc đầu hàng của đế quốc Nhật Đúng lúc đó, một cú điện thoại từ dinh Thủ tướng gọi sang Bộ Ngoại giao, yêu cầu gửi ngay cho các cường quốc phe Đồng minh bản Thông cáo đã được Bộ này chuẩn bị sẵn:
“ Thông cáo của Chính phủ Nhật Bản vào ngày 14 tháng Tám năm 1945 gửi các Chính phủ Hợp Chủng quốc Hoa kì, Vương quốc Liên hiệp Anh, Liên bang Xôviết và Trung Hoa Dân quốc:
Chiếu theo công hàm của Chính phủ Nhật Bản ngày 10 tháng Tám về việc chấp nhận các điều khoản của bản Tuyên cáo Potsdam và văn bản trả lời đề nghị ngày 11 tháng Tám của các chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Liên Xô và Trung Hoa do Ngoại trưởng Hoa Kỳ Byrnes chuyển tới, Chính phủ Nhật Bản hân hạnh thông báo với các Chính phủ của bốn cường quốc như sau:
1- Đức Hoàng đế chí tôn của chúng tôi đã ban hành một Chỉ dụ của Hoàng gia nêu rõ Nhật Bản chấp nhận các điều khoản của Tuyên cáo Potsdam.
2- Đức Hoàng đế chí tôn đã sẵn sàng ủy quyền và bảo đảm chữ kí cho Chính phủ của Người và Tổng hành dinh quân đội Hoàng gia trong những điều kiện cần thiết để thực hiện các điều khoản của Tuyên cáo Potsdam. Hoàng đế cũng đã sẵn sàng ban bố những mệnh lệnh của Người tới các cấp có thẩm quyền trong toàn thể lục quân, hải quân và không quân Nhật Bản cùng tất cả các lực lượng dưới sự kiểm soát của họ để đình chỉ các hoạt động quân sự ở khắp mọi nơi mà họ trú đóng, nộp vũ khí và thi hành mọi mệnh lệnh của Bộ chỉ huy tối cao các lực lượng Đồng minh nhằm thực hiện những điều khoản nói trên" (1).

(1) Theo John Toland. The Rising Sun, Random House. New York, 1971, tr 943.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #287 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:14:07 am »

5 phút sau, bản thông cáo được chuyển đi Washington và Trùng Khánh (qua nước trung gian là Thụy Sĩ) đồng thời đi Moskva và London (qua Thụy Điển). Cũng lúcđó, thủ tướng Suzuki rời phòng họp trở về văn phòng của mình sau khi đã tuyên bố bế mạc cuộc hội nghị cuối cùng của Nội các do ông đứng đầu. Tướng Anami còn ngồi yên lặng trong ít phút, rồi đứng đậy bước đến bên Ngoại trưởng Togo để dàn hòa và hai người mỉm cười chia tay nhau. Ra khỏi phòng họp, Anami bước tới văn phòng Thủ tướng. Trong phòng, thủ tướng Suzuki còn đang tiếp chuyện Bộ trưởng không bộ Sakurai, Đồng lý văn phòng Sakomizu và con trai Thủ tướng được coi như một thư kí riêng của ông. Suzuki đứng dậy khi Anami tiến đến bàn làm việc củaa ông.
Tướng Anami nói:
- Thưa Thủ tướng, trong thời gian qua, trong các cuộc trao đổi giữa chúng ta, có những lúc tôi làm cho Thủ tướng buồn phiền. Xin Ngài nhận nơi đây lòng thành thật xin lỗi của tôi. Xin Ngài hiểu cho, tôi đại diện cho quân đội. Mục đích cuối cùng của tôi là muốn bảo vệ cơ chế đế quốc của nước Nhật. Ngoài ra, không có ý nghĩ gì khác. Có thể là tôi không khéo trong ngôn từ khi phát biểu. Xin Ngài thông cảm và thứ lỗi cho.
Thủ tướng Suzuki:
- Không có gì đâu, hai cây gươm so với nhau mới lóe ra ánh sáng. Trong làm việc, có đối thoại mới có tiến bộ. Còn nếu lúc nào cũng mệnh lệnh một chiều thì chỉ đi đến ngõ cụt mà thôi. Tôi đánh giá cao cống hiến của Tướng quân cũng như lòng thành của tướng quân.
Tướng Anami:
- Thực sự tôi không an tâm về sự an toàn của Thiên hoàng.
Suztlki:
- Tướng quân cứ an tâm. Rồi đây hàng năm vào mùa xuân và hè, Thiên hoàng vẫn đến viếng đền thờ các liệt đế và đền tử sĩ Yasukuni.
Tướng Anami móc túi lấy ra một vật nhỏ:
- Tôi xin Thủ tướng giữ hộp xì gà này làm kỉ niệm. Đó là thuốc thơm của Indonesia đấy.
Tướng Anami ra về, Suzuki đứng nhìn theo một hồi lâu. Ông biết rằng đây là cuộc hội kiến cuối cùng giữa hai người: Võ sĩ đạo cấp dưới đến từ biệt cấp trên trước khi về nhà tự sát. Suzuki thở dài và nghĩ: nếu mình không có trách nhiệm với Thiên hoàng, mình cũng làm như thế.
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #288 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:14:27 am »

* Cuộc đảo chính bất thành

Trong đêm 14 rạng ngày 15, trung tá Takeshita đang ngủ trong trại Ochanomizu, bỗng có thiếu tá Kenji Hatanaka đến lắc vai đánh thức. Anh ta cho biết đã nắm được trung đoàn 2 Ngự lâm quân và họ đang đợi lệnh. Giờ anh ta nhờ Takeshita đến tư dinh tướng Anami, thuyết phục ông ta ra cầm đầu cuộc đảo chính.
Takeshita: "Vô ích bạn ạt! Ván đã đóng thuyền, chúng ta hãy tuân hành ý muốn của Thiên hoàng!". Nhưng Hatanaka tìm mọi cách để thuyết phục Takeshita và sau cùng anh ta đã thành công. Hatanaka dùng xe mô tô chở Takeshita đến tư dinh Bộ trưởng Quốc phòng rồi anh ta di lo việc khác. Takeshita được mời vào nhà.
Đứng bên cửa phòng của tướng Anami, anh ta gõ cửa.
- Ai đấy?
- Thưa, Takeshita.
- Anh dấn làm gì? Giọng nói có vẻ trách móc. Thôi được, cứ vào
Tướng Anami ngồi ở nệm đặt trên sàn nhà đang uống rượu, gọi cô phục vụ bưng thêm rượu sakê vào mời khách và bảo Takeshita cùng ngồi:
- Anh đến đây rủ tôi tham gia đảo chính chứ gì? Hãy nghe dây. Tôi đang chuẩn bị cuộc lễ lớn của đời tôi đấy.
- Tại sao lại ngày hôm nay?
- Anh biết không, 12 giờ trưa mai, Thiên hoàng sẽ đọc thánh chỉ tuyên bố đầu hàng. Tôi không đủ can đảm để nghe. Tôi đi trước vậy.
Nói rồi, ông đua cho Takeshita hai tờ giấy mà ông vừa viết. Takeshita đọc tờ thứ nhất, một bài thơ tuyệt mệnh:
Từng hưởng nhiều ân tứ
Của Hoàng thượng - Triều đình,
Biết nói gì hơn nữa
Trước giờ phút quyên sinh.
KORECHIKA
Đêm 14 tháng 8. Năm thứ 20 triều đại Chiêu Hòa
Và tờ thứ hai, lời tạ tội cuối cùng:
Tin tưởng vững chắc ở sự bất tử của nước Nhật. Tôi xin chết, để tạ tội với Thiên hoàng vì có những tội lớn.
KORECHIKA ANAMI, Bộ trương Quốc phòng
Đêm 14 tháng 8. Năm thứ 20 triều đại Chiêu Hòa (1)
Takeshita không bình luận gì về nhũng điều vừa đọc, chỉ nói:
- Nếu Ngài uống quá nhiều, tí nữa đây sẽ cầm gươm không vững
- Ôi có gì đâu. Uống nhiều cho máu chảy ra nhanh.

(1) Nhật hoàng Hiro Hito lên ngôi vào năm 1926. Những tội lớn mà vị Bộ trưởng quốc phòng muốn nói ở đây, ngoài việc bại trận, còn là những sự kiện đã làm mất lòng Nhật hoàng, như việc Nhật chiếm Mãn Châu (1931), đánh Trung Quốc (1937).
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
LuuHuongSoai
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1111



« Trả lời #289 vào lúc: 24 Tháng Mười Hai, 2009, 11:14:53 am »

Hai người tâm sự thâu đêm đến sáng. Khoảng 5 giờ rưỡi sáng có khách xin gặp Bộ trưởng Quốc phòng. Anami nhờ Takeshita ra tiếp, ngăn không cho khách vào gặp ông. Còn lại một mình, tướng Anami rút ra một thanh gườm ngắn, tự rạch bụng mình và gục chết trên vũng máu.
Bọn đảo chính đã đột nhập vào Bộ chỉ huy sư đoàn 1 Ngự lâm quân. Họ giết chết tư lệnh Mori, rồi nhân danh ông ta gọi điện thoại cho các đơn vị tập trung quân  Họ lấy dấu ấn của Mori, đóng vào văn bản "Lệnh hành quân số 584". Lệnh như sau:
- Sư đoàn Ngự lâm quân sẵn sàng tác chiến để bảo vệ Thiên hoàng.
- Trung đoàn 1 ra chiếm giữ phía Đông của Hoàng cung và xung quanh pháo đài Honmaru.
- Trung đoàn 2 bảo vệ Hoàng gia ở cung Fukiaue.
- Trung đoàn 6 tiếp tục công việc cũ.
- Trung đoàn 7 chiếm cổng Nionbashi và cắt đứt mọi liên lạc trong ngoài.
- Trung đoàn kị binh thiết giáp đưa xe tăng ra cổng Đại Quan.
- Đơn vị truyền tin cắt đứt mọi đường dây với bên ngoài.
- Các đơn vị khác ở trong tư thế chờ lệnh".
Lúc 2 giờ 30 sáng, tướng Tanaka, tư lệnh quân khu phía Đông Tokyo đang nằm nghỉ trong văn phòng, được tin cấp báo:
Tướng Mori, Sư đoàn trưởng sư đoàn 1 Ngự lâm quân đã bị bọn đảo chính giết chết. Ông nhảy lên xe, chạy về phía Hoàng cung, chỉ có một đại đội bộ binh theo hộ vệ mà thôi.
Hoàng thân Tokugawa phục vụ trong hoàng cung đang túc trực. Bỗng một tốp binh sĩ Ngự lâm quân tràn vào phòng. Một viên sĩ quan lạ mặt hỏi Hoàng thân: "Ấn của Thiên hoàng cất đâu?".
- Làm sao tôi biết được một việc hệ trọng như vậy?
- Vậy anh biết Kido trốn đâu không?
- Tôi không biết.
Bọn lính đòi giết người này nhưng viên sĩ quan nói:
- Thôi, máu của nó làm nhơ gươmm chúng ta. Chúng ta hãy lùng sục các nơi. Đừng để mất thời giờ.
Một viên trung úy nhìn vào mặt Hoàng thân Tokugawa và hỏi: "Anh là loại người nào mà không đứng về phía chúng tôi?".
Tokugawa trả lời:
- Tôi là hạng người Nhật chỉ biết phục vụ Thiên hoàng và tôi đang làm việc ấy.
Hoàng thân nhận được cú đấm vào mặt, ngã xuống. Lúc 5 giờ 10 sáng, tướng Tanaka và hai sĩ quan tùy tùng bước vào cổng Hoàng cung, nơi đang có cuộc tập họp của 1.000 quân thuộc trung đoàn 1 tham gia đảo chính. Ông ta đứng nhìn họ một vài phút, không nói gì, rồi gọi sĩ quan chỉ huy, một đại tá, ông hỏi:
- Đại tá ra lệnh cho họ đi đâu thế?
- Thưa, vào Hoàng cung,
- Lệnh của ai?
- Lệnh của tướng Mori, quân lệnh số 584.
- Anh theo tôi - Và tướng Tanaka hướng dẫn viên đại tá này đến phòng của tướng Mori, sư đoàn trưởng. Này nhé, anh thấy không, tướng Mori nằm đấy. Ông ta đã bị họ giết. Họ mạo chữ ký của ông ta. Lệnh giả đấy. Ai cầm lệnh này đến cho anh?
- Thưa Tướng quân, thiếu tá Ishihara ạ.
- Vậy Ishihara đâu?
- Thiếu tá Ishihara từng biết tướng Tanaka là người thế nào rồi, run lập cập đến trình diện. Tanaka nói với viên Đại tá Trung đoàn trưởng:
- Hãy giam thiếu tá này và cho giải tán lính. Ông ta gọi điện thoại cho đại tá Haga, Trung đoàn trưởng trung đoàn 2 và ra lệnh đến trình diện tại cổng Inui.
Tướng Tanaka ngồi xe đến cổng Inui. Nơi đây quân đảo chính đã bố phòng chặt chẽ, đại liên chĩa ra ngoài. Ông xuống xe, tiên về phía súng đại liên, nhìn thấy đại tá Haga và các sĩ quan tham mưu .
- Anh có biết tướng Mori đã chết không?
- Thưa, biết.
- Anh có biết hiện nay tôi kiêm nhiệm Tư lệnh sư đoàn 1 Ngự lâm quân, thay thế ông ta không?
- Dạ...dạ...
- Tôi ra lệnh cho anh phải giải tán ngay.
Đại tá Haga đứng im không trả lời, đầu óc quay cuồng. Tướng Tanaka quay lưng lại họng đại liên, bước ra xe. Không nghe tiếng súng, ông ta biết mình đã bẻ gãy cuộc đảo chính.
Tại tư dinh Bộ trưởng Quốc phòng lúc 11 giờ 30 sáng, thi hài tướng Anami được đặt trên bàn ở giữa phòng khách. Đông đảo sĩ quan ở Tokyo đến chào từ giã. Anami phu nhân đứng bên cạnh thi hài.
Một sĩ quan bước vào, nói nhỏ với phu nhân: "Thưa bà, có đô đốc Yonai đến. Tôi có cho ông ấy vào không?".
- Để tôi ra tiếp.
Việc Yonai đến làm sửng sốt nhiều sĩ quan lục quân. Đa số họ ghét đô đốc Yonai và bản thân Anami sinh thời cũng hay đụng với ông này.
Bà Anami mời ông vào. Ông đi một mình, không có tùy tùng hoặc cận vệ gì cả.
Đến cạnh chiếc bàn, ông đúng im chào, khấn vái. Nhìn vào gương mặt Anami một lúc, gập mình hai bái, rồi xoay qua bà Anami, gập mình hai bái rồi đi ra. Trước khi lên xe, ông ta nói với bà Anami: “nước Nhật mất đi một người tài ba".
Logged

Hiên ngang trước cửu trùng
Lạnh lùng nhìn trần thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM