Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 03:55:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm  (Đọc 50723 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #60 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2008, 10:45:32 am »

BUỔI SÁNG CUỐI CÙNG
Ngày 7 tháng 5 năm 1954

Tất cả đều tan hoang. Tất cả đều xáo trộn. Thời gian kéo dài trong sự yên lặng đã trở lại. Vòm trời cũng trở lại một màu xanh lơ mãi mãi. Ông mặt trời mỉm cười với những người chiến thắng. Ông coi khinh kẻ chiến bại.

Đã 3 giờ chiều. Trên cánh đồng, một chiếc Dakota bật đèn sáng vẫn thản nhiên thả các kiện hàng vô ích và vô nghĩa. Đã bốn tiếng đồng hồ trôi qua và Điện Biên Phủ không cần gì hết. Không cần bất cứ thứ gì từ bên ngoài đưa tới. Tập đoàn cứ điểm chỉ có thể dựa vào sức mình và dốc toàn bộ sức lực, tinh thần dũng cảm để tự quyết định vận mệnh của mình.

Từ 11 giờ sáng, không còn một vị trí nào ở phía Đông sông Nậm Rốm có thể giữ được. Tất cả các đồn bốt đều bị quân địch tràn ngập. Binh lính vẫn không chịu đầu hàng.

Eliane 10 đã sụp đổ lúc rạng đông. Trong cứ điểm chỉ còn lại hai sĩ quan cố thủ trên nóc hầm. Đó là trung úy Bailly thuộc tiểu đoàn xung kích số 8 đến ứng cứu và chỉ tới được có một mình, và bên cạnh đó là trung úy Le Boudec, chỉ huy cứ điểm. Cả hai người đều bị thương nặng. Việt Minh để cho họ được nằm trên cáng đưa đi trạm xá phẫu thuật. Le Boudec là người cuối cùng được bác sĩ thiếu tá Grauwin mổ.

Eliane 4 cầm cự được đến 10 giờ đêm. Bréchignac hi vọng cầm cự đến rạng đông, giờ phút thiêng liêng mà Việt Minh thường rút vào rừng. Nhưng lần này họ không rút. Việt Minh cảm thấy đây là những đợt chống cự cuối cùng của Pháp nên  muốn khai thác tối đa. Và bộ đội Việt Minh đã xông đến tận hầm mà Bréchignac và Botella cùng ở bên nhau từ đầu tháng tư. Bên cạnh họ còn có trung úy Lecour Grandmaison. Trung úy đã tham gia trận phản kích cuối cùng và đã quyết định ở lại đây. Binh lính của ông đã quá kiệt sức, không thể làm gì được ngoài một trận đánh cuối cùng vì danh dự trong những chiến hào trên đồi.

Trên cánh đồng, Eliane 3 nổi tiếng là cứ điểm gặp nhiều may mắn kỳ diệu cũng đã bị đánh chiếm từ hầm hố này sang hầm hố khác bởi những bộ đội Việt Minh thận trọng, ném lựu đạn diệt sạch mọi sức kháng cự rồi mới tiến.

Những chiến binh cuối cùng chỉ còn lại một nhúm lính lê dương, lính Maroc, lính Thái đã có thể rút qua sông nhờ yểm trợ của những khẩu trọng liên bốn nòng của Redon. Họ tập hợp lại trên cứ điểm Junon, ngay trước mặt Eliane 3 đã bị chiếm.

Cho tới lúc này chỉ còn lại vài nhóm nhỏ lẻ chờ đến lượt bị đánh và tiêu diệt. Trong số này có trung úy Allaire.

Trong quá trình chiến đấu của mình, Allaire đã xem xét nhiều cách để ngừng cuộc chiến. Hoặc bằng thắng lợi, hoặc bằng một vết thương, nếu « tốt » sẽ được đưa đi bệnh viện, được thưởng huân chương, nếu « xấu » cũng có đàn con mồ côi bố được hưởng ưu đãi của Nhà nước. Toàn là những lối thoát tương xứng với danh dự quân nhân.

Nhưng chưa bao giờ ông phải đối đầu với một tình thế nước đôi cần phải lựa chọn, không thú vị gì đối với đạo đức và tư cách của ông, tức là vượt sông Nậm Rốm để chạy trốn hoặc gây chết chóc thêm một cách vô ích cho vài lính dù chung quanh mình, xuẩn ngốc ném quả lựu đạn cuối cùng vào đám bộ đội đang núp dưới chiến hào, yên lặng, gần kề, và chỉ chờ một hành động của Pháp là tiêu diệt ngay.

Allaire mới chỉ là thiếu úy dự bị. Quyết định chọn giải pháp nào là điều nằm ngoài thẩm quyển của ông. Allaire gọi điện cho Bigeard :

-   Bruno đâu. Chúng ta làm lễ kỷ niệm Camerone hay là nhúng chân xuống nước ?

Allaire không dám nói công khai, không dám đề cập đến việc « mở con đường máy » là hi vọng cuối cùng của mình.

Bigeard chưa trả lời ngay.  Buổi sáng nay, ông đã phải từ chối rời Điện Biên Phủ để dẫn đầu lính dù chiến đấu đánh thông con đường sang Lào. Ông không còn một người nào để sử dụng vào ý đồ đẫm máu và anh hùng này. Các tiểu đoàn đều đã lần lượt bị nuốt ngấu nghiến, hết đơn vị này đến đơn vị khác. Đã phát sinh một sự tăng nhanh về thảm họa. Như một chiếc tàu chiến bị trúng một quả thủy lôi đang chìm dần, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cũng đang bị đợt sóng không ngừng của Việt Minh tiến đánh khắp mọi nơi. Những mũi thọc sâu mỗi lúc một mở rộng và Điện Biên Phủ đã chìm nghỉm trong vòng hai tiếng đồng hồ.

-   Allaire của Bruno. Đừng mưu toan làm gì hết. Sẽ có ngay lệnh ngừng bắn.

Giọng nói của Bigeard lộ rõ vẻ mỏi mệt. Và cả sự buồn bực nữa. Cách đây vài phút một bóng người không nhận dạng được đầy bùn và máu, đột khởi trước hầm chỉ huy. Đó là đại úy Le Page. Ông đã chiến đấu như một người lính xung kích bình thường, bắn đến viên đạn cuối cùng.

Đối với Allaire, thông báo về cuộc ngừng bắn sắp tới đang làm tiêu tan mọi hi vọng của ông. Đầu hàng ư ? Không thể được ! Ông ngây thơ nghĩ rằng, việc đầu hàng giữa chiến trường đối với người lính là chuyện hèn mạt nhất, điều lệnh quân đội coi đó như một sự phản bội. Trước mắt ông, hiện lên hình ảnh của một quan tòa án binh.

Allaire không thể quyết định ra lệnh cho binh lính dưới quyền hạ vũ khí mà không tin chắc rằng đó là phục tùng mệnh lệnh các cấp trên của mình. Ông trả lời Bigeard :

-   Rõ ! Nhưng tôi cần có một mệnh lệnh bằng văn bản.

Bigeard không phản ứng. Lời yêu cầu bất lịch sự trong tình huống này đối với ông chỉ là một trách nhiệm của mình đối với một câp dưới mà ông cho rằng anh ta đang bối rối. Ông trả lời :

-   Được ! Anh cho một liên lạc đến hầm chỉ huy.

15 phút sau, anh lính dù sũng nước, lấm lem, ngơ ngác quay trở lại. Anh ta đưa cho trung úy một mảnh giấy Bigeard viết bốn câu bằng nét chữ bay bướm :

“Gửi Allaire

Ngừng bắn. Lúc 17 giờ 30. Không bắn nữa. Không cờ trắng. Hẹn lát nữa. Bruno ký ».

Phía dưới thêm mấy câu phản ánh vẻ tuyệt vọng của Bigeard «

« Ôi ! Tiểu đoàn 6 khốn khổ ! Những lính dù khốn khổ ».

Allaire cẩn thận gấp mảnh giấy, nhét vào trong túi ngực. Đây là văn bản xác nhận duy nhất. Ông chỉ còn chờ đợi.

Trong hầm chỉ huy trung tâm, các sĩ quan trong ban chỉ huy đều cảm thấy cay đắng trong họng vì thua trận. Tướng De Castries che đậy nỗi bối rối bằng cách chỉnh đốn trang phục, thắt lại chiếc khăng quàng nổi tiếng của kỵ binh. Đại tá Langlais vẫn còn bám giữ hi vọng điên cuồng cho tới giây phút chót, đã đội chiếc mũ bê-rê đỏ, ngồi im lặng bực bội. Allioux chỉ huy pháo binh cách đây mười phút đã cho bắn hết những quả đạn cối cuối cùng, hiện trong tay không còn gì hết.

Và những người khác, tất cả những người khác, từ lính cơ quan phục vụ đến các đơn vị chiến đấu, lính pháo , lái xe, lái máy bay, thông tin , đã cảm thấy cái chết trong tâm hồn khi nhìn thấy những « bộ đội » đầu tiên xông đến.

Gần trại tù binh tạm thời, trung úy Patricot châm điếu thuốc lá cuối cùng. Ông biết trước sẽ bị đưa ra tòa án quân sự vì tội đã sử dụng tù binh vào các mục đích quân sự. Ông liếc mắt nhìn trộm những con cừu đang đến giờ được giải phóng.

Trong các đơn vị còn lại ở vị trí trung tâm sự kinh ngạc sửng sốt đã nhường chỗ cho sự cay đắng về nỗi bất công. Họ đã cống hiến hết mình, đã hy sinh tất cả, đã chịu đựng mọi thứ và biết rằng xứng đáng được chiến thắng. Nhưng đạo đức luân lý của lịch sử đã không nằm trong những ngẫu nhiên của chiến tranh, và chiến thắng không phải là sự phê chuẩn bắt buộc cho tinh thần tận tụy, hăng hái, dũng cảm. Hơn nữa, những đức tính này chỉ xuất hiện ở phía trước mặt.

Nhưng họ đã quá mỏi mệt để thừa nhận điều đó và thời gian cũng không còn cho những tình cảm thượng võ. Tất cả những gì cần phải thực hiện họ đã làm xong và còn hoàn thành vượt mức. Họ không phán xét cấp trên, và nếu biết rằng có những bất đồng trong các cấp chỉ huy cấp cáo thì đối với họ sẽ là một chuyện bê bối lớn.

Họ tiến hành những động tác cuối cùng của người chiến binh, số phận đã được đóng dấu niêm phong. Họ dựa vũ khí vào thành chiến hào, đặt tay lên cò súng. Những khẩu súng trường nấc lên một tiếng cuối cùng. Những khẩu tiểu liên sủa lên một tràng kết thúc. Cho tới khi cơ bẩm không còn bật ra tiếng nổ nữa. Những khẩu pháo bị phá. Ở giữa trung tâm, lính xe tăng trút hết dầu máy trước khi phá hủy. Lính pháo tuồn chùm lựu đạn lân tinh vào nòng. Thế là hết. Việt Minh sẽ không thu được gì cả ( Erwan Bergot suy diễn. Thật ra khi Điện Biên Phủ xin hàng, bộ đội ta đã thu được rất nhiều vũ khí đạn dược, kể cả xe tăng vẫn còn sử dụng được – ND).

Lúc này, bộ đội Việt Minh đang xông xáo khắp mọi nơi, ống quần sắn cao đến đầu gối, nhiều người đi chân đất, vui mừng hớn hở như đàn trẻ con, khẩu tiểu liên báng cong đặt ngang sườn, gọi to đám lính bại trận bị bắt làm tù binh :

-   Đi lên ! Đi lên ! Nhanh lên !

Họ kéo những đám lính xanh xao hốc hác đang nheo mắt dưới ánh sáng gay gắt của mặt trời hãy còn ở trên cao. Họ dẫn đám lính đi qua những vị trí đã bị tàn phá. Họ đẩy  những người này ra phía đường số 41, con đường dẫn đến trại tù binh.

Thiếu úy Bonelli bị bắt tại cứ điểm Epervier. Ông là đại diện cuối cùng của tiểu đoàn xung kích số 8. Ông đứng một mình trơ trọi giữa đám đông binh sĩ lạ mặt, gọi là bạn chiến đấu nhưng thật sự chưa bao giờ gặp nhau. Đối với ông, họ gần như những người xa lạ.

Như một người đang còn ngủ mê, ông đi theo đám người đi trước, vượt sông Nậm Rốm trên chiếc cầu vừa mới được gỡ mìn.

Đến chân đồi Dominique, một cơn mệt ghê gớm đè lên đôi vai ông. Như một người nông dân sau buổi làm đồng đứng lên vươn vai thư giãn các cơ bắp đau nhức, vứt bắp cày bên cạnh, Bonelli cũng tháo bỏ hết các trang bị trên người. Ông nằm dài trên mặt đất, ngay bên đường, đầu gối lên chiếc bi – đông.

Và Bonelli ngủ thiếp đi.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #61 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2008, 11:35:20 am »

KẾT THÚC
Ngày 8 tháng 5 năm 1954

Tại hầm chỉ huy ở Isabelle cách trung tâm Điện Biên Phủ 5 kilômét về phía Nam, đại tá Lalande hỏi hoài chiếc Dakota đang bay vô ích như điếc. Phải làm gì bây giờ ? Đi đâu bây giờ ? Ông đang còn trong tay hai tiểu đoàn dưới sự chỉ huy trực tiếp, cùng với lính pháo và lính lái ba chiếc xe tăng đã bị phá hủy. Phải đưa họ đi đâu ? Đêm đã xuống, bao phủ trên cứ điểm cuối cùng cạm bẫy của địch.

Những khu rừng, dãy núi, thửa ruộng bậc thang mà ông đang ngồi ở trung tâm có vẻ như xa lắm, ngoài tầm với tới. Đâu là con đường tốt nhất để đến được đó, để hòa nhập vào đó, tránh khỏi sự hổ thẹn bị bắt làm tù bình ? Lalande đã đặt câu hỏi như vậy với trưởng phi cơ số 545 mang tên Yankee Alpha lúc chiếc máy bayt này lượn trên đầu khi chập tối. Bộ tư lệnh Pháp ở Hà Nôi chắc cũng đã được báo động, được xin chỉ thị. Nhưng không ai trả lời.

Vì vậy, Lalande triệu tập các sĩ quan cấp dưới tới họp bàn. Ông nêu ý kiền :

-   Chúng ta sẽ thử thọc một mũi theo hướng Nam.

21 giờ ngày 7 tháng 5, từng đơn vị một, vũ khí trong tay, lính lê dương, lính thuộc địa Angiêri, lính địa phương Thái, lính pháo và lính cưỡi ngựa, ra khỏi lớp bùn chiến hào đã bám chặt họ như một người bạn trung thành suốt 58 ngày đêm chiến đấu. Họ đã vượt qua những lớp hàng rào dây thép gai, đang đi xuống cánh đồng.

Họ không đi xa. Trừ vài lính kỵ binh trong trung đội Préaud, vài lính Thái, một  nhóm lê dương, tất cả khoảng 100 người, cố chọc thủng vòng vây địch và trong vài ngày tới sẽ phải chiến thắng đói, khát, bệnh tật, mệt mỏi, kiệt sức, cố đến được Mường Sài cách đây 200 kilômét về phía Tây, là một cứ điểm của Pháp ở Bắc Lào.

Còn những người khác, không biết rõ số lượng, sẽ lang thanh nhiều ngày, nhiều tuần trong rừng rậm. Họ sẽ chết một cách đơn độc, bị mọi người bỏ rơi. Những người này sẽ chỉ bị thua cái chết. Nhưng phần lớn những người lính này của Isabelle đã mệt lử sau 58 ngày chiến đấu, vừa thoát khỏi trận phục kích này lại rơi vào trận phục kích khác, cuối cùng đã bị bắt sống, bị trói tay áp giải trong đám tù binh, đi đến các trại giam cách đây 600 kilômét.

Đối với  những binh sĩ ở phân khu Trung tâm cũng như ở phân khu Nam,từ đó bắt đầu một cuộc sống chìm đắm trong yên tĩnh của ban đêm và họ bắt đầu biết thế nào là thất vọng.

Cũng trong ngày 8 tháng 5 này, trung tá Godard chỉ huy cuộc hành quân Albatros và binh đoàn của « Crèvecour » ( Tác giả đặt tên Crèvecoeur trong ngoặc kép vì còn có nghĩa là « vỡ tim » - ND) được lệnh quay lại trở về Lào, đúng trong lúc họ chỉ còn phải vượt 50 kilômét nữa để tới cánh đồng cách Isabelle chưa đầy  mười kilômét.

Nhất định họ đã gặp những toán biệt kích Malo và Servan từ Cánh đồng Chum đi lên nhằm giúp đỡ những binh lính ở Điện Biên Phủ từ lúc đang còn bị bao vây.

Nhưng họ không biết đám biệt kích trong rừng này ở đâu cả. Số lính biệt kích này có tới 2000 do Touby Liphong được gọi là « vua Mèo «  tập hợp chung quanh, đã từng tỏ ra trung thành với Pháp từ những năm đen tối dưới sự chiếm đóng của Nhật Bản.

Dù đã quá muôn, họ vẫn cứ đi cứu những « người bạn » Pháp ở Điện Biên Phủ. Đám lính biệt kích có những người Âu chỉ huy, trong đó có hai sĩ quan bộ b inh là Mesnier và Sassi, một lính dù đã từng nhảy xuống đất Lào để chiến đấu chống Nhật Bản và một nhóm hạ sĩ quan trong đó có Lasserrre và Luttringer. Suốt nhiều tuần, họ đã vượt những đỉnh núi đá vôi, băng qua sông, đi qua nhiều thung lũng.

Ngày 8 tháng 5 họ tới chân núi Phù Lôi, cách Điện Biên Phủ bốn ngày đường.

Nhưng họ còn có thể làm gì được để chống lại với khoảng sáu chục ngàn bộ đội Việt Minh đang tập hợp chung quanh Điện Biên Phủ ? Nhất định không làm được gì cả, có lẽ chỉ có thể giúp được vài người chạy trốn, thu nhặt được những người đang lang thang trong rừng rậm ...

Nhưng, cũng như Godard, Sassi đã được lệnh quay trở lại.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #62 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2008, 02:49:14 pm »

Phụ lục
Tên các vị trí quân sự theo cách gọi của Pháp và Việt Nam.

Khi tiến hành cấu trúc các vị trí trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, phía Pháp đặt tên theo thứ tự vần chữ cái A, B, C .. tương ứng với thời điểm xây dựng.

Phía Việt Nam gọi theo địa danh sẵn có hoặc đánh số, cũng có những cứ điểm của Pháp ta không ghi số hiệu mà chỉ đánh dấu trên bản đồ.

Nhìn chung, có thể đối chiếu tên gọi các cụm cứ điểm ở Điện Biên Phủ theo cách gọi của Pháp và của Việt Nam như sau :

Anne Marie, cụm cứ điểm đầu tiên được xây dựng ngay sau khi Pháp nhảy dù xuống cánh đồng Mường Thanh, gồm 4 điểm tựa. Ta gọi là Bản Kéo, như cách gọi của đồng bào địa phương.

Beatrice gồm 3 cứ điểm sát đường 41 từ Sơn La, Tuần Giáo đi vào Điện Biên. Ta gọi là Him Lam. Đồng bào dân tộc Thái gọi là Hin Đăm, có nghĩa là bản ( hoặc đồi) Đá Đen.

Claudine gồm 5 cứ điểm thuộc phân khu Trung tâm gần sở chỉ huy của De Castries. Ta gọi Claudine 5 là vị trí 310.

Dominique gồm 6 cứ điểm trên dãy đồi phía Đông. Ta gọi là Dominique 1 là đồi E1, Dominique 2 là D1, Dominique 3 là 505, Dominique 4 là 505A, Dominique 5 là D3, Dominique 6 là D2.

Eliane gồm các cứ điểm nằm cùng trên dãy đồi phía Đông. Ta gọi Eliane 1 là đồi C1, Eliane 2 là A1, Eliane 3 là A3, Eliane 4 là C2, Eliane 10 là đồi 506 và 507, Eliane 11 là 508, Eliane12 là 509.

Epervier là khu vực có sở chỉ huy của De Castries, vị trí này không mang tên thiếu nữ, cũng không mang tên hoa, mà có nghĩa là « chim cắt ».

Francoise gồm 1 cứ điểm gần sở chỉ huy Trung tâm. Dân địa phương gọi là Cang Na, ta gọi là vị trí 311.

Gabrielle gồm 3 điểm tựa bố trí trên một quả đồi bên cạnh đường cái từ Lai Châu xuống Điện Biên Phủ. Vì đây là một quả đồi đứng trơ trọi một mình nên ta gọi là đồi Độc Lập. Quả đồi hình thuôn dài, lính Pháp gọi là « tàu phóng lôi » ( Torpilleur ).

Vị trí này do Tổng tư lệnh Navarre chỉ thị xây dựng ngày 17 tháng 12 năm 1953 sau một loạt các vị trí trên, cho nên tuy cùng nằm trong phân khu Bắc với Anne Marie ( vần A) và Beatrice ( vần B) nhưng lại gọi theo vần G.

Huguette gồm 7 cứ điểm vây quanh sân bay. Ta gọi Huguette 1 là vị trí 206, Huguette 2 là 208, Huguette 4 là 311B, Huguette 5 là 311A, Huguette 6 là 105, Huguette 7 là 106.

Isabelle gồm 5 cứ điểm thuộc phân khu Nam. Ta gọi theo địa danh sẵn có là Hồng Cúm.

Junon gồm 3 cứ điểm sát gần cụm Claudine, bảo vệ cho sở chỉ huy của De Castries ở mặt Nam. Ta chỉ đánh dấu trên bản đồ.

Lily gồm 2 cứ điểm ở phía Tây Nam sở chỉ huy của De Castries, mãi tới tháng 4 năm 1954, sau khi ta đánh lớn mới bắt đầu được xây dựng. Vì vậy, ta chỉ đánh dầu trên bản đồi mà không ghi số hiệu.

Như vậy làm toàn bộ các cứ điểm của Pháp được sắp xếp theo thứ tự vần A đến vần L, không có vần K.

Ngoài các tến gọi chính thức như trên, Marcel Bigeard còn đặt tên cho hai quả đồi vô danh, nơi ta đặt pháo 75 mm bắn vào khu trung tâm của địch, quả đồi thứ nhất là Mont Chauve, tức « núi Hói » (núi trọc) vì trên đỉnh trụi hết cây cỏ như người hói đầu, chiến sĩ ta gọi là Mâm xôi ; quả đồi thứ hai là Mont Fictif tức « núi Giả », là nơi ta thường nghi binh cho nổ bộc phá giả làm trận địa pháo để đánh lừa địch.

-------------------------------

HẾT  Grin
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM