Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 12:56:09 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ - 170 ngày đêm bị vây hãm  (Đọc 50875 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Giêng, 2008, 05:17:45 pm »

Ngồi trên nóc lô cốt của thiếu tá Pégot, trung tá Gaucher cầm cốc rượu trong tay, lắng nghe những bài ca trong đêm. Lính lê dương rất xúc động khi được trung tá chỉ huy binh đoàn tới thăm trong đêm lễ thánh thiêng liêng.

Gaucher liếc nhìn sang bên cạnh. Ông thấy Pégot gầy gò, căng thẳng, nhưng cặp mắt vẫn sáng.

Gaucher có một điểm quý nể thiếu ta Pégot chỉ huy tiểu đoàn 3. Cũng như mọi người, ông được biết thiếu tá Pégot tới Điện Biên Phủ để tìm cái chết. Trước đây, ông là phó tham mưu trưởng của bán lữ đoàn lê dương đóng ở Hóc Môn. Ông có ý định đưa vợ sang đây sống cùng với mình trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ phục vụ tại Đông Dương. Những ngày đầu năm 1953 bà vợ ông đã tới bến cảng Marseille, đáp taù thủy đi Việt Nam.

Rồi, một buổi sớm, Pégot nhận được một bức điện «  Đề nghị báo cho thiếu tá Pégot biết, vợ ông bị mất tích ở biển ».

Pégot im lặng nhiều ngày, không báo cho ai biết cả. Chờ đến khi tàu cập bến Sài Gòn, ông mới xin phép lên tàu, thăm khoang tàu nơi vợ ông đã ở. Không còn gì hết. Các hành lý của bà vợ đã được đóng gòi. Thuyền trưởng tàu giải thích :

-   Chúng tôi cũng không hề biết gì cả. Khi gần cập bến cảng Aden chúng tôi mới phát hiện vợ ông không  có mặt trên tàu. Bà thường có thói quen đi dạo trên boong sau bữa ăn. Có lẽ bà đã bị chóng mặt và ngã xuống biển.

Pégot không bao giờ kể lại với ai về chuyện vợ mất tích nữa. Ông gửi trả các hành trang của vợ về Pháp rồi đến gặp trung tá Gaucher :

-   Tôi đề nghị được trở lại tiểu đoàn.

Gaucher đồng ý và đưa Pégot lên Điện Biên Phủ.

-   Vì Thượng đế, Thánh Barthelemy, lao vào cuộc bắn giết !

Thiếu tá Pégot, đại úy Pandi, trung úy Veyes ngơ ngác nhìn trung tá Gaucher vừa hét to câu nói trên. Gaucher cười rũ ra và hỏi :

-   Các cậu không hiểu à ? Đó là mật hiệu do nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cho phát trên đài, ra lệnh tổng báo động khi Nhật làm đảo chính. Nhưng nhiều người lúc đó chẳng hiểu quái gì cả. Suốt đêm các điện đài cứ phát đi khẩu hiệu đó. Nhưng đến sáng, không phải là chuyện lao vào cuộc bắn giết nữa. Chỉ còn chuyện cầu Thánh Barthelemy phù hộ ..

Gaucher đã uống quá nhiều. Giọng ông lè nhè, khi nói với Veyes trên đường về phân khu Trung tâm :

-   Veyes này ! Chúng ta đang đón lễ Nô-en và mọi người đều uống rượu. Mình cũng vậy. Nhưng cậu có biết trong giờ phút này Việt Minh đang làm gì không ?
-   Đang tiến đến.
-   Cậu nói đúng. Việt Minh đang tiến đến. Ban nãy, mình đã nghe trung sĩ Fels thuộc đại đội 11 báo cáo. Anh ta không uống rượu, không say. Vì lúc đó anh cùng với 4 người nữa đi tuần tra trên đường đi Tuần Giáo, cách đây 8 kilômét. Và anh nhìn thấy địch. Việt Minh ngồi trên xe ô tô, chú Veyes ạ ! Từng đoàn xe cam-nhông, bật đèn sáng quắc. Như vậy là tướng Giáp đã chấp nhận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.

Ngay bên cạnh hầm chỉ huy của đại tá De Castries đã căng một lều bạt rộng lớn, trong đó có kê một loạt dãy bàn dài trên để chai và cốc rượu. Ngồi chung quanh bàn là những đoàn sĩ quan của tất cả các đơn vị có mặt đêm nay tại Điện Biên Phủ. Có nhiều gương mặt mới, vì ngày nào cũng có thêm đơn vị nhảy dù xuống. Không khí chan hòa, tươi trẻ. « Một chầu rượu » vẫn là một dịp để các sĩ quan từ mọi ngả, cách biệt nhau từ hồi đi Viễn Đông nay gặp lại nhau tại Điện Biên Phủ. Tối nay rất đông người tới dự. Có những sĩ quan tới đây từ đợt nhảy dù đầu tiên, những chỉ huy pháo, cối, đổ bộ đường không, những chỉ huy lính Thái từ Lai Châu tới đây hồi đầu tháng 12, những sĩ quan lê dương vừa đến từ những chuyến máy bay cuối ngày.

Đại tá Castries mặc áo sơ mi, cổ mở để lộ chiếc khăn quàng lụa màu đỏ nổi tiếng, chung quanh là các sĩ quan trong ban chỉ huy Binh đoàn tác chiến Tây Bắc ngồi chen chuc nhau trên ghế dài. Tham mưu trưởng Guth, chỉ huy cụm pháo Piroth, và Alloux, Noel, Trancart .. nhiều người nữa.

Ngồi gần các sĩ quan cao cấp này là Paule Bourgeade, người phụ nữ duy nhất trong tập đoàn cứ điểm, mớ tóc nâu sẫm để dài ôm lấy bộ mặt tròn trĩnh, mặc bộ đồ ra trận.

Tướng Navarre bước vào, đi theo sau là đại tá Revol, tổng tham mưu trưởng, vẻ mặt lạnh lùng như đá hoa và Pouget, sĩ quan tùy tùng chỉ đảo mắt quan sát mà không nói câu gì.

Tướng Navarre bắt tay mọi người nhưng không cười. Capeyron ngại đôi nạng gỗ của mình có thể làm vướng lối đi cho nên ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Ông nhìn thẳng vào mắt tướng Navarre nhưng chỉ nhận được một cái cau mày thay cho trả lời, tỏ vẻ khó chịu.

Tướng Navarre đã quay trở lại giữa câu lạc bộ các sĩ quan. Ông nâng cốc, giữ chiếc cốc ở ngực rồi nói chuyện. Bài nói của ông không bốc lửa, không say sưa. Các sĩ quan trẻ tuổi đang chờ nghe những lời động viên nồng nhiệt, đem lại niềm hy vọng, cổ vũ tinh thần dũng cảm, những lời dối trá từng sử dụng từ nhiều thập kỷ mà ai cũng biết là giả tạo nhưng người nào cũng cần được nghe để có niềm tin.

Tướng Navarre không đi theo chiều hướng đó. Tổng tư lệnh chỉ nói «  Các bạn sẽ chiến đấu cho Điện Biên Phủ ». Nhưng, cả Capeyron và các bạn của ông trong tiểu đoàn 1 như Chounet, Chevalier, Krumenacker đều đặc biệt không có ý định chiến đấu cho Điện Biên Phủ. Đối với họ, đây chỉ là một địa danh chẳng có một chút lợi ích nào.

Capeyron làu bàu :

-   Chiến đấu ở đâu cũng được.

Chevalier nói thêm :

-   Mình muốn Tổng tư lệnh giải thích thêm lý do.

Nếu cấn, chúng ta sẽ chiến đấu ở đây. Sao lại không ? Nhưng đây chỉ là một thung lũng tầm thường ..

Krumenacker chen ngang :

-   Một « cái chảo » thì đúng hơn.

Chevalier gật đầu ;

-   Đối với các  phi công từ trên cao nhìn xuồng, Điện Biên Phủ là một cái chảo. Nhưng chúng ta không cho đây là một cái chảo. Việt Minh cũng vậy, vì địch sẽ đánh từ dưới lên. Còn chúng ta thì đóng ở những điểm cao chứ không phải nằm trong lòng chảo.

Nối xong, ông uống một hồi cạn cốc rượu, rồi lại nói tiếp :

-   Việt Minh cũng sẽ không chiến đấu vì Điện Biên Phủ. Họ không cần đánh Điện Biên Phủ cũng vẫn có thể tiến quân sang Lào. Họ chỉ cần để lại vài tiểu đoàn kìm chân chúng ta ở Điện Biên Phủ rồi dốc tất cả các sư đoàn còn lại sang Lào. Còn nếu Việt Minh quyết định đánh Điện Biên Phủ, thì đó là do Điện Biên Phủ là một biểu trưng hoặc một canh bạc gì đó. Điều này, chỉ có tướng Giáp mới giải thích được.
-   Tướng Giáp có toàn bộ chính phủ ủng hộ. Chính phủ Việt Minh chỉ có một nhóm người. Nhưng đều là những người yên vị từ nhiều năm nay, quyết tâm theo đuổi cuộc chiến tranh.

Đây không phải là chuyện suy xét, nhưng mọi người đều liên tưởng đến tướng Navarre. Nếu Tổng tư lệnh Đông Dương không thể tiến hành chiến tranh như mong muốn đó là do chính phủ Pháp ở xa mãi tận Paris và đối với nước Pháp cuộc chiến tranh Đông Dương chỉ là một biến cố đột ngột, bị một số người khinh miệt và nhiều người khác chẳng hiểu biết gì đến. Nếu các chiến binh Pháp ở đây bị cô lập thì tướng Navarre nhất định là người bị cô lập nhất.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Giêng, 2008, 11:15:35 am »

CĂN CỨ LỤC – KHÔNG QUÂN
Tháng 1 năm 1954

Perrin cúi gập người, hai tay chống nạng sườn, cười rất to rồi dùng khuỷa tay huých một cái khiến cho Fattori đang ngồi xổm rải dây điện thoại phải bật dậy :

-   Này, Fattori ! Tớ nói đúng không, máy bay chở gái điếm vừa hạ cánh. Điện Biên Phủ đã trở thành một thành phố pháo đài rồi !
-   Chỉ cón thiếu có rạp chiếu bóng.

Đúng vậy. Cũng như ở Nà Sản trước kia, binh lính đóng tại Điện Biên Phủ hiện nay vẫn còn phải tập trung tại sân bay xem chiếu bóng. Mà toàn là những phim cũ , rách nát, máy chiếu lại thường hỏng hóc về kỹ thuật. Bộ phận phục vụ xã hội của quân đội chỉ chiếu toàn những phần khô khan, không có chuyện làm tình hiện đại.

Với nhà chứa gái điếm tạm đặt trong chiếc Dakota ở đầu đường băng đã có thể giải quyết được nhu cầu hằng ngày.

Perrin vẫn chống tay vào sườn , nói tiếp :

-   Riêng tớ, tớ sẽ đi tìm kiếm chính « bà má ».

« Bà má » là tên gọi binh lính đặt cho mụ chủ cai quản lũ gái điếm, một mụ đàn bà gầy gò, khô cứng kéo lê đôi guốc sơn màu vàng trên đường băng đầy bụi. Một tay, mụ cầm chiếc ví xách bằng da thuộc, đồng thời cố giữ tà áo dài màu hồng tươi đang bay tung trước gió. Tay còn lại, mụ giương giương cao chiếc dù đen tránh ánh nắng gay gắt của mặt trời.

Đi bên cạnh mụ chủ chứa là bác sĩ quân y tiểu đoàn 1, trung đoàn lê dương sô2, có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cho binh lính, và cũng là ông chủ của bọn gái điếm. Lũ con gái bước theo sau hai người, dáng điệu trơ tráo, tự tin, nhìn thẳng vào đám lính tò mò đang theo dõi bước đi và bàn tán tục tĩu. Vài anh lính lê dương được cử đi theo mang vác hành lý gồm những chiếc va-li nặng trĩu hoặc chỉ là những làn mây tre.

Fattori hỏi bạn :

-   Bao giờ thì đến lượt chúng mình ?

Perrin dọa :

-   Cậu là lính mới, phải đợi đến lượt sau cùng.

Mọi việc đã làm xong, Perrin quay trở về đơn vị, gặp đại đội trưởng, giọng nói hồi hộp :

-   Báo cáo trung úy ! Bọn gái điếm đã tới. Đầy một chuyến bay Dakota.

Trung úy Turcy mỉm cười :

-   Tôi biết rồi !

Nếu chuyện gái điếm mang lại niềm vui cho Perrin và đồng đội thì cũng là một vấn đề phải tranh cãi nghiêm chỉnh trong ban chỉ huy. Phải đợi rất lâu sau khi đã thảo luận kỹ, ban chỉ huy mới đồng ý để cho “kíp” gái điếm đầu tiên đến phục vụ tiểu đoàn 1, trung đoàn lê dương số 2.

Quyết định này đặt ra nhiều vấn đề thực chất cho “khách làng chơi” và rất nhiều viên sĩ quan được cử ra đón nhận và nuôi dưỡng bọn gái điếm này. Không thể để bọn này ở ngoài trời dưới một lều bạt mà chính họ cho là rất thuận tiện để hành nghề. Từ đầu tháng 2, tất cả đều đã phải sống trong hầm. Bởi vì, cứ đúng vào ngày lẻ, vào quãng 4 giờ chiều thì một khẩu pháo bí mật của Việt Minh lại nã một loạt đan 75 vào cứ điểm. Đã xác định được đây là một khẩu pháo của Nhật Bản, có thể Việt Minh đã tịch thu được. Lính trong cứ điểm cũng đã quen được với việc pháo bắn và cũng mới chỉ có vài người bị thương, nhưng dù sao cũng phải đề phòng và không ai muốn bị rủi ro một cách vô ích.

Như vậy là phải đào thêm một loạt hầm trú ẩn. Đối với công việc này, không hiếm người tình nguyện lao động. Họ được miễn trừ việc xây dựng các công trình quân sự để đổi công bằng việc đào hầm nhà chứa gái điếm, có đủ cả mái vòm, đường hào dẫn vào và lối thoát ra ngoài.

Một công văn được gửi tới các đơn vị, qui định ngày và giờ mở cửa nhà chứa, các đơn vị tới thưởng thức theo thứ tự luân phiên. Những đơn vị đóng ở xa quá, tận trên cao điểm bao quanh Điện Biên Phủ vẫn được phục vụ. Lính tại những điểm tựa này không tới được nhà chứa thì sẽ có đội gái điếm lưu động đến phục vụ tại chỗ.

Chỉ riêng các linh mục là phản đối. Các cha tuyên úy đòi thay đổi giờ giấc đón khách, làm sao không trùng hợp với giờ đọc kinh hoặc làm lễ rửa tội. Họ nói rất có lý.

-   Nếu không làm như vậy, các con chiên sẽ sao nhãng phần đạo.

Riêng với Perrin, Fattori và một số người khác họ đã không có may mắn được thưởng thức thú vui này. Bởi vì, chỉ 2 ngày sau khi đội gái điếm được đưa tới Điện Biên Phủ, đơn vị Perrin được điều động đi đóng giữ Dominique 2 là một cao điểm khóa chặt cửa Đông Bắc. Đây là một cụm cứ điểm quan trọng nhất trong dãy đồi vành đai , cao hơn mặt sông Nậm Rốm tới 80 mét. Trung tá Piroth chỉ huy hỏa lực đã quyết định đặt trên điểm cao này 6 khẩu súng cối nặng dưới sự chỉ huy của trung úy Bergot có thể xa tới mức yểm trợ được cho cụm cứ điểm Beatrice ở bản Him Lan. Ông nói :

-   Để có thể bắn được tới chỗ chúng ta, Việt Minh phải đặt pháo trên cánh đồng, hoặc ít nhất cũng ở sườn núi ngoại vi, đối diện với chúng ta. Địch vừa mới nổ pháo lập tức sẽ lộ ngay mục tiêu. Mỗi khẩu pháo địch bị lộ là lập tức bị tiêu diệt ngay tức khắc.

Phản pháo là một chiến thuật đã được chỉ dẫn trong sách giáo khoa, tỉ mỉ đến từng chi tiết, được coi như kinh thánh của lính pháo. Trung tá Piroth nói :

-   Các khẩu pháo 105 và 155 của chúng ta sẽ đảm bảo việc phản pháo, nã pháo vào các khẩu pháo địch. Còn các khẩu đội cối 120 của chúng ta sẽ chịu trách nhiệm bắn nát bộ binh địch.

Ngay sau khi có quyết định này, mỗi điểm tựa đều được tiến hành một loạt cuộc bắn tập. Những cuộc bắn tập này , gọi tắt là CPO, tức là “diễn tập để chuẩn bị phản kích bằng pháo” được thực hiện ngay khi có lệnh báo động. Các pháo thủ đều đã nhận được mật lệnh theo từng mã số với ba con số.

Ba tuần lễ sau Nô-en, Điện Biên Phủ đã thay đổi rất nhiều. Căn cứ lục – không quân đã có diện mạo mới định hình. Mỗi điểm tựa đều là một pháo đài phòng ngự kiên cố với những lớp rào đầy thép gai, những bãi mìn, những thùng chứa ét-xăng khô napalm. Các lô cốt cố thủ đểu có thể yểm trợ được lẫn nhau.

Vào giờ phút này đã có 7 tiểu đoàn sẵn sàng bảo vệ khu căn cứ. Các điểm tựa tuần tự được xây dựng, dặt tên theo vần chữ cái A, B, C .. Tại cụm cứ điểm Anne Marie ở Bản Kéo, các cứ điểm A2 và A3 hiện do tiểu đoàn lính Thái số 3 đóng giữ. Tiểu đoàn này hồi tháng 12 đã được máy bay đưa từ Lai Chua về đồng bằng, nay lại được cầu hàng không đưa lên Điện Biên Phủ.

Cụm cứ điểm Beatrice gần bản Him Lan, trấn giữ mặt Đông Bắc được giao cho tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương số 13 đóng giữ. Trung tá Gaucher là tiểu đoàn trưởng, cũng đồng thời là chỉ huy trưởng binh đoàn cơ động số 9, được tăng cường thêm tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh Angiêri số 3. Chỉ huy tiểu đoàn này là đại úy Papion đã hết nhiệm kỳ phục vụ tại Đông Dương, sắp tới sẽ được thay bằng đại úy Garandeau. Hai cứ điểm Dominique 1 và  Dominique 2 được xếp vào loại quan trọng bậc nhất, có nhiệm vụ như hai chòi canh án ngữ con đường 41 từ Tuần Giáo tiến vào Điện Biên Phủ.

Cứ điểm Dominique 3 đóng trên cánh đồng, giữa đường cái và sông Nậm Rốm , có nhiệm vụ trấn giữ khoảng cách giữa Dominique 1 và Dominique 2.

Lùi một chút về phía Nam là cụm cứ điểm Eliane . Cứ điểm Eliane 1 cao nhất do 2 đại đội thuộc tiểu đoàn 1, trung đoàn 4 lính bộ binh Marốc đóng giữ. Nicolas đặt vị trí chỉ huy cùng với hai đại đội tại Eliane 2, trong đống đổ nát của dinh thự quan cai trị cũ hiện đã cải tạo thành hầm cố thủ.

Phần còn lại của những điểm tựa tạo thành vành đai phía Tây Điện Biên Phủ được mang tên Claudine kéo dài theo dọc đường băng sân bay đến những điểm cao Anne Marie, Huguette do các đại đội thuộc tiểu đoàn bộ binh lê dương đóng giữ, dưới sự chỉ huy của thiếu tá Clémencon.

Cứ điểm Gabrielle là vị trí xa nhất ở phía Bắc thung lũng, như một người lính gác kiêu hãnh và đơn độc. Quả đồi đứng trơ trọi một mình này, trước kia được binh lính Điện Biên Phủ đặt tên là đồi Ngư lôi, giống như một tàu chiến, thành vách cao, khó có thể leo tới, lởm chởm các nòng pháo, cối, trọng liên, bảo vệ cho các hầm chiến đấu. Đây là một doanh trại được xếp vào loại vững chắc, do binh lính Angiêri thuộc tiểu đoàn 5 trung đoàn bộ binh Angiêri số 7 hồi mười năm trước đã lập được nhiều chiến công trên chiến trường Itali, đóng giữ.

Cuối cùng, ở tít phía Nam là cụm pháo binh bảo vệ cho Điện Biên Phủ và xa nữa là cụm cứ điểm Isabelle nằm trên mảnh đất bằng phẳng, lầy lội trong vòng lượn của con sông. Isabelle cũng có một sân bay nhỏ dùng để cấp cứu.

Nhìn tổng quát như vậy, Điện Biên Phủ có vẻ bất khả xâm phạm. Perrin là nhân viên phụ trách điện đài, tỏ vẻ chủ quan :

-   Tôi cho rằng Điện Biên Phủ là một cái bẫy lớn. Tướng Giáp đúng là đã nghĩ đến chuyện tiến đánh, nhưng sau đó cảm thấy không có cơ may nên đã ..

Đúng là ngày 25 tháng 1 năm 1954, tướng Giáp đã ra lệnh hoãn cuộc tiến công Điện Biên Phủ. Trong ban tham mưu của đại tá Castries, mọi người đều biết chuyện này nhưng không ai rõ lý do tại sao.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #12 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2008, 02:10:01 pm »

NHỮNG ĐỈNH ĐỒI PHÍA ĐÔNG
Tháng 2 năm 1954

Cứ 40 phút một lần, các khẩu pháo đặt tại phân khu Trung tâm Điện Biên Phủ lại bắn một loạt đạn vào những quả đồi phía Đông là nơi nghi ngờ Việt Minh đã bố trí một khẩu sơn pháo của Nhật Bản, bắn vào đường băng sân bay. Anh lính lê dương Fréderic Hoffman cười to :

-   Bắn suốt đêm như thế này thì Việt Minh chợp mắt thế quái nào được !

Roger Chevalet, đồng đội của Hoffman trả lời :

-   Thì chúng ta cũng chẳng ngủ được chút nào !

Từ sớm hôm trước cho tới tận tối mịt, ba đại đội thuộc tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh lê dương số 3 đã mở cuộc hành quân lùng sục các mỏm đồi phía Đông để truy tìm các khẩu pháo Việt Minh. Lúc này, ở phía Nam phân khu Trung tâm đã xây dựng xong một cụm cứ điểm phòng ngự kiểu « con nhìm » trong đó có hai cụm pháo. Cụm cứ điểm mới thành lập, đặt tên là Isabelle, có nhiệm vụ yểm trợ bằng pháo binh cho tất cả các điểm tựa đặt tại Điện Biên Phủ và còn có một sân bay dự trữ khi sân bay chính không hoạt động được.

Isabelle là một vệ tinh về mặt lý thuyết nằm trong tổng thể tập đoàn cứ điểm, nhưng trên thực tế vẫn có thể hoạt động độc lập một cách tương đối. Đây là một cụm cứ điểm tự khép kín, nằm trong vòng lượn của sông Nậm Rốm, có thuận lợi nhưng cũng có điểm bất lợi. Đó là toàn bộ vị trí đều nằm trên một cánh đồng, có thể nói là một bãi lầy, mưa một chút là dễ ngập nước ngay. Nhưng hiện nay, vấn đề này chưa đặt ra. Mùa xuân ở xứ Thái vẫn còn đang kéo dài trên thung lũng, những dải mây mù buổi sớm nhanh chóng bị mặt trời xua tan hằng ngày.

Khi được lệnh rời Isabelle để thực hiện một cuộc hành quân chiến đấu ; lính lê dương tiểu đoàn 3 nhanh chóng chuẩn bị hành trang, lập tức lên đường ra trận. Đối với những người lính lê dương suốt 1 tháng phải nằm cách trung tâm 5 killomét, nay được lệnh xuất phát, quả là một cuộc chuyển quân từ Isabelle ảm đạm đến khu trung tâm nhộn nhịp.

Đêm hôm đó thật náo động. Tất cả các khẩu pháo và cối đều bắn vào những quả đồi nghi ngờ là những vị trí địch. Đến 4 giờ sáng, các tiểu đoàn cơ động đã tập hợp chỉnh tề trong bóng tối, dọc đường 41.

Tiểu đoàn 3 trung đoàn dù lê dương số 1 đi trước mở đường, theo sau là tiểu đoàn lê dương số 1. Giữa hai tiểu đoàn là ban chỉ huy binh đoàn đổ bộ đường không số 2, đứng đầu là trung tá Langlais.

Chevalet muốn biết đang hành quân đi đâu, nói một câu có tính chất thăm dò :

-   Chúng mình sẽ thanh toán khẩu pháo Nhật.

Từ khi không còn phải phụ trách tiểu đội, Chevalet có vẻ như trẻ lại. Anh đã được trung đội trưởng Paladini đồng ý cử làm trinh sát viên, cùng một nhóm với Hoffman là đồng đội thân nhất. Cheva et nói tiếp :

-   Mình hy vọng sẽ tóm gọn.

Đó cũng là ý kiến của Hoffman.

Trong khi đó, đoàn quân vẫn tiếp tục tiến về phía Đông. Địa hình rất khó vượt . Vừa ra khỏi cứ điểm Dominique tốp trinh sát đã lọt vào một khu rừng cây cối rậm rạp, rất nhiều gai. Đã gần ba tháng nay, người dân Thái không lên nương làm rẫy, cây cỏ mọc rất nhanh và nhiều.

Lúc mặt trời mọc, các tiểu đoàn lê dương đã tới chân những dãy núi nghi  ngời Việt Minh đặt pháo. Có vẻ như ở đâu đó trong rừng, những khẩu sơn pháo 77 mm của Việt Minh đang được ngụy trang kỹ.

Đến 8 giờ sáng, các khẩu pháo ngừng bắn về phía nghi ngờ có Việt Minh. Bây giờ đến lượt bộ binh xuất kích. Tiểu đoàn 3, trung đoàn bộ binh lê dương số 3 dẫn đầu, phía trái có tiểu đoàn lính Thái số 3. Cách vài trăm mét phía phải là tiểu đoàn dù lê dương và tiểu đoàn bộ binh Angiêri số 3 xuất phát từ Dominique. Một cuộc hành quân tác chiến đúng bài bản, cổ điển, nghiêm chỉnh, chắc chắn. Ban chỉ huy không nghi ngờ gì về kết quả sẽ đạt được. Lính lê dương truyền nhau một công thức tóm tắt «  Phá hết rồi rút ».

Đội trinh sát đang dò đường tiến lên những đỉnh đồi. Họ đã vượt được khoảng 300 mét đường dốc để tiến đến đỉnh điểm cao 780. Cây cối rất rậm rạp. Phải luồn dưới những cành thấp, phải gỡ các bụi gai, phải bò sát dưới những dây mây, phải đi vòng qua những cây to.

Vài trung đội đã tới được những mục tiêu ấn định nhưng không thấy Việt Minh chống trả. Ngược lai, một số trung đội khác bị bắn rất mãnh liệt khi đặt chân tới đỉnh đổi. Đến 9 giờ sáng, trung tá Langlais phải cho ngừng cuộc tiến quân để chấn chỉnh lại các tiểu đoàn, tập trung cho các đơn vị tại một số điểm cao để chuẩn bị tiến đánh các mỏm đồi lân cận.

Trung úy Beauchamp, chỉ huy đại đội 10, nói :

-   Bây giờ đến lượt chúng mình đây. Đại đội sẽ tiến đánh đỉnh đồi đã bị cháy rụi phía trước mặt.

Đó là điểm cao 700.

Lính lê dương tiến theo đội hình phân tán, hỏa lực sẵn sàng hỗ trợ cho các trinh sát viên một khi bị Việt Minh đánh lại.

Nhưng không phải kẻ địch cản trở cuộc tiến quân. Mà là những sườn đồi dốc của mỏm 700. Nhìn từ trên cao hoặc từ xa có vẻ như rất dễ trượt vì những quả đồi này đều đã bị ném bom napalm. Nhưng binh lính vẫn leo lên rất chậm vì rừng quá rậm. Bom napalm chỉ thiêu cháy các lá cây, vẫn còn rất nhiều cành thấp và dây leo phía dưới. Hơn nữa, các trinh sát viên có cảm giác như bị lộ vì không có gì che phủ phía trên đầu, dễ bị địch phát hiện và nhằm bắn. Trong khi đó phía dưới chân lại vướng víu như bị mắc trong mảng lưới thực sự đã bị đốt cháy đen sì, để lại trên mặt và trên quần áo những vết nhọ.

Chevalet nói châm biếm :

-   Không cần phải ngụy trang gì cả, Việt Minh có nhìn thấy chúng mình, sẽ tưởng là những con ngựa vằn.

Hoffman cãi lại :

-   Nhưng chúng ta không được giúp đỡ, yểm hộ.

Chỉ còn 50 mét nữa là tới đỉnh đồi. Rồi 30 mét nữa. Không khí nồng nặc mùi cỏ cây bị thối rữa hòa với mùi tro than bị ét-xăng đốt cháy. Trời rất nóng và nắng. Nhìn từ phía dưới lên, vòm trời như lay động. Mọi  người bắt đầu thấy khát. Đã 10 giờ.

Đúng vào lúc trung đội 2 tiến đến đỉnh đồi thì trận đánh bùng nổ. Việt Minh đã phục sẵn phía bên kia đỉnh núi, trong những hầm hố ngụy trang kỹ, máy bay rất khó phát hiện. Họ nã súng vào tốp trinh sát đúng với tầm bắn, từ những vị trí giấu quân rất tốt, không ai đoàn biết được.

Lính lê dương hoàn toàn sửng sốt trước chiến thuật của Việt Minh mà họ không tài nào hiểu được. Theo lý thuyết thì vị trí phòng ngự tốt nhất là đặt trên đỉnh núi .. nơi có thể bắn chặn khi đối phương đang leo lên. Đã có câu châm ngôn nổi tiếng « chiếm được đỉnh núi là giữ được chân ». Hơn nữa, khi chiếm được ưu thế. Vậy mà, Việt Minh lại để cho đối phương dễ dàng leo lên tận đỉnh. Trong khi đó Việt Minh nằm chờ sẵn ở phía bên kia, nã súng bắn đúng lúc lính lê dương đang chủ quan, bất ngờ.

Trung đội trinh sát nằm dán mình trên mặt đất, ném lựu đạn vào những hầm hố phía trước. Từ những bụi cây phía sườn đồi trước mặt, bộ đội Việt Minh xông ra phản kích, cầm súng ngang người bắn vào lính lê dương theo nhịp còi.

Chevalet kêu to, hoảng hốt :

-   Lạy Chúa tôi ! Có địch !

Hoffman nối lời :

-   Mà đây mới chỉ là những tốp đầu tiên. Chúng còn đông lắm.

Quả thật, quân địch tới liên tiếp từng đợt tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Để phản kích, một đại đội lê dương, địch hình như có tới một tiểu đoàn. Mà toàn là những bộ đội thiện chiến, lẩn rất nhanh từ gốc cây này sang gốc cây khác, vụt một cái đã ra ngoài tầm bắn của các xạ thủ lê dương.

Hai bên đã tiến sát tới mức có thể giao chiến giáp lá cà. Một lính Việt Minh nhảy tới trước mặt Chevalet, nã một loạt đạn ngang bụng suýt nữa có thể tiện đứt Chevalet ra làm đôi. Nhưng Hoffman, đã thấy trước mối nguy và đã bắn lại rất kịp thời. Người lính Việt ngã vật xuống , loạt đạn trúng vào thắt lưng da của Hoffman làm cho trái lựu đạn rơi xuống như một quả trứng.

-   Rút !

Mệnh lệnh được truyền đi từ tiểu đội này đến tiểu đội khác. Trung úy Beauchamp nhìn thấy bộ đội địch tràn tới, đã kịp thời ra lệnh lui quân. Chỉ trong vòng vài phút chiến đấu, đại đội 11 lê dương đã có 4 lính bị chết, 11 bị thương. Đại đội bắt đầu leo xuống núi, chậm chạp , nặng nề vì phải dìu thương binh.

Đến lưng chừng núi, đại đội lại bị đạn trọng liên của địch từ các điểm cao bên cạnh bắn tới, tiếp theo là một chùm đạn súng cối. Lại có thêm người chết và bị thương.

Hoffman vác Chevalet trên vai, vứa buồn vừa tức. Buồn vì người bạn thân nhất đang bị thương rất nặng, tức vì bất lực , không trả thù cho bạn được.

Vài giờ sau, đến lượt tiểu đoàn lính Thái số 3 cố đánh  lên cao điểm 700, nhưng vẫn lại vấp phải lưới lửa dày đặc của súng máy và súng cối của địch, đành phải bỏ cuộc. Đến cuối buổi chiều, cả đại đội 11 đến tăng viện cho đại đội 10 lê dương cũng phải rút lui. Việt Minh vẫn giữ nguyên vị trí hầu như không tài nào vượt qua được.

Tiểu đoàn 3 không phải là đơn vị duy nhất bị thất bại. Trên thực tế, không đơn vị nào đánh chiếm được dãy núi phía Đông do Việt Minh nắm giữ. Cây cối rậm rạp che khuất những ụ súng và những hầm chiến đấu của địch được ngụy trang rất kỹ, từ đó đã ẩn náu từng trung đội địch hầu như hoàn toàn làm chủ trận địa.

Đại đội 4 lính dù lê dương đã phải đối phó với những ổ súng tự động bố trí chìm dưới mặt đất, nòng súng chỉ thò ra ngoài vài centimét. Mãi đến giây phút cuối cùng lính lê dương mới phát hiện ra những ổ súng này, cũng chính là lúc họ bị đạn địch bắn ngang cẳng chân. Trong số bị tử trận như vậy có cả đại úy Cabiro. Đã phải tổ chức một cuộc phản kích, tập trung tất cả mọi lực lượng để scụ tìm đại úy. Trong cuộc tìm kiếm này, có thêm bốn lính lê dương nữa trúng đạn. Cuối cùng, bất chấp lựu đạn ném từ trên đỉnh núi xuống, thiếu úy Boisbouvier đã mang được xác đại úy Cabiro trở về.

Ngày hôm sau, các tiểu đoàn ở Điện Biên Phủ lại cố giành kiểm soát những mỏm đồi phía Đông một lần nữa, nhưng vẫn không thành công. Đến ngày 15 tháng 12 cuộc hành quân lùng sục chấm dứt. Kết quả : 13 binh lính và sĩ quan bị chết, 9. người bị thương. Ngoài ra, còn có 3 lính Thái đào ngũ. Điều đáng chú ý là phần lớn lính Thái tiểu đoàn 3 đều là người quê Sơn La, nơi Việt Minh đã kiểm soát hơn một năm nay. Họ muốn trở về nhà sau khi tính toán đồng lương của lính không tương xứng với rủi ro về tính mạng.

-   Họ chỉ đơn giản là trở về nhà thôi ..

Nhưng, từ bữa đó trở đi, cứ hỏi đến lính Thái là được trả lời :

-   Chúng nó “về nhà” rồi !

Nếu cứ theo đà này, tiếp tục vài tuần nữa thì không còn lính Thái để giữ đồn nữa, và các đơn vị lính Thái cũng sẽ tan biến trong làn gió hốt hoảng đang lan tràn khắp các đơn vị ở Điện Biên Phủ. Nhưng dù sao, cũng vẫn có những người lính Thái trung thành ở lại cho đến tận  những giờ phút cuối cùng.

Còn trong lúc này thì các tiểu đoàn đang băng bó các vết thương. Hoffman đã quay trở lại cụm cứ điểm Isabelle. Cuộc sống ở đây đối với anh lại buồn tẻ, ảm đạm với công việc hằng ngày là sửa sang công sự, đào hào thoát nước, tập bắn và tuần tra thăm dò chuẩn bị cho những trận phản kích.

Đó là công việc mà lính lê dương buộc phải làm một cách miễn cưỡng. Không phải chỉ những cuộc tuần tra ban đêm kéo dài hầu như vô tận làm họ chán ngán mà chính là vì họ phát hiện thấy con đường ngắn nhất để cứu viện cho các cứ điểm Claudine và Eliane nằm ngay dưới tầm súng cối địch. Binh lính bảo nhau :

-   Đó là con đường tứ sát.

Đôi khi , cảnh buồn tẻ hằng ngày đột nhiên náo nhiệt hơn bình thường. Đó là việc chuẩn bị đón tiếp các nhân vật quan trọng. Quốc vụ khanh phụ trách quốc phòng, ngài Chevigné, tới thăm Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 2. Bộ trưởng Quốc Phòng René Pleven tới Điện Biên Phủ ngày 19.

Những chuyến đi thăm thị sát kiểm tra này đã đem lại niềm vui cho đám lính lê dương xếp hàng dọc theo đường băng để làm lễ nghênh đón. Hôm đó, ngài Bộ trưởng Quốc phòng mặc một bộ đồ màu xanh nhạt, không phải là thường phục, mà cũng không hoàn toàn là quân phục. Ngài sắn ống quần, đội một chiếc mũ vải, vành mũ cụp xuống, nom giống như một ngư dân câu tôm hơn là một vị bộ trưởng chiến tranh.

Hoffman ghi trong nhật ký :

“ Phải thừa nhận, ngài bộ trưởng có một cử chỉ đáng yêu : tối hôm đó, anh em được phát rượu khai vị, rồi lại cả rượu để tiêu cơm, một chai Pernod cho 12 người, một chai cho 24 người ..”.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #13 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2008, 02:44:24 pm »

CHIẾN HÀO BAO VÂY BEATRICE
Tháng 3 năm 1954


-   7 giờ sáng mai, 11 tháng 3, tập trung toàn đại đội. Quân phục chiến đấu. Mang theo xẻng, cuốc.

Đại úy Pichelin gấp lại mảnh giấy vừa đọc. Đó là lệnh của thiếu tá tiểu đoàn trưởng Tourret. Sau đó, ông khom lưng, cúi thân hình quá khổ, ra khỏi lô cốt.

Sau khi nghe lệnh của cấp trên, trung sĩ Carre nói :

-   Đúng rồi, lại đi lấp các chiến hào địch bao vây Beatrice đây mà !

Carre là một hạ sĩ quan có cá tính xấu nhất trong toàn thể tiểu đoàn dù số 8. Đại úy Pichelin, biết rõ tâm tính các hạ sĩ quan dưới quyền chỉ huy của mình, thường vẫn phải giải thích cho Carre mỗi khi cần truyền đạt một chỉ thị phiền toái.

Thiếu úy Pastor quay về phía Carre, nói thêm :

-   Hôm nay là phiên của tiểu đoàn dù lê dương. Ngày mai sẽ đến lượt tiểu đoàn dù thuộc địa chúng ta.

Carre vẫn mím chặt môi không nói gì. Trung sĩ cảm thấy trước phản ứng của lính dù người Campuchia trong trung đội của mình. Những người lính này chẳng ưa gì công việc phải đi lấp một đoạn hào của địch đang lấn dần về phía cứ điểm. Phải giao chiến với Việt Minh, chiếm giữ được đoạn hào đó rồi mới có thể san lấp được. Và đến khi lính dù quay trở về thì bộ đội Việt Minh lại quay trở lại, tiếp tục đào lấn. Chiến hào Việt Minh cứ như một chứng bệnh ngoài da, lan rộng khắp thung lũng, bắt đầu từ bìa rừng rồi tới chân những dãy đồi phía Đông.

Lúc này Carre mới bộc lộ ý kiến ;

-   Thôi, không nói đến chuyện ấy nữa. Mời ông đi với tôi tới chỗ các hạ sĩ quan, uống một chầu rượu tiễn biệt thằng Bordas.

Pastor thở phào nhẹ nhõm. Thế là không phải giải thích cho Carre một điều khó thuyết phục nổi. Pastor chưa có thực tế trong cuộc đời binh nghiệp để có thể nói như Bordas “ Làm đi rồi làm lại, chẳng qua cũng chỉ là làm”.

Pastor là một sĩ quan duy nhất của đại đội phải chỉ huy một trung đội. Đáng lẽ, cấp trung đội trưởng chỉ là hạ sĩ quan cấp trung sĩ, thượng sĩ chứ không phải như Pastor, đã là sĩ quan cấp thiếu úy. Anh thuộc ngạch dự bị, tình nguyện sang Đông Dương, bản chất hiền hòa, bình tĩnh, vóc người cao to, tóc hung, để ria mép như một số sĩ quan muốn tạo vẻ già trước tuổi để dễ chỉ huy, nhưng vẫn không đánh lừa được ai.

Pastor đi dọc theo hầm chỉ huy của thiếu tá Tourret, rẽ tay phải, đi qua một thân cây khô phía trên có đặt một phi nước 200 lít, rồi bước vào hầm các hạ sĩ quan đại đội 2. Trong hầm nồng nặc khói thuốc lá.

Một vài gương mặt quen thuộc hiện ra dưới ánh sáng của những cây nến cắm trên chai rượu bia. Phần lớn là những gương mặt ít quen biết. Đó là những hạ sĩ quan đến từ những đơn vị khác. Tất cá có 25 người ngồi chen chúc nhau trong gian hầm dài 5 mét, rộng 2 mét.

Pastor hỏi :

-   Thế Bordas đâu ?
-   Có tôi ! Báo cáo thiếu úy, tôi muốn nói thẳng ra, là … ( Bordas ngần ngừ một lát, cố nở một nụ cười trên khuôn mặt nhăn nhó rồi nói tiếp ). Thưa thiếu úy, tôi muốn tếch khỏi chỗ này ngay lập tức.
-   Vì sao ?
-   Như tôi đã báo cáo. Tôi đã hết nhiệm kỳ phục vụ tại Đông Dương. Ông biết rõ rồi đấy ! Ba năm. Ba năm không nghỉ phép, không ngừng việc, không có gì cả. Toàn là những cuộc hành quân dã ngoại, đóng quân trong đồng ruộng, sục sạo trong rừng rú, rồi bây giờ là chui rúc ở Điện Biên Phủ. Tôi ngán quá rồi.

Pastor vốn không ưa giải thích, nói :

-   Tôi hiểu.

Carre lập tức chen ngang :

-   Mày xéo đi ! Tâm trạng mày không được ai đồng tình cả. Mọi người sẽ làm thay mày.

Bordas vặn lại :

-   Mày cứ việc ở lại. Tao cứ đi. Đó là tất cả sự khác nhay. Hãy nhớ lời tao đã nói với mày, hãy kết thúc cuộc đời tốt đẹp trong trung đội. Nay mai, chúng mày sẽ đánh nhau một trận ra trò với Việt Minh. Trong lúc đó thì cái thằng Bordas là tao đây sẽ làm gì ? Nó sẽ ở Pháp uống rượu say trong quán Château Margaux để tưởng nhớ tới chúng mày.

Preignon bình phán :

-   Được đấy, mày là thằng gặp số đỏ, có thể đi ngay từ bây giờ.

Bordas tỏ vẻ nhiệt liệt tán thành và càng hồ hởi nói to :

-   Hàng tá đàn bà con gái sẽ theo tao. Có đủ nhà trọ để chứa chúng nó. Và cả quầy rượu nữa ! Cả khách sạn loại sang ... Có đủ mọi thứ, trong lúc chúng mày phải ở đây, phải ngủ trong hầm , hang chuột bẩn thỉu, phải ăn đồ nguội trong ga-men và bị nện đòn ..

Bordas đã đứng dậy, nhưng không cười nữa :

-   Đúng vậy ! Tớ rất thích được ra đi. Được nhìn thấy tất cả các cậu như thế này, tớ rất vui.

Prignon kịp đỡ lấy Bordas trước khi viên hại sĩ quan này gục xuống. Mọi người dồn dập hỏi :

-   Nó làm sao thế ?
-   Nó khóc !

Cuộc họp giải tán và sáng hôm sau là cuộc tập hợp để hành quân đi lấp chiến hào.

-   Nhanh lên ! Tiến lên phía trước !

Từng trung đội thuộc đại đội 3 lần lượt chui ra khỏi hầm, đi ra tập hợp trước chiếc cầu sắt mang tên Bailly do công binh vừa mới lắp xong phía trước bãi đậu máy bay. Thời tiết báo hiệu một ngày đẹp trời, vòm trời như được lau rửa bởi lớp sương tan đang ửng hồng ở phía Đông.

Đại úy Pichelin bước qua cầu bằng cặp giò dẻo dai. Theo sau là nhân viên điện đài. Theo gót họ là trung đội do thiểu úy Pastor chỉ huy. Trung sĩ Carre đi cuối cùng.

Đại đội 2 đi dọc theo con đường dưới chân cứ điểm Dominique 2. Lính trinh sát bắt gặp giữa đường đội lao công ngồi trên xe tải đi lên trung tâm Điện Biên Phủ để lĩnh lương thực, đạn dược phân phối cho các đơn vị.

Pastor nói với hạ sĩ trung đội phó Le Brenn :

-   Thật kỳ cục, người thì đi tuần tra, người thì làm công việc bình thường hằng ngày.
-   Cũng là lao động cả ..
-   Tất nhiên. Nhưng, hoặc là chiến đấu, hoặc là nghỉ ngơi lấy sức. Còn đây, cậu nhìn xem. Tụi bộ binh thì đang chăm lo nhặt từng kiện hàng có đánh dấu thực đơn bữa ăn trưa. Còn chúng mình thì ..
-   Chúng mình ấy à ? Đến mai sẽ đổi phiên. Tụi lính bộ binh sẽ đi tuần tra. Chúng mình lại được một ngày thư giãn. Người nào lo việc người ấy.

Phía sau có tiếng động cơ nổ ầm ầm. Hai chiếc xe tăng được lệnh đi yểm trợ cho đại đội 2 đang đi tới từ phía Nam, cuốn tung bụi mù trên đường. Từ lễ Nô-en đến nay, xe bọc thép là bạn đồng hành không bao giờ tách rời các đơn vị tuần tra. Một tình cảm thân quen bắt đầu nảy nở từ những cuộc tiếp xúc gặp gỡ hàng ngày giữa hai thứ quân, tối đến lại cùng nhau trò chuyện râm ran không dứt trong nhà ăn chung. Tối hôm trước, đại diện đơn vị trinh sát bằng xe cơ giới là Ney và Willer cũng được mời tới uống rượu chia tay với trung sĩ Bordas. Sáng nay, họ lại cùng đi yểm trợ cuộc tuần tra của đại đội 2. Ney ngồi ở chiếc xe tăng mang tên Ettlingen. Willer ngồi trong xe tăng mang tên Conti. Họ đứng trong tháp pháo, đội  mũ bê-rê của lính leo núi Gurkha, giơ tay chào lính dù đang hành quân bộ rồi hỏi thăm :

-   Thế nào, Bordas ra đi rồi chứ ?
-   Rồi ! – Carre nói – Phải dìu cậu ấy lên máy bay. Hắn không được tươi tỉnh lắm.

Đã vượt qua dãy đồi Dominique. Bây giờ, trước mắt các trung đội chỉ còn lại một đoạn đường nữa là rẽ phải, đi tới Beatrice. Đến cứ điểm này công việc thật sự mới bắt đầu. Lính trinh sát người Campuchia của đại đội 2 đã rất thông thạo với địa hình này. Họ leo núi, đi tắt qua những mỏm đồi trên bờ sông Nậm Rốm và là những người đầu tiên đặt chân tới những lớp chiến hào địch đào lấn được để bao vây Beatrice ở gần bản Him Lan.

-   Màu xanh số 1. Địch đã rút. Hết !

« Màu xanh số 1 » là mật hiệu của trung sĩ trưởng Marty, chỉ huy trung đội 1, một hạ sĩ quan thiện chiến đã phục vụ hai nhiệm kỳ ở Đông Dương, bảy lần được tuyên dương, đang chờ nhận Bắc đẩu bội tinh. Cũng như Marty, binh lính trong trung đội đều là lính chuyên nghiệp, cần cù, hoạt động chính xác, không kêu ca phàn nàn. Họ xông lên phía trước, vượt qua khúc chiến hào địch đào dở dang, theo sau các trinh sát viên có nhiệm vụ báo động khi gặp địch. Rồi họ tản ra các bụi cây, yểm trợ cho những trung đội phía sau đang tiến đến.

Bây giờ, mọi người đã khoác súng ngang vai, cầm lấy cuốc xẻng để lấp hào. Thỉnh thoảng các hạ sĩ quan lại gài một vài quả mình cá nhân xuống lớp đất mềm đã lấp, để bẫy những kẻ địch thiếu khôn ngoan, ban đêm ra đào lại đoạn hào đó bị lấp sẽ chạm xẻng vào mìn, gây nổ.

Carre làu bàu nói :

-   Chẳng hiệu quả lắm , nhưng cũng dọa được một số.

Một lúc khá lâu, binh lính chểnh mảng việc lấp hào vì mải nhìn những chiếc máy bay Bearcat từ sân bay Điện Biên Phủ bay lên, lượn vòng trên những dãy núi phía Đông. Thỉnh thoảng lại có một chiếc vụt nhào xuống gần như thẳng đứng, rồi vọt lên cao trong khi những bụi cây dưới đất bốc lên những luồng khói màu sám bẩn, báo hiệu máy bay vừa bắn phá những vị trí tình nghi là có bố tró khẩu pháo Nhật 77 mm.

Liên tục những ngày naỳ, cứ đến 17 giờ là khẩu pháo này lại đã đạn vào các vị trí của Pháp ở phân khu Trung tâm.

Chợt có tiếng súng nổ. Pichelin vồ lấy điện đài, gọi trung đội trinh sát. Marty báo cáo :

-   Địch phản kích ! Chúng đang từ nơi giấu quân xông ra. Năm phút nữa chúng sẽ tới đây.

Pichelin hạ lệnh cho đơn vị chuẩn bị chiến đấu, chỉ để lại một bộ phận ở phía sau tiếp tục lấp hào. Việt Minh có súng cối và trọng liên bố trí ở bên kia sông bắn tới. Lính thuộc địa người Campuchia do Carre và Pastor chỉ huy xông lên đón đánh bộ binh địch. Cuộc đụng độ kéo dài suốt hai giờ. Để giải quyết dứt điểm , Pichelin kêu gọi đại đội xe tăng Shaffee tới hỗ trợ. Rồi yêu cầu cả pháo binh bắn yểm trợ.

Cuối cùng, không quân cũng phải can thiệp, máy  bay tới ném bom chỉ cách quân Pháp có 50 mét. Đến lúc đó, Việt Minh mới chịu rút.

Đến 16 giờ, đại đội 2 trở về căn cứ xuất phát. Việc đầu tiên của binh lính là ra sông tắm rửa, muốn kỳ cọ hết những gì bám trên da thịt. Đơn vị này có thói quen phải ăn mừng chiến thắng. Nhưng ngày hôm nay, dù có làm chủ được trận địa họ vẫn có cảm tưởng không giành được chiến thắng.

Còn với các đơn vị khác ở Điện Biên Phủ, tuy có nghe thấy tiếng súng giao tranh ở phía Đông Bắc khá xa, nhưng ngày 11 – 3 -1954 vẫn bình thường như mọi ngày trước đó. Thời tiết hôm đó tuyệt đẹp, bầu không khí nhẹ nhàng lúc cuối mùa kéo dài suốt mấy ngày trước khi chuyển sang đợt gió mùa đầu tiên. Nhưng trên căn cứ vẫn xuất hiện một lớp bụi mỏng thường xuyên bốc lên cao từ những cánh quạt máy bay và những chuyến xe tải chuyển vận không ngừng như những con thoi giữa đường băng sân bày và các nhà kho vật liệu.

Tiếng động gần như bão hoà. Máy bay Dakota tới tấp lên xuống, hối hả bay về Hà Nội trước khi trời tối, pháo 105 mm yểm trợ cho những đội tuần tra đên, xe tăng Shaffee nổ máy, xưởng phát điện nạp lại những bình ắc quy dự trữ ..

Làm xong việc thường ngày, binh lính bắt đầu lang thang đi chơi từ lô cốt này đến lô cốt khác, hoặc tới căng tin rồi trở về tay ôm một đống hàng hòa vừa mua được như thuốc đánh răng, vài chai bia ..

Thời gian nhẹ nhàng trôi đi trong hoàng hôn. Lát nữa, Điện Biên Phủ sẽ chìm trong bóng tối, toàn bộ Điện Biên Phủ chỉ có vài ánh đèn hiếm hoi. Các bếp ăn của tiểu đoàn đã bốc khói. Ở Điện Biên Phủ, binh lính ăn bữa tối sớm hơn thường lệ, cũng như tại các bệnh viện.

Khẩu pháo Nhật từ đầu tháng 2 cứ đến giờ này là bắn vào sân bay, tối nay im bặt. Đúng là cuối buổi chiều pháo 155 của trung đoàn pháo binh thuộc địa số 4 đã bắn phá ác liệt vị trí tình nghi, cùng với các máy bay ném bom B.26 từ Cát Bi tới, trút xuống những trái bom 250 pound. Nhưng liệu tối mai, khẩu pháo này có tiếp tục hoạt động nữa không ?


Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #14 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2008, 02:45:04 pm »

Lính lê dương thuộc tiểu đoàn 1, bán lữ đoàn 13 mang súng mới ra lau chùi. Có thể ngày mai lại thêm một nhân vật quan trọng nào đó tới thăm Điện Biên Phủ.

-   Báo cáo trung úy ! Đại úy Chounet cho gọi.

Turpin ngạc nhiên. Thông thường, những mệnh lệnh tuần tra và phục kích đêm chỉ phổ biến vào lúc 7 giờ rưỡi tối. Bây giờ mới 5 giờ chiều. Ông vội vàng chụp chiếc mũ bê-rê lên đầu rồi bước ra khỏi hầm. Chỉ vài bước chân, Turpin đã tới hầm chỉ huy đại đội, đặt ở rìa con đường màu trắng đi dọc Điện Biên Phủ theo hướng Bắc-Nam, sau những lớp rào kẽm gai của cụm cứ điểm mang tên Junon.

Vừa nhìn thấy Turpin, đại đội trưởng Chounet đã tới nói ngay.

-   Cấp trên chuyển anh sang chỉ huy đại đội 11.
-   11 à ? Đại đội này không thuộc tiểu đoàn mình.
-   Tất nhiên. Nhưng trung úy Bedeaux là đại đội trưởng bị thương, máy bay đã đưa về Hà Nội.
-   Thế phó của Bedeaux đâu ?

Chounet lắc đầu :

-   Không có phó. Carriere tạm quyền nhưng cũng đã phải chuyển đi chỉ huy đại đội 9. Tiểu đoàn 3 của chúng ta thiếu cán bộ. Mỗi đại đội chỉ có một sĩ quan chỉ huy.
-   Thôi được. Nghĩa là tôi phải đi ngay ?
-   Đúng. Xe Jeep của ban chỉ huy sẽ đưa anh tới Beatrice. Phó của anh sẽ lên làm trung đội trưởng.

Turpin giơ tay chào rồi bước ra ngoài.

Có những tiếng kêu làm Turpin chú ý. Anh ngừng đi, nhìn về phía sân bay, nơi vang vọng những tiếng động.

Khẩu pháo Nhật lại như mới thức giấc. Nó đang nhằm mục tiêu là chiếc máy bay vận tải to đùng Fairchild Packet C119 đổ ở đường băng từ ngày hôm trước vì hỏng máy. Sau vài phút đầu chuệch choạc, Việt Minh đã bắn trúng lưng chiếc máy bay. Đây là một quả đạn may mắn đủ để làm cho máy bay bốc cháy. Mới đầu ngọn lửa còn bập bùng không ổn định nhưng sau đó đã bốc to mặc dù đội bảo vệ của trung sĩ Peyrac ra sức chữa cháy.

Những lính dù thuộc tiểu đoàn xung kích số 8 đứng ở điểm tựa Epervier quan sát, bình luận. Họ vừa mới hoàn thành một cuộc tuần tra, tắm rửa ngoài sông rồi trở về. Nhiều người cười đùa khi nhìn quang cảnh bắn phá ở sân bay. Trung sĩ Carre nói :

-   Thế là có một “quả chuối” Việt Minh đã đạt kết quả !.

Preignon không tán thành câu nói đùa của Carre :

-   Mất chiếc máy bay Packet là thiệt hại to lớn của lực lượng vận tải đường không đấy !

Trung tá Langlais đứng cách đó vài mét. Trên cương vị của ông, với những thông tin mà ông nhận được, không có gì đáng cười vui cả. Nếu đám lính kia cũng ở vị trí như ông, chắc họ cũng không đùa tếu như vậy.. Nhưng họ không hiểu điều đó. Vì vậy, họ đã ngạc nhiên khi thấy Langlais quát mắng :

-   Không có gì đáng cười đùa cả ! Đi ngay ra giúp đội bảo vệ dập tắt lửa !

Chữa cháy ư ? Có gì cứu chữa được đâu. Ngọn lửa đã tràn tới khoang chứa chất đốt. Chiếc máy bay Packet rung chuyển, lảo đảo, mũi chúc xuống đất, đuôi chổng lên trời trong đám lửa đỏ rực.

Trung úy Turpin nhìn thấy cảnh này từ phía xa. Anh trèo lên xe Jeep không nói một lời, lơ đãng chào lại những lời chúc mừng tiển biệt của toàn trung đội đang xếp hàng bên đường trong tư thế đứng nghiêm.

Turpin thuộc lòng đường đi tới Beatrice. Không phức tạp lắm. Tất cả các đội tuần tra xuất phát từ khu Trung tâm đều đi trên con đường này. Trước hết, phải vượt qua cống xây ở sông Nậm Rốm nằm ở phía dưới trạm phẫu thuật tiền phương của bác sĩ Grauwin, rẽ về bên trái con đường 41 ở chân cứ điểm Eliane 4.

Khoảng 500 mét nữa, đến cụm Dominique. Đường 41 khi gặp Dominique 2 chuyển thành màu đất đỏ, đến Dominique 1 lại là đất sét màu xám. Từ đây, chiếc xe Jeep rẽ tay phải, phóng thẳng theo hướng Đông. Hai lần rẽ sang trái nữa là đến ba điểm cao của cụm cứ điểm Beatrice.

Đó là lãnh địa của tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn lê dương số 13.

Một con đường nhỉ có thể đi xe ô tô lượn giữa hai quả đồi dẫn đến vị trí. Turpin xuống xe đi về phía trụ sở ban chỉ huy đại đội. Theo sau là anh lính cần vụ mang vác hành trang.

Turpin bước vào hầm lô cốt là vị trí chỉ huy của thiếu tá Pégot, chỉ huy tiểu đoàn 3. Pégot nói trước :

-   Chúc mừng anh đã tới !

Turpin mỉm cười, giơ tay chào và cảm ơn.

Pégot nói tiếp :

-   Anh tới trình diện với phó tiểu đoàn trưởng là đại úy Pardin để nhận chỉ thị cụ thể.

Trái ngược với dáng vẻ khô khan của tiểu đoàn trưởng Pégot, tiểu đoàn phó Pardin luôn tỏ ra vui vẻ, lạc quan trong cuộc sôngs. Ông nói bằng một giọng còn đọng dư âm kéo dài của chiến khu trên đảo Corse :

-   Đại đội 11 trấn giữ mặt Đông – Đông Nam của cụm cứ điểm. Từ nhiều ngày nay, Việt Minh đào lấn một chiến hào đã sát gần đỉnh núi ở phía bên kia đường 41. Sáng nào các trung đội cũng phải ra lấp hào. Hôm nay xảy ra một trận giao chiến, trung úy Bedeaux đã bị thương.

Pardin sửa lại cặp kính mắt rồi châm một điếu thuốc lá tiếp theo, nói thêm ;

-   Anh là sĩ quan duy nhất của đại đội vì vậy sẽ phải mất nhiều thời gian để thích nghi. Công việc đang khẩn trương. Có điều may mắn là các hạ sĩ quan dưới quyền anh đều vững vàng. Trong trường hợp bất trắc, anh có thể tin vào họ. Căn cứ vào tình hình thực tế, tôi nghĩ rằng chúng ta sắp bị tiến công đến nơi.

Trung úy Turpin bước ra khỏi hầm chỉ huy. Anh lại theo con đường mòn xuống núi, bước qua một cái khe rồi lại leo lên dốc, tới quả đồi bên cạnh là nơi tập trung toàn đại đội.

Một thượng sĩ ra đón, xưng tên :

-   Tôi là Fels, trợ lý đại đội.

Turpin theo viên hạ sĩ quan bước vào hầm chỉ huy, nói :

-   Tôi muốn xem bản danh sách quân số.

Fels gỡ một bảng giấy treo trên vách phèn nứa xuống. Turpin liếc mắt nhìn qua rồi nhăn mặt : đại đội 11, tiểu đoàn 3, bán lữ đoàn 13 có gần một trăm người nhưng chỉ có mình anh là sĩ quan. Số còn lại toàn bộ là hạ sĩ quan, 2 thượng sĩ chỉ huy trung đội, 9 trung sĩ, 1 hạ sĩ trưởng, 10 hạ sĩ, 83 lính lê dương. Thông thường mỗi đại đội phải có 3 sĩ quan, từ 10 đến 18 hạ sĩ quan, từ 28 đến 30 hạ sĩ và từ 105 đến 110 lính.

Ba trung đội trưởng lần lượt từng người tiến vào trình diện. Trung sĩ Schweiger chỉ huy trung đội 1, trung sĩ Keil chỉ huy trung đội 2, trung sĩ Aubertin chỉ huy trung đội 3, trung sĩ Rosier chỉ huy trung đội 4.

Turpin thảo luận với từng người kế hoạch cụ thể trong đêm, ấn định các vọng gác, các lộ trình tuần tra, giờ thay các vọng gác báo động ( gồm tứng nhóm ba người mang theo một điện đài có nhiệm vụ cấp  báo khi phát hiện địch chuẩn bị tiến công ).

Sau khi các trung đội trưởng ra về. Turpin nghiên cứu kế hoạch hỏa lực của người tiền nhiệm là Bedeaux để lại. Tất cả đều ghi rõ nơi đặt pháo 105, cối 120, khu vực bắn của cối 81 tiểu đoàn, các bãi mìn, chỗ đặt thùng napalm.

Trước khi bước vào đêm, Turpin đi một vòng men theo các hào giao thông ngoằn nghèo dẫn từ trung đội này đến trung đội khác. Lính gác đứng canh nghiêm chỉnh sau lỗ châu mai, vũ khí tự động đặt sẵn ngay phía trước mặt. Binh lính lê dương tất cả đều bình tĩnh, tự tin ở mình và tin vào hệ thống phòng thủ của toàn đơn vị. Trên thực tể, ở mặt Tây cứ điểm có một mảnh đất trống phát quanh, tầm nhìn xa tới 60 mét khiến cho Việt Minh khi tiến qua nhất định sẽ không thoát khỏi những loạt đạn súng máy hoặc đạn pháo, cối bắn tập trung.

Đêm đã tới. Trung úy vẫn thức. Anh không buồn  ngủ. Anh hiểu rằng mình có rất ít thời gian để có thể nắm guồng máy chỉ huy mới. Anh lắng nghe, cố làm quen với mọi tiếng động, thử phân biệt tiếng người và nhanh chóng phát hiện những tiếng động lạ.

Khoảng 22 giờ một lính lê dương thò đầu vào lỗ châu mai :

-   Báo cáo trung úy, lính gác phát hiện thấy bóng bộ đội Việt Minh.

Turpin bước ra ngoài lô cốt. Người lính quan sát bằng ống nhòm khẳng định :

-   Có nhiều bóng người ở bên kia đường 41, phía Nam và Đông Nam.

Turpin cố nhìn xuyên bóng tối nhưng không thấy gì cả. Anh báo cáo lên ban chỉ huy tiểu đoàn và được trả lời :

-   Sẽ đưa trinh sát đi xác minh ..

Có những tiếng đạn nổ. Cối 81 của tiểu đoàn bắn vào những điểm nghi  ngờ . Một luồng ánh sáng mờ nhạt xuyên qua bóng tối. Những lính dù được lệnh đi trinh sát đã xuống núi dưới ánh sáng mờ. Nhưng vẫn không nhìn thấy địch. Turpin bắt đầu quay trở về thì một lính canh khẽ gọi to :

-   Nghe này trung úy ..

Trong bóng tối, tiếng động nghe thấy là rất quan trọng. Rõ ràng, trung úy nghe thấy tiếng xẻng đào đất.

-   Chúng đào như chuột gặm ...

Sáng hôm sau, Turpin quan sát dãy núi phía Nam. Đêm trước, Việt Minh đã tiến hành một công cuộc lao động khổng lồ, đào được cả một hệ thống hào giao thông phức tạp từ đồng bằng leo lên sườn núi, vây chặt lấy các cứ điểm Beatrice ở cả mặt Bắc lẫn mặt Nam. Việt Minh còn bắt đầu  ngụy trang khéo léo những điểm hào giao nhau.

Turpin báo cáo qua điện thoại với tiểu đoàn trưởng Pégot :

-   Hệ thống hào của địch được tổ chức rất chu đáo, có cả hầm chìm, ụ súng. Tôi nhìn thấy nhiều lỗ châu mai hướng về phía chúng ta.

Vài phút sau, lính quan sát của đại đội 9 ở mặt Bắc thừa nhận :

- Những điểm cao trước mặt đã bị Việt Minh chiếm giữ, có bố trí lính canh và vẫn tiếp tục đào hào.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #15 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2008, 10:30:14 am »

TRƯỚC TRẬN ĐÁNH
12 tháng 3 năm 1954

Đại đội 4 lính dù lê dương trở về từ cứ điểm Beatrice, vừa đi vừa hát. Họ đã từ phân khu Trung tâm tới đây, lấp được nhiều đoạn chiến hào , đánh bật một đại đội hỏa lực của Việt Minh, được coi là một thắng lợi quan trọng chưa từng có kể từ ngày đóng quân tại Điện Biên Phủ.

Đại đội trưởng Domigo rất hài lòng. Như vậy là lính lê dương đã đối chọi với Việt Minh nấp trong chiến hào và tỏ ra xuất sắc nhất trong các binh chủng đóng tại đây.

Ở mặt Nam, lính bộ binh thuộc địa và lính Thái không gặp may mắn như vậy. Họ đã phải giáp mặt với kẻ địch đã xây dựng được những ụ súng tại các cao điểm, bắn dữ dội làm họ không tài nào xông lên được. Bị phơi mình trên cánh đồng trống trải trong một thung lũng nhỏ phía Nam Beatrice, lính Thái thuộc tiểu đoàn 2 chạy tán loạn để tránh khỏi bị tiêu diệt. May mà máy bay kịp tới ứng cứu, ném bom vào những đơn vị Việt Minh đang tập hợp để chuẩn bị xung phong tiến công.

Từ cứ điểm Beatrice, trung úy Turpin theo dõi trận đánh rồi ghi trong sổ nhật ký chiến sự.

«  Thất bại của lính Thái đã làm cho việc lấp hào cách Beatrice 3 khoảng 200 mét không thực hiện được. Đoạn hào này được hỏa lực địch bố trí tại mỏm núi phía Nam bắn bảo vệ ».

Sau khi các toán quân ứng cứu lần lượt quay trở về, Turpin phát hiện thêm, bộ đội Việt Minh mỗi lúc một đông đã chiếm lĩnh các đoạn hào mà lính dù lê dương vừa mới lấp. Vài phút sau, pháo 105 Việt Minh bắn lẻ tẻ vào khu vực cụm cứ điểm. Một số binh sĩ đã từng tham dự cuộc chiến tranh ở Pháp, nhận xét :

-   Có vẻ như đây là bắn thăm dò để chuẩn bị cho một cuộc tiến công lớn.

Tại sở chỉ huy trung tâm Điện Biên Phủ, trung tá Gaucher chỉ huy binh đoàn cơ động số 9 nhận được tin tức về tình hình phát triển chung quanh Beatricwe, báo cáo đều đặn hàng giờ. Nhưng ông không thật sự lo ngại. Ông tin tưởng ở sự vững vàng của tiểu đoàn 3 bán lữ đoàn lê dương số 13 đã từng lập nên những chiến công vang dội ở Narvik và Bir Hakeim. Cũng như nhiều sĩ quan khác ở Điện Biên Phủ, ông nóng lòng chờ đợi cuộc tiến công đọ sức một cách tò mò thích thù. Cùng với đa số sĩ quan, ông tin chắc Việt Minh sẽ bị đánh gãy răng.

Chuông điện thoại reo, Gaucher áp ống nghe vào tai rồi một lát sau lại đặt vào máy, im lặng không nói câu gì, lặng lẽ suy nghĩ rồi cuối cùng mới nói :

-   Điện của đại tá De Castries, báo tin 17 giờ chiều mai Việt Minh sẽ tiến công.

Sáng 13 tháng 3 , mặt trời bị che phủ bởi những lớp mây xám. Sương mù nặng trĩu phủ trên mặt đất, khiến cho mặt đất trở thành đen sì, ảm đạm. Giữa đoạn đường băng tạo thành một vệt thẳng tắp, sáng yếu ớt trên nền đen tối của đồng ruộng, các thợ máy đang hối hả sửa chữa chiéc Curtiss Commando, một loại máy bay vận tải hai động cơ cỡ lớn, nom như một con cá voi mắc cạn, đang bị hỏng máy từ hai hôm trước.

Trên điểm cao Dominique 2, Perrin phụ trách điện đài của trung đội cối nặng, đứng chống tay vào cạnh sườn theo thói quen, lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật. Đứng sát bên cạnh là trung sĩ Rol, phụ trách khẩu cối số 1, một người Itali có cái đầu La Mã to tướng, cằm vênh, cặp mắt nhung, giọng nói chắc nịch. Rol là một trong những hạ sĩ quan có thâm niên cao nhất đơn vị, được đồng đội lê dương tin cậy cho nên có quyền lực về mặt tinh thần trong toàn trung đội.

Hai người cùng đứng cách chiếc Curtiss khoảng 800 mét, từ trên cao nhìn xuống trận đấu giữa lính pháo Việt Minh với lính thợ đang sửa chữa maý bay.

Đến 9 giờ, một quả đạn pháo đầu tiên bắn trúng đường băng phát ra một tiếng nổ đinh tai như tiếng búa đập mạnh vào mặt chiêng đồng. Các phi công ào vào trong chiếc máy bay, cố tìm cách cất cánh trước khi máy bay bị phá hủy.

Động cơ thứ nhất đã được phát nổ, tiếng động vang đến tận Dominique 2. Trung sĩ nhất Maillard sán lại gần Perrin và Rol :

-   Tớ đánh cược một chai sâm banh là máy bay sẽ bay thoát.

Maillard là một hạ sĩ quan to lớn, khuôn mặt hình tam giác, đôi tai vểnh, giọng nói trầm , cử chỉ vụng về. Diến biến của cuộc chiến tranh đã khiến cho anh từ một lính pháo binh trở thành một lính dù rồi lính bộ lê dương. Anh em gọi Maillard là con “lật đật” vì sự chuyển dịch khó khăn thân hình to lớn của anh trong những hào giao thông. Họ cũng gọi anh là “thầy giáo” vì đã chỉ dẫn cho binh lính trong đơn vị biết cách bắn súng cối thành thạo.

Perrin hỏi lại :

-   Cược bao nhiêu chai sâm banh ?

Maillard bặm môi :

-   Để chờ xem đã …

Rol nói chen :

-   Tớ không đánh cược.

Anh bắt chéo hai ngón tay, theo kiểu Itali, ra hiệu sẽ xảy ra chuyện không tốt lành.

Quả pháo thứ hai nổ giữa hố khoét của quả thứ nhất và chiếc máy bay. Cánh quạt thứ hai đã quay.

Maillard nói to :

-   Thắng rồi !
-   Không !

Quả đạn thứ ba nổ trúng mũi máy bay. Cả hai động cơ đều bị phá hủy. Lính lê dương nhìn thấy rất rõ phi hành đoàn vọt ra ngoài khoang lái, trong đó có một người bị thương, rồi chạy tản mát trong lúc pháo bắn dồn dập như mưa. Chiếc Curtiss lại trúng một quả đạn nữa, nghiêng hẳn đi.

Vẻ mặt rầu rĩ, Rol phát biểu :

-   Mình không muốn nhìn cảnh tượng này.

Cách đây hai ngày, chiếc Packet bị pháo Việt Minh bắn cháy đã gây nên một cảnh tượng hấp dẫn làm chi lính lê dương thỏa mãn sự tò mò. Bây giờ, chiếc Curtiss bị phá hủy lại gây một cảnh tượng đáng buồn như báo hiệu một điềm gở.

Như tất cả binh lính trong tập đoàn cứ điểm, lính lê dương trên cứ điểm Dominique 2 đã có ý thức về bầu không khí chiến tranh đang đến từ hai hôm nay, gây nên một cảm giác nặng nề, một nguy cơ không biết sẽ vụt đến lúc nào. Mặc dù các sĩ quan chưa ai báo cho binh lính biết, cuộc tiến công sẽ xảy ra vào lúc 17 giờ chiều mai, tuy nhiên họ vẫn có cảm giác khẳng định dựa vào nhiều tình tiết cụ thể. Đó là những báo cáo dồn dập qua điện đài, vẻ căng thẳng thần kinh thoáng hiện trên khuôn mặt của các cấp chỉ huy. Một vị chỉ huy vừa từ trung tâm tới thị sát cứ điểm Dominique 2, đã cáu kỉnh một cách vô cớ, và ra lệnh mà không giải thích.

-   Thay ngay các xà gỗ hầm chứa đạn.

Lính lê dương sững sờ uể oải làm theo mệnh lệnh mà không hiểu tại sao phải thay gỗ nóc hầm.

Trung sĩ Rol nói :

-   Lạy Chúa ! Cứ làm ! Gỗ gì rồi cũng gãy. Chẳng cần biết bao giờ sẽ gãy và gãy như thế nào. Chỉ biết, hiện nay một nửa cái chết đã đến rồi.

Cách đó 3 kilômét, trung úy Turpin chỉ huy cụm cứ điểm Beatrice báo cáo về sở chỉ huy :

-   Chúng tôi phải rút một tổ báo động.

Pardi trả lời :

-   Thế là đúng. Vì tổ báo động của đại đội 9 vừa mới bị Việt Minh tiêu diệt gọn.
-   Đề nghị cho biết, có chỉ thị gì mời ?
-   Tiếp tục cảnh giác. Địch sắp tiến công rồi. Những người dân Thái ở bản Him Lam vừa nhận được lời khuyên của cán bộ Việt Minh tạm lánh vào rừng để tránh đạn pháo. Hãy tăng cường cảnh giác lên gấp đôi.

Turpin quay lên đài quan sát. Cho tới giờ phút này, anh đã nhìn thấy rất rõ tận mắt hệ thống chiến hào của Việt Minh, phát triển từng giừo đang vây chặt cụm cứ điẻm Beatrice với hai gọng kìm ở hai mặt Bắc và Nam.

Fels báo cáo :

-   Chúng tôi đã nhìn thấy rõ lính canh của Việt Minh đội mũ nan, gài lá xanh ngụy trang. Nhìn thấy cả lưỡi lê lấp lánh trên đầu mũi súng.

Cuối buổi sáng, thiếu tá Pégot tới kiểm tra các vị trí của đại đội 9 ở Beatrice 1 và đại đội 11 ở Beatrice 3. Ông quay trở về rất yên tâm vì lính lê dương tỏ ra sẵn sàng đón đánh địch.

Từ hai ngày nay, bộ đội Việt Minh không bao giờ xuất hiện trên bãi trống lộ thiên, mà toàn di chuyển trong hào giao thông ngoằn nghèo. Chiến hào Việt Minh như con rắn lượn từ lô cốt này đến lô cốt khác, cả những ụ súng máy có thể bắn xuyên phá những lớp rào dây thép gai và yểm hộ lẫn cho nhau.

Pégot lần lượt đi gặp các hạ sĩ quan chỉ huy các tiểu đội. Họ đang sốt ruột chờ đợi đánh địch, đang tích cực củng cố các vị trí chiến đấu. Mỗi người đang tự đào thêm một hầm cho riêng mình, trong đó dự trữ sẵn nhiều đạn và lựu đạn.

Ngày hôm đó, tất cả mọi việc lao động công dịch đều ngừng. Lính nấu ăn cũng trang bị vũ khí sẵn sàng chiến đấu sau lỗ châu mai. Toàn thể lính lê dương đều ăn nguội.

Sau 16 giờ lại có chuông điện thoại. Turpin nghe thấy tiếng Pardi nói :

-   Nghe lệnh này ! Từ 17 giờ, tất cả đều vào vị trí chiến đấu. Ăn uống tại chỗ.
-   Rõ.

Sau đó, Turpin gọi trợ lý đại đội tới :

-   Cho di tản ngay những người bị thương và không đủ sức chiến đấu.

Năm phút sau, Fels quay trở lại báo cáo :

-   Xe Jeep đã đến đón thương binh. Nhưng, một số người không đủ sức chiến đấu không chịu đi. Họ nói, không bắn được thì làm nhiệm vụ tiếp đạn.

Turpin bước ra ngoài. Có ba lính lê dương bị trúng mảnh đạn pháo hồi sáng đã băng bó chu đáo, phiếu di tản gài trước túi ngực. Đó là Lewraski, Borosfar, Stouff.

-   Tôi đề nghị được ở lại – Stouff nói – Tôi còn có thể làm được một việc gì đó để phục vụ chiến đấu.
-   Được !

Hai người khác phải nằm trên cáng được khiêng ra xe. Chiếc xe Jeep xuống dộc, đi trên con đường mòn giữa Beatrice 2 và Beatrice 3 rồi rẽ phải, ra đường 41, chỉ cách vị trí của địch chưa đầy 100 mét. Nhưng Việt Minh không bắn.

Từ đó trở đi, không còn một cuộc di chuyển nào nữa từ Beatrice về khu Trung tâm Điện Biên Phủ.

Turpin bất giác ngẩng mặt nhìn lên cao. Trời đẹp. Những đám mây xám xịt buổi sáng đã tan hết. Xa xa, về phía Đông, những chiếc máy bay Bearcat đang trút bom xuống tiêu diệt được khẩu pháo Nhật nổi tiếng đã phá hủy chiếc máy bay vận tải cỡ lớn Curiss Commando, làm phía Pháp phải trả một giá đắt.

Đã 17 giờ. Tất cả binh lính lê dương đều sẵn sàng ở vị trí chiến đấu, vội vã mở đồ hộp và uống một ít nước trong bi đông, nhanh chóng kết thúc bữa ăn chiều. Đã có lệnh phải dè sẻn nước uống vì từ lúc này đến tận sáng hôm sau không thể đi ra sông Nậm Rốm lấy nước được. Nhưng lính lê dương đã có thói quen nhịn uống để chiến đấu.

Từ vị trí chỉ huy, thiếu tá Pégot đề nghị báo pháo bắn vào những vị trí địch. 17 giờ 5 phút, pháo binh của Piroth bắt đầu bắn những loạt đạn đầu tiên vào những chiến hào Việt Minh.

Trung úy Turpin nhận xét :

-   Chưa đủ để công phá.

Từ đầu vị trí chiến đấu, trung sĩ nhất Fels báo tin :

-   Địch đã tới mỏm đồi phía Nam. Có cả pháo không giật 75, cối 81, trọng liên.

Turpin báo cáo về Trung tâm :

-   Căn cứ vào những phát hiện của các đại đội, địch có khoảng hai trung đoàn.

Anh làm nhanh bài toán. Hai trung đoàn, có nghĩa là từ năm đến sáu nghìn bộ đội. Chống lại chỉ có chưa đầy 500 lính lê dương. Nhưng lính lê dương được nấp trong chiến hào, súng tự động nhằm sẵn vào các bãi đất trống trải mà nhất định bộ đội Việt Minh phải vượt qua.

Fels nhận xét ;

-   Vả lại, cũng như ở Camerone trước kia, ta ít quân hơn nhiều nhưng vẫn thắng.

Turpin gật đầu nhưng không cười. Anh ghi nhận chiến công Camerone đã thành biểu tượng của lính lê dương. Nhưng đây không phải là Camerone và lại là ngày 13 tháng 3.

Trung sĩ nhất Schweiger báo cáo :

-   Bộ binh địch đang tiến trong chiến hào. Tôi nhìn thấy những bộ đồ màu xanh lá cây, mũ nan cái lá. Nhìn thấy cả lưỡi lê cắm trên đầu súng.

Tại hầm chỉ huy binh đoàn 9, trung tá Gaucher họp với các phó của mình là Martinelli, phó trực tiếp, Vadot, chỉ huy cụm Claudine; Brinon chỉ huy tiểu đoàn 1; trung úy Bretteville trưởng ban tham mưu, trung úy Bailly trưởng ban quân báo, Gaucher cười, nói giễu :

-   Đã 17 giờ 5 phút rồi. Ông Castries lại nhầm !

Vedot nhấc ống nghe :

-   Pégot báo cáo, địch đang tiến về Beatrice 1 và 3, tức là các cứ điểm của đại đội 9 và đại đội 11. Chắc chắn là địch tiến đánh rồi.

Gaucher không cười được nữa :

-   Vadot ! Đề nghị pháo bắn !

Piroth trả lời :

- Tôi sẽ làm mọi việc cần thiết.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #16 vào lúc: 28 Tháng Giêng, 2008, 02:04:17 pm »

BÃO LỬA

17 giờ 15 ngày 15 tháng 3 năm 1954

Perrin ngồi trực bên máy điện thoại. Anh lật giở từng trang một cuốn tạp chí cũ rích, xuất bản từ một năm trước, có bài nói về lễ tấn phong nữ hoàng Anh. Anh rất buồn vì phải ngồi bó giò trong lô cốt chỉ được soi sáng qua khe cửa như một cái lỗ ở vách hầm.

Chiếc máy điện thoại bọc da vẫn im lặng.

Perrin ngáp dài, thò tay vào túi áo trận định tìm một điếu thuốc lá, nhưng đột nhiên dừng lại. Chuông điện thoại vừa reo.

Perrin áp ống nghe vào tai, nhận rõ tiếng nói của trung uý Lépinay ở sở chỉ huy pháo binh :

-   Zoulou Kilo 50 đấy à ? Zoulou Kilo đây. Bắn ngay vào điểm 321 Beatrice . 8 viên một phút.

Zoulou Kilo 50 là mật danh của trung đội cối thuộc tiểu đoàn dù. Zoulou Kilo là sở chỉ huy pháo binh. Perrin nhắc lại mệnh lệnh vừa nghe rồi vọt ra ngoài, hô to :

-   Tất cả vào vị trí chiến đấu !

Lúc đó là 17 giờ 18 phút và cũng là lúc mà cổng địa ngục mở toang. Hình như tất cả các khẩu pháo của sư đoàn 351 Việt Minh đều đông loạt bắn phá. Từ nhiều tuần nay, các đái quan sát của Việt Minh đã nghiên cứu tất cả các mục tiêu, chứng cở là khẩu pháo Nhật đã thực tế là khẩu pháo bắn dọn đường cho các cỡ pháo khác. Chỉ một loáng, toàn bộ Điện Biên Phủ đã như tan hoang dưới làn đạn pháo, nhất là các hầm chỉ huy rất dễ nhận thất từ xa do cắm nhiều dây ăng-ten trên nóc. Những ụ pháo lộ thiên cũng bị nhằm bắn, các pháo thủ đứng cạnh đều bị thương vong.

Trận bắn pháo mạnh tới mức làm nhiều người choáng váng. Trong những hầm hồ chỉ được phủ bằng lớp đất mỏng, lính bộ binh khiếp sợ ngồi nép vào nhau.

Tại vị trí súng cối đặt ở sườn Dominique 2, cánh tượng này xuất hiện chỉ sau nửa phút. Việt Minh chỉ bắn vài phát đạn, chính xác một cách kỳ lạ, đã làm tan rã các thiết bị phản pháo chuẩn bị công phu hàng tuần. Những quả đạn pháo 105 dày đặc và khủng khiếp từ khắp mọi ngả bắn tới đã làm cho nắp hầm bị sụt, vách hầm sạt lở, những ụ pháo biến thành cạm bẫy.

Pháo binh địch có vận may. Đối với khu vực chật hẹp tại phân khu Trung tâm, các ụ pháo, cối xen kẽ với các hầm đạn và các vị trí chỉ huy, pháo địch bắn vào chỗ nào cũng có hiệu quả. Loạt đạn pháo đầu tiên đã nổ giữa một đám đông lính lê dương, làm chết ngay khẩu đội trưởng, gây thương vong cho cả người bắn lẫn người tiếp đạn là hạ sĩ Drescher và các binh  nhì lê dương Zaplotny, Kanderski, Runde, Schoch ( Nếu lịch sử cuộc chiến ở Điện Biên Phủ được ghi nhận bắt đầu từ 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954 thì đây là những người chết trận đầu tiên).

Ngay sau khi Perrin ra lệnh, tất cả binh lính lê dương đều lập tức đứng vào các vị trí chiến đấu. Tất cẩ các khẩu đội trưởng đều  biết rõ các tọa độ của Beatrice 321. Họ chỉnh hướng bắn cho các khẩu súng cối, rồi chỉnh độ cao và bắt đầu phản pháo như đã từng được tập luyện thành thạo. Pháo cối của Pháp bắn trả Việt Minh tạo nên một cơn thác lũ lửa đạn không một phút giảm bớt mặc dù cũng không ngừng bị thiệt hại. Khẩu đội nào cũng có thương vong. Dưới lớp đạn nổ không ngưng, đất dưới chân cứ điểm như chồm lên, vỡ tan rồi phủ kín đỉnh đồi Dominique 2 một đám mây dày đặc bụi màu vàng và khói màu đen.

Bỗng đột nhiên một quả đạn pháo Việt Minh như một trái ngư lôi nổ chậm, xuyên qua nóc hầm, lọt vào giữa đống đạn cối rồi mới nổ. Có 5000 quả đạn đang chứa trong hầm, tức là một phần tư số đạn cối của cứ điểm.

Sóng chấn động mạnh như động đất lớn. Đỉnh đồi vỡ ra như một quả trứng gà, để lộ một vực sâu, rộng hàng chục mét. Anh lính Pfenning đứng trong hầm đạn, tan vụn không còn xác. Nhiều hầm bên cạnh cũng bị sức nổ tàn phá dưới lớp đất. Chỉ trong vòng năm phút, một nửa số quân của trung đội súng cối đã bị loại khỏi vòng chiến.

Trung đội trưởng báo cáo tình hình về sở chỉ huy đại đội. Tay quay của máy điện thoại như bị bật chốt. Tất cả các tuyến dây điện thoại đều bị đứt.

Perrin giơ cao một nắm dây điện thoại, lệnh cho Fattori đi nối lại.

Fattori ra khỏi hầm, đội mũ sắt, kéo dây quai xuống cằm, làm mọi động tác một cách cẩn thận, chậm chạp, chờ pháo ngớt bắn để vọt ra khoảng trống giữa cơn bão đạn. Perrin sốt ruột :

-   Nhanh lên ! Lát nữa hãy trang điểm !

Bergot nói theo :

-   Nhưng, cẩn thận tránh đạn !

Perrin nhún vai :

-   Tôi đã có kinh nghiệm. Không bao giờ hai quả đạn pháo rơi đúng một lỗ. Chính thức đấy !

Rồi anh vọt ra ngoài hầm. Fattori chạy theo sau, mang theo máy điện thoại để kiểm tra đường dây.

Đêm đã ập xuống. Sau mỗi tia lửa đạn, bóng tối càng thêm dày đặc trong lớp khói đen. Thỉnh thoảng tiếng hét ra lệnh của trung sĩ nhất Maillard vẫn vang vọng tới chỗ hai người rảo bước.

Hai khẩu cối đã bị phá hủy, vẫn giơ nòng lên trời một cách vô ích. Perrin chạy như phi ngựa, nhảy từ hố này sang hố khác, giơ tay vẫy gọi, Fattori đi sau cứ nghe thấy tiếng pháo dù nổ ở xa cũng nằm lăn ra đất.

Perrin đã ngồi sụp xuống, lấy tan lần mò đường dây điện thoại để tìm chỗ đứt :

-   A ! Tìm thấy rồi ! Đây này ..

Hai người đã đến đầu đoạn hào, nơi sợi dây bị đạn cắt đứt ở trên mặt đất, cùng ngồi trên  bãi trống sườn đồi Dominique, nơi đạn pháo vẫn đang trút xuống như mưa.

-   Đưa máy đây ! Tôi kiểm tra xem hai đầu dây đã nối với nhau chưa.

Máy đã chạy. Đầu bên này, Perrin nghe rõ sở chỉ huy pháo binh. Đầu bên kia, cũng nghe rõ tiếng của trung đội cối của mình.

-   Tốt . Bây giờ bắt đầu nối dây. Cậu có mang đèn pin không ?

Fattori cười trong bóng tối, cảm thấy mình như một y tá giúp việc bác sĩ giải phẫu, lục tìm trong túi lấy ra một chiếc đèn pin bấm đưa cho Perrin. Từ phía tay phải vang lên tiếng thét cảu trung sĩ nhất Maillard :

-   Tắt đèn ! Đồ ngu ! Chúng mày làm lộ chúng tao rồi !

Perrin cười đáp lại chỉ huy :

-   Thưa sếp, các anh bị lộ thì chúng em là những người bị lộ trước.

Như để chứng minh lời nói của Perrin, một loạt tiếng đạn cối nổ đầu nòng kéo theo những vệt lửa dài bắn về phía họ. Fattori kêu :

-   Nhanh lên ! Việt Minh bắn đấy.

Perrin trả lời :

-   Được . Sắp xong rồi.

Một tiếng gầm như sấm vang lên từ xa. Tiếng sấm này dội lại gần, vang vọng khắp thung lũng, ngày càng rền vang, làm đau nhói lỗ tai, gây căng thẳng mỗi lúc một tăng, cho tới khi ập xuống đất như một chiếc đầu xe lửa đâm vào ga. Màng nhĩ như bị chọc thủng, đầu óc như bị gõ mạnh, toàn thân như bị chấn động đến tận xương tủy.

-   Nằm xuống!

Fattori như bị dính chặt vào bờ chiến hào, gần như bất động, không thể có được một cử chỉ nào. Anh không hiểu Perrin nói gì. Nhưng tiếng thét của Perrin bất giác đã làm cho Fattori bừng tỉnh, nhảy vọt sang một cái hố bên cạnh.

Tiếng sấm rền đã im bặt khi những trái đạn pháo rơi xuống đất. Thoạt đầu là một sự rung chuyển chấn động có cảm giác như một làn sóng bò dưới bụng. Rồi một tiếng động như cây to bị đổ. Fattori nhắm nghiền mắt, giơ tay nắm chặt lấy mũ theo một phản xạ tự nhiên, miệng há hốc vì khiếp sợ, bụng đau quặn, có cảm giác mơ hồ như đang phiêu bạt trong không gian, giống như một con chim bị bão.

Cơn ác mộng này kéo dài bao lâu ? Chắc chắn không quá một giây, nhưng Fattori có cảm giác như kéo dài một thế kỷ.

Có một tiếng rú như một con vật sắp chết vang lên rồi chuyển thành một tiếng thở dồn dập. Fattori đã nhận ra đó là tiếng rên của trung sĩ trưởng. Anh gọi :

-   Perri ơi ! Hình như Maillard bị thương.

Fattori đã trở lại với thực tại. Dù chưa thật hiểu rõ cái gì đã xảy ra, nhưng cơn sợ hãi đã bị cắt đứt. Anh đứng phắt dậy, nhảy bổ về vị trí chỉ huy của trung đội. Đúng là Maillard rồi. Trung sĩ trưởng đứng dựa vào thành chiến hào do vướng các cọc chắn nên không ngã gục. Một mảnh đạn pháo đã phạt ngang sọ Maillard, tiếng kêu rú vừa rồi chỉ là phản xạ tự nhiên và cuối cùng thoát ra từ phổi.

Fattori nhìn Maillard chằm chằm như vừa mới khám phá ra một hiện tượng quái lạ. Sự kinh ngạc đã vượt quá nỗi khiếp sợ. Anh nói to như không phải là mình nói :

-   Perrin ơi ! Sếp chết rồi !

Không có tiếng trả lời. Fattori vụt trở lại sự kinh hoàng. Bất chấp đạn pháo vẫn nổ từ những khoảng cách khác nhau, Fattori trườn ra khỏi chỗ đứng của Maillard, băng qua bãi đất trống, quay trở lại chỗ vừa nối dây điện thoại với Perrin. Anh nhìn thấy bóng người nằm trên mặt đất. Vòm trời trong cơn bão lửa đủ sáng để nhận ra người bạn đã chết. Perrin nằm bất động nhưng trong một tư thế rất tự nhiên : đầu ngoẹo về một phía, hai cánh tay úp vào người, một bàn tay hãy còn nắm chùm dây điện thoại,

-   Perrin ơi ! Đừng vờ nữa …

Đây chỉ là một câu mời cháo thật vô lý đáng buồn cười mà chính Fattori cũng nhận rõ như vậy. Nhưng Fattori vẫn lẩm bẩm nói, như ngỡ rằng mấy câu này có thể nối lại mạng sống cho bạn. Nhưng ngay lập tức, Fattori nhận thấy không thể làm gì được nữa. Chỉ vài giây thôi cũng đủ để Fattori nhận thức rõ như vậy. Anh ngồi xổm, ngắm nhìn Perrin. Vẻ mặt anh đang nhìn, không phải là một bộ mặt đen thui, miệng đầy đất, cặp mắt trắng dã, con ngươi tụt sâu vào hố mắt. Ngược lại, Fattori hình dung thấy một gương mặt lúc nhạo báng, lúc cáu kỉnh, thân thuộc của người bạn thần kinh thường hay căng thẳng. Anh như đang nghe lại tiếng hô của Perrin lúc nãy :

-   Andrea, nằm xuống !

Đây là lần đầu tiên, Perrin gọi Fattori bằng tên nhỏ. Có lẽ, biết rằng mình sắp chết, Perrin biểu lộ tinh thần với bạn chăng ? Fattori không bao giờ biết được. Điều anh vừa mới khám phá thuộc một lĩnh vực khác. Bên cạnh những lúc ghét bỏ viên hạ sĩ của mình, còn có một tình anh em vững vàng khó hiểu. Cho đến bây giờ Fattori mới biết mình đã mất hết tất cả dù chẳng bao giờ cảm thấy giàu có. Đối với Fattori, việc Perrin bị chết cũng đau đớn như anh bị mất một phần cơ thể.

Fattori chợt nhận ra đường dây điện thoại lại vừa mới bị đứt. Anh nối lại rất nhanh y như Perrin thường làm. Rồi anh vác Perrin lên vai bước từng bước về vị trí chỉ huy trung đội, vừa đi vừa nói với Perrin :

-   Cậu đừng giận. Chúng mình đi có đôi, trở về cũng có đôi.

Khi trung đội trưởng nhìn thấy Fattori bước vào hầm, ông không sao nhận ra được. Dưới lớp bụi đất vàng đậm, gương mặt Fattori với cặp mắt và đôi gò má sâu hõm, như già đi hàng chục tuổi. Nhất là cái nhìn của Fattori đờ đẫn như mắt ma. Còn giọng nói thì hoàn toàn thay đổi : khô hơn, chắc nịch hơn, y hệt giọng nói của Perrin :

-   Báo cáo trung úy, đã nối xong đường dây.

Rồi Fattori ngồi sụp xuống đất, hai bàn tay mở rộng đặt lên đùi, y như một bức tượng đá.

-   Xin báo cáo thêm : Perrin đã chết.

Tiếng nói như vỡ ra. Cằm rung lên. Fattori ngã vật xuống, tay ôm lấy mặt, khóc nức nở.

Biết nói gì với người lính này bây giờ ? Phải làm gì ? Trong lúc bối rối như thế này, cách đối xử duy nhất thường phải áp dụng là giáng cho một cái tát. Nhưng trung úy không giải quyết như vậy. Ai nỡ tát một người đã như bị cụt một cánh tay, có một vết thương trong lòng. Trung úy gọi y tá :

-   Donovan, lấy cho Fattori một cốc rượu Rhum.

Pháo vẫn tiếp tục bắn, cho tới lúc này đã kéo dài bốn tiếng đồng hồ. Trong trung đội súng cối, danh sách bị thương vong mỗi phút một thêm kéo dài, trong đó có trung sĩ trưởng Maillard, trung sĩ Soo, hạ sĩ Drescher, ba người bị thương nặng. Những người bị thương nằm chật hầm. Số súng cối còn có thể sử dụng được cũng mỗi lúc một giảm bớt.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2008, 10:54:46 am »

TRẬN BEATRICE
13 tháng 3 năm 1954

Pháo chuẩn bị tiến công của Việt Minh bắn vào Beatrice lúc 17 giờ 15 phút, kéo dài suốt hai giờ. Lính lê dương không còn gì để mô tả ngoài từ “hỏa ngục”. Nhưng danh từ này vẫn chưa đủ mức nói hết. Bởi vì khi nói đến hỏa ngục, người ta chỉ hình dung đó là vương quốc của lửa và của niềm thất vọng, chưa nghĩ đến tiếng động. Thế nhưng, chính tiếng động mới là nguyên cớ nảy sinh sự khiếp hãi. Tiếng động gây ra bởi những tiếng nổ trút xuống cụm cứ điểm Beatrice như thác lũ, kéo dài không ngừng, không nghỉ, chất đầy trong lỗ tai và tràn ngập mọi cảm giác. Chỉ biết ngồi im không động đậy. Bắp thịt nhão ra, cặp mắt nhắm lại, ý nghĩ trống rỗng. Không còn chỗ để nghĩ ngợi mông lung lộn xộn nữa. Chỉ nhìn thấy những gương mặt nhăn nhúm, cặp mắt đờ đẫn, mồm miệng méo mõ.

Những lính lê dương thuộc đại đội 9 và đại đội 11 trực diện với những đợt sóng tiến công của địch ở mặt Đông Bắc và Đông Nam, ngồi trong hầm hố phải chịu đựng cuộc bắn phá mà không làm gì để đối phó được.

Những quả đạn pháo rơi dồn dập gây ra những tiếng nổ rền, tiếng này tiếp theo hàng trăm tiếng khác như tiếng đầu máy xe lửa đang phóng quá nhanh. Đất tung lên rồi cát, sỏi, đá lại rơi xuống, bụi bay mù mịt bốc cao hơn. Không còn nhìn thấy gì nữa. Vả lại quang cảnh cũng đã hoàn toàn thay đổi. Gò đống biến thành hố. Hầm hố biến thành gò đống. Cả người lẫn vũ khí đều  bị chôn vùi.

Tiếp theo pháo 105 là những khẩu 75 và 57 bắn trực tiếp từ những khoảng cách xuất phát tiến công. Việt Minh tuần tự nhằm vào các lô cốt, các ụ súng máy, các hầm chỉ huy có cắm ăng-ten để hủy diệt bằng pháo bắn thẳng.

Điều khó chịu nhất là lính lê dương không có được một giây nào để thở một chút, nghỉ một tý, nhìn nhau một cái. Họ đành chịu đựng, ngây dại, đờ đẫn, ngạc nhiên vì thấy hãy còn sống. Thỉnh thỏang họ lại nhìn thấy ở ngay bên bên cạnh người bạn thân nhất, hoặc người chỉ huy trực tiếp, bị tan biến không còn gì sau một quả đạn pháo. Hoặc, khiếp hãi hơn nữa là thấy có người không bị một vết thương nào cũng đã bị chết, trên mặt còn ghi lại một nét ngạc nhiên.

Chỉ riêng các chỉ huy trung đội là vẫn còn có thể hoạt động được. Họ chạy từ chiến hào này sang chiến hào khác, lay động người này, cổ vũ người kia, hối hả tổ chức lại những vị trí đã bị bỏ trống. Những anh lính trẻ bám chặt lấy người chỉ huy như con nít lạc mẹ. Các trung đội trưởng đành phải tỏ ra thô bạo vì hiểu rằng một nụ cười, một lời nói thương yêu trong lúc này càng làm giảm sút ý chí chiến đấu :

-   Câm mồm đi ! Chú ý bảo vệ vũ khí !
-   Giữ sức để chiến đấu !
-   Đừng khóc nữa. Nín ngay !

Các đường dây điện thoại đều bị đứt hoặc mềm nhão như những sợi bún. Ngay cả loại W130 cũng không chịu nổi đạn pháo 105. Phải dùng máy vô tuyến, với điều kiện những thiết bị này chưa bị phá hủy hoặc không bị vùi lấp. Lại phải dùng tiếng lóng, mật danh, mật hiệu để nói chuyện vì sợ địch theo dõi trên cùng một tần số. Chính vì vậy, những câu đàm thoại có vẻ khôi hài, không thực tế :

-   Schweiger ! Tình hình trong nhà thế nào ?

Trung đội trưởng trung đội 1 ở ngay bên cạnh nhưng qua điện đài, tiếng nói như vang lại từ xa lại bị đứt quãng vì những tiếng nổ :

-   Đang chuẩn bị va-li quần áo ! Đi pích-ních, chán lắm ! Cái lều đã đổ sụp, ập xuống con chó.

Có nghĩa là : trung đội 1 đang bị pháo bắn. Không có gì bảo vệ. Hầm bị sụp.

Trận bắn pháo chuẩn bị tiến công kéo dài suốt hai giờ. Bụi bay rất cao, che khuất ánh mặt trời lặn tạo nên một cảnh hoàng hôn quái gở. Mọi người có cảm giác sợ hãi vì bị cô đơn trong hầm hào hoặc trong hố cá nhân.

Cách đó vài mét ở trên cao, trung úy Turpin ngồi trong hầm chỉ huy đặt trên đỉnh Beatrice 3 cố gọi điện về sở chỉ huy tiểu đoàn chỉ cách đó chưa đầy 200 mét về phía Tây. Máy điện thoại không trả lời. Qua điện đài vô tuyến, Turpin đề nghị cối 81 đặt ở mỏm núi phía Nam bắn yểm trợ. Nhưng cối 81  của Pháp chưa kịp bắn thì cối 120 của Việt Minh đã lại bắn tiếp một đợt mới. Đến lượt những hầm cuối cùng của Beatrice 3 còn đứng vững từ đầu cuộc chiến, nay lần lượt sụp đổ.

Tuy nhiên, các đại đội đã dần dần kháng cự. Hình như, đây cũng là một thói quen, một phản xạ tự nhiên, dù pháo địch bắn vẫn cứ phải chống lại. Các khẩu trọng liên của đại đội 9 ở mặt Bắc, cũng như trọng liên ở mặt Nam đồng loạt nổ súng :

-   Keil đây ! Chỗ tôi có nhiều người bị thương.

Trung đội 2 trấn giữ mặt Đông Bắc Beatrice 3 vừa bị một loạt đạn làm thương vong một nửa quân số. Trung úy Turpin lập tức cử đến một y tá đến giúp đỡ. Sau đó, ông bất giác nhìn đồng hồ đeo tay,, thấy kim chỉ đúng 6 giờ tối. Turpin tự hỏi có ngủ mê không. Chẳng lẽ mới chỉ 18 giờ, trong khi pháo địch đã bắn rất lâu, lâu lắm.

-   Stouff, gọi ban chỉ huy tiểu đoàn.

Người phụ trách điện đài đã bị thương , vừa mới tự băng bó xong, gương mặt vẫn còn máy, vội vã bật nút bấm và nói :

-   Báo cáo ! Đã liên lạc được !

Turpin cúi xuống cầm máy nói. Chợt anh cảm thấy như bị một cú đấm rất mạnh, đồng thời thấy một luồng ánh sáng chói lọi làm lóa mắt và một tiếng nổ dữ dội. Có một cơn lốc nào đó quét Turpin khỏi mặt đất, đập anh vào thành lô cốt đã đổ nát một phần, đầu anh vấp mạnh vào xà gỗ , miệng đầy bụi và khói. Rồi một bóng đen úp chụp xuống lấy anh, Turpin cảm thấy như đang bị rơi xuống vực sâu không đáy.

Cách đó 200 mét, trên điểm cao đặt sở chỉ huy tiểu đoàn, tiếng nổ từ Turpin vang mạnh vào máy nói, đập mạnh vào màng nhĩ đại úy tiểu đoàn phó Pardi đang úp ống nghe vào tai. Có lẽ đây là tiếng động cuối cùng mà Pardi nghe được. Bởi vì gần như cùng một lúc với quả đạn đã rơi xuống qua nóc hầm Pardi, một quả đạn khác xuyên qua ngay tại chỗ. Bên cạnh Pardi, thiếu tá Pégot cũng nằm gục , hấp hối. Tiểu đoàn 3 bán lữ đoàn lê dương số 13 như rắn mất đầu vì toàn  ban chỉ huy đều tử trận.

Chỉ còn mỗi một điện đài nối liền từ ban chỉ huy binh đoàn 9 của trung tá Gaucher với cụm cứ điểm Beatrice là còn hoạt động được. Điệp báo viên lo ngại nhắc đi nhắc lại :

-   Beatrice, Beatrice, trả lời đi ! Chuyện gì đã xảy ra ?

Nhưng không thấy ai trả lời.

Một lát sau mới nghe có tiếng nói của một người lính lê dương mà chắc chắn không phải là người Pháp vì nói tiếng Pháp rất dở, cũng không biết họ tên là gì, trả lời qua ống nói :

-   Beatrice đây ! Chết hết cả rồi !

Rồi im bặt. Liệu người lính lê dương này có bị thương không ? Không ai rõ. Liệu anh ta có bị chết trong khi đang nói không ? Không ai biết ! Hay là anh chỉ nói được có thể và đã trở lại vị trí chiến đấu của mình ?

Trong hầm chỉ huy của binh đoàn 9, máy phát tiếp tục kêu ra rả :

-   Alô ! Alô ! Beatrice ! Beatrice nghe rõ không ?

Trong khi đó, tại Beatrice, trung úy Turpin không rõ là mình đã làm thế nào để dậy được dưới lớp đất và xà gỗ đè lên người. Bên cạnh Turpin là trung sĩ Rosier chỉ huy trung đội 4 đang cố cầm máu tuôn ra như suối từ nhiều vết thương :

-   Ông có làm sao không, trung úy ?
-   Không. Vẫn bình thường. Hãy chú ý tới những người khác.
-   Ai ?
-   Kessler và Stouff. Họ cùng ở trong hầm của mình.

Rosier dìu trung úy Turpin tới một hàm ếch khoét vào vách hào rồi gọi người đi tìm những người đang còn bị vùi trong hầm chỉ huy.

Fels bước vào.

Turpin nói :

-   Cậu chỉ huy đại đội. Cố giữ vững.

Fels tuân lệnh, bước ra ngoài, đi từ chiến hào này sang chiến hào khác gọi lính. Đại đội 11 không còn một sĩ quan nào nữa.

Ở các vị trí khác, tình hình cũng tương tự tuy các chi tiết cụ thể không giống nhau. Tại đại đội 9 ở Beatrice 1, trung úy Carriere bị chết bở một loạt đạn trọng liên ; trung sĩ Kubiak thay quyền chỉ huy số binh lính còn lại. Toàn đơn vị cũng không còn một sĩ quan nào nữa. Đây là thời điểm rất cần có người chỉ huy vì chỉ vài phút nữa là bộ binh Việt Minh xông lên tiến công. Lúc này mới 7 giờ tối.

Mặc dù bị vỡ khuỷu tay và có thêm một vết thương ở trán, trung úy Turpin vẫn cố giữ vững sự chỉ huy. Anh đi đến trung đội 2 là đơn vị lúc này chưa bị thiệt hại nặng lắm, rồi tới trung đội 4 là trung đội tuy có một số xáo trộn nhưng đã lại chiếm lĩnh được các vị trí chiến đấu. Chợt một bóng người xuất hiện trước mặt Turpin, quần áo rách nát, đầu tóc bết bùn đất, nét mặt biến dạng :

-   Báo cáo trung úy, tôi, Kesseker đây !

Turpin trợn tròn mắt. Anh lính cần vụ đã chui ra khỏi đống đổ nát của hầm chỉ huy ? Nhưng bằng cách nào ? Dù sao anh ta cũng không có vẻ bị thương nặng.

Lại một quả đạn pháo nữa rơi xuống bờ chiến hào. Turpin lại bị thương. Anh ngã xuống. Rồi lại vùng dậy, hai mắt không nhìn thấy gì. Mảnh đạn đã trúng vào mắt Turpin.

-   Báo cáo trung úy ! Việt Minh …

Tiếng pháo bắn chuẩn bị đã ngưng bặt. Bây giờ là những tiếng hô xung phong của bộ binh địch đang tiến qua bãi trống của Beatriec. Lúc này là 19 giờ 15 phút.

Những lính lê dương còn khả năng chiến đấu lập tức bắn đạn qua lỗ châu mai, tiếng trọng liên xen kẽ với tiếng tiểu liên và súng trường. Vài quả lựu đạn nổ. Tiếng người kêu.

-   Xung phong ! Tiến lên !

Trả lời tiếng hô của Việt Minh là những tiếng kêu bằng các ngôn ngữ : Pháp, Đức, Itali …

-   Báo cáo trung úy ! Đại đội 9 hỏi : liệu có quân tiếp viện không ?

Turpin cũng không biết rõ. Anh hoài nghi. Ai có thể đến cứu Beatrice được, dưới làn đạn như thế này ? Anh ra lệnh trả lời qua vô tuyến :

-   Chúng ta cố giữ vững !


Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2008, 10:56:32 am »

Những đợt tấn công của Việt Minh đã diễn ra trong lớp rào dây kẽm gai đã bị pháo bắn. Những lính « cảm tử » Việt Minh đẩy những chiếc sào dài buộc thuốc nổ, bò sát người qua những đoạn rào kẽm gai chưa bị pháo phá trụi. Những tổ xung kích Việt Minh xông vào một lô cốt phòng ngự ở mặt phía Đông cứ điểm. Lô-cốt này do trung sĩ Bartoli chỉ huy, có súng máy và trọng liên 30. Có cả một trung đội súng cối được bố trí trong những chiến hào lân cận. Hỏa lực đã ngăn chặn được bước tiến của Việt Minh.

Nhưng đột nhiên, một loạt đạn pháo 105 lại bắn tới, hủy diệt tất cả những gì còn lại ở lô-cốt và các ụ súng gần đó. Trung sĩ Fels kêu lên :

-   « Chúng nó » lại giã pháo !

Nhưng, trung úy Turpin có cảm giác đây không phải là pháo Việt Minh mà chính là pháo của Pháp từ phân khu Trung tâm bắn tới yểm trợ. Như để xác minh ý nghĩ của Turpin, có tiếng nói từ điện đài đại đội 9 vang tới :

-   Pháo bắn xa hơn một trăm mét nữa !

Turpin choáng váng cả người. Anh bảo điện báo viên :

-   Seguin ! Cậu nói với trung tâm ! Pháo bắn vào chúng ta rồi !

Nhưng điện đài đã bị hỏng. Liên lạc trực tiếp với tiểu đoàn cũng không được, còn nói gì đến chuyện bắt liên lạc với ban chỉ huy binh đoàn của Gaucher.

Turpin lại ra lệnh :

-   Fels, cậu chạy đi kiểm tra tình hình trung đội Schweiger và trung đội Aubertin !

Trợ lý đại đội chạy ra ngoài. Vài phút sau anh quay  lại, không còn nhận được đó là Fels nữa. Áo rách bươm, hai cánh tay đầy máu, mặt lỗ chỗ những mảnh đạn :

-   Báo cáo trung úy . Cả trung đội 1 lẫn trung đội 3 đều đã bị tiêu diệt hết !

Turpin không nói gì. Đêm đã xuống. Đại đội trưởng tự hỏi, làm thế nào mà cụm cứ điểm vẫn chưa bị mất dưới thác lũ của đạn pháo và những làn sóng tiến công liên tiếp không ngừng của bộ binh địch ? Vẫn còn hi vọng ngăn chặn được làn sóng thủy triều xung phong của địch. Dọc sườn núi, ở phía trước những lớp rào dây kẽm gai đã bố trí mìn và thùng đựng xăng khô napalm. Nút bấm đặt ngay trong hầm chỉ huy của Turpin.

-   Seguin ! Cậu chạy vào hầm chỉ huy, cố tìm bảng điện và bấm nút cho nổ tung tất cả lên !

Seguin nằm rạp xuống, bò sát đất về phía hầm chỉ huy nhưng rồi không thấy quay lại nữa.

Tiếng súng địch có vẻ yếu dần. Việt Minh đã chuyển làn đạn sang phía Tây, bắn vào rãnh ngăn cách đại đội 11 với vị trí chỉ huy tiểu đoàn. Turpin tranh thủ thời gian tạm yên ắng này để cho kiểm điểm quân số từng trung đội.

Trung sĩ nhất Fels  báo cáo :

-   Tất cả còn khoảng gần 25 người có khả năng chiến đấu, thuộc trung đội 2 và trung đội 4.

Anh lau mặt rồi nói thêm :

-   Tôi  nghe thấy những tiếng thét to từ đồi ban chỉ huy tiểu đoàn vọng tới, ra lệnh cho đại đội ta rời vị trí, tiến về chỗ đại đội 10.

Turpin nhăn mặt. Vị trí của đại đội 10 chỉ cách chỗ ông ngồi có 100 mét teo đường chim bay. Nhưng mà phải di chuyển dưới làn đạn địch, trước hết phải xuống dốc, vượt qua đáy thung lũng rồi lại leo lên sườn đồi, đối diện với pháo địch. Tuy nhiên, không còn cách nào khác. Nếu tất cả những đơn vị còn lại tập trung ở quả đồi thứ ba của đại đội 10 thì cuộc kháng cự sẽ có hiệu quả hơn là phân tán như hiện nay.

Fels được lệnh đi đầu với tất cả những người còn lại của trung đội 2. Những  người còn khỏe mạnh của trung đội 4 mang theo thương binh có thể mang được. Turpin đi sau cùng với trung sĩ Rosier và anh lính công vụ Kessler. Lúc này là 8 giờ 30 phút tối.

Đối với Turpin, leo núi là cả một cực hình. Được nửa đường, anh buộc phải nghỉ vì những vết thương đau nhức nhối. Nhưng anh vẫn cố lê tới đích. Cuối cùng, những binh lính còn sống sót của đại đội 11 đã sát cánh bên cạnh đồng đội thuộc đại đội 10 và đại đội trực thuộc ban chỉ huy tiểu đoàn. Turpin cho người dẫn anh đến ban chỉ huy. Cho tới lúc này Turpin mới biết, cả thiếu tá tiểu đoàn trưởng Pégot và đại úy tiểu đoàn phó Pardi đều đã tử trận.

Nhưng, thảm họa còn lớn hơn nhiều. Cách đó bốn kilômét, tai họa cũng ập đến.

Sau khi tất cả mọi liên lạc với tiểu đoàn 3 và ban chỉ huy binh đoàn 9 đều bị đứt, trung tá Gaucher đã triệu tập ban tham mưu tới hầm chỉ huy của binh đoàn, gồm có : phó chỉ huy, thiếu tá Martinelli; thiếu tá Vadot chỉ huy phân khu Trung tâm; thiếu tá Brinon, chỉ huy tiểu đoàn 1; trung úy Bailly trưởng ban tác chiến; trung úy Bretteville, trưởng ban quân báo, nêu câu hỏi :

-   Làm thế nào để cứu vện cho Beatrice ?

Hầm của trung tá Gaucher nhỏ. Để có thể chứa nổi tất cả số sĩ quan này, thiếu tá Vadot đã phải cúi khom lưng ngồi trên chiếc giường kê ở vách hầm. Bên kia hầm là nơi làm việc của Guenzi, phụ trách điện đài của tiểu đoàn 1 và Van Fleteren, thư ký Ban 2. Cả hai nhân viên này đều biết rõ tình hình nghiêm trọng. Nhưng cả hai đều tin tưởng vào người chỉ huy trưởng. Cũng như họ, tất cả binh sĩ lê dương đều biết Gaucher là một sĩ quan lê dương kỳ cựu và đã ở Đông Dương lâu năm.

Guenzi có nhiệm vụ phải bắt được thường xuyên các làn sóng truyền từ tiểu đoàn 3. Van Fleteren có nhiệm vụ tổng hợp các tin tình báo quân sự thu lượm được.

Bên kia vách hầm , trung tá Gaucher nghiên cứu các bức điện vừa nhận được. Tất cả đều lộn xộn, đứt đoạn, đôi khi trái ngược nhau. Dù sao, ông cũng đã biết toàn ban chỉ huy tiều đoàn 3 đã bị tiêu diệt từ 6 tiếng đồng hồ rồi. Ông cũng biết, trung úy Carriere chỉ huy đại đội 9 đã bị bắn chết trên đồi Beatrice 2 và trung úy Turpin đang bị thương nặng. Ông nói :

-   Không thể đảm bảo phòng thủ qua mạng lưới thông tin được. Phải chỉ định một sĩ quan tới Beatrice để chỉ huy. Tôi đề nghị …

Ông không kịp nói hết câu. Một quả đạn pháo đã xuyên qua nóc hầm rơi xuống chiếc bàn gỗ của ông đang ngồi và phát nổ. Cùng lúc đó, đèn điện vụt tắt. Trong đêm tối, Van Fleteren mò mẫm vén tấm vải bạt ngăn đôi gian hầm rồi bấm đèn pin quan sát chung quanh. Trong đám khói và bụi anh nhìn thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Trung tá nằm dưới đống bàn ghế nát vụn, chân tay cụt hết, bộ mặt hoàn toàn biến dạng. Nằm bên cạnh ông là trung úy Bailly bị văng mất đầu và trung úy Bretteville bị vỡ tan ngực. Chỉ riêng thiếu tá Vadot còn sống sót nhờ ngồi thụt một chút vào phía trong, nhưng ngực cũng bị dính một số mảnh đạn nhỏ.

Van Fleteren quỳ xuống bên cạnh chỉ huy trưởng. Trung tá vẫn còn thoi thóp. Ông mở to mắt khi bị đèn pin chiếu vào mặt, cố sức nói lắp bắp :

-   Lau miệng … và .. cho tôi uống.

Chưa đầy mười lăm phút sau, trung tá Gaucher tắt thở trên bàn mổ.

Đây là một tin đau đớn rụng rời đối với binh đoàn 9 và tiểu đoàn 1 lê dương. Mọi người hoang mang tinh thần :

-   Không có “ông già” thì làm sao thoát khỏi tình thế này ?

Đúng là không có trung tá Gaucher, đám lính dưới quyền như đàn gà con mất bố. Tối hôm đó, tất cả mọi  người, trong đó có những binh sĩ đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Gaucher từ châu Âu đến Đông Dương, nước mắt lưng tròng , đã cùng hát bài ca vĩnh biệt ông.
Logged
TraitimdungcamHP
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 505


« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2008, 02:23:37 pm »

HIM LAM
13 và 14 tháng 3 năm 1954

Việc chuyển quân của đại đội 11 ở Beatrice 2 đã làm cho Việt Minh bị bất ngờ. Nhất là, sau khi nhận được điện của đại đội 10, cối 120 đã từ Dominique bắn tới dữ dội. Đến 21 giờ, địch phải lui dần về vị trí xuất phát tiến công.

Tất nhiên, bên phòng ngự cũng bị nhiều tổn thất to lớn. Trong số 4 đại đội bố trí tại ba cao điểm, chỉ còn lại một phần ba quân số có thể tiếp tục chiến đấu. Đại đội 11 và đại đội 9 là hai đơn vị bị pháo bắn mãnh liệt và tiến công liên tiếp bằng bộ binh, là những đơn vị bị thương vong nhiều nhất. Nhưng đã có lúc họ nghĩ rằng Việt Minh rút quân để từ  bỏ hẳn cuộc chiến đấu.

Tại ban chỉ huy, chức vụ tiểu đoàn trưởng đã được trao cho đại úy Nicolas, người có cấp bậc cao nhất trong đơn vị. Dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nicolas chỉ có 2 sĩ quan là trung úy Madelain, chỉ huy cơ quan tiểu đoàn bộ và trung úy Leude, bác sĩ quân y cùng với một số hạ sĩ quan. Tất cả những người có cấp bậc khác đều đã bị chết, bị thương hoặc kiệt sức không thể tiếp tục chiến đấu.

Nicolas ra lệnh cho Bonte phụ trách điện đài :

-   Bắt liên lạc với trung tâm. Báo cáo là vẫn còn giữ được Beatrice 2 và 4. Báo cáo số thương vong.

Boute vừa bật máy lên thi Việt Minh lại bắn một loạt pháo vào cứ điểm, rất mãnh liệt. Lần này, pháo bắn tập trung vào vị trí ban chỉ huy tiểu đoàn. Có nghĩa là địch sẽ xung phong tiến đánh nơi này.

Cùng trong lúc đó, đại đội 9 hiện không còn một sĩ quan nào, chức đại đội trưởng phải trao cho trung sĩ Bleyer, anh báo cáo bằng điện đài rằng địch đã đặt chân tới đỉnh Beatrice 3. Các trung đội đóng ở đây không thấy trả lời qua điện thoại vô tuyến. Một lát sau mới nghe thấy tiếng Kubiak :

-   Địch đã vào tới vị trí chỉ huy đại đội. Tôi đang chuyển vị trí.

Nicolas lệnh cho khoảng 100 lính lê dương còn lại, tập trung tại hai mặt Bắc và Đông, đón đánh. Ông nói với các chỉ huy :

-   Bây giờ đến lượt chúng ta đây.

11 giờ đêm, Beatrice 1 không trả lời. Có nghĩa là đã bị địch chiếm đóng. Việt Minh từ Beatrice 3 đi xuống rãnh ngăn hai quả đồi, tiếp tục tiến đánh vị trí còn lại. Lính lê dương chờ Việt Minh tới gần mới đồng loạt nổ súng. Đây là những người lính có tinh thần chiến đấu. Họ dũng cảm kháng cự dưới làn mưa đạn pháo cối bắn liên tục. Hơn nữa, đây là một vị trí kiên cố, có bố trí hỏa lực bắn chéo hai bên sườn, sườn đồi dốc khó leo tới đỉnh, lại có thêm nhiều lớp rào kẽm gai cản đường thâm nhập. Dĩ nhiên, Việt Minh có những người lính mang theo chất nổ gọi là “bộc phá” để đánh sập những lớp rào dây kẽm gai. Một số đã bị lính lê dương bắn khi đang bò sát sườn đồi để leo tới đỉnh.

Cuộc tiến công đã bị chặn lại. Việt Minh tập trung tại đáy thung lũng, giữa hai quả đồi. Lính lê dương thở dài :

-   Nếu chúng ta có pháo bắn vào rãnh này.

Madelain hỏi Nicolas :

-   Mấy giờ rồi ?
-   Đúng nửa đêm.

Nicolas hỏi lại Bonte :

-   Tình hình các nơi thế nào ?
-   Không bắt liên lạc được. Với chúng ta, thế là hết rồi.

Những báo cáo cuối cùng gửi về Trung tâm cũng đã cho  biết : cuộc chiến đấu ở Beatrice chấm dứt hồi nửa đêm «  13 tháng 3 năm 1954 « . Sau này, sử sách cũng ghi như vậy, căn cứ vào lời kể của một vài người lính lê dương, dẫn đầu là Kubiak chạy thoát khỏi Beatrice vào lúc nửa đêm. Nhưng trên thực tế sau đó Beatrice vẫn tiếp tục chiến đấu.

Trên điểm tựa, đại úy Nicolas và trung úy Madelain tập trung tất cả những binh lính lê dương còn sống sót từ các đại đội chạy đến, biên chế thành từng tiểu đội, trung đội mới.

Trung úy Turpin đã được đưa đến trạm quân y tiểu đoàn, được trung úy bác sĩ Leude chữa trị. Trong trạm xá, lính bị thương mỗi lúc một nhiều, nằm ngồi hỗn độn tại các hàm ếch, các đầu hào giao thông. Những người may mắn lắm mới được  nghỉ trong hầm.

Đã 1 giờ 40 phút sáng 14 – 3 – 1954. Việt Minh lại chuẩn bị tiến đánh Beatrice 2 một lần nữa. Những tiếng hô «  Tiến lên » của Việt Minh vang vọng rất rõ đến tai những người lính lê dương đang bố trí lại những chiến hào đã sụp đổ một nửa.

Trung úy Turpin dựa vào người bác sĩ Leude, tiến ra khỏi hầm quân y. Anh không muốn ẩn náu như một con chuột trong lỗ. Trên cứ điểm, cuộc giao tranh đang diễn ra hỗn loạn. Đó là những cuộc chiến đấu của từng cá nhân, không liên lạc được với nhau, ở rải rác khắp nơi. Súng máy bắn, lựu đạn  nổ, tiếng hô của những người tiến công, tiếng thét của những người phòng ngự, tiếng rên của những người sắp chết. Đến 2 giờ sáng, Việt Minh đã tạo được một cửa mở và ào ạt xông lên như thác lũ đang làm vỡ đê. Một số đã vào được vị trí chỉ huy, sục sạo các chiến hào. Những « cán bộ » Việt Minh, xà cột khoác vai, hô to không ngừng bằng tiếng Pháp :

-   Lính lê dương ! Ra hàng đi !

Những tù binh đầu tiên đã tập trung trên đỉnh đồi, trong đó có trung úy bác sĩ quân y Leude và trung úy đại đội trưởng Turpin. Cố nén đau, Turpin nằm xuống đất rồi lặng lẽ bò đến góc một lô cốt cách đó vài mét. Anh nghĩ, Việt Minh đang chú ý tới những người còn khỏe mạnh, chắc họ không để ý tới Turpin đầu và khuỷu tay đều quấn băng. Chỉ còn một nỗi lo là chiếc máy bay Dakota lượn trên cao vẫn đều đặn tung pháo sáng thường xuyên có thể làm cho Turpin bị lộ. Nhất là cách chỗ anh nấp khoảng 5 mét lại có một ụ súng trọng liên đã bị Việt Minh chiếm.

Đã gần 3 giờ sáng. Mọi cuộc chống cự có tổ chức trên cứ điểm đã hoàn toàn chấm dứt. Nhưng vẫn còn nghe thấy vài loạt đạn tiểu liên và vài tiếng súng trường. Nhưng rồi sau đó, mọi tiếng động đều im hẳn.

Phần lớn bộ đội Việt Minh đã rút khỏi điểm cao, chỉ để lại trên trận địa vài nhóm người có nhiệm vụ sục sạo trong các lô cốt, tìm vũ khí, đạn dược , lương thực rồi khuân ra ngoài.

Turpin bị bỏ rơi bên cạnh một lô cốt. Và hình như cũng chỉ có một mình anh nằm lại chỗ này. Turpin rất đau nhức và hoàn toàn kiệt sức. Nhưng do rất sợ bị lộ, anh vẫn cố nằm im, không cử động, hai mắt mở to quan sát, hai tai nghe ngóng, đầu óc cảnh giác. Thời gian lặng lẽ trôi dần như vô tận. Phía Đông, trời đã hửng. Có lẽ đã 4 giờ sáng.

Chợt có tiếng rên chỉ cách chỗ Turpin vài mét. Một người lính lê dương bị thương đang đòi uống nước. Rồi Turpin nhìn thấy một người lính Việt Minh đang chạy đến, đưa bi đông nước cho người lính bị thương uống và nói bằng tiếng Pháp với âm thanh trầm bổng như hát :

-   Không nằm đây được đâu. Chốc nữa, toàn bộ cứ điểm này sẽ bị đánh sập !

Người lính Việt Minh cúi xuống, dìu người lính lê dương bị thương đi chỗ khác. Turpin cảm thấy rất lo sợ. Nếu Việt Minh đánh  mìn phá sập cứ điểm, nhất định anh sẽ tan xác. Nhưng anh đang quá yếu sức, không thể bò đi mà không bị lộ và bị bắt. Turpin đắn đo suy nghĩ : đi hay ở ?

Để phòng xa, Turpin dùng bàn tay chưa bị thương cất giữ những giấy tờ tùy thân và bản kế hoạch phòng ngự trong lớp áo sơ mi và tháo gỡ chiếc lon trung úy vứt đi.

Dựa vào cánh tay còn khỏe, Turpin cố lết đi khoảng 20 mét thì gặp một đoạn hào không sâu lắm ở sát lớp rào dây kem gai. Anh lăn xuống đó, gần như bị ngất đi vì cẳng chân bị thương làm đau nhói cả hai bên sườn.

Không may cho Turpin , anh rơi đúng hào mà những người lính cuối cùng của bộ đội cứ điểm dùng để rút quân. Người lính đi sau cùng ngoảnh lại đã nhìn thấy Turpin. Anh ta giương súng ,lên đạn . Turpin vội nói :

-   Tôi bị thương.

Người lính Việt Minh gật đầu, tỏ vẻ đã hiểu. Anh ta gọi một đồng đội. Cả hai người lính Việt cùng ngồi trên bờ hào. Người mới đến biết nói tiếng Pháp một chút. Anh ta hỏi Turpin trường hợp bị thương, bao nhiêu tuổi, có vợ chưa, có con chưa. Cuộc nói chuyện có vẻ như không phải là hỏi cung, mà chỉ là trao đổi gần như thân tình, có tính chất cá nhân.

Đến lượt Turpin hỏi lại :

-   Anh đi lính bao lâu rồi ?
-   Sáu tháng !

Người lính Việt Minh hỏi thêm :

-   Anh có khát nước không ?
-   Không !

Người lính Việt Minh đứng dậy, mỉm cười bắt tay từ biệt Turpin rồi ra đi. Nhưng sau đó ít lâu, anh ta lại quay trở lại cùng với một người khác, hỏi cung thật sự. Tên là gì ? Cấp bậc ? Đại đội nào ?

-   Trung đội trưởng à ? Đại đội nào ?
-   11.
-   Anh là người Pháp.
-   Vâng !
-   Anh có nghĩ chúng tôi có pháo ?
-   Có. Tôi biết. Các ông có pháo 75,105.

Người lính Việt Minh chuyển đề tài :

-   Phải đi khỏi đây thôi. Chúng tôi sắp phá hủy cứ điểm.

Turpin hứa sẽ cố gắng. Người lính Việt Minh rút sổ tay, viết mấy chữ, nói :

-   Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy chúng tôi đối xử nhân đạo với binh lính địch đã bị thương.

Anh ta xé trang giấy trong sổ tay đã viết mấy chữ rồi đưa cho Turpin :

-   Đây là giấy thông hành tôi cấp cho anh để anh đi qua trận địa của chúng tôi, trở về vị trí của các anh.

Anh ta cẩn thận gấp mảnh giấy thứ hai rồi đưa cho Turpin :

-   Còn đây là thư gửi cho đại tá Castries của các anh. Chúng tôi cho phép phía Pháp đến đây thu nhặt xác chết và lính bị thương.

Phải khó khăn lắm, Turpin mới đứng lên được. Anh tập tễnh đi xuống sườn đồi Beatrice. Hai người « bộ đội » dìu Turpin đến một đường hẻm mà chỉ riêng Việt Minh mới biết, chỉ cho anh lối về trận địa Pháp. Nhưng Turpin ưa dùng con đường cũ mà anh thông thạo, tức là đường 41. Sau khi chia tay hai bộ đội Việt Minh, Turpin rẽ tay phải, men ra đường cái. Ngang đường, anh nhận thấy gian hầm trống vẫn thường dùng làm chỗ đỗ ban đêm cho chiếc xe Jeep của tiểu đoàn vẫn còn nguyên vẹn. Tức là Việt Minh đã không tiến đánh Beatrice từ phía này.

Lúc Turpin về đến chân Dominique, trời đã sáng rõ. Anh còn phải đơn độc đi bộ một cây số nữa mới tới trạm giải phẫu. Turpin bước vào, dùng máy điện thoại nói chuyện với thiếu tá Vadot sau khi được tin trung tá Gaucher tử trận.

Một sĩ quan quân báo là đại úy Noel đến trạm quân y. Turpin đưa cho Noel thư của Việt Minh gửi đại tá Castries.

Chiều 14 tháng 3, một chiếc máy bay Beaver do thiếu tá không quân Devoucoux, trưởng đội phi hành liên lạc từ Hà Nội tới đã hạ cánh được xuống đường băng sân bay Điện Biên Phủ. Trung úy Turpin được đưa về Hà Nội. Cùng được di tản với Turpin trên chiếc máy bay nhỏ bé này còn có một thương binh mà anh không nhớ tên và cô Paule Bourgeade, thư ký riêng của đại tá Castries.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM