Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:50:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Thượng Đức  (Đọc 106534 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
benzen
Thành viên
*
Bài viết: 22


« Trả lời #50 vào lúc: 24 Tháng Tám, 2010, 11:58:42 pm »

 Trận Thượng đức 1974 dưới con mắt của 1 cựu binh F324 là: Quân VNCH toàn chạy, mình đánh rất ít mà họ cũng không chống cự.

 Đang là sinh viên ĐHBK HN, xung phong đi bộ đội năm 1972, hiện bác đang là giảng viên môn Hóa ĐHBK
Logged
su22 m4
Thành viên
*
Bài viết: 850



« Trả lời #51 vào lúc: 25 Tháng Tám, 2010, 01:06:53 am »

Bác chientruong_k! Năm 1973 chưa có Quân đoàn II tức Binh đoàn Hương Giang đâu ạ; lúc đó các đơn vị thuộc Quân đoàn II vẫn còn là các Sư đoàn độc lập thuộc Bộ và Quân khu V bác ạ, Quân đoàn II chỉ ra đời vào cuối năm 1974 trên cơ sở hợp nhất các Sư đoàn tác chiến tại khu vực Trị thiên Huế và Bắc Quân khu V
Logged

MRK
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2010, 06:58:36 pm »

Có một bài viết về trận Thượng đức  các bác tham khảo nhé :
 

 

Giải phóng Thượng Đức
Đăng ngày:  14-05-2010
Thư mục: 35 năm Giải phóng miền Nam

QĐND - Chủ Nhật, 09/05/2010, 18:33 (GMT+7)

Cách thành phố Đà Nẵng 40 km theo đường chim bay, Thượng Đức là tiền đồn bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng-một trong những căn cứ lớn nhất của địch ở miền Nam. Địa hình Thượng Đức ba bề là núi cao có nhiều dốc dựng đứng, phía đông bằng phẳng lại là nơi hợp điểm của sông Côn và sông Vu Gia. ở đây chỉ có đường số 4 là đường bộ duy nhất qua ái Nghĩa về Đà Nẵng. Địch đã xây dựng một hệ thống giao thông hào liên hoàn trong căn cứ cùng với 35 lô cốt nửa chìm nửa nổi, nhiều công sự có nắp và một hệ thống nhà hầm và hầm ngầm. Trong những năm 1969 và 1970, ta đã tổ chức đánh chi khu quận lỵ Thượng Đức nhưng không thành công. Sau mỗi lần ta đánh, địch lại tăng cường phòng ngự kiên cố hơn.

Xe tăng dẫn đầu mũi tiến công. Ảnh: Internet

Lực lượng tham gia tác chiến chủ yếu của ta ở Thượng Đức là Sư đoàn 304 được tăng cường các đơn vị: Tiểu đoàn 1 Lữ đoàn 219 công binh, Đại đội tên lửa A72, Đại đội tên lửa B72 của  quân đoàn, hai tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện. Sau đó sư đoàn được tăng cường Trung đoàn 3 của Sư đoàn 324 vừa mới tham gia đánh trận Đắc Pét thắng lợi trở về. Trận Thượng Đức do cán bộ Sư đoàn 304 trực tiếp chỉ huy. Quân đoàn 2 tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng do Đại tá Hoàng Đan, Phó Tư lệnh quân đoàn phụ trách.

Sau khi cử trinh sát thăm dò và nhận được báo cáo chi tiết, cán bộ chỉ huy quân đoàn và sư đoàn quyết định: ngày 20 tháng 7 phải làm xong đường để đưa các lực lượng cơ bản vào đánh chiếm Thượng Đức.

Sau hơn một tháng vật lộn với con đường, đêm 17- 7- 1974, các xe pháo của ta đã bí mật kéo vào tập trung ở thôn Hiên. Pháo 122 ly được bố trí trong các làng bản không có người ở, vì dân đã bỏ đi từ lâu. Cối 160 ly vào tới vị trí an toàn cách địch ba ki-lô-mét. Hôm sau, bộ đội và dân công lại đưa pháo 85 ly vượt qua một bãi lầy và dốc lên điểm cao 118 để bắn trực tiếp vào Thượng Đức. Mũi tiến công chủ yếu do Trung đoàn 66 đảm nhiệm: Tiểu đoàn 7 tiến công từ hướng tây bắc xuống khu biệt động; Tiểu đoàn 9 diệt địch ở khu bảo an rồi tiến xuống chiếm quận lỵ; Đại đội 10 Tiểu đoàn 9 do đại đội trưởng Hoàng Văn Nam chỉ huy chặn địch ở cầu Hà Tân. Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) tăng cường diệt địch ở Ba Khe, bao vây địch ở điểm cao 52; đại đội 17 của trung đoàn này cắm cọc, chăng dây, bẫy mìn trên sông Vu Gia chặn không cho địch chạy về Đà Nẵng, đồng thời không cho chúng tiếp tế bằng đường sông lên Thượng Đức. Tiểu đoàn 10 bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà và dân quân du kích diệt bọn địch ở các thôn 12, 13, 14, 15 cùng bọn nguỵ quyền ở đây.

Bọn địch có phần nào đoán được ý đồ tiến công của ta ở Thượng Đức nên đã tăng cường phòng ngự và đổ thêm xuống Thượng Đức hai đại đội và cho đưa bớt những gì nặng nề về phía sau, pháo lớn lui về gần cầu Chìm. Chúng còn cho biệt kích nằm sẵn ở các mỏm đồi phía tây bắc để khi ta đánh Thượng Đức sẽ tập kích sau lưng.

5 giờ 1 phút ngày 28-7 -1974, pháo ta bắn mãnh liệt vào khu quân sự Thượng Đức sau đó bộ binh vượt qua khu rừng keo tiến xuống cánh đồng chiếm các tiền đồn A, B, C, Gò Cấm, Ba Khe. Kho đạn của địch bốc cháy, nhiều công sự lô cốt bị phá huỷ. Bộ đội dùng bộc phá mở hàng rào.Ở hướng chính, Tiểu đoàn 7 do không diệt được trung đội bảo an và bị một khẩu 12,8 ly của địch ở Trúc Hà bắn lướt sườn nên không tiến lên được. Khi pháo 85 của ta diệt được khẩu 12,8 ly và trung đội bảo an, Tiểu đoàn 7 tiếp tục đưa lực lượng vào đột phá nhưng cũng không thành công. Hướng tiểu đoàn 9, khi ta mở đến hàng rào thứ tư thì bọn địch đánh trả rất mạnh, nhiều anh em bị thương vong nên đành phải dừng lại. Đến chiều ta mới diệt được khu đồi Ông Máy. Cuộc chiến đấu diễn ra gay go và quyết liệt cho tới ngày 31- 7- 1974, Trung đoàn 66 liên tục đưa lực lượng vào mở cửa nhưng địch chống trả dữ dội, Đại đội 2 và Đại đội 6 bị thương nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trước tình hình khó khăn trên, sư đoàn lệnh cho trung đoàn ngừng tiến công và chuyển sang phòng ngự giữ bàn đạp đã chiếm được để tổ chức một cuộc tiến công mới. Sau những ngày chiến đấu đầu tiên ở Thượng Đức, quân số Trung đoàn 66 đã hao hụt nhiều. Gần 300 cán bộ, chiến sĩ thương vong.

Trong khi đó địch cũng ráo riết huy động lính củng cố, tăng cường công sự hầm hào. Phát hiện được lực lượng đang bao vây Thượng Đức là bộ đội chủ lực của ta vừa cơ động từ Quảng Trị vào, chúng đã cho máy bay đánh phá dữ dội vào đội hình vây lấn của sư đoàn. Bộ binh và xe tăng địch ở Đà Nẵng cũng chuẩn bị mở cuộc hành quân giải toả.

Đợt tiến công mới bắt đầu. Pháo bắn thẳng, pháo phòng không hạ nòng bắn tập trung diệt từng lô cốt một. Lúc này quân địch phản ứng rất nhanh, ta vừa bắn pháo chuẩn bị, chúng đã cho máy bay và trọng pháo đánh phá dữ dội khu vực cửa mở. Rút kinh nghiệm của đợt tiến công trước, đội hình bộ binh ta áp sát mục tiêu hơn và có công sự chu đáo nên thương vong không đáng kể. Cối 160 ly của ta nện chính xác vào khu trung tâm rồi đột nhiên chuyển làn, bắn một loạt hố đạn dích dắc làm nơi ẩn nấp cho bộ đội trên đường tiến. Hướng chủ yếu, bộ đội dùng bộc phá để mở cửa nhưng bị bọn địch nấp trong các lô cốt bắn trả quyết liệt. Hướng Tiểu đoàn 9, lúc 5 giờ 30 phút Đại đội 9 đã chiếm được tiền đồn C. Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Du dũng mãnh dẫn đầu tiểu đoàn xông lên, anh ra lệnh cho Đại đội 11 cởi áo và quần dài vứt ra hàng rào còn lại cho bộ đội có chỗ đặt chân nhảy qua, tiến công địch. Đại đội trưởng đại đội 10 Hoàng Văn Nam bình tĩnh chỉ huy đơn vị giằng co với địch từng lô cốt. Địch đã núng thế chạy tản ra các ngách để bắn vào lô cốt chính vừa bị ta chiếm. Trung đội trưởng Lữ Tung Hoành cùng trung đội phó Nguyễn Ngô Vinh dẫn đơn vị thọc sâu hỗ trợ cho trung đội của Nguyễn Huy Thường. Đại đội trưởng Hoàng Văn Nam trực tiếp chỉ hoả điểm địch vừa xuất hiện cho xạ thủ B41. Nguyễn Huy Thường chỉ huy trung đội phát triển rất sâu, vây chặt, lấn chặt. Tiểu đội trưởng Nguyễn Hữu Hoà yểm hộ cho Trương Xuân Đào diệt địch ở cánh trái. Bùi Hữu Trụ dùng lựu đạn đánh chiếm từng hầm. Bắt được tù binh là anh hỏi ngay hầm ngầm ở đâu, tìm cách diệt bằng được.

Suốt một ngày và đêm chiến đấu liên tục, trên hướng Tiểu đoàn 9, ta đã nhanh chóng mở xong cửa đột phá và đánh chiếm được một số lô cốt, tuyến chiến hào thứ nhất. Khi phát triển vào trung tâm các mũi tiến công của quân ta bị chững lại trước hệ thống hoả lực dày đặc của địch. Quân địch ở Thượng Đức không còn cơ hội rút chạy đã điên cuồng đánh trả các cuộc xung phong của bộ binh ta. Máy bay A37 của địch cũng liên tục quần đảo bắn phá và bổ nhào cắt bom đánh ngay vào khu vực hàng rào căn cứ, chi viện cho quân đồn trú ở Thượng Đức giữ vững khu vực còn lại.

1 giờ sáng ngày 7-8 cán bộ chỉ huy sư đoàn hội ý thống nhất nhận định tình hình và đi đến quyết định: Chuyển hướng tiến công của Tiểu đoàn 9 thành hướng chủ yếu. Trung đoàn 66 mở đợt tiến công cuối cùng đánh chiếm quận lỵ Thượng Đức. Hoả lực của sư đoàn bắn chi viện cho Tiểu đoàn 8 tiếp tục mở cửa. Quả bộc phá nổ cuốn theo lớp hàng rào cuối cùng. Trung đội trưởng Chu Ngọc Oanh dẫn trung đội lao lên. Bọn địch hốt hoảng chui vào lô cốt ngầm bắn ra như điên dại. Từ một lô cốt ở địa thế cao bất thần xuất hiện một khẩu đại liên nhằm đúng hướng của ta nhả đạn, bộ đội không vượt lên được. Trung đội trưởng Chu Ngọc Oanh quyết định dùng bao cát bịt lỗ châu mai của địch để cả Đại đội 6 xông lên đánh chọc thẳng vào trung tâm. Tiểu đoàn 9 đã chiếm được khu bảo an và đang phát triển xuống khu cảnh sát, quận lỵ. Tiểu đoàn 7 từ hướng tây bắc đã sang hướng Tiểu đoàn 9, đột phá vào khu biệt động. 8 giờ 30 phút ngày 7- 8- 1974, lá cờ cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay trên cứ điểm Thượng Đức. Thượng Đức hoàn toàn được giải phóng.

Đại tá Phạm Quang Định
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #53 vào lúc: 08 Tháng Mười Một, 2010, 09:52:14 am »

Bài này đăng ở báo quảng nam sơ lược về trận đánh nhau của quân ta với quân dù nguỵ ở thượng đức

30 năm trước, Sư đoàn dù đã bị đánh quỵ ở Thượng Đức như thế nào ?
Thứ ba, 24 Tháng 10 2006 23:40

Sau khi để mất Thượng Đức - cánh cửa thép bảo vệ Đà Nẵng ở  phía tây nam, địch quyết định điều động phần lớn sư đoàn dù lực lượng tổng dự bị chiến lược mở cuộc hành quân đánh chiếm lại Thượng Đức. Được Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn khích lệ,  tên sư trưởng sư đoàn dù hung hăng tuyên bố : "Nếu không tái chiếm được Thượng Đức thì xin thượng cấp giải tán sư dù”.

Ngày 16-8-1974,  lữ đoàn dù 1 và trung đoàn 2 sư đoàn 3 ngụy bắt đầu mở cuộc tiến công vào vùng giải phóng Thượng Đức theo hai hướng : Hướng thứ nhất theo trục đường số 14 đánh vào trận địa cua trung đoàn 3 - sư đoàn 304 của ta  ở  khu vực điểm cao 52, 126, 109, Hà Nha, Bàn Tân 2. Hướng thứ hai đánh vào trận địa tiểu đoàn 7 trung đoàn 66 trên các điểm cao phía tây Thượng Đức. Cậy có quân đông, hỏa lực mạnh, trong những ngày trung tuần tháng 8-1974, địch tổ  chức tiến công ồ ạt hòng nhanh chóng chiếm các trận địa của trung đoàn 3 để tạo bàn đạp đánh vào Thượng Đức.

Thế nhưng, sau 13 ngày tiến công vào khu vực điểm cao 52, Bàn Tân 2 không thành công, bọn chỉ huy sư đoàn dù ngụy quyết định bỏ hướng đường 14 để tập trung đánh lên các điểm cao 109,  700, 1062. Về chiến thuật, địch bỏ lối đánh ồ  ạt chuyển sang áp dụng chiến thuật "lấn dũi" (đa từng được dùng vào năm 1972  ở  miền tây Quảng Trị). Chúng hy vọng,  với cách đánh "lấn dũi" cộng với bom,  pháo bắn vào trận địa ta, quân ta sẽ bị hao mòn dần,  không còn  đủ sức giữ trận địa. Và khi đó, chúng sẽ "gặm nhấm" dần vùng giải phóng Thượng Đức.

Đối mặt với lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, ở  thời điểm này, lực lượng của ta gặp rất nhiều khó khăn :  Quân số hao hụt nhiều sau chiến dịch giải phóng Thượng Đức.  Đạn súng lớn phải tính từng viên trong ngày,  bộ đội ngày đêm giữ chốt  không chỉ đối phó với bom đạn mà còn phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt : mưa nhiều,  hầm sụt lở từng mảng,  trong hầm lúc nào cũng có nước và bùn ngập tới mắt cá chân. Đường vận chuyển, tiếp tế luôn gặp ách tắc. Ăn uống thiếu  thốn lại phải chiến đấu căng thẳng khiến sức khỏe của chiến  sĩ ta giảm đi rõ rệt. Thêm vào đó, chiến  thuật "lấn dũi" của địch tỏ ra có hiệu quả : Một số chốt (như 700, 109, 383) của ta bị địch chiếm. Việc mất một số cao điểm  đã có ảnh hưởng đến tư tưởng và tinh thần chiến đấu của một số cán bộ,  chiến sĩ.

Trước tình hình đó,  cuối tháng 10-1974, Đảng ủy Sư đoàn 304 họp mở rộng và thống nhất nhận định : Địch tuy chiếm được một số chốt nhưng chúng đã  bị động và sa lầy  ở mặt  trận Thượng Đức. Quyết tâm của Đảng ủy sư đoàn là nhanh chóng rút kinh nghiệm chiến đấu,  tổ chức lại trận địa phòng ngự,  nhất là hầm hào, chặn đứng sư đoàn dù, đánh bại âm mưu tái chiếm Thượng Đức.

Lúc này,  đồng chí Hoàng Đan, Tư lệnh phó Quân đoàn 2 trở lại Thượng Đức cùng với trung đoàn 24, hai tiểu đoàn công binh và 4.000 viên đạn pháo cối để hỗ trợ cho lực lượng đang bảo vệ Thượng Đức.  Trong hồi ký của mình, ông cho biết : Vào đến sư đoàn,  việc đầu tiên tôi đề xuất với Bộ Chỉ huy sư đoàn là phải tiến hành tập huấn về phòng ngự ngay cho cán bộ từ tiểu đội đến tiểu đoàn. Mỗi lớp tập huấn được tổ chức 3 ngày. Một hình  mẫu trận địa được xây dựng ngay cạnh lớp học. Các cán bộ được tự do nêu ý kiến phân tích, tranh luận đến cùng. Kết thúc lớp học, đồng chí  Hoàng Đan nêu vấn đề : Với hệ thống chốt được xây dựng thành nhiều tuyến,  cho dù địch cứ 3 ngày lấn chiếm được một chốt của ta thì cũng phải mất 3 tháng địch mới mò tới Thượng Đức. Ba tháng nữa là đã đến mùa khô, tình hình lúc đó lại đã khác rồi.

Tuy chỉ tổ chức tập huấn trong 3 ngày nhưng nhờ xây dựng trận địa làm mẫu, nội dung huấn luyện sát với những thực tế đòi hỏi nên hiệu quả mang lại rất cao : Tất cả cán bộ đều biết cách xây dựng trận địa, biết cách đánh và tin tưởng  ở  cách đánh. Với khẩu hiệu : "Tất cả cho phía trước”.  "Tất cả để chiến thắng quân  dù”,  cán bộ, chiến sĩ và nhân dân toàn mặt trận Thượng Đức đều hướng về các trận địa chốt lao động quên mình, khắc phục mọi khó khăn để chuyển vật liệu  đạn dược, gạo lên phía trước.

Ngày 28-10-1974, sư đoàn 304 tổ chức một trận phản kích, chiếm lại toàn bộ điểm cao 1062. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu tiểu đoàn 2 và tiểu đoàn 3 sư đoàn dù.

Tháng 11-1974, sư đoàn dù đưa tiếp lữ dù 2 vào cuộc chiến. Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta nhận định : Địch tung lực lượng dự bị vào không phải để thay đổi thế trận mà chủ yếu là hoạt động hỗ trợ cho lữ dù 1 và 3 đã mất sức chiến đấu. Với lực lượng mới này, địch chỉ đủ quân để rải ra trên các tuyến chiến đấu với ta chứ không thể có lực lượng tiến công nữa.

Thực hiện chủ trương của Bộ  Chỉ huy chiến dịch,  khi  lữ dù  2 vừa chân ướt chân ráo đến khu vực tập kết,  pháo binh ta đã đánh phủ đầu khiến chúng bị thương vong khá nhiều.  Ta còn cho trinh sát luồn vào nơi đóng quân của địch để tập kích trận địa pháo, đốt cháy kho đạn. Công binh của sư đoàn 304 dùng đạn pháo chưa nổ của địch liên kết với mìn làm giàn phóng vào đội hình chúng gây hoang mang, lo sợ,  không hiểu ta đã có vũ khí gì mới.

Cuối tháng 12-1974, qua 4 tháng bị giam chân  ở  chiến trường rừng núi, sư đoàn dù, một sư đoàn được coi là thiện chiến bậc nhất nằm trong lực lượng tổng dự bị chiến lược của địch, đã bị đánh quỵ ở  mặt trận Thượng Đức. Điều này cho phép khẳng định : quân chủ lực ngụy không thể đương đầu nổi với quân chủ lực của ta. Và,  ngày toàn thắng giải  phóng miền Nam, thống nhất  đất nước - không còn xa nữa.

Thu Minh
Logged
hungnh
Thành viên

Bài viết: 2


« Trả lời #54 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2010, 08:43:46 am »

Em ở trung đoàn 24 F304 đây. trận Thượng Đức Em là trung đội phó B1, C7, D5, E24,F304. sau khi ta làm chủ được Thượng Đức E24 xchi3 tham chiến khi địch phản kích chiếm lại thôi các bác ạ, Khi chúng tôi đến Thượng Đức thì đã có 01 trung đoàn của F324 tham gia rồi lúc đó họ đang chốt chặn ở khu vực cao điểm 800.Còn về bên địch ngoài các lực lượng mà các bác kể phải nói đến lữ đoàn thủy quân lục chiến có tham gia khi thay cho lữ đoàn dù 2. và bên vùng B Đại Lộc còn có trung đoàn 56 của sư đoàn 3 bộ binh cộng hòa nữa.
Logged
thanhsondlbk
Thành viên
*
Bài viết: 37


« Trả lời #55 vào lúc: 29 Tháng Giêng, 2011, 10:36:38 am »

Bác hungnh cũng ở D5, e 24, f 304 à? anh của em cũng ở D5, e 24 đấy nhưng ở C 20 trinh sát cũng đánh Thượng Đức.
Logged
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Hai, 2011, 07:02:42 pm »

Các bác cho em hỏi tý: Trận Thượng Đức 1974, sư 324 có bao nhiều đơn vị tham gia? Là những đơn vị nào(Em xỉn quá, không kịp...đọc kỹ trước khi hỏi)
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Hai, 2011, 07:33:49 pm gửi bởi GiangNH » Logged
GiangNH
Thành viên
*
Bài viết: 1146


« Trả lời #57 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2011, 07:32:56 pm »

Các bác cho em hỏi tý: Trận Thượng Đức 1974, sư 324 có bao nhiều đơn vị tham gia? Là những đơn vị nào(Em xỉn quá, không kịp...đọc kỹ trước khi hỏi)

Em hỏi thật, các bác cứ tưởng đùa không "giả nhời" em, đành lọ mọ "ngâm cứu" sử...làng vậy:
 Theo 1 bác cựu C3-D7-E3-F324 từng tham chiến ngày 4/9/1974 tại cao điểm 1062, thì E3- F324 ngày ấy có 3 tiểu đoàn 7, 8 và 9 tham chiến? Trong đó D7 là chủ công?

 Bác này cũng hay sang 800, nhờ đồng hương, là lính K63(lính gì các bác nhỉ, hy sinh hết rồi) vá quần áo cho nữa?
 
 Các địa danh kia, cùng ngày 4/9/1974 xảy ra trận đánh có đúng với sử quốc gia không hả các bác?

 Đây là cuộc "khẩu chiến" trên bàn rượu của 2 lão cựu trong 1 buổi hội làng đầu xuân:
-Cựu e3f324: Hôm 4/9/1974 Thượng đức, tao bắn 21 phát B41 ở 1062, xung quanh be bét hết cả, khoảng...250 thằng địch bỏ mạng. Hai tai tao rỉ máu, ù đặc.
-Cựu e174f5: Hôm 13/3/1980 Âm pin, em cũng bắn 10 phát B41, xung quanh bờ hồ cũng be bét cả, nhưng không thấy thằng nào chết, nó té sạch, chỉ còn ít máu vương vãi. Bác nói phét, em có thấy chảy máu tai đâu, nó chỉ ù càng cạc 1 tý thôi.
-C e3f324: Tao nói phét làm gì, không tin mày hỏi thằng A,B,C...ấy.
-C e174f5: Hé...hô...bác là bộ binh, bác lại bảo em đi hỏi mấy ông công binh E, thông tin K63-hy sinh hết rồi? Mà các lão ấy nằm bên 800 cơ mà, biết được bác bắn cái gì bên...1602 ấy(rượu vào lẫn lộn 1062 với 1602).
     ...
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Hai, 2011, 08:28:38 pm gửi bởi GiangNH » Logged
ttduy
Thành viên

Bài viết: 1


« Trả lời #58 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2011, 02:10:02 pm »

http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-25-trung-tuong-pham-xuan-the-chuyen-bay-gio-moi-ke
Em nghĩ bài này có thể trả lời tương đối chính xác số hy sinh của ta trong trận trên.
Logged
lexuantuong1972
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1885


TÂT CẢ VÌ ĐỒNG ĐỘI


« Trả lời #59 vào lúc: 28 Tháng Tư, 2011, 02:47:39 pm »

Bác chientruong_k! Năm 1973 chưa có Quân đoàn II tức Binh đoàn Hương Giang đâu ạ; lúc đó các đơn vị thuộc Quân đoàn II vẫn còn là các Sư đoàn độc lập thuộc Bộ và Quân khu V bác ạ, Quân đoàn II chỉ ra đời vào cuối năm 1974 trên cơ sở hợp nhất các Sư đoàn tác chiến tại khu vực Trị thiên Huế và Bắc Quân khu V

QĐ 2 thành lập 17/5/1974 bao gồm các đơn vị chiến đấu tại mặt trận Trị - Thiên những năm 1972-1973. Lực lượng chủ yếu có 3 sư đoàn bb: 304, 324, 325 ; sư pháo phòng không 673 ; lữ pháo binh 164 ; lữ tank 203 ; lữ công binh 219 và một số đơn vị hỗ trợ khác. Những đơn vị này hoạt động tại Trị Thiên từ những năm 1968. Sau khi thành lập QĐ mới tiến vào tác chiến tại khu V như 304 đánh Thượng Đức, một bộ phận 324 vào đánh Nông Sơn-Trung Phước và Đakpet.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng và các tỉnh Trung Trung bộ, sư 324 nằm lại giữ vùng giải phóng và sư 341 được tăng cường cho QĐ 2 khi đánh vào SG.
« Sửa lần cuối: 28 Tháng Tư, 2011, 03:17:43 pm gửi bởi lexuantuong1972 » Logged

Ký ức một thời hoa lửa: (P1)(P2)(P3)(P4)
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM