Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:54:45 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trận Thượng Đức  (Đọc 106537 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« vào lúc: 14 Tháng Mười Một, 2009, 08:21:17 pm »

Ngoài trận Làng Vây - Khe Sanh ! Em còn có ít thông tin về trận Thượng Đức ở quân khu V - Em pót thông tin này về trận đó , ngoài ra anh chị , chú bác nào có thông tin khác xin cho em biết thêm ạh ! Chân thành cảm ơn .

“Mắt ngọc của đầu rồng”

 
Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia giải phóng Thượng Đức.
Đại tá Hồ Hữu Lạn, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 trong chiến dịch Thượng Đức, cho biết: Chi khu quận lỵ Thượng Đức là một cụm cứ điểm nằm trong thế phòng thủ chung của Quân khu 1 Ngụy, cách Đà Nẵng khoảng 50 km về phía Tây Nam. Thượng Đức có địa hình hiểm trở, ba bề là núi cao, dốc đứng, phía Đông là hợp lưu của dòng sông Vu Gia và sông Côn, chỉ còn phía Tây là có thể tiếp cận được, địch đã bố trí tiền đồn bảo vệ và phát hiện đối phương từ xa. Mỹ-Ngụy đã xây dựng một cụm cứ điểm mạnh, với lực lượng cực kỳ phản động và ngoan cố. Chúng xây dựng tại đây hệ thống 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt thép hai tầng, hàng trăm lô cốt tiền duyên, ụ súng nửa chìm, nửa nổi. Tất cả mọi hoạt động khi xảy ra tác chiến đều ở dưới mặt đất. Khi bị tấn công Thượng Đức được hoả lực các trận địa pháo ở Ba Khe, Động Hà Sống, Núi Lở trực tiếp chi viện. Ngoài ra, các trận địa pháo tầm xa và pháo cơ động của Sư đoàn 3 Nguỵ từ 65- 70 khẩu và 60 lần chiếc máy bay/ngày từ Đà Nẵng lên chi viện. Lực lượng tại chỗ và ứng cứu giải toả của địch đông, vào thời điểm chiến đấu khoảng 16 ngàn tên. Chúng còn dồn 13 ngàn dân các xã lân cận và thị trấn Hà Tân vào xung quanh căn cứ để làm bia đỡ đạn cho chúng và dễ bề kìm kẹp.

Tiểu đoàn trưởng biệt động quân 79 đóng ở Thượng Đức là thiếu tá Hà Văn Lầu mới 35 tuổi, dưới quyền chỉ huy của thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng mới 30 tuổi. Khi ta đánh Thượng Đức, Hùng được thăng trung tá. Đại úy, Quận phó Vũ Trung Tín được Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa tuyên dương công trạng với một ngôi sao anh dũng bội tinh về lòng dũng cảm chống Cộng.

Với một thế trận vững chắc và hiểm hóc, Tổng thống Nguỵ Nguyễn Văn Thiệu tặng cho Thượng Đức danh hiệu “Mắt ngọc của đầu rồng”; Tỉnh trưởng Quảng Nam thì mệnh danh đó là “cánh cửa thép” của Đà Nẵng. Trong 2 năm 1969, 1970 ta đã 2 lần tiến công Thượng Đức nhưng không kết quả. Địch càng ra sức củng cố trận địa, dự trữ lương thực, đạn dược dài ngày. Chúng còn kiêu ngạo thách thức rằng: Nước sông Vu Gia chảy ngược thì Việt Cộng mới chiếm được Thượng Đức. Cụm cứ điểm này đối với địch đã trở thành niềm tự hào, chỗ dựa đáng tin cậy của Quân khu 1 Nguỵ, của căn cứ quân sự liên hợp miền Trung bất khả xâm phạm.

Giải phóng và làm chủ khu quận lỵ Thượng Đức ngày càng trở nên bức thiết, có tính chiến dịch và chiến lược. Tiêu diệt lực lượng địch ở đây là xóa bỏ một mắt xích phòng ngự vững chắc, phá toang “cánh cửa thép”, uy hiếp trực tiếp phía Tây Nam Đà Nẵng, giải phóng hơn một vạn dân và một vùng địa bàn rộng lớn. Tại đây, hỏa lực tầm xa của ta có thể uy hiếp sân bay Đà Nẵng và Sở chỉ huy Quân khu 1 Ngụy, tạo một mũi tấn công mạnh và hiểm vào Đà Nẵng khi có thời cơ chiến lược.

Phá “cánh cửa thép”, mở ra thời cơ chiến lược

Trung tướng Nguyễn Ân nhớ lại: Ngay từ đầu năm 1974, Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng đã đi thị sát chiến trường miền Nam. Vào thăm Sư đoàn 304, đồng chí đã phân tích tình hình và thông báo sơ bộ nhiệm vụ của Sư đoàn. Theo đó, trong thời gian tới sẽ cùng Quân khu 5, giải phóng một số quận lỵ, để thăm dò phản ứng của Mỹ-Ngụy. Đầu tháng 6, Sư đoàn 304 được tăng cường Trung đoàn 3. Sư đoàn 324 chính thức nhận nhiệm vụ: Phối hợp với quân dân Quảng Đà tiêu diệt chi khu quận lỵ Thượng Đức, giải phóng nhân dân, làm chủ vùng giải phóng. Ngày 6-6-1974 Sở chỉ huy Sư đoàn vào đến bờ Tây sông Bung. Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn: “Chiến dịch Thượng Đức phải thắng cả quân sự và chính trị”

Chuẩn bị cho chiến dịch, bộ đội ta với sự giúp sức của Ban giao vận Quảng Đà đã bí mật mở các con đường đưa vũ khí và lương thực ép sát Thượng Đức. Một số khẩu pháo nặng được đưa xuống thuyền, bè mảng xuôi về cứ điểm. Đêm trước ngày nổ súng, bộ đội và dân công đẩy kéo pháo 85 mm vượt qua bãi lầy và hai dốc lên điểm cao 118 để ngắm bắn trực tiếp vào Thượng Đức.

5 giờ ngày 28-7-1974, pháo binh ta bắt đầu bắn dồn dập vào cụm cứ điểm Thượng Đức. Các lực lượng của Sư đoàn 304; Trung đoàn 3, Sư đoàn 324; Tiểu đoàn 10 địa phương Quảng Đà áp sát mục tiêu, thực hành đột phá. Đến ngày 31-7, Trung đoàn 66 tiếp tục tăng cường lực lượng vào mở cửa nhưng địch chống trả rất dữ dội. Ta bị thương vong nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 66 bồi hồi: “Khi mở cửa, đơn vị bị tổn thất khá nặng nề. Một số thương binh nằm ngay trước cửa mở, có anh em hy sinh, người nằm vắt trên hàng rào của địch. Càng đau xót, càng căm thù địch sâu sắc, quyết tâm chiếm bằng được mục tiêu, trả thù cho đồng đội”. Trung tướng Phạm Xuân Thệ khi đó được điều xuống, tăng cường cho đơn vị, trực tiếp làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, đảm nhiệm hướng thứ yếu của Trung đoàn 66. Ông kể: “Ban đầu trên chỉ cho Tiểu đoàn 9 dùng hỏa lực thu hút địch để Tiểu đoàn 7 và 8 phát triển tiến công nhưng tôi không nghe, đề nghị được đánh. Các anh chỉ huy Trung đoàn nói, lực lượng của Tiểu đoàn 9 ít, đánh sao được. Tôi “đòi” được Đại đội 10 về, để đủ 3 đại đội và hứa với cấp trên: Không hoàn thành nhiệm vụ trên hướng được giao thì không về”.

Do đánh liên tục, lại bị địch phản kích ác liệt, thương vong nhiều nên bộ đội đều rất mệt, lại rất ức vì chưa dứt điểm được Thượng Đức. Bộ Tư lệnh mặt trận quyết định đưa pháo chống tăng loại 76,2 mm và cao xạ 37 mm lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ châu mai địch. Để làm được việc này, huyện Đại Lộc đã huy động 300 dân cùng bộ đội đưa pháo lên điểm cao 500 mét. Dân còn có sáng kiến khai thác cây mây song to như ngón chân cái ở rừng núi Lộc Vĩnh, về làm dây chằng, làm kít, ròng rọc, đốn cây làm đòn khiêng. Đến nửa đêm 5-8-1974, các khẩu pháo đã nằm vào đúng vị trí như kế hoạch sẵn sàng đợi lệnh để dội đạn vào đầu thù. 5 giờ sáng ngày 7-8-1974, các trận địa pháo từ xa của ta bắn vào Tiểu đoàn biệt động quân 79. Khi địch đã lui vào cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt, pháo trên đồi hạ tầm và được lệnh bắn thẳng vào các lỗ châu mai của địch. Ngay từ loạt đạn đầu, tên Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã bị trúng đạn, thương nặng, sau đó tự sát. Binh lính địch trở nên hỗn loạn, nhiều tên nhào ra sông hòng chạy trốn nhưng lại rơi vào trận địa của Tiểu đoàn 10 Quảng Đà và quân dân Đại Lộc đã đón lõng trước đó. Thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng 79 biệt động quân Hà Văn Lầu và quận phó Vũ Trung Tín bị bắt sống. 8 giờ 30 phút ngày 7-8-1974, cờ giải phóng tung bay trên căn cứ “cánh cửa thép” của Mỹ Ngụy, báo hiệu Thượng Đức đã hoàn toàn giải phóng.

Nhận tin Thượng Đức thất thủ, Tống thống Ngụy Nguyễn Văn Thiệu đã bay ra thị sát vì biết Đà Nẵng bị uy hiếp nghiêm trọng. Hắn lệnh cho tướng Dư Quốc Đống, Tư lệnh sư đoàn dù ra Đà Nẵng “tái chiếm Thượng Đức”. Đây là thời cơ lớn để ta tiêu diệt, giam giữ, đánh quỵ át chủ bài, xương sống của quân Ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện cho các chiến trường tấn công.

Chiến thắng Thượng Đức đã mở ra thời cơ lớn, là cơ sở để Bộ Chính trị hạ quyết tâm chiến lược. Có một câu chuyện mà đến nay chưa được nhiều người biết đến. Đó là vào thời điểm, khi quân ta vừa làm chủ Thượng Đức và đang giáp chiến với Sư dù của Ngụy thì đồng chí Nguyễn Chánh nhận lệnh của Khu ủy Khu 5 ra Hà Nội báo cáo tình hình, xin ý kiến Trung ương. Ông đã được Bí thư thứ nhất Lê Duẩn mời cơm và hỏi chuyện. Đang ngồi nghe đồng chí Nguyễn Chánh báo cáo chủ lực địch đưa quân tổng dự bị chiến lược ra phản kích và đang bị ta cầm chân, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn bỗng đứng dậy, hồ hởi nói: Nè, tôi nói cho các anh biết. Khu 9 đánh giỏi. Các anh đang đánh rất giỏi. Những trận đánh thắng vừa qua ở miền Nam trả lời cho suy nghĩ của tôi ba tháng nay: Giải phóng miền Nam.


Trích trên báo QDND - tác giả Trần Hoàng Tiến

Ai có thông tin cụ thể xibn cho em biết với  Tongue
Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #1 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 09:22:43 am »

THêm 1 ít thông tin nửa về trận Thượng Đức - Tuy nhiên về lực lượng tham chiến của 2 bên em chưa nắm rõ và bối cảnh trận đánh cũng chưa được tường . Mong rằng ai biết xin chỉ cho em ! Trân trọng cảm ơn.

.Phái viên chiến trường ở Thượng Đức
Thứ sáu, 07 Tháng 8 2009 10:06 .Tôi là người Bình Định nhưng duyên nợ nhiều với Quảng Nam. Đó là khi tôi làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17 Tỉnh đội Quảng Nam đầu năm 1954, cùng đơn vị tham gia chiến đấu cho đến khi tập kết ra Bắc năm 1955. Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự cao cấp Nam Kinh (Trung Quốc), tôi được điều về công tác ở Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu (BTTM), làm trợ lý chiến trường chuyên theo dõi chiến trường B, chủ yếu là Quân khu 5 và Tây Nguyên. Gần 20 năm sau, về lại Quảng Nam, tôi gắn bó thêm với xứ Quảng qua trận đánh để đời: Thượng Đức.



 
Đại tá Trương Đức Chữ (ngoài cùng bên phải) và đồng đội năm 1974.

Tháng 5- 1974, tôi vào Khu 5, dự cuộc họp của Thường vụ Khu ủy và Quân khu thông qua kế hoạch hoạt động mùa thu năm này, huy động lực lượng địa phương tấn công đánh phá kế hoạch bình định của địch giành dân, mở rộng vùng giải phóng. Đặt vấn đề và được Tư lệnh Quân khu Chu Huy Mân đồng ý, tôi viết điện ra BTTM đề nghị sử dụng Sư đoàn 304 tiến công tiêu diệt giải phóng chi khu quận lỵ Thượng Đức, tạo bàn đạp trực tiếp uy hiếp căn cứ liên hợp Đà Nẵng, nghiên cứu khả năng đối phó lực lượng cơ động chiến lược quân ngụy và phản ứng của Mỹ. Chiều họp lại, chúng tôi nhận được điện của BTTM đồng ý điều động Sư đoàn 304. Bức điện do đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng ký. Cuộc họp chiều hôm đó bàn thêm về chỉ đạo, chỉ huy và bảo đảm cho hướng chủ yếu Thượng Đức thắng lợi.

Vào Khu 5 và trực tiếp chỉ đạo đánh Thượng Đức nhưng anh Lê Trọng Tấn mới đến Giằng, trên lại có điện gọi anh ra Hà Nội. Trước khi ra về, anh dặn dò cán bộ của BTTM tăng cường vào Khu 5 cần nắm chắc tình hình giúp Bộ chỉ đạo trận này và các trận sau. Lúc này Sư đoàn 304 giằng co với địch rất quyết liệt. Chiều ngày 2-8-1974, chúng tôi đến Sư đoàn 304 gặp mặt đồng chí Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 trực tiếp chỉ huy Sư đoàn 304; đồng chí Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Đà và nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương có mặt để huy động lực lượng địa phương giúp đỡ phối hợp với sư đoàn đánh Thượng Đức. Mọi người nghiên cứu kỹ và bàn biện pháp khắc phục cách đánh trước. Tất cả nhất trí cần thêm lực lượng địa phương mở hướng tấn công thu hút địch ở phía nam, nhất thiết phải đưa 2 khẩu pháo nòng dài 85 lên điểm cao 229 tây Thượng Đức ngắm bắn trực tiếp diệt lô cốt mẹ và diệt hỏa điểm địch.

Đêm 6-8, đơn vị triển khai kế hoạch tiến công dứt điểm Thượng Đức. Tôi và đồng chí Chí Trung, Cục Chính trị được phái đến Sở chỉ huy Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) kiểm tra việc bố trí chuẩn bị tiến công. Đến 22 giờ vẫn chưa thấy pháo trên điểm cao. Tôi gọi điện báo cáo về sở chỉ huy Sư đoàn. Các anh ra lệnh: Khi chưa đưa pháo 85 lên điểm cao ngắm bắn trực tiếp thì chưa được tiến công. Quân khu tăng cường cho Sư đoàn 304 một tiểu đoàn đặc công từ hậu phương mới vào trên 400 quân để giúp bộ đội pháo tháo, vác, kéo pháo lên điểm cao. Đến 3 giờ ngày 7-8-1974, pháo mới bố trí xong ở vị trí. Mờ sáng ngày 7 - 8, chuẩn bị xạ giới sẵn sàng bắn. Khi nhìn rõ lô cốt và có lệnh pháo ta tập trung bắn vỡ lô cốt mẹ cố thủ và các lô cốt còn lại; các khẩu phòng không 37 cũng hạ nòng bắn vào lô cốt địch kết hợp với hỏa lực đi cùng yểm hộ bộ binh đồng loạt xung phong. Trận đánh thắng lợi hoàn toàn.

Sư đoàn 304 kiên cường đánh bại các đợt phản công làm cho địch phải bỏ ý định phản công chiếm lại Thượng Đức. Thấy rõ địch không thể làm gì được với Thượng Đức và đã chuyển vào phòng ngự chiến lược, tôi ra Hà Nội báo cáo và đề nghị với trên tiếp tục giữ lực lượng Quân đoàn 2 tiến công tiêu diệt kìm giữ lực lượng tổng dự bị địch ở Đà Nẵng- Huế, bảo đảm cho hướng tiến công chủ yếu năm 1975. Đây cũng là báo cáo và đề nghị cuối cùng của tôi qua 14 năm trợ lý chiến trường B ở Cục Tác chiến BTTM, bởi vì sau đó tôi chuyển công tác.

“Trận Thượng Đức cho phép rút ra nhận định: Quân chủ lực cơ động của ta đã mạnh hơn chủ lực cơ động của ngụy. Một hình thái mới bắt đầu xuất hiện: Địch không còn khả năng chiếm lại các vị trí đã mất, quân ta có đủ khả năng tiến công tiêu diệt địch trong công sự kiên cố, tiêu diệt cụm cứ điểm, chi khu, quận lỵ, giữ được mục tiêu, chiếm đất, giải phóng dân ngay ở vùng giáp ranh”. Nhận định đầy sức thuyết thuyết phục này của Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan rất lớn đến hạ quyết tâm chiến lược với những trận quyết chiến giành toàn thắng. Chiến thắng Thượng Đức cũng được nhắc đến trong Hội nghị Bộ Chính trị ngày từ 30-9-1974 đến 8-10-1974, như để khẳng định thêm thời cơ của cách mạng Việt Nam.

35 năm đã trôi qua, những người tham gia chỉ huy trận Thượng Đức ngày ấy hầu hết đã thành người thiên cổ, tôi cũng đã bước vào tuổi 84 nhưng ký ức về trận Thượng Đức ngày làm phái viên chiến trường vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như ngày nào.


 
Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #2 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 09:28:00 am »

Trên một số trang web có nói về sự tổn thất của bên ta là hy sinh 2000 người và bị thương khoảng 5000 - Bên địch chết 500 , 2000 bị thương ! Ý em quên trích dẫn nguồn tin trên - Nó là tin lấy từ nguồn báo của Quảng Nam .
Logged
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 04:18:59 pm »

Bác thichcafevn (nghe giống x-cafevn nhỉ  Grin ) chưa nói nguyên nhân bác quan tâm đến trận này.  Roll Eyes
Logged
rongxanh
Thành viên
*
Bài viết: 2085

Mơ về nơi xa lắm.


« Trả lời #4 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 04:25:19 pm »

Trên một số trang web có nói về sự tổn thất của bên ta là hy sinh 2000 người và bị thương khoảng 5000 - Bên địch chết 500 , 2000 bị thương ! Ý em quên trích dẫn nguồn tin trên - Nó là tin lấy từ nguồn báo của Quảng Nam .

TRang web này chỉ nói thuơng vong của ta là <500 ngừơi !
Logged
_new
Thành viên
*
Bài viết: 827



« Trả lời #5 vào lúc: 15 Tháng Mười Một, 2009, 05:04:55 pm »

Theo tài liệu lưu hành nội bộ của ta thì trận này ta hi sinh 111 người và bị thương 285 người.
Logged
thichcafefin
Thành viên
*
Bài viết: 24


« Trả lời #6 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2009, 07:45:09 pm »

Em xin pót thêm một ít tài liệu liên quan, cái này là thông tin từ phía VNCH !
Lực lượng ta tham chiến gồm có:
•   SĐ324B gồm các Trung Đoàn 29, Trung Đoàn 6 & Trung Đoàn 803 di chuyển từ phía Tây tỉnh Quảng Trị xuống tỉnh Quảng Nam.
•   SĐ304 Điện Biên, Tư lệnh là Trương Công Phê, Chính ủy là Trần Bình chỉ huy trực tiếp trận chiến. gồm 3 Trung Đoàn 66, 24 & 36 vừa tham gia trận đánh chiếm căn cứ Dak Pek ở phía Bắc tỉnh Kontum vào giữa tháng Năm đã bí mật di chuyển vào khu vực Thượng Đức.
•   Trung Đoàn 31 thuộc SĐ2 tăng viện vào lúc cuối trận chiến.
•   2 Tiểu Đoàn bộ đội địa phương Quảng Đà.
•   Một Trung đoàn Pháo và Trung đoàn Chiến Xa.
Lực lượng ta quân tham gia tác chiến chủ yếu ở Thường Đức là Sư Đoàn 304 với Trung Đoàn 66 được tăng cường Trung Đoàn 29 (còn gọi là Trung Đoàn 3) /Sư Đoàn 324, Tiểu Đoàn 1/Lữ Đoàn 219 Công Binh, một đại đội tên lửa A72 (SA-7) và một đại đội tên lửa B72 (AT-3), tất cả từ Quân Đoàn 2 cùng hai tiểu đoàn bộ đội địa phương Quảng Đà. Các đơn vị của Quân Đoàn 2 đã được cơ giới trên con đường chiến lược mới mở Đông Trường Sơn từ thung lũng Ba Lòng (Quảng Trị) xuống. Riêng Trung Đoàn 3/ Sư Đoàn 324 vừa mới được cơ giới từ thung lũng A Shau (Thừa Thiên) xuống tham gia đánh trận Dak Pek, sau đó đã cơ động trở lại Quảng Nam đễ tham gia chiến dịch Thường Đức.
SA-7 và AT-3 đều được gọi là "tên lửa" (hỏa tiển), nhưng công dụng khác nhau. SA-7 là hỏa tiển phòng không, chống máy bay hoặc trực thăng, nhỏ gọn, dài khoảng 1.47 mét với đường kính 70mm nằm trong một ống phóng ngắn có thể bắn từ trên vai. AT-3 được chế tạo để chống thiết giáp (xe tăng, thiết vận xa) hoặc bắn vào các công sự chiến đấu kiên-cố.
Trận Thường Đức do cán bộ Sư Đoàn 304 trực tiếp chỉ huy. Trong cuộc họp chuẩn bị giữa Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 304 với bộ chỉ huy Quân Khu 5, đã có việc trao đổi kinh nghiệm sử dụng pháo bắn thẳng có hiệu lực cao ở Nông Sơn. Tư lịnh Sư Đoàn 304 khẳng định sẽ tiêu diệt Thường Đức với hỏa lực hùng hậu của BộTư Lệnh B5 yểm trợ gồm cấp số trang bị pháo 85 ly và 105 ly gấp đôi của Sư Đoàn 2 lại có thêm súng cối 160 ly có sức công phá lớn, yểm trợ đắc lực cho bộ binh xung phong.
Quân Đoàn 2 tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng với Sư Đoàn 304 do Ðại Tá Hoàng Đan, phó tư lệnh quân đoàn phụ trách.
Với nhiệm vụ tấn công chi khu quận lỵ Thường Đức, thử thách quan trọng đối với Sư Đoàn 304 là việc chuyển vận đưa vũ khí đạn dược vào trận chiến. Hai tổ trinh sát từ hai hướng hoạt động gởi về báo cáo các kế-hoạch mở đường. Sau khi cân nhắc, cán bộ chỉ huy Quân Đoàn 2 và Sư Đoàn 304 quyết định mở đường từ Trào vào bến Hiên. Con đường này ta phải làm mới 45km, còn 21km dựa vào con đường VNCH làm dở dang đã bỏ từ lâu, sửa lại là xe pháo đi được, việc bảo đảm bí mật đưa lực lượng vào chiến dịch cũng tốt hơn. Ngoài việc ghép thuyền chở pháo, và các loại vũ khí cộng quân còn đóng nhiều bè chuối, bè nứa để vận chuyển đạn và gạo vào chiến dịch
Đoạn đường từ bến Hiên vào Thượng Đức dài 17km, phía VNCH thường đưa thám báo ra phục kích, ta chưa thể sửa ngay được. Giai đoạn đầu, ta phải dùng thuyền, bè chở pháo đạn xuôi sông Côn rồi dùng sức người đưa pháo lên chiếm lĩnh trận địa. Quân Đoàn 2  và Sư Đoàn 304 hạ quyết tâm đến ngày 20-7 phải làm xong đường để đưa các lực lượng chính yếu vào đánh chiếm Thường Đức.
Sau hơn một tháng vật lộn với con đường, đêm 17 tháng 7/1974, các xe pháo của ta đã bí mật kéo vào tập trung ở thôn Hiên. Các đại pháo 122 mm của Sư Đoàn 304 được bố trí trong các làng bản không có người ở, vì dân đã bỏ đi từ lâu, nay biến thành rừng. Cối 160 mm vào tới vị trí an toàn cách căn cứ Thượng Đức 3 km. Bộ đội và dân công lại đưa pháo 85 mm vượt qua một bãi sình lầy lên điểm cao 118 để bắn trực tiếp vào Thượng Đức.
Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn 304 đặt tại phía Đông Nam núi Hà Sống, tại đây có thể quan sát rõ bộ binh xung phong lên Thượng Đức. Sư Đoàn 304 chia thành ba mũi tiến công vào Thượng Đức: Trung Đoàn 66 với Tiểu Đoàn 7,8 và 9 tấn công vào các vị trí VNCH ở trung tâm chi khu quận lỵ , bộ đội địa phương, dân quân du kích tấn công vào các thôn xung quanh quận lỵ, Trung Đoàn 29 của Sư Đoàn 324 chiếm lỉnh các cao điểm ngăn chận viện binh ở vòng ngoài dọc theo phía Bắc LTL 4.

Lực lượng địch:
•   Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân Biên Phòng.
•   Hai Đại Đội Địa Phương Quân.
•   Một Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến.
•   Một Trung Đội Viễn Thám.
•   16 Trung Đội Nghĩa Quân.
•   LĐ1 ND do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh làm Lữ Đoàn Trưởng gồm 3 Tiểu Ðoàn 1,8,9 ND và TÐ1PBND
* Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, Thiếu Tá Ngô Tùng Châu làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù , Thiếu Tá Nguyễn Quang Vân làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù, Thiếu Tá Nguyển Văn Nhỏ làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù , Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghi làm Tiểu Đoàn Trưởng.
•   LĐ3ND do Trung Tá Lê Văn Phát làm Lữ Đoàn Trưởng gồm 3 Tiểu Ðoàn 2,3,6 ND và TÐ3PBND
* Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù, Thiếu Tá Trần Công Hạnh làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Thiếu Tá Võ Thanh Đồng làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, Thiếu Tá Nguyển Hửu Thành làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù Thiếu Tá Nguyển Văn Thông làm Tiểu Đoàn Trưởng
Em có sửa lại một số chi tiết, thuật ngữ cho phù hợp với nội quy, nhưng chung quy đây là thong tin của VNCH . Em ko tin lắm nhưng cũng là tham khảo . Các anh , chú Bác có thể post them cho em với . Cảm ơn !
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 16 Tháng Mười Một, 2009, 08:55:06 pm »

•   LĐ1 ND do Trung Tá Nguyễn Văn Đỉnh làm Lữ Đoàn Trưởng gồm 3 Tiểu Ðoàn 1,8,9 ND và TÐ1PBND
* Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, Thiếu Tá Ngô Tùng Châu làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù , Thiếu Tá Nguyễn Quang Vân làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 9 Nhảy Dù, Thiếu Tá Nguyển Văn Nhỏ làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù , Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghi làm Tiểu Đoàn Trưởng.
•   LĐ3ND do Trung Tá Lê Văn Phát làm Lữ Đoàn Trưởng gồm 3 Tiểu Ðoàn 2,3,6 ND và TÐ3PBND
* Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù, Thiếu Tá Trần Công Hạnh làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 3 Nhảy Dù, Thiếu Tá Võ Thanh Đồng làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù, Thiếu Tá Nguyển Hửu Thành làm Tiểu Đoàn Trưởng
* Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù Thiếu Tá Nguyển Văn Thông làm Tiểu Đoàn Trưởng

Đoạn này là mãi về sau, khi sư dù VNCH định tái chiếm Thượng Đức.

Thượng Đức gồm 2 giai đoạn: đánh chiếm và đánh phản kích. Sách báo phía ta thường tập trung nhiều vào giai đoạn 1 vì có bài học chủ quan của e66/f304, còn phía bên kia thì tập trung nhiều vào giai đoạn 2 vì liên quan đến "chiến tích" của sư dù. Trên này có bác Caodiem1062 là cựu binh Thượng Đức đấy.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
hiephoa2000
Thành viên
*
Bài viết: 377



« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Mười Một, 2009, 10:24:04 pm »

Trận Thượng Đức này em có nghe đọc trên mục đọc truyện đem khuya của đài tiengnoivietnam. tài liệu viết em ko tỉm ra. có in thành sách kô các bác nhỉ
Logged

D Vượt sông , E 476 CB . QK7
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2009, 01:34:34 pm »

Trận Thượng Đức

Năm 1974, trước những thắng lợi liên tiếp của quân và dân ta trên chiến trường Tây Nguyên, nhất là sau khi một số cứ điểm của địch ở Đức Phú, Ya Sup, Đắk Pét bị tiêu diệt, mở ra khả năng mới về đánh tiêu diệt lớn của ta. Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ tư lệnh Quân khu 5 tiến hành mở chiến dịch Nông Sơn-Thượng Đức trên địa bàn hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lúc và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng đất đai, mở rộng vùng giải phóng, đánh bại một bước kế hoạch "Bình định lấn chiếm" của chúng, hỗ trợ quần chúng đấu tranh, nôi dậy giành quyền làm chủ, làm chuyển biến so sánh lực lượng và thế trận có lợi thực hiện nhiệm vụ chiến lược trong hai năm 1975-1976.

Nhiệm vụ tiêu diệt địch phòng ngự ở quận lỵ Thượng Đức giao cho Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn bộ binh 9), được tăng cường Trung đoàn bộ binh 3 Sư đoàn 324 Quân khu 5, một số đơn vị binh chủng chiến đấu và bảo đảm của Quân đoàn 2.

Do chủ quan, chuẩn bị chiến trường chưa chu đáo, nắm địch và địa hình thiếu cụ thể, tỷ mỷ; chọn hướng mũi tiến công, tổ chức bố trí binh hỏa lực chưa phù hợp; chỉ huy chiến đấu của cán bộ các cấp lúng túng, không chế áp được hỏa lực mạnh của dịch để chi viện cho bộ binh mở cửa, đánh chiếm các mục tiêu bên trong cứ điểm, nên trận đánh phải kéo dài nhiều ngày, quân số và vũ khí bị thiệt hại nhiều; Sư đoàn phải thay đổi củng cố bố trí đội hình, đổi phương pháp tiến công, xây dựng quyết tâm chiến đấu, điều chỉnh lại lúc lượng binh hỏa lực... Sau gần 10 ngày chiến đấu, qua ba đợt tiến công ta mới giành được thắng lợi, đánh chiếm được quận lỵ Thượng Đức.


I. Tình hình chung

1. Khu vực Thượng Đức


Quận lỵ Thượng Đức, nay là thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 40km về phía Tây. Địa hình hiểm trở, ba mặt là núi cao, nhiều vách đứng. Phía Bắc có dãy Tiên Sơn, An Điềm, điểm cao 776 kéo dài tới điểm cao 1062. Phía Nam cách khoảng I,5km là dãy núi Hữu Trinh cao 848m. Phía Đông và Đông Bắc cách khoảng 4km là dãy núi Ba Khe, chạy sát ra sông Vu Gia, chia cắt Thượng Đức thành khu vực độc lập. Hướng Tây có dãy núi Hà Tân và Khe Ba thoải dần về phía Đông.

Đường số 4 chạy từ Hòa Phát qua Hiếu Đức, Thượng Đức đến bến Hiên. Đường số 14 chạy từ Thượng Đức qua cầu Hội Khánh đến bến Giàng. Mặt đường đoạn Hòa Phát đến Hiếu Đức rộng 4-6m; mặt đường từ Hiếu Đức đến Thượng Đức rộng 4m, nhiều đoạn bị hỏng nặng, chỉ còn vệt đường mòn, cây cỏ mọc dày. Đoạn này có nhiều cầu nhỏ qua các khe suối, đa số là bê tông nhưng đã bị hỏng.

Phía Nam Thượng Đức có sông Cái (có đoạn gọi là sông Thạch Mỹ, có đoạn gọi sông Vu Gia) rộng trên 200m. Phía Bắc và Đông Bắc có sông Côn rộng 60-80m. Cầu Hà Tân bắc qua sông Côn, nối hến khu trung tâm quận lỵ sang sân bay Đại An. Hai con sông này vào khoảng tháng 5 và tháng 6 nước cạn, nhiều đoạn có thể lội qua được.

Trận đánh diễn ra khi có nhưng trận mưa đầu mùa, trời nhiều mây, nước sông lên cao, đường sá sụt lở, ảnh hưởng đến cơ động binh hỏa lực.

Nhân dân khu vực B Đại Lộc là vùng giải phóng cũ, sau Hiệp định Pa ri, địch lấn chiếm, nhưng các cơ sở của ta vẫn còn tiếp tục hoạt động. Riêng quận lỵ Thượng Đức có  nhiều thành phần, đảng phái, tôn giáo khác nhau hoạt động, cơ sở của ta còn yếu, địch tập trung kìm kẹp, o ép mạnh. Nhưng cơ bản nhân dân vẫn giữ vững mềm tin với Đảng, với cách mạng, cơ sở của ta vẫn bám trụ và phát triển. Đội vũ trang công tác từng bước bám dân, bám đất từng bước hoạt động có hiệu quả.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM