Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:23:46 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87857 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #130 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:44:46 am »


Ngày 22 tháng 3 năm 1973. Đoàn phái viên của Cục Quân y đi kiểm tra tình hình các chiến trường mà tôi gặp trên đường ra Hội nghị Quân y chiến trường tháng 8 năm 1972, nay đã từ chiến trường Nam Bộ ra Tây Nguyên và xuống thăm Viện 211.

Gặp các anh thật mừng. Chúng tôi thịt lợn để chiêu đãi đoàn.

Ngày 30 tháng 3 năm 1973. Hoà bình đã được lập lại gần hai tháng. Ở đây hoạt động của máy bay ít hơn, nhưng phía Campuchia tiếng bom B52 vẫn ì ầm hàng ngày xa xa.

Tình hình cơ bản không có gì khác. Vẫn leo dốc, cơm độn sắn, vẫn bận rộn các công tác xây dựng, tăng gia.

Nhân viên của Viện mới làm xong đoạn đường ôtô nối đường trục từ Binh trạm Trung vào kho của Viện. Đường dài gần ba giờ đi bộ, khoảng 10-12 cây số. Khó khăn nhất là bốn đoạn vượt qua suối, phải làm ngầm. Anh em rất phấn khởi, hy vọng ôtô sẽ chuyển hàng tới tận kho, đỡ được công vận chuyển.

Nhưng làm xong đường thì lại không có xăng cho xe chạy.

Quân Mỹ, quân Nam Hàn tiếp tục rút. Tuy nhiên, việc thi hành hiệp định đình chiến có nhiều khó khăn. Chúng nó tìm mọi cách phá hoại. Riêng việc trao trả tù binh cũng phải đấu tranh vất vả. Phái đoàn của ta bị hành hung ở Ban Mê Thuộc, Huế, Đà Nẵng... Chúng nó tiếp tục lấn chiếm vùng giải phóng. Cuộc đấu tranh còn đang tiếp diễn, không loại trừ khả năng chiến tranh trở lại.

Ngày 15 tháng 5 năm 1973. Một phái đoàn của Trung ương vào thăm chiến trường.

Ở Tây Nguyên đây là lần đầu tiên có phái đoàn như vậy. Đoàn có các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Thọ Chân, Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Cùng đi có nhiều cán bộ cao cấp, chỉ huy các Cục, trong đó có anh Vinh, Cục trưởng Cục Quân y.

Thật là một luồng gió mới thổi vào chiến trường Tây Nguyên. Tôi được báo lên Phòng để làm việc với thủ trưởng Cục Quân y và nghe phái đoàn nói chuyện. Trong buổi nói chuyện với cán bộ, nhiều nhận định rất rộng rãi, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, những khó khăn, thuận lợi được đánh giá rõ ràng và có cách giải quyết mạnh dạn, dứt điểm. Triển vọng tình hình rất đáng phấn khởi. Nói đến tình hình đói cơm, nhạt muối, thiếu quần áo, thuốc men của Tây Nguyên, anh Tố Hữu nói tới “Chủ nghĩa anh hùng đóng khố” và nói: “Nếu cho sự đói khổ của dân là điều không thể làm gì được hoặc thậm chí có thể làm từ từ cũng được thì không xứng đáng là người cộng sản, thậm chí, không xứng đáng là người Việt Nam...”.

Đoàn đã có những giải quyết cụ thể, Chỉ huy Phòng Hậu cần cho biết: Anh Đinh Đức Thiện điện cho Đoàn 559 chuyển ngay 1000 xe hàng, chuyển 4000 tấn gạo cho Tây Nguyên trong điện ghi rõ: “Chỉ chấp hành, không hỏi lại, không bàn bạc...”.

Các anh hứa sẽ tổ chức nông trường, nhà máy, máy cưa xẻ, máy giấy vào chiến trường. Với Quân y, có một quyết định cụ thể là chuyển ra hậu phương hơn một nghìn thương bệnh binh mất sức chiến đấu, đang đọng ở các bệnh viện, bệnh xá... bỏ hết các thủ tục giấy tờ phức tạp. Có giấy cũng ra, không giấy cũng ra. Giải quyết các giấy tờ sau. Riêng Viện 211 cho đi được 350 đồng chí đang còn ứ đọng.

Đoàn còn mang vào nhiều thư và quà của gia đình. Trong quà của Hương, do anh Vinh mang vào có mứt hạt sen, kẹo. Mứt sen đi đường dài vào tới nơi đã chua nhưng cũng nhắc cho tôi vị Tết ở hậu phương. Nhiều thư của Hương, của hai gia đình nội ngoại, các anh chị, các em... Qua cuộc chiến tranh ác liệt gia đình nội ngoại của tôi bị tổn thất bốn người: cháu Khánh, con trai thứ ba của anh tôi hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị, chú Tề, em rể hy sinh ở khu 6, một cháu, bác sĩ, con bà chị, hy sinh ở Quảng Nam, một chú em họ mất tích ở Tây Nguyên. Không kể con gái tôi, hy sinh do tai nạn... Thư của Hương như những lời than vãn tuyệt vọng.


Ngày 22 tháng 5 năm 1973. Lên Bộ Tư lệnh mặt trận dự Hội nghị chỉnh huấn. Mới dự Hội nghị được buổi sáng thì trong giờ nghỉ trưa đồng chí Kiểu, trưởng ban cán bộ B3 tìm tôi báo tin: “Bộ có điện gọi anh ra!”... Tôi sững người vì bất ngờ và bàng hoàng, hỏi thêm: “Ra hẳn hay ra lại vào?”.

- “Ra hẳn”.

- “Có ai ra cùng với tôi nữa không?”.

- “Có anh Thuyên!” - Anh Kiểu trả lời.

Sau đó anh Kiểu bảo thêm: Tôi đã báo cáo Bộ Tư lệnh, các anh cho ý kiến là anh nên ra gấp vì mùa mưa tới nơi rồi. Hơn nữa có thể trên bố trí để anh đi bổ túc. Nếu chờ đến mùa khô sẽ nhỡ kế hoạch.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #131 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:45:55 am »


TRỞ VỀ

Ngày 1 tháng 6 năm 1973. Thật khó mà tả hết tâm trạng của tôi khi nghe tin, cuối cùng tôi cũng đã được về hậu phương.

Đầu tiên có lẽ là sự sửng sốt bất ngờ vì sau bao nhiêu lần có những tin đồn là trên gọi tôi ra, nhưng cuối cùng vẫn không ra. Lần này, không thấy tin đồn gì trước. Được ra, thực thà mà nói, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn là luyến tiếc. Tôi đã cảm thấy quá đủ với những sự căng thẳng thường trực, những gian khổ, khó khăn, ác liệt trong hơn bảy năm ở chiến trường. Tôi cũng cảm thấy đã đến lúc làm dịu bao nhiêu lo âu, khắc khoải của gia đình. Với bản thân tôi thấy cũng đã đến lúc phải đi điều trị mắt. Bệnh thiên đầu thống tiềm tàng trong mắt tôi đã dần dần phát triển và bắt đầu cản trở công việc mổ xẻ của tôi. Được ra sau thắng lợi của Hội nghị Pari, cho tôi cảm giác nhẹ nhõm là đã hoàn thành một phần nhiệm vụ. Nhưng tôi vẫn day dứt khi nghĩ tới bao bạn bè, đồng chí, các anh chị em trong Viện, cùng vào chiến trường, chưa được ra như tôi.

Ngay ngày hôm sau, tôi chia lay với các anh em cán bộ đang dự chỉnh huấn. Các anh rất lưu luyến, và đều mừng cho tôi đã hoàn thành công việc ở chiến trường...

Tuy nhiên tôi cũng phân vân chưa biết sẽ ra bằng đường nào? Phòng Hậu cần thì cho biết, theo thông báo thì đường Trường Sơn đang đổi tuyến từ phía Tây chuyển sang phía Đông Trường Sơn. Các trạm giao liên đang di chuyển không nhận khách. Lại bắt đầu mùa mưa. Cần chuẩn bị đối phó với những khó khăn dọc đường. Muốn chờ tuyến đường di chuyển xong thì phải hết mùa mưa.

Trong khi đang phân vân không biết quyết định ra sao thì một trung đoàn trưởng Pháo mới cùng đơn vị vào chiến trường, cho biết một tin quan trọng: Trên đường vào, đơn vị anh có một xe kéo pháo bị hỏng phải để lại gần đường 9. Đơn vị đang chuẩn bị cho một xe khác ra kéo xe bị hỏng vào. Nếu chúng tôi đồng ý thì anh có thể giới thiệu cho đi nhờ ra tới đường 9.

Thật là dịp may hiếm có. Chúng tôi nhận lời ngay và anh viết cho tôi một giấy giới thiệu về đơn vị. Thật mừng vì ra tới đường 9 là đã được quá nửa đường, phần còn lại sẽ lo sau. Sau Hiệp nghị Pari, Mỹ đã phải ngừng bắn phá cả ở chiến trường Lào như vậy việc đi ôtô đã an toàn.

Tôi được phép thôi không dự chỉnh huấn để trở về đơn vị bàn giao và chuẩn bị lên đường.

Về lại Viện, chia tay với anh em thật là cảm động. Liên hoan từ biệt linh đình. Viện tổ chức một bữa cơm chia tay với chủ nhiệm khoa, đại biểu nhân viên, phụ nữ, chỉ huy trường Quân y hơn một trăm người. Đêm hôm đó, ngồi tâm sự tới hơn một giờ sáng vẫn không hết chuyện.

Sáng 28 tháng 5 rời Viện ra đi, qua trường Quân y, các anh bố trí nói chuyện và từ biệt với học viên. Sang Đội Vệ sinh phòng dịch ăn cơm trưa rồi ra đường xe, chờ ở ba-ri-e đón xe lên Phòng. May gặp xe anh Tuệ, Phó chính uỷ Phòng đi công tác ngang qua, đáp xe lên Phòng.

Lên tới Phòng nhận giấy tờ, mới phát hiện ra là ba giấy sinh hoạt Đảng làm sai cả ba! Phải xin liên lạc hoả tốc của Phòng quay về Viện làm lại. Trong thời gian ở Phòng, đi tham các thủ trưởng B3. Các anh chiêu đãi một bữa. Sang phòng Tham mưu, thăm anh Phú Tham mưu trưởng, anh Hồ Đệ, Tham mưu phó, lại được các anh chiêu đãi bữa nữa. Sang phòng Chính trị thăm anh Hà, Chủ nhiệm chính trị, rồi thăm các Ban của Phòng Hậu cần.

Ngày 2 tháng 6 năm 1973. Rời Phòng Hậu cần ra đi. Cùng đi có anh Lạc và anh Đạt, phái viên của Bộ vào công tác chiến trường, và cậu Sinh cần vụ đi cùng với tôi mấy năm nay.

Đón ôtô, ra tới Trung đoàn bộ Trung đoàn Pháo 234 ở chân đèo Ăm-pun. Anh trung đoàn phó niềm nở tiếp chúng tôi, xem giấy giới thiệu và đưa chúng tôi xuống gặp tổ lái chiếc xe đang chuẩn bị gấp để ra đường 9.

Đây là một chiếc xe kéo pháo Liên Xô, nhãn hiệu U-ran, to đồ sộ, tôi chưa từng thấy bao giờ.

Phải chờ anh em chuẩn bị mất một ngày rưỡi. Thật sốt ruột, nhưng không thể bỏ lỡ dịp may hiếm có, có chiếc xe vận tải kéo pháo to như xe U-ran để trở ra.

Cuối cùng 1 giờ chiều 4 tháng 6 mới rời Trung đoàn, rời Tây Nguyên, lên đường về hậu phương. Xe U-ran là loại xe kéo pháo cỡ lớn của Liên Xô, bánh xe cao ngang đầu, chúng tôi phải leo lên bánh xe rồi mới leo được lên thùng xe. Ngồi trên thùng xe cao ngất ngưởng như ngồi trên lưng voi.

Xe chạy cực khoẻ. Đường dốc đèo lầy lội mà xe cứ chạy băng băng. Chúng tôi phải bám chặt vào thùng xe bằng thép, ngồi dựa lưng vào ca bin.

Chiều hôm đầu, qua đèo Ăm-pun, tên đèo do bộ đội đặt. Nghe nói do khi đi khảo sát, anh chỉ huy đội khảo sát đánh rơi một cái ăm-pun thuốc sốt rét ở đây nên lấy đó để đặt tên đèo. Ra tới điểm 5, ngủ lại ở một trạm ba-ri-e cạnh đường, mưa rơi rào rào trên mái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #132 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:46:19 am »


Ngày 5 tháng 6, xe tới sông Xê Ca Sụ, tới chân đèo 30 gần sông Xê Ca Mán. Không qua được đèo. Đường hẹp, có xe bên kia đèo sang bị chết máy ở đỉnh đèo, làm tắc đường. Phải ngủ lại đêm ở một trạm công binh cùng với một số lái xe.

Sáng 6 tháng 6, qua Xê Ca Mán tới kho K3, K4. Đây là ngã ba rẽ sang Campuchia và đi vào chiến trường Nam Bộ. Trên bãi cỏ bằng phẳng, hàng nghìn người đang chờ đợi: Sau Hiệp định Pari Đường dây 559 có chủ trương, cho anh chị em vào chiến trường lâu về nghỉ phép. Mọi người đang chờ đợi xe ra, xúm xít quanh xe xin đi nhờ. Không biết nhận ai và đừng ai vì trên thùng xe, cao nhất cũng chỉ có thể chứa được 20 người. Gác ba-ri-e và lái xe đột nhiên cãi nhau om sòm. Gác ba-ri-e đỏ mặt đe: “Xe chúng mày còn qua đây nhiều... Rồi chúng ông cho biết tay!”. Anh lái xe cũng hùng hổ không kém: “Đ. mẹ chúng mày, đố làm gì được chúng ông...”. Thì ra anh gác ba-ri-e định giới thiệu một toán, nhưng anh lái xe thì đã nhận lời một toán khác. Cuối cùng nhận thêm 16 người ra nghỉ phép, thế là trên thùng xe vừa chật.

Đường đi chếch về hướng Tây, đi trên cao nguyên Bô-lô-ven thuộc đất bạn Lào, tương đối bằng phẳng hơn con đường đi bộ, trước đây chúng tôi đi. Qua những khu rừng khộp, cây khô khan cong queo, lá lưa thưa, mọc thẳng hàng như có người trồng. Dưới gốc cây là những bãi cỏ rộng.

Tới sông Bạc, có ca nô đưa qua sông. Con đường, bắt vào một con đường đá của Tây làm cũ, nhưng cầu bị phá, phải đi qua ngầm. Đêm ngủ lại trạm giao liên 62. Như vậy, hai ngày đi xe bằng một tháng đi bộ trước đây.

Sáng 7 tháng 6, xe đi tiếp, men một con sông to, sông Xê Công. Chiều đến một trạm xăng, có những ống dẫn xăng to bằng cổ chân chạy trong rừng. Mái nhà lợp bằng những mảnh cao su lớn là những bể đựng xăng bằng cao su bị thủng. Những thùng phuy ngổn ngang. Chuồng gà cũng bằng phuy xăng, đục lỗ, cầu bắc qua suối cũng bằng những ống dẫn xăng ghép lại. Khắp nơi, mùi xăng khét lẹt.

Xe lấy đầy xăng vào thùng xe, còn lấy thêm một phuy xăng dự trữ. Qua trạm 55, ngừng lại xin thực phẩm, cũng vừa lúc xe bị hỏng: lốp bẹp. Một đinh bù loong to bằng ngón chân cái cắm vào lốp xe khi ở trạm xăng.

Vá được lốp xe thì lại mất điện. Đành ngủ lại trạm giao liên. Trạm mới di chuyển đến đây, nhưng cũng khá chu đáo. Cơm ăn có cà, măng. Đến tối, Chỉ huy trạm pha cà phê mời chúng tôi. Thì ra đây là khu vực đồn điền cà phê. Nhà dân nào cũng có hàng cót cà phê to như cót thóc. Thừa cà phê nhưng lại thiếu gạo. Bộ đội ở đây có kiểu uống cà phê khá độc đáo. Để rang cà phê thì đổ một mớ cà phê vào chiếc mũ sắt, đổ xăng lên trên. Cạnh đường ống, thiếu gì xăng. Rồi bật lửa, xăng cháy đùng đùng. Khi tắt lửa là cà phê vừa rang cháy, thơm phưng phức, không dính chút mùi xăng. Để xay cà phê, thì cũng vẫn chiếc mũ sắt, một cành cây làm chày, giã một lúc thì tan biến. Còn để pha cà phê thì bộ đội có loại “phin đại đội”, “phin tiểu đoàn”, tuỳ theo nhu cầu pha cho một đại đội hay một tiểu đoàn thưởng thức. Đó là những chiếc nồi nhôm to đường kính 30-40 cm, dùng đinh nhỏ đục chi chít ở đáy nồi.

Anh trạm trưởng pha cà phê, mời chúng tôi, nhưng anh không uống. Hỏi, thì ra một lần, có một trung đội công binh hành quân qua trạm, anh pha cà phê chiêu đãi. Tính hiếu khách, anh trổ tài, pha thật đặc, “cắm chiếc tăm vào chén cà phê mà không bị đổ”, tra đường thật ngọt. Nhưng trung đội vội lên đường, không kịp uống. Đổ đi thì tiếc anh đành một mình uống cả ga men cà phê. Và thế là bị ngộ độc cà phê. Cả một tuần lễ liền không ăn không ngủ được mắt cứ chong chong suốt đêm. Tim thì đập thình thình như trống trận. Tưởng chết. Từ ngày đó, anh phát khiếp, ngửi thấy mùi cà phê là sợ!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #133 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:47:24 am »


Sáng 8 tháng 6, tiếp tục đi, qua đèo 110 khá nguy hiểm. Con đường nhỏ, vắt qua những ngọn núi cheo leo, một bên là vực sâu, một bên là vách núi đá thẳng đứng. Mỗi khi vượt dốc cao, xe thở hì hục. Có lúc sang số không kịp, xe tụt lại xuống ngầm. Ngồi trên xe mà rợn người. Qua ngã ba đường 22A, 22B, tới cây số 114, qua ba-ri-e 94. Hỏi thăm được biết, chiếc xe kéo pháo bị hỏng vẫn nằm ở cây số 63.

Buổi trưa xe dừng lại, nấu cơn ăn bên bờ suối, cạnh một trạm công binh. Nhiều xác xe hỏng rải rác dọc đường. Những máy ủi đất đang hì hục san nền cho một con đường mới, phẳng phiu rộng 12 mét, đất đỏ lầy lội, hai bên có rãnh.

Buổi chiều, tới trạm ba-ri-e 63, gọi nhờ điện thoại được biết chiếc xe hỏng đang ở trạm trung tu của Trung đoàn công binh. Các đồng chí đi nhờ xe xuống trạm giao liên, còn chúng tôi thì cùng với xe vào trạm trung tu. Từ đây ra đường 9 còn khoảng hơn 100 cây số.

Tình hình xe ra khá gay go. Mùa mưa rồi. Không còn xe đi theo kế hoạch. Đường ra còn nhiều đèo dốc khó đi. Vừa xảy ra một tai nạn, may không ai chết. Đường giao liên bộ cũng đang di chuyển không nhận khách.

Thấy chúng tôi lúng túng chưa biết làm sao đi tiếp được, anh lái xe U-ran đề nghị: “Hay là để chúng em đưa các anh ra tiếp!”.

Một đề nghị thật hấp dẫn. Chúng tôi đã đi cùng với nhau gần một tuần nay trên chiếc xe U-ran này. Với chiếc xe khoẻ như con voi này, thì chỉ hai ngày nhẹ nhàng ra tới Hà Nội. Mà ở giữa rừng này, quyết định là ở chúng tôi.

Nhưng rồi chúng tôi suy nghĩ: Nhiệm vụ giao là đón chiếc xe hỏng đưa vào chiến trường. Nay điều xe ra Hà Nội, hoặc Quảng Bình, anh em lái xe tranh thủ về thăm nhà vài hôm, quay lại đúng vào giữa mùa mưa, đường lầy, không hoàn thành nhiệm vụ, thì mất đầu! Chúng tôi đành cám ơn lòng tốt của anh lái xe. Chiều hôm đó, chúng tôi tổ chức một bữa liên hoan từ biệt rồi chia tay nhau.

Vào Trung đoàn Công binh liên hệ. Các thủ trưởng Trung đoàn rất nhiệt tình, cho biết sắp có xe đưa đoàn văn công của Trung đoàn về Sư đoàn ở gần đường 9 dự hội diễn. Nhưng phải chờ đến ngày 12 tháng 6 mới có xe đi.

Ngày 12, chờ sốt ruột mà không có xe. Xe hỏng, hơn nữa trời mưa suốt ngày không đi được. Sáng 13, chờ tới 9 giờ sáng, xe mới tới nhưng đã đầy người trên xe. Chờ xe thứ hai, nhưng cũng đầy người. Điện tới, điện lui, sau đó tất cả leo lên xe. Đi được khoảng hai cây số, chờ xe thứ ba. Đến một giờ chiều xe thứ ba tới, san bớt người, nên cuối cùng cũng đủ chỗ ngồi trên ba xe.

Đi được khoảng 20 phút, chiếc xe thứ hai chết. Xe chúng tôi tới được đèo 36, ngủ lại đêm ở một trạm công binh. Như vậy cả ngày chỉ đi được 20 cây số. Cũng đã là may. Một giờ đêm, chiếc xe hỏng mới tới.

Đường đi đang sửa, nhiều xe ủi chạy hì hục suốt ngày, mìn nổ liên tục, mà không có tín hiệu gì báo trước. Tiếng mìn nổ, từng cột đất đá tung lên trời. Chúng tôi đành cứ phải coi chừng, quan sát hai bên đường. Nếu thấy mọi người chạy dạt là mìn sắp nổ để tránh.

Ngày 14 tháng 6, đi trót lọt đến chiều, nghỉ lại giữa một con suối đá, mắc võng trên thùng xe. Trời vẫn mưa. Thùng xe ngắn, chiếc tăng không che được hết võng, ướt một đầu lại quay đầu lại, xoay chân ra chỗ ướt, đắp chăn, ngủ tiếp ngon lành.

Sáng 15 tháng 6, tới đèo Tha Mé, hàng chục cây số, cây cối hai bên đường bị chất độc hoá học và bom napan đốt cháy như những cột than đen, hai bên đường. Rải rác những đống sắt vụn, xác xe ôtô, xe tăng, pháo, những bánh xe chổng ngược lên trời. Một xác máy bay C130 rơi xuống một khe suối cạn, cách đường vài chục mét, vỏ nhôm còn sáng loáng, chứng tỏ đây đã từng chứng kiến những trận đánh ác liệt.

Qua Tha Mé, là tới đường số 9. Gặp đường nhựa, xe phóng vun vút, quặt sang hướng Tây. Xe dừng lại ở một trạm kiểm soát ven đường. Từ đây vào sư đoàn bộ còn phải đi bộ 7 cây số nữa mới tới. Đành gọi nhờ điện thoại hỏi thăm tình hình. Đoạn đường này, xe đi lại ít. Hiện nay chưa có kế hoạch về Đoàn 559. Vì xe được lệnh ra Mường Lụm lấy hàng, nên chúng tôi quyết định không vào Sư đoàn bộ nữa mà bám theo xe sang Xê-pôn.

Đường đi qua ngầm Tà Khống, nổi tiếng là Cồn Cỏ trên đất liền. Bảy năm trước chúng tôi đã qua đây. Lúc đó đi đêm, dưới pháo sáng, trong tiếng gầm rú của máy bay và bom nổ liên hồi. Hôm nay qua lại đèo giữa ban ngày, những dẫy trùng điệp, cây rừng trụi lá, như những cột than đen, các cành cây như những bàn tay xương xẩu xoè ra chĩa các ngón lên trời.

Đêm ngủ lại Xê-pôn, một thị trấn huyện thuộc tỉnh Savannakhét của nước bạn Lào. Thị trấn nằm trong một thung lũng hẹp, bằng phẳng có đồi núi cao vây quanh. Nhiều nhà gạch cũ đã đổ nát. Nhân dân sống thưa thớt ở các đồi núi chung quanh.

Đến được đây đã là hạnh phúc rồi. Từ đây về nước có hai con đường: Hoặc theo đường quân sự của Đoàn 559, qua Mường Lụm, ra đường 20 sang Cự Nờm, Quảng Bình, hoặc cứ theo đường quốc lộ số 9 qua Bản Đông, ra Đông Hà, Quảng Trị.

Đường 559 thì về mùa mưa rất lầy lội, không hy vọng gặp được xe. Đi bộ chắc cũng khó khăn. Chúng tôi quyết định đi theo đường số 9.

Bắt đầu từ đây, không có xe. Chúng tôi phải chuẩn bị khả năng đi bộ.

Thu xếp lại đồ đạc, bỏ hết những thứ cồng kềnh không cần thiết mỗi người một ba lô, một bao gạo, lên đường. Đặt kế hoạch đi bộ hai ngày tới Bản Đông. Từ Bản Đông sang Lao Bảo. Hy vọng sẽ gặp xe có thể đi nhờ về Lao Bảo hay Khe Sanh và từ đó đi Đông Hà, vào đường số 1 sẽ dễ dàng ra được Hà Nội.

Đường đi khá tốt, đoạn rải nhựa, đoạn rải đá khá dễ đi. Trời nắng đẹp. Đêm hôm đó chốt lại ngủ trên một bờ suối gần cua chữ S, nơi trên đường vào năm xưa, đoàn chúng tôi bị bom.

Qua ngầm Bản Đông tới một trạm ba-ri-e, một chiến sĩ quân giới cho biết, trên ngọn đồi cạnh đường có một tổ quân giới đang làm nhiệm vụ thu hồi các khẩu pháo của địch bỏ lại trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào. Theo hướng chỉ, chúng tôi lên đồi. Giữa một ngọn đồi trọc cạnh đường một chiếc lều to bằng vải bạt. Trong lều một dãy võng treo thành vòng tròn. Đầu võng buộc chụm vào chiếc cọc giữa lều như nan hoa xe đạp. Nước mưa chảy tràn lên mặt đất lầy lội. Anh em giải thích, ở tạm nên không làm rãnh thoát nước.

Tuy không quen biết nhưng anh em đón tiếp chúng tôi thật niềm nở. Anh tiểu đội trưởng cho biết, đúng là tiểu đội đang làm nhiệm vụ thu hồi xe pháo của địch còn vứt lại ở chiến trường. Đã thu được một khẩu pháo 130 ly. Ngày mai sẽ có xe từ Khe Sanh ra kéo về. Anh thu xếp cho chúng tôi chỗ buộc võng trong lều. Buổi tối uống cà phê Khe Sanh, pha vào bi đông như pha chè.

Sáng hôm sau, chúng tôi rời Bản Đông theo một xe kéo khẩu pháo chiến lợi phẩm. Ngồi ngất nghểu trên xe. Sau xe là một khẩu pháo 130 ly mệnh danh là “Vua chiến trường” nòng dài ngoằng. Một anh công binh nói: Có khi chúng nó tưởng quân ta kéo pháo đi đánh Quảng Trị cũng nên.

Chiếc xe kéo pháo ì ạch. Đường bằng còn khá. Qua những đoạn đèo, dốc, một bên đường là vực sâu. Khẩu pháo nặng sau xe có lúc kéo chiếc xe tụt hẳn lại, trôi ầm ầm xuống chân dốc mới dừng lại được. Chúng tôi thót người lại, chờ đợi một tai hoạ. Ngồi trên thùng xe, mà nơm nớp như cá nằm trên thớt. Nghĩ thấy hối hận, thật dại, chọn kiểu đi nguy hiểm này. Chả lẽ nhảy xuống xe đi bộ, thoát chết ở chiến trường, lại chết ở đây hay sao?

Đến Khe Sanh, xe dừng lại chúng tôi nhảy xuống đất mới thở phào, thoát chết rồi. Hỏi thăm đường vào Sư bộ 473, được các anh cho xe con đưa sang trạm giao liên ở Tà Cơn.

Ngày hôm sau, từ Tà Cơn, giao liên cơ giới có xe ca đưa chúng tôi theo đường 9 qua Cồn Tiên, Đông Hà. Những lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ phấp phới tung bay khắp nơi. Qua cầu Hiền Lương, ra Quảng Bình, ở lại Quảng Bình mấy hôm chờ ôtô, sau đó ra Nghệ An rồi đi tầu ra Hà Nội.

Ngày 27 tháng 6 năm 1973, ra tới Hà Nội vào một buổi chiều hè nắng chói chang. Những năm gian khổ, ác liệt ở chiến trường trôi qua như một giấc mơ. Về Hà Nội, trong lòng như ngân nga câu thơ của Tố Hữu:

“Về đến đây rồi Hà Nội ơi!
Người đi kháng chiến chín năm trời
Hôm nay, trở lại đây Hà Nội.
Giàn giụa vui lên ướt mắt cười...”


Hà Nội 31-3-1997





Hết!

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM