Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:45:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87618 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #120 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:28:56 pm »


Ngày 14 tháng 5 năm 1972. Lên họp trên Ban Quân y và sang thăm anh Hoàng, Tư lệnh trưởng bị ốm. Anh gầy hơn hôm trước, cười bảo chúng tôi: “Giá Plây Cần đánh tốt hơn thì mình cũng đỡ ốm!”.

Các đồng chí cần vụ kể lại: Mấy hôm nay, anh gần như không ngủ tý nào. Suốt ngày, anh ở trực ban tác chiến. Tới hơn 12 giờ đêm mới về nơi ở. Ngồi nghỉ một lúc, uống cốc nước rồi lại xách túi xuống trực ban. Một giờ rưỡi sáng mới trở về, ngủ chưa được năm phút lại nhỏm dậy bảo cần vụ: Mình xuống ngủ dưới trực ban.

Đồng chí cần vụ chạy theo, mang theo chiếc võng, nhưng anh không nằm võng, để nguyên giày, ngả lưng lên sạp. Mỗi khi có tiếng chuông điện thoại lại trở dậy. Bốn giờ sáng về nhà, nghỉ một tý. Năm giờ sáng, trở dậy rửa mặt. Một ngày chiến đấu lại bắt đầu.

Trận đánh Plây Cần đang gặp khó khăn. Có ba mỏm đồi đánh chiếm được một mỏm. Chúng nó chui hết vào công sự. Công sự bọn Mỹ xây dựng hơn chục năm qua, dầy năm mét bê tông. Anh Hoàng nói: “66 đánh giỏi đấy, mới vào được một mũi, nếu không thì không vào được. Nhưng cũng chủ quan. Sau Tân Cảnh Đắc Tô, tưởng chừng chúng nó suy sụp cả rồi. Pháo bắn chưa xong đã xin xung phong”.

Họp ở Ban Quân y bàn việc bảo đảm quân y cho trận đánh Kontum sắp tới. Nhưng đang có khó khăn về vận chuyển đạn dược, lương thực, thực phẩm.

Từ sáng hôm nay bắt đầu đánh ngoại vi Kontum.

Bệnh viện phải tổ chức thêm một đội phẫu thay chân cho Quân y Duy Xuyên tiến lên phía trước. Phải tổ chức thêm một bộ phận tiếp nhận thương bệnh binh đã ổn định để bổ sung cho chiến đấu. Quân số thương bệnh binh điều trị hôm nay đã lên tới 550.

Ngày 31 tháng 5 năm 1972. Một tên biệt kích mới trà trộn vào Viện điều trị. Hai tuần trước tải thương khiêng về một người “dân” bị thương vào chân. Qua báo cáo, đây là “dân” làm rẫy ở Tân Cảnh, không vợ con, bị thương do máy bay bắn, được bộ đội băng rồi cáng thương của Tiểu đoàn 2 đưa thẳng vào Viện.

Nhưng ngạc nhiên là không có đường dây tải thương từ Tân Cảnh về đây mà làm sao anh ta về được? Cùng với một số biểu hiện bất thường khác làm cho anh em khoa 34 sinh nghi, báo lên bảo vệ Viện và từ Viện báo lên bảo vệ Phòng.

Khoa cũng bố trí người theo dõi, nhưng chủ quan cho rằng hắn bị thương ở chân, chắc cũng chả đi đâu được. Đêm 14 tháng 5 hắn bỏ trốn lúc 3 giờ sáng.

Rõ ràng không phải là dân mà ít nhất cũng là một lính nguỵ bị thương mà bộ đội đã cáng nhầm vào trạm Quân y rồi theo đường chuyển thương đưa dần về tới Viện. Cũng có thể là một tên thám báo, như vậy thì nguy hiểm hơn.

Báo cáo cấp tốc lên B3. B3 lập tức thông báo cho tất cả các đơn vị trong khu vực đồng thời chỉ thị cho Viện phải tích cực truy lùng bằng được. Ngoài ra phải sơ tán ngay thương bệnh binh về tuyến sau.

Trong ba ngày đã chuyển được 350 thương bệnh binh về Bệnh viện hậu phương. Việc truy lùng thật vất vả. May, hôm qua có tin tiểu đoàn 9 đã bắt được tên này trong khi hắn tìm đường về Kontum. Mọi người thở phào, dù sao cũng được bài học về cảnh giác.

Trận đánh Kontum bắt đầu từ hôm 26 tháng 5. Máy bay địch hoạt động suốt ngày đêm. Hôm qua có tin đã chọc thủng phòng tuyến bảo vệ Kontum về phía Đông Bắc do trung đoàn 52 của địch giữ. Trong thị xã đã chiếm được biệt khu 24, sân bay, đài phát thanh, dinh tỉnh trưởng.

Mọi người rất phấn khởi, mong chờ tin chiến thắng. Nhưng mấy hôm nay dường như sức tấn công đã bị chậm lại. Nghe như một số đơn vị phải dừng lại, củng cố, nhưng quyết tâm vẫn là dứt điểm Kontum.

Trong thương binh, tin đồn có thêm nhiều đơn vị mới vào chiến trường. Nhưng vấn đề hiện nay không phải là quân số mà là gạo và vận chuyển. Bao nhiêu năm nay, gạo vẫn luôn là Tư lệnh tối cao ở chiến trường này.

Nhiều thương binh nặng vào Viện. Hôm qua là một vết thương thực quản có ổ mủ sau thực quản, hôm nay là vết thương cột sống. Thương binh bị liệt cả hai chân, tình hình rất nặng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #121 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:29:24 pm »


Ngày 1 tháng 6 năm 1972. Tiêu chuẩn gạo phải rút từ 6 lạng xuống 5 lạng một ngày. Với nhân viên thì không thành vấn đề gì lớn, nhưng với thương bệnh binh, nhất là với đơn vị mới vào chiến trường thì đáng lo hơn. Các đoàn thương bệnh binh chuyển về tuyến sau, đi ngang qua hậu cứ các đơn vị lại đã gây ra nhiều chuyện rắc rối: phá sắn, ăn cắp cá khô, thịt khô...

Sáng hôm nay, tôi lại mới mổ một ca nặng, bị vết thương động mạch dưới đòn kèm theo có mảnh đạn trong phổi. Việc mổ tiến hành thuận lợi. Qua lồng ngực thắt động mạch dưới đòn và lấy mảnh đạn cắm vào phổi. Hôm trước một trường hợp khó khăn hơn cũng vết thương động mạch dưới đòn gây một ổ tụ máu to đe doạ vỡ. Đi qua xương đòn, cắt xương đòn, đi lần từng tý như người thợ kim hoàn. Mất 5 giờ mới xong. Về nhà mệt nhoài, ngủ thiếp đi từ lúc 6 giờ chiều. Thương binh đến nay diễn biến tốt…

Con mắt của tôi cũng gây nhiều khó khăn trong lúc mổ. Tôi phải chọn trợ thủ là những phẫu thuật viên có kinh nghiệm vì có lúc phải nhờ trợ thủ làm hộ. Đáng lo nhất là con mắt trái. Nếu nhắm mắt phải, thì nhìn một chậu thau cách khoảng bốn mét cũng không thấy rõ.

Từ ngày tôi vào chiến trường, Hương được cử đi triển lãm tranh ở Trung Quốc. Mới nhận được thư Hương viết từ Quảng Châu. Hương béo ra. Trong thư Hương nhắc, còn một tuần lễ nữa là giỗ đầu của con. Lá thư làm cho tôi trào nước mắt. Nhiều đêm nằm mơ thấy con vẫn thấy hình dáng bé nhỏ, xinh tươi của con lúc ra đi, mới lên sáu tuổi. Không phải là hình ảnh của cô gái mười ba tuổi, hơi xa lạ như khi về nhìn thấy ảnh con trên bàn thờ. Trở về không nhận được mặt con đó là tình cảnh chung của anh em trong đoàn chúng tôi khi trở về nhà. 

Ngày 5 tháng 6 năm 1972. Trời mưa liên tục. Mấy hôm nay xe bị lầy, không chạy được. Thương bệnh binh chuyển đường ôtô bị kẹt lại dọc đường, đi không được mà quay trở lại cũng không được vì có nhiều thương binh nặng cần cáng. Lấy đâu ra người cáng ở giữa đường ôtô? Hôm nay anh Vinh y sĩ phụ trách chuyển thương, đưa một số thương binh đi bộ được vào Viện và yêu cầu Viện giúp đỡ. Bộ đội vẫn bao vây Kontum nhưng nghe chừng, sức tấn công yếu dần. Một số lực lượng đã phải rút ra củng cố. Gạo khó khăn. Số thương bệnh binh đi đường bộ vẫn tiếp tục về hai ba chục người một ngày.

Hàng ngày vẫn tiếp tục mổ số thương binh nặng. Các bác sĩ Chủ nhiệm khoa giải quyết tốt các vết thương thuộc chuyên khoa, nhưng những vết thương ngực và những trường hợp nặng vẫn gọi tới tôi.

Hôm qua mổ một thương binh bị vết thương xuyên qua ngực từ sau ra trước. Cả lỗ vết thương sau lưng cũng như phía trước phì phò như cái bễ. Mỗi khi ho mủ phụt ra tung toé. Tình trạng chung rất yếu. Không dám mổ lớn, chỉ khâu bịt, đặt ống dẫn lưu và hút liên tục.

Mấy ca mổ vừa qua tiến triển tốt. Chăm sóc sau mổ khá vất vả. Thương binh nằm dưới hầm bằng, bốn bề đều là đất, che ni lông. Máy để hút liên tục không có. Chỉ có máy hút đạp chân. Phải giao nhiệm vụ cho một hộ lý thỉnh thoảng đi qua đạp vài nhát để tạo sức hút.

Gay go nhất là việc bảo đảm vô trùng. Nằm trong hầm bốn vách tường đều là đất. Trần hầm cũng đất. Trời mưa, nước mưa thấm qua nóc, rỉ qua các rễ cây, rỏ ròng ròng vào trong hầm đọng lại thành từng vũng nước trên nền.

Nhưng anh chị em y tá đã có nhiều cố gắng dùng đủ mọi cách có thể làm được trong hoàn cảnh dã ngoại để bảo đảm sạch sẽ, vô trùng. Căng che ni lông bốn phía và trên nóc hầm. Hấp toàn bộ quần áo, chăn màn, vải bạt, lau rửa vệ sinh giường nằm. Trước khi mổ, tắm rửa, làm vệ sinh toàn thân và cọ rửa xà phòng quanh chỗ mổ, thay quần áo hấp. Nhờ vậy số trường hợp mổ nặng đều bảo đảm vô trùng. Những vết mổ ngực, bụng, mổ mạch máu đã không bị nhiễm mủ và liền sẹo kỳ đầu.

Anh chị em y tá, hộ lý có rất nhiều cố gắng. Cô Đức, nữ y tá, một mình phụ trách bảy hầm thương binh nặng. Suối ngày cô đi lại như con thoi, giặt quần áo, thay băng, cho ăn uống, giúp họ vệ sinh. Có thương binh như anh Toàn, bị vết thương bụng, phân chảy dầm dề suốt ngày. Một ngày thay ba bốn bộ quần áo, ba lần thay băng mà vẫn ướt. Hội chẩn có ý kiến đề nghị mổ. Nhưng rõ ràng là yếu quá không thể mổ được. Phải nuôi dưỡng, nâng đỡ sức khoẻ cho khá lên. Tôi kết luận cuộc hội chẩn: “Cứu được đồng chí Toàn bây giờ không phải là tôi hay bác sĩ Thuyên, mà là cô Đức, cô Sa. Phải nuôi dưỡng hộ lý cho tốt”.

Những ngày đầu Toàn rất bi quan, thỉnh thoảng lại hét vang rừng: “Đồng chí y tá ơi, đồng chí y tá ơi!...”. Nhưng có lúc lại tươi tỉnh hát, đọc chuyện “Hồi tưởng và suy nghĩ”. Đồng chí quê Thanh Hoá, huyện Hoằng Hoá, quê hương của các “cụ già bắn rơi máy bay”. Chúng tôi cứ nêu chuyện các cụ già bắn rơi máy bay để động viên anh Toàn. Mấy hôm nay anh đã khá, đã đi ra khỏi hầm, lúc tạnh mưa, tự động lên buồng băng. Ăn uống cũng khá hơn.

Các bác sĩ cũng làm đủ mọi việc: khi xây dựng thì cũng hì hục đào hầm, vác tre nứa hoặc vắt vẻo trên nóc nhà để lợp mái. Khi có thương binh thì mổ xẻ, mổ xong, nếu không có cáng thương, thì ghé vai cáng thương binh về hầm.

Nếu bệnh nhân cần soi X quang mà không tự đi được, thì bác sĩ tìm một cây đòn, cùng với anh y sĩ khiêng thương binh lên hầm X quang để soi. Soi xong lại khiêng về.

Với chúng tôi, đây là những công việc thật bình thường, nhưng lại là lạ lùng với người mới vào chiến trường, quen làm việc theo chức trách, chế độ. Anh y sĩ một đơn vị công binh vào Viện để học gây mê, nói với chúng tôi: “Ở đây các anh vất vả quá. Tôi không thể tưởng tượng được. Một phẫu thuật viên sau khi mổ lại phải cáng thương binh về hầm!”.

Đây là việc bình thường, bác sĩ kiêm y tá, kiêm hộ lý, kiêm luôn cả tăng gia, xây dựng, khi có biệt kích thì vác súng luôn ra bắn nhau với địch. Có thể có ai đó sau này chê chúng tôi làm ăn luộm thuộm. Nhưng đơn giản, không ai bảo ai mà chúng tôi tự thấy chức trách cao nhất ở chiến trường là làm việc gì cần nhất cho thương bệnh binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #122 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:29:46 pm »


Ngày 6 tháng 7 năm 1972. Chiến dịch Kontum đã kết thúc. Bộ đội đã quay về, đưa theo thương bệnh binh ứ đọng ở các tuyến quân y phía trước.

Z25 cũng được lệnh rút về hậu cứ ở Binh trạm Bắc, cùng với bộ phận ở hậu phương, trở lại với nhiệm vụ bệnh viện tuyến cuối của chiến trường với chỉ tiêu thu dung khoảng 1200- 1500 thương bệnh binh. Hiện nay tại khu cũ đã có khoảng 500 chỗ, phải xây dựng thêm cho đủ.

Sáng hôm nay đã họp cán bộ bàn việc di chuyển. Nghĩ tới việc di chuyển, xây dựng giữa mùa mưa, ai cũng ngại. Binh trạm Bắc được bộ đội gọi là “Binh trạm dốc” vì ở vào vùng nhiều đồi núi. Nhiều gian khổ đang chờ đợi trước mắt.

Khi đi chiến dịch, một số anh em lạc quan tếu, thề đi thẳng không quay về chỗ cũ nữa. Có anh đốt lán ở trước khi ra đi. Nay có lệnh trở về, có anh chép miệng. “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Nhưng nhiệm vụ đã giao thì cũng phải chấp hành.

Từ hôm nay, bắt đầu tổ chức đường dây chuyển thương về phía sau. Mỗi ngày chuyển 30-40 thương bệnh binh, đi bộ, dìu, và khoảng 10 thương binh đi cáng.

Tới 13 tháng 7 giải phóng khoa 34 để khoa này rút về trước, sau đó khoảng 20 tháng 7 rút khoa 22, khoa 32 sẽ rút sau cùng khi đã giải quyết hết thương bệnh binh.

Ngày 21 tháng 7 năm 1972. Đang lúc chúng tôi chuẩn bị rút về thì nhận được điện của bác sĩ Nho Đội trưởng Đội điều trị 3 cho biết đang có một thương binh nặng cần mổ, xin chi viện. Đội điều trị 3 đang phục vụ chiến dịch ở hướng phía Bắc. Không ai biết vị trí cụ thể của đội. Trong Viện, may có anh Thanh, cán bộ chính trị mới bổ sung về Viện, biết đường. Hôm xuống Viện anh đi lạc sang ĐT3, vòng vèo thế nào mà mất 5 ngày mới về tới đây. Nhưng anh em cho biết nếu đi đúng đường thì chỉ một ngày là tới. Vì công việc đã vãn, tôi thấy có thể đi được nên nhờ anh Thanh đưa đi. Sáng hôm sau ra đi, có tôi, anh Lưỡng, y sĩ gây mê, anh Thanh và một đồng chí cảnh vệ.

Đường vòng vèo trong rừng. Nhiều đoạn bị B52 đánh xơ xác. Trời mưa, đường lầy lội. Ngồi nghỉ cạnh một hố bom to. Cảnh tượng tan hoang, chiếc áo may ô còn treo lơ lửng trên một cành cây ở gần, một chiếc đèn pin bẹp rúm, nhiều tấm liếp bằng tre đan vứt ngổn ngang trên mặt đất. Đây là những tấm liếp để vứt lên hàng rào dây thép gai khi xung phong qua rào. Anh Thanh cho biết đây là trận B52 đánh trúng đường xuất kích của một đơn vị bộ binh. Qua một bãi chốt của bộ đội chiến đấu trở về, còn vứt lại một chiếc chiếu dệt bằng sợi ni lông xanh đỏ mà bộ đội bắt được trong vùng địch.

Buổi chiều tới Đội điều trị 3. Đồng chí thương binh gầy guộc, chỉ có da và xương, bị một túi phồng động mạch to bằng cái mũ ở vùng bụng dưới bên trái, đã vỡ mủ và máu. Toàn thân rất yếu. Da xanh như tàu lá. Hồng cầu chỉ có 1.200.000. Anh là cháu bác sĩ Nho đội trưởng. Anh Nho cho biết, sau khi điện lên Phòng xin phẫu thuật viên xuống giúp, anh đã điện lại lần thứ hai, bảo thôi, không cần nữa vì thương binh quá yếu, chắc không chịu được cuộc phẫu thuật. Không hiểu sao, bức điện thứ hai không tới chúng tôi.

Trong đêm hôm đó, chúng tôi hội chẩn với các bác sĩ trong đội điều trị. Kết luận, nếu không mổ thì thương binh chắc chắn hy sinh. Trên tinh thần còn nước còn tát thì nên cố gắng mổ, may ra có chút hy vọng gì không. Cần có máu để hồi sức. Không có điều kiện thử nhóm máu, nhưng có 4 nhân viên tương đối mạnh khoẻ trong đội có máu nhóm O, tình nguyện cho máu.

Sáng 18, cuộc mổ khá căng thẳng. Rạch một đường trên bụng để chẹn đầu trên động mạch, rồi rạch tiếp ở vùng bẹn để chẹn đầu ngoài. Nhưng khi mở ổ máu tụ, gần một chậu mủ và máu cục, máu bầm ào ra. Thít chặt mạch máu cả hai đầu mà vẫn còn máu từ trong sâu dâng lên. Huyết áp tụt, còn 50/30. Anh gây mê liên tục bóp cho máu tươi trong bình phun thành tia vào mạch máu bệnh nhân. Kẹp được hai đầu của động mạch chậu ngoài bị đứt làm đôi, nhưng máu vẫn dâng từ trong sâu. Kiểm tra thấy động mạch chậu trong cũng bị thủng một lỗ bằng hạt đỗ xanh. Khâu cầm máu. Huyết áp lên được 70/40 rồi 80/50 rồi 100/60.

Hôm sau, thương binh tương đối ổn định, chúng tôi ra về.

Ngày 25 tháng 7 năm 1972. Thương bệnh binh tiếp tục được chuyển về tuyến sau theo kế hoạch. Khoa 34 đã rút. Đến hôm nay, còn 205 thương bệnh binh, tập trung cho khoa 32 điều trị, còn khoa 22 rút nốt.

Khoảng đầu tháng 8, giải quyết xong số thương bệnh binh còn lại, khoa 32 sẽ rút sau cùng. Công việc của bệnh viện dã chiến Z25 phục vụ Chiến dịch giải phóng Đắc Tô - Tân Cảnh như vậy là đã hoàn thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #123 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:41:29 am »


TRỞ LẠI CÁNH TRUNG

Ngày 15 tháng 8 năm 1972. Toàn Viện đã tập trung trở lại Binh trạm Bắc, nhưng ở địa điểm mới tương đối gần đường vận chuyển hơn khu D. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục ở thật phân tán đề phòng máy bay oanh tạc. Trở lại với nhiệm vụ tuyến cuối của chiến trường, chúng tôi phải tiếp nhận thường xuyên các thương bệnh binh nặng của tuyến trước chuyển về. Hôm nay tổng số thương bệnh binh điều trị trong Viện đã lên tới 1700. Hai mối lo toan lớn nhất là làm nhà và vận chuyển...

Ngoài nương khoảng giữa tháng 9 phải thu hoạch thóc, mà kho chưa có, thúng mủng, cót chưa đan...

Ngày 22 tháng 9 năm 1972. Họp Hội nghị Quân y B3. Hội nghị ở cánh Trung. Rời nhà đi hôm 10 tháng 9 đi mất ba ngày, tới 12 tháng 9 mới xuống tới Q3, tới bờ sông Tà Rạt, trời mới mưa xong, nước lũ cuồn cuộn, kéo trôi mất cầu qua sông. Chờ nước rút thì bao giờ qua được sông? Cả đoàn hơn 30 người đi họp gặp nhau ở bờ sông, phải bơi qua sông. Người không biết bơi bám vào một sợi dây mây còn sót lại của chiếc cầu treo căng ngang sông. Người biết bơi thì bơi. Tất cả bỏ hết quần áo, tài liệu, đài, nhét hết vào ba lô, bọc tấm tăng ni lông ra ngoài, buộc túm, giơ lên đầu cho khỏi ướt. Nước sâu tới cổ, chảy ào ào. May, tất cả qua sông an toàn.

Tới khu vực Hội nghị còn phải leo một dốc cao, mất 40 phút. Tới nơi, mệt, đói và rét.

Hội nghị có mặt hơn 60 đại biểu các trung đoàn, sư đoàn, bệnh xá, bệnh viện, đội điều trị, các tỉnh đội Gia Rai, Kontum, Đắc Lắc. Hai ngày đầu báo cáo về tổ chức, chiến thuật quân y trong chiến dịch. Tôi báo cáo kinh nghiệm tổ chức bệnh viện dã chiến. Hai hôm sau nghe báo cáo khoa học. Sau đó Hội nghị thảo luận bản dự thảo điều lệ xử trí vết thương chiến tranh và bệnh thông thường ở chiến trường Tây Nguyên. Đây coi như là bản tổng kết các kinh nghiệm về điều trị thương bệnh binh ở chiến trường trong những năm qua.

Tình hình cán bộ trong Viện có thay đổi, anh Toản Chính uỷ, anh Bích Viện phó Nội được điều lên Phòng. Anh em đều lo, anh Toản đi thì công tác lãnh đạo trong Viện gặp khó khăn. Riêng tôi cũng lo. Anh là một Chính uỷ xông xáo, năng nổ, hết lòng với công việc. Ngoài công tác Đảng, công tác chính trị, anh còn lo công tác chiến đấu bảo vệ Bệnh viện, công tác tăng gia, chăm lo đến đời sống nhân viên và thương bệnh binh. Anh biết giữ vững nguyên tắc, nhưng lại vừa linh hoạt. Anh có cuộc sống gương mẫu, miệng nói, tay làm. Chúng tôi làm việc rất ăn ý với nhau.

Ngày 3 tháng 10 năm 1972. Vừa kết thúc Hội nghị Quân y thì nhận được giấy mời lên Phòng bàn công việc và dự chỉnh huấn. Lại vượt những dốc cao, những khu rừng rậm rạp dưới trời mưa không ngớt để lên Chỉ huy sở Mặt trận.

Các cơ quan mặt trận đang bận rộn trong kế hoạch giành thời cơ chính trị. Đồng chí Chính uỷ đang điều hành lớp chỉnh huấn đợt đầu cho công việc đi công tác trước.

Đồng chí Chính uỷ Mặt trận chỉ vào quyển lịch để bàn nói với tôi: Còn đúng một tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Có hai khả năng, cũng có khả năng chúng nó chịu ký kết, thì theo kinh nghiệm của Giônxơn, ngừng bắn trước 5 ngày thì không đủ để xoay chuyển tình thế. Nếu Nichxơn chịu ký thì phải chịu ký sớm hơn... Nhưng cũng có khả năng chúng nó còn ngoan cố chưa chịu ký kết. Quyết định là ở chiến trường. Đang thành lập một sư đoàn mới gồm các trung đoàn đã lăn lộn nhiều năm ở chiến trường. Tích cực chuẩn bị cho đợi hoạt động mới. Công việc chuẩn bị tiến hành tốt, gạo, đạn đã đầy đủ ở vị trí tập kết. Đến nay vẫn giữ được bí mật hoàn toàn. Không có trường hợp thương vong trong giai đoạn chuẩn bị. Bộ đội đang lặng lẽ tiến vào vị trí. Pháo đã sẵn sàng. Khoảng từ 5 đến 7 tháng 10 sẽ nổ súng.

Các phân đội Quân y đang phải bố trí lại cho phù hợp với tình hình mới. Viện 211 sẽ vào cánh Trung thay thế cho Viện 1.

Khó khăn hiện nay là Viện 211 đang còn có 1500 thương bệnh binh. Sẽ chuyển về hậu phương một số. Một số cho ra viện. Số còn lại sẽ bàn giao lại cho Đội điều trị 25. Cuối tháng 10 phải có một bộ phận vào nhận thương bệnh binh cho Viện 1 để Viện 1 chuyển ra phía trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #124 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:41:57 am »


Ngày 22 tháng 10 năm 1972. Kết thúc cuộc chỉnh huấn nhằm chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho các giai đoạn sắp tới của cuộc chiến tranh, các công việc phải làm để chuyển từ chiến tranh sang hoà bình.

Không khí chung rất phấn khởi và tin tưởng. Trở về đơn vị, lại leo qua những dốc cheo leo, lầy lội. Đã biết bao lần tôi đi lại con đường này. Lần nào cũng tự nhủ, đây là lần cuối, nhưng vẫn cứ phải leo trở lại.

Về tới Viện bắt tay vào việc chuẩn bị di chuyển Viện xuống cánh Trung và bàn giao bệnh nhân cho ĐT25.

Đêm 20 tháng 10 vừa bàn xong với anh Thanh đội trưởng ĐT25 về việc bàn giao, thì 1 giờ sáng nhận được công văn hoả tốc của Phòng báo hoãn việc bàn giao. Tình hình có thay đổi. Có khả năng thực hiện được việc ký kết mà nếu như vậy thì chuyển thẳng thương bệnh binh ra Bắc.

Thư của anh Nhiệm, Chính uỷ Phòng, cho biết thêm, chúng nó đã phải ngừng bắn phá miền Bắc từ 7 giờ sáng hôm nay, 20 tháng 10, Kissinger sẽ đến Hà Nội...

Ngày 27 tháng 10 năm 1972. Hôm qua 26 tháng 10 mổ một túi thông động tĩnh mạch đốt sống cổ to bằng quả cam ở gáy. Đây là một trường hợp hiếm, tôi mới gặp lần đầu từ ngày vào chiến trường. Bắt đầu bằng đường rạch tại chỗ. Định bóc tách túi phồng tìm tới cổ túi nhưng không được vì rất dính. Máu phụt ra từ một lỗ thủng bằng hạt ngô ở ngay đốt sống. Dùng kìm kẹp không được, kim khâu cũng không được vì bốn bên đều là xương cứng nhắc. Máu cứ như một dòng suối từ khe đá phụt ra.

Tôi toát mồ hôi, chưa biết xử trí ra sao, đành nhét tạm một miếng gạc vào vết mổ để cầm máu tạm thời.

Đang giữa lúc mổ căng thẳng nhất thì ngoài phòng mổ có tiếng xôn xao ầm ầm. Oang oang tiếng đài phát thanh. Vài đoạn loáng thoáng lọt vào phòng mổ. Đàm phán hoà bình... ký kết... Anh bác sĩ gây mê, ra ngoài nghe ngóng rồi trở vào hớn hở: “Hoà bình rồi, anh ạ! 31 tháng 10 sẽ ký kết, sau đó 24 giờ sẽ ngừng bắn”.

Tôi đang luống cuống với ca mổ trong giai đoạn căng thẳng, cáu kỉnh cắt ngang sự vui mừng của anh: “Phải cứu bằng được anh thương binh này đã. Nếu không thì hoà bình cũng không yên đâu!”. Câu nói của tôi làm cho anh cụt hứng.

Rõ ràng không thể xử trí tại chỗ được. Phải tìm đến gốc của động mạch mà chúng tôi biết động mạch đốt sống bắt nguồn từ động mạch dưới đòn. Có nghĩa là phải lật thương binh sang tư thế nằm ngửa. Cắt xương đòn, phẫu tích, tìm động mạch dưới đòn, lần dần tới gốc động mạch đốt sống.

Cuộc phẫu thuật căng thẳng và tỉ mỉ vì phải tiết kiệm từng giọt máu của bệnh nhân. Cuối cùng, tôi luồn được chiếc kìm nhỏ đầu cong, quanh chỗ tách của động mạch đốt sống. Thắt một sợi chỉ và quay trở lại vết mổ cũ ở vùng gáy, rút dải gạc nhét để cầm máu tạm thời. Máu ngừng chảy. Cuộc phẫu thuật đã thành công!

3 giờ chiều, mổ xong, tôi mới được nghe toàn văn bản tuyên bố của Chính phủ tố cáo phía Mỹ lật lọng, không chịu ký kết vào ngày 31 tháng 10 như dự kiến.

Hai hôm nay, đài đọc di đọc lại bản tuyên bố quan trọng nói trên. Trong Viện, khắp nơi xôn xao bàn tán. Các Chính trị viên họp nghe phổ biến tình hình và phương hướng lãnh đạo tư tưởng, đẩy mạnh công tác điều trị, chuẩn bị mọi mặt cho nhiệm vụ mới.

Ngày 13 tháng 11 năm 1972. Nichxơn được bầu lại! Tuy đã chuẩn bị tư tưởng cho khả năng này, nhưng trong tâm tư của công việc cũng có phần ngao ngán.

Trên chiến trường, chiến thắng giòn giã, ngày 12 tháng 10 diệt Plây Cần, 27 tháng 10 diệt Đắc Xiêng, 2 tháng 11 diệt Đức Cơ. Ba căn cứ biệt kích lớn mà những năm trước đánh nhiều lần không thành công.

Đang xúc tiến công việc di chuyển Viện: ĐT25 đã vào tiếp nhận thương bệnh binh. Ngày 25 tháng 11 khoa 32 là khoa đầu tiên vào cánh Trung thay chân cho Viện 1.

Việc di chuyển lần này dù sao cũng có thuận lợi. Viện 1 để lại một số cơ sở, nhà và hầm tuy không đủ, nhưng vẫn còn hơn là không có gì. Đường ôtô đã kéo dài tới cánh Trung nên khoảng 500 gùi tài liệu, trang thiết bị được vận chuyển bằng ôtô. Chúng tôi chỉ phải gùi từ đường ôtô về Viện.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #125 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:42:27 am »


Ngày 19 tháng 11 năm 1972. Trong khi đang bê bối về việc di chuyển bệnh viện thì một việc đột xuất không may mới xảy ra: Y Thu đi đâu mất tích từ hai hôm nay.

Y Thu một nữ y tá người dân tộc Tây Nguyên, là một cô gái trẻ, xinh xắn. Thoát ly gia đình đi thanh niên xung phong, được đưa ra miền Bắc để học văn hoá và chuyên môn, mới trở về chiến trường mấy tháng trước. Tham gia đội văn nghệ nghiệp dư của Viện, dự hội diễn văn nghệ của Phòng.

Khoảng hơn một tháng nay, được báo cáo là ốm. Chị em có dư luận xì xào. Cách đây có một tuần vào Viện điều trị. Hôm kia Thu lên gặp anh Kế - Chính uỷ mới của Viện - thú nhận là đã nhỡ nhàng có thai. Trên đường trở lại chiến trường ba tháng trước cô bị ốm phải ở lại dọc đường và đã bị một thanh niên trên đường dây lợi dụng. Anh Kế, Chính uỷ mới về Viện thay anh Toản, chưa kịp xử trí, cũng chưa cho chúng tôi biết, thì buổi chiều, anh em gặp Thu vừa đi, vừa khóc, và không thấy trở về khoa vào giờ cơm chiều, đến đêm cũng không thấy trở về.

Anh em trong khoa cho biết, trước khi đi, Thu đem ba lô ra sắp xếp lại, mang quần áo mới ra mặc, đi đôi tất mới, sắp xếp các thứ lưu niệm. Sau khi không thấy Thu về mới phát hiện tiếp mất khẩu súng ngắn của Y Bắp, một nữ y tá dân tộc khác cùng khoa. Anh thông tin trực máy điện thoại thì cho biết nghe thấy một tiếng nổ phía rừng lúc khoảng 6 giờ chiều.

Sau ba hôm lùng sục trong rừng mới tìm thấy Y Thu ở trong rừng, cách khoa 32 khoảng 10 phút, nằm cạnh bờ suối, tay phải vắt ngang qua ngực. Khẩu súng ngắn ở cạnh. Một vết đạn xuyên ngang qua đầu.

Thật là bàng hoàng, sửng sốt, đau xót trước sự liều lĩnh dại dột ghê gớm của người con gái dân tộc trẻ tuổi này. Chị em dân tộc khóc nức nở...

Rõ ràng là về phía chỉ huy, lãnh đạo đã có khuyết điểm nặng. Không nắm chắc tình hình đơn vị và đặc biệt tình hình tư tưởng của Y Thu. Khi cô báo cáo với lãnh đạo thì không nhạy bén giải quyết để Y Thu đi vào chỗ bế tắc...

Ngày 5 tháng 12 năm 1972. Cuối tháng 11 và đầu tháng 12, tập trung vào việc di chuyển Viện từ cánh Bắc vào cánh Trung. Đến nay, đại bộ phận đã vào cánh Trung, còn hai khoa phải ở lại giải quyết tiếp công việc ở cánh Bắc.

Vị trí của Viện hiện nay ở cánh Trung hơi chếch về phía Đông so với địa điểm ở những năm 1967-1968, trên dãy núi - bộ đội gọi là núi Hổ, trên đường biên giới Việt Nam - Campuchia.

Nhờ gửi ôtô nên đến nay, cơ bản tài sản đã chuyển xong. Bốn khoa 32, 33, 22, 40 đã triển khai phục vụ. Cơ sở thiếu và dột nát nhiều, phải tốn nhiều công sửa chữa. Bệnh viện mới được cấp một máy xay bột để xay đậu tương. Đang cử người ra học ĐT25 cách làm đậu phụ.

Đường giao thông chiến lược bằng ôtô từ miền Bắc tới chiến trường Tây Nguyên, sau những chiến thắng vừa qua, đã được kéo dài qua cánh Trung vào cánh Nam Tây Nguyên, men theo bờ sông Sa Thầy chỉ cách Bệnh viện khoảng hơn một chục cây số.

Được sự đồng ý của Phòng, trong tháng này, chúng tòi đang huy động lực lượng nhân viên làm một đoạn đường ôtô nối với đường trục. Hy vọng với việc vận chuyển ôtô sẽ đỡ được công sức gùi lương thực, thực phẩm cho thương bệnh binh.

Chúng tôi cũng đã tổ chức một tổ cưa xẻ. Gỗ rừng không thiếu, lưỡi cưa thì dùng các đai thùng phuy cắt ra. Từ ngày vào chiến trường đây là lần đầu có các tấm ván gỗ xẻ, nhẵn nhụi, phẳng phiu, để làm ván sàn nhà mổ, nhà băng tiêm, nhà sản xuất dược. Không còn cảnh sàn nhà ọp ẹp, bồng bềnh như trước.

Tại Hội nghị Pari, đồng chí Lê Đức Thọ mới kết thúc một vòng hoà đàm với Kissinger. Điện của trên cho biết, có thể chúng nó sẽ ký trước lễ Giáng sinh. Nhưng hôm qua Kissinger họp báo đổ tội cho phía ta kéo dài cuộc đàm phán. Ngược lại ta tố cáo phía Mỹ thiếu thiện chí.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #126 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:43:11 am »


Ngày 5 tháng 1 năm 1973. Trong khi dư luận đang xôn xao về việc sắp có ký kết hoà bình thì đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12 lại ì ầm tiếng máy bay B52.

Anh em ở ngoài nương trông thấy, dưới ánh trăng, từng đoàn máy bay B52 bay thành đội hình hàng ngang 3 chiếc một, nối đuôi nhau, bay từ phía Tây, phía Thái Lan sang, tới ngang vùng trời Tây Nguyên thì quay ngoắt sang hướng Bắc. Những ngọn đèn dưới cánh máy bay, lấp lánh như những ngôi sao di chuyển từ từ... Những dải khói trắng sau đuôi máy bay như những khăn tang, kéo dài quấn quanh bầu trời rất lâu không tan. Chúng nó đi gieo tang tóc ở đâu đây? Bao nhiêu cuộc sống sẽ bị chúng cướp đi trong đêm nay?

Sáng ngày 19 tháng 12, những anh em hay dậy sớm nghe đài, ngạc nhiên không bắt được đài Hà Nội. Phải tới hơn một giờ sau mới lại có tín hiệu. Những tiếng nói rè rè, yêu ớt, đưa một tin làm mọi người sửng sốt: Hà Nội bắn rơi bốn máy bay B52, kèm theo tin chúng nó đánh phá có tính chất huỷ diệt thành phố.

Từ hôm đó, ngoài công việc, ngày và đêm, chúng tôi bám chặt chiếc đài bán dẫn, nghe như nuốt từng lời hết đài này sang đài khác, hết bản tin này sang bản tin khác. Gia đình, bạn bè, người thân của chúng tôi ở cả Hà Nội. Phố nào bị đánh, thiệt hại ra sao, ai còn, ai mất?

Liên tiếp trong 12 ngày đêm liền, chúng nó đánh Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác trên miền Bắc. Chúng nó biến ngày lễ Giáng sinh, ngày mừng Chúa Hài đồng ra đời thành những ngày đẫm máu và tang tóc cho bao nhiêu gia đình. Cả chiến trường, cả miền Nam đau xót và căm thù.

Chúng tôi theo dõi từng tín hiệu trực tiếp và gián tiếp nhỏ nhất trên đài, theo dõi tỉ mỉ từng buổi phát thanh, từng bài phóng sự để phán đoán khu vực bị đánh phá... Một bài phóng sự mô tả trận đánh vào phố Khâm Thiên, một cô giáo cấp ba, tìm những quyển sách trong đống gạch đổ nát của ngôi nhà bị sập, làm cho chúng tôi lo lắng: Gia đình anh Huy Đại, Chủ nhiệm khoa của Viện cũng sống ở phố Khâm Thiên, chị cũng dạy cấp ba. Nhưng một bài tuỳ bút khác của Nguyễn Tuân, tả tỉ mỉ hơn, dãy phố bị đánh ở bên trái con đường theo hướng Hà Nội xuống làm cho chúng tôi bót lo. Nhà anh Đại trong ngõ Văn Chương, bên dãy phố bên phải.

Số máy bay B52 bị bắn rơi tăng lên dần từ 4 lên 6, 10… rồi tới 37 chiếc! Cho tới một đêm cuối tháng, tiếng B52 đột nhiên im bặt, rồi đài đưa tin chúng nó buộc phải tuyên bố ngừng bắn từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Tiếp sau đó, một bức điện từ Hà Nội vào cho biết chi tiết những khu vực bị đánh và tình hình gia đình chúng tôi an toàn cả, làm cho chúng tôi yên tâm.

Ở đây, các công việc tiếp tục theo kế hoạch đã định. Chỉnh huấn cán bộ cuối tháng 12, nhiều ý kiến thắc mắc cho rằng ta bị lừa, không còn khả năng giải quyết sớm cuộc chiến tranh... Chuẩn bị hội nghị mừng công, bình bầu thi đua. Tôi được bầu là chiến sĩ thi đua của Bệnh viện, nhưng khi đưa ra duyệt trong tập thể thường vụ và thủ trưởng, tôi xin rút vì câu chuyện của Y Thu, dù sao tôi cũng có trách nhiệm, không nắm vững tình hình, để xảy ra chuyện đột xuất trong đơn vị.

Ngày 15 tháng 1 năm 1973. Đang bàn việc cưới xin cho cặp Trưng và Hạnh. Hai nhân viên vào chiến trường từ đầu cùng với Viện. Sau một thời gian tìm hiểu đã chính thức xin xây dựng với nhau. Đây là đám cưới thứ hai từ ngày vào chiến trường.

Những năm mới vào chiến trường, các thanh niên nam nữ được yêu cầu “ba khoan”: khoan yêu, khoan cưới. Với các cặp vợ chồng đã xây dựng từ trước thì khoan có con.

Trong hoàn cảnh khó khăn, ác liệt của chiến trường và cũng với hy vọng chiến tranh sẽ không kéo dài, nên mọi người vui vẻ chấp nhận, coi như tạm thời gác tình riêng cho sự nghiệp chung.

Chính sách “ba khoan” được áp dụng thật chặt chẽ. Thanh niên nam nữ chỉ một lá thư, một chút biểu lộ tình cảm với nhau là bị đưa ra chi đoàn thanh niên phê bình, đấu tranh. Một số đã bị kỷ luật.

Nhưng rồi chiến tranh kéo dài. Ba năm rồi năm năm, rồi bảy năm, chưa biết ngày nào kết thúc. Với nam giới, ba khoan không thành vấn đề. Con trai lúc nào cũng có thể lấy vợ được. Nhưng với phụ nữ thì thành chuyện. Khoan mãi thì con gái trở thành bà cô hết. Viện 211 lại là nơi tập trung nhiều phụ nữ nhất ở chiến trường.

Từ đầu năm 1970, trong những buổi làm việc với cấp trên, tôi đã đề cập đến việc cho chị em được xây dựng gia đình. Nhưng lại bị phê phán: “Các anh không có việc gì làm hay sao mà cứ đề nghị mãi việc cho con gái lấy chồng?”.

Như vậy là ngoài nhịn đói, nhịn khát, chiến trường Tây Nguyên còn phải nhịn yêu. Tất nhiên đây là tình yêu nam nữ để tập trung cho tình yêu Tổ quốc. Tôi thì nghĩ: nhịn đói, nhịn khát thì chỉ khổ vài ngày. Nhịn yêu, có thể khổ suối đời… Vả lại suy cho cùng, tình yêu nam nữ có bao giờ mâu thuẫn với tình yêu Tổ quốc hay không?

Rồi cuộc sống có quy luật của nó, không thể vì chiến đấu mà ngăn cản sự yêu đương. Bắt đầu có những tình yêu vụng trộm dẫn đến những hậu quả không hay phải xử lý. Từ cuối năm 1972, chính sách ba khoan được nới lỏng dần. Mở đầu là đám cưới của anh Giá, Tham mưu phó Mặt trận với chị Liệu y sĩ. Đám cưới được tổ chức đơn giản và vui vẻ. Sau khi xây dựng cả hai anh chị vẫn tiếp tục công tác ở chiến trường.

Đôi Hạnh và Trưng là đôi thứ hai xin xây dựng nhưng có nhiều ý kiến rắc rối. Ngay trong cả lãnh đạo Viện. Đảng uỷ phải bàn mất một buổi. Chỉ vì hai đứa đã yêu nhau từ trước. Một số cho thế là “hỗn”, một số đưa lên nguyên tắc, cho là vô tổ chức kỷ luật, đặt tổ chức trước việc đã rồi!

Ngay trước hôm cưới, anh Kế Chính uỷ đề nghị tôi không dự. Chỉ để anh Chân, Viện phó Hậu cần dự. Tôi phải thuyết phục anh: “Không được đâu anh ạ. Anh chị em có khuyết điểm thì đấu tranh phê bình. Còn việc xây dựng hạnh phúc cho họ, khi tổ chức đã đồng ý thì phải tạo điều kiện tốt nhất cho họ. Tôi đã sống cùng anh chị em trong 7 năm nay. Sống chết có nhau. Đến ngày vui của chúng nó mà không dự thì không được đâu...”.

Anh Kế vẫn không chịu, anh còn dặn chủ nhiệm khoa, chủ trì buổi lễ: “Không tuyên bố công nhận hai đồng chí lấy nhau...”.

Thật vô lý!

Tuy nhiên đám cưới của Hạnh và Trưng không phải vì thế mà kém vui vẻ...

Trước ngày cưới, anh chị em trong khoa hoá nghiệm - nơi hai cô cậu công tác, đã dành một số ngày công, xây dựng cho đôi vợ chồng trẻ một ngôi nhà riêng có đủ giường, bàn ghế, xinh xắn, khang trang.

Đến ngày cưới, các Chủ nhiệm khoa, y, bác sĩ, thanh niên nam nữ đến đông đủ chúc mừng cho đôi vợ chồng trẻ.

“Phòng cưới” là một vạt rừng bằng phẳng, trang trí bằng hoa và lá cây rừng. Bàn ghế bằng tre nứa đặt trên những cọc chôn xuống đất. Có bàn thờ Tổ quốc, có ảnh Bác Hồ. Có mít tinh, liên hoan văn nghệ. Có liên hoan mặn bằng thịt lợn, gà tăng gia, và thịt vượn của tổ săn gửi tặng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #127 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:43:35 am »


Ngày 18 tháng 1 năm 1973. Trại tù ở gần Viện có trường hợp cấp cứu, mời chúng tôi sang giúp xử trí. Từ ngày vào chiến trường, đã nhiều lần chúng tôi được mời đi cứu chữa lại các trại tù binh hoặc nhận các tù binh, cả Mỹ và nguỵ, bị ốm, bị thương, vào Bệnh viện chúng tôi để cứu chữa. Đây là một trường hợp bị chấn thương, có thể cần phẫu thuật, nên tôi cùng một y sĩ gây mê, một hộ lý vô trùng, mang theo dụng cụ mổ, lên đường sang trại.

Trại ở gần Viện. Chúng tôi đi theo anh liên lạc, vượt qua hai quả đồi, xuống một dốc sâu. Trại ở trong một thung lũng hẹp. Hai hàng rào tre, cách nhau chừng hai mét, giữa hai hàng rào còn nguyên các bụi cây rậm rạp. Qua một cửa cũng bằng tre, có một trạm gác nhỏ. Một chiến sĩ vệ binh trẻ đang ngồi gác cạnh một cái bàn. Một khẩu súng AK để ngang trên bàn.

Đồng chí vệ binh đang chơi với một cháu gái nhỏ chừng 3-4 tuổi, cháu xinh, tóc cắt ngắn, mặc áo lụa xanh làm nổi mầu trắng của hai cánh tay bụ bẫm. Đôi mắt đen láy tò mò nhìn chúng tôi rồi hỏi anh vệ binh: “Bác nào đây? Bác nào đây?”.

Cháu là con một tù binh. Trong sân trại một cháu khác đang chơi tha thẩn. Trong trại tù khắc khổ này, các cháu bé như một nét làm dịu bớt không khí căng thẳng trong trại. Anh trại trưởng vui vẻ tiếp chúng tôi. Anh cho biết, trong các trận chiến đấu vừa qua, ta bắt được nhiều tù binh. Nhất là các đồn biệt động Plây Cần, Đức Cơ, Đắc Xiêng. Chúng nó tổ chức cho cả gia đình binh lính sống trong đồn. Khi bắt được tù binh, vợ con đi theo. Cũng có trường hợp, đứa bé bơ vơ trong đồn, không bố, không mẹ, không biết giao cho ai, đành đưa cả về trại nuôi. Cháu bé đang chơi với anh vệ binh là con một tên ác ôn. Trại Đức Cơ bị đánh, nó đưa vợ và hai con, một đứa lên năm, một còn ẵm ngửa, chạy trốn. Dọc đường, đứa bé khóc, vợ ẵm con đau chân không đi nhanh được, nó rút súng ngắn, bắn chết vợ và đứa nhỏ. Vừa đúng lúc bộ đội ập tới cứu được đứa con lớn và bắt thằng ác ôn đưa về trại. Cháu bé lên năm kể lại rõ ràng câu chuyện cho mọi người nghe. Từ khi về trại, bố nó gọi, nó cũng không vào, chỉ quanh quẩn chơi với các chú giải phóng.

Anh than phiền: giữ phụ nữ và trẻ con ở đây phiền phức lắm, đang đề nghị với tỉnh uỷ cho đưa về địa phương.

Tù binh đứa mặc áo đen, đứa mặc áo rằn ri, chúng được ăn theo tiêu chuẩn gạo của bộ đội, 2 lạng rưỡi gạo cộng với 2 kg sắn, còn thức ăn thì bằng một nửa tiêu chuẩn của bộ đội. Nhiều đứa bị sốt rét. Khó khăn nhất là công tác canh giữ. Hôm trước trốn mất ba tên, nhưng. không đi được đâu xa, chỉ quanh quẩn các nương rẫy ở gần nên hôm sau túm lại được. Hôm nay đang lùng bốn tên mới trốn.

Trại tương đối gần Viện nên cũng đáng lo, nếu một đứa trốn thoát thì cả khu vực sẽ không an toàn. Gã tù binh mà trại yêu cầu chúng tôi khám, bị vết thương nhỏ ở mông, có thể do chính mảnh bom bi của chúng. Có dấu hiệu xuyên vào bụng. Tôi đề nghị trại cho chuyển sang Viện mới có điều kiện mổ và săn sóc sau mổ dễ dàng hơn.

Ngày 17 tháng 1 năm 1973, anh Nhiệm, Chính ủy Phòng Hậu cần đi công tác ghé qua Viện. Anh đi vội, chỉ ở lại buổi trưa. Anh cho biết có khả năng tới 23 tháng 1 nó phải chịu ký tắt hiệp nghị đình chiến. Sau đó, 27 tháng 1 sẽ chính thức ký, 30 tháng 1 ngừng bắn trên toàn chiến trường miền Nam, sau đó 15 ngày ngừng bắn ở Lào. Tuy nhiên, cần cảnh giác, đề phòng chúng lật lọng, đề phòng oanh tạc trở lại. Mấy hôm nay vẫn có tiếng B52 đánh xa.

Một số cán bộ được điều động cấp tốc đi công tác đặc biệt. Anh Thuyên khoa 32 được cử đi phụ trách giải quyết tù binh, anh Minh, trường Quân y cũng được điều đi công tác gấp.

Mấy hôm nay tại Hội nghị Pari, các chuyên viên họp liên tiếp, kể cả ngày chủ nhật, Nichxơn vừa đọc diễn văn nhận chức tổng thống nhiệm kỳ mới với những lời hứa hẹn chung chung giữa nhưng cuộc biểu tình phản đối chiến tranh rầm rộ trên đất Mỹ và trên khắp thế giới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #128 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:43:58 am »


Ngày 24 tháng 1 năm 1973. Trên thông báo theo dõi tin tức trên đài, từ 10 giờ sáng hôm nay, sắp có tin quan trọng. Đêm hôm qua các đài trên thế giới đưa ra nhiều tin khác nhau: Cuộc họp kín giữa ông Lê Đức Thọ và Kissinger tiếp tục trở lại. Bà Bình cũng trở lại Pari. Đại diện của chính quyền Sài Gòn cũng bay sang Pari họp tại Hội trường lớn điện Elysêe. Sau buổi họp Kissinger bay ngay trở về Mỹ. Nichxơn sẽ nói trên đài Vô tuyến truyền hình vào ngày 24 tháng 1 về vấn đề Việt Nam. Cũng đêm 24 tháng 1 đồng chí Lê Đức Thọ sẽ họp báo ở Pari...

Sáng hôm nay đang mổ một trường hợp mủ phế mạc, bỗng nghe tiếng ồn ào, reo cười bên ngoài. Đúng 7 giờ sáng 23 tháng 1 đã ký tắt Hiệp định Pari.

Một đồng chí y sĩ chạy tới từng lán thương bệnh binh báo tin. Đài đọc đi, đọc lại bản thông cáo của Bộ Ngoại giao. Tiếng reo cười xôn xao vang dậy khắp nơi.

Lần thứ hai tin hoà bình đến trong lúc tôi đang mổ. Có cảm giác cồn cào muốn bay ra khỏi phòng mổ, để nghe tận tai cho rõ bản tin quan trọng này. Nhưng cứ phải tập trung tư tưởng vào cuộc mổ đang trong giai đoạn phức tạp.

Lịch sử cách mạng miền Nam đã sang trang mới. Ôi biết bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu xương máu mới có ngày hôm nay.

Ngày 25 tháng 1 năm 1973. Đêm hôm qua thương bệnh binh, nhân viên nhiều khoa thức tới một giờ sáng để nghe đài đọc các văn kiện của Hiệp định ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình và các văn kiện kèm theo...

Hơn bảy năm ở chiến trường của chúng tôi đã trôi qua, bao nhiêu gian khổ hy sinh, bao nhiêu máu và nước mắt nhưng tự hào đã góp phần cho ngày thắng lợi hôm nay...

Hôm qua Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh đã đi Pari để ký hiệp định chính thức. Suốt đêm hôm qua, không sao chợp được mắt, nghĩ da diết tới gia đình, ba mợ, Hương, các anh, các chị, các em... chắc mấy hôm nay cũng đang náo nức vui mừng. Chiến tranh gian khổ đã qua. Hoà bình đã lập lại, gia đình lại sắp được đoàn tụ.

Ngày 30 tháng 1 năm 1973. Từ 7 giờ sáng hôm nay đã ngừng bắn trên toàn chiến trường miền Nam.

Hôm qua ở Pari đã ký kết hiệp định ngừng bắn chính thức.

Mấy hôm nay, mọi người thao thúc mất ngủ. Đài liên tục đọc 9 văn kiện của Hội nghị. Cả thế giới hướng về Hội nghị Pari và hoan nghênh thắng lợi của Việt Nam.

Trong bệnh viện đi đến đâu cũng sôi nổi bàn tán. Nhiều anh theo dõi các buổi phát thanh đọc chậm, hí hoáy chép các văn kiện vào sổ tay.

Chính uỷ Viện đi họp ở Phòng về thông báo cho anh em viết thư về gia đình. Sắp có chuyến máy bay đầu tiên đưa thư ra Hà Nội.

Tuy nhiên, ở phía trước cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục. Bộ đội đang tranh thủ thời cơ, mở rộng vùng giải phóng. Đường số 14, 19 bị cắt đứt, quân ta áp sát Plâycu, Kontum. Sáng hôm nay, tuy đã có lệnh ngừng bắn, nhưng máy bay vẫn tiếp tục hoạt động. Từ đây vẫn nghe rõ tiếng máy bay và tiếng bom ở xa...

Một cảm giác chung là mặc dầu ước vọng từ bao nhiêu năm nay, nhưng sao mọi người vẫn không thấy thật thoải mái. Vẫn còn nhiều điều canh cánh bên lòng. Triển vọng chấm dứt chiến tranh chưa thật rõ ràng. Nhiều điều khoản chưa thật dứt khoát.

Ủy ban quốc tế chưa tới. Khoảng 15 ngày nữa các tổ giám sát quốc tế mới vào được hết. Tới khi đó và có thể cả sau khi đó nữa vẫn phải tiếp tục giữ vững và mở rộng vùng giải phóng. Ta nghĩ thế và chắc địch cũng nghĩ thế. Cuộc đấu tranh chắc còn kéo dài.

Vẫn phải tiếp tục cảnh giác đề phòng chúng nó đánh ra.

Một số cán bộ được điều đi tham gia đoàn liên hiệp đình chiến. Đoàn của B3 đã được tổ chức và sẵn sàng vào Plâycu nhận nhiệm vụ. Mọi người đều thích thú với ý nghĩ là ta sẽ có mặt ở cả 64 thị xã, thị trấn toàn miền Nam.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #129 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2010, 11:44:22 am »


Ngày 7 tháng 2 năm 1973. (Mồng 4 Tết). Đã qua Tết âm lịch. Tết hoà bình đầu tiên ở chiến trường.

Từ trưa 27 Tết, xuống binh trạm Trung liên hoan Tết với thủ trưởng binh trạm rồi qua tiểu đoàn xe chúc Tết. Sau đó đi một vòng qua nương, thăm và chúc Tết anh em tăng gia...

Chiều 29 Tết, tổ chức một bữa liên hoan mừng Xuân với các Chủ nhiệm khoa, Chính trị viên, đại diện các khoa, ban, thương bệnh binh, tất cả hơn 90 người. Làm một dãy bàn giữa sân, ăn bánh chưng, bánh cuốn và phở. Thịt con lợn tăng gia của chỉ huy Viện. Đây là lần đầu tiên từ ngày vào chiến trường, có điều kiện tập trung anh em đông vui như vậy.

Nhờ ngừng bắn, mấy hôm nay yên tĩnh, không thấy máy bay địch hoạt động. Nhất là B52 thì im ắng hẳn. Tuy nhiên vẫn phải nhắc nhở anh em chớ chủ quan, sơ hở có thể gây ra tổn thất. Nhất là không để bắn súng bừa bãi như Tết Mậu Thân.

Chiều 30, sau khi đi thăm khoa 40, trên đường trở về Viện bộ, qua con đường khấp khểnh, đá tai mèo, lúc lên, lúc xuống. Qua một ngọn đồi, giật mình thấy trên đỉnh đồi, một đống lửa đang rừng rực cháy. Một vụ vi phạm vấn đề an toàn. Hò hét mãi không có người dập lửa. Xuyên rừng lên tới nơi thì ra một đồng chí đang canh nồi bánh chưng, lửa cháy rừng rực giữa sân.

Ngọn đồi trước mặt cũng sáng trưng ánh điện. Lại một vụ vi phạm nữa. Sang tới nơi, máy nổ chạy sình sịch, làm sáng rực những ngọn đèn điện chăng giữa sân. Đồng chí Chủ nhiệm khoa và mấy bác sĩ xúm xít quanh bàn cờ. Đến khuya, một tràng AK nổ phía C3, lại một vụ vi phạm thứ ba. Chết thật! Mặc dầu đã nói đi, nói lại nhiều lần về chuyện cảnh giác.

Sáng mồng một, chúc Tết khối Ngoại, chiều sang khối Nội. Sáng mồng Hai thăm khoa 40 thế là hết Tết.

Trở lại các công việc bình thường, họp bàn việc tổ chức tăng gia.

Ngày 10 tháng 2 năm 1973. Nhận được một lúc ba lá thư của Hương, viết vào các tháng 5, 7, 9 năm 1972.

Ngoài Hà Nội có tin tôi bị trúng bom chết! Thực ra là một sự nhầm lẫn. Đúng là có một bác sĩ cũng có tên là Cao Đài ở chiến trường Nam Bộ bị sốt rét ác tính chết. Tin ra tới miền Bắc, nhiều anh em quen biết, tưởng là tôi đến hỏi thăm.

Hương đang ở nơi sơ tán, đột nhiên thấy anh bạn quen đến thăm. Sau những câu chuyện loanh quanh, anh bạn bỗng hỏi lửng lơ, với vẻ mặt ái ngại:

“Lâu nay, chị có nhận được tin gì của anh không?”.

Người đầu tiên hỏi, Hương chưa chú ý, nhưng rồi tới người thứ hai, thứ ba hỏi... làm cho Hương bắt đầu lo ngại, nhưng khi hỏi lại: “Anh (hay chị) có biết chuyện gì không?” thì người bạn vội chối: “Không, tôi có biết gì đâu, chỉ là hỏi thăm anh thôi...”. Giữa buổi chiến tranh ác liệt, không biết bao nhiêu chuyện bất thường có thể xảy ra, nhân ngày chủ nhật, Hương vội phi xe đạp vượt chặng đường hơn 40 cây số từ nơi sơ tán, gần Sơn Tây về Hà Nội, hỏi tin tức. Tới bạn bè, không ai nói cho biết điều gì cụ thể. Tới nhà anh Vinh, Cục trưởng Cục Quân y. Anh Vinh rất quan tâm hứa sẽ điện ngay vào chiến trường. Hai hôm sau, anh cho biết tôi vẫn bình thường.

Nhưng, giữa chiến tranh, để yên lòng các gia đình có người thân đi chiến trường, các cơ quan thường giấu những tin thất thiệt nên Hương và gia đình tôi vẫn nửa tin, nửa ngờ.

Đây đúng vào thời kỳ tôi đi Bệnh viện dã chiến Z25, nên ít có thư ra.

Hương khóc hết nước mắt. Một chủ nhật khác, lại từ nơi sơ tán về Hà Nội. Cô cháu vui mừng đưa cho Hương một lá thư từ chiến trường gửi ra. Nhưng khi đọc, lại là nhột lá thư viết từ năm 1971, hơn một năm trước, không biết đọng lại ở trạm giao liên nào nên nay mới ra tới nơi. Càng làm cho Hương hoảng hốt.

Tình hình lo sợ căng thẳng kéo dài gần nửa năm trời. Cho tới khi nhận được thư của tôi viết sau chiến dịch, gia đình mới thật yên tâm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM