Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 02:19:50 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87629 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #110 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:08:39 pm »


Ngày 20 tháng 12 năm 1971. Tới trạm 17 thấy anh trạm trưởng niềm nở một cách khác thường. Anh xem giấy giới thiệu và hỏi ngay: “Anh là anh Đài?”. Hơi ngạc nhiên, tôi hỏi: “Vâng, có gì đấy anh?”.

Anh vồn vã hỏi thăm tình hình đi đường rồi nói tiếp: Chả là chúng tôi có một đồng chí bị ruột thừa, mà đưa Bệnh viện thì xa quá. Chúng tôi chờ đồng chí suốt từ hôm qua đến hôm nay!”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao các đồng chí biết chúng tôi qua mà chờ?”.

Anh trạm trưởng giải thích: “Chả là hỏi đoàn đi trước, biết đồng chí sắp qua nên bố trí người thường trực chờ”.

- Thế bệnh nhân ở đâu?

- Ở đơn vị cách đây hai giờ, có liên lạc đưa đồng chí đi luôn!

Thế là chúng tôi phải đi thêm hai giờ nữa, đến kho của Binh trạm đóng ở giữa rừng. Đoàn bác sĩ đi trước chẩn đoán đúng: Triệu chứng viêm ruột thừa rõ. Anh em cho dùng kháng sinh, nên nhiễm trùng chưa lan rộng.

Ngay chiều hôm đó chúng tôi phải mổ trên một nhà sàn. Bàn mổ là một chiếc bàn bằng tre ghép tạm. Dụng cụ mổ là cả một bộ đại phẫu thuật còn nguyên mỡ va-dơ-lin bảo quản, lôi ở trong kho ra, anh y sĩ đơn vị cho cả vào một nồi to đun sôi sùng sục. Áo và khăn mổ cũng luộc, ướt lướt thướt. May kho thuốc ở gần đó cũng có thuốc gây mê tĩnh mạch và cồn sát trùng. Chúng tôi mổ dưới ánh sáng của đèn pin.

Hôm sau chúng tôi nghỉ lại một ngày. Bệnh nhân ổn định mới lại tiếp tục lên đường.

Trên dọc đường vẫn gặp những thương binh mất sức chiến đấu, trở ra, tập tễnh trên những đôi nạng gỗ. Những đoàn em bé khu 5, Nam Bộ ra Bắc học. Một vài thanh niên quần áo, ba lô, mũ mới tinh, len lét đi theo giao liên quay trở lại. Đó là mấy tên “Bê quay”, mất tinh thần không dám vào chiến trường.

Đông hơn là những đoàn quân nối nhau ra tuyến lửa. Từng đoàn dài bộ binh, công binh, trinh sát, thông tin, quân y. Có những cô thanh niên trẻ măng quân phục mới, ríu rít nói cười. Các trung đoàn, tiểu đoàn đi nườm nượp gặp nhau vui vẻ, nhận đồng hương... ồn ã trong những tiếng cười đùa. Có những đoàn cán bộ đứng tuổi, có anh tóc hoa râm, phái viên của các cơ quan Bộ, Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Hậu cần. Các cán bộ địch vận, các đoàn văn công tới các trạm họ dừng lại nói chuyện tình hình thời sự hoặc biểu diễn.

Có các đoàn dân chính, giáo viên, lâm nghiệp, hoạ sĩ, thủy lợi, cả ngân hàng, giáo viên mẫu giáo mang ba lô xanh đi lẫn với bộ đội.

Đường đi vẫn ngoằn ngoèo, hết lên đèo lại xuống dốc. Những con đường mới mở, chưa chặt hết gốc cây, kín đáo dưới rừng cây. Thỉnh thoảng lại có một đường xe con cắt ngang.

Tin chiến thắng náo nức đường số 6, đầu tháng 12. Cánh Đồng Chum trong bốn ngày tiêu diệt và làm tan rã hai mươi tiểu đoàn Vàng Pao. Đài BBC đưa tin có máy bay Mic của Bắc Việt xuất hiện trên vùng trời Cánh Đồng Chum.

Cuối tháng 12 có tin Mỹ lại cho máy bay đánh các vùng Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, quân ta bắn rơi, ngày 5 chiếc, ngày 9 chiếc. Chúng nó đưa tin Việt cộng đưa 200 Mic từ Hoa Nam vào các sân bay miền Bắc.

Những đoàn quân vẫn tấp nập và kín đáo di chuyển dưới lá cây rừng như những thòng lọng thép quấn quanh cổ kẻ địch.

Những câu chuyện xì xào trong cán bộ: Năm nay sẽ giải phóng một số vùng, buộc Mỹ phải ngừng bắn rút quân...

Đang giữa mùa khô, nên đường đi cũng thuận lợi, sau mấy ngày đầu đau chân, chúng tôi đi quen dần hàng ngày theo thời gian biểu định sẵn. Sáng đi đến khoảng 1-2 giờ chiều tới trạm mới. Tắm giặt, rồi giở bàn cờ ra đánh vài ván, cho tới bữa cơm chiều. Ôn xong, mắc võng nằm nghe đài. Đủ tất cả các buổi phát thanh của đài Hà Nội, đài BBC, đài Mỹ. Tuy có chỉ thị cấm không được nghe đài địch, nhưng trong cán bộ tôi thấy hình như không ai không nghe đài BBC, đài Mỹ, vì tin của các đài này nhanh hơn. Chúng tôi sống trong tình trạng khát tin tức và có những tin tương đối khách quan. Ngược lại chúng tôi hầu như không bao giờ nghe đài Sài Gòn vì những luận điệu chống Cộng quá thô kệch và nhiều tin bịa đặt.

Trên đường vào bắt đầu lại gặp lại những tốp đồng bào địa phương mang những nông sản họ sản xuất ra cạnh đường giao liên để đổi cho bộ đội.

Tới một chỗ, tôi lấy ra một quả bóng bay, thổi căng và buộc toòng teng vào đầu một cái que. Đi ngang qua một đoàn bộ đội đang ngồi nghỉ cạnh đường, mấy cậu lính trẻ cười bảo nhau: “Các bố này mang bóng bay vào chiến trường làm gì nhỉ?”.

Chúng tôi im không nói gì. Gặp một đoàn ông già, bà già dân tộc ngồi cạnh đường với một rổ sắn và mấy quả dưa. Cậu Sinh chìa quả bóng ra gạ đổi. Cả đoàn tò mò nhìn, nhưng lắc đầu không đổi. Qua một quãng rừng, một cành cây móc vào quả bóng làm nó nổ đánh bốp. Chúng tôi thất vọng nhìn nhau: “Thất bại rồi!”. Sinh tần ngần nhìn mảnh cao su còn lại rồi vui vẻ: “Không sao đâu!” và ghé mồm thổi, vẫn còn phồng lên được một quả bóng to bằng quả bưởi. Anh Lôi giằng lấy quả bóng từ tay Sinh “Để tao thổi cho!”. Qua hai ba toán đồng bào gồm đàn ông, đàn bà, thanh niên, anh vẫn lẳng lặng đi qua không nói gì. Chưa phải là đối tượng. Tới một đám có mấy chị dân tộc ngồi với mấy đứa trẻ. Anh Lôi chìa quả bóng cho một cháu bé, cháu thích quá ôm choàng ngay lấy thứ đồ chơi mới mẻ, chưa từng thấy bao giờ, nhất định không chịu bỏ ra, và bà mẹ thì tần ngần đành đổi một quả bí cho chúng tôi... Vừa lúc này, toán bộ đội lúc nãy đi ngang qua. Thấy chúng tôi đổi được bí, reo lên thán phục: “Các bố khôn quá!”. Anh Thiêm quay lại trả lời: “Dù sao, bọn anh đã ba lần vượt Trường Sơn mới có kinh nghiệm đấy các chú em ạ!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #111 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:11:06 pm »


Ngày 6 tháng 1 năm 1972. Đến trạm 56, đường giao liên di chuyển theo tuyến đường mới. Nhiều trạm không có đủ nhà nên phải ngủ rừng. Ở trạm 51, đang nghe buổi phát thanh ca nhạc tối thì địch thả bom B52 nổ ầm ầm. Tiếp sau là bom bi nổ lốp bốp kéo dài hơn nửa giờ.

Đến trạm 53 gặp bác sĩ Lê Sỹ Liêm ở khu 5 ra. Anh cùng vào với chúng tôi năm 1966, tới năm 1967 thì được điều xuống khu 5. Anh gầy, già, tóc lốm đốm bạc. Hàn huyên tình hình khu 5, Tây Nguyên, Hà Nội, chuyện nghiên cứu khoa học. Buổi tối anh Liêm mời sang nhà, ăn xôi lạc. Gạo nếp có được nhờ anh đổi chiếc quần cho đồng bào.

Tới trạm 54, một trạm mới di chuyển, không có nhà phải mắc võng, ngủ rừng. Khi đi ngang qua lán mấy đồng chí thương binh. Một anh ngồi trên võng ngoài trời, thấy tôi đi qua, nhìn tôi chằm chằm rồi hỏi: “Có phải thủ trưởng Đài đấy không?”. Tôi ngạc nhiên lại gần hỏi: “Đồng chí ở đơn vị nào mà biết tôi?”.

- Tôi ở Tây Nguyên.

- Có phải điều trị ở Viện 211 phải không?

- Không, tôi điều trị ở Viện 1 - Ngừng một chút, anh nói tiếp: - Tôi cùng đơn vị với đồng chí!

Tôi ngạc nhiên nhìn kỹ anh thương binh: Một chân cụt tới gần bẹn, chưa nhận ra là ai.

- Đồng chí là gì nhỉ?

- Tôi là Tiệm...

- Ôi đồng chí Tiệm, có phải Tiệm lái xe không? - Tôi bàng hoàng.

- Phải!

Tiệm, đồng chí lái xe của đơn vị đã lái chiếc xe Hồng thập tự đưa chúng tôi từ Hà Nội vào tới Bản Đông trên đường số 9. Sau khi chúng tôi bỏ xe, chuyển sang đi bộ, anh tiếp lục lái xe vào tới Tây Nguyên. Anh là một người đứng tuổi, chắc chắn, điềm tĩnh, anh dũng... mà nay như thế này sao? Một bên ống quần lủng lẳng, lụng thụng, hai cây nạng gỗ để bên tay. Anh cho tôi biết. Từ ngày vào chiến trường, anh được điều sang đường dây VQ5, tiếp tục lái xe. Tới năm 1970 vào mùa mưa, ôtô không chạy được, anh chuyển sang đơn vị thồ bằng xe đạp. Qua một cầu tre, cầu sập, ngã từ trên cao 7 mét xuống vực. Lúc tỉnh dậy thấy cả chiếc cầu, tre nứa, gỗ đổ úp lên người. Một bên chân dập nát. Chuyển về Viện 1 điều trị, phải cưa chân tới đùi. Đến nay, thỉnh thoáng thấy ngứa ở cổ chân, thò tay định gãi mới sực nhớ ra là chân đã cụt. Mỗi lần ngã, chiếc chân cụt vẫn giơ ra để đỡ nhưng rồi lại co ngay lại. Anh vẫn có cảm giác như chiếc chân vẫn còn.

Anh phàn nàn: Đi đã bảy tháng, mà mới được nửa đường. Nhiều trạm không có người cáng, phải nằm chờ. Sốt ruột đành chống gậy đi dần. Lúc ra đi, tưởng sắp về tới hậu phương nên cho anh em bộ quần áo, chỉ còn độc nhất một bộ mặc trên người. Mỗi lần đi tắm ở các trạm nghỉ, phải tìm chọn một quãng suối vắng, phơi khô rồi tìm một bụi cây chui vào, ngồi chờ cho quần áo khô thì mặc lại.

Sáng hôm sau, trước khi lên đường, tôi đem tặng anh Tiệm một bộ quán áo để anh mặc thay đổi dọc đường.

Trên đường, những đoàn quân vẫn tấp nập vào chiến trường. Một đoàn pháo 37 ly do đường ôtô bị đánh phá ác liệt nên pháo thủ chuyển bớt sang đi bộ, ôtô chỉ dùng để kéo pháo. Đêm đêm máy bay liên tục ì ì. Tiếng bom B52, bom bi nổ ầm ầm, tiếng pháo phòng không 37 ly bắn từng loạt 5-6 phát một.

Đường hành quân qua những bãi bom B52, cây đổ ngổn ngang, những rừng cây xơ xác lá, những hố bom bi như những chiếc bát, chi chít trên mặt đất. Đến một chỗ trống, thấy một chiếc gậy cắm trên mặt đất. Đầu gậy có một mảnh giấy ghi hai chữ “Chú ý!”. Mọi người xúm lại đọc tờ giấy, không hiểu chú ý cái gì, bỗng một người phát hiện, chân chiếc cọc là một quả bom bi chưa nổ. Mọi người vội vàng tản ra.

Ở trạm 55, địch thả “cây nhiệt đới” loại máy thu phát tiếng động đứng giữa cây rừng rất khó phát hiện. Ở lại đây không an toàn nên chúng tôi phải đi tiếp sang trạm sau. Như vậy buổi sáng đã phải đi 5 giờ, vượt một dốc, lại phải đi tiếp thêm 4 giờ nữa và vượt một dốc cao.

Ngày 10 tháng 1 năm 1972. Tới trạm 71. Càng vào sâu khó khăn, gian khổ càng tăng. Từ bốn hôm nay, trạm này liên tiếp bị đánh B52. Hôm đầu, đánh vào lúc chập tối, anh trạm trưởng là một cán bộ mới vào chiến trường, không có kinh nghiệm, hốt hoảng, đưa tất cả khách trong trạm đi tránh. Cả đoàn mò mẫm trong rừng. Loạt B52 thứ hai trúng đội hình, chết mất hai người, bị thương 5. Sáng hôm sau quyết định di chuyển trạm. Sang một bãi mới chưa có công sự. Một tiểu đoàn bộ binh hành quân 5 giờ chiều tới bãi khách. Hai giờ đêm, chúng nó đánh tiếp, hy sinh 4, bị thương 27. Đêm hôm trước khi chúng tôi đến trạm, chúng nó lại đánh nhưng không có thương vong.

Đêm ngủ căng thẳng. Nhà chưa có. Mắc võng ngủ cạnh hầm, giao hẹn với trạm trưởng: “Chúng tôi sẽ bám chắc vào hầm. Dù có bom B52, chúng tôi cũng sẽ không đi đâu!”. May đêm hôm ấy yên ổn. Nhưng sau khi chúng tôi đi qua, chúng tiếp tục đánh vào trạm hai ngày nữa.

Các trạm phía Nam sông Bạc cách nhau khá xa, 7-8 giờ đi bộ để tránh đường dốc. Gạo thiếu, chưa chuyển vào kịp. Nhiều trạm bị đói, có trạm ăn cháo. Thậm chí, ở trạm 72, gần 4 giờ chiều chúng tôi mới tới trạm, được đồng chí trạm trưởng tập hợp lại, hai tay xoa vào nhau tỏ vẻ rất băn khoăn, tuyên bố: “Trạm hết gạo, các đồng chí thông cảm. Xin phát cho mỗi người một bi đông nước gạo rang uống cho ấm bụng để đi ngủ.”.

Sáng hôm sau, lại một bi đông nước gạo rang nữa, để đi đường sang trạm 73.

Các trạm đều mới di chuyển. Nhà ở chưa có. Phải mắc võng nằm ngoài rừng hoặc tìm những ổ lót lá cây của những đoàn đi trước để nằm cho ấm. Trời rét. Đêm nằm, mặc nguyên cả áo quần dài, áo len, áo blu dông, quấn hết các chăn màn võng vào người cũng không hết rét. Chỉ ngủ được đến khoảng 11-12 giờ đêm. Sau đó là cựa quậy, thao thức. Đến 2-3 giờ sáng là trở dậy đốt lửa sưởi, nói chuyện rì rầm hoặc bật đài nghe chờ sáng.

Gặp nhiều đoàn đi ra, phần lớn là các thương bệnh binh đã điều trị tạm thời ổn định. Gặp anh Bích, Chính trị viên khoa 34, bị ung thư gan. Anh Bích khá yếu, đi theo diện cáng nhưng cũng cố chống gậy đi bộ để giao liên đỡ phải cáng. Không biết anh có ra tới nơi được không(l).

Ngày 31 tháng 1 năm 1972. Vào tới chiến trường. Như vậy đi mất đúng hai tháng.

Sau này chúng tôi được biết anh Bích không ra kịp miền Bắc mà hy sinh ở bờ sông Bạc. Như vậy trên bờ sông Bạc có hai anh hi sinh, cùng tên là Bích. Anh Bích, Chính trị Viện 211 và anh Bích bác sĩ, Phòng tham mưu B3. Cả hai đều ung thư gan.

Chiến trường đang náo nức chuẩn bị cho những trận chiến đấu mới. Nhiều đơn vị mới vào, trang thiết bị vũ khí vẫn vượt qua hàng rào lửa ùn ùn kéo vào.

Tôi qua Phòng Hậu cần và Bộ Tư lệnh mặt trận báo cáo tình hình. Các anh đều rất vui thấy Đoàn ra công tác trở về chiến trường đông đủ. Và tất cả đều khoẻ mạnh. Anh Hoàng, Tư lệnh trưởng Mặt trận, mặc dầu đang họp Hội nghị bàn kế hoạch cho chiến dịch sắp tới, cũng ngừng họp một buổi, tiếp chúng tôi, nghe báo cáo tình hình Hội nghị Quân y các chiến trường và đánh giá Đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Anh em trong Viện náo nức chờ Đoàn vào, mang theo tin tức của hậu phương và gia đình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #112 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:13:49 pm »


BỆNH VIỆN DÃ CHIẾN Z25


Ngày 10 tháng 2 năm 1972. Về tới Viện, tổ chức một buổi họp cán bộ toàn Viện, nói chuyện tình hình miền Bắc, tình hình Hội nghị Quân y các chiến trường, sau đó một tuần lễ liền, tôi phải bận rộn tiếp khách, nói chuyện hậu phương, phát thư và quà của các gia đình.

Anh em nhận được thư, biết tin tức gia đình người thì vui, nhưng cũng có người tỏ vẻ buồn, có anh nhớ nhà, mất ngủ. Có lá thư dài đầy những lời than vãn, trách móc. Anh Tân, Hiệu trưởng trường Quân y không nhận được thư vợ mà chỉ nhận được thư con, mặc dù chúng tôi đến tận nhà để lấy thư.

Tôi kể lại cho anh Minh nghe những nỗi lo lắng của vợ anh và giục anh viết thư ngay về nhà.

Một trăm ngày trên miền Bắc qua đi như một giấc mơ. Lại trở lại những công việc bộn bề, sôi nổi ở chiến trường.

Sáng ngày 3 tháng 2, họp Thường vụ, Thủ trưởng Viện để bàn việc phục vụ chiến dịch Đông Xuân sắp tới. Công việc chuẩn bị khá khẩn trương. Hướng chiến dịch được giữ tuyệt mật, chỉ phố biến trong chỉ huy Viện.

Để phục vụ cho chiến dịch, Viện 211 sẽ tách làm hai phân viện: Một nửa tổ chức thành Bệnh viện dã chiến, với phiên hiệu “Z25”, ra sát hoả tuyến cứu chữa thương bệnh binh. Nửa Bệnh viện còn lại tiếp tục làm nhiệm vụ ở hậu phương của chiến trường.

Trong chỉ huy Viện phân công tôi ra phía trước, phụ trách Z25 cùng với bác sĩ Bích, Viện phó và anh Toản, Chính uỷ Viện. Bộ phận phía sau do bác sĩ Thìn phụ trách, cùng với anh Chí, Phó chính uỷ Viện...

Tết Nhâm Tý tới gần, chúng tôi sẽ ăn Tết như Quang Trung ngày trước: Cho bộ đội ăn Tết trước để giành những ngày Tết ra trận địa.

Z25 sẽ có khoảng hai tuần để chuẩn bị cơ sở điều trị trước ngày N, ngày nổ súng.

Không khí chuẩn bị cho chiến dịch thật náo nức. Tuy còn có nhiều khó khăn: Gạo vào nhỏ giọt. Xe tăng đã vào được nhưng pháo chưa vào được. Pháo 122 ly nòng dài chưa có đủ đạn.

Đã quyết định, Bệnh viện dã chiến Z25 sẽ gồm ba khoa lâm sàng: hai khoa Ngoại (khoa 32 và 34), một khoa Nội (khoa 22), các bộ phận Cận lâm sàng, X quang, lý liệu, dược hoá nghiệm, phòng mổ. Tất cả 104 nhân viên. Cơ quan hậu cần phải đưa một tổ trồng rau ra trước cùng với bộ phận tiền trạm để trồng rau. Khi có thương binh về điều trị là bắt đầu có rau xanh. Các vườn rau sẽ xen vào các nương của đồng bào và phải tương tự như kiểu trồng trọt của đồng bào để trồng được rau mà không để lộ địa điểm của Bệnh viện, nhất là không để lộ hướng hoạt động của bộ đội.

Một tổ săn bắn, đánh cá cũng được tổ chức. Mối quan tâm với bộ phận này là sau khi săn được, phải làm sao chuyển nhanh được thịt về cho đơn vị.

Từ đầu tháng 1 năm 1972, chúng tôi đã cử một bộ phận đi nghiên cứu địa hình nơi sẽ triển khai Z25. Ngày 8 tháng 2 bộ phận này trở về báo cáo tình hình. Khu vực triển khai Bệnh viện dã chiến ở phía Nam dãy núi Chư Mom Ray, cách chỗ ở hiện nay 4 ngày đường. Nơi triển khai Bệnh viện có rừng cây to, đất đá khó đào công sự. Đường hành quân phải vượt qua sông Sa Thầy. Đường đi bằng phẳng, nhưng khá trống trải, qua những bãi trống đầy lau sậy, không có cây to.

Hình dung trước là tình hình sẽ rất ác liệt, dự kiến Bệnh viện sẽ phải triển khai dưới công sự, nên chúng tôi phải giành một ngày để bàn chuyên đề về việc triển khai Bệnh viện dưới tầm hoả lực pháo và bom đạn của địch. Bác sĩ Thuyên là người đã công tác nhiều năm ở Đội điều trị có nhiều kinh nghiệm làm việc trong điều kiện ác liệt của tuyến trước, được mời để giới thiệu về các kiểu hầm: hầm mổ, hầm cho thương binh bất động, hầm cho hoá nghiệm, cho dược, cho thương binh nhẹ và nhân viên.

Địch đang mở một chiến dịch đánh bom B52 trên khắp chiến trường Tây Nguyên. Các trạm giao liên 73, T2, đường dây CO2, quanh binh trạm Bắc đã bị B52 đánh nhiều trận bằng bom phá và bom bi, nhưng chủ yếu chỉ gây tổn thương cho cây rừng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #113 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:25:59 pm »


Ngày 25 tháng 2 năm 1972. Đã qua Tết Nhâm Tý. Như kế hoạch đã định, chúng tôi ăn Tết “Quang Trung” vào ngày 24 Tết.

Sau đó chúng tôi lần lượt lên đường. Tôi và bộ phận đi đầu lên đường ngày 25 Tết (10 tháng 2). Bộ phận tiền trạm đi ngày 27 Tết (12 tháng 2). Khoa 34 xuất phát ngày 14 tháng 2 (30 Tết). Khoa 32 đi ngày 15 tháng 2 (mồng 1 Tết) và khoa 22 đi cuối cùng ngày 16 tháng 2 (mồng 2 Tết).

Sáng 10 tháng 2 sau bữa liên hoan với Chỉ huy Viện chúng tôi lên đường. Trời mưa một trận đột ngột. Con đường đất ven bờ sông nghiêng nghiêng, trơn như đổ mỡ. Tôi bị ngã mấy trận nên thân, có một lần ngã xuống sông. Chiếc đài bán dẫn đeo trước ngực thúc mạnh vào ngực đau điếng, lịm đi mất một lúc mới dậy được. Cho đến mấy ngày sau, chỗ ngực vẫn còn đau. Đêm ngủ ở trại chăn nuôi lợn của Viện.

Hôm sau qua binh trạm Bắc gặp anh Vĩnh, Chủ nhiệm Hậu cần mặt trận để nhận nhiệm vụ. Liên hoan Tết với Binh trạm Bắc, các thủ trưởng binh trạm hè nhau đổ rượu cho anh Vĩnh say mèm, làm cho tôi mất một buổi chiều không làm việc được.

Sáng hôm sau, làm việc với Binh trạm xin được một số hàng cho Bệnh viện, ni lông chống mưa, xẻng cuốc để đào công sự, hợp đồng vận chuyển lương thực thực phẩm.

Sau đó ra Đội vận chuyển ăn Tết với anh em vận tải. Chiều 30 Tết ra điểm 5 lại được các đồng chí đại đội vận tải ôtô của Binh trạm C141 mời liên hoan Tết cùng với một đồng chí tiểu đoàn trưởng người Cao Bằng, vừa mới áp tải một tiểu đoàn xe vào bổ sung cho chiến trường.

Nichxơn tuyên bố ngừng bắn từ 6 giờ chiều 30 Tết tới 6 giờ chiều mồng 1 nên chúng tôi quyết định tranh thủ thời cơ, đi ôtô ra vị trí triển khai cho nhanh.

4 giờ chiều, chúng tôi ra điểm 5. Máy bay địch vẫn quần lượn ném bom ầm ầm về phía Đông Bắc. Một cán bộ vận tải chăm chú quan sát hướng máy bay đánh nhận xét: “Chúng nó đánh ngầm điểm 6. Chúng nó đánh rốn thêm một trận trước khi ngừng bắn.

Đêm Ba mươi tết nhưng trời đầy sao. Chúng tôi đi theo một đoàn 5 xe “Vọt tiến” hai cầu, của Trung Quốc sản xuất. Xe chạy một quãng lại dừng lại để chờ xe sau và để nghe ngóng máy bay. Mỗi lần xe ngừng lại lâu, lái xe lại yêu cầu tôi mở đài nghe buổi phát thanh đêm Giao thừa. Hai bên đường, những bóng cây chạy loang loáng lùi về phía sau. Đằng xa, về phía Tây, một vùng trời ửng sáng do ánh điện hắt lên từ các căn cứ của địch.

Giao thừa, xe ngừng lại, nghe tiếng pháo qua đài phát thanh và lời chúc Tết của Bác Hồ ghi âm từ năm 1969, lời chúc Tết của Bác Tôn. Sau đó là buổi phát thanh ca nhạc. Tâm hồn tôi như bay về Hà Nội, nhớ gia đình da diết.

Bỗng nhiên, hai đồng chí lái xe và phụ lái cãi nhau um lên vì lúc lên xe dọc đường, đánh rơi mất quyển nhận ký cùng một số tài liệu về xe. Xe lại chạy, qua những bãi bom, những đám rừng có những cây to còn cháy rừng rực như những cây đuốc khổng lồ cắm giữa đồi. Ánh điện của các vị trí địch trên các đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, Ngọc Bờ Biêng sáng rực. Thỉnh thoảng một quả pháo sáng vọt lên trời, rồi từ từ, lắc lư rơi xuống, rọi một ánh sáng xanh biếc vào màn đêm.

Xe vẫn gầm gừ, lăn trên con đường chi chít ổ gà, ổ trâu, vượt các ngầm, các hố bom. Những bóng người cầm đèn pin đi nép ven đường, những toán công binh hì hục sửa những đoạn đường mới bị bom phá.

Tới một ngã ba, anh bộ đội gác ba-ri-e chỉ cho xe chạy sang con đường bên trái. Chúng tôi ngờ ngợ. Theo bản đồ mà chúng tôi được xem ở đại đội vận tải thì phải rẽ bên phải mới đúng. Xe chạy được một quãng, đường ngổn ngang những thân cây, những đoạn tre nứa. Con đường mới làm còn nguỵ trang, chưa có xe chạy. Bỗng có tiếng gọi ơi ới phía sau. Đồng chí gác ba-ri-e lúc nãy chạy đuổi theo, vẫy gọi. Anh vừa thở, vừa giải thích: “Theo lệnh trên, các đồng chí chỉ chạy một đoạn theo hướng này để nghi binh. Thôi, quay lại, đi đường kia mới đúng”.

Xe chúng tôi quay lại theo con đường bên phải vào kho. Bốn giờ sáng mới vào tới nơi. Kho tạm thời cũng do đơn vị công binh C131 vừa làm đường, vừa giữ kho. Vừa vào tới nhà, đã thấy anh em bưng lên một đĩa to đầy bánh rán, kẹo, tiếp sau đó lại một bữa cỗ linh đình. Ngủ lại kho tới trưa. lại một bữa liên hoan nữa.

Chúng tôi ăn Tết Quang Trung lại hoá hay, từ hôm ra đi, liên tiếp 5 bữa liên hoan mừng năm mới!

Mồng Hai Tết, tôi vào thăm địa điểm cùng với anh Chí, Phó chính uỷ Viện đã ra đây từ mấy hôm trước cùng với đồng chí Cầm, trợ lý kế hoạch của Phòng để nghiên cứu địa hình cho Bệnh viện.

Địa điểm triển khai Bệnh viện dã chiến là một dẫy núi nhánh của dẫy Ngọc Rinh Rua, có cây cao, kín đáo, nhưng khá dốc, nhiều đá. Gay nhất là khá gần kho. Xa kho quá cũng khổ vì sẽ mất nhiều công đi lĩnh gạo, thực phẩm. Nhưng gần kho quá thì cũng nguy hiểm vì kho rất dễ là mục tiêu bị địch oanh tạc. Ôtô, bộ đội ra vào kho tấp nập suốt ngày đêm, nên rất dễ bị lộ. Có khi cháy thành vạ lây.

Tôi bàn với anh Chí, Phó chính uỷ Viện đi trước để tìm địa điểm, và thống nhất là không dùng khu A mặc dầu khu này khá đẹp, tương đối bằng phẳng, kín đáo, có suối nước tốt, nhưng chỉ cách kho khoảng 1 cây số theo đường chim bay.

Mồng Ba Tết, tôi cùng bộ phận tiền trạm đi sâu hơn về phía Nam, dọc theo sườn núi, nghiên cứu địa hình và bố trí địa điểm cho các khoa. Trong khi chúng tôi đang lần mò trong rừng thì có tiếng máy bay trực thăng phành phạch, tiếp sau đó là máy bay trinh sắt, phản lực đến ném bom, bắn pháo 40 ly, 20 ly ầm ầm phía Tây Bắc, khá gần. Đến chiều có liên lạc vào báo: kho bị đánh, một ôtô bị cháy, ba đồng chí công binh hy sinh, 5 bị thương trong đó có 3 trường hợp nặng đưa vào chúng tôi điều trị.

Đây là những thương binh đầu tiên của chiến dịch, đưa đến chúng tôi trong khi chúng tôi vừa mới chân ướt chân ráo đến địa điểm, còn đang mắc võng nằm rừng, chưa có nhà cửa, công sự...

Đêm mồng Ba Tết, B52 đánh hai lần vào khu vực kho bị lộ.

Mồng Bốn Tết, các khoa 32, 34, một bộ phận cơ quan Viện bộ cùng với anh Toản, Chính uỷ Viện đến địa điểm. Các anh hành quân qua một bãi le trống. Hai hôm trước, một đoàn tân binh bổ sung cho đoàn Sơn Mỹ bị đánh, 11 hy sinh, gần 20 bị thương. Anh Thuyên, bác sĩ Chủ nhiệm khoa 32 phải ở lại giải quyết hậu quả cùng với Quân y đoàn Sơn Mỹ.

Chúng tôi phân chia ngay các khoa vào địa điểm triển khai. Hai khoa Ngoại cùng với phòng mổ ở ngoài. Khoa Nội 22 ở trong cùng, đúng vào một chốt cũ của Mỹ, còn lại một số công sự, túi cát có thể sử dụng được, nhưng lại sợ mìn chúng gài lại...

Chúng tôi tập trung lực lượng xây dựng cơ sở. Trước tiên làm hầm nằm. Sau đó nếu còn thời gian sẽ làm tiếp nhà âm. Mỗi khoa sẽ phải làm từ 30 tới 35 nhà và hầm cho thương bệnh binh và nhân viên. Tính ra, tới ngày N, ngày nổ súng, thương binh về dồn dập, mỗi khoa thiếu tới 300-400 công, chưa kể những trường hợp đột xuất, chưa triển khai mà đã có thương binh vào điều trị... Ở chiến trường, chỉ nghe tin đâu có bệnh viện là anh em khiêng vào, không thể từ chối.

Sau hơn một tuần xây dựng, hầm cá nhân đã tạm đủ. Đồ đạc các khoa gửi ôtô cũng đã vào tới nơi. Phải ra kho lấy, nhưng mỗi lần tổ chức đi lấy hàng là một lần phải suy nghĩ, tính toán căng thẳng để tránh bị thương vong.

Mấy hôm nay, địch vẫn hoạt động thường xuyên quanh vùng. Kho bị đánh đã rời đi chỗ khác, nhưng toàn khu vực vẫn liên tục bị đánh phá. Phản lực, trực thăng đánh ban ngày, B52 đánh ban đêm, chỉ có một lúc buổi chiều là tương đối an toàn.

Phát hiện ra quy luật đánh phá của địch, chúng tôi tổ chức đi từng tổ nhỏ. Xuất phát ra kho lúc bốn giờ chiều. Ra thật nhanh, lấy hàng rồi về thật nhanh, tránh giờ cao điểm máy bay hoạt động. Cũng may, trời bắt đầu có trăng non, nên đi đêm cũng dễ đi. Mấy hôm nay lấy hàng đều an toàn cả.

Từ 21 tháng 2, Nichxơn sang thăm Trung Quốc, đồng thời đưa thêm hàng không mẫu hạm vào Vịnh Bắc Bộ, đưa thêm máy bay B52 vào đảo Guam và Thái Lan, tăng cường đánh phá miền Bắc...

Trên toàn chiến trường miền Nam dường như công việc chuẩn bị vẫn thầm lặng. Đài phương Tây đưa tin bốn sư đoàn Bắc Việt đã vào vùng Trị - Thiên. Chúng nó phán đoán cuộc tấn công sẽ bắt đầu vào dịp Tết và cũng đang băn khoăn sao đến nay vẫn chưa bắt đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #114 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:26:27 pm »


Ngày 5 tháng 3 năm 1972, các khoa đã xây dựng gần đủ các cơ sở phục vụ, buồng băng, tiêm, buồng mổ, dược, bếp. Nhưng mấy ngày liên tiếp gần đây, địch hoạt động mạnh chung quanh Viện. Ngày 29 tháng 9 chúng đánh cách Viện khoảng 1 giờ. Sau đó đánh lấn dần, cách Viện 15 phút, liên tục từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều bằng nhiều đợt phản lực xen kẽ với trực thăng, máy bay cánh quạt. Ngày 3 tháng 3, B52 đánh liên tục ngoài đường xe. Suốt đêm tiếng bom rú trên đầu. Tất cả chúng tôi đều cảm thấy khu vực hiện nay không an toàn. Nương rẫy chỉ cách chỗ chúng tôi 15-20 phút, ở đây vẫn gần kho và đường ôtô, gần trục đường hành quân của bộ đội ra phía trước. Kho đã bị lộ và bị đánh, nhưng xe vẫn hàng ngày ra vào. 

Mặc dù công việc xây dựng đã gần hoàn chỉnh, nhưng để bảo đảm an toàn chúng tôi vẫn quyết định đề nghị trên cho di chuyển địa điểm sâu hơn nữa xuống phía Nam.

Ngày 3 tháng 3, tôi ra kho, nơi có máy điện thoại duy nhất ở khu vực này, để liên lạc với Phòng, báo cáo tình hình và xin di chuyển.

Không khí trong kho thật căng thẳng. Cánh rừng, mới gần một tháng trước xanh tươi, kín đáo là thế mà nay xơ xác cây cối đổ ngổn ngang.

Có tiếng trực thăng nổ pành pạch trên đầu. Tôi và cậu liên lạc nhảy được xuống một chiếc hầm trống. Chiếc máy bay trực thăng to lù lù như một chiếc thuyền đỗ ngay trên ngọn cây. Cánh quạt quay tít, tạo thành một luồng gió xoáy như có cơn lốc. Cành cây nghiêng ngả, lá cây rụng rào rào.

Chiếc máy bay đứng im một lúc, rồi nhích lên, lui xuống, dịch sang phải, dịch sang trái. Một thằng Mỹ cởi trần, thò hẳn nửa người đỏ như con tôm luộc ra ngoài cửa máy bay, nghiêng ngó...

Chúng tôi chen chúc nhau ở cửa hầm quan sát. Tiếng súng AK lên đạn lách cách. Nổ súng vào bụng chiếc trực thăng thì ngon quá. Nhưng trên cao, còn ba bốn chiếc nữa bay vòng. Và tít trên bầu trời, hai máy bay trinh sát vè vè lượn thành những vòng hẹp...

Tiếng anh chỉ huy kho quát: “Chưa lộ, chưa được bắn”. Một anh khác gọi: “Kéo lá nguỵ trang che nắp hầm, lộ quá”. Nhưng ai dám ra khỏi hầm... Hình như nó chưa phát hiện được gì. Giây phút căng thẳng. Nó dời chỗ, dịch theo giông đồi lên phía đỉnh núi. Trên ấy là nơi kho sơ tán sau khi lộ bị đánh ở dưới thấp. Tiếng quạt gió vẫn ào ào bằng không có tiếng nổ.

Cuối cùng chiếc trực thăng bốc lên cao và cút thẳng. Mọi người thở phào, nhẹ nhõm: Chúng nó mù thật!

Ra tới chỗ đặt máy điện thoại, ở hầm của chỉ huy kho. Chiếc máy như một cái hộp, đựng trong bao da cũ kỹ. Quay mỏi tay nhiều lần, mà không bắt được liên lạc. Đường dây bị đứt.

Buổi trưa, ăn cơm với anh em ở kho, rồi chui vào hầm ngủ với anh trợ lý hậu cần và cậu liên lạc. Ba người chen chúc nhau trên một cái sạp nhỏ trong hầm. Trên nóc hầm treo lủng lẳng ba lô, súng đạn, bi đông nước. Buổi chiều tiếp tục liên lạc không được, đường dây vẫn chưa nối được. Tới 5 giờ chiều, đành để lại một bức điện ngắn báo cáo tình hình, nhờ anh trợ lý hậu cần chuyển hộ khi nào nối lại được liên lạc với chỉ huy sở...

Hôm qua, đi xem địa hình, chỗ sắp tới vào sâu hơn chỗ hiện nay khoảng 2-3 cây số. Rừng kín, bằng phẳng nhưng suối nhỏ, hơi thiếu nước. Chiều về vẫn không thấy Phòng trả lời.

Tôi rất băn khoăn về việc thay đổi địa điểm, chưa được sự chuẩn y của cấp trên, định trực tiếp lên báo cáo, nhưng anh em cơ quan chính trị kiên quyết can không cho đi vì sợ không an toàn. Các anh phân tích đi về mất 5 ngày lại phải qua những vùng địch đang đánh phá. Hơn nữa khu vực mới vẫn nằm trong toạ độ quy định. Chờ nữa sẽ mất thời gian vả lại tôi cũng đã điện lên báo cáo rồi.

Cuối cùng tôi quyết định, khoa Nội 22 hiện đang ở trong cùng vẫn ở nguyên tại chỗ, lật cánh cho hai khoa Ngoại 32 và 34, Đoàn bộ, cận lâm sàng vào chỗ mới, các khoa này sẽ lại phải bắt đầu xây dựng từ đầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #115 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:26:48 pm »


Ngày 10 tháng 3 năm 1972. Đã di chuyển sang khu vực mới. Trong ba ngày đã ổn định nơi ăn ở. Giao chỉ tiêu tới 26 tháng 3 phải hoàn thành cơ bản việc xây dựng. Cơ quan kể cả thủ trưởng Viện tạm thời không làm nhà ở vội, tập trung giúp các khoa lâm sàng đào đủ hầm cho thương bệnh binh sau đó mới xây dựng tiếp các cơ sở khác.

Bộ phận tăng gia sau một tháng, đã bắt đầu tỉa rau cung cấp cho đơn vị. Anh em đã làm đúng kế hoạch: Các luống rau làm xen với nương của đồng bào, kiểu cách gieo trồng cũng tương tự. Cho tới nay, chưa thấy có biểu hiện địch nghi ngờ rau của bộ đội.

Được vài ngày không thấy chúng nó hoạt động. Bầu trời yên tĩnh một cách lạ thường. Đài phát thanh cho biết chúng nó đánh Hà Tĩnh, Quảng Bình, bị hạ hai máy bay... Có tin chúng nó tăng quân lên vùng Ngã ba Biên giới, chốt thêm trên cao điểm Ngọc Bờ Biêng, định ngăn chặn công tác chuẩn bị của ta.

Ngày 14 tháng 3 năm 1972. Hôm qua, máy bay đánh kho rồi thả một trung đội biệt kích xuống đường xe đặt mìn phá xe. Suốt đêm qua hai chiếc C130 bay vè vè trên trời thả từng chùm pháo sáng. Sáng hôm nay B52 thả ba loạt bom toạ độ. Tiếng nổ rung chuyển cả hầm, nhà. Cả ngày hàng đàn máy bay trực thăng và phản lực đánh phá liên tục vào vùng kho và đường ôtô.

Anh Toản, Chính uỷ Viện, đi họp Phòng mới về, đúng vào hôm địch thả pháo sáng, mang theo một xe ôtô lương thực thực phẩm. Đang phải huy động người ra gùi.

Ngày N, trước định vào ngày 10 tháng 3 nhưng do khó khăn về vận chuyển lương thực nên phải lùi lại. Đêm hôm qua tiếng pháo nổ nhiều, nhưng không phải pháo của ta.

Ngày 18 tháng 3 năm 1972. Tiếp tục xây dựng. Anh em cả ngày hát bài “Mẹ vẫn đào hầm... Từ lúc tóc còn xanh... nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc... Mẹ vẫn đào hầm trong tầm đại bác...”. Có người hát chệch thành: “Bố vẫn đào hầm” để cười với nhau, nhưng cũng có ý ngán ngẩm với công việc “thổ mộc” kéo dài này.

Tuy nhiên, khí thế làm việc chung vẫn tốt. Tới ngày 20 có thể đủ hầm cho chừng 150 thương bệnh binh.

Hôm 16 tháng 3 phải ra kho Đ27 để dùng điện thoại báo cáo tình hình triển khai bệnh viện với Chỉ huy sở tiền phương. Đường đi khá căng. Máy bay trinh sát, máy bay trực thăng bay ầm ầm trên đầu. Đến 12 giờ trưa, phản lực đến, ném bom, bắn pháo 20 ly, 40 ly ầm ầm. Địch có thể thả biệt kích. Vượt được quãng nương trống, ra tới kho sau khi vượt qua một bãi B52, cây cối đổ ngổn ngang, lá xanh rụng đầy mặt đất. Những hố bom chi chít.

Gặp một đoàn cáng thương binh đi ngược lại, anh em cho biết: Buổi sáng chúng nó thả một trung đội biệt kích xuống đúng kho, bị đánh, chúng nó đã phải bốc lên, nhưng dùng trực thăng và phản lực đánh. Ta hy sinh 1 bị thương 3. Có khả năng chúng nó tiếp tục nện B52 vì lộ kho rồi.

Đến kho không khí căng thẳng. Các đồng chí giữ kho, AK cầm ở tay, nép dưới các gốc cây, canh chiếc hầm. Bỗng nghe thấy liếng gọi: “Thủ trưởng! May quá, thủ trưởng đây rồi”. Thì ra cậu Thận, chiến sĩ vận tải của Viện đi áp tải hàng, theo xe ôtô tới kho từ đêm hôm qua. Trong đêm, cậu đã bị một trận bom B52. Sáng hôm nay, lại bị tiếp biệt kích, trực thăng, máy bay quạt gió, bom phản lực. Không liên lạc được với Viện, cậu ta đang ngồi cạnh đống hàng, rất lo lắng, không biết xử trí ra sao. Bỏ về thì sợ mất hàng, không hoàn thành nhiệm vụ, mà ở lại thì đe doạ bom B52 trong đêm. Hàng mang ra có pin, giấy, ni lon, lương khô. Phải khoảng hai chục người mới gùi hết. Nhìn đồng hồ: đã hơn hai giờ chiều. Tôi ngồi xuống gốc cây suy nghĩ. Nếu cho người về đơn vị huy động lực lượng ra gùi thì rõ ràng là không kịp trước đêm. Mà chỉ một vài giờ nữa, cầm chắc B52 sẽ đánh.

Tôi bảo Thận: Thôi cậu chọn các hàng quý như mỡ, pin đèn, ny lon, giấy, đóng vào ba gùi để tớ, cậu và Sinh, mỗi anh một gùi, mang về trước. Còn lương khô, thực phẩm thì gửi lại kho. Mai cho người ra gùi.

Sau đó tôi tiếp tục lên chỗ đặt máy điện thoại. Trên đỉnh đồi, trợ lý hậu cần, liên lạc, cảnh vệ đang đi lại, người hì hục khoét sâu thêm chiếc hầm đang đào dở. Máy điện thoại quay liên tục. Hầm đặt điện thoại không có nắp. Hai chiến sĩ thông tin cho biết không dám chặt gỗ vì sợ lộ. Biệt kích vẫn lẩn quất quanh đây. Liên lạc được với Phòng tham mưu, nhưng Tham mưu trưởng đi vắng, chỉ có đồng chí trực ban tác chiến. Đọc báo cáo cho đồng chí đó ghi lại rồi quay về. Qua chỗ Thận. Mỗi anh gùi một gùi hàng. Tôi nhận gùi thùng mỡ nước. Leo dốc, mỡ chấy ướt cả lưng. Gùi nặng, leo dốc, chúng tôi khát khô cổ, uống cạn mấy bi đông nước.

Mấy hôm nay, ban đêm, chúng tôi liên tục ngủ hầm. Hôm đầu thấy ngột ngạt, thiếu không khí, chật chội, đất trên nóc hầm rơi lả tả lên mặt. Nhưng rồi cũng quen và yên tâm, mỗi khi B52 đánh cứ nằm thẳng cẳng không còn nơm nớp, lo lắng như nằm ngoài.

B52 hôm nào cũng đánh. Loạt phía Đông, loạt phía Tây, loạt phía Bắc, loạt phía Nam. Khói bom lùa vào hầm khét lẹt sau mỗi đợt B52 tôi lại chui ra khỏi hầm, quan sát, gọi sang hầm bên hoặc gọi điện thoại đi các khoa hỏi thăm tình hình xem chúng nó có đánh trúng đơn vị không.

Trông chờ ngày nổ súng. Hy vọng khi nổ súng, chúng nó sẽ bị hút ra phía trước và ở phía sau sẽ yên hơn.

Bộ binh vẫn đang bí mật, im lặng tiến ra trận địa. Đêm hôm qua và hôm nay, theo kế hoạch, tăng và pháo lớn sẽ ra chiếm lĩnh trận địa. Trong đêm tình hình im ắng. Có lẽ họ đã đi trót lọt.

Các chiến trường khác cũng tăng cường hoạt động. Đêm 15, trên toàn miền Nam, pháo kích hơn 40 vị trí. Chiến trường Lào đánh mạnh ở Mường Sủi, Long Chẹn diệt 4 tiểu đoàn quân Vàng Pao.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #116 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:27:11 pm »


Ngày 29 tháng 3. Sáng 24 tháng 3 có điện hoả tốc của Phòng Hậu cần báo tin địch sẽ đánh khu vực Viện. Tất cả thương bệnh binh và nhân viên phải xuống ngủ hầm.

Tuy nhiên tối 24, ngày 25 yên tĩnh. Anh Toản ra tăng gia về bắt được một con ba ba to, làm một bữa liên hoan với các Chủ nhiệm khoa.

Đêm 25 lúc 9 giờ tối, một loạt B52 đánh, nhưng tiếng nổ hơi xa, về phía kho. 12 giờ đêm lại một loạt nữa, gần hơn. Không nằm gan ngoài nhà được, đành chui xuống hầm mắc võng, vừa nơm nớp sợ rắn. Buổi sáng phát hiện có rắn trong hầm nhưng không đánh được vì nó chui xuống hang, dưới sạp nằm. Một giờ rưỡi sáng lại một loạt bom, rung chuyển nhà. Rõ ràng là chúng đánh rất gần, nhưng trong đêm không biết đích xác đánh vào đâu.

Sáng hôm nay các khoa báo cáo cho biết: các loạt B52 đã rơi trúng khu vực Viện dời đi hôm trước, trong đó có 10 quả trên giông đồi khoa 22, nhưng không ai việc gì. Thật hú vía, nếu không di chuyển thì rõ ràng là bom sẽ trùm lên toàn bộ đội hình của Viện.

Ngày 30 tháng 3 năm 1971. Hôm nay vừa mới mở sổ tay ghi chép tình hình B52 đánh, để làm tài liệu, thì lại ầm ầm bom B52 nổ ở khu vực phía Tây.

Từ mấy năm nay, tôi nảy ra ý kiến làm một công trình nghiên cứu về tác hại của các cuộc oanh tạc toạ độ bằng máy bay B52 ở chiến trường Tây Nguyên, để rút kinh nghiệm về tác hại và cách phòng chống chúng. Đây chả là thứ vũ khí lần đầu tiên chúng nó dùng ở chiến trường Đông Dương hay sao?

Mà lần này, chúng tôi có điều kiện thực tiễn để lấy tài liệu.

Mấy hôm nay, tôi chăm chú ghi chép các vụ đánh để làm tư liệu cho đề tài nghiên cứu. Chỉ trong vòng gần một tháng và chỉ tính những trận đánh trong phạm vi bán kính khoảng một cây số quanh Viện đã ghi được 10 trận đánh của khoảng 30 lần B52.

Đọc nhật ký Lêningrát của nữ văn sĩ Vêra Inbe càng thúc giục tôi trong ý nghĩ viết một cuốn hồi ký về Viện 211 trong những năm ở Tây Nguyên. Cũng vì vậy tôi cố ghi đều đặn nhật ký, mặc dầu nhiều lúc thiếu giấy, thiếu bút mực, kỷ luật bảo mật không cho ghi chép hết tình hình chiến trường và những suy nghĩ riêng tư. Thêm vào đó, những mùa mưa dài lê thê, ẩm ướt, làm nhoè nhoẹt những dòng chữ. Những cuộc hành quân đường dài, mang nặng, buộc chúng tôi phải luôn soát xét lại, bỏ bớt những thứ nặng nề không cần thiết trên lưng. Mặc dầu vậy, bỏ gì thì bỏ, nhưng tôi vẫn giữ trong đáy ba lô, cuốn sổ nhật ký, chữ viết nhỏ xíu để tiết kiệm giấy, gói kỹ lưỡng trong miếng nilon để tránh ẩm ướt.

May dịp ra miền Bắc vừa rồi đã cho phép tôi cất lại trong tủ sách của gia đình những cuốn sổ ghi chép những năm đầu. Hương sẽ giữ gìn cho tôi những tài liệu quý đó.

Ngày 10 tháng 4 năm 1972. Từ 5 giờ sáng 30 tháng 3 đã bắt đầu nổ súng, mở màn chiến dịch trên toàn chiến trường miền Nam và Tây Nguyên.

Tây Nguyên bắt đầu cuộc tấn công lên cao điểm 1015 ở chếch về phía Bắc Bệnh viện.

Quảng Trị đánh mạnh. Theo các đài phương Tây, ta pháo kích mạnh vào các tiền đồn của địch, phía Nam sông Bến Hải. Hơn 10 vị trí phải rút về Quảng Trị. Tướng nguỵ, Hoàng Xuân Lãm tuyên bố: Có ba sư đoàn quân Bắc Việt đã vượt sông Bến Hải kèm theo có 3 trung đoàn pháo và các đơn vị tên lửa.

Máy bay Mỹ chưa can thiệp vì “thời tiết xấu”, chúng hy vọng “quân Cộng hoà sẽ chống cự được với quân Cộng sản”. Trong khi đó quân Mỹ tiếp tục rút.

Chúng bàn giao quân cảng Phan Rang cho quân ngụy.

Từ ngày nổ súng, chỗ chúng tôi yên tĩnh một cách bất thường. Có lẽ chúng nó bị hút ra tuyến trước.

Thương binh bắt đầu từ chiến trường chuyển về. Có nhiều trường hợp nặng, nhưng anh em rất hào hứng kể lại nhiều chuyện chiến đấu ở phía trước.

Tôi nhận được gói kẹo của Hương gửi vào, mang ra liên hoan trong buổi họp Chủ nhiệm khoa để mừng chiến thắng.

Hôm trước, tôi được mời lên Chỉ huy sở tiền phương bàn công việc với Phòng Hậu cần, Ban Quân y và thăm sức khoẻ Bộ tư lệnh mặt trận.

Đường lên chỉ huy sở dốc đá cheo leo.

Nhà làm việc của cơ quan và thủ trưởng đều ở trong những hầm bằng. Trong hầm tối. Vào ngồi một lúc mới nhận ra được đồ đạc bên trong. Những cây gỗ to bằng bắp đùi đặt ngang làm nóc. Giữa nóc có một cửa sổ nhỏ để lấy ánh sáng rọi vào mặt bàn đặt ở giữa hầm. Một cái giường tre đặt cạnh một cửa sổ như một lỗ châu mai. Một tấm ni lon căng trên nóc vừa che đất lọt qua khe gỗ, vừa che những giọt mưa thấm qua nóc rơi tí tách xuống hầm. Mảnh vải bạt trải trên giường, thay cho chiếu. Trên mặt bàn, chiếc đài bán dẫn, một bộ cốc chén, một số giấy tờ ghi chép. Một góc tường ăn thông với một hầm chữ A bên cạnh. Các đoạn giao thông hào nối nhà này với nhà khác.

Anh Hoàng Tư lệnh trưởng, người cao, gầy, trán hói, đôi mắt to, xếch, đầy nghị lực và thông minh tiếp chuyện tôi. Anh nói chuyện sôi nổi về tình hình Quảng Trị, về tình hình Tây Nguyên. Anh gật gù: “Tây Nguyên hơi chậm hơn các mặt trận khác rồi đấy, Quảng Trị, Tây Ninh đánh tốt. Quảng Trị đánh như chẻ tre... Hôm 4 tháng 4 ta đánh tiểu đoàn 2 dù, nhưng diệt không gọn, còn khoảng 30-40 tên cùng với tên tiểu đoàn trưởng vẫn chốt được trên đỉnh 1049”

Anh Hoà, Tư lệnh phó, người to béo, vui vẻ, đang phàn nàn vì anh em cần vụ đánh vỡ mất cái phích nước. Anh nói: “Tại dốt mà thôi, ai lại nước sôi mà đổ đầy phích rồi nút chặt lại thì làm gì không vỡ! Thế mà toàn các cậu lớp 8, lớp 9 cả đấy”. Anh nói chuyện rất lâu về trình độ kiến thức của học sinh cấp hai, ba.

Về tình hình chiến sự, anh nói: “Chúng nó cho rằng Tây Nguyên chỉ nghi binh thôi”, và anh cười to, thoải mái “Có nghi binh đâu, muốn đánh quá đấy chứ”.

Chiều 4 tháng 4, B52 đánh 4 loạt ở phía Tây Bắc, khá gần Viện, có thể vào khu Đ27. Trưa và chiều hôm nay, chúng giáng tiếp hai loạt nữa. Nhưng nói chung, phản ứng yếu ớt hơn là ta chờ đợi. Hai hôm ở Sở chỉ huy thấy khá yên tĩnh, một sự yên tĩnh đáng ngạc nhiên.

Các cuộc chiến đấu quyết liệt diễn biến cách đây chỉ khoảng 10-15 cây số. Tiếng đại bác 122 ly của ta dồn dập, nhưng tiếng phản pháo của địch hầu như không thấy, chỉ thỉnh thoảng máy bay phản lực đánh một vài loạt ở xa.

Quảng Trị đánh mạnh: Một lữ đoàn, một thiết đoàn bị tiêu diệt, hai trung đoàn bị thiệt hại nặng, Trung đoàn 56 ra hàng. Phòng tuyến Đông Hà, Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu bị chọc thủng. Địch rút vào thị xã Quảng Trị, chúng định phá cầu Đông Hà nhưng không kịp. Xe tăng T54 của ta đã vượt qua cầu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #117 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:27:49 pm »


Ngày 9 tháng 4 năm 1972. Mấy hôm nay, trời mưa liên tục. Nhà cửa, hầm hố ướt át. Đáng lo là mùa mưa đến sớm, đường trơn, lầy lội sẽ gây khó khăn cho công tác vận chuyển giữa lúc nhu cầu phục vụ cho chiến dịch đang khẩn trương.

Thương binh tiếp tục về nhiều. Một tiểu đoàn dự bị của Trung đoàn 46 chịu trách nhiệm chuyển thương, nhưng không tính đúng cung đường, không chuẩn bị cơm trưa cho thương binh dọc đường. Về tới Viện, thương binh và tải thương đều đói, mệt. Phải nấu cơm cho cả thương binh và tải thương. Hôm sau lại phải cấp gạo cho tải thương trở về.

Hôm qua, một thương binh được khiêng vào Viện, trên người chỉ có một chiếc áo. Quần không có, nằm trần truồng trong võng, cứt đái bê bết. Bị vết thương do B52 vào mông. Lúc vào khoa 34 không có huyết áp. Truyền dịch, huyết áp lên được một chút rồi lại tụt, thương binh hy sinh lúc 9 giờ đêm. Đến hôm nay số thương binh trong Viện đã lên tới 152. Lo nhất là không đủ chỗ ở. Vẫn vừa phải phục vụ, vừa tiếp tục đào thêm hầm, làm thêm nhà để có thêm chỗ ở.

Việc phục vụ khá vất vả. Anh Thuyên Chủ nhiệm khoa 32 vừa sốt, vừa đứng mổ. Tuy vất vả nhưng không ai kêu ca phàn nàn. Gặp nhau chỉ sôi nổi bàn tin chiến thắng.

Chiến thắng lớn ở khắp nơi Quảng Trị. Địch phải rút Cửa Việt. Ta bao vây Quảng Trị từ ba phía.

Bình Long tiêu diệt một lữ đoàn, một trung đoàn thiết giáp, bức hàng một chiến đoàn, bao vây Lộc Ninh.

Đồng bằng Nam Bộ nổi dậy rầm rộ, tiêu diệt nhiều chi khu quân sự.

Tây Nguyền đánh cũng khá. Trong 10 ngày diệt 1500 quân địch, đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 23 biệt động quân, tiểu đoàn 2 dù, nhưng chưa diệt gọn.

Lo nhất là mưa, xe pháo cơ động khó khăn.

Ngày 16 tháng 4 năm 1972. 6 giờ sáng, tiếng máy bay B52 ì ì, rồi những tiếng nổ chát chúa, mảnh bom bay viu viu qua nhà. Tôi nhảy vội vào hầm.

Mấy hôm nay B52 đánh liên tục, hôm trước đánh kho Đ27, hôm sau đánh kho Đ26 giữa lúc bộ đội đang vào kho tấp nập lĩnh hàng, bị thương một số.

Mấy hôm nay, trời nắng trở lại, thật là mừng. Tuần trước có 6 ngày mưa, đường lầy lội. Tăng pháo không ra được. Mấy hôm nay nắng, chắc đi được rồi. Chiều hôm kia tin điện cho biết ta đang bao vây tiểu đoàn 11, lữ dù 3. Chiếm được 2/3 quả đồi 1015. Chúng nó xin pháo bắn trùm lên đồi. Đến đêm có tin ta đã làm chủ ngọn đồi, diệt gọn tiểu đoàn 11, bắt 100 tù binh, trong đó có 3 đại uý. Phía Đông đường 14, đoàn 20 phục kích đánh đoàn xe thu được hai mươi tấn gạo. Thật mừng, bên ấy đang thiếu gạo.

Giữa buổi giao ban hôm nay có tin chúng nó đánh vào Hà Nội và Hải Phòng. Hải Phòng bắn rơi 6 chiếc máy bay, trong đó có một chiếc B52. Hà Nội bắn rơi 5 chiếc. Nghe tin này mọi người đều im lặng hồi lâu. Tuy từ hôm bắt đầu nổ súng, mọi người đều chuẩn bị tinh thần là chúng nó sẽ đánh lại miền Bắc. Nhưng dùng bom B52 đánh vào các nơi đông dân cư thì thật dã man, khốn nạn.

Cũng trong những ngày này, đoàn bóng bàn Trung Quốc sang thăm Mỹ đang đánh biểu diễn ở Detroy!

Thương bệnh binh vào dồn dập. Mỗi ngày 20-30 cáng. Hôm 3 tháng 4 trong Viện mới có 95 thương bệnh binh, nay đã lên tới 300, trong đó có đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn mới đưa vào, bị vết thương sọ não, hôn mê. Cấp cứu suốt đêm không cứu được, anh hy sinh sáng hôm sau.

Mấy hôm nay, thức suốt đêm để mổ. Hôm qua mổ một vết thương thấu bụng cùng với anh Thuyên.

Mắt tôi dạo này kém quá. Mổ khó khăn, thay hết kính này sang kính khác vẫn không nhìn thấy rõ hơn. Những mũi khâu trên ruột, phải đưa kim cho Thuyên khâu.

Thương binh vào nhiều, việc xây dựng nhà cửa, hầm hố đủ cho anh em đang trở thành vấn đề. Trên tăng cường cho Viện một tiểu đội vận tải 10 người và một tổ công binh 7 người để giúp xây dựng. Từ nay đến cuối tháng cố phấn đấu được 600 chỗ. Hiện nay đã được 400 chỗ rồi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #118 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:28:08 pm »


Từ hôm mở màn chiến dịch, ngủ liên tục trong hầm, đề phòng B52 đánh. Cũng quen dần. Cứ chập tối, đốt củi cho khói mù mịt trong hầm để xua muỗi. Sáng dậy cũng không cần tháo màn, gấp chăn. Trong hầm thấp và chật hẹp, đứng lom khom, tháo được chiếc màn, gấp được cái chăn cũng khó khăn. Cứ để kệ, tối lại chui vào ngủ. Chỉ có điều, có hôm, đang giữa buổi họp chủ nhiệm khoa, máy bay B52 đánh, mọi người xô nhau vào hầm, giẫm cả giày dép lên chăn màn, bẩn quá.

Hàng ngày, công việc đã thành lịch. Sáng dậy, đánh răng, rửa mặt, ăn sáng: một bát cơm độn sắn. Rồi mỗi anh chỉ huy Viện đi một nơi: tôi sang khoa Ngoại, anh Bích sang khoa Nội 22, anh Toản, Chính uỷ Viện đi một khoa nào đó.

Sang tới khoa, tôi cùng bác sĩ Chủ nhiệm khoa thăm thương binh mới vào hoặc thương binh nặng cần theo dõi, hội chẩn, sau đó xuống phòng mổ, xem anh em mổ hoặc trực tiếp mổ những ca nặng mà anh em yêu cầu, hoặc sang khoa X quang, cùng xem những trường hợp cần thiết, qua khoa Dược hoặc Hoá nghiệm xem xét tình hình. Có lúc rỗi rãi, ngồi tán chuyện tình hình thời sự. Buổi chiều, ghi chép, viết tài liệu, hội họp. Cứ cách một ngày giao ban một lần, có đông đủ Chủ nhiệm khoa và cơ quan. Họp chỉ huy hàng tuần.

Buổi tối, những hôm không có hội họp hoặc thương bệnh binh nặng cần xử trí, thì mỗi anh lại về hầm của mình. Không có đèn dầu, nên chui vào màn sớm, vặn đài, nghe các buổi phát thanh tới khuya rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nhiều khi quên cả tắt đài, nửa đêm tỉnh dậy vẫn thấy tiếng đài sèn sẹt.

Trong chiến dịch, chúng tôi được trên tăng cường Đội điều trị X. Đội mới vào chiến trường, chưa có kinh nghiệm. Để xây dựng truyền thống cho đơn vị, đội điều trị triển khai ở một khu rừng riêng, xây dựng hầm, tiếp nhận thương bệnh binh như một khoa của Viện.

Hôm qua tổ săn bắn được hai con nai, đã cho hoả tốc đi lấy thịt. Sáng đi, chiều về tới nhà. Thịt còn tươi, mọi người thật phấn khởi.

Kinh nghiệm nhiều năm nay đã cho chúng tôi thấy, săn được thú rừng đã là việc khó, nhưng tận dụng được hết con thú săn được và đưa được nó về cho đơn vị sử dụng trong khi thịt còn tươi tốt, nhiều khi khó hơn. Nhất là khi săn được con thú to như lợn rừng, nai, voi... Lý do thật đơn giản: anh em đi săn thường phải lần mò sâu vào trong rừng xa đơn vị hàng ngày đường mới gặp được thú rừng. Hạ được con thú, nếu là thú nhỏ như con vượn, con cheo thì còn có thể gùi luôn về đơn vị. Nhưng nếu là một con thú to, thì phải quay về báo tin, đồng thời dẫn đường để đơn vị cử người ra gùi về. Việc đi lại chỉ có thể vào ban ngày, không thể đốt đuốc đi đêm do máy bay địch hoạt động, và như vậy nhiều khi phải mất một hai ngày thịt mới về tới đơn vị trong tình trạng đã ôi thiu. Giữ thịt khỏi ôi trong điều kiện chiến trường cũng là một điều nan giải. Muối không có, chỉ có cách sấy khô, mà sấy thì phải đốt lửa, lại sợ bị lộ, hơn nữa chất lượng thịt cũng sẽ giảm.

Từ hôm tổ chức Bệnh viện dã chiến, tôi đã suy nghĩ đến vấn đề này, và thấy chỉ có một cách giải quyết việc thông tin thật nhanh giữa tổ săn với đơn vị.

Thông tin nhanh cũng là yêu cầu của công tác chỉ huy tổ chức, nên khi ra trận bộ đội thông tin rải một mạng lưới điện thoại rộng rãi từ chỉ huy sở tiền phương về hậu phương.

Sau ngày nổ súng, Bệnh viện chúng tôi cũng được trang bị điện thoại, nối với đường dây trục của mặt trận để nhận chỉ thị và báo cáo tình hình Bệnh viện với Chỉ huy sở.

Như vậy nếu bắn được thú rừng thì có thể tận dụng đường dây thông tin này, báo về cho đơn vị. Vừa đỡ mệt cho tổ săn không phải chạy bộ về báo tin mà việc lấy thịt cũng nhanh hơn. Nhưng có điều cần suy nghĩ là đường dây thông tin để dùng cho công tác chỉ huy chiến đấu. Ngộ nhỡ, trong một lúc nước sôi, lửa bỏng nào đó ông Tham mưu trưởng, nổi tiếng là nguyên tắc ở chiến trường - phát hiện ra là đường dây bị mắc vào việc thông tin săn bắn thì có khi lôi thôi! Nên tôi dặn kỹ anh em, nếu gọi điện thoại thì phải nói vắn tắt và chớ có nói là săn được con gì mà chết với ông. Chỉ nói:

“Có mấy gùi hàng, cần cho người ra gấp” là tôi sẽ hiểu.

Quả nhiên, nửa đêm hôm đó, điện thoại réo làm tôi bật dây. Có tiếng của cậu tổ trưởng tổ săn ở đầu dây báo tin có: “5 gùi hàng cần ra lấy gấp”, thế là ngay trong đêm, tôi điện cho các khoa sáng sớm hôm sau cho người đi lấy thịt.

Hai con nai nhưng bình quân đầu người cả thương bệnh binh và nhân viên chỉ được trên một lạng thịt. Nhưng như vậy cũng đã quá mừng. Nhà đông con, vả lại từ sau Tết, anh em chưa được miếng thịt nào! Các nơi đều làm bún. Khoa 22 mời sang, nhưng tôi không sang được vì phải leo hai ba quả đồi mới được bữa bún nên ngại quá.

Tổ tăng gia cũng bắt đầu cung cấp được rau ăn. Anh em thương binh thích lắm. Có thương binh nặng, đã báo ăn sữa. Nhưng nghe tin có rau cải liền xin đổi sang ăn cơm. Anh nói: “Từ Quảng Bình vào đến đây, ba bốn tháng nay mới được ăn rau”.

Trên chiến trường, sau khi tiêu diệt lữ dù 3, bộ đội đang chuẩn bị mở cuộc tấn công mới vào Tân Cảnh và Kontum. Có lệnh chuẩn bị gấp đội phẫu tiến ra phía trước.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #119 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2010, 12:28:27 pm »


Ngày 24 tháng 4 năm 1972. Sáng hôm nay đồng chí Năm, Chính uỷ Mặt trận điện trực tiếp từ Chỉ huy sở báo tin chiến thắng lớn: “Ta vừa diệt gọn hai trung đoàn nguỵ 42 và 45 giải phóng hoàn toàn Đắc Tô và Tân Cảnh. Địch phải rút khỏi các cao điểm Ngọc Bờ Biêng, Ngọc Rinh Rua, bỏ hết xe pháo, chạy tán loạn về Kontum”. Tiếng anh cười sảng khoái trong điện thoại: “Nhất Tây Nguyên rồi đấy nhé: Đường 9, Nam Lào, Lộc Ninh cũng bắt sống đại tá, nhưng chỉ là đại tá chỉ huy lữ đoàn, hoặc chiến đoàn chưa có đại tá chỉ huy sư đoàn”.

Chúng nó phản ứng lồng lộn. Chiều hôm qua B52 lại đánh khu vực kho, đến đêm, lại thả bom toạ độ 3-4 lần gần Viện. Cây đổ ngổn ngang, chặn cả đường đi ra kho, phải cho người ra dọn dẹp.

Mấy hôm nay không khí phấn khởi. Đi tới đâu cũng nghe anh em bàn tán sôi nổi về tin chiến thắng. Các Chính trị viên đến từng hầm báo tin chiến thắng cho các thương binh bất động. Tới đâu, anh em cũng xúm lại hỏi, có tin gì mới hay không.

Đêm hôm trước, đang nghe ca nhạc trên Đài Hà Nội, bỗng loé một tia chớp và một tiếng nổ rung chuyển hầm. Cành cây, đất đá rơi lốp bốp trên mái nhà: Chúng nó đánh B57 rất gần; 3 giờ sáng, chúng nó đánh tiếp B52 ba loạt ở gần. Hầm rung lên từng hồi.

Sáng ra, anh Gia, Chủ nhiệm khoa 2 báo cáo, B57 đánh trúng khu vực khoa 22, người không ai việc gì. Anh Thuyên, khoa 32 cũng báo cho biết: “Bom B52 rơi sát nhà nhân viên nữ của khoa, vẹo một bên hầm”. Anh nói tiếp: “Tôi dặn anh em giữ bí mật, không để chị em biết!”.

Tôi ngạc nhiên: “Bom nổ sát nhà mà anh giữ bí mật được sao?”.

Thuyên giải thích: “Đây là một quả bom khoan, nổ dưới sâu. Trên mặt đất chỉ có một lỗ bằng cái nia”.

Quả thật, gần đây chúng nó dùng loại bom mới, dường như để phá công sự hoặc kho tàng đặt sâu trong lòng đất. Bom khoan như một cái giếng sâu xuống đất vài chục mét mới nổ tạo thành một khoảng trống như một quả bóng trong lòng đất. Trên mặt đất chỉ có lỗ bom tròn như miệng thúng và những vết nứt rạn. Vài tháng sau, vào mùa mưa, toàn bộ mảng đất phía trên mới sụt xuống thành một cái ao thật sâu. Lần này, nếu là bom thường thì cả 5 chị em nhân viên khoa 32 đã tan xác pháo, nhưng cũng thật may lại là bom khoan hiện đại, nên không ai việc gì. Dù sao, chị em cũng biết. Trong đêm thấy hầm bật lên một cái thật mạnh. Sáng dậy thấy cái hầm méo hẳn đi. Tuy nhiên, chị em vẫn như bình thường, dậy rửa mặt, chải đầu, ăn sáng rồi đi làm việc như thường lệ. Không ai nghĩ tới cái chết đã lướt sát đầu giường trong đêm hôm trước.

Hai hôm nay, tình hình yên tĩnh trở lại. Đêm hôm trước có một trường hợp tắc ruột sau mổ, phải mổ lại. Đến 12 giờ đêm mới xong. Mổ dưới hầm máy nổ phát điện sáng trưng. Mổ xong, được bồi dưỡng chè đỗ xanh. Mọi người đều tấm tắc: Như miền Bắc!

Sáng hôm qua lại một thương binh bị vết thương động mạch dưới đòn, chảy máu thứ phát. Phải mổ thắt động mạch qua đường lồng ngực. Tới ba giờ chiều mới xong. Đói và mệt!

Chiến trường chuyển biến nhanh. Hôm nay Bộ tư lệnh Mặt trận triệu tập lên họp. Anh Tụ, trưởng ban Quân y Mặt trận, qua điện thoại báo cần chuẩn bị gấp cho mục tiêu 3. Tôi hiểu mục tiêu 3 là đánh vào thị xã Kontum.

Có tin chúng nó có thể rút Võ Đinh và Kontum. Bộ tư lệnh đã có lệnh cho bộ đội chặn địch trên đường rút.

Nichxơn tuyên bố rút thêm hai vạn quân trong hai tháng 5 và 6, nhưng vẫn tiếp tục đánh Thái Bình, Nghệ An và bị bắn rơi 7 máy bay.

Ngày 5 tháng 5 năm 1972. Tin chiến thắng dồn dập: Ngày 1 tháng 5, giải phóng Quảng Trị tiêu diệt 6 trung đoàn bộ binh có 4 trung đoàn thiết giáp. Địch trong thị xã Kontum cũng đang rất rối ren. Ta đang chuẩn bị đánh Plây Cần, Đắc Xiêng.

Đội phẫu thuật của ĐT X lên đường ra thay thế cho tiểu đoàn quân y Trường Sơn. Mới chỉ có 50 thương binh mà đã rối tinh. Anh chị em mới vào chiến trường chưa quen công việc. Đội có 24 nhân viên mà phân công trực, không ai chịu trực, người nào cũng kêu ốm, mệt. Hai bác sĩ, 4 y sĩ mà đã điện về xin thêm cán bộ. Mang theo 3 cơ số thuốc, đủ dùng cho 300 thương binh, mà mới một tuần đã báo cáo thiếu thuốc. Qua điện thoại anh đội trưởng nói với tôi: “Chúng tôi đã phải dùng đến thuốc “riêng” của anh em nhân viên”.

“Thuốc riêng” thực ra là thuốc của đơn vị được phát lúc ra đi ở miền Bắc. Dọc đường giao cho mỗi người giữ một ít. Nhưng rồi mỗi người tự coi như là của riêng của mình. Kể cả chỉ huy đơn vị cũng quan niệm như vậy. Nghe thấy chữ “thuốc riêng” tôi bực mình, nói qua điện thoạt: “Thế nào là thuốc riêng? Anh ơi, ở chiến trường này, ngay máu chảy trong người, cũng không phải là của riêng anh đâu! Anh cứ thử nhìn anh em thương binh mà nghĩ xem có cái gì là của riêng không? Một cẳng chân, một cánh tay, thậm chí tính mạng, anh em không tiếc. Anh em quân y ở đây lấy máu mình truyền cho anh em thương binh cũng là chuyện bình thường. Đừng nói đến chuyện thuốc “riêng” nữa, anh ơi!”.

Hôm qua Nichxơn tuyên bố: Phong toả các cảng các cửa biển miền Bắc, cắt đứt đường tiếp tế từ nước ngoài vào Việt Nam và bắt đầu cho thả thủy lôi xuống cảng Hải Phòng.

Hôm qua quân ta đã tiêu diệt đồn Kleng. Ngày 5 tháng 5 đánh Plây Cần.

Bộ binh đã vượt sông Pô Cô, pháo đã vào công sự, chuẩn bị đánh Kontum.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM