Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:09:53 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87639 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #80 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:23:35 pm »


Ngày 8 tháng 1 năm 1970. Xuống cánh Trung dự Hội nghị tổng kết chiến dịch mùa khô. Ngoài cánh Bắc tiết trời còn lạnh. Đêm nằm đắp hai chăn, lại phải đốt thêm lửa sưởi vẫn còn rét, thế mà mới vượt qua Cổng Trời sang địa phận cánh Trung đã ấm dần.

Bộ phận X quang của Bệnh viện đã được điều về Hội nghị trước để phục vụ cho việc khám kiểm tra sức khỏe cho cán bộ các đơn vị về dự Hội nghị. Nhìn phòng khám X quang sơ sài, chỉ có vải đen che bốn bên làm phòng tối, hai cọc gỗ nâng bóng X quang. Tôi hỏi anh Tuyến, bác sĩ Chủ nhiệm khoa X quang:

- Áo chì đâu rồi sao các ông không mặc?

- Nặng quá, nên bỏ lại Viện, anh ạ - Anh Tuyến cười.

- Nặng là thế nào. Nếu cần thì huy động thêm người mang vác giúp các anh chứ! - Rồi tôi nói tiếp: - Cứ làm liều thế này, rồi ông teo dái đi, vợ ông bắt đền thì chúng tôi biết làm thế nào?

Chúng tôi đều biết tia X có thể gây nguy hiểm cho nhân viên X quang, nhất là tới tuyến sinh dục, vì vậy đã phải cố đưa các trang bị bảo vệ vào chiến trường. Năm đầu khi mới triển khai X quang, áo chì chưa vào được, anh em đã phải đắp ụ đất để chắn các tia phụ. Năm nay tuy áo chì đã vào, nhưng anh em lại ngại nặng không mấy khi dùng!

Trước khi vào Hội nghị, chúng tôi được mời sang khám sức khoẻ cho các đồng chí Tư lệnh mặt trận. Nhân dịp anh Hồng, Tư lệnh phó, sắp về hậu phương công tác, tôi nhờ anh chuyển hộ lá thư cho gia đình. Anh cầm lá thư, nhưng đột nhiên bảo: “Thư này tới nơi thì chắc anh cũng ra tới nơi rồi còn gì...”. Rồi anh nói thêm: “Ngoài kia có điện gọi anh ra... Hôm vừa rồi họp Đảng uỷ bàn người thay thế anh, nhưng khó quá”.

Tôi hơi bàng hoàng trước tin được gọi ra.

Ngày 3 tháng 1 bắt đầu vào Hội nghị Tổng kết chiến dịch Đông Xuân 1969- 1970, đánh Bu-prăng - Đức Lập. Buổi sáng đồng chí Biên, Trưởng ban tác chiến B3 báo cáo diễn biến chiến dịch. Buổi chiều, anh Hoàng Tư lệnh trưởng nêu nhận định của Đảng uỷ B3 về ưu khuyết điểm trang chiến dịch. Tối xem phim, tình cờ gặp cậu Nhung, nhân viên cũ của Viện 211, được điều lên cơ quan bộ tư lệnh. Nhung hỏi thăm tình hình của đơn vị, rồi bỗng nhiên nói: “Tình hình thương bệnh binh ít, chắc các thủ trưởng cũng có thay đổi thôi”. Tôi ừ ào: “Ít thương bệnh binh thì chúng tớ cũng đi tăng gia chứ còn gì nữa”. Nhung nói thêm: “Không, thay đổi công việc chứ đi sản xuất thì nói làm gì!”. Hỏi thăm tình hình công việc, tôi biết cậu Nhung đang làm công việc văn thư bảo mật cho cơ quan Bộ tư lệnh. Liên hệ với câu chuyện của anh Hồng buổi sáng, tôi phán đoán chắc có thông tin gì. Nhân lúc nghỉ giải lao giữa buổi chiếu phim, tôi chuyển chỗ ngồi sang cạnh Nhung, kéo tai Nhung hỏi:

- Này, ngoài kia có điện gọi chúng tớ phải không?

- Không, có điện gì đâu...- Nhung lúng túng.

- Này, đừng có mà bí mật với tao. Các anh ấy bảo tao hết cả rồi...

Nhung thú thật: “... Chuyện này rất bí mật. Ngoài Tổng cục có điện gọi anh và anh Âu, anh Cầu ra công tác. Nhưng ra hay không còn tuỳ ở Đảng uỷ B3. Vừa rồi Đảng uỷ B3 đã điện trả lời, các thủ trưởng là các cán bộ có kinh nghiệm ở chiến trường, nếu ra sẽ có nhiều khó khăn cho công việc của Bệnh viện tuyến cuối nên nếu cần rút thì xin có người có trình độ tương đương thay thế!

Liên hệ thư Hương viết cho tôi tháng 8 năm 1969, cũng nói có nhiều tin đồn ở ngoài đó là tôi sẽ ra. Nhưng ra làm gì? Thực thà mà nói, nghĩ trở về hậu phương trong lúc cả nước đang có chiến tranh như thế này cũng không hứng thú gì. Chắc chắn sẽ an nhàn hơn, được gần gũi gia đình, đỡ sốt rét, nhưng nghĩ tới cảnh ngày hai buổi xách xe đạp đi về, xách ga men mua cơm, xếp hàng đi chợ, hoặc chen nhau trên chiếc xe buýt đưa cán bộ vào Bệnh viện ở Hà Đông. Bao nhiêu lo lắng lặt vặt về đời sống, căn buồng ở chật hẹp, lo tem phiếu, gạo thịt, v.v... mà thấy ngán. Công việc ở đây tuy gian khổ, khó khăn nhưng cũng đầy sáng tạo và trách nhiệm. Tôi cảm thấy có thể đóng góp, tuy nhỏ bé nhưng cụ thể vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Đó là suy nghĩ của tôi và có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều cán bộ đang ở chiến trường lúc này. Gần đây, tôi mới viết thư cho Hương: “... Ở đây, hàng ngày hàng giờ anh em thương bệnh binh đang cần đến bàn tay của anh. Em muốn anh phủi tay, rũ trách nhiệm để ra cầm tay em đi dạo chơi quanh Bờ Hồ hay sao?”.

Hội nghị tổng kết quân sự xong tiếp đến Hội nghị tổng kết chính trị. Anh em nói xong Hội nghị bản đồ sang Hội nghị khẩu hiệu. Sau đó về Hội nghị tổng kết Hậu cần.

Hai nhiệm vụ cơ bản, ngang nhau trong năm 1970 là: chiến đấu và sản xuất. Chỉ tiêu tăng gia cho Viện 211: lúa 54 tấn, sắn 1300 kg, ngô 60kg/một đầu người.

Ngày 12 tháng 1 năm 1970. Trước đây vài tuần, khi gặp tôi trong Hội nghị chỉnh huấn, anh Tụ, Chủ nhiệm Quân y mặt trận, ghé tai tôi: “Này, cụ N. chỉ thị là từ nay trở đi không được dạy giải phẫu bộ phận sinh dục ở trường Quân y đấy”.

Cụ N. là chính uỷ, ý kiến của cụ coi như mệnh lệnh phải thực hiện.

Anh Tụ nói thêm: “Cụ bảo hôm qua trong giao ban...”.

Là một trong những người chịu trách nhiệm tổ chức trường Quân y, tôi thấy không thể không có ý kiến. Nhưng tôi cũng hiểu đấu tranh với ý kiến đã trở thành quyết định của một vị Chính uỷ không phải là chuyện dễ dàng. Phát biểu trực tiếp với đồng chí đó, chắc sẽ không thành công mà phải dựa vào áp lực tập thể.

Cũng may là sự việc xảy ra đúng vào dịp Hội nghị Quân chính là lúc cán bộ các ngành có dịp đóng góp ý kiến cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Hội nghị tập trung hơn hai trăm cán bộ toàn chiến trường. Đồng chí chính uỷ ngồi trên đoàn chủ tịch.

Tôi xin phát biểu và bước lên diễn đàn. Tôi bắt đầu bài phát biểu bằng việc kể lại kinh nghiệm của ngành quân y trong kháng chiến chống Pháp. Lúc đó, để rút ngắn thời gian đào tạo, trường Quân y đã có khoá học, chủ trương chia học viên ra hai nhóm để học giải phẫu. Một nhóm chuyên học chi trên (tay), một nhóm chuyên học chi dưới (chân). Chủ trương này đã thất bại và sau này trong ngành đã có danh từ “Y sĩ một chi” để châm biếm kiểu đào tạo què quặt này.

Hội trường có tiếng xì xào. Một vài người ngơ ngác, không hiểu tôi đưa vấn đề tới đâu. Tôi nói tiếp tới chỉ thị mới nhận được không cho dạy giải phẫu cơ quan sinh dục ở trường Quân y.

Tiếng xì xào trong hội trường to lên. Tôi tiếp tục: Thưa các đồng chí, thế cô y sĩ mà chúng tôi đào tạo ra đó, trước một bệnh nhân hôn mê, bí đái, cần thông đái mà chuyện này xảy ra hàng ngày ở chiến trường Tây Nguyên, thì cô ấy có cần biết bộ phận sinh dục nam có mấy lỗ hay không? Hoặc anh y sĩ được đào tạo ở trường của chúng ta, gặp một phụ nữ đau đẻ, có cần biết cái đó nó tròn hay vuông hay không?

Mọi người ồ lên cười. Tôi liếc nhìn ông Chính uỷ, thấy mặt ông đỏ, rồi tái, rồi đỏ. Tôi kết luận: Tôi không muốn y sĩ của chúng ta đào tạo ra sau này về Hà Nội bị người ta gọi là “Y sĩ không có cu...!”. Và đi xuống trong tiếng cười và tiếng vỗ tay ầm ĩ.

Ngay buổi chiều hôm đó, anh Tụ đến bảo tôi: “Thôi, quên cái chỉ thị về học giải phẫu đi nhé!”.

Chưa bao giờ, trong việc đấu tranh để bảo vệ quan điểm với cấp trên, lại có được kết quả nhanh như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #81 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:24:13 pm »


Ngày 11 tháng 2 năm 1970. Đã qua Tết Canh Tuất.

Ngày 28 tháng 1, cũng là ngày 28 Tết chúng tôi họp xong Hội nghị Quân y. Mọi người trở về đơn vị đón Tết. Trên đường về, chúng tôi ghé vào kho đơn vị mang theo ít bệnh án và sách còn để lại cánh Trung chưa kịp chuyển ra cánh Bắc. Qua nương xin được ít rau ăn dọc đường. Qua Q7, tới Q8 thì trời vừa tối, không có nhà, chúng tôi căng tăng võng, chốt cạnh bờ suối nấu cơm ăn.

Sáng 29 đồng thời là ngày 30 Tết, vượt qua Q9 về tới đơn vị đã hai giờ chiều. Mọi người đang tíu tít chuẩn bị Tết. Đài Giải phóng đang truyền bản kịch “Ấp chiến lược…” Doanh trại được quét dọn sạch sẽ. Chiều 29, khoa Dược mời ăn Tết, có món phở, có cả rau thơm, là thứ khá hiếm ở đây. Tối mít tinh mừng 40 năm ngày thành lập Đảng rồi liên hoan, có đội Văn nghệ của Viện tham gia.

Chương trình giao thừa của Đài tiếng nói Việt Nam có bài thơ “Theo chân Bác” của Tố Hữu, bài thơ chúc Tết năm ngoái của Bác Hồ, lời chúc Tết của Bác Tôn. Giao thừa chúng tôi sang Hậu cần chúc Tết, rồi sau đó sang Y vụ.

Mồng một Tết, Chỉ huy phân công nhau. Tôi sang khối Ngoại chúc Tết. Phải leo qua một dốc cao 350 bậc, xuống một dốc, đi dọc con đường ven suối lát phên. Anh em thương bệnh binh đang ồn ào bên sân bóng chuyền, một bãi tương đối bằng phẳng dưới lùm cây. Lưới đan bằng dây rừng. Luật đánh bóng được bổ sung thêm điều khoản: Không được phát bóng quá cao, bóng sẽ chạm vào cành cây. Đám cờ người cũng thu hút được đông người xem, bàn tán ồn ào. Tối liên hoan văn nghệ. Qua trường Quân y tôi tham gia hai séc bóng chuyền, rồi qua đội thu dung C3, lội ngược dòng suối đến nửa giờ rồi leo một dốc cao. Anh em C3 giữ lại ăn cơm chiều. Tối mịt mới rời C3. Tối quá không thấy đường phải xin bó đuốc vượt dốc 350 bậc về nhà.

Sáng mồng Hai sang chúc Tết khối Nội. Leo ngọn núi 1000 bậc, đi trên đỉnh núi hai giờ, tụt một dốc sâu tới bờ suối là tới nơi trú quân của khối Nội. Tới nơi, tôi được anh em cho biết dân địa phương đang có dịch cúm, đã có người chết. Tôi liền gọi điện về nhà trao đổi với anh Công, nhất trí cử một tổ gồm bác sĩ, y sĩ, y tá, học viên trường Quân y, mang theo một số trang bị thuốc men, ra khám chữa bệnh và vận động vệ sinh phòng dịch cho đồng bào.

2 giờ chiều mồng hai Tết từ khối Nội tôi ra bản 7 nhà ở gần đơn vị. Đây là một bản nghèo, lơ thơ có 7 nóc nhà nên chúng tôi gọi lên là bản 7 nhà, để dễ nhớ và để giữ bí mật nơi trú quân.

Dân bản người nào cũng ho sù sụ. Nhà sàn, lợn, gà, rác rưởi vung vãi khắp nơi. Để lại thuốc và hai học sinh y sĩ khám bệnh phát thuốc cho dân. Tôi tiếp tục sang bản to, bản 60 nhà, tên bản cũng do chúng tôi đặt. Qua một cầu khỉ ọp ẹp bằng 4 cây lồ ô đã dập bắc qua con sông nhỏ, leo một sườn đồi là tới bản.

Chúng tôi gặp đồng chí Y Rin, du kích ở dọc đường, người to cao, mặt vuông vắn, thông minh, mặc bộ quần áo đen.

Biết bộ đội vào chữa bệnh cho dân, anh không lộ vẻ vui hay buồn hay khó chịu. Anh thản nhiên nói: “Em gái mình chết rồi...”.

Gặp đồng chí chủ tịch tôi nhờ thông báo cho dân bản: Bộ đội nghe tin dân ốm, đến chữa bệnh cho dân. Biết phong tục của đồng bào là muốn cái gì cũng chia đều, nên chúng tôi phải nhờ thông báo rõ: Người nào ốm nặng có thuốc tiêm, thuốc uống, người nào ốm nhẹ thì chỉ có thuốc nhỏ mũi thôi. Không chia đều thuốc.

Trong bản đang có người chết quàn trong nhà đã ba ngày. Thầy mo đang làm lễ cúng. Giữa sàn nhà đốt một đống lửa to. Mọi người uống rượu cần, nô đùa, đổ nước vào người nhau, om sòm suốt đêm.

Đêm hôm đó, chúng tôi ngủ trong một ngôi nhà sàn nhỏ, trống trải, bốn bề không có vách che. Hai anh du kích mượn súng và đèn, xin đi săn nai. Trước khi đi, đồng chí hỏi cẩn thận: nếu gặp con cheo mình có được bắn không?

Khoảng 10 giờ đêm, hai đồng chí trở về nói: gặp hai con nai nhưng không bắn được, chúng đã chạy mất.

Tối hôm đó, chúng tôi tranh thủ khám cho một số người ốm nặng, trong đó có con ông trưởng bản. Cháu mới ba tuổi, lách to tới rốn, trần truồng như nhộng, trong khi tôi mặc áo len vẫn thấy rét. Khuyên phải mặc áo cho cháu nếu không sẽ sưng phổi, ông trưởng bản lắc đầu: “Quần áo không có!”.

Ở đây nhiều người cũng chỉ có một cái khố, lưng cuốn một mảnh vải màn. Phụ nữ mặc váy cởi trần, cưa răng, chàm mặt, tai có một lỗ to đeo lủng lẳng một khúc nứa để trang sức. Cổ chân và cổ tay đeo một sâu dài hàng chục chiếc vòng bằng đồng, đi lại kêu xủng xoảng.

Sáng mồng Ba Tết, chúng tôi khám bệnh được hơn 80 người. Tất cả đều bị cúm, trong đó khoảng 30 người có biến chứng nặng vào phổi. Từ đầu vụ dịch, trong bản đã có 5 người chết. Mỗi lần có người chết lại ngồi suốt đêm, dưới trời lạnh, uống rượu cần. Mọi người ngồi quanh một bình rượu to, có hàng chục ống tre thả vào trong bình, thay phiên nhau mút rượu qua ống tre. Nếu bình cạn thì đổ thêm nước lã cho đầy bình. Cứ như vậy đêm này qua đêm khác.

Chúng tôi vào rừng hái được một gánh lá sắn, động viên ông trưởng bản tổ chức xông cho người ốm nhẹ, cho uống thuốc và tiêm cho người nặng.

Chiều mồng Bốn phải trở về để cho các học sinh trường Quân y kịp chỉnh huấn vào sáng mồng Năm. Bác sĩ Lộc và Hùng ở lại tiếp tục vận động đồng bào tổng vệ sinh, quét dọn rác dưới gầm nhà và trên các đường đi trong bản, tổ chức nhỏ mũi bằng nước tỏi, chăm sóc những người ốm nặng. Tôi dặn Lộc: “Không được để người nào chết thêm”. Người nào ốm nặng quá thì khiêng vào Viện điều trị...

Ngoài bản 60 nhà còn hai bản nữa cũng có nhiều người ốm. Khi về tới Viện, tôi phải cử thêm hai y sĩ, hai hộ sỹ đi điều trị cho hai bản nói trên, đồng thời viết báo cáo lên Ban Quân y phối hợp với dân y để xúc tiến việc phòng bệnh, điều trị cho dân.

Sáng mồng Năm, trên đường về, tôi rẽ vào thăm khu nương mới phát của khối Nội. Nương phát theo dọc bờ suối, nhưng còn nhiều chỗ làm dối. Nhiều cây tre mới chặt một nửa, tuy cây đổ nhưng lá vẫn còn xanh. Trên sườn đồi anh em vẫn tiếp tục tranh thủ phát nốt buổi sáng để chiều còn về chỉnh huấn. Nương rộng mênh mông cả hai bên sườn núi, dọc bờ sông, nhưng tính mới chỉ được khoảng 13 hecta, chưa đủ chỉ tiêu đề ra. Nhìn cả rừng tre nứa, gỗ quý bị chặt ngổn ngang mà thật tiếc. Phát trụi một hecta rừng để đổi lấy khoảng một tấn lúa rõ ràng là lỗ vốn to. Nhưng làm thế nào. Không có gạo, không chiến đấu được. Vì độc lập tự do, phải hy sinh bao nhiêu thứ còn quý giá hơn rừng cây.

Nhiều anh em phát nương bị ruồi vàng đốt. Một loại ruồi nhỏ như hạt đỗ, thân và cánh màu vàng. Khi mới đốt thì êm ru, không đau xót gì nên nhiều khi không biết, chỉ có một giọt máu nhỏ rỉ ra chỗ vết đốt. Nhưng đêm về mới bắt đầu ngứa và gãi bằng thích mà không hết ngứa. Da hai ống chân và hai cánh tay bị lở loét. Nhiều người bị nhiễm trùng, sốt, nổi hạch ở bẹn. Chỗ ruồi đốt trở thành những sần cục, ngứa ngáy hàng năm không khỏi.

Côn trùng ở Tây Nguyên có nhiều loại thật đáng sợ mà chúng tôi chưa từng gặp bao giờ ở miền Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Trong Hội nghị Quân y vừa qua Đội điều trị 3 báo cáo một loại côn trùng, trông giống như con bọ hung, toàn thân màu đen, cánh cứng, nhưng chỉ nhỏ như hạt đỗ xanh. Chúng xuất hiện ban đêm hàng triệu con, như một đám mây, tràn ngập vào hầm thương binh, lăn sả vào các vết thương. Cách chống đỡ duy nhất là nhanh chóng khiêng thương binh sang hầm khác chưa bị chúng tấn công và đốt những bó đuốc thật to để đốt chúng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #82 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:24:40 pm »


Ngày 9 tháng 3 năm 1970. Từ đầu tháng 3 đến nay địch hoạt động liên tục. Suốt đêm tiếng máy bay B52 ì ầm không ngớt. Tiếng bom nổ như tiếng sấm liên tục ở xa.

Mấy năm trước, mỗi lần có B52 đánh phá. Phòng Tham mưu Mặt trận thường thông báo chúng tôi: chúng sẽ đánh vào giờ nào và vào khu vực nào của chiến trường. Trên những nét lớn thì thường các thông báo đều đúng. Nhưng trên thực tế, với điều kiện của một Bệnh viện, chúng cũng không giúp ích được gì nhiều cho chúng tôi bởi lẽ chúng chỉ có thể bảo chung chung một vùng rộng cánh Bắc, cánh Trung hay cánh Nam mà không báo chính xác được địa điểm. Vả lại dù có báo địa điểm thì cũng không làm gì để đối phó kịp.

Sang tới năm nay, có lẽ vì chúng đánh quá nhiều và chuyển căn cứ xuất phát của máy bay sang các căn cứ gần hơn, đường bay ngắn hơn, nên không nhận được thông báo nữa. Dù sao, chúng tôi cũng dần dần có kinh nghiệm: Chỉ cần nghe tiếng máy bay là biết chúng nó có đánh chỗ mình không? Nhiều lần trong buổi họp, nghe tiếng máy bay ì ầm trên đầu, mọi người vẫn bình tĩnh ngồi làm việc. Nhưng cũng có lần khác, nghe tiếng máy bay, mọi người không ai bảo ai, chen nhau nhảy xô vào hầm. Vừa vào tới hầm, bom đã nổ chát chúa bên tai.

Cũng hay, vì nếu cứ nghe thấy tiếng B52 mà chui vào hầm thì có lẽ không còn làm được việc gì vì chúng nó bay suốt ngày trên đầu. Nhưng hình như có một giác quan thứ 6 một tín hiệu âm thanh gì đặc biệt, rất khó tả, cho chúng tôi biết, khi nào chúng nó chỉ bay ngang qua, còn khi nào chúng nó đánh vào nơi chúng tôi ở. Và tín hiệu đó báo cho chúng tôi khá chính xác để kịp ẩn nấp trước khi bom nổ.

Tôi đi thăm đội vận tải của Viện đang làm nhiệm vụ ở Kho cánh Bắc vào mồng 6 Tết. Đi bộ 3 ngày mới ra tới nơi. Nơi Đội làm việc gần đường ôtô. Nhiệm vụ được giao là làm kho và chuyển hàng từ ôtô xuống kho.

Ở đây, không khí thật căng thẳng, bom đạn hết sức ác liệt, suốt ngày đêm, máy bay quần đảo trên đầu. Chỉ cần loé một ánh lửa ban đêm, một sợi khói ban ngày là lập tức ăn ngay một quả đạn rốc két. Đường ôtô đất đỏ lòm không thể nào nguỵ trang được. Bộ đội chỉ có cách là làm trận địa giả, thu hút bom đạn địch đi chỗ khác. Anh em làm việc rất vất vả. Đêm đêm ra mặt đường khuân vác từ sẩm tối đến tờ mờ sáng. Những chiếc xe hàng cồng kềnh, đầy bùn đất, thùng xe móp mép, thủng lỗ chỗ do bom đạn dọc đường. Xe đến chỗ hẹn, dừng lại vài phút, máy vẫn nổ, vừa đủ cho anh em vận tải nhảy lên thùng xe, lăn ào các kiện hàng xuống đất. Sau đó xe lại tiếp tục chuyển bánh làm nhiệm vụ nghi binh, đi theo đường giả vào khu vực giấu xe. Trong khi đó anh em vận tải tiếp tục chuyển nhanh những kiện hàng quý giá, đã vượt biết bao bom đạn để vào tới đây, vào các kho ngầm dưới đất trong rừng, ven đường.

Ban ngày anh em ngủ mê mệt. Giấc ngủ nặng nề trong hầm chữ A chật chội ngột ngạt. Mọi người đều gầy rộc, hốc hác nhưng có hàng vào được là mừng rồi! Đêm hôm đó tôi ngủ lại ở một căn hầm là hậu cứ của đội vận tải cạnh bản “Măng tôn cà chua”, tên do anh em vận tải đặt cho một bản hoang, không còn nhà cửa, chỉ còn những cây cà hoang dại có quả ăn chua loét.

Căn hầm được nối bằng một giao thông hào sang một hầm chữ A khác. Nửa đêm thấy căn hầm bên kia vẫn còn ánh đèn, có tiếng người nói chuyện rì rầm, có cả tiếng phụ nữ. Tưởng bộ phận cấp dưỡng của đội vận chuyển còn tán chuyện, chưa đi ngủ. Tôi leo lên mặt đất, xuống cửa hầm bên kia. Qua cửa hầm, ánh đèn chói chang làm tôi loá mắt. Chưa thấy rõ người, tôi hỏi: “Sao bây giờ còn chưa đi ngủ?”. Mấy người ngồi trong hầm có vẻ hơi lúng túng: “Chúng tôi còn làm việc”. Lúc này tôi mới nhận ra, trong căn hầm có bốn người, ngồi quanh một chiếc bàn. Giữa cắm một ngọn nến sáng chói. Trên bàn ngổn ngang giấy tờ, sổ sách. Tôi mới sực nhớ ra đây là trụ sở Huyện 67, nơi đội vận chuyển của chúng tôi ở nhờ.

Buổi chiều lúc mới đến tôi đã gặp các anh. Anh bí thư Huyện uỷ người Quảng Nam, tóc đã hoa râm. Khi tôi hỏi: “Đồng chí công tác ở đây lâu chưa?”. Anh trả lời: “Tôi mới lên năm 1963”. Tôi bật cười: “Năm 1963 mà đồng chí còn cho là mới lên à!” và chợt nghĩ thầm: “Mình vào đầu năm 1966 mà đã cảm thấy lâu quá rồi!”.

Tôi còn nhớ một cán bộ dân vận vào Viện điều trị mấy tháng trước. Thoạt đầu chúng tôi tưởng là một cán bộ dân tộc: Người gầy gò đen đủi, mớ tóc đã hoa râm búi thành một củ hành trên đầu, răng cưa sát lợi, vành tai đục một lỗ to, lủng lẳng một khúc nứa, cởi trần, đóng khố, tay cầm một con dao quắm, một túi nhỏ đeo tròng teng sau lưng.

Khi nói chuyện, tôi ngạc nhiên thấy anh nói tiếng Kinh rất sõi. Hỏi ra mới biết anh là người Thái Bình, vào Nam trong phong trào Nam tiến, năm 1946 công tác đoàn thể trong kháng chiến chống Pháp. Hoà bình năm 1954 được chỉ định ở lại, nằm vùng tiếp tục hoạt động dưới đồng bằng. Sau khi chính quyền Sài Gòn ban hành luật 10-59, bị ráo riết truy lùng, bật lên Tây Nguyên và phải cưa răng, căng tai, như phong tục của đồng bào Thượng để tránh con mắt dò la của địch và dễ bề hoạt động.

Anh em chúng tôi thật kính phục tinh thần cách mạng tuyệt vời của anh. So với anh, chúng tôi cảm thấy sự hy sinh của mình không có nghĩa gì!

Ở lại đội vận chuyển hai ngày, nắm tình hình. Anh em làm việc tốt, vượt các chỉ tiêu quy định trong điều kiện gian khổ ác liệt. Chúng nó mới ném bom cách nơi ở 100 mét nhưng không ai việc gì. Việc ăn ở tạm ổn, thuốc chữa bệnh thiếu cần bổ sung.

Trên đường về, tôi rẽ qua Binh trạm Bắc, thăm đội phẫu của Đội điều trị 3, nơi mà chúng tôi sắp phải cử một bộ phận ra thay thế để đội phẫu tiến ra phía trước.

Ở Binh trạm Bắc, tôi gặp anh Võ An Dậu, bác sĩ, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm Viện Quân y 103 và là một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm mới vào tới chiến trường. Anh Dậu vừa là bạn học cùng khoá 1946 với tôi ở trường Đại học Y, vừa cùng công tác với tôi nhiều năm ở Viện Quân y 103, 108. Anh Dậu tóc bạc phơ. Thấy anh chống gậy đi trên đường dây, trên đường vào chiến trường, nhiều anh em giao liên tặc lưỡi: Miền Bắc hết người rồi hay sao mà phải cử ông già như thế này vào chiến trường! Thực ra, anh chỉ trạc tuổi chúng tôi nhưng “xấu máu” nên tóc bạc sớm. Anh cũng không cần cải chính: “Mặc chúng nó, chúng nó thương càng tốt”. Quả thật trên đường vào, thương người già cả, anh em giao liên bảo nhau đeo ba lô và cõng gạo cho anh.

Chúng tôi thật vui mừng khi gặp nhau. Anh Dậu bảo tôi: “Cậu không khác gì cả! Gặp nhau ở Tây Nguyên, thật là quả đất tròn!”. Cả ngày hôm đó, chúng tôi đi tới đâu cũng đều được chiêu đãi. Sáng ở ban Quân y Trung đoàn 40, trưa ở Ban chỉ huy Trung đoàn, chiều lại chiêu đãi ở ban Hậu cần.

Anh Dậu vui vẻ: “Cứ nghe nói Tây Nguyên gian khổ, mình cảm thấy Tây Nguyên có vẻ giơ cao đánh khẽ thì phải!”. Chúng tôi đều cười: “Anh yên trí, chỉ vài ngày nữa là anh biết thế nào là Tây Nguyên thôi”.

Anh Dậu mang theo giấy giới thiệu vào thay anh Âu Viện phó 211. Có tin Cục Quân y cũng cử một anh nữa vào thay tôi, nhưng đến phút cuối cùng kế hoạch lại thay đổi. Anh Dậu mang vào cho tôi nhiều thư. Thư mới nhất viết vào tháng 11 năm 1968. Thư Hương cho biết có tin là tôi được gọi ra hậu phương. Hương có vẻ rất sốt ruột.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #83 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:25:09 pm »


Ngày 12 tháng 3 năm 1970. Tôi đang ngồi làm việc thì thấy bên ngoài có tiếng ồn ào, tiếng điện thoại gọi tới gọi lui. Tiếng quát tháo của mấy đồng chí cảnh vệ.

Đã tưởng có biệt kích.

Một cậu cảnh vệ hấp tấp chạy vào cho biết một bệnh nhân tâm thần vừa lên cơn, kiếm đâu được khẩu súng đang bắn lung tung.

Đó là cậu Hội, nhân viên của Viện, lâu nay vẫn bị xếp vào loại “chậm tiến”, lười biếng, không yên tâm công tác. Được cử đi vận chuyển nhưng không chịu làm, đòi đi chiến đấu, tự ý bỏ đơn vị ra đội thu dung rồi lên cơn tâm thần, vào Viện điều trị.

Trên con đường mòn giữa các lán thương binh. Hội đang đi ngất ngưởng như người say rượu, tay cầm khẩu súng ngắn, vừa đi vừa bóp cò, miệng la hét. Đã bắn chết một con lợn của khoa 22. Hội đi tới đâu mọi người chạy dạt ra tới đó không biết xử trí ra sao.

Hội đi qua nhà chỉ huy Viện, tôi nép vào sau tấm liếp, quan sát tình hình. Đi qua nhà cảnh vệ gặp đồng chí Giang, hắn quát: “Thằng Giang, tao không bắn mày đâu!”. Hắn lên nhà chính trị gặp anh Công, Chính uỷ, Hội quát: “A lê, Công đây rồi?”. Anh Công hốt hoảng phải luồn ra sau nhà chạy lên rừng tránh. Nó vào nhà hậu cần. Mọi người bỏ chạy tán loạn, trong khi vội vã, để lại một khẩu AK treo trên tường. Hội giật lấy khẩu súng, cười sằng sặc, bắn mấy phát chỉ thiên rồi bắn ba phát đạn vào bản nội quy nhà bếp. Tình hình rất khó xử. Hàng chục vệ binh và nhân viên đang nép sau các gốc cây, đạn đã lên nòng. Nếu là một tên biệt kích, thì không nói làm gì, nhưng đây lại là một đồng đội đang lên cơn tâm thần.

Cuối cùng hắn vào nhà cậu Bình, cảnh vệ, thấy mâm cơm mới bầy ra chưa kịp ăn. Hắn ngồi vào bàn, xới cơm ăn, để hai khẩu súng hai bên, doạ người nào vào sẽ bắn. Trong bếp, một cậu học sinh y sĩ đang lúi húi nấu cơm, bị Hội ngồi chẹn ở gian ngoài, không có lối ra, đành liều vén ngực áo bảo: “Này Hội, mày bắn tao đi!”. Hội nghĩ ngợi, không bắn. Trong lúc hắn ăn cơm, anh học sinh lẻn với chộp được hai khẩu súng. Lúc này cảnh vệ mới ập tới, đưa Hội trở lại khoa điều trị.

Ngày 26 tháng 1 năm 1970. Từ ngày 31 tháng 3 bắt đầu chiến dịch mùa Xuân quân ta bao vây Đắc Xiêng, Đắc Pét. Chúng nó tăng cường bắn phá hậu phương. Máy bay B52 đánh liên tục đường giao liên. Đội phẫu của Viện đặt tại T3 bị đánh trúng, đang có 20 thương bệnh binh. Nghe tin, tôi liền nhào ra thăm. Cả khu rừng dài hàng cây số như bị một lưỡi cầy khổng lồ, cầy xới tan hoang, những hố bom đỏ hoác. Nhưng khi gặp tôi, anh em nhân viên vẫn bình tĩnh, đề nghị cứ ở yên tại chỗ, không chuyển đi nơi khác. Kinh nghiệm cho biết sau một trận đánh B52 rất ít khi chúng nó đánh lại đúng chỗ cũ. B52 bắt đầu đánh lúc 10 giờ đêm. Sau loạt bom đầu, các cán bộ phụ trách, anh Lân cùng anh em khác ra khỏi hầm ngay, kiểm tra tình hình, các hầm đều yên ổn, không ai việc gì. Đợt đánh thứ hai vào lúc 12 giờ đêm. Cũng như lần trước, vừa dứt tiếng bom nổ, Lân lại nhao ra khỏi hầm. Một hầm bị vùi kín dưới lớp đất đá. Trong hầm có 4 chiến sĩ của Trung đoàn 28 đi ngang qua, xin ngủ nhờ. Anh Lân liền hô hoán anh em lấy cuốc xẻng ra đào bới. Rất khó khăn vì nắp hầm dày. Cuốc được một lỗ hổng lọt bàn tay, nghe thấy tiếng rên bên trong, thì vừa hai giờ sáng.

Qua hai đợi đánh đầu cho biết, quy luật đánh đêm nay là cách hai giờ chúng nó đánh một đợt nên anh Lân cho anh em chạy trở lại hầm của mình. Vừa về tới nơi thì thấy ánh chớp của loạt bom thứ ba. Sau đợt này, anh em tiếp tục moi đất trên chiếc hầm bị lấp, cứu được 4 chiến sĩ của đơn vị bạn bị lấp dưới hầm.

Nhân viên và 20 thương binh đang điều trị trong đội phẫu đêm đó đều an toàn. Bốn giờ sáng, chúng đánh tiếp đợt thứ tư và là đợt cuối cùng trong đêm, không gây thiệt hại gì thêm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #84 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:26:15 pm »


Ngày 15 tháng 4 năm 1970. Biệt kích lại xuống nương đồng chí Đích. Cảnh vệ ra truy lùng, đánh bật chúng lên. Trên trận địa nhiều vết máu loang lổ, rải rác, ở chỗ máy bay bốc chúng nó lên còn lại một áo bludông to, 4 túi đẫm máu, cổ áo ghi tiếng Anh. Một lỗ thủng nhỏ trước ngực áo. Một vết toác to bằng cái bát ở sau lưng. Phán đoán là một tên địch đã bị đền tội, có thể là một tên Mỹ vì cỡ áo khá to.

Về phía ta, một chiến sĩ bị thương nhẹ. Chúng tôi thu được một ba lô vũ khí, một ba lô thực phẩm có phở khô, gạo rang. Tôi ra cùng với anh em đi kiểm tra trận địa, đi vòng theo nương, theo đường đi của biệt kích, xuyên qua rừng. Chú ý từng bước chân vì sợ chúng gài lại mìn.

Chiều về, liên hoan một bữa phở biệt kích, loại phở khô đựng trong túi ni lông, chỉ cần đổ nước sôi vào túi lên tới vạch in sẵn trên miệng túi là vừa. Trong túi có sẵn bánh phở, thịt bò xay nhỏ sấy khô, cả hành cũng sấy khô. Lúc đầu cũng sợ chúng nó bỏ thuốc độc nên từ buổi trưa, tôi đã cho con chó đi theo, ăn thử một gói. Đến chiều vẫn thấy con chó chạy theo, đuôi ve vẩy, chúng tôi mới yên tâm tổ chức bữa liên hoan.

Nương rẫy đã đốt và dọn xong. Có đội đã trỉa xong ngô và bắt đầu trồng sắn. Đang chờ mưa để trỉa lúa.

Để phục vụ chiến dịch, Bệnh viện đã phải triển khai tất cả 7 trạm vừa trạm chuyển thương, vừa trạm phẫu từ phía trước trở về. Từ ngày 15-4, phải huy động trường Quân y đi chuyển thương.

Tình hình Campuchia diễn biến phức tạp. Từ tháng 2 năm 1970, Lon-non đảo chính lật đổ Sihanúc. Nhiều khó khăn nhưng cũng có thuận lợi mới. Trung đoàn 24 được lệnh đánh sang Campuchia. Với thế mạnh như chẻ tre, chỉ trong vài tuần lễ. Trung đoàn đã nhanh chóng mở rộng vùng giải phóng tới sát biên giới Campuchia - Thái Lan. Giải phóng tới đâu, quân ta giao lại cho các bạn Khơme đỏ quản lý.

Nhưng dường như có điều gì không ổn. Từ đầu năm, do tình hình rối ren nên một số cơ sở ta ở Campuchia trong đó có các gia đình Việt kiều ở Stungtreng được đưa về B3 để tránh sự khủng bố của Lon-non. Bệnh viện chúng tôi tiếp nhận một nhân viên mới: chị Đài, thuộc một gia đình cơ sở sinh sống lâu năm ở Stungtreng. Được tin Stungtreng giải phóng, chị rất mừng, chuẩn bị để trở về, thì một tin bất ngờ ập tới: gia đình chị đã bị Khơ me đỏ giết chết! Thật sự chúng tôi không thể hiểu và không biết giải thích với chị ra sao?

Những tin tức về các hành động của Khơ me đỏ gây khó khăn cho ta ngày càng nhiều: Tấn công kho, cướp vũ khí, giết hại cán bộ, bộ đội đi lẻ. Thậm chí gây khó khăn cho ta trong việc vận chuyển trên đường 19 kéo dài từ Stungtreng, Krachiê về Tây Nguyên.

Khó khăn về lương thực vẫn tiếp tục. Gạo thiếu, muối cũng thiếu. Chúng tôi mới hiểu thế nào là “đói cơm, nhạt muối” của đồng bào Tây Nguyên.

Ngày 1 tháng 5 năm 1970. Như mọi ngày thường, buổi sáng trong trẻo, mát mẻ. Tôi sang nhà mổ dự một ca mổ nặng: cắt nửa đại tràng phải cho một bệnh nhân bị u đại tràng. Bác sĩ Minh và Hưởng là phẫu thuật viên chính. Tôi đứng xem. Nhà mổ làm cao trên sàn. Ni lông căng che mái và chung quanh bốn chân tường. Vải màn căng che cửa sổ vừa để chống côn trùng mà vẫn có ánh sáng cho phòng mổ. Trong nhà mổ nhộn nhịp nhân viên, học sinh, y sĩ. Gây mê tĩnh mạch có đặt ống nội khí quản nhưng bệnh nhân không ngủ yên, giãy giụa, rặn thở, ruột luôn đe doạ phòi ra, làm cho cuộc phẫu thuật khó khăn.

Khối u to bằng nắm tay, dính vào thành bụng bên phải vá vào đoạn hai của tá tràng. Đường rạch giữa bụng không đủ rộng để mổ. Phải rạch thêm sang bên. Cuộc mổ kéo dài, tôi phải rửa tay vào cùng mổ với anh Minh. Mổ cắt nửa đại tràng. Khâu xong miệng nối, đang chuẩn bị đóng thành bụng, thì phía ngoài có tiếng máy bay trinh sát lượn thấp.

Có tiếng anh Thìn, Viện phó Ngoại lúc này đang ở ngoài phòng mổ, gọi tổ chiến đấu của khoa lên bố trí, sẵn sàng chiến đấu. Tiếng máy bay phản lực rít trên cao. Đột nhiên tiếng máy bay trinh sát rú, sà xuống thấp rồi ba tiếng nổ bùm bụp bên ngoài.

Bác sĩ Minh kêu lên: “Chúng nó bắn pháo hiệu cho phản lực”.

Trên bàn mổ, bụng bệnh nhân còn đang toang rộng, các khúc ruột phì phò.

Tôi gọi cô y tá vô trùng: “Cho tôi ống dẫn lưu, cho kim chỉ, mau lên...”. Một tiếng rú như một luồng gió rít từ trên không lao xuống, tiếp sau là một tiếng nổ ầm rung chuyển nhà cửa. Mọi người trong phòng mổ xôn xao: “Chúng nó ném bom ở gần, anh ạ”.

Cành cây lắc rắc gẫy trên nóc phòng mổ. Đồng chí Tám, trợ thủ vô trùng vẫn lúi húi tìm kim chỉ. Vất vả mới khâu thêm được vài mũi. Tôi động viên anh chị em: “Kệ cha nó, còn xa đấy”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #85 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:26:39 pm »


Lại một tiếng rú thứ hai, Tám và mấy nhân viên gây mê hốt hoảng ngồi sụp xuống. Một người đứng ngoài nằm soài xuống mặt sàn nhà mổ. Bất giác tôi cũng cúi đầu xuống, nhưng hai bàn tay đeo găng cao su vẫn áp chặt trên vết mổ. Một tiếng nổ ầm nhưng xa hơn một chút. Mọi người lại đứng dậy.

Tôi hỏi Tám:

- Còn giữ được vô trùng không?

- Được anh ạ!

Tôi vội vã khâu tiếp, nhưng lại một tiếng rú. Tôi bất giác văng tục: “Mẹ cha chúng mày...” rồi lại nói với anh chị em: “Kệ cha chúng nó! Chúng nó không làm được gì mình đâu. Mổ tiếp đi! Mau lên!”.

Tôi cảm thấy động tác của Tám, hộ sĩ vô trùng, sao mà quá chậm chạp.

Có ý kiến đề nghị: “Hay là chuyển bệnh nhân xuống hầm..!”.

Tôi liếc nhìn bao nhiêu dây dợ và các dụng cụ chung quanh: dây buộc bệnh nhân vào bàn mổ, dây truyền huyết thanh, cọc truyền ống nội khí quản, máy gây mê v.v... Suy nghĩ rất nhanh, hầm mổ thì ngay bên cạnh nhưng làm sao mà chuyển được và làm thế nào giữ được vô trùng trong khi di chuyển?

Tôi cố khâu thêm một hai nút, đóng thành bụng.

Một tiếng rú nữa và một tiếng nổ rung nhà.

Tôi rời mắt khỏi vết mổ liếc ra ngoài.

Qua khung cửa sổ che vải màn, một thân cây cháy lem lém như một cây đuốc. Lửa tạt tới cửa sổ và bén vào vải màn che cửa. Bom nổ rất gần. Tôi hơi ngạc nhiên cảm thấy người vẫn bình thường, hình như không có mảnh bom nào dính vào người cả.

Phòng mổ làm trên sàn sao cảm thấy cao lêu nghêu. Bom ném gần quá, nếu không xuống hầm có thể hy sinh cả kíp mổ.

Tôi vội vàng nhét một khăn mổ to vào vết mổ và quyết định chuyển bệnh nhân xuống hầm. Học sinh mọi người một tay, khiêng bổng cả bệnh nhân, cả bàn mổ, cả máy gây mê xuống hầm.

Tôi và anh Minh mỗi người cuốn vội một khăn mổ vô trùng quanh tay chạy xuống hầm sau cùng đúng vào lúc một loạt đạn đại bác 20 ly nổ xé tai, làm vỡ toang một góc phòng mổ. Chúng nó đã ném hết bom và bắt đầu bắn đại liên và đại bác.

Xuống tới hầm tự nhiên thấy cảm giác an toàn hẳn mặc dù máy bay vẫn gầm rú, tiếng đại bác nổ liên hồi.

Tôi chặn tay lên bụng bệnh nhân, hỏi bác sĩ gây mê, tình hình bệnh nhân ra sao anh? Lúc này mới biết đầu ống thông nội khí quản bị tuột ra khỏi máy gây mê. Cũng may bệnh nhân đã tự thở. Huyết áp hơi tụt. Cuộc phẫu thuật tiếp tục dưới hầm.

Ra khỏi hầm, tôi tưởng chừng không còn nhận ra quang cảnh phía trên. Cây cối đổ ngổn ngang. Một quả bom napan nổ cách phòng mổ khoảng ba mét. Nhà hoá nghiệm bị cháy cùng với một phần phòng mổ. Một quả bom khác nổ giữa hai khoa 33-34, khoét thành một hố to như cái ao ở giữa 3-4 nhà bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân cũng như nhân viên đều an toàn.

Tối hôm đó, họp thường vụ, Thủ trưởng Viện nhận định khối Ngoại đã bị lộ, đề phòng chúng nó oanh tạc tiếp, quyết định di chuyển khối Ngoại ra địa điểm dự bị.

Trong đêm mồng 1 tháng 5 tới 7 giờ sáng ngày 2 tháng 5, hơn 350 thương bệnh binh của khối Ngoại đã được di tản ra khỏi vùng bị oanh tạc.

Ngày 2 tháng 5 chỉ có máy bay trinh sát lảng vảng trên khu vực Viện.

Ngày 3 tháng 5 chúng đánh lại khu vực bị oanh tạc hôm trước, trúng vào buồng băng, tiêm của khoa 34. Ném bom napan và bắn rốc két, làm què hai con gà.

Ngày 4 tháng 5 chúng đánh nương rau Đ3, đánh vào nhà anh em làm nương. Bom làm vùi mất một vạt rau xanh tươi sắp được ăn.

Ngày 7 tháng 5 chúng đánh tiếp khu vực kho của Viện. Ở đây đang có 90 tấn gạo. Tin cho biết: cùng ngày 1 tháng 5 năm 1970 trên toàn tuyến biên giới Việt Nam, Campuchia, địch mở cuộc tấn công ồ ạt sang Campuchia, huy động trên 5 vạn quân đánh suốt trên một tuyến dài trên 400 cây số từ Lộc Ninh đến Bu-prăng - Đức Lập và từ Đức Cơ đánh sang Bô Keo, ở cánh Trung chúng cũng đánh ra suối đá.

Ngày 3 tháng 5, một phái viên của Phòng xuống phổ biến nhận định của Bộ tư lệnh Mặt trận: khu vực của Viện 211 đã bị lộ, chúng nó có thể còn tiếp tục đánh: đề phòng khả năng chúng nhảy dù, đánh chớp nhoáng rồi rút.

Anh Công, Chính uỷ Viện lên Phòng báo cáo tình hình và nhận được chỉ thị cho một bộ phận của Viện sơ tán xa hẳn, ra Binh trạm 37, ở khu vực Atôpơ, Hạ Lào, trong khi bộ phận còn lại của Viện sẽ di chuyển vào khu vực dự bị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #86 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:27:16 pm »


Ngày 20 tháng 5 năm 1970. Từ ngày 17 tháng 5, bộ phận di tản sang Hạ Lào, Binh trạm 37 bắt đầu hành quân theo thứ tự: C3 (đại đội thu dung) đi đầu vào ngày 16 tháng 5 đưa theo 71 thương bệnh binh. Khoa 34 đi tiếp ngày hôm sau cùng với khoảng 200 thương bệnh binh. Cuối cùng là khoa 22 với 180 bệnh nhân.

Ngày 18 tháng 5, anh Tiểu đoàn trưởng chỉ huy tiểu đoàn bảo vệ khu vực vào, báo tin: Theo tình báo có thể chúng sẽ đánh vào cao điểm 729. Thật nguy hiểm: trên cao điểm là đài quan sát của Viện và ngay dưới chân đài là khoa 32, đang điều trị 150 thương bệnh binh.

Thường vụ Đảng uỷ và thủ trưởng Viện đi vắng cả, anh thì đang lên Phòng chưa về, anh vào địa điểm dự bị, anh thì theo hai khoa sang Binh trạm 37, chỉ còn mình tôi ở nhà. Nếu theo đúng kế hoạch đã thống nhất thì khoa 32 tới ngày 20 tháng 5 mới “cuốn chiếu” chuyển vào khu vực khối Nội (Đ2), ở tạm trước khi di chuyển vào địa điểm dự bị. Nhưng tình hình này thì không chần chừ được. Tôi gọi điện cho bác sĩ Huy Đại, Chủ nhiệm khoa 32, cho Khoa chuyển ngay hôm đó sang Đ2.

Khoa 32 đang có 150 thương bệnh binh trong đó có 39 trường hợp nặng phải cáng. Quyết định huy động toàn bộ lực lượng nhân viên đi cáng.

6 giờ sáng gọi điện hỏi lại: mới đi được 10 cáng. Tôi ra đón đầu đoàn cáng ở dốc 1000 bậc, để bệnh nhân ở lại trên đỉnh dốc và động viên anh em quay trở lại cáng tiếp. Làm sao đưa hết bệnh nhân ra khỏi khu vực nguy hiểm trước giờ cao điểm là 10 giờ sáng. Trong khi đó điều nhân viên khối Nội lên chuyển tiếp số cáng đang nằm chờ trên đỉnh dốc.

Đúng như thông báo, chiều hôm đó, chúng đánh tiếp bằng phản lực khu vực khối Ngoại cũ, nhưng cáng cuối cùng của khoa 32 cũng đã vượt qua an toàn. Ở khoa lúc này chỉ còn một số nhân viên, cùng với anh Đại đang thu dọn đồ đạc để ngày hôm sau chuyển nốt.

Khu vực khối Nội, xa khối Ngoại và khoa 32 hai dẫy núi, bị ùn thương bệnh binh. Phải nằm cả ở hội trường, không có công sự trong khi máy bay trinh sát L19 bay lượn rất thấp trên khu vực.

Đêm 19 tháng 5, khoảng 8 giờ tối, có tiếng máy bay B52. Những tia chớp nhoáng ngoằng trên trời, rồi tiếng rú, những tiếng nổ rung chuyển đất.

Qua tiếng bom, chúng tôi phán đoán chúng nó đánh khu vực khoa 32. Anh Tấn, trưởng ban Hành chính, gọi điện sang khoa 32, nói chuyện được với anh Đại. Anh Đại xác nhận đúng là chúng nó đánh vào khoa, nhưng bệnh nhân đã được chuyển đi hết từ buổi sáng, chỉ còn một số nhân viên và mấy học sinh trường Quân y đi qua xin ở nhờ qua đêm. Câu chuyện đang dở dang thì anh Đại vội vã: “Chúng nó trở lại đấy. Thôi vào hầm thôi!”. Chúng tôi vừa kịp trở lại công sự, hai tay bịt chặt hai tai thì lại ào ào, loằng ngoằng những tia chớp, tiếp sau là những tiếng nổ rung trời.

Suốt đêm hôm đó, đều đặn và chính xác, cách 45 phút một lần, lại một loạt B52 đánh phá. Chúng tôi cũng chỉ liên lạc với anh Đạt được một lần, sau đó đường dây điện thoại bị đứt và bặt tin luôn.

Sáng hôm sau, tôi và anh Tấn vội vã sang thăm khu vực bị oanh tạc. Cả khoa 32, nhà cửa tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang, các hố bom như những cái ao đỏ hoác rải rác suốt từ trên đỉnh đồi xuống tới bờ suối.

Nhân viên khoa 32 không ai việc gì, chỉ mất nhiều ba lô, tăng võng. Có một bệnh nhân mới vào chiều hôm đó, chưa kịp chuyển đi, bị hy sinh. Đặc biệt có hai học sinh y sĩ đi vận chuyển về, vào ở nhờ. Loạt bom đầu ở chung hầm với anh Đại. Sau loạt bom thứ hai, hai cậu sợ quá, chạy sang trú ở hầm bên cạnh. Sáng hôm sau, không thấy hai cậu đó đâu, ở vị trí của chiếc hầm hôm trước là một hố bom sâu thành hình phễu. Không một mảnh quần áo, không một giọt máu. Anh em trong khoa, không biết hai cậu bị trúng bom hay đã trở về đơn vị?

Những ngày sau, vẫn không thấy hai cậu trở về đơn vị. Khi làm báo cáo lên trên, đồng chí trợ lý quân lực đề nghị báo cáo là “mất tích”. Tôi hỏi lại:

- Tại sao ghi là “mất tích” được?

- Vì không biết hai cậu đó đi đâu? Nếu chết thì phảicó xác!

Tôi phân vân, suy nghĩ. Tất nhiên, nếu ghi là chết thì gia đình sẽ rất đau khổ, nhưng lại được đền bù lại bằng những chính sách ưu đãi cho liệt sĩ. Còn nếu ghi là “mất tích” thì có thể vẫn còn nuôi một chút hy vọng, nhưng ngược lại đẻ ra nhiều nghi vấn: Mất tích đi đâu? Chết chăng, lạc trong rừng chăng? Hay chạy theo địch? Trong khi chờ đợi thì gia đình có thể sẽ không được hưởng quyền lợi gì.

Cuối cùng tôi nói với trợ lý quân lực: “Chưa báo cáo vội, chờ một vài ngày nữa xem sao...”.

Quả nhiên vài ngày sau, khi qua khu vực, có mùi của người chết. Nên xác định hai anh đã hy sinh trong trận bom.

Dù sao cũng còn mừng là đưa kịp thời gần hai trăm nhân viên và thương bệnh binh ra khỏi nơi oanh tạc. Nếu chậm một hôm thì sự thiệt hại sẽ còn tăng lên nhiều.

Sáng 20 tháng 5 di chuyển toàn thể bệnh nhân vào khu dự bị. Có 475 thương bệnh binh, trong đó có hơn 100 cáng.

Trời bắt đầu mưa. Những trận mưa đầu mùa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #87 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:27:40 pm »


Ngày 18 tháng 6 năm 1970. Mất ba ngày mới chuyển hết thương bệnh binh vào địa điểm dự bị. Một khu rừng già, có những cây cao vút, cạnh con suối hẹp kẹp giữa hai dãy núi cao. Có đỉnh tới 1700 mét. Trên bản đồ, khu vực này rất gần với khu vực chúng tôi ở khi mới vào chiến trường, năm 1966. Như vậy sau 5 năm, chúng tôi lại trở về gần chỗ cũ.

Lại bắt đầu công việc “thổ mộc” cuốc đất, đào hầm, làm nhà. Do được trên tăng cường một trung đội công binh, nên công việc xây dựng cũng nhanh hơn.

Chúng nó tiếp tục đánh khu vực Bệnh viện cũ, đánh trúng vào khu kho của Viện. Đồng chí Tâm giữ kho bị trúng bom, hy sinh khi khiêng vào tới đội phẫu. Phải tập trung lực lượng di chuyển kho gạo. Đến hôm nay đã di chuyển được 45 tấn gạo ra khỏi nơi bị uy hiếp.

Rút kinh nghiệm các trận chiến đấu vừa qua các khoa đều làm nhà trên đỉnh đồi. Cơ quan Viện bộ, cũng ở trên đỉnh đồi, nhưng có máng đưa nước vào tận bếp.

Khó khăn về lương thực, thực phẩm đã trở thành bệnh kinh niên. Thực phẩm chính thức được cấp hàng tháng chỉ có muối và ba mươi gam mì chính cho một đầu người. Muối vẫn tiếp tục thiếu. Các bếp đều phải chia tiêu chuẩn muối thành từng gói nhỏ để ăn cho đều tránh những ngày hoàn toàn nhạt muối.

Tháng này bắt đầu có măng. Giao chỉ tiêu cho mỗi nhân viên phải hái 20 kg măng một người một ngày nộp cho cấp dưỡng. Ở Tây Nguyên, măng là nguồn rau chủ yếu trong suốt mùa mưa. Đầu mùa là măng đào. Mới đầu mùa mưa, măng còn nhỏ, nằm ngầm dưới đất, phải đào sâu xuống đất mới lấy được. Giữa mùa mưa khi măng đã nhô được lên mặt đất thì là “măng bẻ”. Cuối mùa mưa, khi măng đã mọc thành cây thì ăn măng “rung”: đứng dưới gốc cây, rung cây để ngọn măng còn non ở trên cao gãy xuống, nhặt về ăn.

Cuộc càn lớn sang Campuchia bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 năm 1970, ở cánh Trung, chúng đổ bộ 1 tiểu đoàn Mỹ và 5 tiểu đoàn nguỵ, cùng với pháo binh, công binh v.v… gần một vạn quân. Tới ngày 16 tháng 5 thì rút. Nhìn chung cũng chẳng gây thiệt hại được gì lớn cho ta. Một vài kho bị phá. Một số bộ đội tăng gia, cán bộ đi công tác bị thương. Ngược lại, chúng nó bị đánh khắp nơi, hơn 300 tên bị diệt.

Ngày 1 tháng 7 năm 1970. Khai giảng lớp Y sĩ khoá 5. Học viên là các y tá công tác lâu năm ở chiến trường, có đủ trình độ văn hoá theo quy định. Trường Quân y trực thuộc Bệnh viện và xây dựng ngay sát Bệnh viện để thuận tiện cho việc giảng dạy và thực tập lâm sàng cho học viên. Trước khi vào học chuyên môn, anh chị em học viên đã phải tự tay xây dựng toàn bộ cơ sở của nhà trường, từ hội trường, nhà ở cho học sinh, nhân viên, bếp.

Giảng viên của nhà trường đều là các Chủ nhiệm khoa của Bệnh viện. Học theo chương trình của Cục Quân y. Tài liệu và học cụ thì còn nghèo nàn. Anh em nhặt được một bộ xương ở chiến trường về để học giải phẫu. Không biết xương của địch hay của ta.

Khoá học này vất vả nhất. Tập trung từ tháng Hai đến nay mới chính thức bước vào học chuyên môn. Nhiều công việc đột xuất: phục vụ chiến dịch Đông Xuân, tải thương, vận chuyển gạo, đánh biệt kích, di chuyển Viện, tăng gia, xây dựng... Anh em phàn nàn: Bài học số một kéo dài quá. Bài số một ở chiến trường là bài vận chuyển, sau đó sang bài số hai là bài tăng gia rồi mới tới bài số ba, số bốn, số năm mới là bài chuyên môn. Học viên đã có người hy sinh do bom B52. Một đồng chí dân tộc, hai đồng chí văn hoá kém cần bổ túc thêm về văn hoá. Quân số được học là 60.

Bữa liên hoan khai mạc lớp học có thịt trâu do Viện cấp, ngoài ra anh em săn thêm được 5 con lợn.

Lớp Quân y sĩ khoá 4, sau khi đi thực tập ở các đội điều trị, bệnh xá, quân y trung đoàn cũng đã trở về chuẩn bị thi tốt nghiệp. Mắc tăng võng, đào hầm bảo đảm an toàn trong khi ôn thi. Nhưng tư tưởng tạm bợ thể hiện rõ, hầm hào chưa đủ sâu đã lấp. Chúng tôi phát hiện được, bắt các vị dỡ ra đào lại. Cũng lạ, ai cũng biết “Đổ mồ hôi hơn là đổ máu” vậy mà vẫn sợ đổ mồ hôi!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #88 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:28:05 pm »


Ngày 19 tháng 7 năm 1970. Đi thăm nương mất ba ngày, nhưng cũng chỉ thăm được những bộ phận chính. Nương khối Ngoại ở ven các sườn đồi, lúa đã mọc xanh. Ngô đã có bắp non. Qua nương sắn, tình hình khá căng thẳng, bộ đội đi ngang qua phá sắn khá nhiều mà không có biện pháp bảo vệ. Chỉ một buổi trưa có đến 4-5 đám ăn cắp sắn. Gần như thành quy luật: đám nào không bắt được quả tang thì chối leo lẻo: em chỉ vào xin rau hoặc xin nước, các anh không cho thì chúng em ra. Nếu bắt được quả tang đang nhổ sắn thì: Chúng em đói quá, xin các anh vài củ!...

Anh em tăng gia đã dùng nhiều biện pháp: doạ ghi tên báo về đơn vị. Nhưng lính giải phóng làm gì có giấy tờ, lấy căn cứ đâu mà ghi tên? Doạ nhốt, chờ đơn vị đến xin thì thả. Nhưng lại mất người canh gác, lại phải nuôi ăn, cũng chết. Doạ tịch thu đồ đạc, quần áo, giày dép, thì chúng mặc quần đùi, cởi trần, đi đất, chả có gì mà lột được cả. Cuối cùng là hoà cả làng. Nghĩ cũng tội, anh em đói!... Nhưng tăng gia mà không bảo vệ được nương thì cũng không hoàn thành nhiệm vụ.

Tình hình thương bệnh binh cũng căng. Tôi đi thăm một khoa Nội, bác sĩ điều trị đưa tôi thăm một lán, giới thiệu: Lán này tập trung anh em thiếu máu nặng. Hồng cầu dưới 2 triệu. Nhìn hơn một chục bệnh nhân xanh mướt như tàu lá, ngồi trên sạp tre, tôi hỏi: “Các cậu có đói không?”. Tất cả oà lên: “Đói lắm, thủ trưởng ạ!”. Một cậu nói: “Ngày mới vào chiến trường, hễ sốt thì không ăn được, nhưng nay sốt 39-40 độ vẫn ăn tốt”. Một cậu khác chen vào: “Sức chúng em, mỗi bữa phải 5-6 bát. Mà bây giờ mỗi bữa được 2 bát thì bõ bèn gì!”. Một cậu khác tiếp: “Chả cần thuốc men gì, chỉ cần cho chúng em ăn no là hết ốm ngay!”.

Chả cứ thanh niên, ngay cả số cán bộ tuổi xấp xỉ bốn mươi như chỉ huy Viện chúng tôi ăn cũng không đủ. Anh Công, anh Toản lo cho tôi đói, khi ăn cứ giả vờ ăn chậm để nhường cơm cho tôi. Nhưng tôi cũng biết ý, ăn xong một bát là buông đũa. Cuối bữa vẫn thừa một bát cơm không ai ăn. Trong bệnh nhân, một mặt phải khuyến khích anh em đi lấy măng, rau rừng, đào củ rừng để ăn độn, nhưng mặt khác lại không thể để nấu nướng riêng. Củi lửa bừa bãi có thể làm lộ địa điểm. Nên các khoa vận động anh em hái được rau măng thì nộp cho bếp tập thể, người lấy được nhiều, các bếp có thưởng bằng cách chia thêm rau, nhưng để khỏi vi phạm tiêu chuẩn muối, mì chính của tập thể, nên suất “thưởng” chỉ là măng hoặc rau luộc ăn nhạt.

Thiếu muối nên nước muối dưa, trước đây đổ đi, nay lấy lại để nấu canh, nấu thức ăn, lại được khen là ngon vì vừa có vị chua, vừa có vị mặn.

Ngày 31 tháng 7 năm 1970. Sang trường Quân y tổ chức thi tốt nghiệp lớp y sĩ khoá 4. Có 50 đạt yêu cầu, 3 không đạt. Một do chuyên môn quá kém, một do đạo đức, ăn cắp có hệ thống, một do dao động sợ chết, không hoàn thành nhiệm vụ trong khi đi xuống tiểu đoàn thực tập.

Đêm ngủ lại ở trường Quân y để chấm thi. Đột nhiên trời đổ mưa. Nước mưa chảy ào ào qua nhà làm cho nền nhà nhão nhoét. Đang ngủ bỗng huỵch một tiếng to, giường nằm bị đẩy bật đi đến một mét. Tôi nhỏm dậy thì ra đất núi phía sau nhà bị lở, may có bờ che nên không bị đất vùi.

Sáng hôm sau, điện thoại đứt do cây đổ. Con suối mọi ngày trong vắt, nay đầy ắp, đỏ ngầu, hung dữ cuốn băng các thân cây to.

Từ Hạ Lào, anh Thìn, Viện phó, phụ trách nửa Bệnh viện sơ tán, viết thư về cho biết, ngoài đó có nhiều thú rừng. Hai khoa sơ tán ra ngoài đó trong một tháng đã bắn được 2 voi, 5 gấu, 1 trâu rừng, một lợn rừng. Anh đã tổ chức một tổ săn, làm thịt khô để tiếp tế về cho đơn vị.

Ngày 8 tháng 8 năm 1970. Lên B3 dự chỉnh huấn Nghị quyết Trung ương lần thứ 18 từ ngày 4 tháng 8. Đường lên B3 phải qua lại khu vực Viện cũ.

Đang mùa mưa, nước suối đỏ quạch như nước sông Hồng sau cơn lũ. Cây đổ ngổn ngang hai bên bờ suối. Qua khu vực Viện cũ, những hố bom sâu, những bìa rừng bị bom napan cháy xém. Ra tới Q9, theo đường thồ, tới trạm vệ binh, ngủ lại một đêm. Theo quy định, cần vụ, liên lạc sẽ ở lại đây. Từ đây, có liên lạc của B3 đưa vào nơi chỉnh huấn. Đi thêm một ngày theo con đường len lỏi trong rừng, vượt qua một dốc cao lầy lội khó đi. Anh Âu đi dép lạch bạch, liên tục tuột quai dép. Một lúc lại phải dừng lại để rút quai dép. Tôi đi giày nên cũng dễ đi hơn. Đến lối vào tới khu B. Lớp chỉnh huấn trên một ngọn đồi cây to rậm rạp. Nhà âm thưng kín, tối mịt để tránh lộ ánh sáng ban đêm. Lớp chỉnh huấn dành riêng cho cán bộ trung đoàn được tổ chức khá chu đáo. Có nhà ở, có giường. Có vệ binh mang cơm đến tận nhà. Cơm ăn no, có thịt lợn, thịt trâu.

Về tình hình chiến sự, nghị quyết Trung ương cho biết: có hai khả năng cho cuộc chiến tranh: Khả năng chiến tranh còn kéo dài và khả năng kết thúc sớm, tùy thuộc vào nỗ lực của ta. Chiến trường B3 đã nối liền với khu giải phóng Campuchia, mở rộng sang phía Tây tới biên giới Thái Lan, bao gồm cả hai tỉnh Ratanakiri và Mondonkiri.

B3 thành lập một đoàn sản xuất chuyên nghiệp, Đoàn 670, các đơn vị chỉ phải sản xuất 1.000 gốc sắn một đầu người.

Bộ phận của Bệnh viện sơ tán sang Hạ Lào mấy tháng trước, nay được gọi về. Tình hình đã tạm ổn, có thể tập trung trở lại.

Bệnh viện có thay đổi về nhiệm vụ: chủ yếu làm nhiệm vụ tuyến cuối cùng của chiến trường, không làm nhiệm vụ tuyến khu vực nữa và di chuyển sâu hơn về phía Tây, giành địa điểm hiện tại mà chúng tôi gọi là khu C - cho kho tiếp nhận hàng từ hậu phương vào.

Trong chỉ huy Viện có một số thay đổi: anh Âu Viện phó ra Bắc, anh Dậu về thay. Anh Công lên làm Chủ nhiệm chinh trị phòng Hậu cần B3. Anh Tiêu Văn Mẫn về thay anh Công.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #89 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 10:28:32 pm »


Ngày 10 tháng 9 năm 1970. Đã đến vụ thu hoạch lúa. Những năm trước, việc thu hoạch lúa làm bằng tay, theo kiểu của đồng bào dân tộc. Anh em gọi là “suốt lúa”, có nghĩa là tuốt các bông lúa giữa hai ngón tay cái và ngón tay trỏ, hứng các hạt lúa vào lòng bàn tay rồi bỏ vào cái gùi đeo sau lưng.

Tôi đã tuốt lúa với anh em một ngày. Chỉ một ngày thôi mà hai ngón tay của tôi phồng to, mọng nước, rớm máu, đau nhức như phải bỏng.

Vụ thu hoạch năm nay, chúng tôi quyết thay đổi cách làm ăn. Không “cải tiến” gì nhiều thì ít ra cũng có cái liềm cho anh em cắt lúa.

Hai tháng trước khi thu hoạch, tôi động viên anh em tổ rèn của Viện: “Các cậu có nghe đài nói không? Nichxơn tuyên bố sẽ đẩy chúng ta về thời kỳ đồ đá đấy. Ta cứ tuốt lúa theo kiểu này thì chúng nó sẽ cười vào mũi ta rằng chúng nó đã đẩy ta về thời kỳ đồ đá thật!”.

Anh em đồng ý với chủ trương làm liềm và trước vụ thu hoạch, tổ rèn đã chuyển ra nương được 150 cái liềm, đủ cho mỗi người một chiếc.

Sau ngày thu hoạch lúa đầu tiên, tôi nóng lòng chờ kết quả của việc dùng liềm cắt lúa, gọi điện ra nương, hỏi tình hình gặt hái. Anh Đích, phụ trách tăng gia, trả lời tôi ở đầu dây. Anh dềnh dàng báo cáo tình hình quân số các khoa ra nương, tình hình sức khỏe anh chị em, tình hình thu hoạch lúa. Tôi sốt ruột cắt lời hỏi đến việc dùng liềm ra sao. Nghe tiếng anh cười: Vẫn phải suốt tay thôi. Không dùng liềm được đâu thủ trưởng ơi! Tôi vặn lại: Vô lý, không dùng được là thế nào? Chả lẽ dùng liềm lại không bằng suốt tay à!

Anh Đích lúng túng không biết giải thích cho tôi ra sao, nói một câu: “Đúng thế đó, thủ trưởng ra mà xem!”.

Tôi thấy bực mình, liền kéo anh Định, Chủ nhiệm Hậu cần ra nương xem sao.

Đi mất một ngày mới ra tới nương. Dọc đường, anh Định cũng rất thắc mắc tại sao không dùng được liềm. Anh bảo tôi: “Mấy thằng cha này nó bảo thủ thôi anh à, phải trị cho các cậu đó một trận!”. Tôi phân vân: “Tại sao nó bảo thủ, cắt bằng liềm thì sướng hơn là tuốt bằng tay chứ nhỉ!”. Anh Định giải thích: “Chẳng qua tuốt bằng tay, tuy có vất vả nhưng được hạt gạo nào chắc hạt gạo đó. Chỉ vất vả ban ngày. Còn ban đêm, ăn xong là lên võng vặn đài nghe rồi ngủ thẳng một giấc đến sáng. Còn dùng liềm gặt thì tối lại phải đập, quạt, rắc rối thêm. Chỉ thế thôi, chứ chả tại sao cả!”.

Tôi nghe anh nói và thấy có vẻ có lý.

Ra tới nương, cùng với các đồng chí phụ trách tăng gia đi một vòng nương, dùng liềm hái thử mấy bông lúa chúng tôi mới vỡ lẽ: Đúng là với kiểu trồng trọt này thì không thể gặt bằng liềm được thật.

Có rất nhiều lý do: Quan trọng nhất là giống lúa. Trong chúng tôi không có ai chuyên về nông nghiệp, nhưng giống lúa nương dường như khác với giống lúa nước. Lúa nương rất dễ rụng, hễ chạm tay mạnh là rụng. Thêm vào đó, theo cách canh tác của đồng bào, chờ cho lúa chín mới thu hoạch nên lại càng dễ rụng hơn. Chính vì giống lúa dễ rụng như vậy, nên đồng bào mới có thể dùng tay tuốt lúa được. Ngược lại nếu dùng liềm cắt, đứt được bông lúa thì các hạt thóc rụng gần hết.

Hơn nữa nương trồng lúa không giống như ruộng lúa, có bờ ruộng dùng làm đường đi hoặc nếu ruộng khô thì khi thu hoạch có thể gánh thóc ngang qua mặt ruộng. Trên nương, không có đường để đi lại. Sau khi đốt rẫy và tỉa lúa, trong khi lúa mọc thì các cây khác cũng bắt đầu mọc lại. Khi thu hoạch, việc đi lại trên nương rất khó khăn. Các thân cây gỗ đổ ngổn ngang, các cành cây con mọc tua tủa. Vì vậy gánh một gánh lúa, chui rúc qua dưới các cành cây gốc cây, rõ ràng là sẽ rất vất vả và thóc sẽ rụng thêm. Gánh được gánh lúa về đến nhà thì chắc không còn hạt thóc nào!

Ngoài ra, trong điều kiện chiến tranh, còn phải tính đến vấn đề an toàn cho anh em tăng gia. Trong khi thu hoạch, máy bay địch không lúc nào ngừng quần lượn trên đầu. Chúng đã ném bốn quả bom xuống khu vực nương của khối Ngoại, phá hoại gần một hecta lúa.

Đã gặt bằng liềm, tất yếu sẽ phải tập trung lúa để đập quạt và phải có sân phơi. Sân phơi chắc chắn sẽ lập tức là mục tiêu cho địch đánh phá, nếu không gây thiệt hại về người thì cũng thiệt hại về thóc lúa.

Đứng trên ngọn đồi cao, nhìn về phía nương lúa đang thu hoạch, chúng tôi còn nhận được thêm một điều: nếu tuốt hạt thì bông lúa vẫn còn, từ xa khó phân biệt được chỗ nào đã thu hoạch xong, chỗ nào chưa thu hoạch. Anh chị em suốt lúa có kinh nghiệm về các cuộc oanh tạc của địch, nên làm việc phân tán trên nương, lúa cao ngang ngực, khi có máy bay đến gần thì chỉ việc ngồi thụp xuống là đã được lúa che khuất. Ngược lại, khi dùng liềm cắt lúa, từ trên cao, chúng dễ dàng nhận biết đâu là nơi đang thu hoạch và anh em tăng gia cắt tới đâu sẽ lộ người đến đó, như vậy tự tay mình phá huỷ lớp nguỵ trang.

Rõ ràng là không thể dùng liềm cắt lúa. Trở về nơi ở tôi trách Đích: “Thế sao hôm họp bàn về việc làm liềm cậu không có ý kiến, làm cho anh em làm mất bao nhiêu công!”.

Đích trả lời thủng thẳng: “Ai mà biết, thủ trưởng. Cứ nghĩ dùng liềm thì năng suất hơn tuốt tay. Có làm mới biết chứ!”.

Việc đưa liềm nào thu hoạch lúa nương thất bại cho tôi một bài học thật sâu sắc về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới: Cần nghiên cứu thấu đáo tình hình thực tiễn, không thể làm theo mong ước chủ quan.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM