Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:42:10 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87627 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:12:18 pm »


Ngày 1 tháng 1 năm 1968. Anh H.S., Tư lệnh phó Mặt trận mới vào chiến trường. Tôi biết anh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi anh còn là một chỉ huy trung đoàn của Sư đoàn 308.

Gặp lại anh chúng tôi thật rất vui. Anh như mang vào không khí mới ở miền Bắc. Câu đầu tiên của anh khi gặp chúng tôi là: Ôi, tưởng Tây Nguyên xa xôi thế nào chứ có đâu mà xa. Chỉ đi vài giờ máy bay, gần một ngày đi ôtô, vài giờ đi bộ là tới Viện 211 đây rồi!

Đúng thật có đâu là xa với các cán bộ ra vào qua con đường công khai bằng phương tiện hiện đại. Còn với đa số bộ đội bình thường khi nghĩ về hậu phương có cảm giác như ở bên kia trái đất.

Bữa cơm chiêu đãi anh có thịt lợn, thịt gà tăng gia, có rau tươi, làm cho anh càng hào hứng: “Tưởng các anh khổ lắm, nhưng như thế này thì có gì là khổ nhỉ?”. Chúng tôi chỉ nghĩ thầm: Chỉ xin mời thủ trưởng ở với chúng tôi ít năm thì thủ trưởng thấy ngay thôi.

Anh mang vào cho chúng tôi nhiều thư của gia đình. Anh thật thà cho biết, quý nhất với các cậu ở trong này là tin tức gia đình, nên trước khi đi mình cho anh em đi quanh một vòng thu thập thư cho các cậu.

Anh cũng cho biết nhiều tin tức đầy phấn khởi của hậu phương. Nghe báo cáo tình hình Bệnh viện, anh mạnh dạn hứa sẽ giải quyết nhiều yêu cầu của chúng tôi đề xuất: như cử người ra Hà Nội xin thuốc men, trang thiết bị, vào Bắt đầu trao đổi kinh nghiệm. Nhưng không biết khả năng sẽ giải quyết được tới đâu?

Ngày 7 tháng 1 năm 1968. Có lệnh điều 104 nhân viên đi vận chuyển. Như vậy tổng cộng có 180 nhân viên đi công tác vận chuyển tăng gia, chưa kể 9 người được điều đi phục vụ lớp Văn hoá dân tộc, gồm các chị em thanh niên xung phong người dân tộc, đi phục vụ chiến trường từ mấy năm nay, nay được tập trung để học văn hoá. Chúng tôi gọi đùa là Trường Trưng Vương của Tây Nguyên.

Thương bệnh binh trong Bệnh viện vẫn ở mức xấp xỉ 1100-1200. Người phục vụ thiếu nghiêm trọng. Tuy nhiên các khoa đều có cách giải quyết lấy bệnh nhân nhẹ, đi lại được giúp đỡ bệnh nhân nặng và gọi là “rèn luyện lao động”.

Có lần đồng chí Chủ nhiệm Hậu cần mặt trận có vẻ phấn khởi bảo tôi: “Anh xem, ngoài Bắc cứ đấu tranh đòi biên chế 1.2 hoặc 1.1 phục vụ 1, ở đây mình có hàng nghìn thương bệnh binh mà biên chế chỉ có 350 nhân viên cũng xong! Mà đâu có được đủ 350. Hiện nay một nửa đi vận chuyển, tăng gia, chỉ có một nửa phục vụ bệnh nhân!

Tôi thì không hào hứng với cách tính toán như vậy chút nào vì chất lượng điều trị là một thứ rất co giãn lấy gì mà đo được? Xuống các khoa tôi đã thấy chỉ riêng việc cho thuốc bệnh nhân, đáng lẽ phải cho theo giờ, có nước uống bảo đảm thuốc đến từng người. Nhưng do thiếu nhân viên, nên nhiều khoa phát thuốc cả ngày. Đưa cho bệnh nhân cả vốc thuốc tự chia ra mà uống. Có khoa huy động số y sĩ y tá trong số bệnh nhân vào điều trị giao cho công việc chuyên môn thay cho số nhân viên chuyên môn của khoa đi tăng gia hay vận chuyển.

Hôm nay xuống khoa 24, bác sĩ Cầu, Chủ nhiệm khoa cho tôi biết : Trong khoa đang có 120 bệnh nhân điều trị. Nhưng do phải đóng góp người đi vận chuyển nên số cấp dưỡng thì đã cho đi hết. Cả khoa chỉ còn có một cậu quản lý, nhưng anh cũng đang tính sẽ cho đi vận chuyển nốt. Tôi ngạc nhiên: Thế anh lấy ai nấu cơm cho bệnh nhân? Anh đưa tôi xuống thăm bếp, thì ra anh đã huy động gần hai chục bệnh nhân nhẹ hoặc đã điều trị khỏi ở lại khoa gọi là “rèn luyện lao động”, cho tập trung ở hai dãy lán cạnh bếp. Số anh em này rất tự giác, dậy từ năm giờ sáng vo gạo, nhặt rau, vào rừng kiếm củi, kiếm măng nấu cơm, đủ mọi việc thay cho cấp dưỡng.

- Anh em đi điều trị mà lại phải nấu cơm như vậy, có thắc mắc gì không? - Tôi hỏi.

- Việc gì mà thắc mắc, họ thích là đằng khác - Anh Cầu thản nhiên. Rồi anh nói thêm: - Tôi cũng không giữ họ lâu. Chỉ một hai tuần, gọi là để rèn luyện rồi lại thay đám khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:12:47 pm »


TẾT MẬU THÂN

Ngày 30 tháng 1 năm 1968. Tuy chưa được chính thức phổ biến, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy có sự chuẩn bị cho một chiến dịch lớn. Các Tư lệnh chiến trường được điều động từ chiến trường này sang chiến trường khác và từ hậu phương vào chiến trường. Các con đường mới mở, các đoàn ôtô, ngày đêm rầm rập chạy. Các đoàn xe thồ kéo dài trên những đoạn đường len lỏi trong các rừng cây. Các kho trạm tạm thời mọc lên như nấm. Bộ đội đoàn này tiếp đoàn khác rầm rập vào chiến trường.

Hôm 26 tháng 1, có điện khẩn từ Phòng Hậu cần mặt trận triệu tập anh Công, Chính uỷ Viện lên họp gấp. Theo hẹn, chiều 27 phải có mặt ở Phòng: như vậy có nghĩa là phải đi trong hai ngày, chặng đường bình thường đi mất ba ngày.

Tết Mậu Thân 1968 - Tết thứ ba ở Tây Nguyên: Tết năm nay đúng là “Hơn hẳn mấy Xuân qua...” như câu thơ Bác Hồ đọc trên Đài từ hôm mồng Một Tết dương lịch.

Trưa ngày Ba mươi Tết, liên hoan toàn Viện, sau đó tôi sang trường Quân y rồi sang khối Ngoại. Đâu đâu cũng náo nức không khí Tết: Bánh trái la liệt, bánh chưng, kẹo, mứt rượu rôm rả. Khoa 40, nhân viên và bệnh nhân ca hát, gõ kẻng, đài phát thanh mở oang oang, trong khi mấy đồng chí khác thì chăm chú cạnh bàn cờ đến Giao thừa.

Trở về Viện bộ, liên hoan với anh em Y vụ, Đài phát thanh truyền đi chương trình Tết và ca nhạc suốt đêm.

Sáng mồng Một Tết, tôi còn đang lơ mơ ngủ thì đoành đoành. Tiếng súng nổ liên hồi bên cạnh. Bật dậy, tôi chạy sang Y vụ, anh em bên đó cũng nhốn nháo không hiểu tại sao. Anh Tấn chỉ huy bộ phận hành chính, cảnh vệ tay lăm lăm khẩu súng ngắn chạy tới kêu to: “Có biệt kích đột nhập vào Viện!”. Tiếng súng nổ dữ dội bên phải, bên trái. Anh Hựu trợ lý chính trị cũng từ ban Chính trị chạy sang: “Dứt khoát biệt kích tới đây rồi...”.

Cử 4 tổ cảnh vệ đi về phía có tiếng súng nổ. Báo động cho các khối. Tổ tự vệ khối Ngoại, Dược, mang súng ra nấp sau các gốc cây, ven con đường vào Viện.

Một lúc sau một đồng chí cảnh vệ về báo cáo: Bên khoa 23 mấy bệnh nhân bắn súng tếu, mừng Xuân. Tiếp sau đó, phòng Khám bệnh, Đại đội thu dung, khoa Nội 22 nghe thấy tiếng súng, “tưởng trên cho phép bắn mừng Xuân”, cũng nổ súng bắn chơi. Liên tiếp sau đó, như một bệnh dịch, cả ngoài nương rẫy cũng đòm đòm mấy loạt lên trời.

Chương trình Tết tiếp tục. Tôi sang chúc Tết khối Nội trong một buổi họp cán bộ, sau đó long trọng khánh thành triển lãm sáng kiến cải tiến của khối Nội, rồi đi chúc Tết khối Ngoại. Trưa liên hoan với nhân viên khoa 34. Chiều thăm khoa da liễu rồi trở về liên hoan với khoa Dược.

Chiều mồng Hai nhận được điện điều 8 cáng đi đón thương binh cách Bệnh viện 6 ngày đường và điều 6 học viên y sĩ ra tăng cường cho đội phẫu thuật của bác sĩ Lượng ở T30.

Tối mồng Hai Tết (ngày 30 tháng 1 năm 1968) anh Công đi họp về phổ biến lệnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng về cuộc Tổng công kích, Tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968. Tiếp sau đó, Đài phát thanh liên tiếp đưa những tin tức làm náo nức lòng người. Từ đêm mồng Một Tết, quân Giải phóng đã tấn công quyết liệt vào hàng loạt căn cứ Mỹ nguỵ, đánh vào Sài Gòn, Huế, Quảng Trị, Ban Mê Thuột...

Ở Sài Gòn, quân Giải phóng đánh vào Sứ quán Mỹ, Sân bay Tân Sơn Nhất. Ở các nơi khác quân ta chiếm được khu thành nội Huế, làm chủ thị xã Quảng Trị, tấn công Sân bay Đà Nẵng, chiếm Đài phát thanh Quy Nhơn, tấn công Thị xã Kon Tum, giải phóng Thị xã Ban Mê Thuột... Tất cả 40 thị xã, thị trấn bị đánh, nhiều sân bay bị tấn công, ngừng hoạt động. Đài Sài Gòn im bặt, không đưa tin.

Sáng hôm nay có tin Liên minh dân tộc dân chủ vì Hoà bình ra đời đòi Mỹ rút ra khỏi miền Nam Việt Nam, đòi thương lượng với Mặt trận dân tộc giải phóng.

Trong buổi giao ban sáng, mọi người bàn tán rất sôi nổi, các tin tức thời sự. Đâu đâu, nhân viên và bệnh nhân cũng xúm xít quanh chiếc đài phát thanh, nghe đi, nghe lại như nuốt từng lời các tin tức. Một thương binh gẫy xương đùi, mọi ngày nằm bẹp trên giường, hôm nay cũng cố cử động chiếc chân bó bột “Để còn đi duyệt binh ở Sài Gòn chứ!”.

Thấy nhân viên tiếp tục các công việc như thường lệ, xây dựng thêm nhà, theo chỉ tiêu được giao, có bệnh nhân hỏi: Sao còn làm nhà nữa, sắp xuống đồng bằng rồi cơ mà?

Nhà ở nhân viên khoa Dược mấy hôm liền không ai quét nhà: Sắp xuống đồng bằng, quét nhà làm gì?

Mọi người cứ náo nức cả lên. Xen với nhiều tư tưởng lạc quan tếu... thì một số thương binh tàn phế có vẻ ngậm ngùi: Vui là vui vậy đấy thôi, chứ mình thì thiệt thòi rồi.

Chiều hôm qua họp Chủ nhiệm khoa bàn việc thực hiện chỉ thị của Phòng về việc chuẩn bị chia đôi Bệnh viện: Một nửa ở lại hậu phương tiếp tục chăm sóc điều trị số thương bệnh binh hiện tại. Một nửa chuẩn bị theo các đơn vị tiến lên phía trước.

Trong chỉ huy Viện phân công tôi sẽ ra phía trước cùng với 4 khoa: 3 khoa Ngoại, một khoa Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:13:11 pm »


Ngày 2 tháng 2 có điện báo chuẩn bị bộ phận 101- đây là bí danh của phân Viện đi phía trước - sẵn sàng. Nếu có lệnh thì sau 4 giờ có thể lên đường được ngay. Ngay tối hôm đó. họp cán bộ để chuẩn bị cho bộ phận ra đi. Mọi người đều nô nức. Nhiều đồng chí không trong danh sách đi phía trước nằn nèo xin đi. Bàn giao thương bệnh binh cho bộ phận ở lại, đổi nhau nhân viên ốm. Mọi việc được giải quyết nhanh chóng, gọn gàng.

Hôm nay 200 thương bệnh binh ra Viện, ồn ào, nhộn nhịp bắt tay nhau, hẹn gặp lại ở Plâycu, Kontum hay một nơi nào khác dưới đồng bằng.

Tuy nhiên mấy hôm nay, nghe đài chỉ nhắc lại những tin chiến thắng của mấy hôm trước, đã có người băn khoăn: Sao không có tin gì mới nhỉ. Cuộc tấn công hình như chậm lại rồi hay sao?

Ngày 13 tháng 2 năm 1968. Tối 2 tháng 2, có điện gọi tôi lên Phòng nhận nhiệm vụ. Sáng hôm sau ra đi từ 5 giờ sáng, đi miết tới 6 giờ chiều thì tới Q8. Ngủ lại cạnh bờ suối. Hôm sau, qua Q9 vượt sông Đắc Mế, tới nương tăng gia của Phòng. Anh em sản xuất cho biết còn phải đi thêm 3 giờ nữa mới tới nơi, tới một đỉnh đồi con đường nhỏ tách ra hai hướng. Hướng bên trái có một cành lá đặt lên đường, dấu hiệu là đường cấm, chúng tôi liền đi theo đường rẽ sang tay phải. Xuống một dốc cao, gặp hai anh bộ đội đi ngược lại, mới biết là bị lạc. Phải đi đường rẽ sang tay trái mới đúng. “Có lẽ đơn vị Vệ binh đóng trong này đi lấy gạo, rạp lại đường...”. Một anh giải thích. Chúng tôi quay lại. Trở lại chỗ cũ, tụt một dốc cao, lội một quãng suối sâu. Tới 11 giờ trưa mới vào tới Phòng Hậu cần Mặt trận. Cơ quan cấp trên của chúng tôi.

Không khí ở đây có vẻ bình tĩnh. Anh Đạo phàn nàn: Các anh chuẩn bị hấp tấp quá, không thấm nhuần “tính giai đoạn” của Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa... ý anh muốn phê bình việc chúng tôi cho bàn giao để một nửa Bệnh viện có thể sẵn sàng khi có lệnh. Tôi xác định nhận nhiệm vụ rồi ra ngay, nhưng phải ở lại làm việc. Sáng 7 tháng 2, định về sớm, nhưng rồi lại phải nghe anh thuyết hồi lâu về công tác nghiên cứu khoa học, tới 11 giờ mới về được. Tối ra ngủ ở khe suối ngã ba đường thồ. Ngày hôm sau về tới Q7 và hôm sau nữa về tới nhà. Dọc đường đi. nhận được ba, bốn tin liên tiếp là anh em ở nhà đã tập trung luyện tập và mong tôi về để lên đường.

Khu ở của khoa 22 vừa mới dọn đi đã bị các khoa bên cạnh sang phá phách, dỡ giường, bàn ghế, lấy cửa. Trường Văn hoá thì thập thò chờ xin cả khu vực Viện cho nhà trường. “Các anh sắp về đồng bằng rồi còn giữ làm gì!”.

Chưa có lệnh di chuyển gì cả. Tôi chỉ được giao nhiệm vụ ra kiểm tra tình hình đội phẫu của bác sĩ Lượng ở T30, đồng thời xem địa điểm để sau này có thể triển khai. Nếu đánh mạnh Plâycu thì Viện 211 mới xuất quân. Hiện nay hãy cứ chờ.

Ngày 15 tháng 2 năm 1968. Chúng tôi 16 người lên đường ra T30, từ sáng 13 tháng 2, kết hợp mang theo thuốc, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho đội phẫu của anh Lượng.

Đường đi mất khoảng mười ngày vừa đi, vừa về. Phải qua hai sông Sa Thầy và Pô Cô đi về hướng Plâycu. Đã chuẩn bị tinh thần cho anh em trong đoàn, có thể ăn bom B52, có thể bị trúng pháo bầy, nhưng mọi người đều hăng hái và quyết tâm. Cậu Vy đã chuẩn bị cho hai anh em một gô thịt gà kho mặn và một gô dưa chua.

Qua sông Sa Thầy. Giữa mùa khô, nước cạn nên có thể lội qua được. Lòng sông lô nhô đá, nước chảy ào ào như thác. Đường đi qua những rừng cây săng lẻ, thân trắng, qua các bãi bom B52 dài hàng cây số, đi hàng tiếng đồng hồ không hết, với những hố bom sâu hoắm như những cái ao, đất đỏ lòm... Nhưng cây cối chung quanh vẫn xanh um. Đêm qua ngủ lại ở đội thồ của Viện 211 do đồng chí Hoà làm đội trưởng, anh em đều gầy nhưng vui vẻ. Trong số nữ có cô Nguyệt, bị bệnh Ozen ở mũi đang chuẩn bị cho về hậu phương điều trị nhưng vẫn gùi được 62 kg. Uân, một thanh niên trẻ, đẹp trai, bị huyết áp cao, thỉnh thoảng có những đợt nhức đầu, nhưng vẫn gùi 82 kg. Trông anh chị em vất vả quá, thật là thương. Nói chuyện tình hình cho anh em nghe. Đêm nằm trên sạp tre, giữa trời không có mái. Trải tấm ni lông làm chiếu, căng màn che sương. Qua kẽ lá rừng, thấy những ngôi sao lấp lánh trong đêm. Dọc đường đi, suốt ngày mở đài ra nghe, con đường quanh co hết lên lại xuống giữa rừng già. Gặp Trung đoàn 18 đang hành quân. Toàn lính trẻ, má còn lông tơ, mặt bấm ra sữa, thỉnh thoảng xen kẽ một cán bộ đứng tuổi mang súng ngắn. Gặp đồng chí Châu, Chủ nhiệm Quân y E18 cho biết đơn vị đang bao vây Kontum thì được lệnh vào cánh Trung.

Bộ đội chạy rầm rập qua cầu tre. Đồng chí Trung đoàn phó tính toán không qua kịp sông rồi. Nếu cho đóng quân cả Trung đoàn sít với nhau ở đây, nhỡ B.52 nó chơi cho thì toi. Anh gọi cậu chiến sĩ trinh sát đi cùng: “Này! Quân sự dân chủ... Cậu nghĩ thế nào?... Cho các tiểu đoàn đóng quân ở đâu?”.

Vượt qua sườn dốc, thấy cậu Mạnh, y sĩ của đoàn, nằm dài cạnh đường. Hỏi: “Cậu sao thế, sốt à?”.

Mạnh trả lời: “Không, mệt quá anh ạ”.

Bắt mạch, mạch đập nhanh nhưng không sốt. Lo quá, anh em đều mang nặng cả. Nếu một người ốm thì lấy ai cáng đây... Đến chỗ nghỉ cho người quay lại đón, nhưng chỉ một lúc sau đã thấy Mạnh xăm xăm tới... Đã khỏi rồi...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:13:37 pm »


Ngày 17 tháng 2 năm 1968. Đã gần tới sông Pô Cô. Trèo qua những ngọn núi đá tai mèo, trời sập tối, chúng tôi phải qua sông đêm. Con đường dài hun hút, hết lên dốc lại xuống dốc, khấp khểnh men theo sườn núi đá, có lúc vướng đất ngã dúi dụi, dép tung đi một phía, ba lô, đài đứt quai đeo, tung đi phía khác, lại lổm ngổm bò dậy, tìm dép, buộc lại ba lô và đài, phủi đất tiếp tục đi.

Đây là vùng trận địa năm ngoái, các bãi bom B52 chạy dài như những nương mới phát, thân cây đổ ngổn ngang, không ai dọn dẹp, lỗ chỗ những vết đạn. Có tiếng nổ lốp bốp cạnh đường, có người nói: Đồng bào đốt rừng. Nhưng rồi một tràng đại liên nổ giòn: Có biệt kích! Chúng nó đóng trên một ngọn đồi chỉ cách đường vài chục phút. Nhưng chúng nó chốt ở đó, không dám đi đâu cả. Bên này sườn đồi bộ đội vận tải vẫn đi rầm rập.

Trời tối hẳn, chúng tôi vẫn chưa tới bờ sông. Đang đi trên đỉnh núi bỗng người đi đầu quát to: “Ai!” và rút chốt lựu đạn. Dưới ánh đèn pin, thấy một người đeo chiếc thắt lưng Mỹ, tưởng gặp biệt kích, nhưng không phải, chỉ là một anh công binh, ngồi cạnh một công sự cạnh đường.

8 giờ tối, dừng lại ăn cơm, sau đó tiếp tục đi dưới ánh trăng mờ mờ, vượt qua một dốc, nghe thấy tiếng nước chảy rào rào phía dưới: sông Pô Cô đây rồi. Xa xa về phía Nam một vài quả pháo sáng vọt lên trời, đồn địch ở phía đó.

Sát bờ sông, tiếng nước chảy êm hơn. Một toán bộ đội ngủ cạnh bờ, nghe tiếng chân người nhỏm dậy hỏi: Đơn vị nào? Rồi lại nằm xuống ngủ tiếp.

Qua sông trên một con thuyền độc mộc chòng chành, lòng thuyền đầy nước, phải ngồi xổm, không được cựa quậy, tay bịt lỗ thủng ở mạn thuyền để ngăn không cho nước chảy vào thuyền. Trên đầu tiếng máy bay trinh sát ì ì hai ngọn đèn đỏ nhấp nháy ở hai bên cánh.

Bờ sông phía Đông là một bãi cát rộng. Đường đi chằng chịt không biết theo đường nào. Anh lái đò cho biết phải đi thêm hai tiếng nữa mới tới “bãi khách”. Không ngủ được ở đây vì thỉnh thoảng chúng nó bắn pháo bầy. Rồi anh hướng dẫn chúng tôi tỉ mỉ: đi theo hướng này, lên tới đỉnh dốc, có một ngã ba, rẽ tay phải, tới hai thùng hoá học, địch thả cạnh đường thì rẽ tay trái, qua một cái cầu tre, tới một khóm có ba gốc cây to cụt thì lội qua suối. Cứ đường mòn mà đi.

Chúng tôi nhìn nhau, nhìn đồng hồ đã 11 giờ đêm. Lằng nhằng thế này khéo đi suốt đêm mà anh em đã đi cả ngày rồi. Nằn nèo, nói khó, anh lái đò phân vân, lưỡng lự nhưng cuối cùng, gật đầu thông cảm. “Ngủ trên bờ sông không bảo đảm, địch pháo kích luôn... Thôi các đồng chí theo tôi”.

Anh đưa chúng tôi men theo bờ sông tới một chỗ vách đứng có một khe sâu như một công sự thiên nhiên, trên mặt đất cát lơ thơ vài bụi cỏ. “Đây, nhà đây”, anh nói rồi bỏ chúng tôi lại, quay ra bến tiếp tục chở đò cho bộ đội. “Tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. Chúng tôi chỉ kịp dải tấm ni lông lên mặt đất cát mềm như một tấm nệm, rồi lăn ra ngủ một giấc say sưa giữa tiếng đại bác cực nhanh nổ ở gần.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:13:57 pm »


Ngày 22 tháng 2 năm 1968. Sáng ngủ dậy tiếp tục lên đường, qua khu vực địch thả chất độc hoá học. Hai thùng hoá học thả ngay cạnh đường, đi qua, hơi thuốc còn ngột ngạt, chảy nước mắt, nước mũi. Nghe kể lại, lúc mới thả, trong một tuần đầu, không người nào qua lại được. Con đường nhỏ chênh vênh ở sườn núi, không có đường tắt. Bộ đội hoá học đeo mặt nạ định kéo hai thùng đi, nhưng nặng quá không đưa đi nổi, nên nghĩ ra một cách là buộc một sợi dây dài chạy ngang cạnh thùng để cho bộ đội khi đi ngang qua, bịt chặt mắt mũi, nhắm mắt, nín thở, lần theo dây vượt nhanh qua chỗ có hoá chất độc.

Lúc chúng tôi đi qua thấy hai thùng to như hai thùng khuy 200 lít, nằm ềnh cạnh đường đã hơn một tháng mà hơi vẫn còn sặc sụa, phải thấm nước ướt khăn mặt, bịt mồm mũi và đi thật nhanh để vượt qua...

Tới kho T30, gặp đồng chí Trúc, Chủ nhiệm Hậu cần Trung đoàn. Anh Trúc đang lên cơn sốt, đắp chăn kín mít, rên hừ hừ. Thấy có khách cũng cố nhỏm dậy, mặt hốc hác, râu tua tủa. Thấy tôi đeo chiếc đài bán dẫn, anh vừa rên vừa hỏi: “Có tin gì mới không đồng chí?”. Mọi người đang náo nức chờ tin chiến thắng...

Trung đoàn đang chiến đấu phía trước, anh ở lại kho hậu cứ chỉ huy việc tiếp tế ra mặt trận. Sốt 4 ngày nay mà không có thuốc, không có y sĩ, y tá. Tìm trong kho của hậu cứ, tôi phát hiện ra có mấy kiện thuốc sốt rét mà anh không biết.

Nghỉ lại kho hậu cứ một ngày, ngày hôm sau đi tiếp ra đội phẫu của bác sĩ Lượng. Càng ra gần trận địa, càng nhiều vết bom đạn, cây cối đổ ngả nghiêng. Đường hết lên dốc lại xuống dốc. Phải đi nhanh qua nhiều ngọn đồi trống để tránh đạn pháo của địch.

Đến đội phẫu của bác sĩ Lượng vào buổi chiều. Đội phẫu đóng ở ven sườn một dãy núi đá. Những tảng đá cao hai ba đầu người, xếp chồng chất lên nhau. Thương binh nằm trong những hang đá hẹp. Thấy tôi, anh Lượng rất mừng. Anh ưu tiên cho tôi ở một hang đá đủ chỗ cho hai người, khi ra vào phải lom khom. Trên nền đá, có một sạp tre, vừa đủ người nằm. Ngách hang đá bên trên là chỗ của anh Tấn và anh Lượng. Không mắc được màn vì trần quá thấp, sườn đá nhẵn không có chỗ mắc dây màn. Đêm đến quen như ở nhà ngồi nhỏm dậy đầu cục vào vách đau điếng. Thỉnh thoảng một phát đại bác bắn về. Loại đại bác cực nhanh, không nghe thấy tiếng nổ đầu nòng mà đã thấy nổ ngay ở trên đầu. Trước cửa hang còn lơ lửng một cành cây to bằng bắp đùi, lá còn xanh: vết tích của trận pháo kích đêm hôm trước.

Suốt ngày thương binh phải nằm trong khe đá. Nếu không có việc thì rất hạn chế đi ra ngoài. Nằm trong hang nghe tiếng suối chảy róc rách dưới lưng, nhưng không thấy được nước vì có nhiều tảng đá ngóc ngách che khuất. Nếu nhỡ, để rơi một chiếc dép, một cái bật lửa, hoặc một chiếc bút... là mất hút.

Phòng mổ cũng ở trong một hang đá, tối om. Bên bàn mổ ở giữa hang, chỉ vừa hai người đứng hai bên. Ngày cũng như đêm phải thắp nến.

Một bệnh xá huyện phối hợp với đội phẫu. Một nữ y tá quê ở Bình Định, lên đây từ năm 1965, xanh rớt như tàu lá. Từ ngày thành lập, bệnh xá luôn ở vùng tranh chấp, bị địch phục kích nhiều lần, nên anh chính trị viên bệnh xá rất không bằng lòng khi thấy anh em nói to, cười to, sợ lộ địa điểm.

Sáng nay thăm anh em thương binh. Họ nằm rải rác trong các khe đá, chỗ cao, chỗ thấp, có chỗ phải bò mới tới được Nơi một người, nơi hai người. Nơi rộng thì 5-6 người một hang. Nhiều hang quá chật, người nằm kẹt giữa hai tảng đá, xoay người là chạm vào vách. Các gờ đá mấp mô cứa vào da đau nhói. Trong hang bảo đảm được an toàn nhưng rõ ràng là quá mất vệ sinh, mùi hơi người, mùi máu, mủ của vết thương xông lên nồng nặc. Rõ ràng, đây chỉ có thể là nơi sơ cứu tạm thời, không thể giữ thương binh lâu được.

Đa số là thương binh nhẹ, chỉ có vài anh nặng, thở khò khè. Không khí chung vui vẻ, anh em hào hứng kể chuyện tập kích vào Plâycu, quần nhau với xe tăng địch trên đường 14. Một chiến sĩ đặc công trẻ, hiền lành, nói nhỏ nhẹ như con gái đã cùng với đơn vị đánh nhà tỉnh trưởng, Chỉ huy sở quân đoàn, chuyện ăn bánh mứt Tết và hút thuốc lá thơm trong thị xã Plâycu...

Ngày hôm sau, cùng đi với bác sĩ Lượng thăm các địa điểm chung quanh. Thăm khu C, có thể chứa được 50 thương binh, cũng dựa vào núi đá. Trên đỉnh đồi cao có một bãi trống, chung quanh là những mỏm núi đá mấp mô. Cây chặt đổ ngổn ngang. Đây là bãi đổ bộ của bọn Mỹ mấy hôm trước, vẫn còn ngổn ngang các vỏ đồ hộp, bao thuốc lá, giấy báo, những công sự làm dở.

Qua thăm bản Ta D’răng, mấy túp nhà tre nhỏ cạnh khe núi, ven suối, mấy hố bom ven rừng đồng bào đã bỏ bản đi nơi khác, ở đây cũng có một hang đá nhỏ. Thăm chỗ sản xuất thuốc của đội phẫu. Tổ chỉ có hai người, một dược tá, một dược công. Buồng pha chế là một cái màn nhỏ, có ny lon che mưa phía trên, căng dưới gốc cây. Màn chỉ bằng một nửa chiếc màn cá nhân. Bàn pha chế là một hòm gỗ đặt trên bốn chiếc cọc chôn xuống đất. Anh dược tá đứng ngoài trời, thò hai tay vào trong màn để pha chế. Dụng cụ pha chế chỉ lỏng chỏng một nồi cất nước kiểu “thuỷ thượng”, một cái phễu thủy tinh đã vỡ phải dán lại bằng băng dính, một cái chai có khắc mức đo dung tích 50, 100, 150 ml, dùng làm ống đong, cũng bị nứt, băng dính dán dọc thân chai. Chai lọ lèo tèo độ mươi cái. Nước cất đựng trong một lúi ni lông. Hiện đại nhất ở đây là một cái cân tiểu ly, kiểu cân bàn. Chiếc đũa thủy tinh cũng đã bị gẫy, chỉ còn một đoạn độ hơn một gang tay. Anh Đào dược tá, phụ trách tổ Dược cười bảo tôi: Gay go quá. Khi được lệnh chia đôi, tổ Dược của Đội điều trị không có đủ dụng cụ, phải tự tạo lấy một bộ dụng cụ pha chế để phục vụ kịp thời...

Tuy thế mà cũng pha chế được gần hai mươi loại thuốc khác nhau cho đội phẫu, từ các dịch truyền mặn, ngọt, thuốc tê Novocain, sinh tố B1, C, B12, Quinin tiêm... Mỗi ngày khoảng 2 lít thuốc tiêm các loại cho khoảng 100 thương bệnh binh. Theo bác sĩ Lượng, không có áp xe do tiêm, không có phản ứng khi truyền dịch tĩnh mạch. Có lẽ là nhờ “huyết thanh nóng giòn” như anh em dược ở chiến trường thường nói, có nghĩa là dịch truyền vừa pha chế xong, còn ấm đã được sử dụng ngay.

Buổi tối. anh Lượng phấn khởi cho biết: có chất tươi chiêu đãi chúng tôi, đó là một con heo rừng bị bom B52 chết đêm hôm trước, anh em đi lấy măng nhặt được. Bữa ăn cũng có món xào, nấu. Anh Tấn ao ước: giá có tý chất cay thì hay nhỉ. Anh chính trị viên Bệnh xá ngồi bên cạnh “A” một tiếng rồi chui ngay vào hang lấy ra một hộp nhỏ: “Chất cay đây, nhặt được trên bãi đổ bộ của bọn Mỹ đấy. Pha tý nước vào thành rượu uống tốt lắm!” Anh Lượng cảnh giác: Khéo thuốc độc thì bỏ mẹ!

Tôi đọc hàng chữ tiếng Anh ghi trên vỏ hộp: Chết, thứ này uống sao được. Đây là cồn chỉ dùng để đun nấu. Anh chính trị viên cãi: Cũng là rượu, chúng tôi vẫn uống và thế là mọi người vẫn chén tạc chén thù, thật vui vẻ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:14:17 pm »


Ngày 7 tháng 3 năm 1968. Chúng tôi ở lại đội phẫu bác sĩ Lượng ba ngày, và đã truyền đạt cho anh Lượng những chủ trương của Phòng về việc báo đảm quân y cho mặt trận phía Tây thị xã Plâycu, đồng thời dự kiến được những việc cần chuẩn bị trong tình huống phải triển khai Bệnh viện ở đây.

Buổi chiều chúng tôi về tới sông Pô Cô, đang đứng hứng thú ngắm phong cảnh tuyệt vời của sông Pô Cô dưới ánh nắng chiều thì có tiếng quát từ sau một tảng đá:

- Ai, dừng lại

- Tôi! - Tôi nhẹ nhàng trả lời.

Tiếng quát vẫn gay gắt, giật giọng:

- Tôi là ai? Đơn vị nào?

Tôi cáu, quát lại:

- Anh là ai mà làm ầm lên thế?

Hai anh bộ đội lăm lăm khẩu AK, nhô ra từ sau chỗ nấp:

- Không biết biệt kích vừa mới bắn người ở đây à?

Thấy chúng tôi, các anh dịu giọng một chút cho biết một đồng chí du kích người dân tộc vừa mới bị biệt kích bắn toác chân, cách đây có hai mươi phút. Máu còn loang trên cát. Nhưng sau đó anh nói nhỏ: Nhưng có khi lính mình bắn nhầm cũng nên. Anh du kích dân tộc cũng mặc áo rằn, đội mũ biệt kích...

Chúng tôi phải chờ đến tối mới qua được sông Pô Cô trong không khí căng thẳng có biệt kích quanh đây. Máy bay ì ì trên đầu. Pháo bắn vu vơ. Đêm ngủ ở một sườn núi đá trơ trụi. Không có dây để mắc võng, nằm trên đất, lót ít lá rừng xuống dưới lưng cho êm. Những ngôi sao lấp lánh trên nền trời đen sẫm...

Mấy năm nay, địch tăng cường cuộc chiến tranh bằng các đơn vị biệt kích. Lính biệt kích, có thể là quân nguỵ Sài Gòn, nhưng nhiều khi chúng sử dụng ngay chính những tên trong hàng ngũ ta đầu thú, cho dự một lớp huấn luyện ngắn, rồi dùng trực thăng, thả xuống hậu phương của ta để dò la tin tức hoặc phá hoại... Bọn biệt kích có khi ăn mặc trang phục riêng của chúng, nhưng nhiều khi để trà trộn vào quân ta, ăn mặc cũng đúng như bộ đội Giải phóng: mũ tai bèo, dép lốp, súng AK... Ngược lại một số bộ đội ta và nhất là anh em du kích địa phương lại thích mặc những thứ trang bị bắt được của địch.

Có chuyện một chiến sĩ vận tải trên đường đi công tác trở về đơn vị, dọc đường gặp một anh bộ đội. Hai anh đi cùng một đoạn đường, nói cười vui vẻ. Tới một chỗ nghỉ trên đỉnh đồi. anh chiến sĩ vận tải ngắm nghía anh bạn đồng hành, giật mình: áo rằn ri, giày vải, súng AR 15. Nói năng ngang tàng. Cậu kia cũng nhìn anh lính vận tải vẻ nghi ngại. Rồi đột nhiên hai thằng nhảy bổ vào nhau, cắn xé, vật lộn. Hai khẩu súng văng xa. Hai thằng vật nhau tới men sườn dốc thì lăn cả xuống dốc rồi ù té bỏ chạy, mỗi thằng một phía.

Chiều tối, đại đội trưởng vận tải thấy lính của mình chạy về, thở không ra hơi, quần áo rách bươm, mặt mày sây sướt. Báo cáo gặp biệt kích!

Trong khi đó đơn vị công binh ở cạnh, cũng thấy chiến sĩ chạy về: Báo cáo có biệt kích, em đã đánh nhau với nó.

Cũng còn may là hai đơn vị kịp thời thông báo cho nhau và phát hiện ra sai lầm nếu không, chưa biết câu chuyện còn có thể đi tới đâu.

Trong suốt mấy ngày sau, rải rác khắp dọc đường đi, trong các bụi cây, trên cành cây, trong rừng, trên sườn núi đá, rất nhiều truyền đơn to như tờ báo. Anh em nhặt một tờ đưa tôi xem: Hình một người, ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn. Kèm theo lời kêu gọi: Việt cộng hãy đầu hàng chính nghĩa quốc gia.

C. đã phản bội! C. là một bác sĩ của Nông trường 1 (Sư đoàn 1 ), không chịu được gian khổ đã đầu hàng địch. Địch đã nhanh chóng sử dụng C., viết truyền đơn, in rất to rải la liệt bằng máy bay. Đêm đêm, máy bay trinh sát bay rất thấp. Tiếng ca hát ầm ĩ phát ra từ máy bay, xen kẽ bằng những lời của C. kêu gọi, khi thì cán bộ, chiến sĩ Nông trường 71, khi thì kêu gọi anh em quân y Tây Nguyên, hãy ra đầu hàng, sẽ được khoan hồng, được ăn ngon, mặc đẹp, đối xử tử tế, khi thì doạ nạt đã biết hết chỗ ở của các anh rồi, hãy mau ra đầu hàng để tránh bị tiêu diệt.

Đáng lo nhất là C. đã biết khá rõ vị trí các cơ sở hậu cần, các kho trạm, đường đi, các Bệnh viện, C. đã ra vào Bệnh viện chúng tôi nhiều lần khi thì đi điều trị, khi thì họp Hội nghị, nên việc C. đầu hàng có thể rất nguy hiểm cho chúng tôi.

Ảnh và truyền đơn của địch bộ đội xé nát vứt khắp đường.

Vượt trở lại sông Sa Thầy về đến nhà, tôi cũng nhận được điện khẩn và mật của Phòng thông báo tình hình C. đầu hàng địch và chỉ thị nhanh chóng di chuyển trong Bệnh viện. Anh chị em lại trở lại với công việc “thổ mộc”, không hết lời nguyền rủa thằng phản bội làm cho chúng ông khổ! Tuy nhiên đã một tuần trôi qua mà tình hình vẫn yên tĩnh, không thấy địch đánh phá gì...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:14:40 pm »


Ngày 10 tháng 3 năm 1968. Lại một đợt tấn công mới: Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Đắc Tô, Đắc Lắc... bị tấn công và pháo kích.

Nhận được một lúc 6 lá thư của Hương và gia đình. Giở ra xem, thì thật ngạc nhiên, có thư viết từ hơn hai năm trước, khi tôi mới rời Hà Nội, thư mới nhất, viết trước đây hai tháng, tháng 1 năm 1968. Có lẽ là mùa khô, những lá thư ứ đọng ở các trạm giao liên dọc đường, nay mới có điều kiện di chuyển nên thư vào dồn dập.

Tình hình gia đình yên ổn. Mấy tháng trước, chúng nó rải bom bi xuống Hà Nội. Ba quả rơi vào nhà. Chú Hạnh bị thương nhẹ vào chân. Vợ tôi và các em Mân, Hoàng, Hồng được kết nạp vào Đảng, Giao đã đi học Tiệp Khắc, Uyển đã đi học Cuba, Lộc con gái chúng tôi đã lên lớp 4, nặng 31 kilô, chỉ vài tháng nữa con sẽ nặng bằng mẹ. Ba Mợ tôi vẫn khoẻ, vui vẻ. Đó là điều tôi mừng nhất. Không hiểu tại sao, từ khi ra đi, tôi vẩn vẩn vơ lo ngại, khi trở về không biết còn gặp lại được các cụ nữa không?

Vừa có đoàn bác sĩ từ Hà Nội vào chiến trường Nam Bộ, trong đó có anh Bá, gây mê của Viện Quân y 108. Anh quê miền Nam tập kết ra Bắc. Trong rất nhiều năm, không biết vì lý do gì, nghe anh em xì xào, vì chuyện thành phần gia đình, anh không được đề bạt học tập. Mãi gần đây mới được học chuyên tu và được cử vào chiến trường. Gặp chúng tôi và ra thăm mộ anh Lạc, anh khóc nức nở, nhớ những ngày cùng làm việc ở Hà Nội, những buổi mổ căng thẳng trong Bệnh viện...

Cách đây vài ngày, khoa Tâm thần báo cáo có một bệnh nhân tâm thần đi đâu mất. Nhân viên bổ đi tìm khắp nơi, ra nương, ra kho binh trạm, sang cả đơn vị bạn, lùng sục trong rừng, không thấy đâu cả. Hôm nay, khi anh em vào rừng lấy lá lợp nhà thì thấy một xác người treo lủng lẳng trên cây. Anh đã treo cổ tự tử. Thật hết sức đau buồn. Mặc dầu không khí chiến thắng dào dạt trong cả nước, nhưng vẫn không khỏi có những người dao động hoang mang trước những khó khăn trước mắt, không tìm được lối thoát.

Có lệnh điều một khoa Ngoại đi tăng cường cho viện 1. Số thương bệnh binh ở đây trên 1.100 người, vượt quá khả năng thu dung của Bệnh viện. Khoa 31 được điều đi, có 24 nhân viên mà phải chuẩn bị tinh thần nhận 250-300 thương bệnh binh.

Công việc đang túi bụi, hơn một trăm nhân viên đang đi vận chuyển ở Q.7 với chỉ tiêu một ngày 5 tấn hàng. Hôm trước, khi vượt sông Sa Thầy, bị máy bay L19 phát hiện. Chúng lượn sát mặt sông. Tên giặc lái máy bay cởi trần, người đỏ như con tôm luộc, thò hẳn nửa người ra khỏi máy bay nghiêng ngó. Nó phát hiện ra chiếc xe đạp thồ, có vành xe sáng loáng, không thể nguỵ trang được. Anh chị em trong đội vận chuyển đang lội qua sông, đành ngồi thụp xuống giữa dòng sông, như những tảng đá. Anh chỉ huy đã qua được bờ sông bên kia, quay lại nhìn thì rụng rời người khi trông thấy cô nhân viên, ngồi giữa sông, nhưng sợ ướt, vén quần để lộ đôi đùi trắng lốp, anh chỉ kịp hét to: “Che cái đùi đi!”. Chúng nó bắn hai loạt rốc két, gẫy tung cái vành xe. May, người không ai việc gì.

Ngày mai lại phải cử sáu cáng ra đón thương bệnh binh ở Q.7, trong khi đó lại phải điều lực lượng ra phát 30 hecta nương. Số lao động thiếu trầm trọng. Phải nghĩ cách làm sao tăng năng suất lao động.

Bệnh viện mới được trang bị một số xe đạp thồ để vận chuyển lương thực, thực phẩm. Đã bàn với đội vận tải dùng xe đạp chuyển thương. Nhưng anh em còn rất ngần ngại, sợ tai nạn, không an toàn, ngã thương binh.

Tâm lý “Xay lúa, khỏi ẵm em” còn nặng. Ai hơi đâu gánh thêm trách nhiệm làm gì. Ngoài kia đang có cuộc vận động: Một người làm việc bằng hai. Trong này có thể nào, vừa xay lúa, vừa ẵm em được không?

Ngày 15 tháng 3 năm 1968. Lần đầu tiên, chúng tôi dùng xe đạp thồ chuyển thương thành công ở Tây Nguyên. Ở miền Bắc thì đây là việc quá đơn giản. Nhưng ở đây là cả một cuộc đấu tranh tư tưởng gian khổ. Mấy năm nay, ở đây đã có đường thồ và sử dụng xe đạp thồ để vận chuyển lương thực, thực phẩm. Rõ ràng là năng suất lao động cao hơn gùi bộ nhiều. Nhưng chưa thấy ai dùng xe đạp để vận chuyển thương bệnh binh. Đã mấy lần tôi bàn với đội vận tải của Viện nhưng anh em vẫn ngần ngại, sợ đường rừng khó đi, không đảm bảo an toàn.

Nhận được lệnh điều sáu cáng lên đón thương binh ở Q7, tôi gọi anh đội trưởng vận tải lên tính toán.

Mỗi thương binh cần bốn người cáng. Sáu cáng vị chi là phải có 24 người, thêm y tá, chỉ huy, dự phòng người ốm. Tất cả mất 27-28 người. Đoạn đường từ Bệnh viện lên Q7 đi bộ mất 1 ngày. Nhưng nếu cáng nặng phải mất hai ngày. Như vậy để cáng 6 thương binh sẽ mất ngót nghét 80-90 công lao động!

Giữa lúc này, nhân viên bị điều đi khắp nơi: lớp đi vận chuyển, lớp đi phát nương. Lấy đâu ra 90 công lao động bây giờ? Như bị dồn đến chân tường, tôi quyết định trực tiếp đẩy xe thồ đi đón thương binh, vừa để rút kinh nghiệm lần đầu.

Sau một buổi chuẩn bị và bàn bạc, từ sáng sớm, tôi cùng một đội 12 anh chị em nhân viên, phóng xe đạp lên Q7. Đang giữa mùa khô, con đường đất đỏ chạy ngoằn ngoèo trong rừng, tương đối dễ đi. Thỉnh thoảng một con mòng to bằng đầu đũa bay vút vào mặt, rúc rất nhanh vào tóc trên trán, đốt đau nhói. Loại mòng này rất thích đốt vào chỗ tóc ẩm mồ hôi. Đập chết cũng còn khó khăn mới gỡ chúng ra khỏi tóc. Qua một cái cầu treo qua suối là đã tới Q7, đi tiếp một đoạn đường thồ men theo vách núi đá là tới Q7. Tới nơi mới 9 giờ sáng. Như vậy chúng tôi chỉ mất ba giờ đi xe đạp để vượt chặng đường mà lẽ ra phải mất một ngày đi bộ.

Thương binh đã chờ sẵn trong một chiếc lán ở ven đường. Chúng tôi nhận bàn giao. Một anh thương binh nhỏ bé được mấy cô tranh nhau chọn. Còn các anh to béo thì đùn đẩy, không ai chịu nhận. Tôi phải đứng ra phân xử, phân công trách nhiệm cho từng người, rồi chuẩn bị ra về.

Trong số 6 thương binh, thực sự chỉ có hai là nặng phải nằm, còn bốn anh, có thể ngồi trên yên xe đạp cho một người đẩy. Một chiến sĩ vận tải, áp dụng kinh nghiệm thồ bệnh nhân ở miền Bắc, buộc chiếc cáng vào hai cọc thồ của hai xe đạp cho hai người đẩy xe, thật nhẹ nhàng. Một cậu khác đề xuất cách giải quyết chỉ cần dùng một xe đạp buộc chiếc cáng một đầu lên cọc xe thồ, đầu bên kia có người cáng bằng vai. Cách làm này, chỉ cần hai người và một xe đạp là cáng được một thương binh. Nếu khéo buộc để cho trọng lượng người nằm đè lên xe đạp thì người cáng rất nhẹ, không vất vả bằng cáng bộ.

Trên đường đi, các thương binh ngồi được trên xe đạp do các cô hộ lý của chúng tôi thồ, tới những đoạn đường khó đi, lên dốc thương binh xuống đi bộ để chị em đỡ nặng. Tới chặng cuối thì cả bốn anh đều đi bộ tập tễnh cạnh các cô nói chuyện như khướu, tay đẩy cái xe đạp lăn bon bon trên đường. Thì ra dù bị thương, nhưng sĩ diện của mấy đấng mày râu cũng không cho phép các anh ngồi trên xe để cho các cô em bé nhỏ gò lưng đẩy...

Cả đoàn chúng tôi về tới Viện lúc sáu giờ chiều... ưu thế của việc chuyển thương bằng xe đạp thật đã rõ ràng. Vừa nhẹ nhàng, vừa tiết kiệm được nhiều sức lao động. Để chuyển 6 cáng thay vì mất 90 công trong ba ngày, chúng tôi chỉ mất 12 công trong một ngày, mà anh em thương binh cũng về được nơi điều trị sớm hơn.

Điều quan trọng hơn cả là chúng tôi giải quyết được tư tưởng sợ không an toàn.

Sau mấy chuyến chuyển thương tiếp sau tôi đúc kết được thành một quy chế “Chuyển thương bằng xe đạp” trong đó ghi rõ, các hình thức chuyển thương, các chỉ định và phản chỉ định theo loại vết thương và theo tình trạng toàn thân thương binh. Cách chuẩn bị xe đạp, người tải thương. Kinh nghiệm này được giới thiệu trên Nội san Quân y Tây Nguyên và được phổ biến để ứng dụng trên toàn chiến trường.

Mấy năm sau, trên cơ sở những kinh nghiệm ban đầu này, cơ quan Hậu cần mặt trận cho sản xuất những xe đạp chuyên dùng để chuyển thương. Chuyển thương bằng xe đạp được phổ biến khắp chiến trường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:16:02 pm »


Ngày 28 tháng 4 năm 1968. Đêm đêm tiếng bom B52 nổ liên tục. Tiếng máy bay trinh sát vo ve suốt ngày đêm trên đầu. Đội vận chuyển được rút về cho biết ngoài bờ sông Sa Thầy đang làm đường ôtô nên chúng nó đánh phá dữ dội. Như vậy đường ôtô đã vòng qua chỗ chúng tôi ở. Tiếng ôtô ì ì suốt đêm.

Bộ đội vẫn tiếp tục vào chiến trường. Những bộ quân phục mới màu xanh thẫm. Một sư đoàn cơ giới mới vào, tập kết ở Q7, kín đáo dưới rừng cây chờ ngày xuất kích. Anh em còn chỉ cho tôi một quả đồi cạnh đường giao liên, có bộ đội ngày đêm canh gác, thì thào: một tiểu đoàn tăng đang “chôn” ở đó. Các xe tăng được giấu kín trong các công sự, nắp công sự và cửa vào đắp đất kín, trên còn trồng sắn. Các cây sắn đã bén rễ xanh tươi mơn mởn. Người không biết đi ngang qua tưởng chỉ là một nương sắn bình thường.

Trung đoàn 320 bộ binh “quả đấm thép” của Bộ, cũng mới vào, ai cũng khoẻ mạnh, đội mũ sắt. Họ chủ quan, đốt lửa nấu cơm, toả khói mù mịt. Anh em cũ có nhắc nhở thì vỗ ngực: “Lính Khe Sanh đây!”...

Trong những khu rừng rậm rạp, đang thầm lặng chuẩn bị cho một đợi tấn công mới.

Tuần trước, hai chiến sĩ công binh bị thương được khiêng vào Viện. Mới từ miền Bắc vào, còn ăn tiêu chuẩn miền Bắc, to béo lực lưỡng. Một anh bị hai vết thương vào bụng và vào khớp gối. Hồi sức rồi mổ. Hai kíp mổ một lúc. Một kíp mổ bụng, một kíp mổ khớp gối để cho nhanh. Đến nay, diễn biến tốt.

Ngày 15 tháng 5 năm 1968. Từ đầu tháng 4, Mỹ tuyên bố hạn chế việc ném bom miền Bắc. Hai bên bàn bạc dai dẳng về địa điểm Hội nghị. Cuối cùng đã chọn Pari. Đồng chí Xuân Thủy được cử làm trưởng đoàn đại biểu phía ta.

Từ 3 tháng 5, lại một cuộc tấn công đồng loạt ở 26 vị trí, thị xã, thị trấn miền Nam trong đó có Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

Ở chiến trường. những con đường ôtô công khai mở dọc theo bờ sông Sa Thầy đỏ loét. Máy bay địch lồng lộn đánh phá nhưng những tuyến đường vẫn dài mãi ra... Ngoài những con đường công khai, còn có những con đường bí mật trong rừng. Cây bị cưa một nửa để giữ cho lá cây vẫn xanh tốt... Khi cần mở đường thì chỉ cần nổ bộc phá là sẽ hất cây sang hai bên, mở đường cho xe đi.

Cuối mùa khô, nắng gay gắt, suối đá cạn từ lâu, giếng đào giữa dòng suối để lấy nước ăn, cũng cạn dần. Hôm nay xuống khoa 22, anh em mời uống nước. Nhấp chén nước, thấy có mùi gừng, ngạc nhiên hỏi: Sao các cậu “sang” thế này? Anh Chủ nhiệm khoa giải thích, phải cho thêm gừng để át mùi thum thủm của nước.

Khối Nội hết sạch nước phải đi mất nửa giờ để gánh nước. Khối Ngoại cũng chỉ còn vài khe nước nhỏ ri rỉ. Tắm giặt là cả một vấn đề. Phải đi hơn một tiếng đồng hồ ra suối to mới có nước tắm. Mọi người gặp nhau chỉ nói chuyện nước và mong mưa.

May tối hôm qua trời bắt đầu mưa. Trận mưa đầu mùa, tuy khá to những cũng chỉ ngấm đất. Khe suối bắt đầu có dòng nước nhỏ, chảy ngoằn ngoèo.

Ngày 10 tháng 6 năm 1968. Giữa tháng 5 phải huy động 135 nhân viêu đi vận chuyển cho mặt trận, chưa kể số 40 người vận chuyển ở cánh Bắc chưa về...

Lương thực, thực phẩm có khó khăn, phải ăn độn sắn. Nhân viên ăn 350 gam gạo độn 1 kg sắn một ngày, thương bệnh binh được ưu tiên hơn, ăn 500 gam gạo cộng với 800 gam sắn. Vận chuyển đủ sắn ăn hàng ngày cho hơn một nghìn bệnh nhân và bốn trăm nhân viên là một khối lượng rất lớn. Nương cách hai ngày đi, hai ngày về. Trung bình phải có một trăm người trên mặt đường mới vận chuyển đủ sắn ăn.

Nhân viên phục vụ thiếu nghiêm trọng. Có khoa chỉ có một y tá phục vụ cho 100-150 thương bệnh binh. Phòng mổ chỉ còn ba nhân viên chuyên môn, kể cả bác sĩ gây mê, hồi sức.

Sau mấy tháng cắt được sốt rét nhờ DDS, tuần trước tôi sốt lại ba hôm liền. Sau đó lại mất ngủ, thức trắng đêm, đầu cứ vang vang trống rỗng, mắt chong chong, không sao ngủ được...

Mới mổ một thương binh bị một túi phồng động mạch to bằng quả bưởi ở trên cổ, đe doạ vỡ. Lúc đầu còn phân vân giữa động mạch dưới đòn và động mạch cảnh gốc. Giá chụp được X quang động mạch thì quý biết bao! Sau đó, căn cứ vào đường đi của vết thương, phán đoán là động mạch đòn. Tình hình không thể lùi được buộc phải mổ. Tuy biết rằng việc mổ, trong điều kiện không có đầy đủ máu truyền như hiện nay là rất nguy hiểm.

Đầu tiên đi trực tiếp theo đường mổ động mạch dưới đòn. Nhưng rất khó khăn vì chạm tới đâu là chảy máu tới đó. Phải lui ra ngoài, tìm động mạch nách, đi lần dần lên trên. Mất rất nhiều thì giờ, đi lấn từng li thật nhẹ nhàng để giảm bớt chảy máu. Tới được túi phồng to như quả cam, đập bình bịch rất mạnh. Không làm sao tới được đầu trên của túi phồng. Chạm đâu là chảy máu ào ào tới đấy. Cuộc phẫu thuật đã kéo dài 5 giờ. Thật tiến thoái lưỡng nan... Tiếp tục thì liệu thương binh có chịu đựng được không? Mà rút lui thì ổ động mạch bị phồng như một cái săm xe đạp phình to có thể vỡ bất cứ lúc nào. Tôi nhìn anh Thọ, bác sĩ gây mê đang lúi húi lấy huyết áp. Anh Thọ cho biết huyết áp mạch vẫn ổn định, có thể mổ tiếp được. Chuyển qua rạch đường lồng ngực. Qua kẽ sườn, lá phổi phập phồng phía dưới, tim đập thình thịch trong sâu. Trong ngực tối và sâu thăm thẳm. Ngọn đèn xe đạp không đủ sáng. Các mạch máu nhỏ ngoằn ngoèo dưới lá màng phổi trung thất. Nhưng cuối cùng tôi luồn được chiếc kìm có mũi cong vào quanh mạch máu. Kéo được một sợi chỉ to vào gốc động mạch dưới đòn. Thắt chỉ. Tiếng đập thình thịch của túi phồng tắt hẳn. Túi phồng xẹp hẳn xuống. Toàn bộ thời gian mổ mất 8 giờ.

Tôi chỉ còn kịp tháo bỏ đôi găng cao su đẫm máu ra và ngã phịch trên tấm sạp tre cạnh buồng mổ.

Đến hôm nay đã qua được một tuần, thương binh hồi phục rất tốt. Nhưng lại mới vào một trường hợp hóc búa khác, một trường hợp nôn ra mật, đái ra huyết cầu tố y hệt trường hợp anh Lạc. Hôm đầu sốt cao, đái ra nước tiểu đen như cà phê đặc. Huyết áp dao dộng trong một ngày. Hôm sau huyết áp ổn định, nhưng lại vào trạng thái vô niệu, không có nước tiểu. Trong 24 giờ mà chỉ nhỏ giọt được khoảng 30 ml nước tiểu. Bệnh nhân nửa mê, nửa tỉnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:16:25 pm »


Ngày 25 tháng 6 năm 1968. Hôm qua trạm chuyển thương của Bệnh viện ở Q7 báo cáo về có 13 cáng, trong đó có một thương binh vào bụng lòi ruột, không khiêng về được xin đội phẫu thuật lên mổ cấp cứu. Tôi cùng với tổ phẫu vội vã lên đường. Mùa mưa đã bắt đầu, đường lây lội, không còn dùng xe đạp được nữa, lại phải trở lại việc dùng sức người, gánh bộ.

Lên tới Q7 thì đã sẩm tối. Thương binh là một chiến sỹ của kho Q7 bị thương trong khi đánh biệt kích. Mổ ngay trong đêm trong một lán của kho, trên một chiếc giường tre đặt trên bốn chiếc cọc. Cũng còn may, vết thương chỉ rách thành bụng, lòi một quai ruột lấp ló ở thành bụng. Mở rộng vết thương, kiểm tra các phủ tạng bên trong không bị tổn thương, chỉ phải rửa sạch quai ruột và khâu lại thành bụng... Anh em coi kho phấn khởi được chúng tôi lên tận nơi cấp cứu, giết một con gà chiêu đãi đội. Thật là “Phúc chủ, lộc thầy!”.

Trong rừng, các cây chôm chôm, giậu gia đã chín. Các khoa rủ nhau đi hái về ăn. Có người chặt cả cây để lấy quả. Khoa Dược cũng cử nhân viên đi lấy để về làm cao chua. Một cô y tá trong khi đi lấy lá lợp nhà, gặp một cây, không biết là cây gì quả to và thơm như mùi chuối chín. Hái mấy quả cho vào túi. Ăn thử một quả thấy rất ngọt và ngon nhưng không dám ăn nhiều một lúc, sợ ngộ độc. Một lúc sau không thấy gì, ăn tiếp quả thứ hai rồi quả thứ ba vẫn thấy yên. Sáng hôm sau, trở lại khu rừng, thì không thấy cây đâu nữa. Cây rừng, làm sao mà tìm lại được, cứ tiếc ngẩn ngơ mãi.

Ngày 10 tháng 7 năm 1968. Địch đã rút Khe Sanh từ hôm qua. Mấy tháng nay ta bao vây Khe Sanh, pháo kích dữ dội đến nỗi chúng nó đã phải gọi Khe Sanh là “Đồi thịt băm”.

Mới có lệnh cho ngừng việc ăn sắn. Thật may. Hàng ngày chúng tôi mất bao nhiêu công vào việc đào và vận chuyển sắn. Nhưng nghĩ cho cùng sắn cũng rất có công. Văn công B3 có bài hát “Cây sắn tấn công” thật khí thế. Đúng là cây sắn đã giúp cho bộ đội đỡ đói, bám trụ được ở chiến trường. Ưu điểm của cây sắn là không cần mùa vụ thu hoạch. Nếu chưa cần ăn thì cứ để mặc cây sắn trên rừng. Tất nhiên sẽ giảm phẩm chất, nhiều xơ hơn. Nhưng không cần mất công canh giữ. Địch không đốt phá được. Khi nào cần ăn thì lên rừng lấy. Như vậy tiện hơn lúa gạo nhiều.

Nhưng khổ nhất là mất nhiều công vận chuyển. Đã tổ chức thái sắn khô, nhưng lại phải phơi nắng, mà phơi trắng lốp lại trở thành vấn đề, thu hút máy bay và bom đạn. Ngoài ra còn vấn đề năng suất. Chúng tôi đã tổ chức một tổ 40 người làm sắn khô. Mỗi ngày chỉ làm được hai tạ sắn khô có nghĩa là có 5 kg một công lao động. Năng suất như vậy quá thấp. Thà chuyển hẳn sắn tươi còn hơn!

Nhờ có lệnh miễn ăn độn sắn cho thương bệnh binh nên đội vận chuyển sắn từ 120 người có thể rút bớt 60, chỉ để lại 60 người, 30 trồng sắn mới và 30 chuyển vận sắn cho nhân viên.

Số nhân viên vận chuyển sắn chưa về tới nhà thì số thương bệnh binh từ phía trước như cơn lũ tràn về. Cuộc tấn công đợt 2 đã kết thúc, nghe chừng có nhiều khó khăn. Các sư đoàn, trung đoàn phờ phạc sau các trận chiến đấu ác liệt đang dần dần rút về hậu cứ mang theo số thương bệnh binh ứ đọng ở phía trước.

Trong một tuần số thu dung trong Bệnh viện tăng từ 1100 lên 1200 rồi 1600.

Ở chiến trường, không giống như các bệnh viện hậu phương, khi thương bệnh binh đến đông, chỉ đơn giản trả lời “hết chỗ” hoặc hẹn ngày sau sẽ nhận là xong! Ở đây, có bao nhiêu bệnh nhân đến, phải tạo điều kiện nhận bằng hết. Không thể nói hết chỗ. Phải làm thêm nhà, làm thêm giường. Hoặc nhân viên nhường nhà, để có đủ chỗ cho thương bệnh binh.

Đợt này, nhân học sinh trường Quân y tập trung ra rẫy tăng gia, phải mượn địa điểm nhà trường tổ chức một khoa mới, nhận 120 bệnh nhân. Các khoa cũ trong Viện cũng phải làm thêm giường chen vào các chỗ trống, không để thương bệnh binh phải mắc võng, che ni lông nằm ngoài trời... Tới hôm nay tuy số bệnh nhân lên tới 1600 nhưng chỗ ở vẫn tạm đủ, không đến nỗi nhếch nhác quá.

4 giờ sáng hôm nay, điện của phòng cho biết Đội điều trị 3 bị B52 đánh chỉ cách đơn vị có nửa giờ, yêu cầu cho người cấp tốc sang giúp ĐT3 sơ tán gấp. Tuy đội vận chuyển sắn chưa về tới nhà, nhưng vẫn phải rút 90 người tới giúp ĐT3... Nếu số thương bệnh binh của ĐT3 về thêm thì thu dung sẽ lên tới 1700-1800. Tình hình thật căng thẳng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2009, 06:16:47 pm »


Ngày 20 tháng 7 năm 1968. Khoa Dược đã sản xuất được thuốủ an thân từ cù Bu-man! Đây là một loại củ rừng mà đồng bào thường ăn để chống đói, nhưng phải thái nhỏ, ngâm xuống dòng suối một tuần sau mới nấu ăn. Hôm đó anh em Dược đào được một củ. Vì đói nên ăn bừa mà không ngâm. Ăn xong, cả khoa ngủ li bì, hơn một ngày mới tỉnh và như vậy phát hiện ra tác dụng gây ngủ của củ Bu-man.

Trong rừng Việt Bắc có củ bình vôi, đã chiết xuất được chất Rôtunđin dùng làm thuốc an thần. Nhưng anh em Dược đã tra cứu tài liệu thấy đây là một loại cây khác không phải là cây bình vôi. Trong khi chế biến chỉ giã bột Bu man cũng thấy buồn ngủ. Anh em hy vọng tìm được một loại cây thuốc mới trong rừng Tây Nguyên chưa có trong dược điển.

Các khoa Ngoại cũng đang triển khai hai đề tài nghiên cứu khoa học: dùng mật ong và Lân-tơ-uynh điều trị vết thương nhiễm trùng.

Mật ong có khá nhiều trong rừng. Có những tổ ong to bằng cái nia trên ngọn cây. Nhiều tài liệu y học cổ cũng đã nói tới việc dùng mật ong để chữa vết thương.

Lân-tơ-uynh là loại cây leo mọc nhiều trong rừng Trường Sơn. Đồng bào dân tộc băm nhỏ sắc thành thuốc để rửa và đắp vết thương. Tiếp thu kinh nghiệm này, các khoa Ngoại đã thử dùng trên vết thương nhiễm trùng và thấy kết quả tốt. Khoa Dược đã cử người vào rừng chặt Lân-tơ-uynh về chế biến thành cao cung cấp cho các khoa... Có thể có tác dụng như một thuốc kháng sinh thảo mộc diệt vi khuẩn.

Chúng tôi đã gửi bột Bu-man, Lân-tơ-uynh ra Hà Nói nhờ các Viện nghiên cứu ngoài đó nghiên cứu.

Ngày 22 tháng 8 năm 1968. Nhiều thương binh nặng vào Viện. Vết thương cột sống, từ tuyến trước chuyển về đã loét mông, ăn uống, ỉa đái đều phải phục vụ tại chỗ. Hết sức vất vả. Một thương binh bị vết thương lớn vào mông. Mất hẳn một bên mông, đứt trực tràng, phải làm hậu môn nhân tạo cho phân chảy tắt ra đường bụng.

Các thương binh khi về tới Viện đều phải qua nhiều tuyến phía trước. Vết thương đã nhiễm trùng. Nhiều vết thương có dòi. Những con dòi thật khủng khiếp mà trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ. Những con dòi to và dài như ngón tay, người đầy lông lá, nhung nhúc trong vết thương. Ban đêm trong rừng thỉnh thoảng lại có tiếng kêu thất thanh: “Anh y tá ơi, anh y tá!”... Khi đã có kinh nghiệm, chúng tôi gọi đó là “tiếng kêu dòi!”. Đúng như vậy, đó là những thương binh bị dòi đục khoét trong vết thương, đau quá không chịu nổi phải kêu cứu. Chỉ cần anh y tá xách đèn đến, mở băng, gạt dòi đi là anh thương binh lại ngủ được.

Theo sách vở kể lại kinh nghiệm chiến tranh du kích ở Tây Ban Nha vào những năm 30, người ta cho rằng dòi không có gì đáng sợ, trái lại, chúng sẽ giúp làm sạch các tổ chức huỷ hoại ở vết thương và làm cho vết thương mau lành. Nhưng với lương tâm người thầy thuốc thì chúng tôi thấy không thể đang tâm nhìn những vết thương có dòi kèm theo những nỗi đau đớn của thương binh như vậy. Chúng tôi dùng nhiều cách để loại trừ dòi ra khỏi vết thương, đổ Ether vào vết thương. Áp dụng kinh nghiệm của Giáo sư Tôn Thất Tùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, thay băng bằng dung dịch Quinacrin. Anh em còn dùng cây lá rừng Lân-tơ-uynh, nước lá sắn tươi rửa vết thương. Nhưng hiệu quả nhất có lẽ vẫn là thay băng hàng ngày và kiên trì nhặt dòi ra khỏi vết thương.

Mới hy sinh một thương binh cột sống nặng. Khi vào Viện đã lở loét khắp người, gầy rộc da bọc xương. Chúng tôi bọc anh trong tấm ni lông đưa anh ra nghĩa trang của Viện. Áo quan là một hòm bằng những cây bương ghép lại, mà anh em trong Bệnh viện gọi là “ô tô bương”.

Nghĩa trang của Viện là một bãi rừng bằng phẳng tập trung đến nay khoảng ba chục nấm mồ trong đó có mộ của cán bộ nhân viên Bệnh viện, anh Lạc, anh Nhữ, cô Như. Do điều kiện phải giữ bí mật, không được phép làm mộ chí, chúng tôi chỉ có thể ghi tên, địa chỉ người chết vào một mảnh giấy nhỏ, bỏ vào lọ Pênixilin, đóng nút kín, cho vào mộ trước khi lấp đất. Ngoài ra, anh em còn phạt một hốc cây cạnh mộ, ghi một số hiệu, phù hợp với số hiệu ghi trong sơ đồ mộ chí của cơ quan chính trị Bệnh viện để cùng với di vật của liệt sĩ gửi về hậu phương.

Mới một năm mà khu rừng đã mọc lại um tùm, các dấu vết trên gốc cây mờ nhạt dần do vỏ cây mới mọc ra, không biết sau này có còn đọc được không?

Ngày 5 tháng 9 năm 1968. Sau đợt hai, mặt trận yên tĩnh được một thời gian ngắn, nhưng chỉ tạm thời. Tiếp sau đó lại các trận đánh lớn ở Đà Nẵng, Nha Trang, quanh Sài Gòn. Trong dịp sắp bầu cử Tổng thống Mỹ, đài Hà Nội tăng các chương trình phát thanh thêm ba buổi vào lúc 6giờ sáng, 3 giờ chiều, 1 giờ đêm.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM