Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:27:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87636 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:34:01 pm »


Đêm 8 tháng 3. Chúng tôi đi từ R. (tên gọi của Chỉ huy sở tiền phương 559) tới 0-50, nơi đặt Chỉ huy sở chính thức của Bộ tư lệnh 559. Con đường đi qua đèo Mụ Giạ, thuộc miền tây Quảng Bình. Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một người đàn bà nghèo, phải bỏ quê hương đi lang thang kiếm ăn. Tới chân đèo thì chết gục. Nhân dân địa phương lấy tên bà để đặt tên gọi cho đèo. Đèo Mụ Giạ có tên trên bản đồ từ đó.

Dưới ánh trăng mờ mờ, chúng tôi đi qua nơi Nguyễn Viết Xuân, người chỉ huy cao xạ kiên cường đã ngã xuống. Qua đồi O Ngà. Một địa danh mới, chưa có trên bản đồ do bộ đội đặt tên. Anh cán bộ trẻ phòng tham mưu đi cùng kể chuyện cho chúng tôi nghe về O Ngà. O là một thanh niênxung phong, quê ở Quảng Bình lên phục vụ cho bộ đội cao xạ ở vùng rừng núi này.

Hôm đó, địch bắn phá con đường. Bộ đội cao xạ bảo vệ đường bắn lại. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Đầu tiên O Ngà, chỉ chạy lên, chạy xuống ngọn đồi tiếp tế đạn cho bộ đội. Đồng chí pháo thủ số 3 bị thương, O Ngà liền thay anh tiếp đạn vào súng. Rồi pháo thủ số 2, số 1 bị thương. Đồng chí Đại đội trưởng ở một quả đồi bên cạnh ngạc nhiên thấy khẩu pháo tuy bị bom địch phá ác liệt, nhưng vẫn bắn trả lại, nhưng tiếng nổ sao khác thường rời rạc. Sau trận chiến đấu mới rõ khẩu đội đã bị thương vong hết. O Ngà đã một mình, vừa ngắm, vừa đạp cò bắn... và những viên đạn của O cũng góp vào lưới lửa bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Đèo Mụ Giạ, đèo O Ngà hai địa danh, cũng là hai cuộc đời của hai người phụ nữ.

Qua đèo Mụ Giạ, chúng tôi mới thực sự bắt đầu vào đường quân sự mới mở. Anh trợ lý tham mưu đi cùng, giới thiệu với chúng tôi: Đây là con đường xóc nhất Đông Dương!

Con đường quân sự làm gấp, lầy lội sau những trận mưa, lồi lõm hố bom, gốc cây chặt dở dang. Những hố trên đường, không còn là những ổ gà như thường gọi mà là ổ trâu, bò, hoặc ổ voi... Để chống lầy cho xe có thể đi được, bộ đội công binh đã chặt những thân cây rừng, to bằng bắp chân rải suốt dọc con đường, cũng làm cho con đường thêm xóc. Chiếc xe đi rì rì nghiêng ngả. Ngồi trong xe mà như phải lên tấn, hai cánh tay căng, bám chặt, một tay vào thành ghế, một tay chống lên nóc xe, để bảo vệ đầu, nhưng vẫn không tránh được những cú xóc hất bật người, đầu đập vào trần xe đau điếng... Cứ như vậy vật lộn suốt đêm không chợp mắt được chút nào.

Chiếc xe đi mò mẫm trong đêm. Để tránh máy bay phát hiện, đèn phải lắp xuống gầm xe, ánh đèn chỉ loé sáng phía trước xe khoảng hai mét. Nhưng mỗi khi lên dốc lại có tiếng la hét bên đường: tắt đèn đi, tắt đèn đi... vì lúc này mũi xe ngẩng cao, và ngọn đèn dưới gầm xe vẫn chiếu ngược lên trời. Anh em lái xe đường Trường Sơn nói vui với chúng tôi: “Đây là cuộc chiến đấu giữa thằng mù và thằng điếc!”.

Với bọn phi công trên trời, nhiều lúc chúng tôi thật ngạc nhiên: Có những đoạn đường đèo, chúng nó kiểm soát suốt ngày đêm. Ban đêm không lúc nào ngưng tiếng máy bay trinh sát OV-10 bay vè vè vòng quanh khu vực.

Hàng loạt pháo sáng thả liên tục suốt đêm, hết đợt này lại đợt khác. Mỗi loạt, hàng chục quả pháo sáng, rọi xuống từ từ, có dù treo lơ lửng trên không, sáng rực một vùng trời, tưởng chừng như chiếc kim rơi trên mặt đất cũng có thể trông thấy. Ấy thế mà hàng đoàn xe pháo nối đuôi nhau thành hàng dài trên con đường đèo trống trải, bọn máy bay vẫn như mù, quần đảo lồng lộn, bắn vu vơ không nhìn thấy. Tất nhiên mỗi xe đều phủ đầy cành lá nguỵ trang.

Còn chúng tôi ở dưới đất, ngồi trong xe, tiếng động cơ nổ ầm ầm, đúng như những anh điếc, không nghe thấy tiếng gì bên ngoài. Chỉ khi nào xe dừng nổ máy, mới lại nghe thấy tiếng máy bay rít, nhiều khi sát ngọn cây trên đầu…

Lính lái xe có lý luận: Đi, chắc gì bị máy bay phát hiện, phát hiện chắc gì chúng đã bắn. Bắn chắc gì đã trúng. Trúng xe, chắc gì đã bị thương. Bị thương chắc gì đã chết...

Với lý luận đó để tự an ủi là xác suất bị thương vong là rất ít, và cứ thế, đêm đêm hàng đoàn xe vẫn rầm rập trên đường.

Nhưng cũng không phải đơn giản, để bảo đảm cho xe đi, phải có một công tác tổ chức đồ sộ dọc đường, ở những trọng điểm có hàng đoàn công binh, thanh niên xung phong ngày đêm túc trực, để sửa đường mỗi khi đường bị phá. Pháo cao xạ canh gác bầu trời, chí ít cũng không để chúng được tự do bắn phá. Công tác tổ chức, nuôi dưỡng động viên lái xe được quan tâm đặc biệt... Có những trọng điểm đánh phá ác liệt. Có thời gian cao điểm phải vận chuyển gấp gạo ra chiến trường, một Chính uỷ được phân công đứng bên kia đèo, cứ mỗi xe qua được đèo, lái xe được tặng ngay tại trận một Huân chương chiến công và một chiếc đồng hồ Polgeot (loại đồng hồ Liên Xô được ưa chuộng lúc này).

Nhưng cũng không phải không có lái xe mất tinh thần, không dám đi, hoặc gây lộn xộn mất kỷ luật để “được” thi hành kỷ luật, thậm chí chấp nhận bị truy tố ra toà án quân sự, đi tù... để tránh không phải đi chiến trường. Có trường hợp lái cả một xe lương thực trốn vào rừng, làm lán sống trong rừng chờ cho hết mùa khô, tới mùa mưa khi chiến dịch vận chuyển kết thúc, mới ra nhận kỷ luật...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:35:01 pm »


Tha Mé ngày 15 tháng 3 năm 1966. Tới Chỉ huy sở Đoàn 559, cơ quan chỉ huy đầu não của toàn bộ đường giao thông chiến lược vào Nam, đặt ở Tha Mé, trong một vùng rừng núi biên giới Việt Lào.

Cơ quan chỉ huy đều làm dưới hầm, nhưng vẫn có hội trường đủ chỗ cho vài trăm người hội họp. Dưới tán lá rừng bại ngàn, ba bốn lớp, ngay giữa trưa cũng chỉ lọt những bóng nắng nhỏ bằng bàn tay, các cơ quan chỉ huy vẫn hoạt động nhộn nhịp, đường dây điện thoại chằng chịt khắp rừng.

Dừng lại hai ngày ở đây làm việc với Bộ tư lệnh, cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần, Quân y, Thông tin... bàn các quy ước cụ thể về tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, hợp đồng về chuyên môn, quy ước thông tin... Nghe giới thiệu các chặng đường phải qua, các kinh nghiệm dọc đường...


Đêm 14 tháng 3, chúng tôi tiếp tục lên đường... Khoảng 2-3 giờ sáng, tới một đoạn tương đối bằng phẳng, xe chạy đỡ xóc, mọi người trong xe đang thiu thiu, bỗng chiếc xe chồm mạnh và lật nghiêng. Một phản xạ tự nhiên, tôi căng tay bám chặt lấy thành ghế. Qua kinh nghiệm điều trị nhiều thương binh bị tai nạn đổ xe, tôi có nhận xét là thường trong khi mọi người trong xe bị thương vong nặng, nhưng lái xe lại thường không việc gì, lý do vì anh ta là người đầu tiên biết tai nạn sắp xảy ra, bám chặt lấy tay lái và thường thoát nạn. Tôi cũng làm như vậy, bám chặt lấy thành ghế, lên hết gân cốt, chờ đợi cho chiếc xe lăn vài vòng xuống vực... Nhưng may, xe chỉ đổ nghiêng, ba lô, súng đạn, gạo, xoong, nồi để ở giữa xe, cả mấy anh ngồi ở ghế đối diện, đổ ào lên người tôi và mấy người ngồi ghế bên này, kêu oai oái... Phải một lúc sau, mới bật được cửa xe, chui ra ngoài... Thì ra mới rõ, dưới bóng trăng suông, tới một chỗ đường vòng, lái xe buồn ngủ, nhìn vách ta luy xẻ bên sườn núi, cạnh đường, tưởng chính đó là con đường nên lao xe vào. Xe bị lật nghiêng, nằm chênh ềnh trên đường. Chiếc xe sau vừa tới. Mọi người trên xe nhảy xuống. Đồng chí Chính uỷ đi xe sau hỏi: Cái cây để làm đòn bẩy đâu rồi?

Từ hôm vào đường Trường Sơn, không biết học tập kinh nghiệm ở đâu, anh quy định cho mỗi xe phải mang theo một thân cây để làm đòn bẩy khi xe đổ. Xe thì chật lại cồng kềnh, nào người, nào lương thực, thực phẩm, hàng hoá, lại thêm một thân cây bằng bắp đùi dài bốn, năm thước, lăn long lóc trong lòng xe, nhiều khi đè cả lên chân chúng tôi... để đề phòng xe đổ... Không dám cãi lại lệnh, nhưng mọi người đều càu nhàu: Kinh nghiệm! Đường rừng, thiếu cha gì cây dọc đường mà phải rước một cây gỗ theo xe. Thế là, chỉ được hôm đầu, hôm sau, tới chỗ nghỉ, mọi người đều lẳng lặng quẳng cây gỗ đi...

Chính uỷ cáu kỉnh, trong khi mọi người chia nhau lên rừng để chặt cây. Đây lại đúng là một trọng điểm, địch mới đánh phá. Bên đường cây gỗ lớn còn cháy leo lét, hoặc trở thành những cột than đỏ lửa... phải mất khoảng nửa giờ sau mới chặt được một đoạn cây vừa ý, thẳng. to bằng bắp đùi, dài khoảng năm mét. Dùng cây gỗ làm đòn bẩy cộng với gần một chục người xúm lại nâng, cuối cùng xe cũng đứng lên được, nổ máy và tiếp tục lên đường...


Ngày 20 tháng 3 năm 1966. Tới Tà Khống. Ở đây con đường quân sự mới mở vòng ra phía Tây Quảng Trị, bắt vào đường quốc lộ số 9. Xe cơ giới bắt buộc phải qua đèo Tà Khống, một trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm. Bộ đội đường dây đã có câu ca ai oán:

“Em về mà lấy chồng đi
Anh ra Tà Khống biết khi nào về...”


Anh em còn gọi đây là “thành phố Tà Khống”, vì đêm địch thả pháo sáng liên tiếp làm cho cả vùng sáng rực. Nhìn xa, như nhìn về một thành phố lớn. Khoảng quá nửa đêm, dưới ánh trăng mờ mờ, xe chúng tôi mới đến barie. Anh Tấn, Bí thư của anh Vinh, xuống barie, gọi điện thoại cho Chỉ huy Binh trạm, Chỉ huy Binh trạm cho biết đường thông, có thể đi được ngay. Anh Vinh nhìn đồng hồ: ba giờ sáng, hỏi gặng: Liệu có sang kịp bên kia đèo không?

- Kịp...! - Người ở bên kia đầu dây trả lời.

Nhưng để an toàn anh yêu cầu để đoàn nghỉ lại, đêm mai sẽ qua đèo. Chỉ huy Binh trạm ở bên kia đầu dây, có vẻ miễn cưỡng phải đồng ý, nhưng nói thêm: Hôm nay là may đấy, có khi đường tắc hàng tuần lễ không đi được.

Chúng tôi được đưa vào “bãi khách”, là một khu rừng dùng làm nơi nghỉ tạm cho các đoàn ra vào. Chúng tôi tìm một khúc suối cạn có hai vách cao như một công sự thiên nhiên, để căng lều bạt. Ở đây cũng có một số công sự đào vào vách núi, một bếp Hoàng Cầm đã bị sụt, nhưng sửa lại thì còn dùng được...

Tối hôm đó có bom nổ chậm thả trúng tim đường, công binh và thanh niên xung phong sửa không xong. Không đi được.

Hôm sau nữa, mưa lũ không qua được ngầm...

Anh Binh Trạm trưởng đến thăm chúng tôi cho biết thêm: Hôm trước, có một đoàn của Tổng cục, chần chừ nằm chờ ba tuần bên này đèo, không dám qua.

Rồi cuối cùng quay ra Hà Nội. Cả đoàn đã bị kỷ luật nặng...

Tối thứ tư, đường thông, hai xe chúng tôi lên đường qua đèo, ánh trăng mờ mờ, con đường đất ngoằn ngoèo khoảng một chục cây số lên tới đỉnh đèo. Hai bên đường, một bên là vách núi cao, trơ trụi những thân cây cụt ngọn, lởm chởm đen thui. Đây đó có những cây đang rừng rực cháy, hoặc đỏ rực như những cột than đỏ, vết tích của những trận đánh phá vừa xảy ra vài giờ trước. Một bên là vực sâu thăm thẳm, có tiếng suối réo ầm ầm... Khắp nơi, hàng nghìn hố bom to nhỏ, đất đá vụn như bột.

Trên trời, máy bay địch liên tục ì ầm, đèn hai bên cánh như hai đốm sao di động vòng tròn. Pháo sáng liên tiếp hết chùm này sang chùm khác. Nhưng xe chúng tôi, cũng như nhiều xe khác, phủ đầy cành lá nguỵ trang như những bụi cây di động vẫn lừ lừ bò lên dốc.

Tới đỉnh đèo, con đường xuống đèo cũng ngoằn ngoèo khoảng năm sáu cây số, xuống tới ngầm là con suối Tà Khống rộng chừng hơn trăm mét. Nước chảy ầm ầm giữa hai vách đá cao. bọt tung toé. Cầu qua suối đã bị phá hỏng từ nhiều năm trước. Để cho xe qua, công binh đã xếp đá thành một con đường. Nhưng để tránh bị địch phát hiện nên con đường phải nằm ngầm dưới mặt nước chừng nửa mét. Để lái xe đi đúng đường ngầm, hai bên đường, cách chừng hai mét, có một thanh niên xung phong, quấn quanh người một tấm dù pháo sáng trắng, đứng làm cọc tiêu cho xe qua. Xe chúng tôi, um tùm lá nguỵ trang như một bụi cây, cài số một gầm gừ, lắc lư, nặng nhọc, chồm qua từng tảng đá vượt qua ngầm giữa hàng cọc tiêu sống trắng lốp hai bên.

Trên đầu máy bay không ngớt gầm rú, tiếng bom, tiếng rốc két nổ chát chúa bên phải, bên trái, phía trước, phía sau... Pháo sáng toả ánh sáng trắng chói trang, như những chiếc đèn măng sông treo giữa bầu trời. Mỗi chiếc pháo soi sáng được khoảng một chục phút, loạt pháo sáng này vừa xuống thấp, lại tiếp loạt khác, tròng trành, lắc lư, bị gió thổi dạt. Bóng cây cối, người, bóng xe lung linh khi dài khi ngắn, trên sườn đồi, vách núi, mặt đường...

Qua được ngầm chưa phải đã là thoát nạn. Xe phải vượt tiếp con đường đèo bên kia ngầm. Lại nặng nhọc leo hàng chục cây số lên xuống đèo. Vẫn con đường đất trống trải, đầy hố bom, đất, gỗ, đá, mảnh bom đạn trộn với nhau.

Suốt đêm, ngồi trên xe mà chúng tôi cảm thấy như ngồi trên đống lửa. Ánh sáng chói chang của pháo sáng tưởng chừng như nhìn thấy chiếc kim rơi trên mặt đất. Cảm giác đang đi dưới bom đạn địch, không biết có thể chết bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên trong cảnh hoang tàn, chết chóc như vậy, nhưng hai bên đường vẫn rậm rịch có tiếng người đi lại, làm việc bên đường. Chốc chốc lại có tiếng quát: tắt đèn đi. Ánh đèn pin che kín, trong các công sự đào vào trong vách núi bên đường và những cọc tiêu sống đứng chỉ đường, hai bên ngầm và ở những đoạn đèo có cua gấp...

Qua ngầm Tà Khống, chúng tôi vượt đèo, đi thêm khoảng hơn một chục cây số nữa và nghỉ lại ở Xê-pôn, một thị trấn nhỏ của nước bạn Lào đã bị phá huỷ hoàn toàn. Đã qua trọng điểm, ở đây đã tương đối an toàn... Bỏ xe lại ở bìa rừng, chúng tôi theo đồng chí liên lạc đi bộ sâu vào rừng tìm chỗ ngủ. Dọc đường, anh liên lạc đột ngột tạt vào một bụi cây cạnh đường, leo lên cây, kéo xuống một chiếc dù pháo sáng mắc trên cây, đưa tặng cô Oanh, cô gái độc nhất trong đoàn để làm kỷ niệm. Hỏi chuyện anh cho biết quê ở Thái Bình, đã công tác ở đây hơn năm năm. Hơn năm năm, trong gian khổ, và ác liệt như vậy... Tôi nhìn anh xúc động và kính phục...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:35:26 pm »


Bản Đông, ngày 25 tháng 3 năm 1966. Rời Xê-pôn, chúng tôi vào đường quốc lộ số 9. Con đường ngày xưa trải nhựa nhưng đã hàng chục năm không được tu sửa, qua kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, nhiều đoạn đã bị sụt lở, hư hỏng nặng, nhưng dù sao vẫn còn tốt hơn quãng đường quân sự làm gấp vừa qua.

Vào cua chữ S, một đoạn đường vòng vèo quanh sườn núi. Ở đây mới xảy ra một cuộc bắn phá ác liệt vài hôm trước. Một đoàn xe quân sự của ta, tiếp tế cho mặt trận A Sầu bị máy bay địch phát hiện. Hơn hai mươi xe bị phá huỷ. Khi chúng tôi đi qua, người chết và bị thương thì đã được đưa đi, nhưng các xác xe cháy, gạo, đạn, vũ khí bị phá huỷ vẫn còn ngổn trang bên đường, trên một đoạn dài vài cây số.

Tới Bản Đông, cầu bắc qua suối Bản Đông bị phá huỷ chưa chữa kịp. Trạm barie khuyên chúng tôi nên vào nghỉ ở bãi một đại đội công binh đóng trong rừng, trong khi chờ sửa cầu. Trên đầu vẫn tiếng máy bay ầm ì. Có tiếng nổ lác đác trong rừng. Đã hai giờ sáng, chúng tôi quyết định tạt vào rừng, nghỉ tạm chờ trời sáng sẽ vào đơn vị công binh. Mọi người đang rẽ lá, tìm đường mòn vào rừng, thì cậu An, chiến sĩ thông tin bỗng kêu to: Rắn. Chúng tôi xúm lại, soi đèn pin. Con rắn đã chạy mất, nhưng để lại vết cắn còn rớm máu trên chân An. Không biết rắn có độc hay không, nhưng tôi vẫn thắt chặt cổ chân An, một tay lần lưỡi dao cạo râu trong ba lô. Không sát trùng, không gây tê, rạch dài vết rắn cắn và nặn cho máu túa ra, rồi băng lại trong khi An rên rỉ vì đau... Đây là phẫu thuật đầu tiên chúng tôi làm trên đường Trường Sơn. Cũng may, An chỉ bị tập tễnh mấy hôm rồi khỏi, không bị biến chứng gì...

Mờ sáng, chúng tôi gọi nhau dậy, thu tăng võng cho vào ba lô rồi trở lại đường mòn vào đại đội công binh. Đột nhiên, từ trong rừng, khoảng hơn một tiểu đội công binh rầm rập chạy ra. Mặt người nào, người nấy đều sát khí đằng đằng. Người chỉ huy chạy đầu, lăm lăm trong tay khẩu súng ngắn, các chiến sĩ chạy theo sau đều mang tiểu liên AK, chĩa ngang trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Gặp chúng tôi, anh chỉ huy quát hỏi: Có thấy toán biệt kích ở đâu không?

Chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại: Có biệt kích à? Và trả lời: Không, chúng tôi không gặp.

Toán công binh chạy qua chỗ chúng tôi một chút rồi quay trở lại, đi theo sau chúng tôi, súng vẫn trên tay như kiểu giải chúng tôi về trụ sở của đại đội.

Trụ sở của đại đội công binh là một dãy lán bằng tre nứa, dựng trên một ngọn đồi thấp có cây cao che phủ, cách đường khoảng hai, ba cây số.

Chúng tôi ngồi chờ ở một dãy ghế bằng hai cây tre ghép lại đặt trên cọc chôn xuống đất làm chân ghế. Không khí nghi ngờ, căng thẳng. Trong nhà, một vài người lấp ló, nhìn chúng tôi từ xa, không ai chuyện trò, thăm hỏi... Một lúc sau, từ trong lán bước ra một chiến sĩ, quần áo rách tả tơi đầu tóc bù xù, mặt mũi và cả người như vừa trong bụi rậm chui ra, đầy vết xước rớm máu. Anh đi một lượt, nhìn chằm chằm chúng tôi... Anh Kính Chính uỷ bỗng nhận ra: đó là cậu An, chiến sĩ của đoàn chúng tôi được giao nhiệm vụ đi áp tải các xe hàng. Tại sao cậu lại ở đây, và sao như người mê hoảng không nhận ra chúng tôi.

Phải một lúc sau, chúng tôi mới hiểu ra: Chúng tôi bị nghi là biệt kích! Chả là đêm hôm trước, đoàn xe chở trang bị, thuốc men cho Đoàn 84 do hai anh Sánh và An hộ tống cũng vừa tới Bản Đông. Cầu đổ, nên cả đoàn xe cũng tạt vào rừng nghỉ. Cả đội hộ tống tìm đâu ra được mớ nấm rừng, nấu để cải thiện. Nào ngờ phải nấm độc. An ăn nhiều bị trúng độc nặng hơn cả, như mê sảng, la hét, chạy vào rừng. Anh em trong đội, sợ An lạc hoặc bị tai nạn, chia nhau đuổi tìm làm An càng sợ, chạy sâu hơn, leo cả lên cây, nhảy xuống suối. Đám đuổi theo bắn súng doạ, đó là những tiếng súng chúng tôi nghe thấy khi mới rời xe đi vào rừng. An càng hoảng sợ, và như vậy náo động cả khu rừng. Có một lúc nào đó, An trông thấy đoàn chúng tôi rồi chạy vào gặp đơn vị công binh và khai bừa là bị biệt kích đuổi và còn nói rõ thêm là toán biệt kích có khoảng một chục người, có ông già, có cả phụ nữ…

Thấy một chiến sĩ máu me đầy người, quần áo tả tơi nói là bị biệt kích đuổi, đơn vị công binh liền lập tức cho cả một tiểu đội truy lùng. Đại đội phó công binh chỉ huy tiểu đội đã hạ lệnh lên đạn sẵn, gặp biệt kích thì bắn ngay... Cũng còn là may, sáng hôm đó, do ở cạnh đường, cảm thấy không an toàn nên chúng tôi đã dậy sớm, đang đi trên đường vào thì gặp tiểu đội công binh. Nếu còn nằm trên võng, trong rừng, thì với tâm trạng hoảng hốt và căng thẳng của chiến tranh, chưa biết có chuyện gì đã có thể xảy ra.

Chúng tôi không khó khăn gì để làm rõ sự thật. Chỉ cần hỏi vài câu là thấy rõ ngay, anh An trong trạng thái tâm thần không bình thường. Tổ gác barie khi trở về trưa hôm đó và anh Sánh, cùng với nhóm hộ tống đoàn xe, kể lại hết đầu đuôi câu chuyện. Mọi người được một trận hú vía và no cười...

Sau gần ba tuần hành quân cơ giới, trải qua biết bao nguy hiểm căng thẳng: Suốt đêm thức trắng, ngồi lắc lư trên xe, suốt ngày nằm cạnh đường ôtô, máy bay gầm rú, dưới cái nóng ngột ngạt, muỗi ve, vắt... đủ loại, chúng tôi mới nhận ra chân lý trong câu nói của anh Tham mưu trưởng Đường dây 559 hôm nào: “Đi bộ sướng hơn đi xe!...”

Chúng tôi điện về và được trên chấp nhận, bỏ xe, chuyển sang đi bộ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:35:51 pm »


Ngày 26 tháng 3 năm 1966. Chúng tôi nghỉ lại đại đội công binh, một ngày để làm công tác chuẩn bị, sau đó rời đường ôtô chuyển sang đi bộ. Một liên lạc của đại đội công binh đưa chúng tôi nhập vào Trạm 35 giao liên gần nhất. Hai xe hồng thập tự được nhập vào đoàn xe vận tải để vào chiến trường theo đường ôtô.

Đường giao thông quân sự chiến lược, nối liền miền Bắc với miền Nam được thành lập vào tháng 5 năm 1959, do đó được đặt tên là Đoàn 559. Nhiệm vụ chủ yếu của Đoàn là đảm bảo việc giao thông thông suốt từ hậu phương và tiền tuyến, đưa người, vũ khí, lương thực, bệnh binh mất sức chiến đấu, và đoàn cán bộ đi công tác, từ chiến trường trở về hậu phương.

Khi mới thành lập đường dây mới chỉ là một tuyến đường đi bộ nhỏ, len lỏi giữa rừng Trường Sơn, chủ yếu dẫn các đoàn đi bộ và các đơn vị vận tải bộ. Với sự phát triển của cuộc chiến tranh, bên cạnh đường giao liên bộ, dần dần hình thành một mạng lưới các đường vận tải cơ giới vươn dài ngày càng sâu vào chiến trường miền Nam. Tới năm 1966, khi đoàn chúng tôi vào chiến trường, thì đường vận tải cơ giới đã nối được từ Quảng Trị tới vùng giáp giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, cửa ngõ của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên việc vận tải cơ giới chỉ hoạt động trong các tháng mùa khô. Vào mùa mưa do đường quá lầy lội, nên xe cơ giới phải ngừng hoạt động. Ngược lại với đường giao liên bộ, thì đã thông suốt được tới tất cả các chiến trường miền Nam và có thể hoạt động liên tục quanh năm, không kể mùa khô hay mùa mưa...

Đường dây được tổ chức thành nhiều Binh trạm. Số lượng và quy mô các Binh trạm thay đổi tuỳ theo tình hình phát triển của chiến trường. Vào năm 1966, từ miền Bắc vào tới Ngã ba biên giới, đường dây được tổ chức thành 9 Binh trạm.

Mỗi Binh trạm tương đương với một Trung đoàn, là một đơn vị hoàn chỉnh, có Ban chỉ huy Binh trạm, các cơ quan Tham mưu, Chính trị, Hậu cần. Hệ thống các Trạm giao liên các đơn vị vận tải bao gồm vận tải thô sơ, thồ gùi bộ, hoặc xe đạp thồ, và vận tải cơ giới. Để bảo đảm cho công tác vận tải, mỗi Binh trạm còn có các đơn vị bộ binh, công binh, phòng không, các kho, trạm, xưởng sửa chữa, các trường học, bệnh viện, các trại tăng gia...

Để tiện cho việc tiếp tế lương thực thực phẩm, đường giao liên luôn đi song song với đường ôtô, và chỉ cách đường ôtô vài cây số, nhưng vì là một con đường mòn nhỏ len lỏi trong rừng già, kín đáo nên các đoàn hành quân bộ có thể đi an toàn ban ngày, đêm nghỉ lại ở các trạm giao liên.

Những năm 1965-1966, các trạm giao liên được bố trí cách nhau khoảng 8-9 giờ đi bộ. Những năm từ 1969-1970 trở đi, để giữ sức khoẻ cho bộ đội hành quân dài ngày, các trạm được bố trí gần hơn, cách nhau khoảng 5-6 giờ đi bộ. Đường xá được sửa chữa, dễ đi hơn, tránh những dốc đá cheo leo, có gỗ chống lầy vào mùa mưa, có cầu qua suối…

Ở các trạm giao liên, các đoàn ít người, thường là các đoàn cán bộ đi công tác, thì được ngủ trong trạm, có nhà, có công sự để trú ẩn khi bị oanh tạc, có giường cá nhân hoặc các sạp dài bằng tre để ngủ qua đêm. Được phục vụ ăn uống khi nghỉ lại tại trạm. Buổi sáng, trước khi lên đường, mỗi người được phát một nắm cơm để ăn bữa trưa.

Nếu đi thành đoàn đông, từng đại đội hoặc tiểu đoàn thì phải nghỉ tại “Bãi khách”, là một khu rừng kín đáo, bằng phẳng, gần trạm giao liên, gần nguồn nước. Các bãi khách cũng được chuẩn bị sẵn, có hầm trú ẩn, có bếp Hoàng Cầm, có hố vệ sinh. Một số trạm còn có cả chỗ mắc võng, căng bạt sẵn. Nếu ở bãi khách thì phải tự lo việc ăn ở. Sử dụng thực phẩm mang sẵn theo người để nấu cơm lấy mà ăn, tự làm lấy lều võng mà ở...

Sau khi đã đi qua một chặng đường bằng ôtô, chúng tôi mới thực sự cảm thấy thoải mái khi chuyển sang đi bộ. Tuy đi bộ mệt do hành quân, mang nặng, ngày này qua ngày khác, nhưng ngược lại tinh thần đỡ căng thẳng, sinh hoại đều đặn hơn và ban đêm còn được ngủ yên giấc...

Tuy nhiên chúng tôi vẫn phải luôn đề phòng vì kẻ thù vẫn luôn rình rập đâu đó bên mình. Bầu trời, ngay cả ban đêm cũng không lúc nào ngớt tiếng máy bay. Nếu chỉ để lọt một tia sáng ban đêm, một làn khói ban ngày, cũng có thể lập tức nhận được một quả rốc két, một băng đạn đại liên bắn từ một máy bay trinh sát nào đó. Tại các trạm giao liên, chúng tôi thường được thông báo có những toán biệt kích thả đây đó trong đường dây. Đài không được vặn to, bộ đội khi sinh hoạt cũng không được hát to, vỗ tay to... Những chặng đầu, chúng tôi còn mang theo đèn pin, phải dán một miếng giấy đục thủng một lỗ tròn như hạt ngô ở giữa, dán lên mặt kính để khi soi, chỉ có một luồng ánh sáng như chiếc đũa lọt qua...

Khi đi bộ, chỉ qua một vài chặng đầu, mỗi người, không ai bảo ai, đều tự mình xem xét các thứ mang vác của mình, mọi thứ đều ở trên đôi vai hoặc buộc quanh bụng, từ quần áo, chăn màn, tăng võng, gạo, muối, lương khô, tới thuốc men, vũ khí... Tuỳ theo tình hình các kho trạm dọc đường, mà số gạo phải mang theo, thay đổi từ một tuần, tới 10-12 ngày. Cũng là tuỳ, muốn đi nhẹ, mang ít gạo cũng được thôi, nhưng chuẩn bị khả năng bị đói do không có gạo tiếp tế dọc đường. Quả thực đây là một bài toán khó giải quyết. Muốn ăn no phải vác nặng, đó là điều mà không bao giờ chúng tôi thấy sâu sắc bằng lúc này. Vì vậy, dù nặng đến mấy, chúng tôi cũng phải cố vác hết tiêu chuẩn được phát theo quy định của giao liên... và sau này, chúng tôi còn hiểu thêm rằng có gạo để mang còn là một điều thật hạnh phúc!...

Trọng lượng phải mang vác trên người, thường từ 25-30 kilô. Trọng lượng chủ yếu đè nặng lên hai vai, một phần đeo quanh bụng, móc vào thắt lưng, bao gồm khẩu súng ngắn, con dao găm, bình tông nước uống. Bao gạo nặng khoảng từ 3-4 đến 10 kilô, lúc thì được vắt trên vai, lúc thì đeo quanh thắt lưng. Do mang vác nặng nên mỗi người tìm một cách để giảm bớt trọng lượng. Hai bên đường giao liên, nhất là ở các trạm đầu mối từ đi ôtô chuyển sang đi bộ, có thể thấy vứt bừa bãi dọc đường các trang bị mà lính cảm thấy nặng từ chăn màn, quần áo ấm, bao muối dự trữ, thậm chí cả đường, sữa được phát để sử dụng dọc đường và chỉ mang theo trong ba lô những đồ dùng tối thiểu không thể thiếu trong cuộc sống ở rừng.

Ở một chặng nghỉ, có lần tôi bắt gặp mấy chiến sĩ ngồi trên võng, đang lục tung ba lô, xem xét kỹ lưỡng từng thứ trong ba lô, vẻ mặt tần ngần. Có cậu ngắm nghía quyển an bom dán ảnh gia đình, rồi tặc lưỡi bóc các tấm ảnh để riêng ra rồi vứt cuốn an bom vào gốc cây. Một cậu khác lấy lưỡi dao cắt các khuy ở cổ tay áo. Tôi hỏi, cậu chiến sĩ có vẻ lúng túng, trả lời: “Chả khi nào cài tới các khuy áo này cả, thủ trưởng ạ”, rồi nói thêm “Con ruồi đậu nặng đồng cân mà, thủ trưởng!”. Gương lược, là những thứ không thể thiếu đối với đám con gái, thế mà tôi ngạc nhiên thấy chiếc gương con bằng bàn tay, cũng bị bẻ làm đôi, cái lược cũng vậy, bị bẻ mất một nửa, chỉ còn khoảng chục chiếc răng.

Với đám thanh niên thì khỏi nói, hình như không ai có gương lược. Nhiều người trong chúng tôi, sống hàng chục năm ở chiến trường, mà hình như không lần nào nhìn thấy mặt mình trong gương và trừ những khi cắt tóc, cũng rất hiếm có dịp chải mớ tóc bù xù.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:36:17 pm »


Ngày 6 tháng 4 năm 1966. Chúng tôi chuyển sang đi bộ đã được hơn một tuần. Từ Bản Đông, chúng tôi rời đường quốc lộ số 9, để đi về phía Nam, ven theo con đường anh em giao liên gọi là đường Nava dọc theo biên giới Việt - Lào. Nghe đâu con đường do tướng Nava cho xây dựng trong thời gian kháng chiến chống Pháp.

Qua Trạm 40, trong khi đang đi trên một đoạn đường rừng bằng phẳng, đoàn chúng tôi gặp một đoàn cán bộ từ chiến trường trở ra miền Bắc. Tôi bỗng phát hiện trong đoàn có Hoài Tuân, em vợ tôi. Hai anh em gặp nhau thật bất ngờ. Tuân đi vào chiến trường trước tôi mấy tháng, trong một đoàn chuyên viên vào nắm tình hình chiến trường của Bộ. Tuân gầy và xanh đi, nhưng vẫn mạnh khoẻ. Hai anh em chỉ kịp ngồi lại trên một gốc cây, trao đổi với nhau vài câu chuyện về tình hình gia đình, chừng mười phút rồi lại vội vã theo đoàn lên đường. Tuy vội, nhưng anh Lạc, cũng đã viết kịp bức thư gửi về nhà. Anh Lạc là người chăm viết thư nhất trong đoàn chúng tôi. Thường tới các trạm, anh đều chú ý tìm gặp các đoàn ra để gửi thư. Mỗi khi có dịp, anh lại thường giục chúng tôi viết thư về gia đình. Thư từ, từ chiến trường gửi về hậu phương, có thể chuyển theo qua giao liên. Nhưng chắc chắn và nhanh nhất là nếu gặp người quen gửi theo ra.

Hàng ngày, chúng tôi dậy sớm sau khi ăn sáng, lĩnh một nắm cơm để ăn trưa. Trong nắm cơm có một cục mắm tôm to bằng đầu ngón tay út để thay cho thức ăn.

Đến giờ lên đường, mọi người tập hợp cạnh bờ suối, chờ giao liên dẫn đi. Cũng có khi anh giao liên chỉ cho đầu mối đường và chúng tôi tự đi. Đường độc đạo, nếu thỉnh thoảng có ngã ba, ngã tư thì đã có một cành lá rấp sẵn những lối không đi... nên không sợ lạc. Đến quãng gần trưa là tới chỗ giao trực. Giao liên từ trạm ngoài đưa khách vào bàn giao cho giao liên ở trạm trong ra để đón khách đưa về trạm trong... Tôi cho đây là cách làm việc thật thông minh đỡ sức cho giao liên: Người giao liên sáng đi từ trạm mình, chiều lại trở về trạm của mình. Ăn ở, sinh hoạt được ổn định, không phải mang đồ đạc cá nhân đi đường nên đỡ nặng.

Trong khi giao liên trực là lúc ăn trưa. Anh Bích, bác sĩ Chủ nhiệm Y vụ, thường rủ tôi đi tìm một chỗ khuất, một thân cây đổ, xa mọi người, rút bát đũa trong ba lô ra, rồi lấy dao găm gọt nắm cơm, ăn phần cùi bên ngoài với ruốc mang theo từ miền Bắc, còn cục mắm tôm thì vứt đi. Chúng tôi giống nhau ở chỗ không thích ăn mắm tôm. Bích nháy mắt bảo tôi: “Ngồi xa thế này hay hơn, không có mấy cha chính trị lại bảo tụi mình là tiểu tư sản!”.

Đường giao liên qua nhiều đèo dốc, suối, nhiều khu rừng trụi lá vì chất độc hoá học. Một buổi sáng, trong khi đang đi trên một dãy đồi có cây lúp súp. Bỗng có tiếng máy bay rít ở bên, chúng tôi ngồi sụp xuống nấp sau một bụi cây. Một, rồi hai, rồi ba chiếc máy bay C-123 bay sát ngọn cây trong thung lũng bên trái chúng tôi thấp hơn chỗ chúng tôi ngồi. Các máy bay vút đi rất nhanh, phụt ra phía sau một làn bụi mỏng như sương, toả dần xuống khu rừng rậm rạp. Đó là chiến dịch “khai quang” mà quân đội Mỹ đang tiến hành ráo riết ở miền Nam Việt Nam... Chúng tôi biết, chỉ trong vòng vài ngày, lá cây rừng xanh tốt sẽ vàng úa rồi rụng hết, để lại những cành cây khẳng khiu trụi lá, khô cằn...

Theo quy định cứ đi khoảng 4-5 ngày, lại được nghỉ một ngày. Nơi nghỉ thường do binh trạm quy định, là nơi tương đối an toàn, gần kho. Ngày nghỉ là ngày tắm giặt. Giải trí độc nhất trên đường giao liên là đánh cờ và nghe đài.

Cờ tướng là loại cờ duy nhất thịnh hành trên dọc đường hành quân, bàn cờ được vẽ trên giấy, quân cờ là những mảnh bìa. Tuy nhiên, kiểu đánh cờ này không “sướng” vì không chặt được quân đối phương, đánh bốp một cái khi thắng cuộc... Vì vậy những anh nghiện cờ, dù có ngại nặng đến mấy, có “giản chính” mọi thứ cần thiết trong ba lô đến bao nhiêu. cũng vẫn có mang theo một bộ quân cờ nhỏ xíu. Mỗi quân cờ chỉ bằng đầu ngón tay út, cả bộ cờ đựng trong một bao diêm...

Sau này vào chiến trường, tới các binh trạm tương đối tĩnh lặng, tôi lại thấy những bàn cờ thật to, đục sâu vào mặt cắt của nguyên một thân cây gỗ to bằng người ôm. Hai bên có ghế ngồi cũng là một khúc gỗ cưa bằng mặt. Bàn cờ và quân cờ, sau khi chơi cứ việc bỏ mặc mưa nắng ngoài trời. Quân cờ to bằng nắm tay... để khỏi rơi ướt, thất lạc, dễ nhìn, và khi chém đánh bốp thật sướng tay!

Trước khi vào chiến trường, các đơn vị và chỉ huy Bệnh viện chúng tôi được phát mỗi người một chiếc đài bán dẫn để theo dõi tin tức. Riêng tôi được cấp một chiếc đài National xinh xắn của Nhật. Từ đó, chiếc đài đã trở thành người bạn thân thiết, không thể rời, trong suốt những năm đầy gian khổ ở chiến trường...

Dọc đường hành quân, chúng tôi nghe đài suốt ngày, từ tinh mơ bắt đầu bằng nhạc quốc thiều, và kết thúc ban đêm bằng buổi đọc truyện đêm khuya, nghe tất cả các chương trình, không bỏ sót chương trình nào, từ thời sự đến ca nhạc, thanh niên, phụ nữ, sản xuất... chương trình câu chuyện cảnh giác và kịch vào đêm thứ bảy là những chương trình được theo dõi nhiều nhất.

Trên xe ôtô, chúng tôi mở đài nghe, nhưng những đêm đầu đài cứ rít từng hồi, ù ù sột soạt không sao nghe được. Anh Bích là người có những hiểu biết về điện tử, giải thích cho tôi, đó là hiện tượng hòm kín (Phenomene du caisson) do chúng tôi ngồi trong xe có thành bằng sắt bốn bên bọc kín. Nếu đưa ăng ten ra ngoài trời thì nghe được. Chúng tôi liền buộc dây ăng ten lên nóc xe và chúng tôi nghe được tín hiệu tương đối tốt. Chúng tôi chỉ tiếc là xe thì đi suốt đêm, mà đài chỉ có chương trình tới 11 giờ đêm. Chúng tôi chỉ ước mong đài phát sóng suốt đêm để phục vụ cho bộ đội hành quân đêm.

Khi chuyển sang đi bộ, chúng tôi nghe đài trong khi đi đường, khi ăn, khi nghỉ. Ban đêm, vì không có đèn, không có sách báo để đọc, cũng không có việc gì để làm, vừa để chống muỗi đốt, nên sau bữa cơm chiều, chúng tôi ôm đài nằm lên võng, nghe đủ các chương trình cho tới hết câu chuyện đêm khuya thì thiu thiu ngủ. Nhiều lần khi chợt tỉnh giấc, thấy chiếc đài vẫn rè rè, sột soạt, mới biết là đã quên tắt đài.

Chiếc đài như chiếc cầu nối chúng tôi với hậu phương, và thế giới bên ngoài, giúp cho chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ và cảm giác cô độc...

Qua nhiều trạm giao liên do đoàn ít người, nên chúng tôi được nghỉ trong trạm. Nhưng khi trạm đông khách thì cũng phải ngủ ngoài rừng. Chúng tôi đã phải làm quen với công việc mắc võng, căng tăng để ngủ ngoài rừng. Đây là những công việc tưởng như đơn giản, nhưng chúng tôi cũng phải học ở những chiến sĩ đã sống lâu ở chiến trường và phải làm nhiều lần mới quen. Đầu tiên, chọn khu vực bằng phẳng, không có các tảng đá to hoặc nếu có thì phải dọn sạch rồi chặt các cây con. Để buộc võng cần hai gốc cây to vừa phải, không to quá vì sẽ không đủ dây buộc, cũng không bé quá vì sẽ cong, gãy khi người nằm lên võng. Tốt nhất là hai thân cây to bằng bắp chân, cách nhau khoảng trên một sải tay. Phát hết cây con phía dưới võng, chú ý phát sát đất, không để thành mũi nhọn. Không tạo nên những mũi chông có thể xiên vào người khi ngã lên trên.

Để tránh nước mưa chảy vào võng, không được buộc trực tiếp vào gốc cây, mà phải dùng hai cọc phụ, một đầu cắm chặt xuống đất, đầu trên buộc vào gốc cây đã chọn. Võng sẽ buộc vào cọc phụ. Như vậy nếu trời mưa, nước mưa sẽ theo các tán lá cây, chảy theo thân cây xuống đất, nếu có thấm thì cũng chỉ chảy vào cọc phụ mà không chảy vào võng.

Cách buộc võng cũng có nút buộc riêng, để vừa chắc chắn, khi nằm không bị tuột, nhưng cũng lại rất dễ tháo, đề phòng khi có biệt kích, hoặc khi bị lộ phải di chuyển cấp tốc, có thể chỉ cần giật nút là tháo được võng ngay. Những việc tưởng chừng đơn giản như vậy, nhưng đều đã phải trả giá bằng xương máu: Đã có người chết hoặc bị thương do ngã từ trên võng hoặc võng bị tuột, đập đầu vào tảng đá, gốc cây nhọn như những mũi chông ở dưới võng. Cách mắc tuy đơn giản hơn nhưng cũng phải làm đúng kỹ thuật.

Trước hết, buộc một cây sào giữa hai thân cây được chọn để buộc võng. Vắt tấm nylon dùng làm tăng qua sào. Dùng dây, tốt nhất là dây chun, buộc bốn góc tăng ra bốn phía thật căng, nước mưa mới trôi đi hết. Mọi chỗ trùng lên tấm tăng sẽ trở thành những bọc đựng nước mưa, và tới một lúc nhất định, cả bọc nước sẽ đổ ào vào võng.

Ngoài tăng và võng, chúng tôi còn thường làm thêm giá, ở phía chân võng để kê ba lô, bao gạo... cho khói ướt.

Để tránh muỗi đốt, mọi chiến sĩ khi vào chiến trường, đều được phát màn. Nhưng màn chỉ phù hợp khi nằm giường, có chiếu để có chỗ gài màn. Còn nằm võng thì màn không tiện và không kín.

Bộ đội ở chiến trường đã khéo lợi dụng các dù pháo sáng của địch, nhuộm đi thành màu nguỵ trang, rồi khâu thành chiếc bị chung quanh võng, vừa kín, chống muỗi tốt, vừa nhẹ, vừa giữ ấm với khí hậu thường hơi lạnh vào ban đêm của rừng Trường Sơn. Khi tháo hoặc mắc, cũng như khi sử dụng, chui vào và chui ra khỏi võng cũng rất nhanh.

Tăng và võng thực sự là sáng kiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; là phương tiện tối cần thiết trong hành trang người lính ở chiến trường; là ngôi nhà che chở họ khi hành quân chiến đấu. Nếu bị thương thì võng sẵn sàng trở thành cái cáng khiêng họ về nơi điều trị. Nếu chẳng may họ chết thì tấm tăng nilon trở thành tấm vải niệm đưa họ về cõi vĩnh hằng... thay cho tấm da ngựa của các hiệp sĩ thời xưa!...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:40:18 pm »


Ngày 12 tháng 4 năm 1966. Càng vào sâu, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm càng khó khăn. Nhớ hôm còn ở Hà Nội, trước khi lên đường, một hôm anh Tấn, Bí thư của anh Vinh, Viện trưởng Bệnh viện chúng tôi, sau buổi làm việc ở Tổng cục Hậu cần trở về, có vẻ rất phấn khởi, đưa cho các Chỉ huy Viện, và cán bộ từ cấp thiếu tá trở lên, tấm chứng minh thư cán bộ cấp thiếu tá có đóng dấu 3 chữ C liền nhau “CCC”. Riêng anh Vinh, lúc đó cấp Thượng tá và anh Kính, Chính uỷ, Trung tá, thì được đóng hai con dấu có ba chữ C thành sáu chữ: “CCC CCC”. Anh Tấn thì thầm bảo tôi: Con dấu này quan trọng lắm đấy nhé. Khi vào đường dây, sẽ được ưu tiên. Anh còn thêm: Đúng ra, cấp Trung tá cũng chỉ có ba chữ C thôi, tôi phải nói mãi, mới được sáu C cho cụ Kính đấy!

Trên đường vào, mỗi lúc rỗi rãi, chúng tôi móc chứng minh thư ra xem và tò mò bàn tán không biết ba chữ C: CCC là gì? Và sáu chữ C: CCC CCC là gì? Không ai giải thích được ổn.

Anh Lạc là người hay hài hước, dí dỏm phán đoán: ba chữ C là Cung Cấp Cơm, còn sáu chữ C là Cung Cấp Cơm, Cung Cấp Canh.

Thời gian đầu, trên đoạn đường đi xe ôtô, chúng tôi chưa phải dùng tới tấm bùa hộ mệnh này vì thực phẩm mang theo xe còn khá phong phú. Tới khi chuyển sang đi bộ, đêm đầu tiên tới trạm, trời vừa mưa, vừa rét, khi làm việc với Trưởng trạm, anh Tấn khéo léo giới thiệu: Đoàn chúng tôi là đoàn ba C và sáu C... Chỉ huy trạm hiểu ý ngay nhưng vẫn thản nhiên và lễ phép: “Báo cáo các đồng chí, hoàn cảnh trạm còn có nhiều khó khăn, không có điều kiện ưu tiên được, mong các đồng chí thông cảm...”. Ngừng một chút, anh nói tiếp: Hôm nay trạm lại quá đông, không có chỗ ở, xin các đồng chí mắc tạm võng ngủ ngoài “bãi khách”, - có nghĩa là ngủ ngoài rừng… Nằn nèo mãi, mới được ưu tiên là được nấu bữa tối trong bếp của trạm và còn xin được ít củi khô để nấu cơm.

Sang trạm thứ hai, thứ ba... cũng đều được câu trả lời nhã nhặn tương tự: Hoàn cảnh có những khó khăn... mong các đồng chí thông cảm...

Mãi rồi chúng tôi phát chán, không buồn nói đến chuyện ưu tiên nữa. Cho tới một trạm, khi vào làm việc, anh Trạm trưởng buồn bã thông báo cho chúng tôi biết gạo thiếu... mong đồng chí thông cảm... ăn tạm cháo vậy...

Trở về chỗ ở, leo lên võng nằm, chúng tôi ngán ngẩm nhìn tấm chứng minh thư có con dấu ưu tiên. Một người bình luận ba C, là Cóc Có Cơm... một anh khác chêm vào: Còn sáu C là Cóc Có Cơm, Chỉ Có Cháo...


Ngày 14 tháng 4 năm 1966. Đến sông Bạc vào một buổi chiều tạnh ráo, nắng vàng rực rỡ trên sườn núi đá. Đây là một nhánh sông nhỏ từ sườn phía Tây dãy Trường Sơn chảy về sông Mê Kông. Nước chảy xiết đập vào những tảng đá nhấp nhô giữa dòng sông, bắn tung toé thành những đám bọt trắng xoá như bạc. Có lẽ vì thế mà con sông được gọi là sông Bạc hay sao?

Chúng tôi qua sông trên những con thuyền độc mộc, chòng chành. Lòng sông hẹp, hai bên bờ ở một vài chỗ còn cây cối um tùm, nên qua sông được ban ngày, trong mối lo nơm nớp gặp máy bay địch.

Đoạn sông Bạc ở đây, chảy về hướng Nam, song song với biên giới Lào Việt và đường giao liên. Các đơn vị vận tải đã khéo biết lợi dụng điều kiện thuận lợi này để vận chuyển lương thực qua một trọng điểm đầy nguy hiểm: Gạo được đóng trong các bao 20-30 kilô, bọc trong hai lớp nilon dày, xanh, dán kín để không bị ướt rồi thả trôi sông. Dọc theo dòng sông, có các trạm theo dõi trên bờ, nếu bao gạo dạt vào bờ thì dùng sào dài đẩy ra giữa dòng và như vậy, vượt qua sự quan sát của máy bay địch, hàng trăm tấn gạo được thả lềnh bềnh theo dòng sông, trôi vào phía Nam.


Ngày 18 tháng 4 năm 1966. Qua sông Bạc là tới trạm đầu mới rẽ xuống khu 5. Con đường mòn xuống khu 5 tách ra khỏi trục đường vào Tây Nguyên và Nam Bộ, đi về phía Đông, vượt qua những dốc dựng đứng của dãy Trường Sơn, đã được bộ đội truyền tụng trong câu ví “Dốc Quảng Nam, gan cộng sản”. Các đoàn xuống khu 5 tách ra ở đây, trong khi các đoàn vào Tây Nguyên, khu 6 và Nam Bộ thì liếp tục đi về phía Nam, dọc theo biên giới Việt Lào, men theo cao nguyên Bôlôven xuống vùng Ngã ba Biên giới.

Ở một trạm giao liên gần sân bay Chà Vằn, chúng tôi gặp anh Vũ Văn Cẩm, Cục trưởng Cục Quân y đang trên đường từ Tây Nguyên trở ra. Thì ra, sau buổi gặp chúng tôi, tuyên bố quyết định thành lập Đoàn 84, anh đã bí mật cùng một số trợ lý vào Tây Nguyên trước để kiểm tra tình hình chiến trường. Anh đen và gầy đi, nhưng đôi mắt vẫn sáng to thông minh và đầy nghị lực. Từ lâu, trong ngành Quân y, và cả trong Quân đội, anh vẫn được coi như một người Chỉ huy Quân y có uy tín, giỏi về tổ chức, có đạo đức trong sáng và nhân hậu. Tuy không công tác gần anh, nhưng tôi coi anh như người anh lớn. Những báo cáo, tổng kết hay các chỉ thị, ý kiến phát biểu súc tích, mạch lạc, sáng sủa của anh trong các Hội nghị Quân y mà tôi có dịp tham dự luôn làm cho chúng tôi cảm thấy tin tưởng ở anh.

Anh làm việc với chúng tôi một buổi chiều và buổi tối thông báo cho chúng tôi biết những tình hình mới nhất ở chiến trường, những khó khăn chúng tôi sẽ gặp và những kinh nghiệm để khắc phục.

Anh cũng cho biết ở chiến trường, đã có một Trạm giao liên mang số hiệu 84, trùng với phiên hiệu của chúng tôi nên có thể gây nhầm lẫn. Vì vậy, anh đã quyết định đổi tên Viện 84 thành Viện 211, lấy con số của hai bệnh viện 108 và 103 cộng lại, để ghi nhớ nguồn gốc của Viện 211 sinh ra từ hai bệnh viện tuyến cuối cùng của Quân đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:43:46 pm »


Ngày 20 tháng 4 năm 1966. Tới dốc Bô Phiên, việc cung cấp càng khó khăn hơn, vì xa cả hai nguồn tiếp tế, từ miền Bắc vào và từ miền Nam ra... Các kho gạo trống rỗng. Thay cho mối lo sợ phải vác gạo nặng trên vai, nay là mối lo không có gạo.

Đã hai trạm liền chúng tôi phải ăn cháo thay cơm, mọi người đều mệt rã rời. Tối hôm đó, tôi và anh Tấn vào liên hệ với trạm xem có được tiếp tế gì không. Bước vào căn nhà tre nứa, chật hẹp của anh Trạm trưởng, vách bằng lá ken dày cho ánh lửa khỏi lọt ra ngoài. Trong bếp, một đống củi nhỏ đang cháy, khói mù mịt. Anh Trạm trưởng đang ngồi một mình trước cái bàn bằng gỗ hòm ghép lại. Trông thấy anh, người gầy gò, mặt võ vàng vì thiếu máu do sốt rét nhiều và thiếu ăn, tôi hiểu ngay là khó có thể hy vọng gì.

Trong khi nói chuyện, tôi cảm thấy hình như anh đang có việc gì bận, nên tiếp chúng tôi thật hờ hững. Tôi cũng rút ngắn câu chuyện và cáo từ lui ra. Ra khỏi cửa, tôi vẫn băn khoăn, không biết ông này bận gì, nên tò mò kín đáo nhìn qua khe vách.

Tôi thấy anh Trạm trưởng, mặt tươi tỉnh hẳn, rút từ ngăn bàn ra một đám gì ngọ nguậy. Anh ngồi xuống trước ngọn lửa, chao từ tay này sang tay kia, cái đám ngọ nguậy đó, với vẻ mặt thật thích thú. Tôi căng mắt nhìn và sững người: thì ra một bầy chuột khoảng tám chín con, còn đỏ hỏn, chưa mở mắt, đang lăn long lóc từ tay này sang tay kia... Chắc chúng sẽ được nướng trên bếp lửa để làm bữa tối cho anh... Và đó là lý do làm cho anh sốt ruột không muốn tiếp chúng tôi. Tôi kéo vai anh Tấn, quay trở về võng nằm. Trong lòng ngán ngẩm và lo lắng. Đến ông Trạm trưởng cũng đói thế này thì còn mong gì!


Ngày 23 tháng 4 năm 1966. Hôm nay, sau khi đi qua một quãng rừng le rậm rạp, đến một chỗ nghỉ, cô Oanh bỗng kêu lên: Một con ve cắm chặt vào bắp tay cô... Rừng Trường Sơn có những loài côn trùng thật đặc biệt. Chúng tôi đã bắt đầu có kinh nghiệm với loại ve này. Con ve màu nâu chỉ bằng hạt tấm, nhưng khi cắn vào chỗ nào thì đầu ve cắm sâu vào thịt, đuôi chổng lên trời. Không thể rút ra được. Nếu dứt mạnh thì đầu ve sẽ đứt ra, nằm lại trong da và trở thành một cục cứng. Khi mới đốt, chỉ hơi nhói một chút, nhiều khi không biết, nhưng đến đêm, chỗ ve đốt mới ngứa ran, gãi chảy máu cũng không hết ngứa và chỗ đầu ve nằm lại thành một cục cứng trong da luôn luôn gây ngứa ngáy khó chịu...

Do có kinh nghiệm trước, nên lần này, chúng tôi không dám dứt mạnh, mà dùng lửa đốt đít con ve nhô ra ngoài mặt da. Phải khéo léo mới đốt trúng con ve nhỏ xíu, mà không làm bỏng da.


Ngày 25 tháng 4 năm 1966. Sau khi vượt qua sông Xê Ca Mán, một nhánh của sông Mê Kông, chúng tôi đi được vài ngày trên một đoạn đường rừng tương đối bằng phẳng ven cao nguyên Bôlôven thuộc Hạ Lào, sau đó vượt sông Xê Ca Mán tới khu vực có mật danh S9-B3, gần Ngã ba Biên giới, cửa ngõ của chiến trường Tây Nguyên, nơi được quy định là địa điểm tập kết cho đoàn chúng tôi và gặp các đoàn đi trước.

Chúng tôi thật vui mừng gặp lại nhau. Cả hai đều đã tới nơi đông đủ, an toàn. Người nào, người nấy đều gầy rộc, đen đủi sau những khó khăn, gian khổ dọc đường. Một vài người bắt đầu bị sốt rét, đây là điều đã được chờ đợi từ trước. Đây là khu vực có bệnh sốt rét lưu hành vào loại nặng nhất của chiến trường Đông Dương. Đoàn anh Âu có một trường hợp, cậu Hưng y tá bị lạc rừng. Hôm đó, sau một ngày hành quân buổi chiều, ăn cơm xong. Hưng xuống suối, chỉ cách nơi ở độ một trăm mét để rửa bát. Nhưng khi trở về thì mất phương hướng, không biết đi hướng nào, càng đi càng lạc sâu vào rừng... Hưng ngủ suốt đêm trong rừng, rồi cả buổi sáng hôm sau. Cả đoàn phải ở lại trạm một ngày, chia nhau đi các phía tìm kiếm mãi trưa hôm sau mới tìm được Hưng đang lang thang trong rừng.

Lạc rừng là một điều thật đáng sợ với một thanh niên quen sinh sống ở miền Bắc khi vào rừng núi Tây Nguyên. Rừng mênh mông, trùng điệp. Những gốc cây, bụi rậm, khe suối, ngọn đồi nơi nào cũng giống nơi nào. Tiếng chim kêu, vượn hót, bước chân loạt soạt của thú rừng. Cảm giác cô độc, nỗi lo sợ không trở về được đơn vị cộng thêm cái đói, khát mệt mỏi đến rã rời. Một mình trong rừng, bốn bên là những khối cây lá um tùm, không một bóng người, không một tiếng nói quen thuộc. Con người tự nhiên cảm thấy bơ vơ, yếu đuối, cô độc giữa thiên nhiên mênh mông với bao nhiêu nguy hiểm vô hình rình rập bên mình...

Lạc rừng thực sự là mối đe doạ cho người chiến sĩ mới vào Tây Nguyên. Đã có người lạc rừng rồi chết luôn trong rừng, không tìm được lối ra.

Hưng là người đầu tiên trong bệnh viện chúng tôi bị lạc rừng. Sau khi trở về đơn vị, do hoảng hốt, khiếp sợ suốt một đêm ròng. Hưng trở nên ngơ ngẩn, lầm lì như người mất hồn. Tình trạng tâm thần này kéo dài hàng tháng sau mới hồi phục...

Thử thách lớn nhất lúc này với tất cả chúng tôi là đói. Các kho gạo trống rỗng... Mùa mưa đã bắt đầu, các con đường lầy lội, thêm vào đó là sự đánh phá ác liệt của địch làm cho xe chở gạo không vào được. Chúng tôi phải chia nhau lặn lội hai ba ngày đường tìm vào các nương rẫy cũ của đồng bào để mót từng mẩu sắn nhỏ đã xơ cứng hoặc xanh lè do chất độc hoá học để về chia nhau ăn.

Chúng tôi còn vào rừng hái rau rừng và đào những củ măng chưa kịp nhô lên khỏi mặt đất vì mới vào đầu mùa mưa...

Một hôm, cả đơn vị vui mừng khi một anh đi tắm ở suối về hớn hở sách về một con cá to bằng bắp tay và cho biết con suối Xê Ca Sụ gần nơi chúng tôi đóng quân có nhiều cá nhưng không biết tại sao cá chết nhiều nổi lềnh bềnh khắp nơi. Những con còn sống thì rất lờ đờ, chậm chạp. Tuy nghi ngại có thể cá chết do chất độc hoá học của địch rải trong rừng. Anh em khoa Dược thì phát hiện thấy dọc bờ suối mọc rất nhiều cây Mã tiền, một loại cây thuốc có thể gây ngộ độc mà đồng bào dân tộc thường dùng để ruốc cá. Có thể vì vậy nên cá bị nhiễm độc chăng? Dù nguyên nhân nhiễm độc là gì, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, chúng tôi cũng đành ăn liều. Trong tay chúng tôi không có cần câu, cũng không có lưới để bắt cá, nhưng do cá bơi rất lờ đờ nên có thể dùng dao chém và như vậy, chúng tôi có được nguồn thực phẩm đầu tiên do núi rừng cung cấp...

Còn Bệnh viện, hình ảnh của một Bệnh viện khang trang do công binh làm sẵn là một ước mơ không thể thực hiện được. Rõ ràng là trong tình hình này chúng tôi sẽ là người tự xây dựng lấy bệnh viện để có cơ sở làm việc. Bài học “tự lực cánh sinh” trong ý nghĩa triệt để nhất bắt đầu từ đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:15:01 pm »


NGÃ BA BIÊN GIỚI


Ngày 2 tháng 5 năm 1966. S9-B3, nơi quy định là địa điểm tập kết cho Viện 211 là một địa điểm gần khu vực giáp biên giới của ba nước Việt Nam - Lào và Campuchia, thường được bộ đội gọi là vùng Ngã ba Biên giới. Hiện nay, đây là điểm cuối cùng của đường cơ giới. Tuy nhiên đường giao liên bộ thì vẫn tiếp tục đi qua Tây Nguyên, để vào Nam Bộ xuống khu 6...

Chính uỷ B3, đồng chí Chu Huy Mân gửi thư cho chúng tôi. Bức thư ngắn gọn nhưng súc tích. Trong thư, đồng chí thay mặt cán bộ chiến sĩ Tây Nguyên tỏ ý hoan nghênh Bệnh viện đã vào tới chiến trường và căn dặn: Từ hậu phương vào tiền tuyến; từ thao trường, Học viện vào chiến trường thì việc nhuần nhuyễn với thực tiễn, thích ứng với hoàn cảnh chiến trường là nhiệm vụ hàng đầu... Cuối cùng đồng chí chúc Bệnh viện thành công, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chúng tôi biết Chính uỷ mặt trận là một chiến sĩ cách mạng lão thành. Trong kháng chiến chống Pháp, và kể cả sau ngày hoà bình được lập lại năm 1954, ông vẫn lăn lộn ở những chiến trường gian khổ ác liệt nhất, ở Tây Bắc, rồi giúp nước bạn Lào. Có một thời gian bẵng tin ông, nhưng vào tới Tây Nguyên lại gặp ông ở đây. Lời ông căn dặn trong thư “Phải đi sâu vào thực tiễn, nhuần nhuyễn với thực tiễn chiến trường” chính là suy nghĩ và cũng là khó khăn của chúng tôi.

Chúng tôi nghỉ ngơi vài hôm, hợp tác với các đoàn vào trước để kiểm điểm tình hình, rút ra kinh nghiệm. Sau đó một đoàn cán bộ gồm Chỉ huy Viện và một số Chủ nhiệm khoa lên Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, mang mật danh là mặt trận B3 để nghe phổ biến tình hình chiến trường và nhận nhiệm vụ.

Bộ Tư lệnh mặt trận ở trong một khu rừng rậm rạp có 3-4 lớp tán cây che phủ, cạnh một khe suối nhỏ. Chúng tôi ở lại hai ngày làm việc với các cơ quan mặt trận, nghe giới thiệu kinh nghiệm của các đơn vị vào chiến trường từ trước...

Trong khi làm việc với các cơ quan mặt trận, gặp các cán bộ vào chiến trường trước, chúng tôi có cảm giác rất rõ là các anh, một mặt mừng vì chiến trường có thêm lực lượng khoa học kỹ thuật để góp phần bảo vệ sức khoẻ cho bộ đội, nhưng mặt khác, dường như cũng có mối lo ngại, tuy không trực tiếp nói ra, là liệu số “lính cậu” từ Hà Nội mới vào này, có chịu đựng được những khó khăn gian khổ ác liệt của chiến trường để phục vụ bộ đội hay không? Hay ngược lại, trở thành một gánh nặng thêm cho chiến trường đang có không ít khó khăn này?

Và dường như mối e ngại đó, không phải là không có cơ sở…

Trong khi ở lại Ban Quân y mặt trận làm việc, một cán bộ trong đoàn chúng tôi bác sĩ N., bị lên cơn sốt rét. Cơn sốt đầu tiên rung giường chiếu, tới hơn 40 độ, làm cho anh hoảng hốt, tưởng đâu như thần chết đã đến cạnh người, luôn mồm rên la gọi: “Nguyên, Nguyên (tên anh Chủ nhiệm Quân y mặt trận), mày xem “pu” (pouls) - (mạch) của tao có còn hay không? Tao mất hết “pu” rồi, mất “pu” rồi!”.

Tất nhiên, sau cơn sốt anh trở lại bình thường, nhưng sự hốt hoảng của anh làm cho chúng tôi thật ngượng ngùng và trở thành câu chuyện cười cho anh em ở chiến trường lâu, sốt rét như cơm bữa hàng ngày.

Ngày 6 tháng 5 năm 1966. Từ khi thành lập, Bệnh viện chia thành 3 khối. Chỉ huy Viện chia nhau phụ trách từng khối: Khối 1 là các cơ quan đoàn Bộ. Khối 2 là các khoa Nội. Khối 3 gồm các khoa Ngoại.

Tôi được phân công chỉ huy khối Ngoại gồm các khoa Chấn thương, Chỉnh hình mang số khoa 31, khoa Phẫu thuật thần kinh (32), khoa Phẫu Thuật bụng ngực (33), Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Mắt, Răng (34).

Ngoài các khoa Lâm sàng, khối Ngoại còn có thêm 4 khoa cận lâm sàng là khoa Gây mê hồi sức, khoa X quang lý liệu, khoa Dược và một phòng xét nghiệm.

Trong thời bình, mỗi khoa của Bệnh viện chỉ làm công việc chuyên môn. Nhưng trong thời chiến, các khoa chịu trách nhiệm toàn diện về mọi công việc của nhân viên và thương bệnh binh. Ngoài công tác chuyên môn, còn phải lo rất nhiều việc liên quan đến công tác hậu cần, nuôi dưỡng thương bệnh binh, nhân viên, công tác chính trị tư tưởng.

Khi ra đi từ Hà Nội, chúng tôi mới chỉ có khung cán bộ chuyên môn. Số hộ lý, công vụ, cấp dưỡng thì tuyển ở dọc đường, trong số thanh niên xung phong phục vụ Đường dây 559.

Sau khi tới địa điểm được chừng mười ngày thì anh Mùi, trợ lý chính trị, cũng vào tới nơi đưa theo gần 100 nam nữ thanh niên xung phong, bổ sung cho các khoa. Biên chế của Bệnh viện như vậy là đầy đủ với trên 400 cán bộ nhân viên.

Tuy nhiên, số anh chị em thanh niên xung phong này- phần lớn quê Hà Tĩnh, Quảng Bình, vừa mới rời gia đình đi phục vụ chiến trường, làm công tác vận chuyển, còn rất mới mẻ với cuộc sống bộ đội, càng không biết gì về việc phục vụ trong ngành Y.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:16:22 pm »


Khoa 32, anh Lạc được bổ sung 5 cô cậu thanh niên xung phong về làm cấp dưỡng. Nhưng khi phân công nấu cơm, một cô bảo:

- Em không biết nấu cơm!

Anh Lạc hỏi: - Thế ở nhà cô làm gì?

- Em đi học!

- Thế ai nấu cơm cho em ăn?

- Mẹ em.

- Thế ngộ nhỡ mẹ em đi vắng thì ai nấu?

- Dạ, chị em...

Thế là Chủ nhiệm khoa lại phải chỉ bảo từng công việc từ vo gạo, rửa rau đến thổi cơm trong các chảo to, tới đào bếp Hoàng Cầm...

Những khó khăn trước mắt thì đầy rẫy... Người tuy vào tới nơi, nhưng toàn bộ trang thiết bị cho Bệnh viện, hơn 1200 kiện hàng còn tan tác trên đường dây, chưa biết bao giờ mới vào tới nơi. Mùa mưa đã bắt đầu. Trong mùa mưa, mọi vận chuyển bằng cơ giới đều đình trệ hết. Thiếu đói, bệnh tật, địa điểm chưa có, anh em làm lán ở tạm trong một thung lũng lầy lội.


Ngày 8 tháng 5 năm 1966. Máy bay oanh tạc đường vào chỗ ở của chúng tôi, bác sĩ Bích Chủ nhiệm khoa Y vụ bị thương!

Hôm đó, anh Bích cùng với một số anh em đang đi từ địa điểm cũ sang địa điểm mới. Đi qua một quãng rừng thưa thì có máy bay OV-10 bay trên đầu. Các anh đã núp xuống dưới bụi cây, nhưng chúng vẫn phát hiện ra. Chỉ vài phút sau, hai chiếc “Thần sấm” đến ném bom và bắn rốc két túi bụi xuống khu rừng. Anh Bích bị một mảnh bom phạt ngang bắp chân phải, trong khi anh em khác chạy tứ tung không ai việc gì.

Chỉ vài phút sau, khu rừng trở lại yên tĩnh như thường. Anh Bích bị thương, máu chảy đầm đìa trong khu rừng bị bắn phá tan hoang, lạnh toát người khi một con trăn đen sì, to bằng bắp đùi, dài bằng cây tre, từ trong rừng trườn ra, bò qua người anh và trườn tiếp sang khu rừng đối diện. Con trăn dường như cũng hốt hoảng vì cuộc bắn phá, chạy tìm nơi ẩn trốn.

Anh Bích là người đầu tiên mổ trong Bệnh viện của chúng tôi.

Vết thương của anh Bích cho chúng tôi nhiều bài học: Đầu tiên là sự cảnh giác với máy bay địch, chúng có thể phát hiện rất tinh và có thể huy động lực lượng, đánh phá rất nhanh. Bài học thứ hai là về cấp cứu. Mặc dầu tai nạn xảy ra ngay ở gần Bệnh viện. Nhưng tính ra, từ lúc bị thương đến khi lên được bàn mổ để xử trí vết thương vẫn phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ! Do nhiều lý do, sự hốt hoảng, rối ren sau cuộc oanh tạc, do phải chuẩn bị cáng và huy động người tải thương, rồi đường tải thương len lỏi trong rừng, vướng cây cối, bụi rậm...

Tôi nghĩ đến vết thương mạch máu nếu cầm máu tạm thời bằng cách sử dụng ga rô thì rõ ràng là ở chiến trường rừng núi này và với kiểu tải thương bằng cáng bộ, không thể nào thương binh đến kịp tay phẫu thuật viên trong vòng hai giờ để tháo bỏ ga rô như quy định... và kết quả sẽ thật bi thảm. Nhận xét đầu tiên này, đã là cơ sở cho một quy định sau này ở chiến trường Tây Nguyên là trong những trường hợp cho phép phải thay thế garô bằng băng ép tại chỗ hay băng nút cho các vết thương mạch máu...


Ngày 12 tháng 5 năm 1966. Một chuyện đột xuất xảy ra trong khối Ngoại. Cậu D. một thanh niên xung phong, mới bổ sung về khoa 33, anh em trong khoa còn chưa quen biết nhau. Không biết có phải vì một nguyên do riêng tư nào hay chỉ bởi bế tắc trước những khó khăn gian khổ đầy rẫy của chiến trường. D đã quá bi quan, nhằm lúc đơn vị vắng người, lẻn ra sau nhà, dùng dây dù buộc lên cành cây thắt cổ tự tử. Khi có người phát hiện ra, thì D đã chết, mặt to như nắp tráp.

Sau khi chôn cất cho D. Không khí trong đơn vị thật hoang mang, buồn bã. Tối hôm đó, tôi cảm thấy cần phải làm gì để xoá không khí bi quan trong đơn vị nên tập hợp toàn đơn vị nói chuyện. Trời tối, nhìn không rõ mặt người. Không dám đốt lửa vì sợ máy bay. Anh chị em ngồi trong 4 chiếc lán che tạm lá chuối. Trời mưa rả rích. Không rõ nước mưa hay nước mắt làm ướt gò má chúng tôi. Nghĩ tới D, tôi vừa giận vừa thương. Với niềm thương cảm tràn ngập trong lòng, tôi nói thật say sưa về sống và chết. Tôi nói đến Nguyễn Văn Trỗi, đến “… cái chết làm nên lịch sử, cái chết hoá thành bất tử” và so sánh với cái chết do khiếp sợ trước khó khăn gian khổ, chết để trốn tránh trách nhiệm, để lại đau khổ, tủi nhục cho gia đình, làng xóm... như cái chết của D...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:18:06 pm »


Ngày 15 tháng 5 năm 1966. Đã hơn một tháng, kể từ khi đoàn đi đầu của Bệnh viện vào tới chiến trường mà vẫn chưa tìm ra địa điểm triển khai chính thức của Bệnh viện. Tất cả chúng tôi đều rất sốt ruột. Mùa mưa đã bắt đầu mà vẫn phải tăng võng ở tạm trong rừng, chờ để di chuyển vào địa điểm chính thức... Theo cách làm quen ở chiến trường, Phòng Tham mưu Mặt trận chỉ xác định địa điểm cho Bệnh viện bằng cách khoanh một vòng tròn trên bản đồ, còn công việc tìm địa điểm trên thực địa là do đơn vị tự lo. Nhưng từ sau khi được Mặt trận chỉ định chỗ triển khai, đã hơn một tháng nay, đoàn đi tìm địa điểm do anh Lê Công, Viện phó phụ trách Hậu cần cùng với một tổ cảnh vệ sáng sáng khoác ba lô ra đi, chiều tối, có khi tối mịt mới trở về, lắc đầu: “Chưa tìm ra địa điểm”. Đến buổi họp Chỉ huy Viện, nghe anh Công báo cáo lại cách anh đi tìm địa điểm, mới thấy hết các khó khăn và hiểu ra tại sao anh không tìm ra...

Địa điểm mặt trận quy định cho Bệnh viện là một khu rừng, cách bản Phi Hà khoảng 10 cây số. Nhưng khi tìm đến Phi Hà thì chỉ thấy một bãi trống, những đống tro tàn của những ngôi nhà cũ. Trước chiến tranh, có thể đây là một bản tương đối trù phú đông dân, do đó mới có tên trên bản đồ. Nhưng là bản đồ vẽ từ hơn ba mươi năm trước! Qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, dân đã bỏ bản sống rải rác phân tán thành những tốp nhỏ ven rừng, bên các khe suối nhỏ...

Cách tìm đường của anh Công là hỏi đường nhân dân địa phương. Tuy người dân, kể cả người già, sống suốt đời ở địa phương, nhưng thường chỉ quanh quẩn bên nương rẫy của mình, ít khi đi xa. Nên khi chỉ dãy núi ở gần bản, hỏi đường vượt qua núi, thì đồng bào thường lắc đầu: Mình không biết chỗ, mình chưa sang bên ấy bao giờ!

Và cứ như vậy đã mất hơn một tháng, không tìm được người chỉ đường đi đến địa điểm quy định.

Rõ ràng là ở vùng rừng núi này, tìm đường theo cách “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” là không kết quả, phải tìm cách khác.

Nhưng khốn một nỗi cả Bệnh viện chúng tôi, có thể rất quen sử dụng dao kéo, bơm tiêm, với công tác chuyên môn, khám và chữa bệnh, nhưng lại hết sức xa lạ với việc đọc bản đồ, sử dụng địa bàn, hành quân di chuyển trong rừng theo một toạ độ quy định. Cả Viện không có cán bộ quân sự. Cán bộ chuyên môn chúng tôi thì chưa thể học các tiết mục này ở trường Đại học, cán bộ Chính trị và Hậu cần càng không biết. Ở hậu phương, thỉnh thoảng có được tập huấn quân sự, thì cũng chỉ được học các môn lễ tiết, chào hỏi, hoặc duyệt đội ngũ, đi đều, nghiêm nghỉ, quay phải, quay trái... Các tiết mục đó rõ ràng là không giúp gì cho chúng tôi lúc này.

Tôi nhớ trong một buổi họp rút kinh nghiệm cậu Hưng bị lạc trong rừng hôm trước, bàn về cách định hướng trong rừng, một cán bộ chính trị đã “hiến kế”: Nếu bị lạc vào mùa mưa, mây mù che khuất không nhìn thấy mặt trời, thì cứ tìm một gốc cây to. Phía nào có rêu mọc nhiều thì đó là hướng Đông.

Không rõ đây có phải là kinh nghiệm hay không. Tuy nhiên trước tình hình khó khăn của đơn vị, trong buổi họp của Chỉ huy Viện, tôi mạnh dạn xung phong nhận nhiệm vụ đi tìm địa điểm cho đơn vị. Hy vọng với vốn kiến thức quân sự thật ít ỏi của tôi, cộng thêm một số kinh nghiệm tôi thu lượm được từ thời học sinh trong một đoàn Hướng đạo, các trò chơi trốn tìm, tìm bắt kẻ gian trong rừng cũng để lại cho tôi một chút kinh nghiệm về sử dụng địa bàn, bản đồ có thể giúp ích lúc này.

Nhìn quanh trong đơn vị, cũng không thấy ai có khả năng hơn, nên cuối cùng Chỉ huy Viện chấp nhận đề nghị của tôi.

Đầu tiên, tôi chọn anh Cường, y tá, người dân tộc Tày quê ở Cao Bằng và anh bác sĩ Chung khoa Chấn thương là hai người trong tháng đầu ở chiến trường tỏ ra có kinh nghiệm đi rừng, lại giỏi săn bắn cùng với cậu Vi cần vụ của tôi.

Quan trọng nhất trong việc đi rừng là tìm bản đồ của khu vực, một chiếc địa bàn. Tới đây tôi mới thấy hết khuyết điểm của công tác chuẩn bị, trước khi vào chiến trường. Mặc dù chúng tôi đã chuẩn bị mang đi cả một thư viện tài liệu chuyên môn đủ các chuyên khoa... “Thiên kinh vạn quyển” tưởng không thiếu thứ gì... thế mà cái thiết thực nhất là tập bản đồ thì không mang theo.

Nhưng cũng còn may là anh Tấn, thư ký của anh Vinh mang đi được mấy “mảnh” bản đồ, trong đó có mảnh khu vực chúng tôi đang cần. Đây là mảnh bản đồ có tỷ lệ 1/200.000 xuất bản từ năm 1932 tức là hơn 30 mươi năm trước với nhiều mảnh còn để trắng, chưa vẽ. Đường biên giới giữa Việt Nam và Lào cũng như với Campuchia, là vùng chúng tôi đang cần tra cứu thì nhiều vùng in dòng chữ: Biên giới chưa minh định. Tuy nhiên đây vẫn là tài liệu quý đối với chúng tôi lúc này.

Công cụ thứ hai cần cho việc đi rừng là chiếc địa bàn... Cũng như bản đồ, không ai trong chúng tôi nghĩ tới việc mang theo địa bàn khi rời Hà Nội. Hỏi mọi người trong đơn vị, may mắn có bác sĩ Dương, trước khi lên đường, có ông anh họ đến thăm và tặng một chiếc địa bàn... Một chiếc địa bàn nhỏ xíu, bằng mặt chiếc đồng hồ đeo tay phụ nữ và cũng có dây để đeo vào cổ tay. Đây là chiếc địa bàn dùng làm đồ chơi cho trẻ con... Nhưng dù sao cũng thật quí giá đối với chúng tôi lúc này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM