Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:28:13 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87836 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 10:48:14 pm »



Tên sách: Tây Nguyên ngày ấy
Tác giả: Lê Cao Đài
Nhà xuất bản: Lao động
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, chuongxedap

CÙNG MỘT TÁC GIẢ

* Chẩn đoán học ngoại khoa - Bài giảng Trường Quân y Trung cấp (cùng tập thể) - Cục Quân y xuất bản 1957.

* Một số vấn đề cấp cứu bụng - Cục Quân y, 1961.

* Chấn thương lồng ngực (cùng với tập thể) - NXB Y học, 1981.

* Từ điển Ngoại khoa 2 tập (cùng với tập thể) NXB Y học, 1982.

* Sốc chấn thương (cùng với tập thể) NXB Y học, 1983.

* Ngoại khoa (cùng với tập thể) Giáo trình sau Đại học - Trường Đại học Y Hà Nội, 1983.

* Từ điển Y học sáu thứ tiếng (Anh - Nga - Pháp - Đức - Latinh - Việt) (cùng với tập thể) NXB Y học, NXB Thống kê, 1993.

* Cha con tôi (cùng với tập thể) dịch từ nguyên bản tiếng Anh cuốn “My father, My son” E.Zumwalt. NXB Chính trị quốc gia, 1996.

* Tây Nguyên ngày ấy (truyện ký) - NXB Lao Động, 1997, tái bản 2002.

* Chất da cam trong chiến tranh Việt Nam - Tình hình và hậu quả - Hội chữ thập đỏ Việt Nam - 1999, dịch sang tiếng Anh “Agent orange in the Vietnam war History anh Consequencess”. Người dịch Diana Fox. Hiệu đính Nguyễn Khuyến - Hà Nội 2000.

* Các nghiên cứu về Ngoại khoa và Ngoại khoa chiến tranh đăng trên các báo và tạp chí Y học Việt Nam.

* Các nghiên cứu về hậu quả chiến tranh hoá học. Báo cáo tại các hội thảo khoa học trong và ngoài nước.







LỜI GIỚI THIỆU

Cuộc sống và chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên đã đào luyện cho tác giả thành một bác sĩ chiến binh.

Hoà mình trong cuộc chiến đấu ác liệt, gian khổ, người bác sĩ chiến binh càng có nhiều sáng tạo trong công tác sinh hoạt và chiến đấu. Người bác sỹ quân y ở chiến trường phải làm tất cả: cầm dao kéo, cầm xẻng đào công sự, cầm cuốc để sản xuất, cầm súng để chiến đấu và cầm bút để viết lý luận...

Thật là xúc động khi đi công tác qua Viện 211, tôi thấy bác sĩ Đài, Bệnh viện trưởng Quân y Viện 211, quần xắn đến đầu gối cầm gậy đứng trên đồi đang chỉ trỏ cho cán bộ nhân viên của mình tìm nương phát rẫy để sản xuất.

Trong chiến dịch mùa Đông năm 1967, trên đường ra mặt trận, tôi cũng thấy các bác sĩ, y sĩ, nhân viên quân y cùng sát cánh với anh chị em vận tải, dân công đang tấp nập gùi, thồ lương thực, đạn dược ra phía trước.

Các bác sĩ quân y Tây Nguyên cũng rất chú ý đến nghiên cứu khoa học về y học quân sự trong chiến tranh. Tôi đã cùng họp với bác sỹ Vinh (Đạo), bác sĩ Tụ, bác sĩ Đài và một số bác sĩ khác bàn bạc xuất bản tờ: “Nội san quân y ở chiến trường Tây Nguyên”.

Một thanh niên trí thức người Hà Nội, với truyền thống tinh hoa về tinh thần quật cường bất khuất của Dân tộc, đi theo lời gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ đã dũng cảm chiến đấu, công tác trong gian khổ, ác liệt với đầy sức sáng tạo.

Chiến trường là một trường học lớn, chiến đấu là một người thầy tốt đã hun đúc nên những con người chân chính.

Mong tập sách này của tác giả sẽ mang một luồng gió tâm hồn tươi mát cho người đọc.

   
Thượng tướng, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân
   Hoàng Minh Thảo
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Mười, 2020, 06:33:49 am gửi bởi Giangtvx » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 10:51:39 pm »


CHUẨN BỊ


Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 1965. Từ ngày sơ tán, đã trở thành lệ ở Viện Quân y 103, nơi tôi đang công tác là cán bộ, nhân viên có thể làm việc liên tục các ngày lễ và chủ nhật dồn 3-4 ngày nghỉ đi thăm gia đình ở nơi sơ tán.

Hôm đó, tôi cũng vậy, sau khi mổ thực nghiệm liền 4 con chó trong một ngày để hoàn thành chương trình nghiên cứu cuối năm, tôi lên Bắc Giang thăm Hương và Lộc - vợ và con gái tôi.

Tối chủ nhật, ở Bắc Giang trở về, rời ga Hàng Cỏ đi trên đường Hàng Lọng để về nhà bỗng nghe tiếng gọi ơi ới ở sau lưng, anh Bích, bác sĩ Viện Quân y 103 từ một hàng phở chạy ra, hỏi tôi: “Anh có biết tin gì không?”.

Tôi ngạc nhiên: “Không, tin gì?”.

Anh Bích nói: “Hôm thứ sáu có điện của Cục Quân y mời anh lên làm việc!”. Tôi càng ngạc nhiên hơn: “Tôi không nhận được điện, mấy hôm nay tôi nghỉ về thăm gia đình”.

Anh Bích là người đầu tiên cho tôi biết một nhiệm vụ quan trọng đang chờ đợi tôi, nhiệm vụ mà mọi cán bộ quân đội trong giai đoạn hiện nay đang chờ đợi.

Ngày 16 tháng 12 năm 1965. Hôm nay, một bức điện gọi một loạt cán bộ ở Viện Quân y 103-108 lên Cục Quân y nhận nhiệm vụ.

Chúng tôi đạp xe trên đường từ Vân Đình - nơi bệnh viện sơ tán từ đầu năm 1965, về Hà Nội. Đầu mùa Đông, nhưng còn ấm áp, nắng vàng rực rỡ trên những cánh đồng lúa chín đang gặt dở. Một tiếng rít xé lụa trên đầu. Trên bầu trời xanh ngắt, ba chiếc máy bay phản lực Mỹ bay vút để lại phía sau ba vệt khói trắng như ba dải lụa, quằn quại trên bầu trời rất lâu không tan hết...

Từ hơn một năm nay, chính xác là từ ngày 5 tháng 8 năm 1964, bầu trời miền Bắc sau mười năm thanh bình lại bị xáo động bởi những tiếng rít và những bóng máy bay bất thường như vậy.

Tuy chưa ai biết đích xác nhiệm vụ gì đang chờ đợi chúng tôi, nhưng mọi người cũng đã biết mang máng: đi công tác B!

Đêm hôm đó, trong căn phòng họp rộng rãi rực rỡ ánh đèn của Tổng cục Hậu cần trong thành Hà Nội, đồng chí Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn chính thức phổ biến quyết định của Bộ Quốc phòng, căn cứ vào yêu cầu của chiến trường quyết định thành lập một bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cùng cho chiến trường miền Nam. Đồng chí nói tiếp: “Tổng cục đã chỉ định Ban chỉ huy Bệnh viện gồm các bác sĩ Võ Văn Vinh - Cục phó Cục Quân y sẽ trực tiếp làm Viện trưởng, Khuất Duy Kính - Chính uỷ, Lê Cao Đài - Viện phó phụ trách Ngoại, Trần Nam Hưng - Viện phó Nội, Lê Công Viện - Viện phó Hậu cần...

Bệnh viện có một đội ngũ cán bộ lựa chọn trong các chuyên viên của hai bệnh viện tuyến cuối cùng của Quân đội là Viện Quân y 108 và Viện Quân y 103.

Về các khoa Ngoại có các anh: Đinh Văn Lạc - Phó Chủ nhiệm khoa Phẫu Thuật thần kinh Viện Quân y 108, Lê Sỹ Liêm - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật bụng Viện Quân y 103 (VQY 103), Trương Công Cán - Phó Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình Viện Quân y 108 (VQY 108) trước nay chuyển về Viện 5...

Về Nội khoa có anh Nguyễn Văn Âu - Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm VQY 108, Đỗ Xuân Chương - Chủ nhiệm khoa Nội tiêu hoá VQY 103, Vũ Bích - Nội thần kinh VQY 103, Nguyễn Đăng Gia - Nội tim mạch VQY 108, Nguyễn Cảnh Cầu - Da liễu VQY 108.

Về chuyên khoa có Đào Gia Thìn - Tai mũi họng VQY 108, Trần Quang Minh - chuyên khoa mắt, Nguyễn Trung Lượng - Phẫu thuật hàm mặt.

Các khoa Cận lâm sàng có các anh: Phạm Phú Thọ - Gây mê hồi sức VQY 108, Lê Đức Tu - Sinh hoá học Viện Quân y, Nguyễn Quang Huy - Vi sinh VQY 103, Hà Nhưỡng - Giải phẫu bệnh lý VQY 108...

Chúng tôi nhìn nhau tin tưởng với đội ngũ cán bộ chuyên khoa có kinh nghiệm của các Viện Quân y lớn của Quân đội. Bệnh viện đi chiến trường cũng như địa điểm trú quân của bệnh viện sau này được giữ bí mật tuyệt đối vừa để tránh luận điệu tuyên truyền lúc này của địch là “Miền Bắc xâm lược miền Nam” đồng thời cũng để tránh không cho địch phán đoán hướng chiến đấu của bộ đội sắp tới...

Theo thứ tự mật danh quân sự đặt cho các phân đội quân y đi phục vụ chiến trường miền Nam. Bệnh viện của chúng tôi được đặt mã số Đoàn 84. Cán bộ chỉ huy bệnh viện cũng được yêu cầu đổi tên, lấy bí danh. Nhiều anh lấy tên con để làm bí danh cho mình, cũng có anh theo cách gọi của đồng bào miền Nam - lấy thứ tự trong gia đình. Anh Vinh có con trai lớn là Đạo nên lấy bí danh là Đạo, anh Hưng vì là con lớn trong gia đình nên trở thành anh Ba, tôi là con thứ năm trong gia đình nên nhận tên là anh Sáu. Các giấy tờ, chứng minh thư liên quan đến miền Bắc được yêu cầu để lại miền Bắc, chúng tôi được cấp chứng minh thư của Mặt trận giải phóng miền Nam...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 10:53:31 pm »


Hà Nội ngày 17 tháng 12 năm 1965. Nhiều gia đình bị chia đôi từ năm 1954, riêng gia đình tôi cũng có ba chị em gái ở miền Nam. Thỉnh thoảng cha mẹ tôi chỉ nhận được những bưu thiếp ngắn ngủi... những cuốn sách nhỏ “Những lá thư từ miền Nam”, bài thơ của Tố Hữu:

“Phải chi em tới được cùng anh.
Chỉ một ngày thôi, kể ngọn ngành...”.


Càng là da diết thêm nỗi đau của một đất nước bị chia cắt...

Từ ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, máy bay Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh leo thang đánh ra miền Bắc. Tối hôm đó, gia đình tôi vừa đi nghỉ ở Sầm Sơn trở về, loa truyền thanh ở trường Nguyễn Du, bên cạnh nhà, báo tin không quân Mỹ đánh phá nhiều địa phương miền Bắc từ Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, QuảngNinh. Chúng tôi đều thấy một điều nghiêm trọng bắt đầu xảy ra, nhưng không ai nghĩ rằng phải hơn mười năm sau, chúng tôi mới có dịp đi nghỉ mát cùng với nhau lần nữa...

Ngay đêm hôm đó, xe ôtô cấp cứu của Viện Quân y 108 đến đón tôi đi Lạch Trường cấp cứu cho những thương binh đầu tiên của Hải quân. Vừa ở Lạch Trường về, ôtô lại đón tôi sang sân bay Gia Lâm có máy bay trực thăng chờ sẵn đưa tôi ra Hòn Gai, cứu chữa cho một thương binh khác bị vết thương nặng vào ngực, mất hẳn một vạt xương sườn bằng lòng bàn tay, trông thấy phổi phập phồng phía dưới... Lúc này tôi đang là Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật lồng ngực của Viện Quân y 108 và là chuyên viên đầu ngành Phẫu thuật ngực của Cục Quân y, nên được gọi đi cứu chữa các trường hợp thương binh nặng vào ngực, vượt khả năng điều trị của các bệnh viện tuyến trước.

Máy bay trực thăng chở chúng tôi đậu xuống bãi cát bờ biển Bãi Cháy giữa rừng người đông nghịt, xúm xít vì lần đầu tiên có máy bay trực thăng đi cứu thương... Vừa xuống tới đất, anh phi công trẻ cười bảo tôi: “Trong khi chúng ta đang bay lại có máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc... nhưng em không dám báo cho các anh biết để các anh đỡ sợ...”. Chúng tôi thật giật mình vì nếu gặp chúng thì chiếc máy bay chậm chạp, cồng kềnh, không vũ trang của chúng tôi có thể trở thành miếng mồi ngon cho chúng!...

Những tháng đầu năm 1965, đâu đâu cũng căng thẳng không khí chuẩn bị cho cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước. Chung quanh Hà Nội, trên các cánh đồng xuất hiện các khẩu súng cao xạ nòng súng ngẩng cao, chĩa lên trời. Đêm đêm các đoàn xe xích dài ngoằng chưa từng thấy ầm ỳ kéo theo các lên lửa cồng kềnh, bánh xe xích hằn và băm nát mặt đường nhựa.

Ven sông Hồng, sông Đuống mọc lên những công trường làm cầu phao qua sông, ánh đèn hàn lấp loé suốt đêm. Trên các đường phố Hà Nội, từng đoàn thanh niên khoác lá ngụy trang, vai mang ba lô tập hành quân chiến đấu.

Từ nhiều năm nay, lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng từ vải vóc, quần áo tới than củi, dầu đốt... đã phải bán theo định lượng. Mỗi gia đình có sổ mua gạo, tem phiếu để mua lương thực, thực phẩm. Những năm trước mặc dầu khẩu phần hạn chế, nhưng vẫn đủ mua theo tem phiếu. Tới cuối năm 1965, có tháng mặc dầu có tem phiếu nhưng vẫn không chắc đã mua được hàng. Hàng đoàn người dài sắp hàng trước các cửa hàng mậu dịch, nhiều gia đình phải dậy sớm từ bốn năm giờ sáng để giành chỗ trước...

Các hàng quà thưa thớt, buổi sáng chỉ còn vài cửa hàng mậu dịch lớn có bán phở, nhưng cũng chỉ trong vòng một hai giờ là hết. Khách xếp hàng dài, các khách hàng cáu kỉnh và các cô mậu dịch viên nhẫn nại. Các quán quà ở chợ Đồng Xuân thu hẹp lại dần. Trên các vỉa hè Hàng Đào, Hàng Ngang phát triển các quầy nhỏ bán túi ny lông các cỡ lớn nhỏ. Khách hàng là những anh bộ đội, cán bộ, có người mua một lúc hàng chục túi to nhỏ.

Một anh bộ đội đưa chiếc hăng-gô đến chữa ở một cửa hàng gần chợ Hôm. Hôm sau đến lấy, ông thợ già đưa lại chiếc hăng-gô đã chữa tươm tất, nhưng nhất định không chịu nhận công chữa. Ông nhìn anh bộ đội cười hóm hỉnh: “Thôi, anh sắp đi xa...”.

Hình như tất cả thanh niên khoẻ mạnh, hăng hái của Hà Nội và miền Bắc đều chuẩn bị lên đường công tác B (vào miền Nam), công tác C (sang chiến trường Lào), những mật danh quân sự, nay không còn bí mật với ai nữa. Các bà già Hà Nội nhai trầu bỏm bẻm cũng thầm thì với nhau “cháu nó chuẩn bị đi B... đi C...” một cách vừa tự hào, vừa quan trọng...

Cô mậu dịch cửa hàng dược phẩm Hàng Bài ngạc nhiên thấy bộ đội mua quá nhiều bao cao su tránh thai Primeros mà chọn toàn cỡ to nhất... thì ra không biết từ đâu nẩy ra kinh nghiệm là cho thuốc men, ruốc, đường, nhồi vào bao cao su tránh thai rất tốt, vừa nhẹ, vừa tránh được ẩm ướt... Có anh bạn ngạc nhiên một cách thích thú bảo tôi: cả một ki-lô ruốc nhồi vào bao cao su cũng được anh ạ! Nó chả co giãn mà...!

Nhưng vài tháng sau chặng hành quân băng đèo, vượt suối vào tới chiến trường, cùng anh bạn đó bảo tôi “Chết mẹ rồi anh ơi... ruốc đắng hết cả, không làm sao nuốt được!”. Thì ra trong bao cao su có hoá chất để diệt tinh trùng, lượng hoá chất rất ít, chỉ như ít bột dính vào bao, không mấy ai để ý, nhưng cũng đủ để làm hỏng ruốc...!

Từ đầu năm 1965, máy bay Mỹ lại ném bom đánh phá ác liệt miền Bắc, chợ Vân Đình bị đánh giữa phiên, hàng trăm người bị thương khiêng nườm nượp vào bệnh viện.

Các khu phố thưa dần. Cán bộ đến từng nhà để đôn đốc, vận động nhân dân đi sơ tán. Các chuyến tàu xe chật ních ông già, bà già, trẻ con... mang theo hòm xiểng, chăn màn, quần áo... cả lợn, gà, mèo chó... đi về các tỉnh. Các cơ quan cũng được lệnh đi sơ tán ra các vùng ngoại thành, các khu phố vắng bớt người. Chiều thứ bảy, chủ nhật, trên các con đường ngoại thành, hàng đoàn dài xe đạp, xe gắn máy của các ông bố, bà mẹ đi thăm con. Trên tay lái, đèo hàng, đèo gạo, thực phẩm, xoong nồi, kể cả củi đuốc, gà qué…

Ngành xây dựng có mặt hàng mới làm các hầm cá nhân bằng xi măng. Trên những bãi cỏ, vườn hoa, bờ sông, ngổn ngang những ống tròn như những ống cống có nắp bằng xi măng. Ống được chôn hai bên đường dọc các phố. Ống để làm hầm trú ẩn cá nhân thật tuyệt vời, không ngấm nước, không sụt lở... và sau này, khi hoà bình trở lại thì lại có thể dùng làm giếng...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 10:55:19 pm »


Hà Nội ngày 18 tháng 12 năm 1965. Vợ tôi tiếp nhận tin tôi đi phục vụ chiến trường miền Nam một cách bình tĩnh. Giống như mọi gia đình bộ đội khác, trong lúc này, chúng tôi chuẩn bị tinh thần sẵn sàng đi chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Trước đây một năm, chú Tề - em rể chúng tôi (chồng cô Hồng - em gái Hương) là giáo viên, Hiệu phó một trường học sinh miền Nam cũng đã từ biệt gia đình và từ đó đến nay không thấy có tin tức...

Sau kháng chiến chống Pháp được vài năm hoà bình ngắn ngủi, trước tình hình Hiệp nghị Geneve năm 1954 bị phá hoại, thời hạn hai năm Hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước trôi qua, rồi những tin tức về những cuộc tàn sát, đàn áp người kháng chiến cũ liên tiếp bay ra, nguy cơ chia cắt lâu dài đất nước... từ những năm 1959-1960 rục rịch có những đơn vị đầu tiên được bí mật đưa vào miền Nam.

Tới năm 1965, sau khi địch leo thang đánh ra miền Bắc thì hầu như việc đưa các đơn vị vũ trang vào miền Nam không còn là điều bí mật như trước nữa. Mọi gia đình và mọi cán bộ chiến sĩ đều được chuẩn bị sẵn sàng. Gia đình tôi, cũng như các gia đình bộ đội khác, bình tĩnh tiếp nhận tin tôi chuẩn bị đi chiến trường. Giáng Hương - vợ tôi, ngoài công tác giảng dạy ở trường Cao đẳng Mỹ thuật ở nơi sơ tán, còn tất bật chuẩn bị cho tôi lên đường.

Chúng tôi quen nhau từ trong kháng chiến chống Pháp, sau Chiến dịch Hà Nam Ninh năm 1951. Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 - nơi tôi công tác về nghỉ ngơi củng cố ở Quần Tín, một vùng quê thanh bình thuộc tỉnh Thanh Hoá. Lúc đó tôi đang làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn, tôi gặp Hương đang tản cư với gia đình ở đây.

Hương là con gái lớn trong một gia đình văn nghệ sĩ. Cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan, mẹ là nhà thơ Hằng Phương.

Lúc này tôi cũng đang thích văn chương. Trong những cuộc hành quân đi bộ dài ngày của Trung đoàn từ Biên giới Cao Bắc Lạng xuống Trung du rồi sang Đông Bắc về đồng bằng Hà Nam Ninh... tối tối, tôi vẫn say sưa dịch từ bản tiếng Pháp sang tiếng Việt cuốn truyện “Tinh cầu” (L’etoile) của nhà văn Liên Xô Kazakevitch. Hương là độc giả đầu tiên và duy nhất đọc bản dịch của tôi và đã rất khen. Hương cũng nhận chép lại bản dịch sạch sẽ cho tôi...

Sau đó tôi theo đơn vị đi tiếp các chiến dịch Hoà Bình, sang Tây Bắc, Thượng Lào... Hương thì từ Khu 4 lên Việt Bắc theo học trường Mỹ thuật. Trên đường đi ngang qua đồn Tu Vũ - nơi trung đoàn chúng tôi vừa tiêu diệt gọn trong một đêm trăng. Đồn còn đang bốc lửa, trên đường Hương viết cho tôi một lá thư trong có chép mấy câu thơ Pháp, hình như của Madeleine Riffaud:

“Par les monts, je vais tout droit.
Par les défilés étroits
Je ne sai par où tu passes
Je n’ai pas trouvé tes traces
Mais je sens que tu es là!...”


Tạm dịch:

“Em đi qua những vùng đồi núi
Trên những con đường hẹp
Không biết anh qua đâu,
Không thấy dấu chân anh.
Nhưng vẫn thấy anh ở đâu đây”. 


Giữa các chiến dịch, tôi tranh thủ về thăm Hương ở trường Mỹ thuật đang sơ tán trong rừng gần Tuyên Quang. Tình cảm chúng tôi sâu nặng thêm và chúng tôi xây dựng với nhau giữa những ngày chiến đấu ác liệt nhất năm 1954. Lễ cưới thật đơn giản, quần áo cưới cô dâu chỉ may được một áo vét ka ki mới, còn chú rể thì có một bộ quân phục mượn của anh bạn.

Sáng hôm cưới chúng tôi ra đăng ký kết hôn ở Ủy ban nhân dân xã, nơi gia đình Hương tản cư, trước sự chứng kiến của cha mẹ Hương, ông Phan Khôi là cậu mẹ Hương, nhà văn Tô Hoài và đại diện cơ quan bên tôi. Sau đó mọi người về ăn liên hoan. Bữa tiệc cưới có hai con gà, còn củi thì do cô dâu và cô Hằng - em gái của Hương vào rừng kiếm từ hôm trước.

Đêm tân hôn, ở ngay căn nhà tranh nơi gia đình tản cư, cha mẹ Hương sang ở nhà hàng xóm. Giường cưới là một chiếc giường tre ọp ẹp. Đại diện gia đình tôi không lên dự đám cưới được vì đường sá xa xôi và đầy bom đạn. Sau hôm cưới, tôi đưa Hương về chào cha mẹ và các anh chị tôi, lúc đó đang tản cư ở Thanh Cù, Phú Thọ, xuôi thuyền từ ghềnh Quýt Tuyên Quang về Đoan Hùng, Phú Thọ rồi đi bộ tiếp từ Đoan Hùng về Thanh Cù...

Hoà bình lập lại, Hương còn vất vả đi cải cách ruộng đất mấy năm rồi mới được về trường tiếp tục học Trung cấp rồi Cao đẳng Mỹ thuật. Chúng tôi sống được vài năm hạnh phúc bên nhau. Sau khi tốt nghiệp Hương được giữ lại làm cán bộ giảng dạy trường Cao đẳng Mỹ thuật, sau này là trường Đại học Mỹ thuật, còn tôi thì tiếp tục công việc ở trường Sĩ quan Quân y, Viện Quân y 108 rồi 103.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:28:45 pm »


Hà Nội ngày 20 tháng 12 năm 1965. Ngay hôm được giao nhiệm vụ, chúng tôi bàn giao công việc cho người ở lại và bắt tay vào việc chuẩn bị tổ chức bệnh viện mới. Đảng uỷ họp, Chỉ huy Viện họp đề nghị nhân viên chuẩn bị phương tiện, dụng cụ. Nhiệm vụ của chúng tôi được giao là xây dựng bệnh viện tuyến cuối của chiến trường miền Nam, thu nhận thương bệnh binh vượt khả năng điều trị của các bệnh viện phía trước gửi về.

Chưa ai trong chúng tôi hình dung được chiến trường miền Nam ra sao, điều kiện sinh sống và làm việc như thế nào, nhưng tất cả chúng tôi đều rất lạc quan, tin tưởng.

Và chúng tôi cứ theo mô hình của Bệnh viện tuyến cuối của miền Bắc, như Viện Quân y 108 hay 103 để tổ chức và xin trang bị. Các bức điện tới tấp gửi đi các Viện Quân y 5, 9, 10... điều động người. Các bác sĩ trẻ, các y sĩ, y tá, kỹ thuật viên... lục tục kéo về. Một số mới tốt nghiệp các trường. Thuốc men, trang thiết bị là những vấn đề khá lớn. Chưa bao giờ có một bệnh viện lớn như vậy được đưa vào chiến trường miền Nam. Trang bị phương tiện được dự trù tương tự như bệnh viện tuyến cuối cùng của miền Bắc, từ trang thiết bị X quang, hoá nghiệm, dụng cụ mổ, các đèn mổ hiện đại, nồi hấp nặng hàng tạ, tủ lạnh chạy bằng điện và bằng dầu, quần áo cho thương bệnh binh, kể cả cho bệnh nhân trẻ em, giường đệm, chăn màn, sách cho thư viện, sách chuyên môn và truyện cho thương bệnh binh. Thuốc men, hoá chất chuẩn bị dùng cho 3 năm, các nguyên tắc, quy định được xoá bỏ. Chúng tôi được phép trực tiếp vào các kho Quân y để lựa chọn các thuốc men, trang bị cần thiết. Tổng cục Hậu cần và Cục Quân y thống nhất với Bộ Y tế đưa ra nguyên tắc: nếu thứ gì trong các cơ sở Quân y không có thì được giới thiệu đi tìm ở các cơ quan bạn trong và ngoài quân đội. Nguyên tắc đề ra là trang thiết bị thuốc men, sách vở chuyên môn, nếu có hai thì chúng tôi có thể xin một vào miền Nam, một để lại miền Bắc. Những khuôn mặt khắc khổ khó khăn đầy nguyên tắc cứng nhắc cũng trở thành vui vẻ niềm nở trước mấy câu: Chuẩn bị cho công tác B.

Dược sĩ Bính - Giám đốc kho C trước đống hàng đồ sộ mà chúng tôi xin lĩnh mang đi, khuyên tôi: “Các anh đi chuyến này như người trên cung trăng ấy, không biết trên ấy ra sao, liệu có mang đi được không, mang vào có dùng được không? Sao các anh không đi trước đi, xem trong ấy ra sao rồi hãy đưa vào có hơn không?”.

Anh Vinh Viện trưởng, người đã bốn lần vượt Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp, cũng có lúc ghé tai tôi bảo nhỏ: “Ta phải chuẩn bị tinh thần sống như Robinson Crusoé1 đấy anh à!”.

Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy đấy là một lời khuyên thiết thực. Nhưng trong không khí đầy lạc quan tin tưởng lúc đó, không ai nghe. Các Chủ nhiệm khoa cứ dự trù xin trang thiết bị đủ mọi thứ theo hình mẫu của một bệnh viện tuyến cuối cùng miền Bắc. Một số vị lãnh đạo cấp trên còn bốc hơn chúng tôi, có đồng chí tuyên bố: Tổng cục sẽ chỉ thị cho Công binh xây dựng bệnh viện sẵn sàng để các đồng chí làm việc. Sẽ có ôtô chuyển thương binh đến bệnh viện cho các đồng chí. Nếu cần có nước máy sẽ xây dựng nhà máy nước. Một đồng chí khác nói: “Nếu cần có ôxy để gây mê hay cho thương binh nặng thì chúng tôi có thể cấp cho các đồng chí máy sản xuất ôxy”, có điều là khi có máy thì dùng làm gì cho hết vì mỗi ngày máy có thể sản xuất hàng trăm bình ôxy trong khi nhu cầu của Bệnh viện thì chỉ vài bình là đủ. Cũng có những ý kiến thiết thực hơn, nhắc chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần bước vào một cuộc sống cực khổ. Nhưng trong không khí sục sôi lạc quan lúc đó, chúng tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều về những ý kiến này.

Hà Nội ngày 25 tháng 12 năm 1965. Từ mấy năm nay, các bác sĩ chuyên khoa mắt phát hiện ra có chuyện bất thường trong mắt của tôi. Mặc dầu bản thân tôi không thấy gì đặc biệt. Tôi không thấy đau, nhức, sức nhìn vẫn bình thường. Là một phẫu thuật viên chuyên khoa về phẫu thuật lồng ngực, vào thời kỳ đầu của sự phát triển chuyên khoa này ở miền Bắc cũng như trong quân đội, tôi thường phải tiến hành những cuộc phẫu thuật đầy sóng gió, càng thẳng trên tim và phổi, có nhiều cuộc phẫu thuật kéo dài 5-6 tiếng liền nhưng mắt tôi vẫn thấy bình thường. Chỉ nhân một cuộc kiểm tra mắt thường kỳ, bác sĩ Viện 108 mới phát hiện ra mắt tôi có điều bất thường, áp lực trong mắt tăng cao. Các anh yêu cầu tôi vào Viện theo dõi và hội chẩn với các Giáo sư nhãn khoa của Viện Mắt trung ương và chẩn đoán tôi bị thiên đầu thống thể đơn thuần và yêu cầu tôi phải nhỏ thuốc làm giảm nhãn áp Pilocarpine hàng ngày, ngoài ra phải giữ chế độ làm việc chặt chẽ, tránh căng thẳng, không thức đêm.

Bệnh viện miễn cho tôi không phải trực đêm và yêu cầu tôi không học thêm ngoại ngữ ban đêm vì lúc này giống như nhiều cán bộ khoa học khác tôi đang học thêm tiếng Nga và tránh những cuộc mổ căng thẳng, kéo dài.

Từ ba bốn năm nay, tôi vui vẻ chấp hành quy định về dùng thuốc và không trực đêm, nhưng còn các kiêng kỵ khác thì không kiêng được. Đi chiến trường chắc chắn những điều kiêng kỵ trên sẽ không thể thực hiện được. Tuy nhiên để cẩn thận, tôi tới khoa Dược Viện 108 xin thuốc nhỏ mắt Pilocarpine như thường lệ. Nhưng nếu lĩnh thuốc đã pha sẵn thì mang bao nhiêu cho vừa, vả lại thuốc pha sẵn để lâu sẽ bị hỏng, vì vậy tôi đề nghị xin lĩnh dạng bột để vào đó pha chế ra dung dịch. Chủ nhiệm khoa Dược - Dược sĩ Đinh Ngọc Lâm nhăn nhó: Đây là thuốc độc bảng B, phát bột cho cậu làm sao được? Thuyết phục không được, tôi vỗ khẩu súng ngắn mới được phát để đi vào chiến trường, nói đùa: thuốc của anh có nguy hiểm bằng khẩu súng này không, sao tôi được phát mang đi mà không mang thuốc đi được? Cuối cùng chúng tôi thoả thuận là khoa Dược sẽ phát thuốc bột, nhưng không trực tiếp cho tôi mà cho khoa Dược Đoàn 84 cho đúng chế độ quy định.
_________________________________________
1. Nhân vật trong câu chuyện huyền thoại châu Âu tương tự như câu chuyện An Tiêm của Việt Nam, một mình sống trên hoang đảo.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:29:22 pm »


Hà Nội ngày 4 tháng 1 năm 1966, Lễ Giáng sinh và Tết dương lịch 1966 trôi qua nhanh chóng trong không khí tấp nập chuẩn bị đi chiến trường. Địa điểm tập kết cho đoàn đầu tiên là trường Sĩ quan Hậu cần bên Gia Lâm. Hàng ngày, chúng tôi tập trung ở đây để họp bàn giao nhiệm vụ chuẩn bị rồi phân tán đi các nơi để lĩnh trang thiết bị đóng gói, liên hệ với vận tải quân sự, lập kế hoạch chuyển vào B3-S9, S9 là địa điểm cuối cùng của chúng tôi, lúc này chúng tôi không biết là đâu. Riêng trong chỉ huy Viện, chúng tôi cũng chỉ biết mang máng, đó là vùng thuộc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, là cửa ngõ vào chiến trường Tây Nguyên...

Sau khoảng gần một tháng, thấy ở Gia Lâm không thuận tiện cho việc liên hệ với các cơ quan ở Hà Nội nên chúng tôi được chuyển về Viện Quân y 108. Ban ngày làm công tác chuẩn bị, buổi tối rèn luyện hành quân. Mỗi tối tập hành quân khoảng 10-20 cây số từ 7 giờ tối tới 10 giờ đêm theo hành trình từ Viện Quân y 108, quanh qua Bệnh viện Việt Xô, đi dọc theo bờ sông về phía nam thành phố, rồi quay trở lại.

Những năm trước, các đoàn đi được tổ chức thật bí mật, người đi được lựa chọn kỹ lưỡng, chủ yếu là cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết, sau là các thành phần cốt cán, lý lịch trong sạch, đảng viên...

Các đoàn đi được bí mật tập kết ở một địa điểm cách Hà Nội khoảng 40 km để học chính trị, tập hành quân, ăn uống bồi dưỡng theo chế độ đặc biệt trước khi đi vài tháng rồi mới lên đường. Đoạn đường miền Bắc đi vào ban đêm trên những xe tải bọc kín, khi vào tới địa phận miền Nam thì càng phải kín đáo, thận trọng hơn theo khẩu hiệu lúc này là: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không tiếng” có nghĩa là: đi không để lại dấu vết, ngoài những đường mòn trong rừng, nếu phải vượt qua một quốc lộ hay một con đường có dân qua lại phải đi vào ban đêm và phải cử người đi sau cùng xoá hết các vết chân để lại trên đường. Nấu nướng ban ngày không có khói, ban đêm không có ánh lửa, không để cho máy bay quan sát được, bếp Hoàng Cầm - một kiểu bếp có ống khói đào ngầm dưới đất để không toả khói được phổ biến rộng rãi. Trong sinh hoạt, họp hành nói chuyện cũng không được để lộ ra tiếng động to, đài phát thanh phải vặn nhỏ chỉ vừa người nghe, không được chặt cây mạnh, không nói to, hát to... để tránh sự phát hiện của biệt kích.

Nhưng sang tới đầu năm 1966, các quy định nghiêm ngặt đã được nới lỏng vì vậy đoàn chúng tôi mới được tập kết ngay ở Hà Nội. Buổi tối khi tập hành quân đi ngang qua sân Bệnh viện Việt Xô, bệnh nhân của bệnh viện nhìn chúng tôi đi qua là động viên: “Hoan hô các bác sĩ đi B”. Chúng tôi lặng lẽ đi thành hàng dọc trên con đường đê vắng vẻ, trong không khí se lạnh đầu mùa đông. Đoàn chúng tôi gồm nhiều lớp cán bộ thuộc nhiều thế hệ khác nhau. Lớn tuổi nhất là anh Vinh - Viện trưởng, thuộc lớp bác sĩ cuối cùng trước Cách mạng tháng Tám của trường Đại học Y Hà Nội, anh là một sinh viên giỏi, nội trú các bệnh viện, là bác sĩ nội khoa có uy tín trong quân đội. Anh đã 4 lần vượt Trường Sơn ra Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1945, ngày đầu Nam tiến, anh vào Khu 5 công tác. Năm 1951, anh ra Việt Bắc dự hội nghị rồi lại trở lại khu 5. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Nay ở lứa tuổi gần 50, đầu đã điểm bạc lại khoác ba lô “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” một lần nữa. Đa số bác sĩ Chủ nhiệm khoa trong Viện là thuộc lớp chúng tôi, lớp sinh viên y khoa đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám được đào tạo trong thời gian kháng chiến chống Pháp, nay đã ở lứa tuổi 35-40 hoặc bác sĩ Đặng Chu Kỷ - Chủ nhiệm khoa Lý liệu, là một trong những cán bộ như vậy. Trong buổi hành quân dọc theo bờ sông Hồng, hình ảnh cầu Long Biên gợi anh nhớ lại một kỷ niệm cũ. Đó là vào năm 1948-1949 giữa những năm đầy thử thách của cuộc kháng chiến chống Pháp, như mọi sinh viên y khoa khác, anh được động viên vào bộ đội, công tác ở Liên khu Việt Bắc, không may bị chó dại cắn. Ngoài kháng chiến lúc đó không có thuốc tiêm phòng dại, phải vào Hà Nội mới tiêm được. Anh Kỷ xin gặp đồng chí Nguyễn Khang - Bí thư Khu uỷ, xin phép vào Hà Nội để tiêm thuốc phòng dại. Gió thổi mạnh dọc bờ sông, các ngọn đèn trên cầu Long Biên nhấp nháy, mọi người lắng nghe anh Kỷ kể tiếp: Anh Khang chỉ dặn: “Đồng chí công tác ở cơ quan quân khu biết nhiều điều bí mật, vào trong đó nên cẩn thận, đừng làm gì có hại cho người khác!”. Sau đó anh Khang giao nhiệm vụ cho cơ quan Công an Vĩnh Phú đưa anh Kỷ theo đường dây vào Hà Nội. Đêm hôm đó, đi thuyền qua sông Hồng, ngang bến Chèm nhìn về Hà Nội bị chiếm đóng, về cầu Long Biên sáng rực bắc qua sông. Địch sợ du kích phá cầu nên bắc đèn trên tất cả thang cầu, anh có cảm giác vừa lạ, vừa quen thuộc, nửa mừng nhưng cũng nửa lo. Sau gần một tháng tiêm thuốc, trong một đêm, anh lại rời Hà Nội, rời thành phố phồn hoa đầy quyến rũ đó theo chân chị giao liên vượt sông, trở lại núi rừng Việt Bắc.

Đêm hôm nay, khoác chiếc ba lô đầy gạch đi hành quân rèn luyện đôi chân cho cuộc chiến đấu mới, nhớ lại lời đồng chí Nguyễn Khang, anh tâm sự: “... có những câu nói có giá trị thật sâu sắc với mình...”.

Anh Trần Hậu Tư - Chủ nhiệm khoa X quang cũng kể chuyện về thời gian anh học lớp Y sĩ Đông Dương, thời thuộc Pháp ở Sài Gòn. Bệnh viện nơi anh thực tập có ông bác sĩ giám đốc khá đặc biệt, ông có cách kiếm tiền thật kỳ lạ: đi thăm bệnh, gặp bệnh nhân nặng cần mổ, kể cả trường hợp cấp cứu, ông chỉ nói một câu: “Hà, ca này cần mổ đây!” rồi gật gù, tặc lưỡi quay đi. Sau đó là một y tá đến khuyên bệnh nhân: “Bác sĩ bảo cần mổ đó, thôi cô lo liệu đi. Chiều nay đến nhà bác sĩ, xin ông làm phụ mổ cho...”. Ngày Nhật đảo chính Pháp, Mỹ ném bom Sài Gòn, viên bác sĩ giám đốc đi sơ tán mang theo cả một dây thắt lưng đầy vàng lá... Còn hôm nay, bác sĩ Tư, người thầy thuốc của cách mạng cũng mang một thắt lưng nặng bi đông, dao, súng ngắn, túi gạo... rèn luyện đôi chân cho cuộc hành quân vào Nam...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:29:55 pm »


Hà Nội ngày 20 tháng 1 năm 1966. Tranh thủ ngày nghỉ, tôi lên thăm gia đình nơi sơ tán. Mọi người trong cơ quan vợ tôi đều vui vẻ chúc mừng cho tôi “thượng lộ bình an”. Cha mẹ tôi tuy lo lắng, nhưng cũng bình tĩnh chuẩn bị cho nhiệm vụ mới của tôi. Nhân tôi được phát mấy củ sâm mang đi tẩm bổ dọc đường, cha tôi cặm cụi mài thật sắc con dao bài, thái sâm thành những lát mỏng rồi rang gạo khô, rang sâm vào gạo, bọc vào túi ni lông cho tôi. Cha tôi nguyên là một giáo viên tiểu học thời thuộc Pháp, ông đã bị điều đi dạy học ở nhiều tỉnh miền Bắc, từ Sơn Tây, Bắc Ninh, Cao Bằng, Nguyên Bình... đi đến đâu đưa cả gia đình đi theo. Là một giáo viên dạy giỏi, cần mẫn, cũng có thể vì sau vụ nổi dậy ở Yên Bái năm 1930 - thực dân Pháp thấy cần phải chuyển một số chức vụ trước đây do Pháp nắm, cho người Việt, nên ông được bổ nhiệm là Kiểm học ở Phú Thọ rồi Đốc học ở Hưng Yên - một chức vụ tương đương như Giám đốc Sở Giáo dục hiện nay.

Trong gia đình, ông là người cha nghiêm khắc, rất yêu thương con cháu, nhưng ít bộc lộ tình cảm. Khi chúng tôi còn nhỏ, những kỳ nghỉ hè, ông thường trực tiếp dạy học thêm cho chúng tôi. Những buổi ông dạy học thường làm cho chúng tôi lo canh cánh, liếc nhìn cái thước kẻ bằng đồng, sắc cạnh to bằng ngón tay cái, tuy ông cũng rất ít sử dụng tới nó để trị chúng tôi, khi không thuộc bài. Ông giỏi tiếng Pháp lại biết cả chữ Nho. Ông thường đọc truyện: Tam Quốc, Đông Chu Liệt Quốc... qua những nguyên bản chữ Nho. Ông dạy cho chúng tôi Pháp văn và có khi cả chữ Nho. Qua chữ Nho, ông dạy chúng tôi đạo đức Khổng Mạnh. Các chị em gái của tôi thì được ông giảng về “tứ đức, tam tòng” về “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”, còn bọn con trai chúng tôi thì ông nhắc đi nhắc lại:

“Trai thì Trung, Hiếu làm đầu,
Gái thì Tiết, Hạnh là câu sửa mình”.


Tôi nhớ mãi những câu như “Quân mệnh thần tử, thần bất tử, bất trung... Phụ mệnh tử tử, tử bất tử, bất hiếu” (Vua lệnh cho bề tôi chết, bề tôi mà không chết là bề tôi không trung thành. Cha lệnh cho con chết, con không chết là con bất hiếu).

Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi đã đến tuổi nghỉ hưu. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cả gia đình chúng tôi tản cư ra vùng tự do ở bắc phần Bắc Ninh. Năm đầu kháng chiến, năm 1947, ba cái tang bất ngờ ập xuống gia đình tôi: anh thứ hai của tôi - anh Thụ cùng với anh Sinh - anh họ tôi trên đường đi công tác bị máy bay Pháp bắn trong khi đi thuyền dọc sông Thao. Anh Thụ hy sinh ngay tại chỗ, địa phận xã Lãng Hồ, Lâm Thao, còn anh Sinh thì chết trên đường khiêng về bệnh viện, bọc chiếu, chôn sơ sài ở xã Hạ Trạch, gần Phú Thọ. Cha mẹ tôi buồn bã, nhiều đêm không ngủ, tôi đã bắt gặp trong cuốn sổ tay của cha tôi đôi câu đối ông viết tặng con và cháu:

“Thụ ơi, Lãng Hồ con ngậm oán, Ba Mợ dù tím ruột bầm gan, báo thù khôn cách!
Sinh hỡi, Hạ Trạch cháu nuốt sầu, Chú Dì dù thương tiếc không nguôi, tang điếu có gì!”

Cái chết của anh Thụ lại kéo theo một cái tang khác, chị Oanh - vợ mới cưới của anh (lúc này đang tản cư cùng với gia đình ở Chiêm Hoá) tin dữ đến với chị khi chị mang thai ba tháng. Đau đớn và tuyệt vọng, chị mang một rổ quần áo ra bờ sông giặt và trẫm mình trên dòng sông, để lại một lá thư từ biệt gia đình.

Sau cuộc tấn công của Pháp lên Việt Bắc và những trận càn quét của chúng sang vùng tự do, nhiều bạn của cha tôi rủ ông đưa gia đình trở về Hà Nội, nơi bọn chúng tạm chiếm và đang có chính sách mua chuộc công chức cũ trả những khoản phụ cấp, lương hưu hậu hĩnh, nhưng cha tôi bảo tôi: “Ba dù ăn cơm muối, dù chết ngoài kháng chiến cũng không trở về Thành, không để tiếng xấu cho các con...”. Nhưng vì lo cho các con gái và các cháu nhỏ, ở lại vùng tự do có nhiều nguy hiểm, nên ông chia gia đình đông đủ của chúng tôi (11 con cộng với 2 cháu nhỏ con anh cả tôi) ra làm hai: bốn chị em gái, một em trai lên 8 tuổi và hai cháu nhỏ 2-3 tuổi do anh thứ ba của tôi - anh Bách hồi cư về thành; còn cha mẹ tôi và bốn anh em trai chúng tôi đi kháng chiến. Gia đình tôi bị chia đôi kể từ ngày ấy.

Năm 1949, vùng Bắc Ninh bị địch chiếm trở lại, cha mẹ tôi đã rời bỏ quê hương, chống gậy đi bộ từ Bắc Ninh lên Yên Bái - nơi anh cả tôi, anh Hoè đang công tác. Cha tôi thì cặm cụi hàng ngày đạp máy may, may hàng thuê cho Quân nhu, còn mẹ tôi thì ngoài việc gia đình còn cuốc vườn, tăng gia... cho tới ngày kháng chiến thắng lợi mới trở về Hà Nội. Mẹ tôi là một phụ nữ Việt Nam điển hình, yêu chồng, thương con cháu, chăm sóc cha tôi hết mực, chiều ông ngay cả những thứ tưởng chừng như vô lý nhất. Suốt đời bà luôn cặm cụi với công việc gia đình. Có mấy cái áo đẹp của các con tặng nhưng không bao giờ thấy bà mặc. Đến bữa cơm hoặc khi giỗ Tết bao giờ bà cũng kiếm lý do để ngồi ăn sau cùng, chăm sóc cho cả nhà ăn uống xong mới ngồi vào ăn. Bà đặc biệt chiều bọn con trai chúng tôi, ngay từ lúc nhỏ, chúng tôi không bao giờ bị bà mắng, chỉ các cô gái và sau này các con dâu bị bà rầy la khi làm gì sai. Trước việc tôi đi chiến trường, bà vẫn bình tĩnh, nhưng vẻ lo lắng tuy không nói ra miệng, nhiều lúc tôi thấy bà ngồi yên hàng giờ, nhìn tôi chuẩn bị lên đường.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:30:36 pm »


Hà Nội ngày 5 tháng 2 năm 1966. Tết năm 1966, Hà Nội vẫn tấp nập lạ thường mặc dù đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Nhân dân Hà Nội vẫn bình tĩnh thản nhiên, kéo nhau từ nơi sơ tán trở về nhà ăn Tết. Phố Hàng Lược vẫn tấp nập người mua hoa và xem hoa. Các đường Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân chật ních người đi mua bán. Học sinh, sinh viên đi bộ hàng bốn năm chục cây số từ nơi nhà trường sơ tán về nhà ăn Tết. Từng đoàn người xếp hàng dài rồng rắn trước các quầy mậu dịch để mua tiêu chuẩn Tết.

Như mọi gia đình, cha mẹ tôi cùng vợ chồng chúng tôi - cháu Lộc, cũng từ nơi sơ tán trở về Hà Nội ăn Tết. Từ 29 Tết, mẹ tôi cùng với Hương, cô Hạnh và Lan - em gái tôi cặm cụi gói bánh chưng, trong khi tôi cùng Hạnh - em trai tôi lễ mễ kê bếp ở giữa sân để chuẩn bị nấu bánh. Không ai bảo ai nhưng chúng tôi đều suy nghĩ đến bao giờ mới lại có một cái Tết gia đình đoàn tụ vui như Tết năm nay. Mồng hai Tết, vợ chồng anh Đinh Văn Lạc - Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật thần kinh đến thăm chúng tôi, Anh Lạc vừa là bạn cùng khoa Y46 (vào Đại học Y khoa năm 1946, khoá đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám) cùng công tác tại Viện 108 trong nhiều năm, nay lại cùng đi trong đoàn chúng tôi. Sau những lời chúc Tết thường lệ, đột nhiên, chị Lan - vợ anh Lạc tuy đã có bốn con và ở lứa tuổi trên ba mươi nhưng vẫn rất xinh đẹp, hỏi một câu bất ngờ: Anh có hẹn với chị là anh đi bao nhiêu lâu không?”. Tôi hơi lúng túng, nhìn vợ tôi, mặt bần thần ngồi bên cạnh. Muốn cho các chị yên lòng, tôi trả lời giọng quả quyết: “Chúng tôi chỉ 6 tháng là trở về thôi”.

Câu nói của tôi gây một tác động hết sức bất ngờ, chị Lan bỗng oà lên khóc: “Thế mà anh Lạc hẹn em những một năm mới trở về!”.

Ôi, ngày đó thật không ai trong chúng tôi biết sẽ đi bao lâu! Tôi hẹn đi sáu tháng thì hơn tám năm sau mới trở về Hà Nội. Còn anh Lạc hẹn một năm thì không bao giờ trở về nữa - anh đã nằm lại ở chiến trường...


Hà Nội ngày 12 tháng 2 năm 1966. Hai phái viên của Cục Quân y vừa mới vào chiến trường khu 5 và Tây Nguyên ra báo cáo kinh nghiệm chiến trường với Đoàn 84, ngoài Đoàn 84, chúng tôi được biết các anh còn được mời đi báo cáo ở nhiều học viện, nhà trường, các đơn vị chuẩn bị đi B. Suốt cả ngày, các anh báo cáo những kinh nghiệm thật phong phú và thật tỷ mỷ. Nhìn hai anh người gầy rộc, đen đủi sau một chặng đường dài, chúng tôi thật kính phục. Anh T. báo cáo kinh nghiệm đảm bảo quân y trong Chiến dịch PPlây Me, đây là chiến dịch đầu tiên đánh quân chủ lực Mỹ ở chiến trường miền Nam, xảy ra vào tháng 11 năm 1965, đang còn gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước. Báo cáo thật tỷ mỷ: Lực lượng ta, địch, diễn biến của trận đánh, bố trí các trạm quân y trong chiến dịch, tổng số thương vong, số thương binh theo phân loại nặng, vừa, nhẹ, thời gian chuyển thương tới các tuyến quân y, v.v... Những kinh nghiệm phong phú nóng hổi, chúng tôi nghe như nuốt từng lời, ghi chép lia lịa vào sổ tay. Các kinh nghiệm hành quân dọc đường Trường Sơn cũng rất quý giá, các cung trạm bố trí ra sao, cách mắc tăng võng để ngủ rừng, cần chuẩn bị mang theo những gì... Một kinh nghiệm mà chúng tôi rất tâm đắc, đó là kinh nghiệm mỗi người cần chuẩn bị độ hai chục cái nan hoa xe đạp để khi nằm ngoài rừng cắm xuống đất làm cọc xung quanh võng, buộc dây tăng vào, vừa nhanh, vừa căng. Khi trời mưa, nước mưa không đọng trên tăng...

Là những người chưa hề bước chân vào Trường Sơn, chúng tôi thấy kinh nghiệm thật là hay. Trong trang bị mang đi, chúng tôi đều được phát mỗi người một chiếc võng và một tấm tăng bằng ni lông để che khi mưa. Khi thực tập buộc thử ở khu vườn Bệnh viện 108, chúng tôi khó khăn lắm mới tìm được hai thân cây có khoảng cách và kích thước thích hợp để mắc võng, nhưng khi buộc tăng thì thật lúng túng vì không có chỗ buộc. Lúc này những chiếc nan hoa xe đạp thật có tác dụng: cắm xuống đất chúng trở thành những chiếc cọc tuyệt vời để buộc tăng. Tấm tăng được căng phẳng phiu, mưa mấy cũng không sợ. Thế là sau buổi nói chuyện, chúng tôi liền lập tức kiếm nan hoa xe đạp. Có anh còn cẩn thận khâu thêm một túi nhỏ vào ba lô làm chỗ chuyên đựng nan hoa, để khi cần lấy ra cho dễ.

Mấy tháng sau, khi vào tới Tây Nguyên, nhìn mấy chiếc nan hoa mà bật cười. Suốt cuộc hành quân, không ai trong chúng tôi phải dùng tới chúng để buộc tăng, cả rừng Trường Sơn có đâu trơ trọi như khu vườn Bệnh viện 108. Thiếu gì cành cây, gốc cây để buộc tăng mà phải dùng nan hoa cắm làm cọc!... Thế mà cứ đeo đẳng bó nan hoa xe đạp vì sợ có lúc phải dùng tới. Thì ra các vị phái viên đã sáng tác thêm kinh nghiệm, có lẽ suốt chuyến đi, các vị đều ngủ ở trạm giao liên nên làm gì có kinh nghiệm ngủ rừng. Vào chiến trường, kể lại chuyện này với anh Phúc ở chiến trường Tây Nguyên, một người rất bộc trực, vui tính và là người trực tiếp tổ chức việc cứu chữa thương bệnh binh trong Chiến dịch Plây Me, anh chửi thề: “Hai thằng ấy có thò mặt vào Tây Nguyên đâu mà dám báo cáo kinh nghiệm đảm bảo quân y Chiến dịch Plây Me!”.


Hà Nội ngày 20 tháng 2 năm 1966. Từ mồng ba Tết, Giônxơn quyết định ném bom trở lại miền Bắc, sau một tháng tạm ngừng để “đi tìm hoà bình” không kết quả; tranh thủ thời gian ngừng ném bom, trên đường vào Nam xe chạy hối hả ngày đêm. Nhân dân Hà Nội lại đi sơ tán. Chúng tôi đưa gia đình trở lại nơi sơ tán ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Bắc Giang, có cháu Thủy đi cùng, cháu gái 5 tuổi con chú Hạnh, bố mẹ cháu mắc công việc ở Hà Nội. Chiều hôm lên nơi sơ tán, Thủy đang ngồi chơi ngoài sân bỗng mếu máo khóc nhớ mẹ, phải bế vào buồng, dỗ cho Thủy ngủ. Sáng hôm sau, Thủy đã tươi tỉnh như thường. Cái tuổi lên 5 là vậy. Tôi sắp xếp ba lô để buổi chiều trở về Hà Nội, Thủy ngồi bên cạnh xem tôi làm, chồm hỗm trên chiếc ghế đẩu nhỏ...

Tôi ngừng tay xếp quần áo, hỏi: “Thuỷ có biết bác đi đâu không?”.

Bé Thủy trả lời, giọng còn ngọng nghịu: “Báp Tài đi tánh Mỹ!”.

“Đánh Mỹ để làm gì?”. Tôi hỏi tiếp.

“Để… để Thủy không phải đi sơ tán nữa!” và như xấu hổ, Thủy ôm choàng lấy cổ tôi.

Câu trả lời của cháu nhỏ chính xác một cách đáng ngạc nhiên. Đúng, bác cũng biết bao các chú, bác khác đi đánh Mỹ để không còn máy bay Mỹ bay dọc ngang trên bầu trời đất nước này, để bé Thủy và hàng triệu em bé khác có giấc ngủ ngon, không còn phải đi sơ tán, không còn phải xa bố mẹ nữa.

Buổi chiều, tôi từ biệt cha mẹ để ra ga về Hà Nội. Lúc này, cha mẹ tôi đã ở tuổi xấp xỉ bảy mươi, người gầy yếu. Tôi ra đi mà phân vân, không biết khi trở về còn có được gặp lại các cụ không. Mẹ tôi không nói gì, còn cha tôi thì chỉ căn dặn: con giữ gìn sức khoẻ và chóng trở lại với gia đình.

Hương và Lộc - con gái chúng tôi - đưa tôi ra ga. Trên con đường làng, qua những cánh đồng hiu quạnh, vắng vẻ, trời xẩm tối. Lộc líu ríu nói chuyện trong khi bố mẹ trả lời bằng những câu rời rạc. Đã đi xa làng, tôi giục hai mẹ con trở về kẻo trời tối. Hương dừng lại, tôi cúi xuống hôn rất lâu lên hai má Lộc, rồi đứng dậy nhìn quanh không có ai, tôi kéo hai mẹ Hương và thơm lên má mẹ. Lộc tròn lo mắt ngạc nhiên và toét miệng định cười: Ai lại người lớn mà cũng thơm nhau nhỉ? Nhưng con tôi mím môi lại vì thấy mẹ cúi đầu nức nở rồi quay về, trong khi bố cũng xốc ba lô, vội vã quay đi. Lộc trở về nhà với mẹ, hai bóng mẹ con nhỏ xa dần...

Tôi bước đi vẫn như nghe thấy tiếng Thủy líu ríu bên tai “ Báp Tài đi tánh Mỹ!”…
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:32:36 pm »


LÊN ĐƯỜNG


Chỉ huy sở 559 ngày 12 tháng 3 năm 1966. Sau gần một tháng chuẩn bị, đoàn chúng tôi chia thành ba đoàn nhỏ lần lượt lên đường vào chiến trường. Ngày 19 tháng 1 năm 1966, tức 28 âm lịch. Đoàn đầu tiên, do anh Lê Công - Viện phó Hậu cần chỉ huy rời Hà Nội. Tuy sát Tết, nhưng mọi người đều vui vẻ phấn khởi. Trên đường, anh Công cao hứng, làm một bài thơ gửi lại cho chúng tôi:

Xuân này tạm vắng quê hương,
Ba mươi Tết đến trên đường hành quân...


Đoàn thứ hai đi tiếp ngày 24 tháng 2 năm 1966 do anh Âu làm trưởng đoàn.

Hai đoàn đầu đi ôtô tới Ho, trạm giao liên bộ đầu tiên trên đường vào Nam thuộc địa phận Quảng Bình rồi tiếp tục hành quân bộ theo Đường dây 559. Trang thiết bị của Bệnh viện, gồm hơn một nghìn hai trăm kiện được chuyển bằng ôtô theo đường vận chuyển cơ giới, có một số nhân viên hậu cần đi theo áp tải.

Chúng tôi là đoàn thứ ba và là đoàn cuối cùng rời Hà Nội ngày 27 tháng 2 năm 1966. Theo kế hoạch, hai xe tô Hồng thập tự trang bị cho Bệnh viện sẽ đưa chúng tôi vào thẳng chiến trường. Tiễn biệt ở sân Viện Quân y 108. Chỉ huy Cục Quân y và Viện 108, tiễn chúng tôi. Những cái bắt tay chan chứa nhiệt tình. Những lời hứa hẹn đầy tin tưởng… “sẽ gặp nhau ở Sài Gòn nhé...” “... Hoặc ở Huế, hay Đà Nẵng cũng được”.

Sau một tháng ngừng đánh phá miền Bắc, “đi tìm hoà bình”. Không có kết quả, có tin Giônxơn lại ra lệnh đánh phá ác liệt trở lại miền Bắc.

Đêm đầu chúng tôi đi yên ổn tới Coòng. Đêm thứ hai, qua cầu Hàm Rồng, qua miền Nam Thanh Hoá, con đường chạy men theo bờ biển, nơi địch thường đánh phá ác liệt, nên anh em lái xe gọi là “cửa tử” … an toàn. Thành phố Vinh chìm trong bóng tối, đây đó còn lại một vài vạt tường đổ nát. Qua phà Bến Thủy yên ổn, xe chúng tôi rời đường số 1, rẽ vào Hương Khê, đoạn đường bị địch uy hiếp nặng, những hố bom chi chít ven đường, những chòi canh gác của dân quân với những ngọn đèn dầu tù mù báo hiệu, và các o dân quân ngồi gác suốt đêm... qua Ngã ba Đồng Lộc, anh em lái xe gọi là Ngã ba thịt chó, để kỷ niệm một bữa thịt chó bị máy bay địch bắn hút chết.

Đoàn chúng tôi gồm một số cán bộ chỉ huy của Bệnh viện và một số nhân viên kỹ thuật cần thiết để làm việc dọc đường với cơ quan chỉ huy Đường dây 559. Chúng tôi đi trên hai xe Hồng thập tự trang bị cho Bệnh viện. Trong đoàn chỉ có một phụ nữ, cô Thục Oanh, Y sĩ hoá nghiệm, một cô gái xinh xắn được ưu tiên phân công đi cùng xe với Viện trưởng và Chính uỷ. Sau mấy buổi đi đầu cô than thở: Ngồi cùng xe với các cụ, em ngại quá. Suất đêm không dám duỗi chân sợ đạp chân vào các cụ.

Cơm nước dọc đường, do từng xe tự lo. Gạo, xoong nồi thì mang sẵn theo xe thực phẩm, củi đuốc phần mang theo, phần mua của dân các địa phương đi qua. May mắn trên xe chúng tôi có anh Lạc, đã có 4 con nên rất thạo việc chỉ đạo nấu nướng. Mọi người phân công nhau, mỗi người nấu một bữa. Tôi nhận phần chuyên trách rửa bát.

Hôm đó, chúng tôi tới địa phận Quảng Bình. Nghỉ ở một xóm nhỏ ven đường. Anh Lạc mua đâu về được một mớ sắn, tôi nhận phần luộc. Hai mẹ con bà chủ nhà nói chuyện rì rầm với nhau. Tiếng Quảng Bình líu ríu, nghe không rõ. Bỗng cháu bé gái kêu lên: Chú bộ đội... nác... nác! Tôi không hiểu gì cả. Bà mẹ giải thích là tôi đổ quá nhiều nước vào nồi sắn, bà dặn, khi nào sôi thì phải chắt hết nước, nếu không sắn sẽ nát bét. Tôi kiên nhẫn ngồi đun bếp, chờ sắn sôi trước con mắt nhìn tò mò của cháu bé gái. Đến đoạn chắt nước, cháu lại kêu ầm lên gọi mẹ. Bà mẹ tất tả từ trên nhà xuống. Thì ra tôi lóng ngóng trong khi chắt nước, đã để cả nồi lẫn rế lên bếp đun. Tí nữa cháy mất chiếc rế!

Đêm thứ tư tới Khe Tang. Nửa đêm trời bắt đầu mưa to. Tới chân đèo, ôtô dừng lại ở một trạm gác, có một cây tre chắn ngang đường vào Nam. Anh bộ đội gác barie đầu tiên trên đường vào Nam. Anh. bộ đội gác barie cho biết: Nước Khe Tang đang lên cao. Ôtô không qua được. Trong trạm canh barie chật hẹp, tối mờ mờ. Anh bộ đội gọi điện thoại cho trạm gác bên kia suối:

- Mức nước bao nhiêu rồi?

- Một mét hai!

- Có hai con chờ qua khe!

Mật dạng gọi ô tô bằng “con” như con trâu, con bò, nghe thật lạ tai!

Bên kia gọi lại: Con to hay con nhỏ.

- Hai nhóc con thôi!

- Nhóc con thì không qua nổi đâu!

Chúng tôi sốt ruột, xuống đi bộ tới bờ khe xem xét. Cơn mưa tuy nhỏ, nhưng cũng đủ làm cho nước lũ dâng cao trong con suối hẹp. Nước chảy ầm ầm... Một thanh niên xung phong, đi công tác vội, cố lội qua, nhưng mới ra khỏi bờ mấy bước, nước sâu quá, lại phải quay lại. Nước vẫn dâng cao dần. Anh bộ đội gác barie thỉnh thoảng lại cầm một chiếc sào dài cắm xuống suối đo mực nước. Nước lên cao dần: một mét rưỡi... một mét tám... hai mét. Rõ ràng là chúng tôi không thể qua suối tối nay rồi. Phải cho xe lui lại, tìm một chỗ bằng phẳng ven đường, cho xe nấp vào dưới rừng cây, chờ hết cơn lũ mới qua được suối. Qua một đêm, một ngày, rồi một đêm hôm sau nước vẫn chưa rút.

Máy bay địch hoạt động liên tục suốt ngày đêm. Ban đêm có những máy bay cánh quạt bật đèn đỏ bay lượn trên trời như tập lái, ngọn đèn dưới cánh máy bay di chuyển từ từ như ngôi sao đổi ngôi. Ban ngày có chiếc máy bay chở dầu to kềnh càng, có những máy bay nhỏ bay xúm xít chung quanh nhận dầu từ chiếc máy bay mẹ. Một cuộc biểu diễn kỹ thuật của không lực Mỹ, như khiêu khích... Chúng nó biết lúc này chúng ta chưa có cánh tay đủ dài để với tới chúng... Tiếng phản lực, tiếng bom nổ ì ầm suốt ngày đêm...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 27 Tháng Mười Hai, 2009, 05:33:30 pm »


Ngày 5 tháng 3 năm 1966. Nước vẫn to, nhưng nhờ được một xe cần trục kéo, chúng tôi qua được Khe Tang, qua Khe Ve, lên tới đinh đèo, ôtô dừng lại đột ngột. Phía trước một dãy dài ôtô nối đuôi nhau, chật ních trên đường đèo. Sau chúng tôi, xe lại ùn lại ba, bốn mươi chiếc to nhỏ khác nhau của các quân binh chủng, xe chở hàng, xe kéo pháo, kéo tên lửa kềnh càng, xe chở người, xe cứu thương, xe xitéc, xe zíp chở cán bộ đi công tác... Con đường đèo chật chội, lầy lội. Bên trái đường là vách núi đá cao ngất, bên phải đường là vực sâu thẳm có tiếng thác nước rì rào...

Chờ đợi sốt ruột, dưới ánh sao lờ mờ, tôi và anh Tấn quyết định lên đầu đoàn xe xem vướng gì mà xe không đi được. Khó khăn lắm, chúng tôi mới len lỏi qua được những chiếc xe kềnh càng bụi bặm, đỗ sít vào nhau... Tới lưng chừng đèo một đám đông lái, phụ xe xúm xít, bàn tán quanh một chiếc xitéc, trượt một bánh nghiêng một nửa xe trên vực sâu. Mũi xe quay ngang chặn con đường hẹp. Đồng hồ đã chỉ hai giờ sáng. Con đường đèo trống trải. Có ý kiến đề xuất: Đào vách núi, mở rộng đường để xe sau có thể lách qua. Có ý kiến lên barie, cách đấy 6 cây số, xin xe cần trục tới trục xe xăng lên. Cả hai ý kiến đều được thực hiện nhanh chóng. Tiếng xẻng lục cục đào vách đá, nhưng nghe chừng còn lâu mới đào được một chỗ tránh. Tôi quyết định cử anh Tấn quay trở lại báo tin cho đơn vị và cùng một đồng chí bộ đội đi lên barie. Qua được đoàn xe đang ùn tắc, chúng tôi vội vàng đi trên con đường vắng vẻ. Chợt một ngọn đèn pha phía trước một chiếc ôtô đang ì ạch đi ngược lên đèo. Chúng tôi vẫy lại: Xe chở thương binh đã đi một ngày, cơm ăn không có, định đưa thương binh về Hương Khê. Chúng tôi nói như quát với anh lái xe: “Đường bị tắc rồi. Quay lại!”. Chúng tôi nhảy lên xe đến ngã ba Khe Ve tìm được trạm barie, một hầm sâu đào vào vách núi, ở ngã ba đường, chung quanh là hố bom chi chít. Tiếng chuông điện thoại gọi đi, gọi lại. Cuối cùng xin được một chiếc xe cần trục lên chỗ xe đổ. Trời thỉnh thoảng rực lên ánh pháo sáng thả đâu đó ở xa. Tiếng máy bay và tiếng bom ì ầm. Ôtô phóng vùn vụt mặc những tiếng hò hét cạnh đường. Khi lên đèo ôtô tắt đèn nhưng vẫn phóng nhanh. Tới chiếc xe xitéc, đồng chí công binh xuống xe, hạ cần trục, buộc dây vào chiếc xe đang cập kề trên trên bờ vực. Nhưng không dám kéo vì chiếc xe xitéc chở đầy xăng quá nặng, nếu kéo có thể rơi xuống vực cả xe cần trục. Phải hai xe cần trục hoặc phải tháo bớt xăng. Trời đã lờ mờ sáng, chân trời phía Đông bắt đầu ửng hồng. Các xe được lệnh cấp tốc ngụy trang. Người trên xe đi bộ xuống đèo trước khi cấp tốc báo cáo với Tham mưu. Tại phòng Tham mưu R., đồng chí Tham mưu trưởng gày rộc, mặt võ vàng vì mất ngủ. Thảo luận đi lại, cuối cùng lệnh cho trút hết xăng trong xe xitéc. Hơn 4 tấn xăng trong lòng xe chảy ào ào xuống vực như dòng thác. Nhưng anh công binh vẫn lo ngại, điện về, vẫn nguy hiểm lắm: chiếc xe cập kênh trên miệng vực, có thể lôi tuột xe cần trục xuống theo... Mà chậm chút nữa có thể cả đoàn hơn một trăm xe mắc kẹt trên đèo sẽ là mục tiêu cho máy bay địch!

- Thôi! - Đồng chí tham mưu trưởng thở dài quyết định - Hất xe xitéc xuống vực!

Trong giây lát chiếc xe chở xăng mới toanh của LiênXô, lần đầu tiên vào chiến trường, lăn lông lốc như chiếc xe đồ chơi trẻ con xuống vực, mở đường cho đoàn xe bị mắc kẹt rầm rầm xuống đèo, tản mát vào rừng trước khi trời sáng hẳn.

Qua gần một tuần hành quân, chúng tôi đến được Bộ chỉ huy tiền phương Đoàn 559. Đồng chí Tham mưu trưởng, chỉ huy bộ phận tiền phương chúng tôi. Theo ý kiến của anh, chúng tôi chia thành hai đoàn, một bộ phận chuyển qua đường đi bộ qua Ho. Một bộ phận tiếp tục hành quân cơ giới qua Đoàn bộ 555 làm việc. Anh bảo: “Đi bộ sướng hơn đi ô tô nhiều đấy các anh ạ!”.

Nghe câu nói đó, tôi nghĩ thầm: “Các bố chỉ động viên suông anh em đi bộ. Chẳng qua không đủ ô tô cho tất cả mọi người. Chứ đi bộ mà sướng hơn đi xe! Thật khó tin!...”.

Nhưng sau này, chúng tôi mới thấy sự thật đúng là như vậy.

Nghỉ lại một ngày, tranh thủ thăm bệnh viện của Đoàn ở gần đó. Chúng tôi nhớ mãi một thương binh bị bom Napan, bỏng khắp người quấn băng trắng toát từ đầu tới chân. Khi tới gần, tôi ngạc nhiên nghe thấy từ sau đống băng, có tiếng hát “Quảng Bình quê ta ơi!...”

Tôi hỏi: “Đồng chí có đau lắm không?”.

Anh thương binh ngừng hát.

“Đau lắm chớ!” im lặng một chút anh nói tiếp “Nhưng cũng thích!”.

- Sao lại thích? - Tôi ngạc nhiên hỏi.

- Như ri thì đám hắc lào ở bụng chắc phải hết!

Rồi anh lại hát tiếp. “... Xanh tươi bốn mùa...”.

Tôi thật gần như sững sờ vì hai thái cực, cái đau đớn mà tôi hình dung là khủng khiếp của vết bỏng khắp người và sự lạc quan lạ thường của người chiến sĩ...

Sau một ngày nghỉ, chúng tôi bắt đầu vào con đường mòn Hồ Chí Minh mà anh em bộ đội ở đây gọi một cách trịnh trọng và tự hào: “Đường chiến lược xuyên Đông Dương”. Con đường dài hơn một nghìn cây số, len lỏi trong núi rừng Trường Sơn, giữa biên giới ba nước Việt, Lào, Miên. Con đường quân sự làm gấp với những dốc dựng ngược, những ngầm dưới lòng suối, thay cho cầu vượt suối, với những đoạn đường dài hàng trăm cây số lát bằng những thân cây gỗ đặt ngang đường để chống lầy thụt trong mùa mưa, với hàng đàn máy bay địch quần lộn cả ngày lẫn đêm trên đầu, trút bom liên lục xuống các đèo, phà, bến sông. Phụt rốc két, lia hàng tràng đại liên xuống bất cứ vật gì di chuyển trên mặt đất, một tia sáng ban đêm, một làn khói ban ngày. Con đường đi dọc dãy Trường Sơn, cây trơ trụi lá vì bom cháy, chất độc hoá học...

Bước vào con đường là bước vào cuộc vật lộn hàng ngày, hàng giờ giữa ta và địch. Con đường máu vào miền Nam với bao nhiêu gương mặt anh dũng, hy sinh, bao chuyện thần kỳ, cũng như bao điều đau khổ của các lái xe, công binh, pháo binh, thông tin, thanh niên xung phong, các trạm barie, các kho trạm, các giao liên bộ đội, những tập thể kiên cường sống và chết với con đường.

Con đường cũng là nơi chứng kiến các kỹ thuật chiến tranh tân kỳ của nước đế quốc hùng mạnh nhất: hàng đàn máy bay đủ kiểu loại, các loại bon nổ, bom bi, bom khoan, bom cháy, bom phốt pho, bom lân tinh, bom nổ chậm, bom từ trường, mìn la, mìn zíp, mìn cóc, mìn vướng nổ, cây nhiệt đới... bao nhiêu loại vũ khí mà con người có thể nghĩ ra được để giết người... Nhưng đêm đêm hàng đoàn xe vẫn ầm ì nối tiếp đi về... và con đường vẫn dài dần, dài dần, gan góc, và quyết liệt, như một con rồng thần thoại, vươn tới miền Nam Tổ quốc.

Đoàn vận tải quân sự Quang Trung đảm nhận công tác vận tải lên đường. Một đoàn vận tải đặc biệt có cơ cấu giống như một Chính phủ thu hẹp, có pháo binh, công binh, bộ binh, có các đơn vị vận tải cơ giới và hệ thống vận tải với các đường giao liên, có thông tin, có các trường học, bệnh viện, trạm sửa chữa, có những luật lệ riêng và có cả tài chính riêng, những tín phiếu Trường Sơn có giá trị như tờ giấy bạc được sử dụng trong nội bộ Đường dây 559.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM