Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:17:34 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87635 lần)
0 Thành viên và 3 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #70 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 01:42:47 pm »


Ngày 25 tháng 6 năm 1969. Chiến tranh kéo dài và ác liệt không thể không có một số trường hợp mất tinh thần, tìm cách trốn tránh nhiệm vụ. Số tự thương, giả ốm để tránh phải đi chiến đấu ngày càng nhiều.

Ngay năm đầu, mới vào chiến trường, dọc đường giao liên, chúng tôi đã gặp một số trường hợp, lúc đó được gọi là “bê quay”, tức là số đi B nhưng bỏ ngũ, trốn trở về.

Họ bị giao liên giải ngược ra thành từng tốp, năm, mười người. Đa số đi lầm lũi, mặt cúi gằm, ý thức được sai lầm của họ. Nhưng cũng có người nhơn nhơn, cười nói ba hoa về những dự định sau này, khi trở về nhà.

Tới những năm 1969-1970 tình hình còn nghiêm trọng hơn cùng với chủ trương cho rộng rãi những người mất sức chiến đấu về hậu phương, một số có tư tưởng chờ đợi… một số khai tăng bệnh.

Trong bệnh viện có danh từ dí dỏm nửa tây nửa ta, cũng là để giữ bí mật khi các bác sĩ bàn bạc với nhau trước mặt bệnh nhân. Từ “maladie OV” tức là bệnh ốm vờ. Một số giả vờ điếc, khi bác sĩ đến khám bệnh thì ngơ ngơ ngác ngác, giả vờ như không nghe thấy gì, nhăn nhó “em bị sức ép bom B52”. Nhưng bác sĩ vừa quay lưng đi thì tán chuyện như sáo với các o hộ lý.

Ngày 30 tháng 6 năm 1969. Khó khăn về lương thực ngày càng đè nặng lên cuộc sống.

Tiêu chuẩn gạo rút xuống còn 150 gam gạo độn với 1 kg sắn cho một đầu người một ngày. Thực phẩm tính theo tiền Ria (tiền Campuchia) từ 130 đồng rút xuống còn 25 đồng/một tháng.

Từ mấy năm nay, chúng tôi vẫn ăn độn sắn. Trước đây là cơm cõng sắn, có nghĩa là cơm chiếm phần chính, sắn chỉ là độn thêm. Nhưng bây giờ, muốn tìm một hạt cơm nguyên vẹn để dán bì thư trong rổ cơm độn sắn cũng khó khăn. Mà vẫn không đủ no! Đám thanh niên, ăn xong, vươn vai chép miệng: Coi như chưa ăn!

Ở các khoa, bệnh nhân bắt đầu có nhiều tiếng phàn nàn chia cơm không đều. Hiện tượng mất gạo trong khi đi lĩnh gạo ở kho thường xảy ra. Mỗi chuyến đi lĩnh gạo về, cân lại, khoa thiếu 10 kg, khoa thiếu 15 kg. Phải tổ chức cho Hội đồng thương bệnh binh cùng đi lĩnh gạo. Giao nhận ở kho, mang về tới nhà lại cân đong lại.

Ở kho gạo thì nhốn nháo, thương binh, bệnh nhân khoa này lĩnh gạo của khoa khác. Có bộ đội qua đường, thấy đang lĩnh gạo cũng chen vào chìa ruột nghé ra lĩnh gạo. Quản lý không nhớ hết mặt thương bệnh binh trong khoa, thế là phát nhầm. Buổi chiều, trên đường về, có hàng hai ba chục vị tụt lại ngồi nấu cơm thành hàng dài, “Bài ca ống chóng” diễn ra ngay cạnh đường.

Tiêu chuẩn muối cũng bị giảm. Thực thà mà nói, trước đây, tôi chưa bao giờ phải suy nghĩ đến lượng muối ăn cần thiết hàng ngày. Nhưng bây giờ muối bắt đầu trở thành vấn đề phải suy nghĩ và tính toán. Tiêu chuẩn muối hàng tháng giảm dần. Trước đây, ngoài muối, còn có mắm kem, cá khô, dưa, cà muối cũng cung cấp một lượng muối đáng kể. Nhưng nay thì những thứ đó không còn nữa. Tiêu chuẩn muối theo đầu người hàng tháng tụt từ 8 lạng xuống còn 6 lạng, rồi 5 rồi 4 lạng rưỡi... Anh em bắt đầu kêu nhạt, người mệt rã rời. Xuống thăm một bếp nhân viên sau khi lĩnh muối, tôi thấy chị cấp dưỡng đang lúi húi chia tiêu chuẩn muối cả tháng thành các gói nho nhỏ. Mỗi gói nhỏ lại chia thành ba gói con bọc lá rừng. Chị giải thích cho tôi: “Mỗi bữa cơm, em chỉ việc đổ gói muối này vào chảo canh cho cả đơn vị, mặn nhạt mặc kệ. Chắc chắn là chỉ có nhạt chứ không làm gì có mặn. Như vậy mới có đủ cho cả tháng. Nếu nghe các vị cho muối vừa miệng thì tiêu chuẩn cả tháng sẽ veo trong 15-20 ngày. Mất vài ngày hoàn toàn ăn nhạt thì thật chết!”.

Mỗi người đi công tác, ngoài tiêu chuẩn gạo, thực phẩm như thường lệ còn được phát một gói muối con để ăn dọc đường.

Chúng tôi đang chuẩn bị ra tập Nội san Quân y số 5. Họp ban Biên tập, mọi người đều vêu vao vì đói và thiếu muối. Mỗi vị được bồi dưỡng một củ sắn, nhưng vẫn rất hăng hái tham gia ý kiến cho từng bài.

Mắt tôi dạo này hình như có vấn đề: đọc sách chóng mỏi, nhiều lúc nhìn không rõ. Mấy tháng trước ở cánh Trung, hướng dẫn phẫu thuật thực hành cho lớp y sĩ, tôi còn khâu được những mạch máu nhỏ đường kính chỉ khoảng 1 milimét trên tai thỏ. Thế mà bây giờ người đứng cách vài mét mà không nhìn rõ mặt, có lúc cứ phải đoán. Phải chăng bệnh Glô-côm của tôi đang tiến triển. Từ ngày vào chiến trường, tôi vẫn giữ chế độ nhỏ thuốc giảm nhãn áp hàng ngày, nhưng có thời kỳ không có thuốc. Không đo được nhãn áp vì không có dụng cụ... Tôi cũng có phần chủ quan vì cảm thấy mắt vẫn bình thường... Mỗi khi hành quân trời tối, anh em vẫn cười bảo tôi là đi theo toạ độ. Giống như kiểu máy bay ném bom toạ độ, theo toạ độ trên bản đồ. Tôi cũng vậy, không trông rõ đường, nhưng cứ theo người đi trước bước bừa.

Nhưng cũng không có cách nào khác, chả lẽ kêu ca về bệnh của mình sao? Tôi thầm tự an ủi khi nhìn bao nhiêu chiến sĩ cụt chân, cụt tay hàng ngày vào Viện, bao nhiêu thanh niên trai tráng khoẻ mạnh đang hy sinh cuộc đời cho cuộc chiến đấu này. Nếu tôi có phải hy sinh con mắt thì cũng xứng đáng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #71 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:03:15 pm »


Ngày 5 tháng 7 năm 1969. Đợt 4 Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa đã kết thúc. Chỉ huy sở tiền phương rút về hậu cứ, bộ đội đã lục tục trở về. Chỉ huy các đội Phẫu lưu động, đội điều trị, Bệnh viện dã chiến về họp rút kinh nghiệm và nhận nhiệm vụ mới.

Thương bệnh binh ứ đọng ở các cơ sở điều trị phía trước, dồn dập chuyển về Bệnh viện. Sau những ngày chiến đấu căng thẳng, bệnh tật phát triển, số bệnh binh tăng cao. Trong 1 tuần, hơn 600 thương bệnh binh vào Viện. Nâng số thương bệnh binh ở cánh Bắc lên tới 1400. Bộ phận ở cánh Trung cũng lên tới 700, nên việc rút các khoa còn nằm ở cánh Trung không thực hiện được theo kế hoạch. Ở cả hai khu vực, toàn Viện thu dung tới 2200 thương bệnh binh, thật là một con số kỷ lục!

Mưa vẫn rơi dầm dề. Ở cánh Bắc Tây Nguyên này, mùa mưa kéo dài hơn cánh Trung. Ban đêm đã lạnh, phải đắp chăn bông. Chả trách Viện 1, có kinh nghiệm ở đây mấy năm nay phải làm nhà thấp và thưng kín mít để chống rét.

Ngày 18 tháng 7 năm 1969. Đang dự Chỉnh huấn thì anh Tụ, Trưởng ban Quân y Mặt trận đến cho biết là có điện từ Binh trạm Trung báo: anh Ba Đường, cán bộ của Khơ me đỏ, đang điều trị ở bộ phận Viện 211, còn ở Binh trạm Trung, bị sốt và đau vùng mổ túi mật cũ, xin bác sĩ Ngoại về hội chẩn và giải quyết. Theo ý của trên, vì đây là cán bộ lãnh đạo của bạn, tôi nên về trực tiếp giải quyết.

Mười giờ đêm, tôi cùng với ba đồng chí liên lạc rời Hội nghị ra đi. Đêm khuya, trời mưa tầm tã, đường dốc lầy lội. Dưới ánh đèn pin, chúng tôi vượt một dốc cao, ra tới đường thồ, lát những tấm phên nứa chống lầy. Qua “Cổng Trời” tới Q7 thì đã hai giờ sáng. Vào ngủ nhờ kho Q7. Sáng hôm sau mượn kho 4 chiếc xe đạp, về tới khoa 40, nơi đang điều trị cho anh Ba lúc 12 giờ trưa.

Tôi ra suối rửa mặt, rửa chân tay rồi vào thăm anh Ba. Anh người tầm thước, hơi đậm, da ngăm đen, ít nói. Anh đã mổ túi mật cũ, còn một vết sẹo chéo dưới mạn sườn phải. Mấy hôm trước, anh bị sốt, đau lại vùng mổ cũ. Nhưng sau đợt điều trị bằng kháng sinh, đến hôm nay đã tạm thời ổn định, bụng mềm, không đau, hết sốt. Tôi thật mừng, không phải làm gì thêm, chỉ cần tiếp tục theo dõi.

Từ ngày vào chiến trường, do Bệnh viện của chúng tôi ở gần hậu cứ của Khơ me đỏ, nên ngoại nhiệm vụ điều trị cho bộ đội, nhân dân, chúng tôi còn có nhiệm vụ quốc tế là săn sóc, điều trị cho bạn.

Lúc này, lực lượng của họ đang còn rất yếu ớt, nên họ gần như hoàn toàn phải dựa vào ta, từ trang bị, vũ khí, đến lương thực, thực phẩm, săn sóc y tế.

Tuy nhiên, đã thấy xuất hiện những dấu hiệu dân tộc cực đoan bất thường, những khẩu hiệu và hành động chống lại gây khó khăn cho ta. Số cán bộ Campuchia sau năm 54, tập kết ra miền Bắc, khi trở về Campuchia, bị coi như “thân Việt Nam”, không được giao nhiệm vụ, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị đàn áp.

Một xã ven biên giới, là cơ sở của ta bị họ đàn áp. Một số cán bộ bộ đội của ta đi lẻ, bị tấn công tước vũ khí. Có kho vũ khí của ta bị họ cướp. Những tình hình này, báo cáo lên trên, không hiểu sao dường như bị coi là hành động lẻ tẻ của địa phương và bỏ qua...

Bác sĩ Bích, Chủ nhiệm khoa, cũng vừa bị một trận sốt cao, lên một cơn thần kinh, nói lảm nhảm. Sang ngày hôm sau vẫn chưa thật bình thường. Vẫn lúc mê, lúc tỉnh.

Tôi ở lại khoa 40 hai ngày, vừa theo dõi tình hình anh Ba Đường, vừa theo dõi tình hình anh Bích. Sau khi thấy cả hai đã ổn định, tôi mới lên chỉnh huấn tiếp, vừa kịp dự phần thu hoạch.

Ngày 31 tháng 7 năm 1969. Để sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi tổ chức một đoàn gồm cán bộ phụ trách các khoa đi xem địa hình chung quanh Bệnh viện. Mất tròn một ngày. Leo qua các mỏm đồi dưới trời mưa tầm tã. Bệnh viện nằm gọn trong một thung lũng hẹp có các đồi núi bao quanh. Chỗ ở của Viện tương đối bằng phẳng, nhiều nước. Nếu giữ được bí mật thì tốt. Nhưng nếu bị lộ thì có thể trở thành một túi hứng bom, không có lối thoát.

Mấy hôm nay, tổ chức chỉnh huấn cho cán bộ sơ cấp và chiến sĩ trong đơn vị, nhưng không yên do chuyện gạo. Hôm trước theo kế hoạch Viện được phát 54 tấn gạo ở điểm 5. Như vậy là tương đối gần. Nếu lĩnh được hết thì đủ ăn tới cuối tháng 9. Nhưng chậm chân, khi ra tới nơi thì không còn hạt nào. Như vậy sẽ phải đi lĩnh ở Cung 3, đi về mất 5 ngày. Tính ra phải huy động 100 người để gùi gạo mới đủ một ngày một tấn vừa đủ ăn hàng ngày cho thương bệnh binh và nhân viên, không có dự trữ. Anh Toản Phó chính uỷ Viện phải cấp tốc lên Phòng mới xin được 20 tấn lĩnh ở điểm 5, đủ ăn hết tháng 8. Nhưng ra tới điểm 5 thì kho cũng rỗng, vẫn phải lấy gạo ở Cung 3 mà nếu chậm không có người ra nhận sớm thì Cung 3 cũng hết nốt và sẽ phải ra T34, cả đi và cả về 15 ngày! Đành cấp tốc cử người ra Cung 3 nhận gạo, đồng thời cấp tốc mở lớp chỉnh huấn trong 5 ngày sau đó, tổng huy động lực lượng đi lấy gạo. Trong Viện gạo dự trữ chỉ còn đủ ăn tới 15 tháng 8 nếu không kịp sẽ đói to.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #72 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:03:36 pm »


Ngày 5 tháng 8 năm 1969. Nhận được thư Hương viết ngày 6 tháng 1 năm 1969. Thư mất 7 tháng mới tới được tay tôi. Thư Hương viết:

“Anh thân yêu,

Tối nay em đến 108 xem phim quay nơi anh làm việc năm 1967. Mợ, anh chị Hoè, Hằng Nga cũng đi xem.

Trông thấy anh mạnh khoẻ, cả nhà rất vui. Sao cái đầu Bố húi xấu lắm. Ai lại đằng sau nhẵn thín! Anh Vinh trông tóc bạc hết cả. Chị Vinh, chị Âu cũng đi xem. Trông cảnh đẹp, anh nhỉ. Em muốn được vào đấy vẽ anh ạ. Vậy anh tạo điều kiện cho em trở thành hoạ sĩ của Viện đấy nhé.

Các anh, các chị Viện 108 đều luôn săn sóc và thăm hỏi gia đình mình nên em vào chơi Viện 108 nhiền hơn khi anh ở nhà.

Có thể tháng 2 em sẽ vào Quảng Bình, Vĩnh Linh công tác và như vậy có thể năm nay không ăn Tết ở nhà. Mỗi lần đi xa về thấy nhà yên ấm quá. Con ngoan và biết thương mẹ, anh chị em trong gia đình đối với em rất tốt. Nhưng nghệ thuật lại buộc em không thể tách rời cuộc sống nên năm nào em cũng phải đi ít lâu.

Em luôn luôn nhớ anh từng ngày. Ba năm nay, không một ngày một đêm nào em không nghĩ tới anh. Nhiều khi bận quá nhưng trước khi đi ngủ vẫn nghĩ tới anh ở xa. Rất mong ngày thắng lợi chúng ta sẽ lại có một cái Tết vui như ngày xưa khi anh đến thăm em đúng ngày Tết ở Việt Bắc...”.


Ngày 15 tháng 8 năm 1969. Tôi vừa rời phòng mổ sau một ca mổ nặng, trên đường về nhà thì có tiếng gọi phía sau. Quay lại thì ra anh An, trợ lý y vụ tay cầm một mảnh giấy. Công văn của xưởng Dược cho biết trong đơn vị có một trường hợp tai nạn nổ súng chết người, xin cho người sang khám nghiệm tử thi. Anh cho biết thêm, người bị nạn là H., một chiến sĩ mới về đơn vị được xếp vào loại “tụt, tạt”, như anh em thường gọi, đã đào ngũ để trốn về gia đình, qua Binh trạm bị giữ lại, giáo dục rồi bổ sung về xưởng Dược.

Anh Diệp, y sĩ giải phẫu bệnh lý được cử sang xưởng Dược khám nghiệm tử thi. Khi về, báo cáo với tôi. Hôm trước cậu H, nạn nhân, bị ốm. Sáng hôm nay hết sốt nhưng H. vẫn nằm ở nhà, anh em đi làm hết, bỗng nghe thấy tiếng súng nổ.

Khi anh Diệp tới nơi, hiện trường vẫn nguyên. Nạn nhân nằm úp sấp mặt xuống đất, một chân duỗi vào trong gầm giường, một chân co dưới bụng, tay giơ ngang cằm. Viên đạn CKC xuyên từ cánh mũi trái ra sau gáy, xuyên lên nóc nhà làm thủng một miếng ngói tre trên nóc. Lỗ đạn vào ám khói đen, chứng tỏ đạn nổ sát gần. Cạnh xác chết là khẩu súng CKC nằm trên mặt đất. Cái tút đạn văng ra bên phải, cách xác chết chừng một mét, chứng tỏ hộp đạn đã quay về phía người. Trên giường có giẻ và lọ dầu lau súng. Như vậy anh H. ngồi trên giường, súng đặt đứng trên mặt đất, mặt ghé trên miệng súng.

Diệp kết luận dè dặt: Không biết đây là một vụ tự sát hay là tai nạn trong khi lau súng!

Tôi đã thu thập các thư từ và tài liệu riêng của anh H. mang về để nghiên cứu thêm. Tôi lật từng trang nhật ký, cùng mấy bức thư của H. mà trong lòng thấy thương người chiến sĩ này vô hạn. H. là một thanh niên trẻ hai mươi tuổi đời.

Trang đầu cuốn nhật ký là dòng chữ nắn nót: Thân tặng Ph Q H. ngày lên đường làm nhiệm vụ vẻ vang đánh Mỹ. Xiết chặt tay bạn... Ký tên Ngọc Bích.

Trang hai là chữ của H ghi hai câu thơ:

“Một bước xa nhau, ngàn thương nhớ
Một lời lưu luyến vạn lần mơ”


Những trang sau ghi lộn xộn các địa chỉ và mấy câu thơ:

“Xa quê đã mấy tháng rồi
Lòng con thương mẹ vô cùng mẹ ơi!”


Rồi những câu: Rau vài ba cọng ăn vào như không. Cơm thì bữa thất, bữa thường. Sáng ăn một bát chiền thời ăn hai. Ăn xong rồi lại nằm ỳ, cán bộ gọi họp không đi, cứ nằm kêu ốm kêu đau suốt ngày. Lý do ra Bắc chứ còn làm sao? (Ngày 17 tháng 8 năm 1968).

Giữa quyển sổ là hàng chữ to nguệch ngoạc: Không biết nên chọn con đường nào. Đi hay ở, vào hay ra, khó suy nghĩ quá mẹ ơi!

Sang trang sau là hàng chữ nguệch ngoạc: Đời tôi xuống dốc không phanh rồi. Bạn hỡi, đào ngũ là chuyện không vừa. Tương lai chính trị thế là như không! Hy vọng đã tan thành mây khói, nhục nhã vô cùng! Tại sao tôi lại đào ngũ? Tại sao không hoàn thành nhiệm vụ? Sợ chết chăng? Sợ Mỹ chăng??? Đời tôi rồi sẽ ra sao? Phong ba bão tố... Tôi tự dìm đời tôi xuống bùn đen rồi. Không còn hoài bão hy vọng, ước mơ như tôi nghĩ trước đây nữa.

Như vậy diễn biến sự việc khá rõ ràng: Một thanh niên trẻ, lòng tràn ngập tình yêu thương mẹ, nhớ quê hương, vào tới chiến trường đầu tiên là sợ khó khăn gian khổ, rồi trong một lúc không đấu tranh nổi, đào ngũ bị bắt, sinh ra bi quan, xấu hổ rồi tự kết thúc cuộc đời. Những tài liệu để lại và khám xét hiện trường, chứng minh rõ điều đó…
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #73 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:03:59 pm »


Ngày 31 tháng 8 năm 1969. Mổ xong một ca bóc vỏ phổi do mủ phế mạc khu trú thành kén, chọc hút nhiều lần không hết.

12 giờ trưa mổ xong, đang đi về nhà thì máy bay trinh sát và tiếp sau đó là máy bay trực thăng bay ầm ầm trên khu vực. Chạy về tới nhà, điện thoại từ đài quan sát báo tin: có ba trực thăng hạ cánh xuống khu vực kho Q11, chỉ cách Viện một ngọn đồi. Báo động. Các tổ chiến đấu của các khoa được lệnh lên chốt các cao điểm quanh Viện, theo kế hoạch đã được phân công từ trước. Viện cử một tổ cảnh vệ vượt sườn núi sau lưng Viện bộ sang Q11 để phối hợp chiến đấu với lực lượng bảo vệ kho.

Máy bay hoạt động rầm rộ một lúc rồi yên tĩnh trở lại. 4 giờ chiều, tiếng súng, tiếng mìn nổ chát chúa sau lưng nhà tôi ở. Cử thêm một tổ 5 người của sản xuất và cảnh vệ lên tiếp ứng. Nhưng tiếng súng chỉ rộ lên một lúc rồi yên.

6 giờ chiều, kho Q11 báo tin một chiến sĩ liên lạc gặp 2 tên biệt kích đi ngang qua đường mòn trong rừng, nhưng không đánh, chạy ra trạm gác gọi người. Khi quay trở lại, chúng đã mất hút vào rừng.

Tổ cảnh vệ sang tới Q11, nghe tin, liền lập tức truy lùng theo hướng đi của bọn biệt kích lên núi. Đồng chí Thông đi trước bị chúng phát hiện, bắn bị thương vào vai và chân. Anh em phát hiện thấy trên các thân cây có khắc chữ 7/24 và một mũi tên chỉ về phía Tây.

Đêm 25 tháng 8 họp Thường vụ, thủ trưởng Viện quyết định tạm thời sơ tán Bệnh viện. Khối Ngoại, khoa 33 ra C3, khoa 34 ra C2 và thu dung. Khối Nội ra T3. 11 giờ rưỡi đêm, tôi đi kiểm tra tình hình sơ tán. Qua khoa 34, thấy đang phân công khiêng cáng thương bệnh binh. Một số cáng đã sẵn sàng dựng cạnh nhà Hành chính. Trong đêm hôm đó và sáng sớm hôm sau, 938 thương bệnh binh đang điều trị ở các khoa đã được phân tán đi các nơi.

Sáng 26 tháng 8 yên tĩnh, tôi và anh Hà Nhưỡng, Chủ nhiệm Y vụ ra C3 xem tình hình sơ tán của khối Ngoại. Trên đường còn thấy mấy thương binh nặng đi nạng lộc cộc leo dốc. Một chiếc cáng lặc lè lên dốc. Một đầu cáng là cô Liệu y sĩ Lý liệu, đầu cáng bên kia là anh Bao, Chính trị viên khoa 33. Thấy hai người đã mệt, cậu liên lạc của tôi ghé vai khiêng giúp cô Liệu, anh Nhưỡng cũng ghé vai khiêng giúp anh Bao.

Lên tới đài quan sát trên đỉnh dốc, vừa đúng lúc máy bay trực thăng lại pầm pập ầm ầm tới. Chúng bay vòng rất thấp sát ngọn cây. Gọi điện về cho anh Công, Chính uỷ, trực chỉ huy ở nhà, đề nghị cho dùng đại liên 12 ly 7 đang bố trí ở rẫy, bắn.

Ra tới C3 gặp bác sĩ Hưởng, Chủ nhiệm khoa 33. Anh cho biết toàn bộ số thương bệnh binh của khoa 33 đã sang tới chỗ sơ tán, trừ 4 trường hợp nặng, bất động còn phải để lại săn sóc ở địa điểm cũ. Phòng mổ cũng đã chuyển được hết số dụng cụ ưu tiên. Tình hình tương đối ổn. C3 có một số nhà và công sự đủ cho thương bệnh binh và nhân viên.

Vừa xem xét tình hình xong thì tiếng súng nổ dữ dội ở phía Viện, điện thoại réo liên tục. Đài quan sát báo: “4 trực thăng..., 4 trực thăng... rồi 6 trực thăng... 6 trực thăng đang lượn xuống thấp. Có khói bốc lên từ bãi cỏ gianh sau khoa 34”.

Sau đó báo cáo tiếp: Chúng nó kéo lên 3 thằng lủng lẳng trên thang dây... Tiếp sau đó lại báo cáo: Một trực thăng khác câu lên 6 thằng thành một xâu.

Ở C3 chúng tôi cũng thấy chiếc trực thăng bay ngang qua bầu trời với một xâu biệt kích lủng lẳng ở dưới bụng, bay vút về hướng Đông. Sau đó tiếng máy bay, tiếng súng im ắng dần.

Chúng tôi tiếp tục sang khoa 34. Tụt một khe núi, sang quả núi phía bên kia là vị trí của một đại đội vận tải nhường chỗ cho Bệnh viện. Thương bệnh binh đang ngủ mê mệt sau một đêm thức trắng. Gặp bác sĩ Minh, Chủ nhiệm khoa, anh cho biết toàn khoa đã di chuyển an toàn sang địa điểm mới. Đi thăm một số lán thương bệnh binh, qua lán cán bộ, các cán bộ điều trị hoan nghênh chủ trương của Chỉ huy Viện kịp thời phân tán Bệnh viện. Ít nhất thì cũng đã tránh được cho bệnh nhân trận oanh tạc vào Bệnh viện sáng hôm nay.

Trên đường quay về nhà, chúng tôi gặp một nhân viên khoa 22. Đồng chí cho biết, chúng nó bắn phá khu vực các khoa 33, 34. Đồng chí Kính - y sĩ X quang hy sinh. Tôi choáng váng. Đồng chí Kính ư! Kính, một y sĩ trẻ, có khuôn mặt thông minh, hơi xanh vì sốt rét, công tác tích cực, xông xáo, săn bắn giỏi, mà hy sinh sao? Cậu nhân viên nói tiếp, ngoài ra còn một đồng chí nữa hy sinh, vết thương vào mặt nên không nhận ra là ai. Có thể là Chương, quản lý khoa 34. Đồng chí Chương ư? Vô lý, chúng tôi vừa gặp Chương ở chỗ sơ tán vừa rồi.

Chúng tôi vội vã trở về theo đường tắt qua rừng, tụt một dốc sâu rồi lội theo dọc suối. Đi qua khoa 34. Vắng vẻ, khoa đã sơ tán hết. Còn đàn lợn chạy nháo nhác tìm thức ăn. Gặp một nhân viên đang thu dọn đồ đạc, xác nhận tin đồng chí Kính hy sinh.

Qua phòng mổ gặp bác sĩ Hưởng mới từ nơi sơ tán trở về, vừa mổ xong các nhân viên bị thương. Nặng nhất là đồng chí Bái, bị vết thương ngực mở, thở phì phò qua miệng vết thương, đã được mổ khâu kín, tình hình ổn định. Anh Hưởng cho biết người hy sinh thứ hai là anh Mùi, không phải là Chương như mọi người lúc đầu tưởng nhầm. Anh Mùi, trợ lý bảo vệ, một cán bộ cần mẫn, lúc nào cũng đeo theo người một xắc cốt to phồng tài liệu.

Sáng hôm nay, theo phân công, các trợ lý cơ quan toả đi các khoa kiểm tra tình hình sơ tán và sẵn sàng chiến đấu chống biệt kích. Anh Mùi, đi ngang qua khoa X quang gặp anh Kính, vừa dứt cơn sốt nên chưa sơ tán theo khoa. Anh Mùi liền rủ anh Kính lên thăm chốt của khoa X quang ở đỉnh đồi sau nhà. Trên đồi, hai đồng chí Giáp và Tỵ giữ chốt. Hai anh leo dốc lên chốt. Kính mang khẩu súng các bin, Mùi có khẩu súng ngắn. Bọn biệt kích có lẽ cắt đường rừng theo sườn núi. Hàng loạt tiểu liên nổ, tiếp theo là các tiếng nổ liên tiếp, tiếng nhỏ của tiểu liên cực nhanh, tiếng nổ to của đạn Xì tốc...

Hai tổ chiến đấu nghe tiếng súng đánh sang. Một tổ đánh từ dưới lên, một tổ từ sườn núi phía Tây sang. Tổ chốt trên đỉnh đồi cũng đánh xuống nhưng máy bay đã ập tới bắn phá ác liệt, nên không tiến được. Khi lên tới nơi thì đã thấy Kính nằm trong vũng máu. Đồng chí Mùi nằm bên cạnh, bị một vết thương lớn trúng giữa mặt, một vết thương rộng ở lưng, tay bị gãy nát, khi khiêng về không nhận được là ai. Sau đó xem giấy tờ còn lại trên người xác định là đồng chí Mùi. Súng ngắn và xắc cốt bị chúng nó lấy mất.

Hội ý lãnh đạo Viện trong đêm, xác nhận địa điểm đã lộ, quyết định cử một lãnh đạo Viện lên Phòng xem chỉ thị.

Sáng 27 tháng 8 tôi cùng hai cảnh vệ rời Viện từ 4 giờ sáng để lên B3 báo cáo tình hình và xin chỉ thị. Đi một mạch tới 3 giờ chiều tới Q7, vào kho mượn xe đạp. Tôi và đồng chí Lân cảnh vệ phóng về cánh Trung.

Tới Quân đoàn, nghỉ một chút trên cầu Quân đoàn, pha cốc nước đường uống dưới ánh trăng mờ mờ. Đói, mệt. Buộc đèn pin vào tay lái xe đạp tiếp tục đi nhưng chỉ được từng quãng ngắn. Trời đổ mưa ào ào, cây đổ ầm ầm trong rừng. Chúng tôi tiếp tục đi, nhờ ánh chớp để nhận đường. Tới một thân cây to vừa mới đổ chặn đường, phải luồn qua cành lá, vác xe, người đẩy, người kéo, vượt qua được cây đổ. Tiếp tục đi. Đã tới gần nương gia tăng cũ của Viện, lại một cây to bằng hai người ôm đổ chặn ngang đường. Cạnh đó có một đường rẽ. Đi vào đường rẽ được vài trăm mét, cậu Lân đứng lại phân vân: Có lẽ lạc, thủ trưởng ạ!

Quay lại chỗ cây đổ, hì hục một hồi lâu, một ánh chớp loé, soi mờ mờ một con đường mòn. Đi theo một quãng cậu Lân vẫn phân vân: Đường này đi ra nương tăng gia của Phòng!

Lại quay lại cây đổ. Cực quá, tôi ngồi xệp lên một cành cây, mặc cậu Lân loay hoay tìm đường. Cuối cùng chúng tôi lại hì hục, người đẩy, người kéo, vác hai xe đạp trèo qua thân gỗ cao ngang đầu, cành lá xúm xuê, ướt sũng nước mưa. Về tới nương tăng gia, đã hơn mười giờ đêm, anh em đã chuẩn bị đi ngủ. Thấy chúng tôi về anh em ngạc nhiên: Chưa ai đi được quãng đường từ cánh Bắc về đây trong vòng một ngày!

Sáng 28 tháng 8 tìm được đồng chí Vĩnh thủ trưởng Phòng đang họp Hội nghị gần nương. Anh cho biết đã nhận được điện của Viện chiều hôm trước và đã báo cáo tình hình với Bộ tư lệnh mặt trận. Đồng chí Hoàng, Tư lệnh trưởng cũng rất lo cho Bệnh viện và đã chỉ thị cho Trung đoàn 40 cử một bộ phận đến bảo vệ Viện. Phòng Hậu cần cũng đã cử đồng chí Lục, phó phòng cùng đại diện các bộ phận xuống Viện giải quyết các khó khăn cho Viện.

Tối 30 tháng 8 về tới đơn vị, họp thường vụ, thủ trưởng Viện bàn kế hoạch di chuyển. Phải tập trung bệnh nhân vào một khoa Nội và một khoa Ngoại để điều trị và rút một số khoa vào địa điểm mới xây dựng. Khi được một số cơ sở mới chuyển dần thương bệnh binh vào và rút nốt các khoa còn lại.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #74 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:04:19 pm »


Ngày 2 tháng 9 năm 1969. Sáng 2 tháng 9 tôi được mời dự liên hoan mừng Quốc Khánh với Bệnh xá E40. Có cơm nếp, thịt gà. Buổi chiều khoa 33 điện báo có một trường hợp nặng cần hội chẩn. Chống gậy sang khoa 33 đang sơ tán, đi qua một khu rừng rậm, vượt một dốc cao. Bệnh nhân là một chiến sĩ trẻ đau bụng quằn quại nhưng triệu chứng không rõ ràng, rất khó chẩn đoán.

Sáng 3 tháng 9 triệu chứng bệnh rõ hơn, quyết định mổ. Tôi cùng với bác sĩ Hưởng mổ. Vừa gây mê xong, một y sĩ vào lo lắng báo tin: “Bác Hồ ốm anh ạ!”

Tôi dừng mổ, giật mình hỏi lại: “Sao cậu biết?”.

- Đài vừa đưa tin sáng hôm nay.

Từ 5 giờ 15 phút sáng 3 tháng 9 Đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin Bác Hồ mệt. Tuy chỉ có một vài người dậy sớm nghe được tin này, nhưng tin dữ đã lan ra nhanh chóng trong đơn vị.

Mọi người lo lắng nhìn nhau, bỏ hết công việc, xúm quanh các đài bán dẫn, chăm chú nghe các bản tin phát vào lúc 10 giờ 30, 11 giờ 15, 16 giờ 30, 18 giờ nhưng bặt không thấy tin tức gì thêm, cũng không thấy nhắc lại thông báo buổi sáng. thậm chí đã có người nghi ngờ hỏi gặng số anh em nghe được bản tin buổi sáng: Có thực cậu nghe thấy tin đó không?... Có đúng là nghe đài Việt Nam hay nghe phải đài nào khác?

Sau ca một cấp cứu, tôi trở về Viện bộ chỗ ở cũ, rồi vào tiếp địa điểm dự bị để bàn phương án bố trí các khoa.

Đường vào khu dự bị mới mở xuyên qua những khu rừng tre nứa rậm rạp, các gốc tre mới phát còn nhọn hoắt. Suốt dọc đường, bước thấp, bước cao, tôi vẫn ôm trong tay chiếc đài bán dẫn, gắn núi nghe vào tai. Rà hết đài này sang đài khác, hết chương trình này sang chương trình khác. Bặt không có tin tức gì thêm về sức khoẻ của Bác. Tuy nhiên, tôi vẫn có cảm giác có điều gì khác thường. Bản tin trên đài, không theo thứ tự như thường lệ. Bắt đầu bằng bản tin tóm tắt rồi đọc bản tin chi tiết, rồi điểm báo, sau đó hình như vì chưa hết giờ, để lấp chỗ trống, lại đọc tiếp tin...

Địa điểm dự bị ở vào một khu rừng tre nứa rậm rạp, giữa hai dãy núi cao có con suối nhỏ chảy. Chúng tôi mắc tăng võng hai bên bờ suối để ở. Đêm mưa rơi lộp bộp trên nóc tăng. Nằm trong võng vẫn ôm chiếc đài bán dẫn, thao thức suốt đêm.

Sáng 4 tháng 9, bản tin sáng, phát thanh viên, với một giọng đầy xúc động, nghẹn ngào đọc bản Thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Hội đồng chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi linh cảm có điều bất thường, choáng váng, tai như ù lên, chỉ nghe được loáng thoáng các câu “... Hồ Chủ tịch mắc bệnh... trong một cơn đau tim... đã từ trần hồi 9 giờ 47 phút ngày 3 tháng 9 năm 1969”.

Nước mắt, tưởng chừng như đã cạn qua bao nhiêu mất mát đau thương của chúng tôi, bỗng trào ra giàn giụa.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ úp mặt xuống võng, khóc nức nở.

Trời vẫn mưa. Mưa Tây Nguyên rơi rào rào trên các tấm nhựa, trên lá cây, trên mặt đất. Nước suối cũng chảy ầm ầm như muốn gào lên cùng nỗi đau đớn của chúng tôi…

Chiều 5 tháng 9, chúng tôi tổ chức lễ truy điệu Bác ở giữa rừng, trên một vạt đất trống nhỏ mới phát. Một tấm ni lông căng làm nệm cho bàn thờ Tổ quốc, có ảnh Bác với hàng khẩu hiệu: “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”.

Thương bệnh binh và nhân viên, ngực đeo băng tang, đứng tập hợp thành đội ngũ. Anh Công và tôi, Viện trưởng chia nhau đọc Thông cáo đặc biệt và Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng... giữa những tiếng nức nở.

Trời vẫn mưa rả rích, rừng Tây Nguyên bao la tưởng chừng như lạnh thêm, mênh mông thêm. Cuộc chiến đấu đầy khó khăn gian khổ đang kéo dài trước mắt, mà Bác, niềm tin thiêng liêng của chúng tôi không còn. Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy cô đơn, lo lắng như những ngày này.

Trong buổi lễ truy điệu, chúng tôi mời đại diện của đồng bào địa phương cùng dự và cũng để thông báo tin buồn cho đồng bào biết. Đồng chí cán bộ dân tộc, to khoẻ, vững chắc, mặc bộ quần áo bộ đội, im lặng trong suốt buổi lễ vẻ mặt bình thản. Sau buổi lễ, trước khi ra về, đồng chí mới nói với chúng tôi một câu chắc nịch: “Bác Hồ còn lâu mới chết!”...

Ôi, thì ra đồng chí không tin là Bác Hồ mất. Trong suy nghĩ của đồng chí và cả của đồng bào dân tộc Bác Hồ là rất thiêng liêng, vĩnh viễn tồn tại, không thể mất. Và chúng tôi nghĩ rằng có lẽ cứ để đồng bào giữ niềm tin đơn giản và vững chắc đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #75 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:04:38 pm »


Ngày 15 tháng 9 năm 1969. Sau lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ở địa điểm mới của Bệnh viện, tôi trở lại nơi sơ tán của khoa 33 để cùng với anh em mổ một số thương binh nặng.

Khoa đang ở nhờ cơ sở của một đại đội thu dung, trên đỉnh một ngọn đồi cao có rừng tre nứa phủ kín. Chỗ ở như thế này là đúng nguyên tắc an toàn. Kinh nghiệm cho biết địch thường chú ý các thung lũng thấp ven suối. Nhà ở tuy đủ cho thương bệnh binh và nhân viên nhưng chật chội. Từ trên ngọn đồi mỗi khi xuống suối lấy nước khá vất vả.

Mới mổ một trường hợp tháo khớp háng trên một thương binh đã mổ cắt đoạn khớp bị nhiễm trùng. Thương binh gầy yếu, chỉ còn da với xương. Sau mổ huyết áp tụt, chỉ còn 50/30, cần truyền máu mà ở nơi sơ tán này, không có người cho máu và cũng không có điều kiện phân loại máu. Mổ xong, tôi lại nằm xuống, giơ cánh tay cho anh bác sĩ hoá nghiệm lấy máu để truyền cho thương binh. Tôi thuộc nhóm máu O, nhóm máu phù hợp với tất cả mọi người. Sau một đêm theo dõi căng thẳng, sáng hôm sau huyết áp của anh thương binh đã ổn định.

Hôm nay, theo kế hoạch, khoa 22 sẽ cho ra Viện nốt số bệnh nhân điều trị khỏi và sẽ rời T3, để vào nơi ở mới.

Máy bay trinh sát L19 lại bay lượn quanh đây, bắn vu vơ vào các khu vực nương rẫy.

Ở địa điểm mới, khoa 34 đã làm được đủ chỗ ở cho 120 thương bệnh binh. Từ 10 tháng 9, khoa 24 đã đưa 50 bệnh nhân nhẹ vào xây dựng. Nếu tới lúc đó, mỗi khoa làm được đủ chỗ ở cho từ 100 đến 120 thương bệnh binh thì có thể rút tất cả vào địa điểm mới. Hơn 100 nhân viên vẫn phải vận chuyển gạo. Phấn đấu đến cuối tháng 9 lấy được 40 tấn gạo, đủ ăn cho tới cuối tháng 10.

Ngày 20 tháng 10 năm 1969. Nhận được chỉ thị của Phòng, phải giãn rộng đội hình của Bệnh viện khoảng hai giờ về phía Tây. Thế là tôi và các Chủ nhiệm lại khăn gói lên đường đi nghiên cứu địa hình.

Đường đi không có. Cứ một tay cầm địa bàn, một tay cầm dao, phát cây rừng lấy lối đi. Thỉnh thoảng lại dừng lại, nghiên cứu trên mảnh bản đồ địa hình đã nhàu nát.

Qua mấy năm ở Tây Nguyên, chúng tôi đã có kinh nghiệm, không mất hàng tháng mới tìm được địa điểm như khi mới vào. Bây giờ, sau khi nhận được lệnh, có thể chỉ cần một hai ngày là tìm được toạ độ trên quy định cho Bệnh viện.

Sau một ngày luồn lách trong rừng, vượt đèo, vượt suối buổi chiều về tới nơi tạm trú, căng tăng võng, đốt đống lửa để hơ quần áo thì thấy 3 đồng chí du kích dân tộc đến gặp anh Tấn, phụ trách hành chính và cảnh vệ đi trong đoàn chúng tôi, nói bằng tiếng Kinh không sõi: “Đồng chí bộ đội... đồng chí bộ đội... có biệt kích!”.

Nhìn anh du kích địa phương, cởi trần đóng khố, người gầy đen đủi, răng rựa sát đến lợi, tay cầm khẩu súng CKC đã mất dây đeo, thay bằng sợi dây rừng, anh Tấn vừa ngạc nhiên vừa lo ngại: Sâu như thế này mà cũng có biệt kích sao? Anh hỏi gặng: “Có đúng là biệt kích không?” Anh du kích gật đầu quả quyết: “Chúng nó đông lắm, đi dọc theo suối, đi nhanh lắm. Có thằng Mỹ, cao to chỉ huy. Mình mấy lần định bắn nhưng không dám bắn vì, mình chỉ có một mình...”.

Biệt kích đã tới đây thì thật là nguy hiểm. Nghe anh Tấn báo cáo lại, chúng tôi liền cử một tổ Cảnh vệ, sáng hôm sau, đi truy lùng, theo sự hướng dẫn của anh clu kích dân tộc.

Buổi chiều tổ cảnh vệ trở về cho biết, anh du kích dắt đi theo đúng con đường chúng tôi hôm trước. Vết chân còn hằn rõ trên bùn. Thì ra anh du kích đã nhầm chúng tôi là biệt kích. Còn thằng Mỹ cao to, sau khi hỏi gặng kỹ đồng chí du kích dân tộc, lại chính là... tôi!

Nghĩ lại thật hú vía, nhớ câu anh du kích nói: “Mình mấy lần định bắn nhưng không dám vì chúng nó đông quá!” mà rợn cả người.

Xác định xong khu vực cho khối Nội. Từ khối Ngoại sang khối Nội phải qua hai dốc cao, đi mất 4 tiếng. Viện bộ ở giữa hai khối Nội và Ngoại. Tuy gần khối Ngoại hơn nhưng cũng phải vượt qua một dốc cao. Việc điều hành trong Viện sẽ có nhiều khó khăn, nhưng ngược lại đảm bảo an toàn. Nếu một khu vực nào của Bệnh viện bị đánh thì khu vực kia vẫn an toàn.

Chúng tôi phải tổ chức lại Bệnh viện, chia hành hai phân viện Nội và Ngoại, hoạt động độc lập. Có chỉ huy riêng, bảo đảm cho mỗi khối Nội, Ngoại có bộ phận cận lâm sàng riêng. Các khoa Dược, Hoá nghiệm, đều phải dành để bên khối Ngoại và xin thêm dây điện thoại để liên lạc giữa các bộ phận.

Khoa 34 xây dựng nhanh hơn các khoa khác. Sau hơn một tháng xây dựng, tới nay đã được khoảng 230 giường cho thương bệnh binh, đủ nhà cho nhân viên. Các khoa Nội vì vào sau lại phải di chuyển, nên làm chậm hơn.

Viện trở lại nền nếp sinh hoạt khoa học hàng tuần. Trường Quân y đã học lại, có 63 học viên. Các Chủ nhiệm khoa thay nhau sang lên lớp. Đang chuẩn bị ra Nội san Quân y Tây Nguyên số 6.

Cùng với đồng chí Lộc, cần vụ, tôi cũng lợp xong nhà và thưng xong nhà ở. Muỗi ở rừng tre nứa, nhiều ghê gớm. Muốn ngồi làm việc ban ngày phải mắc màn hoặc phải lấy bao tải rách cuốn thành bùi nhùi để đốt lấy khói đuổi muỗi.

Ăn uống càng ngày càng kham khổ. Cơm thiu phải lấy măng ăn độn. Chúng tôi giao chỉ tiêu cho các khoa, mỗi người, mỗi ngày phải kiếm 20 kg măng cho thương bệnh binh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #76 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:05:02 pm »


Ngày 10 tháng 11 năm 1969. Vừa họp Hội nghị về sản xuất và đánh biệt kích trở về. Hội nghị mất 10 ngày, đi về mất thêm 4 ngày. Nhiệm vụ sản xuất năm nay rất nặng. Các đơn vị phía sau, kể cả Bệnh viện phải tự túc 75% lương thực, thực phẩm. Nhiệm vụ sản xuất ngang với nhiệm vụ chiến đấu. Dự kiến sẽ phải phát khoảng 14 hecta nương, trồng lúa, sắn.

Sau Hội nghị tôi cùng với anh Tấn, Chới ra thăm nương của Bệnh viện ở cánh Trung, sắn đang mọc tốt. Mới bảy tháng mà đã cao quá đầu người. Nương sắn rộng mênh mông đi mỏi chân một ngày mới hết. Men bìa rừng, bầu, bí, mướp mọc um tùm, leo cả lên cây rừng. Phải lấy sào chọc mới lấy được quả. Chúng tôi lội qua sông Tà Bộp sang bên kia sông là những nương sắn cũ, trồng đã hai năm. Nhổ thử một cây: củ sắn to bằng cổ chân. Cây sắn cao quá đầu người. Quanh gốc sắn, đất nổi thành một cái ụ do củ phía dưới đất đẩy phồng lên. Mỗi gốc sắn phải được từ 15-20 kg củ. Nhưng lãng phí cũng thật lớn: Anh em đi lấy sắn chỉ nắm thân cây mà kéo, củ nào bật lên được thì lấy còn củ ở sâu dưới đất thì bỏ. Những củ lấy được bị chặt đầu, chặt đuôi để lấy chỗ nạc còn thì bỏ lại ngổn ngang từng đống trên nương. Nghĩ tới đơn vị đang đói ở cánh Bắc mà thật xót ruột.

Nương quá xa nên không lấy được sắn về ăn, có một chủ trương cần xem xét lại: Đó là vấn đề buộc anh em chấp hành máy móc chỉ thị về tiêu chuẩn ăn 1 kg sắn một đầu người một ngày. Bắt cân hàng ngày tại bếp. Và như vậy anh em ra nương, chỉ chặt chỗ nạc mang về. Đầu thừa, đuôi thẹo chất đống, bỏ thối ngoài nương. Trong khi ở đơn vị người bị đói, lợn bị đói...!

Ngày 20 tháng 11 năm 1969. Ngày 3 tháng 11, Nichxơn đọc bài diễn văn được quảng cáo từ mấy tuần nay hứa hẹn chung chung sẽ phi Mỹ hoá cuộc chiến tranh, sẽ rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, nhưng không có chương trình cụ thể. Phong trào đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh của nhân dân Mỹ lên cao, hàng vạn người xuống đường biểu tình.

Đợt tấn công mùa khô đã bắt đầu với cao điểm là ngày 6 tháng 11. Tiêu diệt vị trí pháo binh ở Bu-prăng. Chúng buộc phải rút hai vị trí pháo khác ở gần đó. Các chiến trường bạn cũng đánh phối hợp...

Cả tháng 11 dành cho hội họp. Đầu tháng, họp về sản xuất và đánh biệt kích. Sau đó là Đại hội Đảng Viện, rồi Hội nghị quân chính của Viện bàn kế hoạch sản xuất năm 1970. Anh em có quyết tâm cao, tham gia ý kiến xây dựng kế hoạch rất sôi nổi. Tuy nhiên cũng có ý kiến phàn nàn là mất quá nhiều thời giờ cho công tác lao động.

Kinh nghiệm mấy năm qua cho thấy Bệnh viện ở chiến trường phải làm 5 công việc, không bỏ được việc nào đó là:

- Công tác chuyên môn kỹ thuật.

- Xây dựng.

- Tăng gia sản xuất.

- Vận chuyển lương thực thực phẩm, chuyển thương.

- Chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Trên thực tế bốn công việc sau chiếm đại đa số thời gian của cán bộ, nhân viên Bệnh viện. Tính chung, cả năm, trong cả Viện, thời gian làm chuyên môn chỉ chiếm khoảng 30% thời gian, còn 70% dành cho các công việc lao động.

Trong Hội nghị, có Chủ nhiệm khoa đưa ra câu hỏi khá hắc búa: thời gian làm chuyên môn chỉ chiếm 30% còn 70% thời gian làm các công việc không chuyên môn. Vậy thì liệu có thể rút biên chế chuyên môn xuống còn 30%, để cho anh em có thể dành toàn bộ thời gian cho công tác chuyên môn. Còn lại 70% là biên chế lao động như vậy có hợp lý hơn không?

Suy nghĩ về câu hỏi đó, tôi trả lời:

“Không thể thay đổi tỷ lệ biên chế như vậy được vì lý đo đơn giản: anh bác sĩ, y sĩ, chị y tá... đi tăng gia hay vận chuyển được, nhưng ngược lại anh chiến sĩ vận tải, tăng gia thì không làm được công tác chuyên môn, mổ xẻ, điều trị bệnh nhân...

Câu trả lời gây ra một cuộc tranh luận khá sôi nổi, nhưng cuối cùng, anh em cũng phải đồng ý với lập luận tuy có phần chua chát của tôi vì đó là thực tế.

Ở chiến trường, mấy năm nay, chúng tôi đã thấy, một bệnh viện muốn tồn tại và làm được công tác chuyên môn của mình thì phải tự tổ chức thành một xã hội. Muốn ăn, phải tăng gia vận chuyển. Muốn có nhà ở, có cơ sở làm việc, xin tự xây dựng lấy. Địch đến phải tự bảo vệ.

Đó là điều khắc nghiệt của chiến trường, cho toàn bệnh viện cũng như cho mỗi thành viên, các bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, y tá trong bệnh viện.

Trong công tác chuyên môn, những năm qua cũng đã nổi lên vấn đề quan hệ giữa chuyên khoa và đa năng.

Ai cũng biết, xu hướng phát triển của khoa học là đi vào chuyên khoa ngày càng sâu. Lịch sử Y học phương Đông lẫn phương Tây, đã cho thấy rõ điều đó. Các khoa Ngoại khoa cũng như Nội khoa, cận lâm sàng đều chia thành những chuyên khoa ngày càng sâu.

Khi vào chiến trường Bệnh viện chúng tôi cũng chia thành các khoa chuyên khoa theo mô hình của các Bệnh viện miền Bắc. Phẫu thuật bụng ngực, thần kinh, chấn thương, các chuyên khoa Tai mũi họng, Răng hàm mặt, Mắt, Nội chung, Nội thần kinh, Nội truyền nhiễm, Nội da liễu.

Riêng tôi, sau khi tốt nghiệp Đại học, được đào tạo thành một phẫu thuật viên chuyên khoa về phẫu thuật lồng ngực. Nhưng thực tiễn của chiến trường đã nhanh chóng buộc chúng tôi dỡ bỏ “tháp ngà” của các chuyên khoa do nhiều lý do trong đó có lý do về cơ cấu bệnh tật của bộ đội.

Ở đây, các loại bệnh, các loại vết thương đều diễn biến trên nền bệnh sốt rét, thiếu dinh dưỡng... Các cơ sở điều trị tiếp nhận bệnh nội khoa là chính, nhưng trong các chiến dịch lại tràn ngập thương binh. Tổ chức của Bệnh viện và từng người chuyên môn phải thích ứng với điều kiện bệnh tật của chiến trường là như vậy.

Cuộc sống thực tiễn ở chiến trường đã buộc chúng tôi phải xem xét lại cách tổ chức Bệnh viện và phải đặt vấn đề đa năng hoá cán bộ: cán bộ Ngoại khoa phải biết chữa bệnh nội khoa, đặc biệt cấp cứu nội khoa và ngược lại các khoa Nội phải sẵn sàng nhận và điều trị được thương binh nhẹ. Chính nhờ sự đa năng hoá này mà Bệnh viện mới làm được nhiệm vụ.

Các sư đoàn mới vào chiến trường có bác sĩ chuyên khoa truyền máu, chuyên khoa răng. Không phải các chuyên khoa này không cần ở tuyến sư đoàn. Nhưng hàng ngày, có bao nhiêu trường hợp cần truyền máu, bao nhiêu người cần chữa răng? Trong khi công việc lao động đơn giản như vận tải, tăng gia xây dựng thì nhiều, bao nhiêu nhân lực cũng không đủ. Thế là người ta không thể để anh, và lương tâm anh cũng không chấp nhận ngồi chơi trong khi mọi người tất bật với công việc... và như vậy anh bác sĩ răng hoặc truyền máu sẽ được giao thêm một công việc tăng gia hoặc vận chuyển gì đó. Đầu tiên có thể, vài ngày một lần rồi sau đó đi luôn cả tuần, cả tháng. Tới khi đột xuất cần tới bác sĩ truyền máu, thì bác sĩ lại không có nhà! Và cuối cùng mất luôn một bác sĩ chuyên khoa mất bao nhiêu công phu đào tạo. Đó là một sự thật đáng buồn. Nhưng không thể cưỡng lại được. Quá trình phát triển ở đây chưa cho phép tổ chức một xã hội có phân công lao động rạch ròi, bác sĩ chỉ tập trung làm công việc chuyên môn. Còn mọi công việc khác đã có các ngành khác do xã hội phân công lo.

Tây Nguyên có một khu vực khá xa, đó là chiến trường Đắc Lắc. Ở đây, những năm 1966-1967, không có chuyên khoa răng. Bệnh nhân đau răng phải ra Viện 211 điều trị, đi hàng tháng trời, vượt qua hai ba con đường do địch kiểm soát rất nguy hiểm. Chữa khỏi, lại đi bộ hàng tháng, để trở về đơn vị. Trước tình hình này, Ban Quân y mặt trận liền cử bác sĩ răng cho mặt trận Đắc Lắc. Nhưng chỉ vài tháng sau hỏi thăm ông bác sĩ răng lại đi tăng gia mất rồi, không còn làm nghề chữa răng nữa. Không phải ở đây không có nhu cầu chữa răng. Nhưng một chiến khu nhỏ lấy đâu ra đủ công việc để làm hàng ngày. Thế là công việc lao động hàng ngày để tồn tại lại cuốn trôi mất ông bác sĩ chuyên khoa. Tình hình “không có thì thiếu mà có thì thừa” ở chiến trường là như vậy.

Thực tiễn cuộc sống ở đây buộc chúng tôi phải suy nghĩ lại cách tổ chức. Rõ ràng là chúng tôi phải đi ngược lại từ chuyên khoa hẹp, trở lại với công việc của người thầy thuốc đa khoa. Vì vậy, từ năm 1968-1969, chúng tôi đã đề nghị, không đào tạo riêng y sĩ chuyên khoa răng, tai mũi họng và mắt, như ở hậu phương mà đào tạo y sĩ, chúng tôi gọi là “ngũ quan khoa”, biết cách dự phòng và điều trị các trường hợp cấp tính của cả ba chuyên khoa.

Ý kiến này được Ban Quân y mặt trận chấp nhận. Những năm 1970, 1971 các bác sĩ này đã ra trường, có nội dung công việc nên đứng vững được và phục vụ đắc lực cho nhu cầu của bộ đội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #77 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:05:23 pm »


Ngày 1 tháng 12 năm 1969. Nhận được thư Hương.

Hà Nội ngày 15 tháng 4 năm 1969.

“Em viết thư cho anh đúng vào ngày kỷ niệm 15 năm ngày cưới của chúng mình. Em muốn nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa vui buồn cũng có và cả những ngày chúng ta sống v[is nhau, nay cũng vì thời gian mà trở thành kỷ niệm.

Anh nhắc em gửi ảnh, em sẽ chụp gửi cho anh, nhưng anh biết rằng em không thích chụp ảnh. Còn nếu không vì có ảnh mà anh quên em thì đành chịu vậy, vì có người có cả một tập ảnh mà vẫn quên, có khi có cả vợ bên cạnh vẫn quên thì biết làm thế nào?

Còn em xa anh chả có gì vui đâu. Chỉ vui trong công việc… Có những điều cay đắng, chua xót, có những suy nghĩ mà em không viết trong thư để anh yên tâm công tác. Đến năm nay, những ngày mong đợi, nỗi mong chờ sao không xa đi, nhạt đi, mà cứ như ngọn lửa cháy âm ỉ, bao nhiêu năm chỉ muốn bùng lên.

Em được nhà trường cho biết là em được cử đi thực tập Liên Xô trong 3 năm. Nhưng em không muốn đi vì lâu quá, không muốn xa thực tế của Việt Nam lúc này, và không muốn xa anh lâu hơn nữa. Lúc này, em chỉ muốn làm con chim nhỏ của rừng Tây Nguyên bay đến nơi anh ở, dù chỉ là trong giây lát. Em không thiết gì cuộc sống đầy đủ, không thiết gì “phồn hoa” cả. Em sẵn sàng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ và xin đi B, nhưng tổ chức không cho đi.

Hôm qua em gặp chị Thanh Ngọc, anh Văn Đa, Quang Thọ về dự hội trường. Quang Thọ gửi lời thăm anh…”


Ngày 10 tháng 12 năm 1969. Từ đầu tháng, một đoàn cán bộ của Viện được triệu tập đi dự Hội nghị Hậu cần, rồi dự lớp chỉnh huấn của B3.

Đoàn rời đơn vị trong lúc công tác xây dựng cơ sở đã tạm ổn ở địa điểm mới. Chúng tôi gọi đây là khu B. Kể từ tháng 6 năm 1969, khi Bệnh viện rời cánh Trung ra cánh Bắc, đây là lần di chuyển thứ 3 trong vòng 5 tháng. Khu A là nơi chúng tôi tiếp quản Viện 1 ở được ba tháng, sau đó là sơ tán để tránh sự oanh tạc của địch, rồi vào địa điểm hiện nay.

Bắt đầu sang mùa khô. Buổi sáng mát mẻ, các khu rừng yên tĩnh. Mọi người vui vẻ sau những đợt thử thách vừa qua. Hội nghị ở chiến trường luôn là một dịp để gặp gỡ bạn bè ở các đơn vị khác, được thông báo những tình hình mới nhất trong nước và trên thế giới cũng như trong nội bộ chiến trường. Ngoài ra, cũng coi như là một dịp được nghỉ ngơi ăn uống bồi dưỡng, xem phim, xem văn công.

Tới một cây cầu là một thân cây to đổ ngang suối sâu. Loại cầu được gọi là “cầu khỉ”, - tên gọi như vậy có lẽ vì chỉ có loài khỉ mới qua được dễ dàng. Qua cầu khá căng thẳng, như người làm xiếc, phải giữ được thăng bằng khi bước trên thân cây không có tay vịn. Phía dưới là suối sâu, nước chảy ầm ầm. Mọi người vượt qua nhanh chóng. Nhưng sang bên kia bờ, chúng tôi phải ngồi chờ anh Cầu, bác sĩ Chủ nhiệm khoa Da liễu. Anh không dám đi qua loại cầu nguy hiểm này mà phải lần mò, chống gậy tìm đường xuống suối, lội qua suối rồi lại lần mò leo lên bờ bên kia.

Tôi tức cảnh nghĩ ra một cách giết thời gian trên đoạn đường dài, đọc một vế câu đối, mọi người đối được: “Anh Cầu không qua được cầu khỉ”.

Mọi người sôi nổi hẳn lên, suốt hai ngày, trên đường đi Hội nghị mỗi anh đưa ra một câu đối lại, mà chưa câu nào chỉnh. Khó là ở chỗ hai chữ “cầu”, vừa là tên người lại vừa là cái cầu. Cuối cùng, nhớ ra tên vợ anh Cầu là chị Anh Thư, tôi nghĩ ra vế đối lại: “Chị Thư chỉ thích đọc thư anh”, được mọi người cho là tạm được vì đối được hai chữ Cầu với hai chữ Thư và ý nghĩa thì nói được sự gian khổ của anh ở chiến trường với sự chung thủy của chị ở hậu phương.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #78 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:05:44 pm »


Ngày 20 tháng 12 năm 1969. Lo lắng nhất hiện nay là vấn đề gạo. Đáng lẽ tới cuối tháng 11 Bệnh viện phải được cấp 50 tấn gạo, nhưng tới nay vẫn chưa có hạt nào. Tiêu chuẩn ăn bị tụt dần từ 6 lạng xuống 4 lạng rưỡi, rồi 3 lạng rồi 1 lạng rưỡi độn sắn.

Hiện tượng ăn cắp sắn xảy ra ngày càng nhiều. Mà đâu chỉ có sắn, ngày nào cảnh vệ cũng bắt được vài trường hợp ăn cắp quân trang, quân dụng để đổi cho dân lấy lương thực thực phẩm.

Phải tìm mọi cách chống đói cho đơn vị. Tôi cùng với anh Định Chủ nhiệm Hậu cần của Viện ra nương xem tình hình. Thấy một vạt nương trồng trước, có bốn nghìn gốc sắn đã khá lớn. Đào thử một gốc được 3 ki lô, ước lượng đủ ăn cho cả đơn vị trong một tháng, nhưng đến khi thu hoạch chỉ ăn có một tuần là hết veo.

Mới xin Binh trạm cấp một khu nương có một vạn gốc sắn, nhưng cũng chả thấm tháp vào đâu đối với một nghìn miệng ăn. Nghĩ tới các nương sắn cánh Trung mà tiếc. Giá ở gần thì có thể lấy ăn cho đỡ đói. Đã tổ chức làm sắn khô, nhưng mất nhiều công quá. Dù sao cũng đã chuyển ra được ít sắn khô chống đói cho đơn vị.

Trên thông báo nếu gạo miền Bắc không vào được thì tới cuối tháng 1 năm 1970 sẽ hết gạo, toàn chiến trường phải hoàn toàn ăn sắn...

Đến nay Binh trạm bắt đầu phân phối gạo nương, huy động của nhân dân, nơi một tấn, nơi vài tạ. Ăn tạm trong khi chờ gạo từ hậu phương vào. Hôm qua có tin vào tới đầu đường dây được sáu xe gạo, nhưng trong đêm lại bị máy bay bắn cháy mất bốn xe.

Từ ngày 7 tháng 12 bắt đầu vào chiến dịch phát nương. Chỉ tiêu cho toàn Viện là 140 hecta nương, chia bình quân cứ hai người phải phát gần một hecta.

Bắt đầu bằng việc làm nhà, đào hầm cho anh em tăng gia. Dự kiến từ ngày 10 tháng 12 bắt đầu phát lại nhưng lại có lệnh đi lĩnh gạo ở kho, cách Viện 5 ngày đường nên phải tạm ngừng việc phát nương. đưa 60 người đi lấy gạo.

Biệt kích lại xuống T3. Hôm đó tôi đang giảng bài ở trường Quân y thì thấy trực thăng pằng pằng, pập pập rất gần. Điện thoại từ quan sát đài báo có 6 trực thăng, trong đó 2 chiếc hạ thấp xuống khu vực nương đồng chí Dủ. Cảnh vệ đi thăm dò về cho biết chúng nó xuống T3, tức là tương đối xa Viện. Bị anh em giao liên đánh, chúng nó chỉ kịp đặt mìn trên đường giao liên rồi trực thăng lại tới câu chúng nó lên.

Từ ngày 20 tháng 12 lại chiến dịch phát nương. Khí thế ra quân tốt, hơn 100 người trên mặt nương.

Cũng may là đúng lúc bệnh nhân ít. Toàn Viện chỉ còn 340 thương bệnh binh, nên có thể dồn bệnh nhân vào hai khoa 32 và 22 để điều trị. Các khoa còn lại từ Chủ nhiệm khoa đến y tá, hộ lý đều tập trung đi phát nương.

Thông qua bài cho Nội san Quân y Tây Nguyên số mới, lập kế hoạch ra một tập Kỷ yếu công trình nghiên cứu khoa học và một tập Sáng kiến cải tiến của Quân y Tây Nguyên nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Viện (31 tháng 12 năm 1965 - 31 tháng 12 năm 1969). Đã tập trung được hai mươi công trình nghiên cứu và hơn 80 sáng kiến cải tiến có tác dụng thiết thực.

Thời tiết cánh Bắc thật rét. Hôm chúng tôi đi họp sản xuất về. Như thường lệ ở Tây Nguyên đi đường chỉ mặc quần đùi, may ô cho mát và cũng đỡ tốn quần áo. Về tới nhà thấy anh em đang họp mặc áo len. Chúng tôi ngạc nhiên hỏi: “Các cậu ốm à?”. Anh em phì cười: “Rét đấy anh ạ”. Quả nhiên được một lúc thì tôi cũng rét run, phải giở áo len ra mặc. Đêm phải đốt lửa. Trên chăn, dưới đệm mà vẫn rét. Nhà ở phải thưng kín. Trường Quân y lúc đầu làm nhà cao cho có ánh sáng. Nay rét quá, học viên 3 giờ sáng đã dậy, không ngủ được vì rét.

Hôm nay nhận được thư nhà. Thư viết hôm 6 tháng 6 năm 1969. Đọc thư mà không cầm được nước mắt: Ba ốm, vào Viện Quân y 108 điều trị, nghi u phổi. Như vậy sợ không còn được bao nhiêu lâu nữa. Hương có vẻ trách móc, rất mong tôi ra. Nhưng làm sao ra được trong tình hình hiện nay, cuộc kháng chiến đang kéo dài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #79 vào lúc: 01 Tháng Giêng, 2010, 02:06:03 pm »


Ngày 23 tháng 12 năm 1969. Đang ngồi làm việc, thấy tiếng trực thăng pành pạch. Chuông diện thoại réo: Ba trực thăng xuống khu vực nương. Anh em trên nương bắn lên hai băng AK, chúng nó lại bay lên, bắn trả mấy loạt đại liên rồi cút.

Tới 3 giờ chiều, lại có tiếng trực thăng. Đài quan sát báo tin: có 8 trực thăng, hai chiếc hạ xuống khu vực nương khối Nội, gần khu vực rẫy đang phát. Ngoài ra hai chiếc khác hạ xuống khu vực cao điểm 800 giữa nương khối Nội và Viện bộ. Hội ý chỉ huy Viện tổ chức chiến đấu. Cử 5 tổ truy lùng ở khu vực cao điểm 800, ba tổ ra nương rau khối Nội.

Các tổ truy lùng khu vực mỏm 800 không gặp địch, nhưng tổ truy lùng ở nương rau, phối hợp với đồng bào, bản 10 nhà, thì gặp địch. Từ trưa đến chiều nổ súng 4 lần, thu một trung liên, 6 ba lô. Một đồng chí sản xuất bị thương. Tới 5 giờ chiều một máy bay L19 bay lượn trinh sát, sau đó 7 máy bay trực thăng lượn vòng bắn vung vít xuống nương. Một chiếc sà xuống thấp rồi lại vọt lên vừa bay về vừa bắn dọc theo sông.

Nhận định địch vẫn còn dưới mặt đất. Quyết định trong đêm điều thêm lực lượng tăng cường cho lực lượng ngoài nương. Trong chỉ huy phân công anh Toàn, Phó chính uỷ trực tiếp chỉ huy cuộc chiến đấu ngày mai.

Ngày 24 tháng 12 năm 1969. Hôm nay từ 4 giờ sáng, tôi sang đội cảnh vệ gặp các tổ chiến đấu. Hai tổ thượng liên tăng cường cho ngoài nương, đã về tới Đoàn bộ trong đêm. Tổ cấp cứu cũng đã tập trung. Động viên giao nhiệm vụ xong, 5 giờ sáng anh em lên đường sang khu vực chiến đấu.

Cuộc chiến đấu trên nương diễn ra ác liệt. Các tổ truy lùng theo dấu vết của biệt kích. Ngoài lực lượng cảnh vệ còn tăng cường thêm lực lượng của các khoa đang phát nương, lực lượng của dân quân địa phương. Tới một bìa rừng phát hiện thấy một tên biệt kích cầm vải đỏ làm hiệu cho máy bay. Ta nổ súng, chúng nó bắn lại quyết liệt.

Từ đài quan sát chúng tôi trông thấy rõ máy bay trinh sát, máy bay trực thăng vũ trang, tất cả 13 chiếc. Vẫn như bài bản thường lệ: Chiếc L19 bay vòng tròn, tít trên cao, các trực thăng nối đuôi nhau bắn rốc két, đại liên ném cối, ào ào vào những khu vực có quân ta.

Các khoa đang phát nương ở gần cũng ra tăng cường. Đồng chí Chới Chính trị viên, bác sĩ Gia Chủ nhiệm khoa 22 cùng với các y tá, hộ lý cũng vác súng ra phối hợp chiến đấu. Một đồng chí nấp sau gốc cây, lia một băng AK lên chiếc máy bay sà xuống gần rồi lăn người sang một gốc cây khác, vừa kịp tránh một quả rốc-két, như một tia chớp từ máy bay bắn trả.

Máy bay chúng nó lồng lộn, trút đạn cối như mưa xuống các ven rừng. Trời mờ tối, một trực thăng vượt qua làn đạn liều lĩnh hạ xuống mặt nương trong làn khói mù mịt. Hai đồng chí y tá và đồng chí Cường, dược tá ở gần, nổ súng liên tục. Mỗi người hết hai băng AK.

Trời tối, tiếng súng yên ắng hẳn. Dưới ánh trăng mờ, ở chỗ chiếc máy bay lúc nãy, thấy một vật to lù lù, sang sáng. Tưởng là chiếc máy bay rơi, nhưng bò tới gần thì ra là một cây gỗ to nằm trên nương. Khi họp rút kinh nghiệm, anh em thấy rất lạ sao ba khẩu AK bắn gần như vậy, trút đạn như mưa mà không trúng chiếc máy bay.

Một năm sau, thắc mắc này mới được giải đáp. Một đồng chí đi săn của đơn vị bất ngờ đi sâu vào rừng, cách chỗ chiến đấu cũ khoảng 3 giờ về phía Tây, phát hiện ra một chiếc trực thăng rơi trong rừng, với khoảng một chục bộ xương nằm ngổn ngang chung quanh. Có xương sọ còn đội mũ phi công. Có những khúc xương bị thú rừng kéo ra xa, có những khẩu tiểu liên cực nhanh đã han rỉ. Có ống xương cẳng tay còn đeo lủng lẳng chiếc đồng hồ Senkô. Nắp sau đồng hồ có khắc dòng chữ kỷ niệm mua ở Ban Mê Thuộc ngày...- tháng 12 năm 1969, còn mặt số ghi ngày thì dừng lại ở ngày 24. Ngạc nhiên nhất là khi nhấc chiếc đồng hồ lên, lắc mạnh thì chiếc đồng hồ tự động lại bắt đầu tích tắc... Chiếc đồng hồ là vật duy nhất còn sống sau khi chiếc máy bay rơi. Như vậy toán biệt kích chắc đã được trực thăng bốc lên, nhưng rồi lại bị rơi giữa rừng. Trong toán có đứa chết ngay, có đứa bị thương nhưng rồi cũng chết dần trong rừng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM