Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 11:03:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tây Nguyên ngày ấy  (Đọc 87803 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #30 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:36:35 pm »


Ngày 20 tháng 12 năm 1966. Ở Hội nghị tổng kết chiến dịch, tôi gặp anh Đạo, anh Kính. Các anh mang cho chúng tôi thư gia đình. Mọi người vui mừng tíu tít. Người nào cũng được hai, ba lá thư cùng một lúc. Riêng tôi nhận được ba lá thư của Hương. Đây là những lá thư đầu tiên nhận được sau gần một năm xa gia đình...

Tôi xúc động đọc thư, phong bì nhàu nát do chuyển qua nhiều trạm giao liên. Gia đình yên ổn tuy địch tăng cường đánh phá ra miền Bắc. Cha mẹ tôi, Hương và con gái tôi sơ tán ở Bắc Giang. Cha tôi tuổi đã gần 70, ông mổ cắt dạ dày năm 1960, nhưng khoẻ mạnh. Mẹ tôi hàng ngày vẫn phải uống thuốc chữa bệnh đái đường. Trước khi vào chiến trường, mẹ tôi phải mổ đục nhân mắt, nay bà đeo kính vẫn đọc được sách, báo. Hương vẫn dạy học ở trường Mỹ thuật, đang chuẩn bị đưa học sinh đi thực tế vào Khu 4, Lộc con gái tôi ngoan, chăm học, khi nghỉ thì ở nhà giúp việc ông bà và mẹ...

Thư được chuyển theo đường giao liên, gùi bộ chuyển từ trạm này qua trạm khác. Mỗi khi có hàng phải chuyển ưu tiên hoặc khi trạm thiếu người gùi thì lại đọng lại ở trạm nhiều khi hàng tuần. Thư viết vào tháng 3, 4, 5 năm 1966, mất từ 7 tới 9 tháng mới tới được tay chúng tôi.

Cậu liên lạc của đơn vị nhận thư của vợ. Chị vợ ở nông thôn lại thích làm thơ viết hai câu thơ lên phong bì: Xa xôi tình cảm dạt dào. Gửi anh bưu điện chuyển vào tận tay...

Dưới hai câu thơ viết nắn nót của chị vợ là hai câu thơ khác dáng kiểu chữ đàn ông nguệch ngoạc, hoạ lại: Thư này tao cóc đưa ngay, Thử xem tình cảm chúng mày ra sao?

Doạ chơi vậy thôi, lá thư vẫn tới tay cậu liên lạc cùng một lúc với thư chúng tôi.


Ngày 5 tháng 1 năm 1967. Tết Dương lịch trôi qua không ai để ý tới, trong không khí bận rộn tíu tít của chiến trường. Viện 211 được lệnh chuyển từ Phi Hà, Bắc Kontum để vào cánh Trung, ngang Plâycu. Đây là khu vực trung gian của chiến trường, tiện cho việc tiếp nhận thương binh từ các nơi gửi về, và quan trọng hơn gần đường tiếp tế lương thực, thực phẩm từ đường Campuchia sang...

Chúng tôi kết thúc việc đi công tác tuyến để trở về xây dựng đơn vị. Bắt đầu từ đây Viện 211 mới phục vụ trực tiếp cho chiến trường Tây Nguyên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #31 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:39:05 pm »


BỆNH VIỆN Ở TÂY NCUYÊN


Ngày 10 tháng 1 năm 1967. Trong kháng chiến chống Pháp và những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, Tây Nguyên là một bộ phận của Khu 5. Kể từ năm 1964, để tiện cho việc chỉ huy tác chiến Bộ Tư lệnh đã có quy định tách Tây Nguyên thành một mặt trận riêng.

Về mặt địa lý, Tây Nguyên gồm các tỉnh Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc, Lâm Viên. Nhưng trong kháng chiến chống Mỹ, mặt trận Tây Nguyên còn gọi là mặt trận B3, chỉ bao gồm 3 tỉnh phía Bắc là Kontum, Gia Lai, Đắc Lắc và Phú Bổn. Còn Lâm Viên thì được quy định thuộc về Khu 10.

Như vậy chiến trường Tây Nguyên là một địa bàn chiến lược quan trọng, tiếp xúc trực tiếp với hậu phương lớn miền Bắc và là cửa ngõ đi xuống các tỉnh cực Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ.

Chiến trường Tây Nguyên là một chiến trường lớn, rừng núi trùng điệp, vừa dài, vừa rộng. Đi từ Bắc chí Nam Tây Nguyên theo các trạm giao liên dọc mất khoảng 27-28 ngày đường. Nếu đi theo các trạm giao liên ngang theo chiều Tây sang Đông cũng phải mất 15 ngày.

Do điều kiện chiến tranh liên tục hơn 30 năm, suốt kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ, để giữ bí mật, các huyện, xã của các tỉnh Tây Nguyên được đổi tên và mang các số hiệu, khiến cho ngay cả nhiều cán bộ, bộ đội chiến đấu lâu năm ở Tây Nguyên cũng không nhớ nổi. Các huyện của tỉnh Kontum mang các số hiệu: Huyện 30 phía Bắc Kontum gọi tắt là H.30, H.40 ở Tây Bắc, phía Nam là H.67, H.16 ở phía Đông đường 14.

Các huyện thuộc Gia Lai được gọi là các Khu: Khu 4, Khu 6... Các huyện thuộc Đắc Lắc có Huyện 1, Huyện 2, 9 và 10...

Sông suối Tây Nguyên chia thành hai hệ thống: Các sông suối ở sườn phía Đông Trường Sơn, đổ về đồng bằng Trung Bộ như sông Ba chảy về Phú Yên, trong khi các sông suối ở sườn phía Tây thì đổ về phía Campuchia, về sông Mê Kông.

Các con sông Tây Nguyên có đặc điểm chung là lưu lượng nước thay đổi rất thất thường: về mùa mưa nước sông lên to, chảy xiết, dòng nước cuồn cuộn. Có những cơn lũ xảy ra đột ngột sau một trận mưa. Một con suối cạn, hiền lành, ngày thường có thể lội qua, chỉ sau một cơn mưa nhỏ, có thể đầy ắp nước. Mức nước lên cao 3-4 mét trong vài tiếng đồng hồ, chảy ầm ầm, kéo phăng nhà cửa, đồ đạc, gà lợn... Nước to kéo trôi theo các thân cây to, phá tan các cầu bắc qua sông. Năm nào ở Tây Nguyên cũng có những vụ thuyền đắm, người chết đuối do lũ lụt gây ra.

Trái lại đến mùa khô thì nước sông thu lại, nhiều đoạn có thể lội qua, các khu vực phía Nam Tây Nguyên thuộc Gia Lai, Đắc Lắc nhiều khi khô cạn thiếu nước.

Ở Tây Nguyên, trên thực tế các con đường chính quy quốc lộ và tỉnh lộ có vẽ trên bản đồ, đều bị địch chiếm giữ để phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược. Trên những con đường này đã diễn ra nhiều trận đẫm máu trong suốt cuộc chiến tranh.

Đường quốc lộ số 14 có những con đường ngang, đi về đồng bằng miền Trung và sang biên giới Campuchia. Trong đó, đường quốc lộ số 19 là con đường chiến lược quan trọng đi từ Plâycu vắt qua dãy Trường Sơn, với những đoạn đường đèo hiểm trở như An Khê, Mang Giang để về Quy Nhơn, Bình Định.

Để xuống đồng bằng, ngoài đường số 19 còn có đường số 7 qua Cheo Reo, xuống Phú Yên, đường số 21 nối Ban Mê Thuột xuống Khánh Hoà.

Trong vùng giải phóng, ta phát triển một mạng lưới giao thông bí mật trong rừng. Tới những năm 1966, 1967 đây chủ yếu là đường nhỏ len lỏi trong rừng cho bộ đội hành quân đi bộ, nối hậu phương lớn miền Bắc với chiến trường Nam Bộ. Có những đường hành lang dọc đi từ Bắc xuống Nam, men theo biên giới Việt Lào và Việt Nam - Campuchia. Cũng có những hành lang ngang, từ Đông sang Tây, nối từ các hành lang dọc xuống các tỉnh đồng bằng miền Trung. Đây là những con đường không tên, hoặc nói đúng hơn, mang những mật danh quân sự như những công thức hoá học: đường C02, C05, C09... Không biết do ai nghĩ ra, cũng không theo quy luật nào. Những con đường không vẽ trên bản đồ, thay đổi tuỳ theo nhu cầu chiến sự, hoặc tình hình an ninh. Năm 1969, sau khi xê dịch một vài trận, lại trở lại tuyến đường cũ sử dụng từ năm 1966. Anh em giao liên phát hiện ra trong rừng còn có chiếc võng, cạnh võng còn đôi dép cao su, khẩu AK dựa vào gốc cây, chỉ còn nòng súng bằng thép, báng súng bằng gỗ đã bị mối xông nát vụn và trên võng là một bộ xương trắng. Không ai biết người nằm trên võng là ai, thuộc đơn vị nào, chỉ có thể phỏng đoán là một chiến sĩ lên cơn sốt rét trên đường hành quân lê vào rừng mắc võng nằm, và có thể chết vì sốt hay vì đói rét và do đường giao liên di chuyển sang tuyến đường khác, không ai đi qua nên hàng năm sau mới phát hiện ra.

Khí hậu ở Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt: Mùa khô bắt đầu từ tháng 11, tháng 12 tới tháng 5, tháng 6. Tiếp sau đó là mùa mưa. Trong mùa khô, hàng tháng liền không có giọt mưa, ngược lại về mùa mưa thì lại mưa “thối trời, thối đất” suối ngày đêm, hết cơn này sang cơn khác. Trời luôn đầy mây che phủ, hầu như hàng tháng trời không có tia nắng. Độ ẩm lên rất cao, quần áo giặt hàng tuần không khô. Lương thực, thực phẩm bị nấm mốc, dụng cụ quang học như kính hiển vi cũng nhanh chóng bị mốc trong mùa mưa.

Bệnh tật cũng chuyển biến theo mùa. Những tháng cao điểm sốt rét là vào tháng 5-6 và 9-10 giữa lúc giao thời giữa mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa cũng là mùa của viêm phổi, bệnh ngoài da, ghẻ lở, hắc lào, trong khi mùa khô là mùa của các bệnh đường tiêu hoá...

Sinh hoạt của bộ đội cũng phải thay đổi cho phù hợp với thời tiết: Mùa khô là mùa chiến đấu, mở các chiến dịch, vận tải, là mùa phát cây làm nương rẫy. Mùa mưa là mùa chỉnh huấn, hội họp...

Tuy nhiên từng vùng Tây Nguyên cũng khác nhau: ở Kontum mùa mưa đến sớm hơn và kết thúc cũng sớm hơn Gia Lai, Đắc Lắc. Nếu lấy đường 14 làm ranh giới thì phía Đông và phía Tây đường 14 khí hậu thời tiết cũng khác nhau. Có người nói, nếu có điều kiện di chuyển từ vùng này sang vùng khác thì có thể ở Tây Nguyên quanh năm mà không bị dính mùa mưa...

Tây Nguyên có rất nhiều dân tộc (khoảng 30 dân tộc) có phong tục tập quán, ngôn ngữ khác nhau. Riêng tỉnh Kontum có các dân tộc Chiên, Dê, Hà-la, Xê-đăng. D'ra-rê, Pơ-nam...

Ngày mới vào chiến trường, chưa có tý khái niệm gì về các dân tộc Tây Nguyên, lại rút kinh nghiệm những ngày đầu mới lên Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp, tôi cũng kiên trì học tiếng ở số chị em dân tộc trong đơn vị. Vất vả lắm mới học được lõm bõm vài câu chào hỏi, đếm các con số từ một tới mười rồi từ mười tới một trăm... Một lần có công việc sang một bản lân cận, tôi hí hửng mang vốn ngôn ngữ dân tộc thực hành thì chưng hửng. Không ai hiểu tôi nói gì và ngược lại điều họ nói tôi cũng không hiểu nốt. Tôi mới vỡ lẽ là đã sang khu vực của một dân tộc khác, nói một ngôn ngữ khác...

Do hoàn cảnh chiến tranh, các bản tập trung đều bị đốt phá nên đồng bào ở phân tán vào các khe suối nhỏ, vài ba nhà một khe suối. Có khi đi hàng nửa ngày đường mới gặp một nhóm vài ba nhà như vậy.

Hàng ngày, ngoài việc làm nương, hai vợ chồng tha thẩn vào rừng kiếm rau, xuống suối bắt cá, người chồng đi trước, đóng khố, cởi trần, chân đi đất, người đen như đồng hun, tay cầm con dao để chém cá. Người vợ gùi con sau lưng, mặc váy chàm, ngực để trần, lầm lũi theo sau. Hai vợ chồng luôn đi với nhau như hình với bóng.

Đồng bào Tây Nguyên có tinh thần cách mạng rất cao. Trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều đồng bào Tây Nguyên đi bộ đội, du kích, tham gia thanh nhiên xung phong, đóng góp sức người, sức của, lương thực, thực phẩm cho cách mạng. Tuy nhiên phải biết rõ phong tục tập quán của đồng bào tuyệt đối không được dùng mệnh lệnh, cưỡng ép, thì việc vận động mới thành công.

Đồng bào rất sợ máy bay bắn phá. Nếu nơi ở bị lộ, họ lập tức dọn nhà đi nơi khác, thậm chí bỏ cả nương rẫy đang thời vụ gieo trồng. Có lần chúng tôi đến vận động đồng bào không nên bỏ đi thì được đồng bào trả lời rất tự nhiên: “Bệnh viện quen chết, mình không quen chết!”.

Ôi, “Bệnh viện quen đói khổ, bộ đội quen chết!”, đó là quan niệm của đồng bào đối với chúng tôi ngày đó.

Tính tình đồng bào rất thật thà, chất phác. Thóc lúa thu hoạch được thì làm kho để ngoài nương. Không cần người canh giữ. Không ai lấy của ai. Khi chết thì mọi đồ đạc trong nhà, từ nồi niêu, bát đũa, quần áo của gia đình đều chia đôi, đưa ra mộ cho người chết một nửa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #32 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:41:34 pm »


Ngày 1 tháng 2 năm 1967. Bệnh viện di chuyển vào cánh Trung, chính thức phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên. Sau một năm ở “trường đại học Tây Nguyên”, chúng tôi đã phần nào hiểu được tình hình chiến trường và các công việc đang chờ đợi chúng tôi ở đây...

Vào đây, tình hình đơn vị cũng khá hơn. Trong một năm ở Ngã ba Biên giới chúng tôi bắn được 18 voi, từ ba đến bốn trăm khỉ vượn. Sự tàn sát thú rừng, nhất là voi, sau này có thể bị các nhà bảo vệ môi trường lên án là làm cạn kiệt các loài thú quý hiếm... nhưng trong lúc này, với bộ đội Tây Nguyên, là cách duy nhất để tồn tại và chiến đấu...

Bằng con đường săn bắn chúng tôi tự túc được thực phẩm, mặc dù cả năm toàn đơn vị hầu như không được trên cấp một cân thịt nào. Tổng kết cả năm, bình quân đầu người trong toàn Bệnh viện được hai kilô thịt một tháng, có khoa được tới bảy cân thịt thú rừng. Có lần tổ săn sau khi hạ được con voi mẹ, bắt sống được một con voi con đem về nuôi. Con voi to bằng con bê, đã nhanh chóng quen với người. Bác sĩ Phát, đội trưởng đội Săn, đi tới đâu voi con cũng lẵng nhẵng đi theo như một con chó... Voi con lên cả sân khấu trong những đêm liên hoan của đơn vị. Rất tiếc là sau một thời gian, voi con đã chết do không có sữa cho nó ăn...

Do ăn uống khá nên sức khoẻ anh em tốt. Quân số khoẻ bảo đảm được tới 94-95%. Năng suất lao động cũng khá hơn. Gùi gạo, trung bình 35-40 kilô. Đột xuất được tới 70 kilôgam...

Những ngày đầu tháng 2, toàn Viện giành thời gian cho việc xây dựng ở địa điểm mới. Tôi cùng với cậu Vy cần vụ cũng tự xây dựng lấy nhà để ở. Đây là ngôi nhà thứ tư do bàn tay của chúng tôi tự xây dựng lấy từ ngày vào Tây Nguyên. Căn nhà tre lá được làm trên một sườn đồi thoai thoải, dưới các lớp lá rừng rậm rạp, theo một kiểu quen thuộc ở chiến trường này: căn nhà “âm” nửa nổi, nửa chìm xuống dưới đất, lợp ngói “âm dương” có hai gian, một gian là phòng ăn đồng thời là phòng làm việc và tiếp khách, có một bàn và hai ghế dài, chân chôn xuống đất. Một gian là phòng ngủ có hai giường cá nhân cho tôi và Vy, giữa hai giường là một bàn tre nhỏ để đặt chiếc đài bán dẫn...

Nhà âm thông với một hầm chữ A. Nghe nói là kiểu hầm phổ biến ở Triều Tiên trong chiến tranh chống Mỹ. Có các khúc tre hay gỗ lát ở hai bên thành, phía trên có đất đắp cao.

Hầm chữ A khá chắc chắn, bên trong khá sạch sẽ. Hầm có tác dụng chủ yếu để chống mảnh bom, đạn đại bác, đặc biệt rất tốt chống bom bi và các tác hại thứ phát khi bom nổ như mảnh gỗ, đá, cây đổ... Còn nếu bom to rót trúng hầm, thì rõ ràng không hầm đất nào chịu đựng nổi.

Nghe nói ở mặt trận Quảng Trị có sử dụng loại hầm sâu tới hai mươi mét. Chắc là chỉ dùng cho cơ quan chỉ huy chiến dịch và phải dựa vào một địa hình đặc biệt, một vách núi cao... Chúng tôi bảo nhau: Với kiểu hầm này, nếu nói dại, có một quả bom rớt trúng, thì chỉ có nước là thắp bó hương cắm lên trên, vái các cụ nằm bên trong, chứ không có sức nào mà đào bới, cấp cứu nổi.

Cũng như lần trước ngoài việc làm nhà để ở, các khoa còn phải làm nhà cho thương bệnh binh, với chỉ tiêu 100 thương bệnh binh một khoa và các cơ sở làm việc khác theo chức năng mỗi khoa...

Mọi người đều tất bật, khẩn trương trong công tác xây dựng. Chỉ huy Viện và các cơ quan thì luôn phải kiểm tra xem xét. Quy định về an toàn khói lửa, không để lộ địa điểm là quan tâm nhất. Cự ly giữa các ngôi nhà, có khi phải chỉ từng địa điểm làm nhà. Khi lấy vật liệu làm nhà, như tre nứa phải lấy xa nơi ở không được chặt trụi một bụi cây. Những quy định tuy đơn giản nhưng phải luôn luôn có sự đôn đốc kiểm tra. Đã có lần, chúng tôi phải kiên quyết yêu cầu một Chủ nhiệm khoa dừng ngay công việc xây dựng một ngôi nhà đang làm dở vì làm ở một chỗ trống...

Chúng tôi cũng phải rất chú ý tới công trình vệ sinh. Nhớ lại trong kháng chiến chống Pháp, có lần đồng chí Cục trưởng Cục Quân y đến thăm một Bệnh viện đã nhận xét thẳng: “Bệnh viện của các anh xây dựng trên cơ sở một đống phân!”... Trên đường vào chiến trường, nhiều chỗ không cần người giới thiệu, chúng tôi cũng biết ngay là đang đi qua “bãi khách” bởi mùi hôi của những nơi đông người, sống tạm bợ một đêm.

Dù sao chúng tôi cũng phải chuẩn bị cho Bệnh viện ở lâu ngày một địa điểm, phải tiếp đón hàng ngàn thương bệnh binh. Chúng tôi phải có quy định cụ thể số hố vệ sinh cho từng khoa. Mặt sau của các hố phải tính toán để có thể sử dụng được lâu mà không có mùi hôi. Địa điểm của khu vệ sinh nếu không phối hợp thì hố vệ sinh của khoa này lại kề với nơi ở của khoa khác. Có thời gian khi đi kiểm tra xây dựng, tôi phải mang theo một cái sào dài để đo chiều sâu của hố vệ sinh đang đào, trước khi đồng ý cho lấp và làm các kiến trúc bên trên.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #33 vào lúc: 29 Tháng Mười Hai, 2009, 10:45:26 pm »


Ngày 20 tháng 2 năm 1967. Tết Đinh Mùi là ngày 9 tháng 2 năm 1967. Tết đầu tiên của chúng tôi ở chiến trường. Tết đến trong khi chúng tôi đang xây dựng cơ sở cho Bệnh viện và tạm trú trong một doanh trại của Vệ binh.

Chiều 30 và mồng một Tết mọi người được nghỉ. Thực phẩm được phát để ăn tết có mỡ, lạc, đậu xanh, đường, thịt trâu mỗi người được ba lạng. Thức ăn trong tháng tính thành tiền được 110 ria (đơn vị tiền Campuchia) cho một người, tương đương khoảng 6 đồng miền Bắc. Đây là tháng phong lưu nhất vì nhiều tháng chỉ được có 20 ria, tương đương khoảng 0,8 đồng miền Bắc. Tổ săn mang về được 6 con vượn, tổ đánh cá được khoảng 7 kg cá. Tạm đủ để tổ chức một cái Tết có thể coi là tươm tất.

Ngày 28 Tết, Viện phân công hai thanh niên đục cối gỗ. Từ ngày vào chiến trường có thể nói việc chế biến gạo thành bột để có thể làm ra bún, bánh là một mơ ước của chúng tôi mỗi khi ốm đau hoặc liên hoan tết nhất. Nhưng làm sao có được bột nếu không có cối chí ít là cối gỗ vì ngay cả một cái đục để đục cối lúc này cũng không có...

Trước yêu cầu làm bún, bánh phục vụ thương bệnh binh, cậu Cường một y sĩ người Cao Bằng theo kinh nghiệm của đồng bào dân tộc, đã dùng than củi kiên trì đốt trên một khúc gỗ vát phẳng. Đốt hai, ba ngày liền, hòn than này tàn lại tiếp hòn than khác. Cuối cùng mặt gỗ cháy đen, lõm xuống thành một hố khá tròn trặn. Việc làm chày thì không có khó khăn gì chỉ cần đẽo một cành cây là xong. Cả đơn vị hoan nghênh sáng kiến của Cường và như vậy chúng tôi có được bộ chày cối đầu tiên dùng ở chiến trường.

Còn việc làm cối xay bằng đá thì có khó khăn hơn. Ai cũng biết là muốn xay gạo thành bột thật mịn để làm bún, bánh thì cần có cối đá. Nhưng không ai nghĩ tới việc đưa cối đá từ hậu phương vào chiến trường. Phải tới gần hai năm sau có một thương binh người Thanh Hoá, nơi có kinh nghiệm làm cối đá ở Viện 2. Trong thời gian điều trị, anh đã vào núi đá gần bệnh viện, hì hục đẽo đá thành một cối xay... Sáng kiến của anh được toàn chiến trường hoan nghênh. Chiếc cối xay đã được đem ra triển lãm trong hội nghị mừng công của chiến trường năm 1967 và được phổ biến rộng rãi.

Suốt hai ngày 27, 28 Tết, khu rừng chúng tôi ở rộn rã tiếng giã gạo làm bột và làm bánh. Lá gói bánh chưng lúc đầu tưởng thiếu nhưng rồi phát hiện ra ngay gần đơn vị một vạt rừng lá dong bạt ngàn, thừa thãi lá cho toàn đơn vị.

Khoa 33-34 đi đầu trong việc làm bánh, bánh rán, bánh tẻ, bánh sữa. Không kể bánh chưng truyền thống.

Tối 29, tức ba mươi Tết, các khoa liên hoan quanh nồi bánh chưng hoặc nồi chè, có ca hát, kể chuyện, nghe đài, đánh cờ tướng, tú lơ khơ, tổ tôm tới giao thừa, có người ngồi nghe nhạc tới ba giờ sáng mới đi ngủ.

Sáng mồng một Tết, có mít tinh toàn đội, sau đó các Khoa đi chúc Tết, trưa có cơm liên hoan. Cả ngày có các cuộc vui, thi thể thao, cờ tướng, vật.

Các cuộc vui rộn rã ngày Tết cũng làm vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương, tuy nhiên lẻ tẻ vẫn có người trùm chăn khóc.

Tuy vậy, ngày 29 Tết, cán bộ được triệu tập họp nghe phổ biến nhiệm vụ khẩn trương sắp tới. Tới giữa tháng 2, chúng tôi phải tiếp nhận 500 thương bệnh binh. Và phải cử một khoa Ngoại sang tiếp nhận một khu 250 thương binh của Viện 3.

Ngay sau Tết, chúng tôi lại tiếp tục công việc xây dựng. Từ 10 tháng 2 tới 17 tháng 2 làm xong được phòng mổ, phòng hoá nghiệm, X quang, nhà pha chế dược, ngoài việc xây dựng đủ chỗ ở cho nhân viên và tiếp nhận đợi đầu 47 thương bệnh binh đầu tiên của Viện 3 giao lại.

Ngày 16 tháng 2 đợt 2 chiến dịch Sa Thầy nổ súng. Tin của mặt trận đã tiêu diệt một đại đội Mỹ tại khu D.

Nhận được lệnh cử một bộ phận đi xuống tuyến tăng cường cho Viện 4. Các bác sĩ Dướng, Quát (Ngoại khoa) và Chương, Lợi, Ngọc (Nội khoa) được cử đi trong đoàn này.

Ngày 1 tháng 3 năm 1967. Một thành công trong việc trang bị Bệnh viện là bộ phận X quang đầu tiên hoạt động ở chiến trường Tây Nguyên.

Mấy tháng mùa khô vừa qua, trang thiết bị của bệnh viện gửi theo đường ôtô sau một mùa mưa nằm lại dọc đường, cuối cùng cũng lần lượt vào tới nơi. Chỉ có điều là trong 1028 kiện hàng gửi từ Hà Nội lúc ra đi, chỉ có gần 100 kiện vào được chiến trường. 9/10 số hàng gửi bị mất ở dọc đường, phần bị máy bay bắn phá, phần do xe đổ, phần thì “bốc hơi” không biết ở đâu, không thể tìm ra được. Khổ một nỗi là thứ chúng tôi rất cần thì không vào, thứ không cần thì lại vào tới nơi. Hơn nữa hàng vào không đồng bộ. Có kiện hàng trăm bộ quần áo trẻ em vào tới nơi. Mà làm gì có trẻ em vào điều trị? Một kiện truyện ngắn, truyện dài, sách chính trị... Một chiếc đèn mổ hiện đại có hàng chục bóng đèn, nặng kềnh càng hàng tạ. Nhà mổ bằng tre nứa làm sao mà treo được đèn và dù có treo được thì lấy điện đâu để thắp sáng?

Trong một kiện khác, khi khui ra, ngoài một số đồ đạc lặt vặt thấy có một đôi guốc cao gót phụ nữ. Chúng tôi vừa ngạc nhiên vừa bực mình, hỏi trong đơn vị thì cô Thục Oanh, y sĩ hoá nghiệm, nhận là đôi guốc của mình. Cô lúng túng giải thích, trước khi lên xe, rời Hà Nội, cô mới rời đôi guốc, xỏ vào dép cao su. Nhìn quanh, không biết vứt guốc đi đâu, nên vứt bừa vào khe hở của một thùng hàng. Bất ngờ, thùng hàng đó vào tới chiến trường, còn bao nhiêu trang thiết bị ở thùng khác thì tan tác dọc đường.

Trong số hàng nhận được quý nhất là mấy kiện máy X quang, nhưng không đồng bộ. Trong bốn máy X quang trang bị cho bệnh viện thì vào được tủ điều khiển của một máy, bóng X quang của máy khác, mấy thước dây điện, một máy nổ. Thiếu thân máy, không có phương tiện để chụp như phim X quang và hoá chất. Cũng không có trang bị bảo vệ, áo chì và các thứ khác. Nhưng như vậy là vẫn quý rồi.

Bác sĩ Trần Hậu Tư, Chủ nhiệm khoa X quang, cùng với tổ công nhân kỹ thuật của Bệnh viện, anh Khuể, anh Sánh, đã lắp ráp được chiếc máy X quang đầu tiên ở chiến trường. Dùng một thân cây làm giá đặt bóng X quang. Đắp một ụ đất dày nửa mét để thay áo chì bảo vệ nhân viên X quang khỏi tác hại của tia X trong khi làm việc. Không có phim và hoá chất nên không thể chụp được mà chỉ có thể soi. Anh em dựng một căn nhà che vải đen kín bưng làm buồng tối.

Xăng để chạy máy nổ cũng là vấn đề khó khăn ở chiến trường này. Mấy năm trước, máy chiếu phim thì có mà xăng thì không. Muốn xem một tối phim, phải tổ chức một cuộc phục kích, đánh xe địch đi trên đường 14 để lấy vài bi đông xăng đổ vào máy phát điện phục vụ cho việc chiếu phim.

Tới nay (đầu 1967) tình hình đã khá hơn, đã có tuyến đường ôtô vào tới Tây Nguyên, xăng không còn khó khăn như trước, nhưng tất nhiên vẫn phải hết sức tiết kiệm.

Ngày máy nổ phát điện sáng rực khu rừng, tiếp sau đó máy X quang phát tia, làm hiện rõ hình các xương bàn tay của bác sĩ Tư giơ ra trước màn huỳnh quang là một ngày vui của toàn đơn vị. Đây là lần đầu trong núi rừng bạt ngàn, âm u, cổ kính của Tây Nguyên, loé ra tia X, tượng trưng cho ánh sáng của văn minh, khoa học, đóng góp cho việc chẩn đoán và điều trị thương bệnh binh ở chiến trường này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #34 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:18:25 pm »


Ngày 5 tháng 3 năm 1967. Hôm nay tôi đi thăm lò rèn của Bệnh viện. Lò rèn được đặt ở một vạt rừng, cách hơi xa Bệnh viện. Một ngôi nhà tre nhỏ lợp mái “âm dương” bên trong ngổn ngang sắt thép, các vỏ bom lép, các đầu đạn, các ống rốc két... một bễ lò rèn, những sọt đựng than. Đây là nơi làm việc của tổ công nhân kỹ thuật Bệnh viện.

Tuy gọi là “lò rèn” nhưng thực ra các anh làm đủ mọi công việc, từ rèn, gò đến mộc, cả sửa chữa máy móc...

Từ ngày thành lập, tổ công nhân kỹ thuật đã có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng Bệnh viện ở chiến trường.

Anh Nguyễn Bá Khuể, kỹ thuật viên X quang, là tổ trưởng. Con người có vóc dáng nhỏ bé, gầy gò đó, lại chứa đựng một ý chí quyết tâm rất cao. Thông minh, khéo léo. Anh là một kho sáng kiến giải quyết những khó khăn trong công việc và thực sự là linh hồn của tổ. Cùng với anh Khuể, có anh Sánh, thợ mộc, anh Đằng, thợ rèn, đều là những người miệng nói, tay làm.

Xuất phát hoàn toàn từ hai bàn tay trắng, các anh đã rủ nhau vào rừng tìm bom, đạn chưa nổ, tháo kíp đập ra lấy gang thép, tìm xác máy bay rơi, ống rốc két, ống pháo sáng để lấy nhôm, chặt cây rừng làm lò nung than để có than hoa nhiệt lượng cao rồi làm lò rèn sản xuất các thiết bị cho Bệnh viện.

Các anh đã lắp ráp máy X quang từ các bộ phận rời, của nhiều máy khác nhau, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để thành một máy sử dụng được và duy trì máy hoạt động đều đặn trong suốt mười năm của cuộc chiến tranh giải phóng.

Các anh cũng đã làm nhiều dụng cụ khác cho các khoa như nồi nấu rượu, nồi cất nước, máy dập viên cho khoa Dược, máy lý liệu, ống nghe hai tai cho các bác sĩ lâm sàng, hộp hấp cho phòng mổ và cho các khoa. Ngoài ra các anh còn sản xuất hàng loạt dao, cuốc xẻng, liềm cho bộ phận tăng gia. Những năm sau, còn xây dựng trạm thủy điện, lò sấy tóc, máy xay xát.

Ngày 5 tháng 4 năm 1967. Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 200 thương bệnh binh đầu tiên của chiến dịch Sa Thầy đợt 2 trong đó đa số là bệnh binh.

Chiến dịch Sa Thầy đợi 2 bắt đầu từ cuối tháng 2 năm 1967 đã giành được nhiều thắng lợi giòn giã. Địch phải rút khỏi khu vực phía Tây sông Sa Thầy, rồi rút phía Đông sông Đất đỏ Plâygirang, bỏ Sùng Thiện, Sùng Lễ sau một trận pháo kích ác liệt.

Từ các chiến trường bạn, liên tiếp có thông báo nhiều tin thắng lợi. Tây Ninh phá cuộc càn Giônxơn Citi diệt hơn 13 nghìn địch. Quảng Trị pháo kích từ bờ Bắc khu phi quân sự Đà Nẵng tên lửa lần đầu bắn vào sân bay phá huỷ hàng trăm máy bay. “Tin mừng thắng trận nở như hoa”.

Từ chỗ chúng tôi ở, cuộc chiến đấu xa dần: Những ngày đầu chiến dịch, tiếng bom đạn, tiếng pháo, tiếng máy bay gầm rú suốt ngày đêm. Những ngày gần đây tiếng súng xa dần và thưa thớt, tiếng máy bay chỉ còn văng vẳng.

Bộ đội tiến lên phía trước, các đơn vị hậu cần tiến theo sau. Tiểu đoàn quân y Sư đoàn đã di chuyển theo bộ đội, các Đội điều trị 3, 4 cũng đang rục rịch di chuyển theo. Thương bệnh binh, nếu nhẹ thì cho ra Viện bổ sung trở lại cho đơn vị còn nếu cần điều trị tiếp thì chuyển cho chúng tôi. Đầu tháng 4 năm 1967, anh Quang Thọ hoạ sĩ, bạn của vợ tôi vào công tác. Đọc thư của Hương, tôi được biết gia đình vẫn yên ổn. Bác Cả, chị của mẹ tôi bị ngã. Ba mợ bình thường vẫn ở nơi sơ tán với Hương. Câu đầu tiên Quang Thọ gặp tôi là: “Anh thay đổi nhiều quá, giá gặp anh trên đường giao liên, có lẽ tôi không nhận được anh mất!...”.

Gặp tôi, anh than phiền đi mấy tháng trời vất vả, vào tới Tây Nguyên chỉ mong vẽ được cảnh gì đặc sắc của Tây Nguyên, thế mà đi đến đâu cũng chỉ thấy bộ đội miền Bắc, không tìm đâu ra một chiếc nhà rông, đồng bào dân tộc cũng mặc quần áo bộ đội, không thấy gì là đặc sắc của Tây Nguyên để vẽ cả...!

Tôi thú thực với anh là tuy tôi vào đây đã một năm, đã đi suốt dọc chiều dài chiến tuyến của Tây Nguyên, nghe tiếng đàn t’rưng trong các buổi biểu diễn của văn công, chứ thực tình chưa lần nào thấy đồng bào múa hát... Quang Thọ ở lại với tôi vài ngày, ghi một số ký hoạ về Bệnh viện. Tôi cũng ngồi một buổi để anh vẽ. “Để hôm này ra, làm quà cho Giáng Hương...” anh vừa vẽ vừa nói.

Xem bức ký hoạ, tôi không dám nói ra, sợ hoạ sĩ tự ái vì chính tôi cũng không nhận ra tôi nữa. Trên trang giấy là hình một ông già gầy gò, hốc hác, râu tóc xồm xoàm như một tên biệt kích mới bắt được trong rừng. Chỉ có nhận ra nhờ đôi kính. Từ ngày vào chiến trường, đến nay đã tròn một năm, tôi không trông thấy mặt tôi. Làm gì có gương soi? Nên tôi không đánh giá được là bức ký hoạ có giống tôi hay không?

Tôi chỉ rụt rè đề nghị với Quang Thọ: “Có lẽ, anh đừng cho Hương xem. Cô ấy mà thấy tôi như thế này có lẽ ngất đi mất!...”.

Trước khi ra đi, tôi tặng anh một bi đông rượu “cây nhà, lá vườn” do Bệnh viện sản xuất, để anh ngâm thuốc. Anh nhận một cách rất thích thú.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #35 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:18:48 pm »


Ngày 10 tháng 4 năm 1967. Hôm nay tôi ra thăm một bản của đồng bào dân tộc ở gần Viện. Do hoàn cảnh chiến tranh đồng bào đã phải bỏ bản cũ vào sinh sống thành từng nhóm nhỏ ba bốn gia đình thành một nhóm trong rừng.

Đồng bào vùng này có tục cà răng, căng tai. Các răng cửa bị cưa sát tận lợi, còn dái tai thì bị đục một lỗ to đeo lủng lẳng một khúc nứa to bằng cổ tay. Hai bên mặt xăm những hình hoa đối xứng trên hai gò má và trên trán.

Chị em người dân tộc đi thanh niên xung phong, được bổ sung làm hộ lý cho Bệnh viện kể lại cho tôi nghe: Đồng bào tin là có cưa răng đi thì mới có cuộc sống khoẻ mạnh. Thế là khi đứa trẻ lên 9-10 tuổi, bố cháu liền đưa cháu vào rừng, trói vào gốc cây, rồi dùng liềm cưa đứt bốn răng cửa hàm trên sát tận lợi mặc đứa trẻ giãy giụa, kêu khóc, máu me đầy mồm. Có cháu sau đó đã chết vì nhiễm trùng.

Còn tai thì cũng giống như các cô gái miền xuôi, bị đục một lỗ ở dái tai để đeo hoa tai, khác là thay vì luồn một sợi chỉ hay một que tăm qua lỗ để ngăn lỗ thủng liền sẹo, thì ở đây đồng bào cho xuyên qua lỗ một chiếc que to làm cho dái tai giãn rộng cho tới khi đút lọt một khúc nứa to bằng cổ tay, nếu nhà giàu thì thay bằng một khúc ngà voi, cũng to như vậy.

Hàng ngày chúng tôi thỉnh thoảng gặp đồng bào lên nương làm rẫy hoặc vào rừng kiếm thức ăn. Cuộc sống của đồng bào lúc này thật gian khổ và thô sơ. Trẻ con không có trường học. Chưa có kinh tế hàng hoá. Không có chợ, không có cửa hàng, không tiêu tiền. Chỉ lấy hàng đổi hàng. Bộ đội đem quần áo, quân trang đổi cho đồng bào lấy lợn gà, củ sắn, bắp ngô.

Hình như cuộc chiến tranh và hàng đoàn bộ đội vào chiến trường, ngoài việc chiến đấu mà dường như còn đem cả một nền văn hoá mới vào đây, cả cái tốt lẫn cái không tốt. Các phong tục cũ bắt đầu thay đổi. Các trẻ nhỏ không còn bị cà răng căng tai nữa. Các cô thanh niên xung phong dân tộc khi được đưa ra Bắc để học văn hoá và chuyên môn, đều xin đi làm răng giả và vá lại vành tai.

Đồng bào dân tộc thật thà, chất phác, có trường hợp làm cho chúng tôi phải ngạc nhiên. Một lần tôi qua kho gạo trong khi bộ đội đang tấp nập ra vào lĩnh gạo. Tôi chợt để ý tới một cô gái dân tộc, đứng ở một góc kho. Cô gái khá xinh xắn nhưng có vẻ đang bực tức, nói lẩm bẩm điều gì. Ở chiến trường này, làm cho đồng bào tức giận là điều rất không hay, nên tôi đến gần chú ý nghe. Tôi thấy cô gái nhắc đi, nhắc lại một câu bằng tiếng Kinh còn ngượng nghịu: “Một cái cũng một cái, hai cái cũng hai cái...”.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu cô gái nói gì, bèn gọi cô ra một chỗ để hỏi cho rõ. Cô gái đỏ mặt, lúng túng, ấp úng: “Cái chú bộ đội... cái chú bộ đội...”.

Gặng mãi mới rõ đầu đuôi câu chuyện, thì ra có một thanh niên gạ cô bé cho bóp vú một cái thì cho một cái kim băng. Nhưng anh lại thuận tay bóp liền hai cái. Mà vẫn chỉ đưa một chiếc kim băng! Nên cô con gái giận, cho là bị lừa dối.

Tôi liền hỏi: “Cậu nào? Cậu nào thế?” và đưa mắt nhìn quanh.

Người con gái nhất định giấu tên thủ phạm, nhưng tôi đã nhận thấy trong số bộ đội đang ra vào có một cậu lấm lét nhìn chúng tôi.

- Có phải cậu kia không? - Tôi chỉ cậu thanh niên.

Cô gái đành gật đầu.

Tôi vẫy anh thanh niên lại gần, tuy không biết ở đơn vị nào, và nhận ra ngay đây là bạn “đồng hương” Hà Nội.

Các thanh niên Hà Nội vào chiến trường hầu hết đều có một dáng vẻ khá đặc biệt. Không ai bảo ai mà cậu nào cũng để một tý ria mép, mặt trắng trẻo thư sinh, bị sốt rét trở nên trắng bệnh, hay chơi với nhau, ăn nói ba hoa.

Tôi bắt đầu hỏi: “Hà Nội hả?”. Cậu thanh niên lúng túng gật đầu.

Tôi giảng giải một hồi về chính sách dân tộc, về thái độ tôn trọng phụ nữ nhưng hơi bực mình thấy mặt cậu ta vẫn nhơn nhơn không tỏ vẻ gì là hối hận cả.

Tôi liền hỏi sang tội thứ hai: “Người dân tộc, nói một là một, hai là hai... Tại sao cậu hẹn với người ta một cái, trả một kim băng, mà đằng này cậu làm liền hai cái mà cũng chỉ trả một chiếc kim băng là nghĩa lý làm sao? Ăn gian à?”.

Tới đoạn này, cậu thanh niên vẻ xúc động thật sự. Mặt đỏ bừng mắt chớp chớp như muốn khóc, ria mép rung rung, cái cục ở cổ chạy lên chạy xuống, nghẹn ngào một lúc mới nói được: “Báo cáo thủ trưởng, em... em... em chỉ còn có mỗi một chiếc kim băng thôi!”.

Thì ra hắn không có ý định ăn gian. Chả qua là sự bất đắc dĩ, và chắc cũng không ngờ cô con gái hiểu chữ “một cái” của anh theo nghĩa đen và đếm từng động tác bàn tay của anh.

Dù sao, cô gái cũng có vẻ bớt giận khi thấy cậu thanh niên đã bị mắng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #36 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:19:13 pm »


Ngày 15 tháng 4 năm 1967. Sau những cơn sốt rét đầu tiên khi mới vào Tây Nguyên, tôi ngừng sốt được hai tháng, nhưng từ hơn một tháng nay lại sốt trở lại: Tuần nào cũng sốt, dùng đủ loại thuốc mà không dứt được cơn.

Từ hôm 10 tháng 4 cơn sốt lên cao, người hầm hập như một lò lửa. Đợt sốt này kéo dài 3 ngày liền. Đầu nhức như búa bổ, uống Nivaquine, mất ngủ suốt đêm, trong đầu như có một lỗ thủng lớn, một khoảng trống lớn lên dần có tiếng oang oang, tôi đi vào hôn mê lúc nào không biết.

Trong đầu như một cuộn chỉ rối mù chằng chịt rồi những hình ảnh như một cuốn phim đứt đoạn thấy cả nhà như trong một ngày lễ lớn. Ba mợ thật trẻ và tươi cười, các anh chị, các em trong những bộ quần áo đẹp... có cả các cô em đã gần hai mươi năm nay không gặp, nhưng vẫn trẻ như các nữ sinh trường Đồng Khánh. Hương bé nhỏ và mũm mĩm như một con búp bê... Hương cùng tôi chạy trên một bãi biển dài, vắng vẻ, cát trắng mịn, sóng dạt dào... rồi lại thấy đang nằm trong căn lán tối, có một cây nến cà bông, ánh sáng đỏ quạch toả khói mù mịt, kêu lép bép, có người tranh luận bên cạnh, cánh tay mình bị bóp chặt trong một túi vải của huyết áp rồi đau nhói ở đầu ngón tay vì một mũi kim tiêm, rồi thấy trong đêm tối mình bị khiêng lắc lư trong một chiếc võng chật chội bó chặt lấy người. Một cái huyệt đen ngòm bên cạnh. Tưởng người ta đem mình đi chôn sống... Mình hét to, giãy giụa. Tiếng anh Bích nói bên tai: “Anh uống đi. Andaxin đấy...” ba chữ an đa xin vang vang trong tai, trong khi đó như có bức màn đen toả xuống quanh mình.

Khi tôi tỉnh dậy thì thấy đang nằm trong một lán bệnh nhân khoa 40 - khoa cán bộ của Bệnh viện. Cậu Vy đang lúi húi cho thêm củi vào bếp ở giữa nhà. Lửa cháy bập bùng trong bếp. Tháng 4 nhưng về đêm vẫn hơi lạnh. Đêm yên tĩnh, chỉ văng vẳng tiếng máy bay xa xa. Cơn sốt đã qua, một cảm giác thật thoải mái nhẹ nhõm trong đầu.

Cơn sốt rét ác tính của tôi kéo dài hai ngày đêm. Tôi hôn mê hoàn toàn, chỉ thỉnh thoảng giãy giụa ú ớ gọi tên người. Các anh Âu, Chương, Bích, các bác sĩ Nội khoa có kinh nghiệm nhất của Bệnh viện tập trung cứu chữa cho tôi.

Nhân viên trong Bệnh viện cũng ốm lu bù. Mới hy sinh thêm một nữ y tá trẻ, cô Phương Như. Chỉ ốm sơ sơ một tuần trước, nhưng đã khoẻ, cô đang ngồi nói chuyện với bạn về may quần áo, đứng định ra sau, nhưng mới đi được vài bước thì ngã và đi vào hôn mê, lên cơn giật. Một nửa tiếng sau thì ngừng thở. Trong một năm, từ ngày Bệnh viện vào chiến trường, riêng trong nhân viên đã có 11 người chết. Ở chiến trường ác liệt này, cái chết đến thật dễ dàng. Anh em đã tổng kết có 32 kiểu chết ở Tây Nguyên: Chết do ốm, chết do bom đạn, chết đuối, chết do rắn cắn, chết do cây đổ, chết do ăn phải nấm độc, chết do voi giày, chết do bắn nhầm nhau.

Ăn uống dạo này có khá hơn. Tiêu chuẩn của bộ đội được bảo đảm 3,5 đồng/một ngày (tính ra tiền miền Bắc). Ngoài tiêu chuẩn, các cán bộ Trung cấp còn được phát thêm hàng tháng 2 hộp sữa, 1,5kg đường, 1 kg đỗ xanh, 1 kg lạc. Nhưng bộ đội vẫn ốm liên tục.

Không khí trong đơn vị có chuyển biến khá hơn. Năng suất lao động lên cao. Anh em thương binh vào Viện, sau giai đoạn cấp tính, phải nằm liệt giường, khi nhúc nhích được lại bắt đầu tham gia công việc xây dựng Viện: giúp cấp dưỡng nấu cơm, lấy củi, đào hầm, làm nhà, thưng nhà, làm cầu qua suối, đào giếng.

Lần đầu tiên, một số thương binh mất sức chiến đấu được Hội đồng giám định sức khoẻ của Bệnh viện cho trở về miền Bắc. Bệnh viện tổ chức một đại đội thu dung (C3) chịu trách nhiệm chuyên lo việc tổ chức cho anh em trở về hậu phương.

Nhân có đoàn ra, chúng tôi gửi thư về gia đình.

Ngày 15 tháng 6 năm 1967. Sau mấy tháng sốt liên tục hầu như tuần nào tôi cũng lên một hai cơn sốt rét, tôi được cử đi đi an dưỡng để hồi phục lại sức khoẻ. Khu an dưỡng cho cán bộ ốm, yếu ở trong một khu rừng bằng phẳng, cạnh nương, có vài ngôi nhà nhỏ dựng giữa rừng. Mỗi nhà 2-3 người ở. Ngoài nương, có một nhà sàn nhỏ. Đó là nhà đồng chí Chính uỷ mặt trận.

Ăn uống tốt, có thịt, cá tươi, rau tươi, thịt cá hộp. Về giải trí có bàn bóng bàn, cầu lông. Sách có một tập truyện Tam quốc.

Cán bộ an dưỡng có khoảng 17-18 người. Mỗi người ở một tháng. Khi mới đến có cân, thử máu. Khi về lại cân. Cân bằng chiếc cân treo móc thêm cái quang để người ngồi vào. Hôm mới đến tôi cân được 57 kg. Hôm về lên được 1 kg, nhưng vẫn còn sụt 7 kg so với ngày ở Hà Nội.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #37 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:19:53 pm »


Ngày 26 tháng 6 năm 1967. Việc xây dựng Bệnh viện đã hoàn thành và Bệnh viện đã đi vào hoạt động. Số thương bệnh binh nằm Viện hàng ngày xấp xỉ 950-1000. Nhà cửa khá khang trang, đường xá bằng phẳng dễ đi dưới rừng cây. Máy nổ chạy đều đều hàng ngày, tuy nhiên cũng chỉ đủ cung cấp điện cho máy X quang. Phòng X quang được xây dựng bằng tre nứa, căng vải đen che kín ánh sáng, vì lúc này chỉ có thể soi, chưa có điều kiện chụp X quang.

Phòng mổ đã làm xong. Đó là một ngôi nhà sàn có hai phòng mổ vô trùng và hữu trùng cách nhau một gian nhỏ làm nơi rửa tay và chuẩn bị mổ. Trần phòng mổ và bốn bên vách đều căng vải trắng. Phía ngoài có một rèm vải đen để mổ ban đêm che ánh sáng khỏi lọt ra ngoài. Đèn mổ là một chiếc đèn xe đạp. Nói là xe đạp nhưng thực ra chỉ là một nửa chiếc khung xe, dựng trên một giá gỗ, có bàn đạp, xích và chiếc bánh xe sau có gắn bình phát điện. Nửa xe phía trước: bánh xe và tay lái không cần thiết cho việc phát điện bị tháo đi cho nhẹ.

Khi mổ, một cô hộ lý quê ở Hà Tĩnh chịu trách nhiệm đạp xe. Anh em trong phòng mổ động viên cô bằng một câu nói đùa: “Này, cứ coi như đạp xe về thăm quê hương Hà Tĩnh là được!”... Cô kiên nhẫn và bền bỉ đạp xe 2-3 giờ liền phục vụ cho phẫu thuật.

Điện phát ra từ bình điện được truyền qua hai sợi dây nhỏ, tới chiếc đèn gắn vào một giá gỗ cạnh bàn mổ hoặc do một hộ lý khác cầm soi vào chỗ mổ.

Trong trang bị cho các đơn vị quân y đi chiến trường của Cục Quân y có chiếc đèn mổ cũng dựa trên nguyên tắc của chiếc đèn xe đạp: một bình điện đạp, chuyển động bằng một hệ thống bánh xe răng cưa và tay quay. Tất cả đặt gọn gàng trong một hòm gỗ như hòm thợ cạo. Tuy nhiên, chỉ dùng một thời gian ngắn, các bánh xe răng đã mòn, rêu rạo, không ăn khớp vào nhau. Vả lại quay tay cũng không tiện bằng đạp chân. Nên chẳng bao lâu, chúng tôi đã bỏ chiếc “hòm thợ cạo” và quay lại với chiếc khung xe đạp, có cải tiến một chút cho nhẹ gọn.

Chiếc đèn xe đạp đã được sử dụng ở tất cả các phân đội quân và dân y miền Nam trong chiến tranh. Vì phương tiện vận chuyển chủ yếu ở chiến trường cũng là bằng xe đạp nên nó còn có ưu điểm là sẵn phụ tùng thay thế. Cung cấp đủ ánh sáng, có thể soi sâu cho một khu vực mổ hẹp, lại dễ tắt và không sợ lọt ánh sáng ra ngoài khi có máy bay địch đến gần.

Thương binh về tới chúng tôi trong thời gian này phần lớn là các thương binh mãn tính từ các chiến dịch trước, ứ đọng ở các bệnh viện tuyến trước chuyển về. Có cậu bị cụt cả hai tay do bom B52, nhưng vẫn lạc quan vui vẻ. Hôm qua bó bột cho một thương binh, người Hà Nội, bị gẫy hai xương cẳng tay. Tôi vừa làm vừa động viên: “Cậu cứ yên tâm, chỉ hai tháng liền xương là lại làm việc được bình thường thôi!”. Anh thanh niên láu lỉnh trả lời: “Nhưng khi trở về nhà, ôm cô em không được chặt thủ trưởng à!”.

Trong mấy tháng qua, chúng tôi đã làm được một số phẫu thuật lớn, mổ phụ mạch máu cho một số di chứng vết thương mạch máu, mổ vết thương bụng, đóng hậu môn nhân tạo. Tôi cũng mới mổ ca mổ lồng ngực đầu tiên ở chiến trường: bóc vỏ phổi cho một thương binh bị mủ màng phổi. Trước đó, đã dẫn lưu nhưng không khỏi. Phẫu thuật không khó khăn lắm nhưng cũng là phẫu thuật lớn ở chiến trường này. Gây mê chủ yếu theo đường tĩnh mạch. Không có ôxy, dùng khí trời khi cần viện trợ hô hấp. Trong vấn đề này, những cuộc mổ thực nghiệm trước khi vào chiến trường làm cho chúng tôi yên tâm hơn.

Cho tới hôm nay, một tuần sau mổ kết quả mổ tốt. Bệnh nhân cũng như nhân viên đều tin tưởng. Ngày mai tôi mổ ca thứ hai.

Khó khăn nhất cho các phẫu thuật lớn ở đây là vấn đề hồi sức: không có máu để truyền. Không có phương tiện dự trữ máu. Các tủ lạnh từ miền Bắc không vào được nhưng chúng tôi gửi mua được một tủ lạnh chạy bằng dầu từ Campuchia. Tuy nhiên chỉ dùng được vài tháng, tới khi Bệnh viện di chuyển, tủ lạnh bị hỏng do khiêng len lỏi trong rừng.

Để phân loại nhóm máu, anh Ân, bác sĩ truyền máu đã lên một danh sách các nhân viên trong Bệnh viện có nhóm máu được xác định từ trước khi vào chiến trường. Anh dựa vào những “ngân hàng máu sống và biết đi” là số nhân viên này để xác định nhóm máu cho người khác, và phương pháp này dường như đã có hiệu quả vì trong suốt cuộc chiến tranh cho tới ngày thắng lợi năm 1975 không gặp tai biến nào do nhầm nhóm máu, tất nhiên do số lượng truyền chúng tôi cũng ít.

Khó khăn nhất là nguồn cho máu. Lấy đâu ra người cho máu trong vùng rừng rú hầu như không có dân này. Bộ đội thì ở rất phân tán lại bận nhiệm vụ chiến đấu và đều là người ốm yếu thiếu máu. Nguồn cho máu duy nhất là số nhân viên Bệnh viện. Bản thân tôi cũng đã nhiều lần sau những ca mổ nặng do chính tay tôi mổ, lại nằm xuống giơ tay ra cho anh Ân lấy máu của mình để truyền cho bệnh nhân. Anh em đang thiếu máu nặng. Không đành lòng nhìn anh em chết do không có máu truyền. Chúng tôi nói đùa với nhau, “nợ máu phải trả bằng máu”. Câu khẩu hiệu sát khí đằng đằng ngày nào, không tý nào phù hợp với hoàn cảnh chúng tôi lúc này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #38 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:20:14 pm »


Tất nhiên không thể cầu toàn, nếu đòi hỏi người cho máu phải là những người khoẻ mạnh thì chắc không ai trong chúng tôi có đủ tiêu chuẩn để cho máu. Mỗi lần chỉ có thể cho được một lượng nhỏ 1-200 ml. Thế mà góp gió thành bão, trong mười năm ở chiến trường toàn Bệnh viện của chúng tôi cũng đã truyền được hàng trăm lít máu. Số máu này đã góp phần trong việc cứu sống một số thương binh nặng, mà không thể có máu chắc không qua khỏi.

Nói chung, với đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, chuyên khoa, chúng tôi không gặp khó khăn gì lớn về Ngoại khoa. Các vết thương, di chứng vết thương phức tạp được xử trí tốt. Tuy nhiên chúng tôi cũng phải đấu tranh với nhau về những quan điểm muốn áp dụng nguyên xi các kỹ thuật ứng dụng ở miền Bắc, mà không tính đến hoàn cảnh thực tiễn của chiến trường, sức chịu đựng hạn chế của thương binh, khả năng gây mê hồi sức, nuôi dưỡng hạn chế v.v...

Một số phẫu thuật thất bại đáng tiếc như mổ đóng đinh xương đùi... mổ cắt ruột thừa sớm ở bệnh nhân có đánh quánh ruột thừa... đã là những bài học sâu sắc cho chúng tôi về việc ứng dụng kỹ thuật một cách máy móc chỉ dựa trên những chỉ định chuyên môn đơn thuần không tính đến điều kiện để thực hiện chúng.

Bệnh binh vẫn nhiều. Hôm nay quân số thương, bệnh binh toàn Viện là 1100, nhưng đa số là bệnh binh. Hàng ngày có từ 40 đến 50 bệnh binh vào Viện. Phần nhiều ốm trên đường hành quân. Mệt nhọc gầy yếu, suy kiệt. Nhiều người bị sốt dọc đường nhưng vẫn cố theo đơn vị hành quân đến khi mệt quá, đưa vào Viện thì đã suy kiệt.

Bệnh ở Tây Nguyên thật phức tạp: Ngoài sốt rét và các biến chứng là bệnh chủ yếu; còn gặp nhiều trường hợp lỏng lỵ kéo dài tháng này qua tháng khác, không loại thuốc nào giải quyết nổi, bệnh nhân suy kiệt dần rồi chết. Một số trường hợp giải phẫu thi thể thấy toàn bộ ruột non và ruột già mỏng dính như tờ giấy bóng kính, thành ruột bị bào mòn, mất hết lớp cơ chỉ còn lớp thanh mạc... Một số trường hợp do lỏng lỵ kéo dài mà dẫn tới thủng ruột, viêm phúc mạc và tử vong...

Bệnh cao huyết áp ở các thanh niên trẻ, đây là điều ít gặp ở miền Bắc, đưa đến nhiều biến chứng và tử vong do đứt mạch máu não, phù phổi cấp v.v... Viêm thận, cầu thận cấp, khi giải phẫu thi thể thấy có mủ trong bể thận... Nhiều vấn đề đặt ra phải suy nghĩ và giải quyết. Nhiều bệnh về dinh dưỡng; các bệnh lý cấp tính do thiếu sinh tố B1, thiếu sinh tố A... gây mù loà. Đồng chí Như. Viện phó Hậu cần mới chết vì đái tháo đường... Tất cả, tổng kết lại có thể viết thành bộ sách về Bệnh Nội khoa của chiến trường Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ.

Kẻ thù nguy hiểm nhất ở đây không kém bom đạn địch là bệnh tật, ốm đau... Nhiều trận đánh tiêu diệt 200- 300 địch, thương vong rất ít nhưng trái lại sức khoẻ bộ đội hàng ngày, hàng giờ bị mòn mỏi dần do bệnh tật, ốm đau.

Trong Bệnh viện số thương binh, người bị thương do bom đạn chỉ chiếm 1/10 số bệnh nhân điều trị. Số chết do vết thương chiến tranh chỉ chiếm 1/15 tổng số chết. Riêng nhân viên trong Viện trong một năm ở chiến trường đã chết 11 người trong đó 9 do bệnh, 2 do biệt kích và tai nạn.

Đảng uỷ và Chỉ huy Viện vừa họp chuyên đề tìm nguyên nhân chết chóc trong nhân viên. Thật là đau đớn... Vì đâu ốm đau nhiều như vậy? Vì đâu có những loại bệnh thật bất thường mà trên miền Bắc, cả trong những năm gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng không hề thấy? Phải chăng chỉ là do môi trường có bệnh sốt rét lưu hành. Thật vậy, các tài liệu cho biết vùng chúng tôi ở có bệnh sốt rét lưu hành nặng vào loại nhất của toàn Đông Dương... Phải chăng là do thiếu dinh dưỡng trong điều kiện lao động ở cường độ cao?

Một lần tôi nói chuyện với một cán bộ hoạt động cũ ở Tây Nguyên. Anh cho biết, khi anh mới vào Tây Nguyên năm 1963 và chỉ huy một đại đội: Lúc đó tình hình còn khó khăn hơn bây giờ nhiều chứ. Chúng tôi làm gì có màn mắc chống muỗi, ăn uống cũng rất kham khổ. Nhưng có ốm như bây giờ đâu?

Môi trường sốt rét, điều kiện thiếu dinh dưỡng thì đã rõ. Tuy nhiên từ hơn một năm nay tình hình ăn uống của bộ đội cũng được cải thiện nhiều, nhưng bệnh tật vẫn không thuyên giảm. Liệu có nguyên nhân gì khác nữa không?

Trong những ngày này, máy bay địch vẫn thường xuyên quần đảo, rải chất khai quang. Hôm trước, trên đường ra thăm nương tăng gia của Bệnh viện trong khi đi trên một đỉnh đồi, tôi được chứng kiến cảnh chúng rải chất khai quang. Mới khoảng 7-8 giờ sáng, ba chiếc máy bay C130 bay thành hình tam giác tít trên cao. Khi tới gần chỗ chúng tôi, chúng bỗng chuyển thành đội hình dọc sà xuống sát ngọn cây, rú ầm ầm, rung chuyển cả ngọn cây. Chúng tôi chỉ kịp nấp vào gốc cây bên cạnh, đã thấy một làn sương mù từ trên cao, từ từ toả dần xuống khu rừng. Có tiếng người kêu to: Chúng thả chất độc hoá học đó. Chúng tôi vội gỡ tấm ni lông, che lên người, rút chiếc khăn úp lên mặt, chờ cho đám sương mù mùi khen khét tan đi hết, rồi lại tiếp tục đi. Ra tới nương, thấy anh em đang tíu tít hô nhau mang dao ra nương, chặt phăng những ngọn sắn đang xanh tươi mơn mởn. Anh em ở chiến trường lâu cho biết có chặt đi như thế này mới cứu được những củ sắn ở dưới đất. Nếu không, chỉ vài ngày sau, khi lá sắn bị tác dụng chất khai quang làm rụng hết thì củ sắn dưới đất cũng trở thành xanh lét, đắng ngòm không thể ăn được.

Mấy hôm sau, khi trở về, tôi hầu như không còn nhận được con đường vừa mới đi qua vài hôm trước: Cả khu rừng xanh tươi rậm rạp đã xơ xác, lá úa vàng, rụng đầy trên mặt đất, chỉ còn những cành cây trụi lá như những bàn tay khẳng khiu chĩa lên trời...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #39 vào lúc: 30 Tháng Mười Hai, 2009, 11:20:34 pm »


Ngày 27 tháng 7 năm 1967. Sau nhiều tháng có dư luận dai dẳng về những thay đổi cán bộ trong Bệnh viện, đến nay đã có quyết định chính thức. Anh Đạo chuyển lên B3 phụ trách Quân y mặt trận cùng với anh Luận, thay anh Nguyên và anh Đào (Trưởng và Phó ban Quân y mặt trận cũ) về hậu phương. Trong Viện thì anh Kính (Chính uỷ), Tư (X quang), Kỷ (Lý liệu), Bích (Y vụ), Hoài (Dược), Hiền (Bác sĩ phòng dịch) ra A. Anh Trần Nam Hưng và chị Hồ, vợ anh vào Hải Yến (Nam Bộ). Anh Lê Sỹ Liêm (Phẫu thuật bụng), Quát (Tiết niệu) xuống khu 5...

Chỉ huy Viện thay đổi lại: tôi thay anh Đạo làm Viện trưởng, anh Lê Công Chính uỷ thay anh Kính, anh Lạc làm Viện phó Ngoại, anh Âu làm Viện phó Nội.

Bữa liên hoan tiễn các anh về hậu phương cũng như đi các chiến trường khác diễn ra vui vẻ. Người ra đi cũng như người ở lại không ai băn khoăn, thắc mắc gì. Mọi người đang mang máng có nhiều nhiệm vụ trọng đại đang chờ đợi.

Qua ba tháng xây dựng, đến nay nhà cửa coi như đã tạm ổn, đang sửa chữa đường sá giữa các khoa, ban, làm cầu qua suối, làm giếng cạnh suối để có nước sạch ăn.

Thương bệnh binh đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng Bệnh viện. Hải, một thanh niên nhỏ nhắn người Hải Hậu Nam Định, mặt non như còn hơi sữa. Hôm trước khiêng vào Viện trong tình trạng sốt cao 39-40 độ, nước tiểu đỏ như máu. Nhưng chỉ một tuần sau đã đứng trong lòng giếng sâu ba mét, đào đào, cuốc cuốc, phải hét mãi mới chịu leo lên.

Hội trường đã làm xong, bên sườn đồi, đủ chỗ cho 200 người ngồi rộng rãi, có bậc tam cấp, trước thấp, sau lên cao dần để người ngồi sau vẫn có thể trông rõ sân khấu khi có chiếu phim hay văn công.

Bệnh nhân vào vẫn đều đều. Quân số điều trị đã lên đến 1200. Nhiều trường hợp nặng mệt lả. Nhưng trừ những bệnh nhân nặng nằm tại giường, còn lại các khoa đều có không khí sôi nổi, hoạt động. Bệnh nhân khi đã nhóc nhách đi lại được đều tìm việc để làm, đan lát rổ rá, vào rừng hái củi, hái rau cho cấp dưỡng, hoặc đan liếp, thưng nhà, làm cầu hoặc đánh cờ, chơi tú lơ khơ. Không còn cảnh bê tha, ăn bừa, nói ẩu như năm trước ở viện 2. Lúc đó tình hình thật bi đát: Có người tự động vào rừng tìm thức ăn, có người chết vì ăn phải nấm độc, có người lạc hàng nửa tháng trong rừng, trên người chỉ mang theo một cái bật lửa và một ống coóng. Cứ thế bẻ măng nấu ăn, sống được nửa tháng rồi ngã quỵ cạnh một đường mòn nhỏ, may có người bắt gặp, khiêng về Viện. Tình hình lúc ấy khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua được.

Đến nay đã thay đổi nhiều. Ngay trong Bệnh viện cũng có không khí vui vẻ lạc quan. Trên các đường hành quân vẫn rầm rập bộ đội ra vào trong những bộ quần áo xanh mướt, ba lô tương đối nhẹ nhàng, không phải mang súng ống nặng nề như những năm trước. Ô tô rì rầm trên các đường trục lớn xuyên Đông Dương vươn dài sâu dần vào chiến trường. Khi qua bãi trống, ô tô chạy thục mạng bất tử, gặp máy bay địch thì vừa chạy vừa bắn trả lại.

Từ hậu phương lớn đưa vào từ bánh thuốc lào Tiên Lãng, tới sợi chỉ, cái kim, lưỡi dao bào. Bọc đồ riêng của tôi gửi theo ô tô cũng vào tới nơi: có một bộ quần áo giải phóng, một đôi pin, hai bánh xà phòng, một hộp thuốc đánh răng. Tất cả gói trong một cái mũ đi mưa đã rách. Tôi thật ngạc nhiên và bất ngờ.

Ngày 3 tháng 9 năm 1967. Đi chỉnh huấn về. Trong một tuần từ 15 đến 22 tháng 8 học Nghị quyết mới của Quân uỷ Trung ương về tình hình và nhiệm vụ. Trong khu rừng rậm rạp, bằng phẳng, dưới những rặng cây cao ngất dựng một hội trường rộng, chứa được trên 300 cán bộ. Đêm đêm máy nổ cung cấp điện sáng trưng. Đêm nào cũng chiếu phim “Nguyễn Văn Trỗi”, “Nổi gió”… Một số phim xem lại như “Lửa hận rừng dừa” phim Trung Quốc, tôi đã xem ở Hà Nội cùng với Hương và Lộc ở rạp Công Nhân. Đó là phim cuối cùng tôi xem với gia đình trước khi đi B.

Quyết tâm cuối cùng sau chỉnh huấn, với cán bộ quân sự là trong Đông Xuân 1967-1968, tiến tới diệt gọn lữ đoàn Mỹ - Nguỵ, với Quân y là trả nhanh quân số cho chiến đấu...

Hôm qua mùng 2 tháng 9, kỷ niệm Quốc khánh, liên hoan văn nghệ ở các khối Nội, Ngoại. Tôi dự liên hoan với khối Ngoại. Một chương trình khá phong phú có kịch, chèo, đồng ca, đơn ca, độc tấu, dưới ánh sáng của hai ngọn đèn xe đạp do một đồng chí gò lưng đạp. Đồng chí đạp xe thỉnh thoảng mỏi chân đạp chậm lại, ngọn đèn tối đi thì tiếng la ó lại nổi lên trong khán giả.

Tháng này tiến hành một đợt điều trị đột kích. Tiêu chuẩn của thương bệnh binh được tăng lên 10đ/ngày với định suất khá, có thịt, mỡ, đỗ xanh.

Chỉ tiêu đề ra đầu tháng là ra Viện trả về đơn vị 400 người. Các khoa đều thấy khó khăn, nhưng cuối tháng tổng kết có 513 thương bệnh binh ra viện.

Tháng này chúng tôi cũng tiếp một đoàn khách đặc biệt: đội quay phim của xưởng phim Quân đội. Các anh có một tâm sự: Vào chiến trường chủ yếu là để quay cảnh chiến đấu của Tây Nguyên, trong đó ít ra cũng phải có cảnh một trận chiến đấu, xác Mỹ - Nguỵ chết hoặc bị bắt làm tù binh. Thế mà vào tới chiến trường mấy tháng, không quay được cảnh nào. Các trận chiến đấu phần lớn diễn ra ban đêm, lấy đâu ra ánh sáng để quay phim? Đành quay ra các hoạt động ở hậu phương, trong đó có các hoạt động của Quân y. Mà mùa mưa sắp tới rồi, nếu không khéo thì các thước phim nhựa sẽ ẩm mốc hết.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM