Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:52:15 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bảo vệ Trường Sa 14/3/88  (Đọc 478648 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #480 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2015, 09:30:43 am »

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/khac-khoai-gac-ma-20150312233253634.htm

Hôm nay, 13-3, tại Khu Du lịch Bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.

27 năm kể từ ngày 64 chiến sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi biển đảo tiền tiêu của Tổ quốc, sẽ có một nơi thật đàng hoàng, chính danh dành riêng để tưởng nhớ các anh.

Cùng với “Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa”, “Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa” thì Khu Tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma là một dấu son trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, CNVC-LĐ hướng về biển đảo, sát cánh cùng ngư dân nói riêng và nhân dân cả nước nói chung trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Như Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng đã khẳng định và mong muốn: Khu tưởng niệm không chỉ làm ấm lòng những người ra đi mà còn là sự an ủi rất lớn đối với thân nhân của những chiến sĩ đã ngã xuống; khi hoàn thành, nơi đây sẽ trở thành một trong những công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của đất nước nhằm ghi danh, tưởng nhớ, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Xây dựng khu tưởng niệm, bao trùm lên tất cả là sự tưởng nhớ, ghi ơn. Đó cũng chính là đạo lý cao đẹp “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Cũng chính vì lẽ đó mà dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn, hàng triệu CNVC-LĐ cả nước vẫn sẵn lòng dành một ngày lương, thậm chí nhiều hơn thế, với mong ước khu tưởng niệm sẽ sớm được khởi công, hoàn thành. Và hôm nay, viên đá đầu tiên đã được đặt xuống...
Không phải ngẫu nhiên mà khu tưởng niệm được xây dựng trên đồi cát cạnh biển. Mai đây, đứng ở nơi này, nhìn về phía biển, mỗi người chúng ta sẽ tự nhủ với lòng mình: Nơi đó là Hoàng Sa - Trường Sa, nơi đó có một phần thân thể của Tổ quốc còn bị chia lìa, nơi đó có những người con còn nằm lại chưa biết đến bao giờ mới được về với mẹ quê hương... 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma năm 1988 và 74 binh sĩ đã ngã xuống trong trận chiến Hoàng Sa năm 1974 sẽ trở thành bất tử. Mỗi người sẽ là một tượng đài trong lòng người dân Việt Nam.

Xây dựng khu tưởng niệm, tổ chức Công đoàn đã thể hiện nguyện vọng của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó có đội ngũ CNVC-LĐ, rằng Gạc Ma cũng như Hoàng Sa sẽ không bao giờ mờ phai trong tâm trí những người dân nước Việt và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn những người con anh hùng đã ngã xuống trong trận chiến một mất, một còn với kẻ thù xâm lược.

Xây dựng khu tưởng niệm, tổ chức Công đoàn cũng đã nói thay những day dứt khôn nguôi của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ cả nước về những việc còn chưa làm được với những người đã chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc cũng như với cha mẹ, vợ con... của họ.

Xây dựng khu tưởng niệm, tổ chức Công đoàn còn muốn khắc ghi lên bia đá một lời thề giữ gìn từng tấc đất, mét biển thiêng liêng của Tổ quốc. Và muốn thế, chúng ta phải mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển, chiến thắng mọi kẻ thù trên biển...

LỆ THỦY
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #481 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2015, 09:50:05 am »

http://laodong.com.vn/xa-hoi/truc-tiep-sang-nay-dat-vien-da-xay-dung-khu-tuong-niem-chien-si-gac-ma-304237.bld

Trực tiếp: Sáng nay đặt viên đá xây dựng khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma

Sáng nay 13.3, lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đang được diễn ra tại khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (Khánh Hòa). Khu tưởng niệm sẽ nằm trên diện tích 2 hecta với nhiều hạng mục như tượng đài, bảo tàng, khu vực tham quan... với mục đích nhắc nhớ đến 64 chiến sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma vào ngày 14.3.1988 trong khi bảo vệ chủ quyền. Phóng viên Lao Động đang có mặt tại buổi lễ và chuyển về những diễn biến của buổi lễ trang trọng này.

Vị trí xây dựng khu tưởng niệm nằm ở một khu vực đồi cao nhìn thẳng ra biển trên tuyến đường du lịch nối giữa sân bay Cam Ranh và thành phố Nha Trang. Đây được xem là một trong những vị trí đẹp nhất trên tuyến đường này. Những người thiết kế kỳ vọng đây không chỉ là nơi du lịch mà còn là nơi để tưởng nhớ, bồi đắp lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Phút mặc niệm xúc động để tưởng nhớ đến 64 chiến sĩ ngã xuống ở Gạc Ma
9 giờ 30: Nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ đã diễn ra. Toàn bộ quan khách đã chứng kiến cảnh viên đá đầu tiên của tượng đài Gạc Ma được đặt xuống. Một năm sau, ở khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh sẽ sừng sững một tượng đài ghi công sự hy sinh của 64 liệt sĩ đã ngã xuống ở biển Đông, dùng máu thịt của mình để bảo vệ máu thịt tổ quốc. Sự hy sinh của các anh không bao giờ bị quên lãng cũng như nỗi lòng đau đáu về những quần đảo đang còn nằm xa tay mẹ Việt Nam của mỗi người dân Việt.

9 giờ: Các tác giả là những kiến trúc sư, điêu khác gia của khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã chia sẻ về ý tưởng thiết kế khu tưởng niệm này. Cảm hứng từ niềm thương tiếc và nỗi mong mỏi hòa bình đã giúp những tác giả này hoàn thành ý tưởng thiết kế của mình.

Các tác giả là những kiến trúc sư, điêu khác gia của khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma đã chia sẻ về ý tưởng thiết kế khu tưởng niệm
Quan khách tỏ ra rất xúc động với những ý tưởng thiết kế khu tưởng niệm như mong muốn của các tác giả rằng đây không chỉ là một điểm du lịch mà còn là nơi để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì nước, bồi đắp lòng yêu nước.

8 giờ 25: Giao lưu với các cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ đã chiến đấu tại Gạc Ma. Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo kể lại diễn biến trận đánh ở Gạc Ma năm ấy.

"Sáng hôm ấy, chúng tôi đến khu vực đảo Gạc Ma. Tôi được lệnh cùng một tổ chiến đấu xuống rời tàu để cắm cờ chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Khi lên đảo, dù quân Trung Quốc khiêu khích nhưng chúng tôi được lệnh không nổ súng thì bất ngờ quân Trung Quốc lại nổ súng vào chúng tôi", ông Thảo nhớ lại "Tôi không quên hình ảnh những thi thể đồng đội đầy máu và chìm xuống biển Đông. Hôm nay đặt viên đá xây dựng tượng đài này tôi vô cùng cảm kích vì cuộc chiến đấu và hy sinh của chúng tôi luôn được nhân dân và nhà nước ghi nhớ".

Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo kể lại diễn biến trận đánh ở Gạc Ma năm ấy.


Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông, đến từ Quảng Trị kể lại trong nghẹn ngào: "Khi con tôi ra đi là hình hài nhưng khi trở về chỉ là một mảnh giấy báo tử và tấm huy chương. Không biết giờ này thân xác của con tôi đang nằm đâu dưới đáy biển Đông nhưng mai đây khi tượng đài này hoàn thành tôi mong rằng linh hồn con mình và đồng đội sẽ có nơi để trở về, mọi người có nơi để tưởng nhớ".

Bà Nguyễn Thị Hằng, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ánh Đông

Đinh Thị Mỹ Lệ, con gái của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, kể lại những kỷ niệm về cha mình. Khi liệt sĩ Doanh ra đi, Lệ chỉ mới 13 tháng tuổi. Từ đó, mẹ của Lệ là bà Nguyễn Thị Hà đã ở vậy để nuôi nấng Lệ, hiện nay Lệ đã tốt nghiệp đại học và công tác tại báo Lao Động.

Đinh Thị Mỹ Lệ, con gái của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, kể lại những kỷ niệm về cha mình
"Những ký ức về cha mình không nhiều nhưng tôi luôn tự hào rằng mình có một người cha đã ngã xuống vì bảo vệ tổ quốc. Hình ảnh của người cha trong tôi là những lời kể của mẹ và những người thân. Tôi luôn nhắc mình phải sống xứng đáng với những gì cha mình đã hy sinh", Mỹ Lệ chia sẻ.

8 giờ 15: Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng, có bài phát biểu mởi đầu cho buổi lễ. Ông Tùng khẳng định: "Trận chiến lịch sử vào rạng sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988 đã đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng các công trình nhằm phục vụ cho đời sống của quân, dân Việt Nam thì bị tàu chiến được trang bị vũ khí của Trung Quốc tấn công. Cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ Cờ Tổ Quốc, bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ cờ tổ quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma."


Ông Đặng Ngọc Tùng đọc diễn văn phát biểu khai mạc buổi lễ
Ông Tùng cũng kêu gọi mọi người nhắn tin theo cú pháp "GM" gửi 1907 để tham gia chương trình "Một viên gạch cho Gạc Ma" để góp tay cùng xây dựng khu tưởng niệm.


Quan khách tham gia buổi lễ hưởng ứng lời kêu gọi nhắn tin đóng góp của ông Đặng Ngọc Tùng

7 giờ 45: Toàn thể quan khách đã dành một phút mặc niệm đầy xúc động để tưởng nhớ sự hy sinh của 64 chiến sĩ tại bãi đá Gạc Ma cách đây tròn 27 năm. Các anh đã hòa mình vào lòng biển nhưng luôn bất tử trong lòng những người Việt Nam yêu nước.




 






Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
Wehrmacht1
Thành viên
*
Bài viết: 96


« Trả lời #482 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2015, 09:33:03 pm »

Chú Cựu chiến binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo từng có thời gian sang Đức lao động. Vậy không biết còn CCB nào như chú Thảo nữa ko ?!
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/cuu-binh-gac-ma-duoc-tang-nha-moi-3143999.html
Logged
Wehrmacht1
Thành viên
*
Bài viết: 96


« Trả lời #483 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2015, 07:30:53 am »

<a href="http://www.youtube.com/watch?v=dHP-6KWT7wg" target="_blank">http://www.youtube.com/watch?v=dHP-6KWT7wg</a>
Logged
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #484 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2015, 09:31:37 am »

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tu-len-dao-co-lin-nho-gac-ma-833013.tpo

Từ Len Đao, Cô Lin nhớ Gạc Ma

TP - Cần nói về ngày 14/3/1988 không phải chỉ để khơi gợi lại một sự kiện, mà để thêm tự hào, kính phục đối với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Để các thế hệ không có lỗi với các liệt sĩ và đồng đội của họ.

Mong linh hồn con siêu thoát

Hôm nay, 14 tháng 3, vừa tròn 27 năm ngày 64 sỹ quan và chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, 3 tàu vận tải của ta bị tàu Trung Quốc bắn chìm, bắn cháy ở các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

“Cha mẹ Võ Ta - Phan Thị Đay tưởng nhớ con Tuấn đã hy sinh ở Trường Sa ngày 14/3/1988. Mong linh hồn con siêu thoát”. Tôi nhớ đến đôi tay run run của cụ Võ Ta ở thôn Phú Hữu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) khi cụ tự tay viết những dòng thư ấy, nhờ tôi mang ra vùng biển Gạc Ma hóa vàng cuối năm 2010. Tôi nhớ đến hình ảnh cụ Phan Thị Đay ngồi bất động rất lâu trước bia ghi tên liệt sỹ hy sinh tại Trường Sa ở Tượng đài Cam Ranh, ánh mắt cụ như hướng đến một nơi xa, rất xa. Con trai của hai cụ, anh Võ Đình Tuấn đã cùng đồng đội kết thành “vòng tròn bất tử” trên đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988.

Tôi nhớ đến hình ảnh người yêu của anh Võ Đình Tuấn đã đứng yên lặng thật lâu, trước Tượng đài Cam Ranh. Tôi nhớ đến sự lặng lẽ, âm thầm của chị Đỗ Thị Hà, vợ của Trung úy liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh, trong những buổi chúng tôi cùng chị viếng Tượng đài Cam Ranh. Khi người đồng hương Hoa Lư, Ninh Bình của tôi, liệt sỹ Đinh Ngọc Doanh ra xây dựng đảo Gạc Ma và hy sinh ở đó ngày 14/3/1988, con gái của anh,  Đinh Thị Mỹ Lệ mới hơn 1 tuổi. Từ ngày đó đến nay, chị Hà ở vậy thờ chồng, làm mọi việc, kể cả phụ hồ để nuôi con nên người. Và tôi nhớ đến giọt nước mắt trên má bà Nguyễn Thị Hằng ở thành phố Đông Hà (Quảng Trị) khi bà nhắc tới con trai, liệt sĩ Hoàng Ánh Đông…

Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin trong tổng thể CQ88
Nhắc tới ngày 14/3/1988 là nhắc tới những mất mát, đau thương ở Gạc Ma, là nước mắt. Nhưng không chỉ có thế. Tôi nhớ tới giọng nói oang oang của anh Uông Xuân Thọ, nguyên Thượng úy, Máy trưởng tàu HQ-605 khi anh kể về ngày 14/3/1988 bi tráng: Ngày 11/3/1988, tàu HQ-605 hoàn thành chuyến tiếp vận cho các đảo chìm vừa được quân ta đóng giữ là Tốc Tan, Núi Le…, về đảo Đá Đông trên đường về Cam Ranh.

 Nước ngọt, lương thực thực phẩm đã chuyển hết cho các đảo, tàu chỉ giữ lại mức đủ dùng cho mấy ngày hành quân về bờ. Bất ngờ, thuyền trưởng tàu HQ-605, Đại úy Lê Lệnh Sơn nhận được mật lệnh của Phó đô đốc, Tư lệnh Hải quân kiêm Tư lệnh Vùng 4 Hải quân Giáp Văn Cương, phải cấp tốc đóng giữ đảo Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Tàu HQ-605 đã khẩn trương thực hiện mệnh lệnh, cắm được quốc kỳ Việt Nam trên bãi đá Len Đao vào sáng sớm ngày 14/3/1988. Mặc dù sau đó tàu HQ-605 bị các tàu Trung Quốc bắn cháy rồi chìm, thuyền phó Phan Hữu Doan và báo vụ Bùi Duy Hiển hy sinh, sĩ quan chiến sĩ của tàu vẫn bình tĩnh giữ được đảo Len Đao và cùng nhau đưa thương binh tử sĩ về đảo Sinh Tồn an toàn.


Tôi nhớ tới nụ cười rạng ngời của Anh hùng Vũ Huy Lễ, thuyền trưởng tàu HQ-505 và đồng đội sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng giữ bãi đá Cô Lin. Sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 bị các tàu Trung Quốc bắn pháo dữ dội, khiến tàu hỏng máy. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi Cô Lin thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma…
Ngày 14/3/1988, những người lính Việt Nam can trường đã bảo vệ được đảo Len Đao và đảo Cô Lin, quân Trung Quốc chỉ chiếm được đảo Gạc Ma. Gọi sự kiện xảy ra ngày 14/3/1988 là “hải chiến Gạc Ma” là không đúng, việc gọi như vậy dễ làm sai lệch nhận thức, hiểu biết của nhiều người về sự kiện ngày 14/3/1988.

Nói về ngày 14/3/1988, cần nói đầy đủ các diễn biến ở Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, và đặt trong tổng thể chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88). Đó là điều cần làm, để khơi dậy lòng tự hào, sự kính phục, sự tri ân với những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc, để chúng ta không có lỗi với các chiến sỹ đã hy sinh và đồng đội của họ.
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #485 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2015, 11:00:18 am »

http://www.giaoducvietnam.vn/Xa-hoi/Cuu-binh-Gac-Ma-Chung-toi-da-nhan-nhin-nhung-kien-cuong-no-sung-chien-dau-post156434.gd

Cựu binh Gạc Ma: Chúng tôi đã nhẫn nhịn nhưng kiên cường nổ súng chiến đấu

XUÂN HÒA 14/03/15 10:44

GDVN) - “Khi đó quân địch vừa đông hơn, hỏa lực mạnh gấp quân mình cả trăm lần nhưng chúng tôi cũng đã kiên cường chiến đấu để giữ vững lá cờ Tổ quốc thiêng liêng”
Chuyến thực hiện nhiệm vụ định mệnh

Kỷ niệm 27 năm trận hải chiến Gạc Ma ( 14/3/1988 – 14/3/2015) sáng 13/3, tại Công viên Biển Đông, bán đảo Cam Ranh, Khánh Hòa, Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma. Trận chiến 27 năm trước, 64 chiến sỹ Hải Quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để giữ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.


Trong những ngày kỷ niệm sự kiện bi hùng này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với trung sỹ Lê Hữu Thảo (SN 1965, quê xã Hương Thủy, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) là cựu binh lính Gạc Ma may mắn trở về trong trận hải chiến năm xưa. Trong ký ức trung sĩ Thảo vẫn chưa quên được ngày mà anh đã mất đi 64 đồng đội đó:

Cuối năm 1987, Trung Quốc đơn phương đưa tàu chiến hoạt động ở vùng biển Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Bộ Quốc phòng Việt Nam chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo Trường Sa, bao gồm việc củng cố, xây dựng thêm các hạng mục công trình chiến đấu, sinh hoạt cho bộ đội.

Sau Tết Nguyên đán năm 1988, các chiến sĩ Trung đoàn công binh 83 (Quân chủng Hải quân) nhận lệnh từ Sơn Trà (Đà Nẵng) vào Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng với lực lượng bảo vệ đảo của Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) ra Trường Sa cắm mốc chủ quyền và xây dựng đảo chìm ở Trường Sa theo chiến dịch CQ-88.

20 giờ ngày 11/3/1988, tàu 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ nhổ neo từ Cam Ranh chở theo lính công binh của Trung đoàn 83 và lực lượng giữ đảo của lữ đoàn 146 ra xây dựng cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn) - cách đất liền khoảng 500 km. Đảo chìm Gạc Ma lúc đó chỉ là những bãi san hô nổi lên giữa biển, có tên trong Bản đồ Việt Nam.

2 giờ sáng ngày 12/3, nhận thấy nhiều diễn biến bất thường, Tư lệnh quân chủng điều thêm tàu HQ 605 cùng HQ 604 tăng cường xây dựng đảo Gạc Ma và Len Đao. Tàu 505 đang làm nhiệm vụ trực tại Trường Sa nhận lệnh chuyển đến Cô Lin.

Sau hai ngày đêm, HQ 604 và HQ 605 có mặt tại Gạc Ma vào chiều tối 13/3. Đêm đó, Sở chỉ huy Quân chủng lệnh cho bộ phận giữ đảo quyết tâm phải giữ vững các mục tiêu đã xác định là Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma.

Kẻ thù hung bạo

Theo Trung sĩ Lê Hữu Thảo nhớ lại: Rạng sáng 14/3, ông cùng trung úy Nguyễn Mậu Phong, thiếu úy Trần Văn Phương, chiến sĩ Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc mang theo 2 khẩu AK xuống bãi đá ngầm san hô Gạc Ma cảnh giới và bảo vệ cho lực lượng công binh dựng cờ. Đến khoảng 6 giờ 30 tàu Trung Quốc thả xuồng máy chuyển từng tốp lính lên đảo Gạc Ma.

“Lúc đó tôi đếm thì tốp lính Trung Quốc có khoảng 50 người đều được trang bị súng AK. Riêng tên chỉ huy thân người cao to cầm khẩu súng ngắn chỉ đạo quân lính bao vây chúng tôi theo thế vòng cung. Rồi chúng siết chặt lại vòng vây cách nơi chúng tôi đứng canh gác chưa đầy 1m. Mặc dù, quân địch đông, áp đảo hẳn nhưng chúng tôi vẫn kiên cường bám trụ lại thành một vòng tròn xung quanh lá cờ Tổ quốc”, trung sĩ Thảo nhớ lại.

Các chiến sỹ Hải Quân và Công Binh của chúng ta kiên quyết giữ vững ngọn cờ nên đã giằng co với lính Trung Quốc. “Lúc đó hai bên không nổ sung nhưng quân Trung Quốc thì đông, anh em chúng tôi ít người nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lá cờ. Khi đó mọi người đang dựng cờ nên chỉ dùng cuốc, xẻng làm vật chống cự với quân địch lăm lăm lê trong tay. Sau một hồi giằng co quân Trung Quốc bị quật lại nên tên chỉ huy đã nổ súng chỉ thiên”, Trung sĩ Thảo hồi ức lại giây phút đó.

Sau tiếng súng chỉ thiên, viên sĩ quan chỉ huy lính Trung Quốc đã chĩa súng bắn vào bụng trung úy Phương. Chưa dừng lại khi thấy anh Phương quỵ xuống nhưng tay vẫn giữ chặt lá cờ tổ quốc một tên lính khác đã xông lên nhả thẳng đạn vào chiến sĩ này. Sự uy hiếp như vậy nhưng vì biển, đảo của tổ quốc binh nhất Nguyễn Văn Lanh vừa đỡ lá cờ trên tay trung úy Phương vừa đá văng khẩu súng trên tay tên sĩ quan Trung Quốc. Một tên lính Trung Quốc gần đó đã không ngần ngại cầm lưỡi lê đâm vào anh Lanh.  Anh Lanh gục xuống nhưng tay vẫn ghì chặt cán cờ.

Liền sau đó, tiếng đạn nổ chát chúa, lính Trung Quốc dùng AK bắn xối xả vào các chiến sĩ trên đảo. Cùng lúc, tàu chiến Trung Quốc nã pháo vào tàu HQ 604 tại Gạc Ma, tàu HQ 505 phía đảo Cô Lin cách đó 5 km và HQ 605 phía đảo Len Đao cách 12 km. Vì ở gần, HQ 604 hứng trọn làn đạn 12 ly 7.

Bị tấn công bất ngờ với hỏa lực mạnh gấp trăm lần nhưng thuyền tưởng tàu HQ 604 Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy chiến sĩ xuống các xuồng dùng súng chiến đấu tự vệ, vừa băng bó cho đồng đội bị thương. Thuyền trưởng Trừ đứng ở mũi tàu dùng AK và B40 đánh trả kẻ địch.

“Lúc đó cả quân số, cả hỏa lực quân Trung Quốc đều gấp trăm lần chúng tôi. Lúc đầu hai bên giao tranh bằng lê và cuốc, xẻng nhưng khi quân Trung Quốc nổ súng, chúng tôi cũng đã nổ súng chống trả. Trên tàu các chiến sĩ trong tư thế chiến đấu cũng đã nổ súng. Mặc cho quân Trung Quốc đông, hỏa lực mạnh, tàu lớn gấp nhiều lần nhưng các chiến sĩ trên tàu vẫn đã kiên cường bắn chống trả. Trước đó làm gì có lệnh nào cấm chúng tôi không được nổ súng. Ai đụng đến tính mạng đồng đội mình mà lại không phải chống trả hả anh. Nhưng hỏa lực mạnh, tàu lớn nên trong chốc lát tàu của chúng tôi đã bị hỏa lực quân Trung Quốc đánh chìm”, trung sĩ Thảo nhớ lại.

Tất cả diễn ra trong tích tắc nhưng với quân số và hỏa lực mạnh quân Trung Quốc đã thể hiện sự ngông cuồng của mình. Khi trời sáng rõ quân Trung Quốc mới rút khỏi đảo Gạc Ma. Lúc này Trung sĩ Thảo bơi ngược lại đảo tìm xác đồng đội và cấp cứu chiến sĩ bị thương. Chiếc xuồng vận tải bị đạn địch bắn thủng nên trung sĩ Thảo phải xé áo nhét lại để chèo chở thi thể trung úy Phương và thương binh Lanh về hướng tàu HQ 505.

Đến trưa 14/3, máy bay của Việt Nam bay trên bầu trời Gạc Ma. Anh Thảo vừa chèo xuồng nhích từng mét nước, vừa cứu thêm những đồng đội đang đuối sức trên biển. Đầu giờ chiều, xuồng của HQ 505 đến nơi ứng cứu đưa các chiến sĩ về tàu. Khi tàu về đến đảo Sinh Tồn, Binh nhất Lanh được chuyển bằng trực thăng vào đất liền cấp cứu và may mắn giữ được tính mạng.

Trận Hải chiến rạng sáng ngày 14/3 tại đảo Gạc Ma, 64 chiến sĩ trên tàu HQ 604 đã hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt giữ đưa về Quảng Đông. Từ năm 1988 đến nay, Trung Quốc đã xâm chiếm Gạc Ma, quân ta đã giữ vững được Cô Lin, Len Đao. Nỗi lòng của những người lính Gạc Ma năm xưa như trung sĩ Thảo vẫn chưa thể nào quên chuyến làm nhiệm vụ định mệnh và nỗi uất ức trước hành động ngang tang của quân Trung Quốc. 27 năm trung sĩ Thảo vẫn còn day dứt bởi nhiều đồng đội anh hy sinh trong trận hải chiến đó vẫn chưa tìm thấy thi hài.

Trung sĩ Gạc Ma Lê Hữu Thảo trong buổi lễ "Đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma" (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)





Trung sĩ Lê Hữu Thảo cùng con gái liệt sĩ Gạc Ma, Thiếu úy Trần Văn Phương tại buổi đặt viên đá xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (ảnh trên trang cá nhân nhân vật)


« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2015, 11:09:49 am gửi bởi vietkieu_cuuquocquan » Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #486 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2015, 11:19:09 am »






http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/744597/gac-ma---mai-trong-tim-moi-nguoi-dan-dat-viet
Gạc Ma - Mãi trong tim mỗi người dân đất Việt


Đã tròn 27 năm trôi qua (14.3.1988-14.3.2015) kể từ ngày diễn ra trận hải chiến trên đảo Gạc Ma, vĩnh viễn đưa 64 người con đất Việt trở thành những “linh hồn bất tử nơi đầu sóng”.

Hàng năm, cứ đến những ngày này, người dân Việt Nam trên khắp mọi miền lại khắc khoải tưởng nhớ các anh, những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc. Là một trong số ít phóng viên may mắn có mặt trong Lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến trên đảo Gạc Ma được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng năm 2013, được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với những nhân vật lịch sử, những người thân của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến mà “tiếng súng chỉ nổ từ một phía”, chúng tôi đã có được những tư liệu vô cùng quý giá, và cả những kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo...


Mãi ngóng trông con...
Đầu tháng 3-2013, nhóm PV ban Phóng sự - Điều tra nhận một nhiệm vụ “đặc biệt” từ Ban Biên tập: Bay gấp vào Đà Nẵng để thực hiện loạt bài tuyên truyền nhân Lễ kỷ niệm 25 năm trận hải chiến trên đảo Gạc Ma. Không những thế, chúng tôi còn có thêm nhiệm vụ đặc biệt: Trao số tiền 45 triệu đồng của báo Hànộimới đến thân nhân gia đình 9 liệt sĩ của thành phố biển Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến. Trong suốt những ngày làm việc ở Đà Nẵng, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều thân nhân, bạn bè, đồng đội của các liệt sĩ, nhưng có lẽ hình ảnh và câu chuyện của mẹ Lê Thị Muộn - thân sinh liệt sĩ Phan Văn Sự và ông Lê Văn Xuân - cha liệt sĩ Lê Văn Xanh để lại trong chúng tôi những ấn tượng mạnh mẽ về nỗi nhớ thương khôn nguôi và tình yêu vô bờ bến dành cho những đứa con mãi mãi nằm lại dưới lòng biển cả.

Mẹ Lê Thị Muộn năm nay đã ngoài 80 tuổi, tóc đã bạc trắng, làn da đã chi chít vết đồi mồi, duy chỉ có khuôn mặt vẫn in dấu một thời xuân sắc. Trò chuyện với chúng tôi, ký ức của mẹ về đứa con thân yêu, liệt sĩ Phan Văn Sự vẫn nguyên vẹn như thuở nào. Anh Sự là con trai áp út trong số 8 người con gồm 5 gái, 3 trai của mẹ. Tháng 2- 1987, khi vừa tròn 18 tuổi, anh Sự tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự, nối bước anh trai, lên đường làm nghĩa vụ tại Trung đoàn 83 công binh, Quân chủng hải quân, đóng tại bán đảo Sơn Trà. Vốn tính chăm chỉ, mỗi dịp cuối tuần được đơn vị cho về thăm nhà, anh lại giành thời gian giúp mẹ làm đủ việc. Tết năm 1988, trong một lần về thăm nhà, anh Sự khoe sắp tới Trung đoàn sẽ tổ chức cho anh em đi xây đảo tại Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma, tuy chỉ là lính trông kho, nhưng anh xung phong đi xây đảo cùng đồng đội và được cấp trên chấp thuận. Thấy con hào hứng khi lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ, lòng mẹ Muộn cũng vui lây. Mẹ đâu có ngờ, lần đó anh đi rồi vĩnh viễn không bao giờ về nữa... Đầu tháng 3-1988, chồng mẹ Muộn trở bệnh đau nặng, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Sau 9 ngày nằm viện, sức khỏe của ông hồi phục dần. Sáng ngày 14-3-1988, qua làn sóng phát thanh, bản tin về trận hải chiến ở Gạc Ma và danh sách các chiến sĩ hải quân hy sinh và mất tích có tên anh Phan Văn Sự khiến mẹ ngất xỉu. Vết mổ tưởng như sắp lành của chồng mẹ cũng bỗng nhiên bục máu, ông ra đi theo con trai vào lúc 17h chiều ngày 14-3-1988. Chỉ một ngày hai vành khăn trắng chồng lên nhau, mẹ Muộn tưởng chừng không sống nổi. Sau ngày anh Sự mất, gia đình nhận được giấy báo tử và chiếc áo lính hải quân - kỷ vật duy nhất anh để lại. Nhớ thương con, mẹ lần hồi dỡ chiếc áo lính, cặm cụi may lại thành chiếc áo cánh khoác trên người. Suốt 25 năm, đêm nào mẹ cũng đặt áo dưới gối ngủ, hễ có việc rời khỏi nhà, mẹ đều mang chiếc áo theo người. “Thằng Sự mất khi tuổi đời còn quá trẻ, mẹ mang áo để thấy nó luôn bên mẹ...” - khóe mắt mẹ Muộn rưng rưng, tựa như anh đang ở đâu đây, rất gần bên mẹ.

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ sau nỗi đau mất con, ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh vẫn nhớ như in giấc mơ kỳ lạ đúng vào ngày ông nhận được tin dữ. “Chắc thằng Xanh bị chết oan uổng quá, linh hồn nó linh thiêng nên báo mộng cho tôi...” ông lặng lẽ nói trong nước mắt. Ông Xuân kể, đêm 13, rạng sáng ngày 14/3/1988, đang nằm ngủ dưới ghe đánh cá trên sông Hàn, ông chợt thấy anh Xanh hiện về trong mơ, quần áo bê bết máu. Anh nhìn cha như cầu cứu: “Cha ơi, chúng nó bắn tụi con rồi!..”. Linh tính có chuyện chẳng lành, ông định lao thẳng về nhà báo tin cho vợ thì nhận được tin dữ trên radio. “Bà nhà tôi ngất lên ngất xuống vì thương xót con, mình phận đàn ông phải cố nuốt nước mắt vào trong lập bàn thờ cho con. Đau xót lắm chứ. Nhưng con tôi hy sinh vì nhiệm vụ, vì tổ quốc, gia đình tôi rất đỗi tự hào” - ông Xuân tâm sự. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương, một chiếc yếm quân phục hải quân bạc màu, sờn rách vì ngấm muối mặn biển đảo được gấp phẳng phiu, nằm ngay ngắn trước di ảnh liệt sĩ Lê Văn Xanh – anh chiến sĩ trẻ măng có khuôn mặt rất điển trai với đôi mắt sáng và khoé miệng lúc nào cũng như cười. Với ông Xuân, chiếc áo lính không chỉ là kỷ vật thiêng liêng, mà còn như chính một phần máu mủ của ông đang hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ...

Tổ quốc mãi nhớ tên anh...
Nhắc đến trận hải chiến trên đảo chìm Gạc Ma huyền thoại, người ta không thể không nhắc đến những cái tên: Vũ Phi Trừ, Trần Đức Thông, Trần Văn Phương, Vũ Huy Lễ, Nguyễn Văn Lanh, Lê Hữu Thảo... Họ đã trở thành những cái tên đi vào lịch sử, được ghi danh trong bảng vàng của Hải quân Việt Nam. Có người đã vĩnh viễn nằm xuống, có người may mắn trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người trong số những cựu binh Gạc Ma đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời về vật chất của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân... như một sự tri ân những người đã có công với đất nước. Nguyễn Văn Lanh - người lính hải quân có vóc dáng nhỏ thó hơn 20 năm trước đã trở thành một phần của lịch sử khi dũng cảm dùng tay không chiến đấu với kẻ địch, bảo vệ lá cờ tổ quốc trên đảo Gạc Ma thiêng liêng, để rồi chính thức được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND khi mới tròn 23 tuổi.

Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh (trái) và cựu binh Lê Hữu Thảo gặp lại nhau sau 25 năm.




Tháng 2 - 2015, một tin vui đến với cựu binh Lê Hữu Thảo khi anh chính thức sở hữu một căn nhà tại phường Thạch Linh, T.P Hà Tĩnh, chấm dứt những tháng ngày thuê trọ long đong. Lê Hữu Thảo là tiểu đội trưởng của một trong hai trung đội chiến đấu được Lữ đoàn 146 gấp rút thành lập trước khi tàu HQ - 604 được lệnh rời Cam Ranh lên đường bảo vệ Gạc Ma đầu tháng 3 - 1988. Trong trận hải chiến lịch sử rạng sáng ngày 14-3-1988, anh Thảo cùng Đậu Xuân Tư, Hoàng Trọng Chúc... được giao xuống bãi đá ngầm san hô, cảnh giới cho lực lượng công binh dựng cờ. Ngay sau khi Gạc Ma vừa im tiếng súng, chính anh đã tham gia cùng nhiều đồng đội còn sống cố hết sức cứu sống AHLLVT Nguyễn Văn Lanh và tham gia tìm xác những người hy sinh đưa về đảo Sinh Tồn Lớn... Sau nhiều năm chật vật mưu sinh, sống tạm bợ trong nhà trọ, Nhịp Cầu Hoàng Sa - một chương trình do một nhóm các nhà báo khởi xướng, đã giúp anh tổng số tiền trên 400 triệu đồng để mua đất, xây nhà ở khang trang. Ngoài ra, anh Thảo còn nhận được rất nhiều sự hỗ trợ trực tiếp từ các bạn bè, cơ quan... trên cả nước.

Trước đó, năm 2005, đồng đội cũ của của liệt sĩ Lê Xuân Xanh ở Quân chủng Hải quân cũng quyên góp số tiền 30 triệu đồng giúp gia đình ông Xuân - cha đẻ liệt sĩ Xanh, xây được căn nhà hai tầng khang trang tại số 45 đường Nguyễn Thành Ý (quận Hải Châu, Đà Nẵng). “Có lẽ Xuân mất khi còn trẻ nên linh hồn nó phù hộ cho gia đình tôi. Giờ thì mưa gió chẳng còn lo chi nữa rồi...” - ông Xuân chia sẻ.

Sau này, mỗi lần có dịp ra Trường Sa, khi làm Lễ thả hoa tưởng niệm 64 người con anh hùng của đất Việt đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi không ai cầm được nước mắt. Tất thảy đều đau đau nhìn về phía Gạc Ma. Dưới mỗi con sóng bạc đầu kia, đâu là hình hài, xương cốt của các anh?

Các anh đã hóa thành những linh hồn bất tử để Tổ quốc trường tồn…
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #487 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2015, 06:20:48 pm »

http://www.vietnamplus.vn/27-nam-hai-chien-gac-ma-gan-500-cuu-chien-binh-truong-sa-hoi-ngo/312118.vnp

27 năm hải chiến Gạc Ma, gần 500 cựu chiến binh Trường Sa hội ngộ

Tròn 27 năm sau ngày hải chiến Gạc Ma (14/3/1988-14/3/2015), gần 500 cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Trường Sa trên khắp cả nước đã có buổi gặp mặt đầy xúc động tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên vào chiều 14/3, do Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sa tổ chức.

Tại cuộc gặp gỡ cảm động này, các cựu chiến binh đã hát cho nhau nghe những bài hát về Trường Sa, về biển và về những năm tháng hào hùng của dân tộc… Những câu chuyện về đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa cũng được các anh kể lại với tình cảm sâu sắc và chứa chan xúc động.

Anh Lê Thế Sơn (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) - một người lính từng chiến đấu tại đảo Gạc Ma rưng rưng tâm sự: “Đã 30 năm sau ngày nhập ngũ (tháng 2/1985) tôi mới có dịp gặp lại nhiều anh em đồng đội như thế này. Những hình ảnh về những ngày chiến đấu tại Gạc Ma lại ùa về.

Về Phú Yên, đến thắp hương cho Thịnh, cho Dư (liệt sỹ Trương Tấn Thịnh và liệt sỹ Phan Tấn Dư, là 2 trong số 64 liệt sỹ đã ngã xuống trong trận chiến đảo Gạc Ma) tôi lại nhớ tụi nó, nhớ từng nét mặt…!.”

Nói về những ngày sống, chiến đấu tại Gạc Ma, anh Trần Văn Hùng, (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) nghẹn lời: “Dù có bao nhiêu đi nữa tôi vẫn không quên những gì xảy ra ở Gạc Ma năm 1988. Mỗi lần nghĩ đến, tim tôi như thắt lại, rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm lại ở vùng biển này. Họ đều còn rất trẻ, có người còn chưa có người yêu.”

Thiếu úy Trần Thị Thủy (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), con gái của liệt sỹ Trần Văn Phương - chiến sỹ Gạc Ma ngã xuống, tay vẫn giữ cờ Tổ quốc xúc động chia sẻ: “Về đây được nghe các bác, các chú kể chuyện về những ngày chiến đấu tại Trường Sa, về sự hy sinh của cha mình, tôi rất xúc động. Ước gì ba tôi được trở về cùng vui với những đồng đội trong ngày hôm nay.”

Trong ngày gặp mặt này, với anh Sơn, anh Hùng, chị Thủy… nỗi nhớ đảo, nhớ đồng đội, nhớ cha khiến họ có chung một ao ước được đến Trường Sa. Nỗi lòng của họ cũng là nỗi lòng chung của những người dân Việt Nam luôn hướng về Trường Sa, đau đáu nhớ về những người lính Trường Sa năm xưa...

Buổi gặp mặt kết thúc, những bó hoa tươi thắm, những cái bắt tay thật chặt được đồng đội trao cho nhau. Trước khi ra về, những người lính Trường Sa năm xưa lại cùng nhau hát vang bài ca “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sỹ Huỳnh Phước Long - “Vẫn thấy anh đang giữa sóng cồn giữ đảo. Đảo quê hương canh giữ đêm ngày giữa biển khơi...”./.

Lễ tưởng niệm, tri ân 64 cán bộ, chiến sỹ đã anh dũng hy sinh trong trận hải chiến ngày 14/3/1988 để bảo vệ đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam) bị tàu hải quân Trung Quốc tấn công. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)





Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
vietkieu_cuuquocquan
Thành viên
*
Bài viết: 332



« Trả lời #488 vào lúc: 15 Tháng Ba, 2015, 06:24:38 pm »

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20150315/nhan-chung-gac-ma-trung-phung-xuc-dong/720593.html

Nhân chứng Gạc Ma trùng phùng xúc động

TT - Chiều tối 14-3, gần 500 chiến sĩ Trường Sa ở các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận đã có mặt tại TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) trong cuộc gặp mặt xúc động.

Buổi gặp nhằm kỷ niệm 27 năm sự kiện Gạc Ma, do ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức.

“Tôi công tác ở xa, đã hàng chục năm không gặp các đồng đội nên rất bồn chồn mong sớm gặp lại anh em một thời sinh tử” - thiếu tá Nguyễn Văn Lanh chia sẻ khi đến điểm gặp mặt từ rất sớm. Ông hiện đang công tác ở phòng hậu cần hành chính Bộ tham mưu hải quân tại TP.HCM.

Người cầm cờ ở Gạc Ma

Khi các cựu chiến binh Trường Sa trên chiếc xe biển số Bình Định vừa bước xuống, ông Lanh đã kịp nhận ra đồng đội và gọi lớn: “Thoa! Thoa phải không?”. Rồi ông Lanh chạy lại, ôm chầm lấy một người đàn ông trung niên, đó là ông Lê Minh Thoa, phụ trách máy 1 của con tàu HQ-604 lịch sử.



Ông Lanh cũng vô cùng ngạc nhiên khi ngay sau đó đã gặp lại đồng đội cùng sinh tử với mình trong sáng sớm 14-3-1988 tại Gạc Ma là ông Lê Hữu Thảo (Hà Tĩnh).

Gặp nhau, thoáng chốc câu chuyện Gạc Ma trở lại sinh động và hào hùng ngay trong câu chuyện của họ.

Ông Lanh kể khi đang cùng đồng đội vận chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 vào đảo Gạc Ma thì thấy quân Trung Quốc bao vây, tấn công hải quân ta trên đảo, ông dùng hết sức bơi nhanh vào. Khi lên đảo, thấy chiến sĩ cầm cờ bị trúng đạn địch, ông Lanh đã cầm lấy, đứng vững làm trụ cho ngọn cờ Tổ quốc tiếp tục tung bay. Không giành được lá cờ từ ông Lanh, quân Trung Quốc đã dùng lưỡi lê đâm vào vai phải ông, rồi dùng súng bắn sạt qua lưng của người chiến sĩ công binh E83 này.

Còn ông Thoa bị Trung Quốc bắn bị thương ở chân, bắt đưa về giam ở Quảng Châu, đến tháng 11-1991 mới được thả.

Tâm sự với các đồng đội cũng như khi được mời lên phát biểu, ông Nguyễn Văn Lanh nói: “Tôi nhớ mãi câu nói của anh hùng Trần Văn Phương: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng hải quân anh hùng”.

"Tôi mong tất cả chúng ta, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hãy luôn giữ vững tinh thần Gạc Ma là quyết tử để bảo vệ Tổ quốc và truyền lại cho đồng đội, cho thế hệ sau để giữ vững sự vẹn toàn lãnh thổ, giữ bình yên cho biển đảo Tổ quốc” - ông Lanh nói.

Nhiều anh em còn khó khăn quá

Các cựu chiến binh Trường Sa đã đứng cả dậy, im lặng nhưng trong mắt họ dường như có lửa khi xem lại những hình ảnh tàu Trung Quốc nã đạn vào con tàu HQ-604, bắt và hành hạ các chiến sĩ hải quân Việt Nam trong phóng sự được chiếu tại cuộc gặp mặt.

Ông Đào Thái Thi - trưởng ban liên lạc Hội cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên - nói với các đồng đội rằng cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền của chiến sĩ hải quân Việt Nam ngày 14-3-1988 là bằng chứng hùng hồn cho tinh thần chiến đấu anh dũng kiên cường để thế hệ hôm nay và mai sau quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông kể về sự hi sinh tại Gạc Ma của hai chiến sĩ người Phú Yên là Phan Tấn Dư và Trương Quang Thịnh. “Cuộc sống của gia đình hai liệt sĩ còn nhiều khó khăn, nên những năm qua anh em cựu binh Trường Sa Phú Yên luôn cố gắng đóng góp để hằng năm tổ chức đám giỗ cho hai anh, hỗ trợ phần nào để người thân của các anh vượt qua khó khăn. Không riêng gia đình hai liệt sĩ, mà nhiều anh em cựu binh sau khi trở về từ Trường Sa vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy chúng tôi trân trọng kêu gọi chúng ta, những ai có điều kiện, hãy cố gắng để có thể lập một quỹ hỗ trợ các cựu binh Trường Sa khó khăn” - ông Thi đề xuất sau khi đã trao bảy suất quà cho gia đình hai liệt sĩ, các thương binh và cựu chiến binh Trường Sa gặp khó khăn.

Làm gì để giữ vững hòa bình trên biển Đông?

Mọi người Việt Nam đều xúc động và ủng hộ một việc làm đáng lẽ phải làm từ lâu rồi là xây dựng đài tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh cách đây 27 năm khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tuy nhiên, điều người dân hôm nay hết sức quan tâm là tình hình Gạc Ma hiện nay như thế nào. Dư luận trong nước, ngoài nước đều rất lo ngại về những hoạt động của Trung Quốc tại đây và nhiều đảo khác. Liệu sự kiện Gạc Ma còn tái diễn hay không? Nhân dân ta cùng cộng đồng quốc tế cần làm gì để giữ vững hòa bình, an ninh, ổn định trên biển Đông và khu vực?



Các cựu chiến binh Gạc Ma (từ trái sang): Lê Hữu Thảo, Nguyễn Văn Lanh, Lê Minh Thoa vui mừng gặp nhau và chia sẻ với đồng đội - thương binh Nguyễn Văn Dũng (bìa phải) - Ảnh: Duy Thanh

PHONG LAN




Nhớ ngày 14-3

Tôi nhớ đến ngày 14-3, không phải chỉ vì là ngày sinh nhật của tôi mà là nhớ đến ngày bi hùng thế kỷ 20 của lịch sử Việt Nam. Ngày ấy năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm hòn đảo Gạc Ma do Quân đội nhân dân Việt Nam trấn giữ và 64 chiến sĩ đã hi sinh. Ngoài đá Gạc Ma còn các đá Chữ Thập, Châu Viên, Gaven, Tư Nghĩa, Su Bi cũng bị Trung Quốc cưỡng chiếm.

Là một nhà sử học rất khách quan tìm ra sự thật lịch sử, song còn là một công dân Việt Nam khi biết rõ sự thật lịch sử, tôi không ngăn được những cảm xúc. Tôi mong các nhà sử học Việt Nam cũng như các nhà sử học trên thế giới, kể cả các nhà sử học chân chính Trung Quốc, chia sẻ với tôi: “Cái gì của César hãy trả lại cho César”.

HÃN NGUYÊN NGUYỄN NHÃ
(tiến sĩ sử học)
Logged

ngày căm thù 21 tháng 3 năm 1946
Wehrmacht1
Thành viên
*
Bài viết: 96


« Trả lời #489 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2015, 08:15:15 am »

Trước giờ từ hồi ra clip 2009 em vẫn tin là clip thật và quân ta có đánh trả (nguồn TQ: 6 chếc + 18 thương). Có cái ảnh thuyền nhôm TQ trong clip trước mũi HQ-604 bị ta đánh trả ấy http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php/topic,1056.msg230027.html#msg230027

 Có số mobil chú Thảo trên fb chú ấy đăng ở đây, bác nào quen chú Thảo hú chú ấy câu hỏi về cái thuyền nhôm ấy xem. Cool


Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM