Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 11:00:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bảo vệ Trường Sa 14/3/88  (Đọc 478650 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ivanhoe1234
Thành viên
*
Bài viết: 19


« vào lúc: 08 Tháng Giêng, 2008, 12:26:16 pm »

Anh hùng Trường Sa
17:13:00, 02/01/2008
 
 
 
Mở những trang sách về lịch sử hải quân Việt Nam, đọc những dòng tiểu sử để biết về một trong số những người lính giữ đảo Gạc Ma năm 1988 đã được phong anh hùng, tôi mới biết thêm về Nguyễn Văn Lanh, một “Paven” trên Trường Sa.

Gót chân tiên

Nguyễn Văn Lanh sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo đông con, một hoàn cảnh điển hình của nhiều gia đình miền Trung nên học đến lớp 7/10, anh đã phải nghỉ học để ở nhà làm ruộng giúp cho kinh tế của gia đình. Tháng 8.1985, Lanh nhập ngũ và sau thời gian huấn luyện, anh về công tác tại Trung đoàn 83 công binh hải quân.

Kỷ niệm ở Trường Sa với Nguyễn Văn Lanh có lẽ là những ngày ở trên boom tại các đảo chìm. Phần lớn thời gian sống và chiến đấu ở quần đảo Trường Sa trong ký ức của anh bây giờ gắn với những kỷ niệm trên boom đó.


Hải quân VN bảo vệ vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Ảnh: Tấn Tú
Cũng có được lên đảo đá Sinh Tồn, để rồi Nguyễn Văn Lanh có hai kỷ niệm không bao giờ quên. Kỷ niệm thứ nhất là một lần được lên đảo để xem văn công. Với những người lính ở ngoài biển ngày đêm chỉ có trời và nước rồi nhìn nhau, thêm nữa đa số họ lại là những người dân quê nghèo, khái niệm văn công lúc nào cũng là những hình ảnh đầy ấn tượng, không chỉ đơn giản là những cô gái biết hát và múa, có lẽ họ là những cô tiên! Nguyễn Văn Lanh vẫn hơi ngượng nghịu khi kể cho tôi nghe rằng anh và một vài cậu bạn lính trẻ khác đã hồi hộp ngắm một cô ca sĩ trong đoàn văn công lên đảo Sinh Tồn năm ấy, để rồi khi cô gái ấy bước qua bãi cát, các anh đã lấy san hô, rào cái vết gót chân con gái in hằn trên cát lại. Dẫu chỉ giữ được gót chân trên cát ấy không quá 2 ngày vì gió, vì sóng theo thủy triều lên nhưng sự nâng niu ấy vẫn còn mãi trong lòng những người lính trẻ năm ấy đến tận bây giờ.

Những lá thư tình và 1 tháng... rửa bát

Quần đảo Trường Sa nằm về phía Đông Nam của biển Đông, gồm trên 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm. Có một số đảo nổi cố định, có đất, có nước ngọt có thể trồng được cây. Nhưng cũng có nhiều đảo nằm dưới mặt nước biển, chỉ khi triều xuống mới nhô lên khỏi mặt nước. Những năm cuối của thập kỷ 1980, những người lính đóng quân ở đảo chìm nơi đây thường là trên những chiếc boom nổi dập dềnh trên mặt nước. Ở trên đó có chừng một tiểu đội, họ sống, tập luyện và canh giữ phần đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Chiến sĩ hải quân đón xuân trên đảo trường Sa - Ảnh: Trần Thăng
Nguyễn Văn Lanh cùng đồng đội của mình cũng sống trên chiếc boom như thế. Anh kể lại, thời gian đầu, cảm giác lắc thường xuyên của chiếc boom cũng làm mọi người khó chịu lắm, nhưng riết rồi cũng quen. Sinh ra ở Quảng Bình, nhưng ở vùng rừng, có sông mà không có biển, biết bơi như rái cá từ khi còn nhỏ mà vẫn thấy ngợp trước cái mênh mông của biển cả, mênh mông và vắng lặng có khi cả tuần lễ không bóng một chiếc tàu ngang qua. Niềm vui của lính đảo chìm là việc mong thư người nhà, nhất là thư người yêu. Đang tuổi hẹn hò, nhưng lại sống với chỉ có nhau ở nơi xa xôi thiếu thốn và khó khăn đủ bề, họ hoàn toàn trông cậy vào những hơi ấm hiếm hoi từ đất liền gửi ra. Ai mà nhận được thư người yêu, sẽ phải rửa bát cả tháng trời, thư người nhà là 1 tuần lễ. “Người yêu” đôi khi chỉ là một cô gái nào đó thương mến các anh lính đảo xa, viết những bức thư như chút tình thân của đất liền cho đảo. Có người lính không biết chữ, những người lính còn đùa bằng cách đọc cho anh nghe một lá thư khác mà thay tên anh vào để anh phải rửa bát cả tháng trời. Anh biết bị bạn giỡn nhưng vẫn tình nguyện và vui vẻ rửa bát và họ đã vui đã sống bằng những niềm vui tưởng như đơn giản ấy.

Nguyễn Văn Lanh kể rằng có những lá thư được đọc thuộc không chỉ câu chữ mà từng dấu chấm, dấu phẩy để rồi họ đố nhau khi ngồi người đọc thuộc người soát lỗi. Ai đã từng là học sinh những năm 1980 và 1990 chắc hẳn vẫn còn nhớ những phong trào phát động học sinh sinh viên viết thư cho các chiến sĩ Trường Sa và Hoàng Sa. Hay mục kết bạn trên báo Tiền Phong ngày đó, những người lính đảo bao giờ cũng tha thiết, "mong nhận được thư của các bạn trẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc, chia sẻ với chúng tôi những niềm vui mang hơi ấm đất liền!". Tôi cũng như nhiều bạn nữ trẻ, cũng viết những lá thư gửi chung cho các anh, cũng đã nhận được nhiều những bức thư viết chung, nét chữ đẹp, nắn nót bởi chắc các anh đã phải chọn người chữ đẹp nhất viết cho những người ở đất liền như một sự trân trọng.

Người ở đảo không ăn thịt vích


Đại tướng Lê Văn Dũng thăm chiến sĩ đảo Đá Tây, Trường Sa, Khánh Hòa. Ảnh: Anh Phan
Những bữa ăn trên boom cũng có sự cực khổ riêng. Thường là cơm và thịt hộp. Cá là nhiều nhất. Cá nhiều đến mức cứ câu lên lại thả xuống. "Chỉ để cho vui" - Lanh nhắc đi nhắc lại với tôi câu đó. Cá bắt lên thường luộc, ngồi nhậu suông giữa biển và trời. Ăn hoài ngán đến mức ăn không nổi. Thèm rau như thể thèm một cái gì đó quá hoang đường. Đảo chìm, lấy đâu ra đất mà trồng rau? Những người lính trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, khi mới ra đảo thậm chí họ còn bị phù vì thiếu chất, cá và thịt hộp không đủ chất cho những cơ thể khỏe mạnh. Mỗi ngày tiêu chuẩn cao nhất là 1 lít rưỡi nước cho một người, vì vậy đánh răng rửa mặt là dùng nước biển.

 Biển cả cũng chứa trong lòng nó những nguy hiểm khôn lường. Các anh sợ nhất là những con ốc ở dưới cát, há miệng để ăn và thở, nếu vô tình giẫm phải, chúng khép miệng lại thì thật là một tai họa. Họ đã sống một cuộc sống như thế với niềm an ủi tinh thần là những lá thư, những thức ăn duy nhất là cơm, thịt hộp và cá từ biển. Chiếc máy truyền tin về đất liền chạy bằng sức người, Lanh mô tả là cái máy 15W "tịch tịch tịch tè" phải đạp khoảng 20 phút mới có sóng. Điều gì giúp các anh vượt qua được những gian khổ đó? Lanh bảo: "Là sự xác định ý chí ngay từ khi nhập ngũ cũng như khi tập luyện thôi. Anh lúc nào cũng nghĩ mình đang ở đây, đang giữ mảnh đất thiêng liêng của cha ông, và mình còn trẻ, mình sẽ vượt qua". Kỷ luật quân đội là nghiêm khắc, nên có đồng đội của Lanh đã bị kỷ luật vì có con vích bò lên đẻ trứng trên cát mà không phát hiện ra. Con vích nặng hàng tạ nếu lên bờ trong phiên gác của người lính nào mà không thấy thì người nhái do thám của giặc cũng có thể lên mà không biết. Người lính đảo không ăn thịt vích bao giờ.  Bắt được vích chỉ đùa nghịch một chút, có thể trêu các chú lính mới khi đố họ luộc chín được những quả trứng vích, bởi không bao giờ chín được. Chỉ có thể đập ra rán mới chín mà thôi.

Trận chiến giữ cờ và giữ đảo

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh sinh năm 1966 tại Vạn Ninh, Lệ Ninh, Quảng Bình. Anh nhập ngũ tháng 8.1985. Trong trận chiến ngày 14.3.1988, Nguyễn Văn Lanh đã anh dũng bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma trước mũi súng của quân địch. Anh đã bị thương, ngất đi cho đến khi được đồng đội đến cứu. Khi được phong anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Nguyễn Văn Lanh là trung sĩ, Tiểu đội trưởng công binh thuộc Đại đội 9, Tiểu đoàn 887, Trung đoàn 83 công binh hải quân.
 
Ngày 25.2.1988, đơn vị của Lanh nhận nhiệm vụ phòng thủ Trường Sa và đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong sự kiện 14.3.1988. Lịch sử của lực lượng hải quân chép về sự kiện này và Nguyễn Văn Lanh như sau: "Sáng ngày 14.3.1988, đồng chí Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tàu HQ 604 lên đảo thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi thì bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ". Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ đã hy sinh.

Nguyễn Văn Lanh đã xông đến, bảo vệ cờ, mặt giáp mặt với kẻ thù, đồng chí vẫn bình tĩnh dũng cảm và kiên cường đấu tranh với địch. Khi địch tiến đến giằng cờ, Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lại, đôi bên giằng co, địch nhổ xà beng đánh, Lanh né người tránh được. Địch dùng lê đâm, đồng chí tránh nhưng bị sạt qua bả vai. Khi thấy tên sĩ quan địch dùng súng ngắn định bắn, bằng một động tác bất ngờ, Nguyễn Văn Lanh đánh bật khẩu súng trong tay hắn. Địch bên ngoài điên cuồng nổ súng, đồng chí bị thương vào bả vai. Một tên xông tới dí lưỡi lê vào bụng Lanh hăm dọa, bắt hạ cờ. Đồng chí kiên quyết gạt lê ra thì tên địch nổ súng, đạn xuyên qua bả vai trái làm đồng chí mất đà, ngã nhào xuống nước. Đồng đội đã vào tiếp cứu và tiếp tục giương cao cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của ta trước mặt kẻ thù.

Khi địch rút ra xa, Nguyễn Văn Lanh được đồng đội tìm kiếm và đưa ra tàu HQ 505 cấp cứu, sau đó được đưa về tuyến sau điều trị. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, đồng chí Nguyễn Văn Lanh đã được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Lanh đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên quyết chiến đấu mặt giáp mặt với kẻ thù và đã chiến thắng, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma.

Đồng chí Nguyễn Văn Lanh được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng nhất, 3 bằng khen và giấy khen. Ngày 13.12.1989, đồng chí Nguyễn Văn Lanh đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Cuộc sống

Và kỷ niệm thứ hai với đảo Sinh Tồn sau kỷ niệm dịu dàng lấy san hô rào vết gót chân con gái kia chính là khi anh bị thương nặng, chuyển về đảo Sinh Tồn, được mổ sơ cứu ở đó rồi theo tàu về bán đảo Cam Ranh để máy bay chở về đất liền vào bệnh viện 175. Chỉ có 2 lần đó trong cuộc đời binh nghiệp ở quần đảo Trường Sa, Nguyễn Văn Lanh được đặt chân lên đất đảo nổi. Cũng từ đó, anh chưa bao giờ có dịp ra biển đảo ngày xưa, chưa có dịp quay lại Gạc Ma hay Sinh Tồn, cũng đã phải quên cái gót chân "tiên" cứ ám ảnh trong đầu người lính đảo xưa kia.

Sau gần 4 năm trời nằm hết bệnh viện quân đội này đến bệnh việc khác 175 rồi 108 rồi 103, Nguyễn Văn Lanh cũng đã có thể ngồi dậy, đã có thể đi lại nhưng sức khỏe chỉ còn lại quá ít. Tỷ lệ thương tật trên 70% đã khiến cho "Paven" Nguyễn Văn Lanh chỉ có thể làm được những việc nhẹ. Anh yếu sức và bất cứ khi nào cũng có thể phải đến viện điều trị. Hỏi anh nhớ gì về những kỷ niệm cũ, bao giờ Nguyễn Văn Lanh cũng nhắc tới những người bạn lính đảo cũ, có nhiều người đã hy sinh để giữ đảo. Thế nên đã gần 20 năm trôi qua sau sự kiện 14.3.1988, Nguyễn Văn Lanh vẫn ở trong quân ngũ nhưng làm nhiều công việc khác nhau. Có lúc anh đã là bảo vệ cho một xí nghiệp may, rồi hiện tại về công tác tại Ban Doanh trại của Bộ Tư lệnh hải quân - Quân đội Nhân dân Việt Nam. 

Đến Bộ Tư lệnh hải quân đúng vào ngày anh vừa được phong quân hàm đại úy, gương mặt xương xương, vóc dáng mảnh khảnh, thật khó mà hình dung con người này đã giữ chặt lá cờ Tổ quốc vào ngày 14.3, bị địch dùng lưỡi lê đâm nhiều nhát lên bả vai trái, trôi trên biển và đã ngất đi trong 3 tháng trời, nằm viện 3 năm rưỡi. Để bây giờ mỗi khi trái gió trở trời, cánh tay bị thương lại trở bệnh, tê liệt anh lại không thể tự đi xe máy, lại phải gặp bác sĩ, lại là một bệnh binh...

Lê Thị Thái Hòa

http://www2.thanhnien.com.vn/TNTS/2008/1/2/221240.tno
Logged
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Hai, 2008, 08:01:35 pm »

Nguyễn Văn Lanh xứng đáng anh hùng!

Mấy đ/c viết sử hay nhà báo cứ lằng nhằng không chịu nói rõ là Mất Gạc Ma là đảo NVL bảo vệ cờ!

Lại ghi rằng "Khi địch rút ra xa..." làm người đọc chắc mẩm là ta giữ được thật!
« Sửa lần cuối: 04 Tháng Hai, 2008, 08:03:52 pm gửi bởi tuaans » Logged
anhlinhcuHo
Thành viên
*
Bài viết: 63


« Trả lời #2 vào lúc: 05 Tháng Hai, 2008, 01:29:15 pm »

Trích dẫn
Mấy đ/c viết sử hay nhà báo cứ lằng nhằng không chịu nói rõ là Mất Gạc Ma là đảo NVL bảo vệ cờ!

Lại ghi rằng "Khi địch rút ra xa..." làm người đọc chắc mẩm là ta giữ được thật!
thì chính trị khác lịch sử mà bác, trong chính trị nếu nói thật tức là tự phản bội mình :|
Logged
pntoan2007
Thành viên

Bài viết: 3

XYZT


« Trả lời #3 vào lúc: 09 Tháng Hai, 2008, 06:20:59 pm »

Nguyễn Văn Lanh xứng đáng anh hùng!

Mấy đ/c viết sử hay nhà báo cứ lằng nhằng không chịu nói rõ là Mất Gạc Ma là đảo NVL bảo vệ cờ!

Lại ghi rằng "Khi địch rút ra xa..." làm người đọc chắc mẩm là ta giữ được thật!
Phải thông cảm cho các đồng chí viết báo, viết sử. Họ mà viết rõ quá thì lại khiến người đọc đau xót, từ đó sinh ra bất bình, làm ảnh hưởng đến "mối quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước".
Logged

///
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2008, 04:13:04 pm »

Các Anh hùng LLVTND trong sự kiện CQ-88


Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương

Trần Văn Phương sinh năm 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 3 năm 1983. Khi hy sinh đồng chí là thiếu úy, phó chi huy trưởng đảo Gạc Ma, lữ đoàn 146 vùng 4 hải quân đảng viên Đảng Cộng san Việt Nam.

Trần Văn Phương, lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách  mạng. Học xong lớp 10 đồng chí vào bộ đội, được cử đi học lớp kế toán trinh sát pháo binh của quân chủng. Tháng 1 năm 1984, Trần Văn Phương được bổ sung về làm khẩu đội trưởng pháo thuộc tiểu đoàn 562 lữ đoàn 146, vùng 4 hải quân. Qua rèn luyện và công tác Trần Văn Phương luôn tỏ ra một cán bộ có năng lực và trách nhiệm, đơn vị cử đồng chí đi học trường Quân chính Quân khu 7.  Tháng 1 năm 1986, Trần Văn Phương trở về đơn vị được bổ nhiệm trung đội trưởng và đề bạt quân hàm thiếu úy.
 
Đầu tháng 3 năm 1988, quân xâm lược ngang ngược cho nhiều tầu chiến khiêu khích và chiếm đóng trái phép đảo đá ngầm Chữ Thập và Châu Viên. Lúc này Trần Văn Phương được trên bổ nhiệm phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn - quần đảo Trường Sa).

17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1989, tàu chiến địch kéo đến chúng gọi loa khiêu khích, buộc tầu ta rời đảo.

Mờ sáng ngày 14 tháng 3, địch hạ xuồng cho lính giương lê dàn hàng ngang xông về phía lá cờ Tổ quốc ta. Trần Văn Phương tổ chức lực lượng, động viên chiến sĩ bình tĩnh không mắc mưu khiêu khích của địch, quyết bảo vệ cờ Tổ quốc.

Địch hung hăng cậy thế đông người có vũ khí trong tay chúng xông vào cướp cờ của ta. Không sợ hy sinh, coi thường kẻ địch Trần Văn Phương lao vào giằng giật lại lá cờ Tổ quốc. Thấy chúng đang uy hiếp tính mạng một chiến sĩ đồng chí xông vào cứu. Kẻ địch đê hèn đã nổ súng vào Trần Văn Phương.

Gương anh dũng hy sinh của Trần Văn Phương đã cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trên đảo kiên quyết bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, liệt sỹ Trần Văn Phương đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hung lực lượng vũ trang nhân dân.
« Sửa lần cuối: 12 Tháng Ba, 2008, 01:19:16 pm gửi bởi Tunguska » Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2008, 04:14:45 pm »

Anh hùng Vũ Huy Lễ

Vũ Huy Lễ sinh năm 1946, quê ở xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trú quán xã Đằng Hải, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng, nhập ngũ tháng 7 năm 1965. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng khí là thiếu tá, thuyền trưởng tàu HQ505, lữ đoàn 125 hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Huy Lễ được đào tạo qua trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân trong nước và ở Liên Xô. Đồng khí đã được giao chỉ huy nhiều dạng tàu của hải quân. Tháng 6 năm 1982, Vũ Huy Lễ được điều làm thuyền trưởng tầu HQ505, loại tầu vận tải đổ bộ hạng lớn của Mỹ ta thu được sau ngày miền Nam giải phóng. Tầu HQ505 sản xuất từ năm 1942, nên máy móc thiết bị trên tàu hỏng hóc nhiều, Vũ Huy Lễ cùng anh em tích cực sửa chữa bảo quản giữ gìn để tăng cường sức sống cho con tầu và làm chủ nó. Do vậy nhiều chuyến đi tầu bị hỏng, Vũ Huy Lễ và anh em đã tự sửa chữa thành công tiếp tục làm nhiệm vụ.

Ngày 13 tháng 2 năm 1988 (27 Tết Mậu Thìn) Vũ Huy Lễ chỉ huy tầu chở người, vật liệu, lương thực và kéo tầu LCU 556 và Pông Tông Đ02 ra chốt giữ đảo Đá Lớn thuộc quần đảo Trường Sa. Đồng chí đã hoàn thành nhiệm vụ đưa LCU 556 và Pông Tông Đ02 vào vi trí cố định trong điều kiện hết sức khó khăn.

9 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988, Vũ Huy Lễ được lệnh đưa tâu HQ505 đến chốt giữ đảo Cô Lin (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Cùng đi có tàu HQ604. Địch cho tầu chiến lao cắt hướng đi của tâu 604 không thành, chung quay sang chặn cắt hướng đi của tâu 505.
Vũ Huy Lê mưu trí lừa địch đưa tầu HQ505 đến đúng vị trí chiếm lĩnh ở đảo Cô Lin vào lúc 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 năm 1988. Địch tăng thêm 2 tàu chiến đến khiêu khích. Vũ Huy Lễ chỉ thị cho anh em trên đảo kiên quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc mình.

7 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 năm 1 988, địch đổ quân lên đảo Gạc Ma, giành giật cờ của ta trên đảo. Và chúng đã ngang ngược bần vào tâu HQ604. Sau đó ít phút chúng bắn vào tâu HQ505. Vũ Huy Lễ lệnh cho anh em nổ súng đánh trả địch. Đạn của địch làm lái điện hỏng, bình khí nén hỏng không đóng được ly hợp, máy thanh cũng bị đạn làm hỏng nặng. Vũ Huy Lễ bình tĩnh ra lệnh cứu chữa thương binh, vừa cho cơ điện khắc phục máy khẩn cấp, dùng tay điều khiển trực tiếp máy thay ly hợp cho tầu tiến hết tốc lực lao lên đảo. Lúc này cả 3 tàu chiến địch tập trung đánh mạnh vào HQ505. Cuộc chiến đấu không cân sức diễn ra quyết liệt. 8 giờ 45 phút tầu HQ505 bị bốc cháy lớn.

Tâu địch tạm thời ngừng bắn. Vũ Huy Lễ cho anh em hủy tài liệu mật và tổ chức cứu tâu. Đồng chí động viên anh em dù phải chiến đấu đến người cuối cùng cũng kiên quyết bảo vệ chủ quyền đất nước. Biết không khuất phục được tàu HQ505 địch buộc phải lùi xa. Trong khi đó tàu 604 ở đảo Gạc Ma bị địch bắn chìm hẳn. Vũ Huy Lễ cử một tổ khẩn trương đưa chiếc xuồng còn lại đến đảo Gạc Ma đưa 44 anh em (có 8 thương binh và một tử sĩ) về tâu HQ505.

Vũ Huy Lễ cùng đồng đội và con tâu HQ505 vẫn hiên ngang ngay trên đảo Cô Lin khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa của Tổ quốc ta trên biên Đông.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, Vũ Huy Lễ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2008, 04:16:24 pm »

Anh hùng liệt sỹ Trần Đức Thông

Trần Đức Thông sinh năm 1944 dân tộc Kinh, quê ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, nhập ngũ ngày 7 tháng 4 năm 1962. Khi hy sinh đồng chí là trung tá, phó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 146, Vùng 4 thuộc Quân chủng Hải quân,  nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ năm 1975 trở về trước, Trần Đức Thông đã trực tiếp tham gia chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với nhiều cương vị từ thấp đến cao (thợ sửa chữa pháo cuả lữ đoàn 335 phòng không, trạm trưởng sửa pháo của trung đoàn 227, Quân khu Hữu Ngạn, trợ lý tác chiến trung đoàn 223, Quân khu Trị Thiên). Đồng chí luôn tận tụy công tác, chiến đấu dũng cảm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Sau khi Tổ quốc thống nhất. Trần Đức Thông xác định tốt nhiệm vụ, gắn bó với quân đội. Học xong chương trình trung cấp ở trường Phòng không đồng chí về nhận công tác ở đơn vị bảo vệ đảo Trường Sa. 11 năm gắn bó với nhiệm vụ xây dựng đảo, bảo vệ Trường Sa, Trần Đức Thông luôn nêu cao phẩm chất tốt đẹp của người cán bộ, đảng viên, gương mẫu, không ngại gian khổ, có tinh thần đoàn kết giữ nghiêm kỷ luật hết lòng thương yêu bộ đội; có tác phong lãnh đạo chỉ huv sâu sát, năng nổ, tỏ ra là một cán bộ có kinh nghiệm và năng lực tổ chức thực hiện, được nhân dân và đồng đội tin yêu. Ở đảo nào, Trần Đức Thông cũng góp phần xây dựng đáo vững mạnh về mọi mặt, đảo Sơn Ca (1982) từ trung bình lên khá nhất trong quần đảo Trường Sa (1983 - 1984). Trần Đức Thông thường trực đảo Nam Yết 3 năm (1984-1987) tổ chức tiếp nhận hàng ngàn tấn vật liệu và chỉ huy xây dựng đảo Thuyền Chài, tiếp nhận vũ khí, trang bị ra đảo an toàn, đúng kế hoạch.

Vừa là cán bộ trong ban chỉ huy lữ đoàn, vừa hoạt động trong ủy ban nhân dân huyện Trường Sa, Trần Đức Thông đã suy nghĩ, đóng góp và đề ra biện pháp công tác phù hợp, làm cho hoạt động quân sự và chính quyền có nền nếp. Huyện đảo Trường Sa đã thực sự trở thành nơi gắn bó đoàn kết giữa các khối đảo với các địa phương của tỉnh Phú Khánh, tạo điều kiện giúp đỡ tinh thần và vật chất có hiệu quả đối với bộ đội đảo, Trần Đức Thông được nhân dân yêu mến, tín nhiệm.

Trong cuộc chiến đấu chống lấn chiếm các đảo ở vùng biển tháng 3 năm 1988 của hải quân xâm lược,Trần Đức Thông đã tỏ rõ bán lĩnh vững vàng và quyết tâm cao trong việc chi huy bộ đội giữ vững chủ quyền của ta trên các đảo. Đầu tháng 3 năm 1988 Trần Đức Thông đang nghỉ phép thì có điện gọi về đơn vị. Đồng chí đã chỉ huy một lực lượng ra đóng giữ các đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). 16 giờ 30 phút ngày 13 tháng 3 tới vị trí, Trần Đức Thông tổ chức lực lượng đi khảo sát, xác định vị trí cắm cờ, làm nhà. 4 giờ sáng ngày 14 tháng 3, đồng chí chỉ huy bộ đội bốc dỡ vật liệu từ tầu HQ604 xuống đảo Gạc Ma, lúc này tầu địch đang bao vây, uy hiếp, dùng xuồng máy đổ quân lên đảo hòng nhổ cờ, và chiếm đảo. Trần Đức Thông đã cho điện báo về sở chỉ huy và xác định quyết tâm "dù địch vây ép, dù mất tầu, chúng tôi quyết không lùi". Trần Đức Thông lệnh cho bộ đội trên tầu xuống đảo hỗ trợ lực lượng bảo vệ cờ và đấu tranh với địch, đồng thời nhắc nhở bộ đội, hãy bình tĩnh, không được nổ súng khi chưa có lệnh để tránh sự khiêu khích của địch.

Trên đảo đã xảy ra đụng độ giữa ta và địch, tầu địch vòng dãn ra xa và dùng pháo bắn nhiều loạt vào tầu HQ604. Tầu ta trúng đạn, nước tràn vào và chìm nhanh, Trần Đức Thông bị thương nặng vào đầu nhưng vẫn ở mũi tầu chỉ huy bộ đội, cho đến lúc hi sinh.

Trần Đức Thông đã nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, kiên quyết cùng bộ đội đấu tranh giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Quá trình công tác, đồng chí đã được tặng thương 1 Huân chương Quân công hạng ba, 2 Huân chương Chiến công hạng nhì, 12 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, liệt sỹ Trần Đức Thông đã được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2008, 04:17:38 pm »

Anh hùng liệt sỹ Vũ Phi Trừ

Vũ Phi Trừ sinh năm 1957, dân tộc Kinh, quê ở xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhập ngũ tháng 2 năm 1975. Khi hy sinh đồng chí là đại úy, thuyền trưởng tầu HQ604 thuộc lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Vũ Phi Trừ trưởng thành từ chiến sĩ lên, đã được đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (1978-1981), được điều về làm phó tầu HQ604 (1981-1983) rồi thuyền trưởng (1984-1988). Quá trình công tác và nhất là thời gian phụ trách tầu, Vũ Phi Trừ nêu  cao tinh thần trách nhiệm, chịu học, chịu rèn, năng nổ sâu sát chiến sĩ và tỏ rõ năng lực tổ chức đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Mặc dù tầu HQ604 là tầu cũ, đã xuống cấp, đồng chí cùng anh em chăm lo bảo quản bảo dưỡng, sửa chữa kịp thời nên duy trì sức sống cho con tầu; tập thể tầu HQ604 đã đi lại hàng chục ngàn hải lý an toàn với nhiệm vụ chi viện, tiếp tế và phục vụ bộ đội quần đảo Trường Sa. Là thuyền trưởng kiêm phó bí thư chi bộ, Vũ Phi Trừ luôn chăm lo xây dựng đoàn kết nội bộ, xây dựng chi bộ đảng đạt trong sạch  ững mạnh, duy trì nền nếp kỷ luật, bảo đảm đời sống của chiến sĩ, đồng chí được quần chúng tin tưởng, quý mến.

Khi xảy ra sự kiện hải quân xâm lược khiêu khích và lấn chiếm Trường Sa, Vũ Phi Trừ cùng tập thể tầu luôn xây dựng quyết tâm, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Đồng chí đã chỉ huy bộ đội chiến đấu với kẻ thù, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên các đảo và lãnh hải của Tổ quốc.

Ngày 11 tháng 3 năm 1988, Vũ Phi Trừ nhận lệnh chỉ huy tầu HQ604 chở người, lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng đi chốt giữ và xây dựng đảo Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn). Mặc dù sóng to, biển động tấu ra khơi vẫn đúng kế hoạch trong hành trình cộng tác cùng với hai tầu bạn trong biên đội. Đoạn đường biển từ đảo Đá Lớn đến đảo Gạc Ma, địch cho tầu chiến khiêu khích, lao tầu đến cắt ngang hướng đi của tầu ta. Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, kiên quyết giữ nguyên tốc độ và hướng đi của tầu, buộc tầu địch phải lái vòng về sau. Khi tầu địch quay lại, đồng chí đã cho tầu của ta tiến thẳng đến vị trí đã định, thả neo và chốt giữ đảo Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã cùng với chỉ huy chốt giữ đảo và lực lượng công binh, tổ chức cắm cờ Tổ quốc trên đảo vào lúc 21 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1988.

4 giờ 30 phút sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo, lúc này hai tầu địch cỡ lớn tới bao vây chĩa pháo uy hiếp ta và dùng loa gọi ta rút ra khỏi đao Gạc Ma. Vũ Phi Trừ đã lớn tiếng trả lời chúng: “Hãy ra khỏi khu vực này, đây là lãnh thổ Việt Nam". Lời nói đó đã khích lệ, cổ vũ tinh thần bộ đội ta. Vũ Phi Trừ cùng Trần Đức Thông thống nhất báo cáo tình hình về sở chỉ huy và xây dựng phương án đánh trả địch nếu chúng tấn công ta.

Địch dọa ta không được, chúng đổ quân lên đảo để nhổ cờ, bộ đội ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Tầu địch lùi ra xa, khi trên đảo có súng nổ thì tầu địch cũng bắn vào tàu HQ604. Tình thế trở nên ác liệt phức tạp bộ đội ta chiến đấu trong điều kiện không cân sức, tầu ta bị hỏng Vũ Phi Trừ đã bình tĩnh, chỉ huy bộ đội xuống các xuồng, dùng súng bộ binh chiến đấu tự vệ đồng thời cho băng bó cấp cứu các đồng chí bị thương còn trên tầu. Vũ Phi Trừ vừa chỉ huy, vừa trực tiếp chiến đấu bằng súng AK và B40 chi viện cho anh em trên đảo. Vũ Phi Trừ bị thương nặng, tầu chìm nhanh và đã anh dũng hy sinh.

Vũ Phi Trừ là cán bộ hải quân gắn bó với tầu, với biến, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực trong cuộc chiến đấu giữ vững chủ quyền của nước ta trên biển Đông.

Vũ Phi Trừ đã được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 2 năm 1986-1987 là Chiến sĩ thi đua và được tặng 4 bằng khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, liệt sỹ Vũ Phi Trừ được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 10 Tháng Hai, 2008, 04:28:35 pm »

Anh hùng Nguyễn Văn Lanh

Nguyễn Văn Lanh sinh năm 1966, dân tộc Kinh, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Lệ Ninh, tỉnh Quảng Bình, nhập ngũ tháng 8 năm 1985. Khi được tuyên dương Anh hùng đồng chí là trung sĩ, tiểu đội trưởng công binh thuộc đại đội 9, tiểu đoàn 887, trung đoàn 83) Quân chủng Hải quân, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, học lớp 7/10 đồng chí phải ở nhà làm ruộng giúp đỡ gia đình, là một thanh niên cần cù, chịu khó trong lao động và tích cực tham gia công tác đoàn ở địa phương.

Tháng 8 năm 1985 Nguyễn Văn Lanh nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, đồng chí về công tác tại trung đoàn 83 công binh hải quân. Từ tháng 11 năm 1985 đến tháng 2 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh tham gia xây dựng công trình K25 (Hải Phòng), sau đó xây dựng khu hậu cứ Hòa Thượng (Đà Nẵng). Trong hơn hai năm, Nguyễn Văn Lanh luôn nhiệt tình công tác, hăng hái, chịu khó rèn luyện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Ngày 25 tháng 2 năm 1988, đơn vị nhận nhiệm vụ xây dựng công trình phòng thủ ở Trường Sa, Nguyễn Văn Lanh xác định quyết tâm, phấn khởi lên đường. Ngày 8 tháng 3 năm 1988 Nguyễn Văn Lanh được giao làm tiểu đội trưởng, cùng đơn vị xây dựng công trình tại đảo Gạc Ma, đồng chí đã làm tốt việc bốc dỡ, vận chuyển vật liệu và tham gia xây dựng công trình theo kế hoạch.

Sáng ngày 14 tháng 3 năm 1988, Nguyễn Văn Lanh trong khi cùng đơn vị vận chuyển vật liệu từ tầu HQ604 lên đảo, thì tàu địch đến bao vây, uy hiếp. Tình thế rất căng thẳng. Khi địch đổ quân xuống đảo, vây ép bộ đội, giật cờ của ta hòng chiếm đảo, theo lệnh của đồng chí Trần Đức Thông, chỉ huy cụm đảo: "Đồng chí nào biết bơi, bơi ngay vào đảo hỗ trợ cho các đồng chí trên đảo bảo vệ cờ" . Nguyễn Văn Lanh cùng 11 anh em khác nhảy xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ hy sinh. Nguyễn Văn Lanh đã xông đến bảo vệ cờ; mặt giáp mặt với kẻ thù, đồng chí vân bình tĩnh, dũng cảm và kiên cường đấu tranh với địch. Khi địch tiến
đến giằng cờ Nguyễn Văn Lanh kiên quyết giữ lại, đôi bên giằng co, địch nhổ xà beng đánh, Nguyễn Văn Lanh né tránh được. Địch dùng lê đâm, đồng chí tránh nhưng bị sạt qua bả vai. Khi thấy tên sĩ quan địch cùng súng ngắn định bắn, bằng một động tác bất ngờ, Nguyễn Văn Lanh đánh bật khẩu súng trong tay hắn. Địch bên ngoài điên cuồng nổ súng, đồng chí bị thương, đạn vào bả vai. Một tên xông tới gí lưỡi lê vào bụng Nguyễn Văn Lanh, hăm dọa bắt hạ cờ. Đồng chí kiên quyết gạt lê ra thì tên địch nổ súng, đạn xuyên vào bả vai trái, làm đồng chí mất đà, ngã nhào xuống nước.

Đồng đội đã vào tiếp cứu và tiếp tục giương cao cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền của ta trước mặt kẻ thù.

Khi địch rút ra xa, Nguyễn Văn Lanh được đồng đội tìm kiếm và đưa ra tầu HQ505 cấp cứu, sau đó được đưa về sau điều trì. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, Nguyễn Văn Lanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyễn Văn Lanh đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần dũng cảm kiên quyết chiến đấu mặt giáp mặt với kẻ thù và đã chiến thắng, góp phần giữ vững chủ quyền của Tổ quốc trên đảo Gạc Ma.

Nguyễn Văn Lanh đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 3 bằng và giấy khen.

Ngày 13 tháng 12 năm 1989, Nguyễn Văn Lanh được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực
lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Hai, 2008, 01:21:29 pm »

Tàu HQ505, Lữ đoàn 125 hải quân


Tàu HQ505 là loại tàu vận tải đổ bộ của Mỹ ta thu được khi giải phóng miền Nam. Từ tháng 6 năm 1975 tàu HQ505 làm nhiệm vụ vận chuyển hàng quân sự từ Bắc vào Nam và đến các đơn vị ở hải đảo, các đơn vị làm nhiệm vụ quốc tế. Từ tháng 8 năm 1987 đến tháng 2 năm 1988, tàu HQ505 làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu cho bộ đội xây dựng công trình ở quần đảo Trường Sa.

Sáng 14 tháng 3 năm 1988, 3 tàu địch áp sát tàu HQ505, dùng loa gào thét đòi tàu ta rời đảo. Cán bộ, chiến sĩ ta bình tĩnh cho tàu mở hết tốc độ lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc. Trước ý chí của ta địch phải cho tàu lui ra rồi bắn dữ dội lên đảo, tàu HQ505 bị cháy. Khi thấy tàu HQ604 của ta ở đảo Gạc Ma bị địch bắn cháy và chìm, cán bộ chiến sĩ tàu HQ505 đã dùng xuồng cao su cơ động dưới làn hoả lực của địch đến cứu được 44 thương binh đưa về nơi an toàn.

Ngày 6 tháng 1 năm 1989, tàu HQ505 được Chủ tịch Hội đồng nhà nước nước CHXHCNVN tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM