Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 10:53:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngôi sao biên cương  (Đọc 21615 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #10 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2008, 07:58:54 am »

Nghe Rạng hỏi giờ, Cầm nhìn Rạng không nói. “Giá bây giờ có một cái đồng hồ”, bất giác Rạng lại nhớ về câu chuyện chiếc đồng hồ. Ấy là vào dạo cuối năm 1978, ngày bọn giặc Bắc Kinh dựng ra vụ “nạn kiều”. Chúng tung bọn thám báo, gián điệp sang đe dọa, xúi dục bà con người Hoa gây ra nhiều điều rắc rối về an ninh chính trị cho ta ở cái thị xã biên giới này. Ở đây, bà con người Hoa đã bao đời sinh sống làm ăn yên ổn với nhân dân ta. Một số bà con sang đây để tìm đường sống từ cuối thời nhà Minh và chế độ phong kiến Mãn Thanh. Đợt hai là sau cuộc nông dân khởi nghĩa (Thái bình thiên quốc) bị thất bại, vào những năm 1860. Bọn phong kiến đàn áp, thẳng tay chém giết nên họ kéo nhau sang ta tránh nạn. Rồi nữa đợt ba, họ sang đây vào đầu thế kỷ này, những năm 1950 trở về trước: Vào thời kỳ chiến tranh Trung Nhật (1935-1945); vào thời kỳ Trung Quốc nội chiến 1945-1949. Nhất là năm 1949, khi Trung Quốc giải phóng lục địa, bọn tàn quân Tưởng Giới Thạch tràn sang đây, chúng kéo theo cả bầu đoàn thê tử… Ở thị xã Lao Cai này, có dòng họ đã sang ta từ mười lăm đến mười tám đời, có dòng họ sang mười ba đời, có dòng họ mới sang ta một đời. Đó là lớp người chạy sang tránh đại loạn cách mạng văn hóa những năm 1966-1970. Họ sang nước ta cũng có nhiều lý do, mục đích khác nhau: làm ăn sinh sống, trốn tránh tội ác và không ít tên là bọn cầm đầu, hoặc tay chân bọn phản cách mạng, thổ phỉ có sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc. Bọn này vẫn liên lạc bí mật sang bên kia biên giới. Từ trước tới nay, không một vụ thổ phỉ bạo loạn nào, không một vụ lộn xộn nào về chính trị gây rối chống chính quyền ta ở đất Lao Cai này và vùng núi các huyện xugn quanh như Pha Long, Mường Khương, Bát Xát,… lại không có bàn tay của bọn người Hoa làm nòng cốt. Và nguy hiểm hơn nữa là bọn gián điệp được chúng cài cắm lâu dài ở đất ta. Nhiều người trong số họ mang tâm trạng sống theo thời, tuỳ lúc. Một số thì xử sự bội bạc với người Việt Nam và đất nước Việt Nam đã từng đùm bọc cưu mang họ những khi họ gặp hoạn nạn. Nên cuối năm 1978 khi bị bọn giặc Bắc Kinh kích động thì họ nghe theo. Họ kéo nhau đông nghìn nghịt có hàng nghìn người, bê cả tủ cả giường, dắt cả chó cả lợn, đào cả mồ mả ông cha bọc trong bao tải khiêng ra đầu cầu Hồ Kiều đòi về Tổ quốc vĩ đại! Số chưa kịp đi thì đập phá nhà cửa, hò hết gây rối trị an trong các phố xá Lao Cai. Ngày ấy, Rạng được phân công làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh vùng đầu cầu. Hàng ngày, Rạng và anh em ta giúp đỡ bà con thật sự muốn về sống bên ấy, và cũng hết lòng giúp đỡ bà con muốn ở lại sống hữu nghị trong tình nghĩa anh em lâu đời với nhân dân ta, theo đường lối nhân đạo đúng đắn của Đảng ta; nhưng cũng thật sự chuyên chính với những tên có tội ác gây rối trị an, xúi dục bà con làm điều xấu. Có một hôm, giữa đêm khuya, thảng thốt tiếng muông kêu, sương già, sương non rơi ướt áo, Rạng gác ở bờ sông Nậm Thi. Bỗng anh nghe có tiếng động nhẹ trên mặt nước sông. Rạng nằm rạp xuống bên bờ sông. Anh lấy mặt phẳng dòng sông để làm chuẩn quan sát. Lát sau, từ chỗ mặt nước sông động đậy đó có hai chấm đen nhô lên. Chúng đứng yên một lúc nghe ngóng. Thấy yên tĩnh, chúng lội vào bờ. Và, tiếng sột soạt nổi lên. Chúng mở nói ny-lông. Rạng nằm yên quan sát. Chúng lấy quần áo ra mặc vào, lấy mũ bông ra đội và đi giầy vải. Chúng tìm lối đi lên đường “Hữu Nghị”. Rạng bấm đèn pin vào mặt chúng và quát to:

-Đứng lại-Tiếng mở khoá nòng súng của Rạng làm xáo động màn đêm yên tĩnh. Hai bóng đen từ sông vừa lội lên đã “chững chạc” trong những bộ quân phục chỉnh tề của “anh bộ đội”.

-Giơ tay lên. Các anh đã vi phạm chủ quyền của nước Việt Nam.

-Xin anh, chúng em dại dột.

-Các anh đã phạm tội giả mạo bộ đội.

-Chúng em xin chịu tội.


Ánh đèn xanh vẫn chiếu thẳng vào mặt chúng. Rạng đã nhận ra chúng rồi. Tên Mã Xìn và tên Chu Phính. Chúng là những tên người Hoa ở Phố Chợ thị xã Lao Cai. Hai hôm trước đây, chúng đã gây rối và xúi dục người xấu hành hung bộ đội ta rồi chạy sang bên kia. Nay chúng mò về định gây tội ác nữa. Tên Mã Xìn lết đến quỳ sụp dưới chân Rạng:

-Em xin anh tha cho, chúng em có món quà nhỏ-Nó vội đặt dưới chân Rạng một gói to. Nó bảo trong đó có 10.000 đồng, hai chiếc nhẫn vàng và hai đồng hồ tự động loại tốt của Nhật-Anh nhận rồi tha cho chúng em. Chúng em sẽ bơi ngay về bên kia sông. Như thế anh vẫn giữ được kín, không ai biết chuyện gì mà chúng em cũng được trót lọt. Sau này hai nước có xảy ra xung đột gì, chúng em thề rằng sẽ nhớ đến anh…

Tên Chu Phình nói thêm:

-Xin anh mở rộng lượng hồng ân cho. Về bên ấy, chúng em không dám quên anh.

-Im ngay, tôi là chiến sĩ biên phòng Việt Nam. Chúng tôi không làm cái trò bẩn thỉu đó. Các anh bị bắt. Chống lệnh, tôi nổ súng…
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #11 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2008, 04:48:05 pm »

Đêm. Sương muối càng dầy hơn. Rét lắm. Xa xa lửa từ các đám cháy nhà, cháy phố, cháy kho; lửa đốt các nhà máy, các cửa hàng, các trại chăn nuôi, trại trẻ; lửa từ nơi có quân giặc tràn tới chiếm ở, lập loè trong sương. Thỉnh thoảng ở các đám cháy đó có tiếng nổ lốp đốp của mắt tre, của chum vại, của các loại đồ dùng gia đình. Và cũng từ đám cháy đó có tiếng lợn hét vang đêm, tiếng người kêu thất thanh nghe rùng rợn. Trong gió lạnh, nồng nặc mùi khét của lúa gạo bị cháy; mùi tanh lợm của xác súc vật bị lửa thiêu lẫn với mùi khét lẹt của thuốc súng. Cả thị xã Lao Cai chìm trong sự chết chóc và khói lửa của lũ giặc Bắc Kinh. Thỉnh thoảng có vài tràng súng máy rồ lên như điên loạn; có dăm quả đạn pháo nổ vu vơ làm dấy lên những đám cháy mới… Rạng buộc lại cái khăn len trùm đầu cho Cầm. Anh xé nốt ống quần dài còn lại quấn chặt vết thương cho Cầm và cũng để lúc anh đi cho đỡ vướng. Rạng cõng xốc Cầm lên lưng. Vai anh vác khẩu B.40. Trước ngực anh đeo khẩu AK, đạn đã lên nòng. Quả lựu đạn duy nhất còn lại là của cô Lan tự vệ trao cho, anh mở nắp, để sẵn vòng dây kíp nổ… Rạng dò dẫm từng bước đi xuống dốc đồi. Rạng tránh các hố pháo, tránh các gốc cây đổ, tránh các cành cây để chân bị thương của Cầm không va vào. Rạng vừa đi vừa nghe ngóng. Chốc chốc anh dừng lại để nghiêng ngó, quan sát phía trước. Ba ngày nay, Rạng ở trên trận địa, anh không biết rõ tình hình địch ở dưới này. Anh không biết rõ địch đã chiếm những đâu, chúng cụm lại trong đêm ở chỗ nào. Rạng nghe tiếng súng tiểu liên, tiếng súng trường, tiếng lựu đạn nổ khắp nơi trong thị xã, nổ dậy lên khắp các khu phố, anh đoán rằng có lẽ ta đang giành giật với địch từng mái nhà, từng góc phố. Như thế có nghĩa là kẻ địch đã tràn vào thị xã và đến được nhiều nơi rồi. Anh thở hổn hển, có lúc mắt hoa lên. Rạng loạng choạng. Anh dừng lại lấy sức rồi lại lần từng bước, bước đi. Đã hai hôm nay anh không ăn, không uống không đi giải, không chợp mắt… mắt anh lúc nào cũng nóng bừng vì căng thẳng. Thế mà giờ đây, anh không hiểu vì sao anh lại có một sức lực dư thừa và sự tỉnh táo để chịu đựng được như thế. Rồi lúc này còn cõng được cả Cầm, vác cả súng đi trong đêm. Cầm nóng hôi hổi như một khối than đỏ trên lưng Rạng. Cầm đã lên cơn sốt từ chiều. Máu ở vết thương của Cầm chảy xuống ướt chân anh.

Cầm nói nhỏ vào tai Rạng:

-Rạng à! Rạng để tôi lại đây thôi, Rạng về nhanh với đơn vị. Tôi cần một quả lựu đạn. Tôi sẽ đổi năm, bẩy tên giặc.

-Không! Ta sẽ về được với anh em. Cầm đừng nghĩ thế.

-Tôi bị thương rồi. Tôi chỉ làm khổ anh em thôi, làm khổ Rạng thôi…


Một loạt phát của giặc từ bên kia sông bắn sang nổ ùng oàng ở phía Kim Tân cắt ngang lời nói của Cầm. Lửa loá sáng. Lại thêm mấy nóc nhà nữa bốc cháy. Ánh lửa chấp chới trong đêm. Rạng vội ngồi sụp xuống sau bờ lau mé đường sắt. Anh tận dụng ánh lửa để quan sát phía trước. Bỗng Rạng kéo Cầm nằm rạp xuống, Rạng đã nghe ở phía trường cấp hai Vạn Hoà có tiếng bọn giặc í ới gọi nhau. Rạng ghé vào tai Cầm: “Có địch gần lắm rồi”. Rạng dìu Cầm bò xuống phía bờ lau bên đường sắt. Phía ấy rất rậm cỏ. Để Cầm nằm đó, Rạng bò đi tìm chỗ an toàn cho Cầm nằm. Tìm được rồi. Anh đưa Cầm vào trong một cái cống thoát nước xuyên lòng đường. Rạng vơ mấy cây lau bị đạn phạt đứt che cửa cống lại. Rạng nói với Cầm:

-Nằm im nhé. Cầm đưa khẩu AK cho mình. Cậu gác chân lên vòng cống đẻ máu đỡ chảy.

Không đợi Cầm trả lời, Rạng vứt cả mũ bông đang đội trên đầu lại cho Cầm, anh ôm khẩu B.40 và cắp tiểu liên bò theo dọc mé đường sắt. Rạng cố bò nhanh ra xa miệng cống.


Ở thị xã Lao Cai này, bọn giặc Bắc Kinh ban ngày lùng sục vào từng phố, từng nhà để cướp phá, bắn giết, vơ vét không từ một thứ gì. Chúng lấy từ quần đùi, áo lót đã nhàu cũ của phụ nữ, của trẻ em cho đến chai nước mắm nấu dở, lọ tương ớt đã vơi, cái xoong sứt quai, cái thìa vẹt lưỡi. Cái màn rách, cái vỏ chăn vá… chúng cũng vơ bỏ vào bai tải. Cái ghế ngồi, cái giường mọt chúng cũng tháo ra bó lại chất lên lưng ngựa đưa về Tổ quốc Trung Hoa vĩ đại (!). Bà con ở thị xã Lao Cai đã nói rằng, từ xưa đến nay bọn giặc cướp nước nào cũng đều độc ác, cũng đáng nguyền rủa cả, nhưng không có bọn giặc nào lại bẩn thiểu, lại đê tiện như lũ giặc bành trướng Bắc Kinh này. Chúng còn độc ác, đê tiện và bẩn thiểu vào loại bậc thày bọn thổ phỉ đi cướp thắng cố ở các phiên chợ miền núi…


Nhưng ban đêm thì chúng co về ẩn trong các ngách hầm khoét lõm vào vệ đường. Giờ đây bọn giặc ẩn ngách hầm ở dọc đường mạn trường học Vạn Hoà chắc đã nhìn thấy Rạng qua ánh lửa của các đám cháy. Chúng í ới gọi nhau. Chúng bắn lên trời hai phát pháo sáng để xác định mục tiêu. Rồi, đạn súng trung liên chúng bắn như đổ dồn về phía Rạng. Rạng cố bò xa chỗ cống thoát nước nơi Cầm đang nằm. Cầm bò ra sát miệng cống, anh vạch mấy cây lau gẫy nhìn ra. Cầm thấy những luồng đạn kẻ lửa bay chíu chíu đan trên mặt đường. Đạn va vào bờ đá loé lên từng chùm lửa. Bọn giặc chiếu đèn đến. Từ phía sau, Cầm nhìn rõ Rạng vẫn nằm im. Bọn giặc cũng đã nhìn rõ anh rồi. Chúng đông lắm. Còn nghe rõ bọn chúng hò hét. Bọn chúng thổi kèn tý toe. Có lẽ chúng báo động chiến đấu. Tất cả bọn ẩn trong các ngách hầm bên vệ đường đều nháo nhác chạy ra. Chúng lại bắn mấy loạt súng máy nữa về phía Rạng. Lợi dụng bóng tối, Rạng cắp súng lăn xuống rãnh nước bên vệ đường. Từ trong đám giặc ở phía trường Vạn Hoà có tiếng nheo nhéo:

-Chản chồ! Chản chồ! (Đứng lại! Đứng lại!)

-Thải xâu! Thải xâu! (Giơ tay! Giơ tay!)
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #12 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2008, 04:49:02 pm »

Rồi lũ giặc cắp súng chạy ùa về phía Rạng. Cầm nhìn thấy rõ khoảng khắc ấy Rạng chồm dậy. Anh quì chân vào mép đường. Anh lia cả băng súng AK về phía giặc. Chúng ngã xuống. Chúng nhốn nháo kêu hét hỗn loạn. Chúng đạp lên nhau chạy lùi trở lại. Rồi chúng lại bắn như đổ đạn về phía mé đường nơi Rạng vừa chồm dậy. Nhưng lúc ấy thì Rạng đã chạy lên nằm chen vào trong số xác giặc vừa ngã xuống. Bọn giặc bắn dữ dội. Chúng bắn đủ loại súng bộ binh chúng có. Chúng bắn chừng 5 phút. Thấy không có sự phản ứng, chúng ngừng bắn. Rồi bỗng có tiếng con gái nói eo éo từ phía lũ giặc:

-Chú bộ đội Việt Nam! Chú bị vây rồi. Chú ra hiệu hàng đi, chú sẽ được sống. Quân giải phóng Trung Quốc hùng mạnh sẽ đối xử tốt với chú-Vẫn tiếng đứa con gái ấy nhắc lại hai ba lần câu nói đó. Thấy im lặng, lũ giặc hô nhau xô ra. Lần này chúng chiếu đèn sán về mé đường nơi ban nãy Rạng nấp. Bỗng từ đám xác giặc chết, Rạng nhổm cao. Một luồng lửa phụt ra. Quả B.40 đỏ lừ từ phía anh bay vào nổ đanh ở phía giặc trong trường Vạn Hoà. Chúng lại hét lên, lại xô nhau chạy nháo nhác. Chúng lùi lại phía mé trường. Rồi chúng lại bắn về phía Rạng.

Im tiếng súng, tiếng đứa con gái từ phía giặc lại eo éo cất lêng:

-Chú bộ đội Việt Nam. Chú đừng dại dột, đửng chiến đấu tuyệt vọng. Quân giải phóng hùng mạnh đã vây chặn chú cả bốn phía rồi. Chú như cá trong lưới, như chim trong lồng. Chú hàng đi…

Rạng vẫn nằm im giữa những xác giặc chết. Chúng chưa phát hiểna chỗ mới của anh.


Trong lòng cống, Cầm thấy mặt mình nóng bừng lên. Rồi cả người cũng nóng bừng bừng lên. Anh cảm thấy mình như không bị thương, không đau đớn gì hết. Người anh run lên. Không phải vì sợ hãi, mà vì căm tức lũ giặc, vì lo lắng cho Rạng, vì thương Rạng phải đơn độc chống chọi với lũ giặc có đến hàng trăm thằng. Anh muốn xông ra lắm. Anh nghĩ nếu xông ra, mình sẽ vòng từ phía sau Vạn Hoà tới, mình sẽ bắn xối xả vào lũ giặc để phối hợp với Rạng, để mờ đường cho Rạng… Nhưng giờ đây, trong tay anh không còn gì nữa ngoài con dao găm đeo bên mình. Trong giây lát, Cầm tự trách mình. Sao mình lại không kiên quyết ngăn Rạng lại từ trên ấy. Nếu nghe mình, Rạng cứ để mình nằm lại ở trận địa thì đâu đến nỗi lâm vào thế hiểm nghèo này. Có phải vì mình không? Có phải vì cái vết thương của thằng Cầm khốn khổ này không mà dẫn Rạng đến cảnh này. Rạng đã hết lòng, hết sức vì mình như thế. Giờ đây mình làm được gì để hỗ trợ chiến đấu với Rạng, cứu Rạng. Cầm cắn nát cây lau bắc qua cửa cống ngang tầm miệng lúc nào không biết. Cầm lại trách Rạng. Sao Rạng lại không nghe mình. Rạng không tính được tình huống đang ở trong vòng vây của giặc. Bây giờ biết làm thế nào, Rạng ơi! Nếu như mình hy sinh đổi lấy nắm, bảy mạng giặc vì mình đã mất sức chiến đấu rồi, còn được. Đằng này, Rạng hy sinh giữa lúc cuộc chiến đấu mới bắt đầu thì… Bỗng chúng quét đèn sáng về phía Rạng. Chúng soi, tìm. Thấy yên lặng, tưởng Rạng đã trúng đạn, lần này bọn giặc thận trọng, dò dẫm, lom khom đi tới. Chờ chúng đến gần, Rạng tung quả lựu đạn cuối cùng ra. Tiếng nổ đinh tai, bóng giặc đổ xuống trong chớp lửa. Trong lòng cống, Cầm biết đây là quả lựu đạn cuối cùng của Rạng. Quả lựu đạn mà cô tự vệ nhà máy có tên là Lan đã trao cho Rạng từ trên đồi… Rồi Cầm nhìn thấy Rạng bật dây, Rạng cầm khẩu AK giương lên xông thẳng vào đám giặc đang nhốn nháo. Chúng bủa vây lấy anh. Đèn pha, đèn pin chúng dồn cả vào phía anh. Chúng bắt được anh. Chúng hò reo. Bốn năm chiếc đèn pin sáng xanh của chúng soi vào mặt Rạng.

Cầm nhìn rõ bóng một đứa con gái từ trong đám giặc bước về phía Rạng. Mụ cầm lấy cánh tay của Rạng. Giọng mụ uốn éo:

-Thưa chú bộ đội Việt Nam. Quân giải phóng Trung Quốc khâm phục tinh thần quả cảm của chú. Giờ đây chú đã bị bắt. Mặc dù chũ đã gây tổn thất nhiều cho quân giải phóng, nhưng quân giải phóng không giết chú mà chỉ yêu cầu chú khai chú ở đơn vị nào. Chú là bộ đội chính qui hay là quân địa phương…


Rạng vẫn đứng im. Đứa con gái đưa bàn tay đeo găng trắng phủi nhẹ bụi trêm vai áo lấm láp của Rạng. Nó kéo lại cổ áo của Rạng cho ngay ngắn. Nó khoác chiếc áo mưa lên người Rạng. Rồi vẫn cái giọng uốn éo ấy-Lần này thì Cầm để ý nghe, vì anh cảm thấy cái giọng nói ấy sao quen quen. Cái giọng mà anh như đã nghe thấy ở đâu rồi:

-Thưa chú bộ đội Việt Nam. Quân giải phóng rất nhân đạo. Chú nói đầy đủ đi, chú sẽ được đưa về thăm Bắc Kinh. Chú sẽ được phong chức cao. Nếu chú cộng tác với quân giải phóng, chú sẽ được sung sướng. Chú sẽ là vị chỉ huy ở vùng Lao Cai này…
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #13 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2008, 04:49:40 pm »

Rạng nhìn trừng trừng vào mặt đứa con gái. A, Rạng đã nhận ra mặt nó rồi. Đúng mặt nó rồi, cái mặt bầu bầu như mặt thớt, đôi lông mày tỉa còn bằng sợi chỉ đen và mái tóc thì cắt ngắn ngang vai. Nó không nhận ra Rạng. Có lẽ vì mặt anh nhem nhuốc khói đạn, bùn đất và hốc hác qua mấy ngày chiến đấu. Áo anh lại rách nát, quần cụt cả hai ống và máu từ vết thương của Cầm thấm đỏ cả quần áo. Nó không nhận ra càng có lợi. Rạng nghĩ vậy. Nó là con Trịnh Bảo Ngọc. Mười lăm năm nay nó làm phiên dịch cho đồn công an biên phòng Hà Khẩu, bên kia cầu Hồ Kiều. Mới đây nghe các đồng chí trinh sát biên phòng nói rằng, bề ngoài nó là phiên dịch, là người của Hải quan Trung Quốc kiểm tra hàng hoá của khách qua lại cầu Hồ Kiều, nhưng chính nó là con tình báo, ngầm chỉ huy lưới gián điệp Trung Quốc cài cắm người sang nước ta. Và, nó là một trong những tên đầu sỏ bầy ra nhiều trò gian giảo gây rắc rối cho ta trong việc chúng dựng nên vụ “nạn kiều” ở vùng Lao Cai này. Nó khéo giấu mặt và đã leo từ con phiên dịch nhãi ranh lên đến mụ trung tá chỉ huy mạng lưới tình báo! Trước đây, lúc hai nước còn hữu hảo, những ngày lễ, ngày tết, ngày vui của hai bên chúng mời anh em ta sang chơi. Đội trưởng Tăng sang, Rạng sang, Cầm sang… Chính con Trịnh Bảo Ngọc này đã ra tận giữa cầu Hồ Kiều đón. Nó có động tác giang rộng hai tay thơm nức nước hoa ra niềm nở bắt thật chặt. Khi vào nhà, nó trọng vòng rót rượu Mao Đài mời uống, mở thuốc lá Đại Tiền Môn mời hút. Nó ân cần đến chí thiết. Nó hỏi han từng người về gia đình, vợ con, về quên quán và những công việc làm… Nó có tài dò biết cho được ai thích món hàng gì bên ấy, đắt mấy, ở tận đâu nó cũng tìm bằng được để đưa về tặng. Đôi mắt dài đuôi, sắc và đen lay láy nom khôn ngoan đến ranh mãnh nhìn ai cũng như đắm đuối, say mê, như sẵn sàng san cửa sẻ nhà cho họ, như điều đó thường nói ở cửa miệng với anh em ta: bên này là hậu phương lớn, bên này là chỗ dựa vững chắc cho các bạn, bên này sẽ sẵn sàng chết vì các bạn (!)… Các bạn Việt Nam và bên này là một. Rạng nhhớ có lần bên chúng mời các chiến sĩ biên phòng ta sang xem phim, nó kéo ghế mời Rạng ngồi gần nó. Nó chỉ lên hình ảnh trong bộ phim chúng nó chiếu “Giúp Việt chống Mỹ”, rồi ghé vào tai Rạng nói nho nhỏ: “Trông chúng tôi và các bạn rất giống nhau, giống nhiều lắm. Đúng chúng ta là anh em chí thiết như Mao chủ tịch nói mà. Chúng ta gần gũi nhau như môi với răng, gắn bó như keo với sơn. Đồng chí chiến sĩ biên phòng Việt Nam thân mến ạ (!)”. Rồi nó cũng vuốt nhẹ lên vai áo Rạng như thế này. Sự khôn khéo đến gian giảo như thế, nó hòng che mắt ta. Những lần đội trưởng Tăng sang, Rạng sang, anh em ta sang nó “ân tình” như thế và lúc về, nó đều tiễn ra tận giữa cầu Hồ Kiều. Lần nào cũng vậy, nó đều trao cho mỗi người một hói hạt hướng dương rang thơm giòn, ăn rồi cứ nhớ mãi hương vị ấy! Những lần gặp sau này, khi quan hệ hai bên căng thẳng thì lại chính nó trở mặt như trở bàn tay. Lần ấy dạo tháng 10 năm 1978, chúng bắn sang đất ta, ta gọi đồn trưởng biên phòng bên ấy sang để đấu tranh đòi chúng chấm dứt. Con cáo cái này cũng sang với tên đồn trưởng. Nó đóng vai trò phiên dịch. Nhưng chính là đạo diễn và uốn nắn những lời lẽ của thằng đồn trưởng khi nó nói với ta. Thế là mang tiếng đồn trưởng biên phòng nói, nhưng chính ra là “mụ chủ tình báo Trịnh Bảo Ngọc” nói. “Lúc ta mở rượu Lúa mới ra mời, tên đồn trưởng biên phòng bên ấy đưa tay ra toan cầm lấy chén thì Trịnh đã ngăn khéo lại. Nó tuơi cười rất lịch sự nói với ta và lừ mắt cho tên đồn trưởng: ấy, đồng chí đồn trưởng của chúng tôi còn trẻ lắm, mới ra trường, không quen uống rượu đâu”.


Tên đồn trưởng đặt ngay chén rượu xuống, mặt nó tái xám. Nụ cười trên môi nó khựng lại, tắt ngay rồi như mếu. Từ đó Rạng không thấy tên đồn trưởng này xuất hiện nữa. Còn lần mới đây, chỉ trước tết mấy hôm thôi, bọn thám báo bên ấy sang bắt cóc một chiến sĩ của ta ở đồn biên phòng Na Lốc. Đội trưởng Tăng và Rạng sang đồn Hà Khẩu đấu tranh. Chính con Trịnh này đã xua tay không tiếp. Mặt nó bì bì. Nó nói: “Đợi chỉ thị của cấp trên”. Nó đóng sầm cửa lại rồi đi ra đầu cầu, ra hiệu cho bọn lính nổi kèn báo động. Đôi tay nó, đôi tay đã từng giang rộng bắt chặt tay Rạng một cách trọng vọng, nâng chén rượu Mao Đào mời Rạng, trao cho Rạng gói hạt hướng dương, và nay cũng chính đôi tay đó lại khoác lên vai Rạng chiếc áo che mưa… Rạng rung mạnh đôi vai. Chiếc áo rơi xuống đất. Nó lại nhặt lên, lại khoác lên vai Rạng. Nó nói, giọng mơn trớn, mồi chài:

-Thưa chú-Xin nói lại để chú biết rằng, quân giải phóng Trung Quốc rất khâm phục tinh thần quả cảm của chú. Nhưng giờ chú đã bị bắt. Quân giải phóng của Mao chủ tịch rất nhân đạo sẽ không giết chú nhưng nói cho chú biết rằng, một ngàn một triệu người Trung Quốc không bao giờ chịu thua Việt Nam! Việt Nam lo hết đạn, chứ Trung Quốc không sợ hết người! Quân giải phóng yêu cầu chú khai báo rõ ràng. Nếu chú thực lòng cộng tác, chú sẽ sung sướng, sẽ được phong chức cao. Chú suy nghĩ đi…

-Câm đi!-Rạng hét lên. Con Trịnh giật thót mình lùi ra một bước-Mày nói lại với bọn cướp nước kia rằng-Rạng chỉ ra xung quanh-Tao là chiến sĩ quân đội Việt Nam. Tao không hề biết hàng lũ giặc. Nghe rõ chưa?-Rạng nhìn thẳng vào mặt nó.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #14 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2008, 04:51:19 pm »

Tên giặc có vóc người cao lớn đeo súng ngắn quay lại. Nó nói với Trịnh một tràng dài. Rồi Trịnh kéo một thằng béo lùn mặc áo dạ tím than, đội mũ dạ, chân đi ủng đến đầu gối ra một phía bàn gì với nhau. Rạng nhìn theo tên mặc áo dạ tím đó. Anh ngờ ngờ nó. Và rồi anh cũng đã nhận ra mặt nó. Nó chính là thằng Mã Xìn ở Phố Chợ Lao Cai, nó gây tội ác rồi chạy về bên kia. Nó không nhận ra anh vì hôm anh bắt nó trong đêm. Còn hôm nó ở trong nhà giam, anh đã đến bí mật nhìn nó để nhận dạng. Và nó thì không nhìn thấy anh. Nhưng rồi do một sơ xuất của chiến sĩ canh giữ, nó đã trốn nhà giam chạy về bên ấy. Nay nó lại sang với lũ giặc để gây tai hoạ. Con Trịnh với thằng Mã Xìn thì thầm với nhau một lúc rồi Trịnh quay lại phía Rạng:

-Thưa chú! Chú đừng nổi nóng vô ích. Chú đừng chết phí hoài khi tuổi còn rất trẻ. Sức lực và tài năng như chú sẽ xứng đáng với cương vị người chỉ huy to. Chỉ cần chú nói hết những điều quân giải phóng cần biết, chú sẽ được thoả mãn mọi yêu cầu trong cuộc sống.

-Quân cướp nước-Rạng quát to-Hãy cút về bên kia. Mày nói với tất cả bọn cướp nước rằng hãy cút ngay về bên kia biên giới-Rạng chỉ thẳng tay vào mặt lũ giặc đứng xung quanh. Chúng vội lùi dạt ra. Hai mắt Rạng nhìn như hai chớp lửa-Đây là đất nước Việt Nam. Chúng mày đừng dở giọng giả nhân, giả nghĩa đối với chúng tao!…


Bỗng tên chỉ huy xông tới. Nó nhìn thẳng vào mặt Rạng. Mắt Rạng mở to. Anh trừng trừng nhìn nó. Đôi mắt anh vẫn như hai chớp lửa. Như sợ hãi cái nhìn ấy, sợ hãi ánh mắt ấy, nó lùi lại. Nó biết rằng không thể khuất phục được con người như Rạng, nó hét lên một tiếng gì nghe man rợ như tiếng thú đói. Nó rút con dao găm ra, nhảy xổ tới đâm phầm phập vào mắt Rạng. Nhưng vẫn không cắt được lời hô vang đất núi của Rạng: “Bọn giặc bành trướng cút hết về nước!”.


Nằm trong lòng cống, Cầm nghe, Cầm chứng kiến tất cả. Anh đau đớn hệt như lưỡi dao của bọn giặc đâm trúng vào mắt anh… Mấy lần anh vùng dậy nhưng đều bị ngã gục. Giữa lúc ấy, bỗng Cầm nhớ tới một điều gì, nhớ tới một bài sử ký mà Cầm đã học từ hồi cấp I. Bài học nói về người anh hùng trong thời kỳ dân tộc ta chống giặc phương Bắc.


… Trong trận Mà Trò bên bờ sông Hồng, quân ta anh dũng chặn đường tiến quân của giặc Nguyên. Bảo nghĩa vương Trần Bình Trọng sa vào tay giặc. Kẻ thù tìm hết cách dò hỏi tình hình quân ta. Chúng dưa nhiều vàng bạc, châu báu, gái đẹp ra dụ dỗ, ông vẫn không thèm. Giặc hỏi ông có muốn làm vương đất Bắc không? Ông lớn tiếng quát vào mặt chúng: “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!”. Và, không dụ dỗ, mua chuộc được Trần Bình Trọng, giặc đã giết ông.

Chuyện đó xảy ra vào giờ ngọ ngày 29 tháng giêng năm Ất Dậu (26-2-1285).

Nhớ đến câu chuyện đó, Cầm lại nghĩ đến Rạng. Rạng thật xứng đáng là con cháu vị anh hùng ấy. Và lũ giặc Bắc Kinh kia cũng chính là nòi giống của giặc Nguyên man rợ, độc ác cướp nước ta thuở nào.

Cầm nhắm mắt lại. Anh cắn chặt răng! Làm sao mà cầm lòng, mà chịu được khi nhìn thấy kẻ thù hành hạ đồng đội của mình. Cầm ước ao có một khẩu súng hay một quả lựu đạn anh sẽ lăn xả vào kẻ thù. Anh sẽ hy sinh để cứu Rạng. Anh cứ nghĩ vì anh mà Rạng làm cảnh này.


Bên ngoài, giữa vòng vây của giặc, giọng Rạng vẫn sang sảng: “Quân giặc cướp nước. Quân da mãn…”.

Tên chỉ huy giặc, rồi tên giặc mặc áo dạ đen xô tới. Chúng rút dao đâm vào mắt Rạng. Rạng loạng choạng, anh ngã khuỵ xuống, máu ở mắt anh vọt ra. Năm, sáu ánh đèn pin của giặc rọi vào anh. Ánh đèn pha dọi vào anh. Rạng đau đớn. Nhưng tiếng anh vẫn vang vọng: “Đả… đảo bọn giặc Bắc Kinh…”. Lũ giặc hò hét. Chúng nói lên những tiếng gì như tiếng của loài thú dữ. Chúng dùng lưỡi lê đâm, dùng dao chém vào người Rạng. Chúng chặt nát thi thể Rạng…


Gần sáng, trời biên giới bắt đầu đổ mưa phùn. Đêm ấy đất Lao Cai rất lạnh. Những đám cháy ở các nhà, các phố, các ngõ xóm đã tàn dần. Các đỉnh núi cao xung quanh mây sương phủ dày như bọc chóp trắng. Biêt đã bị lộ vị trí trú quân, sợ ta tập kích nên khi giết Rạng xong, bọn giặc vội vã bỏ trường Vạn Hoà. Chúng mang cả xác lính chết và bọn bị thương chuồn xuống mạn dưới.


Cầm bò ra mé cửa cống nghe ngóng. Cầm không còn cảm thất rét, không còn cảm thất mưa gió gì nữa. Người anh nóng bừng lên. Xung quanh anh đất trời, núi non đều như nóng bừng lên. Trước mắt anh những vòng tròn đỏ, vàng, xanh, tím cứ quay cuồng, quay cuồng bay tua tủa, rồi cơ man nào là đom đóm toả quanh anh. Trên đầu anh và ngay dưới đất, mảnh đất nơi anh đang nằm đây lửa cháy rừng rực. Bốn phía đều sáng bừng lên, sáng đến loá mắt, rồi đột ngột đen xỉn lại. Và bão, và gió, và cơn lốc nữa từ đâu tràn về dâng lên cuốn bay tất cả. Rồi tất cả núi non đều như rung rinh, sụt lở. Nơi anh nằm đây cũng sụt lở, cũng rung rinh. Anh cảm thấy mình như đang rơi lơ lửng giữa không trung. Cầm khóc: “Rạng ơi, có phải vì Cầm, có phải vì Rạng quá thương Cầm, có phải vì Rạng không nghe lời Cầm mà Rạng bị giặc giết đau đớn như thế không?”.


Cầm kéo chiếc khăn len đang trùm đầu xuống, anh buộc chặt vết thương. Anh bò ra vệ đường sắt. Tay Cầm nắm chặt chuôi dao găm. Cầm thầm nghĩ, nếu gặp giặc anh sẽ sống mái với nó và quyết không để nó bắt sống.


Cầm bò dần về phía trường Vạn Hoà, nơi bọn giặc đã giết Rạng. Bỗng anh nhìn thấy ba bóng đen từ đồi lau bò xuống. Những bóng đen tiến sát bên bụi lau anh nằm, nhưng không nhìn thấy anh. Ba bóng đen chậm rãi, thận trọng di động trong màn sương rồi cũng bò về phí trường Vạn Hoà như anh. Cầm nhích người lên gần hơn tý nũa để quan sát. Và. Anh đã nghe được tiếng nói rất nhỏ, chỉ như thì thào. Anh đã nhận ra tiếng của một cô gái với người bên cạnh: “Anh bộ đội có vóc người to hơn mà tao đưa quả lựu đạn tên là Rạng. Anh thâm thấp là anh Cầm”.

Cầm đã nhận ra đó là các cô tự vệ từ trận địa rút về. Nhưng sao các cô lại còn nằm trong bụi lau này? Tiếng thì thào lại cất lên từ phía các cô tự vệ: “Thế thì còn một anh nữa ở đâu, hay cũng…. ấy… rồi”. Tiếng cô gái hỏi lại cắt ngang dòng suy nghĩ của Cầm. Cầm bò nhích lên. Anh gọi nho nhỏ:

-Các đồng chí tự vệ ơi, có cô nào tên là Lan không? Tôi đây, Cầm đây. Anh Rạng bị chúng giết rồi.

-Em đây, Lan đây. Anh Cầm ơi!

-Tôi tưởng các cô đã về tuyến sau!

-Chúng em gặp địch phục kích. Chiến đấu hết đạn nên chúng em phải ẩn trong đồi lau này. Sao các anh xuống đây?

-Tôi bị thương. Anh Rạng cõng tôi xuống và gặp địch ở đây.

Ba cô tự vệ bò đến bên Cầm. Lan vội cởi chiếc áo ấm mặc ngoài khác lên người Cầm. Cô nói với Cầm:

-Thương anh Rạng quá. Chúng em định bò đến tìm các anh đây.
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


ptlinh
Admin Độc lập
*
Bài viết: 4005



WWW
« Trả lời #15 vào lúc: 18 Tháng Ba, 2008, 04:52:10 pm »

Cả bốn người cùng bò về phía trường Vạn Hoà nơi giặc giết Rạng. Chúng hất Rạng xuống vệ đường. Lan ôm anh lên. Hai cô tự vệ cùng Lan đưa anh vào một góc vườn. Cầm cúi xuống nhìn. Anh không còn nhận ra Rạng nữa. Lũ giặc đã đâm, đã chém Rạng, tay chân anh gần như sắp rời ra… Cầm và ba chiến sĩ tự vệ không tìm được cái gì để đào huyệt. Họ đặt anh nằm ngay ngắn trong một đoạn hào. Cầm vuốt mặt cho anh. Họ vừa khóc vừa dùng đôi bàn tay bới đất đắp nấm mộ cho anh. Cầm, Lan xếp một hàng đá quanh mộ anh làm dấu. Xong, Cầm nhìn ra xung quanh để nhận hướng rồi anh bò đến chỗ Rạng đã chiến đấu.

-Anh Cầm tìm gì? Lan hỏi.

-Tôi muốn tìm khẩu súng B.40 của anh Rạng đã bắn.

-Em đi với anh.


Cầm và cô tự vệ đã nhặt được khẩu súng B.40 bên vệ đường chỗ Rạng bắn phát đạn cuối cùng. Rạng đã đập nát máy ngắm của súng. Cầm nói với Lan rằng: “Nó đã lập công với anh Rạng. Sau này mỗi khi nhìn thấy nó, chúng ta nhớ tới anh Rạng. Cô đưa nó đến giấu trong lòng cống chỗ bụi lau kia kìa, hộ tôi với” (Khẩu súng B.40 này hiện nay để ở Bảo tàng của Bộ đội biên phòng).

Lan và các chiến sĩ tự vệ đã cóng Cầm xuyên rừng về trạm cứu thương của mặt trận.

Giặc Bắc Kinh thua, rút chạy. Đất núi Hoàng Liên vào độ cuối tháng ba. Hoa lê, hao mận vẫn còn nở trắng cành. Cánh hoa lê, cánh hoa mận trắng trong một mầu tinh khiết. Mầu trắng đó như kết vành trắng nhỡ thương những chiến sĩ đã quả cảm ngã xuống giữ miền đất núi. Bà con thị xã Lao Cai và đồng đội của Rạng dã đến đắp to nấm mồ cho anh. Nấm mồ anh kề bên trường học của các em nhỏ xóm Vạn Hoà. Các chiến sĩ tự vệ nhà máy đến. Cô Lan đến. Những người đã cùng với anh chiến đấu chung một chiến hào đến đứng vây quanh anh. Cô Lan đứng lặng trước tấm bia liệt sĩ có ngôi sao vàng rực rỡ trong vành hoa đỏ cắm trên mộ anh. Lòng nhớ thương anh dâng lên. Cô khóc.


Cô xúc thêm xẻng đất đắp cao thêm phần mộ cho anh mà cứ tưởng như chất thêm sự nhớ thương anh trong lòng mình.

Ngày hội mừng chiến thắng, đội văn nghệ từng lên trận địa thăm anh, hát cho các anh nghe đã đến đây với anh. Giờ đây các cô đã trồng bên phần mộ anh cây đào. Các cô chămchút cho cây đào tuơi tốt để mỗi mùa xuân đến, mùa chiến thắng đến, hoa đào đất núi Hoàng Liên nở đỏ là nhớ tới anh, mãi dâng lên anh những mùa hoa trọn vẹn. Cô Hoa đứng lặng người, hai dòng nước mắt lăn trên gò má. “Anh Rạng ơi, bài hát chúng em tặng anh, anh chưa được nghe trong ngày tết ấy… Nhưng lời bài hát đó, mãi mãi quấn quít với cây đào những mùa hoa nở, lời hát ấy nó mãi mãi quấn quít bên tấm bia có ngôi sao vành đỏ mang tên anh”.


Hàng ngày các bà mẹ ở Vạn Hoà, ở phố Lao Cai đi qua đây lên thăm anh. Mẹ Thèn lên thăm anh. Bà mẹ người Tày cắm nắm hương lên phần mộ đứa con người Mường mẹ từng yêu quí. Trong hương thơm có mùi quế cay nồng, có mùi trầm hương ngọt ngào, ấm đượm… Gốc những cây hương nhuộm màu sơn thắm đỏ, chặt bền. Ngày nào mẹ từng kể cho anh nghe về những cây gỗ quí ấy trên đất núi Hoàng Liên. Mẹ từng mong người con của mẹ mãi mãi được như những cây gỗ quí đó để lại tiếng thơm cho mai sau. Giờ đây mẹ đau đớn lắm, đau đớn vì đứa con của mẹ không còn. Nhưng mẹ thoả lòng vì Rạng của mẹ đã được như cây gió bầu để lại khối gỗ trầm hương thơm mái mãi; như cây quế tốt biết dùng lớp vỏ làm thuốc quí cho người… Đứa con mẹ xứng đáng lắm. Rạng vẫn sống mãi, lành thơm mãi, đẹp bền mãi, như hương thơm của cây gỗ quí: Cây quế, cầy trầm…


Các cháu nhỏ đi học qua đây; và bạn bè thân yêu của anh đi qua đây để liên chiến hào trên điểm tựa nơi anh đã từng chiến đấu, đều ghé vào thăm anh, cắm lên phần mộ của anh những bông hoa rực rỡ dâng hương thơm trong gió núi Hoàng Liên. Hương hoa thơm ngát đó như quyện với tiếng giảng bài ngọt ngào của cô giáo trong trường học Vạn Hoà: “Chúng ta tự hào rằng, chúng ta xứng đáng với truyền thống của ông cha mình, ông cha từng quát vào mặt lũ giặc cướp nước: “Thà làm ma nước Nam, không thàm làm vương đất Bắc”. Ngày nay thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta có những anh bộ đội biên phòng đã “dũng cảm trước giặc, vì nước quên thân…” như lời Bác Hồ dạy…”.


Khi xuất viện trở về với đội ngũ, Lê Hồng Cầm đã đến ngay với Quách Văn Rạng. Vết thương ở chân anh đã được đồng đội cứu chữa lành lặn, nhưng sự đau thương và căm giận trong lòng anh thì mãi mãi vẫn còn chảy máu. Cầm đứng lặng trước phần mộ của Rạng. Cầm kêu lên: Rạng ơi. Tôi sẽ tìm về đến quê Rạng, đến tận bản Mường của Rạng ở Thạch Thành, Thanh Hoá xa xôi nhưng rất gần gũi đó. Tôi sẽ tìm gặp người con gái Mường, người đã cột sợ chỉ hẹn ước yêu thương vào cổ tay anh; người đã nói với anh những lời ân tình, chung thuỷ; người đã ví mình như: “tấm vải lanh chỉ chờ nước chàm xanh mới thấm”. Tôi sẽ nói với người con gái Mường ấy rằng: bọn giặc Bắc Kinh cướp nước đã cướp mất Rạng, người thân yêu nhất của cô, đã cướp mất người đồng chí thân thiết của của chúng tôi, của các chiến sĩ biên phòng. Chúng ta đừng bao giờ quên mối thù này. Chúng ta bắt bọn giặc cướp nước phải trả gấp năm, gấp mười món nợ đó. Còn anh, anh Quách Văn Rạng thân yêu, anh vẫn sống mãi và đẹp như mùa hoa đào đất núi Lao Cai, vẫn mãi mãi là ngôi sao sáng trên điểm tựa giữa đỉnh núi Hoàng Liên này.


Bỗng có tiếng chim hót xa xa, từ phí đồi quế vẳng đến. Tiếng hcim ngập ngừng rồi lảnh lót kéo dài rung lên hoà vào âm vang của gió núi. Cầm đưa mắt nhìn về phía đó: “Ôi tiếng hót của con chim chào mào… nghe quen quá, nhớ quá đi thôi….”
Logged

Hãy để những xui xẻo qua đi, biến mất khỏi chúng ta
Để săn đuổi những mục tiêu mà chính chúng ta đã chọn


Trang: « 1 2   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM