Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:11:44 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris  (Đọc 77538 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #120 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:20:26 pm »

Cô-xư-ghin trong thời gian ở thăm Anh luôn luôn nhắc đến tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh, coi đó là con đường thoát cho tình trạng bế tắc không có nói chuyện hiện nay.

Thủ tướng Uyn-xơn căn cứ vào các lời tuyên bố công khai của Tổng thống Johnson thấy rằng tuyên bố ngày 28 tháng 1 của Ngoại trưởng Nguyễn Duy Trinh là một dấu hiệu mà Johnson nói là mong đợi từ lâu ở Hà Nội.

Uyn-xơn hài lòng thấy các cuộc hội đàm giữa ông Cô-xư-ghin có chiều thuận lợi. Tuyên bố của Johnson ra lệnh ngừng bắn bốn mươi tám giờ trong dịp Tết Việt Nam càng củng cố sự lạc quan của ông.

Uyn-xơn và Cu-pơ cùng thảo ra một văn bản về các điều đã thoả thuận với Liên Xô theo yêu cầu của Liên Xô và cũng là phù hợp với các tuyên bố công khai của Mỹ. Một bản được trao cho Chủ tịch Cô-xư-ghin; một bản gửi về Oa-sinh-tơn. Đại sứ Mỹ tại Luân Đôn D.Bru-xơ, người đã tham gia thảo văn kiện, hết sức hoan nghênh và đánh giá hành động của Thủ tướng Uyn-xơn là "một đòn ngoại giao lớn nhất trong thế kỷ" (U.Bớc-sét: Sđd, tr. 340.)

Hai ngày trôi qua yên ổn, cả Uyn-xơn và Cu-pơ đều tin rằng mọi việc đã ổn thoả. Thật ra, đây mới là khởi đầu của những rắc rối.

Đêm hôm thứ hai, Cu-pơ xin gặp Thủ tướng Uyn-xơn và Ngoại trưởng Brao vì có việc khẩn. Số là lúc Cu-pơ đang ngủ thì được đánh thức dậy để nói điện thoại với Rô-xtốp, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ. Rô- tốp cho biết "đang soạn một văn bản mới hoàn toàn khác với bản Uyn-xơn đã đưa cho Cô-xư-ghin và sẽ thay thế cho bản đó". Sau này Cu-pơ viết: "Tim tôi như rụng xuống. Chúng tôi đang đi vào một cuộc chơi hoàn toàn mới" (Xem C.L.Cu-pơ: Sđd, tr. 361, 363)

Theo cách diễn đạt mới, Oa-sinh-tơn sẽ chấm dứt ném bom và ngừng đưa quân vào miền Nam sau khi được bảo đảm rằng Hà Nội đã chấm dứt thật sự việc thâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Và như thế, kịch bản trong Giai đoạn A và Giai đoạn B bị đảo ngược, toàn bộ công thức bị biến dạng. Đó là một đề nghị hoàn toàn trái với sự giải thích của Đin Ra-xcơ về lập trường mười bốn điểm vừa mới công bố hôm trước.

Cu-pơ hết sức bực bội. Uyn-xơn giận dữ, ông ta giải thích cho Cu-pơ rằng công hàm mới của Oa-sinh-tơn làm cho ông ta lúng túng và hại cho ông ta (Xem C.L.Cu-pơ. Sđd, tr. 361, 363.)

Lý do Johnson đưa ra việc thay đổi đột ngột này là trong lúc ngừng bắn dịp Tết, sự vận chuyển người và phương tiện rất lớn hướng về phía Nam đã diễn ra trước khu phi quân sự.

Yêu cầu của Oa-sinh-tơn là sửa lại ngay lập tức bản thoả thuận với Liên Xô trước khi nó tới Mát-xcơ-va hay ít nhất cũng trước khi lời hứa của Uyn-xơn tới Hà Nội.

Năm giờ sáng ngày 10, một phụ tá của Uyn-xơn phóng ô tô ra ga xe lửa, chạy thục mạng qua cửa ga, gặp hết người này đến người khác. Chủ tịch Cô-xư-ghin sắp lên xe lửa đi thăm sứ Ê-cốt. Với vẻ mặt lúng túng, khổ sở, ông ta đề nghị với Chủ tịch Cô-xư-ghin cho xin lại bản thoả thuận mà Thủ tướng Anh đã đưa cho Chủ tịch, trước sự ngạc nhiên và khó chịu của Chủ tịch và những người cùng đi.

Tối ngày 12, ngày cuối cùng của chuyến đi thăm Anh của đoàn đại biểu Chính phủ Liên Xô, sau tiệc chiêu đãi, hai vị Thủ tướng chia tay nhau lúc gần nửa đêm để sáng hôm sau Chủ tịch Cô-xư-ghin rời Luân Đôn về nước.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #121 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:21:40 pm »

Mọi việc tưởng như đã ổn đối với Uyn-xơn. Không ngờ lúc một giờ sáng ngày 13, tức là hai giờ sau khi chia tay tại tiệc chiêu đãi, ông lại cùng Ngoại trưởng Brao vội vã đến biệt thự Cô-xư-ghin ở, ông nói là vừa mới nói chuyện xong với Johnson và Johnson yêu cầu ông chuyển ngay cho Hà Nội một thông điệp mới:

"Hoa Kỳ sẽ thôi không ném bom lại Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nghĩa là đồng ý kéo dài ngừng bắn trong dịp Tết, với điều kiện là Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tuyên bố bí mật trực tiếp với Mỹ, hoặc qua Uyn-xơn, hoặc qua Chủ tịch Cô-xứ ghin, rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không chuyển người và hàng tiếp tế vào miền Nam Việt Nam. Như vậy thì việc ngừng ném bom sẽ kéo dài vô thời hạn và sau đó mấy ngày Hoa Kỳ sẽ đình chỉ việc tăng quân vào miền Nam và trong trường hợp đó Hoa Kỳ hy vọng có thể bắt đầu cuộc thương lượng".

Mỹ đặt điều kiện là Hà Nội phải trả lời trước mười giờ sáng ngày 13 tháng 2 (giờ Luân Đôn). Nếu tới lúc đó mà chưa có trả lời thì Uyn-xơn sẽ nói với Johnson kéo dài thêm vài giờ nữa.

Theo như Cu-pơ kể lại, trước khi đến gặp Cô-xư-ghin lúc nửa đêm cả Uyn-xơn, Brao và Cu-pơ đều thấy rằng thời hạn buộc Hà Nội trả lời trước mười giờ sáng hôm sau là khôug thích hợp. Muốn chấm dứt thâm nhập từ miền Bắc vào miền Nam ít nhất phải mất nhiều ngày có khi cả tuần lễ mới có thể làm được.

Cu-pơ gọi điện thoại cho Rô-xtốp, Uyn-xơn dùng đường dây nóng nói chuyện với Oa-sinh-tơn. Cu-pơ không rõ Uyn-xơn đã gặp ai nhưng hai giờ trôi qua mà không có tin tức gì. Cuối cùng, Uyn-xơn phải làm cái mà người ta gọi là "sứ mệnh nửa đêm", đến gặp Chủ tịch Cô-xư-ghin.

Đại sứ Bru-xơ cũng gọi điện thoại cho Bộ trưởng Ra-xcơ và nói thẳng thời hạn cuối cùng đó là lố bịch, cần phải nhiều ngày cho Hà Nội trả lời, do đó ông đề nghị Ra-xcơ gặp Tổng thống và xin thêm thời hạn. Cu-pơ không biết câu trả lời của Ra-xcơ thế nào nhưng ông "đọc thấy nó trên nét mặt của đại sứ". Bất thình lình Ra-xcơ chúc Bru-xơ ngủ ngon và yêu cầu Bru-xơ đừng gọi lại ông ta về việc này nữa (C L. Cu-pđ. Sđd, tr. 339, 366, 367.)

Chiều ngày 13 tháng 2, Uyn-xơn họp báo tuyên bố:

“Tôi tin rằng con đường đi tới giải pháp đã mở, ngay dù chúng ta thất vọng trong dịp này thì cũng không có lý do gì một lúc khác con đường đó lại không mở lại".

Nửa giờ sau khi Uyn-xơn họp báo, Johnson ra lệnh tiếp tục chiến sự trên toàn lãnh thổ Việt Nam, chấm dứt đợt ngừng bắn bảy ngày trong dịp Tết Việt Nam năm 1967.

Nhà Trắng đưa ra một thông cáo:

"Bất chấp các cố gắng của chúng ta và của những bên thứ ba, không có sự đáp ứng nào của Hà Nội... Nhưng cửa vẫn mở và chúng ta sẵn sàng bất cứ lúc nào đi quá nửa đường để đáp ứng một đề nghị công bằng của phía bên kia".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #122 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:22:13 pm »

Trong hồi ký, Johnson thanh minh rằng ông đã nói cho Uyn-xơn biết trước đề nghị của ông "thay cho kế hoạch hai giai đoạn A và B đã đề nghị trước đây với người Anh và đã đề nghị với Hà Nội". Johnson viết:

“Người Anh giao cho ông ta (Cô-xư-ghin) một tài liệu không được sự đồng ý cụ thể của Oa-sinh-tơn. Đó là một sai lầm, mặc dù tôi tin họ làm việc đó với thiện chí, kết quả là một mớ bòng bong về ngoại giao mà chúng ta phải chịu một phần trách nhiệm” (L.B.Johnson: Sđd, tr. 309-310.).

Lời tự chỉ trích quá nhẹ nhàng đó của Johnson làm sao giải thích được việc phái Cu-pơ sang trình bày lập trường của Mỹ cho Uyn-xơn, chuẩn bị cho ông đi vào hội đàm với Cô-xư-ghin, việc Cu-pơ đã cùng Uyn-xơn và Brao thảo ra bản thoả thuận đã được đưa cho Cô-xư-ghin?

Chính Uyn-xơn sau này đã viết trong một cuốn sách của ông:

"Trả lời thư của tôi là một văn bản mới của Oa-sinh-tơn do Rô-xtốp thảo đưa ra nhiều điều kiện mới, một sự đảo ngược hoàn toàn chính sách của Mỹ đã đưa ra. Một lý do tôi không muốn tin là Nhà Trắng đã đánh lừa tôi và do đó đánh lừa cả ông Cô-xư-ghin. Lý do thứ hai chắc chắn nhất là bọn diều hâu đã tiến hành một sự tiếp quản thành công” (H.Uyn-xơn; Chính phủ Công đảng 1964-1970, tr. 444- 446; U.Bớc-sét: Hồi ký, Nhà xuất bản Thông tin lý luận, Hà Nội, 1985, tr. 341-342).

Các tác giả Cuốn cuộc bí mật tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam đánh giá khách quan hơn:

“Cuộc nói chuyện Uyn-xơn - Cô-xư-ghin là một việc làm vô ích và bối rối. Nó là một tấn bi kịch" (Đa-vít Cra-xtôp và Xti-a H.Lu-rii: Sđd, tr. 212.).

Gióc-giơ C.Hia Rinh, giáo sư chủ nhiệm tạp chí Lịch sử ngoại giao, chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận xét về vụ Hoa Hướng dương (mật danh mà Mỹ dành cho cuộc tiếp xúc của Gớt-tô-rai - Lê Trang ở Mát-xcơ-va và cuộc hội đàm Cô-xư-ghin - Uyn-xơn ở Luân Đôn đầu năm 1967) viết:

"Đây là câu chuyện về một âm mưu phức tạp lộn xôn. mập mờ" (G.C.Hia Rinh - Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam: Sđd, tr. 376.)

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #123 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:23:08 pm »

CHƯƠNG MƯỜI BẢY
PENSYLVANIA

Từ năm 1967, Nhà Trắng mở một kênh liên lạc với Việt Nam qua người Pháp và đặt cho nó mật danh là Pensylvania.

*
*   *

Sự tàn lụi của kế hoạch Mê-ri-gôn có nghĩa là bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc chính thức đầu tiên giữa hai bên. Nhưng sự tàn lụi của Kế hoạch Hoa Hướng Dương, lại có nghĩa là mọi đường liên lạc của Oa-sinh-tơn với Hà Nội đã bị cắt đứt. Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân là Oa-sinh-tơn đề nghị nói chuyện với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhưng không chờ trả lời đã ném bom ác liệt trung tâm Hà Nội.

Từ đó, Oa-sinh-tơn lại trông chờ một cơ hội nối lại liên lạc trực tiếp hay gián tiếp với Hà Nội. Từ tháng 7, chính quyền Johnson yêu cầu tiến sĩ Hen-ri Kít-xinh-gơ làm công việc của người trung gian để khởi động một quá trình thương lượng.

Ngày 5 tháng 6 năm 1967, nổ ra cuộc chiến tranh giữa I-xra-en và Ai Cập. Quân Ai Cập tiến vào sa mạc Xi-nai, đóng cửa vịnh A-ca-ba. Quân I-xra-en tiến vào Xi nai, Gióc-đa-ni, chiếm thành phố Giê-ru-da-lem cổ, tấn công vịnh A-ka-ba. Nhiều nước Arập như Ai Cập, An-giê-ri, Xy-ri, I-rắc, Xu Đăng, Y-ê-men cắt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Tình hình Trung Đông rất nghiêm trọng.

Dư luận thế giới, nhiều tổ chức quốc tế bày tỏ sự lo lắng, trong số đó có Pu-goát. Pu-goát là một tổ chức chống chiến tranh hạt nhân gồm nhiều nhà khoa học nhiều nước như Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp v.v... Khi xảy ra cuộc chiến tranh Ai Cập và I-xra-en, Tổng thư ký Pu-goát, giáo sư Rốt-blát triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của tổ chức tại Paris từ ngày 15 đến ngày 17 tháng 6 để bàn việc tỏ thái độ với cuộc chiến tranh đó. Tham gia kỳ họp có Hen-ri Kít-xinh-gơ.

Nhưng khi cuộc họp bắt đầu thì cuộc chiến tranh đã kết thúc. Hội nghị quay ra bàn vấn đề Trung Đông và vấn đề Việt Nam. Người ta nhất trí thử nghiệm dùng hai nhà khoa học Pháp làm "sứ giả" giữa Oa-sinh-tơn và Hà Nội với mục tiêu tiến tới sự gặp gỡ giữa người đại diện có thẩm quyền của hai Chính phủ Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước hoặc sau việc ngừng ném bom Bắc Việt Nam: Mỹ chấm dứt ném bom, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhận tiến hành thương lượng.

Giáo sư người Pháp Héc-be Mác-cô-vích, nhà sinh học phân tử làm việc tại Viện Pa-xtơ Paris và giáo sư người Pháp Đa-xti-ê Đờ La-vi-giơ-ri, một nhân vật thuộc cánh tả phái Đờ Gôn, được nhất trí cử đi. Nhưng Đa-xti-ê phải từ chối vì lý do sức khỏe. Sau đó, người ta mời giáo sư Ray-mông Ô-brắc là người Pháp.

Ông Ô-brắc đã quen Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1946 thời Hội nghị Phông-ten-blô. Ông đã từng được tướng Đờ Gôn giao nhiệm vụ tổ chức "đội quân ngầm" ở miền Nam nước Pháp trong vùng bị phát xít Đức kiểm soát. Sau khi nước Pháp được giải phóng năm 1944, ông được cử làm Uỷ viên Cộng hoà ở Mác Xây, ông đã chăm lo đời sống cho số người Việt Nam làm trong các công binh xưởng và bị tập trung ở Mác Xây từ năm 1940.

Khi sang Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảm ơn ông, sau đó lại có thời gian đến ở nhà ông ở ngoại thành Paris. Quan hệ của ông Ô-brắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên thắm thiết và Chủ tịch đã nhận đỡ đầu cháu E-li-da-bét, con thứ ba của ông bà Ô-brắc.

Để giữ bí mật, Mác-vô-vích và Ô-brắc xin sang Việt Nam với nhiệm vụ công khai là phái viên của Viện Pa-xtơ Paris sang làm với Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội, đồng thời nghiên cứu khả năng tổ chức ở Phnôm Pênh một hội nghị khu vực bàn những vấn đề hợp tác quốc tế đặc biệt trong lĩnh vực y tế và phòng bệnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #124 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:51:45 pm »

Rời Paris ngày 18 tháng 7 năm 1967, dừng chân tại Phnôm Pênh, hai ông tới Hà Nội ngày 21, sau đó làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch và đi thăm một số bệnh viện. Ngày 24, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp người bạn cũ tại nhà sàn. Lúc đó Chủ tịch đang nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi thăm bà Luy-xi Ô-brắc và các cháu, nhất là cháu E-li-da-bét. Người rất hài lòng nhận quả trứng bằng đá quý
mà E-li-da-bét gửi tặng Người. Sau câu chuyện hàn huyên, ông Ô-brắc nói về cuộc họp của Pu-goát ở Paris, giới thiệu Pu-goát là gì và nói ông có nhiệm vụ chuyển tới Chủ tịch một thông điệp của Tổ chức này nhằm tìm một giải pháp cho vấn đề Việt Nam. Chủ tịch nói về lịch sử Việt Nam, cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta và yêu cầu Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom bắn phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì sẽ nói chuyện.

Ông Ô-brắc cảm thấy có dấu hiệu mới mẻ cần thông báo cho Johnson. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nếu ông có thể làm được thì Người không phản đối.

Nói tới đây, Chủ tịch quay sang phía đồng chí Phạm Văn Đồng và nói:

- Ngày mai chú tiếp ông Ô-brắc và bạn của ông, chú giải thích tình hình và giải đáp các câu hỏi của họ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho ông Ô-brắc món quà gửi E-li-da-bét, ôm hôn ông thắm thiết để chia tay.

Cùng ngày 24 và ngày hôm sau 25 tháng 7, hai ông Ô-brắc và Mác-vô-vích đến làm việc với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Cùng dự với Thủ tướng có Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch. Dĩ nhiên nội dung các cuộc nói chuyện chủ yếu về tình hình Việt Nam và cách đi tới một giải pháp.

Cần nói thêm rằng ông Ô-brắc đã hai lần từ chối làm trung gian: trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất và trong cuộc chiến tranh lần này ông cũng đã từ chối đi với La Pi-ra sang Việt Nam.

Ô-brắc nói về lý do tại sao hai ông tới Hà Nội và Mác-vô-vích nói thêm rằng công việc này rất bí mật - Ở Mỹ chỉ có vài người biết như Johnson, Macnamara, Đin Ra-xcơ, Ha-ri-man... - Và ở Pháp, Đờ Gôn dặn không cho Bộ Ngoại giao biết. Cuộc nói chuyện đi vào vấn đề chủ yếu:

Ô-brắc:

- Đây là một kịch bản vạch ra từ những nét lớn của một cách giải quyết mà một số người, với tư cách cá nhân, cho là có thể chấp nhận được. Kít-xinh-gơ đã nói với tôi: “Tôi bảo đảm chín mươi phần trăm là có sự đồng tình của Oa-sinh-tơn". Trước khi lên đường tôi đã gọi điện thoại cho ông ấy ở Mỹ, ông ấy lại nói: bảo đảm chín mươi tám phần trăm. Kịch bản này dự kiến: 

- Đình chỉ các cuộc ném bom miền Bắc Việt Nam.

- Giữ mức chi viện quân sự cho toàn miền Nam Việt Nam như trong thời kỳ còn ném bom.

- Thương lượng sau một thời gian nào đó.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #125 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:52:59 pm »

Mác-vô-vích:

- Việc Mỹ ném bom đã hạn chế chi viện của miền Bắc đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng ở một mức nào đó, không phải dễ dàng nâng lên... Mức đó, độ mười phần trăm các ông cứ duy trì sau khi không có ném bom nữa. Sau một thời gian, không lâu lắm, có thể đi vào thương lượng. Do đó đề nghị:

- Giữ mức chi viện của miền Bắc cho miền Nam.

- Không tăng cường lực lượng Mỹ ở miền Nam.

Bây giờ tôi xin nêu thêm một vài chi tiết, ở Ma-ri-en-bát cách đây một tháng rưỡi, Uỷ ban thường trực của Pu-goát đã quyết định họp một hội nghị để thảo luận về hiệp ước không phổ biến (vũ khí nguyên tử). Chúng tôi họp vào lúc vịnh A-ca-ba bị đóng cửa. Chúng tôi quyết định gửi thư tới Tổng thống Nát-xe.

Thứ hai, ngày 5 tháng 6 chiến tranh nổ ra giữa I-xra-en và người Ai Cập. Chúng tôi nhận thấy các quyết định của chúng tôi đã lỗi thời và chúng tôi quyết định họp một cuộc hội nghị khác để thảo luận các vấn đề Trung đông và Việt Nam. Đại diện Xô Viết đồng ý. Ngày 16 tháng 6 là phiên họp đầu tiên với sự hiện diện của Ô-brắc, Kít-xinh-gơ, Phrăng-xít Pe-ri-ê... Tổ chức Pu-goát gồm những người có thiện chí tin cậy lẫn nhau.

Ô-brắc:

- Trước khi lên đường, tôi đã nói với Kít-xinh-gơ rằng tai hại sẽ lớn nếu trong khi chúng tôi đang vận động lại có một đợt leo thang mạnh của Mỹ. Kít-xinh-gơ đã bảo đảm với tôi rằng ông ấy sẽ hết sức cố gắng để không có leo thang, nhưng nếu chẳng may điều đó xảy ra thì đó là điều đã được quyết định từ trước rất lâu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi xin cảm ơn các bạn đã đến đây. Cũng xin cảm ơn các thông tin của các bạn. Đây là vấn đề cực kỳ mật. Đây là vấn đề nói chuyện. Tôi sẽ trình bày lập trường của chúng tôi, sau đó các bạn làm gì thì tuỳ.

Mác-vô-vích:

- Chúng tôi chỉ làm cái gì mà Việt Nam vui lòng.

Ô-brắc:

- Có một điểm chúng tôi đã quên không nêu: đó là vấn để kiểm soát.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi có nghĩ đến.

Mác-vô-vích:

- Thủ tướng biết rất rõ các vũ khí mà Mỹ có ở Việt Nam. Người Mỹ có những máy bay có thể chụp ảnh các đường giao thông để xem số lượng xe tải có tăng lên không. Do đó, chúng tôi đã đề nghị sẽ không có kiểm soát trong bước một. Mỗi bên sử dụng những phương tiện riêng của mình. Sẽ không có kiểm soát tại chỗ.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Điều cơ bản là xem vấn đề thương lượng giữa Việt Nam và Mỹ được đặt ra thế nào. Mỹ phải chấm dứt không điều kiện ném bom miền Bắc Việt Nam, đó là vấn đề cơ bản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Chúng tôi sẽ không thương lượng dưới bom đạn".

Nêu thế vì hai lý do: Mỹ là kẻ xâm lược, làm cho lương tri của mọi người công phẫn. Thứ hai đây là một vấn đề phẩm cách, trung thực và hiệu quả. Chúng tôi đề cập vấn đề một cách giản dị và trung thực. Chúng tôi tán thành thương lượng. Nhưng cũng phải có một số điều kiện. Những điều kiện đó do hoàn cảnh, do bản thân vấn đề đặt ra. Không phải là chúng tôi tìm cách áp đặt điều kiện của chúng tôi. Không thể có thương lượng dưới áp lực của bom đạn. Cần phải chấm dứt không điều kiện.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #126 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:54:05 pm »

Ô-brắc:

- Chúng tôi đã gợi ý Mỹ ngừng ném bom không điều kiện, còn sự chi viện của liền Bắc cho miền Nam được giữ ở mức hiện nay. Đó là một việc ngừng ném bom không điều kiện có châm chước.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi cho rằng chúng tôi phải trình bày lập trường của chúng tôi một cách kiên quyết nhất. Chúng tôi không chấp nhận bất cứ sự có đi có lại nào. Cần phải chấm dứt không điều kiện. Chúng tôi biết các bạn. Chúng tôi tôn trọng cuộc vận động của các bạn. Giữa chúng ta không có sự hiểu lầm nào. Nhưng khi Mỹ phạm tội xâm lược nước chúng tôi, chúng tôi nói: Không! Cần phải chấm dứt không điều kiện. Sau đó sẽ tính.

Mác-vô-vích:

- Điều chúng tôi mong muốn là giúp đỡ phái bồ câu, Thủ tướng biết đấy: năm nghìn giáo sư đại học đã ký một kiến nghị. Họ xấu hổ hơn thế nữa. Họ có món nợ đối với nước Việt Nam. Cần phải giúp những người Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá. Chúng tôi tự đặt câu hỏi: làm thế nào giúp những phần tử có thể lui tới Nhà Trắng đánh bại được những Rô-xtốp, Macnamara, Đin Ra-xcơ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến tranh và chiến thắng. Chúng tôi quyết tâm chiến đấu đến cùng và biết làm thế nào để chiến thắng. Có một số điều không thể thoả hiệp. Họ hãy chấm dứt không điều kiện việc ném bom! Không thể nói cả hai bên phải chấm dứt chiến tranh, mỗi bên năm mươi phần trăm.

Chủng tôi vẫn ở nước chúng tôi, việc leo thang là tự họ, không phải chúng tôi. Họ hãy xuống thang đi, chúng tôi sẵn sàng chĩa cái sào cho họ. Cái sào đó là thương lượng. Nhưng họ phải chấm dứt ném bom, không thể có điều kiện chúng tôi chấm dứt năm mươi phần trăm chiến tranh. Nếu như chúng tôi đã đem chiến tranh đến nước họ thì sẽ chấm dứt chiến tranh năm mươi phần trăm ở giữa Thái Bình Dương.

Họ là người đã đến đây. Họ hãy cút đi! Đó là lô-gích sơ đẳng nhất. Cần phải xuất phát từ những nguyên tắc. Tôi nói với sự xúc động vì chúng tôi làm việc với những con người như Johnson, Macnamara, Oét-mo-len... Với bầy sói, phải cư xử như sói! Nhưng chúng tôi không phải sói. Chúng tôi và họ sẽ nhìn lại nhau như những người bạn.

Có hai loại vấn đề: thương lượng và giải pháp. Muốn có thương hrợng, chúng tôi đứng trên lập trường nguyên tắc của chúng tôi: phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc mới có thể thương lượng. Trong quá trình thương lượng, chúng tôi biết chúng tôi phải nói gì. Mỹ hãy chuẩn bị về phía họ

Ô-brắc:

- Thế nào là việc ngừng ném bom không điều kiện? 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn là họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #127 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:55:11 pm »

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn là họ ra một tuyên bố. Nhưng chúng tôi không quá khó tính.

Mác-vô-vích:

- Có lẽ là một việc ngừng ném bom trên thực tế, không tuyên bố.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi không khó tính về điểm này. Điều chủ yếu là ngừng không điều kiện. Chúng tôi sẽ không nói chuyện dưới sự đe doạ của bom đạn.

Ô-brắc:

- Cái gì đảm bảo là các cuộc ném bom ngừng lại? Có cần một thời gian nào không để đảm bảo việc ngừng ném bom đã thực sự chứ không phải vì lý do thời tiết? Liệu một thời gian sáu tháng có đủ không?

Mác-vô-vích:

- Các ông làm thế nào biết được việc ném bom đã chấm dứt? Bao nhiêu lâu sau khi ngừng ném bom thì các cuộc nói chuyện có thể bắt đầu?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Lập trường của chúng tôi rất đơn giản. Phải ngừng ném bom thật sự. Không cần thiết có một bài diễn văn của Johnson. Có rất nhiều con đường để Mỹ thông báo cho chúng tôi quyết định của họ. Nhưng họ chưa tới chỗ đó đâu.

Họ nói những điều mà chúng tôi không thể chấp nhận được. Họ là kẻ xâm lược. Họ hãy chấm dứt đi! Họ đã đưa ra những cái làm cho vấn đề rối rắm quá chừng. Lúc này tôi có nghĩ đến vấn đề kiểm soát. Ngay dù việc đó được thực hiện vẫn có thể dẫn tới những điều phức tạp chúng tôi đã có kinh nghiệm.

Cần phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc nếu họ muốn nói chuyện về vấn đề Việt Nam. Nói cho cùng mục tiêu của họ là miền Nam. Nếu họ muốn thương lượng, đó là do tình hình ở miền Nam. Cần sự có mặt của đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Mác-vô-vích:

- Kít-xinh-gơ đã nói với tôi rằng việc Mặt trận Dân tộc Giải phóng có đại diện là việc bình thường.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #128 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:56:15 pm »

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tìm ra một giải pháp, việc đó khác với việc ngồi lại để nói chuyện. Không phải bao giờ cũng chắc chắn là nói chuyện sẽ dẫn đến một cái gì. Cần phải xét các yếu tố của giải pháp đó. Chúng tôi đả đưa ra bốn điểm. Tóm lại đó là việc Hoa Kỳ thừa nhận các quyền dân tộc của chúng tôi. Họ hãy chấm dứt chiến tranh ở miền Bắc, miền Nam và rút quân của họ về.

Vấn đề thật đơn giản. Họ đã bắt đầu hiểu rằng họ đã lao vào một cuộc chiến tranh không lối thoát. Họ đã phạm những tính toán sai lầm ghê gớm. Họ hãy rút ra những kết luận? Họ hãy chấp nhận để chúng tôi yên ổn. Họ đừng bám lấy miền Nam nữa! Họ muốn thương lượng với những bù trừ. Họ muốn chia cắt nước chúng tôi.

Muốn có một giải pháp phải chăng, hiệu quả và ổn định, họ phải chấm dứt chiến tranh, rút đi và để miền Nam Việt Nam tự quyết định vận mệnh của mình. Trong những điều kiện như vậy, mọi việc sẽ ổn thoả. Nếu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc quyết định thi hành một chính sách như thế, mọi việc tự nó sẽ được giải quyết.

Chúng tôi quyết tâm tiếp tục chiến đấu và chiến thắng. Đây là vấn đề các quyền dân tộc của chúng tôi. Chúng tôi có phương tiện để giành thắng lợi. Chúng tôi có đường lối chính trị khôn ngoan. Chúng tôi không hề muốn làm cho vấn đề rắc rối. Chúng tôi không làm những việc vô ích. Nếu Mỹ chấp nhận một cách trung thực rút đi thì chúng tôi có thể nói chuyện để việc rút lui đó được thực hiện trong điều kiện tốt nhất.

Vấn đề thể diện có thể được giải quyết. Chúng tôi biết Hoa Kỳ là một cường quốc. Chúng tôi biết tỏ thái độ đúng mức nhất có thể được đối với họ. Họ phải chấm dứt chiến tranh và rút quân của họ. Đó là vấn đề cơ bản, không có nó thì tất cả chỉ là thủ đoạn. Họ có một bộ máy ghê gớm lắm hòng lừa gạt chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã quen chiến đấu. Chúng tôi sẽ không sa vào những thủ đoạn giả tạo của họ.

Mác-vô-vích:

- Hoa Kỳ không muốn chịu mất thể diện. Kít-xinh-gơ đã nói với chúng tôi: làm thế nào giúp họ rút đi. Người ta có nói đến thảm đỏ nhưng thảm đỏ nào?

Nếu đi đến đình chỉ chiến sự trong một năm tới thì bọn diều hâu sẽ không làm được gì. Cần phải tìm cách giúp những người Mỹ không cầm quyền tác động đến những người Mỹ đang cầm quyền. Sắp tới sẽ có bầu cử ở Mỹ và trong một nước sắp có bầu cử, người ta có thể có những quyết định quá đáng.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vấn đề như các bạn đặt là có ích đối với các bạn và nhất là cánh tả. Đối với chúng tôi, thật rất khó nêu một vài gợi ý nào với các bạn ngoài lập trường của chúng tôi và một số tình cảm đối với nhân dân Mỹ. Chúng tôi không làm gì có thể hiểu là một sự xúc phạm đối với nước Mỹ. Về điểm này, chúng tôi có lập trường nguyên tắc của chúng tôi.

Chiến tranh không thể kết thúc trước khi địch dùng hết các phương tiện của nó. Chúng tôi đã ra sức hạn chế chiến tranh trong biên giới nước chúng tôi. Nhưng chúng ta đứng trước những con người như Rô-tốp Các tít Lơ-mây... Cần phải sáng suốt.

Chúng tôi giữ một lập trường trước sau như một. Nếu Hoa Kỳ hạn chế chiến tranh thì họ có hai khả năng: tăng cường tiềm lực ở miền Nam và tăng cường ném bom miền Bắc. Từ bây giờ đến sang năm có lẽ đội quân viễn chinh của họ lên tới sáu trăm nghìn người. Họ còn yêu cầu các nước chư hầu gửi thêm quân. Tất cả những cái đó sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Từ hai tháng nay, báo chí Mỹ bắt đầu nhìn thấy cái gốc của vấn đề.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #129 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2009, 02:57:17 pm »

Có một điều mà mỏi người, nhất là các bạn Mỹ của chúng ta cần hiểu. Bọn diều hâu nói rằng chúng tôi muốn đánh thắng cuộc chiến tranh không phải ở đây, ở Việt Nam mà ở Oa-sinh-tơn.

Đối với một số nhà báo nêu câu hỏi đó, tôi đã trả lời: Cần phải đấu tranh chống lại luận điệu tuyên truyền đó. Luận điệu đó cực kỳ có hại. Các bạn cần phải làm điều cần làm. Muốn huy động dư luận, cần xác định một số điểm nguyên tắc làm lập trường, bằng không thì không thể dẫn dắt dư luận đến chỗ giác ngộ được. Chính phủ Mỹ là người chịu trách nhiệm. Nếu các bạn che lấp sự thật đó thì các bạn sẽ không làm được gì, hoà bình hay chiến tranh là tuỳ thuộc điều đó

Tướng Đờ Gôn đã nói: Tình hình chưa chín muồi để thương lượng. Khách quan mà nói, điều đó đúng. Lầu Năm Góc muốn kéo dài chiến tranh, tăng thêm tiềm lực của đội quân viễn chinh ở miền Nam. Họ sẽ leo vài nấc thang. Ngày nào người Mỹ yêu cầu chấm dứt chiến tranh và rút đi thì chúng tôi biết sẽ làm gì để không ai có điều gì phải tiếc.

Ô-brắc:

- Vấn đề thật phức tạp. Liệu Thủ tướng có cảm tưởng rằng cuộc vận động của chúng tôi là một việc làm của Chính phủ Mỹ và khách quan mà nói, chúng tôi là một công cụ của Bộ Ngoại giao Mỹ?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Không! Nếu vậy các bạn đã chẳng có mặt ở đây. Chúng tôi không có thói quen nói những điều mà chúng tôi không nghĩ. Vấn đề này rất phức tạp. Hoa Kỳ là một trong những nước mạnh nhất. Họ có một tiềm lực ghê gớm. Họ phạm những sai lầm ghê gớm trong tính toán.

Ô-brắc:

- Tiếp theo việc chấm dứt ném bom không điều kiện là thương lượng. Mục đích của cuộc thương lượng sẽ là gì? Có phải bàn đến cùng tất cả các vấn đề hay chỉ bàn vấn đề ngừng bắn thôi?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi không muốn nói cụ thể khi không có đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ô-brắc:

- Sự có mặt của Chính phủ Sài Gòn là có thể hay không có thể?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề này với Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ô-brắc:

- Tất nhiên. Mục đích của bước một là xác định phạm vi và ý nghĩa các cuộc thảo luận.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Rất khó mà thấy trước sự việc diễn biến thế nào. Ngồi lại với nhau chung quanh một cái bàn là một chuyện. Giải pháp là chuyện khác.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM