Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:26:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris  (Đọc 77320 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #110 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:20:14 am »

A-xmô-rơ:

- Chúng tôi rất cảm động về sự tiếp đón thân mật của Chủ tịch và tất cả đồng bào của Chủ tịch đã dành cho những người Mỹ chúng tôi, kể cả những người hiện nay là nạn nhân của việc ném bom của Mỹ.

Khách tỏ vẻ muốn đứng dậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh giơ hai tay giữ lại và nói:

- Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đày sang đây để đi giết người và để giết người. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đ là sự sỉ nhục.

Đối với các ông, các ông khó mà tin được rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta.

Nếu điều đó tỏ ra xa lạ với các ông thì các ông hãy nhìn lại mối quan hệ giữa chúng tôi với Pháp. Khi chiến tranh chấm dứt ở Điện Biên Phủ, mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết đã phát triển giữa Paris và Hà Nội. Người Pháp hiện nay là người bạn nhiệt tình của chúng tôi và chúng tôi cũng tự hào có hương vị Pháp trong nền văn hoá hiện tại của chúng tôi.

Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập.

A-xmô-rơ:

- Thưa Chủ tịch, chúng tôi vui mừng chuyển tình cảm đó đến các quan chức chính thức của Oa-sinh-tơn và sẽ thông báo lại phản ứng của họ cho Chủ tịch biết. Chúng tôi xin hỏi có thể chuyển qua ông Hoàng Tùng được không? 

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ông Hoàng Tùng sẽ rất sung sướng được nghe bất cứ điều gì mà các ông nói, nhưng nếu các ông có một thông điệp cho tôi sao không gửi thẳng cho tôi? Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có đại diện ở Pháp, ở An-giê-ri, ở các nước xã hội chủ nghĩa và nhiều nơi khác trên thế giới. Nếu Chính phủ Mỹ muốn có bất cứ cuộc tiếp xúc chính thức nào thì cơ quan ngoại giao của chúng tôi ở nước ngoài đều có thể thu xếp được.

Tôi xin thêm một điều, chúng tôi rất muốn hoà bình nhưng nếu Chính phủ Mỹ không muốn hoà bình và cứ tiếp tục chiến tranh thì chúng tôi kiên quyết chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do chứ quyết không chịu ách nô lệ của đế quốc Mỹ. Một nước đi gây chiến tranh xâm lược một nước khác là xấu, Mỹ là một nước lớn, Mỹ đi xâm lược một nước nhỏ như Việt Nam cho nên việc đó càng xấu.

Cuối cùng xin nhờ các ông chuyển đến nhân dân Mỹ lời chào của những người bạn Việt Nam (Xem thêm H.S.A-.xmô-rơ và W.C.Bách: Công cán tại Hà Nội, Nhà xuấ bản Pút-man-xơn, Niu Yoóc, 1986, tr: 45-52.).

Theo như hai ông đã kể lại trong cuốn Công cán tại Hà Nội, sau khi trở về Mỹ, A-xmô-rơ và Bách đã dành hai ngày báo cáo chuyến công cán ở Hà Nội cho Ni-cô-la Cát-den-bách, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Uy-li-am Bân-di trợ lý Bộ trưởng về vấn đề Viễn Đông và Thái Bình Dương, A-vơ-ren Ha-ri-man và một số quan chức khác.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #111 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:21:58 am »

Họ còn gặp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Macnamara để trình bày nhận xét của mình về các cuộc ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam. Họ cho là không có kết quả (Cả hai ông trong chiến tranh thế giới thứ hai đều là phi công, riêng H.S.A-xmô-rơ đã là trung tá trong không quân Mỹ). Họ cho rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đáp ứng tất cả các điều kiện mà Mỹ đã từng tuyên bố công khai và như vậy con đường đã mở rộng để thăm dò thêm qua hai ông hay qua con đường ngoại giao.

Những nhận xét của Chủ tịch Hồ Chí Minh gây ấn tượng và các yếu tố trong đề nghị rất đơn giản: Chúng ta ngừng ném bom và Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đi vào nói chuyện. Hai ông không nhận lời ra điều trần trước Uỷ ban Đối ngoại Thượng nghị viện Mỹ, nhưng đã thông báo chuyến đi và kết quả cho Chủ tịch Uỷ ban này là Phun-brai và qua Phun-brai, Tổng thống Johnson cũng đã biết chuyến đi Hà Nội của họ.

Hơn hai tuần sau khi báo cáo với Bộ Ngoại giao Mỹ, A-xmô-rơ và Bách lại được mời tới Bộ Ngoại giao. Hôm đó có thượng nghị sĩ Phun-brai dự. Các quan chức ngoại giao bàn về một bức thư của hai ông gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Cát-den-bách duyệt lần cuối cùng lá thư đó và trao cho A-xmô-rơ ký tên và gửi đi. Ngày 7 tháng 2 năm 1967, Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Phnôm Pênh nhận được bức thư đó. Trong thư có đoạn viết:

“Họ (Bộ Ngoại giao Mỹ - Tác giả) đặc biệt chú ý đến gợi ý của Ngài với chúng tôi là có thể bắt đầu nói chuyện riêng miễn là Mỹ ngừng ném bom nước Ngài và chấm dứt việc đưa thêm quân vào miền Nam. Họ bày tỏ ý kiến cần một sự qua lại hạn chế nào đó để chứng tỏ không bên nào có ý định lợi dụng cơ hội để giành lợi thế về quân sự".

Bức thư cũng nói đến việc lấy Hiệp nghị Giơ- ne-vơ năm 1954 làm cái khung cho một giải pháp và cuộc thảo luận sẽ đề cập đến tất cả các vấn đề cho một giải pháp.

Bức thư vẫn dựa trên yêu cầu "có đi có lại" của Nhà Trắng, nhưng ít nhất cũng là một bức thư ký tên ông A-xmô-rơ và được Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt từng câu từng chữ, một lập trường còn lấy Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 195 làm khung cho một giải pháp chính trị về Việt Nam.

Ông A-xmô-rơ thật sự tin rằng Chính phủ Mỹ muốn hoà bình và tỏ ý muốn trở lại Hà Nội một lần nữa. Nhưng ngày 8 tháng 2 năm 1967, Tổng thống Johnson gửi bức thư đầu tiên cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với lập trường cứng rắn hơn tất cả các lời tuyên bố trước như: Mỹ chỉ ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam khi Hà Nội bảo đảm trước sẽ chấm dứt đưa quân vào miền Nam Việt Nam hoặc không hề nói đến việc lấy Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 làm cơ sở thương lượng.

Rất kiên nhẫn, ông Bách đợi đến ngày 18 tháng 9 năm đó mới viết bài đăng trên tờ Tin Mai-a-mi, giới thiệu một cách chi tiết cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông nhấn mạnh "thái độ hoà giải" của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phê phán thái độ cứng rắn, không muốn thương lượng của Johnson. Ông đặc biệt công phẫn về thái độ của nhà cầm quyền Mỹ, ông viết: 

"Tại sao Johnson lại chọn thời điểm đó (lúc hai ông vừa gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) để gửi cho Hà Nòi bức thư nói trên. Nếu coi thư của A-xmô-rơ là không quan trọng, tại sao Bộ Ngoại giao (Mỹ) lại cho gửi đi? ... Không thể hiểu cái lô-gích một thư của Bộ Ngoại giao, một thư của Nhà Trắng mà nội dung hai thư lại mâu thuẫn nhau...".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #112 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:22:11 am »

Ông Bách kết luận, hơi nhẹ nhàng so với những câu chất vấn của ông: Johnson vừa xoa dịu phái bồ câu vùa nhân nhượng phái diều hâu...

Nhưng A-xmô-rơ thẳng thừng hơn trong bài Quan hệ công khai về hoà bình đăng trên tạp chí của Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ ở Mỹ. Ông tố cáo Johnson là dùng thủ đoạn hai mặt thô lỗ và "trò chơi trí trá".

Cùng ngày 18 tháng 9, Bộ Ngoại giao Mỹ phải ra tuyên bố xác nhận có bức thư ngày 5 tháng 2 năm 1967 của A-xmô-lơ gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng lại cố thanh minh rằng từ tháng 1, Mỹ đã thiết lập được quan hệ trực tiếp với Hà Nội qua Mát-xcơ-va mà A-xmô-rơ và Bách không biết. Bảu tuyên bố đó đã lờ đi hoặc không giải đáp câu hỏi: Tại sao Bộ Ngoại giao đầu tháng 2 đã thông qua thư của A-xmô-rơ gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh lời lẽ mềm mỏng còn thư Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng trong thời điểm đó lại cứng rắn và bác bỏ thiện chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Và thiện chí đó, ngay thượng nghị sĩ Phun-brai cũng đã thấy, ông cảm thấy Mỹ có thể nói chuyện hoà bình với Bắc Việt Nam nếu Mỹ xét tới bất kỳ cái gì, trừ việc đầu hàng của Bắc Việt Nam. Thái độ của Bắc Việt Nam có thể dẫn tới đàm phán (Tin AP, UPI, Oa-sinh-tơn, ngày 18 tháng 9 năm 1967.)

Sự thật là Johnson tỏ vẻ muốn thương lượng hoà bình là nhằm che đậy ý định tìm một thắng lợi trên chiến trường để chuẩn bị năm bầu cử Tổng thống.

*
*   *

Năm ngày sau khi tiếp hai ông A-xmô-rơ và Bách, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đoàn "Những người tình nguyên vì hoà bình”. Đoàn gồm ba vị:

- Cụ A.J.Ma-xti, tám mươi tuổi, mục sư Đạo Tin Lành, người Mỹ,

- Ông A-bra-han Phê-in-bớc, sáu mươi bảy tuổi, mục sư Đạo Do Thái, người Mỹ sống ở Ca-na-đa.

- Ông En-brô-dơ Ri-vơ, sáu mươi bảy tuổi, linh mục nhà thờ Anh giáo, người Anh.

Trong thời gian ở Hà Nội, ba vị đã thăm khu đông dân Phúc Xá và một số phố khác của Hà Nội bị ném bom nặng trong những ngày tháng 12 năm 1966, thăm Bệnh viện Xanh Pôn và gặp một số phi công Mỹ bị bắt.

Ba vị đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, có cả Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng dự. Cuộc nói chuyện thật là thân mật, thoải mái. Chủ tịch Hồ Chí Minh cảm ơn ba vị từ ngàn dặm xa xôi bỏ công đến thăm đất nước Việt Nam đang bị xâm lược và chịu những hy sinh to lớn.

Người nói: đối với nhân dân Việt Nam không có gì quý hơn độc lập, tự do. Thật vất vả cho những người ở tuổi các cụ khi tiến hành một chuyến đi như vậy. Người cũng nói Người đã bảy mươi bảy tuổi rồi. Người nhắc lại rằng Người đã ở Anh, từng làm đầu bếp trong một khách sạn, đã đến khu da đen Ha-lem ở Niu Yoóc, nhưng chưa được đến Ca-na-đa, và đã là lính thuỷ nên đã qua nhiều cảng. Người mời các cụ dùng nước chè, uống cả rượu nho.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #113 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:22:19 am »

Các vị khách kể lại đã đi thăm nhiều nơi của Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói:

"Tổng thống Johnson đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hoà bình. Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi, ông hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc! Tôi xin bảo đảm rằng Tổng thống sẽ an toàn tuyệt đối" (Xem thêm: Nhật ký đi Hà Nội của mục sư Phê-in-bớc, A-long-nom-búc, Ca-na-đa, 1968, tr. 205.)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chụp ảnh chung với ba vị khách. Người đã tặng mỗi vị một cái ba-toong. Riêng đối với mục sư Phê-in-bớc là người kém mắt, Người đã tặng chiếc ba-toong sơn từng đoạn đen, trắng, một kỷ niệm của Người sau chuyến đi thăm nước Cộng hoà In-đô-nê-xi-a.

Thời bấy giờ, các công dân Mỹ không được sang thăm Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trừ những trường hợp ngoại lệ. Căn cứ vào luật đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố ông Phê-in-bớc đi Bắc Việt Nam mà không được phép của Chính phủ Mỹ thì có thể bị truy tố.

Khi ông Phê-in-bớc về đến Anh, sứ quán Mỹ đã cho người đón ông về trụ sở và yêu cần ông kể lại những điều đã thu lượm được khi sang Hà Nội. Về đến Niu Yoóc, ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ khác với Bộ Quốc phòng Mỹ về các tù binh Mỹ mà ông đã gặp ở Hà Nội, với Bộ Ngoại giao.

Ông còn nói chuyện trực tiếp với đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Ác-tơ Gôn-bớc và yêu cầu đại sứ chuyển lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Tổng thống Johnson. Gôn-bớc lưỡng lự rồi giao cho thư ký ghi lại yêu cầu đó. Những thông tin ông đưa về Hà Nội và được các báo đăng rộng rãi, làm xôn xao dư luận.

Nhưng khi Phê-in-bớc trở về nơi cư trú ở Ca-na-đa, một tháng sau lãnh sự Mỹ ở Ca-na-đa đã thu lại hộ chiếu của ông.

Về "Những người tình nguyện về hoà bình" chuyển lời Chủ tịch Hồ Chí Minh mời Tổng thống Johnson sang thăm Hà Nội mà không được đáp ứng cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Trước đó không lâu, Johnson đã nói với thượng nghị sĩ Phun-brai, khi thượng nghị sĩ đề nghị Tông thống tiếp hai ông A-xmô-rơ và Bách:

"Tôi rất muốn gặp họ, nhưng ngài biết đấy, tôi không thể nói chuyện với người đã ở đấy về và đã nói chuyện vòi Cụ Hồ Chí Minh" (H.S.A-xmô-rơ và W.C.Bách. Sđd, tr. 65.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #114 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:13:50 pm »

CHƯƠNG MƯỜI SÁU
HOA HƯỚNG DƯƠNG

Đây là mật danh một cuộc vận động ngoại giao lớn (tháng 1 đến tháng 4 năm 1967) bao gồm một phần tại Mát-xcơ-va giữa Mỹ và Việt Nam, một phần tại Luân Đôn giữa Thủ tướng Anh H.Wilson và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Cô-xư-ghin.

*
*   *

Ngày 6 tháng 1 năm 1967, ba giờ chiều, Hoàng Mạnh Tú, Bí thư thứ nhất sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở Liên Xô nhận được một thư do một cán bộ sứ quán Mỹ đưa tới. Thư viết:

“Thưa ông đại sứ,

Tôi được chỉ thị chuyển tới cá nhân ông một công hàm của Chính phủ tôi. Vì mục đích đó tôi sẵn sàng đến thăm ông vào một buổi gần nhất thuận lợi đối với ông. Mong ông cho biết khi nào ông có thể vui lòng tiếp tôi.

Xin gửi ông lời chào trân trọng.
Giôn C.Gớt-tô-rai, đại biện lâm thời sứ quán Hoa Kỳ”.

Đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh đã lên đường về nước khi hết nhiệm kỳ, Lê Trang, tham tán công sứ đại biện lâm thời sứ quán Việt Nam được chỉ thị của Hà Nội tiếp ông vào ngày 10 tháng 1.

Gớt-tô-rai năm đó khoảng ngoài năm mươi tuổi và làm công tác tại sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va lần thứ hai. Trước đó ông đã từng công tác tại Băng Cốc, Hồng Kông, Trung Quốc.

Qua cổng sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại đường Pi-rô-gốt-xcai-a, ông đến cửa phía sau phòng khách. Đồng chí Lê Trang đón ông. Cuộc gặp gỡ được bắt đầu bằng câu chuyện khá ly kỳ của ông để đi từ sứ quán Mỹ đến sứ quán Việt Nam. Không dùng chiếc xe mọi ngày, ông tự lái một chiếc xe khác, đi loanh quanh ra mãi ngoại ô rồi gần một giờ sau mới trở về trung tâm Mát-xcơ-va và đi đến sứ quán Việt Nam.

- Các ông thông cảm cho. Tôi phải giữ bí mật, tránh các con mắt tò mò hay soi mói của các nhà báo của chúng tôi. Nhiều khi họ làm hỏng việc.

- Tôi nghĩ nếu chúng ta thành thật thì việc gì phải giấu giếm - Đồng chí Lê Trang cười nói.

Gớt-tô-rai đọc thông điệp:

"Chính phủ Hoa Kỳ đặt ưu tiên cao nhất cho việc tìm ra những thu xếp hoàn toàn có bảo đảm mà hai bên có thể thoả thuận với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về khả năng hoàn tất một giải pháp cho cuộc xung đột ở Việt Nam. Nếu phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng mong muốn tìm kiếm những khả năng như vậy với Hoa Kỳ, chúng tôi sẽ tìm cách đáp ứng mọi gợi ý mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ đưa ra liên quan đến thời gian và địa điểm của cuộc thảo luận đó và chúng tôi sẵn sàng nhận các tin tức như vậy trực tiếp từ phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà qua con đường ngoại giao ở bất cứ thủ đô nào mà cả hai bên đều có cơ quan thường trực".

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #115 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:15:24 pm »

Một tuần sau, Gớt-tô-rai được mời đến sứ quán Việt Nam. Đồng chí Lê Trang đề nghị phía Mỹ giải thích thêm một số điểm: thế nào là thu xếp hoàn toàn có bảo đảm, lập trường cụ thể của Mỹ là gì? Một cuộc gặp mặt ngắn ngủi.

Trong cuộc gặp đồng chí Lê Trang ngày 20 tháng 1, ông Gớt-tô-rai đáp ứng các yêu cầu của phía Việt Nam:

- Mỹ muốn giữ thật bí mật các cuộc thảo luận giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ. Mỹ sẵn sàng gặp đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bất cứ ở đâu. Mỹ sẵn sàng xem xét bất cứ vấn đề nào mà phía Việt Nam đề ra. 

Tới đây, Gớt-tô-rai đưa ra một danh mục các vấn đề làm thí dụ: Ngừng bắn hoặc giảm chiến sự, rút lực lượng bên ngoài ra khỏi miền Nam Việt Nam, quyền tự do quyết định của miền Bắc và miền Nam Việt Nam về vấn đề thống nhất Việt Nam, vấn đề độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của hai miền hoặc cả nước Việt Nam nếu như nhân dân Việt Nam đồng ý thống nhất, vị trí quốc tế, cơ cấu chính trị của miền Nam Việt Nam và cuối cùng là biện pháp bảo đảm những điều khoản đã thoả thuận.

Các vấn đề Mỹ nêu ra chỉ là danh mục làm ví dụ, chưa phải là lập trường của Mỹ để giải quyết vấn đề Việt Nam. Thực chất đây vẫn là "lập trường thương lượng không điều kiện" đã đưa ra hai năm trước, vẫn là ngừng ném bom có điều kiện. Rõ ràng Mỹ muốn đưa Việt Nam vào con đường tiếp xúc bí mật trong khi Mỹ tiếp tục ném bom miền Bắc, vừa tỏ thiện chí hoà bình, vừa đẩy mạnh chiến tranh ở cả hai miền, vừa thăm dò khả năng có một giải pháp có lợi cho Mỹ.

Trong lúc Mỹ làm ra vẻ bí mật đi tìm cách tiếp xúc với Hà Nội để thăm dò một khả năng dẫn tới cuộc nói chuyện với Hà Nội thì toàn thế giới đều biết lập trường của Hà Nội về khả năng đó. Ngày 2 tháng 1, tức là bốn ngày trước khi Gớt-tô-rai yêu cầu gặp Lê Trang, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tuyên bố rõ ràng lập trường bốn điểm là cơ sở cho một giải pháp chứ không phải là điều kiện tiên quyết. Đó cũng là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với hai ông A-xmô-rơ và Bách.

Ngày 27 tháng 1, Lê Trang trao cho ông Gớt-tô-rai một bị vong lục của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nêu rõ lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là cơ sở cho một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam và nhấn mạnh:

"Chỉ sau khi Mỹ ngừng không điều kiện việc đánh phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì mới có thể trao đổi với Mỹ về địa điểm và thời gian hai bên tiếp xúc như Mỹ đề nghị trong công hàm ngày 10 tháng 1 năm 1967".

Gớt-tô-rai hỏi lại xem có phải bản bị vong lục này là trả lời công hàm ngày 10 tháng 1 năm 1967 không? Lê Trang cho ông biết cách hiểu như vậy là đúng và nói:

- Lời bình luận về các vấn đề ông nêu lên hôm 20 tháng 1 sẽ được đưa ra vào thời gian thích hợp.

Gớt-tô-rai biểu lộ một nỗi vui mừng kín đáo.

Ngày 28 tháng 1, trả lời phỏng vấn của nhà báo Ô-xtơ rây-li-a U.Bớc-sét, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tuyên bố càng rõ ràng hơn:

"Mỹ đã có lần tuyên bố cần có những cuộc nói chuyện trực tiếp hay tiếp xúc giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nếu quả thật Mỹ muốn nói chuyện thì trước hết Mỹ phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mỹ mới có thể nói chuyện được với nhau”.

Như vậy quan điểm của Hà Nội về vấn đề nói chuyện với Mỹ: từ chỗ mới nói riêng với hai ông A-xmô-rơ và Bách, với ông Xôn-xbơ-ri đã được các nhà lãnh đạo có trách nhiệm Việt Nam đưa ra chính thức và công khai. Khi đó nhiều đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở nước ngoài như Phnôm Pênh, Cai-rô v.v... đã họp báo tuyên bố rõ ràng "sẽ" nói chuyện chứ không phải “có thể" nói chuyện với Mỹ. Các đại diện ngoại giao của các nước tại Hà Nội cũng đã được thông báo về tuyên bố đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #116 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:16:44 pm »

Đưa tin về việc này, tờ Thời báo (Mỹ) ngày 20 tháng 2 viết:

Tuy lời lẽ rất có điều kiện và ít hoà giải nhưng nhiều chính phủ có lãnh sự quán ở Hà Nội đã được nhữg người cộng sản báo cho biết "tuyên bố đó là đầy tín hiệu”. Vì vậy các chính phủ đó chuyển lại đến Oa-sinh-tơn lời ngụ ý rằng một cuộc ngừng ném bom miền Bắc có thể đưa đến cuộc nói chuyện hoà bình.

Cùng ngày Gớt-tô-rai trao cho Lê Trang một công hàm của Bộ Ngoại giao Mỹ lời lẽ tỏ ra mềm mỏng trong đó có đoạn đáng chú ý như sau:

“Hoa Kỳ mong muốn duy trì cuộc nói chuyện trực tiếp với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ... mong Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chỉ đưa ra các tuyên bố hoàn toàn bí mật qua con đường này... Hoa Kỳ đã thi hành một bước xuống thang từ hơn một tháng nay: không ném bom phạm vi mười dặm kể từ trung tâm Hà Nội. Ông gợi ý rằng: "Việc chấm dứt ném bom sẽ được tiến hành như một hành động đơn phương có trước. Trước khi làm việc đó, Hoa Kỳ mong muốn có sự hiểu biết riêng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về những bước tiếp theo sẽ được thực hiện để giảm bớt các hành động đối địch một cách công bằng và có đi có lại".

Cuối cùng Mỹ đề nghị sử dụng việc ngừng bắn trong dịp Tết sắp tới là thời cơ đặc biệt thuận lợi cho việc thảo luận và mong được trả lời sớm, vì Tết đã đến nơi rồi. Hôm đó là ngày 23 tháng chạp ta. (Xem thêm Gióc-giơ C.Hia Rinh. Sđd, tr. 417 đến 426.)

Đây vẫn chỉ là kế hoạch hai giai đoạn trong vụ Bông cúc vạn thọ.

Hai giờ sáng ngày 8 tháng 2 năm 1967, Gớt-tô-rai vội đến sứ quán ta trao cho Lê Trang thư của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thư có đoạn viết:

"Tôi sẵn sàng ra lệnh ngừng ném bom nước Ngài và chấm dứt việc tăng quân Mỹ và Nam Việt Nam ngay khi nào tôi nhận được bảo đảm rằng các việc thâm nhập bằng đường bộ và đường thuỷ vào Nam Việt Nam đã chấm dứt".

Nhiều vấn đề quan trọng không được nói đến: vấn đề rút quân Mỹ, vấn đề thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ v.v...

Tau-xen Húp, nguyên Thứ trưởng không lực Mỹ, đã bình luận trong cuốn Những giới hạn của sự can thiệp:

"Đó là một bức thư cốt bảo đảm tạo ra một câu trả lời tiêu cực" (Tau - xen Húp: Sđd, tr. 122.)

Lúc này chính quyền Johnson đang tích cực thực hiện "chiến lược chiến thắng" để chuẩn bị bước vào năm bầu cử với phương châm "tìm và diệt" của tướng Oét-mo-len và tin công khai cho biết chiến dịch At-tơn-bo-rơ, bắt đầu ngày 14 tháng 9 năm 1966 và kết thúc với những kết quả to lớn đánh vào cơ quan lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng tại tỉnh Tây Ninh và cuộc tấn công Xê-đa Phôn, đánh vào khu “tam giác sắt" ở cửa ngõ Sài Gòn ngày 8 tháng 1 năm 1967 đang gây nhiều tổn thất cho Việt cộng.

Tiếp đó là chiến dịch Gian-xơ Xi-ti lớn nhất trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Đông Nam Á một lần nữa lại đánh tỉnh Tây Ninh. Họ tỏ ra quyết tâm lao vào chiến lược đó nên hoạt động ngoại giao, mọi cố gắng thăm dò chỉ nhằm phục vụ thắng lợi hoặc buộc phía bên kia thương lượng theo điều kiện của họ.

Johnson đã không đợi trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ngày 14 tháng 2, sau bảy ngày ngừng ném bom trong dịp Tết Đinh Mùi, ông ta đã ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc. Thật ra nếu có chờ thư của Chủ tịch thêm thời gian cũng không phải là lâu lắm vì ngày 15 tháng 2 trả lời đó đã được chuyển cho Johnson qua sứ quán Mỹ ở Mát-xcơ-va.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #117 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:17:51 pm »

Ngày 6 tháng 4, sứ quán Mỹ tại Mát-xcơ-va cho người mang tới sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà bức thư thứ hai của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, một bức thư bỏ ngỏ. Nội dung có nói đến Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, vấn đề thống nhất nước Việt Nam, nhưng lại không nói gì đến việc rút đội quân viễn chinh Mỹ ra khỏi miền Nam. Vấn đề nói chuyện giữa hai bên vẫn trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.

Trả lời của phía Việt Nam: Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã trả lại bức thư đó cho sứ quán Mỹ.

Đợt thăm dò của Mỹ ở Mát-xcơ-va đến đây đã chấm dứt.

Trong thời gian có các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai đại diện Lê Trang và Gớt-tô-rai tại Mát-xcơ-va, Thủ tướng Anh Uyn-xơn cũng tiến hành thăm dò theo yêu cầu của Nhà Trắng trong những điều kiện không ngờ là bi kịch.

Ai cũng biết rằng ngay từ đầu, cuộc chiến tranh của Johnson ở Việt Nam đã được sự ủng hộ không che giấu của Chính phủ Công đảng Anh. Nếu nói rằng có sự phối hợp nhịp nhàng giữa Oa-sinh-tơn và Luân Đôn cũng không có gì quá đáng.

Khi Mỹ vi phạm các nguyên tắc lớn và các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, tuy là một Chủ tịch của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, Anh đã làm ngơ. Khi Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc Việt Nam và đưa quân chiến đấu Mỹ vào miền Nam Việt Nam, Anh công khai bênh vực lập trường của Mỹ. Khi Mỹ bắt đầu đưa thủ đoạn "thương lượng không điều kiện", Anh đã nhiều lần và dưới nhiều hình thức hưởng ứng các cố gắng của Mỹ trong lĩnh vực này.

Ngày 23 tháng 2 năm 1966, khi đi thăm Liên Xô, Thủ tướng Anh Uyn-xơn đã cử một thành viên trong đoàn của ông, Huân tước San-phơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đến sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Mát-xcơ-va nhằm thuyết phục Việt Nam đi vào nói chuyện với Mỹ.

Đại biện Lê Trang đã tiếp ông. Sau khi nghe ông trình bày thiện chí của Anh trong việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam, đồng chí đã nêu vai trò tích cực của Chính phủ Anh trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 nhưng cũng chỉ rõ rằng Chính phủ Anh về sau đã không làm đúng nhiệm vụ của một đồng Chủ tịch Hội nghị đó.

Ông San-phơn cố thanh minh và sau đó đã chuyển cho phía Việt Nam ý kiến của Thủ tướng Uyn- xơn, đại ý như sau:

Anh đã sẵn sàng nhận thông điệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Nữ hoàng Anh với thái độ nghiêm chỉnh và Thủ tưởng Uyn-xơn đề nghị có tiếp xúc cá nhân với đại diện cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Mát-xcơ-va. Chính phủ Anh mong muốn và tin rằng Chính phủ Mỹ cũng như Chính phủ Anh mong muốn giải quyết cuộc xung đột ở Việt Nam bằng con đường thương lượng.

Lập trường của Bắc Việt Nam và lập trường của Mỹ là những lập trường khó có thể phù hợp với nhau được. Chúng tôi hy vọng rằng bằng phương pháp gặp gỡ cá nhân và bí mật chúng ta có thể tìm ra cơ sở này hay cơ sở khác cho phép chúng ta bắt đầu cuộc thương lượng.
Thủ trưởng uỷ nhiệm cho tôi nói rõ một số điểm trong thông điệp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi cho Nữ hoàng Anh ngày 24 tháng 1 năm 1966.

Điểm thứ nhất có liên quan đến việc Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tham gia vào cuộc thương lượng với điều kiện là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ có đại diện tham gia thương lượng ngang với các Chính phủ miền Bắc và miền Nam Việt Nam thì Thủ tướng chúng tôi sẵn sàng chuyển đề nghị đó cho Chính phủ Mỹ.

Còn nếu như gạt Chính phủ miền Nam Việt Nam ra khỏi phòng hội nghị thì Thủ tướng chúng tôi thấy rằng Chính phủ Mỹ sẽ không bao giờ tán thành điều đó và bản thân Thủ tướng sẽ không sẵn sàng đề nghị như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #118 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:18:42 pm »

Điều thứ hai có liên quan đến điểm một trong bốn điểm của ông Phạm Văn Đồng: Nếu như điều đó có nghĩa là tất cả các lực lượng vũ trang của Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam trước khi bắt đầu thương lượng hoặc điều đó có nghĩa là khi bắt đầu thương lượng Mỹ phải cam kết hoàn toàn rút quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam trước một thời hạn nhất định nào đó mặc dù chưa biết trong quá trình thương lượng có đạt được thoả thuận hay không, thì theo ý kiến của Thủ tướng chúng tôi, không nên chờ đợi Chính phủ Mỹ sẽ tiếp nhận những ý kiến như vậy và bản thân Thủ tướng sẽ không có thể khuyên nên tiếp nhận những điều kiện như thế.

Còn nếu như điều đó có ý nghĩa là Mỹ cần phải rút quân đội trong một thời hạn nhất định sau khi đã đạt được một hiệp nghị qua con đường thương lượng và với điều kiện là tôn trọng mọi bảo đảm trong hiệp nghị thì Thủ tướng chúng tôi sẽ rất lấy làm cảm ơn đối với sự giải thích thêm về vấn đề này.

Điều thứ ba có liên quan đến điểm ba của ông Phạm Văn Đồng. Nếu như điều đó có nghĩa là Chính phủ Mỹ trước khi tiến hành thương lượng phải nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành chính quyền tối cao ở miền Nam Việt Nam mặc dù chưa biết kết quả của thương lượng ra sao, thì Thủ tướng chúng tôi không thấy một khả năng nào để tán thành được điều đó.

Còn nếu như điều đó có nghĩa là vai trò tương lai của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là một trong những điểm được quyết định trong một hiệp nghị đạt được do kết quả thương lượng thì Thủ tướng chúng tôi lấy làm cảm ơn đối với lời giải thích thêm về vấn đề này.

Điểm thứ tư có liên quan đến lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đình chỉ những cuộc oanh tạc và tất cả những hành động quân sự khác chống lại Bắc Việt Nam.

Nếu như việc đó sẽ chỉ là nhượng bộ một chiều của phía Mỹ thì Thủ tướng chúng tôi cho rằng điều đó sẽ là một trở ngại nghiêm trọng cho việc tiến hành thương lượng sau này.

Còn nếu như Chính phủ Bắc Việt Nam về phía mình cũng sẵn sàng có một nhượng bộ thích ứng nào cho Chính phủ Mỹ, Thủ tướng chúng tôi chỉ định làm việc đó với danh nghĩa là người trung gian... " .

Đại biện Lê Trang hứa sẽ chuyển những ý kiến của Thủ tướng Anh về Hà Nội.

Sau khi trở về Luân Đôn, Thủ tướng Anh tuyên bố rằng Hà Nội nắm chắc chìa khoá hoà bình, có nghĩa là Việt Nam chịu trách nhiệm về hoà bình hay tiếp tục chiến tranh ở Việt Nam.

Khi Mỹ leo thang đánh phá thủ đô Hà Nội và cảng Hải Phòng, ngày 1 tháng 7, Thủ tướng Uyn-xơn tỏ ý tiếc về việc ném bom đó nhưng lại nêu lại cách nhìn trên: cơ hội chấm dứt chiến tranh đã mở cho Hà Nội. Trách nhiệm tiếp tục chiến tranh cũng là ở Hà Nội.

Ngày 22 tháng 9, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Ác-tơ Gôn-bớc đưa ra đề nghị ba điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam. Nội dung tóm tắt là Mỹ sẵn sàng rút quân khỏi miền Nam Việt Nam làm nhiều đợt nếu Bắc Việt Nam chấp nhận rút quân đồng thời.

Ngày 6 tháng 10, tại hội nghị hàng năm của Công đảng Anh, Ngoại trưởng Anh Gióc-giơ Brao đưa ra kế hoạch hoà bình sáu điểm thực tế là nêu lại đề nghị tăng cường Uỷ ban Quốc tế bằng một lực lượng gìn giữ hoà bình như ở Síp để bảo đảm cho việc thi hành giải pháp đó.

Ngày 25 tháng 10, Hội nghị Ma-ni-la tuyên bố các nước phía Mỹ tham chiến ở miền Nam Việt Nam sẽ rút quân trong vòng sáu tháng nếu Bắc Việt Nam cũng rút quân thì ngày 30 tháng 12 Chính phủ Anh kêu gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Mỹ và Bắc Việt Nam rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #119 vào lúc: 25 Tháng Mười Một, 2009, 02:19:38 pm »

Đầu tháng 2 năm 1967, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N.Cô-xư-ghin sang thăm Vương quốc Anh. Liên Xô và Anh là hai đồng chủ tịch của Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 195 về Đông Dương thì đương nhiên với tư cách đó Chủ tịch Cô-xư-ghin và Thủ tướng Uyn-xơn sẽ bàn về tình hình Việt Nam.

Nhà Trắng đã cử C.I.Cu-pơ, cộng sự thân cận của A-vơ-ren Ha-ri-man sang Luân Đôn giới thiệu kế hoạch Giai đoạn A và Giai đoạn B để chuẩn bị cho Uyn-xơn hội đàm với Cô-xư-ghin.

Xin phép nhắc lại rằng theo sự giải thích của Johnson trong hồi ký. Giai đoạn A liên quan đến vấn đề Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, Giai đoạn B liên quan đến vấn đề giảm bớt mức chiến sự ở miền Nam Việt Nam và các vấn đề khác: Mỹ sẽ đồng ý ngừng ném bom miền Bắc (Giai đoạn A) chỉ sau khi hoàn toàn thoả thuận với Bắc Việt Nam những biện pháp lớn sẽ áp dụng nhằm giảm bớt chiến sự (Giai đoạn B).

Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa lập trường của Việt Nam và Mỹ: Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt ném bom trước rồi hai bên mới nói chuyện, Mỹ đòi Việt Nam thoả thuận cùng giảm mức chiến sự trước thì mới ngừng ném bom và đi vào nói chuyện. Yêu cầu của Việt Nam để đi vào nói chuyện là Mỹ chấm dứt ném bom, còn yêu cầu của Mỹ là việc chấm dứt ném bom phải trên nguyên tắc có đi có lại.

Giả thiết kế hoạch hai Giai đoạn A và B được chấp nhận, có một vấn đề thực tế cần đề cập và giải quyết thoả đáng: khoảng cách giữa hai giai đoạn đó là bao lâu? Nếu vấn đề đó được giải quyết thì vấn đề thời cơ không có khó khăn, vì hai bên đã chấp nhận trên thực tế ngừng bắn trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, với thời cơ đó không bên nào sợ mất mặt cả. Năm đó Tết cổ truyền vào ngày 8 tháng 2 năm 1967.

Cu pơ kể: khi ông rời Oa-sinh-tơn đi Luân Đôn, ông được biết là các nhà vạch kế hoạch Mỹ nói chung đã thoả thuận với nhau là khoảng cách giữa hai giai đoạn là ba tuần hay hơn một chút, ông ta còn được xem bức thư đề ngày 2 tháng 2 năm 1967 mà Tổng thống dự định gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức thư đó sau này được sửa lại hoàn toàn để trở thành bức thư cứng rắn ngày 8 tháng 2 năm 1967 mà mọi người đã biết.

Cu pơ đã làm việc tỉ mỉ với Uyn-xơn và Ngoại trưởng G.Brao, ông ta nói đã được uỷ nhiệm nhân danh Johnson để khẳng định đây là kịch bản đã được vạch ra.

Uyn-xơn tỏ ra rất lạc quan.

Trong cuộc hội đàm với Cô-xư-ghin, Uyn-xơn nêu vấn đề Việt Nam đầu tiên. Chủ tịch Cô-xư-ghin nêu bước thứ nhất là Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam. Bước đó là cần thiết, như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nói, để tạo ra khả năng nói chuyện giữa Mỹ và Việt Nam. Điều đó cũng phù hợp với thực tế.

Sau khi có tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh, ngày 30 tháng 1, đại sứ Liên Xô tại Việt Nam I. Séc-ba-cốp chuyển ý kiến của lãnh đạo Liên Xô tới Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

Trong tình hình hiện nay Việt Nam nên tăng cường đấu tranh ngoại giao vấn đề Việt Nam, mũi nhọn tập trung vào việc đòi Mỹ đình chỉ ném bom miền Bắc và tiếp xúc với Mỹ; sau khi tiếp xúc sẽ chuyển sang giai đoạn mới để giải quyết các vấn đề chính trị cơ bản.

Ý kiến đó phù hợp với chủ trương của Việt Nam khi chuẩn bị đợt tiến công ngoại giao. Khi đó chúng ta dự kiến tình hình có thể diễn ra theo ba khả năng:

Một: Mỹ bác bỏ thẳng thừng và tiếp tục leo thang.

Hai: Mỹ đưa ra điều kiện để mặc cả, sau đó có thể hoặc là xuyên tạc lập trường của ta, đổ lỗi cho ta để tiếp tục leo thang, hoặc là có thể ngừng ném bom trên thực tế để đi vào nói chuyện.

Ba. Mỹ nhận điều kiện của ta và ngừng ném bom để đi vào nói chuyện.

Chúng ta cho khả năng thứ hai là có triển vọng nhất. Cho nên, ngày 4 tháng 2, ta trao cho phía Liên Xô một bị vong lục nói lên nhận định và chủ trương của chúng ta tiếp tục đấu tranh về mọi mặt và đề nghị Liên Xô ủng hộ lập trường của Việt Nam và hưởng ứng tuyên bố ngày 28 tháng 1 năm 1967 của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM