Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:22:14 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris  (Đọc 77526 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #90 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:32:17 pm »

Lãnh đạo Việt Nam ta trả lời Lê-van-đô-xki như sau:

"Đồng chí lấy danh nghĩa của mình nói với đại sứ Ca-bốt Lốt rằng nếu Mỹ thấy cần xác nhận những điều mà ông ta đã nói với đồng chí thì phía Mỹ có thể trực tiếp nói với đại sứ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va".

Ngày 2 tháng 12, khi gặp lại Lê-van-đô-xki, Ca-bốt Lốt tán thành cuộc gặp gỡ ở Vác-sa-va và nói sẽ điện ngay về cho Tổng thống Johnson. Ngày 3 tháng 12, Ca-bốt Lốt cho Lê-van-đô-xki biết rằng Johnson sẽ chỉ thị cho đại sứ Mỹ ở Vác-sa-va đến gặp đại diện Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va vào ngày 6 tháng 12 năm 1966.

Sau khi được thông báo rằng Mỹ sẽ đến gặp đại sứ Việt Nam tại Vác-sa-va ngày 6 tháng 12, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ thị cho đại sứ Đỗ Phát Quang sẵn sàng tiếp đại sứ Mỹ Grô-nốt-xki vào ngày đó. Bộ cũng cử một nhà ngoại giao trẻ, đồng chí Nguyễn Đình Phương (hiện nay là đại sứ ở Thuỵ Điển) cấp tốc đi Vác-sa-va với một kế hoạch hướng dẫn đại sứ Đỗ Phát Quang. Trước khi Nguyễn Đình Phương lên đường, Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch còn dặn:

"Dù máy bay có rơi mà đồng chí có chết thì trước khi chết cũng phải huỷ cho được bản kế hoạch này".

Nhưng ngày 3 và 4 tháng 12, máy bay Mỹ ném bom Hà Nội. Bộ Ngoại giao Ba Lan yêu cầu đại sứ Mỹ giải thích tại sao lại có những cuộc oanh kích Hà Nội trước khi có cuộc gặp gỡ giữa đại sứ Việt Nam và đại sứ Mỹ tại Vác-sa-va. Grô-nốt-xki thanh minh rằng việc ném bom Hà Nội là tác chiến bình thường, rằng hoạt động quân sự ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam không liên quan đến cuộc nói chuyện.

Mặc dầu vậy, đại sứ Đỗ Phát Quang cả ngày 6 tháng 12 vẫn sẵn sàng tiếp Grô-nốt-xki, nhưng ông ta không đến. Sau này Mỹ giải thích rằng ông ta lại đợi đại sứ Đỗ Phát Quang ở sứ quán Mỹ. Còn Tổng thống Johnson thì lại nói rằng người Ba Lan đã hứa sẽ tổ chức cuộc gặp gỡ này, nghĩa là cuộc gặp không thành là do trách nhiệm của phía Ba Lan.

Đại sứ Mỹ không chịu đến gặp đại sứ Việt Nam ngày 6 tháng 12 như đã thoả thuận. Hơn năm mươi máy bay Thần sấm và Con ma của Mỹ đã lần đầu tiên tấn công Thủ đô Hà Nội trong hai ngày liên tiếp trước khi cuộc gặp gỡ bắt đầu. Ngày 13 và 14 tháng 12 Mỹ lại ném bom trung tâm Hà Nội. Việt Naln chỉ có thể hiểu rằng Oa-sinh-tơn không muốn có cuộc nói chuyện đó.

Ngày 28 tháng 12 năm 1966, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh mời đại sứ J.Xi-ê-lêch-xki đến và nói như sau: (Các phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng được ghi theo lời kể của Nguyễn Tư Huyên, trưởng phòng phiên dịch Bộ Ngoại giao.)

"Chúng tôi đã nghiên cứu một cách nghiêm chỉnh những gợi ý của các đồng chí. Hôm nay tôi xin trình bày ý kiến của chúng tôi.

Ngày 20 tháng 11 năm 1966, đồng chí Lê-van-đô-xki đã thông báo cho chúng tôi ý kiến của Ca-bốt Lốt. Chúng tôi có suy nghĩ về ý kiến đó.

Ngày 5 tháng 11, đồng chí Phạm Văn Đồng đã gợi ý để đồng chí Lê-van-đô-xki nói với Lốt:

"Nếu phía Mỹ cần xác nhận lại với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà những điều mà Lốt đã nói với Lê-van-đô-xki thì Mỹ có thể trực tiếp nói với đại sứ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Vác-sa-va”.

Câu nói đó coi như ý kiến của bản thân đồng chí Lê-van-đô-xki chứ không phải ý kiến của chúng tôi. Tất nhiên, nếu Mỹ có xin gặp và chúng tôi có tiếp thì đó cũng chỉ là một hoạt động ngoại giao bình thường, không phải là cuộc gặp gỡ bắt đầu cho việc thảo luận đàm phán. Các đại diện của chúng tôi ở nước ngoài vẫn tiếp những người, kể cả người Mỹ, đến sứ quán chúng tôi trình bày quan điểm của họ, hoặc hỏi rõ lập trường của chúng tôi về vấn đề Việt Nam
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #91 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:33:17 pm »

Nhưng Mỹ đã lật lọng, trước sau nói khác nhau. Chúng lại tăng cường ném bom miền Bắc. Nghiêm trọng hơn nữa, chúng đã ném bom cả Hà Nội, chỉ trong hai tuần lễ đã bốn lần đánh vào nội thành Hà Nội.

Trước tình hình đó, ngày 7 tháng 12, chúng tôi đã nói với đồng chí Xi-ê-lêch-xki rằng chúng tôi phải xem xét lại việc đại sứ chúng tôi tiếp đại sứ Mỹ tại Vác-sa-va nếu họ yên cầu. Chúng tôi cũng đã chỉ thị điều đó cho đại sứ của chúng tôi ở Ba Lan.

Nhưng từ đó, Mỹ vẫn như không hiểu và tiếp tục nhờ các đồng chí Ba Lan chuyển ý kiến của họ. Âm mưu của Mỹ vẫn là "thương lượng không điều kiện". Họ đòi chúng tôi phải có hành động cụ thể đáp ứng trong giai đoạn B (thì chúng mới thực hiện giai đoạn A). Thủ đoạn của Mỹ là leo thang để thúc ép, mỗi lần leo thêm một bậc thang, Mỹ lại đòi chúng tôi trả giá. Họ còn mặc cả việc ngừng ném bom Hà Nội.

Chúng tôi kiên quyết bác bỏ những đề nghị có tính chất kẻ cướp đó của Mỹ. Các đồng chí lãnh đạo Ba Lan đã tán thành thái độ đó của chúng tôi. Chúng tôi hoan nghênh các đồng chí đã phê phán Mỹ một cách mạnh mẽ. Trước tình hình hiện nay, chúng tôi thấy không thể để cho Mỹ thực hiện âm mưu "trao đổi trực tiếp hay gián tiếp" trong khi Mỹ vấn tiếp tục ném bom miền Bắc. Vì vậy chúng tôi sẽ không xét tới những lời của Grô-nốt-xki nếu ông ta cứ tiếp tục trình bày với các đồng chí.

Câu chuyện coi như đã chấm dứt".

Trong câu chuyện "Bông cúc vạn thọ", Lê-van-đô-xki đã cho ta thấy rõ vai trò của đại sứ I-ta-li-a đ’Oóc-lan-đi. Trong hồi ký của mình, Tổng thống Johnson không một lần nào nhắc đến tên ông đ’Oóc-lan-đi trong vấn đề Bông cúc vạn thọ. Nhưng trái với lời hứa và lòng mong muốn giữ bí mật của Ca-bốt Lốt, báo chí Mỹ đã tung Bông cúc vạn thọ ra với nhiều chi tiết hấp dẫn.

Ngày 3 tháng 2 năm 1967, phóng viên báo Bưu điện Oa-sinh-tơn tại Liên hợp quốc đưa tin:

"Tháng 12 vừa qua, Bắc Việt Nam đã dứt khoát chấp nhận một gợi ý của Mỹ về nói chuyện trực tiếp để giải quyết chiến tranh.

Cuộc thu xếp đã đi quá xa đến mức chỉ định Vác-sa-va làm địa điểm nói chuyện. Nhưng sau cuộc ném bom vào Hà Nội ngày 13 và 14 tháng 12 (mà Hà Nội lên án đã giết hại nhiều dân thường), Bắc Việt Nam đã rút sự chấp thuận đó, tố cáo Mỹ là không trung thực. Nguồn tin phương Tây nói trên tiết lộ tin này sau khi Tổng thống Johnson quả quyết rằng không hề có dấu hiệu nghiêm chỉnh nào về ý muốn nói chuyện hoà bình của cộng sản. Sự phủ nhận của Tổng thống gây ra sự nghi ngờ lớn ở đây (Liên hợp quốc - Tác giả) về ý muốn của Tổng thống trong số những người biết rõ chi tiết của cố gắng đã thất bại này".

Một số báo khác cũng đưa tin rằng: "Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-ta-li-a Phan-pha-ni nói với khách rằng việc ném bom đó là sai lầm. Phan-pha-ni đã cho khách biết rằng ông ta đã cảnh cáo Chính phủ Mỹ về tai hại của việc ném bom ngay sau hai lần ném bom ngày 3 và 4 tháng 12 và trước việc ném bom ngày 13 và 14" (Đa-vít Cra-xlô và Xti-a H.Luri: Sđd, tr. 77.)

Dư luận tỏ ra bất bình với Nhà Trắng.

Trong cuộc họp báo ngày 9 tháng 2, bị chất vấn về vấn đề này, Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ không dám xác nhận hay phủ nhận.

Ngày 8 tháng 5 năm 1967, hãng A.P phát một bài dài kê tỉ mỉ về Bông cúc vạn thọ. Trước ngày đó, Ngoại trưởng Mỹ hứa với các nhà báo là sẽ công bố việc này, nhưng sau khi có bài của hãng A.P, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố không bình luận.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #92 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:35:41 pm »

Khi công bố chính thực sự kiện về Bông cúc vạn thọ, Bộ Ngoại giao Mỹ làm như chính phía Việt Nam đã chủ động đề ra việc tiếp xúc và đàm phán bí mật với Mỹ khi Mỹ vẫn ném bom miền Bắc Việt Nam. Họ cũng làm như chính phía Ba Lan (sau khi Lê-van-đô-xki đi Hà Nội về ngày 26 tháng 6 năm 1966) đã được sự đồng ý của phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã đưa ra một kế hoạch mười điểm làm cơ sở đàm phán và gặp đại sứ I-ta-li-a nói là "Có một đề nghị hoà bình rất cụ thể" dẫn tới thoả hiệp chính trị giải quyết vấn đề Việt Nam.

Họ nói điều kiện đàm phán của Hà Nội là Mặt trận Dân tộc Giải phóng tham gia thương lượng và một cuộc ngừng ném bom miền Bắc và phía Mỹ đã thoả thuận cuộc gặp gỡ ở Vác-sa-va từ ngày 6 tháng 12 năm 1966. Ý nghĩa của cách trình bày như thế là phía Việt Nam đã đồng ý đưa ra mười điểm làm cơ sở để thảo luận, (qua Lê-van-đô-xki) và phía Mỹ đã có thiện chí chấp nhận.

Cũng trong dịp này, ngày 9 tháng 5, tờ U-ni-ta, cơ quan của Đảng Cộng sản I-ta-li-a cho biết:

"Chính đại sứ đ’Oóc-lan-đi đã cho Lê-van-đô-xki biết rằng ông ta muốn ghi trên giấy tờ một điều có thể dẫn đến khả năng hai bên hữu quan đồng ý. Sau đó, chính đ’Oóc-lan-đi đã gặp đại sứ Ba Lan trong Uỷ ban Quốc tế để xây dựng kế hoạch mười điểm. Kế hoạch này được trao cho Ca-bốt Lốt, trong đó nêu rõ Mỹ không có ý đồ đối với Việt Nam nói chung và Hà Nội không có ý đồ thôn tính Nam Việt Nam”.

Tờ U-ni-ta nhận xét là: Trên thực tế trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, Lốt đồng ý chuyển cho Johnson.

Hãng A.F.P khi đưa tin này từ Rô-ma nhận xét rằng U-ni-ta không nêu rõ nguồn tin nhưng các nhà quan sát ở Rô-ma nhắc lại rằng Ngoại trưởng I-ta-li-a Phan-pha-ni đã hai lần nói trước Quốc hội là đại sứ I-ta-li-a ở Sài Gòn đã thu xếp những cuộc tiếp xúc và việc đó đã đưa đến kết quả tốt nhất chưa từng có nước nào thu được.

Ngày 10 tháng 5, Bộ Ngoại giao I-ta-li-a xác nhận nguồn tin của U-ni-ta.

Theo Đa-vít Cra-xlô và Xti-u-a H.Lu-ri, đ’Oóc-lan-đi biết rõ lập trường của Mỹ và Bắc Việt Nam quá xa nhau, tuy vậy, ông ta vẫn suy nghĩ làm sao hai bên có thể ngồi lại trong hoàn cảnh đó để cố tìm ra một giải pháp. Ông nói suy nghĩ của mình với đại sứ Lê-van-đô-xki trong Uỷ ban Quốc tế. Hai người có ý nghĩ chung là làm sao đưa đại diện của hai bên đến một địa điểm nào đó gặp nhau để có thể trao đổi ý kiến về một loại giải pháp lâu dài cho Nam Việt Nam.

Mùa hè năm 1966, qua một số người Mỹ mới thăm Hà Nội về, Mỹ cho rằng Hà Nội bị đánh đau, giao thông bị tắc nghẽn và có dấu hiệu rõ là Hà Nội muốn thương lượng. Lốt đề nghị với Johnson đẩy mạnh ném bom miền Bắc hơn nữa để ép Hà Nội đi vào bàn hội nghị theo điều kiện của Mỹ, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ thấy con đường do đ’Oóc-lan-đi mở ra đáng được khai thác.

Các cuộc ném bom Bắc Việt Nam ngày càng ác liệt, pháo đài bay B.52 rải thảm bom ở khu phi quân sự, quân Mỹ tiếp tục được ồ ạt đưa vào miền Nam. Trong bối cảnh đó gợi ý của đ’Oóc-lan-đi rơi vào lăng quên.

Hội nghị Ma-ni-la ngày 24 và 25 tháng 10 năm 1966, với sự tham gia của bảy nước châu Á và Thái Bình Dương, thực chất là nhằm động viên thêm tiềm lực để đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, nhưng để che đậy mục đích chiến tranh của nó, Hội nghị đã đưa ra bản tuyên bố về bốn mục tiêu của tự do và đặc biệt là việc rút quân của các bên tham chiến ra khỏi miền Nam Việt Nam trong vòng sáu tháng khi Bắc Việt Nam rút quân về phía Bắc.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #93 vào lúc: 18 Tháng Mười Một, 2009, 08:36:08 pm »

Sau hội nghị Ma-ni-la, A-vơ-ren Ha-ri-man đến Rô-ma. Ngày 2 tháng 11. Ngoại trưởng Phan-pha-ni tổ chức chiêu đãi ông, trong cuộc chiêu đãi này có mặt đại sứ đ’Oóc-lan-đi được gọi từ Sài Gòn về. Nhân dịp này, Ha-ri- man đã bàn bạc lâu với đ’Oóc-lan-đi, sau đó Ha-ri-man điện về Oa-sinh-tơn đề nghị thông báo cho Lốt biết lập trường thương lượng của Mỹ để Lốt trao đổi với Lê-van-đô-xki, đ’Oóc-lan-đi ctĩng trở về ngay Sài Gòn.

Khi đó Lê-van-đô-xki chuẩn bị ra Hà Nội theo chương trình của mình đã dự định trước. Đ’Oóc-lan-đi yên cầu Lê-van-đô-xki hoãn chuyến đi một tuần, sau đó tổ chức các cuộc gặp ngày 14 và 15 tháng 11 giữa Ca-bốt Lốt và Lê-van-đô-xki, với sự có mặt của đ’Oóc-lan-đi như trên đã nói" (Đa-vít Cra-xlô và Xti-a H.Luri. Sđd, tr. 14-21.).

Chúng ta cứ cho là khi câu chuyện được nêu ra, đ’Oóc-lan-đi đã có ý nghĩ là tìm cách gì cho hai bên gặp nhau, trao đổi ý kiến để tìm ra một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Nhưng sau khi ý kiến đó biến thành những cuộc trao đổi. bàn bạc giữa ông ta và đại sứ Lốt thì rõ ràng không còn là câu chuyện riêng của đ’Oóc-lan-đi nữa, nhất là sau cuộc bàn bạc với Ha-ri-man tại Rô-ma. Kế hoạch giai đoạn A và giai đoạn B mà Ca-bốt Lốt nói với Lê-van-đô-xki, với sự có mặt của đ’Oóc-lan-đi ngày 14 và 15 tháng 11 để chuyển cho Hà Nội là lập trường của Mỹ không hơn không kém.

Nhưng tại sao Johnson khi nói về Bông cúc vạn thọ lại không nhắc đến tên đại sứ đ’Oóc-lan-đi? Nếu chỉ nhắc đến như trên thì có gì là hại cho Mỹ? Johnson im lặng ở đây chỉ là để không chịu nhận những gì Ca-bốt Lốt đã nói với Lê-van-đô-xki đã đưa ra với sự đồng ý của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ để cuối cùng nói rằng chính Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đề ra việc gặp gỡ với Mỹ nhưng rồi sau lại không đến cuộc gặp đó.

Việc Mỹ nói trắng Lê-van-đô-xki đã đưa ra mười điểm làm cơ sở thảo luận ở Vác-sa-va (Johnson gọi là dự án Lê-van-đô-xki) là hoàn toàn sai. Bằng chứng rõ ràng nhất là chính Lê-van-đô-xki cũng không biết mười điểm đó. Khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày 6 tháng 5 năm 1967, đúng năm tháng sau cuộc gặp bất thành ở Vác-sa- va, Lê-van-đô-xki đã nói:

"Vấn đề này đã cũ nhưng gần đây báo Bưu điện Oa-sinh-tơn lại đưa tin có mười điểm của Mỹ mà Ca-bốt Lốt nói với ông ta là:

Một: Hoa Kỳ thành thật muốn giải quyết cuộc xung đột ở Việt Nam bằng con đường thương lượng hoà bình.

Hai: Cuộc thương lượng hoà bình nhằm mục đích giải quyết toàn bộ vấn đề cuộc xung đột ở Việt Nam. Ở miền Nam Việt Nam sẽ bảo đảm quyền lợi của bên đang đánh nhau với Hoa Kỳ (Sách: Ngoại giao bí mật chiến tranh Việt Nam của G.C.Hia Ring trang 279 cũng nói đây là mười điểm do Lê-van-đô-xki đưa ra. Điểm hai này có thêm câu đầu "Các cuộc thương lượng này không được giải thích như là thương lượng về sự đầu hàng của những người chống lại Hoa Kỳ ở Việt Nam".)

Ba: Hoa Kỳ sẽ không nhấn mạnh việc đòi duy trì lực lượng vũ trang và căn cứ quân sự Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam và sẽ thực hiện rút quân như đã nói trong thông cáo Ma-ni-la.

Bốn: Hoa Kỳ sẵn sàng đưa ra đề nghị xây dựng và thảo luận với đại biểu các bên đang đánh nhau với Mỹ ở miền Nam Việt Nam để giải quyết toàn bộ vấn đề Việt Nam bao gồm vấn đề ngừng bắn và vấn đề rút các lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam. Các cuộc nói chuyện sẽ tiến hành bí mật.

Năm: Trong khuôn khổ giải pháp chung, Hoa Kỳ không phản đối việc thành lập một Chính phủ Nam Việt Nam đúng với ý chí của nhân dân và có sự tham gia của các bên đang đánh nhau với Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam thông qua tổng tuyển cử tự do và dân chủ. Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận một sự kiểm soát quốc tế thích đáng đối với cuộc tuyển cử đó. Hoa Kỳ cam kết hoàn toàn tôn trọng kết quả của cuộc bầu cử.

Sáu: Hoa Kỳ cho rằng vấn đề thống nhất nước Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết lấy sau khi hoà bình được lập lại và có những cơ quan đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam.

Bảy: Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận và hoàn toàn tôn trọng nền trung lập của miền Nam Việt Nam.

Tám: Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng ném bom miền Bắc nếu việc đó có thể làm dễ dàng cho việc tìm ra một giải pháp hoà bình. Để có việc ngừng ném bom này, không cần thiết Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải nhận hoặc xác nhận các lực lượng vũ trang của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã hoặc đang thâm nhập miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ sẵn sàng tránh gây ấn tượng cuộc thương lượng đã bắt đầu dưới sự đe doạ của bom đạn hoặc để đổi lấy việc ngừng ném bom.

Chín: Hoa Kỳ không loại trừ khả năng thống nhất nước Việt Nam nhưng không đồng ý thống nhất dưới áp lực quân sự.

Mười: Tuy Hoa Kỳ sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp hoà bình nhưng không nên trông chờ Hoa Kỳ tuyên bố bây giờ hay sau này là Hoa Kỳ chấp nhận bốn điểm hay năm điểm”.

Chỉ có bình luận câu sau đây của C.L.Cu-pơ, một phụ tá thân cận của A-vơ-ren Ha-ri-man đã có mặt trong cuộc chiêu đãi của Phan-pha-ni tại Rô-ma tháng 11 năm 1966 là chân thành và thẳng thắn:

"Hồi tưởng lại, thêm nhiều quan chức ở Oa-sinh-tơn hồi đó nghĩ rằng toàn bộ diễn biến sự việc ở Vác-sa-va đối với người Ba Lan cũng như đối với Hà Nội là cốt cho Hà Nội một lúc xả hơi. Cuối năm 1966 và đầu năm 1967, chính quyền Mỹ không quan tâm đến thương lượng.

Các sáng kiến ngoại giao không được xen vào làm cản trở các hoạt động quân sự.

Quan điểm chỉ đạo lúc đó của Nhà Trắng là đánh và đánh mạnh hơn nữa!" (C L. Cu-pơ. Sđd, tr 341-342.)

Sự thật về Mê-ri-gôn là thế đó!

Mê-ri-gôn của Johnson đã chẳng "Thức giấc với những giọt lệ đầm đìa" như Mê-ri-gôn của Uy-li-am Sêc-xpia mà đã chết thảm hại. Ngày 23 tháng 12 năm 1966, Johnson ra lệnh tạm ngừng ném bom trong một vòng tròn bán kính mười dặm quanh Hà Nội để đại sứ Grô-nốt-xki có cớ đến gặp Ngoại trưởng Ra-pát-xki ngày 30 tháng 12 với hy vọng Bắc Việt Nam sẽ xem xét lại thái độ "cứng rắn" của họ. Nhưng cả những cố gắng đó của Nhà Trắng để làm "sống lại" Mê-ri-gôn đều là vô ích (Xem thêm: Gióc-giơ C.Hia Rinh: Sđd, tr 211-370.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #94 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:52:22 am »

CHƯƠNG MƯỜI BỐN
NHÀ BÁO MỸ ĐẦU TIÊN ĐẾN BẮC VIỆT NAM

Đó là Ha-ri-xơn Xôn-xbơ-ri. trợ lý Tổng biên tập Thời báo Niu Yoóc, ông đến Hà Nội ngày 23 tháng 12 năm 1966.

Trong những ngày lưu lại Bắc Việt Nam, ông đã tiếp xúc với nhiều quan chức Bộ Ngoại giao và nhiều nhân vật trong đó có ông Nguyễn Văn Tiến đại diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông cũng đã đi thăm một số nơi ở trung tâm Hà Nội bị ném bom, thăm thị xã Phú Lý và Thành phố Nam Định bị bom Mỹ tàn phá nặng nề.

Có thể nói sau mỗi ngày làm việc, ông đều có bài gửi về toà soạn. Trong năm bài đầu ông đã khẳng định máy bay Mỹ không phải là đánh vào bê tông và sắt thép mà thật sự đã đánh vào trung tâm Hà Nội, đánh những mục tiêu dân sự và những cuộc ném bom đó không mang lại những kết quả mà Lầu Năm Góc mong đợi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp ông Xôn-xbơ-ri ngày 2 tháng 1 năm 1967. Dưới đây trích phần chủ yếu cuộc nói chuyện.

Thủ trưởng Phạm Văn Đồng:

- Tôi muốn nói chuyện với ông một cách bình thường, ông có gì cần nói thì cứ nói hết. Tôi cũng vậy. Bây giờ thì ai bắt đầu vào?

Xôn-xbơ-ri:

- Có lẽ là Ngài.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi nghiên cứu những câu hỏi của ông, cả những câu hỏi ông hỏi tôi và hỏi Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Xôn-xbơ-ri:

- Nó cũng tương tự như nhau.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Tôi nghĩ nên nói hai vấn đề chính: thứ nhất là chiến tranh, thứ hai là giải pháp.

Phải nói về chiến tranh trước, từ đó mà thấy vấn đề giải pháp. Về chiến tranh thì có thể quan điểm của tôi và của ông có khác nhau. Nếu không hiểu đúng về cuộc chiến tranh thì cũng không thể hiểu đúng được những vấn đề có liên quan đến chiến tranh.

Về cuộc chiến tranh, điều cơ bản nhất là nguồn gốc của chiến tranh, nguyên nhân chủ yếu của chiến tranh, cụ thể là ai gây ra chiến tranh. Về vấn đề này, quan điểm của chúng tôi rất rõ rệt và dần dần có nhiều người trên thế giới đồng ý với chúng tôi, ông có đọc lời phát biểu nhân dịp năm mới của Tổng thống Đờ Gôn không? (Xôn-xbơ-ri trả lời: có). Đờ Gôn nói cuộc chiến tranh này do Mỹ gây ra và là một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đáng ghét. Từ đó, ông ta rút ra kết luận: Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Về điểm này ông có ý kiến gì.

Xôn-xbơ-ri:

- Ý kiến riêng của tôi thì cách nhìn như vậy là đúng. Rất tiếc đó không phải là ý kiến cua Chính phủ tôi.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Như vậy là tốt, tôi không mong gì hơn. Nếu ông đồng ý những điều đó thì người cầm quyền Mỹ cũng sẽ phải đồng ý.

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi cũng hy vọng như vậy, nhưng không dám chắc. Còn phải chờ xem.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #95 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:53:23 am »

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Về phía tôi thì chắc, vì trước sau cũng phải đi đến kết luận đó. Nếu bây giờ người ta chưa đồng ý thì sau này phải đồng ý. Nếu phái này mà không đồng ý thì phái khác phải đồng ý. Vì nếu những người cầm quyền Mỹ không đồng ý những điều này thì họ sẽ mắc sai lầm nữa. Đến một lúc nào đó, họ phải hiểu sự thật và rút ra kết luận này, ông có đồng ý với tôi về điểm đó không?

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi còn nghi ngờ. Tôi không muốn nói "có" khi tôi không chắc. Muốn được như vậy, có thể còn phải mất nhiều thời gian nữa. Có thể là Ngài đúng mà tôi thì sai. 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là vấn đề.

Xôn-xbơ-ri:

- Đây có vấn đề chính trị và cũng có vấn đề cá nhân.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Cố nhiên, nhưng chủ yếu là chính trị.

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi cũng nghĩ vấn đề chính trị là chính.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Vừa rồi ông tỏ ý hoài nghi cũng có chỗ đúng. Nhưng tôi nghĩ những người như ông phải có cống hiến và làm cho sự thật sáng tỏ. Vì đây là vấn đề rất lớn, có liên quan đến chúng tôi và liên quan đến các ông.

Trước sau thì những người cầm quyền Mỹ phải nhìn nhận thấy sự thật. Vì sự thật ngày càng sáng tỏ và buộc người ta phải thừa nhận.
Thủ tướng nhắc lại quá trình can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 những thất bại liên tiếp của Mỹ ở miền Nam nhất là thất bại của "chiến tranh đặt biệt", tình hình nghiêm trọng của đội quân viễn chinh Mỹ sau hai mùa khô. Ở miền Bắc Việt Nam, chính sách leo thang đánh phá Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cũng đang thất bại. Thủ tướng nói tiếp:

- Tình hình hiện nay đối với quân đội viễn chinh Mỹ khó khăn hơn bao giờ hết. Họ đang đứng trước một bước đường tiến thoái lưỡng nan. Họ sẽ làm gì? Đánh ở đâu? Đánh thế nào? Làm thế nào để có thể thắng được? Đó là những câu hỏi mà quân nhân Mỹ không giải đáp được. Nếu ông hỏi tướng Oét-mo-len, cũng không chắc ông ta đã trả lời được. Trước đây một năm, ông ta trả lời được nhưng bây giờ thì không trả lời được.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #96 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:54:42 am »

Có lẽ phải nhắc đến bốn điểm của tướng Oét-mo-len, ông có cần tôi nhắc lại bốn điểm đó không?

Một: Đánh bại lực lượng quân giải phóng.

Hai: Bình định.

Ba : Củng cố nguỵ quân nguỵ quyền.

Bốn: Cắt miền Nam với miền Bắc.

Với điểm thứ nhất, đến bây giờ thì rõ ràng là không thể nào thực hiện được. Người Mỹ không dám thừa nhận điều đó. Họ còn nói là họ thực hiện được điểm một, nghĩa là có thể đánh bại được quân giải phóng. Nhưng tôi, tôi nói với ông là họ không làm được điểm một. Trái lại, lực lượng vũ trang giải phóng càng tăng cường mạnh hơn là người Mỹ tưởng.

Về điểm thứ hai, tôi nói thẳng là họ thất bại và họ cũng không thể không thừa nhận điều đó.

Về điềm thứ ba, họ không muốn nhận, nhưng cũng buộc phải thừa nhận là nguỵ quân nguỵ quyền sụp đổ.

Về điểm thứ tư, rõ ràng là họ không làm được.

Tóm lại, toàn bộ kế hoạch đã bị thất bại. Hơn nữa, trong thời gian tới họ không có khả năng làm hơn được cái gì họ đã làm, nghĩa là người Mỹ đang ở trong một tình trạng bế tắc ở miền Nam. Ở đây, tôi với ông, nếu cần, nên nói chuyện nhiều về điểm này, vì có rất nhiều người tưởng rằng sức mạnh vật chất, sức mạnh vũ khí của Mỹ sẽ thắng ở miền Nam. Tôi cho họ nghĩ như vậy là không đúng, và nguy hiểm nữa, nhất là đối với những người Mỹ.

Mấy năm qua, nhà cầm quyền Mỹ leo thang vì họ nghĩ rằng sức mạnh vật chất sẽ thắng. Thua một nấc, họ nghĩ nếu tăng cường lực lượng họ sẽ thắng. Đến nấc thứ hai, họ thua, họ tưởng đến nấc thứ ba sẽ thắng. Đến nấc thứ ba, thứ tư họ cũng nghĩ vậy. Đến nấc này, họ còn nghĩ như vậy nữa không. Đó là vấn đề.

Chúng tôi quả quyết với ông là họ không thể thắng. Từ đó, tôi muốn nói với ông về bản chất của cuộc chiến tranh vì đó là vấn đề mấu chốt. Trong những câu hỏi của ông với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có một số câu hỏi tôi muốn nói ở đây.

Ông hỏi chúng tôi so sánh giữa tướng Mỹ với tướng Pháp như thế nào? Giữa lính Mỹ với lính Pháp như thế nào? Vấn đề không phải ở đó, vấn đề là ở chỗ cuộc chiến tranh này là cuộc chiến tranh gì đối với người Mỹ?

Đối với người Mỹ, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa, không có lẽ phải và ở một vùng mà người Mỹ không thể nào giành được những điều kiện thuận lợi.

Đối với chúng tôi, đó là một cuộc chiến tranh thiêng liêng. Đó là độc lập, tự do, đời sống của chúng tôi. Đối với chúng tôi là tất cả, cho thế hệ hiện nay và cho cả thế hệ tương lai. Cho nên chúng tôi quyết chiến quyết thắng. Và thắng lợi bắt đầu từ trong ý chí của mỗi người Việt Nam. Thắng lợi từ quyết tâm và từ đó chúng tôi giải quyết được tất cả các vấn đề.

Điều này các ông khó hiểu lắm. Không phải chỉ đối với các ông tôi mới nói như vậy, mà cả với những người bạn kkác ở châu Âu những người bạn rất gần của chúng tôi. Người ta không hiểu, người ta sợ lực lượng của Mỹ. Người ta nghĩ làm thế nào có thể chống lại đội quân viễn chính hai trăm nghìn người với những vũ khí hiện đại, với hạm đội 7 ở bên cạnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #97 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:55:27 am »

Người ta không tin là chúng tôi đánh thắng, đến bây giờ chúng tôi đánh được. Chúng tôi đánh thắng. Chúng tôi nói với những người bạn của chúng tôi là chúng tôi sẽ thắng lợi hoàn toàn. Người ta đã phải thừa nhận đó là sự thật, nhưng người ta vẫn chưa hiểu. Đối với ông, tôi không có hy vọng thuyết phục được ông, nhưng tôi phải nói điều này vì nó là một điều rất quan trọng.

Về khả năng của tướng Mỹ tôi muốn nói thêm, ở miền Nam có những sĩ quan và binh lính ngụy. Đó là người Việt Nam. Chúng là nửa triệu người. Chúng có vũ khí tốt. Nhưng chúng đã làm được gì trong lúc lực lượng vũ trang giải phóng ít hơn, vũ khí tất nhiên xấu hơn, mà họ lại đánh rất giỏi. Tất cả đều là người Việt Nam, nhưng vì sao một bên thì là tồi, một bên thì thật là tài trí tuyệt vời, chưa hề có.

Từ trước đến nay trong lịch sử, chưa có một cuộc chiến tranh nhân dân nào đánh tài như vậy. Người Mỹ cũng phải thừa nhận điều đó. Vì ở miền Nam, chúng tôi là chính nghĩa, do đó chúng tôi sẽ thắng Mỹ. Chúng tôi đã thắng người Mỹ vì lẽ đó. Bây giờ đang thắng. Nếu cần sang năm sẽ thắng. Nếu phải đánh thêm ba mươi năm nữa cũng sẽ thắng vì lẽ đó

Tôi nói thêm một điều rất quan trọng mà người Mỹ chưa thấy. Hiện nay, nhiều quân nhân Mỹ lý luận như thế này: họ có bốn mươi vạn quân mà không giải quyết được vấn đề, họ tưởng tăng lên năm mươi vạn quân thì có thể giải quyết được, có người nói đến sáu mươi vạn, có người nói nếu cần thì tăng thêm nữa. Nhưng như tôi đã nói, căn bản của vấn đề không phải ở chỗ đó. Đây là một vấn đề quan trọng. Lính Mỹ càng vào miền Nam càng gây ra những hậu quả không lường được.

Thứ nhất, họ mang lại chiến tranh. Đó là một điều rất nguy hại đối với họ về mặt chính trị. Nguỵ quân nguỵ quyền từ trước đến nay còn lừa dối được một số người, bây giờ không lừa dối được ai. Và người Việt Nam ở miền Nam rõ ràng thấy Chính phủ Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh thuộc địa dã man nhất trong thế kỷ này, ông có nhận thấy điều đó không?

Xôn-xbơ-ri:

- Tôi khó mà trả lời được câu hỏi của Ngài, nếu Ngài hỏi chiến tranh có dã man không thì tôi sẽ trả lời tất cả các cuộc chiến tranh đều dã man cả. Có thể nói đây là một cuộc chiến tranh rất dã man.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đó là một điều rất quan trọng.

Điều thứ hai là đội quân viễn chinh Mỹ vào đã làm đảo lộn toàn bộ nền kinh tế ở miền Nam. Nạn lạm phát rất ghê gớm. Người ta không thể nào sống được.

Thứ ba là binh lính Mỹ đã gây những hiện tượng rất xấu xa về mặt văn hoá và xã hội, ông cũng biết người ta gọi Sài Gòn là một nhà chứa khổng lồ không? Cả con gái những người ở tầng lớp trên cũng đi làm đĩ cho sĩ quan Mỹ.

Từ những điều đó thì thấy quân đội Mỹ càng vào đông chừng nào càng gây ra những căm phẫn ghê gớm trong nhân dân miền Nam. Do đó, ở các đô thị miền Nam đang diễn ra một tình hình rất mới là phong trào đô thị phát triển mạnh mẽ, như những cuộc đấu tranh của công nhân bến tàu ở Sài Gòn mấy hôm nay. Rồi đây phong trào càng rộng lớn mạnh mẽ, lôi cuốn tất cả các tầng lớp trên, trí thức, tư sản, tôn giáo, công chức trong bộ máy nguỵ quyền. Đó là những diễn biến chính trị mà các ông không lường hết được. Đó là một mặt trán cực kỳ quan trọng đi đôi với những thắng lợi trên mặt trận quân sự, trên cơ sở sự sụp đổ của nguỵ quân, nguỵ quyền. Đó là những điều người Mỹ phải nhìn thấy.

Tôi nghĩ có thể có những người Mỹ sáng suốt, ở Sài Gòn bắt đầu thấy. Như vậy thì đưa quân vào nhiều, các ông làm được gì? Dù các ông tăng quân trong lúc nguỵ quân, nguỵ quyền sụp đổ thì làm được gì? Đó là những điều cơ bản về tình hình chính trị ở miền Nam Việt Nam. Về điểm này ông với tôi có thể thảo luận thêm.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #98 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 09:56:06 am »

Về miền Bắc, mấy hôm nay đi thăm, ông đã thấy đại thể tình hình. Điều quan trọng nhất là cuộc chiến tranh bằng không quân đối với người Mỹ là một sự thất bại. Dư luận thế giới đã thấy là thất bại. Thất bại ở chỗ không bắt buộc được chúng tôi đầu hàng và hơn nữa không ảnh hưởng gì đến tình hình miền Nam. Trái lại, tình hình miền Nam lại càng thuận lợi hơn cho Mặt trận Dân tộc Giải phóng và nguy khốn hơn cho người Mỹ.

Về phía chúng tôi, trong mấy năm chiến đấu với loại chiến tranh mới này, chúng tôi thấy thêm mấy điểm:

Một là tiềm lực quân sự và quốc phòng của chúng tôi tăng lên rõ rệt và đây là một điều rất may mắn. Lực lượng phòng không tăng lên, nói chung là lực lượng vũ trang tăng lên và sẽ tăng lên một cách vững chắc vì chúng tôi đã vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, đã trải qua những bước ngập ngừng lúc đầu. Bây giờ là lúc phát triển rộng và nhanh.

Ở đây lực lượng chủ yếu là thanh niên, rất quan trọng và rất dũng cảm. Chắc là ông có nghe nói đến sức mạnh, lòng dũng cảm, khả năng to lớn của tuổi trẻ. Rõ ràng trong cuộc chiến tranh, chúng tôi thấy sáng tỏ những khả năng của họ. Ba triệu thanh niên đã đăng ký sẵn sàng và họ đã chứng tỏ khả năng của họ trên các chiến trường. Trong tất cả các cuộc cách mạng, đều là như vậy.

Hai là về mặt kinh tế. Trong các câu hỏi của ông, ông có hỏi về vấn đề này, ở đây phải thấy hai mặt: một mặt là sự tàn phá của cuộc chiến tranh bằng không quân điều đó là tất nhiên. Nhưng có mặt khác, mặt chúng tôi tìm cách để phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điều kiện chiến tranh và có thể tránh được sự phá hoại của bom đạn Mỹ.

Trong thời gian qua, chúng tôi đã rút được kết luận về vấn đề đó. Chúng tôi tiếp tục làm những cái gì chúng tôi có thể bảo vệ được, về nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và tất cả các ngành khác. Đây là những kinh nghiệm cực kỳ quý báu. Trên cơ sở đó, có khả năng phát triển tiềm lực kinh tế cho thích hợp với điều kiện chiến tranh, chuẩn bị chiến tranh lâu dài.

Bây giờ đến một điểm lớn trong những câu hỏi của ông là: triển vọng của cuộc chiến tranh, ông hỏi là chiến tranh sẽ kéo dài trong bao lâu? Về phần chúng tôi, chúng tôi chuẩn bị chiến tranh lâu dài, vì chiến tranh nhân dân tất nhiên phải lâu dài. Không ai biết nó sẽ kéo dài bao lâu. Điều này khó nói. Lúc nào hết quân xâm lược mới thôi.

Thực sự chúng tôi chuẩn bị như vậy. Trong ý nghĩ của chúng tôi là như vậy. Trong người dân Việt Nam nào cũng là như vậy, ông không có thì giờ để nói chuyện với những người dân Việt Nam chúng tôi. Đây là điều mà người nước ngoài hay hỏi chúng tôi, câu hỏi làm chúng tôi ngạc nhiên, đối với bất cứ một người dân Việt Nam bình thường nào cũng vậy. Chúng tôi làm sao quyết định được khi nào sẽ kết thúc chiến tranh, vì chúng tôi không thể đem quân sang đánh bẹp các ông trên đất Mỹ.

Cho nên, chúng tôi chuẩn bị đánh lâu dài. Mỹ còn xâm lược, còn đánh. Bao nhiêu năm? Mười năm, hai mươi năm đã vừa chưa? Nếu chưa vừa thì còn dài nữa. Tôi thường nói với các bạn nước ngoài: thế hệ trẻ của chúng tôi, nếu cần phải tiếp tục chiến đấu, sẽ chiến đấu giỏi hơn chúng tôi, thậm chí cả những trẻ em ít tuổi. Vì họ cũng đã được chuẩn bị tốt.

Tình hình là như vậy. Tôi nói đây không phải để uy hiếp ai, để gây ấn tượng với ai. Đó là hậu quả lô-gích của tình hình. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc tự hào. Cả lịch sử của nó là lịch sử của một dân tộc tự hào. Giặc Mông Cổ đến, chúng tôi đánh cho một lần thua, lần thứ hai đến, chúng tôi lại đánh thua. Lần thứ ba đến, chúng tôi lại đánh thua nữa. Bây giờ các ông muốn đánh mấy lần? ông hỏi phải đánh bao nhiêu lâu, tôi phải trả lời như vậy. Đó là tuỳ các ông chứ không phải tuỳ chúng tôi.

Vấn đề thứ nhất tôi muốn nói với ông là như vậy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #99 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2009, 10:11:48 am »

Tôi nói đến vấn đề thứ hai là vấn đề giải pháp, ông hỏi nhiều câu về giải pháp. Tất nhiên ông chủ ý nhiều về giải pháp. Tôi hiểu và rất muốn nói chuyện với ông về điều đó. Nhưng tôi nghĩ muốn nói chuyện được với nhau về giải pháp thì phải xuất phát từ tình hình tôi vừa nói với ông. Đối với chúng tôi, giải pháp rất đơn giản. Vì đây là một cuộc chiến tranh xâm lược, thuộc địa, phi nghĩa, thì giải pháp là làm sao chấm dứt xâm lược. Giản đơn lắm, rất lô-gích, rất hoàn hảo và không thể bác bỏ được, ông có đồng ý không?

Xôn-xbơ-ri:

- Trên thế giới có rất nhiều điều không lô-gích mà chúng ta vẫn phải chịu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng:

- Đúng, tôi hiểu như vậy. Chúng ta đang phải sống trong một thế giới như vậy. Nhưng không phải như vậy là chúng ta không phấn đấu cho cái gì mình cho là đúng đắn, là thiêng liêng. Đối với chúng tôi, cuộc chiến đấu là độc lập, tự do. Tất cả các giải pháp đều phải xuất phát từ điều đó và phải đưa đến vấn đề đó. Đối với chúng tôi, đó là một điều không thể nào động đến được. Tất nhiên đó là một vấn đề rất khó.

Theo quan điểm của chúng tôi, tốt nhất là những người xâm lược Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của họ. Tất cả vấn đề là ở đó. Chừng nào họ chưa tính đến việc này thì chưa thể có giải pháp cho cuộc chiến tranh được. Họ còn đánh chúng tôi, chúng tôi còn phải đánh lại họ. Có cách nào làm họ hiểu điều đó tôi nghĩ đó là việc của các ông. Những người như ông có trách nhiệm làm việc đó.

Ở đây người ta thường nói đến một điều không đúng. Người ta nói đến danh dự của nước Mỹ. Danh dự của nước Mỹ ở chỗ nào? Tôi nghĩ danh dự chính đáng của nước Mỹ là không làm chiến tranh phi nghĩa và nếu đã làm chiến tranh phi nghĩa thì thôi đừng nói đến danh dự của nước Mỹ nữa. Không có cách nào khác. Tôi nghĩ làm như vậy là đúng.

Trong lịch sử đâu có nhiều tiền lệ là nước Pháp đối với An-giê-ri. Tại sao người Mỹ không làm được như thế?. Còn phía chúng tôi, chúng tôi phải làm một cuộc chiến tranh yêu nước. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ đến việc làm nhục nước Mỹ vì nước Mỹ là một nước lớn. Nước Mỹ trọng danh dự của nước Mỹ. Chúng tôi cũng trọng danh dự của nước chúng tôi. Và lúc nào giới cầm quyền Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh thì chúng ta có thể tôn trọng lẫn nhau và giải quyết mọi vấn đề. Vì sao chúng tôi không tính được như vậy? Chỗ này tôi muốn biết ý kiến ông.

Vì quan điểm của chúng tôi là như vậy nên lập trường của chúng tôi là bốn điểm. Bốn điểm đó là cơ sở để giải quyết vấn đề chiến tranh. Không nên coi đó là điều kiện. Đó là chân lý, là lẽ phải. Đó là điều giản đơn chẳng qua chỉ là thừa nhận những điều khoản của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Các giới cầm quyền Mỹ không chịu thừa nhận bốn điểm đó, như vậy là họ chưa muốn giải quyết vấn đề Việt Nam. Và nhất là không muốn thừa nhận điểm ba là muốn bám lấy miền Nam Việt Nam, tức là họ còn muốn chui vào đường hầm. Thế là chịu, ai làm sao được? Cho nên phải đi đến giải quyết vấn đề trên cơ sở bốn điểm. Anh muốn đi đường nào cũng được, nhưng cuối cùng cũng phải đi đến bốn điểm. Dư luận thế giới thừa nhận điều này.

Bên cạnh bốn điểm, chúng tôi còn đề ra một điểm nữa, đòi Chính phủ Mỹ phải đình chỉ vĩnh viễn và vô điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc. Điều này có tính chất quan trọng. Dư luận thế giới ủng hộ điểm này chứng tỏ nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Đến nay thế giới người ta đòi Mỹ phải thừa nhận điểm này. Cho đến ông U Than, tướng Đờ Gôn cũng đòi như vậy.

Vì lẽ gì? Tôi không cần nói nhiều vì hình như ông cũng thừa nhận điểm này. Nhưng các giới cầm quyền Mỹ và Lầu Năm Góc chưa bằng lòng đâu. Tất nhiên đối với họ còn khó lắm. Đối với chúng tôi thì rất rõ ràng và giản đơn,. vì những lẽ phải lớn rất giản đơn.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM