Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 10:21:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris  (Đọc 77516 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #40 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:55:36 pm »

Ngày 17 tháng 6, trong hội nghị các nguyên thủ các nước khối Liên hiệp Anh tại Luân Đôn, Thủ tướng Uyn-xơn đưa ra sáng kiến hoà bình về Việt Nam, ông đề nghị cử một phái đoàn đặc biệt do ông lãnh đạo đi Mát-xcơ-va, Bắc Kinh, Hà Nội, Sài Gòn và Oa-sinh-tơn nhằm mục đích "Đánh giá một cơ sở chung có thể có được và những điều kiện triệu tập một hội nghị quốc tế dẫn tới việc lập lại hoà bình lâu dài ở Việt Nam".

Phái đoàn sẽ gồm có nguyên thủ hoặc thủ tướng các nước Anh, Ni-giê-ri-a, Ga-na, Tơ-ri-ni-dát Tô-ba-gô. Đề nghị đó không được toàn thể hội nghị tán thành vì nó không có tính đại diện cho khối Liên hiệp Anh. Cũng nên nhắc ở đây rằng tính đến 14 tháng 6, theo Hãng thông tấn AP của Mỹ, đã có nhiều nước châu Phi phản đối chính sách của Mỹ ở Việt Nam: Ga-na, Dăm-bi-a, Ma-a-uy, Tan-da-ni-a, Xi-ê-ra Lê-ôn, U-gan-đa...

Hãng thông tấn Roi-tơ ngày 17 tháng 6 đưa tin: "Tổng thống Johnson đã được báo trước về kế hoạch lập phái đoàn này và đồng ý". Đài BBC ngày 18 nhận xét: "Chắc chắn Uyn-xơn đã không thành láp phái đoàn này nếu không có sự tán thành trước của Mỹ".

Tổng thống Tan-da-ni-a Ni-ê-rê-rê cho rằng phái đoàn này chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền, nước ông phản đối phái đoàn đó và tin rằng nó sẽ thất bại.

Đầu tháng 6, Ngoại trưởng Anh Xtiu-ớt đưa ra kế hoạch sáu điểm để giải quyết vấn đề Việt Nam trong đó có việc: "Tổ chức hội nghị quốc tế để thương lượng ngừng bắn và bảo đảm cho miền Nam Việt Nam khỏi sự xâm lược của miền Bắc".

Một buổi sáng cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Sao, phóng viên báo Cứu quốc, cơ quan của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam - thực tế là đại diện của Hà Nội tại Luân Đôn được mời đến văn phòng của ông H.Đa-vít, Bộ trưởng, nghị sĩ Công đảng Anh ở quốc hội. Ông Đa- vít trước đây đã đến thăm Hà Nội và đã được đón tiếp tử tế. Cuối năm 1964, theo đề nghị của ông và nghị sĩ W. Oa-bây, Hà Nội đồng ý mời hai ông sang Việt Nam. Tháng 1 năm 1965 chỉ có ông Oa-bây đi, ông Đa-vít không đi, với lý do bận việc chính quyền, ông Oa-bây đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp.

Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đồng ý tiếp ông với tư cách cá nhân. Nhưng ngày 8 tháng 1, khi gặp Phan Tử Nghĩa, Uỷ viên Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam ra đón ông tại sân bay Gia Lâm, ông lại nói ông đến Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ do ông Uyn-xơn trao.

Chiều và tối hôm đó, báo chí và đài phát thanh phương Tây đưa tin ầm ĩ rằng Đa-vít sang Hà Nội với danh nghĩa là phái viên của Thủ tướng Uyn-xơn để chuẩn bị cho phái đoàn Liên hiệp Anh và sang Hà Nội là do lời mời của Hà Nội, không phải do ông yêu cầu, Hà Nội có vẻ xuống giọng!

Hôm sau, tại trụ sở Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, các ông Trần Hữu Duyệt, Tổng thư ký Mặt trận; Phạm Hồng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài; Phan Tử Nghĩa, Trần Trọng Quát, cựu phóng viên báo Cứu quốc tại Luân Đôn đã niềm nở đón tiếp ông Đa-vít.

Trần Hữu Duyệt bày tỏ niềm vui mừng được cùng các bạn bè đón tiếp một người bạn cũ và cảm ơn ông về những hoạt động ủng hộ Việt Nam sau chuyến đi năm 1957.

Ông Đa-vít cũng tỏ ý sung sướng được gặp lại các bạn Việt Nam và cảm ơn Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam một lần nữa đã mời ông, ông nói tiếp:

“Mong các ông hiểu cho tôi là Bộ trưởng trong Chính phủ Anh, phải được phép của Chính phủ Anh mới sang được đây và tôi đã được ông Uyn-xơn cho phép".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #41 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:56:26 pm »

Trần Hữu Duyệt tỏ ý ngạc nhiên với việc ông nói là dại diện cho Chính phủ Anh, chứ không phải với tư cách cá nhân. Đa-vít thanh minh và nói tiếp:

"Các ông hãy tin tôi, ông Uyn-xơn không lừa dối các ông... ông Uyn-xơn không tham khảo trước ý kiến của Mỹ về phái đoàn này. Hội nghị Thủ tướng các nước khối Liên hiệp Anh đã tạo điều kiện thuận lợi đi đến một giải pháp cho vấn đề Việt Nam và đã kêu gọi các bên hữu quan hãy kiềm chế những hoạt động quân sự để tiến tới ngừng bắn.

Phái đoàn muốn gặp các bên hữu quan và tìm biện pháp nhích gần lại lập trường bốn điểm mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nêu. Lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng được chú ý.

Chúng tôi thành thật tin rằng nhân dân thế giới đang tìm mọi cách khuyến khích mở các cuộc thương lượng hoà bình, vì tình hình Việt Nam ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân thế giới.

Tôi có thể nói thẳng với các ông rằng bác bỏ cuộc gặp gỡ này là sai lầm... Mục đích của phái đoàn này không có gì khác là tìm ra một biện pháp hoà bình. Phái đoàn sẵn sàng nghe ý kiến Bắc Việt Nam, nghe Mỹ, mà Mỹ sẽ khó mà bác được các điều phái đoàn đã chấp nhận với Bắc Việt Nam".

Ông Đa-vít cho rằng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiếp phái đoàn dù chỉ hai ngày ở Hà Nội thì bản thân sự kiện đó cũng đã có ý nghĩa chính trị, ông nhấn mạnh: 

"Đây là cơ hội để thực hiện tối đa mục tiêu của các ông bằng hoà bình. Nếu các ông bác bỏ thì nhiều năm nữa mới có cơ hội đàm phán nhưng sau một cuộc chém giết lớn. Tình hình hiện nay đặc biệt nghiêm trọng, nên phải xem xét vấn đề một cách thận trọng... Phải có đàm phán trước khi bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nếu hàng triệu người Việt Nam chết thì thắng lợi có ý nghĩa gì? Tất nhiên không phải các ông gây ra chiến tranh hạt nhân, nhưng sự việc cứ xảy đến nếu không ngăn chặn được".

Khách quan mà nói, khi đó dư luận phương Tây rất lo sợ Việt Nam sẽ không thể chống lại sức mạnh quân sự khổng lồ của Mỹ, nhất là khi bọn "diều hâu” đe doạ đưa Bắc Việt Nam "trở về thời đồ đá". Oa-sinh-tơn đã lợi dụng tâm lý đó để lôi kéo dư luận ủng hộ thủ đoạn “thương lượng không điều kiện" của Johnson.

Các bạn Việt Nam đã nói rõ về âm mưu và hành động xâm lược của Mỹ, những tội ác ghê tởm do bom đạn Mỹ gây ra,. về lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Giải pháp đúng đắn là Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 phải được thi hành nghiêm chỉnh. Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt ném bom miền Bắc, để nhân dân Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Đồng thời các bạn Việt Nam cũng đã phê phán thái độ của ông Uyn-xơn ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam.

Tất cả những lời thanh minh, thuyết phục, đe doạ của ông Đa-vít đều tỏ ra vô hiệu. Hai ngày tiếp theo là hai ngày khắc khoải mong đợi được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Tối ngày 11, thấy không còn hy vọng được gặp Thủ tướng, ông Đa-vít yêu cầu gặp Trần Trọng Quát, ông hỏi:

- Liệu Thủ tướng Phạm Văn Đồng có biết tôi đang ở Hà Nội không? 

- Tôi tin là Thủ tướng biết qua tin tức của báo đài

Nghe câu trả lời đó, ông Đa-vít đã hiểu tình hình là thế nào, ông chuyển sang nói với đồng chí Quát một số vấn đề mà ý định khá rõ của ông là để đồng chí Quát báo cáo lên Thủ tướng.

- Chúng tôi thừa nhận rằng vấn đề miền Nam Việt Nam phải được giải quyết trong khuôn khổ Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Trong các cuộc đàm phán tương lai, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ có đoàn đại biểu riêng. Nếu các nhà lãnh đạo Việt Nam tiếp Thủ tướng Uyn-xơn thì Vương quốc Anh sẽ công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên thực tế và hai bên sẽ đặt quan hệ ở cấp Tổng lãnh sự. Nếu Thủ tướng Uyn-xơn thống nhất ý kiến được với Việt Nam thì Tổng thống Johnson không phản đối được. Ga-na nói với Mỹ, Mỹ sẽ không nghe. Tôi có thể ở lại Hà Nội thêm ít ngày nếu lãnh đạo Việt Nam tiếp tôi.

Nhưng ngày 13 tháng 7, Đa-vít rời Hà Nội, tất nhiên không vui vẻ lắm.

Ngày 19 tháng 7 trước Quốc hội Anh, Thủ tướng Uyn-xơn đã bênh vục chính sách của Tổng thống Johnson về Việt Nam và tuyên bố:

“Chiến tranh sẽ được đẩy mạnh; Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm về việc đó... Mỹ sẽ đánh Việt Nam mạnh hơn để trừng phạt những người không chịu ngồi vào bàn thương lượng" (Tin Roi-tơ, UPI.)
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #42 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:57:09 pm »

*
*    *

Như trên đã nói, trong phái đoàn mà Uyn-xơn dự định thành lập, người ta dự kiến có Tổng thống Ga-na N.Cru-ma. N.Cru-ma là một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng ở châu Phi, đã lãnh đạo phong trào độc lập của nhân dân Ga-na, ông là người bạn của nhân dân Việt Nam, luôn luôn ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập của nhân dân Việt Nam. Khi Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam, đưa quân Mỹ vào miền Nam, ông đã ủng hộ lập trường bốn điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và đặc biệt là đã quyết định đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ với nước ta. Dư luận thế giới coi đây là một hành động dũng cảm.

Tổng thống N.Cru-ma nhận tham gia phái đoàn Liên hiệp Anh với lòng mong muốn chân thành đóng góp vào việc lập lại hoà bình ở Việt Nam và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Khi ông Đa-vít sang Hà Nội, Tổng thống đã gửi thư tới Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu những suy nghĩ của ông về vấn đề Việt Nam, ông viết:

"Tôi tin rằng một giải pháp hoà bình cho vấn đề Việt Nam có thể dẫn tới việc thực hiện những mục tiêu là nhân dân Việt Nam đang chiến đấu và hy sinh". Và "Có khả năng hợp lý để thực hiện việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam bằng thương lượng". Ông cho rằng ít nhất cũng nên thử xem "việc đó có thực hiện được không?", vì "nếu thực hiện được mà không đổ máu hơn nữa và không phải thoả hiệp một chút nào các nguyên tắc và mục tiên đấu tranh của nhân dân Việt Nam thì điều đó không chỉ có lợi cho nhân dân Việt Nam mà cho cả hoà bình thế giới".

Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời bức thư trên, các cuộc ném bom của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam đã vượt quá vĩ tuyến 20. Chủ tịch vạch rõ thực chất của cái gọi là cuộc vận động hoà bình của Mỹ:

"Chính trong lúc đó, Tổng thống Mỹ Johnson và những người ủng hộ ông ta như Thủ tướng Uyn-xơn ráo riết đẩy mạnh cái gọi là vận động hoà bình của họ để che đậy việc tăng cường xâm lược Việt Nam và đánh lừa dư luận".

Người còn nêu những nước trong Liên hiệp Anh đang tham gia cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam:

"Về Liên hiệp Anh, ngoài Thủ tướng Uyn-xơn là người trước sau ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam còn có Úc, Tân Tây Lan là hai nước đã đưa quân sang giúp Mỹ đánh lại nhân dân Việt Nam.

Trong điều kiện như vậy thì làm sao người ta có thể tin tưởng ở phái đoàn gọi là hoà bình của Liên hiệp Anh được".

Tuy vậy, thể hiện tình hữu nghị của nhân dân Việt Nam đối với Tổng thống và nhân dân Ga-na, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngỏ lời mời Tổng thống:

"Nếu Tổng thống N.Cru-ma có dịp sang thăm hữu nghị đất nước Việt Nam thì tôi sẽ rất hoan nghênh và vui lòng thảo luận vấn đề với Tổng thống".

Tổng thống N.Cru-ma cử ngay Bộ trưởng K.Ác- ma, cao uỷ Ga-na tại Luân Đôn sang Hà Nội với nhiệm vụ tìm hiểu tình hình và thu xếp chuyến đi thăm hữu nghị Việt Nam của Tổng thống. Mười ngày sau, đặc phái viên của Tổng thống đã tới Hà Nội. Cùng đi với ông Bộ trưởng có tiến sĩ J.Bốt-xman, đại sứ Ga-na tại Paris, ông Phét Ác-hớt, Tổng thư ký Bộ Ngoại giao Ga-na. Cuộc đón tiếp phái đoàn đơn sơ trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng hữu nghị và chân thành.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #43 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:57:52 pm »

Ngay hôm sau, ngày 26 tháng 7 năm 1965, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh tiếp ông Ác-ma. Hai bên đã trao đổi ý kiến về tình hình Việt Nam và về chuyến đi thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống N.Cru-ma.

Về mục đích chuyến đi thăm Việt Nam của đoàn, ông Ác-ma nói: Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng hiện nay ở khu vực, sự quan tâm của dư luận thế giới, của các nước Á Phi và của Tổng thống chúng tôi càng trở nên sâu sắc.

Lập trường của Ga-na từ trước tới nay trong vấn đề Việt Nam là phải triệt để thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, tức là thực hiên ba nguyên tắc mà hầu hết các nước Á Phi ủng hộ là độc lập, thống nhất và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đánh giá tình hình Việt Nam hiện nay, ông nói đại ý: Nhân dân Việt Nam đang tiến hành một cuộc đấu tranh không khoan nhượng vô cùng oanh liệt. Nhân dâu Ga-na cũng như nhân dân Á Phi hết sức ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa đó. Nhân dân Việt Nam ở hai miền đã giành được nhiều thắng lợi. Việt Nam đang ở thế mạnh, Mỹ đã thấy không thể đè bẹp được ý chí của nhân dân Việt Nam. Mỹ muốn trở lại Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 bằng một hiệp nghị khác. Hiện nay lập trường của Việt Nam và Mỹ không xa nhau. Việt Nam gắn bó với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, Mỹ cũng muốn thi hành Hiệp nghị đó.

Nhân dân Á Phi có thể làm trung gian để tiến hành đàm phán, thử lòng thành thật của Mỹ trong việc kêu gọi hoà bình.

Sau khi trình bày âm mưu chiến lược của Mỹ ở Đông Dương và Đông Nam Á từ sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954. Bộ trưởng Nguyễn Duy Trinh đã vạch rõ: Mỹ nói thương lượng không điều kiện nhưng thực tế đặt ra nhiều điều kiện. Sau đó, Bộ trưởng trình bày lập trường bốn điểm của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và lập trường năm điểm của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Ngày 27 tháng 7, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Bộ trưởng Ác-ma và các vị cùng đi tại Phủ chủ tịch (Những lời Hồ Chủ tịch nói chuyện với Bộ trưởng Ác-ma trong chương này được tác giả viết theo "Lược ghi biên bản tiếp xúc Hồ Chủ tịch - Ác-ma" của Nguyễn Tư Huyên, Trưởng phòng phiên dịch của Bộ Ngoại giao.)

Tình hình Hà Nội lúc này chưa bị ném bom nhưng rất căng thẳng. Mỗi ngày có hàng chục lần báo động. Thực tế trong tháng 7 máy bay Mỹ đã đánh vào thành phố dệt Nam Định, cách Hà Nội chưa đến một trăm km và liên tục đánh hệ thống đường sắt Tây-bắc Hà Nội. Từ cách tổ chức làm việc đến cách chiếu sáng ban đêm, nhịp sống ngoài đường phố, tất cả là thời chiến.

Phủ chủ tịch trang nghiêm, vắng vẻ. Phòng tiếp khách của Chủ tịch như một ốc đảo yên tĩnh giữa một thành phố đang chờ cơn bão lửa có thể ập đến bất cứ lúc nào, với một câu chào bằng tiếng Anh và cái bắt tay thân mật, Người đã làm cho các vị khách cảm thấy thoải mái.

Người hỏi thăm sức khoẻ của Tổng thống N. Cru-ma và cảm ơn Tổng thống đã cử các vị đến đây. Người cảm ơn các vị đã sang thăm Việt Nam, mang tình hữu nghị của nhân dân Ga-na đến cho nhân dân Việt Nam. Mong các vị mạnh khoẻ, vui vẻ, thoải mái.

Người nói rằng các vị đã đi rất xa từ Ga-na đến Việt Nam, tính trên bản đồ là một phần ba trái đất. Tuy nhiên, xa thì xa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ga-na có nhiều điểm giống nhau. Nhân dân Ga-na phải phấn đấu lâu năm mới giành được độc lập. Nhân dân Việt Nam cũng phải đấu tranh gần một trăm năm. Tổng thống Ga-na và Người nói riêng cũng có nhiều cái giống nhau, vì cùng phấn đấu, cùng ở tù như nhau. Vì vậy hai nước chúng ta có cảm tình đặc biệt với nhan.

Chắc các vị sang Việt Nam cũng muốn tìm hiểu tình hình Việt Nam cho rõ hơn (các vị khách gật đầu).

Hôm qua, đế quốc Mỹ đã hoan nghênh các vị bằng cách cho bốn mươi chuyến máy bay leo thang ra miền Bắc. Để tỏ tình quyến luyến với họ, chúng tôi đã hạ sáu máy bay, bắt sống ba phi công. Từ nay đến hết chiến tranh, chúng tôi sẽ phải nuôi họ, Chính phủ Mỹ không phải trả tiền.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #44 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:58:55 pm »

Nhân đây Người trình bày tóm tắt lập trường của Việt Nam.

Chúng tôi biết nhân dân Ga-na đồng tình, ủng hộ chúng tôi và có cảm tình với chúng tôi. Tuy nhiên, về tình hình Việt Nam cũng có người biết, có người không biết, cho nên tôi cũng xin kinh qua các vị để giải thích cho anh em Ga-na .

Trước hết, xin nêu một ví dụ. Khác với Chính phủ Nhật, nhân dân Nhật ủng hộ chúng tôi. Có một tu sĩ Nhật gặp một người Việt Nam. Đó là một người có đạo đức yêu chuộng hoà bình. Người đó hỏi người Việt Nam: Là một người Nhật, tôi hết sức ủng hộ nhân dân Việt Nam. Theo báo chí của Chính phủ Nhật, tôi thấy Mỹ đã mười ba lần tìm biện pháp để đi tới hoà bình nhưng tại sao Việt Nam lại từ chối. Như thế nghĩa là thế nào? Người thầy tu Nhật đó có lòng tốt, nhưng ông ta không hiểu rõ tình hình, ông ta chỉ xem báo chí của Chính phủ Nhật thôi. Vì vậy, ông ta cho là Mỹ muốn hoà bình, còn Việt Nam thì hiếu chiến. Sau khi người Việt Nam giải thích, ông ta rõ, ông ta khóc và ôm hôn người Việt Nam.

Tôi nhắc lại câu chuyện đó để nói rằng nhân dân cả thế giới đều ủng hộ chính nghĩa của chúng tôi, nhưng không phải là mọi người đều hiểu rõ bản chất của vấn đề, đồng thời để tự phê bình tuyên truyền của chúng tôi ra nước ngoài làm còn kém. Chắc ở Ga-na cung như ở nước bạn châu Phi không có nhiều tài liệu về cuộc kháng chiến của Việt Nam (các vị khách gật đầu).

Miền Nam Việt Nam là một bộ phận của Việt Nam, nòi giống, văn hoá, tiếng nói đều là Việt Nam. Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 nói nước Việt Nam phải được thống nhất nhưng Mỹ đã cản trở việc thống nhất nước Việt Nam nhằm biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Mỹ đã can thiệp vào miền Nam, lúc đầu chúng dùng bọn tay sai, nhưng trước sự đấu tranh của nhân dân miền Nam, Mỹ chưa thấy đủ vì bọn tay sai ngày càng suy yếu và tan rã nên chúng trực tiếp nhúng vào.

Miền Nam mới là nửa nước Việt Nam mà chúng đã thất bại, nay chúng lại leo thang ra miền Bắc hòng gỡ thế bí ở miền Nam. Đánh một nửa nước Việt Nam chúng đã sa lầy, nay chúng định đưa chiến tranh ra cả nước Việt Nam, chúng càng sa lầy thêm. Một kẻ địch chúng đã không chống cự nổi mà chúng còn muốn gây ra hai kẻ địch. Chúng xâm lược, chúng lại nói miền Bắc xâm lược miền Nam, không ai có thể tin rằng miền Bắc Ga-na đi xâm lược miền Nam Ga-na...

Ác-ma:

- Nói như thế là không lô-gích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Đó là cái lô gích của họ. Mỹ xa cách Việt Nam hơn cả Ga-na thế mà Mỹ đã đưa quân đội, đưa cả bộ máy chiến tranh, đưa cả chó ngao sang Việt Nam. Một con chó ngao Mỹ ăn một ngày 1.2 đô-la Mỹ, trong khi đó một lính Sài Gòn chỉ được 0.2 đô-la. Điều đó chứng tỏ văn minh của bọn đế quốc.

Gần đây, Chính phủ Mỹ nói rất nhiều đến hoà bình, Tổng thống Johnson, Ngoại trưởng Đin Ra-xcơ tuần nào cũng nói. Họ nói rằng người Việt Nam hiếu chiến, người Việt Nam không muốn hoà bình, còn Mỹ thì muốn hoà bình. Nhưng bây giờ Mỹ ồ ạt đưa lính vào miền Nam Việt Nam, mở rộng chiến tranh ở đó và cho máy bay ngày đêm bắn phá miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi là người trong cuộc mà có lẽ người trong cuộc nghĩ không đúng. Vậy tôi xin hỏi các vị: Mỹ nói hoà bình trong hoàn cảnh như thế có phải thật sự Mỹ muốn hoà bình không?

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #45 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 08:59:35 pm »

Ác-ma:

- Thưa Chủ tịch, trong ván cờ mà một bên là Việt Nam, một bên là đế quốc Mỹ, chúng tôi là một nước Á Phi có liên quan gián tiếp đến vấn đề. Chủ tịch hỏi Mỹ có thành thật không khi nói đến hoà bình. Nếu được phép trình bày thiển ý của tôi thì tôi xin nói: toàn thể châu Á và châu Phi đều chống sự xâm lược của Mỹ, Ga- na không cần đợi giải thích rồi mới lên án cuộc xâm lược đó. Nhưng một tình hình mới đã xuất hiện.

Hôm qua, ông Phó thủ tướng có nói Mỹ muốn đạt được ở hội nghị những cái mà họ không đạt được trên chiến trường. Nhưng nhân dân Á Phi và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới không để cho họ thực hiện được mục đích của họ tại bàn hội nghị. Toàn thế giới đều biết những thắng lợi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, của nhân dân Việt Nam. Nhân dân Á Phi thấy rằng nên thăm dò khả năng thương lượng không phải vì nhân dân Việt Nam đang ở thế yếu.

Trái lại, chúng tôi cho rằng nhân dân Việt Nam đang ở thế mạnh. Điều này đã được chứng tỏ bởi những thắng lợi của Mặt trận ở Biên Hoà, Bình Giã, Plây-cu, Quy Nhơn và gần đây ở Ba Gia. Nhân dân miền Bắc tính đến nay đã hạ được bốn trăm mười hai máy bay Mỹ. Thế mạnh của Mặt trận còn được chứng minh bởi việc Mặt trận đã giải phóng được ba phần tư đất đai và mười trong số mười bốn triệu dân. Do đó, không ai nghĩ rằng nếu chúng ta thăm dò khả năng hoà bình là chúng ta xuất phát từ thế yếu.

Tướng Taylor chủ trương một cuộc chiến tranh toàn diện ở miền Nam và miền Bắc Việt Nam. Giới ngoại giao phương Tây đều cho rằng việc cử Ca-bốt Lốt thay Taylor có nghĩa là một sự thay đổi hoàn toàn về chính sách. Mỹ đã thấy không thể dùng quân sự để thắng trong chiến tranh được. Sở dĩ chúng tôi nghiêng về thăm dò khả năng hoà bình vì thấy rằng những tháng lợi rất to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng và của nhân dân Việt Nam đã đẩy Mỹ vào thế bị động phòng ngự. Họ chỉ còn có thể tăng cường quân sự, nhưng họ không thể thắng bằng quân sự được. Họ phải nói đến hoà bình để tránh cho địa vị của họ khỏi bị sụp đổ hoàn toàn. Họ bắt buộc phải chấp nhận điều đó.

Không ai có thể trách nhân dân Việt Nam đấu tranh để giành quyền lợi của mình. Chúng tôi lo lắng trước việc Mỹ dùng chất độc làm ba mươi nghìn người bị nhiễm độc, năm mươi nghìn người bị chết, tám trăm nghìn người bị tàn phế và bốn trăm nghìn người bị tù đầy. Chúng tôi lo lắng trước việc máy bay Mỹ ném bom, bắn phá làng mạc, bệnh viện, trường học ở miền  Bắc, không nghi ngờ gì nữa, toàn thể nhân dân Á Phi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam.

Như tôi đã nói ở trên, chúng ta thăm dò khả năng hoà bình không phải là vì thế yếu, Mỹ không thể thắng được Việt Nam, nhiều lắm là họ có thể tạo ra một tình thế hoàn toàn bế tắc cho cả hai bên trong một thời gian dài. Thực tế là như vậy.

Nếu chúng ta có thể tạo nên một tình thế bảo đảm được độc lập thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, không làm gì tổn hại đến các nguyên tắc và mục tiên của nhân dân Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 được thi hành triệt để, nếu chúng ta tạo nên được một tình thế cho tất cả các nước Á Phi cùng với Việt Nam đến bàn hội nghị và nói với Mỹ: "Các anh không có việc gì làm ở đây" thì chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn, vì đây không phải là sự phản đối của từng nước riêng lẻ.

Nếu chúng ta thực hiện được những nguyên tắc và mục tiêu của chúng ta không chút thoả hiệp nào, lại đỡ tổn thất nhất thì chúng tôi cảm thấy nên thân dò khả năng đó. Chúng ta không thể trông cậy vào Anh với tư cách là một trong hai Chủ tịch Hội nghị Giơ-ne-vơ. Chúng tôi muốn rằng trong việc thực hiện trên cơ sỏ của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, nhâu dân Á Phi được nói lên tiếng nói của mình. Chúng tôi cho rằng các nước phương Tây không thể nào cưỡng lại được áp lực ngoại giao của các nước Á Phi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #46 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:02:20 pm »

Tổng thống N.Cru-ma cho rằng cuộc xung đột hiện nay là do âm mưu của chủ nghĩa thực dân mới, Mỹ không thể nào phá hoại được ý chí của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh chính nghĩa để giành tự do và độc lập. Tổng thống đã đánh giá tình hình một cách thực tế, thấy rằng nếu Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam thì chế độ bù nhìn sẽ sụp đổ, các lực lượng giải phóng sẽ tiếp quản.

Các Chính phủ nối tiếp nhau ở miền Nam Việt Nam đã chứng tỏ điều đó. Không phải ngẫu nhiên mà đến nay đã có hai chục lần thay đổi chính phủ. Nếu ta có thể thực hiện được bằng thương lượng việc Mỹ rút khỏi Việt Nam mà không làm tổn hại gì đến những nguyên tắc và những mục tiêu của nhân dân Việt Nam thì điều đó sẽ có lợi cho nhân dân Việt Nam và cho hoà bình thế giới.

Tổng thống chúng tôi đã nói cho thế giới biết Tổng thống ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Nhưng tại sao Tổng thống lại nhận lời tham gia phái đoàn hoà bình của Liên hiệp Anh? Trong Liên hiệp Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân có quân đội đang tham chiến cùng với Mỹ ở miền Nam Việt Nam, điều đó làm cho người ta hết sức nghi ngờ phái đoàn, Tổng thống chúng tôi tham gia vì muốn ngăn không cho Anh tiếp tục ủng hộ sự xâm lược của Mỹ và tranh thủ sự ủng hộ của hai mươi mốt nước trong Liên hiệp Anh đối với việc thừa nhận vai trò quan trọng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.

Như Chủ tịch đã biết, ngày 7 tháng 4 năm 1965, Tổng thống Johnson đã tuyên bố rằng Mỹ không thừa nhận Mặt trận và sẽ không tiếp xúc với Mặt trận, Tổng thống N. Cru-ma đặt điều kiện là phải tiếp xúc, phải thừa nhận Mặt trận. Các nước Liên hiệp Anh đã chấp nhận điều kiện đó. Đây là một thắng lợi của lẽ phải một thắng lợi của nhân dân Á Phi và Việt Nam.

Tổng thống N. Cru-ma cho rằng nói đến đàm phán không phải là ủng hộ đế quốc. Tổng thống chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam chống đế quốc. Chủ trương của miền Bắc Việt Nam là muốn giải quyết vấn đề phải thừa nhận các quyền cơ bản của nhân dân Việt Nam (hoà bình, độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ), phải tôn trọng các điều khoản quân sự của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, việc hoà bình thống nhất Việt Nam phải do nhân dân hai miền tự giải quyết lấy không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó cũng là lập trường của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đòi dân chủ cho nhân dân, thành lập Chính phú liên hiệp, thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ. Chúng tôi thấy cần bàn đến lập trường của Mỹ như thế nào so với lập trường của miền Bắc và Mặt trận.

Như tôi đã nói, các giới ngoại giao phương Tây cho rằng Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh và rút lui. Chúng tôi có cảm tưởng rằng sau khi Mỹ rút, cả hai miền Nam, Bắc Việt Nam sẽ được bảo đảm tự do. Miền Nam sẽ không có quân đội, căn cứ quân sự nước ngoài, không tham gia liên minh quân sự, hai miền sẽ trung lập. Quan hệ giữa hai miền sẽ do nhân dân tự giải quyết.

Như vậy lập trường của miền Bắc Việt Nam và của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng không xa lập trường của Mỹ lắm, mà trái lại gần nhau. Căn cứ vào đó có thể tìm ra được một giải pháp làm cho nhân dân Việt Nam không mất gì, không phải thoả hiệp gì cả.
Như tôi đã nói, hiện nay Mỹ muốn thương lượng. Nhân dân các nước Á Phi, nhân dân Ga-na đều tin rằng Việt Nam quyết giành độc lập, thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ. Đó cũng là quyết tâm của Tổng thống N.Cru-ma, Ga-na cũng như Việt Nam sẵn sàng chịu mọi hậu quả để giành tự do.

Chúng tôi đã từng đấu tranh tổng bãi công. Nhiều người trong chúng tôi bị tù đầy, hy sinh, nhiều người đỗ đạt trong tù. Chúng tôi thấy vinh dự, phẩm giá là ở tinh thần đấu tranh giải phóng độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi đã trải qua một trăm năm bị thống trị. Chúng tôi không phải là hạng người thoả hiệp với bọn đế quốc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #47 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:03:01 pm »

Sở dĩ chúng tôi nói đến các nước Á Phi đứng ra làm trung gian để tiến tới một cuộc hội nghị là vì chúng tôi thấy chiến tranh đã diễn ra lâu rồi, dù triển vọng thắng lợi của bên này hay bên kia như thế nào đi nữa, qua các dấu hiệu, hiện thấy có rất ít khả năng giải quyết được cuộc xung đột bằng quân sự. Về điểm này Việt Nam có thể có ý kiến ngược lại.

Chúng tôi nghĩ cần để cho Mỹ rút mà không có cảm thấy bị làm nhục. Chúng tôi cũng nghĩ rằng tính chất vĩ đại của một nước không phải là ở chỗ đất đai rộng hẹp mà là ở tinh thần nhân dân nước đó. Theo ý kiến chúng tôi, Mỹ không thể nào bị tống cổ ra khỏi miền Nam Việt Nam mà nhân dân miền Nam Việt Nam không bị tổn thất nhiều về người, về của.

Chúng tôi không nói nhân dân Việt Nam không có khả năng đuổi cổ Mỹ đi, nhưng việc đó sẽ dẫn tới những phá hoại to lớn. Nếu chúng ta có thể tránh được mà vẫn thực hiện được mục đích, không tổn hại gì đến mục tiêu và nguyên tắc đã đề ra là độc lập thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam thì nên thăm dò khả năng đó. Một cuộc hội nghị có thể đưa lại kết quả như thế.

Chúng ta thăm dò khả năng thương lượng không phải vì sợ sệt hoặc vì yếu. Nhân dân Việt Nam đã có một thành tích rất rực rỡ mà cả thế giới đều biết. Nhân dân Á Phi nhận thức rõ cần chấm dứt chiến tranh để cho nhân dân Việt Nam có thể kiến thiết nhanh chóng. Nếu có một cuộc hội nghị, chúng ta sẽ không mất gì cả mà trái lại sẽ giành được đất nước Việt Nam, hoà bình sẽ được duy trì và chúng ta sẽ được tự do.

Chúng tôi hành động theo ý muốn tự do của chúng tôi, không bị ai thúc ép cả. Ga-na cũng như tất cả các nước Á Phi đểu muốn nhân dân Việt Nam thực hiện những mục tiêu của mình mà không phải đổ máu thêm. Những đau khổ của nhân dân Việt Nam cũng là đau khổ của nhân dân Á Phi.

Chúng tôi đến đây không phải để làm tổn hại đến lập trường của Việt Nam. Nếu lập trường của Việt Nam bị tổn hại thì sẽ là một tai hoạ lớn mà nhân dân Á Phi không thể tha thứ được. Chúng tôi nghĩ đất nước sẽ không phát triển được nến không được yên ổn. Đó là điều chúng tôi đưa đến để trình bày với Chủ tịch.

Ý kiến của tôi có thể sai, Tổng thống N. Cru-ma mà Chủ tịch coi là anh em đã tỏ tình đoàn kết với Việt Nam và sẽ đến đây ngay khi nào có thể đến được. Nếu có sự trả lời của Chủ tịch, chúng tôi sẽ mất độ nửa tuần để trở về Ga-na. Tổng thống chúng tôi sẽ đến vào lúc nào mà Chủ tịch thấy thuận tiện.

Chúng tôi sẽ rất sung sướng nếu được thư trả lời của Chủ tịch để mang về cho Tổng thống chúng tôi.

Chúng tôi hết sức cảm động trước lòng mến khách đã được biểu lộ đối với chúng tôi từ khi đến Hà Nội.

Chúng tôi đã thấy quyết tâm của nhân dân Việt Nam và sẽ báo cáo với Tổng thống N.Cru-ma. Các đại diện của Việt Nam: ông Sao ở Luân đôn, đại sứ Việt Nam ở Mát-xcơ-va, Pra-ha, Bắc Kinh đều tỏ thái độ rất hợp tác. Chúng tôi rất sung sướng thấy Việt Nam sẽ có đại sứ ở A-cra. Đại sứ chúng tôi ở Bắc Kinh sẽ tới đây. Chắc chắc là quan hệ giữa hai nước chúng ta sẽ được thắt chặt thêm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Ở đây chúng ta nói chuyện với nhau như những người anh em, cho nên, tôi nói thật, ý kiến dù không khớp cũng nói.

Một lần nữa tôi xin nói: nhân dân Việt Nam cảm ơn Tổng thống N.Cru-ma và nhân dân Ga-na anh em đã lo lắng sự lo lắng của nhân dân Việt Nam, buồn phiền sự buồn phiền của nhân dân Việt Nam, vui mừng trước những thắng lợi của nhân dân Việt Nam.

Có lẽ anh em Ga-na, trong đó có vị trong phái đoàn, không hiểu về Mỹ, các vị đã lấy lòng người quân tử để xét đoán bụng dạ của kẻ tiểu nhân.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #48 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:03:55 pm »

Vấn đề Phái đoàn của Uyn-xơn không cân nhắc đến nữa. Sau khi Đa-vít sang đây, họ nói Việt Nam hiếu chiến cần phải xử phạt, họ đe doạ chúng tôi. Cách đây mấy năm, Đa-vít có đến đây, ông ta là một người thuộc cánh tả của Công đảng Anh, là một người đấu tranh cho hoà bình, cho công lý và chống đế quốc. Cho nên trước đây chúng tôi tiếp đón ông ta rất tử tế. Lần này, ông ta sang đây có hai mặt. Khi xin thị thực ông ta nói sang với tư cách cá nhân, nhưng trên đường đi ông ta lại nói có sứ mạng của Uyn- xơn nên chúng tôi không tiếp.

Các vị nói Mỹ không muốn rút khỏi miền Nam Việt Nam như bị đuổi ra. Chúng tôi nghĩ Mỹ đến như thế nào thì cứ việc rút ra như thế ấy. Chúng tôi sẵn sàng hoan tống họ. Tổng thống Johnson nói: Mỹ đã đưa danh dự của mình cam kết ở Việt Nam. Tôi không hiểu ông ta muốn nói gì. Phải chăng danh dự của Mỹ là ở bom na-pan, bom lân tinh, bom hơi độc và chó ngao? hay là nên nói danh dự của một nước lớn như Mỹ là ở chính nghĩa? Nếu họ hiểu danh dự đúng như chúng ta hiểu thì họ cần nói rằng quân đội Mỹ đã gây ra sự phá hoại, chết chóc nhiều rồi, giờ đây nên quay đầu trở lại.

Mỹ nói Mỹ muốn hoà bình, chúng tôi cho đó là dối trá. Một ví dụ: có một bọn cướp vào làng, Việt Nam cũng có những làng như Ga-na, chúng cướp của giết người, bố trí canh gác các nơi, sau đó chúng bảo người trong làng: thôi ta nói chuyện hoà bình đi! Làm sao có thể tin chúng được?, Đó chính là tình hình hiện nay ở Việt Nam.

Ông Bộ trưởng vừa nói: nếu chúng ta ngồi lại với nhau, có đại diện các nước Á Phi họp thành một khối ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ thì sức mạnh ủng hộ càng tăng lên. Điều đó rất đúng. Nhưng ngồi lại ở đây không phải một bên là Mỹ, một bên là chúng tôi có các nước Á Phi bên cạnh. Mong rằng nước Ga-na anh em hiểu và tiếp tục vận động tất cả các nước Á Phi cùng nhau ủng hộ Việt Nam chống Mỹ.

Về hoà bình, có lẽ không phải là quá đáng nếu nói rằng nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình và căm ghét chiến tranh hơn bất kỳ nhân dân nước nào khác. Vì sao? Vì nhân dân Việt Nam đã trải qua gần một thế kỷ bị thực dân áp bức, nhân dân Việt Nam bị tổn thất trong chiến tranh thế giới thứ hai, tiếp đó lại trải qua mười năm chống Pháp, thiệt hại người và của, giờ đây lại chống Mỹ. Nhân dân Việt Nam muốn hoà bình để tổ chức lại đời sống của mình. Mấy năm trước khi Mỹ leo thang, ở miền Bắc đã bắt đầu xây dựng nông nghiệp, công nghiệp. văn hoá... trong lúc đó ở miền Nam Việt Nam vì đế quốc Mỹ mà chết người hại của.

Đến đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một số thành tích về khắc phục khó khăn, về giáo dục ở miền Bắc, Người nói tiếp:

- Vì lý do đó, chúng tôi muốn hoà bình nhưng hoà bình theo giá nào, cách nào. Chúng tôi muốn có hoà bình nhưng đồng thời phải có độc lập. Như Tổng thống N. Cru-ma có nói trong thư trước, nếu chiến tranh kéo dài thì tổn thất về người về của càng nhiều và khi đánh được Mỹ ra khỏi Việt Nam thì chúng tôi bị thiệt hại nhiều. Chúng tôi tin rằng nhân dân Việt Nam có thể đánh được Mỹ.

Chúng tôi đã có kinh nghiệm đối với đế quốc Pháp: trước khi rút đi, chúng phá hoại nhiều lắm, nhưng chúng tôi thấy dù phải hy sinh nhiều mà đánh được Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam thì đó chẳng những là làm cho sau này nhân dân Việt Nam không phải làm nô lệ cho Mỹ mà còn góp phần làm cho nhân dân các nước thấy Mỹ không có gì đáng sợ.

Một dân tộc đã đoàn kết nhất trí thì không có gì phải sợ đế quốc cả và Mỹ đã thua ở Việt Nam thì ở nơi khác cũng không thể thắng được. Nếu chiến tranh kéo dài, chúng tôi sẽ phải hy sinh nhiều, nhưng đó là chúng tôi làm nghĩa vụ đối với dân tộc đồng thời làm nghĩa vụ quốc tế đối với nước bạn.

Nói tóm lại, chúng tôi muốn hoà bình, chúng tôi không muốn làm nhục Mỹ nếu Mỹ cũng trọng danh dự chính đáng của họ, nếu Mỹ tôn trọng ý nguyện của nhân dân Việt Nam, nếu Mỹ thi hành đúng Hiệp nghị Giơ-ne-vơ thì chúng ta có hoà bình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #49 vào lúc: 13 Tháng Mười Một, 2009, 09:04:32 pm »

Như ông Bộ trưởng đã nói, chúng ta cùng chung một mục đích là độc lập và hoà bình, cùng chung một nguyện vọng là không những Việt Nam và Ga-na mà tất cả các nước đều hợp tác và hữu nghị với nhau.

Chúng tôi không ngần ngại hợp tác với nhân dân Mỹ vì kỹ thuật họ cao, kỹ thuật của Việt Nam thấp, họ có thể giúp. Ngược lại, chúng tôi có những cái có thể giúp người Mỹ.

Những củ cà rốt của Johnson hứa viện trợ một tỷ đô la không lừa bịp được chúng tôi. Trong khi chúng tàn phá đất nước chúng tôi ở miền Bắc và ở miền Nam thì chúng tôi không thể tin vào củ cà rốt của chúng được.

Về việc Tổng thống N.Cru-ma thăm Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói Người rất mong muốn được gặp Tổng thống vì hai người chưa gặp nhau bao giờ, nhưng tiếc rằng chưa thể mời và đón tiếp Tổng thống được vì tình hình chiến tranh. Người nói:

"Tôi nhờ các vị trình bày với Tổng thống N.Cru- ma: lòng tôi có mâu thuẫn, một mặt muốn gặp Tổng thống ngay nhưng mặt khác không dám mời Tổng thống. Xin các vị chuyển đến nhân dân Ga-na anh em lòng biết ơn và tình đoàn kết của nhân dân Việt Nam. Một khi Mỹ không gây gổ ở miền Nam Việt Nam cũng như ở các nơi khác nữa, tôi cũng muốn được đi thăm Ga-na. Lần trước tôi đến Ga-na tên khác, lần này Ga-na tên khác, cái gì cũng là khác, nhất là con người đã khác trước rất nhiều. 

Cảm ơn các vị đã đến thăm Việt Nam, cảm ơn các vị đã chịu khó nghe tôi nói nhiều.

Ác-ma:

- Xin cảm ơn Chủ tịch. Chúng tôi đến đây là một dịp được học tập rất nhiều. Những cuộc thảo luận của chúng ta tỏ ra rất bổ ích. Chúng tôi đã hiểu rõ tình hình và sau này sẽ ủng hộ Việt Nam mạnh hơn trước nhiều. Chúng tôi đánh giá cao những nhận xét của Chủ tịch đối với ý kiến chúng tôi. Chủ tịch là người có kinh nghiệm tại chỗ còn chúng tôi ở rất xa. Chúng tôi thành thật đưa ra đề nghị, có lẽ những đề nghị đó cũng giúp ích phần nào. Chúng tôi đánh giá rất cao những lời giải thích của Chủ tịch về tình hình. Trở về Ga-na, chúng tôi có thể nói về Việt Nam một cách am tường hơn.

Tôi tin rằng nhân dân Ga-ra cũng như toàn thể nhân dân Á Phi sẽ ủng hộ nhân dân Việt Nam đến thắng lợi cuối cùng. Tôi thông cảm trước hoàn cảnh của Chủ tịch đã buộc phải thay đổi những sự sắp xếp cho cuộc đi thăm Tổng thống chúng tôi,

Chủ tịch Hồ Chí Minh:

- Tôi hiểu rằng có một người anh em ở xa, trong hoàn cảnh như Việt Nam, Tổng thống N. Cru-ma muốn đến xem xét tình hình và xem có cách gì giúp đỡ được nhiều hơn. Tôi cũng biết Tổng thống không sợ gì, vì đã trải qua nhiều sóng gió, vì đã hiến cả sinh mệnh của mình cho nhân dân thì không còn phải sợ gì nữa. Nhưng chính vì hiểu rõ như vậy mà tôi rất áy náy. Nhờ các vị trình bày với Tổng thống tình hình và tình cảm của tôi.

Ông Ác-ma rời Hà Nội với bức thư trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo tin từ A-cra, đầu tháng 8, Ngoại trưởng Ga-na đi Oa-sinh-tơn để chuyển tới Johnson bức thư của N.Cru-ma kêu gọi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam.

Chuyến viếng thăm miền Bắc Việt Nam của Tổng thống N.Cru-ma không thành vì một nhóm quân nhân đã làm đảo chính lật đổ ông, khi ông đang trên đường đi Hà Nội tháng 12 năm 1966.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM