Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:45:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris  (Đọc 77333 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:32:33 am »



Tên sách: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước hội nghị Paris
Tác giả: Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ
Nhà xuất bản: Công an Nhân dân
Năm xuất bản: 2000
Số hoá: ptlinh, Sao Vàng

LỜI NÓI ĐẦU


Cuốn sách này ra mắt bạn đọc đế đáp lại thịnh tình của những bạn đã đọc cuốn CÁC CUỘC THƯƠNG LƯỢNG LÊ ĐỨC THỌ - KISSINGER TẠI PARIS (Nhà xuất bản Công an nhân dân, H. 1997) và mong muốn được biết các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trước khi có Hội nghị Paris.

Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã hơn hai mươi năm. Từ đó đến nay, lúa ngô đã mọc xanh kín các thửa ruộng đã bị bom đạn cày xới. Từ hoang tàn đổ nát đã mọc lên hàng nghìn nhà máy, trường học. Nhiều người Mỹ đã thăm lại chiến trường xưa. Nhiều người Việt Nam đã đi “phát hiện" nước Mỹ... Nhưng sự đổi thay to lớn nhất, sâu sắc nhất là giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có quan hệ ngoại giao bình thường - như Tổng thống Andrews Jackson và Hoàng đế Minh Mạng đã mong muốn cách đây gần hai trăm năm - khép lại một quá khứ đau thương, mở ra một tương lai tốt đẹp.

Mới đây ông Pete Peterson, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã tới làng quê An Bình để thăm người nông dân Nguyễn Văn Chộp, người đã bắt ông làm tù binh năm 1966 khi máy bay ông bị bắn rơi. Cuộc gặp gỡ thật cảm động và hai người đã chuyện trò cởi mở, vui vẻ như những người bạn cũ, thăm hỏi sức khoẻ của nhau, trao đổi về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên hoà bình, hữu nghị giữa hai nước. Cuộc tái ngộ của hai người quen biết nhau trong những điều kiện lịch sử đặc biệt chỉ là chuyện của hai con người nhưng lại mang ý nghĩa một thông điệp hợp tác và phát triển giữa hai nước.

Cuối năm 1995, ông Macnamara sang Việt Nam đề nghị học giả hai nước cùng trao đổi ý kiến xem trong chiến tranh có cơ hội hoà bình nào bị bỏ lỡ không? Mọi người đều biết ông Macnamara là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Tổng thống Johnson và do bất đồng sâu sắc với Tổng thống về vấn đề Việt Nam, ông đã từ chức Bộ trưởng. Đề nghị của ông về cuộc hội thảo xuất phát từ một ý nghĩ nhân hậu muốn giảm bớt thương vong cho cả hai bên.

Tháng 5 năm 1997, một cuộc hội thảo Việt - Mỹ đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của những người thời chiến tranh 1965-1967, từ những người đã dự phần hoạch định chính sách đến những người nhân chứng. Trên tinh thần khoa học và một cách thẳng thắn, họ đã nhìn lại bối cảnh lúc bấy giờ, xem xét ý đồ quân sự, chính trị, phương châm hành động của mỗi bên. Điều đáng mừng là hai bên đã hiểu nhau hơn. Quả đây là câu chuyện giữa các nhà khoa học chứ không phải là giữa những người của hai “phe" như trong chiến tranh lạnh.

Ý muốn của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này, cuốn sách viết về thời kỳ 1965-1967, cũng là cung cấp cho việc nghiên cứu một số tư liệu, góp phần vào việc nghiên cứu các cuộc tiếp xúc bí mật giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhằm tìm ra những cơ hội bị bỏ lỡ. Khi viết, tác giả đã cố gắng tìm những nguồn chính thức, đáng tin cậy và thuật lại các sự kiện một cách giản dị, trung thực. Khi xuất bản, chúng tôi bổ sung thêm một số sự kiện và sắp xếp lại các cuộc tiếp xúc bí mật theo trật tự các sáng kiến hoà bình của Johnson.
Cuộc hội thảo này đã qua nhưng các nhà nghiên cứu vẫn còn tiếp tục trao đổi. Chúng tôi xin chúc các cuộc thảo luận đó đi đến thành công.

Nhưng chúng tôi cho rằng việc tìm những cơ hội bị bỏ lỡ là một việc tốt, đáng làm nhưng điều quan trọng hơn là rút kinh nghiệm chung về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông Macnamara đã chỉ ra mười một nguyên nhân chính gây ra thảm hoạ của nước Mỹ, đồng thời cũng nêu năm mục đích chính mà các quốc gia hướng tới trong quan hệ với nhau.

Bài học chính của cuộc chiến tranh Việt Nam nói cho cùng, cũng là bài học mà Tôn Tử, nhà tư tưởng quân sự thiên tài của Trung Quốc, đã nêu từ thế kỷ VI trước Công Nguyên:

“Biết mình biết địch, trăm trận không nguy; không biết địch, chỉ biết mình thì có thể thắng, có thể thua; không biết địch, cũng không biết mình thì hễ đánh là thua".
NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN



« Sửa lần cuối: 16 Tháng Mười, 2020, 09:01:28 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:33:22 am »

CHƯƠNG MỘT
DI SẢN CỦA BỐN ĐỜI TỔNG THỐNG

Tổng thống L. B. Johnson đã quyết định tiến hành cuộc chiến tranh hạn chế ở ưúền Nam Việt Nam và cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc Việt Nam. Đương nhiên ông phải chịu trách nhiệm về quyết định đó Nhưng chịu trách nhiệm đưa nước Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam đâu phải chỉ có riêng ông. Còn phải kể các vị tiền nhiệm của ông, những người tttng bước đã tăng cường sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam.

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, dù đã có mặt ở Phi-líp-pin từ năm 1898. nước Mỹ nói chung vẫn chấp nhận sự thống trị của Pháp ở Đông Dương. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa quân phiệt Nhật sụp đổ chủ nghĩa thực dân Pháp thất bại, phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương giành những thắng lợi đầu tiên cơ bản.

Nước Mỹ, kẻ chiến thắng chủ yếu trong cuộc chiến tranh Thái Bình Dương, ngày càng chú ý đến tình hình Đông Dương. Với chủ trương "ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản", bao vây Liên Xô và Nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, sự chú ý đó ngày càng tăng, đã đưa nước Mỹ đến cuộc chiến tranh Triều Tiên kéo dài ba năm và sau đó dính líu ngày càng sâu vào Lào và Việt Nam.

Tổng thống Mỹ Phrăng-clin Ru-dơ-ven đã nhiều lần chê Pháp thực hiện một chính sách thực dân làm cho nhân dân các nước Đông Dương ngày càng tồi tệ hơn trước khi Pháp đến.

Trước triển vọng chiến thắng ba nước "Trục", tại Hội nghị I-an-ta tháng 2 năm 1945, Ru-dơ-ven đưa ra đề nghị thiết lập sự uỷ trị ở Đông Dương dưới hình thức một hội đồng quản trị gồm đại biểu Pháp, đại biểu người Đông Dương, đại biểu Phi-líp-pin, đại biểu Trung Quốc, đại biểu Liên Xô. Nhưng đề nghị đó bị Anh phản đối, và sau Hội nghị I-an-ta gần hai tháng, Ru-dơ-ven chết.

Lên thay Ru-dơ-ven trong bối cảnh phong trào cách mạng sôi sục của những năm 1944 - 1945 ở Đông Á, Tru-man chủ yếu lo giúp chế độ Tưởng Giới Thạch, chống lại những thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Ông ta đã đồng ý để quân Tưởng Giới Thạch giải giáp quân Nhật ở Bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở lên (quân Anh làm nhiệm vụ đó từ vĩ tuyến 16 trở xuống) với ý đồ giúp họ lật đổ chính quyền nhân dân do Việt Minh đứng lên để đưa những phần tử thân Tưởng vào làm "những con ngựa thành Tơ-roa".

Nhưng do cuộc chiến tranh ở Trung Quốc ngày càng phát triển và sự kiểm soát của Việt Minh lan ra toàn quốc Việt Nam, chính quyền Tru-man phải lùi một bước, chịu để thực dân Pháp trở lại Đông Dương. Giữa năm 1950, phái đoàn cố vấn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) được đưa sang Việt Nam. Trong tài khoá năm 1954, viện trợ của Mỹ cho các cố gắng chiến tranh của Pháp ở Đông Dương tăng lên một tỷ đô-la. Phái đoàn MAAG đã có ba trăm bốn mươi hai sĩ quan và binh lính Mỹ.

Sau khi Hiệp định đình chiến ở Triều Tiên được ký ngày 26 tháng 7 năm 1954, Tổng thống Ai-xen-hao lần đầu tiên chính thức trình bày thuyết đô-mi-nô dự đoán Mianma, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a sẽ bị uy hiếp nếu cộng sản thắng ở Dông Dương. Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã cho biết thế nào là một cuộc chiến tranh trên lục địa châu Á đối với Mỹ, dù Mỹ là một cường quốc hàng đầu, chính quyền Ai-xen-hao sợ một cuộc chiến tranh thứ hai với Trung Quốc, nhưng vẫn chủ trương răn đe và ngăn chặn Trung Quốc ở phía Đông Nam Á.

Chính sách của Oa-sinh-tơn là đe doạ Trung Quốc, động viên và tìm cách giúp đỡ Pháp tiếp tục chiến tranh. Ngày 12 tháng 1 năm 1954, J.F.Đa-lét tuyên bố học thuyết "trả đũa ồ ạt", hàm ý răn đe Trung Quốc. Tướng Pôn Ê-ly, Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, được phái đi nắm tình hình Điện Biên Phủ sau khi Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh chiếm hai cứ điểm kiên cố ở ngoại vi phía Bắc của khu trung tâm Điện Biên Phủ ngày 13 và 14 tháng 3 năm 1954. Sau đó, Pôn Ê-ly sang Oa-sinh-tơn yêu cầu Mỹ viện trợ bổ sung để tăng cường lực lượng không quân Pháp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:35:33 am »

Tổng thống Ai-xen-hao phê chuẩn kế hoạch của đô đốc Rát-pho, Chủ tịch tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đề nghị Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, giúp Pháp cứu vãn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Theo Rát-pho, hai trăm máy bay của không quân Mỹ sẽ cất cánh từ các hàng không mẫu hạm đậu dọc bờ biển Việt Nam tấn công các căn cứ Quân đội Nhân dân Việt Nam nhằm ngăn chặn việc bao vây Điện Biên Phủ. Các máy bay hạng nặng đóng trên đất Phi-líp-pin sẽ phối hợp.

Tán thành chủ trương không để Đông Dương rơi vào tay cộng sản, Tổng thống Ai-xen-hao quyết định nếu không có cách nào khác để ngăn chặn điều đó, Mỹ sẽ can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương, nhưng chỉ can thiệp nếu có được hai điều kiện sau đây:

1. Được sự ủng hộ của các nước đồng minh, trước hết là Anh.

2. Pháp phải trao hoàn toàn độc lập cho các nước Đông Dương.

Ai-xen-hao còn tuyên bố nếu Quốc hội không tuyên chiến thì sẽ không can thiệp.

Đầu tháng 4 năm 1954, khi tướng Na-va báo cáo Điện Biên Phủ có thể mất nếu không có cuộc oanh tạc của không quân Mỹ. Chính phủ Pháp chính thức yêu cầu Mỹ can thiệp, nhưng Oa-sinh-tơn đã quyết định không can thiệp. Đa-lét muốn thuyết phục Pháp tiếp tục chiến đấu với một liên minh chống cộng do Mỹ cầm đầu nghĩa là ông ta muốn quốc tế hoá cuộc chiến tranh Đông Dương.

Ý ông ta là lôi kéo Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Thái Lan, Phi-líp-pin, Cam-pu-chia, Lào phối hợp với Mỹ và Chính phủ Bảo Đại trong một hành động thống nhất để giữ Đông Dương không rơi vào tay cộng sản. Anh sợ rằng một hành động như vậy sẽ làm hỏng thời cơ đem lại hoà bình ở Hội nghị Giơ-ne-vơ (từ tháng 2 năm 1954, bốn nước lớn: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô họp tại Béc-lin đã thoả thuận sẽ có một Hội nghị Quốc tế về Đông Dương).

Mặc dầu sự phản đối kiên quyết của Anh, một số quan chức Mỹ vẫn còn muốn can thiệp bằng không quân và hải quân Mỹ vào chiến tranh Đông Dương với điều kiện là các cố vấn Mỹ ở Việt Nam phải được giữ trách nhiệm to lớn trong việc huấn luyện các lực lượng của Chính phủ thân Pháp và được chia sẻ trách nhiệm trong việc vạch kế hoạch quân sự "với người Pháp". Tuy không muốn kéo dài chiến tranh, Pháp cũng không muốn chia sẻ trách nhiệm với Mỹ.

Chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954. Pháp đại bại ở Điện Biên Phủ.

Ngày 8 tháng 5, Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương khai mạc.

Từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 29 tháng 6, Ai-xen-hao và Đa-lét đã có cuộc họp quan trọng với Sớc-sin và I-đơn tại Oa-sinh-tơn. Họ đã thoả thuận về một kế hoạch giải quyết chiến tranh Đông Dương: ngừng bắn ở Đông Dương, lực lượng Việt Nam rút khỏi Lào và Cam- pu chia; ít nhất phải giữ nửa Nam Việt Nam, không loại trừ khả năng thống nhất Việt Nam bằng biện pháp hoà bình; có một Uỷ ban Quốc tế để giám sát việc thi hành hiệp nghị. Pháp được thông báo về kết quả đó và cũng đồng ý.

Về kế hoạch sau khi hiệp nghị được ký kết, Mỹ làm áp lực để Chính phủ Bảo Đại chấp nhận Ngô Đình Diệm làm thủ tướng (cũng trong tháng 6 này) mà Ngô Đình Diệm thì ai cũng rõ là con bài mà Mỹ đã dự trữ từ lâu. Mặt khác, từ tháng 7, Đa-lét tích cực vận động thành lập khối liên minh phòng thủ Đông Nam Á.

Vào những giờ đầu của ngày 21 tháng 7, các hiệp nghị đình chỉ chiến sự riêng về mỗi nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia được ký kết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:36:17 am »

Về Việt Nam, hiệp nghị quy định nước Việt Nam tạm thời chia làm hai miền lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời, giữa hai miều có một khu phi quân sự ở hai bên vĩ tuyến 17. Miền Bắc Việt Nam do Việt Nam Dân chủ Cộng hoà quản lý, miền Nam Việt Nam do Quốc gia Việt Nam quản lý.

Trong vòng ba trăm ngày, các lực lượng kháng chiến sẽ rút về Bắc Việt Nam, các lực lượng dưới sự chỉ huy của Pháp sẽ rời Bắc Việt Nam để vào miền Nam. Dân thường được phép đi lại giữa hai miền Việt Nam trong ba trăm ngày đầu của hiệp nghị đình chỉ chiến sự. Không bên nào được phép tăng cường lực lượng quân sự trong khu vực mình quản lý hoặc cho phép nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ mình.

Một Uỷ ban Quốc tế gồm đại diện Ấn Độ, Ba Lan, Ca-na-đa (do Ấn Độ làm chủ tịch) sẽ giám sát và kiểm soát việc thực hiện hiệp nghị đình chỉ chiến sự.

Ở Cam-pu-chia không có chia cắt, lực lượng kháng chiến Khơ me không có khu vực riêng.

Ở Lào, lực lượng kháng chiến rút về hai tỉnh Phông Xa Lý và Sầm Nưa trong khi chờ đợi tổ chức tổng tuyển cử trong phạm vi cả nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Cam- pu chia và Lào.

Ở mỗi nước đó cũng có một Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát riêng, với thành phần như ở Việt Nam. 

Cùng ngày 21, Hội nghị Giơ-ne-vơ thông qua bản Tuyên bố cuối cùng công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia: độc lập, chủ quyển, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Về Việt Nam, bản tuyên bố khẳng định việc chia cắt chỉ là tạm thời và hai miền Bắc-nam sẽ được thống nhất sau khi có một chính phủ được bầu ra bằng tổng tuyển cử tự do tổ chức dưới sự giám sát của Uỷ ban Quốc tế. Việc chuẩn bị tổng tuyển cử sẽ do nhà đương cục có thẩm quyền hai miền tiến hành một năm sau hiệp nghị đình chỉ chiến sự. Cuộc bầu cử chính thức sẽ được tổ chức vào tháng 7 năm 1956.

Mỹ ra một tuyên bố riêng, chấp nhận mười hai trong số mười ba điều của tuyên bố cuối cùng, tức là chấp nhận các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia, chấp nhận nước Việt Nam sẽ được thống nhất bằng tổng tuyển cử tự do năm 1956. Điều cuối cùng của tuyên bố mà Mỹ có ý kiến khác là cách xử lý khi có vi phạm Hiệp nghị ngừng bắn. 

Chính trong lúc đại diện Mỹ tuyên bố tại Hội nghị Giơ-ne-vơ rằng Hoa Kỳ sẽ không xâm phạm đến việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ vừa được ký kết bằng vũ lực hay đe doạ dùng vũ lực, Tổng thống Ai-xen-hao tuyên bố trắng ra rằng: "Bản thân Hoa Kỳ đã không phải là một bên đương sự trong các quyết định tại hội nghị và không bị các quyết định đó ràng buộc" (Tài liệu Lầu Năm Góc, Thượng nghị sĩ M. Gơ-ra-vơn xuất bản, Bi-cơn, Prét, Bôt-xtơn, tập 1, tr. 605.)

Mặt khác, ngày 8 tháng 9 năm 1954, chưa đầy hai tháng sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ đã cùng Anh, Pháp, Ô-xtơ-rây-li-a, Niu Di-lơn, Phi-líp-pin, Thái Lan, Pa-ki-xtan ký Hiệp ước Ma-ni-la thành lập khối SEATO, trong đó các nước ký kết "Hành động để đối phó với nguy cơ chung, phù hợp với các tiến trình hợp hiến" trong trường hợp một trong số các nước này bị vũ trang xâm lược. Hiệp ước quy định một khu vực bảo hộ của nó, bao gồm toàn bộ lãnh thổ của các nước châu Á tham gia Hiệp ước, mở rộng sự bảo hộ tới Cam-pu-chia, Lào và Việt Nam. Sau này Vương quốc Cam-pu-chia và Vương quốc Lào đều bác bỏ sự bảo hộ đó
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:37:05 am »

Ngày 1 tháng 10 năm 1954, Tổng thống Ai-xen-hao gửi cho Ngô Đình Diệm một công hàm (được công bố ngày 23 tháng 10 năm 1954) cam kết sự ủng hộ hoàn toàn và sự viện trợ của Hoa Kỳ đối với Nam Việt Nam.

Đây là cơ sở pháp lý và chính trị của sự dính líu của Hoa Kỳ đối với Nam Việt Nam. Ý nghĩa lớn không che giấu của nó là Mỹ ủng hộ hoàn toàn một chính phủ chống cộng ở miền Nam Việt Nam. Tác dụng trước mắt của nó là cảnh cáo các lực lượng thân Pháp, các giáo phái rằng Ngô Đình Diệm đã được Oa-sinh-tơn chọn làm công cụ của chính sách của Mỹ.

Về phía mình, Ngô Đình Diệm đã biết công khai đáp lại cam kết của Mỹ bằng lời tuyên bố nổi tiếng: "Biên giới của Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17".

Tướng Lo-tơn Cô-lin được Ai-xen-hao cử làm đại sứ đặc biệt với những quyền hạn rất rộng để phối hợp các hoạt động của các tổ chức Mỹ ở miền Nam (phái đoàn viện trợ quân sự MAAG, phái đoàn viện trợ kinh tế USOM, phái đoàn hành chính Mi-si-gân), thực hiện kế hoạch loại trừ ảnh hưởng của Pháp, kể cả Hoàng đế Bảo Đại, giành lấy trách nhiệm về quân sự ở miền Nam Việt Nam.

Trong khuôn khổ nhiệm vụ đó, ngày 13 tháng 12 năm 1954, Cô-lin đã ký với tướng Pôn Ê-ly cao uỷ Pháp ở miền Nam Việt Nam một hiệp ước quy định Mỹ thay thế Pháp về mặt quân sự ở miền Nam Việt Nam. Quân đội Sài Gòn được giảm từ hai trăm bảy mươi ngàn người xuống chín mười nghìn người (để giảm những lực lượng thân Pháp) trước khi xây dựng những đơn vị mới mà Mỹ kiểm soát được. Pháp phải giảm quân đội viễn chinh của họ ở miền Nam từ một trăm năm mươi nghìn người xuống ba mươi nghìn người. Tháng 4 năm 1956, Pháp tuyên bố rút khỏi Đông Dương, mặc dầu về pháp lý, họ vẫn còn trách nhiệm đối với Hiệp nghị Giơ-ne-vơ.

Ngô Đình Diệm không chịu đáp ứng các đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử theo quy định của Hiệp nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 để thống nhất nước Việt Nam, thậm chí khước từ cả việc lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền về kinh tế, văn hoá. Diệm tổ chức tuyển cử riêng rẽ, dựng lên ở miền Nam Việt Nam một quốc gia riêng biệt gọi là Việt Nam cộng hoà.

Với chính sách từ bỏ Đông Dương của Pháp và sự thất bại của các lực lượng thân Pháp ở miền Nam Việt Nam, Tổng thống Ai-xen-hao có nhiều lý do để tuyên bố trong cuộc vận động bầu cử năm 1956 rằng thế giới tự do đã có "một chỗ đứng vững chắc" ở Đông Dương và các nước không cộng sản tại đây đang được đặt dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ hơn (Pi-tơ A. Pu-lơ. Nước Mỹ và Đông Dương từ Ru-dơ-ven đến Ních-xơn. Nhà xuất bản Thông tin, lý luận. Hà Nội, 1986, tr. 71.).

Sự thật là với sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Ngô Đình Diệm, Ai-xen-hao đang đưa miền Nam Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng.

Ngay sau khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ có hiệu lực và mặc dầu chưa kiểm soát được hoàn toàn miền Nam Việt Nam, chính quyển Ngô Đình Diệm đã thẳng tay đàn áp các cuộc biểu tình hoan nghênh đình chiến và thống nhất đất nước, bắt bớ và giam cầm những người yêu nước, yêu hoà bình. Sau khi đã củng cố chính quyền, nhất là sau khi khước từ tổng tuyển cử tự do trong phạm vi cả nước và biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt, chống cộng, thì họ thi hành ráo riết chính sách trả thù những người kháng chiến cũ - một chính sách được nâng lên thành quốc sách.

Chính sách tàn bạo đó làm dấy lên phong trào đấu tranh ngày càng mạnh của đồng bào miền Nam. Ngày 20 tháng 12 năm 1960, những người yêu nước ở miền Nam thuộc những xu hướng chính trị, những tôn giáo khác nhau đã thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với cương lĩnh hoà bình, độc lập dân chủ, trung lập. Nhiều vùng nông thôn rộng được giải phóng. Các tầng lớp nhân dân ở thành thị ngày càng bất bình. Thế của chính quyền Ngô Đình Diệm ngày càng lung lay
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #5 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:37:45 am »

Khi Ai-xen-hao rời Nhà trắng năm 1960, ông đã để lại cho Tổng thống Ken-nơ-đi một gánh nặng, một bài toán nan giải ở miền Nam Việt Nam. Nói đúng ra, Ai-xen-hao đã để lại hai gánh nặng: vấn đề miền Nam Việt Nam và vấn đề Lào.

Đối với Ken-nơ-đi cũng như đối với người tiền nhiệm của ông, vấn đề Lào là vấn đề an ninh của Thái Lan theo thuyết đôminô. Từ khi lực lượng cánh hữu làm đảo chính lật đổ Thủ tưởng trung lập Xuvana Phuma, tình hình Vương quốc Lào càng rõ. Quân trung lập của tướng Koong Le phối hợp với quân Pa thét Lào đánh bại quân của tướng Phu Mi Nô Sa Văn, uy hiếp Luang Prabang, Viêng Chăn.

Lầu Năm Góc muốn Mỹ can thiệp mạnh hơn nữa vào Lào nhưng Tổng thống Ken-nơ-đi tán thành tham dự một Hội nghị quốc tế nhằm bảo đảm nền trung lập của Lào. Hội nghị Giơ-ne-vơ về Lào khai mạc ngày 16 tháng 5 năm 1961 phải kéo dài vì ba hoàng thân Lào không thoả thuận được với nhau về việc lập chính phủ liên hiệp ba phái.

Việc Pa thét Lào đánh chiếm Nậm Thà được coi như một Điện Biên Phủ của nước Lào buộc Mỹ phải gây sức ép với phái hữu để giải quyết cho xong việc lập chính phủ liên hiệp, mặc dầu Mỹ đưa năm nghìn quân chiến đấu Mỹ vào Thái Lan và đưa hạm đội 7 vào Vịnh Thái Lan. Cuộc khủng hoảng ở Lào chỉ là tạm thời giải quyết vì sau khi ngoại trưởng trung lập Ki Nam Phô Xê Na bị lực lượng thân Mỹ ám sát, nước Lào lại rơi vào một cuộc xung đột mới.

Trong khi đó, Ken-nơ-đi, đứng trước một miền Nam Việt Nam đang rung chuyển cả về quân sự và chính trị, ông đề ra chủ trương đưa một lực lượng đặc biệt "chống nổi dậy" và một trăm cố vấn quân sự sang miền Nam Việt Nam để ngăn chặn cộng sản thống trị miền Nam Việt Nam. Mặc dầu được CIA báo cáo rằng từ tám mươi đến chín mười phần trăm số Việt cộng ở miền Nam được tuyển lựa ở địa phương và hầu hết vũ khí của họ là do họ tự kiếm lấy, Ken-nơ-đi cuối cùng lựa chọn kiểu "chiến tranh đặc biệt" với công thức vũ khí và chỉ huy Mỹ cộng với quân đội Sài Gòn.

Kế hoạch Xta-lây-tay-lo mà ông phê chuẩn bao gồm ba giai đoan:

1. Bình định miền Nam Việt Nam trong mười tám tháng, xây dựng các cơ sở ở miền Bắc Việt Nam.

2. Tăng cường quân sự, khôi phục kinh tế ở miền Nam Việt Nam và tăng cường các hành động phá hoại ở miền Bắc Việt Nam.

3. Phát triển kinh tế miền Nam Việt Nam và tấn công miền Bắc Việt Nam.

Về quân sự, Oa-sinh-tơn lập một bộ chỉ huy tác chiến ở Sài Gòn giao cho tướng Pôn D.Ha-kin phụ trách. Từ chín trăm bốn mươi tám người tháng 11 năm 1961, số cố vấn quân sự tăng lên hai nghìn sáu trăm người tháng 1 năm 1962 và mười một nghìn ba trăm người tháng 12 năm 1962.

Trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 7 năm 1961, viện trợ tăng lên hai trăm tám mươi bảy triệu đô-la so với hai trăm lẻ chín triệu đô la năm trước. Năm 1963 viện trợ ba trăm bảy mươi sáu triệu đô-la.

Về chính trị, các cố vấn Mỹ giúp Ngô Đình Diệm xây dựng hệ thống ấp chiến lược mà mục đích quân sự là cắt nguồn tiếp tế và nguồn tuyển quân của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và mục đích chính trị là kiểm soát chặt chẽ người dân.

Chính quyền Ngô Đình Diệm dự định đưa hai phần ba số dân nông thôn vào ấp chiến lược và thực tế đã đưa được ba mươi ba phần trăm số đó vào tháng 10 năm 1962. Mỗi "ấp chiến lược" thật ra là một trại tập trung với hệ thống đồn bốt và lớp lớp dây thép gai chung quanh. Chính sách "ấp chiến lược" chỉ gieo rắc căm giận vào lòng người dân chỉ mong muốn làm ăn yên ổn và càng thúc đẩy họ nghe theo tiếng gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #6 vào lúc: 03 Tháng Mười Một, 2009, 10:38:27 am »

Đến năm 1963. "chiến tranh đặc biệt" đã bị thất bại. Chính quyền Sài Gòn vẫn không kiểm soát được nông thôn miền Nam.

Trong khi đó, ở Sài Gòn và các thành thị lớn khác nhiều nhóm chính trị đấu tranh đòi dân chủ, hoà bình và trung lập. Những phát súng mà quân đội Diệm nổ vào những Phật tử không vũ trang biểu tình hoà bình ở Huế ngày 8 tháng 5 năm 1963 đã làm cho sự chống đối của cộng đồng Phật tử ở miền Nam bùng nổ với sức mạnh không gì ngăn cản nổi. Yêu sách của họ không có gì quá đáng: nếu những người Thiên chúa giáo được trương cờ tôn giáo trong buổi lễ của họ thì những Phật tử cũng được phép trương cờ Phật giáo như thế.

Phong trào phản đối Diệm - Nhu phân biệt tôn giáo. giết hại Phật tử bùng cháy như một vệt thuốc súng từ Huế đến Sài Gòn và các tỉnh khác, nhanh chóng được các tầng lớp nhân dân rộng rãi ủng hộ, trước hết là sinh viên. Thượng toạ Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 10 tháng 6 năm 1963 châm lửa không phải chỉ vào thể xác mình mà vào cả một vùng thuốc súng, làm rung chuyển xã hội miền Nam Việt Nam và kích động phong trào phản chiến ở ngay nước Mỹ.

Nói cho đúng, Ken-nơ-đi không tán thành việc đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm nhất là sau này vào tháng 8 các đơn vị quân sự của Diệm đã tấn công vào các chùa lớn ở miền Nam và bắt giam hàng trăm nhà sư, kể cả những người lãnh đạo phong trào phản đối. Ở nhiều nơi, Phật tử đã cầm súng chống lại quân đội. Ngô đùlh Diệm không chịu hoà giải với những Phật tử.

Đại sứ Ca-bốt Lốt, một nhà ngoại giao sành sỏi, đã từng là ứng cử viên Phó tổng thống của đảng Cộng hoà năm 1960, được cử sang thay đại sứ Nâu-tinh với những quyền hạn rộng rãi để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông ta cũng không thuyết phục được Diệm thay đổi chính sách và cuối cùng đã ủng hộ cuộc đảo chính của Dương Văn Minh, đưa đến cái chết của anh em Diệm - Nhu ngày 2 tháng 11 năm 1963.

Ngay từ ngày 12 tháng 12 năm 1961, Tổng thống Ken-nơ-đi tuyên bố với các nhà báo: "Chúng ta không thấy đoạn cuối của đường hầm nhưng tôi phải nói rằng tôi không nghĩ là nó đen tối hơn so với năm trước, mà có phần sáng sủa hơn" (Pi tơ A.Pulơ: Sđd, tr. 116.)

Nhưng việc ủng hộ nhóm đảo chính Dương Văn Minh và việc lật đổ tập đoàn Diệm - Nhu (mà lúc đầu Ken-nơ-đi đã hết sức giúp đỡ) đã không mang lại sự thay đổi nào trong tình hình miền Nam Việt Nam như ông mong muốn. Ngược lại, nó chỉ làm cho tình hình trầm trọng thêm, bế tắc hơn. Chưa tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng toàn diện ở miền Nam Việt Nam sau cái chết của Diệm – Nhu, Ken-nơ-đi chỉ biết tiếp tục các cố gắng quân sự cho đến khi hai mươi ngày sau cái chết đó, ông bị ám sát tại Đa-lát.

Thất bại trong chính sách ủng hộ Ngô Đình Diệm và chiến tranh đặc biệt, Ken-nơ-đi đã để lại cho Phó tổng thống L.B.Johnson, người thay thế ông nắm quyền tối cao của nước Mỹ một miền Nam đen tối hơn cuối năm 1961.

Với những thất bại mới trên chiến trường, những rắc rồi mới trong tình hình chính trị ở Sài Gòn. Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc tranh cãi ráo riết về một sự lựa chọn về kế hoạch sắp tới ở miền Nam Việt Nam, hoặc đúng hơn là ở Việt Nam và Lào. Nhưng tất cả đều bối rối, dù họ là "diều hâư” hay "bồ câu”.

Nhận xét tình hình đó, hãng UPI ngày 7 tháng 3 năm 1964 viết: "Vấn đề không còn phải là xem xét có phải là ta đang thua cuộc chiến tranh hay không mà là xem xét Hoa Kỳ và Nam Việt Nam đang thua cuộc chiến tranh với tốc độ nào và liệu còn có một hy vọng mỏng manh nào để cứu vãn tình hình không" (Vụ Thông tin báo chí, Bộ Ngoại giao Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Hai mươi năm can thiệp và xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tiếng Pháp, Hà Nội, 1965.)

Đương nhiên, Tổng thống mới của nước Mỹ, với những trách nhiệm cao cả của mình, không thể dễ dàng đồng tình ngay với nhận xét đó. Ông còn phải đánh giá lại tình hình miền Nam Việt Nam và tình hình Đông Dương nói chung, xét duyệt tất cả các phương án của các cố vấn quân sự và dân sự, cân nhắc tác động đối nội và đối ngoại của mỗi sự lựa chọn có thể có, thăm dò quốc hội và tranh thủ sự đồng tình của quốc hội, thăm dò đồng minh Trung Quốc và các đối thủ trực tiếp của mình là Bắc Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:22:37 pm »

CHƯƠNG HAI
HAI CHUYẾN CÔNG CÁN CỦA ĐẠI SỨ J.B.XI-BO-NƠ TẠI HÀ NỘI

Ngày 18 tháng 6 năm 1964. Thế là đại sứ J.B. Xi-bo-nơ tới Hà Nội sau biết bao nôn nóng và sau chặng dừng chân ngắn tại Phnôm Pênh và Viêng Chăn.

Chiếc ô tô màu trắng của Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam đưa ông rời sân bay Gia Lâm. Phong cảnh ở đây khác với phong cảnh ở Ca-na-đa, thậm chí khác với phong cảnh Sài Gòn mà ông cũng mới biết lần đầu trong đời. Những thửa ruộng mới gặt kế tiếp nhau chạy vùn vụt, lửa rực cháy trên ngọn các cây phượng bên đường, một phố ngoại ô bé nhỏ và xơ xác. Tuy mới đến Hà Nội lần thứ nhất, ông nhìn phong cảnh mà không để ý lắm, vì ông đang nghĩ đến nhiệm vụ mà ông phải hoàn thành.

Tưởng cũng cần nhắc rằng sau nhiều giờ thảo luận sôi nổi, thậm chí cả những cuộc thảo luận hàn lâm về hai từ giám sát và kiểm soát, các thành viên của Hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương đã thoả thuận thành lập một Uỷ ban Quốc tế có nhiệm vụ giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ tại mỗi nước Đông Dương.

Theo sự dàn xếp được nhất trí chấp nhận: Uỷ ban gồm một đại diện cho các nước xã hội chủ nghĩa là Ba Lan, một đại diện cho các nước phương Tây là Ca-na-đa và một chủ tịch là Ấn Độ, một nước lớn theo con đường hoà bình, trung lập, đại diện cho các nước đang phát triển.

Ông Xi-bo-nơ đến Việt Nam lần này với tư cách đại diện cho Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế về Việt Nam. Từ khi Hiệp nghị Giơ-ne-vơ về Việt Nam có hiệu lực và từ tháng 8 năm 1954, Uỷ ban Quốc tế bắt đầu công việc của mình, Ca-na-đa xứng đáng là đại diện cho phương Tây. Đại diện của họ ủng hộ lập trường của chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ở miền Nam Việt Nam, họ làm ngơ trước việc nhà cầm quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ, đàn áp những người trước đây đã tham gia kháng chiến chống Pháp và trước việc đưa trái phép vào miền Nam Việt Nam những cố vấn quân sự và vũ khí, vật tư chiến tranh của Mỹ.

Ở miền Bắc Việt Nam, họ ủng hộ việc cưỡng bức những người công giáo đi di cư vào miền Nam, cố lùng sục xem có vũ khí, đạn dược của các nước xã hội chủ nghĩa được đưa trái phép hay không.

Trong các cuộc họp của Uỷ ban Quốc tế họ đóng vai "người biện hộ" cho Satăng, luôn luôn chống lại mọi quan điểm và lý lẽ của đồng sự Ba Lan, do đó gây nhiều khó khăn cho ông chủ tịch Ấn Độ.

Vốn là một tham tán của sứ quán Ca-na-đa tại Mát-xvơ-va, lần này Xi-bo-nơ được giao trọng trách là trưởng đoàn đại biểu Ca-na-đa trong Uỷ ban Quốc tế. Ông có thể hài lòng với sự bổ nhiệm đó ở một địa bàn chiến lược nhằm ngăn chặn nguy cơ cộng sản từ vĩ tuyến 11. Nhưng suốt từ khi rời Sài Gòn cho đến lúc này, chân đã đặt trên mảnh đất Hà Nội, Thủ đô Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà ông chỉ mới biết tên sau Điện Biên Phủ.

Ông bận tâm đến một nhiệm vụ khác mà ông có những lý lẽ riêng và lý lẽ chung để cho là quan trọng hơn nhiều so với nhiệm vụ đại sứ trong Uỷ ban Quốc tế. Khi ông mới được chọn vào cương vị này, ngày 1 tháng 5 năm 1964 tại Ôt-ta-oa, Ngoại trưởng Mỹ D. Ra-xcơ và W.Xu-li-van đã cùng Thủ tướng L.Pia-xơn và Ngoại trưởng P.Ma-tiu của Ca-na-đa bàn về nhiệm vụ đặc biệt của ông. Người ta yêu cầu ông "lưu lại Hà Nội nhiều thời gian hơn các tiền nhiệm của ông. Ông cần tìm cách gấp được Cụ Hồ và đồng nghiệp của Cụ, báo cho họ biết một cách đầy đủ quyết tâm của Hoa Kỳ đi đến cùng trong vấn đề này”.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #8 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:23:23 pm »

Ông biết rõ Hoa Kỳ “chắc chắn sẽ chọn con đường mở rộng các hoạt động quân sự”. Trừ phi Hà Nội chấm dứt chiến tranh nếu không Hoa Kỳ sẽ dùng không quân và hải quân đánh Bắc Việt Nam cho đến khi Hà Nội chấm dứt chiến tranh (Xem: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tập văn kiện về thương lượng của Tài liệu Lầu Năm Góc do Giooc-giơ. C.Hia Rinh xuất bản, Phòng báo chí Trường Đại học Tếch Dát, Ôxtin 1983 trang 16 và 23, sau đây gọi tắt là ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam. W. Xu li van lúc đó là Chủ tịch Liên ban công tác về Việt Nam ở Bộ Ngoại giao Mỹ - sau này là Đại sứ Mỹ ở Lào và phụ tá của Kít-sinh-giơ.

Ngày 28 tháng 5 năm 1964. tại Niu Oóc, Tổng thống Hoa Kỳ L.B.Johnson đã gặp Thủ tướng Ca-na-đa Pia-xơn. Nội dung cuộc trao đổi, báo chí khi đó không nói đến, nhưng chính Tổng thống Johnson sau này đã nhắc lại trong cuốn hồi ký “Cuộc đời Tổng thống của tôi”. Trong điện văn số 2133 gửi ngay sau đó cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã viết rõ ràng:

"Tổng thống đã nói với ông Pia-xơn rằng ông muốn Hà Nội biết rằng Tổng thống, trong khi là người của hoà bình, không có ý định cho phép người Bắc Việt Nam tiếp quản Đông Nam Á. Tổng thống cần một người đối thoại tin cẩn và có trách nhiệm để chuyển cho Hà Nội một thông điệp về thái độ của Mỹ. Trong khi vạch ra những nét đại cương về lập trường của Hoa Kỳ, đã có thảo luận về củ cà rốt và cái gậy...

Sau khi biểu thị lòng mong muốn đóng góp thiện chí vào cố gắng đó, ông Pia-xơn đã bày tỏ nỗi lo ngại về tính chất của cái gậy... Ông nói rằng ông hết sức dè dặt về việc sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng cho rằng việc tiến công trừng phạt bằng bom vào các mục tiêu có phân loại một cách rõ ràng sẽ là một việc khác...

Ông nói rằng cá nhân ông muốn biết về phương sách của chúng ta để đi tới các biện pháp đó nếu thông điệp chuyển qua đường Ca-na-đa thất bại, không tạo được việc làm giảm sự xâm lược của Bắc Việt Nam và Ca-na-đa muốn chuyển thông điệp trong bối cảnh đó" (M.Mác-1i-a: Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày, Nhà xuất bản Thêm Me-tu-en Luân Đôn: 1982, tr. 131.)

Cũng trong thời gian có cuộc họp cấp cao Mỹ - Ca-na-đa tại Ốt-ta-oa, W.Xu-li-van và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pôn Ma-tin làm việc với ông Xi-bo-nơ. Ông được trao cho một đề cương những điều cần nói với Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Phạm Văn Đồng và được biết thêm rằng "người Mỹ không chỉ muốn Ca-na-đa chuyển một thông điệp mà còn muốn có một sự đánh giá về mặt tình báo khả năng chiến tranh của Bắc Việt Nam" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 132.)

Ông Xi-bo-nơ vui lòng nhận các điều kiện làm việc và khẩn trương thu xếp công việc để đi Việt Nam. Ông cần nhận thức rõ sứ mệnh của mình khi chính Tổng thống Johnson đã nói chuyện với ông trước khi ông lên đường để tỏ lòng tin cậy ông và nhấn mạnh hai nhiệm vụ chuyển thông điệp và nắm tình hình Bắc Việt Nam.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Mười Một, 2009, 12:24:12 pm »

Đến Sài Gòn, ông nắm thêm tình hình qua tiếp xúc với các đồng sự Ấn Độ, Ba Lan, với đại sứ Hoa Kỳ và ông phấn khởi được Hà Nội trả lời là Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận tiếp ông. Ông đã được hai ngoại trưởng Đin Ra-xcơ và Ma-tin dặn dò. Ông lại được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trang bị cho một bản mười ba điểm chi tiết hoá các nhiệm vụ mà ông được giao, trong đó đặc biệt có điều bốn:

"Ông Xi-bo-nơ thông qua các lý lẽ, biện luận và quan sát thái độ của người Bắc Việt Nam để hình thành một sự đánh giá trạng thái tinh thần của Bắc Việt Nam.

Ông này rất nhạy bén về: 

a. Sự khác biệt liên quan đến sự chia rẽ về chiến tranh.

b. Thất vọng hoặc mỏi mệt về chiến tranh.

c. Dấu hiệu về việc Bắc Việt Nam muốn nói chuyện với phương Tây.

d. Dấu hiệu về phe phái trong Đảng và Chính phủ.

đ. Dấu hiệu về mẫu thuẫn giữa phái quân sự và phái chính trị.

Người ta còn yêu cầu ông khai thác bản chất và ưu thế ảnh hưởng của Trung Quốc ở Bắc Việt Nam và đánh giá thực chất và ảnh hưởng của người Xô Viết.

Điều mười hai còn nói: “Ông có thể xem lại mối tương quan về sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ, Bắc Việt Nam và tài nguyên mà Trung cộng có thể sử dụng ở Đông Nam Á” (Xem G. C. Hia Rinh: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 22.)
Xi-bo-nơ cần vạch rõ qua kiểm tra xem có phải cụ Hồ Chí Minh tự đánh giá mình quá cao mà lao vào cuộc chiến hay Cụ cảm thấy rằng đồng minh Trung Quốc sẽ ủng hộ mình đến cùng. Chúng ta cần biết có phải quyết tâm hăng say hiện nay của Cụ là do áp lực của những phần tử thân Trung Quốc trong hàng ngũ Việt Nam hay do chính những tham vọng của Cụ thúc ép "Nhà báo Mác-li-a gọi nhiệm vụ của ông Xi-bo-nơ là một nhiệm vụ chủ yếu mang tính chất gián điệp" (M.Mác-li-a: Sđd, tr. 137-138.)

Oa-sinh-tơn ngoài cái gậy còn trao cho ông một củ "cà rốt":

Nếu Hà Nội chấm dứt chiến tranh, Hoà Kỳ sẽ:

Một: Hành động để nối lại buôn bán giữa Bắc và Nam Việt Nam "giúp vào việc thiếu lương thực của Bắc Việt Nam hiện nay”.

Hai: Viện trợ thực phẩm cho Bắc Việt hoặc bán cho Bắc Việt lấy tiền địa phương.

Ba : Bỏ sự kiểm soát của Hoa Kỳ đối với tích sản của Bắc Việt Nam và giảm kiểm soát của Hoa Kỳ trong buôn bán Hoa Kỳ - Bắc Việt Nam.

Bốn: Thừa nhận Bắc Việt Nam về ngoại giao và trao đổi đại diện ngoại giao.

Năm: rút quân đội Hoa Kỳ xuống còn ba trăm năm mươi cố vấn, số lượng khi ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ và được Hiệp nghị này cho phép.

Sáu: Sẽ cho phép Hà Nội rút bất kỳ nhân viên Việt Cộng nào muốn rời khỏi Nam Việt Nam... Chính phủ Nam Việt Nam sẽ ân xá cho các phiến quân thôi không chống lại quyền lực của Chính phủ (Xem. G.C.Hia Rinh: Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam, tr. 23. )
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM