Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 08:04:03 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mãi mãi tuổi hai mươi  (Đọc 23854 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #10 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:21:40 am »


       Em gái học lớp 9 trên huyện, vắng nhà... Anh biết vậy vì áo hoa xanh của em không phơi trước cửa, mà gấp ở đầu giường. Núi rừng ơi, Yên Thế... Ta yêu người vì cây chò chỉ, cây lát, cây lim sừng sững, như bộ ngực của nghĩa quân...

       Ta nằm ngửa mặt cho những giọt nắng đỏ lanh tanh chạy từ kẽ lá. Gốc đa rừng, cái dốc của rừng, bàn chân nào đặt bước đầu tiên trên con đường hỏm hẻm luồn sâu trong lá để bây giờ đến lượt ta đi…

       Đường dài đến thế, ta đi mãi, mải miết trèo... Chỉ thấy ba lô nặng trên vai, chỉ thấy mây trắng cuốn về phương Bắc, thấy trời xanh ngút ngàn, và rậm rì là cây, là cỏ…

       Đã cuối mùa sim. Quả sim tím sẫm, ngòn ngọt. Có phải rừng chiều ta nên kéo dài mùa sim tím cho lính. Miệng cậu nào cũng lép nhép những sim. Xóm làng đây thưa thớt, mái nhà như một đốm nhỏ chìm giữa lá cây...

       Rải chiếu giữa trời là cây giàng giàng. Đừng bước vội hái hoa rừng mà gai đùm đũm doạ đấy. Ta đút vội vào ngực áo những chiếc lá rừng mà ta chưa biết gọi tên. Lá héo, mà thơm, phảng phất từ đâu đấy. Bạn có biết ta yêu rừng không vậy… Ôi, cái nắng trong rừng, rưng rưng nhựa. Ai đã viết những câu thơ để bây giờ ta đọc:

                                           “Da bàn tay thường chạm với da cây,
                                          Khuôn mặt người chạm vào mặt lá
                                          Rừng già ơi, rừng già kỳ lạ quá.
                                          Không có những ngày này hồ dễ đã quen nhau…”


       4.10.1971

        “Anh hẹn em cuối tuần/Chờ nhau nơi cuối phố/Biết anh thích màu trời/Em đã bồi hồi, chọn màu áo xanh/Sáng chủ nhật trời trong/Nhưng trong lòng dâng sóng/Chẳng thấy bóng anh sang/Đêm thứ hai thu vàng/Đêm thứ ba thu tàn/Mùa đông thứ tư sang...”

       Bạn, đừng hát nữa, mà làm nao lòng bộ đội. Ta bước trên đồi bạch đàn, dưới chân là đá sỏi... Chao ôi, bầu trời xanh quá, màu áo thân yêu của ta đã xếp lại nơi nhà...

       Bạn, đừng hát nữa, mà làm nao lòng bộ đội. Ta bước trên đồi bạch đàn, dưới chân là đá sỏi... Chao ôi, bầu trời xanh quá, màu áo thân yêu của ta đã xếp lại nơi nhà... Bao giờ hai đứa hẹn nhau, hẹn ở đầu phố.. . ơi cái phố thẳng tắp những cây, những ngôi nhà. Chắc phố buồn lắm đấy, vì vắng bóng lũ trẻ đá cầu, đi câu con cá trắng... Vắng một giọng cười...

       Ao ước lắm, một lần gặp bạn, một lần nữa thôi cũng được ta sẽ nói hết, ta sẽ nói hết. Phố đừng cười nhé, dặn thế rồi mà lá cứ reo reo...

       Sao khi ở gần với phố, chẳng yêu phố nhiều hơn nữa, để bây giờ hối tiếc... ừ, thời gian... Bảy ngày là đủ một tuần. Không phải 7 ngày chờ mong nữa, mà dằng dặc...

       Đồi bạch đàn vẫn thong thả đồng ca bài hát cổ xưa của mình. Bạch đàn ơi, bỡ ngỡ gì mà em xoè lá? Hương bạch đàn, nhựa bạch đàn gợi điều mơ mộng quá... Em ở đâu chẳng về, anh dắt tay em... Qua đồi này, là tới đồi sim, tới đồi hạt dẻ. Sim cuối mùa, đừng bắt đền, làm môi em tím. Tím lưng đồi là màu tím hoa mua, không, chẳng phải đâu đấy là màu tím Huế, màu tím của em…

       Chao ôi, là nhớ... Mình tưởng tượng thấy bóng dáng yêu dấu đang nép sau thân bạch đàn ứ nhựa. Đừng giận gì nữa hết, xa nhau lâu rồi, còn có điều gì để giận... Hay P. giận vì lá thư cuối tháng 6 không được trả lởi? Không viết nổi P. ạ, không sao viết nổi, vì nỗi thương cảm sâu sa bóp nghẹt trái tim T…

       Khuôn mặt dịu dàng ấy, sao hôm nay im lặng thế, xôn xao trong lòng ta, là vần thơ của nhà thơ nào, lâu lắm không nhớ rõ, cứ lan lan...

                                          “Em đã nói biết bao lời,
                                          Với cha, với mẹ, với người xung quanh
                                          Với biển cả với cây xanh
                                          Sao em không nói với anh một lời?...”

       Ôi, giọng nói ấy, cứ làm ta rạo rực, giọng nói đánh thức trong ta những niềm xao xuyến đã chết lặng và làm cho hồn ta, trái tim ta tràn đầy hạnh phúc. Suốt từ hôm ấy… Hơi thở ấy đã phả vào từng sợi tóc, bàn tay thân yêu ấy đã xoa dịu cho ta nhưng vết thương. Ta tưởng chừng có thể tan biến đi, "thân cát bụi lại trở về cát bụi”… Ta muốn sụp xuống trước trái tim trong sáng ấy... ơi, thần tượng của ước mơ ta...

       Luôn luôn ta mơ ước, ta khao khát, một buổi sáng đẹp trời, nhớ một màu xanh kỳ dị, ta thức giấc trong hạnh phúc. Một người đang chờ ta, đang đợi ta. Đó là P., đó là P. yêu dấu...

       Ta khao khát một sớm mùa hạ, cùng nắm tay P. trong phòng đọc sách... Mùi sách quyến rũ hay gì mà làm ta xao xuyến thế?

       Ta thường mơ, một mùa nào đó, dẫu là mùa đông ướt át và nhầy nhụa... Ta đứng trên sân ga lắng nghe tiếng mưa đuổi nhau trên bức tường rêu xám. Lòng ta đâu có thế, ta đứng chờ…

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #11 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:22:15 am »


       Và kia, P. yêu dấu của ta, từ trên tàu bước xuống, P. ùa vào lòng ta hay ta chạy đến dụi đầu vào gò má ấy, mấy năm trời còn gì nữa. P. hé miệng cười, nhưng ta đọc trong đôi mắt một màu ươn ướt. P. đưa ta về ngôi nhà 72, mới một lần ta hững hờ đến. Và P. sẽ kể cho ta vô vàn chuyện trên đất nước xa xôi.

       Còn ta, sẽ kể cho P., về chuyện đời, vê những đồi phi lao Hà Bắc, mà mỗi bóng áo đều gợi nhớ tới P., sẽ kể cho P. những "mảnh liềm trăng cong một nỗi nhớ nhau”...

       Ta sẽ kể cho P. rằng: P. ơi, một buổi họp trong đình, đình cũ kỹ, ống máng han rỉ, ta thèm được tay cầm khẩu súng loáng ngời ánh thép. Đạn vuốt nòng lắm, ta yêu khẩu AK này như yêu người nào ấy, khẩu súng ơi, súng sẽ gắn bó với đời ta, cùng sống chết với ta…

       Khi ấy, chắc chắn ta sẽ lại nói với P. rằng, cả cuộc đời ta, cuộc sống riêng tư của ta thuộc về P. vĩnh viễn. Từ lâu rồi, cuộc sống tâm hồn của ta tan biến đi trong tình cảm nồng nàn của P., cái lò lửa rực hồng ấy.

       Tới đây, ta mới hiểu thế nào là sự sợ hãi khi phải vĩnh viễn xa P. Đừng, lạy chúa, viễn cảnh ấy đừng bao giờ xảy ra cả, đừng, mà ta sống với ai, sống trơ trọi và cô đơn thế, ta làm sao sống nổi.

       Khổ vô cùng là nói thật chỗ yếu của lòng mình. Ta đâu muốn thế. P. bảo: “Thích thư T. lắm!" Chẳng phải thế đâu P. ạ, rồi sau này nhiều năm, quay nhìn về dĩ vãng P. sẽ cười và lúc đó hết cả “thích thư T. lắm”. Lúc đó, những lá thư mà T. viết bằng những trưa không ngủ, bằng đêm khuya yên lặng trên trường Tổng hợp, trên mỏm đồi xa xôi này, viết bằng cả tâm hồn, bằng tất cả nỗi xao xuyến của trái tim - chỉ là một mớ giấy tầm thường, cần phải vứt đi.

       Nhưng cũng chẳng sao, và cũng phải thôi. Vì ta chỉ thú nhận điều đó với riêng P., với một mình P. thôi. Ai chưa gặp ta cũng đều bảo ta ngớ ngẩn. Ai mới gặp ta cũng bảo rằng: Mình quý, mình thương. Ai ở với ta một thời gian cũng trỏ vào mặt ta mà bảo: Dở người!...

Còn ta, chỉ cười, chỉ khóc. Ta bay trên mây, dưới gió. Ta đã gặp ai đâu, ngoài người ta yêu quý, mà có một lần ta đã xoa tay vĩnh biệt! Rồi đây, người ấy có tự xa rời ta không, không biết. Có phải đời ta là cầm AK đánh giặc. Đứng trên đồi phun lửa vào kẻ thù, dạn dày, thầm lặng... chẳng cần ai biết đến đâu. Rồi lúc nào ta chết, chỉ cầu xin một điều, trên nấm mồ của ta là cây bạch đàn; cây bạch đàn mảnh dẻ...

       Nằm trong lòng đất, giá còn được nghĩ, ta sẽ làm thơ, ừ, làm thơ, làm toán... Chà, lập dị, lập dị, ngớ ngẩn đến thế nữa cơ.

       Sao bây giờ ghét đời sinh viên đến thế. Thõng thẹo và ọp ẹp. Phải sống khỏe mạnh, dữ dội trong lửa đạn.

       Dân quý anh bộ đội. Bọn mình đi xin tre về làm nhà ở. Tre đấy, ngoài vườn, anh cứ ra mà chặt. Tre đực, tre cái, tre bánh tẻ đan lóng đôi, lóng mốt, đan sọt đeo đá sau lưng. Cây tre VN, lòng bà mẹ VN, có phải bây giờ ta mới hiểu đâu. Nhưng bây giờ ta mới được nhìn, được thấy...

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #12 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:24:00 am »

 
      24.10.1971

       Nằm mãi mà không ngủ được. Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu rồi, mình thức dậy. Đồng hồ chỉ 11 giờ kém 15, Kisinhốp là mấy giờ rồi?

       Lâu lắm, 20 ngày đã qua, bận bịu và mệt mỏi, mình bỏ quên trang nhật ký, nhưng có lúc nào quên được Như Anh. Tháng mười, tháng sinh nhật - Tuần lễ sinh nhật đi qua. Ừ, trời cũng trong xanh hơn và lòng ta cũng mở ra đón gió. Tuổi 19, 20…

       Như Anh ở đâu, nắm lấy bàn tay T., gió rét về thổi tím ngọn bàng, đâu rồi hơi ấm của ta?

       Ai bảo những ngày này không đẹp, không thơ?

       25.10.1971

       Tháng 11 sắp đến rồi... Và như vậy, tháng 8 đã trôi qua...

       Buổi sáng đến chậm chạp.

       14.11.1971

       Đã 10 giờ đêm, chủ nhật. Đang buổi tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi còn ở nhà, những buổi tiếng thơ này, mình ngồi bên bờ ao hay bên một cái giao thông hào ngập nước, nghe những giọng ngâm quen thuộc. Thế mà hôm nay, ở đây, ở cái đất Hà Bắc này, mình ngồi viết, vừa lắng tai nghe... Kim Cúc đấy, với giọng hơi mượt mà, chải chuốt, Kim Dung, Trần Thị Tuyết. Nghe quen như giọng người hàng xóm.

       Buổi trưa, vừa gửi thư cho P. Có lẽ đó là cái thư cuối cùng ở đất Hà Bắc. Từ ngày mai, không được ra khỏi chỗ đóng quân nữa. Không biết đi lúc nào - Lo lắm, liệu P. có hiểu và thông cảm cho không - Biết làm sao được, khi bản thân mình không thể chủ động trong chuyện đó.
 
       Gặp Dũng, bạn học từ lớp 8 - Dũng học Đại học Y khoa, và bây giờ ở C.17. Dũng cũng tốt đấy, hiểu mình và rất quấn quít. Vẫn gặp trên sân bóng, xung quanh là phi lao, có con đường chui qua, đỏ bụi. Dũng hỏi thăm hết bạn bè. Xuyên đi Bungari rồi. Châu đi Cuba, Dung đi Tiệp hay Đức gì đó... Thường thôi… đừng coi trọng họ, đi nước ngoài thì người ta thích, nhưng ít ai thích người đi nước ngoài, có cái gì hơi là lạ…

Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #13 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:29:34 am »


       Dũng nhắc cho mình chuyện lớp, trường, chuyện thằng Khang, Nhữ Đình Huân, cái tụi nghịch như quỉ sứ - Ngô Bình nữa, nó đang đóng ở Quảng Bình, bị thương và đã được kết nạp Đảng hay sao ấy... Nhanh quá, mới đó mà nay mỗi đứa một phương trời. Mình nhớ mấy câu thơ tặng Bình khi tiễn Bình đi bộ đội hồi cuối lớp 10…
Dũng hỏi mình về chuyện đi nước ngoài. Khơi dậy làm gì chuyện ấy. Nó khiến mình buồn bã suốt một thời gian dài. Thật hèn hạ và xấu xa.
Mình kể cho Dũng cuộc sống từ khi hết lớp 10. Dũng cũng đồng ý với mình và tỏ ra hài lòng với cách sống ấy. Kể cũng lạ, sao Dũng dễ dàng đồng ý với ý kiến của mình thế.
Dũng bảo mình cần đoàn kết sâu, rộng với bạn bè hơn nữa. Dũng bảo: “Hãy biết liên kết với các bạn bằng những mặt tốt của họ. Nên triệt để nối mình với các bạn bằng cái tốt đó”. Kể cũng hay. Mình sẽ cố gắng.
Đá bóng với B1. Gió mạnh. Dạo còn ở trường, mình với Thanh hay ở cùng một bên, bây giờ Thanh ở B1, còn mình lại sang B2. Đá bóng mà nhớ trường, nhớ kỷ niệm đến thế - ơi, Yên Hoà B... đâu rồi?
Buổi tối ba má và anh của Minh lên chơi. Còn mình thì chẳng có ai lên cả - Buồn và nhớ gia đình vô cùng. Nhưng mình không tán thành chuyện lên thăm đó. Mình ngồi nghe rất lâu chuyện hai bác và anh Bằng nói. Chẳng có gì mà phải lên tận đây cả - Nhớ Minh ư, mà sao có vẻ thờ ơ tệ. Không giống trong tưởng tượng của mình chút nào? Hay là tại mình không ở trong tình trạng đó nên mình không biết, không cảm hiểu?
Không, rõ ràng không. Gia đình đi từ 5h30 sáng mãi trưa mới đến nơi. Mang cả cơm nắm và thức ăn định ăn ở Bắc Giang, nhưng không hiểu sao lại về tận đây ăn. Buổi trưa, bọn mình ăn cơm, phải sang chỗ anh Hinh ăn tập trung. Mình chào gia đình và Minh cũng đi ăn - ở nhà còn ba má và anh Bằng - Sao hai bác và anh không gọi Minh ở lại ăn cùng.
Không hiểu ra sao cả - Lạ thật - Gia đình mình thì nhất định không thế rồi.
Nói chung, mình chưa hiểu rõ lắm về Minh và gia đình cậu ta. Biết chung chung, đại khái.
Tối nay, liên hoan tiểu đoàn, ăn cơm muộn nên được phép nghỉ. Mình nói chuyện với bà.
Bà kể chuyện "Duyên Tiên”, chuyện “Trương Chi”,v.v... làm mình như trở lại trẻ con. Thương anh Đổng Vĩnh ra gốc cây đề và khóc, ngóng lên trời tìm nàng Bảy.
Nàng tiên ơi, tấm lụa trắng đâu rồi, và gốc cây đề ấy ở đâu trong rừng sâu kia?
“Mùa xuân hoa nở, thiếp về
Mời chàng ra gốc cây đề nhận con…”
Bà bảo mình đọc “Bầm ơi”, mình đọc, gió lành lạnh và mình thương mẹ quá, mẹ ơi…
Bà đã 60 tuổi – Bà bảo, năm nay là “năm tuổi”, mẹ mình đã qua tuổi 49 và 53 rồi, không bị làm sao là mừng lắm. Lạy trời cho mẹ sống lâu, sống mãi và đừng ốm đau gì cả. Thương mẹ lắm mà không biết làm gì. Thù thằng Mỹ quá, phải giết hết nó đi.
15.11.1971
Thằng Mỹ, nó là cái gì mà mơ hồ như thế? Đi bộ đội, mình cảm thấy hơi mông lung trong việc nhìn nhận kẻ thù. Hố bom còn toác ra ở trên đồi. Và cảnh làng xóm tiêu điều, bị tàn phá ngày 29-2-1968, ta đâu có quên. Mặt mũi thằng Mỹ thế nào? Hẳn đó cũng là khuôn mặt người bị bóp méo xộc xệch. Hẳn đó là bộ mặt nhăn nhúm trước ánh sáng mặt trời.
Đêm ấy, thật đau lòng. Hồi chiều, bị ném 40 quả bom. Điện bị đứt lung tung. Làng xóm chìm trong tang tóc và bóng đêm. Ở ngay trước ngõ là một bát hương hiu hiu khói. Anh Phúc bị bom tiện đứt cả chân tay, nằm trong chiếc quan tài đỏ, ngọn đuốc nứa thổi phừng phừng, cái xe bò lăn lộc cộc... Sao giống “chiếc quan tài” như thế.
Không, suốt đời ta không quên, ta không quên cảnh em bé miền Nam đập tay lên vũng máu. Dưới tay em lẽ ra là chậu nước trong mát – cái biển mênh mông của tuổi thơ hồn nhiên, nhí nhảnh…
Thằng Mỹ, nó thế nào? Trời ơi, sao lâu quá. Bây giờ cái khao khát nhất của ta – cái day dứt trong ta là khi nào được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn - xọc lê vào thỏi tim đen đủi của quân thù.
Ta ngồi đây, thanh bình như thế. Nhưng ở cuối trời Tổ quốc, bao nhiêu người con ưu tú của dân tộc đang đổ máu, đang giập gãy từng khúc xương, đang bị kẻ thù đày đọa và các đồng chí của ta, anh giải phóng quân kiên cường đang nín thở đợi giờ xung trận, đang đói rét và đau nhói vết thương trên một cánh rừng già.
Vậy mà, lại đến giờ đi ngủ. Những cơn gió liu riu trên cành tre đưa ta vào cơn mơ - Ta lại trở về với cái ngõ nhỏ của mình... Lạc lõng ư? Có lẽ nào!
Ta biết giấu mặt vào đâu, vào gấu quần hay gấu áo, khi đường Trường Sơn không có dấu chân ta? Khi cả cuộc đời ta chưa có cái niềm vui mãnh liệt của người chiến thắng, cắm cờ Tổ quốc trên cả nước thân yêu.
Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn… Các anh đêm nay ở đâu trên Tổ quốc? Các anh có viết những bài thơ, những truyện ngắn vào giờ này? Ôi, những nhà thơ, nhà văn - chiến sỹ, ta gặp nhau trên cùng một ước mơ làm nhiều cho Tổ quốc. Chúng ta có mặt trên trận tuyến ác liệt nhất, khi đất nước đánh thù, có gì tự hào hơn nữa.
Ta bỗng nhớ câu thơ của Hồng Chính Hiền:
“Thương nhau, thương nhau nên hoá gần nhau
Nghe cả tiếng hiệp đồng qua hơi thở…”
Các anh có nghe tiếng tôi? Tiếng của đứa trẻ bước chập chững vào đời với bao thôi thúc, bao niềm tin, hy vọng?
20.11.1971
Đại đội trưởng cũng đi rồi. Quân đội đúng là một đại gia đình, và đi đâu cũng người nhà cả mà thôi.
Chẳng cần tiễn đưa gì cả. Cắt cho Đại đội trưởng cái đầu mới toe - Kỉ niệm, thế là đủ rồi. Mà kể cũng lạ, biết đâu lần này chính là lần gặp cuối cùng trong đời! Thế mà thật bình tĩnh, thật thanh thản. Nhưng, riêng mình vẫn không thể bình thường được.
Hôm nay Quốc tế hiến chương các nhà giáo đấy. Mình định viết thư cho thi sĩ, nhưng rồi lại bận quá. Không viết được.
Càng nhớ thầy, càng nhớ bạn, càng lo lắng về công việc của mình. Tuần lễ cứ trôi qua, ngoảnh lại, chưa làm được việc gì ra hồn cả. Cả thói quen ghi chép cũng không rèn luyện được. Thật đáng lo.
Khi còn phổ thông, ước mơ khá lớn, khá lâu dài là được đi xa và nhiều, và rảnh rỗi mà viết lách. Bây giờ, thoải mái, không phải suy nghĩ gì về bài học cả. Thế mà từ khi đi bộ đội đến giờ, mình đã viết được gì đâu.
Cầm viết được nhiều, quả thực ở nó có tài năng, hay ít ra, đó cũng là một khả năng tốt. Khanh bảo Cầm nó chăm lắm, mặc dù sức khoẻ yếu. Mình nhớ dạo mới đi bộ đội, hay gặp Cầm lang thang trong đêm. Có lần đi gác, Cầm nằm ngủ ngay trên cái cầu xi măng bắc qua sông Tô Lịch. Nó bảo nó nằm nhớ lại dĩ vãng xa xưa của nó ở Kinh đô, đôi guốc mộc và cái quần chùng, hàn huyên với các sư huynh bên quán nước.
Kể cũng lạ, ở nó có gì đáng học đâu, ngoài những ý sáng tạo trong thơ. Cách sống của nó hơi ngang tàng và thiếu nghiêm túc. Nhưng vì sao nó nắm bắt mạch thơ đúng thế. Tưởng như lời nào của nó cũng là thơ(!)
Giới thiệu bài hát, nó bảo: Mười con chim sơn ca nuôi trong cổ họng xin ca nhạc phẩm “Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây" nhạc của (...), lời Phạm Tiến Duật. Nhạc Việt Nam được trộn pha ácjăngtin… liến thoắng như cái máy mà hấp dẫn. Lúc ấy, nó thật đáng yêu, và con người nó hoàn toàn là của nghệ thuật.
Có điều là những cái nó viết ra xanh xao lắm, và hơi trừi tượng, nó đèm đẹp và trơn tru, nhẵn nhụi; Nó thiếu một sức ấm nóng lan toả. Có lẽ điều đó không phải không đáng ngại.
Mình không muốn và không được đi theo con đường ấy. Cứ kiên trì, bình tĩnh và tích cực, mình sẽ làm được hết.
Có điều thơ là gì mình cũng chịu. Thơ không cần chi tiết mà cần hình tượng. Hình tượng thơ phản ánh tâm hồn con người. Đó là điều quan trọng trong thơ.
Cuộc sống này, mình rất yêu, rất đắm mình vào. Nhưng sao ngòi bút cứ tắc, cứ ngắc ngoải? Có phải vì mình không có khả năng? Dám thế lắm.
Càng ngày mình càng hiểu: Không dễ dàng gì đâu. Dẫu anh có đi nhiều, biết nhiều, nhưng cũng cần phải có phương pháp tốt.
Trước kia, còn viện cớ này nọ. Nào dò đường, nhận đường, nào tự tìm mình, tự xác định dấu vết... Nhưng chẳng lẽ mình cứ hão huyền thế mãi. Cứ lí luận suông thế mãi hay sao?
Mình đã sống thật hay chưa? Chưa, chưa nghiêm túc sống. Trong cả sinh hoạt, trong cả rèn luyện và trong cả danh dự, lương tâm của người cầm bút tự giác.
Ao ước quá, nếu như được đi trên tuyến đường Quyết Thắng, được đi trên đỉnh Trường Sơn, gặp nhà thơ trẻ P. T. Duật… Mình không biết sẽ hỏi gì, nhưng chắc chắn cuộc gặp gỡ đó sẽ thú vị biết bao.
Bao nhiêu điều muốn hỏi. Bao nhiêu băn khoăn thắc mắc: Thế nào là đề tài, chủ đề thơ? Thế nào là cấu tứ một bài thơ? Nhưng quan trọng hơn cả là nhìn cuộc sống ra sao để có thể đưa vào thơ, vào truyện những vấn đề nóng hỏi của cuộc sống.
Mình bắt đầu ghét những cảm xúc mòn, xáo về một đêm hành quân, một đêm gác khuya, một buổi gặp gỡ hoặc chia tay trong cái ngõ nhỏ thơ thơ. Không phải là Lý Bạch để có thể quên “Hoàng hạc lâu” mà sáng tác. Cứ hành quân, là trong đầu lại thơ, lại những bài thơ về hành quân mà mình đã đọc. Vậy là chịu, không thể có một ý gì mới mẻ nữa.
Chẳng có lẽ bầu trời kia không dành riêng ta một ngôi sao xanh, một ngôi sao đỏ làm nên cái lấp lánh của bài thơ?
Mình đi lạc đường chăng? Đâu là "Đường vào thơ”? Càng nghĩ, mình càng bị day dứt và dằn vặt. Mình hiểu rằng không thể rời bỏ được thơ, được văn. Nhưng viết ra thì không đủ độ chín. Chí nghĩ trong đầu đã đủ thấy nó xèm xẹp, chỉ muốn dập tắt cái cảm xúc ấy đi. Không hiểu nhà thơ nào đã nói: Ai đến với cuộc đời chiến đấu để làm thơ thì khó mà làm nên hồn một bài thơ. Hãy bắt đầu từ cuộc sống, và từ đó sẽ nẩy ra thơ.
Mình đến từ đâu? Mình mong làm được thơ, làm được nhiều thơ hay để làm gì? Thú thực, chưa rõ ràng gì cả. Có lúc, mình muốn làm thơ chỉ vì được đọc một bài thơ hay đến xuýt xoa! Có lúc lại muốn làm thơ để có tên mình trên sách báo “Lưu truyền hậu thế” hay sao? Tư tưởng này rõ ràng là xấu, không xuất phát từ quan điểm đúng đắn: Phục vụ nhân dân. Hãy bắt đâu bằng người lính.
Bao nhiêu cơn mơ, chỉ còn lại những cơn mơ hữu ích. Nhưng đêm tháng 7… “Tháng 6 qua rồi T. nhỉ, bây giờ là tháng 7”… - “Tháng 7 là gì?” – “Tháng 7, mùa thu, lá phong đỏ…” Cô gái nhỏ ấy ư, trong “ngõ cụt của tâm hồn”…
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:30:02 am »

Mùa thu trải dài như vô tận, cái màu xanh da trời như một niềm thương nhớ khôn nguôi...
Nhưng còn mùa xuân, mùa xuân, mùa vạn vật sinh sôi của trăm ngàn hoa thơm quả ngọt... “Thế là P. đã ở đây với những mùa đông lạnh lẽo và hoa tuyết thờ ơ, bình thản này... Biết bao giờ ta mới gặp nhau? Bỗng nhiên lòng buồn vô hạn. Hay là không bao giờ nữa? Và mùa xuân của cuộc đời P. là như thế đấy..."
Không phải là như thế! Mùa xuân sẽ về, sẽ đẹp tuyệt vời nhờ sức lực của chính mình.
Tự nhiên, mình cảm thấy và rất rõ ràng, mình có trách nhiệm với cuộc sống của P.. P. như một cái gì, như trái tim mình, như một phần thân thể mình. P. có khoẻ không, có nhức đầu và mệt mỏi hay không? Những đêm khuya như thế này, P. đã đi ngủ hay chưa? Bài chắc nhiều và khó, có lúc nào P. phải nhíu mày, tập trung suy nghĩ về một bài toán? Ước gì giúp được cho P. phần nào, đỡ cho P. một phần khó khăn trong học tập...
Nhưng xa nhau rồi... Kisinhốp, một thành phố nhỏ li ti trong cả liên bang Xô Viết, xa lạ, xa lạ... Còn ngày mai, mình sẽ ở đâu, mình sẽ đi đâu, không thể biết được. Chẳng bao lâu nữa là hai đứa hoàn toàn bặt vô âm tín... Rồi sau đó sẽ ra sao? P. sẽ sống ra sao giữa Thủ đô của bình yên và sung túc, của vật lý hiện đại?
Và chính cả mình nữa, mình sẽ sống ra sao?
Cơn gió thổi từ phía đồi mặt trời qua hồ cá. Sương mù thốc nhẹ lên rặng phi lao ven đường... Con trâu đi ngang, con cá trắng bơi dọc, và những vòng sóng hình tròn toả rộng xung quanh... Sự sống hiện ra ở khắp mọi chiều. Và chỗ nào mà chẳng có mầm xanh, chỗ nào mà chẳng có giọt nắng hình quả trứng lăn nghiêng?
“Dĩ vãng thì đã xa xăm. Mà cuộc sống thì luôn cất tiếng gọi trở về” - Altưnai đấy – Có phải đấy là lời tự bào chữa. Song, chắc Đuy Sen cũng rất hài lòng về chuyện đó – Như vậy đúng hơn và hợp lô-gich hơn!
Bắt đầu là bộ đội. Rồi sau là thầy giáo. Sau nữa là Đuy Sen. Tập đó là Anh - và cuối cùng, là Người, là ông già đưa thư âm thầm, lặng lẽ... Đuy Sen sao khéo chôn kỷ niệm của mình mà sống. Đâu phải dễ dàng vì hai cây phong còn đó, vì ngọn đồi Đuy Sen còn đó và mùa thu trở lại, lá phong đỏ lại rơi, tơi bời trong chòm râu bạc... Con người đó đáng kính phục lắm, lý tưởng lắm. Đã có ai trên đời này lấy Đuy Sen thay cho Carơsaghin? Cuộc sống này thi vị biết bao và cần nghị lực biết bao!
Tại sao Đuy Sen lại tự im lặng, tự ôm lấy con tim mình cho nó khóc? Vì hạnh phúc của Altưnai ư? Vì quyền lợi của học trò ư? Vì ước mơ cao cả của cả thầy và trò, của dân làng vùng Kadắc, thèm khát vươn tới đỉnh cao của khoa học…
Còn nhiều nữa và tin rằng, tất cả là sự thật. Nếu như Altưnai và Đuy Sen lại ở bên nhau như hai cây phong tuyệt diệu như vậy, thì ông già Đuy Sen cũng là một cái “tôi” to tướng...
Ta biết vậy, ta biết vậy… Và con đường cũng mở cho ta hai nhánh lớn. Đuy Sen ơi, Người là ngọn lửa, là ngọn lửa hồng giữa đêm thâu giá buốt. Ta ước mong gì hơn nữa, được làm, được sống như Đuy Sen, được đau khổ và sung sướng như Đuy Sen...
Ôi, tiếng nói nghẹn thắt của Người thầy đầu tiên khi con tàu chuyển bánh, cái tiếng thất thanh của con tim ứ tràn niềm xao xuyến... Altưnai… Altưnai... Cái tiếng thân yêu ấy bánh sắt của con tàu đã lăn qua - Hay trái tim giầu xúc cảm và lòng nhân đạo, lòng cao thượng ấy bị bẹp nát trên đường xe lửa?
Cuộc sống tuyệt vời biết bao, trong thực tế và trên trang sách. Nhưng cuộc sống cũng bi thảm biết bao. Cái đẹp còn trộn lẫn niềm sầu muộn. Cái nên thơ còn lóng lánh giọt nước mắt ở đời. Bao giờ để niềm vui về cùng hạnh phúc, để những đôi bạn bình yên dạo trong rừng bạch đàn, có ánh nắng xanh dịu và những đàn chim câu trắng muốt điểm sáng của rừng?
Phải đấy, rừng không nên thơ như ta tưởng. Và để ngày mai tuyệt diệu ấy, hôm nay, có bao người cầm súng, có bao người gửi gắm vào thiên nhiên xanh tươi, vào cánh rừng gai góc âm u tất cả thời thanh xuân của mình.
Ai đấy, khi nắm tay người bạn thân yêu của mình, khi cánh buồm xanh đi về, cánh cửa trời rộng mở, chớ quên dưới chân mình là cát sỏi, là hòn đất đượm mồ hôi, thấm máu của bao thế hệ, mà cuộc sống của họ đã xa xôi...
Ai đấy, khi khoác vai người bạn yêu quí của mình, chỉ cho bạn, kia là ngôi sao Hôm - ngôi sao Mai. .. Ngôi sao ban chiều và ngôi sao của bình minh. Chớ quên rằng, có buổi sáng nào, sao Mai, mang màu đỏ, màu máu và màu lửa! Chớ quên rằng, để đêm trăng có những ngôi sao tình tự, để con người tự do mơ ước vươn tới những đỉnh cao xa; có những trái tim đầy khát vọng phải xếp vào ba lô mọi mơ ước dịu hiền nhất, mọi tương lai cá nhân quen thuộc nhất. Mà đánh giặc.
Có lúc nào anh tự hỏi mình: Đâu là chiến hào đánh Mỹ? Đâu là dây cung để bật những mũi tên căm uất? Còn tôi. Từ rất lâu rồi, tôi đã tìm ra đâu là chỗ đi và chỗ đến của mình...

22.11.1971
Không có ai cầu nguyện cho mình cả. Những ngọn nến nhấp nháy trên sườn đồi là lô cốt địch. Còn những bảng đen ngòm kia là thằng Mỹ - Hãy cho chúng no đòn. Đồng đã đi qua mùa gặt. Hương lúa chia đều khắp các nhà và trăng lên sớm cho sân kho nhộn nhịp. Rơm còn phơi đầy trên ruộng, rơm gác lên đống rạ, mềm đi vì sương sớm… Dạo mới đến đây, rừng thả hạt dẻ lăn lách tách trên đồi. Còn bây giờ, lại mùa hoa dẻ. Hoa dẻ rừng trắng pha vàng như hoa nhãn, như hoa hồng bì.. . Cả rừng như mở ra cho vô vàn mùi hương lạ lùng thì thào cùng anh bộ đội.
Đàn dê đi lẫn trong vạt cây thấp, cây mua lá xanh mềm như nhung, cây khế rừng lá tím... Tiếng chuông thơ ngây trên cổ lũ dê rung lên bỡ ngỡ, tưởng chừng như giọt nhựa ứ ra và cuộn thành giọt, rơi từ tốn. Đó là những ống đếm thời gian của rừng già...
Đêm rủ bức màn lốm đốm sáng, đồi chìm vào chân mây, đất và trời bị xoá nhoà ranh giới... Còn anh bộ đội thì hồi hộp đợi chờ. Lần bắn thứ hai trong đời lính. Anh hãy nghĩ: Kia đúng là thằng Mỹ, là kẻ thù và ghìm súng vào ngực nó. Đừng lo bắn vào quả tim người, chúng nó chẳng có tim đâu!
Anh hãy nghĩ: Cuộc sống yên lành và ngân nga như lời thơ kia bị cào xé bởi ánh lửa ghê tởm trước mắt anh.
Hãy đứng trong chiến hào của đời mà bắn!
Sương dày nên đạn chưa căng. Tiếng nổ không chát chúa mà âm âm. Đèn vỡ tung, đạn xuyên qua phao dầu, đạn phá rách toang bia. Phải như thế, mới hả căm thù!
Thủ trưởng bảo: Ta bắn giỏi không phải như anh chàng trong “Hoa diếp dại”. Đạo đức cách mạng của người Việt Nam khác thế.
Tự hào lắm, khi được lang thang trên mảnh đất Mẹ hiền này và bảo vệ nó. Còn ai hạnh phúc hơn ta nữa. Trang sách của cuộc đời chưa mở cho ta, nhưng mới ghé mắt nhìn, ta đã ngây ngất cả người...
Tiếc thay, đã mấy ai nhận thấy?
23.11.1971
Sắp từ biệt đây rồi... Một ngày lặng gió, nhưng lá bạch đàn vẫn líu ríu ở đầu cây. Ôi, Tân Yên, vùng đồi trung du của dân ca quan họ, của tấm lòng cởi mở chân tình...
Tới đây từ 1.10, thế mà đã gần 2 tháng. Hai tháng đi qua cái cửa tre quen thuộc, cái thanh tre chống khung cửa dước dốc, cái hàng rào dứa khi mình đến, còn lưu lại vài qủa chín vàng, thơm lựng...
Ta muốn thăm lại thị trấn Nhã Nam, quả bàng chín rụng, thăm hòm thư của bưu điện giấu một niềm tâm sự, một lời thủ thỉ... Ta muốn lại ngồi trong quán nước, gặp bà hàng nhai trầu bỏm bẻm, muốn đi qua sân bóng, muốn vào thăm mái lều san sát của bãi chợ ồn ào...
Ta muốn vào thăm nhà bên kia đồi, có cái xe bò và có anh chàng canh đồi dẻ, thăm cụ già mù bật ngón trên cái kèn đưa người ra ruộng... Muốn đi trên cái dốc "hết ý" của ngày gánh lúa giúp dân...
Ta muốn mãi ngồi trên "đồi mặt trời" để sớm sương tan, mặt trời tròn đỏ ôm lấy ta mà bay lên... Muốn mãi ngồi trong bếp của bà, nghe bà kể chuyện. Cháu đun nước cho bà, bà khen cháu ngoan đi...
Nhớ lắm, nơi này, những con người ở đây… Ta cúi chào tất cả. Từ biệt Tân Yên, núi đồi và bạch đàn...
Đất này, tuyệt đẹp. Núi sông này vây bọc lấy đồng bằng đâu phải tôi bom cho quân thù trút lửa! Và con đò mộc đi trong lời thơ đâu phải mục tiêu cho kẻ thù bắn phá.
Hãy khoan đến ngửa tay cầu trời ban cho một bông tuyết trắng. Đêm buông yên lặng cho đôi chim tình tự, cho cây cỏ bình yên trỗi dậy và cho cả anh bộ đội chuẩn bị lên đường
Cháu Oanh và cháu Quế đã ngủ rồi. Bà và chị Nhàn cũng ngủ... ôi. ta xa rời ngôi nhà ấm cúng còn phảng phất khói hương này. Mười năm sau sẽ có biết bao thay đổi. Ta có được trở về thăm lại gốc chè xanh của bà, thăm luỹ tre vừa gieo mầm trong tháng... Lúc đó, sẽ khác nhiều và cuộc đời chắc đẹp, chắc thơ gấp bội.
Tháng 2, bà trở lại Thái Bình. Cháu lại đi với mối thù thằng Tây mũi lõ, thằng Tây quấn thừng đã làm một đời bà khổ. Khi thắng lợi trở về chắc bà không còn nữa. Song, đời bà đã mấy mươi lần tiễn các con đi... Chị Nhàn vất vả mà vui, ấy, người phụ nữ đảm đang có chồng là liệt sĩ. Khuya thế này chị còn đi đâu, ánh đèn bão lung linh sau hàng dâm bụt... Ừ, như thế, những tâm hồn cao thượng đang nằm nghỉ, ngày mai, họ lại viết tiếp lịch sử của loài người.
Ta bỗng nhớ xa xôi đến đỉnh màn thân yêu, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh. Nhớ vườn mía mùa này ngọn gió cũng mang vị ngọt...
Ta nhớ bạn, nhớ Lăng, Hậu, Hải, nhớ từ thằng Kiểm đến dáng người xa lạ ta gặp ở bến xe... Đêm nay có phải là đêm chuẩn bị hành quân vào trong ấy, mà kỷ niệm thức dậy. Ngồi trầm tư trước ngọn đèn...
Mai, Minh đi tiền trạm. Tế vẫn đau bụng rồi hành quân ra sao. Củi không hiểu đã đủ chưa, sáng mai đi lấy gạo. Cải nhổ được rồi đấy, cân cho nhà bếp là vừa... Lỉnh kỉnh lắm, nhưng gọn biết bao, chỉ day dứt là cái lòng anh Đất này, Tân Yên...
Em đừng khóc, các anh đi rồi lại trở về mà. Lau nước mắt đi em. Ta là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam...
“Đất nước của những người con gái con trai
Đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép
Lúc chia tay không hề rơi nước mắt
Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt... "
Rồi cuộc đời ta sẽ quen với những lần chia tay, những giờ bịn rịn, nhưng lúc này, ta lại nhớ đến P. . Buồn biết bao, khi đi xa không có P. ở bên, không có người thân yêu nhất của mình.
Sương xuống lạnh buốt, phải mặc áo rét vào và đi tất. Cái lạnh... Chao ôi...
P . đang làm gì ở nơi xa xôi ấy? Ta lại phải chia tay, lủi thủi một mình, đơn chiếc, ánh mắt kia đâu phải của người ta yêu quí, và gốc cây này, của các bạn thôi...
12 giờ đêm 23.11.1971...
…Vẫn chỉ là tấm ảnh... “Những ngày cuối cùng ở Hà Nội. Sau một đêm thức trắng đấy! A. 2.7.1971". Đôi mắt vừa âu yếm, vừa buồn bã. Đôi môi cười ư? Không phải. Chỉ biết cứ nhìn...Ta cúi xuống và hôn...
Lại thế nữa cơ, nhưng chả là như vậy. Nhớ lắm P. ơi, và đừng nỡ trách… Buồn biết bao nhiêu khi để lại trên môi hơi lạnh của mùa đông... Ta chỉ còn tấm ảnh, ta trò chuyện cùng tấm ảnh, ta thổi vào tấm ảnh một linh hồn...
26-11-1971
Thế là tạm biệt Tân Yên, tạm biệt đồi bạch đàn thân yêu. Cái lô cốt trên đồi chắc đã nhắm mắt và chui vào lòng đất sương mù lại choàng khăn trắng ở lưng đồi. Đang mùa dẻ ra hoa. Hoa dẻ hăng hăng, mảnh mịn và nhỏ li ti, nhưng gần gũi và thân thiết biết bao...
Ba giờ chiều rồi, bà đang làm gì? Nồi nước đun dở đã sôi chưa? Hai bà cháu đun nồi nước cuối cùng vào 4 giờ đáng 25.11, vòi ấm chưa phì ra hơi nước, cháu đã khoác ba lô lên vai rồi... Thôi, thế là mãi mãi không còn gặp bà nữa. Bà cô đơn suốt cuộc đời nên có bao nhiêu con là bộ đội.
Những chân rạ, hồ cá, cửa tre, giếng nước... Bà, chị và hai cháu... Các bà mẹ, các cô gái, các bạn nhỏ trên đồi... hãy ở lại yên lành và hạnh phúc. Hãy trông nom đồi bạch đàn cho cao lớn...
Chia tay trong sương mù. Ban đêm, rạng sáng, những hạt đen nhỏ li ti giấu hộ dân làng nỗi xúc động oà ra nơi loé mắt... Dẫu thế nào, ta vẫn là thiếu thốn...
Cột cây số chỉ Bắc Giang 22km. Tiến về phía đó... 600 con người gò lưng và bước. 30kg trên lưng, đường bụi... Phải, lần nào hành quân cũng vậy. Không còn nghĩ ngợi được gì nữa. Thiên nhiên thu hẹp bằng nắp vung dưới gót chân người đi trước. Không gian như co, như dồn, như ép, ép mạnh vào khắp cơ thể, vào cổ, vào vai, vào lưng, vào chân. Mệt lắm, nặng lắm. Sự thật gồ ghề biết chừng nào.
Ta như lần tay trên cạnh sắc lạnh của cuộc đời, và nhớ da diết đến P.; dường như đối lập với cái khô khỏng và dữ dội ấy là hạnh phúc êm đềm khi đứng bên P.. Ôi, đôi vai tròn, nhỏ nhắn, gò má và đôi mắt mềm đằm thắm biết chừng nào... Nhìn mãi, nhìn mãi mà không thấy P. đâu. Chỉ thấy bụi, cát, ồn ào và nặng nề, mỏi mệt. Chỉ thấy gánh nặng của đời đè gí hai vai. Hình như đâu đây có tiếng nghiến răng, tiếng ồ ồ từ lòng đất như một lời cảnh báo: Mày muốn xa rời đất này ư? Muốn đi đến thế giới huyền ảo ư? Thì đấy, hãy chôn chân mày, dán chân mày xuống đất và cúi gằm xuống đất này mà đọc lời nguyền rủa!
Đúng lắm, mình có lỗi lắm. Thần Prômêtê bị xiềng trên bờ biển vì đánh cắp lửa cho những trái tim. Còn mình, muốn trốn trách nhiệm hay sao?
Chỉ nghĩ được thế thôi, và trong phút giây nào dám ngước nhìn ra xung quanh, có chút tự hào về đất nước, về những con đường dành cho những người đầy nghị lực, không sợ chông gai.
Phía xa là sân bay Kép, từng biên đội đang cất cánh, nhìn rõ cả mũ và buồng lái. D ĩ nhiên phải có màu xanh giản dị và trùng điệp ở dưới này...
Nặng quá và xa lắm. Được nghỉ là ngã luôn xuống vệ đường, không đủ sức tháo người ra khỏi balô nữa. Nếu như có P. ở đây, P. sẽ nghĩ gì ? Có thương mình không nhỉ? P. sẽ nghĩ gì khi người bạn của riêng P. nằm há hốc mồm mà thở, rời rã chân tay và ngủ thiếp đi trên cánh đồng khô đầy bụi và chang chang nắng... Nhưng nếu có P. ở đây có lẽ mình cũng không nằm thế và sẽ đi bắt chuồn chuồn!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:32:48 am »

Đằng kia là núi Yên Tử - Trường Sơn thu nhỏ và đang chờ đợi.
Đi đông là niềm tự hào lớn lao của anh bộ đội. Người nào cũng nhận ra trung đoàn quân ấy một chút thân thể của mình và đều thương anh bộ đội. Còn mình, cũng tự hào là 1 phần tử nhỏ trong sợi dây xích màu xanh.
Em nhỏ bảo đây là Ngọc Lý, đã sang huyện Việt Yên. Lại Yên! YênSở, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên... chữ “huyện” ở đây đây gọi là "sểnh" thì phải, nghe là lạ...
Đến Sen Hồ vào 11 giờ trưa, tên "Sen Hồ" thì mát, thế mà Sen Hồ vừa bụi vừa bức bối, Sen Hồ cách Nhã Nam 18km... Lần đầu tiên trong đời đi bộ được quãng đường xa như thế, với 30kg trên vai! Kỳ công thật!
Thị trấn của Việt Yên, qua cái dốc và kia, đường nhựa. Ôi đường nhựa. Ôi Hà Nội... Bộ đội ùa ra và dẫm chân lên đường nhựa mà reo... Con đường thân yêu trải dài trước mắt. Hãy đặt ba lô và xoa tay trên mặt đường...
Nhưng, chỉ 1 loáng, chiều rộng của con đường chỉ đủ cho anh lính đi trong giây lát... Ta lại đi ngang những cuộc đời bận rộn của thị trấn. Cô thợ cắt tóc, cửa hàng chữa đồng hồ. Bà già bán ớt, bán cam, chanh, đủ cả chua, cay, mặn, chát, ngọt, bùi. Như là chính cuộc đời của bà...
Ga Sen Hồ, có tiếng còi xe lửa. Kia là quốc lộ số 1, một ngả về Hà Nội và một ngả đi Lạng Sơn, đi về phương Nam và đi lên phương Dắc... Đất nước làm thức dậy trong ta những kỉ niệm còn tươi và những kỉ niệm bị lãng quên tù rất lâu rồi. Ta thấy trái tim như nghẹn lại. Nước mắt đã khô trên gò má, nhưng quả tim thì khó lòng mà kìm lại được... Nhất là đường xe lửa với cột đèn tín hiệu, với tiếng còi tàu gợi một chuyến đi xa… Như Anh ơi, T. khổ biết chừng nào…
Bắt đầu đến trạm dừng chân, làng nằm ven đường quốc lộ 1A, bộ đội lê chân vào sâu trong xóm. 2 giờ chiều rồi, bụng đói, mệt và đau. Chân phồng rát như phải bỏng và cứng đờ.
Thôn xóm không nguyên lành. Dân ở đây sơ tán vừa về một vài gia đình nhà cửa bị bom Mỹ phá sập, đang dần hồi phục. Mùi xoan ngâm quen thuộc, không dễ ngửi mà đi sâu vào lòng người. Gia đình có cụ già làm thuốc. Cây thuốc mọc quanh nhà, đầy vườn và cả bên giếng nữa. Một chái nhà còn trống hoác và hở ra cả một khoảng trời trong vắt. Lạ, năm nay trời xanh rất lâu...
Cây na, quả chín nẫu, tím sẫm trên trời.
Gia đình có cô gái học ở Kháccốp... Nói chung, mọi sự đều như thế. Bom rơi trên mái nhà và người ta vẫn đi cho mai sau. Bao nhiêu ý nghĩ trên đời này đều hướng tới tương lai, nhưng bàn tay họ thì chạm vào hiện tại. Nhất là những người mặc áo nâu hở cúc này.
Ở đây vẫn thuộc Việt Yên. Ngủ đêm trên cái chõng nan lạch phạch. Bốn đứa co quắp và ngủ thiếp đi. Cái chân đau rát khi chiều đã dịu và hơi tê tê do ngâm nước muối. Ta vẫn bắt gặp vành trăng quen thuộc trên vòng tròn của miệng giếng và mánh trăng sáng trắng vỡ tung.
Như mọi lúc ta tự hỏi: giờ này, Như anh đang làrn gì? Kìa, mái tóc rơi vào trang sách rồi- Cẩn thận kẻo nhoè mất chữ. Còn ở đây chỉ nghe tiếng vỏ cây nứt, tiếng chó sủa và tắc kè ran ở xung quanh.
3 giờ sáng đã dậy, nấu cơm và lên đường. Vốc nước rửa mặt, nhớ câu thơ của ai đó “Quân đi lòng mẹ bùi ngùi/ Tiếng hò kéo pháo bên đồi vọng sang”… Đúng lắm, và hay lắm. Câu thơ hay vì bước ra từ một đêm dừng chân như đêm nay.
Thị trấn còn ngủ, cành bàng xoè che những mái nhà êm ấm. Ta đứng trầm tư trên đường sắt và nhìn về phương Bắc - Chân trời phía xa mù tịt, gió lạnh thổi buốt giá mặt mũi và chân tay... Tìm mãi, đâu rồi khoảng không gian mà Như Anh chiếm chỗ, khi con tàu đưa người ta yêu quí đi xa. Lúc Như Anh đến trên cùng một mặt cắt với T. ở đường xe lửa này, dáng người yêu dấu ấy là đâu?
Lúc qua đây, Như Anh nhìn về bên trái hay bên phải? Chắc là bên phải, phía đường quốc lộ, vì T. đang đi trên con đường này… Không hiểu có phải thế không?
Ta gặp nhau ở giữa Thủ đô và ở cả trên mọi nẻo đường đất nước… Ta gặp nhau và sẽ mãi mãi bên nhau…
Đến Đáp Cầu, sông Cầu, ngày nào ta đọc bài thơ của Chế Lan Viên: “Có gì đâu, sông Cầu/ Có gì đâu, gì đâu…” hôm nay đã đến - Cầu bị lật sang bên đường, nhưng xe lửa còn đi được. Nãy, một đoàn bộ đội trên tàu đi ngược lên phía Bắc và vẫy mãi, lính gặp lính mà.
Phố bên kia già nua và cũ kỹ lắm rồi. Dường như nó lật áo cho bộ đội xem vết thương của chiến tranh. Than đen đầy trên bến, lam lũ lắm. Bụi than bám đen cả mặt mũi, cả trên vai và ba lô. Vùng này bị lụt nước sông Hồng dâng cao, ngày 31.8.1971, nước ngập quá mặt đê 30cm.
Còn bây giờ, sông Cầu đang rút nước. Nhưng mặt sông còn mênh mông lắm. Thuyền câu, thuyền đánh cá miên man với làn nước biếc. Buồm trắng, buồm nâu se từng sợi gió và lấp dần vào khúc ngoặt của dòng sông. Những chiếc xà lan nông nổi vẫn ngược dòng chở đá. Tiếng chuông nhà thờ thành kính gọi mây trời... Sang đất đạo rồi! Loáng thoáng thấy gác chuông và cây thập giá. Qua ống nhòm, thấy cả chúa Giêsu giang tay chịu cực hình, và con đường được nhận ra bởi hàng cây rất xanh...
Bộ đội nằm ngổn ngang ở sườn đê. Thịnh ngó vào mắt mình và thét lên: "Mày hết cả lãng mạn rồi?" Khổ thế, mắt mình có gì mà lãng mạn. Đôi mắt chết ấy, có lẽ là lãng mạng thì đúng hơn! Nhưng vùng này quả là đẹp, như trong tưởng tượng của mình về đồng quê, cánh cò trắng muốt vỗ nhịp vào ra trong lời mẹ hát. Càng gần Bắc Ninh, xứ sở của dân ca, phong cảnh càng êm dịu, càng quen thuộc và mênh mông như bài quan họ "Trên rừng 36 thứ chim”…
Dẫu rằng đất này vừa bị lụt, đồng còn nâu bạc, cỏ cũng úa vàng, và người làm đồng thì thưa thớt, rơm rạ còn mắc đầy trên dây điện và bốn bề có mùi cá tanh tanh...
Nhưng vùng quê vẫn đậm đà phong vị dân tộc ở tà áo, nét cười, dáng tất tưởi; Ở bầu trời xanh màu Tổ quốc và dãy xoan, lốm đốm chùm hoa đỏ, nhất là luỹ tre le te, lúc lắc, rì rào, tâm hồn của nông thôn Việt Nam...
Xã trú quân là Đại Xuân, thôn Xuân Hoà - Quế Võ. Xã công giáo và từ rất lâu, bộ đội không đóng quân ở đấy. Phức tạp lắm... Bọn mình rất lo và yên lặng tiến vào. Nhà cửa đổ sụp sau lần bị lụt được tạm bợ dựng lên, tường còn vô vàn lỗ thủng cho gió lùa vào. Chuông nhà thờ từ cõi sâu tịch mịch vẳng ra... Phải đấy, đấy là phía quân tiến vào.
Tiền trạm cho biết, tình hình rất căng. Hoạt động chính trị còn nhiều việc cần giải quyết. Chỉ những người trong chi bộ mới biết ai là đảng viên. Bà Trùm, khi chết, cả xã mới ngã ngửa người vì lúc ấy mới rõ, bà là đảng viên từ năm 1958.
Nhưng dân công giáo cũng không khác gì mọi người. Đều quí và thương anh bộ đội. Đón bọn mình ở đình làng, cửa tam quan bị sụp, trống huếch, trống hoác, nhưng các mẹ ở hội Mẹ chiến sĩ nhiệt tình lắm, và rất vui khi thấy bọn mình khoẻ trẻ, sung sức, chỉnh tề.
Mình vào nhà anh Cương, 35 tuổi và có 6 con, chủ nhiệm HTX. Chị vợ vừa sinh cháu được một tháng, đúng vào vụ lụt. Nhà cửa đổ hết, mà anh đi họp, đi công tác suốt ngày. Bà mẹ đã già và rất yếu, ngồi ăn cơm ngô trệu trạo, nhìn mà rớt nước mắt.
Nước ngập lên hết tường, ngập lưng thân mía. Thóc, lúa bị tàn phá nặng. Song cũng giống ở Sen Hồ, nhân dân vẫn lạc quan, tin tưởng, và sớm chiều, nhà thờ vẫn thong thả gióng hồi chuông gọi con chiên đi cầu chúa...
Vùng đất của nhà chung khá rộng. Cây cối nhiều, nhất là mía, ăn thả cửa. Nhà nào cũng theo Đạo, và trong nhà treo đầy ảnh chúa.
Nhà thờ khá rộng và đồ sộ. Mình dừng chân ở bậc đá khi trời vừa sụp tối, ánh sáng nhờ nhờ của buổi hoàng hôn tăng vẻ huyền bí, giọng cầu kinh âm rung trên vòm cong của nhà thờ, nghe rờn rợn quá. Trong nhà treo lá cờ đen, có hai khúc xương bắt chéo đỡ lấy bộ xương đầu. À, hôm nay là tháng 11, đọc kinh cầu hồn cho người quá cố. Cụ trùm trưởng già, đầu nhẵn thín, khoác bộ quần áo đen như một linh mục. Tiếng cầu kinh như rên rỉ, than vãn nhưng mạnh mẽ, dồn dập và không khi nào ngừng. Nó thổi vào lòng người một sự cuồng tín, tin tưởng ở một sức lực siêu phàm. Nó đè bẹp mọi ý nghĩ phản kháng, và bao trùm lên tất cả những bài ca đều đều, buồn ỉu ấy là sự phục tùng, nhịn nhục...
29-11-1971
Nói chung, mỗi địa phương, mỗi thị trấn nhỏ, một ngôi nhà khiêm tốn nép ở bên đường đều nói với khách bộ hành một lời nào đó rất riêng và rất chung. Khiến người ta không sao quên được.
Ví như trường cấp 3 Tân Yên, trường cấp 3 Quế Võ, các em nhỏ đang ngồi trong lớp học. Còn cô giáo đứng ở ngoài cửa, chờ tiếng kẻng mở tâm hồn...
Những khuôn mặt hồn nhiên và tự tin hết sức. Ngày mai, đó sẽ là những người con quí giá của Tổ quốc. Có điều các em có nhận ra điều ấy hay không?
Qua Phố Mới, phố không còn mới nữa. Nhưng Phố Mới cứ gợi cho mình thị trấn Bố Hạ mà mình đã đến chơi, khi ra bến Sỏi. Chợ Bố Hạ mùa này chưa có cam, nhưng khách đã dập dìu.
Hà Bắc có mấy thị trấn nhỏ thì đều quét vôi lại và cũng khá vui. Phố Mới giống như ô Cầu Giấy, cũng có chi nhánh ngân hàng và cửa hàng Bách hoá.. . Ở đâu, cũng gặp quá khứ, cũng gặp tương lai.
Đi trên cánh đồng Xuân Hoà, ta dừng chân nghỉ bên cạnh nghĩa trang liệt sĩ. Lạ lùng thay, trên những tấm bia đá đơn sơ trầm mặc, có cả tên ta. Cùng họ, cùng tên đệm và cùng tên. Người đó già hay trẻ, chỉ biết hy sinh ngày 9.10.1952, 5 ngày trước khi mình cất tiếng khóc chào đời.
Vậy mà đêm trước, mình không biết. Thế là qua một đêm, "người kiếp trước” của mình sống cô độc dưới nấm mồ. Nhưng không dừng lại lâu được. Ta chỉ yên lặng, bỏ mũ và thầm hứa theo bước người.
Mười mấy năm trời sống dưới bầu không khí thanh bình, mình chưa từng biết rằng, mình đã sống một đời cho cách mạng. Có phải “tiền kiếp của mình chưa trao vào tay mình nhiệm vụ còn bỏ dở, để mình lớn lên, lớn lên cho kịp với yêu cầu của cách mạng. Và mãi bây giờ, vào buổi bình minh, mặt trời cháy đỏ từ 99 đỉnh của núi Neo, vào lúc cả đơn vị hành quân, mới thức dậy và tin cẩn trao vào trái tim ta.
Hỡi "người kiếp trước" đang yên nghỉ trong sự yêu thương của dân làng, hãy yên tâm vì con cháu. Không có sự mất đi vĩnh viễn trong cuộc sống của những con người hết lòng vì dân tộc, vì giai cấp, vì Tổ quốc thân yêu.
Với ý nghĩ đó, ba lô trên vai cũng bớt nặng đi nhiều. Lại sang đường nhựa. Đây là đường 18, cột cây số chỉ cho biết cách Bắc Ninh 19km.
Ở đây vẫn là vùng bị lụt. Mênh mông ở xung quanh là màu đất phù sa, chỉ lác đác, trơ trọi màu vàng úa của cây cỏ… Và càng như thế, luỹ tre làng xa kia càng trở nên xanh, như tâm hồn và ý chí của người dân ở đất ngọt ngào.
Các em nhỏ, các cụ già dừng lại bên đường vẫy chào anh bộ đội. Mình trở thành người độc đáo nhất tiểu đoàn vì đi chân đất. Hôm trước phồng rát cả gan bàn chân, bây giờ vỡ ra, không thể đi giày, đi dép được. Vả lại. đi chân không trên đường nhựa thì cũng không có gì đáng sợ cho lắm. Thế là phăm phăm bước theo ngón tay chỉ và nụ cười rất đáng yêu của các em nhỏ bên làng.
Đường 18 đi đâu, về đâu? Không cần biết, đọc trên cột mốc, chỉ thấy Phả Lại... Chỉ cần nhìn vết xích xe sắt băm nát mặt đường là đủ rồi, là đủ tự hào, tự tin, đủ hứng thú và nghị lực đi lên.
Mà cũng phải, chẳng lẽ lại dừng chân khi cả đoàn quân đang vượt lên phía trước. Khi xóm làng còn xơ xác vì trận lụt, khi lối vào nghênh ngang tấm biển: “Có dịch lợn”. Mọi cái, đều giục anh, đều nhắc nhở trong lòng anh: Đi nhanh, đi nhanh chóng về nhà, quê hương đang chờ anh xây dựng.
Đất nước thật nên thơ, nhưng phải nhói trong lòng anh xót xa vì cảnh tiêu điều, xơ xác, anh mới thật sự yêu thương, thật sự cảm biết đấy là máu thịt của anh, đấy là cuộc sống của anh.
Cảm ơn hôm nay, cảm ơn viền xanh của ruộng bậc thang và cảm ơn cánh cò trắng thuỷ chung đem về cho lòng ta mềm yêu tha thiết và gắn bó với đất nước, với những con người đang lam lũ làm ăn.
Trong tình yêu Tổ quốc, lại càng thêm nhớ Như Anh. Nhớ người bạn đang ở đầu kia của Trái đất. Không được đi trên con đường mà mình đang cất bước. Không được thấy cảm giác mát lạnh và nóng bức, không được đi chân đất mà miết xuống lòng đường, lòng đất Tổ quốc.
Chắc ở nơi xa xôi ấy, Như Anh nhớ lắm, quê hương. Chắc Như Anh không quên được những con đường đỏ bụi, những đường cây, những buổi hoàng hôn thong thả và những chiếc lá khô lười biếng lăn trên mặt đường. Nhất là con người và kỷ niệm.
3 năm, 6 năm xa Tổ quốc, Như Anh có trở nên xa lạ với những người ngày đêm lầm bụi của cuộc đời?
3 năm, 6 năm xa đất nước, Như Anh có thêm yêu Tổ quốc, thêm gắn bó với mảnh đất đã sinh và nuôi Như Anh lớn?
Ở đó lạnh lắm, băng giá và mùa đông. Nhưng chớ để lòng mình nguội lạnh.
Mình mong mỏi và rất tin Như Anh sẽ giữ được những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng đó của mình vĩnh viễn.
Mới đó đã 4 tháng trời, 26.7, còn ở bên Như Anh, 1 giờ sáng 28.7, con tàu đưa Như Anh đi xa… Bốn tháng, biết mấy mấy thương yêu, buồn khổ và nhớ nhung. Niềm vui chỉ là lòng yêu đất nước và những lá thư âu yếm của Như Anh. Niềm sung sướng chỉ là được Như Anh nhớ nhung, chỉ là những giờ phút nghĩ về dáng người mà ta yêu quí.
Còn tất cả. Đều khó khăn, đều sầu muộn. Thiên nhiên và con người. Suy tưởng và thực tại. Mơ ước và làm việc. Tất cả cứ rối bung, rối mù.
Chân cứ bước trong xa xăm, và con đường thì dài mãi. Và để người ta khoan khoái nói được câu: "Rồi cuối cùng cũng đến nơi!" thì bao nhiêu mồ hôi đã đổ, và bao nhiêu đôi chân tê dại.
Có phải cuộc đời cũng chính là như thế? Càng ở lâu trong quân đội càng hay nhớ đến Paven, nhớ Phạm Hồng Sơn. Nghị lực, chưa có trong con người ta!
Gặp một tiểu đoàn đi ngược lại. Lính cũ rồi, họ chuẩn bị đi B, quân phục và cả những gương mặt đều mới, đều hồ hởi - Bắt tay. bắt tay, thân thiết biết bao. Các anh đi trước nhé. Trên ngực áo người nào cũng lấp lánh huy hiệu của Đoàn Thanh niên giải phóng - Bọn mình lính mới cứ nhìn mà thèm.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:33:14 am »

Tiểu đoàn bạn đông thế mà không gặp lấy một người quen. Bọn bạn mình đi đâu hết cả? Thế mới biết quân đội mình đông lắm, nhiều lắm và trùng điệp vô cùng. Giọng Nghệ An, Thanh Hoá, Khu tư nằng nặng, giọng Thái Bình, Hà Nội... Cái giọng Việt Nam ấy, dễ gần lắm. Ngày mai họ đã là quân giải phóng rồi. Sướng mê đi!
Bộ đội sắp đi B có khác, ba lô nặng trĩu và lính thì to khoẻ. Tự hào vô cùng về chúng ta. Chúng nó rồi sẽ chết, các anh nhỉ. Tạm biệt, hẹn gặp nhau ở chiến trường...
Có lẽ đấy là cảm xúc hào hứng và phấn khởi cuối cùng của đợt hành quân.
Bộ đội nghỉ ở chân một con đê. Có đê thật, nhưng nhìn cả hai bên đê thì chẳng thấy sông đâu cả. Các bạn bảo xung quanh đây rất nhiều sông. Và sông Thương thì gần hơn cả. Trời trưa, nắng dữ dội hơn và nhìn ra xa chỉ thấy cát, đường đê đầy bụi, đồi trọc và trời xanh thăm thẳm.
Lác đác có bộ đội từ trong làng đi ra. Bọn mình sẽ vào đóng quân thay họ đây. Hỏi thăm, họ bảo: "Gần thôi!". Nhưng vẫn chưa thấy tiền trạm đâu cả. Tiền trạm luôn đứng đón cách chỗ trú quân 3km. Tức là chỗ này còn phải đi hơn 3km nữa! Sợ thật!
Đường từ đây không còn cây nữa, cây chỉ có phi lao ở xa xa phía bãi cát trắng trông nhức mắt. Nắng buổi trưa bức bối vô cùng – Có tiếng máy bay ta, ngửa cổ nhìn lên, chỉ gặp màu xanh da trời đến tận cùng. Một tí gió cũng không có, một tẹo gió cũng không có. Càng hay, có gió chắc thổi tung cát mù mịt. Lẻ tẻ, có người tụt giại phía sau - không có quyền tụt. Không có quyền rời bỏ hàng ngũ. Và vẫy gọi ở phía trước là đôi mắt âu yếm, khích lệ của người mà ta yêu quí. Như Anh: T. cố lên, cố lên tí nữa, con chim đầu đàn của Như Anh!
Lúp xúp dưới chân đồi là những mái nhà, mái rạ lèo tèo ở đây cũng có rừng bạch đàn, rậm hơn ở Tân Yên, nhưng thấp hơn và thân cong queo nom rối mắt. Xấu lắm. Ở dưới lại toàn cát, bao nhiêu là dấu chân, bao nhiêu câu chuyện ở đất này.
Mình sẽ ở đây ư, mình rời bỏ vùng đồi Tân Yên rất thơ và đến với vùng cát trắng này (nhưng không phải bãi cát rất đẹp của biển!).
Thỉnh thoảng, bắt gặp một chiếc xe vận tải quân sự nằm lăn lóc ở vệ đường, thùng xăng, đầu xe, dầu mỡ, sắt rỉ…
Bắt đầu vào làng, chỗ này là Đông Du thì phải. Dân thưa thớt và bộ đội thì đông hơn dân nhiều. Có người tính tỉ lệ 9/10. Kể thì hơi ngoa. Nhưng cũng có lý đấy. Tiểu đoàn trưởng đứng đợi dưới một gốc tre. Cán bộ của mình cũng chẳng khác gì chiến sĩ, cũng balô, cũng gạo và súng. Chỉ khác, các đồng chí đó đi thẳng người và bước vững vàng hơn lính nhiều. Cũng phải thôi, đánh Pháp rồi đánh Mỹ, bao nhiêu năm đi trên con đường lửa, con đường lớn của dân tộc.
Sao con đường dài thế, dài mãi.
Sao con đường dài thế, dài mãi. Mất hết cảm giác về vai và chân bước hoàn toàn theo cảm tính. Ai có đi bộ đội mới thông cảm với người lính chiến. Tự dưng, mình thầm cảm phục nhưng ngươi đi trước. Đáng phục lắm. “Trâu bò” không không ăn thua đâu. Chủ yếu là nghị lực, căn bản là nghị lực.
Đến ngã ba, chưa gặp giao liên, bộ đội ùn lại và cúi gập người cho balô đỡ siết vào vai. Khát quá, nhưng chỉ có nước ao. Biđông chưa được phát. Dường như cấp trên cố ý tạo ra tình huống này - “Rèn”! Chao ôi, cái chữ đáng ghét thế!
Thôi, đây rồi, tụi quỉ, tiền trạm gì mà “hậu” thế! Mãi bây giờ mới gặp. Và thế là “chỉ còn 3km”. Quên đi, cái balô ác nghiệt trên vai, cái nắng trên đầu, cái nóng, cái mệt trong người và hãy nghĩ đến cái dịu dàng, thắm thiết của đôi mắt N. Anh, của đôi vai N. Anh, của hai bàn tay thấm mát hơi xuân...
Đỉnh dốc là chỗ ở, vậy mà 2/3 quân số nằm lăn ở chân đồi, cúi mãi, cúi mãi, tưởng như muốn đi bằng cả hai tay và hai chân. Bò lên, bò lên!
Nhưng, thế còn sung sướng lắm. Thế mới chỉ là cái vất vả, cái gian khổ về cơ thể, về vật chất. Còn cái khổ hơn, cái đau đớn về tinh thần là sự thờ ơ của bà con trong xóm đồi.
Thấp thoáng trong nhà lưng chừng dốc là những cặp mắt nghi ngờ, hơi xa lạ. Ta tự hỏi: Họ là ai, có phải là bà mẹ Việt Nam từ ngàn đời thương anh bộ đội? Có phải các cháu nhỏ, các em thơ ríu rít quấn lấy tay anh? Mà sao bàng quan thế, dửng dưng thế... Ôi chao là buồn...
Họ nhìn quanh, lạnh lẽo và thụt vội vào nhà trong, cánh cửa tre hạ xuống, chó sủa ran...
Thật tệ hơn cả “cô giáo vùng cao”
Bọn mình mệt quá rồi, không đủ sức đứng dậy vào nhà nữa và nằm lăn dưới bóng tre mà nghỉ và kiếm cách vào nhà.
Không gian im ắng quá. Và chẳng thấy lũ trẻ chơi trong ngõ nhỏ. Xung quanh chỉ toàn cây, tre, chay, cây đen, cây mít. Cây um tùm như an ủi, phải, cây lá này vẫn cây lá quê hương. Nó đâu lạnh lùng với anh bộ đội...
Nghỉ chán, bọn mình chia nhau vào các gia đình vận động. Bẩn quá, bẩn quá, nhà cửa có một thứ mùi chua, mốc, mùi thời gian quá dài chưa quét dọn. Nét đặc trưng là lắm ruồi và nhiều “tàu há mồm” quá. Nhà nào ít nhất cũng năm đứa trẻ dưới 10 tuổi! Ồn ào và luộm thuộm, chứng tỏ mức độ giác ngộ của dân chưa cao lắm.
Vào nhà nào họ cũng đuổi. Lắm lý do đến thế, nào là : Đợi ông ấy về... Tệ hơn, có gia đình không thèm tiếp và trả lời: Gia đình tôi chưa có ai đi bộ đội nên không biết đối xử với các chú như thế nào!
Bọn mình không biết nói sao nữa. Ra ư, thì chỉ có bụi tre và đỉnh đồi thôi. Phải bám vào dân mà sống! Bám lấy dân.
Thế là chưa được cơm cháo gì, bụng đói, mệt, bọn mình vào nhà, giúp gia đình quét dọn, gánh nước, xe tơ. Nhà ở trên đồi nên nước hiếm hoi. Phải xuống chân dốc và ở đó có cái giếng chung của cả làng.
Vừa làm vừa trò chuyện, vừa xin vào ở một góc nhà đặt balô thôi. Mãi đến chiều họ mới cho vào nhà, cho giường chiếu hẳn hoi và giục “các chú nấu cơm ăn”.
Khi đó mới biết đơn vị trước ở đây làm mất uy tín ghê quá, toàn đánh nhau, cãi nhau, đánh cắp của nhau. 3/4 số xoong quân dụng bị mất, rồi quân trang, quân dụng mất lung tung. Tệ quá.
Bậy bạ thế thì thôi. Nhưng hậu quả lại dồn lên đầu bọn mình. Ngay đêm, đại đội họp cấp tốc trên thửa ruộng còn trơ chân rạ. Phải gấp rút khôi phục uy tín của quân đội.
Gia đình mình ở có chín người. Bác chủ nhà 55 tuổi rồi và ngày ngày vác thuyền nan đi đánh lưới trên sông. Tụi nhóc còn nhỏ, cô gái thứ hai tên là Thà, 17 tuổi, đi làm suốt ngày và ban đêm cũng chẳng về. Nhưng nếu cô ta về thì cả nhà biết ngay vì cái mồm to và liến thoắng của cô. Cái giọng chan chát nghe đến chói tai. Khổ cho anh chàng nào vớ phải cô ấy suốt đời có lẽ chẳng được nghe cô ấy thì thầm (!).
Còn tụi nhóc thì bẩn, bẩn lắm. Chân tay bọc một lớp đất đen như da cóc. Toàn uống nước lã và không bao giờ rửa tay cả. Đêm đi ngủ thì tót lên giường, sáng dậy lấy khăn mặt còn ướt của người lớn lau cuống quít và thế là mở đầu một ngày!
Mình rất không thích cái tò mò, cái ưa lục lọi của tụi nhóc ấy. Đặt balô xuống là sà đến và nắn cái nọ, sờ cái kia, chẳng ra làm sao cả. Nhất là thằng Hành, học vỡ lòng, hư lắm.
Tế bảo: “Phải rèn bọn này mới được”. Bỏ một buổi rủ chúng nó đi chơi và dặn dò: “Các chú để súng đạn trong balô, đừng đụng gì đến nó nổ”...
Thế là ổn. Còn phải vệ sinh vệ sống cho các ngài nữa chứ. Rõ khổ.
Nhưng cũng thấy thương gia đình và các cháu. Lỗi ấy đâu phải vì bố mẹ hay vì bản thân chúng. Mà vì thằng đế quốc, vì lụt lội. Vì kẻ thù của dân tộc ở bên kia bờ Thái Bình Dương...
Đêm ngủ, mình lại mơ thấy hôm ở Xuân Hoà, ngồi ăn mía với anh Cương. Anh kể chuyện về Chúa, về bà Maria. Mình hỏi rất thật thà: "Thế anh có tin rằng những điều đó là sự thật không?" Bỗng dưng, anh Cương nhíu mày, thẳng cánh ném con dao nhọn vào mặt mình... Giật thót người và tỉnh dậy, Tế gọi, mồ hôi vã ra như tắm. Mình nghĩ đến một điều: Trong công tác dân vận cần thận trọng, hết sức thận trọng. Đấy, cái gia đình mình đang sống...

30.11. 971
Cuối tháng rồi, cuối tháng... Thời gian đi nhanh quá. Mới hôm nào nhập ngũ, hôm nay đã đến 3 tháng rồi.
Đêm nay, trời sáng trăng mà lất phất mưa. Ngồi dưới ngọn đèn ba dây tù mù và suy nghĩ miên man. Sáng mai, chia tay với Tế, Châu, Hùng, Thắng, Minh - họ đi Phòng không - Không quân. Chia tay rồi, lại tiếp tục chia tay...
Đêm qua, tiễn anh Tặng trong ánh trăng bịn rịn. Người trung đội trưởng thân mến của B lặng đi trong lời thơ tiễn biệt:
“Đất nước mình rộng lắm, anh Tặng ơi,
Mới gặp nhau, nay từ biệt nhau rồi
Cầm tay nhau và hẹn ngày gặp mặt
Điếu thuốc anh đưa đốt đỏ trời…”
Ngồi bên anh rất khuya, nghe anh kể ngày về thăm quê sau 6 năm ở chiến trường. Vào 2 giờ sáng, một ngày của năm 1968, anh gõ cửa nhà chị ruột:
- Chị ơi, mở cửa cho em...
- Ai đấy?
- Em đây!
- Em là ai?
- Em là em chứ còn ai nữa! (Cười)
- Cậu Ty à?
- Không!
- Cậu Châu à?
- Không!
- Cậu Thế à?
- Không!
- Thế thì là ai? Không nói tôi kêu lên đấy!
- Ừ, chị kêu đi xem nào, em đây mà!
- Thôi, nói thật đi, em là ai?
- Em đây, Tặng đây!
Chị mở tung cửa và nhận ra ra đứa em 6 năm trời xa cách, tưởng đã chết ở chiến trường rồi. Thế là ôm choàng lấy em mà khóc…
6 năm, biết mấy đổi thay trong cuộc sống và con người. Mẹ anh yên chí rằng anh đã nằm lại ở một vùng đất xa xôi nào của miền Nam, thì anh lại về, lại về thị xã Phủ Lý giữa những ngày giặc điên cuồng bắn phá. Hạnh phúc biết bao nhiêu, và sung sướng cảm động biết bao nhiêu...
Chị đã quên tên đứa em của mình, bởi luôn tâm niệm rằng em không còn nữa... Đau đớn biết bao và càng đau đớn ngày gặp mặt càng cảm động càng hạnh phúc...
Anh lại chia tay, và đi vào chiến trường trước những người lính mới. Cuộc đời của anh đẹp đẽ xiết bao.
Anh đi rồi, ngày mai lại đến các anh lý 3 tạm biệt đơn vị sang đơn vị mới. Lại chia tay, lại chia tay...
Tạm biệt anh Châu, người bạn thân thiết của mình những ngày đầu cuộc đời bộ đội: hai đứa dắt nhau lên đồi rất cao và nhìn ra bốn phía. Gió mạnh đẩy người nghiêng ngả, mình và anh Châu nằm bên sườn nam, im gió. Dưới chân đồi là bãi bạch đàn thì thào không ngớt. Không ai muốn nói câu nào...
Mai, chúng mình xa nhau, và có lẽ chẳng biết bao giờ được gặp lại, anh Châu đang làm giở luận án tốt nghiệp của tổ chất rắn, và rời trường ra đi...
Anh nằm đây, buồn lắm và rạo rực lắm. Anh nhắc lại cho mình câu ngạn ngữ Anh: Không sức mạnh nào có thêm ngăn cản được những trái tim đầy khát vọng. Đúng như vậy đấy. Không có sức mạnh nào...
Số phận anh hơi giống mình và cũng có những niềm ao ước, chờ đợi như mình. Bạn anh, cô Phương Lan đang đi học Dệt tổng hợp ở Đức. Anh băn khoăn vì khi bạn đi anh không ra tiễn, bởi lúc đó, anh bị giữ lại do tình hình chính trị Tiệp. Anh ao ước, 6 năm sau được ra đón bạn, mặc dù lúc đó cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi, khó xử cho anh.
Nhưng, cả ao ước nho nhỏ đó, anh cũng không thực hiện được nữa rồi... Đừng thở dài, từ trên cao nhìn ra xa thấy màu tím phơi đầy trên mặt nước, trên đỉnh núi và những cánh đồng...
Mình hỏi: "Anh có yêu chị Lan không?" Anh gật đầu: “Có, mình yêu Lan, tình yêu con người và không phải là tình yêu trai gái”.
Tình yêu con người... Chắc chị Lan chưa một lần mình gặp mặt cũng là người rất say mê khoa học và một lòng phụng sự lý tưởng phục vụ nhân dân. Bởi vì, chị là người mà anh Châu đã gặp, đã yêu.
Dưới chân hai đứa là thung lũng, có bóng người cuốc đất và những cơn gió êm đềm nô đùa cùng cỏ may mọc thấp… Gió hơi lành lạnh thổi dạt áo quần, đi ngược chiều và mỗi người nhặt được một con chuồn chuồn đỏ, chắc nó chết khô vì gió. Mà cả trên ngọn đồi ấy chỉ có độc 2 con chuồn chuồn ấy, tìm mãi cũng không thấy thêm con nào. Con của mình nhỏ hơn một chút và chưa rách cánh. Thế đấy, ngọn đồi kỷ niệm cho ta. Và từ nay ngọn đồi mang tên "Đồi chuồn chuồn đỏ"...
Càng đi với anh, càng nhớ Anh... Anh ở đâu rồi nhỉ, xa nhau, nhưng có lúc nào mình không nhớ tới Anh, bạn yêu dấu nhất trên đời…
Cũng vậy, mình mong sao có một ngày đón Như Anh ở ga Hàng Cỏ, nhưng rồi có lẽ ngày đó không bao giờ đến cả. Bước chân xuống sân ga, Như Anh có nhớ tới mình hay không...
Nhìn màu xanh bất diệt của cây cỏ, và vù vù bên tai là ngọn gió ngoan cường, thấy trỗi dậy trong lòng một sức sống bất diệt trẻ trung. Tin tưởng ở tương lai tươi sáng.
2-12-1971
Tháng 12 đấy. Mới hôm nào Như Anh viết thư cho mình bắt đầu bằng: Tháng 8 đến rồi, tháng 8 kỳ diệu với bao điều hứa hẹn, nhưng lại là tháng của chia ly... Giờ đã 4 tháng đi qua...
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #17 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:33:40 am »

Thời gian trôi không bao giờ ngoảnh lại. Dĩ vãng dầy lên, nhưng tương lai thì vẫn còn vô tận. Dẫu sao cuộc sống của mình cũng bị dồn lại mỏng hơn, ngắn hơn và sự hối tiếc cũng nhiều hơn.
Mấy hôm nay chờ công tác, suốt ngày chỉ leo đồi vào nhà dân chơi và chia tay. Buồn lắm. Trưa nay Ngôn đi rồi, các bạn cũng đi nhiều, còn mình vẫn nằm dài. Tiểu đội đi non nửa, chỉ còn 7 người, phải dồn nhà ở cho tập trung.
Nếu cuộc đời nhàn rỗi thế này mãi thì buồn nhỉ, từ hôm đến đây, chỉ đi lấy gạo có một lần, còn thì toàn chơi bời. “Nhàn cư vi bất thiện”, tụi quỉ đem AK lên đồi đì đọp suốt ngày, không hiểu chúng nó lấy đạn ở đâu. Tiếng súng dội vào vách đá, nghe ì ầm rất lâu - Mặt trận còn xa lắm…
Mùa đông chưa về đến đây. Mình yêu cái chuyển tiếp giữa hai mùa này, xốn xang trong lòng nhiều kỷ niệm. Cây sầu đông chưa mở ra những mối sầu cho mình an ủi. Chùm quả chín vàng lấm tấm trên tà áo xanh của bầu trời, nhắc mình nhớ về cái ngõ hẹp vào nhà. Ao cô Tơ còn mọc trên làn nước chùm hoa lau cho tụi con trai đánh trận hay không? Mấy cây hồng bì, cây nhãn bên sân hàng xóm có còn hay không, ngày trước đấy là nơi tụi trẻ bán hàng và bày trò đám cưới; Cái dù vàng che cô dâu, chú rể, giờ tơi tả khắp bốn phương.
Kỷ niệm càng dâng lên và trào ra như nước mắt. Sáng lạnh nhiều sương, và gió táp, cây trên đồi chắc là buốt lắm, nằm nghĩ về những người thân yêu mà se thắt trái tim.
Chưa bao giờ mình xa nhà lâu như thế này, chưa bao giờ nhớ cha mẹ, anh em và bè bạn như bây giờ,... Giá như có phép màu, trở lại 1 ngày của thời thơ ấu, có đủ mọi người thân yêu,... Chao ôi, ngày đó... vĩnh viễn mất rồi.
Bọn nó trốn về nhiều, có lẽ vì không chịu được cái cảnh nhớ nhung đáng sợ này. Từ đây ra đường 18 chỉ có một khoảng đồng. Ở xa này, nhìn ôtô, xe đạp lăn từ tốn qua các thân cây mà muốn chạy vù xuống đó. Rồi Hà Nội, gia đình, đường Nguyễn Ái Quốc và phố Nguyễn Du... Bao nhiêu điều hứa hẹn còn bỏ dở, bản nhạc dừng lại ở âm da diết nhất... N. Anh, giữ ngón tay yêu dấu ấy ở phím đàn và đừng buông ra, đừng buông, nghe thấy không, N. Anh, đừng mỏi mệt...
Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn. Mất mát nhiều, nhưng cố gắng làm sao cho mình khỏi thất vọng, khỏi mất nghị lực luôn hun cháy lòng mình. Đó mới là điều quan trọng.
Hôm qua, nhận được thư Phong. Nó sắp đi chiến trường và viết cho mình cảm xúc của “người lính trước giờ ra trận". Phong chín chắn và điềm minh, tự tin. Vậy mà cũng chưa vững vàng gì cho lắm. Có điều gì hơi bàng hoàng, hơi "từ biệt" một chút. Và âm hưởng của lá thư khiến mình muốn ôm choàng lấy nó, giữ nó lại bên mình, thằng bé còn non trẻ quá...
Phong viết: "Mình rất biết ơn T., biết ơn các bạn bè thân thiết của mình. Những người bạn sống say sưa, yêu đời và luôn tiến về phía trước. Nhưng, những cái mà mình đã thu lượm được, những điều mà các bạn đem đến cho mình chưa đủ để mình tin rằng sẽ đem đến một kết quả tốt đẹp.
(...) Dẫu Sao, đây cũng là những phút cuối cùng. Bận rộn quá, mình cũng không kịp đảo về thăm nhà nữa. Mình tiếc rằng thời gian qua, bọn mình liên lạc với nhau chưa thường xuyên lắm, T. biết hơi ít về cuộc sống của mình... Rồi ngày mai, chưa biết ra sao, chỉ chắc chắn (trong cuộc chiến đấu này, tang tóc và đau thương sẽ đến với con người)” (Câu trong ngoặc bằng Nga văn).
Chiến tranh, đương nhiên là như thế. Nhận ra điều đó là dĩ nhiên thôi. Nhưng, mình nghĩ, đâu là cái chủ yếu mình phải nhìn nhận. Có lẽ đó là cái tự hào về vị trí mũi nhọn của mình, về trách nhiệm lớn lao của mình trước lịch sử và dân tộc.
Thư cho Phong, mình viết: “Còn nhớ không Phong, dạo lớp 10, Phong đọc trước lớp bài Đường chúng ta đi khiến hai đứa mình cảm động. Ở cái cành ổi đã nhẵn bóng vết tay mình, Phong với mình ao ước được sống những giờ phút như thế. Giờ phút Phong bảo con người với đất nước là một và người lính trở thành con người lý tưởng của thời đại”.
Mình gửi cùng lá thư là những đoạn Đường chúng ta đi học thuộc từ hồi đi học. Phong có nhận được không, qua Trường Sơn, qua dốc Bà Định, dốc Nguyễn Chí Thanh, qua chặng đường quyết thắng. Và trong bom đạn, Phong có trả lời câu hỏi mà cuộc sống đặt ra...
Hồi còn đi học, một nhận định còn chưa được cách mạng là "Người đi thì nhiều. Và người đến thì ít". Hãy suy nghĩ trên khía cạnh trừu tượng. Chẳng lẽ chính mình và Phong luôn ao ước được sống như vậy, nhưng ở nhưng giờ phút đó, thì suy nghĩ cá nhân lại trấn áp hết cả hay sao? Và chẳng lẽ chính Phong lại là người mà mình không tán thành cách sống và suy nghĩ thế?
Thường khi, do tác động tích cực của văn học và sách báo tuyên truyền, người ta có suy nghĩ và cảm xúc tiến bộ, khá mãnh liệt đằng khác. Nhưng ít ai kiểm tra mình xem tình cảm và suy nghĩ đó có thật là bản chất của mình hay không. Có thật nó bắt nguồn rễ sâu xa từ tận cùng cảm nghĩ, từ đáy lòng mình? Có ai tự kiểm tra mình, tự kiểm tra cảm xúc và suy nghĩ của mình, xem bản thân mình có lấy những rung cảm tốt đẹp đó làm quan niệm sống, chứ không phải làm một thứ đồ trang sức rủng roẻng?
Có lẽ chưa mấy ai, bởi vậy mới ít người... Dù sao, Phong cũng là một tâm hồn đáng quí, một người lính đáng tin cậy. Cầu mong cho bạn lớn lên trong cuộc chiến đấu đang chờ đợi, đang dữ dội.
Sắp hết năm rồi, năm 1971, cái năm đầu tiên xa cách, cái tuổi quân đầu tiên... Mình đã hết cái buổi đầu bỡ ngỡ làm quen với cuộc đời bộ đội. Mặc dù vẫn chỉ là binh nhì, nhưng mình đã là "lính cựu”. Lại sắp một đợt tuyển quân. Thế mà, hình như mình còn trẻ con lắm. Vẫn lang thang trên đồi, xuống dốc, vẫn đá cầu...
Các anh lý 3 đi Phòng không - Không quân, một số khác đi Pháo binh và một số có lẽ vào Tên lửa. Sáng qua, họ lên xe rồi, và vào giờ này, 10h20 sáng, họ đã đến nơi. Ở Bắc Giang hay ở Kiến An? Đâu mà chẳng đất nước mình...
Chính trị viên Các hỏi mình thích đi đâu. Mình chỉ thích bộ binh, đánh nhau thế mới khoái và ít bị phụ thuộc vào máy móc. Vả lại, đi bộ binh gần dân hơn, biết nhiều điều thú vị hơn.
Hôm mới đến đây thấy trên đỉnh đồi có con ngựa đá bị chôn ngập ngang cổ, cái lưng bị cắt ngang, to như con voi Bách Thảo, bọn trẻ con bảo: Đấy là ngựa Thánh Gióng, còn cả cây gậy to ném dưới chân đồi. Cái gậy to thật, bằng đá và chôn sâu dưới đất, mình ôm không xuể. Phía trước mõm ngựa có hại tảng đá lớn, người dân bảo: Đấy là gan ngựa vì con ngựa bị giết! Mình ngạc nhiên hết sức, chẳng lẽ đây là núi Sóc Sơn, nơi Thánh Gióng cưỡi ngựa bay thẳng lên trời? Vô lý lắm, và vì sao con ngựa lại bị giết?
Con ngựa đá vẫn nằm ở đấy, góc một nương sắn và lạnh lùng nhìn khách qua đường. Không ai hiểu về sự tích con ngựa đó, nguồn gốc của nó và câu chuyện nhuốm màu thần bí như ngọn gió vô hình.
3-12-1971
Vẫn như hôm qua, ngủ và chơi bời lêu lổng. Chán ngán lắm rồi, bắt đầu đi lùng trong xóm.
Hết mía lại sắn, sắn ăn chóng no, chóng chán. Ở đây chỉ có thế. Và nếu chán thì chịu, dân đi làm đồng hết cả rồi, chẳng có ai ở nhà mà nói chuyện. Quanh quẩn với cái sân phơi rơm rạ, với cái vại chỉ hai gánh nước là đầy. Ngủ chán rồi lại thức, lại nóng ruột.
Ở đây xa bưu điện và chờ hòm thư mới nên thư đi cũng không mà thư đến cũng không - Trống rỗng đến phát sợ và lo lắng cũng kinh khủng. Mọi cái đều thăm thẳm như bầu trời những tháng này.
Lại thêm ba người nữa “tút” về Hà Nội. Họ không chịu nổi tình trạng nằm đợi ghê sợ này.
Hôm qua Thịnh trốn về cùng bọn anh Châu, được ở Hà Nội 3 tiếng. Họ đến ga Hàng Cỏ lúc 2h30 chiều, được nghỉ đến 11 giờ đêm, sau đó lên tàu quân sự đi Thanh Hoá. Mình nhờ anh Hùng đến nhà Trí cho Trí biết tình hình vì không kịp viết thư, nhưng anh Hùng không kịp đến. Anh Châu không biết có đến kịp hay không! Mà cũng rất khó gặp Trí học buổi chiều.
Lê Như Thanh và Đỗ Thành xin mãi cũng được về. Thanh nó khoái lắm và vanh vách kể cho mình cuộc sống đang phát triển của thủ đô. Nó không dám đến trường vì sợ xúc động. Khỉ thật, Thanh mà cũng dễ liên tưởng như vậy nhỉ!
Thanh bảo không dám kể tình hình thật của đơn vị cho gia đình vì nó sợ gia đình không yên tâm. Toàn bốc phét nào là tập ít, ăn khỏe, sướng, vui... rồi triển vọng binh, quân chủng cao xa... Kể ra Thanh cũng không muốn nuôi ảo tưởng cho gia đình, nhưng biết làm sao được, ngay cả mình ở mức độ nào đó cũng phải làm như vậy.
Còn Thành thì khác. Anh ta tưởng bà mẹ “bôn” lắm. Thế là kể ráo. Bà ngồi yên lặng nghe đứa con trai nhỏ của mình thủ thỉ. Suốt bữa cơm bà không nói không rằng. Và khi con đi, bà òa lên khóc, đứng chắn ở cửa nhất định giữ nó ở nhà.
Thế đấy, mẹ mình chắc là không thế. Mẹ mình chưa khóc bao giờ trong những lần tiễn con đi. Mình lại nhớ câu thơ của Trần Vàng Sao, đại ý: Bao nhiêu nước mắt mẹ thấm vào vạt áo, để đường con đi không bị ướt... Mẹ mình dũng cảm lắm, biết hi sinh lắm
Mình xa Hà Nội, xa phố xá, con người, kỷ niệm… thế cũng mấy tháng rồi. Quen dần với rừng âm u của Yên Thế, những lần vào sâu trong rừng lấy gỗ. Nghìn âm thanh, vạn âm thanh... Nhưng không chút âm thanh nào giống những bờ đường bình yên của thành phố. Hôm đi xem triển lãm Vân Hồ, nhìn người, nhìn cảnh Hà Nội, thấy phong thái bình tĩnh, tự tin quá, những hàng cây vô tư lự, những vòng xe lăn. Bọn mình túm tụm dưới gốc bàng bên vỉa hè và ao ước ngày trở lại Thủ đô. Những đứa con trai, con gái của Hà Nội đi xa vẫn hướng về quả tim Tổ quốc như thế đó.
Mình không nhớ Hà Nội chung chung như thế, Hà Nội, với mình là ngôi nhà nhỏ bên cái ao nhỏ dạo này chắc là nhiều muỗi lắm. Là phố Nguyễn Du với đường cây ven hồ, ở đó có ngôi nhà 72 vừa gần gũi, vừa xa lạ, xa vời. Là đường Bà Triệu, thư viện, đường Nguyễn ái Quốc, hồ Tây... Là những kỷ niệm thấm mát tâm hồn…
Nghĩ về Hà Nội là nghĩ về N. Anh, nghĩ đến những ngày bên nhau đi trong hương đêm mùa hè, của đêm mùa thu... Ta gặp nhau làm gì nhỉ? Ta nắm tay nhau làm gì nhỉ? Ta siết chặt trong nỗi xúc động làm gì... N. Anh bé nhỏ yêu dấu đêm nay ở đâu... Thương N. Anh thật nhiều mà không biết nói sao, không biết làm sao cả. Tội nghiệp N. Anh, cứ phải buồn mãi, buồn dai dẳng... Sao không vui với bạn bè mỉm cười. Mùa xuân... đâu rồi? Đêm gần nhau nhất lại là đêm chia tay. Hạnh phúc thả những đốm sáng bay lơ lửng trên trời. Vũ trụ bao la quá mà tay N. Anh nhỏ nhắn chừng nào...
Bao nhiêu đêm nằm mơ, mình trở lại buổi tối cuối cùng, khi N. Anh dừng xe ở đằng sau và đặt nhẹ bàn tay lên vai trái. Mình ngoảnh lại... thế rồi không còn mơ được gì nữa, cứ trượt theo những đường cong mềm mại... Mai, ta xa nhau rồi, vậy mà có ai nói được với ai điều gì đâu, cứ mặc làn gió thơm mùi đồng nội vuốt ve mái tóc...
 
Như Anh
Mới đó mà ta xa nhau, thật là kinh khủng. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế. Có lẽ nào tất cả chỉ là như thế và vĩnh viễn cũng chỉ là như thế. Có lẽ nào đó là tột cùng hạnh phúc? Còn sau này chỉ là đau khổ và mòn mỏi, hối tiếc...
Phải chi đừng gặp N. Anh thì bây giờ đỡ hối hận biết bao. Dẫu có phải mất đi những tháng năm đẹp đẽ ấy cho N. Anh bình yên và hạnh phúc.
Tội lỗi đó không bao giờ mình có thể tự tha thứ cho được. Càng nghĩ nhiều càng thấy mông lung và thương N. Anh, thương cả mình nữa. Trái tim ơi, vỡ ra và đừng bao giờ rung nữa. Cho ta thảnh thơi, cho N. Anh hạnh phúc... Buồn lắm, cuộc sống riêng của mình. Càng nghĩ càng buồn, nhất là trong những ngày này.
Bao giờ mình mới thoát khỏi sự chờ đợi đáng ghét như hôm nay? Đi chiến đấu chắc say sưa và hào hứng hơn chăng?
Thông bảo mình đi hỏa lực bộ binh. Mình thích lắm. Nhanh nhanh mà đi B chứ không thì hết địch đến nơi. Nghe phong thanh trên bộ lấy lính lái xe tăng, tụi nó thích lắm. Thích gì cái con rùa thép ấy, chỉ oai ở ngoài này thôi chứ khó mà được vào trong ấy.
Đại đội trưởng Châu mới về, trẻ măng, 24 tuổi. Anh là biệt động của Quảng Ngãi. Nghe kể dạo tổng tiến công mà tiếc đứt ruột. Dạo ấy mình lớp 8 nhỉ, còn nhỏ quá.
Anh Châu vào bộ đội 7 năm rồi, năm 69 ra Bắc. Anh có đôi mắt tuyệt nhất của người con trai. Đẹp lạ lùng, vừa sắc, vừa sâu xa, vừa trong và hơi bỡ ngỡ. Khuôn mặt nhỏ nhắn, cái miệng thật hiền.
Vậy mà anh ấy đã từng đóng sĩ quan biệt động ngụy, trong thành phố. Nghe anh kể chuyện thú vị chừng nào. Anh nghe nhiều và nói ít, nói nhỏ nhẹ và thân tình.
4.12.1971
Sớm mai bọn lính xe tăng đi rồi. Lăng, N.Thanh, Thành đều đi cả. Mình vẫn chỉ theo tin vỉa hè là đi Đ.K.Z. cùng Minh và Thìn. Bọn nó sợ lắm vì phải mang vác nặng. Khoản đó mình cũng hơi chờn, gù lưng và lùn đi nhiều. Chậc, có sao. Phiền cái gì chứ cái đó thì thông qua dễ thôi.
Thìn sợ chết nhỉ, anh ta chỉ thích đi xe tăng, vừa được ở ngoài này, vừa có vỏ thép đày che đỡ. Chán ghê với nó. Không biết bao giờ mới mở mắt ra được. Như vậy, chỉ còn khoảng 27 người chưa phân công đi đâu cả. Cán bộ khung về hết rồi. Vừa nãy, chính trị viên C đến thay ô. Các. Bộ đội về nhà nhiều quá chỉ còn lèo tèo vài người. Buồn chết đi được.
Dưỡng rủ mình "tút" về nhà. Nó có lắm lý do thế. Theo anh ta thì đây thực sự là cơ hội hiếm có. Dũng cũng náo nức và muốn về ngay.
Nói chung, trong cuộc sống, nhiều lúc tình thế đặt cho mình những thử thách dữ dội trong chốc lát và âm ỉ lâu dài. Mình không muốn về nhà theo kiểu đó. Nơm nớp và tự lương tâm mình.
Mà nào xa nhà có lâu la gì, mới 2 tháng thôi chứ mấy. Tất nhiên, ai mà chẳng nhớ. Vấn đề không đơn giản như mấy cha tưởng tượng. Mình cũng muốn về mang thêm mấy cuốn sách đọc. Dạo đi đem ít sách quá, cứ sợ nặng và mất mát. Đành vậy thôi, mất cũng chịu chứ kiểu sống vắng sách thế này thì buồn lắm. Chao ôi, càng đi càng tiếc những tháng ngày ở trường, bao nhiêu sách mà chịu chết, không nuốt chửng được để bây giờ nhai lại. Giá quân đội có tủ sách lưu động, luân phiên cho lính đọc thì khoái lắm. Mặt trận cũng xa, mà hậu phương dường như không phải ở đây.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #18 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:34:16 am »

Nghe tụi về Hà Nội kể, thì ở nhà chuẩn bị một đợt tuyển quân khá lớn. Các trường đại học lại tiếp tục lấy. Nhưng có điều đáng buồn là một số sinh viên không muốn nhập ngũ lắm. Sợ chết? Ham địa vị?
Kể ra, mình có mơ ước gì cao xa đâu. Bọn nó cứ nghĩ rằng mình muốn thành nhà văn, nhà thơ nào đó. Không đâu, mình chỉ muốn sống trong nỗi lo toan của dân tộc...
Chân bước trên rơm thơm, khó ai định liệu được mình còn ao ước cuộc sống nào hơn thế nữa. Mặc dù hạnh phúc ấy mỏng manh như chính số người nhận ra cảm xúc ấy là hạnh phúc của cuộc đời.
Thỉnh thoảng mình cũng hay ao ước trở lại cuộc sống trẻ thơ. Muốn trở lại đứa lên ba, cho một bàn tay êm dịu xoa đầu âu yếm. Muốn trở về một giọt mưa nhỏ từ mái rạ vạch thành đường sáng bên cửa sổ... Muốn gặp cây chanh tím trong gió bấc... Kỷ niệm trong lành quá khiến ta muốn đầm mình trong dĩ vãng, ta muốn quay về tô đậm cho những gì tốt đẹp và xoa dịu nhưng vết thương còn rỉ máu…
“Người ta không sống bằng kỷ niệm”... Chỉ nên để kỷ niệm thoáng qua, đánh thức trong ý nghĩ lòng ham muốn sống say sưa ở hôm nay và xây dựng toà lâu đài kỳ vĩ cho hôm mai...
Song đã mấy ai thế. Dẫu hôm qua sống thờ ơ và bình thản, thời gian trôi, khoác lên quá khứ tấm long bào, khiến nó trở nên rực rỡ. Con người vẫn bị đánh lừa và thương tiếc những gì đã mất đi.
Phải, thời gian trôi, không bao giờ ngoảnh lại và những gì mất đi không bao giờ người ta còn có. Nhưng thời gian vẫn còn thừa thãi, còn rơi vãi trong tay những người đang than thở. (Có con ruồi vừa đi dọc trang giấy này...).
Những người hay sống trong vị mật của quá khứ thường hoang mang trước bước ngoặt của cuộc đời.
Người ta không nhận ra, việc từ bỏ con đường thẳng trước mặt, rẽ về bên trái, bên phải hay lùi lại một chặng, tìm con đường khác là tránh một rặng Chômôlungma quanh năm tuyết phủ... Người ta chỉ muốn, mãi mãi sống trong êm đềm, có dạo chơi, có mặt hồ lăn tăn, đủ nước cho con thuyền trôi nổi... Muốn nhắm nghiền mắt lại, để tận hưởng cái thi vị điên cuồng và quên đi màu máu đỏ...
Trong cuộc đời này, đâu đã hết bất công. Xã hội ta đâu hết những kẻ dựa vào quyền thế, muốn dành một chỗ yên lành trong cuộc sống. Ta khinh bỉ, nguyền rủa và suốt đời sẽ đập tan tành cái mưu đồ đen tối ấy. Cho ngày mai, chỉ còn những tâm hồn trong như ngọc, dẫu không tròn và nhẵn nhụi như xưa.
Mấy hôm nay, mình nghe lải nhải mấy chàng nghiện ngập rên rỉ: “Đời là giấc mơ..." Là giấc mơ, nên cuộc đời thoáng qua như một bóng mây mờ, u ám. Không âm hưởng, không hương vị. Một đám mây tơi tả, không tâm hồn; Đám mây rách như giấc mơ đen, như cuộc đời của chung người đòi hưởng thụ.
Đời là lao động và mơ ước. Mình nhớ câu thơ
“Lao động đuổi theo mơ ước
Năm lại tiếp năm
Cuộc sống tăng lên tốc độ vạn lần”
Bài thơ ấy thầy giáo làm trong một năm đón giao thừa khi mình còn nhỏ. Ai ngờ lại có ngày, có lúc lung lên ở đây, xua cho mình khỏi làn khí độc.
Cảm ơn tất cả những mái trường đã ôm ấp lấy ta. Cảm ơn ngọn đèn dầu theo ta đi suốt những năm đánh Mỹ. Cảm ơn cuộc đời.
“Tương lai không hứa trước điều gì may mắn cả...” Như Anh không hiểu có còn nhớ câu đó hay không. Riêng mình, mình luôn ghi nhớ. Ngày mai ra trận, dễ một đi không trở lại lắm. Đôi khi, đứng trước cái chết người ta dám nhìn thẳng mặt, nhưng ở xa mà ngó thì chưa chắc đâu, còn suy tính thiệt hơn. Vả lại, ngày mai có biết bao điều thay đổi, hay có, dở có…
Mình nhớ, dạo họp bên Xuân Đỉnh, ghi được một câu của đồng chí Lê Duẩn: "Thanh niên phải tắm mình trong ánh hào quang rực rỡ của tương lai”.
Như vậy đấy, tương lai đang rộng cửa cho mọi người, rực rỡ biết bao và đẹp đẽ biết bao. Song, con đường tới ngày mai tươi sáng ấy đâu có dễ dàng, giản dị. Và có bao nhiêu người nằm xuống trong đêm mà không được nhìn một chút ánh sáng của cuộc đời. Chỉ là viễn cảnh. Nhưng viễn cảnh có thực của ngày mai.
Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này. Có thể tự hào một chút chứ nhỉ. Song, vấn đề là phải tự nâng cao trình độ để cống hiến được nhiều và đẹp đẽ hơn…
7-12-1971
... Không ai phút này cảm thấy cô đơn
Nhưng da diết vẫn gợi về Hà Nội!
Phố nhỏ se se đang mùa gió nổi
Có chút gì xúc động mãi theo đi...
Bằng Việt nhỉ, ừ, Bằng Việt, trong một Mùa xuân xa Hà Nội. Nhưng bây giờ lại đang là mùa đông. Lẽ ra đang lạnh. Vậy mà chưa. Năm nay rét muộn nên rét dữ. Không biết bao giờ mới như Trường Phước Mãi hôm nay mới thực đông về...
Cuộc đời bộ đội xoay như chong chóng. Bây giờ thì rối mù rồi, không còn biết ra sao nữa. Lại nằm đây nghe luỹ tre vặn mình trong gió mạnh, những khẩu súng nằm thật im ở cuối giường. Giây phút này thực cô đơn, thật lẻ loi. Lẻ loi trên cái nền âm thanh của ngày trở gió.
Mãi sớm nay, bọn lính tăng mới đi. Lăng đi rồi, lúc 5 giờ sáng. Bọn mình mệt còn nằm ngủ, nó không gọi và để lại mảnh giấy nhỏ. Chia tay, giản dị và thân mến quá...
Ngày mai, có lẽ một nửa đi E4. Thế là tiểu đội chỉ còn 3 đứa. “Mình có 3 người, 3 đứa sống 3 nơi... ". Ôi, bài hát ấy… Chúng nó đi, và có nhớ chút nào đến 3 tháng qua, đến tháng ngày đầu bộ đội. Đêm nay rét đây và chắc là khó ngủ. Mỗi người một thế giới trong đêm...
Hôm 5-12, được về qua Hà Nội mấy tiếng đồng hồ, mới cảm thấy hết hạnh phúc đơn sơ mà ngày thường không để ý.
Phố Nguyễn Du, phố Bà Triệu, ngôi nhà 72 và 57, cửa vẫn đóng và mãi đóng.
Nhìn rõ hơn con đường dẫn vào nhà. Cây nhãn. Ô cửa hình bát giác đều. Hành lang, mái ngói...
Không có ai cả...
Hà Nội thật rồi, chứ không phải giấc mơ. không phải là ảo tưởng...
Nhưng...
Họ lớn quá, lớn nhanh quá. Không gặp bạn trai mà chỉ toàn bạn gái. Xe xuống dốc, và qua khúc đường ngoặt, đi chậm lại cho họ vượt lên.
Xa lạ xa lạ... mà không xa vời. Họ thay đổi nhiều quá, mình thay đổi nhiều quá. Không muốn gọi nữa rồi, ôi, cái màu trắng vô tư và yên ổn ấy!
Không muốn gặp con người. Bởi con người ấy không phải là người muốn gặp. Chỉ muốn tìm vết chân người yêu dấu trên vỉa hè và dưới gốc cây.
Những người đi đường kia, có ai giống mình hay không, đi tìm ngày qua trên những nẻo đường và ô cửa Thủ đô? Có phải kìm giữ lòng mình, và có ai cô độc như mình hay không?
Trường Tổng hợp như hẹp hơn hôm qua, ít gặp người quen thuộc. Dừng lại dưới chân cầu thang. bùi ngùi và buồn vô hạn... Tất cả như vụt đứng dậy? Vụt ào ra, ôi, kỷ niệm... Và đậm đà là bóng dáng Như Anh, hôm qua, hôm qua, đứng gõ cửa thật nhẹ...
Vụt ào ra, như cửa sông, thời sinh viên say mê, hồ hởi... Giật mình, sờ lên vai áo, cổ áo. Cuộc sống vẫn như xưa, ồn ào, nghịch ngợm. Nhà cửa vẫn bẩn, và ngọn đèn vẫn trải vô vàn đường sáng. Thêm mấy cặp kính trắng, và giáo trình thì khác nhiều rồi. Đang học chuỗi Phuariê.
Dắt Hải đi chơi, một lát, chia tay ở gốc cây thứ ba, nơi nửa năm trước, ngày 30.5, chia tay Như Anh… :Hải có biết tại sao mình chia tay với Hải ở đây không? Ở gốc cây thứ 3 này, mình đã chia tay với bạn thân yêu nhất của mình…” - Chỗ ấy, cái miếu nhỏ, ngã tư, Văn Miếu...
Lại đi trên đường Nguyễn Ái Quốc. Thú vị vô cùng, chỉ thiếu Như Anh. Nhưng, không sao cả. ”hạnh phúc bắt đầu từ chỗ biết xa nhau”…
Tự trách mình, lẩm cẩm quá, toàn than thở và hối tiếc những gì đã đi qua. Hỏng lắm. Không được thế nữa.
Quả thật, về nhà, ở bên bố mẹ, gia đình sao thanh thản cháu Hằng vừa ốm dậy, cứ chăm chắm nhìn mình và không nói một câu nào, cả cho đến lúc mình đi. Suốt đêm không ngủ, không muốn ngủ tí nào. Nằm nhìn đỉnh màn và nghe tiếng thở của gia đình. Tự dưng, thấy mình lớn lên nhiều. Tưởng chừng có thể che chở cho cả gia đình.
Bố mẹ yếu đi nhiều, gầy đi nhiều. Nhà cửa bề bộn lắm. Bao nhiêu điều phức tạp giày vò bố mẹ mình. Không thanh thản như mọi người, không sung sướng và nhàn hạ như bố mẹ người. Vì sao? Vì sao?
Câu hỏi trả lời dễ và khó. Song ta biết cách trả lời.
Cái ô tô lăn bánh qua cầu Long Biên. Lại xa Hà Nội. Sông Hồng ơi, sông Hồng...
“Bè nứa phơi trên cát bãi sông Hồng
Nơi tuổi nhỏ ta đi câu cá
Những chiếc xà lan ngày ấy nông nổi quá
Nay trầm tĩnh ngược sông chở đá chữa cầu…”
Qua cửa kính mờ bụi, ta bối rối chào dòng sông đỏ và nhẩm đọc vần thơ Lưu Quang Vũ. Thế là lại xa Hà Nội, lại xa Thủ đô và biết đến bao giờ ?
Tạm biệt ngôi nhà, tạm biệt con người, đường phố và những dòng cây xanh chảy trên vỉa hè thành phố. Tạm biệt đôi mắt đen ở chân trời.
Định gửi một lá thư giữa Thủ đô cho Như Anh. Nhưng lại không gửi được và không muốn gửi. Hãy tin tưởng, đó là điều chủ yếu và quyết định. Cần gì phải viết nhiều thư, khi ta đã hiểu nhau thực sự? Muốn chiều Như Anh thật nhiều bởi thương nhớ lắm, nhưng cũng muốn Như Anh vượt qua được cái khủng khiếp của thời gian và xa cách.
Vả lại Như Anh còn phải học. Băn khoăn quá, Như Anh học hành ra sao, có giỏi hay chỉ nhàng nhàng. Dẫu thế nào, cũng ảnh hưởng. Kinh nghiệm của bản thân mình năm qua đấy. Viết thư, mất ít thời gian thôi, còn lo lắng và nhớ nhung, mong đợi mới chi phối nhiều.
Ngẫm nghĩ lại, thấy kết quả của Như Anh cuối lớp 10 không bằng những năm trước. Có lẽ tại mình thôi. Sao mà vô duyên thế và có chút gì dã man. Vì cá nhân mình mà làm cả Như Anh cũng khổ. Có lúc nào Như Anh tự trách và trách mình hay không?
Không có thư mình, chắc Như Anh sẽ nghĩ ngợi, buồn và nghi ngờ. Biết làm sao, Như Anh làm quen nhé, đừng vội trách, ta vẫn dành trọn vẹn trái tim mình cho Anh. Không có gì thay đổi cả, dẫu ở nơi ấy, có nhiều thay đổi. Từ nay, ta mãi như hôm qua, mãi nhớ thương và gìn giữ hình ảnh trong sáng của Như Anh trong tâm hồn. Không còn ai có thể bằng được một phần nhỏ những điều đẹp đẽ mà ta tìm thấy ở Như Anh.

8.12.1971
Cho tới hôm nay thì còn 3 đứa: Thình, Đ. Minh và mình. Sợ quá, có cảm giác bị bỏ rơi. Cảm giác thôi, nhưng rõ ràng không tốt. Một nhóm sáng nay đi do BỘ điều động đến các Binh chủng khác. Còn tụi mình, sư đoàn cứ giữ, cũng chẳng sao cả. Đâu mà chẳng bộ đội Cụ Hồ!
Nhưng không khỏi xuýt xoa, tụi nó “sang” quá. Mang danh lính của Bộ, “oai” ghê!
Mình vẫn chưa đi đâu cả. Mà tình trạng ăn đợi nằm chờ thế này thì ngán lắm. Suốtngày chỉ ra lại vào, thở ngắn than dài. Chim sẻ, chim sẻ, con chim không đi tránh rét nhỉ, về đậu đầy trên luỹ tre trước ngõ và kêu ríu rít suốt ngày. Nghe rối cả ruột.
Đường 18 vắng hơn cả đường phố vắng nhất của Hà Nội. Mình đi với Thìn, nghênh ngang giữa lòng đường, thấy cây chạy đến thật xa, cuối con đường. Chỗ ấy mờ mịt và thật mông lung.
Con đường, đưa anh đi đâu? Con đường đưa anh về đâu?
Có quán hàng nhỏ mấp mé đường. Ờ, cũng một cuộc đời, chứ sao? Buồn, chán, bạn nhỉ?
Rất lạ, mùa đông vẫn có nhiều cò trắng. Con cò trắng vỗ cánh trên khoảng đồng mênh mông, vừa cày vỡ. Màu xanh của mạ non, màu trắng sáng của nước, màu đất phù sa nữa... Nom lạ lắm. Sao mình lại ở đây, lại đứng đây? Chờ gì? Đợi gì?
Không muốn nói một lời nào, kiểu tụi trẻ đeo cặp sách tới trường. Biết thời gian trôi đi mà chịu chết! Ba năm... sáu năm...
Đêm qua, nghe phổ biến, tình hình có nhiều biến chuyển có lợi cho ta. Còn lâu mình mới được đi chiến đấu. Phải học tập và rèn luyện nhiều. Vả lại, sinh viên họ cũng chưa chịu cho đi chiến trường ngay. Lại càng thêm chán.
Bọn đi xe tăng lại càng ngán. Phải học tù 3 - 7 năm trên Tam Đảo. Khi đó, chắc hết Mỹ rồi còn gì? Còn đánh đấm đá gì nữa.
Phải tỉnh bơ đi mới được, càng nghĩ càng cảm thấy phiền lòng.
Hôm nay, đọc được bài thơ hay, một nhà thơ trẻ Liên Xô, có nhiều tứ sáng tạo, táo bạo...
“Con người thường đi thẳng đứng
Nhưng có người lại thích bay nghiêng…”
13.12.1971
Buổi trưa...
Nằm mà không ngủ được. Hơi mệt mỏi, mắt cứ díu lại. Đã lơ mơ một lúc, chợt choàng dậy. Có lẽ bởi tiếng kẽo kẹt của cái võng...
Bao nhiêu buổi, bao nhiêu giờ khắc tỉnh dậy như thế rồi? Mỗi lần tỉnh dậy, giật mình và cảm thấy bàng hoàng... Thạc ư? Thạc mà như thế ư?
Hôm nay thì nhớ Châu. Thật lạ, dạo ở trường, suốt 3 năm cấm có thèm nhìn mặt nó. Thế mà bây giờ lại nhớ. Nhớ và cảm thấy lo lắng vô cùng.
Mình đã và sẽ làm gì? Cho mãi tới bây giờ vẫn chưa ra hồn vía gì cả. Các bạn bè của mình, phút này ở đâu, đang nghĩ gì và đang làm gì? Cuộc đời họ thật thẳng băng và dễ dàng đạt tới mục đích. Riêng mình thì sao lắm khó khăn thế! Chẳng thể nào hết được nỗi buồn. “Nỗi buồn như râu tóc. Cạo hết rồi lại mọc". Có lẽ nào như thế. Nhưng, sự thể là như thế vậy.
Toàn ngủ thật vô tư. Giờ này có lẽ nhiều người vô tư như thế. Và có ai như mình hay
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #19 vào lúc: 01 Tháng Mười Một, 2009, 04:35:16 am »

không? Ngày tháng trôi đi nhanh quá, mà bản thân mình vẫn quanh quẩn trong cái thất vọng, trong chờ đợi và mong ước hão huyền.
Hai hôm nay, nhận công tác mới. Nghe Đạt nói thì máy vô tuyến 2W nặng 20kg, liên lạc trong R=25km. Thú vị nhưng đi chiến đấu dễ bị phát hiện lắm. Sáng qua học chính trị về tình hình và nhiệm vụ mới. Lại thảo luận 13 giờ nữa. Ngồi tiếc đứt cả ruột, giá cho về nhà đọc sách lại khoan khoái hơn và có chất lượng hơn.
Ngồi họp mà cứ nơm nớp cái áo phơi ở nhà. Lạy chúa, đừng mọc cánh". Cũng không hiểu sao dân hay lính nữa. Toàn mất tiệt cả ba lô rồi.
Tội nghiệp, dân ở đây cũng khổ. Nheo nhóc đến thế thì cũng hiếm. Nhà nào nhà ấy vách hở lung tung. Tụi trẻ bẩn thỉu và mãi tối mịt mới ăn cơm chiều.
Bà cụ sống trong ngôi nhà mình ở mới khổ. Con trai bỏ vợ đi bộ đội, để cho bà nuôi đứa cháu lên 6 tuổi. Bà già lắm rồi, buổi sáng cặm cụi làm bánh sắn mang bán. Đứa cháu gái lần hồi nhặt lá mít về gói bánh. Cái lá nào cũng đầy bụi. Nhà cửa trống hoang trống huếch, có ít gộc tre để đun cũng bị lấy cắp dần. Sao có kẻ vô lương tâm đến thế!
Cuộc sống của đất nước còn lam lũ lắm. Đầu tắt mặt tối mà nào có đủ miếng ăn. Rồi mất cắp. Rồi đánh chửi nhau. Rồi thiên tai, địch hoạ. Cơm độn ngô rồi còn độn sắn. vậy mà những chiếc lá tre kia vẫn dịu dàng, vẫn đưa vào cõi êm ả của tâm hồn. Thật lạ biết bao!
14 . 12 . 1971
Tâm hồn con người thật kỳ lạ. Hay đúng hơn, tâm hồn mình thật kỳ lạ. Sao có người lại "vỉa hè" như thế được!
Tự dưng mình lại nhớ K. Tâm - Bây giờ chắc Tâm nó học được nhiều rồi. Và chắc cũng có nhiều thay đổi. Cuộc sống có khi nào ngưng lại, nhất là với tuổi trẻ. Nhanh quá, mới hôm nào đi học, mới hôm nào ngồi trong cái lớp mái rạ, bây giờ đã ở đây. Rồi ngày mai nữa, sẽ ra sao?
Thực ra Tâm cũng là bạn tốt và hiếm có. Rất ít người con gái khiến người ta vừa mến vừa phải kính trọng. Thầy Đản đã nói với mình như vậy khi nhắc đến Tâm. Nhớ bạn- nhớ trường... Các học trò của Yên Hoà B giờ mỗi người mỗi ngả. Và phút này, ai buồn, ai vui?
Riêng mình, nao nao nhớ - Hơi buồn một chút - Mà lạ thật, nhớ ai mình cũng chỉ nhớ nét cười của họ. Ai cũng có điệu cười thoải mái và dễ dàng.
Lâm bây giờ ở thành phố quái quỉ nào rồi nhỉ? Rồi “chị” Phương, "Châu Phương Đùng"... Ôi, tụi nó… Nhớ làm quái gì nhỉ? Xấu hổ không kìa, đừng vớ vẩn nữa.
Đọc lại "Thép đã tôi… " - Đêm qua dừng lại đúng ở công viên Thương Mại - Paven và Tônhia sắp vĩnh biệt nhau rồi. "Anh trước hết là người của Đảng - sau đó mới là người của em và những người thân khác”
“Em có gan yêu một công nhân, nhưng lại không có gan yêu một lý tưởng”...
Và sau cùng, Paven không nói nữa.
Cuộc đời tất nhiên sẽ là như thế. Nhìn mớ tóc bồng màu hạt dẻ của Tônhia, Paven thấy ái ngại vô hạn anh chưa hết tình yêu người bạn thời thơ ấu, nhưng bây giờ, Paven "không còn là cậu bé Pavơlusa ngày ấy nữa"...
Anh không yêu một lần. Tình yêu đầy thi vị của buổi thiếu thời chỉ mới là "nhập môn" thôi sao?
Thật đáng buồn. Nhưng sao hai người chia tay nhau chóng vánh đến như vậy? Chỉ mấy ngày thôi.
Có nhiều lúc mình thấy chán những "trò đời" như thế. Hồi mới đọc Axtơrốpski, rất thú vị với anh bạn Paven và Tônhia. Nhưng bây giờ thấy nó cũng bình thường và có chút gì hơi mòn, cũ. Không lẽ mình đã già cỗi đến như vậy?
Vả lại đọc nhiều lần nên cũng mất nhiều hứng thú. Mình thấy ngòi bút của Axtơrốpski và A. Đức có gì giống nhau trong khía cạnh biểu hiện tình cảm. Bô rít Pôlêvôi riêng biệt hơn, và độc đáo hơn chăng.
Mêrétxép và Paven... Những người đầy nghị lực và có thể nói được họ đã đi tới mục đích của đời mình!
Đôi lúc mình có cảm giác tội lỗi rằng mình đi bộ đội là tạm thời thôi. Hình như xa nhà chỉ vài ngày và không lâu nữa lại trở về Hà Nội. Lại tàu dừa và cái chợ ồn ào, buổi sớm, buổi chiều gặp bố mẹ và các em.
Chỉ thoáng một tí cảm giác về ngày ra trận. Mình sẽ làm những gì trong những ngày không bình thường ấy? Thật ghê sợ khi phải vĩnh viễn xa gia đình.
Kể ra, bây giờ mà chết thì thật đáng tiếc. Những ngày còn bé, những lúc đi học chẳng bao giờ phải phiền toái đến chuyện đó cả, chỉ miên man với tương lai anh sẽ làm gì và sống ra sao. Nhưng bây giờ, những ý nghĩ đó mọc ra.
Khó gì đâu - cái chết - chỉ một viên đạn lạc hay một hơi bom. Sự thật bi đát đó không trừ một ai cả.
17.12.1971
Mưa đêm. Cũng không còn biết mưa đông hay mưa xuân nữa. Năm nay rét muộn và rét không dữ lắm. Rét sơ sơ rồi lại ấm dần lên. Con người và thiên nhiên.
18.12.1971
Tụi trẻ đi cổ động. Không thấy thầy giáo nào cả, chỉ toàn cô giáo. Những cánh chim đỏ bay trong gió chiều.
Mình ngạc nhiên khi nhìn con đường mòn lên đồi đá. Màu tím, màu lam và mờ mờ sương. Bầu trời giống như không trên sân khấu. Mọi cái đều chỉ như làm bằng giấy, nếu như bọn trẻ không đánh trống hò reo trên đó.
Nhiều lúc mình ngạc nhiên và không thể nào tin được những đứa bé rất ngây thơ và nghịch ngợm kia lại có lúc cao lớn bằng mình - Lại mọc râu và chống gậy và cũng khó mà tin rằng mình cũng có những phút giây như thế - Mọi cái trôi nhanh.
Mai là 19.12 rồi, ngày toàn quốc kháng chiến. Năm ngoái, buổi chiều như thế này, mình đang trên gác 4 nghe thầy giáo giảng. Năm nay, đang trên đồi và nghe cuộc đời mở mắt. Thật không thể nào định liệu được ra sao nữa - 18.12.1971 thì thế... 18.12.1972 sẽ ra sao?
Lúc đó có còn được ngồi mà viết thảnh thơi như bây giờ không? Mọi cái đều không lường trước được. Paven khi nghe bản nhạc này “Ơ này! Quả táo" rạo rực đến nhảy lên mà khiêu vũ. Anh cũng không ngờ đó là lần khiêu vũ cuối cùng của cuộc đời mình.
3 giờ sáng. Trời mưa nên tỉnh giấc. Cơn mưa rất lạ, ít hạt và lốc đốc trên mái ngói. Mình cứ nghĩ đến cái gì đó đang nảy mầm. Thôi được, đồng ý gọi cơn mưa này là mưa xuân.
Lúc nãy hơi mưa mát mát, bây giờ lạnh. Hôm nay viết thế thôi. Luỹ tre vẫn vặn mình không ngớt, cái luỹ tre thân thuộc mà P. ao ước... Không nhớ cụ thể dáng người P. được Mọi cái đều thấp thoáng mờ ảo - Lúc này, P. làm gì nhỉ lúc này, lúc này...
20.12
Ngày thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Mặt trận của mình chứ còn của ai nữa. Mai, là giải phóng quân rồi chứ tưởng à. Cũng không ngờ như bao chuyện không ngờ khác. Hôm nay, tất cả mọi người đều phải đeo quân hàm, chờ đón 22.12 mà.
Đi ra đi vào đều gặp màu đỏ, đều gặp những ngôi ngần làm xong nhà bếp. Sắp quen với rui, với mè rồi. Cái đục, cái chàng, cưa... Buồn cười nhỉ, ai lại lấy những cái tên ấy.
21.12
Anh con trai nhà bên sắp đi bộ đội. Sớm mai sẽ đi thì phải. Bạn bè đến chơi đông và chắc là bồn chồn lắm. Chà, có gì mà phải tiễn. Tôi là lính cũ rồi, đi bộ đội bình thường thôi - giản dị mà lên đường và khiêm nhường khi trở lại.
22.12
Ngày thành lập quân đội. Được nghỉ cả ngày. Hùng rủ mình đi Phố Mới chơi. Có hơi thở của Tết rồi. Quân đội mình 27 tuổi. Vậy thì 22-12-74 sẽ tròn 30 tuổi. Lúc ấy, mình sẽ ra sao?
Buổi chiều định rủ Năm đi Phả Lại. Mình thật yêu dòng sông - Vừa hùng vĩ vừa êm dịu.
Mấy tân binh được người quen đi tiễn có vẻ sung sướng lắm. "Khi đi thì vui, khi nghĩ lại bùi ngùi"? Nhưng chỉ đi được đến Đông Du là "gục" hết. Khóc không trùi một ai. Hôm mình đi, nào có khác gì. Buồn cười nhỉ.
5.23.12.71
Bắt đầu mở P.105. Máy Liên Xô kiểu 1954. Không có gì phức tạp cả. Hai đài đáy liên lạc rất đẹp với nhau, còn đài trưởng mạng chịu chết! Anh Lộc hẹn liên lạc từ 21 giờ đến 21 giờ 30.
Mình cảm thấy trong liên lạc vô tuyến, sự tôn trọng kỷ luật là điều rất quan trọng. Dải tần xê xích là hỏng ngay, ồn và rất khó bắt được liên lạc với đài bạn.
Bên ưu tiên 2 có vẻ đông đúc hơn mình. Họ nói ồn ào vào trong máy và rất thú vị, đến nỗi hát tướng lên. Bài gì không nhớ, hình như một bài có "hoa đào" thì phải, dĩ nhiên là "ướt nhèm"...
Mải tìm sóng, mãi không thấy 1825 – Mò sang nhà mấy gã đã lăn quay ra ngủ, thật tệ. Nhưng máy vẫn bắt được sóng của một đài lạ - Côlycốp chỉ phát sóng ra 5km. Đài kia hỏi: Anh đã mượn được xe chưa?
Đồng hồ chỉ 22 giờ kém vài phút thôi. Con nhà thông tin có mặt suốt đêm nay
Hôm nay Năm ốm rồi. Vạ vật mãi, chịu sao nổi. Không ăn uống được gì cả. Li bì suốt. Sơn từ máy 4950 gọi Năm ríu rít. Nhưng nó nhức đầu quá, không thể trả lời được.
Mình bị đau tai, do liên hợp nghe, nói ép vào. Nghe nói đi vô tuyến có 2 thứ bệnh: Viêm họng và đau tai.
6.24.12.71
Gấp cuốn sách vào và suy nghĩ về Paven. Những trang cuối của tiểu thuyết để lại cho mình nhiều chấn động mạnh hơn cả. Mình chú ý nhiều đến bức ảnh Paven ngồi như một ông già, nhưng sôi sục ngọn lửa sống. Lúc ấy bến bờ biến và ánh nắng đã nhạt dần...
Cái gì nấp đằng sau con người ấy? Cái gì làm nên nghị lực phi thường và dễ hiểu của Paven? Thật dễ hiểu.
Sao Paven có niềm khao khát trở về đội ngũ như thế. Cuộc sống dồn anh vào góc tường và cánh tay thần chết đã lần đến cổ anh. Nhưng, anh vùng ra, vùng ra và trở về với ánh sáng mặt trời. Kiêu hãnh thay, người cộng sản Xô Viết ấy.
Dạo ấy Paven mới 24 tuổi. Ba năm của thời 20, anh đã sống say sưa, sống gấp gáp và mạnh mẽ. Cưỡi trên lưng con ngựa cụt tai trong lữ đoàn Buđionrú anh đã đi khắp miền đất nước. Cuộc sống của anh là một dòng mùa xuân bất tận giữa cuộc đời. Đó là cuộc sống của người Đảng viên trẻ tuổi, cuộc sống của một chiến sĩ hồng quân.
Mình thèm khát được sống như thế. Sống trọn vẹn cuộc đời mình cho Đảng, cho giai cấp. Sống vững vàng trước những cơn bão táp của cách mạng và của cuộc đời riêng.
Hôm nay, lần đầu tiên trong đời mình cảm thấy hổ thẹn với mọi người, hổ thẹn với Paven, Pavơlusa thân yêu. Mình chưa phải là một đảng viên!
Buổi chiều, đang họp A, anh Lộc gọi ra sân và hỏi mình có giấy cảm tình Đảng không. Lúc đó, chỉ hơi thoáng qua một ý nghĩ còn mờ nhạt. Sao mình tới giờ vẫn chưa thấy gần gũi với Đảng của Bác Hồ? Anh Lộc bỏ đi khi mình lắc đầu. Mình như có lỗi gì đó, cái lỗi rất lớn mà bấy lâu mình không biết.
Đảng viên. Một người Đảng viên. Paven là một người chân chính, một Đảng viên chân chính. Dĩ nhiên rồi, đó phải là người con của giai cấp, suốt đời trung thành với Đảng, và cống hiến cả đời mình cho cách mạng. Mà mình, dường như vẫn còn nhỏ lắm, trẻ con lắm, chưa là người lớn đâu Mình còn cá nhân lắm, nhỏ nhen và ti tiện. So bì thiệt hơn, đòi hỏi bao nhiêu thứ. Cuộc sống của mình không bằng 1% cuộc sống của Paven.
Còn lý lịch nữa. Lý lịch phải trong sạch, mình không biết có sao không - Dù sao, đó chỉ là điểm rất nhỏ - Cái cơ bản là mình có thật sự sống và làm việc như một Đảng viên chân chính hay không?
Sao trước kia mình không hề lúc nào nghĩ đến điều đó cả? Có phải vì mình thấy Đảng quá cao siêu và mình không thể nào với tới? Có phải vì mình kém nghị lực chiến đấu; kém tinh thần vươn lên và cam chịu sống cuộc đời riêng biệt, tẻ nhạt với những rung động êm đềm? Có phải vì mình thấy trước được những trở ngại không thể nào vượt qua được mà cảm thấy phiền lòng? Cảm thấy nhụt dần hứng thú hoạt động tập thể mà tuổi nhỏ rất nhiệt tình tham gia.
Anh Thoả hỏi nịnh trước kia có tham gia công tác Đoàn gì không? Mình lắc đầu, đoàn viên thường thôi – Dĩ nhiên có nhiều lý do, nhưng một phần do sự lười công tác.
Mình đổ đốn như vậy nữa đấy. Đổ đốn đến như thế nữa!
7.25.12.71
Bữa họp tiểu đội. Nội dung chủ yếu: Giới thiệu gia đình và bản thân. Mình không muốn kể một điều gì cả. Các bạn dẫu có khổ, dẫu có vất vả, nhưng không ai có một hoàn cảnh như mình.
Các bạn hỏi về người bạn thân nhất của mình. Vẫn lắc đầu và chắc sẽ còn lắc đầu mãi mãi. Mình không muốn kể cho ai, nhất là cái tập thể đông đúc này những dòng tâm tình của hàng cây bên đường Nguyễn ái Quốc. Cho tới giờ đây, nhiều lúc vẫn ngỡ ngàng, như trên đầu một đám mây vội vã, mình vẫn chưa hẳn tin những ngày qua là có thật.
Lạ lắm, phải không P.? Và cả mình nữa, vẫn lạ lùng. P. có biết rằng mình yêu P. không?
Tội lỗi? Một tội lỗi? Mong P. đừng biết và chóng tìm thấy hạnh phúc của đời mình.
Nô-en đấy. Vùng đất không có nhà thờ nào cả.
Tối qua nhà thờ lớn chắc rung chuông dữ lắm. Và cả Đại Xuân nữa.
28. 12.1971
Lại bỏ nhật ký mất mấy ngày. Bận nhiều và chẳng lúc nào được rỗi rãi nữa. Vừa báo động hành quân lúc 9h30, sắp đi ngủ. Đeo máy đằng sau và ba lô đằng trước, như lính nhảy dù! Trung đoàn trưởng hôm 26.12 kiểm tra đơn vị, chưa sẵn sàng chiến đấu lắm. Lại rèn, lại rèn. Thế mới tốt mặc dù hơi khổ đấy.
Suốt mấy hôm tập trên máy, khá căng, tai mình hơi ù và cũng thấy sức khoẻ giảm xuống - Buổi sớm dậy không được nghĩ ngợi nhiều nữa và phải tập thể dục luôn. Đang đọc “Hải âu” của Biuriucốp, nhưng rời rạc lắm vì không có thời gian.
Mình luôn nhớ Như Anh. Cảm xúc ấy trở đi trở lại và luôn luôn mới mẻ, luôn khiến mình phải bàng hoàng. Đã khá lâu rồi chưa thấy thư Như Anh, và cũng rất lâu chưa nhận được thư của ai cả. Hơi rảnh trong chuyện đó, nhưng nó lại đem đến một sự lẻ loi, cô độc mơ hồ nào đó. Không sao cả.
Tự dưng, mỗi người lính đều nghĩ đến anh hùng Nguyễn Chơn. Người chiến sĩ cộng sản triệt để - Người sư trưởng dũng mãnh của sư 304. Phải sống như thế và rèn luyện như thế.
Gió bấc đã về, và da dẻ đã nhăn nhúm lại. Có một câu thơ khi đón cơn gió ấy về...
Logged

Trang: « 1 2 3 4 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM