Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:26:51 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý thuyết quân sự Trung Hoa  (Đọc 52659 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:10:10 am »

Lý thuyết quân sự Trung Hoa
[/size]
 Nguyễn Duy Chính dịch www.thuvien-ebook.net
Mục Lục
Chương thứ nhất: Dẫn nhập
1. QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ SỨC MẠNH QUÂN SỰ
2. KỸ THUẬT TÂN TIẾN VÀ TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HIỆN ĐẠI
3. CÔNG CUỘC CANH TÂN QUÂN SỰ CẬN ĐẠI VÀ ẢNH HƯỞNG TRÊN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN
4. NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ THAY ĐỔI TRONG TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA TRUNG HOA
5. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BỐ CỤC
6. TÀI LIỆU
Chương 2: Nghiên cứu về các lý thuyết quân sự cổ điển của Trung Hoa
1. NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC TÍNH CỦA TRIẾT HỌC QUÂN SỰ CỔ ĐIỂN TRUNG HOA
2. BỐI CẢNH XÃ HỘI -CHÍNH TRỊ VÀ HẬU QUẢ CỦA NÓ TRÊN TRIẾT HỌC QUÂN SỰ ĐỜI TIÊN TẦN 3. Ý NIỆM QUỐC PHÒNG VÀ ĐẠI CHIẾN LƯỢC THỜI TIÊN TẦN
4. CÁC NGUYÊN TẮC CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT CHÍNH YẾU ĐỜI TIÊN TẦN
5. VIỆC PHÁT TRIỂN CỦA LÝ THUYẾT QUÂN SỰ TRUNG HOA SAU ĐỜI TẦN
Chương 3: Cuộc chiến tranh nha phiến và sự chuyển hóa của hệ thống quân sự Trung Hoa
1. HỆ THỐNG QUÂN SỰ TRUNG HOA TRƯỚC NHA PHIẾN CHIẾN TRANH
2. ẢNH HƯỞNG CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NHA PHIẾN VÀ PHẢN ỨNG CỦA TRUNG HOA
3. SỰ TRỖI DẬY CỦA CÁC LỰC LƯỢNG ĐỊA PHƯƠNG VÀ CÔNG CUỘC CANH TÂN QUÂN SỰ CỦA TRUNG HOA
4. VIÊN THẾ KHẢI VÀ HỆ THỐNG QUÂN SỰ MỚI CỦA TRUNG HOA
5. KẾT LUẬN
Chương 4: Sự phát triển của tư tưởng quân sự trong thời kỳ đầu của nền cộng hòa
1. TÌNH TRẠNG QUÂN PHIỆT VÀ SỰ THOÁI BỘ CỦA HIỆN ĐẠI HÓA QUÂN SỰ
2. CÁC ĐÒI HỎI CẢI CÁCH QUÂN SỰ TRONG THỜI KỲ ĐẦU CỦA NỀN CỘNG HÒA
3. SÁI NGẠC VÀ QUÂN SỰ HÓA TRUNG HOA
4. BÁC SĨ TÔN DẬT TIÊN VÀ QUÂN ĐỘI CÁCH MẠNG
5. TƯỞNG BÁCH LÝ VÀ TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ
6. KẾT LUẬN
Chương 5: Tư tưởng quân sự của Tưởng Giới Thạch
1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA TƯ TƯỞNG TƯỞNG GIỚI THẠCH
 2. QUAN DIỂM VỀ XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI
3. QUAN NIỆM VỀ CHIẾN TRANH CỦA TƯỞNG GIỚI THẠCH
4. NGHỆ THUẬT ĐIỀU BINH
5. TƯ TƯỞNG VỀ CHIẾN TRANH CHÍNH TRỊ
6. KẾT LUẬN -ẢNH HƯỞNG CỦA TƯỞNG GIỚI THẠCH TRONG CANH TÂN HÓA QUÂN SỰ
Chương 6: Tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông
1. BỐI CẢNH XÃ HỘI -CHÍNH TRỊ CỦA TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ MAO TRẠCH ĐÔNG
2. NHẬN THỨC LUẬN CỦA MAO VỀ CHIẾN TRANH
3. XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VÀ CÁC QUAN NIỆM CHỦ YẾU CỦA CHIẾN TRANH NHÂN DÂN
4. CÁC CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT CỦA CHIẾN TRANH NHÂN DÂN
5. HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VIÊN VÀ CHÍNH TRỊ NẮM QUYỀN
6. KẾT LUẬN
Chương 7: Những đường hướng của tư tưởng quân sự Trung Hoa hiện nay
1. TƯ TƯỞNG CẢI CÁCH QUÂN SỰ CỦA ĐẶNG TIỂU BÌNH
2. CHUẨN BỊ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG HOA TRONG THẬP NIÊN 1980
3. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG HOA TRONG TƯƠNG LAI GẦN
Chương 8
KẾT LUẬN
« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười, 2009, 01:19:14 am gửi bởi dungrommel » Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:12:01 am »

 Chương thứ nhất: Dẫn nhập
Kể từ giữa thập niên 1970, xu hướng chính trị thế giới đã dần dần tách ra khỏi đạo lộ đối cực để đi vào một hệ thống đa phương. Theo nhiều tài liệu khác nhau, những trung tâm quyền lực chính trị mới của thế giới có thể gồm cả Cộng đồng Âu Châu, Liên Xô, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Hoa. Trên định nghĩa kinh tế và quân sự, Trung Hoa có lẽ kém xa hai siêu cường kia và cũng chưa mạnh như hai cường lực còn lại trong một tương lai gần. Tuy nhiên, nếu nhìn vào dân số to lớn, tài nguyên dồi dào và một diện tích địa lý vĩ đại thì không ai dám phủ nhận là nếu không có những khủng hoảng xã hội -chính trị nội tại nghiêm trọng, Trung Hoa sẽ tiến lên trở thành siêu cường thứ ba và có một ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trị toàn cầu và an ninh thế giới. 
Thương lượng trong hòa bình vốn dĩ phổ thông trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia. Thế nhưng tương quan quốc tế cũng phần lớn bị khống chế bởi các cường lực. Không vấn đề quốc tế nào liên quan đến những bất đồng lại không được hậu thuẫn bằng sức mạnh của quốc gia đứng sau các cuộc đàm phán. Quyền lực quốc gia bao gồm sức sản xuất kinh tế, kỹ thuật, tinh thần dân tộc, các điều kiện địa lý chính trị, và quân sự ... Nói gì thì nói, lực lượng quân sự luôn luôn là biểu tượng của sức mạnh quốc gia. Một quốc gia có một quân lực hùng hậu cần phải có một tư tưởng quân sự mạnh mẽ chỉ đạo các lực lượng võ trang trong tổ chức, huấn luyện cũng như lựa chọn chiến lược và chiến thuật. Không có một tư tưởng quân sự thích hợp, một lực lượng quân sự dù có vũ khí và trang bị tân tiến cũng chưa bảo đảm được sẽ thắng trận. Trái lại, nếu có một tư tưởng thích ứng hướng dẫn việc điều động các lực lượng, hiệu năng có thể lên cao và có thể đánh bại một lực lượng địch trang bị tối tân hơn nhưng thiếu tư tưởng hay chiến lược quân sự. Cho nên có thể nói rằng việc thể hiện một tư tưởng quân sự tới một mức độ nào đó phản ảnh việc phát triển kỹ thuật quân sự, và là linh hồn của quân đội. Nó có thể giúp cho quân đội hoàn thành sứ mạng. Đó là lý do chính yếu tại sao cuốn sách này tập trung vào các tư tưởng quân sự hiện đại của Trung Hoa.
 Kể từ thập niên 1950, các học giả phương Tây khi nghiên cứu về quân sự Trung Hoa đã chú trọng đặc biệt tới Nhân Dân Giải Phóng Quân (PLA), lý thuyết về chiến tranh nhân dân hay những nguyên tắc quân sự, chủ thuyết và chính sách quốc phòng của Cộng Sản Trung Hoa. Rất ít người nghiên cứu sâu hơn về các hệ thống quân sự cận đại hay lịch sử phát triển các tư tưởng quân sự hiện đại. Nghiên cứu lịch sử phát triển của các tư tưởng quân sự hiện đại Trung Hoa không chỉ liên quan đến việc hoạch định chính sách mà còn quan trọng trong việc hiểu biết Trung Hoa cận đại và các hệ thống quân sự của họ vì hệ thống hiện đại nào cũng bắt nguồn từ lịch sử. Đó là lý do tại sao nghiên cứu này bàn cả tới một phần triết học quân sự Trung Hoa thời cổ để tìm hiểu sự liên tục và ảnh hưởng tới việc phát triển tư tưởng quân sự Trung Hoa ngày nay.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:14:52 am »

1.   QUYỀN LỰC CHÍNH TRỊ VÀ SỨC MẠNH QUÂN SỰ
Trước khi Tổng Thống Woodrow Wilson đề nghị thành lập Hội Quốc Liên vào năm 1920 sau Đệ Nhất Thế Chiến, không có một hệ thống quốc tế nào có thẩm quyền đưa ra qui tắc để giải quyết các xung đột giữa các quốc gia. Luật áp dụng là luật của kẻ mạnh. Kẻ nào có sức mạnh thì kẻ đó đại diện cho công lý. Vì thế, chính trị quốc tế cũng như mọi loại chính trị khác, là một cuộc tranh đấu quyền lực. Từ khi có những cơ quan quốc tế thành lập, tương quan giữa các quốc gia đã dần dần cải thiện. Nhiều xung đột quốc tế nghiêm trọng đã được giải quyết bằng đàm phán hòa bình hay thảo luận. Tuy nhiên, bản chất của các tương quan quốc tế vẫn như cũ. Hans Morgenthau đã viết ”cái mục tiêu cuối cùng của chính trị quốc tế là gì chăng nữa thì sức mạnh luôn luôn là phương tiện trước mắt ... Khi nào người ta cố gắng thực hiện mục tiêu bằng chính trị quốc tế thì lúc ấy họ sử dụng sức mạnh”. Quan niệm đó vẫn tồn tại trong tâm khảm các lãnh tụ chính trị đương thời. Chẳng hạn như Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush đã công khai tuyên bố là ông chủ trương bảo vệ những quyền lợi của người Mỹ bằng một chính sách hòa bình hậu thuẫn bởi sức mạnh. 
 Sức mạnh là khả năng kiểm soát kẻ khác. Khi việc sử dụng sức mạnh giữa các quốc gia liên quan đến việc thi triển bạo lực vật chất thì người ta phải dựa vào lực lượng quân sự. Cho nên, trên chính trường quốc tế, đe dọa hay ngầm đe dọa bằng sử dụng quân sự là yếu tố quan trọng nhất trong việc tạo lập sức mạnh chính trị của một quốc gia.   
A.   Mục tiêu và quyền lực quốc gia ”
Sức mạnh là một phương tiện để đạt mục tiêu chứ tự nó không phải là mục tiêu ”. Là phương tiện để đạt những mục tiêu, lực lượng quân sự đóng một vai trò trọng yếu trên chính đàn quốc tế cũng như quốc gia để bảo vệ quyền lợi của một nước. 
Khi thảo luận về những mục tiêu của quốc gia, Morton Kaplan đã phân biệt cảm xúc hay xung động với mục tiêu đích thực. Cảm xúc hay xung động không hẳn là mục tiêu quốc gia và đối tượng của nó có thể nhất thời nhưng cũng rất quan trọng trong tiến trình quyết định trong đó các quyền lợi quốc gia và phương tiện sử dụng để bảo vệ các quyền lợi này được ấn định. Cảm xúc và xung động trong nhiều trường hợp là sự biểu hiện tự hào về quốc gia mình và được nhìn khi đúng khi sai như là quyền lợi của đất nước. 
Khi sử dụng như phương tiện phục vụ quyền lợi đất nước, vai trò của lực lượng quân sự có thể được xếp vào 3 loại tương quan với chính sách của một quốc gia. Theo Arnold Wolfers, chính sách đối ngoại có thể chia làm ba đề mục là bành trướng lãnh thổ, tự vệ và từ bỏ chủ quyền. Từ bỏ chủ quyền tự ý nghĩa nguyên thủy đã là một hành vị chịu thiệt thòi nên không cần đến sự ủng hộ của quân đội ngoại trừ trường hợp phải chống lại những người phản đối chính sách đó. Khi một quốc gia theo đuổi chính sách bành trướng thì thường phải tìm kiếm một sự thay đổi tình trạng hiện thời. Mục tiêu có thể là để gia tăng sức mạnh, thống trị một dân tộc khác hay mở mang lãnh thổ nhưng cũng có thể để đòi lại đất đai trước đây bị mất hay để giải quyết một bất bình đẳng sẵn có. Dù dưới động lực nào chăng nữa, một khi quốc gia theo đuổi một chính sách bành trướng họ sẽ không sao tránh khỏi việc đối kháng quân sự từ quốc gia khác. Cho nên, cần phải có một quân lực mạnh để đương đầu với chiến tranh chống kẻ thù hay đe dọa dùng võ lực để cho đối phương phải khuất phục hay chịu ngồi vào bàn hội nghị.
B.   Chính trị quốc tế và An ninh quốc gia
 Không phải quốc gia nào trên thế giới cũng theo đuổi một chính sách bành trướng lãnh thổ và cũng chẳng phải quốc gia nào cũng có khả năng làm chuyện ấy. Có nhiều quốc gia chỉ muốn giữ nguyên trạng hiện tại hơn là thay đổi. Wolfers gọi đó là chính sách quốc gia tự tồn. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa an ninh quốc gia, đòi hỏi độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cũng có thể bao gồm một số mục đích sống còn khác như an ninh và các vùng ảnh hưởng để đầu tư ... 
Thực hiện chính sách quốc gia tự tồn không có nghĩa là chỉ tự vệ khi bị tấn công. Nhu cầu an ninh quốc gia vượt qua tự vệ và bảo tồn, trong nhiều trường hợp ”có tham vọng biến thành một chính sách bành trướng vô hạn định”. Nghiên cứu về các xung đột quân sự giữa các siêu cường từ sau thế chiến thứ hai, người ta thấy rằng một quốc gia theo đuổi an ninh quốc gia không thể ngừng lại trước khi chinh phục xong toàn thể địa cầu. 
Dẫu rằng tự vệ để bảo tồn lãnh thổ hay theo đuổi một chính sách bành trướng, việc sửa soạn một lực lượng quân sự thích hợp luôn luôn cần thiết. Không một quốc gia nào có thể yên ổn lâu dài nếu không có một lực lượng tối thiểu để bảo vệ an ninh. Vấn đề này áp dụng cho cả chính trị quốc tế lẫn địa lý chính trị. Trong khi các siêu cường và các cường quốc tranh giành ảnh hưởng, hầu hết các quốc gia cỡ trung và cỡ nhỏ lại phải đối phó các vấn đề địa lý chính trị với lân bang. Thí dụ như tại Trung Đông và Phi châu. Mặc dầu các siêu cường muốn đàm phán để tài giảm binh bị cho toàn thế giới, kỹ nghệ quân sự và buôn bán vũ khí trên thị trường thế giới vẫn cực kỳ sôi động. Chiến tranh khu vực bảo đảm cho việc thương mại quốc phòng luôn luôn thịnh vượng.
C.   Vai trò chính trị của quân sự trong các quốc gia đang mở mang
 Thế giới hiện nay có hơn 160 quốc gia nhưng chỉ có độ hơn 20 quốc gia được gọi là phát triển về cả chính trị lẫn kinh tế. Phần còn lại được gọi là đang mở mang hay chậm tiến. Đa số đều ở trong tình trạng tiền kỹ nghệ hay kỹ nghệ sơ khai có các đặc tính là kinh tế yếu kém và chính trị độc tài.
 Vấn đề an ninh quốc gia của các nước này không phải là sự đe dọa từ nước ngoài ; trái lại vấn đề chính yếu là bất ổn từ bên trong. Vì chưng thiếu những truyền thống dân chủ trong việc giải quyết các vấn đề xã hội chính trị, việc đấu tranh tại các quốc gia đang mở mang thường tiềm ẩn nhiều bạo lực. Quân đội thường can thiệp và thay thế chính quyền dân sự. Ngay cả khi không thay chính quyền dân sự bằng một chế độ quân phiệt, họ vẫn có ảnh hưởng mạnh đối với chính phủ. Đó là hiện tượng phổ biến nhất trong thế giới thứ ba ngày may. Philippines, Nam Hàn hay Pakistan là những thí dụ điển hình. Quân đội trong các quốc gia này luôn luôn đóng một vai trò chủ chốt trong việc giữ gìn ổn định chính trị.
 Quân đội cũng đóng góp trong việc phát triển xã hội -kinh tế dù có hay không có một chính thể quân sự. Nói chung, các chính thể quân phiệt tại các quốc gia đang mở mang không có thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế ngoại trừ Nam Hàn, nơi mà giới quân nhân liên tục đè nén việc đòi hỏi dân chủ chính trị và dồn nỗ lực vào việc phát triển kinh tế. Đây là một trong số ít ỏi mô hình kỹ nghệ hóa trong các nước đang mở mang.
 Thêm vào đó, với trang bị tối tân và tổ chức hữu hiệu, quân đội có thể đảm trách các công trình xây dựng xã hội -kinh tế để thúc đẩy canh tân đất nước. Tuy nhiên, đây chỉ là một ảo tưởng trong hầu hết các quốc gia đang mở mang vì lực lượng võ trang tại các nước này nhiều khi là những kẻ nắm quyền và hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi. Họ không chịu phục vụ như một lực lượng lao công hay cơ ngũ sản xuất. Tuy nhiên, nếu được chính trị điều động và giáo dục về ý thức, các đơn vị quân sự có thể trở thành những lực lượng sản xuất then chốt và có thể sử dụng một phần nhân sự và trang bị trong các kế hoạch kinh tế. Việc dùng quân sĩ khẩn hoang thời trước ở Trung Hoa và các hoạt động kinh tế tại Trung Hoa hiện tại là những ví dụ xác đáng. Điểm này sẽ được khai triển thêm ở những chương sau.
 Dù không trực tiếp điều động trong các hoạt động kinh tế, các lực lượng quân sự tại các quốc gia đang canh tân vẫn có thể hỗ trợ phát triển. Họ có thể cho mượn các dụng cụ tối tân dùng vào việc huấn luyện tân binh, cho họ tham gia các chương trình phát triển kinh tế khi giải ngũ, hoặc giúp đỡ các viên chức địa phương huấn luyện nhân sự ngõ hầu gia tăng khả năng kỹ thuật giúp phần vào phát triển đất nước. 
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:15:42 am »

2.   KỸ THUẬT TÂN TIẾN VÀ TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ HIỆN ĐẠI 
Nếu chiến tranh có nguyên ủy sâu xa thuộc về bản chất con người thì việc sử dụng vũ khí trong chiến tranh là một tài nghệ đặc biệt của nhân loại. Việc phát triển kỹ thuật có những hậu quả không thể phủ nhận được trong lãnh vực quân sự, trong tổ chức, chiến lược và chiến thuật. Nói một cách khác, việc phát triển kỹ thuật quân sự không tránh khỏi ảnh hưởng đến việc phát triển các tư tưởng quân sự.
A.   Hệ thống xã hội -kinh tế và lực lượng quân sự
Một cách tổng quát, vào thời kỳ đầu của lịch sử, kỹ thuật còn rất thô sơ. Dụng cụ dùng hàng ngày cũng là vũ khí trong chiến tranh. Khi kỹ thuật sản xuất cải tiến, vũ khí dần dần tách rời khỏi dụng cụ sản xuất. Vũ khí chỉ dùng cho nhu cầu chiến đấu. Khi nghiên cứu lịch sử thế giới, một tư tưởng gia quân sự cận đại Trung Hoa, Tướng Tưởng Bách Lý (Jiang Baili), tìm ra rằng một khi phương tiện mưu sinh và dụng cụ dùng trong chiến đấu nếu đồng dạng với nhau thì quốc gia sẽ mạnh, trái lại sẽ yếu và có thể đi đến diệt vong. Theo sự khám phá của ông, việc kết hợp phương tiện mưu sinh và nhu cầu chiến tranh có thể đạt được bằng hai cách : một là dụng cụ, hai là hệ thống xã hội -kinh tế.
 Con ngựa của người Mông cổ và chiếc thuyền của người Âu châu là thí dụ về dụng cụ sinh sống, còn hệ thống ” tất cả nam nông dân đều ở trong quân trừ bị” của Trung hoa thời cổ cũng như chế độ động viên của Âu châu hiện nay là hình thức thứ hai. Ông Tưởng cố gắng chứng minh rằng có một liên hệ sống còn giữa kinh tế quốc gia và lực lượng quốc phòng.
 Tương tự như khám phá của ông Tưởng, Paul Kennedy đã đưa ra một kết luận trong nghiên cứu của ông về lịch sử thế giới 500 năm cận đại ở cuốn Thăng Trầm của các Đại Cường (The Rise and Fall of the Great Powers). Ông ta cho thấy liên hệ giữa lực lượng quân sự và kinh tế chỉ đạo sự tiến bộ của các quốc gia. Dựa trên những số liệu lịch sử phong phú , ông đưa ra một tương quan rõ rệt trên đường dài giữa việc phát triển và suy tàn trong kinh tế với việc thăng trầm trong sức mạnh quân sự của các đại cường vì tài nguyên kinh tế cần thiết để yểm trợ các đại đơn vị quân sự. Theo ông, khi còn quan tâm đến chính trị quốc tế thì tài sản và sức mạnh luôn luôn liên quan chặt chẽ với nhau. Điều đó cũng tương tự như các lý thuyết tìm thấy trong triết học quân sự Trung Hoa thời xưa, sẽ được bàn tới trong chương hai của cuốn sách này.
  Kennedy không tìm cách đưa ra một thuyết chung về hình thức xã hội và tổ chức xã hội -chính trị nào thích hợp nhất cho giai đoạn chiến tranh nhưng ông nhấn mạnh hậu quả của kinh tế và thay đổi kỹ thuật, và tương quan giữa chiến lược và kinh tế trong vai trò của các đại cường trên bàn cờ quốc tế. Tuy nhiên, ông đã cho chúng ta thấy kinh tế thị trường và hệ thống đa nguyên của các trung tâm cường lực Âu châu từ thế kỷ thứ 16 đến thế kỷ thứ 19 đã thúc đẩy kinh tế và phát triển kỹ thuật bằng phương thức cạnh tranh. Khi nói như thế, ông đã đưa ra một kết luận là việc tập trung quyền hành theo kiểu chuyên chế Á Đông bất lợi trong việc kích thích thay đổi kỹ thuật trừ khi những thay đổi đó do chính nhà cầm quyền đề xướng. Hệ thống xã hội -chính trị sau triều Minh ở Trung Hoa dưới mắt Kennedy là một thí dụ điển hình.
B.   Ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại trên sự quân bằng quyền lực 
Khi tướng Tưởng Bách Lý đề cập đến tương quan giữa phương tiện sinh nhai và chiến đấu ông đã hàm ý là kỹ thuật cận đại của xã hội có ảnh hưởng đến lực lượng quân sự. Paul Kennedy đi xa hơn để chứng minh rằng sự phát minh ra máy chạy bằng hơi nước vào cuối thế kỷ 18 không chỉ khởi đầu cho cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu Châu mà quan trọng hơn là nó di chuyển cán cân quyền lực về phía Tây Phương trong suốt 200 năm qua. Kỹ thuật mới tìm ra trong lãnh vực kỹ nghệ được áp dụng vào quân sự và hải lực một vài thập niên sau đó. Đường xe lửa, điện tín, súng liên thanh, sức nổ hơi ép và các tàu bọc sắt kế tiếp nhau du nhập vào lãnh vực quân sự và trở thành một dấu hiệu quan trọng của sức mạnh. Các kỹ thuật đó gia tăng hỏa lực và cơ động tính của các lực lượng Âu Châu và giúp họ bành trướng thế lực ra khỏi địa bàn.
Trong khi người Âu Châu thu hoạch những thành quả của kỹ thuật mới thì các quốc gia Á Châu, điển hình là Ấn Độ và Trung Hoa lại vẫn gắn chặt với phương pháp cổ điển. Họ chẳng những không biết gì về kỹ thuật mới mà lại còn bỏ mất một số các kỹ thuật vốn một thời có giá trị và tiến bộ của chính họ. Thí dụ như vua nhà Minh bãi bỏ kỹ nghệ đóng tàu của Trung Hoa khiến cho các hạm đội hùng hậu trên biển cả phải mai một vào giữa thế kỷ 15. Cho nên khi các lực lượng Âu châu tiến vào nước Tàu, người Trung Hoa đành bó tay không chống nổi. Cuộc chiến tranh Nha Phiến giữa Anh và Trung Hoa đã xảy ra trong tình trạng như thế hồi thập niên 1840. Từ đó, Trung Hoa chìm đắm trong cơn ác mộng dài một thế kỷ và phải nỗ lực tuyệt vọng để canh tân quân sự hầu có thể sống còn.
C.   Ảnh hưởng của kỹ thuật hiện đại trên Chiến lược và Chiến thuật quân sự 
Ngày hôm nay, ai cũng hiểu rằng một khi vũ khí thay đổi sẽ lập tức ảnh hưởng đến tổ chức quân đội cùng chiến lược và chiến thuật của nó. Tuy nhiên vào đầu thế kỷ thứ 19 khi kỹ thuật mới đem áp dụng vào quân sự thì không ai biết như thế. Theo Kennedy, các cấp chỉ huy quân sự tại Âu Châu chỉ bắt đầu tu chính lại quan niệm của họ về chiến thuật chiến lược nhiều thập niên sau khi lục quân và hải quân đã được trang bị với vũ khí mới chế tạo ra từ cuộc cách mạng kỹ nghệ. Tại Trung Hoa, thay đổi trong chiến lược phải mất đến gần 100 năm sau.
Kinh nghiệm của người Trung Hoa trong công cuộc canh tân binh bị cho thấy là những cấp lãnh đạo quân sự vào thế kỷ 19 đã cố gắng để có được vũ khí mới nhưng lại đến 40 năm sau mới nghĩ tới sự cần thiết phải thay đổi trong tổ chức và chiến lược. Họ bắt đầu xây dựng kỹ nghệ quân sự và mô phỏng súng ống của Tây phương hồi đầu thập niên 1860 nhưng họ chỉ bắt đầu du nhập hệ thống quân sự Tây phương và chương trình huấn luyện vào đầu thế kỷ 20 sau khi bị người Nhật và các cường quốc Âu châu kế tiếp đáng bại. Một phần của sự trì hoãn này là vì thiếu ngân khoản và các cơ sở kỹ nghệ để cung cấp đủ vũ khí mới cho các lực lượng quân đội toàn quốc. Hầu hết các lực lượng quân sự vẫn trang bị bằng các loại vũ khí cổ điển ngoại trừ các đơn vị thuộc quyền Lý Hồng Chương (Li Honzhang) và Tả Tông Đường (Duo Zongtang). Cho đến giữa thế kỷ 19, nhiều cấp chỉ huy quân đội cũng chưa cảm thấy cần thiết phải thay đổi hình thức tổ chức.
 Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất có lẽ là vì hình thức cũ kỹ trong việc tuyển chọn cấp chỉ huy. Chưa có các học hiệu quân sự để huấn luyện một chương trình tiêu chuẩn cho các học viên. Cũng giống như các quan lại hành chánh, các cấp võ quan được tuyển chọn qua các kỳ khảo hạch của triều đình, mà nguyên tắc căn bản dựa trên tài cưỡi ngựa và bắn cung của thí sinh. Cho nên, các võ quan tuyển chọn theo hệ thống này không có kiến thức gì về võ khí Tây phương và nhất là về hệ thống quân đội. Họ không quan tâm gì đến việc thay đổi tổ chức binh bị. 
Ngoài ra, thành phần quan lại Nho sĩ với một mặc cảm tự tôn về Trung quốc cũng có khuynh hướng chống lại lại những quan niệm và phương pháp của nước ngoài. Sự nhục nhã trong việc thua trận càng khiến cho người ta đề kháng việc mô phỏng hệ thống Tây phương. Ngay đến cuối thế kỷ thứ 19, nhiều viên chức vẫn kêu gọi triều đình sử dụng các loại vũ khí cổ điển để chống lại liệt cường Tây phương. Trong hoàn cảnh như thế thì việc trì hoãn không dám thay đổi quyết liệt trong tổ chức quân sự là chuyện tất nhiên. Mãi đến thập niên 1920, khi xã hội Trung Hoa đã thay đổi từ căn bản sau cuộc cách mạng và nội chiến, lúc ấy các cấp chỉ huy quân sự mới thấy quan tâm đến nhu cầu phải cải cách tận gốc rễ.
 Sự hình thành tư tưởng quân sự Mao Trạch Đông không có nghĩa là việc canh tân quân sự của Trung Hoa đã thành công, cũng không phải đã dựa trên ưu điểm của võ khí hiện đại. Trái lại, các tư tưởng quân sự này xây dựng trên việc đối phó với năng lực to lớn của vũ khí mới do đối phương của ông ta sử dụng. Các tư tưởng đó được công nhận là một trong vài chiến lược quân sự quan yếu trong thế kỷ này. Tuy nhiên, hoàn cảnh của thập niên 1980 hoàn toàn khác hẳn hoàn cảnh thời thập niên 1930 khi Mao chiến đấu trong một vị trí yếu kém. Hiện nay, Trung Hoa có một kỹ nghệ quân sự tương đối tân tiến, quân đội được trang bị vũ khí hạch nhân và hỏa tiễn, chỉ đứng sau hai siêu cường Mỹ và Nga. Khi nỗ lực hiện đại hóa các lực lượng quốc phòng, họ bắt buộc phải đánh giá lại một cách nghiêm chỉnh cái gọi là chiến tranh nhân dân một thời có giá trị để có thể thay đổi cần thiết cho việc áp dụng các kỹ thuật mới và vũ khí họ có trong tay.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:16:55 am »

3.   CÔNG CUỘC CANH TÂN QUÂN SỰ CẬN ĐẠI VÀ ẢNH HƯỞNG TRÊN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN
Kể từ 1949, dưới chế độ Cộng Sản có hai trào lưu chính yếu thúc đẩy canh tân hóa quân sự. Trong khi trào lưu hiện thời bắt đầu từ cuối thập niên 1970 đến nay vẫn chưa hoàn tất, trào lưu trước khởi động từ đầu thập niên 1950 sau cuộc chiến Triều Tiên và bị bỏ dở vì lý do chính trị. Cả hai đều có ảnh hưởng đến chủ thuyết chiến tranh nhân dân.
A.   Cuộc canh tân sau chiến tranh Triều Tiên và hậu quả của nó
 Chính vì tham dự vào chiến tranh Triều Tiên, Trung Hoa có cơ hội thử sức với lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới trong một cuộc chiến qui ước. Tuy được thế giới nể vì, họ phải chịu một tổn thất nặng nề. Từ đó, họ hiểu được vai trò quan trọng của vũ khí hiện đại và đẩy mạnh canh tân hóa quân đội sau khi chiến tranh chấm dứt.
Trong khi giới lãnh đạo ủng hộ việc canh tân hóa, các cựu chiến binh chiến tranh Triều Tiên và các sĩ quan trẻ chống lại lãnh đạo chính trị bằng cách phản đối quyền tối thượng của Đảng và hệ thống chính trị viên trong quân đội. Xung đột đó đã đưa đến việc hạ bệ Thống Chế Bành Đức Hoài (Peng Dehuai), lãnh tụ của phe đổi mới và những người theo ông ta, đưa đến một biến động quân sự nghiêm trong trong quân đội và toàn quốc. Chính vì thế, công cuộc canh tân hóa bị diên trì, ít nhất cũng phần nào trong hơn một thập niên. 
Các yếu tố quốc tế khác cũng ngăn trở trào lưu hiện đại hóa. Sự suy thoái trong quan hệ Trung Hoa -Liên Xô hồi 1958 và việc triệu hồi các trợ giúp quân sự và kinh tế của Liên Xô đóng một vai trò chủ yếu trong việc làm chậm lại cộng cuộc canh tân hóa của Trung Hoa. Người Trung Hoa phải tự lực cánh sinh. Dưới cái gọi là chính sách ”đi trên hai chân”, họ theo con đường hiện đại hóa một cách độc lập, không dựa vào sự trợ giúp từ nước ngoài. Tuy nhiên, khả năng kỹ thuật của Trung Hoa không đủ sức yểm trợ đòi hỏi của một lực lượng quân sự hiện đại trong thời đó. Thế nhưng tình trạng căng thẳng giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ ngày càng gia tăng, từ vụ kinh đào Suez năm 1956 đến việc Mỹ đổ quân vào Lebanon năm 1958, đã khiến cho giới lãnh đạo Trung Hoa tin tưởng rằng một cuộc đụng độ quân sự Mỹ -Hoa không thể nào tránh khỏi, và Trung Hoa phải chuẩn bị chiến tranh trong phạm vi họ có thể làm. Nếu Trung Hoa bắt buộc phải tham gia một cuộc chiến chống Mỹ mà không có sự yểm trợ quân sự từ phía Liên Xô, điều họ chỉ có thể làm là tiến hành một cuộc chiến tranh nhân dân ngay trên đất của họ. Kết luận đó khiến cho giới lãnh đạo Trung Cộng cách mạng hóa Nhân Dân Giải Phóng Quân (People's Liberation Army hay PLA) và gia tăng tối đa hệ thống dân quân bằng cách đoàn ngũ hóa tất cả đàn ông, đàn bà còn khả năng chiến đấu vào các đơn vị dân quân tại các vùng nông thôn để chuẩn bị chống xâm lăng. Họ đưa ra một chủ thuyết là đế quốc không thể nào tiêu diệt toàn thể Trung Quốc bằng vũ khí hạch tâm mà phải đem quân vào chiếm đóng lãnh thổ. Khi họ đặt chân lên đất Tàu, họ sẽ lập tức bị dân quân và GPQ bao vây. Họ sẽ bị sa lầy vào chiến tranh biển người và sẽ dần dần bị tiêu diệt.
Trong thời kỳ cao điểm của chiến dịch chuẩn bị chiến tranh, Thống Chế Lâm Bưu (Lin Bao) lại gia tăng chính trị hóa Hồng quân và mở rộng vai trò chính trị của quân đội để làm phương tiện tranh giành quyền lực trong Cách Mạng Văn Hóa và bãi bỏ các huấn luyện quân sự. Đó chính là hậu quả quan trọng nhất của Cách Mạng Văn Hóa và Trung Hoa phải trả cái giá sau này trong cuộc đụng độ Trung-Xô tại Đảo Trân Bảo (Zhenbao, tên Nga là Damansky) năm 1969 và cuộc chiến biên giới Hoa-Việt năm 1979. Những bài học chua cay đó khiến cho Trung Hoa một lần nữa phải quay về chương trình canh tân hóa quốc phòng vào cuối thập niên 1970 sau khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền. Chương trình canh tân hóa quân sự là một trong Tứ Hiện Đại Hóa đứng sau kỹ nghệ, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Chính quyền Trung Hoa muốn canh tân hóa quân sự trên cơ sở thành công về kinh tế và phát triển kỹ thuật.
B.   Hiện đại hóa quân sự ngày nay và những tranh luận về chiến lược 
Sau gần hai thập niên rối loạn chính trị, những nhà lãnh đạo Trung Hoa bắt đầu hiểu rằng đấu tranh nội bộ trong Đảng gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong việc phát triển xã hội -kinh tế và quân sự. Trước khi từ trần, Thủ tướng Chu Ân Lai đã quyết định nỗ lực hiện đại hóa quốc gia, nhưng chương trình chỉ được đưa ra thành quốc sách khi bọn Tứ Nhân Bang bị thanh trừng năm 1976 sau khi Mao Trạch Đông qua đời.
 Vào lúc chương trình hiện đại hóa quốc phòng bắt đầu vào cuối thập niên 1970, tình hình trong nước và bên ngoài hoàn toàn khác hẳn thập niên 1950. Năm 1978, khi Đặng lên nắm quyền, mặc dù Trung Hoa vẫn còn bị áp lực nặng từ phía Liên Xô dọc theo biên giới, việc tái lập quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ khiến cho các lãnh tụ Trung Cộng cảm thấy an toàn hơn hồi thập niên 1950. Dưới chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, Trung Hoa phần nào có được cơ hội du nhập kỹ thuật và khí giới mới của Tây Phương. Việc đó khiến cho vấn đề hiện đại hóa có nhiều cơ hội thành công hơn.
 Khi vấn đề canh tân quân sự được đưa trở lại chính sách hồi năm 1978, Trung Cộng lúc đó đã có hỏa tiễn bắn vòng cầu tầm trung, bom khinh khí, vệ tinh trên không trung và đang sắp sửa thử nghiệm hỏa tiển liên lục địa (ICBM) .Các lãnh tụ Trung Hoa vì thế biết rõ hơn về sức tàn phá của vũ khí mới và ở trong điều kiện thuận lợi hơn về canh tân hóa quân sự.
 Ngoài ra, mặc dầu nhiều người vẫn đòi giới hạn vai trò của quân đội trong các hoạt động chính trị để khỏi đi vào vết xe trong thời Cách Mạng Văn Hóa, không lãnh tụ nào công khai phủ nhận quyền lãnh đạo tối cao của Đảng trong quân đội. Trái lại, các nhà lãnh đạo vẫn bao gồm cách mạng hóa, định lệ hóa và hiện đại hóa là ba mục tiêu của canh tân quân sự. Ít nhất họ cũng đồng ý bề mặt về công tác chính trị trong quân đội và giảm bớt được nhiều phong trào chống đối các chính trị viên nơi các đơn vị. Vốn dĩ là một chính trị viên lão luyện, Đặng Tiểu Bình cũng góp phần dập tắt những mầm mống đối kháng. Nói như thế không có nghĩa là hoàn toàn không ai chống lại việc hiện đại hóa Hồng quân. Thực tế, tranh luận trên việc áp dụng chủ thuyết chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông tới nay vẫn chưa hoàn toàn dứt hẳn. Một số cấp tướng lãnh tiếp tục cho rằng nếu như ngày mai xẩy ra chiến tranh thì Trung Hoa vẫn ở thế yếu và Hồng quân phải chuẩn bị một cuộc chiến tranh nhân dân với sự trợ lực của đại khối dân quân và lực lượng du kích ... Các nhà lãnh đạo chủ trương canh tân trái lại cho rằng tuy họ không phủ nhận giá trị của chiến tranh nhân dân nhưng phải được biến chuyển để phù hợp với tình thế mới, hoàn cảnh thực tế và kiên quyết bảo vệ lập trường cải tiến hệ thống võ khí, tái tổ chức quân đội và nhấn mạnh vào huấn luyện quân sự. 
Nhờ tình hình chính trị tương đối ổn định, Trung Hoa đã gặt hái được những thành tựu đáng kể trên cả hai bình diện canh tân kinh tế và quân sự. Họ tiếp tục giữ được mức gia tăng tổng sản lượng bình quân hàng năm 7% mà lại giảm chi quân sự từ 17.5% tổng số ngân sách hồi 1979 còn 8.2% trong năm 1987. Dù sao chăng nữa, thế giới cũng phải kinh ngạc về thành quả của họ về các loại hỏa tiển liên lục địa và hỏa tiễn khác, xe tăng và súng ống diễn hành nhân ngày Quốc Khánh. Họ giảm 1 triệu quân trong vòng 2 năm, thiết lập một qui chế hồi hưu cho sĩ quan, đưa ra một chế độ quân dịch tốt đẹp hơn, cải thiện hệ thống quân sự học hiệu và dần dần khôi phục truyền thống cấp bậc trong quân ngũ. Tất cả những điều đó cần thiết cho một lực lượng quân sự tân tiến. Nhờ những thành quả gặt hái được nên Triệu Tử Dương, lúc đó đương kim Tổng Bí Thư của Trung ương Đảng và là Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Ủy Ban Quân sự Trung ương đã có thể tuyên bố công khai trong một phiên họp là ”qui chiếu các vấn đề chiến lược của các lực lượng võ trang, chúng ta phải tập trung vào việc hiện đại hóa quân đội và huấn luyện chứ không phải vào nguyên tắc chiến tranh nhân dân cổ điển”. Trong một dịp khác, họ Triệu còn đi xa hơn để nói rằng Trung Hoa phải bắt đầu lượng định một cách chính xác về một cuộc chiến có thể xảy ra trong tương lai, viễn tượng của vấn đề quốc phòng và phương hướng phát triển tiềm năng quân sự. Tài liệu đó cũng cho hay chính quyền Trung Hoa đã tái xét lại kế hoạch hiện đang áp dụng. Họ cố gắng hình thành một mục tiêu trung gian cho cải cách quân sự và kế hoạch quốc phòng trước khi đưa ra sơ đồ chiến lược quân sự cho thế kỷ sắp tới.
 Qua những tài liệu đó, chúng ta không còn nghi ngờ gì về việc Trung Hoa đang hình thành một thay đổi quan trọng trong tư tưởng quân sự nói chung và chiến lược quân sự nói riêng. Họ không chỉ suy nghĩ về một tương lai mười năm sắp tới mà có thể 20 hay xa hơn nữa. Không ai biết chính xác Trung Hoa sẽ thay đổi như thế nào trong chiến lược hiện tại và sẽ thay đổi tới mức độ nào. Tuy nhiên, căn cứ vào một số dữ kiện chính yếu chúng ta có thể nhận định về một hướng đi khả dĩ xảy ra.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:18:13 am »

4.   NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG TỚI SỰ THAY ĐỔI TRONG TƯ TƯỞNG QUÂN SỰ CỦA TRUNG HOA 
Khi một quốc gia quyết định về chiến lược quốc phòng, các lãnh tụ quân sự và chính trị phải hình dung ra những tình trạng họ có thể phải đối phó. Họ còn phải tiên tri những vấn đề có thể xảy ra trong tương lai khi sự phát triển quốc gia và quốc tế đến một mức độ nào đó. Đưa ra những giả thuyết đó, những nhà lãnh đạo phải quyết định các chiến lược đoản kỳ, trung kỳ và trường kỳ trong công tác quốc phòng. Có thể có vô số yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự chọn lựa của những người hoạch định chính sách nhưng quan trọng nhất có thể giới hạn trong 6 yếu tố sau đây : 
A.   Viễn tượng chiến tranh và Tình trạng Quốc tế
 Mục tiêu đầu tiên của quốc phòng và chiến lược là để đối phó với các cuộc chiến tranh có thể xảy ra và có thể thủ thắng. Cho nên, kế hoạch quốc phòng và chiến lược của một quốc gia phải căn cứ trên một lượng định chính xác về viễn tượng của những cuộc chiến trong tương lai. Liệu có cuộc chiến sắp tới nào đe dọa đến quốc gia không ? Nếu câu trả lời là có, thì kẻ thù là ai ? Đó là một cuộc đại chiến hay một cuộc chiến khu vực ? Có nguy cơ nào đi tới chiến tranh hạch tâm không ? Đi xa hơn nữa, nếu không tránh được, thì bao giờ nó xảy ra ? Trong vòng 5 năm ? Trong một thập niên ? hay trong một tương lai không định trước được ?
 Các chiến lược gia phải phân giải các tin tức có thể có để đưa ra một nhận định chính xác và từ đó vẽ ra kế hoạch và chiến lược quốc phòng sao cho phù hợp.
 Sau khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, cuộc chiến tranh lạnh giữa các quốc gia tư bản Tây phương và khối Cộng Sản ngày càng mãnh liệt. Một cuộc chiến qui mô có thể sẽ xảy ra bắt nguồn từ các cuộc chiến khu vực. Vì độc quyền trong vũ khí nguyên tử, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã chọn một chiến lược tương đối hùng hổ. Đó là chiến lược ”trả đũa qui mô” cho phép Hoa Kỳ khởi động chiến tranh trên bất cứ tầm vóc nào kể cả chiến tranh hạch tâm để đối phó với các cuộc đụng độ địa phương. Từ cuối thập niên 1950, mức chênh lệch trong vũ khí hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Liên Xô bắt đầu thay đổi. Hoa Kỳ mất vị trí uy thế tuyệt đối và bắt đầu quan tâm về một cuộc chiến nguyên tử sẽ tận diệt cả hai bên khiến họ phải từ bỏ chủ thuyết trả đũa qui mô và chấp nhận một chủ thuyết mềm dẻo hay trả đũa có tính toán vào thập niên 1960. Khi Nixon lên nắm quyền hồi 1969, sự bất ổn trong nước do chiến tranh Việt Nam kéo dài khiến ông phải theo đuổi chính sách hòa hoãn với Liên Xô và đích thân du hành thăm Trung Hoa để giải trừ mối hiềm khích sâu xa giữa Trung Hoa và Mỹ.
 Trước khi Tổng Thống Hoa Kỳ Nixon viếng thăm lục địa, chính quyền Trung Hoa vẫn khẳng định là một cuộc đại chiến giữa đế quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa sẽ không sao tránh khỏi và chiến thắng sẽ vào tay khối Cộng Sản. Vì tin tưởng như thế nên Trung Hoa hằng chuẩn bị một cuộc chiến sử dụng vũ khí hạch tâm. Họ còn loan báo là nếu như chiến tranh không thể tránh được, thì họ muốn đánh sớm chứ không muốn để trễ. Khi Liên Xô bất đồng ý với chiến lược của Trung Hoa và cắt hết các chương trình yểm trợ quân sự và kinh tế, thì không những không từ bỏ quyết định, Trung Hoa lại tự chuẩn bị một cuộc chiến tranh nhân dân. Như đã đề cập trước đây, họ tăng cường lực lượng bằng cách động viên tất cả đàn ông đàn bà còn khả năng vào các đội dân quân. Chiến lược đó không thay đổi gì đáng kể cho đến khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền vào cuối thập niên 1970. Tuy nhiên, sự chuyển hướng chỉ trở nên rõ rệt vào giữa thập niên 1980 khi người ta ghi nhận là họ Đặng đã phát biểu như sau :
-Chúng ta đã thay đổi quan niệm cũ vốn cho rằng nguy hiểm chiến tranh đang cận kề. Hiện nay chúng ta có thể trông chờ một thời kỳ hòa bình tương đối dài, ít nhất cũng tới cuối thế kỷ. Điều đó không phải là ảo vọng.
 Từ đó, Trung Hoa đã tiến hành những đề án canh tân quân sự trong thời bình. Ngoài những việc khác, họ cũng giải ngũ khoảng một triệu lính trong tổng số 4 triệu quân nhân vào năm 1986.
 Triệu Tử Dương cũng đã nói trong một cuộc họp quan trọng về quân sự là dựa trên tương quan ngoại giao hiện thời của Trung Hoa với các quốc gia khác và những điều kiện chung của cộng đồng thế giới thì chiến tranh qui mô lớn sẽ không xảy ra. Tuy nhiên ông ta vẫn cảnh giác các nhà lãnh đạo Trung Hoa là có thể có những xung đột khu vực. Với giả định đó, các nhà lãnh đạo Bắc Kinh bắt đầu nghĩ tới việc tái tổ chức quân đội, phối trí lực lượng biên phòng và thực hiện nhiều cải tổ quân sự. 
Từ khi lên cầm quyền hồi 1985, Mikhail Gorbachev cũng tiếp tục gia tăng nỗ lực giải trừ các vấn đề lịch sử giữa Liên Xô và Trung Hoa để cải thiện mối bang giao giữa hai bên. Công việc đó càng xác tín thêm quan điểm của Trung Cộng về tình hình lắng dịu của thế giới và đưa kế hoạch xây dựng quân sự và chiến lược mới vào một cơ sở vững chắc hơn.
B.   Hậu quả của trang bị và kỹ thuật
 Hậu quả quan yếu của kỹ thuật trên sức mạnh quốc gia và sức mạnh quân sự đã bàn luận ở trên. Ở đây, chúng ta cần đưa ra thêm là trong khi lực lượng của Trung Hoa có thể ưu thắng hay ít nhất tương đồng với các lực lượng khu vực tại Á châu và có thể thực hiện một chiến lược quốc phòng tân tiến hơn, một cuộc phòng vệ tấn công trong những xung đột khu vực, họ vẫn còn kém so với các siêu cường. Cho nên, nếu có chiến tranh với một trong những siêu cường, Trung Hoa khó mà có thể có tiến hành một chiến lược tấn công. Thay vào đó, họ có thể nghĩ tới một quan điểm phòng ngự thoái lui (retrograde defense) hay phòng ngự vị trí (positional defense) dọc theo biên giới. Với các trang bị hiện đại, Hồng quân sẽ lệ thuộc nhiều vào tiếp vận các sản phẩm kỹ thuật từ các trung tâm kỹ nghệ của Trung Hoa. Cho nên không ai nghĩ rằng Hồng quân sẽ từ bỏ các khu vực kỹ nghệ để rút lui về nông thôn và vùng cao nguyên hầu thực hiện các nguyên tắc chiến tranh nhân dân trước khi ngăn chặn kẻ thù ngoài biên ải và các khu vực kinh tế chiến lược.
 Tuy nhiên, cũng sẽ sai lầm khi nghĩ rằng trong một cuộc chiến tự vệ chống lại các siêu cường ngay trên lục địa Trung Hoa, Hồng quân sẽ hoàn toàn từ bỏ các nguyên tắc cổ điển của chiến tranh nhân dân. Nó sẽ vẫn còn hữu hiện một khi các lực lượng bắt buộc phải rút lui ra khỏi các vùng biên giới. Để cho phù hợp với tình trạng mới, người Trung Hoa phải áp dụng chiến lược phòng ngự 3 giai đoạn gồm chiến tranh vị trí, chiến tranh lưu động và chiến tranh du kích. Dưới chiến lược này, kẻ xâm lăng sẽ phải đối phó với sự chống trả mãnh liệt của Hồng quân ngay tại các vị trí kiên cố nơi biên giới trước hết. Nếu phòng tuyến này bị chọc thủng, một cuộc chiến tranh lưu động với các lực lượng cơ hữu như thiết giáp, nhảy dù và các đơn vị khác sẽ chận đánh khi quân địch tiến vào đất liền. Nếu cả hai chiến lược này đều không ngăn chặn được địch quân, chiến tranh du kích sẽ được phát động và là chiến lược sau cùng để chiến đấu. Dĩ nhiên nó khác với chiến tranh du kích theo lối cổ điển vì được trang bị vũ khí tương đối hiện đại hơn.
C.   Lịch sử và Văn Hóa
 Chiến lược quân sự đến một mức nào đó ảnh hưởng bởi nét đặc thù của quốc gia trong đó có cả lịch sử và văn hóa. Lịch sử là thành tích của kinh nghiệm ; văn hóa là những tin tưởng tập quán, hệ thống xã hội và các di sản vật chất truyền từ đời này sang đời khác. Tất cả những cái đó làm thành truyền thống dân tộc.
  Là một trong những quốc gia có một nền văn hóa lâu đời nhất thế giới, với hơn 4000 năm lịch sử, Trung Hoa có một di sản về quân sự dồi dào. Việc phát triển kỹ thuật quân sự tân tiến, sự giao tiếp với lý thuyết quân sự nước ngoài, và liên tiếp bị liệt cường Âu Tây đánh bại đã phá vỡ quan niệm độc tôn về lý thuyết quân sự cũ nhưng vẫn còn được coi trọng và tiếp tục ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của các cấp chỉ huy quân sự Trung Hoa. Cho nên, khi phân tích các tư tưởng quân sự mới của Trung Hoa, việc tìm hiểu nguồn gốc của triết học cổ truyền về quân sự là điều rất cần thiết. Sự phát triển các chiến lược quân sự của Trung Hoa trong tương lai không phải là việc nhất thời phát minh ra một lý thuyết hoàn toàn mới mà chỉ là tu chính lại những chiến lược cũ từng bước một mà thôi. Cho nên, hiểu biết các tư tưởng quân sự mới của Trung Hoa một cách cặn kẽ kể cả tư tưởng của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông giúp chúng ta có thể tiên đoán những thay đổi về xã hội -chính trị của Trung Hoa thời đại hôm nay.
D.   Lý thuyết quân sự của ngoại quốc
 Trước cuộc Nha Phiến Chiến Tranh, các cấp chỉ huy quân sự Trung Hoa không quen thuộc với các lý thuyết quân sự Tây phương. Ngay cả sau khi bị liệt cường đánh bại, người Tàu cũng chưa sẵn sàng thay đổi các tư tưởng quân sự. Trái lại, những lần bại trận này lại chỉ đánh dấu việc khởi đầu của một tiến trình dài và gian nan trong việc đưa các lý thuyết Tây phương đến với các cấp lãnh đạo Trung Hoa. Ngay cả khi người Trung Hoa chấp nhận các lý thuyết quân sự ngoại quốc qua việc liên minh, viện trợ quân sự, mua bán vũ khí, giao tiếp về kinh tế và văn hóa họ cũng chỉ sao chép bề ngoài chứ không thực sự du nhập sao cho phù hợp với hiện tình của đất nước. Vì thế, khi lực lượng Trung Hoa phải đối phó với quân xâm lăng, họ thường dễ dàng bị đánh bại cho tới khi họ nhận chân được làm sao có thể áp dụng các chủ thuyết quân sự nước ngoài vào thực trạng xã hội -kinh tế của nước Tàu. Do đó, tư tưởng quân sự mới của Trung Hoa không chỉ là một kế tục đơn giản của truyền thống quân sự cổ điển hay chỉ sao chép các tư tưởng nhập cảng từ bên ngoài. Đó là một lý thuyết mới bao gồm cả di sản cũ và tư tưởng của ngoại quốc. Từ khi áp dụng chính sách mở cửa vào thập niên 1970, người Trung Hoa có thêm nhiều dịp tiếp xúc với quân sự Âu Tây qua những cuộc viếng thăm trao đổi và nhập cảng vũ khí, kỹ thuật. Kết quả là các lý thuyết quân sự Tây phương sẽ ảnh hưởng đến Trung Hoa trong những năm tháng sắp tới.
E.   Các ý thức hệ chính trị cận đại
  Ý thức hệ là một hệ thống quan điểm về đời người hay văn hóa. Franz Schurmann định nghĩa đó là một hệ thống ý niệm có hậu quả đưa tới hành động. Mặc dầu Schurmann dùng các từ này nhằm vào vai trò của nó trước hết trong việc phục vụ mục tiêu một tổ chức, quan điểm về ý thức hệ cũng có thể áp dụng vào hành vi của con người. Nó có thể hướng dẫn thái độ hay đường lối suy nghĩ của một cá nhân.
 Các lý thuyết quân sự cổ điển của Trung Hoa nguyên thủy dựa trên các tư tưởng chính trị của Khổng gia, Đạo gia, Kiêm ái hay Mặc gia. Tuy nhiên, khi các tư tưởng quân sự hiện đại bắt đầu phát triển, ảnh hưởng của các ý thức chính trị truyền thống của Trung Hoa giảm dần và các ý thức chính trị ngoại quốc tăng lên. Khuynh hướng đó song hành với việc canh tân quân sự của Trung Hoa. Tăng Quốc Phiên (Deng Guofan), viên chức chỉ huy tối cao quân đội Thanh triều trong việc dẹp loạn Thái Bình và là một chiến lược gia quân sự lỗi lạc thời đó đã phát triển các tư tưởng quân sự của ông dựa trên Lý Học, một trường phái Khổng giáo thịnh hành đời Tống và đời Minh. Khi quân Quốc Dân Đảng đánh nhau với Cộng Sản ở tỉnh Giang Tây vào thập niên 1930, Tưởng Giới Thạch vẫn còn dùng một phần lý thuyết của Tăng Quốc Phiên để huấn luyện quân đội. Từ khi bắt đầu cuộc chiến Trung -Nhật, nhờ có viện trợ quân sự và tiếp xúc chính trị với các quốc gia Tây phương, tư tưởng quân sự và ý thức hệ Tây phương mới ảnh hưởng bao trùm trên tư tưởng quân sự cổ điển của Tưởng và các lãnh tụ Quốc Dân Đảng. Cũng tương tự như thế, chủ nghĩa Marx-Lenin có một ảnh hưởng vô cùng to lớn đến việc phát triển tư tưởng quân sự của Mao Trạch Đông và các lãnh tụ Cộng Sản.
  Hồng quân do Đảng Cộng Sản trực tiếp lãnh đạo và thường tự đồng hóa với những người bị hà hiếp trong xã hội và dựa vào họ để chiến thắng. Vì thế, Mao Trạch Đông phát triển chiến tranh nhân dân dựa trên sự ủng hộ của quần chúng võ trang. Khi theo đuổi chính sách mở cửa và cải cách chính trị hiện tại, chủ thuyết Marx Lenin đã phải xét lại và du nhập thêm một số yếu tố mới từ thế giới Tây phương. Sự thay đổi về ý thức hệ chính trị này sớm muộn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Trung Hoa và tư tưởng quân sự trong tương lai. 
F.   Cá tính con người 
Việc phát triển nhân cách là một đề mục vốn dĩ đưa đến nhiều cuộc tranh luận sôi nổi giữa các tâm lý gia và nhân chủng gia trong một thời gian dài. Có một sự đồng ý chung là cá tính con người đầu tiên bị nắn khuôn theo hoàn cảnh mà người đó được nuôi dưỡng. Nói cách khác, sự phát triển cá tính ảnh hưởng căn bản bởi gia đình và xã hội qua giáo dục chính thức và không chính thức. Cho nên, lịch sử quốc gia, văn hóa và các điều kiện xã hội -chính trị như đã bàn ở trên đều có ảnh hưởng đến cá tính. Tuy nhiên một số học giả lại tin rằng ảnh hưởng của hoàn cảnh trên việc hình thành nhân cách chỉ là một phần mà thôi. Một phần khác do di truyền từ nòi giống. Chưa có một kết luận nào đạt được từ phản đề này. 
Dù yếu tố nào đóng góp vào việc phát triển nhân cách chăng nữa thì cá tính đặc biệt của người ấy cũng biểu lộ qua các tư tưởng quân sự của họ. Chẳng hạn như Tưởng Giới Thạch, với cá tính anh hùng của một quân nhân chuyên nghiệp thường đòi hỏi các tướng lãnh của ông tử thủ tại vị trí trong khi Mao Trạch Đông hành động giống như Gia Cát Lượng, một chiến lược gia lỗi lạc thời Tam Quốc, không đòi hỏi sự hi sinh cá nhân của những người cộng sự mà trái lại thích áp dụng chiến thuật ẩn hiện với kẻ địch, luôn luôn sẵn sàng tấn công để tiêu diệt khi có cơ hội.
  Khi các đặc tính đó thể hiện trong tư tưởng quân sự, Tưởng hay nhấn mạnh về đức tính quả cảm và gan lì. Ông thường viết rằng một người có thể địch mười người hay mười người có thể địch một trăm người nếu binh sĩ sẵn sàng chiến đấu cho tới chết. 
Mặc dù Mao không bỏ qua đức tính đó, trong tư cách một chiến lược gia và một người đánh cờ, ông rõ ràng thích dựa vào chiến lược hơn là sức mạnh vật chất. Tư tưởng của ông ta là một chống mười trong chiến lược nhưng mười chống một trong chiến thuật.  Trong khi những yếu tố đó có tính chất sống còn với sự phát triển tư tưởng quân sự, nó có thể không ảnh hưởng đến cá nhân một cách đồng đều. Một số yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ trong khi yếu tố khác có thể biến mất hay lệ thuộc vào hoàn cảnh mà người ta gặp phải. Do đó, những yếu tố này sẽ được sử dụng như những hướng dẫn tổng quát dựa trên những điều kiện vật chất mà người ta có được
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:19:29 am »

5. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ BỐ CỤC
A. Phương hướng
 Việc phát triển các tư tưởng quân sự hiện đại của Trung Hoa như đã thảo luận ở trên liên hệ mật thiết đến hai yếu tố : việc phát triển của lịch sử Trung Hoa trên phương diện xã hội -chính trị nói chung và tiến trình của canh tân quân sự Trung Hoa nói riêng. Cho nên, công trình nghiên cứu này sẽ dựa vào lịch sử để phân tích vấn đề hiện đại hóa quân sự của Trung Hoa trên nhiều mức độ khác nhau theo chiều hướng phát triển của Trung Hoa hiện nay. Chúng tôi sẽ đối chiếu tình hình xã hội -kinh tế và hoạt động chính trị vào từng thời kỳ để tìm kiếm tương quan giữa các nguyên nhân lịch sử và hậu quả của những biến động xã hội.
 Đi tìm nguyên nhân của từng chuyển biến xã hội -chính trị cũng cần phải đào sâu vào hệ thống xã hội hiện hữu để đưa ra những yếu tố góp phần vào thay đổi. Dựa trên các giả định đó, hệ thống xã hội -chính trị, điều kiện kinh tế và hệ thống quân sự ngay trước cuộc Chiến tranh Nha Phiến năm 1840 sẽ được tìm hiểu ngõ hầu đưa ra một bối cảnh tổng quát. 
Trong khi hệ thống xã hội -chính trị cổ thời của Trung Hoa trước năm 1840 có thể cung cấp những căn bản cho thay đổi sắp xảy ra và thúc đẩy cải cách, cuộc chiến tranh Nha Phiến và các biến cố theo sau là động lực xúc tác trực tiếp cho cuộc canh tân và trên hết là cải cách quân sự. Người Trung Hoa phản ứng đối với cuộc chiến tranh Nha Phiến như thế nào ? Thái độ của sĩ phu Trung Hoa ra sao ? Quan điểm của thành phần ưu tú trong hệ thống xã hội và chính trị sẽ là tiêu điểm cho các phân tích tại thời kỳ này để giải thích giai đoạn mở đầu hiện đại hóa quân sự của Trung Hoa. 
”Tư tưởng phát xuất từ lịch sử ”. Những tư tưởng quân sự hiện tại là một sản phẩm của lịch sử. Các cấp chỉ huy quân sự trong giai đoạn này đã đóng góp hoặc nhiều, hoặc ít cho kết quả sau cùng của các tư tưởng hiện tại. Trước khi phân tích các quan điểm quân sự cá nhân, quá trình học vấn và xã hội -chính trị và tư cách con người sẽ được nhắc qua để đi tìm những yếu tố ảnh hưởng đến việc phát triển tư tưởng của người đó. 
Chiến tranh giữa các lực lượng xã hội -chính trị khác nhau sau khi hệ thống cổ truyền sụp đổ đã tạo nên các thay đổi chính trị trong một thời gian dài và gần như hủy diệt toàn bộ quốc gia. Tuy nhiên, sau những đấu tranh dai dẳng và gian nan, Trung Hoa đã thoát ra được những đổ vỡ và đi đến thống nhất. Trên quan điểm kỹ thuật, trong giai đoạn thập niên 1940, công cuộc canh tân quân sự của Trung Hoa còn một quãng dài trước khi hoàn tất. Ngoài những yếu tố khác, việc đưa ra được một tư tưởng quân sự hiện đại là chìa khóa để chiến thắng trong chiến tranh giải phóng và thống nhất quốc gia thoát ra khỏi thời kỳ nội chiến. Phân tích kỹ lưỡng về tư tưởng quân sự của Mao và của Tưởng và tình trạng độc đáo đưa đến những phát triển của họ sẽ cho chúng ta một khái niệm về các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã hình thành chủ thuyết của họ như thế nào, làm sao vượt qua được những thử thách của thời kỳ chiến tranh khốc liệt, và sau đó cho chúng ta thấy đại khối quần chúng Trung Hoa đã được vận động ra sao để tham gia vào phong trào giải phóng quốc gia. Phong trào đó vốn dĩ không tiên liệu trước được, nhưng đến một mức nào đó bao gồm cả động viên lực lượng xã hội, kết hợp các tương quan rộng lớn, kêu gọi tham gia đại chúng và tinh thần quốc gia để xúc tiến xây dựng xã hội mới và công cuộc canh tân.
 B. Bố cục
  Cuốn sách này được chia thành 8 chương : ngoài phần mở đầu và phần kết luận, 6 chương kia sẽ được khai triển để phân tích các đề mục sau đây :
 -Chương hai là một nghiên cứu tổng quát về triết học quân sự cổ điển của Trung Hoa. Chương này không những tóm tắt các trường phái và nội dung của các lý thuyết quân sự cổ thời mà còn phân tích bối cảnh xã hội -kinh tế đã sản sinh ra các lý thuyết đó và tại sao hấp dẫn được con người trong suốt mấy ngàn năm không thay đổi.
-Chương ba liên quan đến cuộc chiến tranh Nha Phiến và sự chuyển đổi hệ thống quân sự Trung Hoa. Chúng tôi sẽ thảo luận về hệ thống quân sự cổ điển trước chiến tranh, ảnh hưởng của chiến tranh, thái độ của người Trung Hoa và trên hết phản ứng của giới sĩ phu và quan lại. Tư tưởng canh tân quân sự và chính sách của triều đình chẳng hạn như cuộc Dương vụ vận động và Tự cường vận động, việc xuất hiện các đạo quân địa phương như Tương quân, Hoài quân và hậu quả tác động trên việc canh tân quân sự của Trung Hoa những năm về sau sẽ được phân tích kỹ lưỡng hơn.
Các tư tưởng quân sự riêng của Lâm Tắc Từ (Lin Zexu), Ngụy Nguyên (Wei Yuan), Phùng Quế Phương (Pheng Guifen), Tăng Quốc Phiên (Deng Guofan), Lý Hồng Chương (Li Hongzhang), Tả Tông Đường (Duo Zongtang) hay Viên Thế Khải (Yuan Shihkai) sẽ được phân tích từng người một.
-Chương bốn căn bản là sự tiếp tục và giai đoạn chuyển tiếp của thời kỳ hậu cách mạng Tân Hợi 1911. Các tư tưởng về kiềm chế lực lượng quân sự và ép buộc giải ngũ quân đội, việc hình thành các lực lượng võ trang của các đảng chính trị cũng như bối cảnh xã hội chính trị sẽ được thảo luận chi tiết hơn. Ngoài ra chúng tôi sẽ phân tích về quan điểm quân sự của một số nhân vật như Lê Nguyên Hồng (Li Yuanhong), Sái Ngạc (Cai E), Bác Sĩ Tôn Dật Tiên (Sun Yatsen) và Tưởng Bách Lý (Jiang Baili).
-Chương năm và chương sáu hoàn toàn bàn về lý thuyết quân sự của Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông. Họ là những đại diện tiêu biểu nhất của lý thuyết quân sự Trung Hoa hiện đại.
-Chương bảy phân tích một cách ngắn gọn công cuộc cải cách quân sự của Đặng Tiểu Bình và sự phát triển chiến lược quốc phòng của Trung Hoa từ cuối thập niên 1970 tới nay.  6. TÀI LIỆU  Các tài liệu trong tập sách này chủ yếu tham khảo từ bốn nguồn thư tịch : 
A.    Tài liệu cá nhân của Tác giả
  Một phần công trình nghiên cứu về lý thuyết quân sự cổ thời của Trung Hoa, các tác phẩm của Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch và sự phát triển hiện nay về quân sự của Trung Hoa và Đài Loan trong các báo chí, tạp chí trong sưu tập riêng của tác giả.
B.    Các thư viện Bắc Mỹ
  Một số lớn các tài liệu dùng trong sách này tìm thấy trong các thư viện East Asia Institutes của đại học Toronto, Canada và Đại học Harvard và Stanford, Hoa Kỳ.
C.   Sưu tập tại Đài Loan
 Bằng cả lời mời chính thức của chính quyền lẫn yêu cầu cá nhân, tác giả đã được phép sử dụng các nguồn tài liệu của Viện Á Đông, Đại học Quốc Gia Chengchi và Đại học Quân sự Chính trị Quốc Dân Đảng.
D.   Tư liệu từ Trung Hoa
 Dưới sự bảo trợ của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế Bắc Kinh, tác giả đã lưu lại Trung Hoa trong ba tuần để họp với nhiều học giả lỗi lạc chuyên về quân sử. Đặc biệt nhất là các cuộc hội nghị với các thành viên của Quân Sự Học Hiệu GPQ tại Bắc Kinh. Những buổi gặp gỡ đó làm sáng tỏ một số vấn đề then chốt và giúp sưu tầm thêm tài liệu.  Những cuộc du hành nghiên cứu tại Hoa Kỳ, Đài Loan và Trung Hoa đều được Ủy Ban Nghiên Cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Canada bảo trợ tài chánh.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:20:47 am »

Chương 2: Nghiên cứu về các lý thuyết quân sự cổ điển của Trung Hoa
1.   NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC TÍNH CỦA TRIẾT HỌC QUÂN SỰ CỔ ĐIỂN TRUNG HOA 
Tài liệu đầu tiên đề cập đến nghệ thuật chiến tranh tại Trung Hoa có thể truy nguyên là truyền thuyết về Hà Đồ và Lạc Thư, vốn được coi như những trận thế do một số lãnh tụ bộ lạc ở tỉnh Thiểm Tây, gần sông Hoàng Hà đặt ra cách đây từ 6000 đến 7000 năm trước. Một ngàn năm sau, Phục Hi, một tù trưởng khác tại Hà Nam, cảm ứng từ các hình vẽ này đã đặt ra Bát Quái, tức 8 quẻ, được coi như là những trận đồ cao siêu hơn. Tuy nhiên những công trình đó không phải là sách thật vì thời đó chữ viết chưa xuất hiện tại Trung Hoa. Theo nhiều tài liệu lịch sử cổ khác nhau thì dường như Hoàng Đế, thủy tổ khai sáng ra nước Tàu, đã viết một số sách về chiến pháp. Tuy nhiên, sách vở Trung Hoa về nghệ thuật chiến tranh chỉ bắt đầu phát triển từ cuối triều đại nhà Chu. Kể từ đó, hơn một ngàn tác phẩm đã được xuất bản. 
Theo Lục Đạt Tiết (Lu Dajie), tác giả cuốn Trung Quốc Lịch Đại Binh Thư Khái Luận (Hongkong 1969) có tất cả 1340 tác phẩm, tổng cộng trên 6830 tập. Tuy nhiên, đa số những sách này đã thất truyền. Chỉ còn lại 288 cuốn, tổng cộng 2160 tập còn lưu lại đến ngày nay. Hơn nữa, một số lớn các di phẩm này hoặc chỉ còn một bản hay do tư nhân sưu tập không phổ biến cho đại chúng. Thành ra chỉ có 178 tác phẩm là có bán ngoài thị trường.
 Họ Lục lượng định số lượng sách vở còn tồn tại dựa trên tài liệu của bộ đại từ điển Tứ Khố toàn thư đời Càn Long là một tổng hợp vĩ đại của mọi học giả, mọi ngành xuất bản hồi cuối thế kỷ 18. Từ đó tới nay, Trung Hoa đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và chắc chắn là một số các binh thư này lại bi hủy hoại hay hư hỏng nữa. Cho nên, số sách hiện tại còn lưu giữ đến hôm nay chắc ít hơn con số họ Lục đưa ra nhiều, mặc dù không thể đưa ra được một con số chính xác. 
Từ những cuốn sách còn lại, các nhà nghiên cứu đã nêu ra một số đặc điểm độc đáo của triết học quân sự Trung Hoa. Trước hết, lý thuyết quân sự của Trung Hoa đầu tiên được phát triển hồi cuối đời Chu hay còn gọi là Xuân Thu (770 -476 trước TL) và Chiến Quốc (475 -221 trước TL). Từ đó trở về sau, sự phát triển của tư tưởng quân sự Trung Hoa thiên về giải thích binh thư cũ hay giải đáp một số vấn đề kỹ thuật và chi tiết. Một số tác phẩm còn bàn luận về những nghi thức mê tín như bùa chú, bói toán và chiêm tinh. Những sách về sau chỉ phụ đề cho các sách in trước, rất ít sách đóng góp đáng kể về lý thuyết. Cho nên, khi nghiên cứu về triết học quân sự cổ truyền của Trung Hoa người ta thường chỉ nhấn mạnh về các tác phẩm có trước đời Tần hay con gọi là Tiên Tần và rất ít chú trọng đến những sách đời sau. Việc lược bỏ đó không ảnh hưởng nặng nề đến công tác nghiên cứu triết học quân sự Trung Hoa. Lục Đạt Tiết đã viết:
Những chiến lược gia lỗi lạc nhất của Trung Hoa thời cổ là Tôn Tử và Ngô Khởi. Các tư tưởng do những người trước Tôn và Ngô đều được họ kế thừa, trong khi những người đi sau Tôn và Ngô lại cảm hứng từ họ mà có. Mặc dầu có những thay đổi vô cùng to lớn trong việc phát triển nghệ thuật chiến tranh trong kỷ nguyên vừa qua tại Trung Hoa, những thay đổi đó cũng không vượt ra khỏi con đường Tôn và Ngô đã vạch. Vì thế, không ngại ngùng gì mà nói rằng tất cả những binh thư sau Tôn Ngô cũng là của Tôn Ngô.
Đối với nhiều học giả nghiên cứu trong ngành này, lời nói đó có quá giản lược, nhưng cũng đúng nếu nói rằng triết học quân sự cổ điển của Trung Hoa hình thành được nét đặc thù của nó đời Hậu Chu là do Tôn Tử và Ngô Khởi và từ đó tới sau không có gì thay đổi một cách rõ rệt. Lý do của hiện tượng này sẽ bàn tới sau, nhưng ở đây đủ để cho chúng ta hiểu rằng điều kiện kỹ thuật, xã hội-kinh tế và hệ thống chính trị đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến triết học quân sự.
Thứ hai, triết học quân sự cổ điển Trung Hoa không chỉ giới hạn trong các binh thư hay các tác phẩm của các chiến lược gia quân sự mà nằm rải rác trong các tác phẩm không bàn về quân sự của các triết gia và chính trị gia. Các sách về thuyết Kiêm Ái, Khổng Giáo, Đạo giáo và nhiều sách khác đều chứa đựng một số quan điểm về chiến tranh và có ảnh hưởng rất nhiều đến lý thuyết của các chiến lược gia. Nói chung, tất cả các sách nói về chiến tranh đều dựa trên các học thuyết chính trị của Trung Hoa thời cổ. Chẳng hạn như Tôn Tử thường nói là ảnh hưởng bởi Đạo Giáo trong khi Ngô Khởi thì nói là ảnh hưởng của Khổng Giáo. Cả hai công trình tuy nhiên đều cho thấy các nguyên tắc nhân bản đã chi phối chủ yếu quan điểm của tác giả về chiến tranh. Là một môn đồ Khổng Giáo, Ngô Tử khuyên các nhà cai trị nên phản ảnh tinh thần đạo đức và thi hành nhân chính trong việc trị dân. Nhà vua phải đạt được Tứ Hòa trước khi có thể có chiến tranh với nước khác. 
Nhấn mạnh vào sự quan trọng của đạo đức trong chiến tranh, Tôn Tử cho rằng phải theo đuổi chiến lược ” Toàn ” nghĩa là làm sao không phải giết người. Ông viết: 
Điều tốt nhất là chiếm được nước địch một cách toàn vẹn, còn phá hủy là không bằng. Cũng như thế, tốt hơn hết là bắt giữ một đạo quân hơn là tiêu diệt họ.1
 Quan niệm nhân bản được các chiến lược gia thừa nhận khi bàn về chiến tranh nên muốn hiểu rõ nghệ thuật điều binh của Trung Hoa thời xưa không thể không biết qua về triết học chính trị và hệ thống giá trị cũ. Tăng Quốc Viên trong tác phẩm Triết học chiến tranh đời Tiên Tần (Tiên Tần Chiến Tranh Triết Học, Đài Bắc, 1972) đã viết rằng triết học chính trị trước đời Tần bao gồm cả triết học quân sự trong đó nữa. Cho nên tới một mức độ nào đó, người ta không thể không dẫn chứng triết học chính trị khi bàn luận về lý thuyết quân sự của Trung Hoa.
 1Nguyên văn: Phù dụng binh chi pháp, toàn quốc vi thượng, phá quốc thứ chi, toàn lữ vi thượng, phá lữ thứ chi, toàn tốt vi thượng, phá tốt thứ chi, toàn ngũ vi thượng, phá ngũ thứ chi. ( Tôn Tử Binh Pháp, Mưu Công Thiên ) 
Thứ ba, trong việc dùng các binh thư cổ, người ta gặp vấn đề các tài liệu giả gọi là Ngụy Thác hay Ngụy Thư. Cả hai đều chỉ những sách vở đáng ngờ nhưng không hoàn toàn giống nhau. Ngụy Thư nói về sách cổ đã tìm ra là bị giả mạo, không đúng niên kỷ hay đề sai tác giả. Ngụy Thác không ra ngoài những định nghĩa trên nhưng nhấn mạnh về việc sách mới soạn giả vờ là sách xưa.
 Ngụy Thư và Ngụy Thác không chỉ nằm trong các loại binh thư mà còn liên quan đến những đề mục đáng ngờ. Như Tăng Quốc Viên đã viết:
Các sách vở xuất hiện trước đời Tần thường lẫn lộn các dữ kiện đáng ngờ với các chi tiết giả ... thường hay tìm thấy trong các loại Chí trong khi các loại Kinh thường hay bị mạo hóa. Theo Lục Đạt Tiết, ngoài tên tác giả, các loại binh thư cổ đa số là Ngụy Thác. Không thể tin được rằng Hoàng Đế và Huyền Nữ mỗi người đã soạn hơn một chục quyển sách, Thái Công (Khương Thượng), Hoàng Thạch Công, Gia Cát Lượng và Lý Vệ Công (Lý Tĩnh) mỗi người viết từ 10 đến 30 cuốn sách. Người càng xưa lại càng viết nhiều. Theo thường lý thì chuyện đó không thể nào tin được. Lý do có quá nhiều Ngụy Thư bởi vì nhiều sách cổ không do chính tác giả viết mà phần lớn do các môn đệ hay hậu duệ góp nhặt và san định sau. Cho nên không khỏi không có một số thêm thắt và tài liệu sai lầm được đưa vào. Các loại Ngụy Thư này, theo Tăng Quốc Viên có thể dùng được không đáng ngại. Nếu một quyển sách hoàn toàn ngụy tạo, có thể dùng được hay không là do định được thời gian nó được viết ra. Nếu một cuốn sách bàn về triết học chiến tranh cổ được làm giả trước đời Tần bởi một người sống cùng thời, ngụy thư đó có thể chứa đựng một số dữ kiện giá trị của niên đại ấy. Vì thế nó vẫn có thể dùng được. Đối với các binh thư cũ, Tăng cho rằng phần lớn lai lịch bất minh nhưng vì không có tài liệu nào khác nên muốn dùng phải hết sức thận trọng và căn cứ vào nhận định riêng mà cho là có giá trị hay không.
Với những vấn đề như thế và những mục tiêu giới hạn đề ra riêng cho chương này, chúng ta cần phải đưa ra những tổng tắc để phân tích ngõ hầu tránh khỏi những mâu thuẫn không cần thiết:
1/ Mặc dầu các binh thư cổ chỉ còn độ 20% những gì Lục Đạt Tiết đã nêu ra nhưng cũng sẽ quá tham lam nếu duyệt qua tất cả. Hiện nay, việc đó không những không thể làm được mà cũng chẳng cần làm vì theo Lục Đạt Tiết thì một số lớn chỉ bàn về triết học chiến tranh hay bình chú những tác phẩm khác. Dù chỉ tìm hiểu những tác phẩm chính, chúng ta cũng không bỏ sót những điểm quan trọng. Do đó, những sách về lý thuyết quân sự dùng trong phân tích này phần lớn liệt kê trong bộ Trung Quốc Binh Pháp Đại Toàn của Lý Dục Nhật (Li Yuri). Bộ này gồm 15 tập bao gồm hơn 30 tác phẩm chính.
2/ Về triết học chiến tranh, các tài liệu chủ yếu dựa trên các binh thư nổi tiếng. Những tác phẩm không thuộc về quân sự chỉ được dùng trong những trường hợp cá biệt để dẫn chứng về nguồn gốc triết học và ý thức về chiến tranh. Cuốn sách này không chủ trương đào sâu về Khổng học, Đạo học hay Mặc học trừ trường hợp hết sức cần thiết. 
3/ Sẽ nhấn mạnh về những lý thuyết nằm trong sách vở trước đời Tần hơn là những đời sau vì khung hình tư tưởng được phát triển trong thời kỳ này. Những giá trị các tác phẩm sau đời Tần, trên nhãn quan lý thuyết không đáng kể. Tuy nhiên sẽ có một đối chiếu ngắn trước khi dứt chương. 
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:21:47 am »

2.   BỐI CẢNH XÃ HỘI -CHÍNH TRỊ VÀ HẬU QUẢ CỦA NÓ TRÊN TRIẾT HỌC QUÂN SỰ ĐỜI TIÊN TẦN
  Lịch sử Trung Hoa có từ trước đời Tần rất xa. Trong huyền sử đã có nhiều khái niệm về nghệ thuật chiến tranh và như đã đề cập trước đây có thể tìm thấy từ đời Hoàng Đế và Phục Hi (từ 6000 đến 7000 năm trước Tây Lịch). Tuy nhiên những truyền thuyết này không có gì xác thực nên không thể dùng trong việc phân tích một cách nghiêm chỉnh. Cũng giống như hầu hết các học giả nghiên cứu về triết học quân sự cổ điển Trung Hoa, tác giả cũng chỉ thu hẹp định nghĩa của Tiên Tần vào thời kỳ Xuân Thu và Chiến Quốc, vì hầu hết những tác phẩm giá trị là do những nhân vật đời này soạn ra.
Xuân Thu và Chiến Quốc là thời đại hoàng kim của văn minh cổ Trung Hoa. Những tác phẩm vĩ đại về triết học quân sự và các ngành triết học khác của Trung hoa cổ xuất hiện giai đoạn này. Những học giả nghiên cứu về Trung Hoa đều đồng ý rằng đây là thời kỳ có một không hai và cũng chưa từng có trên lãnh vực phát triển văn hóa. Thời kỳ đó quả xứng danh là ”bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng). Khổng học, Đạo học, Mặc học ... và nhiều ngành triết học khác ngự trị khung cảnh chính trị-xã hội Trung Hoa hơn 2500 năm qua là điển hình của một giai đoạn phát triển văn hóa sôi động. Tại sao người Trung Hoa có thể hình thành những triết học vĩ đại như thế và trên hết, những lý thuyết quân sự vào thời kỳ ấy ? Và tại sao không có những tác phẩm giá trị ngang ngửa xuất hiện sau đời Tần ? Câu trả lời có thể tìm thấy trong bối cảnh chính trị-xã hội của thời đại này.
A.   Bối cảnh xã hội-chính trị thời Hậu Chu 
Triều đại nhà Chu bắt đầu vào năm 1118 trước TL sau khi lật đổ nhà Thương. Thời đó, Trung Hoa được hưởng một thời gian dài hòa bình và thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử cho tới khi bị người Khuyển Nhung (Quanrong), một giống rợ sống thành bộ lạc vùng tây bắc Trung Hoa xâm lăng vào năm 771 trước TL. Liên kết với bố vợ của U Vương (tức Thân Hầu, cha của Khương Hậu), quân Khuyển Nhung chiếm kinh thành và giết U Vương. 
Khi Bình Vương nối ngôi, ông bắt buộc phải dời kinh đô từ đất Cảo (gần Tây An thuộc Thiểm Tây ngày nay) sang phía đông đến Lạc Dương (tỉnh Hà Nam hiện nay). Vì Lạc Dương nằm ở phía đông đất Cảo, nhà Chu sau năm 771 trước TL được sử gọi là Đông Chu. Từ năm 771 trước TL đến khi bị lật đổ năm 249 trước TL, nhà Đông Chu không bao giờ còn có thể trở lại thời kỳ thịnh vượng và ổn định như trước nữa. Một thời kỳ loạn lạc bắt đầu.
Vì sự suy sụp của triều đình trung ương, các vương hầu bắt đầu mở rộng bờ cõi bằng chinh phạt quân sự. Vào thế kỷ thứ 8 trước TL, khi nhà Đông Chu mới thành lập, Trung Hoa có khoảng 200 tiểu quốc nhưng sau các nước sáp nhập lại thành 7 nước lớn (với vài biệt lệ) và vẫn tiếp tục đánh nhau hơn 250 năm nữa trước khi nhà Tần thống nhất toàn quốc năm 221 trước TL. 
Trong suốt gần 5 thế kỷ binh đao, triều đình trung ương yếu dần và hậu quả là cả nước rơi vào một tình trạng vô chính phủ. Sự phân hóa của hệ thống chính trị và sự yếu kém của giai cấp lãnh đạo đã đưa tới cơ hội cho người bình dân có thể lên cầm quyền. Đạo đức xã hội không còn nữa, dân chúng sống trong những điều kiện cực kỳ khốn khổ. Những biến đổi về xã hội và chính trị có ảnh hưởng rất quan trọng trên triết học quân sự của Trung Hoa. 
Từ khi triều đình bị suy yếu và về sau biến mất, các vương hầu đánh lẫn nhau để tranh giành quyền lực. Vì thế, việc kiểm soát tư tưởng của nhà cầm quyền không còn nữa và các ngành học thuật được hoàn toàn tự do không bị cấm đoán. Thay vào đó, các trường tư được hoạt động. Dường như thời này dân chúng được hưởng quyền tự do ngôn luận và đi lại. Không những người dân muốn nói gì thì nói mà họ còn có thể đi từ nước này sang nước khác để dạm bán các tư tưởng của họ cho những nhà lãnh đạo nào chịu nghe. Trong hoàn cảnh đó, kẻ nào có tài và có đầu óc muốn phò tá các vương hầu đều có thể tiến thân rất nhanh trên lãnh vực quân sự. Thời đại đó thai nghén cho giai đoạn trăm nhà đua tiếng (bách gia tranh minh). Nhiều hệ phái triết học và lý thuyết quân sự khác nhau được giai cấp Sĩ thời đó phát huy, trong đó gồm cả người bình dân có học lẫn danh gia tử đệ.
B.   Các tư tưởng chính trị cận đại và ảnh hưởng của nó trên các lý thuyết quân sự 
Đời sống quần chúng cơ cực là vì triều đình trung ương suy thoái và các vương hầu đánh lẫn nhau. Các Nho gia tin rằng nếu tôn Chu nghĩa là quay trở lại thời kỳ cũ, tôn trọng trật tự chính trị thì loạn lạc sẽ chấm dứt. Khổng Tử chống lại việc chiến tranh giữa các tiểu quốc và việc soán nghịch của các vương hầu. 
Mặc dầu các Nho gia không thành công trong việc khôi phục nhà Chu và chấm dứt chinh chiến, nhưng những quan điểm của họ như việc tôn phò nhân chính (hành vi mẫu mực của người cầm quyền) sự quan trọng của đạo đức trong một xã hội phú cường, đã trở thành tư tưởng chủ đạo cho những chiến lược gia quân sự và ảnh hưởng đến lý thuyết của họ về chiến tranh.
 Khoảng một trăm năm sau khi Khổng Tử tạ thế, Mặc học trở nên một trường phái phổ thông. Người ta nói rằng Mặc Địch, sáng tổ của Mặc học đã theo học Nho gia nhưng sau đó không thỏa mãn với Khổng học nên quay lại chống đạo Nho. Trong giai đoạn đầu thời Chiến Quốc, Mặc học là đối thủ chính của Khổng học. Mặc gia đồng ý với Khổng gia là cần một chính quyền tốt và khôi phục hệ thống chính trị cũ để cải thiện đời sống người dân. Họ cũng chống lại chiến tranh chinh phạt nhưng ủng hộ chiến tranh tự vệ. Mặc Địch đã có lúc cùng các môn đệ giúp nước Tống chống lại nước Sở xâm lăng. Chiến tranh chống xâm lược, hay phi công (feigong) có liên quan mật thiết đến thuyết kiêm ái của Mặc gia nghĩa là mở rộng tình yêu thân quyến, bằng hữu đến yêu thương tất cả mọi người. 
Bước đầu của kiêm ái là đừng ghét ai. ”Thù ghét là nguồn gốc lớn nhất của chiến tranh”. Triết học Mặc gia về phi công căn cứ trên quan điểm thực dụng vì những mất mát và đau khổ do chiến tranh đem tới vượt xa những lợi lộc đem lại. Tuy nhiên họ không phủ nhận chiến tranh tự vệ. Xấu xa chỉ có khi đi xâm lăng, chinh phạt người khác. Nếu con người không xâm lăng lẫn nhau thì thiên hạ sẽ thái bình.
 So với Khổng học và Mặc học, Đạo học có thái độ tiêu cực hơn đối với cả hệ thống chính trị lẫn chiến tranh. Triết học Đạo giáo vẫn được coi là huyền bí. Nguyên thủy của vũ trụ là Đạo, là nguyên lý tối thượng của hình thành mọi việc. Đối với Đạo gia, Đạo là mẹ của mọi sự nhưng cũng không là gì cả. Mọi vật từ hư không (Vô) mà ra là định luật của tự nhiên.
Đối với các trường phái triết học cổ điển khác, Đạo được xem như một nguyên tắc chung của con người, một định luật luân lý chứ không phải định luật thiên nhiên. Khi ứng dụng vào nghệ thuật dùng binh, Tôn Tử và Ngô Tử coi như một định luật luân lý.
 Đạo gia chống lại mọi loại chiến tranh, nhưng điều đáng quan tâm là thái độ thụ động của họ lại có một ảnh hưởng đáng kể trên các lý thuyết của các chiến lược gia quân sự cổ thời của Trung Hoa. Đạo gia tin rằng tĩnh có thể chế động, kẻ yếu có thể chống được kẻ mạnh. Tương tự, nhu có thể chế cương. Nước bản chất là nhu, thuận theo mọi hình thái của đất nhưng có thể làm vỡ đê điều và phá hủy những gì ngăn cản nó. Tôn Tử so sánh trạng thái của nước với hình thức của quân đội.
  ”Một đạo quân cũng chẳng khác gì nước cũng như nước chảy tránh chỗ cao mà tuôn vào chỗ thấp nên quân cũng tránh mạnh mà đánh vào yếu. Cũng như nước theo hình thế của đất, quân cũng thủ thắng theo tình trạng của địch”2
 Khác với tất cả các nhà khác, Pháp gia là trường phái lỗi lạc nhất và tích cực nhất trong các thế lực xã hội, hết tâm hết sức chuyển theo các biến đổi xã hội đời Tiên Tần. Họ còn nóng lòng đề xướng cải cách nhiều hơn nữa. 
Sáng tổ của Pháp gia là Quản Trọng nước Tề. Là quan Tể Tướng, Quản Trọng đưa ra một loạt chính sách để củng cố binh bị và hệ thống kinh tế. Các chính sách của ông có thể thâu tóm vào hai chữ ổn định và hùng cường. Để ổn định, ông nhấn mạnh vào việc áp dụng luật pháp, để hùng mạnh ông xây dựng hệ thống dân quân. Nó được gọi là dùng quân lệnh để phục vụ hành chính (Dĩ quân lệnh vụ nội chính, Gi Junling Yu Neizheng) , một cái tên nhấn mạnh sự liên kết giữa quân đội và hệ thống hành chánh địa phương. Hệ thống này không những đưa Tề lên ngôi bá chủ mà còn tạo được một tình trạng tương đối hòa bình giữa các chư hầu trong hơn 40 năm, ảnh hưởng đến hệ thống quân sự Trung Hoa và triết học chiến tranh.
2Nguyên văn:: Phù binh hình tượng thủy, thủy chi hình, tị cao nhi xu hạ. Binh chi hình, tị thực nhi kích hư. Thủy nhân địa nhi chế lưu, binh nhân địch nhi chế thắng (Tôn Tử Binh Pháp, Hư Thực Thiên)
  Mặc học sau này cũng được áp dụng bởi hầu hết các nước theo nhiều mức độ khác nhau. Hệ thống dân quân làm cho quân đội bành trướng và vì thế chiến lược, chiến thuật cũng như điều động chỉ huy trở nên vô cùng phức tạp và các tướng lãnh phải chọn những người có khả năng chuyên môn. Cho nên, các những người có kiến thức đặc biệt về quân sự được các vương hầu bổ nhiệm trong những chức vụ trọng yếu. Có lẽ chính vì thế mà những tác phẩm lỗi lạc nhất về binh bị xuất hiện trong thời kỳ này. 
Sự thay đổi trong hệ thống binh bị khiến cho chi phí quốc phòng trở nên rất cao. Thương vong cũng rất nặng nề và ảnh hưởng đến thái độ của các triết gia Trung Hoa đối với chiến tranh. Các Nho gia, Mặc gia, Đạo gia đều có thái độ tiêu cực theo nhiều mức độ khác nhau. Chẳng hạn như Mạnh Tử, một Nho gia lỗi lạc thời Chiến Quốc, đã đả kích chiến tranh và kết án nặng nề những chiến sĩ lỗi lạc thời đó. Ông viết:
Kẻ nào thiện nghệ trong chiến đấu đáng bị trừng phạt nặng nề. Tử hình không đủ cho những kẻ giết người đầy mặt đất3
  Thái độ đó ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các chiến lược gia cổ thời. Hầu hết đều thận trọng hơn và đưa đến khuynh hướng thủ nhiều hơn công, ít nhất cũng trong giai đoạn khởi động chiến tranh.
 Phái Pháp gia được hoàn toàn áp dụng tại nước Tần dưới sự lãnh đạo của Thương Ưởng. Các chính sách của ông ta có thể giản lược trong hai điểm: hệ thống tưởng thưởng trong quân đội và luật pháp. Nông dân nước Tần đều phải gia nhập dân quân, họ được huấn luyện để cày ruộng trong thời bình và chiến đấu trong thời chiến. Dựa trên hệ thống tưởng thưởng, kẻ nào giết được nhiều địch nhất sẽ được khen thưởng nhiều nhất. Chính sách thứ hai là bảo đảm quyền tối thượng của luật pháp, ngay cả thái tử nếu phạm luật cũng bị trừng phạt. Các chính sách này giúp Tần bá chủ 6 nước còn lại và dần dần thống nhất Trung Hoa vào năm 221 trước TL sau 5 thế kỷ rưỡi chiến tranh.
 3 Nguyên văn: Tranh địa dĩ chiến, sát nhân doanh dã, tranh thành dĩ chiến, sát nhân doanh thành, thử sở vị tốt thổ địa nhi thực nhân nhục, tội bất dung ư tử (Mạnh Tử, Ly Lâu Thượng)
Phái Pháp gia chia làm ba phái mỗi phái nhấn mạnh một chính sách khác nhau: một phái nhấn mạnh vào thẩm quyền của người cai trị, phái khác nhấn mạnh hệ thống tổ chức, đường lối và thủ đoạn các vương hầu và phái thứ ba chú trọng về luật pháp. Cả ba sau gom lại làm một do Hàn Phi. Dưới lý thuyết hợp nhất này, bậc chí tôn của một nước có thẩm quyền hoàn toàn không những trong việc làm luật mà còn có quyền quyết định luật pháp có bị vi phạm hay không và một người sẽ bị trừng phạt như thế nào. Việc nhấn mạnh vào đường lối, thủ đoạn cho phép vua chúa muốn dùng phương tiện gì cũng được để đạt tới mục tiêu. Khi áp dụng vào thực tế, họ trở thành bạo chúa, luật pháp là để áp chế quần chúng và một người dù phạm tội nhỏ cũng có thể bị xử tử.
  Vì nhấn mạnh vào quân đội, phái Pháp gia đời Chiến Quốc đều là những chiến lược gia quân sự, và ngược lại. Lý Lý (hay Lý Khôi), Thương Ưởng đều có cầm quân và viết binh thư và đều thuộc phái pháp gia. Ngô Khởi vừa là chiến lược gia vừa là Pháp gia. Cho nên các học giả về triết học quân sự ở Đài Loan, chẳng hạn như Tăng Quốc Viên, đồng hóa các chiến lược gia cổ thời với Pháp gia. Việc nhấn mạnh vào kỷ luật quân đội, quyền tối thượng và tuyệt đối của cấp chỉ huy, và được quyền mưu mẹo, lừa đảo cả với kẻ thù lẫn với binh sĩ có thể được giải thích như là việc áp dụng các nguyên tắc của Pháp gia.
C.   Tương quan giữa các chư hầu và Lý Thuyết quân sự
  Quan niệm của người Trung Hoa là muốn có thái bình thì toàn thể phải thống nhất dưới sự lãnh đạo của một chính quyền trung ương. Thực vậy, lịch sử đã chứng minh rằng khi chính quyền trung ương sụp đổ, nhiều lãnh tụ địa phương có tham vọng gây chiến để lên ngôi hoàng đế chứ ít có ai chấp nhận thành lập một thể chế chính trị riêng của mình. Vì thế việc các chư hầu thiết lập được một tương quan bền vững là điều rất khó khăn. Biệt lệ duy nhất cho định luật này trong lịch sử Trung Hoa là thời Chiến Quốc, khi đó các chư hầu thành công trong việc hình thành một tương quan bình đẳng giống như nguyên tắc ngoại giao ngày nay.
  Như đã trình bày ở trên, vào thế kỷ thứ 7 trước TL, khi chính quyền trung ương suy yếu, việc phân hóa chính trị của Trung Hoa khiến các bộ tộc ở miền Bắc (và sau cả miền Nam) có cơ hội xâm lấn trung nguyên. Có thời quân rợ đe dọa trực tiếp việc tồn vong của một số nước. Vì an ninh chung, các vương hầu bắt buộc phải tạm thời gác những dị biệt để hình thành một liên minh chống di địch. Tề Hoàn Công, được Tể Tướng Quản Trọng phò tá, đã đạt được bá quyền các nước khác và kêu gọi hợp tác với nhau dưới khẩu hiệu tôn phò vương thất, chống lại hung nô. Ông đã đem quân chinh phạt 28 lần trong thời gian 43 năm trị vì. Để củng cố nghiệp bá, Hoàn Công mời các chư hầu họp thượng đỉnh với nhau 26 lần. Các thỏa ước được ký kết trong đó có khoản các chư hầu thề không xâm lấn lẫn nhau. Hoàn Công sẽ là trọng tài nếu có tranh chấp. Mặc dầu có vài vi phạm, tình hình tương đối ổn định giữa các nước. 
Sau khi ông chết, các nước đánh lẫn nhau để tranh ngôi bá chủ và Tấn Cảnh Công sau cùng thay thế Hoàn Công. Trong thời gian tranh ngôi bá, Cảnh Công khôn ngoan xúi nước này đánh nước kia, tìm những đồng minh và cô lập các kẻ thù và do đó đánh bại từng nước một. Không bị lệ thuộc vào nước nào, năm 546 trước TL, một nước nhỏ là nước Tống đề xướng một hội nghị giữa các nước lớn. Một thỏa ước đa phương và một thệ ước không xâm lăng các nước láng giềng đã đạt được sau nhiều vận động ngầm. Hiệp định đó dọn đường cho một thời gian hòa bình kéo dài hơn 40 năm.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 12:25:18 am »

3.   Ý NIỆM QUỐC PHÒNG VÀ ĐẠI CHIẾN LƯỢC THỜI TIÊN TẦN
 Như đã đề cập trước đây, nhiều cuộc tranh luận về tác giả và thời kỳ soạn thảo được đặt ra cho một số binh thư nói là viết thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Tuy nhiên, hầu hết các học giả nghiên cứu về triết học quân sự của Trung Hoa đều đồng ý trên nguyên tắc rằng Lục Thao, Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã Pháp và Úy Liễu Tử quả thực được sản sinh vào thời Xuân Thu hay Chiến Quốc. Cho nên thảo luận của chúng tôi nơi đây chỉ giới hạn trong những tác phẩm không bị nghi vấn mà thôi. 
Tại Trung Hoa thời cổ, không có một phân định rõ rệt giữa cấp chỉ huy quân sự và quan lại. Những nhà quí tộc làm quan trong thời bình cũng được huấn luyện và giữ nhiệm vụ binh bị trong thời chiến. Người Trung Hoa hãnh diện gọi hệ thống này là Văn Võ Hợp Nhất, có nghĩa là kết hợp giáo dục văn chương với kỹ thuật binh bị chiến đấu. Trong nhiều trường hợp, các sách vở chỉ đề cập sơ lược đến quân sự mà thôi. Tuy nhiên theo quan niệm tân thời, những vấn đề không liên quan đến quân sự được đề cập đến trong sách có thể coi như những quan niệm căn bản của chiến lược quân sự. Hai chương đầu của sách Lục Thao bàn về các đề mục xã hội kinh tế và chính trị và đã được Từ Bội Căn (Xu Peigen) coi như những chiến lược cách mạng hay chiến lược chính trị. Ngô Tử bắt đầu bằng thiên Đồ Quốc (Tuguo) liên quan chính đến nguyên tắc cai trị. Úy Liễu Tử bàn về tương quan giữa hành quân và hệ thống xã hội -chính trị nhiều hơn bất cứ tác giả nào khác. Ông còn để tâm đến cả quản trị thị trường vì điều đó hữu ích cho việc sưu tầm tin tức và kiểm soát các hoạt động kinh tế. Ông viết:
 Nếu người ta bỏ quên quản trị thị trường, thì không thể thắng trận dù cho họ có một lực lượng khéo tổ chức. 
Tôn Tử tập trung chính yếu vào các đề mục quân sự nhưng ông cũng không bỏ qua sự quan trọng của các chiến lược chính trị. Quan niệm quốc phòng và đại chiến lược thảo luận trong các binh thư cổ có thể giản lược như sau: 
A.   Thái độ đối với Chiến Tranh
 Rất ít chiến lược gia Trung Hoa thời cổ chịu đưa ra một định nghĩa về thế nào gọi là chiến tranh trong sách của họ nhưng họ đều quan tâm việc làm sáng tỏ nguyên nhân và mục đích của chiến tranh. Khi thảo luận về các tiết mục này hầu hết đưa ra một thái độ rõ ràng về chiến tranh. 
Dựa vào các động lực dẫn đến chiến tranh, các chiến lược gia Trung Hoa thời cổ chia ra làm hai loại: chiến tranh công chính và chiến tranh không công chính. Chiến tranh công chính có thể chấp nhận, còn không công chính nên tránh.
  Là một nhà cách mạng, Thái Công tin rằng chiến tranh cách mạng chỉ có thể khởi sự khi Trời đã chứng tỏ sự bất bình với một bạo chúa bằng hình thức thiên tai. Nói khác đi, một cuộc dấy loạn chỉ có thể được hợp thức khi chính quyền hết sức áp bức. Ngô Tử liệt kê năm động lực cho phép nhà cầm quyền gây chiến: danh tiếng, lợi điểm, oán thù, rối loạn và đói kém. Dựa trên những đông lực đó, ông tiến xa hơn để xếp loại chiến tranh vào công chính, hung hăng, cuồng nộ, nghịch ngợm và nổi loạn. Chiến tranh để trấn áp bạo quyền hay dẹp loạn là công chính. Các loại khác là không công chính.
  Cũng như Ngô Tử, Úy Liễu Tử được coi như Pháp gia nhưng những quan điểm về chiến tranh của ông lại rút ra từ các nguyên tắc của Khổng giáo.
 Chiến tranh không được dùng để tấn công một quốc gia hiền lương và giết người vô tội ... Chỉ nên dùng để trừng trị những kẻ gây ra tội ác như bạo loạn, tàn độc, chuyên chế và ngăn chặn các hành vi bất chính. Như thế, Úy Liễu Tử cũng chống lại chiến tranh không công chính. 
Về phần Tôn Tử, lý do duy nhất của chiến tranh là Lợi. Ngoài lợi ra, không còn gì khác. Tuy nhiên, thái độ cẩn trọng của ông đối với chiến tranh khiến cho người đọc cảm thấy có sự phân biệt giữa công chính và không công chính trong tư tưởng của ông. Chẳng hạn như ông viết là ”môt quốc gia không nên gây chiến chỉ vì giận dữ, một tướng lãnh không chiến đấu chỉ vì hận thù”4. Vì thế, ”nếu không nguy thì đừng đánh ” (phi nguy bất chiến). Điều đó cho thấy ông chỉ ủng hộ chiến tranh tự vệ và không xâm lăng mà thôi.
4 Nguyên văn: Chủ bất khả dĩ nộ nhi hưng sư, tướng bất khả dĩ uẩn nhi chí chiến, Tôn Tử Binh Pháp, Hỏa Công Thiên
Từ quan niệm về chiến tranh và các mục tiêu của nó, rõ ràng là đa số các chiến lược gia Trung Hoa thời xưa nhìn thấy chiến tranh là phương tiện để gìn giữ công chính và ngăn ngừa không công chính. Phát biểu tiêu biểu có thể rút ra từ Tư Mã Pháp5, vốn được các học giả Trung Hoa coi như mô thức cho các luật lệ quân sự thời cổ chỉ đạo quốc phòng thời Tiên Chu:
 Thời xưa, vua cai trị quốc gia bằng điều nhân trên nguyên tắc của điều nghĩa. Đó là hình thức thông thường. Tuy nhiên, nếu nhân trị không đạt được kết quả thì phải dùng lực. Có thể giết kẻ gây rối loạn và mất an ninh cho quần chúng, cũng có thể tấn công một quốc gia để cứu hay giải phóng nhân dân khỏi ách bạo ngược. Dùng chiến tranh để ngăn ngừa chiến tranh là điều có thể chấp nhận được.6
 Có ba loại chiến tranh công chính tại Trung Hoa thời cổ:
 Loại đầu tiên là chính quyền trung ương khởi binh để trừng trị các chư hầu chống lại triều đình. Đây là hình thức được chấp nhận là công chính trong hệ thống chính trị cổ truyền. 
Loại thứ hai là chiến tranh khởi loạn hay chiến tranh cách mạng, chỉ được coi là công chính khi nhà vua vượt quá giới hạn của người cầm quyền và gây nhiều khổ sở cho dân. Loại chiến tranh này cũng được triết học cổ Trung Hoa ủng hộ. Các Nho gia thường nhắc lại lời Mạnh Tử công chính hóa một cuộc cách mạng và xử tử một vị vua bạo ngược:
Tư Mã Pháp không phải là tên người. Điền Nhương Tư nước Tề thời Xuân Thu được phong chức Tư Mã nên thường gọi là Tư Mã Nhương Tư (lại đừng lầm với Tư Mã Tương Như là một thư sinh có tiếng đàn tuyệt diệu). Tư Mã là chức quan võ trước đời Chu, đời Hán đổi thành Đại Tư Mã là một trong Tam công, trông coi binh mã của một quốc gia (sau đổi thành Binh Bộ Thượng Thư) (Theo Trung Quốc Lịch Sử Từ Điển, Nghiêm Thái Bạch, Hi Đại Thư Cục 1981, Đài Bắc trang 56). Tư Mã Pháp nghĩa là Tư Mã Binh Pháp, tác phẩm do Điền Nhương Tư viết (cũng như Tôn Tử Binh Pháp, Gia Cát Lượng binh pháp ...). Đời sau hay lẫn lộn tưởng Tư Mã Pháp là tên người họ Tư Mã (như Tư Mã Ý). Trong tác phẩm này cũng không phân định rõ rệt, đôi chỗ tưởng như tên người. Để tôn trọng nguyên văn, chúng tôi chỉ dịch theo tác giả 6 Nguyên văn: Cổ giả, dĩ nhân vi bản, dĩ nghĩa trị chi chi vi chính. Chính bất hoạch ý tắc quyền quyền xuất ư chiến, bất xuất ư trung nhân. Thị cố, sát nhân an nhân, sát chi khả dã. Công kỳ quốc, ái kỳ dân, công chi khả dã. Dĩ chiến chỉ chiến, tuy chiến khả dã. (Tư Mã Pháp quyển thượng, Nhân Bản thiên)
Kẻ nào làm mất đức nhân là kẻ trộm cướp, kẻ nào làm mất đức nghĩa là kẻ tàn bạo. Tặc và tàn chỉ là dung phu. Tôi nghe nói có giết một kẻ tên là Trụ, nhưng tôi không nghe nói giết vua.7
 Loại thứ ba là chiến tranh khởi đầu bởi một chư hầu chống lại một chư hầu khác. Hiện tượng đặc biệt này xảy ra khi thiên tử vô cùng suy yếu. Dù như vậy, vẫn bị ảnh hưởng bởi quan niệm chính trị cổ nên các chiến lược gia quân sự cũng gắn liền với nguyên tắc công chính. Tuy nhiên các chiến lược gia thời đại này cũng thận trọng vì ảnh hưởng quan niệm chung của các triết gia là chống chiến tranh. Tôn Tử, như đã đề cập ở trên, cảnh cáo các nhà cai trị là ”không nguy hiểm thì đừng gây chiến”. Ngô Tử nói với Văn Hầu là ”có vua Hữu Hỗ (Yu Hu) chỉ thị vào sức mạnh quân sự nên bị mất ngôi”8. Ông cũng nói là ”thắng trận thì dễ nhưng giữ được cái kết quả của sự thắng trận mới là khó” 9. Cho nên bậc quân vương không nên gây chiến chỉ để vui chơi. Úy Liễu Tử cũng có một triết lý tương tự là chiến tranh không thể chi phí bằng tiền của nhân dân chỉ để cho vua thỏa mãn cái tư tâm của mình. Ông chỉ đồng ý với chiến tranh tự vệ mà thôi. 
Khi cần phải sử dụng võ lực, chúng ta không nên khởi chiến mà chỉ phản công khi kẻ địch đã động binh. Thế nhưng dù không gây chiến cũng phải chuẫn bị sẵn sàng để chiến đấu tự vệ.
Tư tưởng biện minh cho thái độ này cũng tìm thấy trong Tư Mã Pháp như sau:
Nước lớn mà ham chiến tranh cũng sẽ mất, thiên hạ tuy yên mà không chuẩn bị chiến tranh ắt cũng sẽ nguy10
 7 Nguyên văn: Tặc nhân giả vị chi tặc, tặc nghĩa giả vị chi tàn. Tàn tặc chi nhân, vị chi nhất phu. Văn tru nhất phu Trụ hĩ, vị văn thí quân dã. (Mạnh Tử, Lương Huệ Vương hạ)
8 Nguyên văn: Hữu Hỗ thị chi quân, thị chúng hiếu dũng, dĩ táng kỳ xã tắc, (Ngô Tử binh pháp, Đồ quốc thiên)
9 Nguyên văn: Nhiên chiến thắng dị, thủ thắng nan
10Nguyên văn: Cố quốc tuy đại, hiếu chiến tất vong. Thiên hạ tuy an, vong chiến tất nguy. (Tư Mã Pháp, Nhân Bản thiên)
Triết học đó đã ảnh hưởng rất lớn đến thái độ của người Trung Hoa về chiến tranh. Thái độ đó còn tồn tại đến ngày nay. 
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM