Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 10:51:16 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ngọn lửa chiến tranh lạnh - Tập 1  (Đọc 157023 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #320 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:27:01 am »

VII. CẦU MONG HÒA BÌNH CỦA "CHÚ EM" THẤT BẠI
Khơrútsốp bị hạ bệ, tạo cơ hội cho chuyến thăm này

Sau khi long trọng tổ chức lễ mừng thọ 70 tuổi được ít lâu, Khơrútsốp đi nghỉ ở một nơi phong cảnh tuyệt vời, khí hậu trong lành, đó là Sôchi ở Crưm. Nhưng sự đời thay đổi, đồng sự của ông ở điện Kremli đột nhiên cho chuyên cơ đến đón ông về Mátxcơva và tước bỏ hết mọi chức vụ Đảng, chính quyền, chuyện này nhanh chóng trở thành sự kiện quốc tế chú ý.

Sáng sớm ngày 16 tháng 10 năm 1964, để kịp thông báo với Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi công bố tin này, Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc, Sécvônenkô khẩn cấp xin gặp Thứ trưởng Bộ liên lạc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Ngũ Tu Quyền. Ông nói, ngày 14 tháng 10 năm 1964, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô căn cứ vào tuổi tác và tình hình sức khỏe của Khơrútsốp và theo đề nghị của ông ta, đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, bầu Bơrêgiơnép làm Bí thư thứ nhất; ngày 15 tháng 10, Đoàn Chủ tịch Xô viết tối cao Liên Xô họp, quyết định miễn nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của Khơrútsốp, bổ nhiệm Côsưghin giữ cương vị này.

Cũng rất thú vị là đúng vào ngày 16 tháng 10 khi hãng TASS công bố Khơrútsốp bị hạ bệ thì Tân Hoa Xã cũng đưa tin Trung Quốc cho nổ thành công quả bom nguyên tử đầu tiên. Đây hoàn toàn là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Vậy mà có người lại nói, Trung Quốc cố tình chọn ngày hôm đó để thử bom hạt nhân, điều này dĩ nhiên là đoán mò.

Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô rút cục vì sao tước bỏ chức vụ của Khơrútsốp? Chính sách của những người lãnh đạo mới Bơrêgiơnép, Côsưghin liệu có khác gì ông ta? Mọi người cứ phải suy đoán. Về việc Khơrútsốp bị hạ bệ có ba ý kiến: Một là, do chính sách đối nội và đối ngoại của ông ta thất bại, khiến cho trong Đảng bất mãn; hai là, vì ông ta chủ quan phiến diện, giản đơn thô bạo; ba là, do cả hai điểm trên.

Về ban lãnh đạo mới của Liên Xô cũng có ba dự đoán: một là, thay "thang” mà không thay "thuốc"; hai là “thang” thay rồi "thuốc" cũng sẽ có thể khác đi; ba là có thể còn khó "chơi" hơn so với Khơrútsốp. Theo bạn bè cho biết, căn cứ vào cuộc tiếp xúc của họ mấy tháng trước với Khơrútsốp, Suxlốp, Bơrêgiơnép, Côsưghin, Micôian thì Khơrutsốp tỏ ra “không kiên định", "muốn tìm lối thoát" cho chính sách của mình, còn Suslốp và những người khác tỏ ra kiên định với đường lối hiện hành, có thể vì sợ Khơrútsốp dao động nên đã cách chức ông ta. Muốn hiểu rõ được sự thật, cách duy nhất là phải tiếp xúc trực tiếp với các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #321 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:28:11 am »

Thái độ của Khơrútsốp đối với Trung Quốc vì sao trước tốt sau xấu

Khơrútsốp khi mới lên cầm quyền, đứng trước rất nhiều khó khăn, vị trí chưa vững chắc, cần sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi ấy, ông khá tôn trọng Mao Trạch Đông và Đảng Cộng sản Trung Quốc, cũng khá coi trọng quan hệ Trung-Xô. Mao Trạch Đông lần đầu thăm Liên Xô, Xtalin không ra ga đưa đón. Khơrútsốp lên cầm quyền thì năm sau sang thăm Trung Quốc ngay, đã hội đàm với những nhà lãnh đạo chủ chốt như Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức, đánh giá rất cao cách mạng Trung Quốc, phê bình Xtalin mắc sai lầm sô-vanh chủ nghĩa đối với Trung Quốc, nói rằng Năm nguyên tắc chung sống hòa bình do Đảng Cộng sản Trung Quốc đề xướng có thể coi là cơ sở giải quyết mọi quan hệ giữa các nước. Khi ý kiến bất đồng, cũng có thể bàn bạc hữu nghị. Theo quyết định trước đây, ông ta đã triệt thoái quân đội Liên Xô đóng ở Lữ Thuận, trả lại căn cứ hải quân này cho Trung Quốc và xóa bỏ những hiệp định không phù hợp nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi trước đây còn để lại, cho vay các khoản tiền mới, tăng thêm dự án viện trợ xây dựng, mở rộng quy mô hạng mục viện trợ xây dựng cũ và hợp tác khoa học kỹ thuật song phương, v.v... Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vốn đã rất coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với Liên Xô, nay Khơrútsốp đối xử với thái độ bình đẳng hữu nghị thì dĩ nhiên Trung Quốc càng muốn đối xử hữu nghị với Liên Xô.

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô, Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tuy cảm thấy rất đau lòng và lo lắng trước sai lầm của Khơrútsốp, trong nội bộ đã phê bình thiện chí với ông, nhưng cũng đánh giá đầy đủ mặt tích cực của ông, mong ông sửa chữa sai lầm, đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô, tăng cường đoàn kết Trung-Xô, chống kẻ thù chung, thúc đẩy sự nghiệp tiến bộ của loài người. Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là Mao Trạch Đông đã hết lòng hết sức ủng hộ ông và Liên Xô.

Năm 1957, Mao Trạch Đông lại thăm Liên Xô, chúc mừng kỷ niệm 40 năm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, tham dự Hội nghị quốc tế các Đảng Cộng sản Đảng Công nhân. Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đã kiên trì hiệp thương với lãnh đạo Liên Xô, trao đổi ý kiến hữu nghị với Đảng các nước, cuối cùng đã họp được một Hội nghị đoàn kết, công bố Tuyên ngôn Mátxcơva và Tuyên ngôn hòa bình. Mao Trạch Đông ở Hội nghị này, bằng phương pháp bình đẳng hiệp thương, đã khắc phục được sự bất đồng, tăng cường được đoàn kết, những sự bất đồng về nguyên tắc thì hai bên qua hiệp thương nội bộ để đạt tới nhất trí, những điều tạm thời chưa nhất trí được thì biết chờ đợi hoặc có sự nhân nhượng cần thiết, rất hài lòng và rất lạc quan trước việc Liên Xô phóng thành công vệ tinh vũ trụ và xem thành quả của Hội nghị này như là một mốc son, dùng hình tượng "Gió Đông thổi bạt Gió Tây” để hình dung lực lượng của phe Xã hội chủ nghĩa lớn mạnh hơn hẳn lực lượng phe đế quốc chủ nghĩa.

Điều không may là chuyện vui chẳng kéo dài. Khơrútsốp sau khi đã đứng vững, lập tức quay ngoắt lại rắp tâm tìm cách khống chế Trung Quốc. Tháng 4 năm 1958, Khơrútsốp đòi xây dựng đài phát sóng dài trên đất Trung Quốc, mặc dầu theo ông ta nói quyền sở hữu và quyền sử dụng thuộc chung hai nước; tháng 7 cùng năm, tiếp tục đưa ra yêu cầu quân đội hai nước Trung-Xô trực tiếp bàn bạc xây dựng kế hoạch chuyên môn phù hợp với yêu cầu của Bộ Quốc phòng Liên Xô, cùng tháng đó lại đưa ra yêu cầu cùng Trung Quốc thành lập hạm đội chung, sử dụng cảng của Trung Quốc, với lý do "Liên Xô không có cảng không đóng băng".

Mao Trạch Đông cho rằng Xtalin là người Mác xít vĩ đại, công lớn hơn tội, nhưng rất không hài lòng cách làm sô-vanh nước lớn của ông. Chỉ vì chú ý đến đại cục, Mao Trạch Đông nhiều năm nín nhịn không nói. Những tưởng Khơrútsốp sẽ sửa chữa sai lầm trước đây của Xtalin, nhưng Khơrútsốp lại liên tiếp đưa ra những "đề nghị" trên, mưu toan khống chế Trung Quốc, điều đó khiến ông hết sức phẫn nộ. Mao Trạch Đông từng nghiêm khắc vạch rõ, tại sao cái thứ chủ nghĩa sô-vanh nước lớn của Xtalin lại xuất hiện trở lại, vì sao giúp đỡ Trung Quốc lại chỉ có thể là xây dựng hợp tác xã, xây dựng hạm đội chung, đây rõ ràng là muốn khống chế, muốn thuê mướn. Đưa ra vấn đề mỗi bên sở hữu một nửa, là một vấn đề chính trị. Đã nói tới điều kiện chính trị, thì chỉ một nửa ngón tay cũng không thể được Mao Trạch Đông muốn Iukin, Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc cứ báo cáo trung thực ý kiến của mình cho Khơrútsốp, không cần phải màu mè gì cả, nghe rồi mà Khơrútsốp càng không thích thì ông càng thích. Trước một lập trường nghiêm chỉnh được thể hiện mạnh mẽ như vậy, Khơrútsốp bề ngoài không nói gì, nhưng thực tâm thì đã quyết cứ làm theo cách của mình.

Khơrútsốp còn hăng hái thực hiện đường lối Xô-Mỹ hợp tác làm chúa tể thế giới, và âm mưu lôi kéo Trung Quốc vào quỹ đạo đó. Ngày 23 tháng 8 năm 1958, Trung Quốc pháo kích Kim Môn để trừng phạt quân Tưởng quấy rối đại lục, ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ của nhân dân A Rập. Liên Xô rất không bằng lòng với việc làm này, của Trung Quốc, lo sẽ gây ra xung đột Trung-Mỹ, làm trở ngại cho tiến trình hợp tác Xô Mỹ của họ. Thế là Gờrômưcô lập tức được phái sang thăm Trung Quốc, còn mang theo cả bức ảnh chụp cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mời Mao Trạch Đông và toàn thể Uỷ viên Bộ Chính trị cùng xem, như có ý doạ Trung Quốc. Quan tâm tới vấn đề đoàn kết, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử Trần Nghị thông báo với Gờrômưcô là hai cả hai phía Trung-Mỹ không có ý định đánh nhau mà nếu vạn nhất chiến tranh có nổ ra thì Trung Quốc cũng không lôi kéo Liên Xô vào cuộc. Khi đó họ mới yên tâm, biểu thị thái độ ủng hộ Trung Quốc.

Ngày 20 tháng 6 năm 1959, Liên Xô đơn phương xé bỏ Hiệp định Trung-Xô về kỹ thuật Quốc phòng mới, từ chối không giúp Trung Quốc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Hạ tuần tháng 9 cùng năm, Khơrútsốp sau khi đi thăm Mỹ đã sang Trung Quốc tham dự lễ Quốc khánh. Ngày 2 tháng 10, Trung-Xô tổ chức hội đàm cấp cao, Khơrútsốp đứng ra nói giúp Aixenhao, muốn Trung Quốc thả tên đặc vụ Mỹ đang bị giam giữ, còn kể rằng Lênin trước đây đã từng cho thành lập nước Cộng hòa Viễn Đông ở Xibêri, ám chỉ Trung Quốc cũng có thể để Tưởng Giới Thạch, con người "không tiêu diệt được Đảng Cộng sản thì chết không nhắm mắt" ấy, tạm thời thành lập "nước Cộng hòa Đài Loan”. Điều đó lẽ đương nhiên Trung Quốc từ chối. Sau sự việc này, Mao Trạch Đông nói. họ không chống Mỹ thì chúng ta chống Mỹ; tình thế lúc này, Mỹ buộc chúng ta phải chống, không thể không chống được Các bạn bè bị Mỹ áp bức đòi hỏi chúng ta ủng hộ, chúng ta không thể không ủng hộ.

Khơrútsốp không dừng lại ở đó. Ngày 23 tháng 8 năm 1962, Liên Xô thông báo cho Trung Quốc biết Mỹ đề nghị Liên Xô ký tắt "Hiệp định ngăn chặn phổ biến hạt nhân" và Liên Xô đã trả lời đồng ý. Đây là một sự thoả thuận giữa hai nước nhằm chống lại Trung Quốc, đồng mưu trói chân trói tay Trung Quốc, để họ lũng đoạn vũ khí hạt nhân, hợp tác với nhau làm chúa tể thế giới. Trung Quốc dĩ nhiên không thể đồng ý được. Liên Xô nói, họ có thể bảo vệ Trung Quốc bằng vũ khí hạt nhân của họ. Nếu Trung Quốc chấp nhận thì có nghĩa là phải nghe theo sự điều khiển của họ, bằng không họ sẽ múa may vũ khí hạt nhân trên đầu Trung Quốc. Ngày 25 tháng 7 năm 1963, đúng vào lúc hai Đảng Trung-Xô đang hội đàm ở Mátxcơva, Liên Xô lại một lần nữa chống Trung Quốc, đã ký kết "Điều ước cấm thử vũ khí hạt nhân" âm mưu ngăn chặn Trung Quốc tiến hành thử vũ khí hạt nhân. .

Khơrútsốp vô cùng tức giận vì Trung Quốc dám không nghe theo gậy chỉ huy của ông ta, liền dùng hết cách này đến cách khác gây áp lực với Trung Quốc, hòng buộc Trung Quốc phải khuất phục. Áp lực chính trị không kết quả, liền chuyển sang dùng áp lực kinh tế và áp lực quân sự. Một Đảng Liên Xô không được thì triệu tập Hội nghị quốc tế để vây đánh Trung Quốc; một lần không xong, lại làm tiếp lần thứ hai, quyết tâm phải đạt kỳ được mục đích mới thôi. Chính là do Khơrútsốp liên tục có những hành động thô bạo đã đẩy quan hệ Trung-Xô tới bên bờ vực thẳm của sự tan vỡ, làm cho "Hiệp định hỗ trợ đồng minh hữu nghị Trung-Xô” đi tới chỗ hữu danh vô thực. Giờ đây, Khơrútsốp đã bị hạ bệ, lý ra phải là thời cơ chuyển biến để cải thiện mối quan hệ Trung-Xô.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #322 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:28:56 am »

Nắm chắc thời cơ, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm Liên Xô

Mao Trạch Đông xưa nay coi trọng việc đoàn kết với Liên Xô. Sau khi được tin Khơrútsốp bị hạ bệ, liền lập tức họp Bộ Chính trị, thảo luận xu thế chính trị ở Liên Xô và đối sách của Trung Quốc. Dù chưa hiểu rõ tình hình, nhưng căn cứ vào tình hình quốc tế lúc đó và phương châm nhất quán kiên trì  đoàn kết, chống chia rẽ của Đảng Trung Quốc, Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng nhanh chóng đưa ra quyết sách phải nắm chắc thời cơ Khơrútsốp bị hạ bệ, áp dụng bước đi mạnh mẽ tranh thủ xu thế xoay chuyển quan hệ Trung-Xô.

Ngày 16 tháng 10, Thủ tướng Chu Ân Lai gọi điện thoại cho Dư Trạm Vụ trưởng vụ Liên Xô-Đông Âu Bộ Ngoại giao nói rằng, Chủ tịch Mao Trạch Đông chỉ thị, gửi điện mừng cho ban lãnh đạo mới Liên Xô với liên danh Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai, bày tỏ gửi gắm rất nhiều hy vọng vào họ. Dặn dò Dư Trạm lập tức viết bản thảo trình duyệt. Mao Trạch Đông còn nói, điện mừng phải gửi tới ba người Bơrêgiơnép, Cơsưghin, Micôian. Đây không phải là điện mừng mang tính nghi lễ chung chung, mà là văn kiện quan trọng gửi vào thời điểm quan trọng. Bức điện ngay hôm đó được phó Vụ trưởng vụ Liên Xô Đông Âu Bộ Ngoại giao Từ Minh trao cho Đại sứ Liên Xô ở Trung Quốc Sécvơnenkô, tối hôm đó được phát thanh, ngày hôm sau đăng trên báo. Điện mừng có đoạn: "Chúng tôi chân thành hy vọng nhân dân Liên Xô anh em, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô, từ nay về sau giành được nhiều thành tựu mới trong công cuộc xây dựng và đấu tranh bảo vệ hòa bình thế giới. Chúc hai Đảng, hai nước Trung-Xô đoàn kết lại trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản".

Sau đó, Mao Trạch Đông đề nghị và được Trung ương thảo luận quyết định cử phái đoàn Đảng, Chính phủ do Chu Ân Lai dẫn đầu tới Mátxcơva chúc mừng 47 năm kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Chu Ân Lai nói với Dư Trạm, năm nay không phải là năm làm lễ kỷ niệm lớn, Liên Xô không mời và thực ra Trung Quốc cũng không cần cử đoàn đại biểu đi; nhưng để tìm hiểu chiều hướng thực sự của ban lãnh đạo mới Liên Xô, tìm con đường mới đoàn kết chống kẻ thù, Trung Quốc vẫn quyết định chủ động cử đoàn đại biểu sang Mátxcơva chào mừng, và đề nghị các nước xã hội chủ nghĩa cũng cử phái đoàn Đảng, Chính phủ đi chúc mừng để nhân dịp này tiếp xúc trực tiếp với ban lãnh đạo mới Liên Xô, trao đổi ý kiến. Cho dù chuyến đi này không thu được kết quả như mong muốn, cũng chứng tỏ được thiện chí mưu cầu đoàn kết Trung-Xô, chống kẻ thù. Đây là nước cờ chính trị quan trọng cả thế giới quan tâm.

Chu Ân Lai tranh thủ gặp Đại sứ Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa ở Bắc Kinh, thông báo cho họ về chủ trương Trung ương Đảng và Chính phủ Trung Quốc, nhấn mạnh mục đích của Trung Quốc là tìm kiếm đoàn kết và đề nghị họ báo cáo với Trung ương Đảng và Chính phủ nước mình. Cân nhắc việc Liên Xô đã chủ động cắt đứt quan hệ Đảng và quan hệ Ngoại giao với Anbani, Chu Ân Lai đặc biệt lưu ý giải thích cho họ ý định chủ động sử dụng hành động này của Trung Quốc, phân tích dù cho kết quả của việc làm này thế nào đi nữa đều chỉ cơ lợi và vô hại cho sự nghiệp chung. Ngoài Anbani, Đại sứ các nước Xã hội chủ nghĩa khác đều tỏ ra vui mừng đối với lời nói và sự giải thích của Thủ tướng Chu. Đảng và Chính phủ các nước cũng nhanh chóng trả lời khẳng định về chủ trương của Trung Quốc. Liên Xô cũng nhanh chóng gửi lời mời tới Trung Quốc và các nước anh em khác. Điều đó chứng tỏ đề xướng của Trung Quốc rất phù hợp với lòng người.

Trung ương quyết định, cử phái đoàn Đảng và Chính phủ Trung Quốc do Phó chủ tịch Đảng, Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai làm trưởng đoàn, Uỷ viên thường vụ Bộ chính trị, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Hạ Long làm Phó trưởng đoàn, phái đoàn gồm những người phụ trách các mặt có liên quan như Lưu Hiểu, Ngũ Tu Quyền, Phan Tự Lực, Kiều Quán Hoa, Diêu Tần, Dư Trạm.

Trung ương còn quyết định, tại Bắc Kinh mở rộng quy mô các hoạt động chào mừng kỷ niệm 47 năm Cách mạng Tháng Mười. Ngày 5 tháng 11, Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai liên danh gửi điện mừng tới Ban lãnh đạo mới Liên Xô. Ngày 6 tháng 10, các giới ở thủ đô tổ chức mít tinh chào mừng kỷ niệm 47 năm Cách mạng Tháng Mười. Tại cuộc mít tinh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch hội Hữu nghị Trung-Xô Lưu Ninh Nhất đọc diễn văn. Ngày 7 tháng 11, Phó Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lưu Thiếu Kỳ, Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Đặng Tiểu Bình tham dự buổi chiêu đãi quốc khánh của Sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc. Tại buổi chiêu đãi, Phó Uỷ viên trưởng ủy ban thường trực Quốc hội Bành Chân đọc bài diễn văn chan chứa nhiệt tình. Cùng ngày, "Nhân dân nhật báo” đăng xã luận nhan đề "Đoàn kết dưới ngọn cờ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại".

Ngày 8 tháng 11, "Nhân dân nhật báo" đăng toàn văn báo cáo của Bơrêgiơnép trong mít tinh chào mừng 47 năm Cách mạng Xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại ở Mátxcơva. Không phải vào những năm chẵn (5 năm hoặc 10 năm) mà lễ chào mừng Cách mạng Tháng Mười được tổ chức long trọng như vậy quả là khác thường.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #323 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:30:22 am »

Con đường mới mưu cầu đoàn kết Trung-Xô

Ngày 5 tháng 11 năm 1964, phái đoàn Đảng và Chính phủ Trung Quốc đi chuyên cơ đến Mátxcơva, được các nhà chức trách Liên Xô đo Uỷ viên đoàn Chủ tịch Trung ương Đảng Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Côsưghin dẫn đầu ra sân bay đón tiếp. Tối hôm đó, đoàn nghỉ tại biệt thự của Chính phủ Liên Xô trên đồi Lênin. Đây là một toà kiến trúc không lớn với một vườn hoa nho nhỏ, nơi mà phái đoàn cấp cao Trung Quốc đã ở thời kỳ Khơrútsốp còn cầm quyền.

Cơm chiều xong, mọi người đi dạo trong vườn hoa, thấy khuôn viên vẫn như cũ, chỉ có đổi chủ mà thôi, bất giác thấy hơi bùi ngùi. Có người nhớ tới bài thơ thất ngôn tuyệt cú "Tái du Huyền Đô quán" (thăm lại quán Huyền Đô) của nhà thơ đời Đường Lưu Vũ Tích: "Bách mẫu viên trung bán thị đài. Đào hoa tịnh tận thái hoa khai. Chủng đào đạo sĩ qui hà xứ? Tiền độ Lưu lang kim hựu lai”. (tạm dịch: Vườn trăm mẫu rêu phong một nửa. Hoa đào tàn hết, nở hoa lau. Đạo sĩ trồng đào về đâu tá? Chàng Lưu thuở trước lại về đây), liền đổi từ "Lưu lang” trong bài thơ thành “Chu lang” rồi đọc tặng Thủ tướng Chu Ân Lai. Sau khi về nước, kể lại chuyện này với Mao Trạch Đông, có người bảo gọi Thủ tướng Chu là "Chàng Chu” có phần nào bất kính. Mao Trạch Đông không nghĩ như vậy, ông bảo, vẫn phải là "Chàng Chu” mới hay.

Từ lúc đến biệt thự, Chu Ân Lai không có thời gian dạo chơi với mọi người. Nghỉ ngơi chốc lát, ông bắt đầu tất bật với công việc, ngày đêm liên tục hoạt động. Đến thăm hỏi xã giao các vị lãnh đạo mới Liên Xô và phái đoàn các nước, rồi lại đón tiếp họ tới thăm đáp lễ, tham dự các hoạt động chào mừng, tranh thủ mọi dịp để tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Liên Xô và phái đoàn các nước, tiến hành hội đàm không chính thức và chính thức, tìm hiểu quan điểm của họ, trình bày nguyện vọng đoàn kết chống kẻ thù của Trung Quốc. Cứ khoảng 10 giờ đêm, Chu Ân Lai cùng các đồng chí trong đoàn tập họp ở Đại sứ quán Trung Quốc, trao đổi tình hình, nghiên cứu các hoạt động cho ngày hôm sau, rồi báo cáo xin ý kiến Trung ương. Hàng ngày, cứ 12 giờ đêm ông mời Phó Thủ tướng Hạ Long nghỉ trước vì lý do sức khoẻ không được tốt, còn ông cùng với mọi người tiếp tục làm việc tới 3, 4 giờ sáng hôm sau. Khoảng 7 giờ, ông đã dậy và lại bắt đầu những hoạt động căng thẳng. 

Đông đảo cán bộ và nhân dân Liên Xô hoan nghênh phái đoàn Đảng, Chính phủ Trung Quốc sang thăm vào thời điểm không bình thường này, nhưng cũng dễ thấy họ đều tỏ ra rất thận trọng khi biểu lộ tình cảm. Ngoài những trường hợp vì nhiệm vụ cần có sự tiếp xúc chuyện trò với các đại biểu, nhiều bạn cũ Liên Xô thấy phái đoàn Trung Quốc, thường chỉ chăm chú nhìn và lặng lẽ bày tỏ sự hoan nghênh bằng các kiểu khác nhau. Cũng có người xúc động rơi nước mắt. Có những bạn mới khi tới bắt chuyện với phái đoàn, bày tỏ luyến tiếc tình hữu nghị Trung-Xô trước kia, nhưng nhân viên an ninh Liên xô công nhiên cản trở những cuộc tiếp xúc ấy, buộc họ phải lặng lặng bỏ đi. Phái đoàn Trung Quốc cảm thấy đây là dấu hiệu không lành. Lãnh đạo mới Liên Xô nếu có ý cải thiện quan hệ Trung-Xô, thì làm sao lại thiếu lịch sự như vậy? Sự việc phát triển sau đó, thật không may đã chứng minh sự suy đoán ấy.

Phái đoàn Trung Quốc sau khi đến Liên Xô đã gặp một sự kiện chính trị cực kỳ nghiêm trọng, xảy ra trong tiệc chiêu đãi Quốc khánh Liên Xô tổ chức long trọng ở điện Kremli. Sau khi chào hỏi chuyện trò với lãnh đạo Liên Xô, Thủ tướng Chu Ân Lai đi tới chỗ các nguyên soái Liên Xô tụ tập để chuyện trò với họ. Khi ấy, Malinốpski đi tới, nhìn Thủ tướng Chu rồi nói bậy:

- Đừng để cho Khơrútsốp và Mao Trạch Đông cản trở chúng ta.

Chu Ân Lai lập tức nghiêm sắc mặt quật lại luôn:

- Ông nói láo cái gì thế? - Rồi phẩy tay bỏ đi luôn.

Nhưng Malinốpski cứ như phát rồ phát dại, nói lung tung sau khi Thủ tướng Chu đã bỏ đi:

- Chúng tôi đã hạ bệ Khơrútsốp rồi, bây giờ đến lượt các ông hạ bệ Mao Trạch Đông.

Khi ấy Thủ tướng Chu và người phiên dịch đã đi xa rồi, không nghe thấy nữa. Một phiên dịch khác nghe thấy nhưng cũng không kịp tìm Thủ tướng Chu để báo cáo chuyện ấy. Malinốpski thấy Chu Ân Lai đi rồi, liền tới chỗ Phó Thủ tướng Hạ Long tiếp tục khiêu khích, dùng những lời lẽ thô lỗ khó lọt tai lăng mạ Xtalin và Mao Trạch Đông, rồi nhanh chóng rời phòng tiệc.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #324 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:31:20 am »

Chu Ân Lai sau khi về Sứ quán Trung Quốc, chăm chú nghe báo cáo của mấy người phiên dịch, đối chiếu từng chi tiết và phân tích toàn bộ vụ khiêu khích của Malinốpski, liên hệ tới những hoạt động lật đổ các Đảng anh em của Liên Xô, cho rằng đây quyết không phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà là sự hạ nhục không thể dung thứ đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân Trung Quốc và lãnh tụ Mao Trạch Đông, là ngang nhiên kích động lật đổ lãnh tụ của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, phải nghiêm túc đối phó.

Sáng hôm sau, lãnh đạo mới Liên Xô đến thăm đáp lễ Thủ tướng Chu tại nơi phái đoàn ở. Sau một lúc hàn huyên, Thủ tướng Chu kháng nghị mạnh mẽ về vụ khiêu thích của Malinốpski. Đối phương trả lời:

- Mahnốpski uống rượu đã nói bừa, không đại diện cho Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông ta đã bị Trung ương khiển trách. Chúng tôi xin lỗi các đồng chí Trung Quốc.

Chu Ân Lai nghiêm khắc bác lại:

- Không phải Malinốpski uống rượu rồi nói bừa, mà là mượn rượu để nói ra sự thật. Đây không phải đơn thuần là hành động ngẫu nhiên của một cá nhân, nó phản ánh trong Ban lãnh đạo Liên Xô vẫn có người tiếp tục cách làm của Khơrútsốp, tức là tiến hành lật đổ lãnh đạo Trung Quốc, khuynh hướng tự cho mình là "Đảng bố” vẫn còn tồn tại. Việc hạ nhục đồng chí Mao Trạch Đông, lãnh tụ của nhân dân Trung Quốc và Đảng Trung Quốc trước công chúng và trước phái đoàn Trung Quốc là một thủ đoạn xấu xa mà ngay cả thời Khơrútsốp đương quyền cũng chưa từng sử dụng.

Brêgiơnép:

- Chúng tôi xin lỗi các đồng chí với danh nghĩa Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đó là sự xin lỗi cao cấp hơn sự xin lỗi của Mahnốpski

Pốtgoócnưi chêm vào: 

- Chúng tôi có ranh giới rõ rệt với Malinốpski. 

Chu Ân Lai vạch tiếp:

- Ngày mồng 8, các hãng thông tấn của Mỹ, Pháp, Anh đều đưa tin từ Mátxcơva rằng, các nhân vật quyền uy ở đây nói, Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thoả thuận đòi Mao Trạch Đông rút lui để Chu Ân Lai làm Chủ tịch Đảng. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nếu như trong các nhà lãnh đạo Liên Xô không có tư tưởng ấy, liệu Malinốpski có dám nói năng bậy bạ như vậy không?

Trả lời :

- Malinốpski nói bừa và chúng tôi đã xin lỗi rồi, vấn đề này đề nghị chấm dứt ở đây.

- Chưa chấm dứt được, chúng tôi còn phải nghiên cứu, phải báo cáo với Trung ương - Thủ tướng Chu Ân Lai trả lời.

Brêgiơnép nói:

- Đương nhiên rồi! Đương nhiên rồi!.

Malinốpski trong tiệc chiêu đãi quốc khánh Liên Xô ngang nhiên hô hào lật đổ sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, điều đó không những gây trở ngại nghiêm trọng cho cuộc hội đàm Trung-Xô vẫn chưa chính thức bắt đầu, mà còn gây ra vết thương lâu dài khó bề chữa khỏi trong quan hệ Trung-Xô.

Thủ tướng Chu Ân Lai sớm đã thông báo cho Ban lãnh đạo mới của Liên Xô rằng phía Trung Quốc muốn cùng với họ tiến hành tiếp xúc, trao đổi tình hình, tìm kiếm con đường mới, mưu cầu Trung-Xô đoàn kết chống đế quốc. Nếu Liên Xô thật sự có nguyện vọng cải thiện quan hệ Trung-Xô, thì nhân cơ hội tốt đẹp này, chân thành gặp phía Trung Quốc bày tỏ ý muốn đoàn kết chống kẻ thù của mình, chủ động nói rõ nguyên nhân giải nhiệm chức vụ của Khơrútsốp là vấn đề mà Trung Quốc quan tâm nhất.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #325 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:32:19 am »

Nhưng sự thực lại không như thế. Từ ngày 5 tháng 11 phái đoàn Trung Quốc đến Mátxcơva, tới ngày 9 tháng 11 trước khi hai bên chính thức hội đàm lần thứ nhất, dù Thủ tướng Chu từ nhiều phía, thăm dò các nhà lãnh đạo mới Liên Xô, họ vẫn kín như bưng, không hề hở ra một chút nào.

Hội đàm lần thứ nhất bắt đầu, Chu Ân Lai chính thức nêu ra vấn đề này, Brêgiơnép vẫn không đả động gì, nói có thể lần sau sẽ bàn: “Điều này không trở ngại gì cho việc chúng ta nghiên cứu những biện pháp có tính xây dựng để cải thiện quan hệ Trung-Xô". Ông nói tiếp ngay, "Vấn đề tồn tại giữa chúng ta rất nhiều, hôm nay chỉ nêu một số vấn đề đề nghị bắt đầu thảo luận việc ngừng luận chiến công khai và tìm các giải pháp xoay quanh vấn đề này".

Kỳ thực Liên Xô hiểu rất rõ, gây ra cuộc tranh luận công khai trước tiên không phải ai khác mà chính là Khơrútsốp. Từ năm 1963, tài liệu Liên Xô công khai công kích Trung Quốc tới mấy nghìn bài, tư liệu về việc Liên Xô xúi giục và ép buộc các Đảng anh em khác công kích Trung Quốc càng nhiều vô kể. Cho tới cuộc gặp gỡ cấp cao này, tài liệu của Trung Quốc trả lời việc Liên Xô công kích chưa nhiều. Giờ đây Brêgiơnép lại nêu ra thảo luận về đề nghị ngừng luận chiến công khai, trong khi đối với việc Khơrútsốp đầu tiên gây ra luận chiến công khai, việc Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô công kích Trung Quốc nhiều như vậy, với đề nghị trước đây của Trung Quốc về thôi luận chiến công khai, thì chính ông Brêgiơnép lại né tránh không trả lời gì cả, vậy thì biết thảo luận như thế nào về lời đề nghị mà ông đưa ra nhỉ?

Vì Brêgiơnép dứt khoát không nói nguyên nhân chính trị việc giải nhiệm Khơrútsốp, nghĩ lại, Chu Ân Lai thấy có nêu lại vấn đề này cũng chẳng ích gì, đành tạm gác sang một bên. Nhưng Thủ tướng cũng không chấp nhận đề nghị của Brêgiơnép thảo luận ngừng luận chiến công khai, mà nêu ra vấn đề triệu tập Hội nghị phong trào cộng sản quốc tế, để tìm hiểu xem giữa lãnh đạo mới Liên Xô và Khơrútsốp rút cuộc có gì khác nhau và hy vọng trong vấn đề mấu chốt đã gây ra sự bất đồng nghiêm trọng giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc với Khơrútsốp, liệu có chỗ nào còn lại để có thể thương lượng với ban lãnh mới Liên Xô.

Thủ tướng nói:

- Đồng chí Brêgiơnép trong diễn văn chào mừng Cách mạng tháng Mười có nói, việc triệu tập Hội nghị các Đảng anh em đã chín mùi. Theo chúng tôi, điều kiện đâu đã chín mùi, còn phải sáng tạo thêm nữa.

Brêgiơnép:

- Chỉ có họp mới xóa bỏ được bất đồng, không còn cách nào

Chu Ân Lai hỏi:

- Liệu các đồng chí có lại đưa ra cái Uỷ ban khởi thảo sẽ được triệu tập vào ngày 15 tháng 12 năm nay theo quyết định trước đây của các đồng chí?

Brêgiơnép giọng khẳng định:

- Vẫn Uỷ ban ấy.

Thủ tướng Chu nói:

- Dùng biện pháp hiệp thương các Đảng anh em để tìm kiếm một giải pháp đạt tới mục đích cuối cùng, tức là triệu tập Hội nghị các Đảng anh em, đấy là một chuyện. Còn cứ giữ cái Uỷ ban khởi thảo sẽ triệu tập vào 15 tháng 12 như thông báo trong thư ngày 30 tháng 7 năm 1964 của Trung ương Đảng Liên Xô để chuẩn bị cho Hội nghị các Đảng anh em, trên thực tế đó là mệnh lệnh của Khơrútsốp, đấy là một chuyện khác. Nếu như gắn Hội nghị các Đảng anh em với việc triệu tập uỷ ban khởi thảo theo mệnh lệnh của Khơrútsốp lại với nhau, thì chẳng còn gì để đàm phán nữa. Cho nên vấn đề này vẫn phải trở lại vấn đề Khơrútsốp.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #326 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:33:14 am »

Brêgiơnép nói:

- Họp là nghị quyết của Đảng anh em, là đề nghị, không phải mệnh lệnh.

Thủ tướng Chu Ân Lai bác lại:

- Trong thư Đảng Trung Quốc gửi các đồng chí ngày 30 tháng 8 đã trả lời rồi, Hội nghị các đồng chí triệu tập đó là Hội nghị chia rẽ, chúng tôi chủ trương họp Hội nghị đoàn kết, phản đối họp Hội nghị chia rẽ. Nếu các đồng chí nhất định cứ họp, chúng tôi kiên quyết phản đối, quyết không tham dự. Đó là nghị quyết của Đảng chúng tôi.

Brêgiơnép có ý nói thư trả lời của đảng Trung Quốc gửi cho họ là mệnh lệnh. Thủ tướng Chu lập tức dùng lý lẽ tiếp tục phản bác:

- Thư của chúng tôi là thư trao đổi giữa hai Đảng chúng ta, là đề nghị. Các đồng chí thì do một Đảng quyết định thông báo cho 25 Đảng khác đến dự họp, không đến không được! Cho dù một số Đảng không tham dự cũng cứ họp!. Điều đó không phù hợp nguyện vọng hiệp thương giữa các Đảng anh em, cũng không phù hợp nguyên tắc quan hệ giữa các Đảng anh em trong tuyên bố năm 1960 - Chu Ân Lai nêu tiếp - Chúng tôi biết tin từ nhiều phía, vào ngày 12 tháng 2 năm 1964, Trung ương Đảng Liên Xô đã dấu chúng tôi gửi tới các Đảng anh em một bức thư phản đối Đảng Trung Quốc, kêu gọi "phản kích" Đảng chúng tôi, muốn áp dụng "biện pháp tập thể" đối với chúng tôi.
Tới 30 tháng 7, Khơrútsốp ra thông báo họp. Rõ ràng, đây là Hội nghị chia rẽ nhằm chống lại Đảng Trung Quốc, vậy làm sao lại có thể hy vọng Đảng chúng tôi tham dự được? Tôi được biết cho tới nay, đã có 7 Đảng quyết định không tham dự Hội nghị 15 tháng 12 ấy. Nếu các đồng chí cứ họp, thì đấy là chia rẽ.

Mặc dù Chu Ân Lai đã khuyên họ không nên gắn Hội nghị các Đảng anh em với mệnh lệnh của Khơrútsốp ngày 30 tháng 7 với nhau, nhưng họ dứt khoát không thay đổi. Phía Trung Quốc lại đề nghị một phương thức mới, thông qua hiệp thương hai bên và nhiều bên rồi hãy tiến hành Hội nghị nhưng họ vẫn không nghe theo. Thái độ của họ là kiên quyết không thỏa hiệp, bất chấp cả lẽ phải. Micôian vẫn là người "thẳng thắn", ông ta nói toạc ra:

- Về vấn đề bất đồng với Đảng Trung Quốc, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với Khơrútsốp, chẳng có gì khác cả.

Phát biểu của Micôian cuối cùng đã chứng thực Ban lãnh đạo mới Liên Xô vẫn kiên trì làm theo kiểu Khơrútsốp. Đoàn kết của họ là bắt Trung Quốc hy sinh chủ quyền, thứ đoàn kết phải tuân theo gậy chỉ huy của Ban lãnh đạo Liên Xô. Điều đó không thể nào chấp nhận dược. Chu Ân Lai nói:

- Các đồng chí đã chẳng có gì khác với Khơrútsốp về sự bất đồng Trung-Xô thì chúng ta chẳng còn gì để bàn nữa .

Micôian muốn phân trần, rằng điều ông ta muốn nói là sự bất đồng về tư tưởng. Nhưng họ lại cứ nhấn mạnh "lãnh đạo tập thể", nghị quyết và cương lĩnh của Đảng đều là "tập thể quyết định", không theo cái kiểu của Khơrútsốp, còn giữa họ và Khơrútsốp có cái gì khác biệt thì lại không nói ra được.

Nước cờ cua Chu Ân Lai rất tuyệt. Từ một vấn đề cụ thể là triệu tập Hội nghị các Đảng anh em, cuối cùng cái nút chai mà Ban lãnh đạo mới Liên Xô cố tình ấn chặt đã bị bật tung, phơi bày sự hoàn toàn nhất trí về chính sách chống Trung Quốc của họ và Khơrútsốp. Phát biểu của Brêgiơnép và Micôian cuối cùng đã bịt chặt cửa để tìm con đường mới đoàn kết Trung-Xô chống đế quốc lần này.

Sau cuộc hội đàm này, Thủ tướng Chu Ân Lai và các đồng chí trong phái đoàn tổng hợp nghiên cứu tình hình tiếp xúc và các cuộc trao đổi với lãnh đạo Liên Xô và các Đảng anh em khác mấy hôm trước, đã đưa ra một kết luận đúng: “Tình hình bây giờ đã được làm sáng tỏ, tuy Ban lãnh đạo mới đã giải nhiệm chức vụ của Khơrútsốp, nhưng họ vẫn kiên trì đường lối của Khơrútsốp, tức là họ vẫn làm "bố”, người khác phải làm "con". Vấn đề giải nhiệm Khơrútsốp cũng chẳng nói với chúng ta điều gì cả, chúng ta tiếp tục ở lại đây cũng vô ích, nhưng đối với ý kiến của họ vẫn phải có sự trả lời chính thức. Trong trả lời vẫn phải chừa ra một con đường thông thoát, việc đó là cần thiết đối với hai nước lớn Trung-Xô".
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #327 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:34:06 am »

Phái đoàn còn thảo luận xem có thể cùng với Liên Xô ra thông báo Trung-Xô liên hợp chống đế quốc hay không, kết luận là không thể làm như vậy dược. Vì các nhà lãnh đạo mới Liên Xô, về vấn đề cùng chống đế quốc họ không có hành động thực tế nào, đối với Trung Quốc cũng không chút thỏa hiệp nào, ra một tuyên bố như vậy chỉ giúp cho họ có vốn liếng để tiếp tục đi lừa dối, chứ không thể đạt được mục đích cùng nhau chống đế quốc thật sự. Làm không khéo, có thể còn bị họ đưa vào quỹ đạo Xô Mỹ hợp tác làm chúa tể thế giới, biến thành quân cờ trên bàn cờ của họ.

Trong hội đàm ngày 1 1 tháng 1 1, Chu Ân Lai đã trả lời ý kiến của họ như sau:

- Trong bầu không khí mới, Khơrútsốp bị giải nhiệm, phái đoàn các Đảng anh em, các nước anh em đến Liên Xô chúc mừng ngày lễ, tiến hành tiếp xúc, tìm hiểu tình hình, trao đổi ý kiến, xem xét có thể tìm được con đường mới đoàn kết chống đế quốc hay không, đấy là toàn bộ kế hoạch của phía Trung Quốc. Giờ đây tình hình đã rõ ràng, các đồng chí không có gì khác biệt với Khơrútsốp, do đó rất khó tìm ra tiếng nói chung. Sự khiêu khích của Malinôpski làm cho bầu không khí mới cũng không còn nữa. Bây giờ tôi chính thức có mấy ý kiến: 

Thứ nhất, những mong muốn đã bày tỏ trong điện chúc mừng của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước chúng tôi cũng như trong bài phát biểu chúc mừng của tôi, chúng tôi kiên trì không thay đổi.

Thứ hai, Hội nghị quốc tế các Đảng anh em mà Đảng các đồng chí định tổ chức, tức là Hội nghị bất hợp pháp triệu tập ngày 15 tháng 12, chúng tôi từ chối không tham dự. Nếu các đồng chí cứ họp, đấy là quyền tự do của các đồng chí. Nhưng, chúng tôi khuyên các đồng chí, không nên đi vào ngõ cụt, nên kịp thời dừng lại.

Thứ ba, nếu các đồng chí tiếp tục thi hành đường lối trước đây thì trước khi giải quyết được về cơ bản sự bất đồng về nguyên tắc giữa hai Đảng Trung-Xô, giữa các Đảng anh em, sẽ không bàn gì về việc ngừng luận chiến công khai.

Thủ tướng Chu tiếp tục nói, mặc dù vậy, chúng tôi vẫn mở rộng cửa đối với các Đảng anh em nêu trong Tuyên bố năm 1960, việc tạo ta bầu không khí mới, biện pháp mới, tìm kiếm con đường mới để xác định tiếng nói chung của chúng ta vẫn có điều này đòi hỏi hai bên cố gắng nỗ lực. Nếu vẫn kiên trì không đổi cách làm của Khơrútsốp thì khả năng này không còn nữa.

Các nhà lãnh đạo Liên Xô cố biện bạch cho việc mình phá hoại hội đàm cấp cao này, có ý đẩy trách nhiệm cho phía Trung Quốc, đã bị Chu Ân Lai kiên quyết bác bỏ:

- Thứ nhất, Micôian nói, các đồng chí hoàn toàn nhất trí với Khơrútsốp về sự bất đồng Trung-Xô thì chẳng còn gì để bàn bạc nữa, thứ hai, các đồng chí vẫn chủ trương triệu tập Hội nghị theo thông báo ngày 30 tháng 7, tức là kiên trì thái độ của "đảng bố”; thứ ba, sự khiêu khích của Mahnốpski đã làm hỏng không khí đàm phán.

Ngày 12 tháng 11, hai bên Trung-Xô tổ chức hội đàm lần cuối cùng. Theo chương trình, Brêgiơnép trình bày nguyên nhân Khơrútsốp bị hạ bệ. Quả đúng như dự đoán của Chu Ân Lai, nội dung chăng có gì mới. Để đá quả bóng về phía Trung Quốc, Brêgiơnép đưa ra đề nghị của Trung ương Đảng Liên Xô: chỉ cần phía Trung Quốc chuẩn bị tốt, sẽ tổ chức hội đàm cấp cao hai nước để trao đổi ý kiến về hàng loạt vấn đề, tức là tiến tới từng bước một, khôi phục sự tin cậy giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, giữa Liên Xô và Trung Quốc, tăng cường đoàn kết giữa hai bên. Chu Ân Lai nói sẽ báo cáo Trung ương và để trả lời thẳng vào đề nghị của Liên Xô, ông nhắc lại câu nói hôm trước "cánh cửa của chúng tôi vẫn rộng mở".

Ngày 13 tháng 11, phái đoàn Trung Quốc đi chuyên cơ rời Mátxcơva về nước. Côsưghin trong ô tô trên đường ra sân bay đi tiễn, nói với Chu Ân Lai:

- Chúng tôi và Khơrútsốp vẫn có chỗ khác nhau, nếu không vì sao lại phải miễn nhiệm chức vụ của đồng chí ấy?

Chu Ân Lai hỏi lại:

- Khác nhau ở chỗ nào

Côsưghin vẫn lấp lửng tránh không nói ra.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #328 vào lúc: 26 Tháng Sáu, 2009, 11:35:28 am »

Ý nghĩa trọng đại trong chuyến thăm Liên Xô của Thủ tướng họ Chu

Trong chuyến thăm Liên Xô lần này, Chu Ân Lai đã kiên quyết và mưu trí chấp hành phương châm của Trung ương. Tất nhiên không phải do phía Trung Quốc mà không tìm được con đường mới để Trung-Xô đoàn kết chống kẻ thù, nhưng ý nghĩa lịch sử trọng đại của chuyến thăm này sẽ không bao giờ phai mờ.

Thứ nhất, hiểu được khuynh hướng chính trị của các nhà lãnh đạo mới Liên Xô; làm sáng tỏ lập trường nghiêm chỉnh bảo vệ đoàn kết Trung-Xô của Đảng và Chính phủ Trung Quốc; trao đổi được ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm với người lãnh đạo các nước anh em.
Thứ hai, đã tiến hành đấu tranh kiên quyết, trực diện với nhùng người lãnh đạo mới của Liên Xô để bảo vệ nguyên tắc quan hệ giữa các Đảng anh em, giữa các nước anh em nêu trong Tuyên ngôn năm 1957 và Tuyên bố năm 1960; bảo vệ tình đoàn kết giữa hai Đảng hai nước Trung-Xô, giữa các Đảng các nước anh em.

Thứ ba, bảo vệ sự tôn nghiêm của Đảng Trung Quốc, nước Trung Quốc và quyền độc lập tự chủ của Trung Quốc, bảo vệ Trung ương Đảng đứng đầu là Mao Trạch Đông.

Trong chuyến thăm Liên Xô này, Chu Ân Lai đã vì Đảng vì nhân dân lập nên chiến công mới, giành được sự yêu mến và tôn kính hết lòng của toàn Đảng toàn dân.

Ngày 14 tháng 11, máy bay của Thủ tướng Chu Ân Lai từ từ hạ cánh xuống sân bay Đông Giao Bắc Kinh. Khi Thủ tướng vui vẻ khỏe mạnh bước xuống máy bay đã được các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước: Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Đổng Tất Vũ, Đặng Tiểu Bình, các đảng phái dân chủ cùng hàng nghìn quần chúng các giới Thủ đô nhiệt liệt đón chào. Chu Ân Lai cùng Mao Trạch Đông đi quanh sân bay một vòng vẫy chào quần chúng ra đón tiếp, cùng quân dân Thủ đô chụp ảnh trong tiếng hoan hô, tiếng chiêng trống vang lên rộn rã khắp đất trời.


HẾT TẬP I

Đón xem tiếp tập II
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM